Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Về những Cánh Bằng đã ra đi.... Tản mạn về những con số 10, 20...

Collapse
X

Về những Cánh Bằng đã ra đi.... Tản mạn về những con số 10, 20...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Về những Cánh Bằng đã ra đi.... Tản mạn về những con số 10, 20...


    Mùa Thu thường gợi nhớ cho ta một điều gì. Thi nhân thường nghĩ đến màu vàng úa của những chiếc lá thu ươm đầy trong những vần thơ trác tuyệt, nhạc sĩ nghe tiếng chân xào xạc của người hay thú rừng dẫm lên lớp lá rừng rơi đầy trên lối mà cứ ngỡ là tiếng thu vọng về trong từng nốt nhạc. Tôi không phải là thi sĩ hay nhạc sĩ, chỉ là một chút suy niệm đến kiếp nhân sinh trong lứa tuổi về chiều, tuổi mùa thu, tuổi héo úa, tuổi bắt đầu tàn tạ và... tàn đời.

    Thật vậy, mùa thu dường như đang bên khung cửa kiếp người trên dưới 60 của bạn bè tôi, một số lá vàng lìa cành bất chợt trong nỗi bàng hoàng của người ở lại. Điểm qua số bạn bè ra đi trong vài tháng qua, tôi chợt thảng thốt vì toàn là những đấng mày râu ngang tàng một thuở, bỗng dưng ngã lăn ra đi vào vùng miên viễn: một Trần Chung Thanh 72A vừa ra đi tháng trước, rồi Trần Thanh Thế 72F (khóa 3 HTTT) đột ngột từ giã gia đình bạn bè sau khi vừa làm đám cưới cho con trai đầu năm nay, và mới nhất là tin sét đánh Lâm Quang Thanh Hương 72E cũng ra đi bất chợt. Bất ngờ và xúc động như lúc nhận tin Trần Tiến Lộc 72H gãy cánh dưới chân đèo Hải Vân 38 năm trước đây. Bất chợt vì chưa ai sẵn sàng hay chưa muốn nghĩ đến chuyện chung sự trong lứa tuổi lục tuần. Ngày xưa trong hoàn cảnh mà "thất thập cổ lai hy" thì tuổi 60 cũng tạm gọi là lão làng, hưởng thọ. Xã hội mỗi ngày một tân tiến hơn, cuộc sống cũng dài ra, ở cái tuổi "30 mà ngỡ như trẻ thơ" thì "60 cũng mới chỉ là trưởng thành", tôi nhận ra điều nầy qua sự lạc quan hàng ngày của bạn bè, qua thư từ, qua hình ảnh vui nhộn dù ai nấy trên đầu đều đã hai màu tóc. Có lẽ trong cùng một lứa tuổi, người ta khó nhận diện ra sự khác biệt của màu thời gian trên con người, chỉ khi người ta đứng gần một người trẻ thì sự cách biệt mới rõ nét chăng?


    Thủ bút của Trần Chung Thanh

    Tôi biết Trần Chung Thanh vào năm 2002 nhân dịp Hội Ngộ LK kỳ 1 tại Cali, trong một ngày picnic cuối mùa cuộc hội ngộ, anh ngồi bên mấy thùng sách "Không Gian Hằn Nỗi Nhớ" vừa in xong mà anh là Chủ Biên, vừa vui vẻ trò chuyện, vừa ký tên lưu niệm vào quyển sách, vừa thu tiền. Tôi vừa mua xong một quyển, ông bạn Cá Lóc của tôi mua thêm một tặng kỷ niệm, tôi nhờ Thanh viết ít dòng vào trang sách như món quà của 2 người bạn: Thanh và Trung Nghĩa. Nhớ anh dáng người bặt thiệp, vui vẻ, trẻ trung, dễ mến, thế mà đã 10 năm rồi, đọc tin anh ra đi mà nhớ như in hình ảnh lúc ấy. Với Trần Thanh Thế thì nhiều gắn bó hơn vì cùng khóa 3 HTTT và về cùng Phi Đoàn 213, ngang dọc vùng 1 từ Sa Quỳnh cực Nam đến Quảng Trị phía Bắc, những lần biệt phái Phú Bài, nghỉ trưa Mang Cá hay lang thang trong thành Nội Huế, hoặc theo phi đội biệt phái về Chu Lai, Quảng Ngãi. Thế ít nói nhưng có giọng cười và đôi mắt thật ngạo đời, mỗi câu nói làm người nghe hoặc phải ôm bụng cười hoặc cảm thấy đau điếng. Riêng Lâm Quang Thanh Hương thì tôi nhớ kỹ nhất vì sức vóc khỏe mạnh và nét mặt dễ nhớ, người hiền lành, luôn từ tốn với bạn bè.
    Và còn bao nhiêu người nữa trong lứa tuổi đã ra đi bất chợt...


    Trở lại khoảng những năm 1952, 1953, 1954 một lớp trẻ được sinh ra trong thời buổi nhiễu dương đất nước, mốc thời gian là lúc VN sắp hay đang bị chia đôi. Một số ít trong thế hệ nầy đang là những chàng SVSQ Không Quân Liên Khóa 72-74 hiện tại, tuổi đang hay xấp xỉ 60. Trong xã hội đương đại, tuổi 60 được xem là tuổi sung sướng nhất, tuổi đang chuẩn bị về hưu. Chừng tuổi nầy mà làm trong xưởng thì thuộc hạng lão làng nên công việc nặng nề đều dồn cho đám trẻ, có khi cả ngày lang thang trong hãng chờ đến giờ bấm thẻ ra về, ở nhà thì có con cháu lo toan mọi việc, than thở rên rỉ chút ít là vợ con lo cuống quít lên, bác sĩ tranh nhau khám bệnh. Ở Pháp trước đây tuổi hưu là 60, sau ông Sarkozy thấy mấy lão vẫn còn "sung" quá (như phe Tây tôi biết có lão Alain Delon, thần tượng của quý bà vào những năm 60, 70, đã 61 tuổi vẫn còn có con non, phe ta thì có bác Sơn Dương tuổi 55 mới bắt đầu lập gia đình và cho sinh liền 2 quý tử) bèn tăng tuổi hưu lên 62 làm xã hội Pháp một thời bị loạn lên vì những cuộc biểu tình phản đối của quý cụ. Nghe nói ông Tổng Thống mới của Pháp Hollande muốn quay trở lại 60 như trước cho các cụ được nhờ. Ở Đức thì thê thảm hơn, nghe nói tuổi hưu trước đây là 65 nay được tăng lên 67 (Đức lúc nào cũng đi làm lâu hơn Pháp 5 tuổi tính đến khi về hưu, đúng là thứ dân cần kiệm, tham công tiếc việc, quen sống theo kiểu kẻ chiến bại thế chiến thứ 2). Hậu quả là nhiều cụ vừa nghỉ một vài năm thì "ngũm củ tỏi", tiền hưu được vợ lãnh ra xài giùm. Tôi có một anh bạn thân đang sống ở Đức, trước đây trong lúc chiến tranh VN được gia đình khai nhỏ đi 2 tuổi để tránh lệnh động viên, và con đường học vấn được tiếp tục suôn sẻ, ra trường đi dạy học trong niềm tự hào của ông bố. Thời thế đổi thay, hắn ta cũng xuống tàu vượt biên và giờ đây trong luật hưu mới của Đức, anh phải làm thêm 2 năm phụ trội tức đến tuổi 69 tính theo tuổi thiệt để có thể lãnh tiền hưu, nếu anh còn... bò tới nổi.

    Tôi cảm nhận được tâm trạng hoang mang, hốt hoảng, tinh thần bất ổn của số đông bạn bè mỗi khi nhận được tin một người bạn cùng trang lứa ra đi qua những bức thư an ủi dành cho... người ở lại nhiều hơn là người ra đi. Tuổi xế chiều qua bao lăn lóc, bầm dập của cuộc đời, ai mà không mang trong người chút thương tích, từ thể xác đến tâm hồn. Những email về dưỡng sinh, bài thuốc dân tộc trị bách bệnh, những lời khuyên luyện tập thân thể cường tráng... lại được gởi cho nhau tới tấp như một nhắc nhở. Người nhận thì thầm cám ơn bạn bè và đôi khi cũng kín đáo làm theo như một cố gắng tuyệt vọng, hy vọng có thể điều chỉnh lại chỉ số thọ của mình, trước cặp mắt ngạc nhiên của vợ con. Tôi không có ý bài bác hay chế diễu những cố gắng nầy bởi mọi phương pháp sống lành mạnh, dưỡng sinh hợp lý đều có ít nhiều ưu điểm, nhất là cho những người tuổi cao. Nhưng liệu có cần phải hoảng hốt hay tuyệt vọng thay đổi những thói quen từ hơn nữa đời người gắn bó trong mỗi con người hay không. Tâm lý ai cũng muốn sống lâu cùng gia đình con cháu, vui vẻ cùng bạn bè, nếu cái đích cuộc đời là 70, ta sẽ còn 10 năm, may mắn hơn đến đoạn đường 80 khúc khuỷu thì còn tới 20 năm lận (con số 90 thì xưa nay vốn hiếm), sợ chăng? Có lẽ đến tuổi nầy người ta mới cảm nhận được câu "thời gian như bóng câu qua cửa sổ". Tôi không dám có một lời khuyên hay đưa ra một đáp số nào cho hành trình vượt qua khoảng thời gian còn lại, bởi mỗi người một hoàn cảnh, anh bị máu đường phải biết mình cần chú ý và kiêng cữ điều gì, anh bị loạn mạch tim tốt nhất là đừng đụng những thứ kích thích tim nhiều như rượu, cafe mà bác sĩ thường khuyên, bị phổi thì ngưng hút... đó là những phương cách hỗ trợ trị liệu cần thiết. Tôi đọc một email của một người bạn cùng khóa tỏ lòng cám ơn và cảm kích tấm lòng vàng của bạn bè đóng góp chia xẻ cùng với gia đình người bạn vừa quá vãng mà cảm thấy xúc động "...tôi chỉ cảm thấy tiếc là không biết bạn mình mắc bệnh nan y đã lâu.... phải chi có sự giúp đỡ của tât cả chúng ta từ trước, biết đâu.....!!!". Chúng ta là thế, nam nhi đại trượng phu, chảy máu chứ không chảy nước mắt, thà về nhà nằm oằn oại trên giường chứ không hề hở môi than van trách phận, lại càng không muốn làm phiền gia đình, bạn bè. Đến khi đã muộn thì chỉ còn nước... trời cứu. Trong trường hợp trên, nếu phát hiện kịp thời và chữa trị, biết đâu chừng sẽ giúp bạn mình qua cơn bệnh ngặt.
    Mười năm hay 20 năm lẻ, dài ngắn tùy thuộc chỉ số Phòng Quản Trị Nhân Viên Bộ Tư Lệnh Vùng 5, hãy sống như đã từng sống qua, 60 mươi năm cuộc đời còn đi qua cái rụp, sá gì chút đường còn lại. Nếu trong cuộc đời còn những ước mơ chưa đạt, hãy thực hiện nếu có thể. Nếu chúng ta chưa chuẩn bị hành trang cho cuộc vượt đèo 20 năm cuối, có lẽ đã đến lúc cần nghĩ đến và từ từ chuẩn bị, tránh cho bạn bè và người thân cảm giác hụt hẫng, hốt hoảng hay đơn độc.
    Tất cả rồi cũng chỉ là hư không... Các bạn ơi, hãy sống vui nhưng không vội, sống lành mạnh nhưng không khổ hạnh, biết đâu chừng sự lạc quan và tự nhiên có thể giúp chúng ta nhiều hơn là mười liều thuốc bổ.

    Tháng 11.2012
    Xúc cảm về những Cánh Bằng đã ra đi....
    Last edited by Phòng Trực; 11-15-2012, 04:55 PM.

  • #2
    NT chimtroi tản mạn, nghe buồn man mác, nhớ ngày nào ngồi cùng TRẦN THANH THẾ 72F, vậy mà hôm nay... Cám ơn chimtroi đã khuyên "Các bạn ơi, hãy sống vui nhưng không vội, sống lành mạnh nhưng không khổ hạnh, biết đâu chừng sự lạc quan và tự nhiên có thể giúp chúng ta nhiều hơn là mười liều thuốc bổ."
    Last edited by khongquan2; 11-20-2012, 04:23 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X