Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Khung Cửa Sổ

Collapse
X

Khung Cửa Sổ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Khung Cửa Sổ

    Khung Cửa Sổ

    Mimosa PhươngVinh

    Những mùa nghĩ hè, tôi thường về Nha Trang chơi vì tôi có nhiều bà con nội ngoại sống ở thành phố biển. Lần đó ba bắt tôi phải về nhà bà cô Thùy, em họ của ba - thay vì ở nhà cậu Tư hay nhà bác Sáu là bà con bên ngoại- như những mùa hè trước. Nhà cô Thùy nằm trong xóm dừa ở ven sông với con đường cát trắng tinh dẫn ra quốc lộ. Cô dành cho tôi một căn phòng, thật ra đó chỉ là một góc nhà với một chiếc giường bé nhỏ được bao quanh bằng những tấm phên đan bằng tre nứa khá xinh xắn. Căn phòng có môt cửa sổ quay ra phía sau nhà. Tôi rất thích khung cửa sổ này vì từ đó tôi có thể nhìn ra ngọn núi đá Hòn Chồng xa xa. Ngọn núi đẹp lạ lùng dưới bầu trời xanh lơ với những cụm mây trắng nõn. Phiá dưới cửa sổ là một giàn bầu (hay mướp) lá xanh mướt cuả nhà ai đó. Tôi có thể ngồi bên cửa sổ hàng giờ để ngắm trời mây, non nước, khi đã chán ngồi, tôi ra khỏi nhà đi theo con đường cát trắng dọc bờ sông hay ngồi trên chiếc cầu tre nhìn nước sông cuồn cuộn phía dưới chân.

    Thuở ấy tôi mười tám tuổi, cái tuổi quá thơ mộng, quá đẹp đẽ trong đời một người con gái. Vậy mà không hiểu tại sao tôi không hoàn toàn hạnh phúc, có lẽ tôi không biết mình đang hạnh phúc? Tôi không phải là một nguời con gái đẹp nhưng tôi tin chắc rằng mình cũng không phải là một người con gái xấu xí. Tôi cũng có vài ba chàng trai theo đuổi. Gia đình tôi không giàu có nhưng không đến nổi chật vật, khó khăn và tôi được đến trường như bao nhiêu người bạn cùng trang lứa. Cha mẹ cũng yêu thương và lo lắng cho anh em chúng tôi. Nói tóm lại, không có gì để phàn nàn hay oán trách về đời sống cuả mình vậy mà tôi vẫn cảm thấy không hoàn toàn sung sướng.

    Trong tôi có một nổi buồn vời vợi không thể nói cùng ai. Một niềm cô đơn lạ lùng dầy vò và chiếm hữu tâm hồn thơ dại. Tôi luôn luôn cảm thấy mình đứng ngoài những cuộc vui cùng bạn bè hay đám đông và hay tìm về với thiên nhiên để xoa dịu những cảm giác muộn phiền của mình. Và khung cửa sổ nhìn ra dãy núi phía xa đã cho tôi những phút giây êm đềm, tĩnh lặng trong chuyến nghĩ hè năm đó.

    Giàn mướp hay giàn bầu xanh mướt, dễ thương, hiền hòa bên dưới khung cửa sổ che chở đơn sơ cho ngôi nhà hàng xóm. Tất cả đều lặng lẽ, êm dịu, nhẹ nhàng rất thích hợp với tôi trong những giây phút mơ màng, đắm chìm trong cảm giác cô đơn, bồng bềnh. Có khi tôi nhắm mắt lại, có khi tôi cười một mình, có lúc tôi lảm nhảm một bài hát nào đó. Như thế, khung cửa sổ đã thuộc về tôi một cách trọn vẹn nhất.

    Nhưng một ngày kia tôi bỗng giật mình khám phá ra rằng tôi không phải là kẻ độc nhất trong khung cảnh dễ thương này. Có một người trai trẻ đã xuất hiện dưới giàn bầu hay giàn mướp kia. Tôi gọi đó là một người trai trẻ vì qua đám lá xanh tôi nhìn thấy một mái tóc đen, ngắn và dầy. Gã đàn ông trong tư thế cúi đầu dưới dàn cây thấp hơn gã. Tôi nghe giọng người đàn ông ngâm nga một đoạn nhạc tiền chiến cuả Đoàn Chuẩn, Từ Linh: “Ngày mai nguời em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa, tình yêu đành dứt. Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi bấy cố nhân ơi! Đã vội chi men rượu nhấp lên môi mà phung phí đời em không tiếc nuối …” Giọng gã rất trầm và khá ấm.

    Gã đàn ông đi loay hoay dưới giàn bầu, theo phản ứng tự nhiên tôi nép vội sau khung cửa nhưng đôi mắt vẫn theo dõi đối tượng qua khe hở của cánh cửa mở ra lưng chừng. Hát nghêu ngao chán, gã chậm chạp đi vào nhà, bây giờ tôi mới chú ý đến ngôi nhà bé nhỏ xinh xắn phía sau nhà cô tôi. Tôi nghĩ rằng gã đàn ông không biết đến sự có mặt cuả tôi. Tôi tự hỏi: sao bây giờ gã mới xuất hiện khi tôi đến đây đã vài ba hôm rồi. Câu trả lời đến ngay sau đó. Hôm nay là thứ bảy, những ngày kia gã đi làm. Trong tôi có một sự thất vọng, tôi không còn được tự do bên khung cửa nữa và tôi đâm ra có ác cảm với người đàn ông kia.
    Những ngày sau đó, tôi chú ý đến tiếng cười đùa, la hét, nói chuyện ầm ĩ phát xuất từ căn nhà nhỏ phía sau, không phải của một vài người mà là cuả một đám đông đàn ông, con trai. Họ cười hô hố và chửi thề nữa, thật là khổ cho hai tai tôi. Lâu lâu bọn họ còn kéo nhau ra dưới giàn bầu để đôi co, hay bàn luận. Gã hàng xóm là to họng nhất, tôi nhớ cái âm trầm khi gã hát nên dễ nhận ra giọng của gã. Từ khi biết sự có mặt cuả người đàn ông phía sau nhà, tôi rất dè dặt khi mở cánh cửa sổ và khi thoáng nghe những tiếng lao xao ở bên kia là tôi vội vàng thụp đầu xuống hay đóng vội cửa lại.

    Một thời gian rất ngắn sau đó tôi có thể lập cho mình một thời khoá biểu khá chính xác. Không bao giờ ngồi bên cửa sổ từ 5 giờ chiều đến tối đó là thời gian địch thủ có ở nhà ( tôi gọi tên đàn ông là địch thủ vì dù vô tình gã đã phá sự bình an và tự do cuả tôi). Đây là giờ cao điểm, vì không phải chỉ một mình địch thủ mà còn có sự hợp tác cuả một đám đông đàn ông, con trai để đùa giởn, đấu láo, cười cợt đôi lúc hơi nham nhỡ(!). Thỉnh thoảng cả bọn kéo nhau đi đâu mất, trả lại cái không gian tĩnh lặng dưới giàn bầu, đó là lúc tôi mĩm cười đắc ý thò mặt ra cửa sổ để hít làn không khí trong lành, mát dịu của ban đêm.

    Buổi sáng, không nên xuất hiện sớm bên cửa sổ vì lâu lâu gã đàn ông hay ra đứng vơ vẫn nhìn trời mây, non nước. Sáng sớm đối thủ hơi trầm lặng, ăn nói khá nhỏ nhẹ chứ không ồn ào như buổi tối. Thời gian an toàn nhất là 9 giờ sáng đến trưa, đối thủ đi biệt dạng, nhưng từ 1 đến 2 giờ trưa phải cẩn thận vì lâu lâu gã đàn ông về nhà. Chiều thứ bảy và ngày chủ nhật thì tuyệt nhiên không nên mở cửa sổ. Sau này tôi còn khám phá ra một sự kiện thật là thú vị là gã đàn ông có chiếc xe Honda 67, chỉ cần nghe tiếng rú ga ầm ĩ là sẽ biết giờ đi hay giờ về cuả gã. Điều này giúp ích tôi rất nhiều trong trò chơi trốn bắt với người đàn ông xa lạ và dĩ nhiên gã chẳng bao giờ biết đến tôi.

    Muà hè đã trôi qua thật thú vị nơi miền thuỳ dương cát trắng Nha Trang, nơi xóm vắng nằm đìu hiu bên dòng sông Hà Ra mênh mông, bát ngát. Tôi cũng hay ra ngồi trên chiếc cầu nhô ra mé sông, nhìn nước chảy cuồn cuộn phiá dưới để nghĩ về một tương lai mù mịt không có dự tính của chính mình, tôi là một nguời con gái không thực tế và ưa suy nghĩ bâng quơ. Cuối cùng tôi lại quay vào nhà đến ngồi bên khung cửa sổ, đó là điều tôi thích nhất. Và thời gian lặng lẽ trôi qua trong muà hè của tuổi mười tám.

    Có một buổi sáng tôi cảm thấy yêu đời quá đỗi, trong tôi có những tiếng reo vui nào đó và tâm hồn tôi như những dây đàn căng thẳng, phát ra những thanh âm run rẩy, xao xuyến. Niềm hạnh phúc bất chợt làm tôi muốn ca hát, nhảy múa hay cất tiếng cười thật to. Trong nỗi hân hoan tuyệt vời đó tôi bước xuống giường chạy nhanh đến cửa sổ mở tung đôi cánh gỗ và hát một bài tình ca nào đó.Tôi đang say sưa hát (hát to nữa chứ!) thì tôi bỗng nín câm há hốc miệng ra vì …gã đàn ông đang trố mắt nhìn tôi từ phiá nhà bên kia. Hai mắt nhìn nhau nghẹn ngào chẳng nói nên lời, chưa bao giờ tôi thấy mình cần dùng những ngôn từ thật cải lương để diễn tả cái tâm trạng mình và địch thủ trong lúc ấy.Nhìn nhau ứa lệ, nhìn nhau ngỡ ngàng, nhìn nhau bàng hoàng, tê tái. Tất cả đều sai, phải nói là nhìn nhau sượng sùng, chết điếng mới hợp với tâm trạng tôi giây phút đó. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập đến với tôi. Tại sao gã lại có ở nhà thời điểm 10 giờ sáng? tại sao tôi lại vô duyên ca hát ong óng như vậy? Tại sao tôi không dè dặt khi mở cửa sổ như tôi đã làm những lần trước vân vân và vân vân. Tôi đâm ra giận mình và đồng thời thấy thật khó chịu với lối nhìn tò mò cuả người đàn ông xa lạ kia. Hôm đó là sáng chủ nhật mà vì chợt vui bất ngờ nên tôi quên đi tất cả cái thời khoá biểu của mình.

    Không biết thời gian đã trôi qua được bao lâu, tôi quay ngoắt mặt nhìn về phía dãy núi xa xa mà thật ra tôi chẳng thấy gì cả. Gã đàn ông đứng xớ rớ một lát rồi trở vào nhà. Tôi khép cánh cửa và việc đầu tiên là lôi chiếc gương nhỏ ra soi mặt. Hình ảnh tôi với mái tóc rối bù và hai con mắt còn ngái ngủ làm tôi tức anh ách trong bụng, tôi tự mắng mình là vô duyên, lanh chanh (như mẹ hay nói về tôi trong suốt thời con gái). Còn gã đàn ông kia dung nhan tạm đủ để tán gái. Không đẹp trai quá nhưng chẳng xấu, gã lại có vẻ hay hay mới chết chứ! Mà chắc chắn cũng chẳng hiền lành gì. Nhưng đó là chuyện cuả gã ta không ảnh hưởng gì đến tôi, không ảnh hưởng gì đến cái hành tinh cô độc là tôi (một danh từ hoa mỹ tôi tự đặt tên cho mình). Thuở tuổi mười tám không ai cần trang điểm nhiều, tuy nhiên tôi tự nhủ: có lẽ một nét bút chì đen nhẹ nhàng trên hai con mắt sẽ làm tôi dễ nhìn hơn trong lần đầu tiên “hạnh ngộ”. Hạnh ngộ à! Đó là cách dùng chữ hơi văn vẻ của tôi mà thôi. Tôi đã có một ngày không vui khi nghĩ đến cái đầu tổ quạ và hai con mắt lem nhem cuả mình trong buổi sớm mai nhìn thấy ông láng giềng bất đắc dĩ.

    Từ sau buổi sáng đó, có một sự thay đổi rõ ràng từ ngôi nhà hàng xóm. Không khí ồn ào đột nhiên lắng dịu lại, tôi không còn nghe tiếng cười hô hố hay chưởi thề từ đám đông kia, gã đàn ông cũng hạ bớt giọng xuống và gã hay thơ thẩn bước dưới dàn mướp nhiều hơn. Qua khe hở cuả cánh cửa sổ tôi hay bắt gặp hai con mắt đen sáng ngời cuả gã nhìn về hướng phòng tôi. Buổi tối nằm trên giường tôi có thể nghe người đàn ông hát những bài tình ca nào đó, gã hát không tuyệt hay nhưng tôi thích nghe bởi vì hầu hết những bài ca đều là những bài tôi mến chuộng (đồng thanh tương ứng chăng?). Gã còn đọc thơ nữa chứ, những bài thơ đó thì có xa lạ gì với tôi đâu (phải chăng là tri kỷ!!!)

    Một ngày nào đó, tôi đang thơ thẩn dưới cây dừa trước nhà thì bắt gặp người đàn ông phía ngoài hàng rào, gã đi loanh quanh đâu về. Thấy tôi gã cười thân thiện như đã từng quen nhau từ kiếp trước, tôi cười trả lễ và giật mình vì nụ cười rất đẹp cuả gã. Bao nhiêu người con gái đã ngất ngư, chết dở vì nụ cuời này rồi, nhưng chắc chắn rằng không có tôi (một hành tinh băng giá!). Vậy là dù muốn dù không, người đàn ông đó cũng làm xáo trộn muà hè êm ả cuả tôi ở Nha Trang năm mười tám tuổi.

    Rồi trong một bữa cơm trưa bé Hiền con cô tôi tiết lộ rằng:

    - Ông Huy hỏi tên chị!

    Tôi ngạc nhiên hỏi bé Hiền:

    - Ông Huy là ai?
    - Ở sau nhà mình đó, ông Không Quân đó, ổng hỏi nhiều lắm!

    Tôi cảm thấy mặt mình đỏ bừng khi cô chú nhìn tôi cười cười.

    Tôi nói:

    - Rồi em khai hết với ông ta về chị à?
    - Dạ, biết gì em nói đó. Còn việc chị có bồ chưa thì em không biết nên không nói!

    Vậy là tôi quen Huy. Anh ta đến làm quen khi tôi đang ngồi trước thềm nhà nhìn ra con sông mênh mông nước triều lên trong một đêm sáng trăng. Tôi không biết nói chuyện gì với anh ta (tôi không gọi là “gã” nữa vì bây giờ tôi đã biết tên anh ta). Cho đến khi anh ta hỏi về Dalat thì tôi cảm thấy như mở cờ trong bụng, tôi nói thao thao bất tận. Chúng tôi nói về Dalat nơi Huy đã sống trong những năm Trung Học, về những người con gái đẹp của Dalat, chúng tôi nói chuyện với nhau khá thuận thảo. Tuy nhiên, tôi vẫn e ngại vì cái nhìn và hai con mắt quá sáng cuả Huy dưới ánh trăng. Huy nhiều lần rủ tôi buổi tối ra phố Nha Trang chơi: uống cà phê, nghe nhạc và nhảy đầm.

    Uống cà phê, nghe nhạc và nhẩy đầm không phải là những thú tiêu khiển lạ lẫm đối với một nguời con gái sinh ra và lớn lên ở thành phố như tôi. Tuy nhiên tôi nghĩ nếu mình nhận lời một cách dễ dàng thì thật là một điều không nên. Thật lòng tôi mà nói tôi rất muốn đi chơi với Huy vì những cảm giác náo nức, gọi mời cuả thành phố Nha Trang về đêm chói lọi ánh đèn màu. Ngồi trong những quán cà phê ven biển nghe nhạc và đâu đó tiếng sóng gào gọi mơ hồ trong đêm ngoài kia. Tôi vội xua đuổi những ham muốn ấy, bởi vì tôi sợ cô Thùy (cô sẽ mách lại ba má tôi) và sợ cả Huy nữa (sự sợ sệt này người thiếu nữ nào cũng có chứ nào phải riêng tôi). Huy gọi cô tôi bằng chị, hai gia đình khá biết nhau. Có điều buồn cười là chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện xin phép cô Thùy để đi chơi với nhau. Rủ hoài không được Huy bỏ về, xách xe chạy ra phố.

    Những buổi tối nằm trong giường tôi có thể nghe tiếng xe Huy đi về rất khuya với một cảm giác tức tối lạ lùng mà từ trước đến nay tôi chưa bao giờ biết đến. Hình như tôi ganh tức vì Huy đã được đi Nha Trang chơi mỗi đêm còn tôi thì không! Hay vì một điều gì đó mà tôi không biết – hay không muốn biết. Tôi như bị nhốt kín trong cái vòng vây của sự dè dặt và nghi ngờ, tôi không hiểu nhiều về Huy và tôi sợ cá tính mạnh mẽ cuả anh ta thể hiện qua cách nói chuyện, nụ cười và cách đối xử với người chung quanh. Đó là một người đàn ông với đầy đủ nam tính làm cho tôi e ngại.

    Ở nhà cô Thuỳ hơn tháng, tôi có ý định lên bác tôi ở xóm dừa Vĩnh Điềm chơi vài tuần. Đó là một khu ngoại ô rất đẹp và nên thơ đã từng mời đón tôi trong nhiều muà hè trước.
    Một chiều thứ bảy thấy Huy đang thơ thẩn dưới giàn bầu ngâm nga:

    - Em là cô gái trời cho đẹp, tuổi mới mười lăm đã đẹp rồi! (thơ
    của ai tôi quên mất rồi!)

    Tôi thò đầu nhìn ra cửa sổ hỏi to:

    - Ai mà đẹp dữ vậy hả ông Huy?
    - Cô chứ ai! Mà nghe đây: người đẹp thường rất là ác. Cô ác
    lắm, cô có biết hay không ?

    Tôi cười to:

    - Không, tôi không đẹp nên chẳng bao giờ ác. Này ông Huy
    ơi, mai tôi đi rồi!

    Huy hỏi nhanh:

    - Cô đi đâu, trở về Dalat à?

    Tôi lắc đầu:

    - Không, tôi định lên Vĩnh Điềm chơi vài hôm, nhà bác tôi trên
    đó.

    Huy gạ gẫm:

    - Tôi sẽ chở cô đi nghe, ngày mai chủ nhật mà! Nhận lời tôi đi!

    Tôi vừa quay mặt vào nhà để biết chắc rằng không có ai đằng sau lưng, vừa nói nho nhỏ:

    - Được, sáng mai tôi chờ ông ở bến xe lam vì cô Thuỳ nói sẽ đưa tôi ra bến trước khi cô đi ra phố Nha Trang mua sắm.

    Buổi tối đó tôi thao thức không ngủ được vì nghĩ nhiều đến chuyến đi ngày mai. Đó là lần đầu tiên tôi hẹn hò với Huy.

    Buổi sáng, tôi nghe Huy hát rất sớm ngoài sân: “Em là gái trong song cửa, anh là mây bốn phương trời, anh theo cánh gió chơi vơi em vẫn nằm trong nhung lụa …”( đây là một bài thơ cuả Lưu Trọng Lư được Y Vân phổ nhạc). Tôi chạy vội đến bên khung cửa sổ nháy mắt ra dấu cho Huy rồi tất tả theo cô Thuỳ ra Quốc Lộ 1 để đến bến xe lam. Đi bên cạnh cô, tôi thấy Huy lòng vòng với chiếc Honda 67 ngoài đường, tôi cười thầm vì chắc chắn rằng cô Thùy không nghi ngờ gì cả. Cô đâu biết âm mưu đen tối của đứa cháu gái bé bỏng. Đến bến, cô Thùy đưa tôi lên xe lam, trả tiền cho tôi nhưng không chịu dời bước dù tôi đã mấy lần nhắc cô đón xe ra phố NhaTrang đi như cô đã dự tính. Cô nói chờ chuyến xe tôi lăn bánh. Lòng tôi nóng như lửa đốt vì tôi thấy Huy chạy vòng vòng trong bến nhưng anh ta không trông thấy tôi.

    Khi xe bắt đầu chạy và khi cô Thùy vừa quay lưng tôi muốn hét lên cho xe lam ngừng lại vì tôi vừa thoáng thấy bóng Huy nhưng tôi không thể nào hành động được. Có một điều gì đó ngăn cản tôi lại. Tôi mấy lần dợm đứng lên rồi lại ngồi xuống. Cô Thùy sẽ nghĩ sao nếu bắt gặp tôi nhảy xuống xe lam để leo lên ngồi đằng sau yên xe cuả Huy. Và Huy nữa, anh ta sẽ nghĩ gì về tôi. Và tôi, tôi không thể vượt qua cái giới hạn vô hình nào đó, một cú nhảy liều lĩnh ra khỏi chuyến xe lam đang đưa tôi đến Vĩnh Điềm. Thật ra cũng chẳng có gì là quá đáng, chỉ cần kêu bác tài xế ngừng lại rồi từ tốn bước xuống xe, rồi chạy đến kêu Huy đang lẩn quẩn trong bến, rồi cười vui vẻ và cùng nhau đi về một phía. Giản dị như thế mà tôi không quyết định được, tôi ngồi chết trân trên xe cho đến khi bóng Huy khuất dần và nước mắt tôi rơi xuống chiếc áo đầm màu hồng đang mặc (đây là chiếc áo tôi thích nhất). Tôi khóc vì giận mình nhút nhát quá, tôi giận cô Thùy lúc nào cũng xem tôi là đứa bé lên mười và tôi giận luôn Huy sao cứ rủ rê tôi đi đây đó mà không thẳng thắn vào xin phép cô chú tôi. Tôi ở trong tâm trạng ấm ức cuả một đứa trẻ đòi theo mẹ đi chợ mà bị ngăn cản lại. Tôi quyết định rằng câu chuyện cuả tôi và Huy đến đây là chấm dứt. Chợt những câu nói cuả bạn bè bỗng vang vọng trong đầu óc tôi: Mấy ông Không Quân vô cùng bay bướm, mỗi đường bay là những cánh hoa, đừng dại gì mà mang khổ vào thân. A, ra vậy, buổi sáng này Huy không ca ư ử “anh là mây bốn phương trời, anh theo cánh gió chơi vơi, em vẫn nằm trong nhung lụa” là gì?

    (Xin các anh trong binh chuẩn Không Quân tha thứ cho nếu tôi có nói oan cho các anh).
    Tôi trở về nhà cô Thuỳ sau hai tuần buồn tẻ ở nhà bác Sáu. Buổi sáng mai tôi mở cửa sổ thì thấy Huy đang lẩn thẩn dưới giàn bầu. Chúng tôi không ai nhắc lại một lần lỡ hẹn, Huy cho hay vừa bay lên Dalat ba ngày. Huy nói Dalat mưa và buồn quá, anh ta cười:

    - Tôi ra nhà Thuỷ Tạ uống cà phê mà chẳng thấy cô đâu cả.

    Tôi nói:

    - Sao ông lại tìm tôi ở Dalat trong khi tôi đang ở Nha Trang?
    - Tôi tưởng cô về Dalat rồi!
    - Tôi không dối vậy đâu! Tôi lên Vĩnh Điềm chơi như đã nói với ông.
    - Thế sao?

    Có một điều gì ngăn cách giữa tôi và Huy. Tôi không phân trần gì cả (vì có ai trách cứ gì đâu mà phân trần), không một lần nhắc lại cuộc hẹn hò bị lỡ, Huy cũng thôi không rủ tôi ra Nha Trang uống cà phê, nghe nhạc hay nhảy đầm nữa. Mỗi đêm tôi vẫn nằm lắng nghe tiếng xe Huy đi ,về ngôi nhà phía sau trong tâm trạng tức tối, khó chịu. Đã biết là không hiền mà, tôi chì chiếc một mình. Mà thôi, có nhằm nhò gì đến tôi đâu!

    Rồi tôi giã từ Nha Trang khi mùa hè chấm dứt. Buổi chiều cuối cùng Huy rủ chú tôi qua nhà nhậu, khi chú đã say mèm Huy đưa chú về và liều lĩnh nắm tay tôi trước cửa phòng. Tôi thấy mình bị xúc phạm và muốn khóc. Tôi la lên:

    - Tôi ghét ông, tôi ghét ông!

    Huy đứng chết trân, khuôn mặt đỏ hồng vì men bia. Chú tôi thì cười khì. Tại sao không trách Huy mà lại cười mới là lạ.

    Huy đã không đến với tôi bằng những gì tôi mong ước. Tôi giận Huy nên không thèm chào từ giã. Sáng hôm sau tôi xách vali lên phi cơ về Dalat, bỏ khung cửa sổ lại cho giàn bầu xanh mướt, cho ngọn núi đá Hòn Chồng với những cụm mây trời bồng bềnh, trắng nõn. Bỏ dòng sông mênh mông con nước mùa trăng tuổi mười tám với người đàn ông có một nụ cười thật đẹp, với cuộc hẹn hò không trọn vẹn, chưa bao giờ trọn vẹn. Những năm sau đó, tôi cũng thường về Nha Trang nhưng không còn ở nhà cô Thùy nữa.Tôi không còn có dịp gặp Huy từ đó.

    Chuyện cuả Huy và tôi chỉ có thế, mười mấy năm sau bé Hiền đã trở thành một cô thiếu nữ, gặp nhau chúng tôi nhắc đến Huy. Ông vẫn còn sống độc thân cho đến lúc bị đi tù cải tạo ngoài miền Bắc. Tôi không dại gì mà nghĩ rằng ông sống độc thân là vì tôi. Nghe tin ông đang đi tù lòng tôi xót xa, thương cảm. Chỉ có thế thôi vì hai vai bé nhỏ của tôi cũng đang nặng nề gồng gánh.

    Hiền nói:

    - Ngày xưa hình như có một lúc nào đó ông Huy yêu chị. Ba em nói ông ta giả vờ say để tỏ tình nhưng bị chị cự tuyệt nên ổng quê lắm.

    Tôi không tin là ông yêu tôi nhưng tôi ngậm ngùi khi nhớ đến ông và không còn giận ông vì cái nắm tay trong một lần say sưa ngày đó. Gần mấy chục năm sau, tình cờ liên lạc được nhau trên đất khách. Tôi không ngờ là mình còn khóc được sau bao nhiêu năm lăn lóc, đau thương trong trầm luân của cuộc đời tang thương, dâu bể.

    Buổi sáng nào đó lái xe trên con đường rừng vắng vẻ. Người ca sĩ nức nở, nghẹn ngào:

    -You make me cry, you make me cry!
    - I cry alone, I cry a lot!
    - I cry alone.You make me cry!

    Nước mắt tôi tuôn trào như không dừng được.Tôi thương cho thế hệ chúng mình. Đã có những ngày tháng thật là đẹp, thật là nên thơ. Đã có những cuộc đời sống và chết vội vàng trong chiến tranh. Rồi sau đó là đói khổ, đọa đầy trong tù ngục, trong cô đơn, trong tủi nhục, trong lưu vong. Người ta đã nhân danh nhiều thứ, quá nhiều thứ để vắt cạn niềm tin yêu và hạnh phúc cuả con người. Huy nhắc đến những ngày còn đứng trước trường Bùi Thi Xuân và Bồ Đề để nhìn các em tan trường, trong tôi vẽ lên những buổi chiều nắng óng vàng trong phố thị Dalat ngày xưa mà ta không thể tìm lại bất cứ ở nơi nào.

    Tôi nhớ dáng Huy cao cao trên con đường cát trắng bên ven sông và âm thanh ồn ào cuả chiếc Honda đen mỗi buổi đi về. Hình như chưa bao giờ ông nói với tôi một lời ngọt ngào nào và tôi cũng vậy. Giữa hai chúng ta bao giờ cũng có sự dè dặt, thủ thế và canh chừng cho nên đường đi đến tình yêu chắc hãy còn xa lắm. Vậy mà bây giờ tôi lại hay nghĩ đến Huy trong những lúc thả hồn về dĩ vãng. Ông gợi cho tôi nhớ những ngày tháng mơ mộng cũ mà chúng ta đã bị đánh cắp một cách tàn nhẫn, thô bạo và bất ngờ nhất.

    Và ông Huy ơi. Câu chuyện giữa ông và tôi chắc chắn không phải là một câu chuyện tình lãng mạn hay đau khổ. Đây cũng không phải là một câu chuyện hấp dẫn hay gây cấn trong đời sống có thiên hình vạn trạng này. Chúng ta đã từng gặp nhau rồi xa nhau và tình cờ bắt gặp lại nhau trong quãng đời bóng đã xế chiều này. Và hôm nay, ngồi bên khung cửa sổ nhìn ra rừng cây đã khoát áo mùa thu, lòng tôi bỗng bồi hồi, xao xuyến. Trong tôi, ngân lên đâu đó những thanh âm mơ hồ, lạ lùng từ ngàn trùng xa xôi nào vọng lại. Một thoáng cô đơn, một nỗi đau bàng hoàng, một niềm hạnh phúc kỳ dị. Hạnh phúc lạ lùng này tôi tin rằng nhiều lần đã đến với ông, đến với tôí, đến với chúng ta - những tâm hồn, những con người luôn luôn cảm thấy mình xa lạ, đơn độc, hụt hẫng trong đời sống quen thuộc mà lạ lẫm này - Có phải không ông?

    Thật ra, chúng ta chưa từng là bạn bè thân thiết hay tình nhân trong những ngày xưa đó, vậy mà mấy chục năm sau tôi đã coi ông là một người bạn, một người thân thì nghĩ cũng lạ. Đời sống là một chuỗi dài của những gặp gỡ và ly tan. Có những khuôn mặt, những cuộc đời chợt đến với nhau rồi chợt mất hút vô phương tìm kiếm, không thể gọi là tình yêu thì phải gọi là gì những gặp gỡ tình cờ đó, nó khiến con tim ta đau nhói mỗi khi nghĩ đến. Con người ưa đắm chìm trong mớ rong rêu quá khứ, nhất là khi tuổi trẻ đã đi qua, khi mà niềm đam mê, khao khát dường như trở nên lụn tàn, tan tác theo lớp tro tàn dĩ vãng. Và rồi chỉ một khuấy động rất nhẹ nhàng, nhỏ nhoi vào quá khứ cũng đủ bùng cháy lên thật mãnh liệt ngọn lữa cuả tâm linh với những xót xa, uẩn khuất mà hình như chỉ có chính ta nhìn thấy. Không một ai có thể chia xẻ giùm dù là những người thân thuộc nhất. Chỉ có ta đau cùng cơn đau cuả ta.

    Một sự tình cờ đã khiến tôi liên lạc được với ông, cũng rất may là ông vẫn còn nhớ dến tôi, một người con gái chẳng có gì đặc biệt trong mấy chục năm về trước. Tôi thật sự mừng cho ông đã có một mái gia đình hạnh phúc bên vợ đẹp, con ngoan sau bao nhiêu bầm dập cuả đời sống. Dòng đời đã thật sự “ Trôi đã về chiều” như một bài hát của Đoàn Chuẩn và Từ Linh mà ông vẫn thường ngâm nga dưới giàn bầu ngày xa xưa đó. Còn khung cửa sổ mà tôi hay thả hồn trong mộng. Ôi khung cửa đã mở ra cho tôi những khoảng trời bao la, tuyệt vời và đẹp đẽ. Tôi đã thấy tất cả nhưng tôi không bao giờ đến được, không bao giờ ôm giữ được vì đó không phải là cuả tôi, không bao giờ là của tôi cả trong suốt những tháng, những năm hoài công tìm kiếm. Cho nên suốt đời tôi cứ đứng bên cửa sổ mà nhìn ./.

    Mimosa PhươngVinh
    Berryhill –TN. USA
    Last edited by mimosa phuong vinh; 08-03-2012, 09:25 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X