Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Con Tạo Xoay Vần

Collapse
X

Con Tạo Xoay Vần

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Con Tạo Xoay Vần








    Xuôi Giòng Nước Chảy
    (Barcarolle from The Tales of Hoffmann)
    Nhạc: Jacques Offenbach
    Ý thơ: Bạch Cư Dị, Phạm Quí Thích

    Trích ở hồi thứ 3 vở opéra Les Contes D’Hoffmann của Jacques Offenbach, chuyển ngữ khúc Barcarolle trêu sầu gợi nhớ của nhân vật Giulietta chuyên nhiếp hồn đàn ông trên khắp cõi Venezia. Trong bản dịch Nôm, nhằm chiêu gọi nguyệt phách bao kẻ Tầm Dương đầu bờ, Tiền Đường cuối bến, người dịch đã vận dụng chất liêu trai Bạch Cư Dị đời Đường
    Giang Châu Tư Mã thanh sam thấp
    và Phạm Quý Thích triều Nguyễn:
    Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy



    Kiệu Hoa Thấp Thoáng
    (Bella Rosa)
    Nhạc: Vincenzo Bellini
    Ý thơ: Nguyễn Nhược Pháp

    Ca khúc Bella Rosa của Vincenzo Bellini: “Anh xin làm đóa tàn hồng khô úa trên bộ ngực em lạnh lùng hơn phiến đá hoa cương”. Với chủ trương Á Châu hóa những biểu tượng Tây Phương, ở đây chàng thanh niên người Ý nọ đã được tái tạo thành gã thư sinh Quốc Tử Giám đ ứng trân trối lặng nhìn vẻ não nùng diễm ảo tiêu tao ở một trang tiểu thư tuyệt thế đất thành Hà sông Nhị,
    êm đềm trướng rũ màn che,
    tường Đông ong bướm đi về mặc ai.

    Kết hợp hài hòa chất dí dỏm khôi hài tình tứ, phi Nguyễn Nhược Pháp còn ai làm nổi.



    Áng Thiềm Quang
    (Presto, Presto Io M’Innamoro)
    Nhạc: Giovanni Mazza Ferrata
    Ý thơ: Nguyễn Bính

    Hiên tà bóng gác nghiêng nghiêng
    Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình

    Dựa trên âm sắc giọng hát Thái Hiền qua bài Xuân Ca, điều phối với nhã điệu lời thơ Nguyễn Bính, ở đây dùng thủ pháp phục tuyến tấn bi kịch nội tâm, hắt lên trước thềm thi ca và âm nhạc bóng dáng người con gái đêm vắng buông màn, đèn khuya chong ngọn.



    Nô Lệ Tình Si
    (So In Love from Kiss Me, Kate)
    Nhạc Cole Porter
    Ý thơ: Ngư Huyền Cơ

    Gốc tích ở vở musical Kiss Me Kate do nhạc sĩ người Mỹ Cole Porter chuyển thể vở hài kịch bất hủ The Taming of The Shew của William Shakespear. Khúc hát là lời tuyên ngôn duy ái của nữ nhân vật chính Catarina Minola, con ngựa bất kham hằng bấy nhiêu lâu ưỡn ngực thách thức cuộc đời, sao nay lại mở vành môi cong cớn ra mà biểu dương sức sống vạn năng của tình yêu bất diệt. Vay mượn chất liêu trai từ Ngư Huyền Cơ, kỹ nữ kiêm thi nhân đời Đường, tạo hình vì thế thả tay phóng túng, đúng với chất nhạc Mỹ hiện đại; nó đòi hỏi lời ca phải bùng nổ từ đáy sâu khát vọng luống bao thế kỷ loài người lấp kín chôn sâu.



    Lầu Xuân Dáng Ngọc
    (Moj Milenkij Druzhok from Pique Dame)
    Nhạc: Pjotr Ilyich Tchaikovsky
    Ý thơ: Vương Xương Linh

    Nguyên là đoạn song ca Moj Milenkij Druzhok của đôi nhân vật mục đồng mục nữ Daphnis v à Chloe, hồi th ứ 3 vở opera Pique Dame do Pjotr Ilyich Tchaikovsky sáng tác dựa theo cốt truyện cùng tên của Alexander Pushkin. Riêng đoạn song ca này Tchaikovsky đã vay mượn nét nhạc Mozart duyên dáng, chạm trổ tinh xảo tựa những pho tượng men sứ xinh xinh nơi thành Vienna thời Marie Antoinette. Đôi tình nhân búp bê được ảo hoán thánh đôi Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài Lăng Ba Lạc Đế đúng phong cách múa rối bóng Trung Quốc. Lời thơ do đó mô phỏng những bài thơ diễm tình ỷ lệ của nhà thơ Đường Vương Xương Linh.



    Bản Tango Lâm Truy
    (Je Ne T’Aime Pas)
    Nhạc: Kurt Weill
    Ý thơ: Trần Như Vĩnh Lạc

    Xuất phát từ ca khúc Je Ne T’Aime Pas của nhà soạn nhạc người Đức Kurt Weill. Dày gió dạn sương, bướm chán ong chường, bất cần ai cả, nữ nhân vật ngổ ngáo này hết sức phổ biến ở các xã hội công nghiệp hiện đại, dù vẫn cực kỳ hiếm thấy trong những cơ chế nông nghiệp ổ truyền, Song nếu đất Thăng Long thế kỷ XIX từng sản sinh ra hiện tượng Hồ Xuân Hương thì sao ta không thí nghiệm, mang dáng dấp táo bạo của bất kỳ ai dám sống “bạt mạng” ngày nay ra cải biến nguyên tắc trở nên Thúy Kiều Giao Chỉ? Ngưng Bích lầu kia giá có giàn máy CD, biết đâu Kiều nhi đã chẳng chết nghiện giọng hát Lê Uyên từ mấy kiếp!



    Đánh Cờ Người
    (Le Jugement de Paris from La Belle Hélène)
    Nhạc:Jacques Offenbach
    Ý thơ: Hồ Xuân Hương

    Ghép lời bài hát nói lừng danh tương truyền là của Cổ Nguyệt Đường nữ sĩ vào với nét nhạc French can-can Le Jugement De Paris, thuộc vở opérette La Belle Hélène của Jacques Offenbach. Chất nhạc trào lộng ở nguyên tác, đem các vị thánh thần trong huyền thoại Hy Lạp La Mã ra mà nhạo báng, tân trang họ thành một đám ông tây bà đầm nhố nhăng lăng líu kiểu biếm họa daumier, xét kỹ ra có chiều thích hợp với chất thơ nghịch ngợm tinh quái của bài hát nói này; nhân tiện cũng để nhắc nhở lại rắng đối với kẻ chịu khó tìm tòi, châu Á trước thế kỷ XX không thiếu những ngõ ngách quanh co chứa đầy ăm ắp những ngạc nhiên độc đáo.



    Dạ Hương Thiên Lý
    (Memory From Cats)
    Nhạc: Andrew Lloyd Webber
    Ý thơ: Vương Thực Phủ

    Bắt nguồn từ ngâm khúc Memory ở nhạc kịch Cats của Andrew Lloyd Webber. Lời thơ Thomas Stearns Eliot đã được thoát thai hoán cốt thành thể điệu Vương Thực Phủ cho bản diễn ở đây. Niềm ám ảnh bâng quơ trên bờ mi đờ dại của nàng xướng kỹ Âu Châu lãng mạn, suýt đôi lần thảng thốt trước khi nuốt vội điều câm nín thiên thu, có kết cấu ý tứ cực kỳ tương phản với nỗi luyến tiếc dưng không dưới đáy hồn cô quạnh của người thiếu nữ Á Châu cổ điển, trót một phút thả trôi để rồi chuốc lấy mối hờn ôm vạn thuở. Nhưng lạ lùng thay, tâm sự khắc khoải
    Đau đớn thay phận đàn bà
    Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu

    ở cả đôi bên lại vô cùng hô ứng. Chẳng thế mà họ đã nhường chỗ cho nhau ngày hai ngôn ngữ Anh-Việt thông nẻo đi về.



    Lòng Còn Gửi Áng Mây Hàng
    (Vi Ravviso from La Sonnambula)
    Nhạc: Vincenzo Bellini
    Ý thơ: Đỗ Phủ

    Vốn là bài aria Vi Ravviso, O Luoghi Ameni của Vincenzo Bellini, trích hồi thứ nhất vở opéra La Sonnambula.
    "Ôi quê hương, hai chữ huyền nhiệm lạ!
    Trọn kiếp làm người chẳng lẽ sinh ra chỉ để trước ngày hóa diệt còn kịp quay về nhìn lại một lần nơi cắt rốn chôn nhau?"

    Chất Lamatine và De Musset ớ đây vô tình lại rất gần gũi với chủ đề "Cố quốc bình cư hữu sở tư" bên các nhà thơ Đông Á. Bởi lẽ, chúng tôi chẳng ngại ngần gì không viện dẫn vài tứ thơ của Đường thi Bắc Đẩu Lão Đỗ để hợp lưu giao chuyển với dăm câu nhạc của Nam Âu đệ nhất điệu từ nhân Bellini.



    Nửa Khuya Trở Giấc
    (In The Still Of The Night)
    Nhạc: Cole Porter
    Ý thơ: Tào Tuyết Cần

    Căn cứ trên một ca khúc lẻ của Cole Porter, In The Still Of The Night, cơn ám ảnh thâu canh của chàng trai nhung nhớ người tình trong viễn tưởng. Thoáng viền trăng lạnh cuối chân trời lẩn khuất, thoạt cảm giác tê gai đầu thớ lưỡi vợi tan, khi miền tâm cảnh tím nhuộm sương thu thoắt hư linh huyễn nhập, thật khéo trùng hợp với mối hận Tiêu Tương đôi bạn Gia Bảo Lâm Đại Hồng Lâu mộng đời Thanh. Tuyết Cần hóa lời thơ nguyên văn Anh ngữ, chúng tôi đồng thời Sài Gòn hóa các chi tiết bản địa Nam Kinh, để quyện hòa khắc khoải với du dương ra một giấc lầu hồng gối điệp.



    Ngấn Ly Trần
    (Uzh Vecher from Pique Dame)
    Nhạc: Pjotr Ilyich Tchaikovsky
    Ý thơ: Hàn Mặc Tử

    Ý ở đoạn song tấu Uzh Vecher trong vở opéra Pique Dame do Pyotr Ilyich Tchaikovsky đã viết. Yêu người song chẳng được cùng ai nặng nợ, đến kỳ cách trở âm dương, đành xin thấp thoáng về đứng trước hiên mưa, lờ lững đến nép bên rèm gió, đó là đề tài của cả mạch chuyện Alexander Pushkin lẫn dòng thơ Hàn Mặc Tử. Ba thi phẩm họ Hàn đã góp gió êm bay cho mấy luồng giai điệu Tchaikovsky ngược xuôi lan tỏa.



    Đi Hoang
    (Nanas Lied)
    Nhạc: Kurt Weill
    Ý thơ: Tiết Đào

    Phóng tác ca khúc độc lập theo trường phái cabaret nhan đề Nanas Lied của nhạc sĩ Đức Kurt Weill, mượn miệng một thiếu phụ cầu sương điểm cỏ trong giới hộp đêm Bá Linh, mái tóc hất tung, vành môi mím chặt, tàn thuốc gạt rơi, ly men hớp cạn, nói thẳng vào mặt cuộc đời. Xét thấy nền âm nhạc Việt nam hiện còn đang thiếu sót những cung bậc trực diện gắt gayy, chúng tôi muốn đưa đến với người nghe một tác phẩm không lấy duyên dáng làm đẹp, không nhờ nũng nịu đưa duyên, mà nó bắt kẻ đến nhìn mình phải chấp nhận cái ngang nhiên chân thực. Tài nhả ngọc phun châu của Tiết Đào thành Trường An thế kỷ IX lại tạo được nhân dáng rất hiện đại này.



    Hoàng Hạc Tịch Dương
    (Ombra Di Fillide)
    Nhạc: Vincenzo Bellini
    Ý thơ: Thôi Hạo, Phạm Thiên Thư

    Do người dịch ghép ý thơ Thôi Hạo và Phạm Thiên Thư lại cùng nhau, ngỏ hầu tạo ra được một ca khúc xứng đáng với chất giọng dịu dàng thanh quý của nữ nghệ sĩ Mai Hương, con người ngót nửa thế kỷ buồn vui đã từng an ủi chúng ta trong nếp áo dài thuần hậu. Ẩn chứa đàng sau nét nhạc âm u lam khói Ombra Di Fillide của Vincenzo Bellini cũng là cả một trời luyến tiếc lệ đá xanh rêu của người lữ thứ chiều hôm bị lỡ chuyến tàu thời gian lui về quá khứ.



    Từ Cõi Thiên Thu

    (Podrugi Milie from Pique Dame)
    Nhạc: Pjotr Ilyich Tchaikovsky
    Ý thơ: Lý Hạ

    Cấu thành bởi khúc aria Podrugi Milie trong vở opéra Pique Dame của Pjotr Ilyich Tchaikovsky, kết ngưng tinh thể bằng ý thơ thê thiết của nhà thơ yểu mệnh đời Trung Đường Lý Hạ. Màu đen chết lịm tử dạ huyền châu của bài này đòi hỏi giọng hát bi thương kịch tính. Tiếng hát âm sắc trẻ trung nhưng lại cũng rất hàm chứa tư duy già dặn của con oanh vàng Nga My đã hội đủ yếu tố bất kỳ xuất ý này.



    Nhịp Cầu Thệ Thủy
    (Slykhalil’vy from Eugene Onegin)
    Nhạc: Pjotr Ilyich Tchaikovsky
    Ý thơ: Lý Bạch, Nguyễn Du

    Thí nghiệm dung hòa âm nhạc của Pjotr Ilyich Tchaikovsky vào với thi ca của Nguyễn Du và Lý Bạch. Trong vở opéra Eugene Onegin, Tchaikovsky đã miêu tả một mối tình chị để lỡ duyên em, cho đến kỳ tái ngộ mai sau thì dịp tương phùng ngày nao đã mất. Bài tứ tấu Slykhalil'vy là bài mở đầu vở nhạc kịch này. Hai chị em Tatjana và Olga,
    phong lưu tót bậc hồng quần
    xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê

    đang mơ mộng yêu đương qua lời thơ Pushkin não nùng diễm ảo; me và u già thì mỉm cười lắc đầu trước giấc mộng thanh xuân kia, khẽ khàng trao đổi cùng nhau những kinh nghiệm
    đoạn trường ai có qua cầu mới hay
    mà suốt một đời con người ta chỉ có thể sống để bụng, chết mang theo, chứ chẳng mong gì hai thế hệ một sớm một chiều thông cảm kịp. Với đôi song tấu Mai Hương và Thái Hiền, chúng tôi đã chuyển hết lại cặp hoàng lan bạch cúc Thúy Vân Thúy Kiều, trước còn bên hiên Lãm Thúy, mà sau đã đến bến Tiền Đường. Chất liệu hoài xuân nữ tử ở đoạn mở đầu được dựa trên lời thơ cũa Lý Bạch, bậc thầy muôn thuở của văn hoa bay bướm; chất liêu trai hoài cổ thương tâm ở đoạn kết thúc là dĩ nhiên phải viện dẫn Nguyễn Du, nhà thơ nghìn đời của viễn diệu u linh.



    Con tạo Xoay vần, Opera lời Việt
    Âm Nhạc Cổ Điển Tây Âu và Thi Ca Truyền Thống Đông Á


    Producer: Lê Thế Tùng
    Artistic Director: Trần Như Vĩnh Lạc
    Photographer: Ngô Cang Long
    Graphics: M.T.A. Graphics Inc.
    Recorded at: David Abell Studio,
    West Hollywood, L.A.

    Last edited by chieutim; 09-09-2017, 09:26 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X