Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Còn Một Chút Gì Cho Nhau… Nguyễn Viết Trường Khoá 64C

Collapse
X

Còn Một Chút Gì Cho Nhau… Nguyễn Viết Trường Khoá 64C

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Còn Một Chút Gì Cho Nhau… Nguyễn Viết Trường Khoá 64C

    HQPD chân thành cám ơn NT Nguyễn Viết Trường đã gởi tặng bài viết "Còn Một Chút Gì Cho Nhau" viết về ngày Hội ngộ khoá 7/68 KQ vừa qua.


    CÒN MỘT CHÚT GÌ CHO NHAU…

    KQ: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG

    Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 oan nghiệt, Quân chủng KQ với đủ mọi thành phần đã tự mình phải quyết định đời mình trong cơn bất an tột độ, vì sự cướp nước của bọn người ác ôn Việt Cộng…
    Có những người cam chịu ở lại “mặc cho con tạo xoay vần”, có những người tháo chạy khỏi Việt Nam bằng mọi phương tiện có thể thực hiện như đường biển, đường hàng không hay đường bộ!
    Ở lại thì bị đi tù Cải tạo, ra nước ngoài thì như đi tìm sự sống trong cõi chết, một số không thể đến bến bờ tự do, một số đến được miền đất hứa thì cũng chịu bao nỗi đắng cay dập vùi vì thực tế của cuộc sống nơi tha hương….
    Thế rồi sau một thời gian dài đằng đẵng, cuộc sống nơi xứ lạ quê người cũng đã được ổn định, và lúc đó chính là thời điểm mà mọi người tìm lại nhau trong những lần Hội ngộ.
    Những cựu chiến binh của Quân chủng KQ/ VNCH tại Hải ngoại đã tự động thành lập những hội đoàn tại mỗi địa phương nơi họ cư ngụ, họ tổ chức những kỳ Hội ngộ của khóa, của liên khóa, của đơn vị từ cấp nhỏ đến cấp lớn nhất….
    Những lần hội ngộ như vậy thắt chặt thêm tình chiến hữu, tình huynh đệ chi binh, và câu nói của KQ Đào vũ Anh Hùng: “Không Quân không bỏ anh em, không bỏ bạn bè” đã được nhắc nhớ và đánh bóng thêm lên….
    Trong chiều hướng nói trên, Khóa 7/68 KQ đã tổ chức nhiều lần gặp gỡ thân tình, và năm nay, (năm 2012), tôi đã hân hạnh được có dịp chung vui cùng với họ.
    Nhà hàng Emerald Bay restaurant tại thành phố Santa Ana thuộc tiểu bang California, chính là địa điểm hội ngộ lần này của khóa 7/68 KQ.
    Chiều ngày 01tháng 09 năm 2012, vợ chồng tôi đã đến tham dự lúc 06 giờ chiều, từ xa chúng tôi đã thấy một tấm bảng lớn căng trước nhà hàng:
    CHÀO MỪNG
    HỘI NGỘ KHÓA 7/68
    R U 2012
    Trước cửa nhà hàng khá đông anh em khóa 7/68 KQ đang đứng hàn huyên tâm sự, chờ đón nhau…
    Khung cảnh phía trong nhà hàng được trang trí trang nhã và ấm cúng, trên sân khấu chính giữa là huy hiệu Tổ quốc Không Gian khá lớn, hai bên là cờ Hoa Kỳ và cờ VNCH.
    Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện nổ như pháo rang, có những tiếng cười đùa thich thú, có những âm thanh dễ mến của những cái vỗ vai thân thiện, một vài anh lăng săng làm việc, có lẽ họ là những người đảm nhiệm vai trò tổ chức? Có những toán nhỏ chụm lại chụp chung với nhau những tấm hình lưu niệm, hoạt cảnh thân thương này sao ấm áp lòng người đến thế!
    Đa số các nàng dâu KQ thướt tha trong những tà áo dài VN đủ màu, trông vừa trang nhã vừa sang trọng, quý phái làm sao…Các anh “lính Không Quần” thì oai phong trong những bộ quần áo dạ hội được cắt may khéo và hợp thời trang…
    Sau bao nhiêu năm vật lộn với cuộc sống đá vàng, ngày nay hầu hết tóc đã ngả màu, tuổi già sồng sộc nó thì theo sau, vậy mà trong giờ phút hiếm quý của buổi hội ngộ vàng son này, trông họ vẫn cứ như thủa nào! Hạnh phúc làm sao!
    KQ Nguyễn Giang bước lên sân khấu, đã dí dỏm trình bày ngắn gọn và khúc triết phần mở đầu chương trình, qua đó mọi người hiểu rằng:
    - Năm sau sẽ thực hiện Hội ngộ 45 năm như yêu cầu của khóa,
    - Cái đinh của chương trình văn nghệ vẫn là “đệ nhất cao thủ” Tạ kỳ Linh
    -Hội ngộ lần này tuy kinh tế toàn cầu đi xuống nhưng sự hiện diện của những anh em ở xa vẫn mãi vươn cao.
    - Mong mọi người vui chơi thoải mái và hài lòng khi ra về….
    KQ Trương văn Thanh đảm nhận phần nghi lễ, qua các tiết mục chào cờ Việt Nam, chào cờ Hoa Kỳ, mọi người cùng đồng ca bản Không Quân hành khúc, và phút mặc niệm…
    Đối với cá nhân tôi, thì tiết mục “ mặc niệm” mà anh đảm trách quả là “hết xảy”, từng người một lần lượt nối chân nhau bước lên sân khấu, trên tay mỗi người cầm một ngọn nến tỏa ánh sáng lung linh trong một không gian hoàn toàn tĩnh lặng, họ lặng lẽ nhẹ đặt nến lên bàn thờ những chiến sĩ đã vị quốc vong thân….Trong lúc anh Thanh nghẹn giọng xướng danh những bằng hữu cùng khóa đã nằm xuống.
    Bản nhạc hồn tử sĩ nhẹ cất lên, như từ cõi u minh vang vọng, quyện lấy chất giọng chất chứa bao niềm súc cảm…
    Buồn và hãnh diện như chưa bao giờ buồn và hãnh diện như vậy….
    Sau phần nghi lễ là đến ngay phần ẩm thực, Ban Tổ Chức chắc chủ trương “có thực mới vực được đạo” nên mọi người đã không phải ngồi đồng nghe những vị tai to mặt lớn thay phiên nhau lên sân khấu đọc diễn văn kéo dài lê thê làm người nghe đói meo mà vẫn chưa được ăn uống gì cả, như một vài buổi hội ngộ mà tôi đã có dịp tham dự.
    Hoan hô óc sáng tạo của quý vị trong ban tổ chức khóa 7/68KQ.
    Ăn uống no nê xong là đến phần văn nghệ, KQ Thanh mở đầu bằng tiết mục đọc thơ của KQ Nguyễn mạnh Trinh, qua bài thơ mang tựa đề : “Gửi những đại bàng gãy cánh”
    Qua đó những nhân vật như Trần thế Vinh, Phạm văn Thặng, Phạm phú Quốc v..v… đã được nhắc đến.
    Tiếp nối là phần đồng ca của Ban hợp ca khóa 7/68KQ, với 08 nữ và 09 nam qua nhạc phẩm : “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”
    Tất cả trình diễn thật thành công, chắc chắn là họ phải mất khá nhiều thời gian để cùng nhau tập dượt mới hay như thế! Bái phục, bái phục quý vị.
    KQ Trần đình Phước trong phần trình diễn đơn ca tiếp nối đã gây nhiều “ấn tượng” tốt đẹp trong lòng mọi người hiện diện. bằng chất giọng điêu luyện, khoan thai và trầm ấm qua nhạc phẩm nổi danh một thời là : “Bên bờ đại dương”
    Sau đó qua bài ca : “Yêu và mơ” của Văn Phụng, một nàng dâu KQ ( tên Thúy Anh) trong chiếc áo dài Việt Nam, cổ áo xẻ hình chữ V trông thật duyên dáng và dịu dàng, phong cách trình diễn thật sáng sân khấu, nhìn chị hát tôi liên tưởng tới ca sĩ Ngọc Minh của làng văn nghệ VN, người nữ ca sĩ đuợc mệnh danh là Cô ký điệu!
    Rồi tới phần song ca của cặp vợ chồng KQ Quang Tầm và Thúy Anh qua ca khúc “ Khúc ca mùa hè” của nhạc sĩ Canh Thân, đã lâu lắm mới được nghe lại bài hát này.
    Anh Tầm tuy trông hiền lành thế đấy, nhưng khi anh cười thì thật là tươi, và theo tôi nụ cười này chắc cũng nhiều lần hớp hồn phái nữ chứ phải chơi sao?
    Chị Thúy Anh trông thật lanh lợi, hoạt bát,
    Cặp này song ca ăn ý và nhận được tràng pháo tay thật dài và lớn của mọi người.
    KQ Xuân Trường bước lên sân khấu để trình bày nhạc phẩm “ Còn một chút gì để nhớ” . anh có một giọng hát truyền cảm, khá điêu luyện,
    Người ca đã hay, người đàn lại thật lả lướt, tiết mục này ai nghe cũng đều tán thưởng, “thừa thắng xông lên” anh giới thiệu chị Ngọc Lan “người em phố núi” lên sân khấu để cùng anh hợp ca bản “tình khúc cho em” của Lê Uyên và Phương.
    chị Ngọc Lan vui vẻ bước lên sân khấu, chị mặc một chiếc đầm màu tím bắt mắt, trông rất “mốt”, hai người hát thật ưng ý và hay nữa…
    KQ Nguyễn Giang lại xuất hiện, lại gây nhiều thích thú cho mọi người, anh ăn nói thật tiếu lâm, vui nhộn, làm mọi người phải bật cười khoái trá nhiều phen…
    Bản nhạc “It’s now or never” mà anh trình bày khá thành công, làm mọi người nghe anh hát nghĩ ngay đến một giọng ca bất tử của ông vua không ngai Elvis.
    Trở lại chương trình nhạc Việt, KQ Hoàng thanh Nhan và chị Hoàng Anh ( phu nhân KQ Hồng quang Lập) cùng song ca một bài hát do Phạm Duy phổ nhạc bài thơ của Thế Lữ. bài thơ đó có tên là “ tiếng sáo thiên thai”
    Ai đã gặp anh Nhan một lần, chắc khó quên, bởi anh có một cặp lông mày đậm đen, dày và đặc biệt là đoạn cuối lông mày chùng xuống như che chở cho đôi mắt sáng quắc của anh.
    Chị Hoàng Anh trông quý phái, lịch lãm, tuy có phần nghiêm nghị nhưng khi chị nở nụ cười thì lại rất thân thiện và tự nhiên …
    Cả hai vui tươi trong tay cầm ba nhánh hoa hồng của ba người bạn ái mộ trao tặng khi bước xuống sân khấu, hai bạn ơi, “vui lên đi chiều hôm tối rồi” hai bạn nhỉ?
    Đây là lần đầu tiên bài hát này được trình bày bởi một giọng ca Nam và một giọng ca Nữ thay vì hai giọng Nữ như chúng ta đã từng nghe, nghệ thuật hòa ca của anh Nhan và chị Anh thật điêu luyện.
    Sân khấu như muốn nổ tung, khi có sự xuất hiện của KQ Tạ kỳ Linh và nữ danh ca Connie Kim, họ cùng hợp ca một nhạc phẩm ngoại quốc lừng tiếng có tựa đề: “Happy together”
    Cách đây thật lâu, khi phong trào nhạc trẻ nổi lên ở miền Nam Việt Nam, vào thập niên 60-70 , cặp tài tử giai nhân này cũng đã từng thành công khi họ hát trong các Club Mỹ.
    Connie Kim phong cách vẫn như xưa, vẫn sống động khi có mặt trước khán giả, tuy Connie đã không hát lâu lắm rồi nhưng qua bài hát “Ghé bến Saigon” khán giả “điệu nghệ “ như các anh chị của khóa 7/68 KQ đã phải “xưng phồng tay” khi vỗ tay tán thưởng chị đấy nhé!
    Ủng hộ hết mình kìa…Tiếp tục nghề hát đi Connie Kim! Ước mong trong kỳ hội ngộ của khóa 7/ 68 KQ vào năm sau, mọi người sẽ lại được nghe Connie hát.
    Tiết mục nối tiếp, khá ngoạn mục và gây nhiều nể phục, khi ban hợp ca của khóa 7/68 KQ trình bày nhạc phẩm: “Sáng rừng” , với 08 quý ông và 09 quý bà, sân khấu thật sáng chói hơn cả sáng rừng đấy nha “làng nước” ơi!
    Có lẽ sẽ thật thiếu xót vô ngần, nếu như không “bốc thơm” 03 chàng ngự lâm pháo thủ : KQ Nguyễn Giang, KQ Trần Hùng. KQ Minh Hướng …..
    Một bản nhạc mang ý nghĩa Quyết tử cho một tổ quốc quyết sinh, với tựa đề: “Chiến sĩ vô danh” đã đuợc 03 giọng hát “hàng đầu” này của khóa 7/68KQ trình diễn thật sinh động và công phu, nhìn 03 chàng thật nghiêm trang, sắt đá, hùng khí cùng cất cao tiếng hát, mọi người cũng thấy bừng bừng ngọn lửa hào khí trong lòng,
    Không khí trình diễn văn nghệ trở lại đằm thắm qua tiết mục đơn ca của KQ Thanh, nếu nhắm mắt để nghe anh hát thì thật tuyệt vời, bởi anh có một ca cao vút, đột phá ngân vang …
    Anh có lối trình diễn đầy sáng tạo, đã thành công qua nhạc phẩm “Em đến thăm anh một chiều mưa”
    Tôi thật ngạc nhiên thích thú và mến chuộng tài năng của đôi trai tài gái sắc, đó là vợ chồng KQ Văn Phú và Ái Liên
    Chồng đàn vợ hát, chồng sáng tác tự biên tự diễn, vợ ngâm thơ, ca vọng cổ, hát chèo cổ Bắc phần,
    Họ trang phục áo dài khăn đống, áo tứ thân, mang nón quai thao, để tóc đuôi gà…Trông tuyệt ơi là tuyệt, nghe hay ơi là hay!
    Tiết mục này vừa hay, vừa có ý nghĩa lại khá độc đáo và mang tính cách duy trì và phổ biến văn hóa dân tộc Việt Nam, mấy ai làm được như cặp này!
    Chị Mộng Hoa lên sân khấu để trình diễn đơn ca nhạc phẩm “Nắng chiều” sau đó.
    Vài câu nói mào đầu ý nhị của chị làm tôi cứ tủm tỉm cười xuốt thời gian chị hát, chị nói:
    “Các chị khác là giọng ca hàng đầu, còn chị chỉ là giọng ca đầu hàng”
    Với mái tóc phủ kín bờ vai, nét mặt thanh tú, chị mặc bộ áo dài cắt khéo, bó sát thân hình thon thả làm tăng thêm vẻ đoan trang của chị, một người phụ nữ Việt Nam thuần khiết…Nhất là khi ông xã của chị bước lên sân khấu, ủng hộ tinh thần chị qua hành động tuy hơi có vẻ táo bạo, như lại rất hữu tình, anh đã nhẹ hôn lên mái tóc của vợ và nở một nụ cười dường như là “vô tội” nhưng biết đâu khi về nhà sẽ “vô số tội” không chừng!?
    Một nàng dâu của khóa 7/ 68KQ ( chị Châu Chi) tiếp nối chương trình qua một nhạc phẩm lừng danh của Đoàn Chuẩn, bài hát mang tên “Gửi gió cho mây ngàn bay” qua sự giới thiệu của phu quân là anh Châu
    Giọng ca như cao vút, cao vút mãi, bay bổng lên không trung như gửi gió cho mây ngàn bay…Khiến người nghe tưởng chừng như cảm nhận có vị ngọt trong lời ca, có mùi thơm ngạt ngào hương sắc quanh đây….
    Và những điều như vậy đã làm cho phần trình diễn của chị là một dấu ấn đẹp của chương trình Hội ngộ lần này.
    Một bản hát đồng ca của ban văn nghệ khóa 7/68 KQ với 9 Nữ 08 Nam qua nhạc phẩm “Hò leo núi” đã làm cho không khí hội ngộ vang dội niềm vui, quý ông tha hồ mà “DÔ” với lời ca, DÔ với những cụng ly rượu đầy…Và biết đâu chừng khi về nhà tha hồ mà DÔ mí bà xã……
    Tiếp nối, chị Thu Lê (khách mời của khóa 7/68KQ) trình bày ca khúc“giọt lệ cho ngàn sau” , lời ca tiếng đàn như quấn quýt bên nhau, hài hòa qua giọng hát ngọt lịm của chị Thu Lê,
    Cám ơn chị đã cho chúng tôi nghe một bài hát hay, một tiếng ca đặc biệt trữ tình…
    KQ Tạ kỳ Linh trở lại sân khấu để thay mặt Ban Tổ Chức cám ơn và tặng quà lưu niệm đến người nhạc sĩ tên Mỹ chơi đàn Keyboard, và anh cũng long trọng tuyên bố phần Dạ vũ sẽ được thực hiện ngay sau đó….
    Có một câu nói khá ngộ nghĩnh mà đã là KQ thì ai mà chẳng biết:
    “Hào hoa nhất lính Không Quân, có một cái quần anh cũng bán đi”
    Câu nói này áp dụng tùy lúc tùy nơi, nhưng nếu đem áp dụng vào thời điểm hội ngộ khóa 7/68KQ lần này, thì không ngoài ý nghĩa ca tụng phong cách vui sống thoải mái, chịu chơi hết mình của những chàng KQ nặng tình Huynh đệ chi binh này….
    Buổi Dạ vũ được thực hiện giống như những lần Dạ Vũ KQ trước năm 1975, có nhạc tour, có những bước nhảy điêu luyện như thủa nào, với những bước nhảy như khi xưa chứ không phải múa như bây giờ ….
    Tôi thích được tham dự những buổi Dạ Vũ như vậy, vừa nghệ thuật, lại vừa tăng thêm phong thái của những người biết “chơi” và biết “sống” cho có ý nghĩa…
    Cám ơn Ban tổ chức Hội ngộ khóa 7/68KQ, cám ơn các anh đã cho phép tôi, một người KQ ngoài khóa, được chung hưởng niềm vui Hội ngộ của các anh.
    Chúc mọi người luôn hạnh phúc và luôn gần gũi bên nhau ….
    Nếu cho phép, xin các anh đừng quên tôi nếu năm sau các anh có tổ chức Hội ngộ 45 năm nhá!

    CaLi một ngày không bao giờ quên

    KQ: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG
    KHÓA 64C
    Last edited by Phòng Trực; 10-29-2012, 03:31 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X