Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Con Người Âm ThầmTrong ngành Không Phi Hành

Collapse
X

Những Con Người Âm ThầmTrong ngành Không Phi Hành

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Con Người Âm ThầmTrong ngành Không Phi Hành

    NHỮNG CON NGƯỜI ÂM THẦM TRONG NGHÀNH
    KHÔNG PHI HÀNH

    Trong dịp thực hiện cuốn ĐẶC SAN 64/2007 cho Liên khóa 64, Tôi có nhận được bài viết : “Những con người âm thầm trong ngành Không Phi Hành “ của KQ HÀN PHÚ. Nhận thấy đây là một bài viết rất có giá trị đối với chúng ta và lớp trẻ Hậu duệ, nên Tôi xin mạn phép tác giả để được đăng lại bài này trong trang WEB “Đại hội ngành Quan sát” với tất cả sự trân trọng. KQ: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG
    **********&&&&&&*********

    Viết tặng các SVSQ từng phục vụ trong ngành Không Phi Hành. Mục đích chỉ là để chúng ta có một cái nhìn rộng hơn về những đóng góp của ngành này trong qúa khứ mà thôi.Tên các đơn vị mà các bạn phục vụ có thể sót không được nhắc đến, xin các bạn miẽn chấp cho sự hiểu biết giới hạn cũng như trí nhớ kém của tôi...Hàn Phú


    Gần đây, trong cuốn đặc san của các cựu khóa sinh Trường Cơ Khí Rochefort do bạn Đỗ Hữu Trí khóa 64 D+ gửi tặng, tôi đọc ” Lời Giới Thiệu ” của cựu chuẩn Tướng Đặng Đình Linh nguyên là Tham Mưu Phó Tiếp Vận / BTLKQ, trước đây là Khối Không Cụ / BTLKQ, và cũng là con chim đầu đàn của ngành Kỹ Thuật Tiếp Vận Không Quân Việt Nam viết như sau:

    ” Nói đến các chuyên viên đã phục vụ trong tổng ngành Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQVN, người ta không bao giờ quên một tập thể từng là thành phần nòng cốt của ngành kỹ thuật tiếp vận và đã đóng góp thật nhiều cho KQVN, đó là tập thể khoảng 600 cựu khóa sinh Rochefort từng được huấn luyện về Kỹ Thuật Hàng Không tại trường kỹ thuật lớn nhất Không Quân Pháp ở Rochefort- Sur-Mer, Charente-Maritime . .. Họ là những thành phần cốt cán đã huấn luyện và hướng dẫn các đàn em mới sau này vào nghề, đóng góp hữu hiệu công sức để đưa Không Lực Việt Nam lên hàng thứ tư trên thế giới và hùng mạnh nhất Đông Nam Á …Lúc gia nhập KQ họ chỉ chỉ có trình độ trung học hoặc tú tài. Với tinh thần cầu tiến một số đã học hỏi thêm văn hóa rồi sau này trở thành các bác sĩ, kỹ sư, luật sư… .

    Riêng tại Liên Phi Đoàn Vận Tải có 5 anh em mới ngày nào còn là cơ phi, trưởng xưởng, sau đã trở thành Y Khoa Bác Sĩ trở về phục vụ lại trong Không Quân. Còn một số khác đã chuyển sang ngành Phi Hành để trở thành hoa tiêu trên các loại phi cơ. Đặc biệt có chuyên viên khi mới về phục vụ tại Ban Kiểm Kỳ Liên Phi Đoàn Vận Tải sau đã trở thành phi công Khu Trục Phản Lực và chức vụ cuối cùng là Không Đoàn Trưởng Chiến Thuật tại vùng Duyên Hải.

    ….Có những anh em khác đảm nhận các chức vụ Không đoàn Trưởng, Liên Đoàn Trưởng Kỹ Thuật hoặc Liên Đoàn Trưởng Trợ Lực tại 9 Căn Cứ KQ, 6 Sư Đoàn KQ và tại Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ cho tới ngày cuối cùng của cuộc chiến…”.

    Lời giới thiệu của tướng Đặng Đ. Linh đã nói lên đầy đủ phẩm chất và khả năng cũng như sự đóng góp công sức của các chiến hữu ngành Không Phi Hành cho KQVN thật đáng kể biết là chừng nào !
    Không Quân Việt Nam cho tới giờ phút cuối cùng của cuộc chiến, nếu tôi không lầm thì quân số có vào khoảng gần 70 chục ngàn người với khoảng độ 3,000 phi cơ đủ loại.

    Và vào khoảng tháng 3, 1975, khi vùng I và vùng II chưa bị mất thì tổng số phi cơ có thể cao hơn con số 3,000 chiếc một chút. Trong số 3,000 này có khoảng 700 chiếc trực thăng do Không Quân Mỹ trao lại sau khi rút khỏi VN năm 1972. Bởi vậy sau đó chúng ta phải huấn luyện thêm nhiều hoa tiêu trực thăng để đáp ứng cho nhu cầu sủ dụng. (1).

    Trước đó qua chương trình Hiện Đại Hóa Quân Lực, không quân được dự định tăng quân số lên khoảng 100 ngàn người, để nhằm có đủ người dần dần thay thế quân đội Mỹ trong cuộc chiến VN.

    Nhưng chương trình hiện đại hóa chưa kịp thực hiện thì giải pháp chính trị cho VNCH đã bị các thế lực ngoại bang dàn xếp với nhau vì quyền lợi riêng tư của họ, đặt cho VN một định mệnh đau thương, dù rằng với trên một triệu quân tinh nhuệ, tiềm năng chiến đấu dũng mãnh và kiên cường hơn nhiều quân đội các nước khác, nhưng chúng ta vẫn bị bức tử một cách oan nghiệt khi đồng minh Mỹ phản bội, bỏ rơi chúng ta!

    Nhưng thôi chuyện cũ hãy gác sang một bên để lịch sử phê phán.
    Trong bài này tôi chỉ xin viết về chuyện của những chiến hữu Không Phi Hành trong toàn Quân Chủng Không Quân VN. đã một thời sát cánh bên các bạn Phi Hành trên bước đường bảo vệ quê hương mà trong đó, mỗi người đều làm mỗi việc khác nhau.

    Nói về tổ chức không quân thì không quân của bất cứ nước nào cũng đều có hai ngành Phi Hành và Không Phi Hành. Không Quân Việt Nam cũng vậy.
    Nếu tính theo tỉ lệ thông thường thì ngành phi hành thường chiếm tới khoảng 4 phần 5 tổng số quân nhân các cấp.
    Tại sao vậy ?

    Là vì nó xuất phát từ quan niệm yểm trợ chiến trường của quân đội Mỹ, gọi nôm na là ” tỉ lệ 1 đầu người Tiếp Vận yểm trợ cho 1 người Chiến Đấu “.
    Đối với Mỹ khi yểm trợ cho chiến trường thì họ áp dụng công thức là 4/1 tức là cứ 4 người tiếp vận thì yểm trợ cho 1 người chiến đấu. Công thức này được áp dụng chung cho mọi quân, binh chủng trong quân đội Mỹ.

    Ngành yểm trợ kỹ thuật tiếp vận KQ cũng được ráp khuôn gần theo quan niệm đó.
    Một chiến lược gia ngành Tiếp Vận Mỹ đã nói:” Tiếp Vận ( Logistics ) là một nghệ thuật quản trị, phân phối, đáp ứng nhu cầu cho quân đội đúng những thứ cần thiết, đúng chỗ và đúng thời gian ( right things, right places and right times ) “.

    Không Quân Việt Nam sau khi được Pháp trao lại vào khoảng năm 1954 hoặc 1955 thì đã được Mỹ đào tạo và xây dựng lại. Họ huấn luyện và trang bị KQ từ những đơn vị nhỏ thành những đơn vị lớn cấp sư đoàn.

    Chúng ta biết ngành phi hành thì đảm trách việc bay bổng và thi hành các phi vụ hành quân diệt địch, đa số ngành này là hoa tiêu và các nhân viên phi hành làm việc trên không để phụ trách những công việc liên quan tới ngành nghề bay. Ngành phi hành làm việc trong những Căn Cứ Không Quân và Sư Đoàn Không Quân có các Không Đoàn Chiến Thuật hay các Liên Đoàn Tác Chiến với các phi cơ đủ loại, chiến thuật hay không chiến thuật.

    Còn ngành không phi hành thì cũng làm tại những đơn vị trên nhưng cộng thêm với những đơn vi khác như đơn vị tham mưu, đơn vị không quân biệt lập va các đơn vị yểm trợ kỹ thuật, và phụ trách những công việc yểm trợ dưới đất trên mọi lãnh vực.

    Nổi bật về phương diện này có hai ngành lớn và riêng biệt, đó là ngành Kỹ thuật và ngành Tiếp Vận. Hai. Hai ngành này đảm nhận những vai trò liên quan đến kỹ thuật hàng không và yểm trợ tiếp vận KQ cho các hoạt đông hành quân, và cho những nhu cầu khác của toàn thể không quân.

    Ngành phi hành giữ vai trò trọng yếu và là huyết mạch hay là cột xương sống của KQ., được coi là linh hồn của không quân.
    Không có ngành phi hành là không có không quân!

    Còn ngành không phi hành thì là một ngành rất chìm, chỉ làm việc âm thầm trong bóng tối, rất ít được mọi người nhắc nhở hoặc biết đến. Tuy vậy nó không phải là một ngành không quan trọng.
    Cho nên có thể nói rằng, nếu ngành phi hành là linh hồn thì ngành không phi hành là ngành kiến trúc cho một cơ thể.
    Không có nó cũng không thể có không quân!

    Hai ngành này tuy hai mà là một, và không quân của VNCH là do hai ngành này chung sức xây dựng lên. Hai ngành đã phối hợp làm việc rất chặt chẽ nên đã làm cho không quân thêm sức mạnh. Không Quân VN được xếp hạng mạnh thứ tư trên thế giới cũng vì chúng ta có hai ngành này lớn mạnh !

    Để có khái niệm về lãnh vực kỹ thuật và tiếp vận trong toàn quân đội trước hết ta nên nhìn qua vào cơ cấu tổ chức củaTổng Cục Tiếp Vận của Bộ Tổng Tham Mưu, một cơ cấu tiếp vận cao nhất trong QLVNCH, và ngành kỹ thuật và tiếp vận KQ cũng nằm trong đó .

    Tổng Cục Tiếp Vận là một tổ chức rất khổng lồ và là trái tim và huyết mạch chính của quân đội.
    Tổng Cục Tiếp Vận bao gồm nhiều Cục rất lớn như Cục Quân Y, Công Binh, Quân Cụ, Truyền Tin, Quân Nhu, Quân Vận, Mãi Dịch, Quân Tiếp Vụ … đó là nói về tổ chức theo hàng ngang

    Còn về tổ chức theo hàng dọc ra đến các quân đoàn, sư đoàn, quân khu hay vùng chiến thuật thì có các cơ cấu tiếp vận trực thuộc, ta thường nghe tên gọi như Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận Vùng 1, BCHTV Vùng 2, BCHTV Vùng 3 hoặc Vùng 4 hoặc các Tiểu Đoàn Tiêp Vận, các Đại Đội Tiếp Vận hoặc là Căn Cứ Tiếp Vận v.v…

    Các quân, binh chủng hoặc các đơn vị tổng trừ bị như Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân v. v…đều có các cơ cấu kỹ thuật và tiếp vận riêng biệt nằm bên trong. Cho nên các đơn vị lớn nhỏ này đều có thể hoạt động độc lập với nhau, và sự yểm trợ tiếp vận của họ rất là hài hoà, qui mô và hữu hiệu.

    Hệ thống kỹ thuật và tiếp vận của Quân Đội hồi đó cũng theo công thức 4/1, vì vậy quân số kỹ thuật tiếp vận luôn luôn đông hơn quân số hành quân đến 4, 5 lần.
    Những con người làm việc trong các đơn vị kỹ thuật và tiếp vận trong toàn quân đội cũng là những con người rất chìm, làm việc âm thầm trong bóng tối chứ không nổi nang như những đơn vị hành quân chiến đấu.

    Khi nào cần phải phân biệt tên một Quân Binh Chủng nằm trong Quân Đội người ta gọi thẳng tên quân binh chủng dó là Bộ Binh, Không Quân, Hải Quân, Nhẩy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến hay Biệt Động Quân v.v….
    Chỉ khi nào cần phải phân biệt ngành nào của một quân, binh chủng người ta mới gọi rõ tên ngành đó là hành quân hay tiếp vận. Vì vậy trong KQ mới được phân biệt ra là ngành phi hành và không phi hành.

    Nói về KQVN thì trước năm 1975 thì chúng ta có 6 sư đoàn KQ, 9 căn cứ KQ , và các đơn vị không quân biệt lập khác như Bộ Chỉ Huy Hành Quân KQ, Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ, Trung Tâm Huấn luyện KQ, Trung Tâm Y Khoa KQ, Trung Tâm Kiểm Báo, hay Liên Đoàn Truyền Tin Điện Tử v.v…
    Ngành không phi hành có mặt trong toàn thể các đơn vị lớn nhỏ của KQ từ cấp bộ Tư lệnh KQ trở xuống cho tới đơn vị KQ nhỏ nhất. Có khá nhiều các nhân viên ngành phi hành được chuyển sang ngành KPH làm việc vì nhiều lý do, như bị thương tích, kém sức khỏe, lý do an ninh, lý do bị loại khỏi ngành bay.

    Dưới đây là tổng quát những công việc cụ thể mà ngành không phi hành thường đảm trách:
    – Về tham mưu, họ làm trong các ban ngành như nhân viên, huấn luyện, tài chánh, lương bổng, an ninh , chiến tranh chính trị, quân y, bênh xá,
    - Về yểm trơ đơn vị, thì làm trong các ban ngành về phòng thủ, an ninh phi trường, kiến tạo, truyền tin, chuyển vận, cư xá, quân tiếp vụ , sửa chữa đường xá cầu cống, bãi đậu phi cơ và các phi đạo
    - Và ngành kỹ thuật, thì làm những việc sửa chữa, tân trang các loại phi cơ, các hệ thống vô tuyến phi cơ, các loại vật cụ yểm trợ, chế tạo dưỡng khí lỏng, kiểm thử độ rạn nứt các động cơ, quản trị và sửa chữa vũ khí đạn dược, sửa chữa quân xa cơ giới, quản giữ phân phối kho nhiên liệu, kho bom đạn v.v…
    - Về ngành tiếp vận, thì làm tại các trung tâm điện toán KQ, quản trị vật liệu KQ, tiếp liệu, chuyển vận, kho xăng kho bom đạn, kho vũ khí v.v…
    - Riêng về ngành chuyển vận, thì họ phụ trách chung cho cả QLVNCH về nhu cầu chuyển vận trong và ngoài nước bằng phương tiện không quân qua hoạt động của các Tram Hàng Không Quân Sự khắp 4 vùng chiến thuật và Trạm Hàng Không Quân Sự Sàigòn. Trạm HKQS Sàigòn còn phụ trách cả việc chuyển vận đi và đến cho cả ngoại quốc nữa, nhất là đi Mỹ và từ Mỹ đến.

    - Về yểm trợ hành quân, thì làm việc tại các trung tâm hành quân Không Quân, các khối không trợ, các đài kiểm báo, các đài B.O .P ( hướng dẫn phi cơ B52) , đài DART ( kiểm soát hàng rào điện tử Macnamara) và cung cấp các thông tin thời tiết và đôi khi hướng dẫn việc đi lại an toàn trên các taxi way cho phi cơ .
    - Về huấn luyện, thì tại trung tâm huấn luyện không quân Nha Trang, họ dự phần huấn luyện các sĩ quan phi hành và không phi hành. Huấn luyện xuyên huấn, huấn luyện cả căn bản quân sự, huấn luyện các hạ sĩ quan, binh sĩ lên đẳng cấp chuyên môn từ sơ đẳng lên cao đẳng và dẫn đạo.
    - Vân vân và vân vân …

    Với trách nhiệm và hoạt động rộng lớn và chuyên môn kỹ thuật cao và phức tạp đó, đa số các chuyên viên từ binh sĩ đến hạ sĩ quan phục vụ trong các ngành này đòi hỏi phải có năng lực chuyên nghiệp hoặc một học lực trung hoc đệ nhất cấp.

    Bởi vậy trong KQ trước đây việc tuyển mộ chuyên viên rất là gắt gao dựa trên tiêu chuẩn học vấn. Có khá nhiều binh sĩ và hạ sĩ quan đã có bằng trung học đệ nhất cấp hoặc tú tài I . Vì sợ phải nhập ngũ vào các trường hạ sĩ quan hoặc các trường sĩ quan bộ binh nên họ đã giấu bằng đi để được vào không quân cho cuộc đời được yên ổn và có tương lai hơn bên ngoài, trong đó phải kể đến có khá nhiều con ông cháu cha thế lực lớn, nhà giàu, bằng cấp đầy đủ nhưng gia đình vẫn tìm mọi cách để con em mình vào cho được lính kQ vừa để dễ tiến thân vừa để có cuộc sống an toàn.

    Còn về hàng ngũ Sĩ Quan Không Phi Hành thì đa dạng hơn, bằng cấp và học lực phải cao hơn. Có nhiều sĩ quan xuất thân từ các trường đại học bên ngoài được tuyển lựa sang KQ như bác sĩ quân y, kỹ sư công chánh, kỹ sư cao đẳng kỹ nghệ, kỹ sư điện Phú Thọ v.v, cộng với các sĩ quan KQ đã có sẵn từ trước có trình độ đại học, tốt nghiệp từ các trường sĩ quan kỹ thuật và trường hàng không nổi tiếng ở Pháp và Mỹ về nước, thêm vào đó có một số binh sĩ và hạ sĩ quan Không Quân trước đó có tú tài I hoặc tú tài II sau này đã được điều chỉnh cho đi học các khóa sĩ quan.

    Sau này do nhu cầu chiến tranh đòi hỏi BTLKQ đã tuyển mộ thêm các khoá sĩ quan kỹ thuật từ dân sự vào, thí sinh phải có bằng tú tài toàn phần.
    Do vậy, hàng ngũ sĩ quan của ngành không phi hành thường có căn bản và năng lực trong các lãnh vực quản trị và lãnh đạo chỉ huy nên đã tạo thành một đội ngũ chỉ huy rất hùng hậu và đầy năng lực. Ngoài ra họ có một thuận lợi khác nữa, bổ túc cho kiến thức của mình là được thường xuyên theo học các khóa tu nghiệp chuyên ngành trong nước và ngoại quốc để cập nhật kiến thức kỹ thuật ngày một tiến bộ không ngừng nơi xứ người.
    Có một số sĩ quan có óc cầu tiến hơn nữa, thì ngoài giờ làm việc họ tự học hỏi, tìm tòi, trau dôì học thức để đạt những bằng cấp đại học bên ngoài.

    Không quân VN có Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật và Tiếp Vận KQ là một tiêu biểu lớn nhất cho ngành tiếp vận. Vì vậy được nâng ngang với cấp Sư Đoàn KQ vì nó có đủ khả năng yểm trợ kỹ thuật và tiếp vận cho 9 căn cứ KQ, 6 sư đoàn KQ, và các đơn vị không quân biệt lập khác. Quân số BCHKTTV có khoảng trên dưới 10,000 người.

    Để biết qua về một đơn vị tiêu biểu cho ngành tiếp vận KQ xin các bạn đọc qua một trích đoạn dưới đây trong bài hồi ký của tôi có tựa đề là ” Một Vài Hồi Tưởng ” :
    “… Là một đơn vị Kỹ Thuật và Tiếp Vận lớn và duy nhất của Không Quân Việt Nam, chúng tôi được người Mỹ trang bị, huấn luyện cho rất đầy đủ và rất hiện đại .
    Chúng tôi có trách nhiệm yểm trợ mọi nhu cầu cho 6 sư đoàn Không Quân VN và những đơn vị không quân biệt lập khác; tất cả đều đồn trú trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Đảm nhiệm cả việc huấn luyện các chuyên viên kỹ thuật và chuyên viên điện toán cho các sư đoàn không quân này.

    BCHKT&TV/KQ chúng tôi còn là một đơn vị quản trị toàn thể tài sản không quân VN, tồn trữ đủ mọi loại động cơ phi cơ lớn nhỏ; cất giữ những chiến đấu cơ mới được Mỹ viện trợ; cất giữ hàng trăm ngàn hàng vật liệu, các cơ phận sửa chữa phi cơ đủ loại; quản trị quân xa cơ giới đặc biệt cùng những quân dụng thượng đẳng và vật liệu cao giá khác, trong đó có cả quân trang, quân dụng, và các tiện nghi cơ sở vật chất khác cuả KQVN.

    Ngoài những không đoàn, những trung tâm, các cơ sở tham mưu, các đơn vị trực thuộc yểm trợ cho hoạt động đơn vị, trong tổ chức của BCHKTTV/KQ chúng tôi có một số đơn vị nổi bật là:
    - Trung Tâm Quản Trị Vật Liệu, quản giữ trên kế toán toàn thể tài sản KQ, gồm vật liệu chiến thuật và không chiến thuật, các chiến cụ, quân xa, cơ giới va phi cơ các loại…
    - Trung Tâm Tiếp Liệu & Chuyển Vận, quản giữ toàn thể tài sản KQ trong các nhà kho và bãi chứa khổng lồ, phân phối các cơ phận tiếp liệu cho 6 sư đoàn KQ và các đơn vị KQ biệt lập trên toàn miền Nam VN. Chuyển vận chiến thuật các quân binh chủng và các gia đình quân nhân trên khắp 4 vùng chiến thuật bằng các phương tiện Không, Thuỷ và Bộ Vân.

    Tiếp nhận và tống đạt tât cả phi cơ, quân trang, quân dụng cho KQVN từ Mỹ đến và ngược lại ….
    - Trung tâm Điện Toán Tiếp Vận Không Quân, điện toán hóa hồ sơ tiếp vận KQ, theo dõi những sự phân phối chính xác, cập nhật mọi dữ kiện sở hữu tiếp vận v.v.. Trung tâm này thuộc tầm cõ lớn nhất quân đội, với các chuyên viên ưu tú và các kỹ sư IBM Mỹ làm việc 24/24.

    - Trung Tâm Qui Chuẩn, chuyên chế tạo, sửa chữa, điều chỉnh và đo lường độ chính xác các phi kế, phi cụ, đồng hồ, la bàn, địa bàn cho nhu cầu KQ và luôn có một toán chuyên viên đặc biệt được gủi đi các đơn vị không quân khác để gíup họ kiểm soát các công tác qui chuẩn naỳ .
    Sau này trung tâm qui chuẩn được thủ tướng TT Khiêm nâng lên cấp Trung Tâm Qui Chuẩn Quốc Gia.

    - Không Đoàn Tân Trang & Chế Tạo, chuyên sữa chữa phi cơ, trang cụ và quân dụng thượng đẳng ở cấp cao nhất. Nơi đây có thể phục hồi, tổng kiểm ( overhauled) và sửa chữa nặng ( retrofit ) các động cơ, trang cụ, những cấu trúc khung phòng phi cơ ( structrural ) và làm mới lại những động cơ, những phi cơ hư hỏng hay phi cơ bị tai nạn trên chiến trường để trở thành khả dụng.

    Kỹ thuật sủ dụng plasma (một nguồn năng lượng có sức nóng cực cao ) dùng để làm ra hoặc đắp những thỏi kim loại thành các trục của động cơ phản lực, đưa thành phẩm lên đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, đã nói lên sự lớn mạnh trong ngành chế tạo mà KQVN đã biết áp dụng kỹ thuật cao cấp này vào những ứng dụng chế tạo của thời kỳ trước 1975.

    Không đoàn TTCT cũng đã dự phần và phối hợp với các vị sĩ quan trong Khối Không Cụ thuộc BTLKQVN, chế tạo thành công chiếc phi cơ đầu tiên của không quân Việt Nam là Tiền Phong 001, được người Mỹ rất thán phục nhưng sau đó không cấp ngân khoản cho việc sản xuất.
    - Ngoài ra KĐTTCT còn có các xưởng Chế Tạo Dưỡng Khí Lỏng, xưởng Truyền Lực Động Cơ, xưởng Kiểm Thử Rạn Nứt Động Cơ v.v..
    Còn đối với các quân xa cơ giới và các quân dụng đặc biệt của không quân VN thì chúng tôi cũng sửa chữa ỏ cấp cao, tức cấp công xưởng .

    Một đơn vị to lớn như vậy, được trang bi máy móc tối tân, đắt tiền và được điện toán hoá việc điều hành cũng như quản trị, chuyên ngành nào cũng có nhiều cố vấn Mỹ làm việc chung, thì phải nói chúng tôi không thua kém bất cứ một đại đơn vị nào của không quân Mỹ cả “.
    *** "Anh chàng độc giả này nói đúng, có lẽ mình đã bị bỏ quên !!! ".

    Nhưng thưa bạn không, ngành không phi hành không bị bỏ quên như đa số tưởng mà chỉ được ít nhắc đến mà thôi. Đó là điều hiển nhiên nhưng rất bình thường khi chúng ta ở vào thời buổi chiến tranh. Nếu vai trò các hoa tiêu được nói tới nhiều hơn thì cũng là sự công bằng, vì nó mang lại lợi ích chung cho nhu cầu chiến tranh tâm lý thời đó.

    Sự thiếu nhắc nhở tới ngành KPH đã được bù lại là có sự cân nhắc rất công bằng cho những sự thăng tiến cá nhân, những ban khen của các cấp chỉ huy, những chức vụ được đảm nhiệm cao hơn so với bảng cấp số, v v… Vì vậy nhiều người được thăng cấp đặc cách cũng nhanh không kém ngành PH.
    Điều quan trọng ở đây là chúng ta mang chung một niềm hãnh diện về một Không Quân Việt Nam lớn mạnh và đứng Hàng Thứ Tư Trên Thế Giới (2). Chắc chắn ai cũng phải hiểu rằng đó là công sức của tất cả mọi thành phần quân nhân trong Không Quân Việt Nam Cộng Hoà.

    Nếu bạn mà còn không đồng ý nữa thì xin bạn hãy nhìn vào các sự kiện dưới đây để tự hãnh diện về những sự làm việc âm thầm của nhiều người trên nhiều lãnh vực và biết thêm được những nhân tố nào đã tạo ra những thành qủa vượt bực đó, dù rằng những người này rất ít được người khác biết đến, nhưng vì yêu nghề, yêu khoa học họ vẫn tự hào trong niềm vui riêng.

    Những sự kiện đó điển hình như sau:
    - Những khoa học gia thiết kế các phi thuyền như Apollo hoặc Gémini hoặc các trạm không gian, có được ai biết đến tên tuổi họ bằng các phi hành gia như Neil Alden Armstrong, John Glenn Jr., Allan Skeppard hay Yuri Gagarin.

    - Những chiếc hàng không mẫu hạm khổng lồ và tân kỳ trôi trên các đại dương như USS Midway, Minitz, Lexington hay Saratoga cũng không người nào biết hoặc nhớ đến ai đã sáng tạo ra chúng.

    - Những chiếc xe đua nổi tiếng trên thế giới, được các nhà chế tạo xe làm ra với những tính năng đầy ưu việt nhưng người ta chỉ nhớ tới tên người lái xe đã đoạt chức vô địch cho mình như David Rayan, hoặc Danny O’Quinn chứ không ai biết đến các người thiết kế ra xe.

    - Những toà cao ốc trọc trời trên thế giới như Empire State Building cao 102 tầng hoặc Chicago Sears Tower cao 110 tầng đang vươn mình trong trời cao nhưng đố ai biết hoặc nhớ đến tên những người kiến trúc sư đã dự phần xây dựng lên chúng như McKim, Charles Follen, Daniel H. Burham, mà chỉ biết rằng hiện nó đang nằm tại New York, Chicago một trong những thành phố lớn nước Mỹ.

    - Những con tuấn mã tốt giống như các loại ngựa có tên Quarter Horse, Thoroughbred, Clydesdales, nổi tiếng trên các trường đua ngựa đỏ đen ở Kentucky Derby hoặc trên các sân đua Churchill Downs, Belmont Park Ace từng làm sạt nghiệp hoặc làm giàu xụ các tay mê cờ bạc và các công ty cá độ hàng hai ba trăm triệu dollars một kỳ đua hoặc một mùa đua, nhưng không ai biết tới người chăm sóc và người gây giống ra loại chiến mã hiếm qúi này mà lại chỉ ca ngợi tài đua giỏi của những tay nài ngựa trên sân như Cornelio hoặc John Velasques.

    - Những ca sĩ nổi tiếng với tiếng hát vượt không gian và thời gian như Thái thanh của VN, Berniamino Gigli, Tito Schipa của Ý và Richard Tauber của Úc …không ai biết được trước đó ai là người thày dạy nhạc, ai là người huấn luyện kỷ năng, ai là người sáng tác ra nhạc phẩm, ai là những nhạc công xuất sắc của ban nhạc đã làm thành những nhân tố để đưa những ca sĩ này lên đỉnh cao.
    - Và còn nhiều thí dụ nữa kể ra không xiết…

    Nếu bạn biết thêm rằng trong cuộc chiến VN trước 30/4/75, quân lực VNCH có trên 1,100,000 người thì đã có đến 660,000 quân nhân là Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, họ đã chiếm trên một nửa quân số. Những chiến sĩ này cũng đã chiến đấu âm thầm vừa bảo vệ quê hương, vừa giành dân lấn đất với Việt Cộng ở những vùng hẻo lánh xa xôi mất an ninh, đã mang lại an vui cho dân chúng, nhưng họ cũng không được đề cao bằng các binh chủng Bộ Binh chủ lực hoặc các quân binh chủng khác như Không Quân, Hải Quân, Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt động Quân v.v…

    Vì vậy tướng Creighton Abrams tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam vào những năm 1968 cũng đã phải thừa nhận một thực tế là:

    ” điều tôi quan tâm nhất là vai trò của ĐPQ và NQ trong chiến cuộc luôn bị quên lãng. Người ta chỉ nói đến QLVNCH không thôi, trong khi đã lâu nay ĐPQ và NQ đã gánh chịu nhiều tổn thất và giáng cho quân địch nhiều đòn chí tử .Tôi nói thẳng, nếu ta muốn nói đến an ninh cho dân thì ĐPQ và NQ mới là phần việc lớn “!

    Trung tướng Ngô Quang Trưởng cũng xác nhận :

    ” Các ĐPQ và NQ đã lần hồi gỡ bỏ mặc cảm của một phụ lực quân để trở thành các binh sĩ chính qui và là một bộ phận chính của bộ máy chiến tranh VN “
    Nhà bình luận khe khắt Mỹ là tướng Julian Ewell cũng phải khen tặng :
    “ĐPQ và NQ là một mũi nhọn trên chiến trường ” !

    Những quân nhân này tạm gọi là bị quên lãng nhưng vẫn được nhắc tới và đánh gía đúng mức trong lịch sử ( 3 ).
    Vậy chúng ta, những con người làm việc trong thầm lặng :
    - Nên thinh lặng. Vì hữu xạ tự nhiên hương. Dù nếu mình có được khen ngợi hoặc bị chê bai thì cuối cùng không chóng thì trầy, thời gian cũng đưa mọi việc vào quên lãng.

    - Một đốm lửa mà chưa được mọi người biết đến chân giá trị của nó hay không thì nó vẫn mang ánh sáng của mình để xoá tan bóng đêm như thường mà không cần chờ đợi ai ca ngợi cả .
    - Không nên tự đề cao và quan trọng hóa mình và cho rằng nếu không có mình thì không thể có lịch sử hoặc cho rằng mình đã có công đến như vậy mà vẫn bị lịch sử bỏ quên.
    - Tất cả những sự nhẫn nại, cố gắng trong mọi việc làm của mình, cuối cùng đều được mọi người biết đến và đều có sự trả công rất công bằng, không bằng vật chất thì cũng bằng tinh thần.
    - Cuối cùng thì hãy vui và hãnh diện về những điều mình đã làm và những năng lực mình đã cống hiến cho tổ quốc.
    *****xxxxx

    Để các bạn hậu sinh biết qua về những ngày đầu thành lập ra ngành Tiếp Vận tại BTLKQ và sự ra đời Bộ chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ, tôi xin lược qua đôi nét về một vài nhân sự nổi bật trong ngành dưới đây:


    1. Người có công tổ chức và thành lập Khối Không Cụ và là Tham Mưu Phó Không Cụ đầu tiên của Không Quân VN là T/T Trần Đỗ Cung.

    Ông có bằng cử nhân toán từ nhừng năm 1947. Ông tham chánh và từng giữ các chức vụ Giám Đốc Thể Dục Thể Thao dưới thời thủ tướng Nguyễn Phan Long năm1948 và chức Thụ Ủy Tổng Cục Trưởng Tiếp Tế thời nội các của thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ năm 1966. Hiện nay ông chuyên viết sách, dịch sách và đã xuất bản được vài cuốn sách dưới dạng hồi ký.

    2. Khối Không Cụ sau đó đổi thành Tham Mưu Phó Tiếp Vận KQ. và ChuẩnTướng Đặng Đình Linh làm Tham Mưu Phó .

    Ông tốt nghiệp cử nhân luật và trường sĩ quan Kỹ Thuật Hàng Không tại Pháp, ông làm Tham Mưu Phó Tiếp Vận cho tới ngày 30/4/75 với sự phụ tá là Đ/T Dương Xuân Nhơn.

    Phòng TMP Tiếp Vân / KQ có các sĩ quan trưởng phòng khác như: Trưởng phòng Kế Hoạch: D/T Nguyễn Tú, Trưởng phòng Chuyển Vận: D/T Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng phòng Tiếp Liệu: D/T Nguyễn văn Lợi, Trưởng phòng Bảo Trì: D/T Đào Kim Quang, Trưởng phòng Vũ Khí: D/T Nguyễn Văn Qúi, Trưởng phòng Kiến Tạo: D/T Hà Quang Chúc , Trưởng phòng Điều Kiểm Không Cụ : D/T Ngô Khắc Thuật v.v…

    - Đ/T Nguyễn Tú là tác giả và là kỹ sư thiết kế và là phối hợp viên trong việc chế tạo thành công chiếc phi cơ đầu tiên của KQVN gọi là Tiền Phong 001. Ngân khoản chế tạo chiếc phi cơ Tiền Phong 001 là do Bộ Quốc Phòng VNCH tài trợ, người Mỹ không giúp đỡ gì cả và cũng không cấp ngân khoản cho KQVN cho việc đưa vào việc chế tạo. ( 4 )

    Còn nhiều vị tiền nhiệm khác trong ngành KTTV tôi không được rõ lắm về thân thế và binh nghiệp nên không dám viết ra ở đây.

    3. Còn về Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật &Tiết Vận / KQ thì được thành lập khoảng năm 1955 do Không Quân Pháp trao lại, quân số lúc đó chỉ khoảng độ vài trăm người. Trước đó BCHKTTV gọi là Công Xưởng hay gọi theo người Pháp là Le Park de Biên Hoà. Đơn vị này được đặt dưới quyền chỉ huy của Đ/U Lê Văn Khương, sau đó là T/U Từ văn Bê kế nhiệm.

    - Cho tới ngày 30/4/1975 thì BCHKT&TV/KQ có được gần 10 ngàn người trong đó có khoảng 430 sĩ quan các cấp.

    4. Chỉ huy trưởng BCHKT&TV là Chuẩn Tướng Từ Văn Bê, chỉ huy phó là Đ/T Trương Trọng Công và Tham Mưu Trưởng là Đ/T Nguyễn Dương cùng 4 vị đại tá Không Đòan Trưởng, Chỉ Huy Trưởng các Trung Tâm và các Phòng Tham Mưu . Có một Liên Đoàn Trợ Lưc trực thuộc.

    - Ch/ T Bê hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Oklahoma, ông bị bệnh lẫn trí nhớ và đang được điều trị tại đây. Ông có bằng cử nhân luật khoa, tốt nghiệp trường sĩ quan Kỹ Thuật Hàng Không tại Pháp.

    Khi còn khoẻ mạnh ông rất năng động trong các chức vụ của cộng đồng người Việt tại Oklahoma. Ông được nhiều cảm tình của báo giới Mỹ và Pháp. Và thỉnh thoảng ông được Quốc Hội tiểu bang Oklahoma mời ra thuyết trình những đề tài mà dân chúng Mỹ hằng quan tâm.

    - Đ/T Nguyễn Dương hiện cư ngụ tại Denver tiểu bang Colorado. Ông đang là giáo sư cho trường đại học Colorado và là Nghiên Cứu Trưởng của một số dự án về không gian và phi cơ không người lái. Tốt nghiệp tiến sĩ năm1973 tại Mỹ, về nước ông được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng BCHKTTV/ KQ. Cùng thời gian này ông được biệt phái sang Nha Kế Hoạch Bộ Kinh Tế để phụ trách chương trình của Liên Hiệp Quốc tại Bangkok dùng vệ tinh không gian ERST để kiểm tra tài nguyên thiên nhiên tại đồng bằng sông Cửu Long. Sau Năm 1975 ông sang Pháp làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Không Gian Pháp tại Toulouse trước khi trở về Hoa Kỳ dạy học như đã trình bầy ở trên.
    Trên đây là những bước khởi đầu ngành Kỹ Thuật và Tiếp Vận của KQVN/CH. Cũng được coi là một sự chuyển mình lớn lao rất đáng kể của ngành không phi hành.
    Kể từ đó về sau, quân nhân các cấp trong ngành đi theo bước chân các đàn anh dày dạn kiến thức và kinh nghiệm. Tất cả ngành không phi hành đã làm việc với một bàu nhiệt huyết trong âm thầm để xây dưng Không Quân Việt Nam Cộng Hoà thành một Không Quân hùng mạnh nhất Đông Nam Á và đứng hàng thứ tư trên thế giới như ta đã thấy.

    **** Hàn Phú Viết xong tại Union City, CA
    Ngày 15/10/2006


    Phần phụ chú đặc biệt :
    (1) – Con số 3,000 chiếc phi cơ mà KQVN có được tính tới 30/4/1975 là do Chuẩn Tướng Đặng Đình Linh bổ túc. Trước đây người viết chỉ ghi là 1,700 chiếc mà thôi.
    (2) – Theo Đ/T Nguyễn Tú thì : “ nếu lấy số liệu trong hồ sơ có được cuả văn phòng Tham Mưu Phó Tiếp Vân BTLKQ trước năm 1975 nói về KQVN mà đem so sánh với Không Quân của các nước khác, thì số lượng phi cơ, hoa tiêu, chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư, trang thiết bị , tiếp liệu, bom đạn, xăng nhớt, tài sản không quân, tầm mức hoạt động thì KQVN phải đứng vào hàng thứ ba chứ không phải là hàng thứ tư trên thế giới “.
    (3 )- Tham chiếu bài viết “ Tái xác định giá trị Quân Lực VNCH” ( Reassessing ARVN ) của Tiến Sĩ Lewis Sorley đọc tại Đại Học Kỹ Thuật Texas TTU do dịch giả Trần Đỗ Cung dịch.
    ( 4 ) - Việc chế tạo chiếc phi cơ Tiền Phong 001 , D/T Nguyễn Tú cho biết thêm:Nhiệm vụ chế tạo phi cơ được phân chia cho từng đơn vị KQ nào có khả năng kỹ thuật cao. Mỗi nơi chế tạo một bộ phận, sau cùng ráp lại để thành 1 phi cơ nguyên chiếc. Không Quân VN lúc đó đặt tên cho chiếc phi cơ này là “ Tiền Phong 001” , vì dự định sau đó sẽ chế thêm Tiền Phong 002, Tiền Phong 003 và 004 v.v.. Phi cơ sẽ dùng để tự túc huấn luyện căn bản các phi công VN tai quốc nội thay thế người Mỹ. Vì vậy loại phi cơ này được chế biến theo kiểu phi cơ cánh thấp giống khu truc chứ không phải loại cánh cao như phi cơ quan sát. Phi cơ này có hai ghế ngồi gần nhau với hai cần diều khiển song hành và có khả năng nhào lộn nhẹ nhàng thích hợp cho một chiến đấu cơ căn bản. Chuyến bay thử nghiệm được thực hiện đúng vào “ Ngày Không Quân VN “ của năm 1972 hoặc 1973 . Vị pilot đầu tiên bay thử “ một cách táo bạo không nương tay “ là thiếu tướng Võ Xuân Lành, Tư Lệnh Phó Không Quân, Ngồi kế bên là Đ/T Nguyễn Tú.Chuyến bay nhằm trắc nghiệm khả năng đáp và cất cánh cùng làm 3 cái “ hop “ ( đáp rồi cất cánh ngay ) trên phi đạo rồi bay quần quần trên bàu trời Saigon mà thôi. Chuyến bay thử này đáng lẽ do Tr/ Tá Lê Xuân Lan, người được tham dự với công trình chế tạo ngay từ đầu, nhưng vì tướng Lành mê thích qúa nên xin bay trước. Sau đó Tr/T Lan va Đ/T Tú bay thêm khoảng 60 giờ bay khác để trắc nghiệm them những ưu và khuyết điểm của phi cơ trước khi bay đến các sư đoàn Không Quân VNCH, cất cánh và đáp thử thành công trên mọi phi đạo của các phi trường quân sự VN. Về ngân khoản chế tạo chiếc phi cơ Tiền Phong 001 là do Bộ Quốc Phòng VNCH tài trợ, người Mỹ không giúp đỡ gì cả và không cấp ngân khoản cho KQVN để đưa vào việc chế tạo.
    ( Biên Hùng chuyển )

  • #2
    Những Con Người Âm Thầm Trong Ngành Không Phi Hành

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X