Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những ngày chưa quên

Collapse
X

Những ngày chưa quên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những ngày chưa quên

    ...Để nhớ lại ngày tháng cũ, nhớ Không quân, nhớ Võ Bị.
    Nguyễn văn An (Khóa 16)



    Vào một đêm lạnh giữa tháng ba của Cali, anh chủ bút Đoàn Ph. Hải gọi tôi cho biết Đa Hiệu số tới có chủ đề Hải Lục Không quân, Hải yêu cầu tôi viết một bài. Tôi không biết phải viết gì đây ? -Để góp phần, hôm nay tôi xin kể lại vài mẫu chyện nhỏ có liên quan đến những người anh, người bạn Không quân và Võ Bị đã nằm xuống hay còn sống mà tôi đã cùng làm việc, bay chung, học chung hay đã tiếp xúc nhiều lần… được coi như những kỷ niệm được nhắc lại.

    Xếp bút nghiên.

    Gần cuối năm 1959, tôi đang theo học Đệ nhất B1 trường Quốc học Huế ….

    Được nhà trường cho biết tin trường Võ Bị Quốc gia Đà Lạt cần tuyển mộ SVSQ theo học khóa bốn năm; sau khi ra trường được chọn Hải, Lục, Không quân và được cấp phát văn bằng tốt nghiệp tương đương Đại học Khoa học. Tôi phấn khởi, cơ hội tốt đến với tôi chăng ? Tôi có thể tiếp tục việc học để sau nầy trở thành nhà giáo, nhưng trong tôi, vẫn ám ảnh mãi hình ảnh người cha trong bộ quân phục đậm màu mà lúc nhỏ tôi rất ưa thích. Lớn lên tôi cũng có những khát vọng cao xa… Tôi không thể ngồi yên. Cuối cùng bỏ học đường, bỏ sách vở, từ giã người bạn áo trắng vừa thân quen. Tôi đi, mang theo sức sống hai mươi, gia nhập trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

    Tháng 11/1959 tôi nhập học khóa 16 trường VB/ĐL. Khóa tôi có trên hai trăm người, gồm những thanh niên trẻ khắp mọi nẻo đất nước miền Nam về đây để thi-thố, thử-thách với những cam go trước mặt...

    Sự hăm hở, háo hức ban đầu khi tập trung ở trước cổng trường đã nhường chỗ cho sự thất vọng, căm tức sau đó… Mới vào đã bị bắt chạy, đã bị khoá 14 đàn anh hành hạ, la lối, nạt nộ… Có người ném cả hành lý ở dọc đường, không muốn nhặt lại. Vào đây rồi là bị hành xác, bị kỷ luật. Phải từ giã mái tóc bồng bềnh bay bướm cuả thuở nào. Tập bò, tập chạy, tập ăn, tập nói, tập đi, tập đứng, tập ngồi… Học tập, canh gác dồn dập suốt ngày. Sau hai tuần lễ tất cả đã mất hết dáng dấp thư sinh. Một số chịu không nỗi hoặc bị bệnh xin trở lại dân chính. Cố gắng rồi tôi cũng qua được. Sau tám tuần lễ sơ khởi phải chinh phục đỉnh núi Lâm Viên, về mới được gắn cấp hiệu Sinh Viên SQ.

    Năm thứ nhứt bắt đầu với mùa học văn hoá và quân sự. Kỷ luật thật gắt gao, học tập và canh gác... Luôn luôn phải tỏ ra là Sinh viên gương mẫu; chào kính khóa đàn anh nghiêm chỉnh và làm gương cho khóa đàn em…

    Kết quả năm đầu: hơn năm mươi người phải rời khỏi trường vì thiều điểm văn hóa, mặc dù điểm quân sự cuả họ khá cao… như các bạn Thái quang Cẩm, em của Tướng Thái quang Hoàng...

    Giữa năm thứ hai, chúng tôi bắt đầu chọn quân chủng. Mộng đã thành sự thật đây… Hồi rất nhỏ khi tôi học tiểu học trường làng, thầy có dạy bài thơ nói về máy bay, độc đáo như sau :

    Máy bay thần tình thật
    Khi là là mặt đất
    Khi tít tịt trên không
    Lanh như con chim cắt
    Bay mà cánh không rũ
    Tiếng kêu ù ù dữ
    Hể nó bay đến đâu
    Rung rinh cả vũ trụ.


    Tôi cho là hay lắm … Lớn lên khi học trung học, tôi nhớ đọc cuốn truyện Đời Phi công cuả Toàn phong Nguyễn xuân Vinh. Chàng học bay bên trời Tây gửi thư về cho em ở quê nhà, có đoạn : “…Ban đêm nhìn lên trời em đếm được bao nhiêu vì sao, tình anh yêu em còn hơn thế nữa…” Tình tứ và lãng mạng quá… Cho nên, mê không gian là điều tôi từng ấp ủ trong lòng.

    Thế rồi một số SVSQ đưọc chọn về Sài gòn, vào Trung tâm Giám định Y khoa KQ ở Tân Sơn Nhất, khám sức khỏe, bị loại khá nhiều vì thiếu tiêu chuẩn. Tôi ở trong toán thủ Quốc và Quân kỳ của nhà trường : có tám người, được chọn năm người, ba người bị rớt sức khoẻ : có Tôn thất Chung -người cao ráo, khá bảnh trai, thủ Quân kỳ bị loại vì mắt loạn thị. Chàng ta buồn lắm. Cuối cùng có khoảng 20 người được chọn gia nhập K.Q.

    Cuối năm thứ hai ở quân trường, không khí đã khá dễ thở hơn, việc học tập được đà trôi chảy, hoa mai vàng cầm chắc trong tay. Bấy giờ chúng tôi là đại niên trưởng, được ra phố cuối tuần thoải mái hơn. Khoá 15/ĐL đã ra trường, khóa 17/ĐL được một năm, chúng tôi phải làm Huấn luyện viên cho khóa 18/ĐL trong tám tuần sơ khởi.

    Thời gian rồi cũng qua mau… đã gần hết năm thứ ba, khóa 19/ĐL đã nhập học. Vì nhu cầu chiến trường lúc bấy giờ, khóa tôi phải mãn khóa sớm hơn gần một năm. Chúng tôi lại phải tập diễn hành, tập trận Đống Đa, chuẩn bị cho ngày mãn khóa. Hôm đó là ngày 22-12-62. Một ngày thật đẹp trời, tôi còn nhớ mãi … Lễ mãn khóa đã diễn ra thật trang nghiêm, có Tổng Thống Ngô đình Diệm và quí vị Tướng lãnh, quan khách ngoại quốc tham dự…. Hai tiểu đoàn SVSQ K.16 hơn hai trăm ngừơi sắp thành hai khối ngay ngắn trước khán đài danh dự, với quân phục đại lễ màu trắng, SV khóa sau đứng hai bên. Sinh viên thủ khoa K.16/ĐL là bạn Bùi Quyền đứng giữa, gần khán đài. Sau diễn văn ngắn của Tổng thống NĐD., T.T. đặt tên cho khóa là khóa “Ấp Chiến Lược”. Ông Chỉ huy trưởng, cựu Đại tá Trần ngọc Huyến dõng dạc hô: “Quỳ xuống SVSQ!”, những cặp lon với hoa mai vàng được các SQ./HLV gắn lên vai cho mỗi người ; “Đứng dậy Tân Sĩ quan”, tất cả đồng loạt đứng lên, như cả một mùa xuân bừng dậy… Trong lòng mọi người hân hoan, rộn ràng niềm vui khó tả. “-Đêm nay mới thật là đêm, Ai đem trăng tưới lên trên vườn chè.”

    Những ngày tháng Không quân.


    Ngày tháng Không quân bắt đầu. Đầu năm 1963, chúng tôi trình diện Bộ Tư lệnh KQ. Tư lệnh KQ lúc ấy là cựu Đại Tá Huỳnh hữu Hiền. Chúng tôi làm các thủ tục ở phòng nhân viên; một số bạn vì vấn đề an ninh bị đưa về lại Bộ binh. Mọi việc xong xuôi, chúng tôi chuyển về căn cứ Huấn luyện /KQ ở Nha Trang, học Anh văn để đi du học. Mọi người phấn khởi, nhưng không kém phần lo lắng. Lại học, học nữa… những khó khăn đang đón chờ. Lúc đó Chỉ huy trưởng căn cứ HL/KQ ở Nha Trang là cựu Trung tá Nguyễn ngọc Oánh; Tiểu đoàn trưởng SVSQ và Khóa sinh là cựu Đại úy Đinh thế Truyền ; HLV Anh văn là cựu Đại úy Toàn và anh Hiển. Về Nha Trang, ở trong căn cứ, cơm hai bữa đã có câu lạc bộ. Khí hậu ở đây mát mẻ, cảnh đẹp, có dừa xanh, với bãi cát trắng chạy dọc đường Duy Tân, có những Kios rãi rác. Mỗi chiều, sau một ngày học Anh văn, luyện giọng, làm test, ra ngồi bãi biển mà hưởng cái mát, cái âm thanh rì rào cuả sóng biển mà ngẫm cuộc đời, nghĩ đến trường cũ, bạn bè mỗi người một nơi. Cuộc đời thật đáng yêu, nhưng cũng lắm thử thách, nhiều biến chuyển. Hàng ngày chúng tôi học Anh văn, làm Sĩ quan trực cho khóa 62C và khóa 63A. Có những buổi ra phi đạo học và quan sát các phi cơ, làm Baptême de l’air để lãnh tiền bay. Một hôm đi học trở về, ngang qua phi đạo thấy có một số SQ/phi công Khu trục đứng ở hangar. Họ mặc áo bay, đội nón rộng vành như Cowboy, mang súng, chống nạnh trông rất hách, nhìn chúng tôi một cách ít cảm tình. Có anh nói vọng vào : “Các ông bay bỏ bố chỉ có Trung uý; các anh mới qua đi học mà đã mang lon Thiếu uý.” Nhưng, rồi cũng là anh em cả, sau nầy chúng tôi rất gần gũi và thân mật với các anh nầy.

    Mấy tháng học tập, rồi thi ESL, một số đủ điểm được đi học bay Trực thăng ở Hoa Kỳ, có các bạn : Trương thành Tâm, Bảo Sung, Vĩnh Quốc, Hùng, Trần châu Rết, Nguyễn văn Ức, Dương quang Lễ, Bửu Ngô, Tân, Đinh quốc Thinh v.v…; học Khu trục có : Nguyễn Anh và Mai nguyên Hưng ( Hưng về sau bị tử nạn phi cơ, sau một phi vụ oanh kích trở về.) Phần còn lại có tôi, Toản, Toàn (tức ‘Tây già’ ), Khôi ( ‘già Rô’), Trừng, Nhường, Đằng, Tùng, Vọng, Châu ( ‘Thộn’ ), Châu ( ‘Lổ’ ), Châu ( ‘Ông chủ’ ). Phía KQ, có Vinh, Võ, Hậu, Ba ( ‘Bụng’ ), Hạnh, Phước, Khâm, Cao. Tôi về lại căn cứ TSN học khóa I Trực thăng với phi cơ H.19 do SQ/HLV Hoa Kỳ đảm trách. Phía Viêt Nam có cựu Đại úy Nguyễn huy Ánh ( sau nầy là Chuẩn tướng Sư đoàn trưởng SĐ 4 KQ; bị tử nạn phi cơ năm 1972. ); có Đại úy Thập - là SQ đại diện và theo dõi khóa học. Đây là khóa học Trực thăng đầu tiên tại Việt Nam. Không quân Hoa Kỳ biệt phái các SQ/HLV có khả năng nhất của họ; một số phi cơ H.19 mới được chuyển qua TSN. Các người trẻ mới ra trường, thích bay bổng, ai cũng tỏ ra hăm hở, thích thú. Tôi và Toàn (‘Tây già’) cùng bay với HLV là Lt. Albertson; sau tôi đổi qua bay chung với Toản và HLV Capt. Mayo. Lần đầu đi học, được HLV bay biểu diễn quanh vùng Sài gòn, bay lượn lã lướt, khi nhanh lúc chậm, lên cao xuống thấp… hover, force landing, autoration… để xem phản ứng của mình. Tôi rất bình tỉnh và tỏ ra thích thú nữa. Có lần, HLV bay một lúc rồi nói : “You have it”; tôi đáp “Okay, I have it”. Dưới đất đã briefing trước khi bay, nhưng lần đầu cầm lái nên tôi hơi vụng về. Tôi cố gắng và chăm chỉ rồi cũng quen thôi. Cuối cùng thầy thả cho tôi bay Solo. Đáp xuống một mình được, HLV và các bạn ôm choàng mừng rỡ. Sau đó là đến giai đoạn bay instrument… trước khi ra trường.

    Đ/úy Ánh bay “check progress” với tôi, ông bảo : “Anh bay cũng smooth lắm…”. Tôi biết tôi “gặp” trở ngại rồi.

    Lâm quang Đằng và tôi được BTL/KQ cho đi học khóa Quan Sát; khoảng giữa năm 63, cùng học với Sĩ quan Thủ Đức chuyển qua, có các bạn như : Nguyễn Phụng, Lưu, Khai, Nguyễn hữu Cảnh ( sau bay C.130 ở Phi đoàn 437 ), Kiệt, Sơn… Tôi lại trở về Nha Trang, gặp lại các anh em Khóa 17/ ĐL đang học khóa I Cessna, như : KQ Lê sĩ Thắng, Nguyễn duy Diệm, Nguyễn văn Thình, Vỏ Ý, Võ phi Hổ, Ngô Nhơn, Tòng, Thanh, Nhựt, Tám, Hựu, Huy, Vũ, Khải, Xuân, Anh, Lợi…

    Chúng tôi được chuyển về Biên Hòa tiếp tục học Quan Sát - Đại uý Trịnh văn Thân làm SQ trưởng toán HLV. Chúng tôi được mãn khoá và thuyên chuyển đi các Phi đoàn.

    Đầu năm 1964 tôi và KQ Đằng (sau tử nạn trong phi vụ hành quân 1965) được đưa về Phi đoàn 110 ở Đà Nẵng, gặp lại các KQ khoá 17/ ĐL như : Vũ, Thắng, Diệm, Khải, Xuân, Anh, Hựu, Lợi… Tôi cũng gặp lại các bạn Khoá 16/ ĐL như KQ Cao quảng Khôi và Châu ( ‘Thộn’ ) và biết các anh “Thợ bay” Trực thăng như KQ Nguyễn kim Bông, Đặng văn Phước, Võ văn Triệu.

    Vùng điạ đầu hỏa tuyến… có khá nhiều phi vụ hành quân. Toàn sĩ quan trẻ, đa số còn độc thân, không khí thân mật, bay chung với nhau rất vui. Mỗi khi đợi phi vụ, có thì giờ là đọc truyện kiếm hiệp, chơi Domino, thỉnh thoảng lén chơi xì phé. KQ Trần Dật rất hên, hay ăn lường đứng dậy đòi về, bị anh em chửi. KQ được ở thành phố, có vẻ nhàn nhã, nhưng nhiều hiểm nguy đang đợi chờ. Khi có phi vụ hành quân là họ xông xáo, bất chấp lửa đạn để yểm trợ quân bạn ở mọi tình huống, họ hết lòng với trách nhiệm, họ góp phần mang lại thắng lợi cho binh chủng bạn. Cũng có lắm chuyện đau lòng, như một hôm, vừa ăn điểm tâm ở câu lạc bộ buổi sáng, trưa không bao giờ còn gặp nhau lại nữa. Bạn Được Phi đoàn 516 bị trúng đạn khi chúi xuống thả bom, trong phi vụ yểm trợ quân bạn, mấy hôm sau mới mang xác về. Ôi, “Không quân đi, không ai tìm xác rơi…”

    Không quân lẫm liệt như thế, mong rằng có một hai con sâu sẽ không “làm rầu nồi canh”.

    Chỉ huy trưởng Phi đoàn 110 lúc đó là Đ/uý Ngô tấn Diêu, có Đ/uý Hoạt, Ba Lý, Nhơn, Lượng. Về sau Đ/uý Mạnh thay thế Đ/uý Diêu. Phi đoàn bạn là Phi đoàn Khu trục 516 -có QK Vượng, Châu, An, Du… Tôi có nhiều phi vụ hướng dẫn Khu trục đi đánh phá những mục tiêu và căn cứ cuả địch ở những vùng đồi núi sông rạch xa về phía Tam Kỳ. Nhớ hôm đi biệt phái Quảng ngãi, bay chung với phi công Mỹ, một hôm được lệnh hướng dẫn Khu trục oanh kích tự do một vùng đồi núi ở phiá tây bắc Quảng Ngãi. Khi bay xuống thấp thấy toàn thường dân mặc aó quần đen đang làm rẩy; sợ chết lầm dân vô tội, tôi đã hướng dẫn phi tuần AD6 thả bom trên núi. Về phi đoàn, tôi báo cáo phòng Quân báo : “Thấy có đám cháy lớn; hai tiếng nổ phụ… Chiến trường đã sôi động từ lúc đó.”


    Huế và tôi.

    Phi đoàn 110 ở Đà Nẵng gần Huế nên tôi rất thích. Huế đối với tôi có quá nhiều kỷ niệm. Tôi sinh ra và lớn lên ở đó, tôi còn nhớ các trường học mà tôi đã từng mài đủng quần từ lúc còn ấu thơ : trường tiểu học An truyền, Gia hội; học lớp Nhất trường Thế Dạ. Tôi còn nhớ tên Công Tằng Tôn nữ thị Phùng Thăng, nhớ Lan hay phụng phịu xin bỏ bớt điểm xấu vì hay nói chuyện trong lớp mỗi khi tôi giữ bản “Linh hoạt”. Nhớ thôn Vỹ, nơi có dòng họ Nguyễn Khoa, nổi tiếng khoa bảng… và những tên đẹp như Nguyễn khoa Diệu-Trang, Diệu-Hạnh v.v…; nơi mà Hàn Mặc Tử đã một thời vương vấn :

    Có ai về chơi thăm thôn Vỹ
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
    Lá trúc che ngang mặt chử điền…


    Phía Hàng me, bên kia Đập đá có Nga Mi, Trà Mi, Diệm Mi ( em của KQ Nguyễn đình Huệ bị tử nạn khi làm HLV Cessna ở Nha Trang; khi anh cố đáp sau đuôi của C130 đang cất cánh.).

    Nhớ trường Trung học Nguyễn Tri Phương -nơi mà năm 1952 khi thi vào Đệ thất, tôi đỗ hàng thứ ba; người đỗ đầu là Trần đại Bưu ; thứ hai là Nguyễn Doãn ; thứ tư là Nguyễn văn Cung ( hiện làm Bác sĩ ở Orange County ). Trong số ba trăm thí sinh trúng tuyển cuả một đám học sinh hơn hai ngàn người dự thi : gồm học trò ở Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hội An về hội thi. Mẹ tôi rất vui mừng !.

    Trường Quốc Học với cổng trường màu đỏ uy-nghi; có hàng phượng Vĩ với sân rộng, nhà chơi lớn; vào hè có ve kêu rền rỉ báo hiệu mùa thi sắp đến. Năm đệ Nhị, học sinh “học gạo”, học hết mình. Có khi ra học dưới ánh đèn đường trước nhà cho thoáng mát. Phải học để thi đỗ vì tương lai cho mình mà cũng là niềm hãnh diện của gia đình; phải đỗ Tú tài I vì sang năm lên đệ Nhất được học chung với con gái đẹp từ trường Đồng Khánh qua. Hai trường Quốc Học và Đồng Khánh rất gần nhau, đám con trai thường đứng bên nầy nhìn qua hoặc trêu ghẹo đám con gái áo trắng phía bên kia. Có lần bị thầy Hiệu trưởng Nguyễn văn Hai bắt gặp; ông xỉ vả, la mắng cho một trận mới thôi.

    Huế với sông Hương núi Ngự với đền đài lăng tẩm; nơi của mộng mơ. Có cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp; với mưa dầm gió bấc; với những cơn lụt lớn… Huế có bánh bèo bến Ngự, bún bò Gia Hội; có nữ sinh với áo dài tha thướt… với tiếng guốc khua vang rộn vỉa hè mỗi buổi tan học về. Về các cô gái Huế, Hà huyền Chi có những vần thơ hay :

    Gái Huế cười duyên sau nón Huế
    Trái tim bọc vải quấn trăm vòng
    Đã như biển động còn e lệ
    Tình nấp đằng sau những chấn song
    ……


    Tình cảm của tôi đối với Huế thiết tha như vậy… Nên khi ở căn cứ Đà Nẵng, tôi thường đi theo KQ Mai lái trực thăng về đó thăm khi có phi vụ.

    “Trước sau nào thấy bóng người
    Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông…”


    Biết là những người bạn năm xưa không còn nữa… tôi vẫn muốn về thăm Huế.

    Đà Nẵng với tôi.

    Đà Nẵng cũng là nơi đáng ghi nhớ của tôi. Ở đó, tôi được quen ông cụ thân sinh người bạn đời cuả tôi. Ông uyên thâm Hán học và giỏi về môn tử vi. Lúc đó nàng đang học Dược năm thứ hai ở Sài gòn, cùng là bạn đồng song với chị Hiếu ( phu nhân của KQ Đặng kim Qui ) và chị Thanh Hương ( phu nhân cựu Ch/T KQ Nguyễn văn Lượng ).

    Gần cuối năm 65 tôi lại phải thuyên chuyển về làm tại Bộ Chỉ Huy Hành Quân KQ, cũng được thuận tiện cho tôi được gần gũi và làm lễ cưới với nhà tôi.

    Bộ CH. HQKQ.

    Về BCHHQ/KQ tôi làm SQ trực Không vận, trưởng phòng là Th/Tá Trịnh văn Đào; ông vui tính và hay nói đùa, dáng rất khoẻ mạnh. Ở đây còn có Đại uý Quách văn Hảo trưởng phòng ALO, Đại uý Hồ thế Hạo -trưởng phòng Quân báo, Đại uý Bách, Tr/uý Hồng, Hiền TV, Sính. Chỉ huy trưởng là Tr/tá Vũ thượng Văn; CHP là Tr/tá Nguyễn hữu Tần (sau là Ch/tg SĐT/SĐ4 KQ). Mỗi chiều phải biết phi cơ khả dụng của Vận tải, Trực thăng để sắp xếp các chuyến bay hôm sau; thường xuyên theo dõi các phi vụ chuyển vận, tải thương, tiếp tế… Công việc bận rộn, có Th/tá Đào hay pha trò nên cũng vui. Rất tiếc Th/tá Đào đã thiệt mạng do tai nạn xe cộ ở đường Công Lý, trên đường về nhà. Hôm đưa đám anh, tôi về nhà lấy phong pháo còn lại đem đốt dưới chỗ để hòm, để khi di quan hồn ma sợ mà đi, không còn lẩn quẩn ở nhà nữa ( !? ) Trong khoảng thời gian nầy, có Th/tá Anh và Th/tá Long (oanh tạc Dinh Độc Lập 1962) bị tử nạn khi bay chung trên AD6 trong phi vụ huấn luyện ở Biên hòa.

    Đầu năm, BCHHQ dời qua khu nhà lầu lớn do KQ/ Hoa kỳ trao lại; Tr/tá Huỳnh văn Tính làm CHT, Tr/tá Nguyễn văn Lượng CHP, các phòng sở được tổ chức, trang bị đầy đủ. Các SQ có người đến kẻ đi… Tr/tá Trịnh hảo Tâm Trưởng khối Hành quân; Tr/tá Lê minh Luân Trưởng khối Kế hoạch; Tr/tá Phạm hữu Lộc Trưởng khối Không vận -có KQ Cương ( ‘Khào’ ) và Nguyễn văn Cử; Đại uý Nguyễn hữu Tuấn trưởng phòng ALO. Tôi làm SQ trực Hành quân chung với SQ trực Hoa kỳ. Công việc khá bận rộn, trách nhiệm nặng nề vì phải liên tục điều động và theo dõi các phi vụ yểm trợ hành quân khắp bốn vùng chiến thuật.

    Tết Mậu Thân 68.

    Đ/uý Tuấn gọi tôi và KQ Đinh sinh Long đi bay quan sát Sàigòn trên Cessna U17 lúc sáng sớm, bay vòng Bệnh viện Cọng Hòa đã thấy có mấy đám cháy; đài phát thanh, chợ Thiết cũng có đám cháy; thấy cả quân ta đang giao tranh với VC; dân chúng chạy hớt hãi hỗn loạn. Anh Tuấn cho máy bay xuống thấp gần ngọn cây để quan sát trên đường xuống Mỹ Tho, gần Bến Lức thì bỗng nghe tiếng nổ lộp bộp; đúng là một loạt đạn từ súng AK đang nhắm bắn vào chúng tôi. Phi cơ bị trúng đạn. Tôi thấy xăng chảy nhiều ở hai cánh, phi cơ mất cao độ, tôi rờ soát thân thể không thấy bị thương, tôi yên tâm. ĐSL liên lạc vô tuyến về BCHHQ/KQ báo cáo địa điểm bị bắn, anh Tuấn phải đáp khẩn cấp xuống phi trường Bình Đức. VC còn rót súng cối 81 ly vào thêm mấy quả… Hoàn cảnh chúng tôi lúc đó thật nguy hiểm. Trên phi trường không thấy phi cơ, không có bóng người; chúng tôi cũng không có súng để tự vệ. Chúng nó vào bắt chắc khó thoát… chết. Đến chiều may có một Cessna lên đón. Phi cơ đáp hờ xuống, chúng tôi phải chạy theo; cửa mở sẵn, nhảy lên thật lẹ và cất cánh luôn. Trời đã tối, thấy tôi về, nhà tôi mừng đến phát khóc. Sau đó phi cơ được câu về, anh Cơ khí viên đã đếm có hơn bốn mươi viên đạn AK trúng khắp thân và hai bình xăng. Anh Tuấn nói với chúng tôi: “Tụi bây bay với tao khỏi lo, ông Huỳnh Liên xem tao có mạng lớn đạp lên mìn cũng không nổ…” Thời gian ngắn sau đó anh đã bị nát thây vì quân khủng bố gài lựu đạn dưới xe Jeep của anh đậu trước nhà ở đường Trương minh Giảng.

    Giữa năm 69, Đ/tá Vũ văn Ước về làm CHT BCHHQ/KQ; CHP là Đ/tá Võ công Thống; các khối và phòng sở được sắp xếp qui cũ. Tôi làm Phụ tá trưởng phòng Thống kê và Huấn luyện. Tôi đã huấn luyện được nhiều khóa SQ/LLĐK cho các SQ bên Hải quân gửi qua học và cũng đã tổ chức nhiều khóa Tr/sĩ cho các binh sĩ thuộc bốn TTHQ/KT. Tôi có nhiều sự liên hệ với Tr/tá Tôn thất Lăng (K.16), KQ Hoàng như Á thuộc TTHL/KQ ở Nha Trang.

    Khóa 3/70 CHTM/KQ.

    Tôi không được đi biệt phái hành quân Kampuchia; nhưng được Đ/tá Ước đề cử theo học khóa 3/70 Chỉ huy và Tham mưu Trung cấp KQ tại Nha trang. Cựu Đ/tá Trần Phước là CHT của trường; Tr/tá Đặng văn Hậu là SQ Trưởng phòng Nghiên Huấn. Tôi gặp lại các anh em K16 và K17/ĐL làm HLV như KQ Vĩnh Quốc, Đinh quốc Hùng, Nguyễn văn Thình… Khoá 3/70 phần lớn là cấp bậc Th/Tá như: KQ Phạm văn Hiệp, An văn Nhất, Trần đình Giao, Phiếu, Cầu, Lượng ( ‘Môi’ ), Hùng ( ‘ống nhổ’ ), Ngọ, Thủy, Lạc… Một số trong khóa ở ngành Vận tải, nên week-end nào cũng có C47 đón về SNG. Một hôm phi cơ cất cánh từ Nha Trang bay về phía biển chưa được bao lâu thì nghe động cơ kêu lụp bụp, mất cao độ, anh em hơi tái mặt, anh AVN nhanh nhẹn dành tay lái - điều chỉnh một lúc, phi cơ bay bình thường về đáp SGN luôn, anh em nhìn nhau mà mừng.

    Mấy tháng học CH/TM ở NTG, tôi có nhiều kỹ niệm. HLV và học viên thảo luận nhiều vấn đề thuộc nhiều lãnh vực: Thông đạt; giao tế; giải quyết vấn đề; tổ chức quân đội v.v… thể thao thể dục được luyện tập hằng ngày. Không khí lớp học sôi động, hợp tác và có sự tôn trọng ý kiến lẫn nhau. Lễ mãn khóa được tổ chức trang nghiêm, đỗ đầu lớp là SQ Phạm văn Hiệp.

    Tôi học Luật.

    Về SGN tôi tiếp tục đi học trường Luật. Trước đó, tôi đã ghi danh học Luật, nơi có “con đường Duy Tân cây dài bóng mát…”; tôi đã trả lời người bạn học rằng : “Anh ở dân sự học được, tôi là quân nhân nhưng nếu có cơ hội, tôi cũng học được.” Khi xong công việc hoặc sau giờ làm việc là tôi vội vàng đến trường, ghi chép, nghe lời thầy giảng. Viện Trưởng là Gs. Vũ văn Mẫu; các Gs giảng viên là Tăng kim Đông, Nguyễn văn Vọng, Vũ quốc Thông, Vũ quốc Thúc, Trần chánh Thành, Gs Nguyên văn Lại. Tôi không có thì giờ nhiều và không được thoải mái khi có giờ học cần nghe mà công việc ở BCH thì chưa xong, tôi đành phải mặc nguyên quân phục, có khi mang cả lon lá đến trường luôn cho kịp giờ học. Các người bạn học thấy tôi ở nhà binh mà chịu khó, họ đâm có cảm tình. Tôi được may mắn gặp CHT là Đ/tá Ước đã nâng đỡ cho đàn em hiếu học. Ông lờ để tôi được đi học là quí lắm rồi. Sau bốn năm học, tôi đã lấy xong Cử nhân Luật (ban Công pháp).

    Thừa thắng xông lên. Tôi ghi danh học Cao học khóa II Chính trị & Kinh doanh thuộc Viện Đại học Đà lạt, có chi nhánh tại Thương xá Tax ở SGN. Viện trưởng lúc đó là Gs. Phó bá Long. Điều ngẫu nhiên lý thú là tôi gặp anh Nghiêm xuân Khuyến ( cựu Tr/tá KQ ), anh dạy tôi về môn Tiếp Thị. Gặp tôi, anh cười hỏi: “Cậu vào học đây à ?”; “Dân học mà, cũng như anh vậy!” Tôi đáp, anh em cùng cười xòa vui vẻ. Anh thường quây bài ronéo, phát từng đống cho SV mang về học. Có các môn khác như: Phân tích Định lượng ( Gs Dật ); Tài chánh xí nghiệp ( Gs Uông ); Động thái tổ chức (Gs Long ); Thẩm lượng dự án đầu tư ( Gs Hiển ). Một nhân vật làm rạng danh KQ là anh Dương xuân Nhơn ( cựu Tr/tá KQ ), anh đã đỗ đầu Khóa I Cao học ban Kinh doanh, nhà trường ai cũng biết anh học giỏi. Tôi sắp thi cuối năm I thì gặp biến cố trọng đại của đất nước.

    Tháng Tư buồn.

    Nhà tôi làm việc cho Bank of America ở SGN. Chúng tôi được nhà Bank cho di tản khỏi Việt Nam. Nhờ ơn Trời Phật che chở phù hộ; trong đời tôi được gặp nhiều may mắn ! Giám đốc của BofA là ông Tussey và anh Lê hữu Lựu, anh Vỏ văn Thân trưởng phòng Nhân viên đã dàn xếp sắp đặt cho chúng tôi được đi. Hôm đi có một số quân nhân thuộc gia đình các bà. Quân nhân có thể bị Quân cảnh bắt trở lại; ông người Mỹ/CIA cho biết như vậy. Có người muốn trở về. Cuối cùng nhờ sự lanh trí và khôn khéo của chị Mộng Lan -phụ tá Tr. phòng Nhân viên, tìm cách đưa chúng tôi vào căn cứ DAO ở trong phi trường TSN. Chiều ngày 24/4/75 ở trong DAO, tôi có mặc cảm của một quân nhân đào ngũ; nhưng tôi biết hoàn cảnh khó khăn của đất nước lúc bấy giờ. Bỏ nước mà đi, mọi thứ để lại đằng sau… Chiều hôm đó tôi thấy có một số SQ có cấp bực và chức vụ cao đã đưa thân nhân của họ vào để đi trước. Sáng ngày 25/4/75, C130 của KQ/Hoa kỳ đưa chúng tôi đến Guam. Sau đó chuyển đến căn cứ Pendleton ở San Diego. Khoảng một tháng sau, chúng tôi được BofA bảo lãnh về ở tại Alvingroom – Oakland, California.

    Cuộc sống mới.

    Cuộc sống mới nơi đất khách, chúng tôi thấy xa lạ. Lúc đó người Việt ta qua đây không nhiều, đi chợ hoặc shopping gặp nhau mừng lắm, lạ cũng thành quen, hỏi han chuyện trò ríu rít. Nhà hàng ăn cũng ít có, ở Oakland mà phải lái xe hơn nửa tiếng qua bên San Francisco để ăn một tô phở. Có được tape nhạc nào là trao cho nhau mượn, sang băng lại mà nghe. Mỗi người biết làm một món ăn, các bà trao đổi kinh nghiệm, về sau ai cũng biết nấu mỗi ngươi vài ba món: phở, hủ tiếu, bún bò Huế… Các con em được đi học trường địa phương. Chỉ một thời ngắn sau các cháu đã theo kịp và học rất khá. Trong nhóm gia đình làm nhà bank, có người thì đi học, người đi làm công việc khác nhau. Nỗi buồn xa nơi chôn nhau cắt rốn, xa quê hương, mất mát, xa người thân thuộc, gia đình tan nát đè nặng lên tâm tư mỗi người. Cuộc sống bận rộn, tháng ngày cũng lặng lẽ trôi qua. Chúng tôi cũng biết được một số tin tức bên quê nhà. Tôi vừa đi làm vừa đi học về Data processing vài năm trên College, sau tôi đi làm cho Tymeshare, GTE, Amdhal và sau cùng làm Programmer/Analyst cho Wells Fargo Bank trong toán Maintenance/development ( language chính là Cobol.). Đồng lương của Mỹ cũng không phải dễ. Khi phải trực “on call”, có đêm 2, 3 giờ sáng bị gọi để sửa chữa System khi có trở ngại; gặp lỗi phức tạp phải mất cả hàng giờ. Hệ thống Mainframe, CPU khá lớn, một giờ máy không chạy mất của họ rất nhiều tiền. Trời San Francisco lạnh mà đôi khi tôi đã toát mồ hôi.

    Vì đâu nên nỗi?.

    Có lúc buồn, tôi miên man nghĩ ngợi… Tôi có hơn mười lăm năm trong quân ngũ, có lẽ tôi đã đóng góp phần nhỏ công sức của mình cho đất nước. Những người bạn, những người lính anh hùng của Quân đội VNCH đã bền gan chiến đấu trong hơn hai mươi năm thì công lao của họ quá lớn lao. Bao nhiêu người đã nằm xuống, bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ miền Nam tự do. Sau ngày miền Nam sụp đổ, có nhiều người đã viết về nhiều nguyên nhân, có thể đúng ít nhiều. Sự kiện một chính thể Quốc gia bị xóa tên trên bản đồ, một dân tộc bị gông cùm đói khổ, thì không thể chỉ có một nguyên nhân đơn thuần, mà do nhiều nguyên nhân phức tạp khác tạo nên : Chính sách thối nát, chính khách bất nhân, đồng minh phản bội, nhà tu bán lương tâm, nội tuyến tung hoành… và dĩ nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác. Dù nguyên nhân nào đi nữa, nếu không có sự hy sinh to lớn của Quân đội VNCH, không có những chiến sĩ anh hùng quả cảm, không có những chiến thắng vẻ vang oanh liệt của Quân đội ta thì với ý đồ xâm chiếm miền Nam và bản chất ‘gian manh’ của VC, chắc miền Nam chúng ta đã mất từ lâu vào tay người Cọng sản. Không biết ngày nay chúng ta sẽ ra sao?

    Có khi, cách đây 18 năm, tôi cũng lẩm cẩm nghĩ rằng: Nếu như quân đội chúng ta còn tồn tại đến bấy giờ -theo luật đào thải, tre già măng mọc, thì thế hệ chúng tôi đã có những người thuộc Không quân, Hải quân, Thủ Đức, Võ bị Đà Lạt đã có những vị có cấp bậc lớn, cầm giữ những chức vụ quan trọng trong Quân đội. Hồi trước 75, riêng khóa 16/ĐL đã có những người mang cấp bậc Đại tá, giữ các chức vụ: Trung đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn phó của Nhảy dù và TQLC, như : Nguyễn văn Huy, Nguyễn hữu Thông, Nguyễn Thiều, Vĩnh Dác, Đăng phước Thành, Nguyễn xuân Phúc, Đỗ hữu Tùng, Nguyễn đằng Tống, Lê minh Ngọc… KQ đã có những Tr/Tá giữ chức vụ Không đoàn trưởng, Phi đoàn trưởng, như : Trương thành Tâm, Nguyễn văn Ức, Trần châu Rết, Dương quang Lễ, Cao quang Khôi. Hải quân có Tr/Tá Hạm Trưởng: Nguyễn như Phú, Hoàng Đ. Thanh. Vận nước đã an bài, làm sao biến đổi được!.


    Vững tin ngày mai.

    Cách đây hơn mười năm, tôi gặp lại người bạn đồng khóa từ VN mới đến, anh nửa đùa nửa thật nói với tôi rằng: “Bây giờ tao mới qua đây, trâu chậm uống nước đục…” Tôi không nghĩ như vậy, đây là xứ sở của cơ hội, hôm nào còn thấy xe cộ chạy tấp nập ngày đêm trên xa lộ, các dinh thự còn mọc lên, thì mọi đón mời vẫn còn đó… Nhưng không may, chúng ta qua sau nầy… sau bao năm trong ngục tù Cọng sản, sức khỏe bị suy giảm, lại thêm tuổi đời chồng chất, không có được nhiều chọn lựa. Nhưng may mắn thay là chúng ta có thế hệ con cháu. Người Việt vốn thông minh, cần cù, nhẫn nại, chăm chỉ; đã có bao gương thành công, danh vọng hiển hách trong mọi lãnh vực ở khắp năm châu bốn bể của thế hệ trẻ. Nhà nào cũng có con em tốt nghiệp Đại học.

    Ước mong một ngày không xa, khi không còn chế độ cộng sản, những con em thế hệ trẻ trở về xây dựng lại quê hương xứ sở trong tự do, ấm no, thanh bình và thịnh vượng. Hãy vững tin ngày ấy sẽ đến.

    Mùa Xuân Cali. 2004

    Nguyễn văn An


    (http://www.thaiduong530.com/id38.html)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X