Thông báo

Collapse
No announcement yet.

TIỂU SỬ một cuộc CHIẾN TRANH

Collapse
X

TIỂU SỬ một cuộc CHIẾN TRANH

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • TIỂU SỬ một cuộc CHIẾN TRANH



    Năm 1954, khi Việt Nam bị chia cắt, tôi mới vừa ra đời được mấy tháng tuổi. Bố mẹ tôi gồng gánh theo đoàn người lũ lượt lên các chuyền tàu há mồm tìm vào miền Nam tự do. Tôi lúc ấy mới biết bò lê la trên boong tàu, không có ký ức gì về chuyến đi lịch sử ấy. Nhưng sau này, những lời kể từng chi tiết của mẹ tôi về biến cố ấy ghi đậm nét trong trí nhớ tuổi nhỏ. Từng đêm, từng đêm, để vơi đi nỗi nhớ, mẹ tôi thầm thì kể lể cho chị em chúng tôi về những người còn ở lại quê nhà trên đất Bắc. Về những biến cố trong chuyến đi tàu vào Nam. Tất cả làm thành một chuyện cổ tích tuyệt vời về quê cũ mà chúng tôi nghe đi nghe lại mãi không chán.

    Khi bắt đầu khôn lớn, tôi thấy mình sống ở một vùng ngoại ô, rất gần những trại lính. Bố tôi làm nghề chụp ảnh. Cửa tiệm lúc nào cũng có lính tráng ra vào tấp nập. Bố mẹ tôi đã thiết lập được một cuộc sống ổn định trên vùng đất mới. Tôi thường nghe người lớn nói chuyện với nhau về những khổ cực lầm than đang diễn ra trên đất Bắc. Tôi bắt đầu biết nguyên do gia đình tôi phải lên tàu vào Nam. Miền Nam tự do lúc ấy đang thanh bình. Tôi còn nhớ như in khẩu hiệu “Toàn dân nhớ ơn Ngô Tổng thống” in nền vàng chữ đỏ trên bảng tôn treo trước cửa nhà. Hàng ngày tôi cố đánh vần những hàng chữ ấy để tập đọc. Tôi hiểu rằng, nếu gia đình tôi còn ở lại miền Bắc, lúc này chắc chắn sẽ chịu nhiều tai ương, cực khổ.

    Miền Bắc ngoài hình ảnh cổ tích của một quê hương, trong trí tưởng tôi nơi đó còn là một nơi đang diễn ra những chuyện gì đó rất khủng khiếp. Đêm đêm, bố tôi ghé sát tai vào chiếc radio để nghe đài Hà Nội. Tôi ngồi bên ông thấp thoáng nghe những giọng nói đanh thép, những bài ca đầy những âm thanh hùng hồn, cuồng nộ. Tôi sợ hãi. Nó khác hẳn những bài ca dịu dàng tôi thường nghe trên đài Sài Gòn. Giọng nói miền Nam hiền lành ngọt ngào như những trận mưa mùa hạ. Mẹ tôi thường so sánh khí hậu của hai miền. Ngoài Bắc rét thì như cắt, mà nóng thì nứt da nứt thịt, không mát mẻ dễ chịu như trong Nam. Miền Nam, mọi sự đều tốt đẹp. Người Nam chất phác, dễ mến, lúa gạo, cây trái, gà vịt , gia súc ê hề. Thật lý tưởng. Mọi người đều tin tưởng vào chế độ tự do mình đã lựa chọn. Cuộc sống thanh bình, an cư lạc nghiệp bắt đầu từ đây…

    ***

    Những ngày bình yên đó kéo dài không lâu. Tôi nghe được những người lính tới chụp ảnh kể cho cha tôi các cuộc chạm trán với bọn cộng phỉ trong rừng. Chiến tranh đã bắt đầu. Cha tôi và mấy bác hàng xóm mỗi đêm ngồi quanh chiếc radio nghe tin tức về “cuộc nổi dậy của đồng bào miền Nam” phát đi từ Hà Nội. Họ thở dài. Chiến tranh lại bắt đầu. Trí óc non nớt của tôi không hiểu gì lắm về “chiến tranh” nhưng nhìn ánh mắt và nghe những lời thì thào nhỏ to của người lớn, tôi cảm thấy lo sợ. Cuộc sống bình yên bắt đầu rung động với những tin tức về các cuộc phục kích, khủng bố. Lớp học đầu đời của bọn trẻ chúng tôi thỉnh thoảng lại xôn xao vì một em nào đó có cha là lính bị thương ở nơi đóng quân. Thê thảm hơn là lúc có vài người lính bị phục kích tử thương trên đường công vụ. Mấy đứa bạn tôi nói lại những gì cha nó kể với gia đình sau khi từ “chiến trường” trở về. Bọn “Giải phóng miền Nam”, bọn “Việt cộng” là thủ phạm của những vụ đặt mìn phá cầu, quăng lựu đạn trong rạp hát, phục kích chặn đường các chuyến xe… Một buổi trưa, mọi người xôn xao chạy ra đường vì có tin mới bắt được một tên “Việt cộng nằm vùng”. Tôi theo cha tôi ra bến xe Lam gần bìa rừng, nơi rất đông người đang tụ tập. Len vào xem, tôi thấy một người cởi trần, bị trói quặt tay về phía sau, đang quỳ mọp giữa đường. Người lính giơ khẩu súng của hắn cho mọi người xem. Đây là kẻ đã gây ra chiến tranh? Tôi nhìn kỹ, hắn cũng là người như mọi người lớn quanh tôi, nhưng tôi tưởng tượng hắn thuộc về một thế giới khác. Thế giới của rừng rậm. Người ta tò mò nhìn ngắm hắn như một con thú dữ vừa bị săn được.

    Cuộc chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu với những tín hiệu như thế cùng với tuổi thơ tôi. Lúc bắt đầu hiểu biết những gì đang diễn ra nơi cuộc sống chung quanh cũng là lúc tôi nhận biết về một biến cố gọi là chiến tranh. Tuổi thơ không thắc mắc tại sao chiến tranh xuất hiện. Chiến tranh xuất hiện như một buổi nào, tôi chợt nhận thấy đất trời có mưa, có giông bão. Bọn trẻ chúng tôi cảm nhận thấy chiến tranh khi có những đoàn xe cam nhông chở đầy lính tráng với súng ống nối đuôi nhau rời doanh trại.

    ***

    Tôi càng thêm tuổi, chiến tranh cũng càng mở rộng. Bố mẹ tôi đã mất hết hy vọng có ngày trở về quê hương. Những tấm thiệp mang tin tức của ông bà tôi ngoài Bắc không còn được gửi vào nữa. Chung quanh vùng tôi ở được đắp thành vòng đai của ấp chiến lược với những ngọn chông tre cắm ngược. Cuộc sống đan xen đầy rẫy những bất an. Chúng tôi không dám đi xa về miền quê. Mỗi lần xe chạy qua cầu trên những con đường vắng là có người lại lo sợ. Thầy giáo ở trường khuyên học sinh chúng tôi không nên đi xem chiếu phim ở các sân bãi hay trong rạp hát. Trên báo chí hàng ngày, tin chiến sự chiếm hầu hết trang nhất. Số lượng binh sĩ tử trận đã lên cao. Cuộc chiến tranh không còn chỉ là những đụng độ lẻ tẻ. Chiến tranh đã lớn mạnh với những cuộc chiến ác liệt giữa các binh đoàn. Bạn bè tôi rất nhiều đứa trở thành “cô nhi”, gia đình tập trung vào nơi dành cho các mẹ góa con côi. Chiến tranh ám ảnh cuộc sống như một con quái vật vô hình. Mỗi sáng, tôi thức dậy, sửa soạn đi học là lại nghĩ tới nó như một chuyện bình thường. Chúng tôi háo hức mong được nghe những chuyện xảy ra trên chiến trường. Bố thằng bạn đã bắn quân thù thế nào trước khi ngã gục. Việt cộng đã tấn công vào đồn của bố cô bé kia thế nào. Chiến tranh trong tưởng tượng của tuổi nhỏ diễn ra dứt khoát. Một bên là những người cha anh hùng gan dạ, một bên là những kẻ lén lút, tàn độc bị tiêu diệt. Chiến tranh có đó nhưng lại ở rất xa. Chiến trường xảy ra ở một nơi heo hút nào đó. Kẻ thù không thấy mặt, nhưng người ta vẫn biết tin có bao nhiêu cộng quân bỏ mạng. Những con số thống kê không cảm xúc nhưng làm người nghe hài lòng. Quân ta vẫn làm chủ chiến trường. Cuộc sống vẫn hàng ngày tiếp diễn.

    ***

    Chiến tranh rẽ vào một khúc quanh khác khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Chiến tranh như một con thú hoang vươn dậy, vạm vỡ. Chiến trận xảy ra khắp nơi. Bố mẹ tôi lo âu vì công việc làm ăn trở nên khó khăn khi thời cuộc hỗn loạn. Người ta bàn tán không hiểu chiến tranh sẽ đi về đâu. Các chính phủ sau ông Ngô Đình Diệm có giữ nổi miền Nam khỏi rơi vào tay Việt cộng không?

    Khi miền Nam đang hoang mang thì một lực lượng hùng mạnh nhất thế giới tham gia vào chiến trường. Quân đội Mỹ đã xuất hiện tại Việt Nam. Các binh đoàn lính Mỹ bắt đầu đến đóng quân dọc theo xa lộ gần nơi tôi sinh sống. Chỉ một thời gian ngắn, khu rừng gần đó đã biến thành một khu buôn bán đầy các quán bar và các cô gái. Hàng ngày lính Mỹ qua lại, mua sắm, vui chơi. Tôi thường tò mò trốn ra các nơi đó để xem các lính Mỹ, da trắng, da đen. Họ cho tôi kẹo cao su, chocolate. Người Mỹ xuất hiện như cứu tinh cho miền Nam. Tôi thấy bố mẹ tôi yên tâm, không còn lo lắng. Lính Mỹ chiến đấu để bảo vệ miền Nam chống lại cộng sản xâm lăng. Thỉnh thoảng có những sĩ quan Mỹ đến thăm trường học, tặng sách vở. Người Mỹ vui vẻ, hào phóng. Cuộc sống an toàn hơn lúc nào hết. Đến cùng với người Mỹ là tiền Đôla, các loại hàng hóa, máy móc mới lạ. Mọi người quên nỗi lo chiến tranh để chạy theo những người lính Mỹ. Cha tôi nói Mỹ đến thì mình không sợ thua cộng sản nữa rồi. Nơi tôi ở, đời sống phát đạt, nhộn nhịp. Người ta không còn quan tâm tới người lính Việt Nam nữa mà ngóng chờ các đoàn công voa, các chuyến xe chở hàng cho lính Mỹ. Người dân đổ xô vào các bãi rác Mỹ, đổ xô vào làm việc trong các doanh trại Mỹ. Nhắc tới chiến tranh lúc này là cộng sản. Thủ phạm chiến tranh không còn chỉ là những kẻ phục kích, khủng bố từ trong rừng rú mà bắt đầu được định danh là do cộng sản miền Bắc điều khiển. Bộ đội miền Bắc bắt đầu xâm nhập vào miền Nam để công khai cuộc chiến của mình. Họ tuyên bố họ chống lại cuộc xâm lăng của Mỹ vào Việt Nam. Người Mỹ và họ đụng độ trên chiến trường miền Nam với các loại vũ khí hiện đại nhất.

    Tôi cũng đã đủ lớn khôn để hiểu rằng người Mỹ không hề xâm lược. Cuộc chiến đã bắt đầu từ khi tôi còn rất nhỏ, chưa có bóng lính Mỹ xuất hiện. Nhưng người Mỹ đã làm cuộc chiến biến dạng. Họ làm cho cuộc chiến tranh ở miền Nam trở thành nỗi lo âu của khắp nơi trên thế giới. Nó làm chúng tôi phân vân về nguyên nhân chiến tranh. Những tài liệu tuyên truyền về cuộc chiến của cả hai bên làm chúng tôi chóng mặt. Trong vòng tay của người Mỹ, xã hội Việt Nam cũng biến đổi. Có những gia đình tan nát vì vợ bỏ chồng lấy lính Mỹ. Gái điếm phục vụ cho lính Mỹ càng ngày càng nhiều. Điều đó làm nhiều người ghét lính Mỹ. Nhưng trên hết, chiến tranh lúc này đồng nghĩa với các cơ hội làm giàu nhờ hàng hóa của quân đội Mỹ.

    ***

    Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm cái ốc đảo thiên đường trong vòng tay người Mỹ tan biến. Chiến tranh đã đến rất gần. Quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam đã không ngăn cản được Việt cộng. Bộ đội cộng sản đã tấn công vào tới các thành phố. Các vụ khủng bố tàn phá thảm thương nhất đã xảy ra ngay tại thủ đô Sài Gòn. Mọi người đều nếm trải mùi vị của chiến tranh. Đó là là nỗi sợ hãi khi trong đêm tối nghe tiếng trái pháo rít qua mái nhà và tiếng nổ làm rung chuyển ở phía xa. Tiếng nổ khủng khiếp từ các kho bom đạn bốc cháy. Cánh tay của chiến tranh đã chạm vào người tôi khi gia đình tôi hối hả lao xuống hầm trú ẩn trong đêm, hốt hoảng vì tiếng đạn pháo nổ khắp bốn phía. Chiến tranh đã ở cận kề. Nó không còn là cảm giác mơ hồ của kẻ quan sát đứng ngoài cuộc. Tôi đã thấy khuôn mặt ghê gớm của nó. Chiến trận xảy ra cách nơi tôi ở chỉ chừng hơn chục cây số. Trên các sân thượng, người ta có thể thấy rõ các chiếc trực thăng đang chúi đầu oanh kích. Bố tôi mang máy ảnh đi theo các sĩ quan chụp ảnh xác bộ đội nằm chồng chất trên các xe cam nhông. Ông đi chụp một lần rồi không dám đi nữa.

    Bộ đội miền Bắc, miền Nam bị tiêu diệt gần hết nhưng chiến trận vẫn tiếp diễn. Miền Bắc liên tục đổ người vào chiến trường miền Nam. Họ lấy người ở đâu ra mà nhiều vậy. Họ tràn vào, hung hãn, hết lớp này đến lớp khác…

    ***

    Tôi cảm thấy chiến tranh gần kề hơn nữa khi bắt đầu tới tuổi phải làm các giấy tờ tùy thân. Những người bạn lớn tuổi hơn đã phải khoác áo lính. Chiến tranh ngồi cạnh tôi trong lớp học khi tôi biết mình sẽ phải nhập ngũ nếu thi rớt tú tài. Tôi đã trưởng thành cùng với chiến tranh. Có những ngày tôi mong ước khi ngủ dậy được nghe loan báo chiến tranh đã chấm dứt. Có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi vì nó. Có những lúc tôi chợt nhận ra cuộc chiến tranh này thật phi lý. Biết bao con người Việt Nam ngã xuống chỉ để chiếm đóng hoặc bảo vệ một miền đất thôi sao? Chiến tranh không đem lại điều gì tốt đẹp cả từ lúc nó khởi đầu bằng các vụ bắn tỉa, các vụ nổ lựu đạn cho tới khi nó tàn phá khắp nơi bằng phi cơ, đại bác. Tôi muốn nhìn rõ lai lịch của nó. Mi là ai? Tôi tìm hiểu nguyên do khiến nó ra đời trên đất nước tôi. Có lúc tôi tin rằng kẻ chủ mưu là cộng sản miền Bắc vì họ muốn làm chủ tất cả. Có lúc tôi hoang mang khi có kẻ tố cáo “đế quốc Mỹ” đã gây nên cuộc chiến thảm khốc này để trục lợi. Có lúc tôi nghĩ dân mình là nạn nhân của các đế quốc Nga, Tàu, Mỹ… Nhưng cuối cùng, ghi lý lịch của chiến tranh Việt Nam, tôi vẫn phải ghi ngày khai sinh của nó vào năm 1954. Người cha khai sinh là Cộng sản Việt Nam, gọi tắt là Việt cộng. Tôi và chiến tranh có cùng năm sinh. Thật đáng hãnh diện và cũng thật đáng buồn.

    Tới thế hệ ra đời năm 1954 của chúng tôi nhập ngũ cầm súng chiến đấu thì chiến tranh đã lên tới mức tàn phá hủy diệt cao nhất. Bạn bè tôi mới hôm nào còn ngồi chơi bi, vật lộn trên những sân cỏ bây giờ đã là lính. Có đứa là phi công lái phản lực, là sĩ quan chỉ huy. Tôi vẫn còn may mắn được ở nhà ngồi bên chồng sách. Chiến tranh lớn lên cùng chúng tôi, lẽo đẽo ám ảnh suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành và lúc này chiến tranh là để dành cho chúng tôi.

    Người Mỹ, sau nhiều năm tốn người và của vào chiến tranh, cũng đã muốn rút khỏi Việt Nam để dành chiến trường cho thế hệ 54. Những đứa trẻ ngơ ngác với chiến tranh thuở đầu đời nay đã làm chủ chiến trường. Chiến tranh bây giờ đồng nghĩa với chuyện bạn bè bị thương, bị tử trận. Cuộc sống chúng tôi không có hướng tới nào khác ngoài chuyện tiếp tục đi học hoặc cầm súng ra chiến trường.

    ***

    Năm chúng tôi gần hai mươi tuổi, các phe tham chiến đã ngồi lại ký Hiệp định Paris để ngừng cuộc chiến. Chiến tranh cũng đã được gần hai mươi tuổi.Tôi đã được thấy chiến tranh ra đời và kết thúc. Gã “chiến tranh” này có một tiểu sử hai mươi năm. Hắn sẽ rời bỏ chúng tôi. Và tôi bắt đầu một cuộc hành trình mới, không có bóng dáng của hắn. Đó là ước vọng của tôi, của những người dân miền Nam sau bao năm tháng sống trong vòng vây của chiến tranh.

    Nhưng gã chiến tranh này là một kẻ lừa lọc tàn nhẫn. Hắn không buông tha chúng tôi. Hắn lại ùa tới như cơn sóng thần cuốn phăng đi tất cả. Cuộc chiến kết thúc một cách khác. Một kết thúc không có hậu. Với cuộc kết thúc này, kẻ chiến thắng là kẻ đã khai sinh ra chiến tranh. Kẻ chiến bại đứng hàng đầu là những thanh niên tội nghiệp sinh ra vào những năm bắt đầu chiến tranh. Chiến tranh đã chiến thắng. Nhưng người cha khai sinh ra nó không dừng lại ở đó. Họ lại khai sinh một cuộc chiến khác. Không là một cuộc chiến tranh bằng súng đạn nhưng bằng hận thù, chia cắt trong tâm tư người Việt. Cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn. Cuộc chiến này đương nhiên phải có một tiểu sử khác, do một thế hệ khác viết.

    Đinh Công Bình (tháng tư 2010)

    Last edited by PhiLan; 04-09-2012, 12:29 PM.
    SỰ THẾ NHƯỢC ĐẠI MỘNG
    HỒ VI LAO KỲ SINH


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X