Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Truyện Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Collapse
X

Truyện Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyện Trường Sơn Lê Xuân Nhị

    1. Trường Sơn Lê Xuân Nhị: Tiểu Sử

    Ông tên thật là Lê Xuân Nhị, sinh năm 1951 tại Ban Mê Thuột, một thành phố nằm trên lưng dẫy Trường Sơn ở Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam. Sau khi thi đậu tú tài bán phần năm 1968, yêu thích cuộc đời giang hồ của lính nên đã tình nguyện gia nhập trường Bộ Binh Thủ Đức.

    Tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức, vì Không Quân bành trướng mạnh và nhu cầu đòi hỏi, ông được đưa tuyển sang Không Quân và sau một thời gian 2 năm dài học Anh Ngữ và học bay, trở thành phi công lái máy bay thám sát L-19, tốt nghiệp khóa 39 Hoa Tiêu Quan Sát tại trường phi hành Nha Trang.

    Sau khi ra trường, ông phục vụ tại Phi Đoàn 114, Không Đoàn 62 Chiến Thuật, Sư Đoàn 2 KQ Nha Trang. Khu vực làm việc của Phi đoàn 114 bao gồm từ Quãng Đức phía Nam cho đến Qui Nhơn phía bắc và quan trọng nhất, sâu vào phía Tây Bắc của vùng 2 chiến thuật là khu vực tam biên Pleiku. Đây là nơi mà nhiều trận đánh nổi tiếng đã xảy ra vào mùa Xuân-Hè năm 1972 (báo chí còn gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa) và năm 1972 khi Bắc Quân đem 3 sư đoàn xâm nhập và mưu toan cắt Việt Nam làm 2 khúc. Là một phi công lái máy bay trinh sát và hướng dẫn khu trục, Lê Xuân Nhị làm việc với tất cả những đơn vị bộ binh ở đó như sư đoàn 23 bộ binh, sư đoàn 22 bộ binh, Sỡ liên lạc Nha Kỹ Thuật, và các đơn vị biệt động quân ở vùng II.

    4 năm lăn lộn trong bầu trời đầy dẫy lửa đạn này, ông học hỏi được nhiều điều. Ông tâm sự “Điều tôi học được nhiều nhất trong khoảng thời gian nhọc nhằn này là tình bằng hữu anh em. Trong khói lửa và cơ cực và nghèo đói, anh em chúng tôi dựa vào nhau để sống và để chiến đấu. Chúng tôi an ủi lẫn nhau, bênh vực lẫn nhau, làm cho nhau cười để ráng sống và ráng coi thường những cam go cùng bất hạnh của cuộc chiến.”

    Cũng nhờ những phi vụ yểm trợ này ông có một khái niệm tổng quát về cuộc chiến, học hỏi được nhiều kinh nghiệm về các trận đánh và dùng những kinh nghiệm này sau này để viết những câu truyện ngắn thật là cảm động về cuộc chiến đấu cô đơn và anh dũng và bi hùng của người lính QLVNCH.

    Ông sang Mỹ năm 1975, hiện cư ngụ tại hai thành phố New Orleans (tiểu bang Louisiana) và San Jose (California), Hoa Kỳ.

    Trường sơn Lê Xuân Nhị say mê văn chương hồi còn học trung học và kể từ năm 1967, ở lớp Đệ Tam đã gởi vài truyện ngắn đầu tay cho các tờ báo. Nhưng vì những tác phẩm này không hề được đăng báo, ông chán nản bỏ bút. Theo lời ông kể, ngày ông bỏ bút lúc còn trẻ là ngày buồn nhất đời ông. Ông tâm sự: "Hồi đó, tôi thấy cái cõi văn chương sao nó thật là gần gũi mà thật là xa vời. Nó nằm ngay trước mặt mình mỗi ngày, trong những trang báo, trong những cuốn sách bán đầy ngoài tiệm, nhưng muốn bước vào cõi đó thì khó như người bước vào cõi tiên."

    Khi sang Mỹ năm 1975, uất hận vì cuộc thua trận vô lý và nhục nhã của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, mỗi năm vào dịp kỷ niệm mất nước 30-4, ông thường viết những bài viết ngắn bằng tiếng Anh để đăng lên mục "Ý kiến bạn đọc" (Your opinion) của tờ nhật báo duy nhất The Times Picayune của thành phố New Orleans, vạch ra những sai lầm và bất công mà nhân dân và Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải gánh chịu trong suốt cuộc chiến. Thường thường, những bài viết chỉ trích như vậy rất ít khi được đăng, nhưng hầu hết những bài viết của Trường sơn Lê Xuân Nhị đều được tờ báo Mỹ địa phương đăng tải sau khi sửa đổi vài chi tiết phụ không quan trọng. Những bài viết này được một số người Việt Nam địa phương để ý, cho nên, khi hội ái hữu Không Quân tại Louisiana quyết định làm tờ đặc san năm 1989, ông được anh em mời cộng tác.

    Thế là, sau 22 năm bỏ bút, ở lứa tuổi 40, Trường sơn Lê Xuân Nhị cầm bút lên trở lại với đoản thiên đầu tiên viết về anh em và phi đoàn mình, phi đoàn 114. Bài viết làm cho chính tác giả và nhiều người rơi lệ. Được anh em khuyến khích, ông viết thêm vài truyện ngắn về lính, và cũng được khen ngợi. Nhiều người đọc xong đã khóc ròng.

    Được khuyến khích, ông viết thử bộ truyện dài "Xếp Al Capone" là một cuốn truyện viết về bọn mafia ở Chicago mà sau đó trở thành bộ trường thiên, viết trong 5 năm, gồm 5 cuốn tổng cộng 2000 trang tất cả với một số chữ là một triệu chữ. Đây là một trong những bộ sách bán chạy nhất hải ngoại với nhiều lần tái bản.

    Sau cuốn Xếp Al Capone, Trường sơn Lê Xuân Nhị viết tiếp Phát Súng Ân Tình gồm 10 cuốn (2 triệu chữ) cũng được độc giả khắp thế giới say mê theo dõi. Bộ sách được tái bản cho đến ngày hôm nay (năm 2001) là 6 lần tất cả.

    Ông hiện là một chuyên viên về điện toán (Computer Specialist) cho chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ tại thành phố New Orleans.

    Hỏi về cách làm việc, ông cho biết là ông đi ngủ rất sớm rồi thức giấc vào lúc 2, hoặc 3 giờ sáng là cái khoảng thời gian yên tỉnh nhất rồi viết cho đến khi đi làm.
    Hiện ông đang viết một cuốn truyện dài thuộc loại xã hội đen khác về nghiệp đoàn lao động Hoa Kỳ và đồng thời sắp hoàn thành một tác phẩm bằng Anh Ngữ, viết về chiến tranh Việt Nam.

    (theo http://vantuyen.net/)

    2. "Phi công thời loạn" - Trường sơn Lê Xuân Nhị

    (trích)
    "....
    Minh sững sờ, không nói được một lời.
    “Anh em chú ý, Tango đây, phi vụ hủy bỏ. Anh em quẹo hướng 2 giờ, tới ngay chỗ chiếc tàu vừa rớt cấp cứu liền. Mấy ông gunship dọt tới trước để cover. Mau, lẹ lẹ…”
    Cả hợp đoàn trực thăng từ từ bốc lên cao, nghiêng cánh quẹo tới. Minh phản ứng như một cái máy. Khỏi cần chờ gunship, khỏi cần biết tình hình phía dưới như thế nào, chàng tách khỏi hợp đoàn, nghiến răng vặn hết ga đồng thời quẹo gắt một vòng. Cánh quạt trực thăng chém văng những cánh lá rừng dưới chân chàng. Minh dí mũi phi cơ ào tới như một cơn lốc.
    Nó kia rồi. Chiếc C & C kia rồi. Không, phải nói là một cục sắt đen thùi lùi đang còn âm ỉ cháy thì đúng hơn. Minh tới gần hơn chút nữa, ước lượng tình hình. Khung phòng chiếc trực thăng còn y nguyên chứng tỏ tàu đã không rớt mạnh lắm. Hy vọng có người còn sống sót. Điều nguy hiểm nhất là phi cơ đang âm ỉ cháy, có thể bị nổ tung bất cứ lúc nào. Kẹt hơn nữa là nó lại nằm giữa một đám rừng rậm, không thể nào đáp xuống gần được.
    Minh hoover thật sát, ngay trên nóc chiếc trực thăng nhìn xuống. Khốn nạn, gió phần phật của cánh quạt chiếc tàu hình như làm cho lửa cháy mạnh hơn. Minh hốt hoảng tính quẹo ra thì, nhờ cánh quạt thổi khói sang một bên, chàng bỗng nhìn thấy một người đang lòm còm bò ra khỏi chiếc trực thăng. Minh nhìn kỹ hơn, thì ra một bộ đồ rằn. Đúng là đại úy Sơn rồi.
    Minh nói với Thảo, người xạ thủ qua vô tuyến:
    -Tôi hạ tàu xuống thấp, ông nhảy xuống được không?
    -Rừng rậm quá ông ơi, làm sao xuống nổi?
    -Tôi xuống thấp chút nữa, ông xuống nghe?
    -Sợ thằng tây nào! Thấp xuống chút nữa đi, tôi nhảy cho coi.
    Xong rồi. Minh đảo mắt tìm kiếm. Chỗ này đây, cây rừng rất rậm nhưng không to lắm. Minh khéo léo hạ chiếc tàu, rồi nghiêng một chút, đưa cánh quạt ra chém phăng những cây rừng gần đó để làm một bãi đáp.
    Cánh quạt trực thăng chém đứt những nhánh cây rừng nhỏ ngọt như mía. Trò chơi nguy hiểm vô cùng, vì nếu gặp cây lớn quá thì cánh quạt sẽ bị gẫy chứ không phải cây. Loay hoay một lúc Minh “chặt” vừa đủ chỗ để hạ chiếc tàu xuống gần mặt đất. Bụi tung lên mù mịt. Minh tính hét “Xuống đi!” nhưng vừa nhìn thấy Thảo đã nhảy xuống từ lúc nào, đang chạy trước mặt mình. Hắn ôm được Sơn, chạy từng bước một trở về tàu. Người mévo thứ hai cũng đã chạy tới chiếc tàu C & C đang bốc cháy nhưng không thể tới gần được. Sức nóng của cục lửa đẩy hắn dội ngược. Hắn đứng yên quan sát một lúc rồi lắc đầu bỏ chạy trở về tàu mình.
    Lửa nhờ gió của cánh quạt trực thăng tiếp sức, càng ngày càng bốc cao lên hơn. Minh biết trước sau gì tàu cũng phát nổ. Chiếc C & C mà nổ thì chiếc này sẽ… nổ theo. Minh sốt ruột nhìn Thảo đang lê từng bước một về tàu. Trời ạ, sức lực đâu hãy cho hắn thêm chút xíu.
    Thảo đang chạy bỗng vấp chân ngã nhào, quăng Sơn xuống đất. Lửa của chiếc trực thăng lại bốc cao hơn nữa, đang liếm xuống phía dưới, nơi có thùng xăng chính và mấy hộp đạn chứa 6 ngàn viên đại liên. Đù mẹ nó mà nổ thì bảo đãm “sẽ tung trời”. Minh ngồi yên bất lực và suy nghĩ. Rồi bỗng ý nghĩ hèn nhát xuất hiện trong đầu chàng: “Chiếc tàu kia sắp nổ rồi, hay là cứ cất cánh lên đi, bỏ nó lại. Tàu gần nổ rồi. Trước sau gì nó cũng chết, ít ra mình cứu được mình…”
    Dù chỉ là một tư tưởng trong đầu nhưng Minh muốn tặng cho mình một phát súng. Quân hèn nhát khốn nạn. Không thể được. Minh ạ, nếu chết, mày sẽ chết chung với anh em.
    Ủa, té xuống rồi thì đứng dậy đi chứ, tính nằm vạ đó à. Bộ thằng Thảo này không biết là con tàu sắp nổ sau lưng sao. Minh chỉ muốn lột giây an toàn để nhào xuống nhưng không được.
    Rồi hắn cũng bò dậy được. Minh lại cầu trời cho hắn thêm chút ít sức lực nữa. Chàng rủa thầm: “Đù mẹ ai biểu hễ cứ về đáp là uống rượu và chơi đĩ cho lắm vào, sức lực đâu còn nữa…”
    Thảo đã đứng giậy được, nhưng khốn nạn, lại bước đi cà nhắc. Hắn chỉ tay về phía chiếc tàu rồi về phía Sơn, mặt mày nhăn nhó. Minh lắc đầu. Tên này uống rượu say chạy xe Honda ủi vào cột đèn bao nhiêu lần u đầu sứt trán mà có sao đâu, bây giờ mới té nhẹ một cái đã bị trật chân trật cẳng. Thật là chán đời.
    Nhưng may quá, người xạ thủ thứ hai đã tới cứu bồ. Hắn bế thốc Sơn lên vai chạy thật mau về phía tàu. Bỏ được Sơn lên tàu, Minh quay lui quan sát. Sơn bị thương nặng, máu đầy mặt mũi quần áo nhưng vẫn còn thoi thóp thở. Chàng mừng thầm, tính bốc tàu lên nhưng sực nhớ đến Thảo. Hắn đang lò cò nhảy từng bước một tới. Minh lại… cầu nguyện với trời cho hắn thêm chút sức lực. Một giây đồng hồ trôi qua ở giây phút này dài như một thế kỷ…
    Thảo vừa đặt chân lên tàu là Minh vặn hết ga. Chiếc trực thăng bốc lên cao, chậm hơn ý Minh muốn nhưng rồi cũng lên được. Chàng đạp bàn đạp quẹo con tàu, bụi đất phủ mờ một vùng. Minh vừa quẹo xong thì cũng vừa nghe một tiếng nổ long trời lở đất phía dưới.
    Chàng thấy cay cay con mắt. Như thế này thì trời không còn dựa miền Nam nữa rồi. Kế hoạch tính kỹ như vậy, quân đội ngon lành như vậy, tại sao bỗng trở thành tấm bi kịch ở vào giờ phút chót? May mà chàng đã bốc được đại úy Sơn về. Thiếu tá Nhân cùng toàn thể phi hành đoàn đều chết thảm. Cái chết của những nhân viên phi hành thường tàn độc. Hoặc mất biệt, hoặc tan xác, hoặc cháy thành than như trong trường hợp này…


    ***
    Trên cõi đời này, có một nơi mà không người đàn ông nào muốn dắt người tình của mình vào đó là nhà thương. Nhất lại là nhà thương quân đội với những hình ảnh khủng khiếp của chiến tranh. Sáng nay, Minh phải cắn răng làm nhiệm vụ khăn đó: Dắt chị em Thanh từ Sài Gòn vào thăm Sơn tại quân y viện Pleiku. Minh đón họ tại phi trường, chưa kịp hỏi han gì là đã lên xe chạy tuốt vào đây, không ai có thì giờ kể chuyện lẩm cẩm.
    Chiến trường càng ngày càng trở nên gay cấn. Vùng I, sư đoàn 3 bộ binh của tướng Giai tan hàng, Quảng Trị đã bị bỏ ngỏ. Vùng III, An Lộc vẫn hứng mỗi ngày 7 ngàn trái đạn và đang chờ đợi trận xung phong cuối cùng của Bắc Quân. Vùng II, chúng nó cắt quốc lộ 14, vây hãm Kon Tum nặng nề. Không ai biết Việt Cộng sẽ chọn thành phố nào để tấn công: Kon Tum hay Pleiku. Riêng tại Kon Tum, nơi bộ tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh trấn đóng, người ta đồn Tướng Lý Tòng Bá phát súng cho cả vợ con của binh sĩ sư đoàn để chống giữ và ôm M-16 ra giao thông hào tử thủ chung với lính. Và dĩ nhiên, đạn pháo kích cứ thỉnh thoảng rót vào thành phố…
    Kể từ lúc nhận được cú điện thoại thông báo chị em Thanh sẽ lên thăm Sơn, Minh đã không đồng ý chuyện này. Trong tình thế này, thiên hạ ai ai cũng đùng đùng lo dọt về Sài Gòn, chỉ có hai chị em nàng điếc không sợ súng lại lò mò lên đây. Nhưng khi gặp chị em Thanh, Minh thông cảm được liền. Đôi mắt nàng đã sưng húp lên vì khóc quá nhiều. Minh an ủi:
    -Anh Sơn chỉ bị thương nặng thôi, không sao đâu.
    Trên đường vào đây, hai chị em Thanh đã nhìn được tận mắt những xót xa, đau khổ của dân chúng một thành phố địa đầu mà họ chưa bao giờ được nhìn thấy. Đi ngang một khu gia binh của lính, nhìn những dẫy nhà tôn thấp lè tè dơ bẫn, Loan hỏi Minh:
    -Làm sao mà người ta có thể ở được trong những cái hang chuột như vậy?
    Minh cười chua chát:
    -Nước mình nghèo, có được một căn nhà che thân như vậy là tốt rồi. Em không biết chứ mộng ước to lớn nhất của những người lính Việt Nam ở đây chỉ là mong được trở về để sống trong cái “hang chuột” này với vợ con một năm vài tuần lễ. Một năm chỉ muốn được làm người, sống như người vài tuần lễ mà vẫn ít khi có được. Chỗ ở thường xuyên của họ là chiến trường tàn bạo khi còn sức lực, là nhà thương hôi hám khi bị ngã ngựa, và là nghĩa địa buồn khi phải giã từ vũ khí…
    Loan im lặng. Nàng bắt đầu hiểu được phần nào những nỗi thống khổ của người lính Việt Nam.
    Bước vào nhà thương, chiến trận đã quen mùi như Minh mà còn thấy lạnh mình khi đi qua những phòng cấp cứu. Có nhiều phòng máu tràn ngập lênh láng chảy ra tới hành làng. Hòa trong khung cảnh đó là thỉnh thoảng những tiếng rên la khủng khiếp dội ra. Đó là chưa nói đến hình ảnh những người lính bị thương cụt chân mất tay nằm ngồi la liệt khắp nơi. Hai chị em Thanh Loan hãi quá, bụm miệng lại như cố cầm hơi thở. Mỗi người một bên, họ đi sát bên Minh như để được che chở giữa khung cảnh thật này của chiến tranh. Bây giờ họ mới nhìn nhận lời khuyên của Minh là đúng và tự hối hận đã chẳng nghe lời chàng.
    Thanh lại khóc nấc lên khi người y tá trực cho biết là Sơn đã được phi cơ Mỹ chở về Sài Gòn sáng nay. Nàng chỉ nín khóc khi người y tá cho nàng coi hồ sơ bệnh lý của Sơn: Tuy gãy tay chân, dập sươn sườn nhưng không có gì nặng lắm. Sơn được đưa về Sài gòn là nhờ một cú điện thoại mật từ Sài Gòn gọi ra…
    Chẳng còn gì nữa, cả bọn lại bỏ ra đi. Đi cho mau để thoát khỏi cái quân y viện kinh khủng này và còn kịp thì giờ đáp chiếc C-130 về lại Sài Gòn tối nay.
    Về tới phi trường Pleiku, khó nhọc lắm Minh mới đưa hai chị em vào được trạm hàng không quân sự. Dân di tản khắp nơi tụ tập chung quanh hàng rào phi trường đông như kiến. Ai cũng muốn đi khỏi cái thành phố địa đầu này. Kiếm được một chỗ ngồi trong trạm hàng không thì hai chị em đã tả tơi như những cành hoa trước gió.
    Ngồi im lặng bên nhau một lúc rất lâu mà chẳng ai nói với ai một lời nào. Lần đầu tiên từ lúc quen nhau, Minh nhận ra vẻ nhí nhảnh thường ngày của Loan trốn đâu mất biệt. Chính chàng, chàng cũng chẳng thiết tha gì nữa. Sự có mặt của chị em Loan tại đây thật là một thú vị bất ngờ nhưng tình hình này bi đát quá, Minh chỉ mong sao đẩy họ lên được tàu bay là mừng. Ngày mai trời sẽ sáng hơn, cơn sóng gió nào rồi cũng qua đi. Minh biết vậy…
    Một lúc lâu sau đó, lấy sức lại, cả ba mới nhận ra là từ sáng đến giờ chưa ai ăn uống gì cả. Không đói nhưng mọi người đều thấy khát nước. Minh bỏ hai người đi đâu một lúc rồi trở lại với hai chai xá xị và ba cái ly nhựa trên tay.
    Xá xị được chia đều. Chưa ai kịp uống thì bỗng họ nhận ra có mấy đứa bé ngồi bên cạnh nhìn lên ba người với một vẻ thèm khát lạ lùng. Chỉ có đứa lớn nhất trong bọn, một bé gái khoảng 10 tuổi, tay ôm khư khư một gói đồ, đưa cặp mắt lo âu buồn thảm nhìn ra phi đạo như đang chờ đợi ai. Bốn chị em có vẻ đói khát và mệt mỏi từ lâu rồi.
    Chẳng cần suy nghĩ, Minh đưa ngay ly nước ngọt mình đang cầm trên tay cho đứa bé trai. Nó dơ tay ra toan cầm lấy nhưng lại dựt về, quay sang nhìn bà chị như xin phép. Giấy rách mà vẫn giữ được lề, đáng phục thật. Minh bỗng thấy có cảm tình với đứa bé, bèn làm quen:
    -Bố mẹ cháu đâu rồi?
    Người chị lớn trả lời thế:
    -Bố chúng tôi là lính, mẹ chúng tôi đi mua đồ ăn tí nữa trở về ngay.
    Tiếng “lính” phát ra từ cặp môi đứa bé 10 tuổi nghe đơn giản nhưng hào hùng và hãnh diện làm sao. Chàng ngồi xuống bên đứa bé, thân thiện:
    -Chú biết bố cháu mà, bố cháu bảo chú đưa cho cháu ly nước này, uống đi cháu…
    Người chị nhìn đứa em gật đầu. Thằng bé chỉ đợi có thế, dựt mạnh ly xá xị trong tay Minh. Chàng mỉm cười, đoán rằng cậu ta sẽ ngửa cổ uống cạn nhưng nó lại đưa ly nước cho đứa em trai kế:
    -Ông khách cho mày đó, uống đi.
    Thằng em cầm ly nước ngọt, dưới cặp mắt ngạc nhiên của ba người, lại đưa ly cho cho đứa bé gái nhỏ nhất:
    -Anh Ba cho em đó, em uống đi.
    Đứa bé nhỏ nhất hớn hở đỡ lấy ly nước ngọt, mắt sáng ngời lên, đã tính uống, nhưng nghĩ sao lại đặt xuống, nhăn mặt nói:
    -Thôi, em không uống đâu, em để dành cho má, chờ má về…
    Minh thấy nghẹn ngào trong cổ họng. Loan liền ngồi xuống bên cạnh đứa bé gái, đưa ly xá xị của mình cho nó, nước mắt nàng chảy dài:
    -Vậy thì con uống ly này đi. Dì là bạn của má con, má con bảo dì đưa con ly nước này. Uống đi con…
    Minh thấy mắt mình ươn ướt, đứng lên bỏ ra một góc vắng ngồi đốt thuốc lá. Chàng không muốn khóc trong hoàn cảnh này. Không phải khóc vì đau buồn mà vì hãnh diện. Suốt đời chàng, Minh chưa bao giờ thấy mình được hãnh diện làm người Việt Nam như ngày hôm nay, trong hoàn cảnh đau thương này của đất nước. Bốn đứa trẻ nhà quê ở một thành phố xó núi đã dạy cho chàng một bài học tin yêu mà mãi mãi chàng sẽ không thể nào quên được…
    Rồi Minh cũng đưa được hai chị em Loan lên C-130. Nhờ chiếc áo bay, chàng leo lên tàu nấn ná ngồi cạnh Loan mong kéo dài những giây phút ly biệt. Trong một thoáng, chàng muốn ngồi lỳ ở trên này luôn để con tàu đưa chàng về Sài Gòn hoa lệ rồi muốn ra sao thì ra.
    Có tiếng quay máy của động cơ. Đã sắp sửa đến giờ chia tay. Loan bịn rịn cầm lấy tay Minh, thân mật như ngày nào nàng đã cầm tay chàng ở Passage Eden:
    -Anh ở lại ráng giữ mình.
    -Em về bình yên, anh chỉ tiếc chuyến đi của hai chị em đã trở thành vô ích.
    -Không vô ích đâu anh. Mới đầu, em cũng tưởng vậy nhưng không ngờ em đã học được nhiều bài học quí giá.
    -Em học được gì?
    -Nhiều lắm. Chiến tranh, sự nghèo khổ, v.v… Nhưng bài học quan trọng nhất, bài học quý giá nhất mà nếu không xuống đây em không thể nào học được là em biết rằng mọi tai ương, mọi đau khổ đang đè xuống dân tộc mình rồi sẽ qua đi như một ngày xấu trời. Quê hương dân tộc mình rồi sẽ vươn cao lên từ những điêu tàn đau khổ của ngày hôm nay…
    -Làm sao em dám quả quyết như vậy?
    -Vì người Việt Nam mình ai cũng có một tấm lòng. Tấm lòng như bốn chị em nhỏ nhà kia, và như anh…
    Minh cười:
    -Như bốn chị em kia, anh đồng ý, còn như anh, anh có tấm lòng gì?
    -Người. Tấm lòng người. Ngày nào quê hương còn có những tấm lòng nhân ái, những tấm lòng biết yêu thương nhau như bốn chị em nhà kia, thì những đau khổ của quê hương, của dân tộc mình ngày hôm nay sẽ như một áng mây trôi qua mau.
    Minh không biết mình xuống khỏi tàu cách nào và lúc nào, nhưng lúc nhìn lại thì chiếc C-130 đã cất cánh và đang bốc lên cao. Chàng ngước mắt nhìn theo, tưởng tượng chị em Thanh đang ngồi một chỗ nào đó trong thân tàu. Minh cúi xuống ngắt một ngọn cỏ bên đường phi đạo, thẫn thờ bước đi, nghĩ đến lời nói của cô bé lớp 12 trường trung học: “Người Việt mình ai cũng có một tấm lòng, những đau khổ của quê hương, của dân tộc mình ngày hôm nay sẽ như một áng mây trôi qua mau…”
    Đúng như lời Loan nói, cuộc tổng tấn công điên cuồng của Bắc quân thất bại hoàn toàn. Quân ta một lần chứng tỏ cho thế giới thấy sức mạnh của những “con người có tâm hồn”. Đặc biệt, nhờ công trạng của cuộc rescue nguy hiểm, Minh được phép thuyên chuyển về Biên Hòa trở lại. Bỏ tấm sự vụ lệnh ngay ngắn vào túi áo, chàng tự nhủ với lòng mình: “Phen này nhất định không đấm đá bừa bãi nữa......"


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X