Thông báo

Collapse
No announcement yet.

"Cơn hồng thủy" Vườn Đào - Mỹ Phước Tây

Collapse
X

"Cơn hồng thủy" Vườn Đào - Mỹ Phước Tây

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • "Cơn hồng thủy" Vườn Đào - Mỹ Phước Tây

    Đào Viên kết Nghĩa


    Nhìn cảnh ngập lụt tại Hà Nội vào những ngày tháng 10 vừa qua, chợt chạnh lòng nhớ đến những ngày lũ lụt trong trại "cải tạo" Vườn Đào (Mỹ Phước Tây) thuộc Cai Lậy, Tiền Giang vào những ngày Thu năm 1978. Những khốn khổ của các tù cải tạo Vườn Đào so với Hà Nội bây giờ thật gấp trăm gấp ngàn lần. Dù sao cũng xin chia buồn cùng các nạn nhân của cơn lụt Hà Nội, những người dân đen lam lũ.
    Xin ghi lại đây một chút ký ức về những ngày lụt lội Vườn Đào. Nhưng trước khi nói về cơn ngập lụt nhớ đời nầy, xin phép dài dòng một chút về trại cải tạo Vườn Đào .

    Trại "cải tạo" Vườn Đào

    Chuyện kể về những người Sĩ Quan QLVNCH trình diện "cải tạo" trong các tỉnh vùng 4 Chiến Thuật VNCH (tức quân khu 9 VC sau nầy). Sau khi được đưa đi lao động khắp nơi trong các tỉnh miền Tây thuộc vùng Đồng Tháp, Cà Mau . . ., đến khoảng đầu năm 1978 tất cả được gom về Trại Vườn Đào xã Mỹ Phước Tây vì chiến sự giữa VC và Kampuchia ở vùng biên giới đang bộc phát dữ dội cũng như chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung cộng đang xảy ra .
    Từ chợ Cai Lậy (Tiền Giang) theo con lộ chính dọc theo kinh Cai Lậy đi vào hướng Mộc Hoá, qua chợ Mỹ Phước Tây một đoạn đường, khách ngồi trên xe đò hay dưới ghe chạy vào Mộc Hoá sẽ thấy về phía trái, những dãy nhà dài lụp xụp lợp lá chạy dài san sát bên cạnh những mương nước sâu, xung quanh bao bọc bởi những hàng kẽm gai chằng chịt . Ngoại trừ hai hàng cây mọc lưa thưa hai bên bờ kinh bên phải con lộ đá, trại như nằm giữa bốn phía là cánh đồng năng dài bất tận của vùng Đồng Tháp Mười, nghe các đàn anh đã từng hoạt động trong vùng cho biết, một hướng chạy dài đến Long An, một hướng đi sâu vào vùng Mộc Hoá Kiến Tường, còn phía sau trại nhìn ra thẳng cánh cò bay hình như dài đến miệt Cao Lãnh . Như vậy trại Vườn Đào thuộc về khu Đồng Tháp nhưng còn nằm trong khu vực ven đồng . Đến trại vào mùa khô, nhìn xung quanh một màu vàng nâu của đất phèn và cỏ năng khô cháy, tôi không thể hình dung nỗi nơi đây là miệt Đồng Tháp trong sách vở . Không biết tên "Vườn Đào" từ đâu ra, có người nói nơi đây trước kia là một vườn đào nhưng xem ra không vững vì đất đai phèn chua nước đọng ở khu nầy chỉ có thể thích hợp cho cỏ năng và cây . . . trâm bầu.
    Nhìn từ bên ngoài đâu ai có thể ngờ một khu nhà lụp sụp như thể lại là nơi chứa hàng ngàn Sĩ quan QLVN CH từ cấp Trung Tá trở xuống, những người đã qua bao năm đi lao động "cải tạo" khắp các tỉnh miền Tây bị gom về đây cũng như những vị cấp Tá qua bao nhiêu lần sàng lọc còn sót lại trên quê hương vùng 4 chiến thuật nầy .

    Từ con đường chính ngoài lộ đi vào, qua chiếc cổng tam quan mang hàng chữ đỏ "Liên trại 3" thần bí, đầu tiên bên phải là căn nhà lá rộng dùng làm nơi "thăm nuôi" của tù cải tạo, tiếp đến hai bên đường là khu làm việc và ăn ở của ban quản giáo. Trưởng trại là thiếu tá VC Trần Thâu, chính ủy là đại úy Minh (ba Minh). Vào đến cổng chính của trại, một con đường rộng cắt ngang chạy dài bao bọc khu trại mênh mông, đây là ranh giới của tù nhân và quản giáo, như một vòng đai bảo vệ, phía bên trong trại được rào kỹ lưỡng, bên ngoài dành cho đám vệ binh đi tuần tra canh gác ban đêm, đèn điện ngang dọc khắp nơi . Từ cổng nầy vào, bên trái là "căn tin" nơi các đội có thể đặt mua rau cải thịt thà linh tinh hay phân phối nhu yếu phẩm . Vào trong một chút là khu sân rộng với hội trường liên trại nằm dài bên phía phải. Trại được xây cất từ khi nào không rõ nhưng mái lá đã cũ, cất đơn sơ, vách lá hầu như bị tù nhân gở trống nhằm nới rộng chiều dài chiếc chiếu nằm vốn khoảng 9 tấc bề ngang, thường dùng làm nơi nấu nướng linh tinh hay chụm nhau tán dóc. Mỗi nhà nằm cách nhau một khoảng mương rộng do lấy đất làm nền nhà tạo nên . Một Nhà cầu liên đội nằm bên ngoài vòng đai phía sau trại, cất trên một dãy ao cá vồ, là tài sản quý giá của ban quản giáo, ban đêm cửa rào đóng lại, ai muốn đi phải xin phép vệ binh .
    Xin kể về đội 2 Liên đội 3. Là một trong những đội lao động chủ lực cho những công tác liên trại trong khu vực Vườn Đào gồm các SQ từ cấp Đại uý trở xuống, chiếm 2 dãy nhà dài về phiá phải của của trại bắt đầu từ Hội trường Liên trại .
    Đội 2 được chia làm 7 tổ trong đó tổ 1 gồm các vị cấp Đại Uý từ vùng Rạch Giá Cà Mau về, tổ trưởng là đ/u Ẩn (bảy Ẩn) rất vui tánh. Nhà kế bên đầu tiên là tổ nhà bếp và hậu cần do anh Nhủ (hai Nhũ) làm tổ trưởng . Trong nhóm trẻ của tổ nầy có thiếu uý Huỳnh Trung Thệ, một người làm việc rất siêng năng, tánh tình điềm đạm anh em rất quí mến. Cho đến khi anh trốn trại. Chuyện anh Thệ trốn trại cũng khá ly kỳ như câu chuyện phim "the sound of music" trong đoạn kết, lúc viên đại úy người Áo cùng gia đình trốn bọn Đức Quốc Xã chạy sang Thụy Sĩ. Anh Thệ là một trong những tay múa lân hàng đầu của trại. Vào dịp Tết Nguyên Đán 1979 trại tổ chức văn nghệ mừng Xuân rất linh đình, các tay văn nghệ thi nhau trình diễn. Ca nhạc, các màn hợp xướng qui mô, cải lương đều có đủ, cải lương thiếu đào hát thì có mấy anh trẻ đẹp trai giả gái trông... phát mê, hát vọng cổ cũng rất "tới". Và dĩ nhiên là không thiếu màn múa lân. Lân múa hay quá đến nổi ban quản giáo bèn nghĩ cách cho dân chúng xem. Đầu Xuân 1979, toán Lân của anh Thệ được ban quản giáo cùng vệ binh chở ra chợ Mỹ Phước Tây múa giúp vui cho dân chúng. Có lẽ đây là lần đầu tiên một nơi hẻo lánh nầy người dân được xem màn múa lân hấp dẫn đến thế. Mọi người say mê theo dõi từng động tác của Lân, cổ võ nồng nhiệt, kể cả đám vệ binh. Đến khi tàn cuộc kiểm lại thì thiếu anh Thệ. Mấy ai hiểu được chí cả của đại bàng, anh đã âm thầm chuẩn bị việc trốn trại nầy từ lâu. Khi cơ hội đến, trong lúc mọi người đang tập trung chú ý đoàn múa Lân, anh lặng lẽ lên chiếc Honda chờ sẵn "dzọt" êm về Cai Lậy, sau đó thì mất tăm tích. Anh Thệ vượt biên bằng tàu vào khoảng năm 1979, trên đường đi tàu gặp hải tặc Thái tấn công, anh "xơi tái" cả đám hải tặc trên tàu bằng vũ khí mang theo. Khi đến được Mã Lai, anh Thệ bị bắt đưa ra toà và phải ngồi tù mấy năm, sau đó được Đức nhận cho định cư tại đây . Cũng trong tổ hậu cần, một số người được ban quản giáo rất tin tưởng giao nhiệm vụ đi mua thực phẩm hàng ngày bên ngoài, ngoài ra còn có những người trong ban phát thanh trại, hàng ngày viết những bài phê bình, lý luận học tập rất "tiến bộ" để phát thanh trong hệ thống loa của trại như Hồ Phước Hiến ( Mỹ Tho) hay Phạm Hồng Ân (Qui Nhơn, tác giả bài vọng cổ "nghe tin em vào đại học" ra rã hàng ngày) mà mấy ai có thể quên . . .
    Dân Không quân trong đội 2 nầy có đại uý Mai Thế Nghiêm (tự ba Kế), Phi đoàn 213 Đà Nẳng (anh Nghiêm nguyên là SQ từ bộ binh sang KQ nên dù mang lon đ/u vẫn còn là co-pilot trực thăng), tr/u Âu Hữu Khánh phi đoàn 239 Đà Nẳng (ngày 30.4.75 anh Khánh đã ra đến Phú Quốc rồi lại bay trở về vì không nở bỏ bà mẹ già ở lại), cùng khoá với anh Khánh có tr/u Thành cũng là dân trực thăng, thiếu uý Trần Bá Nhân (Không Phi Hành, em của chuẩn tướng Trần Bá Di) trước phục vụ tại Đoàn SVSQKQ Nha Trang, th/u Văn (trực thăng).... Ngoài ra nhà bên cạnh có trung uý Nguyễn Văn Liêm, người Cần Thơ, bay quan sát tại Đà Nẳng, và một số anh em thuộc A-37. Vì là dân KQ, anh em chúng tôi thường hay gặp nhau uống trà tán dóc vào buổi tối. Vào giữa năm 1979 đội 2 lại có thêm hai người vượt trại thành công là th/u Ẩn và th/u Sos Của. Câu chuyện cũng một thời làm xôn xao cả trại vì chuyện trốn trại ở đây khó có thể xảy ra khi bốn bề chỉ toàn đồng trống. Cũng vì địa hình như thế nên bọn quản giáo khá chủ quan . Sau khi phát hiện ra vụ trốn trại, bọn vệ binh lùng sục khắp nơi, chạy theo hướng Mỹ Phước Tây, Cai Lậy là đường thoát chính nhanh nhất để về các tỉnh. Sau nầy khi ra trại, trong dịp tình cờ tôi có gặp lại anh Của tại SG và anh kể lại câu chuyện trốn trại nầy . Anh cho biết lợi dụng lúc đi lao động trên con đường tỉnh lộ trước trại hai anh đã nhảy tót lên xe đò đi về hướng Mộc Hoá để đánh lạc hướng bọn quản giáo và từ đó đi ghe về Long An một cách êm thắm. Cũng trong khoảng thời gian 1978 nầy, bọn quản giáo đã ám hại đại uý Quách Dược Thanh mà báo chí hải ngoại đã có nhiều bài viết.

    "Bài thơ Vườn Đào" sáng tác trong lúc nầy diễn tả it nhiều tâm sự bi ai :

    Xưa Đào Viên chốn anh hùng kết nghĩa
    Nay Vườn Đào nơi Cải Tạo lưu danh
    Như sóng Cửu Long đầy ắp ân tình
    Tình chiến hữu vẫn bền trong gian khổ.

    Vườn Đào đây anh hùng hội ngộ
    Mỹ Phước Tây đất lạ người thưa
    Chân chưa quen Đồng Tháp một lần
    Giờ ngang dọc mùi phèn chua vương tóc .

    Chiều nhớ em bên hàng rào dây thép
    Những cuộn dây xóay chặt tim anh
    Bao Thu qua thời gian như bất tận
    Bóng đêm sâu hun hút mịt lối về.

    Ôi hạnh phúc trong em còn bở ngỡ
    Mà anh còn gì dấu vết tình yêu
    Những đường gai chấp nối thiên đàng
    Sao cay đắng như mắt em đong lệ.

    Em đâu biết những đêm dài không ngủ
    Hay những lần thức giấc nửa đêm
    Ngơ ngác nhìn ánh sáng đèn canh
    Như chợt thấy tương lai cháy vỡ .

    Em đâu biết những nhọc nhằn uất hận
    Bên nông trường, bên đồng lúa tả tơi,
    những bước chân nặng trĩu từng chiều
    như theo đuổi những giáo điều hạnh phúc .

    Em đâu biết những bạn bè tức tưởi
    Chìm sâu trong Conex biệt giam,
    Những chàng trai ngạo nghễ hiên ngang
    Ẩn nhịn như thiết tha đời nô lệ .

    Em có biết những ân tình để lại
    Đã cho anh mạch sống chốn lưu đày
    Chờ một ngày xiềng xích tung bay
    Chờ một ngày nợ đời xin trả .



    Nước lũ

    Mùa Thu năm 1978 bỗng nhiên trời trở lạnh . Những cơn mưa kéo dài nhiều ngày như mở đầu cho mùa nước lũ vùng Đồng Tháp . Nước từ trên thượng nguồn sông Cửu Long đổ xuống ào ạt, các cửa sông thoát nước không kịp, nước tràn ra những cánh đồng hai bên đầy ấp. Với dân địa phương khu vực Đồng Tháp có lẽ ngập lụt là chuyện thường và người ta sẵn sàng đón nhận hàng năm một cách kiên nhẫn chịu đựng, tuy nhiên năm nầy đặc biệt mực nước dâng cao khủng khiếp và đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến mùa nước lũ Đồng Tháp trong điều kiện bi thảm nhất .
    Nước .
    Toàn là nước .
    Nước mỗi ngày một dâng cao . Các đội, các tổ hàng ngàn người chỉ còn một việc: chạy đua với chiều cao của nước . Hàng ngày đội trực cắt cử các tổ làm công tác liên trại, tức đi nhổ cỏ năng ngoài đồng về lót đường, sau đó lặn móc đất nâng cao các con đường và nhà ở cho ban quản giáo và vệ binh, số người còn lại tự mình tổ chức đi nhổ cỏ năng và moi đất về lót chỗ nằm. Trong nhà ở của tù cải tạo, nước dâng cao ngập vách, nhìn toàn trại chỉ thấy những mái nhà nhấp nhô trên sóng nước. Chổ nằm của mỗi người cao hơn mặt nước thường vài ba phân nên từng giờ cứ phải hì hục móc đất và độn cỏ năng thêm. Móc đất cũng là một khó khăn lớn vì các sân trống cạnh nhà đều ngập sâu đến đầu, muốn lấy được đất từ đây phải nín hơi, lặn sâu để moi đất và sau đó bê lên. Cho đến khi chỗ nằm đụng nóc nhà, anh em phải mở lá lợp nhà ra làm cửa sổ thông hơi cho khỏi ngộp . Nhìn lên nóc nhà, mái nhà vá víu chi chít lổ thông hơi như tấm áo rách trông thật buồn thảm.
    Việc di chuyển cũng khó khăn . Ngoài nhà, các con đường ngập đến cổ, mỗi khi phải di chuyển ( như đi vệ sinh, lãnh đồ ăn . . ) tù nhân thường phải mang theo một thùng nhựa rỗng làm phao để bơi. Sáng sớm trời lạnh buốt lại phải cởi áo quần ra, nhảy xuống nước bơi ra cầu xí để giải quyết bầu tâm sự lớn quả thật là một cực hình (tâm sự nhỏ thì có thể giải quyết tại chỗ, nhờ dòng nước mang đi...xa thật xa) . Chỉ tội cho những người lớn tuổi hay bệnh tật . Một điều mỉa mai là dù nước có dâng cao cách mấy nhưng ao cá vồ và các cầu xí vẫn được vệ binh cắt cử tù cải tạo thay phiên bảo vệ chu đáo, bờ ao nâng cao chắc chắn để bảo đảm rằng không một tên . . . cá vồ nào của cán bộ thoát được ra khỏi ao. Đó là tài sản riêng của ban quản giáo . Mực nước dâng cao, mỗi lần ngồi cầu xí nước xấp xỉ dưới chân, các tù nhân có thể vuốt ve lưng những con cá vồ thân thương của cán bộ và mỗi khi có chút đồ ăn ít ỏi rơi xuống nước (có gì ăn ngoại trừ chút bo bo và vài vắt bột mì hấp) là cả lũ cá tranh nhau giành làm nước giăng tung toé ướt dẫm hạ bộ, có người còn sợ chúng . . . đớp nhầm của quý nên mỗi lần như thế phải nhốm chân lên cao một chút .
    Hết ý .

    Bỗng nhiên con người trở nên thật nhỏ nhoi trước cảnh trời nước mênh mông xung quanh . Dưới chân nước lửng lờ trôi về hướng biển. Xa xa chiếc xuồng nhỏ của cô Thương bơi vào trại bán cho tù nhân những món ăn vặt vãnh làm gợi nhớ cảnh sông Hương với những chiếc ghe nhỏ bán hột vịt lộn len lõi về đêm thời biệt phái Phú Bài.
    Nước không chỉ hành những người tù cải tạo mà đến gia đình thân nhân cũng bị vạ lây . Đến ngày thăm nuôi, từng đoàn người từ Cai Lậy đi theo ghe vào Vườn Đào thăm thân nhân (xe đò trở thành bất khiển dụng), quần xoắn cao, tay mang tay xách . Em gái tôi từ miệt dưới "lặn lội" (đúng nghĩa đen) từ sáng sớm đến thăm anh đã xế chiều, qua bao đoạn đường ngập lụt cùa quốc lộ 4, vào gặp ông anh định làm nũng kể công khổ nhọc, nhìn thấy cảnh các anh trong trại còn thê thảm hơn nên đành ấm ức ra về . Thật đáng thương cho cô bé, cũng như bao nhiêu bà mẹ, bà chị đã kiên trì chịu đựng vì chồng, vì con. Cũng mất mấy tuần lễ dài khổ nhọc mực nước mới bắt đầu rút, để lại bao nhiêu chất lắng đọng trong nhà, trong trại và cả những cay đắng trong tận đáy lòng mỗi người.
    Đầu năm 1980, đợt thả tù đầu tiên của trại Vườn Đào với khoảng 300 người, tình cờ hay cố ý, tên cùa thiếu uý Sos Của đứng đầu danh sách được thả mặc dù anh đã vượt trại từ lâu rồi ( không biết sau nầy anh có đi được không vì theo diện HO thì kể như "trớt quớt" vì tự cấp giấy ra trại cho mình ). Sáng ngày 29 Tết 1980, Chiếc ghe của trại chở tù cải tạo vừa được thả từ Vườn Đào ra Cai Lậy thuận dòng nước sao như chạy chậm quá . Đến chợ Cai Lậy, cả nhóm chúng tôi chia tay mỗi người một hướng . Có anh quê quán ở tận Phan Thiết nhưng không đủ tiền lộ phí, cả bọn đành gom góp giúp anh lần cuối. Ngồi trên chiếc xe đò lục tỉnh về miền Tây, cảm giác tự do thật tuyệt vời, cả bọn như im lặng thụ hưởng . Đến nơi, chúng tôi gom góp trả tiền xe, anh lơ xe đò không nhận : " Thôi mấy ông cất đi, có đáng gì đâu . . . " .
    Ôi tình người vẫn còn đầy ắp và ngay chính từ những tấm lòng đơn giản nhất . Chúng tôi rơm rớm nước mắt chia tay .

    "Không phải những chông gai trên đường đi đã làm đau chân anh mà chính hạt cát nho nhỏ trong chiếc giày của anh đó".

    Tiểu Chùy Nguyễn Sóc Trăng
    Last edited by chimtroi; 02-18-2022, 12:44 PM.

  • #2
    Cám ơn NT đã viết cho một câu chuyện rât hay. Có NT nào tù ở Bầu Lâm không vậy?
    Han73F

    Comment


    • #3
      Đúng là Đ/úy Nghiêm dân 213 .
      Hiện giờ ,các NT có biết Ô Nghiêm ở đâu không ?.Làm ơn cho biết tin trên HQPD .hbinhphuong

      Comment


      • #4
        Thưa Anh Nguyễn Sóc Trăng
        N P có anh trai từng ở Vườn Đào CL cùng với anh. NP từng đi thăm anh trai ở Bà Bèo ( có lúc một số các anh chuyển về đó) Đi đò máy hơn một giờ mới đến nơi. Khi đến nơi thì biết các anh đã về lại VĐ, lại phải đi đò trở ra Long Đinh, đón xe đi CL để đến VĐ. Đến nơi thì không được gặp mặt, chỉ được gửi đồ. Lắm lần như thế những người em và người vợ của các anh đã ..tức tưởi và rơi nước mắt. Nhắc lại vô cùng thương các anh lúc ấy..Anh NP ra trại khoảng tháng 8/1980. Sau anh đi diện HO 3. hiện anh đang ở Carolina..Có thể anh biết...Cám ơn bài viết của anh..làm P nhớ và vẫn thương. NP
        Last edited by nguyenphuong; 09-10-2012, 07:20 AM.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X