Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngày Xưa Ấy - KQ Phạm Đắc Giáp

Collapse
X

Ngày Xưa Ấy - KQ Phạm Đắc Giáp

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày Xưa Ấy - KQ Phạm Đắc Giáp

    NGÀY XƯA ẤY.
    KQ Phạm Đắc Giáp
    (Tặng các bạn 68B Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân)

    Sau khi biết địa chỉ trên mạng của tôi, bạn Nguyễn Đăng Hoàn viết “Bốn mươi bốn năm xa cách từ năm 1968, mặc dầu có thời gian ở chung Phi trường Đà Nẵng vẫn chưa một lần hai đứa gặp nhau”, câu nói ấy đã thôi thúc tôi cố nhớ lại cái ngày xưa ấy, và nay……

    Bốn mươi bốn năm đâu có dài
    Chập chùng mớ ngủ vẫn còn dai
    Tìm đâu tình bạn ngày xưa ấy
    Mộng ước ban đầu, còn những ai?

    Bốn mươi bốn năm, một khoảng thời gian dài xa lắc, gần nữa cuộc đời ba vạn sáu ngàn ngày, nhưng lại gần gủi hơn cho chúng ta những thằng khóa 68B, cái thời gian đã qua khỏi sáu mươi năm cuộc đời, phải không thưa các bạn? Ngày đêm vẫn nao náo bên lòng nhớ thương nghĩ nhiều về nhau, buồn vui có nhau, chia sẻ ngọt bùi cho nhau, có khi còn hơn những khối tình còn đọng nơi ta. Nào, chúng ta cùng về lại ngôi nhà cũ của cái ngày xưa ấy nhé...


    Một
    Mùa đông Đinh Mùi , những ngày cuối năm 1967 anh em chúng ta giã từ gia đình, giã từ người thân, người yêu, giã từ sách vỡ để theo tiếng gọi non sông lên đường nhập ngũ vào khóa 27 SQTB Thủ Đức
    “Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
    Xếp bút nghiên theo việc đao cung
    Giã nhà đeo bức chiến bào
    Thét roi cầu Vị áo áo gió thu”
    ( Chinh Phụ Ngâm )

    Tối hôm trước một ngày nhập khóa, chúng tôi dân Đà Nẵng ngồi ở sân bay chờ tàu. Tôi và Hùng hai đứa đã quen nhau từ năm học đệ thất, bây giờ gặp lại nhau, cùng là bạn học cùng hoàn cảnh và sắp tới đây là tình đồng đội nên chúng tôi xích lại gần nhau hơn, thương mến nhau hơn.
    Mười một giờ đêm chúng tôi xếp đầy trên chiếc C130, một hành trình hai tiếng đồng hồ trong đêm, đâu có thấy gì bên ngoài, đâu thấy gì dưới mặt đất về đêm như đi máy bay dân sự đâu. Rồi tàu cũng nhẹ nhàng đáp xuống phi đạo mà chúng tôi không hay biết.
    Ngủ qua đêm tại phi trường chờ sáng ra làm lại thủ tục nhập khóa. Một lủ bát nháo của những thằng dân sự chưa biết sắp hàng cho thẳng, giống như một đoàn quân ô hợp, trắng vàng xanh đỏ đủ sắc màu cho ngày hội tòng quân, nhìn nhau thấy mình quá ngố mà cười thầm trong bụng với nhau.
    Hai chiếc GMC chở đầy chúng tôi ra khỏi cổng phi trường chạy thật chậm qua đường phố Sài Gòn, cho chúng tôi tha hồ ngắm nhìn thỏa thích, đó là đặc ân dành cho chúng tôi trước khi trút bỏ “xiêm y” để trở thành người lính, tôi thầm cám ơn vị Sĩ quan trưởng toán đã ban cho đặc ân đó.
    Sài Gòn sao đẹp quá dưới đôi mắt của những thằng nhà quê chúng tôi. Vâng, chúng tôi là những thằng nhà quê thật sự, có biết Sài Gòn là gì đâu, họa may trong số chỉ được vài đứa là biết thôi. Rồi xe cũng chạy dần vào đường đi Thủ Đức.

    Kìa cổng Quân trường với bốn chữ CƯ AN TƯ NGUY lồ lộ hiện ra như một lời nhắc nhở, một lời tâm niệm, một hành động xử thế cho những Sĩ quan xuất thân từ quân trường nầy. Xe đỗ trước tiểu đoàn, chúng tôi xuống xe. Tôi và Hùng không rời, sắp hàng dọc sát nhau để mong được về chung một chỗ. Chúng tôi được xếp cùng đại đội, đến lúc chia trung đội, tôi trung đội 43 còn Hùng 44, nhưng không sao vẫn ở gần sát nhau, chỉ cách hai cữa chính đối diện vào phòng, cũng sinh hoạt cùng Đại đội 11 Tiểu đoàn 3 với nhau.
    Chúng tôi là những tân binh mới tanh với bộ quân phục thùng thình nhìn nhau trông thật là ngố. Mới vào quân trường mới mặc đồ lính là đã lao vào tám tuần huấn nhục, bên tai luôn nghe giọng hét của đàn anh khóa trước được cử về săn sóc giúp đở cho đàn em, nào một hai ba bốn với những bước chân diễu hành, nào thế chờ thủ thế để sẵn sàng hít đất năm ba chục cái thay cho tập thể, hoặc chọn một hay vài cá nhân được đàn anh chiếu cố săn sóc, nặng tội hơn nữa với ba lô đầy quân trang sau lưng nhảy xỏm hít đất cho đến khi xụi lơ mới hết lệnh phạt.

    Bao nhiêu mệt nhọc bao nhiêu mồ hôi ướt đẩm là bấy nhiêu trưởng thành nhiều mặt của một người lính chiến đấu ngày mai. Mồ hôi càng đổ thấm bụng lại đói mau, tới bửa là ăn thật nhiều. Chúng tôi ăn gấp hai lần khi chưa vào lính mà vẫn chưa no. Thức ăn đâu có gì ngon để trang trải đầy bửa với cơm, nhưng không lo, gạo có trộn vitamine nên hạt cơm vàng vàng hấp dẫn lắm dù bụng đã đầy nhưng vẫn muốn ăn thêm tô nữa. Hết thức ăn đừng lo, đã có nước trà chan thêm nước mắm vào cơm, vừa húp vừa lua thật là ngon, thật là đã nư cho cái bụng đói trống trơn trong suốt buổi tập.
    Thế rồi tám tuần huấn nhục cũng qua. Tại sân tiểu đoàn, chúng tôi quì gối một chân để chờ lễ gắn alpha sau tám tuần gian lao thử thách, đánh dấu cho sự trưởng thành bước đầu một của người lính theo đúng qui định của Quân trường.
    Lúc đứng dậy chúng tôi đã khác, không còn là Tân Khóa Sinh mà nay đã là Sinh Viên Sĩ Quan như đàn anh đâu kém cỏi gì?
    Những ngày phép cuối tuần cũng được theo đàn anh về Sài Gòn du hí, cũng được đàn anh thương mến chỉ cho đường đi nước bước nơi chốn giang hồ và sao y cuốn cẩm nang cùng địa chỉ để đàn em luôn giữ bên mình với các bóng hồng xinh xinh, nhưng hái hoa thì phải nhẹ nhàng và phải tiền trao cháo múc kẽo không thì gai hồng găm đứt tay mất! Thật vui biết bao, có tiền mà không biết mua tiên cũng uổng đời thằng lính phải không các bạn?

    Chúng tôi bắt đầu giai đoạn tiếp cho đời binh nghiệp nào chiến thuật, địa hình, nào tập bắn đi dây tử thần, không sót môn nào cả. Ngoài trời ngồi học mười đứa ngủ ngồi hết chín thầy thấy cũng chẳng muốn la. Ngọn đồi Tăng Nhơn Phú nát bẳm theo những bước dẩm chân của chúng tôi với những bài di hành thực tập chiến thuật, để rồi hàng quân về lại Quân trường bằng cổng sau trong ngày.
    Thú vị biết bao giữa những buổi tập oi bức, trên tay cầm cốc xăm xăm hay cốc thạch đen, hoặc ly xoa xoa màu trắng ngà mát lạnh sóng sánh nước đường ngọt liệm có chút hương thơm cay cay mùi gừng của cô hàng rong khéo léo đôi tay múc ít mà đã đầy ly, vừa cười để lộ hàm răng trắng nuốt, phô nụ cười duyên dáng thật dể thương, với cốc xăm xăm ngọt mát, lạnh tới cổ họng cho đã đời một cơn khát.
    Trong lớp học tha hồ vẽ bậy lên bàn, chúng tôi nhớ nhất phòng học nào trên bàn cũng đầy hình vẽ của những anh hùng thấm mệt, biểu tượng những “hảo háng”, các anh hùng nầy không chiến đấu sống chết ở chiến trường mà ngất ngây nơi hậu phương, đề rồi gác cây súng cong nòng trên chạc ba cho mồ hôi của súng nhỏ từng giọt một, từng giọt một…, sau một cuộc truy hoan đã đời, là một hình ảnh quá gần gủi quá thích thú cũng quá thèm khát đối với những thằng lính độc thân như chúng ta phải không các bạn?
    Rồi tết Mậu Thân đến với những chiến công của những Sinh viên ở lại trường, sống chết cùng đội quân cơ hữu, đã anh dũng chiến đấu chặn đứng kẻ thù xâm nhập trường. Khóa chúng ta thật dũng cảm quá, thật anh hùng quá để rồi được đón nhận một mỹ từ: “Khóa 27 trưởng thành trong khói lửa!”. Môt danh hiệu thật hãnh diện, thật đẹp với vô vàn mến thương mà từ khi thành lập quân trường đến nay mới có.

    Giai đoạn một đã đi qua, học chơi thi thiệt, đai đội nào cũng có một hai đứa rớt. Rớt xong là có xe chờ sẵn chở về Quang Trung học lại Trung sĩ ngay. Giờ đây tình bạn mới thấy thắm thiết, tình lính vô vàn mến thương. Sát nách bên cạnh giường tôi có Nguyễn Văn Minh, Hùng Trung đội 44 cũng có Đặng Minh Sơn con nhà giàu Sài Gòn ở cạnh, cộng thêm vô số bạn bè thương mến khác nữa.
    Sáu tháng đi qua thật nhanh, tôi theo đám bạn nạp đơn gia nhập Quân chủng Không quân để rồi tôi vẫn nhớ mãi, buổi mai hôm ấy, một buổi mai thật đẹp, trên trời có những đám mây trắng mỏng, với gió mát nhè nhẹ thổi. Mây cùng gió bay theo đoàn xe, như muốn hòa theo niềm mơ ước cho tương lai tuổi trẻ, đưa chúng tôi đến tận Trung Tâm Giám Định Y Khoa Không Quân.
    Một đợt khám sức khỏe cho cuộc tuyển chọn không quân lần nầy đã qua. Bốn đứa Hùng, Sơn, Minh và tôi rất vui mừng được trúng tuyển. Giờ đây bốn đứa lại xít gần nhau hơn tí nữa, cùng một ước mơ chung là sẽ thỏa chí tang bồng trên bầu trời ĐẤT VIỆT. Bốn đứa đã được vào hàng ngủ KQ như mình mơ ước.

    Chúng tôi lại giã từ bạn bè đã qua sáu tháng quen thân nhau như ruột thịt, cũng rớm nước mắt, một nổi buồn man mác cho buổi chia tay với kẻ ở người đi, tiễn chào chúng tôi về một chân trời mới với biết bao màu xanh hy vọng cho tương lai.
    Giã từ Hòn Ngọc Viễn Đông mà nơi đây đã để lại cho chúng tôi biết bao tình cảm của một người lính mới. Hẹn gặp lại Sài Gòn những lần công tác hoặc đi phép sau nhé!
    Cám ơn Quân trường đã dạy cho chúng tôi những gì chúng tôi chưa biết.
    Cám ơn những Huynh trưởng đã chỉ cho đàn em những gì các anh đã biết
    Gỡi lại súng đạn Quân trường cũ
    Về Nha Trang tung cánh thỏa đời trai

    Hai
    Tại cổng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, lúc 10 giờ chúng tôi được một số Sĩ quan và Sinh viên Sĩ quan cán bộ đón tiếp thật niềm nở. Mới gặp nhau, đã nghe giọng hét lớn của Sinh viên cán bộ:
    -Tất cả Tân khóa sinh bốn hàng dọc thẳng!
    Ủa! chúng mình là SVSQ chứ còn khóa sinh đâu mà gọi vậy? Như biết được thắc mắc của chúng tôi, Sinh viên cán bộ hét lớn hơn, “SVSQ của các ông đã để lại ngoài cổng rồi, bây giờ các ông là Tân khóa sinh thôi, rõ chưa?”. Chúng tôi cùng đồng thanh “RÕ” rồi lệnh tiếp, “hai hàng dọc chạy theo tôi”, cái mệnh lệnh thật ngắn thật khô khan, nhưng trong đó hàm chứa một quyền uy lớn lao.
    Ba lô nặng trỉu trên vai, hai hàng dọc, chúng tôi chạy quanh sân vận động của Trung tâm có tượng đài Con Ó dũng mãnh, hai cánh dang rộng mắt nhìn ra cổng như sẵn sang chiến đấu với kẻ thù phía trước. Gần trưa trời bắt đầu nóng lên, hộ tống chúng tôi có vô số niên trưởng chạy bên ngoài la hét, trông chúng tôi như một đàn vịt được lùa đi, mình cứ tưởng ở Quân Trường củ, chạy như vậy cũng thường thôi gì đâu mà sợ? đâu ngờ chạy trên đất cát với ba lô đè nặng sau lưng càng lúc càng nặng thêm. Chưa đầy một vòng sân đầu, từng em một ngã xuống, rồi chưa được nửa vòng hai, chúng tôi ngã xuống không sót đứa nào, mồ hôi đẩm áo quần như đàn vịt ướt lông.
    - Mới là màn chào mừng Con Ó của các ông đó!,
    Chúng tôi nghe mà lo không biết hết màn nầy rồi tới màn gì nữa đây. Cái mệt, cơn khát đang hành, cơm nước bửa trưa làm sao nuốt cho được nên cũng cố ăn vài miếng, uống đầy bụng nước cho cơn khát được no. Cơm xong chúng tôi được bố trí một dãy barrack dài đủ chứa cho 70 mạng vừa phi hành vừa kỷ thuật với đủ giường sắt chồng đôi. Đó là cơ ngơi của khóa chúng tôi, với cái tên được gọi Khóa 68B, nghe tên khóa sao mà kêu mà hùng mạnh quá? Ngã lưng ra sàn thiu thiu nghỉ mệt bây giờ mình mới thấy nơi đây là chốn địa ngục chớ đâu phải thiên đường như mình mơ ước?
    Chiều lại chúng tôi được phép dùng hết thực phẩm của mình mang theo kể cả thuốc lá dưới sự chứng kiến của Sinh Viên cán bộ lúc sáng (nghĩ trong bụng sao cán bộ lại tốt thế !) . Lại khẩu lệnh đưa ra, “tất cả đứng đầu giường đổ đồ trong ba lô ra phía trước sẵn sàng thế chờ”, chúng tôi thi hành lệnh ngay. 70 đứa với thế chờ trông thật tội nghiệp. Lại mệnh lệnh “có đồ ăn gì, ăn hết một lần, bao nhiêu thuốc lá hút hết một lần kể từ mai không được hút nữa, rõ chưa?”. Chúng tôi đồng la to “RÕ”!. Thật tội nghiệp cho những đứa mang theo thuốc lá miệng ngậm hai điếu, ba điếu có thằng tới bảy tám điếu còn dư được phép mời bạn bè cùng hút, lửa có cán bộ đốt giúp, ở thế chờ ban đầu còn hít được một hai hơi, sau đó khói thuốc xông lên cay mắt rồi nước mắt, nước miếng, nước mủi chảy xuống, nước gặp lửa nghe xèo xèo khét ngẹt chịu không nổi nên lần lượt ngả lăn trên sàn.
    Đó là thời gian tái huấn nhục với tám tuần. Bây giờ khóa có tới ba Sinh Viên cán bộ mà chúng tôi biết rõ họ tên. Ông hét to nhất quyền hạn nhất lại người thấp nhất, nặng ký nhất, nói giọng Huế là Trần văn Đơn khóa 67A , Ngô Văn Sương “nanh” 67B và Nguyễn Đức Nhơn 67B là những hung thần hét ra lửa. Ông Đơn là người để lại cho Huỳnh Hàm Thái (có đôi mắt lồi dữ tợn đôi tay dài đến gối như Lưu Bị thời Tam quốc) nhớ mãi. Hôm đó trên tay Đơn cầm mấy trái ớt chín thật ngon, thấy ớt dân miền trung tụi tui thèm liền. Với giọng Huế đặc sệt: Ông Thái, cài gì đây? không phại trại ợt là cụ khoai chín rò chưa?, với mệnh lệnh Thái phải ăn, phải khen ngon! Mặt mày Thái méo xẹo, ho sặc tùm lum miệng hít hà trông giống như khỉ ăn ớt vậy.
    Nào Lý Thành Phương có những tài khó ai bắt chước được, đôi bàn chân bẻ ngược được ra sau trông như anh chàng Charlo. Mỗi đứa có một tên cúng cơm như Hùng xùi, Minh chù, Minh chè, Quang dơ, Quân mắt nhung...Riêng thằng Anh có tài không thằng nào làm được, mỗi trưa khi về phòng nó ở lổ chổng khu lên trời đánh rấm bao nhiêu chục cái cũng được! Hai thằng Đức nam, Huệ bắc mập tròn giống nhau, chỉ có hai khuôn là khác…Biết bao nhiêu bạn bè sao mình không sao kể xiết, giờ đây nhắc lại cũng thấy vui vui nhưng cũng nao nao ngậm ngùi trong lòng mỗi khi nhớ đến các bạn.

    Tám tuần lột xác đã qua, bây giờ tụi mình cũng có lại alpha cũng được quyền đi phố như đàn anh, nhưng đàn em vẫn bị thiệt thòi, vẫn bị thọ phạt dã chiến mỗi sáng thứ bảy khám phòng. Bao nhiêu nhảy xỏm bao nhiêu hít đất quây đầu nón sắt và nhiều hơn thế nữa chúng ta đều đón nhận vui vẻ. Các bạn còn nhớ cái đêm đám Nữ Quân Nhân ghé thăm trường giao tiếp với đám Sinh Viên, đó là món quà vô giá để dành cho đàn anh thưởng thức, họ giao tiếp được bao nhiêu thì ngay ngày mai đàn em phải trả giá, để họ khoe quyền hạn với cái đám quỉ cái kia. Thằng Hùng xùi bị “Sương nanh” cạo trọc đầu trước hàng quân vì tội chống đối rồi cho vào conex như một tội nhân bị nhốt tù. Mấy anh em còn lại (trong đó có Phạm Đắc Giáp nữa nghe), phải chịu ngọ chiến dài dài. Biết bao chuyện để kể phải không các bạn!.

    Lần đi phép đầu tiên chưa biết ất giáp gì, đành theo chân niên trưởng chỉ đường đi thăm các bóng hồng ở số 2 Nguyễn Du hoặc Phương Sài dưới chân núi đá, hay xóm mới Trịnh Phong, các nơi đây những bóng hồng rực rỡ với mùi son phấn ngọt ngào như mùi thơm chiên xào đưa vào mũi lúc gần trưa khi bụng đói, ôi thật hấp dẫn, thật thèm ăn.

    Rồi những lần đi phép chủ nhật cầm tờ phép trên tay túi không có lấy một đồng làm sao đây? Lúc giữa tháng tiền lương trung sĩ chỉ 2500đ đã cạn, tiền gia đình gởi cho chưa nhận kịp, mà đã hẹn với em gái đang đứng chờ ngoài đầu phố, trong bụng lo lắm, thằng nào túi cũng lủng biết mượn ai đây? Không sao đừng lo, đã có gian hàng tạp hóa của cô Hoa cô Nhi lo giúp rồi! Tôi và Hùng mua “ à la ghi” hai cây thuốc lá Mỹ nói dóc là để tặng bạn đang học bên trường Đồng Đế với giá 500 đ/1cây, ra khỏi cổng bán lại lấy tiền tươi 450đ /1cây, bỏ tiền vào túi thấy cũng nặng nhiều. Gặp người em gái thân thương mình thấy mình tự hào quá và hãnh diện biết bao khi sánh vai cùng người đẹp để dạo phố rồi mời ăn kem, đi xinê có đính kèm một hoặc vài cô bạn, cộng thêm cô hay cậu em nàng đi theo để cho em được vui lòng, cho em khỏi mắc cở, em khỏi bị khuấy rầy ở trong rạp tối, và cũng để cho mình được quyền chi túi tiền ít ỏi cho sáng con mắt ra.
    Cái vui của ngày chủ nhật, cái đẹp của giai nhân cùng sánh bước bên nhau như đôi trai tài gái sắc mơ mộng trao nhau những gì đẹp nhất mà mình thêu dệt cho đẹp thêm. Khi chiều xuống, lại chia tay trở về lại trường, với ổ mì nguội trên tay, người nặng nề bước vào cổng chập chửng từng bước một, nhưng lòng đầy ắp niềm vui của ngày chủ nhật.

    Ngày lại ngày, mỗi sáng chúng ta lại sắp hàng cắp sách đi học anh văn, vào phòng LAB cũng nghe cũng nói cũng biết đánh được ECL như chúng bạn, ba thằng Cương, Hoàn, Hảo sao chúng giỏi thế, ECL chúng đánh gần cả trăm điểm, mình ráng lắm chỉ kịp ở độ sáu mươi, chắc ba thằng hắn trước khi vào lính có đi làm sỡ Mỹ.
    Buổi chiều mặc võ phục ra võ đường học võ TaikonDo với hai thằng Cương, Hải, chúng đeo tới đai đen tam đẳng, hai bàn tay chai lì từng cục ở các ngón tay, đấm xuống sàn mà tay chẳng hề chi. Sao chúng giỏi võ thế, còn tụi mình học Vovinam sợ đấm đá gảy chân tay thì bỏ mạng không học lái máy bay được là hết đời trai con ạ, nên chúng tôi chỉ hoc mà không dám thực hành thật sự, chỉ có thằng Dành Tây Ninh là liều mạng nên nó đeo được tới đai xanh,
    Hai mươi thằng đám kỷ thuật đã an phận ngày hai buổi ôm vở đến trường để chờ xong khóa, ra cậu thiếu úy con, có thằng mặt búng còn ra sữa mà cũng biết cầm cà lê.

    Công điện từ Bộ Tư Lệnh KQ gởi về kèm theo danh sách Sinh Viên về Bộ Tư Lệnh (BTL) làm thủ tục xuất cảnh học bay. Chúng tôi những đứa có số điểm 60 ECL trở lên hồi hộp chờ đợi tên mình như đón chờ kết quả thi tú tài năm xưa vậy. Vào lính bay mới biết ngày vào thì có, ngày ra chẳng biết đến bao giờ, BTL chiếu cố thì đi học mau, lở quên thì toi đời thằng lính. Lúc tụi tôi mới nhập khóa, Trung Tâm cũng còn lại đến hai, ba đại cồ niên trưởng inapte với nhiều lý do an ninh, bịnh hoạn..., phải nằm chơi xơi nước trên hai năm mà chưa thấy ngày ra khỏi trường.
    Hồi hộp chờ đợi tên mình được đọc, đợt du học kỳ nầy khóa chúng mình được chọn rất đông, tôi cũng có tên gần chót, thật vui mừng biết bao, “bảng hổ” chưa đề tên mà đã thấy người nhẹ như bông rồi, lần lượt đi làm thủ tục khám sức khỏe chờ ngày đi Mỹ. Bạn bè chưa có tên gọi cũng lần lượt được học các khóa Cesna U17 trong nước.

    Tôi bước ra khỏi phòng khám tổng quát, mặt mày méo xẹo, inapte rồi các bạn ơi! Vừa tim loạn nhịp vừa lổ tai điếc, thật thảm não biết chừng nào? Khi đi khám nhập ngủ, sức khỏe tốt tươi mười phần đến giờ đi du học lại bịnh hoạn tùm lum, không lo chữa trị có ngày giống mấy niên trưởng đại cồ thời thấy tổ?. Thôi đành xách gói trở về chờ ngày tái khám. Một lần tái khám rồi hai lần tái khám cũng out. Lúc nầy bạn bè xuất ngoại cũng nhiều, đứa ở lại thì nhập hai khóa L19. Khóa chỉ còn năm mạng là tôi, Huỳnh Mười, Quang Phúc, Danh Ngân, Châu Ấu (Châu chấu). Thật tội cho năm con vịt của khóa, lận đận mãi cũng qua, đến lần thứ tư nhờ gặp được “nàng tiên” như chuyện Từ Thức gặp Giáng Hương ở biển Thần Phù năm xưa ở Bích Đào động giúp đở, tôi mới qua được vận xui. Thật như chuyện cổ tích nằm mơ cũng khó gặp lại.(1)

    Bốn con vịt cọng thêm hai niên trưởng (67C, 68B), được nhập khóa 35 Hoa Tiêu Quân Sát (HTQS) học chung với với số sĩ quan bên bộ binh mới tuyển vào, thật hú hồn cho bốn thằng! Riêng Ấu là người cuối cùng lận đận hơn hết, năm sau mới học trực thăng về Phù Cát tôi gặp Ấu một vài lần cuối năm 1972.
    À quên mất, một người đáng nhớ nhất của khóa: thằng Trí chỉ một cái muổng canh inock nó chịu khó cạo sạch các lớp dơ bẩn, bám chặt lâu ngày trong tám bồn cầu vệ sinh của khóa trở nên sạch bóng, thật đáng phục cho cu cậu ấy. Vừa xong huấn nhục là inapte ngay nên bị loại khỏi khóa, thật tội.
    Lần lượt các khóa 33, 34 THQS trong nước dành cho các bạn còn lại mãn khóa, với các ông thiếu úy Hùng, Minh, Sơn, Sâm, Lộc, Quang v.v… Trúc, Minh chù, Thuyết, Dành, Tiến, Quân, Nhiệm, Bé v.v...mỗi đứa về một phương trời mơ ước.
    Quân trường giờ đây chỉ còn lại sáu đứa săn sóc một số đàn em lên cả hàng trăm, cũng vui cũng buồn cho những thằng ở lại. Sáu thằng Sinh Viên còn lại vẫn nấu sử sôi kinh vẫn miệt mài học tập, rồi cũng biết solo, hợp đoàn cùng bay với thầy mấy phi vụ chơi xa, rồi ra trường cũng lon thiếu úy nhưng không vui như các bạn tốt nghiệp trước đó.

    Ra trường, Giáp, Mười ban đầu về PĐ 114 Nha Trang được hai tháng, đến khi PĐ 118 thành lập ở Pleiku thì tụi tôi thuyên chuyển lên ngay từ những ngày đầu thành lập Phi đoàn. Hai thằng cũng thường hay gặp thằng Thụy ở Phi đoàn 550 Thái Dương đối diện, cũng hàn huyên năm điều ba chuyện. Giáp, Mười cũng có những lúc gần gủi với biết bao nhiêu kỷ niệm của các kỳ biệt phái. Những lúc rảnh rổi hai đứa rủ nhau xuống Câu Lạc Bộ Trực Thăng chơi bida hoăc binh xập xám, Hôm ấy, bạn Mười thật hên, càng binh càng thắng lớn hai túi đồ bay nhét đầy tiền. Với túi bạc nặng ấy, mấy ngày sau hai đứa hì hục khiêng chiếc Suzuki, cái Tivi National đen trắng mới tậu lên máy bay từ Qui Nhơn để Mười chở về Pleiku cho vợ xem chương trình ca nhạc và chở vợ đi phố trên chiếc “suzuki an toàn xa lộ” mà một thời quảng cáo trên đài phát thanh SG vào dịp trưa. Một hôm hai thằng cũng ở CLB nầy đang coi đánh bida bổng nghe tiếng ai hô lớn: “vào hàng phất” chúng tôi theo phản xạ đứng thẳng người, bàn tay đưa lên trán ở thế chào, kìa hai vị lãnh đao tối cao của VNCH, một vị là Phó Tổng Thống và vị kia là Tư lệnh KQ, đến thăm phi trường. Tướng Minh Tư Lệnh KQ ghé nhìn mấy trái bi rồi hỏi:
    -Chơi ăn gì đó?
    -Dạ gói thuốc cho vui!
    -Gói thuốc buồn chết, có tí máu mới vui nghe.!

    Thời gian như bóng câu qua cữa, giờ đây 49 đứa đã đủ cánh đủ lông đủ tài đủ trí cho những chuyến hành quân mà không hề sợ nguy hiểm, không sợ mủi đạn đường tên của lưới đạn phòng không quân địch đang chực chờ mọi nơi, mọi lúc trong những chuyến bay dài cho sự bình an của đất nước cho sự sống còn của người dân...

    Ba
    Năm 1973, Giáp trở với Đà Nẵng với quê hương Quảng Nam yêu dấu, bên vòng tay âu yếm của vợ con đang cần sự che chắn cho hạnh phúc và tình yêu. Giáp gặp lại Hùng xùi, hai đứa hai đơn vị gần nhau. Rồi ngày lại ngày hai đứa hết khung trời nầy đến vùng trời nọ để bay qua, từ nơi cuối Quảng Ngãi đến tận Bến Hải nơi chia cắt đất nước năm 1954, qua tận biên giới Lào nơi đâu cũng có dấu chân, tàu cũng có vài ba lổ đạn để cho mình giật mình hửi say thuốc đạn mà tiếp tục cho mọi chuyến bay ngày sau.
    Với hiểm nguy của chiến trường Vùng I nơi địa đầu giới tuyến, không ai là không thấy lạnh gáy với những phi vụ nam Lào, cái chết chóc đến với người lính gần nhất trong đường tơ kẻ tóc. Chiến trường vẫn sôi động, chúng tôi vẫn miệt mài bay mà chắng sợ hiểm nguy. Chúng tôi vẫn hì hục sáng chiều mọi lúc mọi nơi, mọi phi vụ cần thiết cho quân bạn yêu cầu cho đến cái ngày 30 tháng 4 năm 75 ấy dễ gì ai quên, để một đội quân tan rã, chết đứng như Từ Hải, để một trang sử sang trang....
    Hai đứa theo đám tù tàn binh lên núi để trả nợ, để gở lịch. Hùng gở ít Giáp gở nhiều hơn, chưa đầy hai cuốn đã hết.

    Giáp Hùng ở lại quê hương. Sau nầy hai đứa vượt biên nhiều đợt, đợt nào cũng hết tiền lại thêm sợ sệt, thật hú hồn tiền tuy mất nhưng không bị bắt cũng là may, rồi nạp đơn đi diện HO cũng bị từ chối vì thiếu năm, và cuối cùng Giáp với Hùng đành ở lạ,i cùng chung số phận với những người kém may mắn.
    Thời gian lâu sau nầy khi nhớ lại Khóa 68B mới biết được đứa còn đứa mất. Phải chăng những đứa mất đó là Ấu, Dành, Nhiệm, Phúc, Trúc, Sâm, Phương, Nghiệp, có đếm sót tên nào không hởi các bạn?
    Chúng ta hãy nhắm mắt lại dành một phút mặc niệm cùng những giọt nước mắt khóc thương cho những người bạn ra đi vĩnh viễn mà chúng ta không bao giờ gặp lại. Chúng ta cũng chúc mừng các bạn khác, hoặc vượt thoát trước những ngày cuối cùng của cuộc chiến hoặc đi theo diện HO hoặc con đường vượt biên, đã đưa các bạn đến vùng đất hứa như chúng ta hằng mong ước. để các bạn thỏa được ước mơ như các bạn hằng mơ ước.

    Giọt nước mắt cho người nằm xuống
    Nụ cười tươi mừng kẻ trời Tây.
    Nhớ các bạn nhiều, mượn mấy câu của Chinh Phụ Ngâm gỡi các bạn nhé!

    Lòng nầy gửi gió đông có tiện
    Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
    Non Yên dù chẳng tới miền
    Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời../..

    KQ Phạm Đắc Giáp
    10/05/2012

    Ghi chú.
    (1) đọc Chuyện Bất Ngờ của KQ Phạm Đắc Giáp)
    Last edited by Cù Hanh; 05-18-2012, 04:22 AM.

  • #2
    Phải chăng những đứa mất đó là Ấu, Dành, Nhiệm, Phúc, Trúc, Sâm, Phương, Nghiệp, có đếm sót tên nào không hởi các bạn?
    Còn sót 9 bạn nữa, tôi đã gửi cho bạn danh sách khóa 68B. Cám ơn Giáp đã nhắc lại nhiều kỷ niệm của khóa.

    Đây là 2 trong số 5 con "vịt đẹt" 68B (Mười và Giáp) đã được nhắc tới:

    Last edited by nguyenhoan; 05-26-2012, 05:49 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X