Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Đoàn 118 Mênh Mang Nỗi Nhớ, KQ Phạm Đắc Giáp

Collapse
X

Phi Đoàn 118 Mênh Mang Nỗi Nhớ, KQ Phạm Đắc Giáp

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Đoàn 118 Mênh Mang Nỗi Nhớ, KQ Phạm Đắc Giáp

    PHI ĐOÀN 118, MÊNH MANG NỖI NHỚ.
    (Thân tặng Phi Đoàn 118)

    Pleiku đất bùn, niú chân người lính
    Sương mai mù, khép chặt lối đi

    Biết thế, nhưng Pleiku vẫn có một cái gì đó…để vấn vương trong lòng người lính, đã từng bị bùn niú chặt chân, tàu bị sương mù che lấp đường bay, ai đã từng nhiều năm sống với Pleiku trong những ngày chinh chiến.
    Mấy tháng đầu của năm 1971 trời Lêku đổ mưa nhiều sau những lúc qua trưa. Chiếc U17 chở chúng tôi từ Nha Trang đáp xuống đường bay, tàu dừng bánh ở phi đạo. Chúng tôi xách túi quân trang chạy vội vào dãy nhà tiền chế phía trước để núp cơn mưa đang vội vả trút xuống. Là những sĩ quan phi hành đi nhận đơn vị, còn bở ngở nơi phi trường vắng vẻ, còn ngở ngàng cho cảnh xưa, người mới, khi không được ai đó tiếp đón lúc giữa cơn mưa nặng hột nầy.Thôi mình tự lo liệu đi! Mới thiếu úy mai còn vàng đậm, cũng bày đặt tiếp với đón! Trời ngớt cơn mưa, cả bọn xách túi ra đường tìm xe về Bộ Chỉ huy trình diện. Một chiếc xe bus của mấy thằng Mỹ chạy tới, tôi đưa tay:
    -Stop please! Một thằng bạn xen vào, “mầy nói tiếng Anh sao lịch sự quá, tụi tao nghe như mầy nói tiếng Quảng Nam vậy,!”, cả tụi cùng cười. Chiếc xe từ từ tấp vào lề dừng lại.Tất cả chúng tôi lên xe, thằng Mỹ lái xe hỏi where do you want to go? Tôi mau miệng trả lời:
    -You go dai dai (chạy dài dài). Mấy thằng bạn cười khen trình độ Anh ngữ ngu dốt của tôi. Thằng Mỹ không hiểu tôi nói gì, nó what? What? Vừa chỉ phía trước tôi tiếp lời “You go ahead”. Chú Sam OK và hiểu ngay “dai dai” tức là chạy dài dài!!.

    Xuống xe, lội bộ lên đồi, sau cơn mưa đường còn lầy lội, bùn đỏ dính chặt gót giầy, bước đi bùn cũng vướng theo chân, vài trăm mét mới tới Bộ Chỉ huy Sư Đoàn. Sau khi làm thủ tục, nhận phòng xong chúng tôi đã là quân nhân thực thụ của Sư Đoàn 6 Không Quân, Phi đoàn 118 rồi.


    THIẾU TÁ VÕ CÔNG MINH (tên Tây là Michel Minh) mái tóc cắt gọn chải ngược về sau với nụ cười mỡ rộng để lộ cái răng hàm sún, trông thật là duyên:
    - Ngày mai, moi sẽ checkout hành quân các toa nhé! Tụi mình anh em một nhà cả, nhưng phải kỷ luật đó nghe! Chúng tôi dạ, chào ra khỏi phòng.
    Nói phòng làm việc của Phi đoàn trưởng cho kêu chớ thật ra chỉ một cái bàn với mấy ghế dựa của Mỹ để lại. Phòng ốc chưa che chắn gì cả, nên nhìn vào giống như phòng chờ ở trạm tiếp liên. Đồ đạc nghinh ngang, còn bề bộn, chưa đâu vào đâu. Vô số công việc phải làm. Những ngày kế tiếp, công việc chỉnh trang phi đoàn lu bù không trừ một nhân viên phi đoàn nào. Mỗi người mỗi tay, kể chở ván ép về ngăn vách, người dọn dẹp, kẻ trang trí, đông tay vỗ nên kêu. Không bao lâu, Phi Đoàn 118 lồ lộ trước dãy nhà đối diện Phi Đoàn Thái Dương, với cái tên Blackcat nghe thật hùng mạnh.
    Với bàn tay khéo léo của anh em, chẳng bao lâu, một dãy phòng từ trên xuống dưới hình thành, nào phòng sếp 1, phòng sếp 2, phòng hành quân, phòng họp, phòng nghỉ, phòng trực... đầy đủ cả.

    Tôi nhớ mãi phi vụ hướng dẫn khu trục đầu tiên trên chiếc L19 chở hai, một hoa tiêu, một quan sát viên, tuổi ngang nhau nhưng lon hơi lệch, Đức với hai mai vàng đã cũ mà chưa rụng bông, chắc cu cậu có tì vết gì đây nên mới chọn đất nầy làm đất dụng võ để kiếm một chổ đứng cho mai hậu? Mới 9 giờ mặt trời còn thấp, tàu chúng tôi bay vòng phía nam mục tiêu để quan sát được chính xác hơn, và khu trục hướng bắc, theo trục đông tây, tránh chói nắng mặt trời, và cho an toàn cả hai.
    - Bắn trái rockêt khói cách ngã ba con suối 50 mét về hướng 2 giờ!
    Nhận lệnh qua interphone từ ghế sau của Đức, tôi nghiêng tàu hướng mũi xuống thấp cho thẳng với mục tiêu, thấp tí nữa mũi máy bay đã ngang tầm đích. Lần đầu tiên tôi lần ngón tay trỏ siết mạnh vào ổ cò hỏa tiễn nơi cần lái. Một hỏa tiễn vút bay ra phía trước làm tôi nhẹ cả người, một làn khói trắng sau trái đạn vẽ đường dài ngoằn nghèo, nhường cho trái đạn đi. Thật thú vị khi nhìn thấy trái đạn mình bắn đi trong một buổi trời quang mây tạnh như sáng nay. Một cột khói bốc lên từ góc suối ngay mục tiêu.
    - Mầy bắn hay quá Giáp! Tiếng khen của Đức phía sau, làm lổ mũi tôi nỡ to hơn bao giờ. Tôi được dịp, nỗ ngay: “Chuyện nhỏ như con thỏ mà cũng bày đặt khen, khen tui cả ngày không hết đâu!”. Rồi hai đứa cùng cười trong máy.
    - Đánh ngay cột khói, từng pass một nghe Thái Dương! Tiếng Đức yêu cầu phi tuần khu trục. Từng trái bom nổ ngay mục tiêu, những ngọn khói to nhỏ bốc lên cao, những tiếng nổ vang rền kéo dài, xé tan bầu không khí của góc rừng già tỉnh mịch. Ngoài tiếng nổ chính của bom là những tiếng nổ phụ dồn dả của mục tiêu phát ra.
    Khi đánh hết bom, Khu trục rời vùng, còn lại tôi và Đức liên lạc với quân bạn để ghi nhận kết quả và báo cáo cho Hành Quân Chiến Cuộc (war room) trước khi rời vùng. Mới phi vụ đầu tiên mà tôi đã ghi được chiến tích. Một kết quả môt niềm vui, thật thú vị biết bao!.

    Hết hướng dẫn khu trục rồi tới thám sát (visual rescue), hoặc bao vùng (air cover) cho quân bạn, quan sát dưới rừng già xung quanh núi đồi để tìm kiếm, để phát hiện các điểm mới của địch. Có lần mãi mê với phi vụ bổng nghe dưới bụng mình tiếng nổ đùng, với đường khói còn sót lại đang đong đưa cùng gió. Nếu bay thấp chút nữa chắc máy bay ăn đạn rồi. Có bay thấp mới dể quan sát mục tiêu nhưng cũng dể ăn đạn địch, còn bay cao địch bắn đâu tới, nhưng thấy gì mà quan sát?

    “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
    Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”
    (Chinh Phụ Ngâm)

    Chí làm trai phải xả thân nơi chiến trường, đâu có bay cao để tránh đạn? Ba giờ bay air cover là ba giờ giúp cho quân bạn biết bao điều cần thiết, có thể xin hải pháo, không kich, hoăc nhẹ hơn một vài loạt đạn pháo binh để yểm trợ cho quân bạn. Có khi vì chiến trận, chúng tôi phải ở lại trên vùng trên ba tiếng đồng hồ cho đến lúc bóng chiều nhường chỗ cho màn đêm. Quân địch thường lợi dung màn đêm để mở cuộc tấn công nên chúng tôi thường nghe lời yêu cầu thiết tha của quân bạn, thì làm sao nở bỏ về:
    - Bạn rời vùng thì địch lại pháo theo ngay, hãy nán thêm cùng chúng tôi chút nữa bạn ơi! Nghe thế, có phi hành đoàn nào đành lòng bỏ về cho được?

    Chiến trường tam biên ngày càng sôi động lên hơn. Hàng đêm phi trường hứng chịu bao đợt pháo kích. Để bảo toàn maý bay, có khi đang giữa đêm, chúng tôi phải thức giấc vội vàng mang hết tàu sang đáp bên phi trường Holoway kế bên để tránh đạn. Chờ hết pháo, mười mấy chiếc tàu lại bay về đáp sân nhà.
    Có bay đêm mới thấy khả năng bay của mình đã tiến bộ như thế nào? Nhớ lúc ở Trường Phi Hành, mỗi lần bay đêm, huấn luyện viên luôn luôn dặn kỷ: “chớ nhìn lâu xuống biển, sao trên trời soi xuống mặt biễn, sao trời, sao biễn thật giả khó phân, đâu có khác gì nhau, dể lầm lắm, coi chừng vertigo mà chui đầu xuống biễn đấy!” Lời thầy vẫn còn văng vẳng đâu đây, chúng em cám ơn những lời dặn thiết thực của thầy lắm lắm.

    Có nhiều lần bay đêm liên tiếp, hợp cùng C47 Hỏa Long giúp các chiếc F ngoài Hạm Đội Mỹ oanh kích mục tiêu địch trên đất liền. Hỏa Long bay trên cao thả hỏa châu sáng cả vùng trời gần bìa rừng MangYang, đất trời cùng được soi sáng, những tiếng nổ bì bụp, từng chiếc dù một bung ra, như nhiều mái nhà cong, ngã nghiêng cùng với gió, những cột khói dài chưa tan trong không khí, buông dài lả lơi cùng cánh dù dần dần xuống mãi, xuống mãi. Cánh rừng lúc nầy, từng nhánh cây, kẻ lá, từng con suối đều thắp sáng với ánh hỏa châu. Cái sáng của hỏa châu, hòa cùng cái đẹp của trời đất rộng khắp bao la, cả vùng đồi núi trông giống như bức tranh thủy mạc. Những tiếng nổ, nhũng cụm khói của các trái bom dưới bìa rừng vang dội ầm ỉ suốt một thời gian dài, tưởng chừng vô tận.

    Từ khi khăn gói chập chững bước lên Phố núi, chưa đầy một năm, đứa nào cũng thấy mình vững chắc trong nghiệp bay, nhiều kinh nghiệm chiến trường. Có phải mưa bùn nắng bụi của núi rừng Tây nguyên đã tôi luyện un đúc mới được như vậy chăng? Pleiku là đất của lính vùng tam biên. Lính gặp lính cùng màu cờ sắc áo, những người lính cùng chiến trường trận mạc, cùng che chở giúp đở cho nhau nên mau thành bạn. Khi xông vào vùng khói lửa, người lính luôn nung nấu lòng chiến đấu, không hề sợ hiểm nguy cho bản thân. Pleiku là thế đó.
    Mỗi lần có phi vụ biệt phái Kontom, hầu như lúc nào phi cơ L19 cũng có mặt ở ngã ba biên giới Việt, Miên, Lào, nơi chiến trận luôn luôn nóng bỏng. Rừng núi trùng trùng điệp điệp, từ cao nhìn xuống cũng thấy rùng mình. Nơi đây có vùng bán kính hàng chục cây số, khi tàu ngang qua thường bị mất liên lạc vô tuyến, bởi bên dưới nghe đâu có một mỏ nam châm ẩn dấu, chưa được khai thác.
    Đồn Tân Cảnh, Đakto ngày nào cũng xin bom đạn của không quân yểm trợ. Vào năm 1972, trong một lần hướng dẫn một phi tuần của Phi Đoàn 530 Thái Dương, chiếc số một tàu nhào xuống thả bom xong, khi múc lên chưa kịp quẹo tránh hướng thì chiếc số hai như muốn đâm đầu về hướng tàu L19 chúng tôi. Chiếc số hai chao đảo chúi đầu xuống, một chiếc dù bung ra: tàu bị bắn, hoa tiêu nhảy dù. Ôi! cảnh mất mát đã hiện ra trước mắt.
    Lúc đó, mọi phi vụ yểm trợ quân bạn đều chấm dứt để dồn nổ lực công tác rescue đồng đội. Chúng tôi xin trực thăng vào vùng để cùng nhau cứu hộ. Tàu chúng tôi lại bị chao đảo, hai cánh rùng lên. Biết tàu mình bị trúng đạn, chúng tôi ra khỏi vùng, xem lại bảng đồng hồ, không sao, lại bay vào vùng tiếp, lại trúng đạn nữa, lại ra, lại vào, lại tiếp tục làm việc mà chẳng sợ hiểm nguy.
    Chiếc dù của phi công lâm nạn đã chạm đất nhưng trực thăng không dám xuống vì hỏa lực địch bắn lên quá mạnh. Sau ba giờ resue không kết quả, chúng tôi rời vùng đành bỏ lại đồng đội đơn độc trong rừng hoang. Bây giờ mới biết đồng đội ấy là thiếu úy Nguyễn Văn Xanh, người bạn thật dễ thương mà tôi hay gặp gỡ trò chuyện trước Phi Đoàn mỗi sáng khi chờ phi vụ. Không biết giờ đây anh có được sống không? Anh đã làm mồi cho thú dữ, hay anh đã bị trúng đạn khi dù còn lơ lửng trên không? Cầu mong mọi sự tốt lành cho anh cho dù bị địch bắt làm tù binh.
    Sau khi đáp xong, kiểm tra lại tàu, mới thấy nhiêu vết đạn xuyên rộng qua cánh, qua thân mà hai đứa chúng tôi vẫn bình an vô sự, thật hú hồn!.

    Hết núi rừng trùng điệp, từ Buôn Hồ, Pleime Dakto qua tận Biển Hồ Campuchia thẳng về bắc tận tới Tân Cảnh, ngã ba Tam biên không nơi đâu mà chúng tôi không bay qua. Từ Buôn Mê hay bên kia biên giới bay về, nhìn xuống thấy ngọn Hàm Rồng, (Không Quân thường gọi là núi Lìn) là biết đã đến Pleiku. Từ trên trời nhìn xuống, núi Hàm rồng trông giống như hai chân vệ nữ đang dang rộng, ở giữa lồ lộ một hang động với hai hàng cây chạy dài hai bên mép bờ, trông giống hệt… của quí của các bà, thật đẹp, thật khiêu gợi biết bao! Mỗi lần bay qua đó, thằng nào cũng ráng chúi đầu xuống một lần, để chiêm ngưỡng vẽ đẹp thiên nhiên, để cho sướng đời thằng pilot và ít ra cũng được một lần ngắm nghía của quí của nàng tiên khổng lồ ấy.

    Không quên những phi vụ hộ tống đoàn xe chở quân trang, quân dụng, vũ khí cho chiến trường, từ Qui Nhơn lên Pleiku, từ Pleiku đến Buônmê hay KonTum và ngược lại. Vì thường xuyên liên lạc với đoàn xe, nên những địa danh quen thuộc trên đường đi, chúng tôi nhớ không sót từng nơi một, từng chốn một. Nào dốc Nước Mắm, Cây khế, trạm canh số 1 số 2, nào chân đèo An Khê, MangYang mà đoàn xe quân bạn đến hoặc dừng lại khi cần.
    Một vài lần chúng tôi đáp xuống An Khê, hoặc các phi trường nhỏ bên đường, cùng ăn cơm trưa với quân bạn. Vào lúc nầy, quân bạn mới thấy chiếc L19 tuy mãnh khảnh nhưng cần thiết cho cho đoàn xe như thế nào? Và cũng thật hãnh diện biết bao khi mình là pilot được bay gần, bay xa, bay cao, bay thấp, đoàn xe luôn ở dưới bụng mình, dưới sự yểm trợ, canh chừng và đôn đốc của mình.
    Những phi vụ biệt phái thật là vui cho những thằng độc thân, cũng thật buồn cho mấy thằng có vợ. Vợ ở nhà luôn ngóng trông chồng mau hết kỳ biệt phái, có nàng bồng con đứng đợi thấy mà tội nghiệp, trông giống Hòn Vọng phu thật sự. Nhưng biết sao hơn, khi chồng là lính, xa vợ con vài ba tháng là chuyện thường tình.
    Tại phi trường tỉnh lỵ Phú Bổn xa xôi, chỗ ở của biệt đội còn nhiều thiếu thốn, nhưng không sao, sau phi vụ hành quân buổi trưa nóng nực, chúng mình lại được đi tắm sông Ba, bì bùm cùng mấy cô gái Thượng, tha hồ mà chọc ghẹo mấy nàng sơn nữ, tóc dài thướt tha chảy đến tận thắt lưng, hoăc núp trên bờ rình xem những bộ ngực căng tròn, của các nàng tiên cá lúc hiện lúc ẩn, đang hụp lặn dưới dòng sông... Khi chiều đến, lái xe ra phố uống cà phê Mộng Dừa. Cô chủ quán xinh đẹp đã làm ngây ngất cõi lòng phi công Thành Bích, nhưng cô nàng không muốn có chồng là pilot, sợ chàng đi mãi không muốn trở về, hay sợ chàng đi không ai tìm được xác rơi?. Cuối cùng cậu ta về tay không, mang theo một nỗi buồn man mác, vừa quen nhau mà đã ngả mũ chào nhau.

    Vui buồn lẫn lộn, mỗi kỳ biệt phái là mỗi kỳ luôn có những cái mới, cái lạ, cái vui vẻ bao quanh ta, nghĩ cũng thật thú vị. Xuống Qui Nhơn thành phố biển cũng nhiều thơ mộng, mộ Hàn Mạc Tử trên núi đang ngã mình nằm đón đợi khách viếng thăm. Dọc bờ biển, con đường chạy dọc quanh hai bên phố với bao gian hàng lớn nhỏ, mặc sức cho ta mua sắm khi túi tiền còn dư dả. Với chiếc xe jeep A1 trên trần luôn luôn vẽ con số 118 thật to, sơn màu đỏ chói ( trên trời nhìn xuống là biết ngay, không nơi nào ẩn nấp được) chở cả sáu mạng tành tành dạo phố, chạy ngang qua trường, tha hồ ngắm nhìn các em nữ sinh sau chiều tan học. Lúc về lại chỗ ở, đôi khi không còn nước để tắm giặt. Dừng lo, có khách sạn lo giúp, chỉ trả tiền son phấn cho các nàng tiên thuê phòng ở, bạn sẽ có ngay một lần tắm rửa và…thỏai mái vô cùng, rồi cũng được nghe mấy nàng thủ thỉ: “lần sau nhớ ghé lại nghe anh!”.
    Có những buổi trưa chưa kịp cơm nước, nhận lệnh đi bay, bụng đói biết ăn gì đây? Hai ổ bánh mì kẹp thịt lổ tai heo, mùi vị thơm phức đủ lơ lửng cái bụng lúc giữa trưa với hai bịch nước mía ngọt mát cổ họng, bỏ xa ly trà đá của bửa cơm trưa thường nhật, hai thằng lơ lửng trên trời, thật ngất ngưỡng quá!.
    Hết Qui Nhơn rồi qua Tuy Hòa xứ ruộng, trong thành phố hai bên đường từ phi trường Chóp Chài xuống tòa Tỉnh, nơi đâu cũng ruộng, với lúa non xanh mượt, lúa già chín vàng khắp cánh đồng. Hương của lúa chín, hương lúa non, cỏ dại ngạt ngào bay lên, mùi thơm quê hương nồng nàn ấm áp. Dưới ruộng trống, những chiếc máy cày, nông dân đang thong thả lái, xới sâu những lát đất bùn lật ngược lên, để trồng cho vụ tới. Ruộng chạy mãi đến tận bờ biễn mới thôi.
    Bay qua vùng trời Phú Yên mới thầy đồng ruộng bao la trù phú, nơi nào cũng lúa xanh mơn mỡn, kìa hướng đông nam xa xa trên đèo Cả là Hòn Vọng Phu, nơi nàng thiếu phụ ẳm con hóa đá chờ chồng. Kìa Vũng Rô sừng sửng hiện ra, những hòn đá to trắng đục nhô ra ngoài biển, hứng chịu bao đợt sóng bạc đầu vổ thẳng vào thân, hết đợt nầy lại đến đợt khác thay nhau. Lần về bên trong với bãi cát trắng bao bọc, trông thật đẹp, thật hấp dẫn dường bao? Tàu mình cũng muốn chui thấp qua để nhìn ngắm cho thỏa con mắt, nhưng hãy coi chừng nguy hiểm đó bạn ơi! Lời thầy còn dặn bên tai, “chớ xuống thấp khi trời xấu, mà bị gió nhận chìm xuống biễn để làm mồi cho cá đó. Vũng Rô Tuy Hòa, Cà Ná Ninh Thuận, hai nơi nguy hiểm, hãy đề ý coi chừng”.

    Bay về hướng tây, đường bộ luôn luôn có bom mìn của địch gài sẵn, nên nguy hiểm vô cùng. Phi trường huyện lỵ Cũng Sơn ẩn mình sau dãy núi nhỏ hiện ra, nơi đây con tàu của Phi Đoàn 118 biết bao lần lên xuống với bao phi vụ hành quân, khi về với những ký khô nai giá chỉ bằng phân nửa ký thịt bò, thơm phức, bạn thấy ngạc nhiên chưa?
    Chiều đến, giã từ Tuy Hòa, về lại Pleiku không quên mang về những bao sò huyết của đầm Ô Loan, rồi tối đến, anh em quây quần bên bếp than, với lửa hồng cùng nhau thưởng thức hương vị thơm ngon của sò, nước sò màu đỏ sôi trên lửa giống hệt màu huyết, với rượu nếp than từ Cần Thơ lên, thơm ngọt dễ uống nhưng cũng mau say.

    Một năm qua mau, sắp tới ngày sinh nhật Phi Đoàn 1 tuổi. Sổ vàng đơn vị được mấy sếp thay nhau mang xuống tận Bộ Chỉ Huy các đơn vị bạn, để các vị nầy trút bớt hầu bao giúp đở. Nơi nào cũng mến cũng thương cho sự vất vả, yểm trợ nhiệt tình của Phi Đoàn, cũng chia vui với PĐ thật đáng kể, thật dồi dào, nào thịt, nào rượu, nào lời chúc mừng thân thiết. Tối hôm đó, lễ sinh nhật được tổ chức ngoài sân Phi Đoàn, biết bao quan khách được mời tới dự, trên cao có Sư Đoàn trưởng, các Không Đoàn Chiến Thuậ, Yểm Cứ, các Phi Đoàn bạn… rồi tới các cố vấn Mỹ, không sót đơn vị nào.
    Than hồng với những bông lữa nổ lốp bốp rực đỏ trong lò, những xâu thịt chín thơm phức làm sao? cùng với những chai rượu Tây nào Napo, Martin, Ông già chống gậy (Johny Walker), đậm đà hương vị, cùng zô zô để tình đồng đội, tình chiến hữu luôn luôn là số một. Tiệc vui đến tận gần sáng mới dứt. Đêm đó chúng tôi có dịp cụng ly cùng từ sếp trên đến tận cùng, là những thằng thiếu úy nhỏ lon nhất. Mấy thằng Mỹ to con như thế chắc mình uống không lại? Không sao, đã có cách, chơi kiểu xa luân chiến, sếp trên hết một ly, sếp dưới một ly, còn lại đứa nầy mời một, thằng khác mời một, và cứ thế món võ đó đánh mãi. Cuối cùng phe ta toàn thắng, những thằng Mỹ to con chịu không nổi, cũng lạng quạng như ta, nhưng phe ta cũng có vài mạng “cho chó ăn chè” ngã lăn trên bãi rượu.
    Sáng hôm sau, thằng nào còn sức phải gánh, bay thế cho mấy thằng đã xụi lơ, đã bị đo ván đêm trước, “huynh đệ chi binh” là biết giúp nhau trong lúc nầy đó.

    Một măm rưởi trôi qua, vị chỉ huy trưởng đơn vị chuẩn bị thuyên chuyển về đơn vị mới. Một buổi tiệc gọn nhẹ chia tay, với bao nổi buồn man mác của kẻ ở người đi. Cái vui của Thiếu Tá Minh được về cùng gia đình, cũng để lại cho đơn vị nổi buồn xa cách, anh đã xây dựng đơn vị từ trong trứng nước, đến khi trên đà lớn mạnh anh vội chia tay. Tình cảm anh dành cho anh em, đồng đội chứa chan như bát nước đầy, công sức anh đóng góp cho đơn vị thật là lớn lao, mà anh chẳng mảy may tính toán. Xin anh nhận những lời cám ơn sâu đậm nhất, từ tận đáy lòng của đàn em đến người anh cả nhé


    CHÚNG TÔI ĐƯỢC Thiếu Tá Phi Đoàn phó Nguyễn Văn Được giới thiệu: “Đây Thiếu Tá Võ Ý người chỉ huy mới của đơn vị thế cho Thiếu tá Michel Minh”, chúng tôi tất cả đứng nghiêm đưa tay chào vị tân chỉ huy.
    Ùa, cái ông nầy có bộ ria mếp, với nụ cười tươi sao đẹp trai thế, ngó ổng sao thấy quen quen, hình như mình đã gặp đâu đây. Tôi cố moi trí nhớ trong lúc nầy, à nhớ rồi…cái ông có bộ râu, đẹp trai ấy, đúng ổng rồi, ổng ở dãy barrack đồi trên, cách dãy phòng mình độ chục cấp bước lên, tôi còn chắc chắn nhớ thêm, cách đây không lâu ông Đức nhà mình ( có nick name “người cày có ruộng” hoặc “Đức cô…ng sắc”) một đêm gần khuya, ông Đức lang thang uống rượu đã say, về đến phòng không chịu ngủ, còn la cà vừa đi đến đầu cấp barrack trên, vừa hát vừa la không cho ai ngủ hết, lúc nầy tôi vẫn chưa ngủ, nghe tiếng la hát của Đức, tôi mỡ cữa nhìn theo. Đúng lúc nầy người đẹp có bộ râu kia xuất hiện, hai bên nói qua nói lại gì đó, rồi hai bên cùng múa lân, cùng ẩu đả, ngón võ “túy quyền” của ông Đức coi bộ khó ăn, không biết bên nào ăn đấm nhiều hơn bên nào, nếu có cũng chả ăn thua gì với họ. Hai người quần thảo một lúc rồi cả hai đều mệt lả, không đánh nhau nữa, họ ôm nhau như đôi tình nhân đang hủ hỉ chuyện tình? Tôi nghe họ cười, họ nói to nói nhỏ gì đó, họ đã làm lành, sau một cuộc so gân đầy nhọc nhằn, và lý thú, mới biết mình là chiến hữu. Có đúng không thưa hai ông của nhà 118?.
    Mới nhận phi đoàn, với bầu nhiệt huyết đang có, sếp vừa lãnh đạo vừa ngoại giao, vừa chung tay cùng anh em tiếp tục xây dựng đơn vị để mỗi ngày mỗi lớn mạnh hơn lên. Chiến trường mọi nơi mọi chốn, luôn có mặt anh em 118, giúp quân bạn tạo nhiều chiến công, anh em được khen thưởng, được chia đồng đều, không ai sót cả.
    Cái tên Phi Đoàn 118 với con chim cú vọ có đôi mắt sáng ngời nhìn thẳng, xuyên qua màn đêm dày đặc mà không loại chim nào có được, đã được thay bằng danh hiệu Bắc Dẫu, với logo hình ngôi sao đỏ núi xanh và chiếc phi cơ O2 màu trắng. Đúng như vây, với sự dẫn đường soi sáng của ngôi sao Bắc Đẩu, đã giúp cho quân bạn phát hiện biết bao mục tiêu. Cái logo nầy được thêu trên ngực áo bay của những người 118 bắt đầu từ đó, hay nói khác hơn là của ông sếp Võ Ý vẽ nên.
    Có tiếp xúc, có gần gũi với sếp mình, mình mới thấy cái tài, cái đẹp, cái hào hoa, nguồn thơ văn, với dạt dào cảm xúc, sẵn sang tuôn chảy. Chừng ấy cái đó cọng lại, làm cho biết bao người đẹp phải ngất ngây theo người trai đất Quảng, người sếp của Phi Đoaàn, phải không thưa sếp? Em cũng con trai đất Quảng mà sao chẳng giống đàn anh tí nào, hãy cho em nửa tờ giấy rách của cuốn cẩm nang đã từng làm say mê ngất ngây mê mẫn biết bao người đẹp, để em làm bùa hộ mạng nghe anh!


    THẤM THÓAT ĐÃ TRÊN trên hai năm, tôi vẫn tiếp tục miệt mài công việc bay bổng, mọi nơi mọi chốn, mọi kỳ biệt phái tôi vẫn đi qua, vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Anh em sống lâu ngày, tình cảm càng thêm gắn bó, thân thương, anh như thủ túc, mọi ngọt bùi cùng chia sẻ, cùng giúp đở cho nhau. Thời gian sống cùng Phi Đoàn đã hết, với hoàn cảnh gia đình tôi phải chuyển vùng về nơi chôn nhau cắt rún, quê hương Quảng Nam yêu quí của mình, với vợ với con, đang chờ đợi ngày trở về của chồng của cha, của hạnh phúc cho một gia đình. Tôi vẫn nhớ nhiều, vẫn luyến tiếc những gì Phi Đoàn 118 cùng các bạn đã dành cho tôi, trong suốt thời gian dài tôi sống với đơn vị, với các bạn.
    Về đây, tôi cũng bay bổng, cũng mau hòa nhập với các bạn nơi địa đầu giới tuyến, nhưng vần luôn nhớ những ngày sống cùng các bạn trong mái nhà thân yêu 118.
    Xin ngã mũ chào Thành phố Pleiku.
    Xin ngã mũ chào PĐ 118 thân yêu.
    Xin ngã mũ chào các biệt đội, nơi để lại cho tôi nhiều cái để nhớ, mà lại mau quên.

    Đôi cánh chưa mõi vội tách đàn.
    Nhẹ nhàng lướt gió nỗi cô đơn.
    Núi non sông nước lòng trai nặng
    Một cỏi trời mây, vẫn thấy buồn.

    KQ Phạm Đắc Giáp
    27/5/2012
    Last edited by Cù Hanh; 07-09-2012, 11:31 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X