Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Dân Cây Chàm Biên Hòa!?

Collapse
X

Dân Cây Chàm Biên Hòa!?

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dân Cây Chàm Biên Hòa!?

    DÂN CÂY CHÀM BIÊN-HÒA!?



    Với cái tựa bài này, xin các bạn đừng nghĩ tôi sắp tả về 1 vùng đất dữ dằn nào đó. Thật ra, khi nói về TP.Biên-Hòa tôi chỉ biết đến ngã ba Vườn Mít. Chẳng qua, vào năm 1953 khi gia đình Thày Mẹ tôi di cư vào Nam, sau khi tàu cặp cảng Vũng-Tàu, thì đoàn xe đưa các gia đình đến thẳng khu nhà bạt tạm cư (tọa lạc tại khu đất đất trống trước cổng Phi trường Biên-Hoà bây giờ). Nhìn sang bên kia là Ngã ba Vườn Mít. Hàng ngày gia đình tôi băng ngang vườn mít (không rào chắn, không một mái nhà nào ở gần đó, trái đầy trên cây, cũng không thấy ai hái). Chúng tôi lại băng ngang 1 con đường nữa, rồi theo lộ đất với đầy vết bánh xe Bò để vào khu Gò Cát (gần bờ sông Đồng-Nai) có gia đình Nội tôi ở đó. Nếu từ rạp hát Biên Hùng chạy đến Ngã ba Vườn Mít thì con đường tách ra làm hai. Bên trái là đường ra quốc lộ 1 đi ngang qua khu Hố Nai rồi đến Trảng Bom, Cầu Giây, Long Khánh. Đường bên phải (quốc lộ 15) xe chạy thẳng qua hai khu người Bắc di cư 54 rất lớn là Tân Mai (1) và Tam Hiệp rồi đến xa lộ Biên Hòa (ngày nay - khúc gần ngã ba Vũng Tàu).

    Vì vậy tôi không dám nhận mình là người Biên Hòa, nơi đã bao dung đón nhận gia đình chúng tôi ngay bước chân đầu tiên bước xuống mảnh đất miền Nam Tự Do và trù phú. Vì gia đình Thày Mẹ tôi (sau này kêu theo người Nam là Ba Má) chỉ ở Biên Hòa với Nội gần 3 năm là dọn về Sài-Gòn. Tuy vậy, mỗi năm vào dịp hè và tết nguyên đán, ông Nội bắt cô út tôi xuống Sài-Gòn dắt tôi lên Biên Hòa, cho đỡ nhớ thằng cháu đích tôn của ông. Tôi xin mở 1 dấu ngoặc để nói về Cô Út của tôi: do ông Nội tôi vào Nam từ năm 1940, sau đó định cư, rồi sanh ra cô Út tại thành phố Biên-Hòa. Vì vậy cả nhà Nội đều nói tiếng Nam. Điều đặc biệt là cô út của tôi rất đẹp (gái chánh tông Biên Hòa mà lỵ!) dáng cô cao và gầy, mái tóc đen thả buông lơi, thỉnh thoảng xài kẹp ba lá... rất dễ thương. Da cô trắng như bông bưởi, hai mắt to. Nhất là hàm răng trắng hình lá me bự, lúc nào cũng cười, lại ăn nói rất tình cảm và có duyên. Chả thế mà năm 15,16 tuổi cô đi đến đâu, Biên-Hòa hay Sài-gòn... các chàng đều theo nườm-nượp. (Cô tôi hiện nay vẫn sống tại Tp.Biên Hòa).

    Vào năm 1960 đến 1963, Ba tôi được chuyển đến làm việc tại phi trường quân sự Biên Hòa. Vì vậy gia đình chúng tôi phải tách ra làm hai: tôi và các em lớn ở lại Sài-Gòn để tiện việc học hành (nhờ có gia đình Ngoại tôi ở cùng xóm trông nom), còn Má và hai em còn nhỏ thì theo Ba tôi lên ở xóm nhà gỗ trước cửa nhà máy cưa Tân Mai (nơi ông Nội tôi làm trong đó - Nay có tên là Nhà máy giấy Đồng nai COGIDO). Mỗi lần có tin Má nhắn về là tôi 3 chân 4 cẳng chạy ra chợ mua gạo, nước mắm, thực phẩm (theo khẩu vị của người Bắc). Sau đó ra đón xe đò Liên Hiệp (màu xanh lá cây - đầu và đuôi xe bo tròn). Khi xe vừa qua núi Châu Thới là đến ngã tư Tân Vạn (sau này nổi tiếng là bán thịt rừng) rồi chợ Đồn (vì có cái Đồn lính từ thời Tây dùng để gác hai cây cầu ở gần đó) xe băng ngang hai cây cầu sắt đen (có tên là cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát - giữa hai cây cầu là Cù lao phố). Tôi xuống xe trước cửa rạp hát Biên Hùng rồi lên xe thổ mộ (sau này có xe lam) đi ngang ngã 3 Vườn Mít, theo đường bên phải rồi quẹo phải vô Nhà Máy cưa Tân Mai. Trong thời gian này, gia đình tôi có lần tổ chức đi du ngoạn núi Bửu-Long. Chúng tôi lần theo các bậc đá để lên ngôi chùa cao chót vót trên đỉnh núi.Chiều về chúng tôi ghé chợ Biên Hòa ăn uống, rồi thả bộ ra công viên chạy dọc theo bờ sông Đồng Nai. Tôi nhớ bên bờ sông có nhà thủy tạ 4 mái, hai bên có 2 cái thang nhỏ thả xuống sát mặt nước trong xanh. Vì vậy sau này đi đến đâu thấy có hồ hay sông, tôi lại nghĩ phải chi họ làm 1 cái nhà thủy tạ giống như ở chợ Biên-Hòa.

    Cứ mỗi lần lên Biên Hòa, khi tôi đòi đi chơi là ông Nội và cô út tôi chỉ dắt ra chợ Biên-Hòa rồi về thẳng nhà. Tôi nhớ lần đầu tiên ra chợ Nội đã sắm cho tôi 1 bộ đồ lụa màu vàng lợt 3 túi, quần ta, sau đó dắt đến tiệm Thái Bình Photo chụp hình (năm 1954). Nay tôi nhìn lại thì cái bản mặt của tôi cứ nghệt ra và y chang ông phỗng, có điều nhìn thì không ai mà nhận ra đó là thằng nhỏ... Bắc kỳ con bỏ vô lon, kêu eng-éc...(*) Do đó khi nghe câu nói: -Tui cũng là DÂN CÂY CHÀM BIÊN-HÒA! làm tôi cứ ngớ người ra! May thay có anh bạn người chánh gốc Biên Hòa giải thích về địa danh Cây Chàm. Tưởng đâu xa, hóa ra ở gần chợ Biên Hòa, ngay trung tâm thành phố (Khu Tòa án Đồng nai). Nếu từ khu Cây Chàm nhìn thẳng về phía Tòa án, thì xa xa là bờ sông Đồng-Nai.Còn từ khu tòa án quẹo phải là đi chùa Bửu-Sơn và núi Bửu-Long. Quẹo trái là trở ngược lại chợ Biên-Hòa, đi thẳng đến Nhà thờ Chánh tòa, đối diện với Dinh Tỉnh trưởng (sát mé sông) gần đó là trường nam tiểu học Nguyễn-Du.

    Khu Cây Chàm thì có Trường Nữ Tiểu học (không tên?-không lẽ con Nhạc sĩ Vũ-thành-An học tại đây?), nay là trường tiểu học Quang-Vinh. Ngoài ra còn có di tích nổi tiếng là Thành Kèn được xây dựng từ thời Chúa Nguyễn với bức tường ciment cao bao quanh (tại sao lại có tên là Thành kèn, cái này phải hỏi Dân cây Chàm chánh gốc!). Anh bạn tôi cắt nghĩa, sở dĩ gọi là khu cây Chàm vì trước kia ở vùng này, thời xưa có rất nhiều cây Chàm với những trái tròn-tròn, để làm bóng mát. Sau này, thành phố mở mang nên người ta đốn bỏ. Nếu không có lời giải thích trên, tôi cứ tưởng đây là nơi ở của các cô gái người Chăm (tiếng Việt kêu là Chàm) rồi mỗi đêm trăng rằm họ đến thành kèn để múa hát... vì đất Đồng Nai xưa kia là của người Chàm. Vì vậy trên các hoa văn vùng đồ gốm miệt Tân Vạn vẫn phảng phất văn hóa Chăm rất mỹ thuật.

    Nhắc đến TP.Biên Hòa mà không nói đến Trường Trung Học Ngô Quyền nổi tiếng là một thiếu sót lớn. Trường tọa lạc gần cổng Sư doàn 3 KQ/VNCH. Nơi chiều chiều, các chàng Pilot nhà ta, sau 1 ngày bay vào vùng lửa đạn trở về, họ lái xe lambrettwist (Lambretta) dài đòn màu trắng đến trước cổng trường để đón Em tan trường về... Chàng thì áo bay với chiếc nón ca-lô trên đầu, có những viền trắng lấp lánh, gắn 1 hoặc 2 bông mai vàng sáng chói. Cây súng P.38 ngắn nòng đeo kẹp nách (như điệp viên 007) hoặc đeo xề-xệ ngang hông. Mắt đeo kính mát Rayban chánh hiệu England hay USA, túi và nón bay còn treo ngay cổ đèn xe. Em mặc áo dài trắng, từ cổng trường chạy vội ra, thấy chàng bèn cười tươi như hoa. Sau khi lên xe, tay trái ôm cặp chặn tà áo trước, tay phải ôm ngang hông chàng. Xe nổ máy vọt về phía trước, em cười reo vui lên khanh-khách, dúi đầu vào vai chàng. Với gió sông Đồng-Nai thoáng mát thổi ngược lên, tà áo em bay-bay trong nắng chiều nhạt màu... còn lại chăng chỉ là những làn khói xanh của xe chàng Pilot còn vương trên đường. Năm đó tôi mới 17 tuổi, đứng ngắm thấy hình ảnh đó nên thơ và đẹp không tả nổi! Tôi liên tưởng đến 2 câu vè trong dân gian mà sửa lời rằng:

    Đậu Tú-Tài anh đi Pilot
    Để trở về vào tận lớp cua em

    Sở dĩ phải vào tận lớp cua em là theo chiến thuật du kích, đánh chận đầu may ra còn kiếm chút cháo! Nếu đeo con cá (SVSQ) mà xếp hàng trước cổng trường thì chỉ có nước đứng ngửi khói xe của các Niên Trưởng mà thôi.

    Nếu Biên Hòa có các địa danh Cây Mít,Cây Chàm thì vùng Gia định tôi ở có Ngã Ba Cây Thị, Ngã Ba Cây Quéo (loại xoài nhỏ đầu cong, cắn 1 cái chua thấu Trời và dòn tan). Vùng Chợ Lớn có Trường tình báo Cây Mai của QLVNCH. Xuống đến Thành Phố Cần Thơ thì có Tiệm Cơm Tấm cây Sung ngon bá cháy! Tất cả đã nói lên tánh bình dân, giản dị, chân-chất của người Nam bộ. Họ dùng các đặc điểm dễ nhận biết để đặt tên các địa danh cho dễ nhớ. Riêng các thanh niên xứ bưởi Biên-Hòa, cũng như các chàng Lính KQ thuộc Sư Đoàn 3 KQ/VNCH hoặc BCHKT&Tiếp Vận KQ lại đem các Cây Si trồng dài-dài hai bên cổng trường Trung Học Ngô Quyền. Chẳng biết trong số đó có bao nhiêu cây đơm hoa kết trái? Nếu ai được diễm phúc đó, thì thật là may mắn và Hạnh phúc thay cho các chàng.


    GHI CHÚ:

    *Bài viết này, xin được phép thân tặng các Niên trưởng, các bạn và quí vị đã có thời gian làm việc và sinh sống tại Thành phố Biên Hòa.
    *Riêng tặng anh chị TỐN+THƯ (trước ở gần Trường Trung học Ngô Quyền) và chị Võ-thị-Tuyết (dân Cây Chàm chánh gốc).
    *Bài viết có thể còn nhiều sai sót (vì thời gian quá lâu để nhớ lại) xin quí vị đóng góp và bổ sung dùm.

    Xin Chân Thành Cảm Ơn Quí Vị và các Bạn.



    DZUNGUYEN
    Last edited by Phòng Trực; 08-22-2012, 10:38 AM.

  • #2
    các chàng Pilot nhà ta, sau 1 ngày bay vào vùng lửa đạn trở về, họ lái xe lambrettwist (Lambretta) dài đòn màu trắng đến trước cổng trường để đón Em tan trường về... Chàng thì áo bay với chiếc nón ca-lô trên đầu, có những viền trắng lấp lánh, gắn 1 hoặc 2 bông mai vàng sáng chói. Cây súng P.38 ngắn nòng đeo kẹp nách (như điệp viên 007) hoặc đeo xề-xệ ngang hông. Mắt đeo kính mát Rayban chánh hiệu England hay USA, túi và nón bay còn treo ngay cổ đèn xe. Em mặc áo dài trắng, từ cổng trường chạy vội ra, thấy chàng bèn cười tươi như hoa. Sau khi lên xe, tay trái ôm cặp chặn tà áo trước, tay phải ôm ngang hông chàng. Xe nổ máy vọt về phía trước, em cười reo vui lên khanh-khách, dúi đầu vào vai chàng. Với gió sông Đồng-Nai thoáng mát thổi ngược lên, tà áo em bay-bay trong nắng chiều nhạt màu... còn lại chăng chỉ là những làn khói xanh của xe chàng Pilot còn vương trên đường. Năm đó tôi mới 17 tuổi, đứng ngắm....
    NT Dzung72C ui, hình như còn thiếu cái khăn quấn cổ màu cam hay tím nửa mới đủ bộ. Nhìn hình NT bên Trang Chọn Lọc thấy NT cùng mấy anh chàng đứng quanh cây si nhìn theo các em mà tội nghiệp quá ... ha ha.
    Xin cám ơn cho một bài viết hay.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X