Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nụ Cười Trăm Năm

Collapse
X

Nụ Cười Trăm Năm

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nụ Cười Trăm Năm

    Khánh Ly-Trần Dạ Từ và Nụ Cười Trăm Năm



    Tôi đến với đêm ra mắt CD “Trần Dạ Từ-Khánh Ly và Nụ Cười Trăm Năm” khi miệng tôi đã có thể nghêu ngao những câu hát “Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ. Ta nhớ ôi ngày thơ. Thành phố xưa, hai đứa ta. Nơi hẹn hò, quán nhỏ chiều mưa lũ...” cũng bằng cảm xúc của những miên man, se sắt, và thấm đẫm những nhớ nhung đến nao lòng.


    Nghĩa là, “Nụ Cười Trăm Năm” đủ sức níu tôi nghe, nghe, và lại tiếp tục nghe để càng lúc càng nhận ra những điều thật lạ qua những ca từ, những thanh âm vừa mới vừa quen của nhạc sĩ/thi sĩ Trần Dạ Từ, cùng giọng ca có “ma lực” của Khánh Ly.
    Khán phòng sang trọng của The Turnip Rose nằm ở thành phố Costa Mesa chiều tối Chủ Nhật qua đầy nghẹt người. Họ là những người thân, những bằng hữu, những khán giả, những người cùng thế hệ, đến để gặp gỡ, để lắng nghe, để chúc mừng Trần Dạ Từ và Khánh Ly lần đầu tiên ra mắt CD.
    “Nụ Cười Trăm Năm” - CD đầu tiên của nhà thơ/nhạc sĩ và người ca sĩ đã hiện diện trong dòng thơ nhạc Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua - đáng để người ta phải nghe và phải có lắm chứ!
    Tôi thuộc loại người thường không nhớ và không hay tìm hiểu về tác giả của những bài thơ, những tình khúc. Tôi chỉ mê nghe, và nhẩn nha theo những giai điệu có thể khiến lòng mình chùng lại, dịu đi, để rồi sau đó lại chùng chình, xốn xang, rưng rức những nỗi niềm, những kỷ niệm buồn vui, của mình, và cả của người.
    Thế nên, tôi đã cảm thấy ngạc nhiên đến bất ngờ thích thú khi nhận ra điều mà có lẽ nhiều người đã nhận ra từ lâu: Tác giả của lời thơ trong các bài hát “Người đi qua đời tôi” (nhạc Phạm Ðình Chương), “Thuở làm thơ yêu em” (nhạc Cung Tiến), “Nụ hôn đầu” (nhạc Phạm Duy)... không ai khác hơn chính là Trần Dạ Từ, người nhạc sĩ của “Nụ Cười Trăm Năm.”




    Vợ chồng nhạc sĩ, thi sĩ Trần Dạ Từ và Nhã Ca và “nụ cười trăm năm.”
    (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)




    Nhà thơ Du Tử Lê, trong lời phát biểu của mình tại buổi ra mắt CD “Nụ Cười Trăm Năm” đã cho rằng, “Vẫn là thành phố, vầng trăng, con sông, và tình yêu, nhưng đất trời nhân gian trong nhạc cũng như trong thơ Trần Dạ Từ là một đất trời, một nhân gian khác, không phải là cái mà chúng ta thường thấy trong tình khúc của chúng ta trong quá khứ.”
    Không biết có nhiều người như tôi hay không, khi tiếp cận lần đầu tiên đến những bài hát, là tự thân bài hát với nhạc điệu đó, lời ca đó, giọng hát đó, để mà cảm nhận, mà lắng nghe theo cách của riêng mình, trước khi biết đến lịch sử ra đời của nó. Chính vì điều này, tôi đã nghe “Chuông và Mưa,” “Sinh nhật ca,” “Vầng Trăng Xưa,” “Trăng ban chiều,” “Saigon Blues,” “Nụ cười Trăm Năm”... qua giọng hát Khánh Ly với tất cả tâm tư của một người trẻ đã đi qua những rung động, những lãng mạn của một thời yêu.
    Nhưng.
    Dường như lời thơ của Trần Dạ Từ, âm thanh réo rắt của Trần Dạ Từ không dừng lại ở tình yêu đôi lứa đơn sơ đó.
    Giọng ca chất chứa những dằn vặt thời gian của Khánh Ly chuyên chở nhiều hơn những điều có trong ca từ.
    “Nếu từng giọt mưa đi tới, bối rối, bồi hồi” hay “Từng giọt chuông vang mãi, ấm mãi một lời” trong “Chuông và Mưa” chỉ mang đến cho tôi sự bồng bềnh của kỷ niệm về tình yêu, thì “Dòng tóc năm xưa trôi về đâu, Dòng tóc năm xưa nay tìm đâu” trong “Sinh nhật ca” phải chăng chỉ là sự lạc mất nhau của hai người yêu nhau?
    Tôi không nghĩ vậy.
    Tiếng hát rõ chữ và trầm đục của Khánh Ly cho tôi sự cảm nhận của một điều mất mát gì lớn lao hơn.
    Và như vậy, “vầng trăng thất lạc trong cuồng lũ” ở “Sinh nhật ca” hay hình ảnh của “thành phố trăn trối, chiều hè nào hấp hối” và “đôi môi xưa dập vỡ đâu ngờ. Chút hương thừa đắng cay từ bao giờ” trong “Saigon Blues” ít nhiều đã cho thấy sự òa vỡ, đớn đau của “đất trời nhân gian” trong “phần nhân bản vằng vặc trong tâm hồn Trần Dạ Từ,” như cách nói của nhà thơ Du Tử Lê.


    Những cảm giác mà tôi có được lại càng sáng tỏ hơn khi tôi biết rằng 10 trong số 12 ca khúc có trong CD “Nụ Cười Trăm Năm” là những sáng tác vút lên từ 13 năm ngục tù của nhạc sĩ/thi sĩ Trần Dạ Từ, qua các nhà giam T20, Gia Trung hay Hàm Tân.
    Tôi nhớ ai đó đã nói, cách để mình tồn tại trong những nghịch cảnh khốc liệt và oan trái, là mình phải biết đứng trên nghịch cảnh đó.
    “Vẫn nắng vàng, dù buổi chiều của đời
    Vẫn trời xanh, dù bao nhiêu tan nát...
    Và đầu ta vẫn thơ. Và môi ta vẫn hát
    Mái tóc nâng niu xưa cho dù bạc
    Nhằm nhò gì
    Tình yêu ta, cây lão mai của em
    Vẫn không ngừng đơm hoa.”
    Những lời thơ, hay ca từ trên trong “Vầng Trăng Xưa” chính là một kiểu thách thức, ngạo đời của Trần Dạ Từ để có thể bình tĩnh đón nhận những cái “chết oan trong ngục tù,” hay “chết oan trong hồn tôi” (Chết Oan).
    Tuy nhiên, điều khiến cho tôi cảm thấy “Nụ Cười Trăm Năm” càng nghe càng “nghiện” còn là ở chỗ dí dỏm rất đời mà cũng rất lạ của lời ca.
    Tôi bật cười khi nghe lời bài hát “Trời Ðất Biết Ta” được nhạc sĩ sáng tác mới vừa đây, năm 2010, “Khi hai đứa bên nhau/Em nói trời, anh nói đất/Hai đứa trời đất, ngày tháng hư hao...” Thì ra ở độ tuổi nào những người yêu nhau cũng nói chuyện “trời đất,” và chuyện trời đất đó cũng đi vào lời ca một cách tự nhiên, dung dị, như “anh yêu em, anh yêu em dường nào.”
    Trần Dạ Từ đã “Cám ơn Khánh Ly, người đã đánh thức những bài hát ngủ quên.”
    Nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã nói thay những người có mặt trong đêm ra mắt CD “Nụ Cười Trăm Năm,” “Cám ơn Trần Dạ Từ đã cho mọi người thưởng thức một đêm nhạc thật nhiều kỷ niệm ngày xưa.”
    Và tôi.
    Cám ơn tiếng hát Khánh Ly đã mang đến cho tôi nét đẹp không thoáng qua của “trang thư xưa cúc hoa vàng/đi theo ta mãi mênh mang/Mênh mang thời yêu dấu/Mênh mang những bể dâu” của “Nụ Cười Trăm Năm.”
    (Ngọc Lan/Người Việt)
    Last edited by chimtroi; 05-26-2021, 11:43 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X