Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lửa

Collapse
X

Lửa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lửa

    Lửa
    TG72A Canada

    Lửa là hiện tượng không thật, do duyên hợp, không có đủ cơ duyên, sẽ không có lửa. Lửa kết hợp giữa Nitrogen và Oxygen, một trong hai yếu tố nầy không tồn tại, sẽ không có lửa. Trong vạn hữu, không có cái gì tự có mà không có nguyên nhân.
    Ðã vậy lửa cũng không có tự tánh. Thế nên lửa không thể cháy hoài được, mà phải tắt khi thiếu một trong hai yếu tố kia. Thành, trụ, diệt, hoại. Duyên tan hợp là vậy.
    Tình yêu và khổ đau cũng vậy, chỉ là hiện tượng. Tình yêu và khổ đau không thể tồn tại mãi mãi, khi cơ duyên không đủ để tồn tại. Chỉ vì tình yêu và khổ đau không có tự tánh.
    Chúng ta đang sống trong đời sống hiện tượng, mọi hiện tượng có khác nhau về mức độ, ít hay nhiều, nhỏ như hạt bụi hay lớn như quả địa cầu. Chúng phải bắt đầu từ một cơ duyên nào đó, và chúng đang thay đổi mãi mãi. Khi chúng biến dạng, người phàm thế gian cho là mất, nhưng khoa học không cho là mất, chúng chỉ thay đổi hoàn cảnh vật chất mà thôi. H2O là thành phần của nước. Nếu thiếu đi một nguyên tử, thì thể trạng của nước không còn nữa.
    Trong kinh Bát Nhã, hoàn toàn phủ nhận mọi giá trị của sự cảm nhận từ ngũ quan, do đó Ngũ Uẩn Giai Không. Chỉ vì sự cảm thọ của ngũ giác không có tự tánh, đôi khi cùng một hiện tượng duyên hợp, nhưng khả năng cảm thọ ngũ quan có khác nhau, do nhiều lý do, vì trình độ có khác nhau về khả năng nhận thức, nên sự cảm nhận có khác nhau, dù cùng một sự kiện.
    Người đời bảo mặt trời mọc hướng đông, lặn hướng tây. Thật ra mặt trời chưa bao giờ mọc đông, lặn tây…nếu chúng ta đứng một vị trí ngoài không gian nầy, thì đông và tây không còn giá trị định vị nữa, ngay cả 24 giờ không hẳn là chu kỳ của một ngày. Mặt trời và sự nhìn nhận của chúng ta là hiện tượng.
    Vậy cái gọi là “hiện tượng” nầy là quán tính của sự cảm nhận nhất thời, được định nghĩa theo quan niệm nào đó, không nhất thiết phải là tôn chỉ cho mọi giới.
    Trong giới khoa học đã từng đính chánh những ghi nhận khoa học trước kia, hoàn toàn không giá trị hôm nay, khi những khám phá không hẳn vượt qua khỏi bức màn hiện tượng.
    Xa hơn nữa, sống và chết cũng chỉ là hiện tượng. Khi có đủ duyên thì sống chết sẽ xảy ra. Chúng cũng vẫn là hiện tượng,Tình trạng vật chất ngay lúc chết là lúc thay đổi trạng thái. Nói đúng hơn, chúng thay đổi môi trường, ngay lúc chúng thay đổi hiện tượng, mà người “phàm” khó biết một cách tường tận. Từ chỗ nhận diện cái chết như là hiện tượng dứt khoát, thế nên cái chết có phần đau khổ. Ngay lúc sanh ra đời nầy, thì trong hoàn cảnh nào đó, nhân vật nào đó, phải biến đổi hiện tượng trước để thích ứng với hiện tượng sau, đó là những chuỗi hiện tượng thay đổi không ngừng trong khoảng thời gian đủ để có một hiện tượng khả dĩ.
    Nếu có đau buồn vì chết, chẳng qua chúng ta ngỡ rằng hiện tượng chết là yếu tố thật, hoặc hiện tượng nầy rốt ráo, có tính cách dứt khoát như chúng ta tưởng.
    Ðây là tính chất bất khả đảo nghịch của vô thường. Vô thường không có ngoại lệ. Kinh Bát Nhã đã nói như vậy. Tóm lại kinh Bát Nhã phủ nhận mọi hiện tượng, ngay cả chết hay sống.
    Khốn thay, chúng ta sống nhiều năm trên mặt phẳng của hành tinh nầy, hiện tượng vốn là tôn chỉ của cái nhìn nhân sinh quan. Trật tự của thế gian lấy vật chất làm kỷ cương của sức mạnh, lấy cái có, không, mất, còn làm căn bản của sự cảm thọ. Nhưng khổ thay cảm giác ấy luôn bị chi phối bởi khả năng cảm thọ, và sự biến thiên nầy vô cùng. Thế rồi chúng ta tha hồ mà gìn giữ những cái huyền hoặc trong đời sống hiện tượng, và sở hữu nó, mãi cho đến khi duyên hợp tan không hoàn hảo nữa, tự chúng phải thay đổi hiện tượng…làm cho chúng ta buồn, và cho đó là nguyên tắc của sự thật!! hiện tượng của vật chất chúng có thể kéo dài thêm nhưng không thể kéo dài mãi mãi. Buồn khi chúng ra đi, nhưng thật ra chúng chưa bao giờ đến.
    Ðừng tự làm khổ mình khi bông bóng của bọt biển tan biến từng hồi, chúng ta mãi trôi dạt trên mặt biển của đời người, hợp tan là định luật của hiện tượng thiên nhiên. Không tin cũng cũng không sao, nhưng chúng vẫn lần lượt đến rồi đi.
    Có lúc chúng ta chết ngay khi đang sống, chính vì cái chết vi tế, đến đổi không kiểm soát được cái đang chết từng sát na, và cái chết mãi diễn tiến cho đến khi toàn bộ hệ thống cơ thể sụp đổ, thì hiện tượng vật chất nầy thay đổi toàn diện. Cơ duyên của tứ đại không còn quyện lại thành một thực thể của hiện tượng nưã, mà chúng biến thành Ðất Nước Gió Lửa. Khi chúng phân ra từng phần, thì cơ thể nầy không còn nhận dạng được nữa, chúng sẽ biến thiên theo nhu cầu của khoa học vật chất để trở thành một dạng khác. Cái trở thành nầy, biến chuyển không ngừng, mà nhà Phật gọi là Vô Thường. “Sự thế nhược đại mộng” Thế gian là giấc mộng.
    Tóm lại vạn hữu không có tự tánh, vạn hữu nằm trọn vẹn trong cõi vô thường, chúng đến vì cơ duyên, chúng đi vì mất quân bình của cơ duyên. Chúng ta có nhu cầu để tìm cái có của Thật Tánh hay còn gọi là Tự Tánh.
    Cái tự tánh nầy, không do duyên cơ mà có, chúng không bị hoại bởi vô thường, chúng không thay hình đổi dạng, bất biến theo không gian và thời gian. Nhưng ngặt thay, chúng ẩn dưới dạng nghiệp thức, lúc đàn ông, lúc đàn bà, lúc hèn, lúc sang, lúc khôn, lúc dại. Hạnh kiểm của đời sống trước là nguyên nhân kết thành đời sống sau, chúng ẩn núp mãi trong ta, cho đến một ngày tự mình cởi chiếc áo phàm phu bằng một Chánh Pháp, để lấy ra, lấy ra mãi, còn lại cái sau cùng không thể lấy ra được nữa. Cái sau cùng quá hoàn hảo, không thêm bớt, không có ký ức, không có kiến thức đối đãi, không có thói quen cảm thọ trước hiện tượng. Tánh nầy ngang hàng với Hư Vô, có một lúc với hư vô. Vì là bản chất của hư vô, nên bất hoại, vì là hư vô nên vô thường không chi phối được.Tánh nầy là Tánh Thật, hay còn gọi Tánh Phật, hay Phật Tánh. Phật Tánh là tánh bình đẳng của mọi ngươì. Chúng ta, ai cũng có Phật tánh, ngay cả thú vật. Chẳng qua, phàm tánh và thú tánh bị những hiện tượng huyễn che lấp, nên chưa có cơ hội hiển lộ, nếu có đi tìm là tìm chính Tánh Phật nầy chứ không phải Tánh của “ông” ngồi trên bàn thờ. Nếu đi tìm tánh “ông đó” thì rất mâu thuẩn, vì chính “ổng” bảo rằng: Người đời dẫu có một túi châu báu, mà vẫn đi ăn mày là vậy. Ði tìm cái đã có, chứ không phải tìm cái không có, hoặc chưa có, hoặc cái có của người khác, ngoài mình. Mỉa mai thay….có người đi tìm cái mà mình không sở hữu, tức là đi tìm tánh Phật đâu trên bàn thờ!!.
    Ði tìm Ngài chi cho uổng công, nếu gặp Phật sẽ thành Phật, thì Ngài hãy hiển lộ ra ngay cho chúng ta khỏi phải đi tìm.!! Ðức Phật luôn mãi là người chỉ đường, chúng ta phải tự mình đi.
    Tánh nầy có tự tánh nằm tận A Lại Da Thức, phải khổ công mới có khả năng khám phá. (Tụng, độc, niệm, tưởng sẽ làm cho cái vỏ hiện tượng bề ngoài dầy thêm, từ đó, tự bịt mắt mình, tìm đường đi….???)
    Sự kiện của thế giới hiện tượng đã mê hoặc chúng ta rất sâu nặng, thường chúng ta đánh giá nhau bằng hiện tượng, sống với hiện tượng và chết vì hiện tượng. Kinh Kim Cang phủ nhận giá trị của Sắc và Thinh khi tìm chánh pháp:

    Nhược dĩ sắc kiến ngã,
    Dĩ âm thanh cầu ngã,
    Nhược nhơn hành tà đạo,
    Bất năng kiến Như Lai

    (Tạm dịch:
    Dùng sắc tướng tìm chân ngã.
    Dùng âm thanh tìm chân ngã.
    Người đó đang hành tà đạo.
    Sẽ không tìm thấy tánh Như Lai của mình)

    Chỉ vì âm thinh và sắc tướng là bức màn của hiện tượng, hiện tượng không thể tồn tại khi hết cơ duyên. Hiện tượng không có tự tánh.
    Lửa không đi ra ngoài định luật của hiện tượng ảo nầy./.
    Nguyễn Hoàng Tân
    Last edited by Phòng Trực; 09-12-2012, 10:07 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X