Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cao Tần, thơ người di tản buồn

Collapse
X

Cao Tần, thơ người di tản buồn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cao Tần, thơ người di tản buồn


    Cao Tần, thơ người di tản buồn



    Cao Tần là một thi sĩ xuất hiện một cách bất ngờ trong thời điểm vô cùng đặc biệt. Lúc đó, là những năm đầu kế tiếp sau cuộc di tản của mấy trăm ngàn người Việt lưu lạc sang xứ người. Trong hoàn cảnh bắt đầu của một cuộc sống xa lạ, khởi đi từ những nỗi niềm mang theo, văn chương ở hải ngoại đã nảy mầm từ những tâm tư thương nhà nhớ nước của người Việt tị nạn sau một cuộc đổi đời. Cao Tần là một nhà thơ xuất hiện sớm nhất và cũng là một nhà thơ nổi bật nhất trong thời kỳ ấy. Vốn là một nhà văn đã thành danh ở Việt Nam và cũng là một ký giả có lối viết phiếm luận sắc bén, thơ Cao Tần đã được để ý từ những bài thơ đầu tiên.

    Năm 1977, gần hai năm sau ngày 30 tháng tư năm 1975, trên tờ báo Bút Lửa có đăng mấy bài thơ của một thi sĩ danh tánh lạ hoắc ký tên Cao Tần. Những bài thơ ấy mới xuất hiện đã nổi bật ngay và gây một hiện tượng xôn xao cho độc giả. Nhiều người liên tưởng tới như những bài thơ của T.T Kh. đã tạo thành một nghi vấn cho văn học Việt Nam mà còn mù mờ chưa rõ ràng. Quả thực những bài thơ trên Bút Lửa ấy đã gây kinh ngạc cho độc giả. Mãi về sau này, mới biết Cao Tần là bút danh của nhà văn Lê Tất Điều hay nhà báo Kiều Phong, một người đã là một cây bút quen thuộc của hai mươi năm văn học miền Nam…

    Ông sinh ngày 2 tháng 8 năm 1942 tại Hà Đông. Di cư vào Nam năm 1954 và di tản sang Mỹ năm 1975. Trước khi di tản ông là một nhà giáo và cũng là một ký giả ở Sài Gòn. Đã xuất bản truyện dài Đêm Dài Một Đời đã đoạt giải thưởng của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, và các tập truyện ngắn Khởi Hành, Kẻ Tình Nguyện, Quay Trong Gió Lốc, Phá Núi, Người Đi, Những Giọt Mực.

    Lý do mà những bài thơ đầu tiên mang tên Cao Tần được chú ý thật là giản dị. Bởi tâm sự của Cao Tần khi làm thơ cũng là tâm trạng chung của những người Việt di tản lúc ấy. Với ngôn ngữ vừa bi hùng vừa tha thiết, diễn tả lại một tình trạng tâm lý của những người còn xa lạ với cuộc sống mới và tiếc nuối những tháng ngày của cuộc đời xưa cũ. Lúc ấy, một nền văn học lưu vong đang dần dần hình thành. Ở những ngoái nhìn quá khứ và băn khoăn từ những bước chân đi đến tương lai. Ai mà chẳng cùng chung suy tư và ở những câu thơ Cao Tần lại gợi lên từ tâm cảm yêu nước nhớ nhà và ngôn ngữ mẹ đẻ đã thành thân yêu vô cùng trong những ngày bắt đầu tạo dựng một cuộc sống mới ở xứ người...

    Có lẽ hồi trước 1975, nhà văn Lê Tất Điều cũng không làm thơ và sau này khi loạt thơ Cao Tần chấm dứt ông cũng ngưng làm thơ. Tại sao ông chỉ làm thơ trong khoảng thời gian đó?

    Có lẽ chỉ có một mình tác gỉa mới có thể trả lời câu hỏi khó này. Trong một cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Á Châu Tự Do RFA do Mặc Lâm thực hiện thì ông giải thích “Tự nhiên tôi không có cảm hứng viết truyện ngắn nữa. Thế rồi thơ nó lôi cuốn bởi vì trong bài thơ công việc sáng tác nó ngắn hơn nó không đòi hỏi thời gian nhiều...”

    Nhà văn Võ Phiến có viết đại ý là Cao Tần làm thơ như người kể chuyện và đó chính là một yếu tố để thơ ông gần gũi với cuộc sống hơn và tạo sự chú ý của độc giả.

    Trong bài đề tựa tập thơ Cao tần do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành, nhà văn Võ Phiến nói rằng thơ của Cao Tần kết cấu như truyện và là những truyện ly kỳ nữa nên gợi được sự tò mò muốn tìm hiểu của người đọc. Và ông nêu ra vài thí dụ bài thơ Kho tàng kể về chuyện của một anh chàng tị nạn Cù Lần...

    Nội dung của bài thơ cũng chỉ là một anh chàng tị nạn lúc nào cũng kè kè bên mình một cái túi không một phút nào rời xa. Bạn bè tưởng là anh chàng biển lận nên đè anh ta xuống để mở cái túi bí mật kia ra. Và cũng chẳng có gì ngoài một lạng vàng, chiếc khăn tay và những danh thiếp cũ. Nhưng là cả một kho tàng của một người di tản và nhắc lại người và cảnh đã xa. Vàng thì nhắc đến người mẹ:

    “... miệng túi mở ra kho tàng rơi tung toé
    một lạng vàng trong giấy gói đơn sơ
    một đứa hét “vàng này thằng em bé
    không mại đi mày tính để đem thờ

    “Sư chúng mày, vàng đem theo bốn cục
    ông bán ba, bắt gọn mấy trăm đô
    còn cục này tàn đời ông cóc bán
    lúc lên đường bà cụ dúi tay cho”

    Còn khăn tay thì nhắc đến người vợ bây giờ đã xa cách ngàn trùng:

    “...một chiếc khăn tay cũ xì cũ xịt
    mầu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh
    “giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt
    “Khăn vợ tao trao ngày khoác áo nhà binh”


    và những tấm danh thiếp, ôi những tấm giấy làm nhớ lại những tên đường những tên người đã vào xa xưa:

    ”đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
    những tên người tên tỉnh đã xa xưa
    những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
    những đường quen không trở lại bao giờ

    …Với danh thiếp những tên đường đã đổi
    những số nhà chớp mắt đã tang thương
    những chốn hẹn ngàn năm không trở lại
    những tên đời tơi tả khắp quê hương.”

    Đọc xong bài thơ này chúng ta thấy thế nào?

    Phải nói là rất xúc động anh Trinh à! Nhưng có khi chỉ cảm thấy thôi chứ diễn tả ra cái hay thế nào thì khó lắm. Phải có một lúc, đợi xúc cảm lắng xuống thì dễ dàng để thất bài thơ này độc đáo ra sao...

    Chúng tôi cũng như những độc giả khác, chỉ cảm thấy rung động thôi và cũng phải loay hoay suy nghĩ để may ra có thể tìm được những điều mà mình cho là tâm đắc và tuyệt diệu. Bài thơ sống động quá với những ngôn ngữ đời thường mô tả những cuộc đối thoại chuyên chở được ý tình mà tác giả muốn đề cập đến. Có một chút diễu cợt nhưng chỉ là cảm giác thoáng qua để thay vào đó là sự thương cảm. Chỉ một túi nhỏ tầm thường của người di tản vỏn vẹn có thế mà sao lại coi như một kho tàng vô gia được? Bởi vì những vật thể này không còn đơn thuần là vật thể nữa mà nó chứa đựng cả một trời quê hương và nhắc lại những người thân đã xa và những nơi chốn đã khuất biệt. Câu chuyện kể bằng thơ chỉ giản dị như thế nhưng lại gây ra sự xúc động đến vô bờ cho người đọc. Bởi nó đánh động đến tâm sự chung nên đầy ắp những chia sẻ…

    Một bài thơ khác mà nhà văn Võ Phiến nhắc đến như một bằng chứng đơn cử cho lập luận của mình. Như bài ”Ta làm gì cho hết nửa đời sau”. Hình như đã có nhiều người lưu vong thốt lên lời nói đó mỗi khi bị ray rứt vì chuyện nước chuyện non...

    “Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
    gánh sơn hà toan chất thử lên vai
    chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
    dọn tinh thần cưa nhẹ đỡ vài chai...”


    như trong một cơn đồng thiếp, một chàng hào hùng;

    “một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
    nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
    nay đất khách léo lê đời rất nản
    ta tính sẽ về vượt suối trèo non
    sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
    những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
    và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
    và cờ bay trên đất nước xinh tươi...”


    Và một chàng khác, thì lại muốn làm tượng thần tự do hỏa thiêu thân xác chính mình để làm đuốc soi đường cho những oan hồn bị trầm luân trong đáy nước bao la:

    ”Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
    thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
    Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
    Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao
    Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
    Ta tiếc gì năm chục ký xương da
    Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
    những oan hồn ai bỏ giữa bao la”


    Và kết cuộc, chỉ là một cơn say, một tỉnh dậy giữa nỗi buồn của những người thấy mình bất lực giữa thế thời, mộng ước lớn mà bàn tay thì qúa nhỏ:

    ”... sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
    Những hào hùng uất hận gối lên nhau
    Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới
    Ta làm gì cho hết nửa đời sau.”


    Thật là cảm khái. Thật là cay đắng với những nỗi niềm của những kẻ sinh bất phùng thời lớn lên và trưởng thành trong những nghiệt ngã của đất nước chiến tranh. Thực trạng sao buồn quá! Câu hỏi như một tiếng than… Ta làm gì cho hết nửa đời sau?… Những thân phận lưu vong. Những nỗi niềm nhược tiểu.

    Mỗi người tị nạn đều mang theo những kỷ niệm trong ký ức. Có những người vẫn còn vương vấn đến tận bây giờ. Có những buồn phiền, có những ray rứt. Nhà thơ Cao Tần có bài thơ nào diễn tả tâm trạng ấy trong nhiều bài thơ. Chúng ta thử đọc bài thơ Chốn Tạm Dung xem. Bản thân tôi đã sống ở đây ba chục năm, thế mà có lúc cũng có những nỗi niềm trống vắng như thế. Thơ nói lên tâm cảm của những người nhiều khi thấy mình bơ vơ giữa cuộc sống và kỷ niệm của nơi chốn xưa của đời sống cũ vẫn cứ bàng bạc hiện hữu:

    “nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi
    buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
    sau lưng sương ngập cao lưng trời
    trước mặt thông sầu reo đáy vực
    bắt đầu ngày bằng một chút vui
    hát nghêu ngao trong lòng xe rỗng tuếch
    bài ca quen bỗng chợt quên lời
    chút kỷ niệm còm lại mất khơi khơi
    tiếng Việt trong ta ngày bỗng héo
    hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
    dốc mở như đời ta trước mặt
    sương kín như đời ta năm xưa...”


    Một ngày qua một ngày. Ra đi khi lúc vừa mờ sáng và trở về khi phố đã lên đèn, khúc ca sầu xứ mãi mãi ám ảnh. Trải qua bao nhiêu cuộc đổi dời. Bao nhiêu là nỗi muộn phiền. bao nhiêu là ray rứt. Người tị nạn có một mẫu số chung, của khởi hành đi vào cuộc đời mới với tất cả năng lực của mình nhưng vẫn canh cánh bên lòng nhớ mong về quê hương đất nước:

    “chiều về lên dốc thân tơi tả
    một quả hoàng hôn phủ kín trời
    mình mới ngoi lên ngày đã ngả
    đêm phờ lăn lóc ngủ thay chơi
    giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
    ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
    còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
    nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non.”


    Cái độc đáo của thơ Cao Tần là dùng những ngôn từ thật sống động, những ngôn ngữ tạo nhiều hình ảnh như: “kỷ niệm còm“, như “quả hoàng hôn”, như “mất khơi khơi”. Xử dụng những ngôn từ ấy thành thơ chính là một dụng công để thi ca có máu huyết xương thịt của đời sống thực, của suy nghĩ thực…

    Người tị nạn tuy hôi nhập vào dòng chính nhưng vẫn còn ám ảnh bởi quê hương cũ của đất nước xưa. Có một lúc nào thơ Cao Tần biểu lộ tâm cảm ấy.

    Đọc bài thơ Cảm Khái chúng ta nhận ra ngay lập tức. Tấm thẻ căn cước, tờ chứng chỉ tại ngũ nhắc lại một thời xa xưa. Một cách hóm hỉnh pha lẫn đau xót, tác gỉa nhận thấy hình như những tấm hình trên căn cước đều lam nhem xấu xí, không biết có phải là số phận tiền định xui khiến như vậy:

    “hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
    tên chụp hình như một lão tiên tri
    triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác
    cùng đến một ngày gãy đổ phân ly
    nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ
    chợt nhớ câu thơ Gãy cánh đại bàng
    ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
    muôn anh hùng phút chốc hóa tang thương...”


    và những câu cảm khái mà chúng ta trong những ngày lưu lạc thường hay thấm thía:

    “Hỡi kẻ trong hình mặt xanh mày xám
    người sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
    hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
    mày lang thang đất lạ đến bao giờ
    Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
    Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
    Ôi trong trí mỗi anh hùng thuở trước
    Còn dậy trời lên những buổi tung cờ.”


    Có người nhận xét rằng mỗi bài thơ của Cao Tần đều mang theo một thông điệp gửi gấm cho người cùng cảnh ngộ và gửi trả lại quê hương. Trong hai mươi bài của tập Thơ Cao Tần, hình như hầu hết các bài đều diễn tả được một tâm sự đặc thù của người bỏ xứ ra đi.

    Thư Quê Hương là

    “Gửi cho anh viên sỏi nhỏ bên đường
    Anh sẽ đọc ra trăm nghìn lối cũ
    Gửi cho anh vài nhánh cỏ quê hương
    anh sẽ đọc đất trời ta đã thở...”


    Chuyện Thần Tiên là:

    ”Ta muốn điều chi cuối đời lưu lạc
    Này bà tiên vừa hỏi giấc mơ ta
    hãy đem hết những đổi đời tan tác
    gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua”


    Chiều Bát Phố là:

    ”Chỉ gặp toàn Tây một chiều bát phố
    Tiếc sao xưa cả nước chẳng quen nhau
    Quen cả nước? Ra đường chào gẫy cổ
    Và chắc gì nay nghĩ lại không sầu
    Nhưng quen cả nước chắc lòng sẽ nhẹ
    Khi đi có chào may bớt xót xa
    Ôi xóm mưa ơi có khi nào đổi kiếp
    Tôi về thành chim hót trước hiên nhà.”


    Mai Mốt Anh Về là:

    ”nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
    Ông anh hùng ông cứu được quê hương
    Ông sẽ mở ra ngàn lò cải tạo
    Lùa cả nước vào học tập yêu thương
    Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
    Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
    Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
    Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng”


    Và còn nhiều bài thơ khác với những ý tưởng khác, thông điệp khác. Giở từng trang thơ, để thấy những ngôn ngữ linh hoạt, những chữ lóng, những ngôn từ dân giã, tất cả làm nổi bật một phong vị có lúc như diễu cợt, có lúc như ngông nghênh, mà có lúc là tình cảnh “ở ngoài cười nụ ở trong khóc thầm”. Người tị nạn đã trải qua những đoạn đời, đã qua nhiều nghịch cảnh, sẽ thấy thấm thía biết bao nhiêu với tâm cảm người thơ. Nếu nói thơ Cao Tần là biểu hiện sống động một thời kỳ của người Việt di tản đầu tiên thì cũng chưa đầy đủ mà phải nói rằng thơ Cao Tần đã làm hồi sinh lại một thời đại văn học lưu vong ở hải ngoại…

    Nguyễn Mạnh Trinh


    http://phusaonline.free.fr

  • #2
    Tháng Tư đọc lại thơ Cao Tần





    Chuyện Thần Tiên

    (Có bà tiên hiền hỏi chàng lưu lạc
    Con ước mơ chi cuối cuộc đời này?)

    Ta ước khi không bừng tỉnh giấc
    Thấy bình minh muộn nắng đầy hiên
    một khung cửa sổ trời xanh ngắt
    đầu sân xao xác tiếng chim quen

    Đường phố ngất ngây mùi bụi mới
    những vòm cây biếc lá xanh tươi
    quán cóc sở ta bè bạn đợi
    rất tưng bừng đấu hót những buồn vui

    chợt nhớ lại, ồ, đêm qua khiếp quá
    mình đã mơ một giấc thật kinh hoàng
    mơ thấy cả một quê hương đổ vỡ
    mình lên đường ngơ ngác kiếp lang thang

    Sẽ vội vả trên đường lao tới sở
    nghe xôn xao tiếng Việt ở quanh mình
    giữa phố bụi mù lại mơ cây cỏ
    xanh khắp quê hương giấc mộng thanh bình

    Ta muốn điều chi cuối đời luân lạc?
    này bà tiên vừa hỏi giấc mơ ta
    "hãy đem hết những đổi đời tan tác
    gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua."
    (tháng 8-77)



    Chiều Bát Phố

    Chiều đi bát phố gặp toàn Tây
    Bỗng tiếc xưa không làm quen cả xóm
    Tự trách mình ngu hơn con cầy
    Đáng kẹt lại cho thằng Cộng tóm

    Bác xích lô mỗi sớm qua nhà
    Đầu óc như ta lo cơm lo áo
    Co cẳng cà phê quán cóc la cà
    Chửi bới lăng nhăng nội các anh Thiệu

    Em điếm rẻ tiền hành nghề Gò Vấp
    Anh tìm vui hoang em hát cải lương
    Ôm nhau dửng dưng rời nhau hấp tấp
    Lòng vẫn chung mang nỗi sợ sa trường

    Nhớ ông thầy tu nghiêm trang cúng lễ
    Cả đời ta không lảng vảng vào chùa
    Sao cùng thấy đời sầu một bể
    Cùng tỉnh queo trước chuyện hơn thua

    Nhớ kẻ ngất ngư gặp mình ngoài phố
    Hai thằng lạ hoắc chẳng thèm ngó nhau
    Giờ nghĩ lại: ôi, như ta, nó khổ
    Hay vui cùng đất nước sướng, đau

    Giờ nghĩ thân ta chỉ còn có vợ
    Vợ trót bỏ quên bên kia bán cầu
    Ngày ngày phất phơ giữa rừng mũi lõ
    Tìm người tình Việt chưa biết tìm đâu

    Chỉ gặp toàn Tây một chiều bát phố
    Tiếc sao xưa cả nước chẳng quen nhau
    Quen cả nước? ra đường chào gẫy cổ
    Và chắc gì nay nghĩ lại không sầu

    Nhưng quen cả nước chắc lòng sẽ nhẹ
    Khi đi có chào may bớt xót xa
    Ôi! xóm xưa ơi khi nào đổi kiếp
    Tôi sẽ về thành chim hót trước hiên nhà.
    (tháng 2-77)



    Chỗ Giấu Kho Tàng

    Sau một tuần ngất ngư lao động
    Thứ sáu anh thường thức trắng đêm
    Vì đêm anh, Sài Gòn đang sáng
    Đêm thao thức anh là ngày khốn khổ em

    Ngày khốn khổ, thân em tơi tả
    Gói nhọc nhằn trong biểu ngữ vinh quang
    Ta từng giầu lắm em nào biết
    Anh chỉ cho em đôi chỗ giấu kho tàng

    Trong công viên xưa có chiếc ghế đá
    Giờ đẫm mưa chiều hay tươi nắng mai?
    Ghế như ngà, bên hàng thông, em nhớ?
    Ta bên nhau trên đó những ngày vui

    Chiếc ghế từng nghe lá úa thở dài
    Nghe đồi cỏ mùa xuân cười rực rỡ
    Chia sẻ những buồn vui
    Của thời em rất nhỏ

    Em hãy đến tìm ở nhà thờ đỏ
    Ngôi thánh đường gạch hồng như son
    Nơi ta thường quanh quẩn những hoàng hôn
    Tìm kỹ nhé: ngay sau cây thánh giá

    Em hãy tìm về sau căn nhà cũ
    Đứng bên rào mà ngó lại vườn xưa
    Em nhớ nhé: dưới tàn cây trứng cá
    Những trái mọng hồng trong ánh nắng sau mưa
    Ở góc vườn còn một viên gạch vỡ
    Nơi nảy mầm hy vọng một giàn dưa
    Kín đáo nghe em, giờ nhà đổi chủ
    Nhưng kho tàng ta chắc còn nguyên đó

    Đứng trước vườn xưa em hãy mỉm cười
    Dù môi buồn đã héo xanh thương nhớ
    Nuốt lệ thầm và cười cho tươi
    Như chiều xưa đón anh về hớn hở

    (Kho tàng ta có một ông thần
    Nụ cười em là câu thần chú
    Thần chú đọc xong kho tàng sẽ mở)

    Kho tàng ta em yêu nhìn xem
    Dưới ghế công viên anh giấu thời thơ dại
    Trên tháp nhà thờ anh giấu niềm tin
    Trong vườn cũ anh giấu thời hạnh phúc
    Nơi nụ cười em anh giấu trái tim.

    Hãy chia anh một nửa kho tàng
    Để cùng tiêu trong chuỗi ngày khốn khó

    Thêm một lần thứ sáu trắng đêm
    Để hồn về một Sài Gòn đang sống
    Gõ tuyệt vọng cửa thiên đường đã đóng
    Xin chia nhau ngày khốn khổ cùng em
    (Tháng 3-77)



    Bông Giấy

    Tưởng ta nhớ chú lắm sao
    Này cây bông giấy bên rào năm xưa
    Chẳng qua trời đổ cơn mưa
    Thì thương cành mọn đong đưa một mình.
    (tháng 12, 77)



    Kẻ Trở Về

    Thằng bạn đòi về trên tầu Thương Tín
    Hoan hô đảng và tranh đấu rất chì
    Giờ được tin vùi thây Yên Bái
    Thôi còn chê trách nó mà chi

    Nó tưởng được về hôn con, ôm vợ
    Bước rưng rưng trong những phố phường xưa
    Ôm vợ, hôn con ngă'm trời đât cũ
    Chỉ một lần thôi rồi tịch cũng vừa

    Nhớ nó xưa chọc trời, xô núi
    Thân nam nhi ngang dọc cõi bờ
    Bỗng di tản ra thân lúi xúi
    Trong trại xếp hàng chầu cơm như mơ

    Trong trại sáng giật mình khóc nức
    Đêm bụng đầy nhóc rượu tìm quên
    Gọi vợ trong mơ, gào con lúc thức
    Nằm thì trằn trọc, đứng thì điên

    Nó chợt đòi về trên tầu Thương Tín
    Anh em xúm xít khản cổ can hoài
    Thằng bạn cười buồn, tác phong lính chiến
    "Thôi coi đời tao là con củ ... khoai"

    Thấy nó lên tầu biết xong một kiếp
    Nhưng hy vọng hão vẫn nguyện như thường
    Cầu nó bình an thấy con thấy vợ
    "Khổ như thằng này chắc đất trời thương"

    Nó bước xuống tầu giữa rừng cán bộ
    Về quê hương mà như lạc tinh cầu
    Rồi trôi dạt trên nghìn dặm khổ
    Rồi âm thầm đổ giữa rừng sâu

    Mày có linh thiêng qua đây tao cúng
    Một chầu phim X, một quả tắm hơi
    Thiên đàng mày hụt thì tao đang sống
    Cũng ngất ngư đời như ... con củ khoai
    (Tháng 2-77)



    Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

    Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
    Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
    Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
    Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai
    Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
    Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng
    Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
    Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không
    Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
    Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
    Nay đất khách kéo lê đời rất nản
    Ta tính sẽ về vượt suối trèo non…
    Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
    Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
    Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
    Và cờ bay trên đất nước xinh tươi
    Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
    Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
    Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
    Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao…
    Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
    Ta tiếc gì năm chục ký xương da
    Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
    Những oan hồn ai bỏ giữa bao la…
    Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
    Thấy chiến trường la liệt xác anh em
    Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
    Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm
    Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
    Những hào hùng uất hận gối lên nhau
    Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
    Ta làm gì cho hết nửa đời sau?
    (Tháng 3-77)



    Trên Non Cao

    Ta biết nhà ông rầu thấy mồ
    Thôi cuối tuần này theo ta lên núi
    Lên thật cao nhìn xuống đời lô nhô
    Rũ bớt bụi trần, quên thân múa rối

    Hơn mười năm nhà ông bay trên cao
    Mặt đất nâu xanh nằm ngoan dưới gót
    Nhân loại tí teo xinh đẹp chừng nào
    Nhân loại hiền từ như những con sâu

    Những đêm đen tàu trôi qua thành phố
    Cả đất trời nở triệu ánh sao xinh
    Mặc những đấu tranh lọc lừa dưới đó
    Nhìn từ cao nhân thế thật thanh bình

    Đời khốn kiếp quăng tòm ông xuống đất
    Bôi mặt nhà ông giống một tên hề
    Tên hề giễu trong kịch đời luân lạc
    Kịch như đời: nhạt nhẽo, lê thê.

    Trên núi cao ta biết rành một chỗ
    Có hòn đá xanh có gốc thông già
    Ngồi trên đá ông sẽ thành Trang Tử
    Hồn nhẹ tênh theo bướm lượn chiều tà

    Hãy tựa gốc thông mà nhìn xuống thế
    Tưởng hôm nào ngất ngưởng chín tầng mây
    Còn thương mãi một nhân gian nhỏ bé
    Có thể ôm tròn trong đôi cánh tay

    Nhà ông khổ hơn người vì đôi cánh
    Những thinh không bát ngát, những trời xa
    Này cánh đại bàng nhớ chân trời thẳm
    Thôi cuối tuần này lên núi cùng ta.
    (Tháng 11-77)



    Mai Mốt Anh Về

    Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
    Mầy qua bên Mỹ học được củ gì
    Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
    Nói mầy hay ông thượng đẳng cu li
    Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
    Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
    Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
    Ðêm về nằm vùi nước mắt chứa chan
    Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động
    Thằng nào nói nhiều thằng ấy tay to
    Tiếng mẹ thường chỉ dùng chửi đổng
    Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ
    Ông học được Mỹ đất trời bát ngát
    Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm
    Nhiều đứa hồn nhiên giống bầy trẻ nít
    Còn hồn ông: già cốc cỡ nghìn năm
    Bài học lớn từ khi đến Mỹ
    Là ngày đêm thương nhớ nước mênh mang
    Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí
    Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng
    Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
    Ông anh hùng ông cứu được quê hương
    Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
    Lùa cả nước vào học tập yêu thương
    Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
    Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
    Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
    Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng
    (Tháng 3-77)



    Biển Chiều

    Chiều nay ra biển ngồi ngơ ngẩn
    Nhúng hai giò trong nước Thái Bình Dương
    Ðể hơi ta dạt về bờ Ô Cấp
    Chạm thân ái vào lưng đất mẹ tang thương

    Có bạn nào đang rắp tâm vượt thoát
    Nhớ rằng ta luôn cầu nguyện cho người
    Láng đời chót đã tan trên chiếu bạc
    Thì sá gì thêm một chuyến ra khơi

    Thở thật dài vào thinh không bát ngát
    Theo gió về động lá cánh rừng xa
    Này thằng lì còn chơi miền gió cát
    Trong kiêu dũng mày cho gửi chút hồn ta

    Có thằng bạn nào tàn đời học tập
    Cõng gông xiềng lê lết một thân đau
    Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp
    Những tiếng đời phiêu bạt khóc thương nhau.
    (tháng 6, 77)



    Chú Nào Nghe Mái Tôn Xưa

    Chú nào đi đường ta bình minh này
    Có nhớ chào dân xóm ta dậy sớm
    Có nghe thơm mùi bụi mới đầu ngày
    Trong lá hoa tươi mừng nắng lớn

    Chú nào trưa nay ngồi trên đồi ta
    Thở gió thông khô quen từ kiếp trước
    Đếm nắng hoa sao nở đầy trên hồ
    Trưa thật tuyệt vời, đẹp hơn mơ ước

    Chú nào ngồi trước hiên nhà ta chiều nay
    Nghe mưa Sài gòn rạt rào thơm mát
    Sau một ngày nắng lóa chín tầng mây
    Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc

    Chú có biết yêu thương vài nụ hồng
    Đã thắm tươi trên giàn che cổng gỗ
    Mưa mênh mông xa đến cõi vô cùng
    Vỗ rộn ràng vui trên từng lá nhỏ

    Chú nào đêm nay kê đầu gối đó
    Thở hương nồng hạnh phúc của trần gian
    Có biết nói nghìn năm sau vẫn nhớ
    Vẫn hai vai êm ấm mãi hơn nàng?
    (tháng 12-77)



    Cảm khái

    Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ
    Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu
    Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
    Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?
    Trong ví ta này một thẻ căn cước
    Hình chụp ngây ngô rất mực cù lần
    Da xám ngoét như bị đời nhúng nước
    Má hóp vào như cả tháng không ăn
    Mười tám tuổi thành công dân nước Việt
    Tên chụp hình làm ta xấu như ma
    Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết
    Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà!
    Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ
    Bước giày đinh lạng quạng một đời trai
    Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
    Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai…
    Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
    Tên chụp hình như một lão tiên tri
    Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác
    Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly
    Nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ
    Chợt nhớ câu thơ: “Gẫy cánh Đại Bàng…”
    Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
    Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang
    Quanh mình xôn xao chuyện thay Quốc tịch
    Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi
    Thời cũ ố vàng, rách rời mấy mảnh
    Xót xa đau như mình bỗng qua đời.
    Hỡi kẻ trong hình mặt xanh, mày xám
    Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
    Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
    Mày lang thang đất lạ đến bao giờ
    Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
    Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
    Ôi trong trí những anh hùng thuở trước
    Còn dậy trời lên những buổi tung cờ
    (Tháng 6–77)
    Last edited by Hoanghac; 04-27-2012, 03:27 PM.

    Comment


    • #3
      Hát một mình

      Hát tự nhiên đi mà bạn quí
      Giọng bạn khàn hơn chú vịt bầu
      Đừng e sẽ mếch lòng tri kỷ
      Dù nghe bạn hát chỉ thêm đau

      Hai thằng đã tính đời coi bỏ
      Hẹn vô sa mạc cụng vài ly
      Ngồi thiền lặng lẽ như cây cỏ
      Quyết lòng tịnh khẩu để nhâm nhi

      Phương Nam bão cát lên như khói
      Núi trọc xa trông hèn hơn đồi
      Chiều mới vừa đây mà đã tối
      Thấy chăng sa mạc rộng hơn trời?

      Bạn bỗng kể: “Khi về gặp nàng,
      Có lúc du dương nàng bắt hát
      Dăm ba câu lãng mạn xì xằng
      Thế cũng dựng nên thời rất đẹp...”

      Thời đẹp bây giờ là chiêm bao,
      Tình nàng bây giờ là kiếp trước
      Chiều nay hồn bạn bỗng xôn xao
      Dăm tiếng ca xưa và muốn hát

      Cứ hát, ta nghe mà, bạn quí
      Mai đời di tản lại buồn tênh
      Rồi ra cặp được đào thơm Mỹ
      Bạn sẽ trăm năm hát một mình.
      (Tháng 10–77)



      Phiêu Bồng

      Cho ta làm lại cuộc đời
      Thì ta lại vẫn ra khơi như thường
      Vật vờ vượt sóng trùng dương
      Kiếm đời di tản nghìn cơn nhục nhằn
      Mai này tính sổ trăm năm
      May chăng lời được cái thân phiêu bồng.
      (tháng 12-77)



      Câu Cá

      Ta đã vượt muôn dặm dài biển cả
      Ðường tử sinh lui tới cũng đôi lần
      Bỗng bình minh này ngồi thuyền, câu cá
      Trôi dật dờ như lá trên hồ xanh

      Hỡi chú cá rong chơi miền nước biếc
      Ta vượt đường muôn dặm chẳng tìm nhau
      Bày đặt buông cần mà quên thương tiếc
      Cho đời êm, qua được mấy giờ đau

      Nói nghe coi này cổ thụ ven hồ
      Kể từ những trăm năm dài đứng đó
      Có gặp khi nào một kẻ xác xơ
      Lòng sầu hận hơn kiếp người da đỏ

      Ðời đang bão khi không chìm lặng ngắt
      Như cành khô nằm chết đáy sông sâu
      Ðời đang dậy sóng thần lên bát ngát
      Bỗng vùi yên đáy biển một thân tàu

      Và móc đời lên cần câu vớ vẩn
      Ðem dìm chơi trong đáy nước rong rêu
      Tuổi chưa nặng hồn đã chừng ngơ ngẩn
      Lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo?
      (tháng 11-77)



      Chốn Tạm Dung

      Nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi
      Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
      Sau lưng sương ngập cao lưng trời
      Trước mặt thông sầu reo đáy vực

      Bắt đầu ngày bằng một chút vui
      Hát nghêu ngao trong lòng xe rỗng tuếch
      Bài ca quen bỗng chợt quên lời
      Chút kỷ niệm còn lại mất khơi khơi

      Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo
      Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
      Dốc mở như đời ta trước mặt
      Sương kín như đời ta hôm xưa

      Giang hồ một túi bài ca cũ
      Hát nhảm cho qua nốt tuổi già
      Qua những bình minh còn ngái ngủ
      Còn như chưa lạc mất quê ta

      Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
      Trên đường chênh chếch nắng mênh mang
      Trôi xuôi một mảnh hồn lưu lạc
      Ðã chán nhân gian ở cuối đường

      Chiều về lên dốc thân tơi tả
      Một quả hoàng hôn đỏ kín trời
      Mình mới ngoi lên ngày đã ngã
      Ðêm phờ lăn lóc ngủ thay chơi

      Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
      Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
      Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
      Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non.
      (tháng 5, 77)



      Gửi Duyên Anh

      Gặp lại hôm qua chú học trò
      Còn nuôi con sáo bạn ta cho
      Ta mừng khoe chú bông Thiên Lý
      Rực rỡ huy hoàng như tuổi thơ.



      Gửi Xuân Hiến

      Đốt thế giới văn chương hào sảng ấy
      Gửi cho ông làm bạn cõi thiên đường
      Tôi chỉ giữ bên mình thanh kiếm gẫy
      Lên núi ngồi vạch đất vẽ quê hương
      (tháng 10-82)



      Kho Tàng

      Chàng cù lần có cái túi nhỏ
      suốt bốn mùa giấu giếm như điên
      anh em sùng, nghĩ thằng này chơi khó
      thủ cẳng tí tiền, len lén tiêu riêng

      hết chuyện chơi một chiều đông lạnh cóng
      đè thằng em ra cướp túi coi chơi,
      gác trọ rung rinh như thuyền biển động
      thằng em kêu như sắp sửa xong đời

      miệng túi mở kho tàng rơi tung tóe
      một lạng vàng trong giấy gói đơn sơ
      một đứa hét: "vàng này thằng em bé
      không mại đi, mày tính để đem thờ?"

      "sư chúng mày, vàng đem theo bốn cục
      ông bán ra bắt gọn mấy trăm đô
      còn cục này tàn đời ông cóc bán
      lúc lên đường bà cụ dúi tay cho"

      một chiếc khăn tay cũ xì cũ xịt
      màu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh
      "giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt?"
      "khăn vợ trao ngày khoác áo nhà binh"

      đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
      những tên người tên tỉnh đã xa xưa
      những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
      những đường quen không trở lại bao giờ

      trả túi thằng em cả bầy bỗng xệ
      cù lần xấu hổ chửi như ca
      cái túi nhỏ tưởng đầy lòng ti tiện
      hóa đem theo muôn vạn mảnh quê nhà

      cù lần dọa đêm nay đâm chết hết
      ôi, ví dầu chú mở được tim anh
      chú cũng thấy một kho tàng thắm thiết
      với khăn tay nhàu nát chữ thêu xanh

      với danh thiếp những tên đường đã đổi
      những số nhà chớp mắt đã tang thương
      những chốn hẹn nghìn năm không trở lại
      những tên đời tơi tả khắp quê hương.
      (tháng 10-77)



      Đóng Tàu

      Vách tàu dựng vút lên như núi
      Một bãi mênh mông sắt thép trùng trùng
      Hải âu lượn vòng, biển xanh phơi phới
      Hồn dậy vu vơ một chút hào hùng

      Tay búa tay kìm thấy đời chắc nịch
      Sắt nâng hàng tấn linh hồn nhẹ tênh
      Mặt mũi lấm lem che đời bí mật
      Thần trí lang thang cuối bãi đầu ghềnh

      Buổi trưa nghỉ nằm chơi trong thùng sắt
      Ngửa cổ coi trời thấy đúng một khung vuông
      A, khi không ta biến thành con ếch
      Đáy giếng sâu mơ mộng rất khiêm nhường

      Con ếch không tin đất trời nhỏ bé
      Biết ngoài kia còn một cõi bao la
      Lẩn thẩn nghĩ về chuyện đời dâu bể
      Hay vơ vẩn chờ chút mây bay qua

      Nhớ thơ Trường Anh thủa nào khoái đọc
      (Ông Trường Anh có lạc đến phương này?)
      “Tiền thân ta phải chăng là con cóc
      Thơ nghiến răng trời chuyển bốn phương mây.”

      Một năm nữa con tàu sẽ xuống nước
      Tháng ngày nào mới đi qua Biển Đông?
      Biển Đông giờ này bao thuyền hấp hối
      Ôi con tàu đến trễ cả nghìn năm

      Lòng bắt đầu mơ những điều huyền hoặc
      Mơ con tàu cảm được những thương tâm
      Nghe được tiếng đàn bà con trẻ khóc
      Và xót xa như có một linh hồn
      (Tháng 11-82)



      Hát Ngao Trên Tuyết

      Khoác áo lông xù giả làm tráng sĩ
      Lên dòng sông đá bước nghênh ngang
      Cây gậy trúc trông sặc mùi vũ khí
      Múa tưng bừng vào thinh không giá băng

      Khoái thay đời ta một đời quái đản
      Hai mươi năm xưa làm thằng nhỏ di cư
      Hai mươi năm sau thành nhà thơ di tản
      Một đời quê hương khét mùi súng đạn
      Một đời xót xa bằng hữu lao tù

      Khoái thay chân ta những chân phiêu bạt
      Đi dọc quê hương, đi vòng địa cầu
      Đi thênh thang thở đồi cao gió mát
      Đi ngất ngây thương lúa vàng, hương cau
      Đi hội trùng phùng, đi chia tan tác
      Đi tràn hạnh phúc, đi ngập thương đau
      Đi sỏi đá mềm, bếp hồng trước mặt
      Đi bùng bão biển, quê hương phía sau
      Những bước thú hoang lạc rừng đất lạ
      Những bước ngậm ngùi đi chẳng về đâu

      Sông không đầu đuôi sông màu đá cục
      Dưới trên lẫn lộn, trời đất mang mang
      Ta ngửa cổ làm thằng khùng Bắc Cực
      Một mình cười cùng thinh không giá băng

      Khoái thay hồn ta một hồn dị thường
      Khi bốc lên: núi lưng trời cũng thấp
      Khi bi ai: thân cỏ mọn bên đường

      Sông dài! Sông dài! Ta đi chẳng hết
      Thân trượng phu, hừ, mục trong áo cơm?
      Núi cao! Núi cao! Ta về không đến
      Chí trượng phu, hừ, chôn trong giá băng?
      (Tháng 2-78)



      Thư Quê Hương

      Thư quê hương như tên hề ốm nặng
      Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười
      Son phấn hân hoan phủ nghìn cay đắng
      Mắt lệ đầy, miệng hát những lời vui ...

      Ta biết thư em vượt muôn cửa ải
      Mắt sài lang soi nát cả linh hồn
      Em chẳng được khóc cùng ta bằng chữ
      Thì gửi chi dăm khẩu hiệu buồn nôn?

      Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già
      Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh
      (Nuôi một bầy con cuối đời vẫn lạnh)
      Cho anh hôn ơn nặng một thời xa ...

      Anh muốn thở mùi nhọc nhằn nô lệ
      Gửi cho anh manh áo rách con thơ
      Con chào đời: ta rừng sâu lính trẻ
      Ta non cao, con tập nói u ơ ...
      Giờ bước đầu đời chân non vấp ngã
      Sao nâng con qua triệu lớp sương mù?

      Gửi cho anh viên sỏi nhỏ bên đường
      Anh sẽ đọc ra trăm nghìn lối cũ
      Gửi cho anh vài nhánh cỏ quê hương
      Anh sẽ đọc đất trời ta đã thở ...

      Và gửi cho anh một tờ giấy trắng
      Thấm nước trời quê qua mái dột đêm mưa
      Ðể anh đọc: Mênh mông đời lạnh vắng
      Em tiếc thương hoài ấm áp gối chăn xưa ...


      Phạm Duy phổ thành ca khúc "Thư Em Đến"
      Julie trình bày trong băng nhạc "Phượng Nga 3 - Quốc Hận 30-04-75"


      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X