Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Vĩnh Biệt "Huy Râu"

Collapse
X

Vĩnh Biệt "Huy Râu"

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Vĩnh Biệt "Huy Râu"

    Vĩnh Biệt "Huy Râu"
    Nhật Thịnh
    ---oo0oo---

    1947 - 2010
    TQLC/Nhà Văn Cao Xuân Huy

    Ngày 1 tháng 11 năm 2010 ngôi sao Thế Phương bỗng dưng vụt tắt, bệnh tim; ngày 12 tháng 11 năm 2010 đến lượt ngôi sao Cao Xuân Huy tắt nốt, vậy là chưa đầy nửa tháng văn đàn đã hai lần để tang.

    Trước đó không lâu, cuối tháng 8 năm 2010, Thảo Trường đã từ bỏ hành tinh náo nhiệt, bon chen, xô bồ này, để sang thế giới bên kia thật trầm lặng, bình yên. Khác nhau chăng là Thảo Trường sáng tác trong và sau đời sống quân ngũ, Cao Xuân Huy trái lại, chỉ cầm bút sau khi đã gãy súng. Trước Tháng Tư Đen năm 1975 miền Nam còn "Ngựa Tía"… của Y Uyên, "Vòng Tay Lửa"…của Nguyên Vũ, mấy nhà văn viết về người lính miền Nam…

    Còn nhớ tại hội trường của Đài truyền hình SB-TN 10501 Garden Grove Blvd, Garden Grove, Ca.92843, điện thoai 714-636-1121 ngày Thứ Năm 4 tháng 11 năm 2010 Nhóm thân hữu, Hội Thủy Quân Lục chiến Nam California, Đài truyền hình SB-TN phối hợp tổ chức "Đêm kỷ niệm với người lính - nhà văn Cao Xuân Huy". Được biết trong thời gian qua Cao Xuân Huy đã cố chịu đựng chống chọi lại căn bệnh ngặt nghèo, hy vọng vượt qua những khó khăn, nhưng đến nay mỗi ngày một thêm trầm trọng vì thế nên bạn bè thân hữu đã cùng Đài truyền hình SB-TN tổ chức đêm tâm tình với người lính. Cao Xuân Huy luôn tự cho mình: "Không phải là một nhà văn mà chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ", vì dù sao chỉ là người lính viết ra các cảm nghĩ của mình thế thôi. Một chương trình nói về cuộc đời làm lính, viết văn và tỵ nạn để ủng hộ tinh thần Cao Xuân Huy, chia sẻ sự cảm thông với gia đình, chúc phúc người lính - nhà văn thêm nhiều nghị lực chống lại sự tàn phá của con bệnh, cố điều trị, và hy vọng bán được một số tác phẩm hầu giúp Cao Xuân Huy trang trải chi phí thuốc men. Tuy nhiên, tình trạng thể lực quá sa sút đến mức độ thê thảm, ung thư gan tới thời kỳ chót, mấp mé những ngày cuối đời, hiện không ăn không ngủ được nên càng mất sức, vì thế Cao Xuân Huy buộc vắng mặt. Một số đại diện thay mặt cho"Gia đình Cựu Tù nhân Chính trị Bình Điền" thuộc lực lượng Thủy Quân Lục Chiến khắp nơi đã chuyển lời thăm hỏi qua hiền thê của Cao Xuân Huy nhũ danh Đỗ Thị Minh tại hội trường. Nhiều chiến hữu từng một thời cùng Cao Xuân Huy "vào sinh ra tử" trên các chiến trường rải rác khắp bốn vùng chiến thuật "đèo heo hút gió", "lam sơn chướng khí", những thân hữu và gia đình đã hiện diện đông đảo, nhiều người lên sân khấu chia sẻ những kỷ niệm và suy nghĩ về Cao Xuân Huy. Một cựu chiến binh thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Lý Khải Bình, đã lên phát biểu: "Trước và sau năm 1975 tôi và Cao Xuân Huy cùng binh chủng, nhưng không hề gặp và biết anh. Sau này qua Mỹ tôi mới biết và nghe dư luận nói nhiều về anh qua tác phẩm "Tháng Ba Gãy Súng". Chúng tôi biết nhau nhiều hơn, nhưng có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Đó là năm 1985, khi lần đầu tiên tôi gặp anh lúc chúng tôi dựng kỳ đài trong khu phở Nguyễn Huệ. Khi bấy giờ chúng tôi chỉ có năm người, trong đó có anh Cao Xuân Huy và một số cố vấn. Sau khi nhận được tin một số người Mỹ phản chiến muốn hạ cờ Việt Nam Cộng Hòa, anh em chúng tôi đã ở lại canh chừng ngày đêm. Trong một đêm, tự nhiên Cao Xuân Huy nói với tôi: "Ê mày, tụi mình đã từng dựng cờ ở cổ thành Quảng Trị năm 1972 với hải lục không quân vậy mà bây giờ chỉ có năm người" Câu nói đơn giản nhưng đã làm tôi nhớ mãi". Cuối cùng Lý Khải Bình ca ngợi hiền thê của Cao Xuân Huy đã hết mình hy sinh vì chồng: "Chị Minh là người vợ gương mẫu sát cánh cùng chồng trong những lúc vui buồn mà không một lời than trách, bất cứ giờ nào khi anh Cao Xuân Huy cần đến là có chị ngay bên cạnh. "Sau phần tâm tình của các chiến hữu Thủy Quân Lục Chiến, cựu Đại tá Thủy Quân Lục Chiến Cổ Tấn Tinh Châu lên trao tấm ảnh lưu niệm cỡ đại của bạn bè thân hữu chụp chung lúc sinh hoạt cộng đồng trong đó có hình Cao xuân Huy và hiền thê.

    Nhà nữ phê bình văn học Thụy Khuê, tác giả các tập "Cấu trúc thơ", "Sóng từ trường "1-3". Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp…, từ Pháp bay qua khi nghe tin Cao Xuân Huy tới giai đoạn "gần đất xa trời", ngỏ vài lời tâm tình về Cao Xuân Huy qua tập hồi ký "Tháng Ba Gãy Súng" và con người thật của Cao Xuân Huy: Cao Xuân Huy đi vào văn học một cách vô tình với khí phách của một người lính Thủy Quân Lục Chiến. Cao Xuân Huy đã dùng ngòi bút của mình để đấu tranh, luôn khiêm nhường, không bao giờ chứng tỏ mình là nhà văn hay nhà phê bình. Khi viết về "Hành phương Nam của Nguyễn Bính, nhiều người viết tràng giang đại hải, nhưng Cao Xuân Huy chỉ viết vài hàng mà lại rất xúc động". Thụy Khuê kể chuyện Cao Xuân Huy khi tiếp xúc với Mai Thảo tên thật Nguyễn Đăng Quý, tác giả "Đêm giã từ Hà Nội", "Viên đạn đồng chữ nổi", "Mười đêm ngà ngọc", "Tháng giêng cỏ non"…có mặt trong sinh hoạt văn nghệ miền Nam từ năm 1954, trong nhóm "Sáng Tạo", nói: "Khi Cao Xuân Huy gặp Mai Thảo lần đầu anh không chào, không khúm núm. Nhưng có lần Mai Thảo ngồi một mình mệt mỏi, Cao Xuân Huy đi đến bên hỏi khẽ: "Anh có muốn em đưa anh về không? "Thụy Khuê kết thúc câu chuyện một cách cảm động: "Khi Mai Thảo chết, Cao Xuân Huy không đi đưa đám tang vì không muốn thấy người khác nhìn mình khóc. Như thế mới là một tình bạn thật sự. "Không sai, Mai Thảo đã nhận xét thật chính xác bản chất con người Cao Xuân Huy, phát biểu: "Bảnh nhất Cali có thằng này, ngày chỉ mong đủ tiền ăn tô phở, uống cốc cà-phê, làm một chai bia là chàng đếch cần thứ khác. "Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, tác giả của những tác phẩm "Trịnh Công Sơn - ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật", "Đối Thoại"…lên nói về tác phẩm và con người của Cao Xuân Huy mà Bùi Vĩnh Phúc từng quen biết: "Nhân cách và phong cách của Cao Xuân Huy đã nhập vào nhau qua ngòi bút của anh, nhất là qua tác phẩm "Tháng Ba Gãy Súng" và từ đó anh trở thành "Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng". Bùi Vĩnh Phúc kết luận: "Nhân cách của Cao Xuân Huy không thể tách rời con người của Cao Xuân Huy nữa" Mặc dù câu chuyện của Bùi Vĩnh Phúc có hơi kéo dài so với các lời tâm tình khác, nhưng mọi người đều ngồi thầm lặng, để tâm hồn lắng đọng hướng về Cao Xuân Huy phải vắng mặt tối nay vì bệnh trở nặng. Đối với nhà thơ Du Tử Lê, tên thật Lê Cự Phách, trước khi nhập ngũ theo học Đại học Văn Khoa, tác giả các tác phẩm: "Thơ Du Tử Lê", "Tình khúc tháng mười", "Năm sắc diện, năm định mệnh", "Tay gõ cửa đời", "Chung cuộc" [viết với Thảo Trường], "Ngửa mặt", "Mắt thù", "Qua hình bóng khác"…: ngay lời khai từ đã bầy tỏ: "Cao Xuân Huy là nhà văn ngay từ dòng đầu tiên", và lần lượt phân tích: "Cao Xuân Huy là một người tự trọng khi viết về lính, ngay cả khi viết về thời gian bị tù. Ông can đảm nói về sự tồi tệ và yếu kém của kẻ thù và cả những giây phút biểu lộ nhân tính của họ. Ông can đảm ở chỗ không cường điệu những gì kẻ thắng làm đối với ông. Ông chấp nhận bị chụp mũ". Du Tử Lê gửi những lời chót cho hiền thê và ái nữ của Cao Xuân Huy: "Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng chị Minh và các cháu phải hãnh diễn có một người chồng, người cha như thế. "Nhà thơ Đặng Hiền, một đồng nghiệp của Cao Xuân Huy đã có thời gian cùng làm việc chung tại Đài truyền hình SB-TN, nghẹn ngào xúc động nói về nhân tính dễ mến của Cao Xuân Huy: "Tôi với anh Huy làm việc chung lâu năm. Mỗi khi họp ai cũng tranh luận, nhưng anh luôn im lặng…Sau khi anh đi hóa trị lần hai về, tôi gọi điện thoại hỏi, anh nói: "Rớt rồi. Tao không đi làm nữa." Thế là nước mắt tôi chảy ra." Và Đặng Hiền đã đọc một bài thơ ngắn tự sáng tác để tặng hiền thê của Cao Xuân Huy nhũ danh Đỗ Thị Minh, làm nhiều người không khỏi ngăn nước mắt, ý thơ chân thật và cảm động. Đặc biệt ngoài những lời phát biểu của các thân hữu, chiến hữu của Cao Xuân Huy về những kỷ niệm, cảm nghĩ, ba nhạc phẩm của Trúc Hồ viết về Cao Xuân Huy được Lâm Nhật Tiến, Lê Quỳnh Mai và Mai Thanh Sơn trình diễn, đó là các bản "Em có còn yêu anh", "Thôi thế thì chia tay", "Chỉ là phù du thôi". Đáng kể là bản "Em có còn yêu anh" được Trúc Hồ là người đã trải qua một thời gian bệnh hoạn tương tự, nên rất cảm thông nỗi đau của Cao Xuân Huy trong những ngày bệnh, mà viết nên, làm người nghe xúc động trong không khí của một đêm kỷ niệm khó quên trong đời. (Đất Đứng số 431, Thứ Sáu 12.11.2010).

    Không ngờ 9 ngày sau, Cao Xuân Huy đã ra đi lúc 4 giờ 50 chiều ngày Thứ Sáu 12 tháng 11 năm 2010, tại tư gia ở Lake Forest, California, sau khi lễ "Veterans' Day" (=Ngày Cựu Chiến Binh) được người ta tổ chức khắp nơi, để lại hiền thê Đỗ Thị Minh, hai ái nữ Cao Nguyên Chúc Dung, Cao Nguyên Xuân Dung và hôn phu John Arden.

    Lễ truy điệu và phủ quốc kỳ diễn ra tối Thứ Ba ngày 16 tháng 11 năm 2010 ở nhà quàn "Peek Family Funeral Home" có sự hiện diện của các niên trưởng, chiến hữu Thủy Quân Lục Chiến, các binh chủng bạn, cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí và các thân hữu, văn thi hữu. Cựu chiến hữu Trần Như Hùng, một Thủy quân lục chiến và bạn thân của Cao xuân Huy đến từ Úc Châu điều hợp chương trình buổi lễ. Nguyễn Phục Hưng, Hội trưởng Hội Thủy Quân Lục Chiến Nam California điều khiển lễ phủ cờ. Khi lá quốc kỳ được phủ lên quan tài, tiếng kèn truy điệu trầm lắng làm xúc động những người tham dự, nhất là những chiến hữu đã cùng Cao Xuân Huy một thời vào sinh ra tử. Chiến hữu Trần Như Hùng đại diện tất cả các cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến chuyển lời chia buồn đến hiền thê Cao Xuân Huy, và ngỏ lời tâm sự đến các con người quá vãng: "Nhìn thấy sự có mặt đông đảo của những người đến tham dự hôm nay các cháu phải hãnh diện là con cháu của Thủy Quân Lục Chiến. Hy vọng các cháu sẽ không phụ lòng ba cháu, cố gắng là những người tốt để giúp ích cho đời cho xã hội. "Đại diện cho gia đình tang quyến, chiến hữu Trần Như Hùng ngỏ lời cám ơn tất cả những người tham dự buổi lễ, các chiến hữu, thân hữu đã chia buồn, phúng điếu. Trần Như Hùng cho biết để thực hiện tâm nguyện của người mất số tiền phúng điếu được chia làm hai, một nửa gửi cho những thương binh Thủy Quân Lục Chiến tại quê nhà và một nửa dành cho các trẻ em khuyết tật tại Long Thành.

    Chương trình tang lễ của Cao Xuân Huy được ấn định:
    - 1. Nghi lễ nhập quan và phát tang 12 giờ trưa ngày Thứ Ba 16.11.2010
    - 2. Nghi lễ phủ kỳ từ 18 giờ đến 20 giờ ngày Thứ Ba 16.11.2010
    - 3. Thăm viếng từ 12 giờ trưa đến 20 giờ ngày Thứ Tư 17.11.2010
    - 4. Nghi lễ hỏa táng 9 giờ đến 11 giờ ngày Thứ Năm 18.11.2010 tại Peek Family Funeral Home, 7801 Bolsa Avenue, Westminster, Ca 92683.

    Cao Xuân Huy tự Huy Râu, tên cúng cơm ở nhà và bạn bè từ thuở nhỏ đi học gọi Beng, pháp danh Minh Ngộ. Nay thêm một biệt danh "Người đeo súng gãy" sau khi đi đôi giày trận (botte de saut) vào "văn học sử" với tập hồi ký "Tháng Ba Gãy Súng" thuật lại tình cảnh và nỗi niềm bi tráng, oan khuất của Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến trên bãi cát Thuận An. Cao Xuân Huy sinh ngày 14 tháng 7 năm 1947 tại Bắc Ninh, quê hương quan họ đất Bắc, quê ngoại Hà Nam. Thân sinh là Cao Nhị nổi tiếng trong làng điện ảnh, giới văn chương và báo chí Hà Nội một thời, viết văn, làm thơ, làm báo rộn ràng giữa lớp trẻ được nhiều người quý trọng và cảm mến. Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết bên kia hồ Leman, lấy sông Bến Hải làm bờ ranh giới hai miền cắt đôi đất nước, như thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm bờ vĩ tuyến. Tháng 10 năm 1954, Cao Xuân Huy theo cậu vào Nam, lúc đó mới bảy tuổi, chưa một lần gặp mặt cha, nghe mẹ nói, từ lúc sinh ra đời, dường như Cao Xuân Huy chỉ được cha bế có một lần. Mẹ ở lại Hà Nội, nấn ná đợi chồng từ hậu phương trở về. Hai người khi gặp nhau không biết đã xảy ra chuyện gì ở hậu trường. Năm 1955, mẹ của Cao Xuân Huy bỏ chạy cộng sản vào Nam, hai miền mưa nắng, để lại người con gái lớn sống với chồng. Cao Xuân Huy liên lạc với cha qua những tấm bưu thiếp, chừng được vài lần thì nghe đâu bị cấm. Từ đó Cao Xuân Huy không còn liên lạc được với cha, tình cha con bị cắt đứt, nghe đâu lúc đó Cao Xuân Huy khoảng hơn mười tuổi. Cha ở lại Hà Nội kết nối với một người đàn bà xa lạ khác. Trong khi mẹ di cư vào Sài Gòn, lấy chồng khác và đẻ thêm con.

    Tháng 2 năm 1968, Cao Xuân Huy nhập ngũ, quan niệm: "lớn lên trong thời chiến, đi lính là trách nhiệm chung của thanh niên", khác một số thanh niên khác tìm mọi cách để chạy chọt, trốn động viên, và đã "tình nguyện vào đơn vị tác chiến thứ thiệt vì căm thù kẻ địch thì ít mà vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, vì bị kích thích bởi những cảm giác mạnh của chiến trường thì nhiều". Đầu năm 1970, Cao Xuân Huy tình nguyện theo học khóa "Rừng núi Sình lầy" ở Dục Mỹ, Nha Trang, tình nguyện gia nhập binh chủng Thủy quân Lục chiến, đảm nhiệm Trung úy Đại đội phó Đại đội 4, Trung đoàn 4 Kình Ngư, hụt làm Đại đội trưởng Đại đội 3, thay thế Đại úy Tô Thanh Chiêu tử trận giờ thứ 25 trên bãi cát Thuận An.

    Kỷ niệm nhớ đời trong hơn bảy năm lính và ngót năm năm tù cộng sản, có một chuyện lơ lửng không vui cũng không buồn, Cao Xuân Huy coi đó là một chuyện nhục vì không bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ. Nguyên Tết năm 1974, tiểu đoàn của Cao Xuân Huy có lệnh ứng chiến ở Phú Bài, Huế phòng bị một cuộc tấn công biển người của bộ đội cộng sản Bắc Việt, bắt chước Trung cộng cậy đông người đem thí quân. Nửa cuối tháng 1 năm 1974, Trung cộng ào ạt đem quân xâm lấn Hoàng Sa, lãnh thổ của Quân đoàn 1, mà tiểu đoàn của Cao Xuân Huy thuộc lực lượng trừ bị của Quân đoàn, cho nên được lệnh chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa. Những chiếc thủy xa của Sư đoàn từ Sài Gòn đã cập bến Đà Nẵng, tiểu đoàn của Cao Xuân Huy đợi lệnh xuống tàu. Vấn đề đem lực lượng Thủy quân Lục chiến đi chiếm đoạt lại Hoàng Sa là đúng "chỉ số". Gì chứ lâm trận để bảo vệ lãnh thổ, binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đều hăm hở, cho dù như thế là phiêu lưu vào cõi tử, vì hải quân miền Nam không sánh ngang địch, phi cơ không thể bay tới chiến trường để yểm trợ. Nhưng phút chót không hiểu nguyên nhân nào lệnh xuất quân bị hủy bỏ. Tin tức và hình ảnh những chiến hạm của mình bị bắn chìm, những chiến binh đồn trú ở đảo Hoàng Sa bị quân đội Trung cộng cậy đông bắt giam, được trao trả từ bên nước họ, Cao Xuân Huy cho thế là nhục. Nhận định bất cứ một địa danh nào nằm trong tay của cộng sản hay quốc gia đều hoàn toàn thuộc chủ quyền của người Việt Nam, vậy mà đảo Hoàng Sa bị Trung cộng chiếm đóng không đem quân đánh lấy lại, ấy là có tội với tổ tiên, cha ông. Cao Xuân Huy cho rằng: "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu", Hoàng Sa còn. "Một trăm năm đô hộ giặc Tây", Hoàng Sa còn. Ông cha ta từng chèo thuyền, giong buồm để bảo vệ những hòn đảo nhỏ xíu tận tít ngoài mù khơi, thế mà giờ đây quân đội hai miền đều thiện chiến lại để lọt vào tay ngoại bang một phần lãnh thổ, trừ miền Nam có tham chiến bằng chiến hạm khiến quân địch bị tổn thất nặng nề. Liệu như thế có nhục không? Và thử hỏi đến bao giờ mới chiếm lại được Hoàng Sa? Năm 1976, khi bị giam tại trại tù Cồn Tiên, Quảng Trị, Cao Xuân Huy kể chuyện đã được nghe một cán bộ chính trị báo tin đã tái chiếm Hoàng Sa, bằng cách cho một toán bộ đội ăn mặc giả lính "ngụy" chạy bộ, phía sau bộ đội cộng sản rầm rộ đuổi theo, đổ bộ tràn ngập đảo Hoàng Sa, quân Trung cộng thấy bộ đội cộng sản đông như kiến cỏ, vội vàng trả lại đảo vì họ chỉ giúp cộng sản chiếm lại đảo Hoàng Sa từ tay lính "ngụy". Thật không khác nào một chuyện cổ tích hoang đường.

    Cao Xuân Huy tham dự nhiều trận chiến ác liệt khắp bốn vùng chiến thuật. Tháng 3 năm 1975, Cao Xuân Huy bị cộng sản bắt làm tù binh cùng cả đơn vị khi cuộc lui binh theo lệnh trên khỏi tỉnh Quảng Trị bị thất bại tại bờ biển Thuận An, Huế. Trong tập hồi ký "Tháng Ba Gãy Súng", Cao Xuân Huy đã tường thuật chi tiết chuyện này. Trong thời gian bị cầm tù Cao Xuân Huy đã không muốn liên lạc với cha "vì không biết ông cụ có nhận thằng sĩ quan ngụy này là con không, đồng thời cũng lại sợ ông cụ sẽ bị liên lụy vì có thằng con "có nợ máu với nhân dân". Không hiểu tên tôi, thằng con đi Nam, có trong danh sách những người con của bố không, trong khi chính tôi, trong bản khai lý lịch khi đi lính, tôi đã phải khai "bố chết" để tránh những rườm rà chắc chắn là có với cơ quan an ninh quân đội."Cao Xuân Huy không hề biết tin tức gì về thân sinh mình, và dù có mong muốn cũng không bao giờ Cao Xuân Huy chờ đợi để có được một sự liên lạc giữa hai cha con. Không ngờ năm 1977 khi bị giam giữ ở Trại 4-AT ở tỉnh Thanh Hóa, khi đang đốn lim ở công trường lòng hồ sông Mực, Cao Xuân Huy bỗng được cán bộ trại đến thông báo: "Anh có ông bố vào thăm, ông cụ về rồi, có gửi lại cho anh một ba-lô đồ thăm nuôi." Cao Xuân Huy không được phép gặp thân sinh, dù cho thân sinh đã phải lội bộ bao nhiêu cây số đường rừng mới vào đến chỗ con "học tập" và trại cũng không trao cái ba-lô đồ thăm nuôi ấy cho Cao Xuân Huy, chia nhau thủ tiêu luôn. Chẳng qua bởi thân sinh của Cao Xuân Huy vốn làm thơ, viết báo, có dính đến vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm, đã bị quản thúc, cấm sáng tác, từ đó vẫn giấu giấu giếm giếm làm thơ mà bị thất lạc hết, chỉ được phép dịch những tác phẩm văn chương ngoại quốc đã kiểm duyệt để kiếm sống, do đó đã bị ngăn không cho gặp con. Còn chuyện cái ba lô thì Cao Xuân Huy đã thừa biết nguyên do vì sao bị giữ lại: "Cách mạng đã tha tội chết cho tôi. Tội chết cách mạng còn tha thì cái ba-lô thăm nuôi nhằm nhò gì mà cách mạng không "tha". Nhưng rồi hai cha con cũng được gặp nhau. Đó là vào cuối năm 1979, Cao Xuân Huy được đưa về Bình Điền, Huế giữ ở Trại Đội 8 Trại 5, từng có thời gian giam giữ tại các Trại tù Khe Sanh, Cồn Tiên, Ái Tử…Lúc đó Cao Xuân Huy chờ được thả bởi vì khả năng lao động đã cạn kiệt, bị giữ lại trại, sát nhập vào toán lao động nhẹ để không bị cắt khẩu phần. Cao Xuân Huy đang trong giờ lao động thì cán bộ trại đến nơi bảo vác ghế vào nhà thăm nuôi, ngỡ ngàng chưa biết chuyện gì bỗng nghe thấy lời hỏi từ sau lưng:

    - Beng đấy à?

    Cao Xuân Huy giật mình bởi xưa nay chỉ những người trong gia đình mới biết cái tên cúng cơm này. Cao Xuân Huy quay lại thấy một ông già một tay khoác cái túi vải, một tay cầm cái điếu cày từ một nhánh đường mòn bước ra, lững thững đi sau lưng Cao Xuân Huy. Nhận ra thân sinh mình, Cao Xuân Huy ứa nước mắt, cổ họng như bị nghẹn khô cứng, không thốt ra lời. Cao Xuân Huy se sẽ "dạ" mà tiếng nói như không thoát khỏi miệng. Thân sinh nói:

    - Vào nhà thăm nuôi đã.

    Bên trong một cán bộ trại đã ngồi sẵn từ bao giờ. Chuyện hai cha con bắt đầu với sự theo dõi của cán bộ trại:

    - Mày có khỏe không?
    - Dạ, con khỏe.
    - Mày có nhận ra bố không?
    - Dạ, con có nhận ra.
    - Mày ăn thịt gà đi. Thịt gà này chú Phùng Quán làm cho mày đấy.
    - Mình có họ với chú Phùng Quán hả bố?
    - Không, nhưng chú ấy xem tao như anh.

    Cao Xuân Huy xúc động muốn chảy nước mắt, cảm thấy hãnh diện về cha của mình, bởi đã thân với Phùng Quán. Trong suốt gần hai giờ đồng hồ câu chuyện của hai cha con chỉ như nhát gừng có vậy. Hai cha con bản tính đã ít nói, giờ lại có người theo dõi, hơn nữa thuộc loại đối nghịch của chế độ thì làm sao dám bạo dạn nói năng. Thời gian còn lại, cán bộ trại chiếm hết, cứ "dây cà dây muống" chuyện Hà Nội với thân sinh của Cao Xuân Huy.

    Hai ngày sau, tháng 9 năm 1979, Cao Xuân Huy được thả khỏi trại giam, lần tìm đến một khách sạn tìm cha, đã được cha cho biết trước lần vào thăm con trong trại tù. Nhìn thấy con trong bộ quần áo tù, ông cụ tỏ vẻ hoảng hốt, vội vàng hẹn con chiều đến ra quán cóc ven bờ sông Hương. Cao Xuân Huy cảm thấy thương cha quá, đến giờ này chưa hết bị ám ảnh nặng nề sinh hoạt xã hội cộng sản. Sợ dư luận xì xào, công an theo dõi mà phải tránh né đủ mọi thứ. Chiều tối chập choạng, dưới sáng đèn mờ ảo, hai cha con nói chuyện thoải mái, lan man mọi thứ chuyện, không phải dòm ngó trước sau. Cao Xuân Huy lúc này đã hơn 30 tuổi, nhớ đời một câu hỏi của cha khi vừa cười vừa hỏi:

    - Mày ghét cộng sản lắm hay sao mà đi cái "thứ lính ác ôn" này?

    Cao Xuân Huy bình thản đáp:

    - Ghét con không ghét, có thù oán gì đâu, nhưng gặp đâu bắn đó.
    - Thế mày bắn cả bố mày à?

    Quan niệm của Cao Xuân Huy vốn ghét chiến tranh, không chấp nhận chuyện anh em, có khi cả ruột thịt, bắn giết nhau bởi hoàn cảnh phải sống ở hai miền đất nước khác nhau. Chiến tranh không do quyết định của người cầm súng, mà người quyết định chiến tranh lại không cầm súng bao giờ. Cao Xuân Huy tránh né đi lính, đến khi không né tránh được đành phải đi lính thì đi lính "thứ thiệt". Cho nên Cao Xuân Huy tình nguyện đầu quân thứ binh chủng chuyên trận mạc, hầu như chỉ tham chiến những trận lớn, dữ dội có tính quyết định của mỗi chiến trận. Cao Xuân Huy đánh trận thuộc loại dữ, thuộc đơn vị thiện chiến nhất nhì của miền Nam.

    Sau đó cha đáp tàu hỏa vào Nam thăm con mấy lần nhưng Cao Xuân Huy chỉ gặp và quanh quẩn với cha có dăm ngày. Lần sau cùng cha vào, đúng lúc con đang trốn chui trốn nhủi, bị công an lùng bắt gắt gao vì tội tổ chức vượt biên. Do không có tiền "mua vé" và không tin tổ chức nào làm ăn đứng đắn, không lường gạt nên phải tổ chức lấy để sự ra đi được đảm bảo. Khi cha và gia đình từ Hà Nội vào, Cao Xuân Huy không dám đến gặp vì công an bao vây chặt chẻ luôn cả khách sạn chỗ thân nhân trú ngụ. Khi xuống ghe vượt biên, Cao Xuân Huy tưởng chừng không còn bao giờ được gặp thân sinh nữa. Nhưng sau khi qua Mỹ, năm 2000, Cao Xuân Huy đã trở về Hà Nội một lần để thăm cha, tiếc cha nay đã già lại thêm bệnh cao máu và tiểu đường, không cầm bút được nữa, đã qua đời năm 2009. Một người làm thơ bị treo bút đã khổ biết chừng nào. Thơ này chỉ có duy nhất bà bác của Cao Xuân Huy là thuộc lòng, bởi đã lén lút sáng tác trong thời kỳ bị quản thúc và treo bút. Cao Xuân Huy dự tính in một thi phẩm cho cha, nhưng khi về đến Hà Nội thì bà bác đã mất từ mấy năm trước. Từ ngày đó đôi khi Cao Xuân Huy vẫn điện thoại về thăm thân sinh, nhưng cha lại sợ tốn phí nên chỉ đối thoại vài câu là đã vội tắt máy. Thân mẫu Cao Xuân Huy là Nguyễn Thị Nhiên sống ở Úc luôn nhắc nhở con phải thường xuyên điện thoại thăm cha: "Chuyện tôi với cha anh là chuyện riêng của tôi và cha anh. Còn bổn phận của anh là anh phải thăm nom cha".

    Tháng 12 năm 1982, Cao Xuân Huy giã từ chủ nghĩa Karl Marx, lên đường vượt biên, sống tại đảo một thời gian, tháng 10 năm 1983 bắt đầu đến Mỹ, năm 1984 định cư tại miền Nam California. Sang bên đây, không nề hà từ chối bất cứ việc làm nào, Cao Xuân Huy đã tự khẳng định điều đó: "Tôi vượt biên đến Mỹ cuối năm 1983. Dọn nhà nhiều lần và làm nhiều nghề. Nghề nào cũng là chuyên viên cấp "thợ vịn".

    Nghề nào tôi cũng cố gắng học hỏi, nhưng cố gắng đến đâu, tay nghề cũng chỉ vừa đủ để sai vặt. Mỗi nghề làm một vài năm, chỉ tạm sống qua ngày. Tôi dính vào nghề báo như một run rủi, không lựa chọn, cũng không học hành gì cả, vậy mà tôi đã sống với nó hơn mười năm nay, và chắc là tôi còn sống với nó cho đến hết đời. Quãng đời này của Cao Xuân Huy đã được ký giả Nguyễn Văn Khanh tại Washington D.C. thuật lại: Anh là một người không may mắn. Trong suốt thời gian hàng chục năm trời có mặt ở Hoa Kỳ, hầu như năm nào anh cũng khoe "Tôi vừa đuổi chủ, đang đi tìm việc làm mới. "Anh làm đủ mọi thứ nghề để kiếm tiền nuôi gia đình, kể cả những nghề "lương kém lắm, chỉ đủ uống chai bia, mua gói thuốc lá là hết sạch." Cao Xuân Huy từng cộng tác với tuần báo Việt Tide, làm Tổng thư ký tạp chí Văn Học, năm 2005 làm Chủ biên đến năm 2009. Nói về tờ Văn Học, Cao Xuân Huy trả lời cuộc phỏng vấn của nữ ký giả Lê Quỳnh Mai ngày 31.10.2009, nói: "Tôi ví tạp chí Văn Học như một sân chơi để các tác giả có chỗ "trình làng" những sáng tác của mình cho mọi người thưởng thức. Bấy giờ diễn viên thì lèo tèo, khán giả thì thưa thớt. Sân chơi còn đó nhưng hoang phế. Những người đóng góp công sức nuôi nấng tờ tạp chí này, các tác giả, những độc giả buồn một, thì tôi buồn đến mười.

    Nói về sự đình bản của tờ báo Văn Học, Cao Xuân Huy cho thấy toàn bộ tình hình chung của những tờ tạp chí văn nghệ tại hải ngoại, ngoại trừ những tờ báo chuyên về thương mại quảng cáo: "Các tạp chí văn chương ở hải ngoại đều gặp những khó khăn chung. Người đọc ngày càng ít đi, người viết ngày càng mai một đi. Tiền in và tiền tem ngày một tăng mà quảng cáo thì ít. Riêng trường hợp tạp chí Văn Học, tôi vừa bị bệnh vừa bị thất nghiệp vào ngay thời kỳ kinh tế khủng hoảng, nên không thể tiếp tục cáng đáng tờ báo được nữa". Đi sâu vào nội bộ tờ báo, Cao Xuân Huy không giấu diếm một sự thật chua chát đến não nề: "Tạp chí Văn Học sau khi ra số 235 tháng 11 và 12 năm 2007, tôi bị ung thư mắt, nên tạm thời đình bản. Hơn một năm sau, tôi đã cố gắng thực hiện số tiếp theo 236 phát hành tháng 3 và 4 năm 2008, sau đó lại bị đình bản thêm một lần nữa cũng vì cái bệnh quái ác ấy".

    Suốt những ngày tháng lo xây dựng nên tờ báo này, Cao Xuân Huy đã đầu tư biết bao công sức, nhất là trong giai đoạn ngặt nghèo mà thể lực không được khỏe khoắn như ngày nào. Cao Xuân Huy bị ung thư mắt, mất đi một con, một viên ngọc quý đời mình để chỉ còn nhìn đời qua khung cửa hẹp. Ký giả Nguyễn Văn Khanh, người có thể nói là đã sống sâu sát bên Cao Xuân Huy, cho biết sự dấn thân, đam mê đến mức độ có thể nói là hy sinh của Cao Xuân Huy trong nghiệp viết lách: "Dù khó khăn đến thế nào đi nữa, anh vẫn là người hết lòng với chữ nghĩa. Sau "Tháng Ba Gãy Súng" anh viết rất ít, nhưng quyển sách đã giúp anh cơ hội làm quen với những người viết khác và cùng nhau dựng nên những tờ tạp chí văn chương. Tôi từng thấy anh đã quá nửa đêm vẫn cắm cúi trên bàn phím gõ bài, từng nghe anh than "mệt quá" mỗi lần sửa soạn đưa báo đến nhà in, và nhiều lần thấy anh xin tiền vợ để đi lấy báo. Có thể nói không sai: những tờ báo anh làm không đem được tiền về cho gia đình, mà gia đình còn phải bỏ tiền giúp anh để làm công việc anh yêu thích. "Nguyễn Văn Khanh kể tiếp về sự yêu nghề của Cao Xuân Huy được thể hiện trong công việc làm, nhiều khi đưa đến những sự thiệt thòi thấy rõ, nếu không muốn nói là thiệt hại, bởi vì quá tôn trọng lương tâm chức nghiệp, trọng nguyên tắc: "Nói đến chữ nghĩa cũng phải nòi đến một Cao Xuân Huy rất khó tính. Một đôi lần anh nhận lời đánh máy thuê, và lần nào anh cũng cho "chủ nghỉ việc". Lý do rất giản dị là: "Tôi không chịu nổi những đứa viết câu không ra câu, cú chẳng ra cú." Nên không thể nào đánh đúng từng chữ người khác thuê anh đánh. Có lần anh bảo với tôi: "vừa đánh máy vừa sửa câu cú cho đúng mệt lắm.". "Tại sao ông không nhắm mắt đánh kiếm tiền " tôi hỏi ngược lại". Trong thời kỳ cộng tác với nhật báo Người Việt ở Westminster, California, Cao Xuân Huy đặc trách phần trình bầy (layout) và là một trong những người trình bầy giỏi và đẹp. Nguyễn Văn Khanh đã tiết lộ điều này, hai người quen nhau do làm chung ở một tòa soạn ngót 30 năm nay nay, khi bấy giờ Nguyễn Văn Khanh điều khiển văn phòng nhật báo "Người Việt" ở Washington D.C. Đã nhiều lần Nguyễn Văn Khanh bay về California, ghé nhà Cao Xuân Huy ngủ, thường mỗi tối hai người thức đến quá khuya trò chuyện, nói cho nhau nghe nhiều chuyện từ bạn bè, gia đình đến sự thật riêng tư, trong những câu chuyện ấy, ít nhất vài ba lần Cao Xuân Huy nhắc lại chuyện thân sinh vào trại cải tạo thăm con, và mỗi lần nhắc lại kỷ niệm cũ, nét đau khổ của Cao Xuân Huy hằn rõ trên nét mặt, không biết bằng cách nào có thể nối kết quá khứ và tương lai của đứa con nhiều năm không thấy cha, và cuộc gặp gỡ của hai cha con ở hai đầu chiến tuyến. Đã có lần Cao Xuân Huy thổ lộ ý nghĩ thầm kín của mình rằng các cuộc gặp gỡ đó ước gì đã không xảy ra, vì hai bên không biết phải nói cho nhau nghe những gì, cho dù tình thân thiết của cha đã khởi dậy ngay lần đầu từ lời nói khi đến trại tù Bình Điền ở Huế thăm con:

    - Beng đấy à?

    Lần này Nguyễn Văn Khanh nghe tin Cao Xuân Huy trở bệnh nặng, vội bay về thăm, sợ không còn cơ hội nào để gặp, khi mới bước chân vào phòng thì đúng lúc Cao Xuân Huy trở mình thức giấc. Cơn đau của ung thư gan chìm dần trong morphine, trong cơn mê ngủ ngật ngừ, không còn thức dậy, tỉnh táo nhìn những thân quen. Đây lời kể của Nguyễn Văn Khanh: "Cháu Dung ngồi sát bên bố, khẽ lay: "Có chú Khanh về thăm bố đ6y." Anh đưa mắt nhìn tôi, khẽ gật đầu thay cho lời chào hỏi. Đây, lần đầu tiên tôi gặp một Cao Xuân Huy nằm yên, không chịu mở miệng nói một tiếng nào cả. Dáng nhanh nhẹn mất hẳn, tóc đã thưa bớt nhiều, râu không còn đẹp như thuở nào và cũng chẳng còn đủ để anh có thể vuốt như anh thường làm lúc còn khỏe. "Ông thấy trong người thế nào?", tôi buông câu hỏi đầu tiên.

    Chỉ khẽ lắc đầu, vẻ mệt mỏi thể hiện rõ trên mặt. "Ông có khó chịu không" tôi hỏi tiếp. Lần này anh gật đầu. Cháu Dung vừa lấy chiếc gối kê đầu anh lên cao hơn, vừa hỏi: "Bố có đau không bố". Lại lắc đầu, vẫn không nói gì cả. "Tôi xoa lưng cho ông nhé?" Lại gật đầu. "Ông có thèm cà-phê không, có muốn uống chai Henneken với anh em không?" Lại gật đầu tiếp. Những cái gật đầu thật nhẹ, mỗi ngày vẻ mệt mỏi lại hiện rõ hơn trên khuôn mặt, khác hẳn một Cao Xuân Huy mà tôi biết gần 30 năm nay".

    Những ngày trên giường bệnh, ngoài bà vợ, Cao Xuân Huy còn được hai con gái tận tình săn sóc. Sự kiện thiêng liêng này không phải chỉ giờ đây vào những phút giây hiểm nghèo của đời người mới thấy thể hiện mà nó như một truyền thống đạo lý Đông phương được hun đúc từ ngàn xưa. Ngược lại, Cao Xuân Huy cũng rất thương mến các con, sẵn sàng đáp ứng lại những mong ước chính đáng của các con. Ngày 16 tháng 11 năm 2010, ký giả Nguyễn Văn Khanh viết: "Điều may mắn duy nhất anh có chính là mái ấm gia đình. Hai chị em Dung "chị" và Dung "em" hết mực yêu bố. Bố đi làm về, cả hai đứa chạy ra quấn quít bên chân bố, Dung "em" còn ngồi trước cây đàn piano đánh cho bố và chú Khanh nghe bài vừa mới học. Anh khoe cây đàn "là tài sản duy nhất tôi có cho chúng nó", nói xong anh giải thích tiếp "con thích học đàn, bố liền mua ngay cho con".

    - Ông để dành tiền mua hả ông? - tôi thắc mắc.
    - Đâu có, tôi xin tiền vợ dẫn hai đứa con đi mua đàn.
    - Thế thì có gì đâu mà phải khoe?
    - Có chứ, bạn bè đến con cái ra khoe bố mua đàn cho tụi con, nghe cũng sướng chứ!

    Hạnh phúc nhất của anh là có người vợ mà anh hãnh diện khoe với tôi ngay từ đâu: "Bà ấy đúng là chị lớn trong nhà, quán xuyến hết mọi chuyện." Có lần khi nói về chị Minh - vợ anh - anh bảo: " Người ta lấy chồng để có chỗ tựa đầu, bà ấy lấy tôi để cho tôi có chỗ tựa đầu". Sợ chưa đủ để nói về vợ, anh bảo thêm: "Thằng như tôi mà có người cho tựa đầu thì vừa hiếm, vừa may mắn, phải không ông. "Anh đã tựa đầu vào vai người vợ yêu quý nhất của mình cho đến giây phút cuối cùng".

    Điều này, Lý Khải Bình cũng đã nhận thấy và phát biểu tương tự trong "Đêm tâm tình với người lính - nhà văn Cao Xuân Huy" tại hội trường Đài truyền hình SB-TN tối ngày 4 tháng 11 năm 2010: "Chị Minh là một người vợ gương mẫu sát cánh cùng chồng trong những lúc vui buồn mà không một lời than trách, bất cứ giờ nào khi anh Huy cần là có chị ngay bên cạnh".

    Bản chất Cao Xuân Huy ít nói nhưng cởi mở, thẳng thắn những khi mở miệng nói. Đặc biệt nụ cười đẹp một cách đôn hậu, cười với cả khuôn mặt. Cao Xuân Huy thẳng tính, phong cách của người lính mũ xanh ngày nào hiên ngang nơi chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật. Có một giai thoại khá vui lan truyền trong làng báo, có một thời Cao Xuân Huy và Hoàng Khởi Phong cộng tác làm báo, Cao Xuân Huy phụ trách đánh máy và Khánh Trường trông coi biên tập. Đôi khi ý kiến hai bên có sự bất đồng, lời qua tiếng lại, Cao Xuân Huy ngưng không đánh máy tiếp. Biết thế nên mỗi khi thấy hai người có to tiếng, Hoàng Khởi Phong liền cảnh cáo ngay Khánh Trường: "Coi chừng lạng quạng nó "cóc" đánh máy cho mày nữa thì làm gì nhau? "Khánh Trường cười nói: "Thì chẳng làm gì được nhau! Chỉ có cách kéo "thằng khốn" ấy ra quán "tắm" bia cho bõ tức!" Chuyện nằy cho thấy cá tính Cao Xuân Huy thích uống bia, nhưng không bao lâu sau thì bị ung thư gan, bắt đầu chương trình hóa trị, không còn uống được nữa.

    Hoàng Khởi Phong là một người bạn từ ngày xưa mà Cao Xuân Xuân Huy coi như người anh. Khi mới đến Hoa Kỳ, Cao Xuân Huy ở nhờ nhà của Hoàng Khởi Phong. Trong một buổi uống rượu với mấy người bạn thuộc đơn vị cũ, cùng nhau ngồi kiểm điểm xem ai còn ai mất, nhắc lại các kỷ niệm trong cuộc rút quân ở bờ biển Thuận An, bị bắt làm tù binh. Nguyễn Mộng Giác khi đó ở chung nhà, ngồi nghe. Sáng ngày hôm sao Nguyễn Mộng Giác hỏi Cao Xuân Huy sao không viết tỉ mỉ chi tiết. Cao Xuân Huy liền trao cho Nguyễn Mộng Giác hơn một chục trang viết tay mà bởi Hoàng Khởi Phong chê nên Cao Xuân Huy bỏ dở dang. Nguyễn Mộng Giác tự động cho in báo và bảo Cao Xuân Huy viết tiếp. Nhan đề cho tập hồi ký này Cao Xuân Huy đề là "Ngày Gãy Súng" nhưng khi in báo Nguyễn Mộng Giác đã sửa thành "Tháng Ba Gãy Súng".

    Động lực để viết tập hồi ký này có một nguyên nhân sâu sa, Cao Xuân Huy tâm sự: Một anh - đã có thời làm Thủ tướng miền Nam chúng tôi - vào những ngày cuối tháng Tư 1975, kêu gọi mọi người ở lại chiến đấu, nhưng chính anh ta lại "tếch" đi Mỹ ngay sau khi hô hào. Ở Mỹ, anh ta vẫn tiếp tục ồn ào trên báo chí: "Làm mất nước là tội chung của mọi người, lớn tội lớn, bé tội bé". Đọc thấy câu này, tôi văng tục. Những thằng lưu manh thường lớn họng, những thằng hèn thường chiến đấu đến giọt máu cuối cùng của…người khác. Tôi là một trong những "người khác", đánh nhau đến viên đạn cuối cùng để rồi bị bắt, bị tù đày vì những thằng lưu manh, hèn hạ đó, và bây giờ vẫn tiếp tục phải thấy và phải nghe những điều chó má như thế. Tôi viết là vì vậy".

    Tập hồi ký "Tháng Ba Gãy Súng" xuất bản năm 1985. Không ngờ đây là một cơ hội, nhờ có nó Cao Xuân Huy học được một nghề để mưu sinh. Nguyên cuốn "Tháng Ba Gãy Súng" nhà xuất bản trình bày xấu và có nhiều lỗi đánh máy. Cao Xuân Huy bực mình mua máy vi tính về mầy mò viết văn, đánh máy và trình bầy sách thuê. Từ sách chuyển sang báo một bước ngắn. Dần dần trở thành người trình bày sách, báo chuyên nghiệp. Thế là trở thành đồng nghiệp với thân sinh. Bởi Cao Xuân Huy biết thân sinh là người làm thơ, dịch sách và làm báo.

    "Tháng Ba Gãy Súng" một cái tên đơn giản mà quyến rũ gợi nhớ cả một thời. Tháng Ba miền Trung chìm trong cơn lốc lửa đạn đổ xuống từ miền Bắc. Trên bờ cát của biến cố rền tiếng xích sắt nghến trên sọ người lạo xạo. Phải một thời gian ngắn sau bão tố mới đổ ập tới Sài Gòn. Tháng Tư Đen tang tóc, xô hơn một triệu người bỏ nước ra đi. Đây là tập hồi ký chiến tranh, đương nhiên khác với tiểu thuyết, không tưởng tượng thêm thắt, viết sai, bẻ cong sự thật nhằm tuyên truyền hay chạy tội, không lợi ích cho người đương thời và cho lịch sử. Cao Xuân Huy cho rằng người ngang nhiên bẻ súng của người lính chiến dọc ngang một thời, có thừa mưu trí và kinh nghiệm trận mạc, người làm cho họ phải bó tay khi súng còn trên tay mà nòng đã hết đạn, đó phát xuất từ một số cấp chỉ huy đã dứt bỏ hàng ngũ trong cơn quẫn bách chạy lấy thân, sống chết mặc bay làm người lính trận mất hết niềm tin. Từ trang đầu đến trang cuối của sách chỉ độc thấy máu và nước mắt, tàn bạo và căm thù, nên đây có thể coi như tiếng kêu thống hận của người lính, chỉ kêu một lần rồi thôi.

    Và phải đợi tới ngày 10.7.2010 Cao Xuân Huy mới giới thiệu tác phẩm thứ hai "Vài Mẩu Chuyện" tại hội trường nhật báo Việt Herald. Cao Xuân Huy không nhận mình là nhà văn, mà là một người tình cờ cầm bút vì cuộc đời đưa đẩy vào chốn văn chương, tựa ngày xưa khi thời cuộc, vận mệnh của cả nước, của mọi người và của chính mình, đã bước vào đời lính. Tuy không nhận mình là nhà văn, nhưng đọc hết "Vài Mẩu Chuyện" của Cao Xuân Huy, và qua các chức vụ đã đảm nhiệm: Tổng thư ký rồi Chủ biên tạp chí Văn Học các năm 1989-2009, không thể không công nhận Cao Xuân Huy là một nhà văn đúng nghĩa, một người lính viết văn, phơi bầy những chuyện thật của đời lính, mà chắc chắn những ai đã nắm chắc tay súng khi đọc Cao Xuân Huy, đã thấy Cao Xuân Huy như đang nói về chính mình, chẳng hạn truyện "Chờ Tôi Với", trong "Vài Mẩu Truyện" diễn tả giờ ngưng chiến ngày 28 tháng 1 năm 1973 theo Hiệp Định Paris. "Vài Mẩu Chuyện" gói gọn trong cuốn sách chỉ dày 125 trang nhưng người đọc không thể xé rào một trang nào vì nó rất thật.

    Cao Xuân Huy viết không để lập ngôn, tán tụng người và tâng bốc mình như không thiếu gì người đã đi vào vết xe đổ đó. Sau ngày sa cơ, chịu nhiều chua chát, nghiệt ngã của kiếp tù đày, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai hành hạ, nhưng Cao Xuân Huy hiên ngang ngẩng cao đầu, không để ý chí bị khuất phục, và cho dù có phải trả bằng mọi giá vẫn giữ cho được giá trị của con người. Cao Xuân Huy dùng ngòi bút như lưỡi dao phẫu thuật xẻ tung vết thương lòng, tách rời từng lớp, từng sớ dằn vặt, nằm sâu trong óc, trong tim, phơi bầy trần trụi phần bản lai của mình cho người khác chứng kiến.

    Nhật Thịnh
    Source: "vannghesi.net"


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X