Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Màu thời gian

Collapse
X

Màu thời gian

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Màu thời gian

    Màu thời gian
    thơ Đoàn Phú Tứ
    nhạc Phạm Duy
    ca sĩ Thái Hiền





    Last edited by chimtroi; 05-28-2021, 07:16 AM.

  • #2
    Đi tìm Màu thời gian

    Có những bài thơ chỉ đi thoảng qua trí óc người đọc như một cơn gió, nhưng cũng có những bài thơ đã neo lại vững chắc trong tâm trí người đọc, trụ lại mãi với thời gian. Người đọc nhiều khi rơi nước mắt khóc cùng tác giả, cũng có khi họ để cho trái tim mình đập rạo rực theo cái sôi nổi của nhà thơ. Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ là một bài thơ như thế! Có gì đó bâng khuâng, xao xuyến không diễn tả được bằng lời cứ ngưng đọng đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn ta.
    Lang thang trong vườn thơ, ta tự hỏi lòng thơ là gì mà có sức lôi cuốn kỳ diệu đến thế? “thơ là chiếc lá gửi đi cho đời” (Xuân Diệu)? Hay “thơ là tình cảm ở nồng độ mãnh liệt, là cảm giác phát triển toàn vẹn đến gần đứt sự sống” (Hàn Mặc Tử)? Nhưng rồi, ta tự nhủ với lòng, thơ hay một mặt vì nội dung – cảm xúc thật của thi nhân gửi vào trong đó, nhưng mặt khác, thơ hấp dẫn ta bởi hình thức, bởi ngay từng câu chữ. Hình thức cũng chính là nội dung, hình thức chuyển tải, bộc lộ nội dung, mà cụ thể hơn ở đây, nó được thể hiện trên ngôn từ, trên lời thơ và trong từng câu chữ.
    Mỗi loại hình nghệ thuật có một phương tiện diễn đạt đặc thù: với hội họa là màu sắc, đường nét, với âm nhạc là âm thanh, tiết tấu, với điêu khắc là hình khối… còn phương tiện diễn đạt của văn học là ngôn ngữ - qua sáng tạo của nhà văn, trở thành lời văn nghệ thuật với những đặc trưng riêng như tính hình tượng, tính tổ chức cao, tính hàm súc, tính biểu cảm, tính “đích đáng”, và đặc biệt, nó có tính thẫm mỹ rất cao.
    Quay trở lại với vườn thơ, ta đang dừng bước trước Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Và điều gì đã khiến bước chân ta khựng lại? Trước hết đó là vì tiêu đề “có tính cách triết học” (chữ của Hoài Thanh) của bài thơ. Ồ! Thì ra thời gian cũng có màu! Xưa nay, ta cứ tưởng nó không màu, không mùi, không vị, và nó đã một đi thì không bao giờ trở lại. Vậy mà hôm nay, ta chợt nghe thi nhân nói nó có “màu” – màu thời gian, một quan niệm độc đáo chưa từng thấy xưa nay trong thơ. Và mãi mê trong ý nghĩ đó, ta bỗng lạc chân vào một buổi sáng đẹp trời của nhà thơ:

    Sớm nay tiếng chim thanh
    Trong gió xanh
    Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình


    Tiếng chim trong trẻo tan trong gió xanh, gợi lên cảm giác nhẹ nhàng và mát mẻ. Không những thời gian có màu mà cơn gió cũng có màu. Một buổi sáng đẹp trời, có tiếng chim hòa trong gió, gợi nhà thơ nhớ về “xuân tình”. Hai vần “ương” đặt cạnh nhau làm tăng thêm âm điệu vương vấn cho câu thơ. “Hương ấm” của tình yêu ngày xưa như còn vương vấn, ngưng đọng đâu đây trong tâm hồn thi sĩ. Cách hiệp vần thanh – xanh – tình ở cuối câu, và cả ba đều là vần bằng làm cho khổ thơ như chùng nhẹ xuống, trở nên nhẹ nhàng hơn.
    Trước khung cảnh thiên nhiên ấy, nỗi niềm hoài cổ chợt ùa về với thi nhân:

    Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
    Ta lặng dâng nàng
    Trời mây phảng phất nhuốm thời gian


    “Thi nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện. Xưa có người cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất không chịu cho vua Hán Võ đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu” (Hoài Thanh). Còn cái tên Tần phi, thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng, như chính cách cảm nhận rất riêng về màu của thời gian vậy. Chuyện xưa đã quên lãng, “ngàn xưa không lạnh nữa”, nay nhớ lại bỗng thấy lòng nôn nao, bồi hồi. Thi nhân lặng dâng lên “nàng” cả “trời mây phảng phất nhuốm thời gian”. Ta như nghe được trong đó một nỗi buồn phảng phất. Một tình yêu đẹp, nhưng đơn phương. Thi nhân đã không dám thổ lộ, chỉ lặng lẽ, âm thầm dâng cả hồn mình cho “nàng” – cho người riêng. Từ “dâng” được dùng ở đây tăng thêm sự trang trọng, thiêng liêng cho tình yêu của nhà thơ. Còn từ “nhuốm” làm giảm đi sự nặng nề và đưa lại cảm giác nhẹ nhàng cho câu thơ cũng như cho nỗi lòng của người thi sĩ tình si. Trời mây đáng lẽ là màu xanh, nhưng vì đã nhuốm màu thời gian, mà thời gian lại màu “tím ngát” nên trời mây cũng trở nên hóa màu. Người riêng thích màu tím, và màu tím nhẹ nhàng ấy đã tràn ngập đôi con mắt của thi nhân, khiến cho thi nhân thấy cái gì cũng phảng phất tím, thời gian cũng tím:

    Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh


    Thật là một khám phá bất ngờ! Ta nhớ lại xưa nay “người Pháp thường bảo thời gian màu xanh” (lời của Hoài Thanh), nhưng Đoàn Phú Tứ không thấy thế, dưới con mắt nhà thơ, cơn gió màu “xanh”, còn “màu thời gian không xanh – màu thời gian tím ngát”. Và phải chăng “màu thời gian” ở đây chính là màu của tình yêu? Nhà thơ không đồng nhất màu thời gian – màu tình yêu với màu của thiên nhiên, cảnh vật. Thời gian – tình yêu mang một màu rất riêng, và còn có cả hương nữa, nó khẳng định rằng tình yêu có những nét riêng, độc đáo riêng, và của riêng mỗi người. Có người thấy tình yêu màu hồng, có người thấy tình yêu màu đỏ nhung, còn với thi nhân của chúng ta, tình yêu cũng như thời gian có màu “tím ngát”. Màu “tím ngát” của thời gian và cũng là màu của tình yêu ấy rất riêng, là của riêng thi nhân, thi nhân giấu kín trong lòng, không thổ lộ. Hai gam màu tím và xanh được đưa vào thơ. Gam màu nhẹ gợi lên sự nhẹ nhàng cho khổ thơ. Hai cụm từ “màu thời gian” và “hương thời gian” được tác giả nhắc lại như muốn khẳng định rõ hơn màu và hương của thời gian là “tím ngát” và “thanh thanh” chứ “không xanh”, “không nồng”. Khẳng định lại nhưng với một sắc điệu vẫn rất nhẹ nhàng, không hề gay gắt. Người riêng của thi nhân thích màu tím, hay một thứ hoa màu tím, vì thế mà mỗi khi bên nhau thi nhân bỗng thấy dường như thời gian cũng hóa màu tím – màu của người riêng – màu của sự thủy chung, của sự dịu dàng nơi “em”. Và màu tím cũng hiện lên như một chứng nhân cho sự thủy chung của thi nhân về một mối tình thơ mộng. Màu hoa lẫn với màu yêu. Thời gian đã qua, bây giờ ngồi nhớ lại, có gì đó xốn xang và nhẹ lòng. Chính vì thế mà “hương thời gian” – hương tình yêu “không nồng”, không quá đậm, nó “thanh thanh”, nhẹ nhàng và cũng tinh khôi như tình yêu mới chớm. Hai từ “thanh thanh” làm tăng thêm sự nhẹ nhàng, tăng thêm sự tinh khôi cho tình yêu cũng như thời gian trong ký ức của tác giả. Và nó cũng tràn sang trong cảm nhận của độc giả như một quy luật lây lan, khiến lòng ta cũng lâng lâng, bâng khuâng hoài niệm cùng thi sĩ:

    Tóc mây một món chiếc dao vàng
    Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
    Trăm năm tình cũ lìa không hận
    Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng


    Lại một điển tích ngày xưa, khi Dương Quý Phi mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng rồi nhớ quá nên lại sai người ra thăm, Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Trông thấy tóc, vua thương quá nên lại vời nàng vào cung. “Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này với chuyện Lý phu nhân làm một và tưởng tượng một người cung phi lúc gần mất không chịu để vua xem mặt, chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại trong muôn một mối tình trìu mến của đấng quân vương, ở đây không có chuyện cắt tóc nhưng có chuyện khác cũng tương tự như vậy” (Hoài Thanh). Ta như thấy hiện ra trước mắt mình hình ảnh người cung phi “e lệ” dấu mặt dâng lên nhà vua “món” “tóc mây” như một kỷ vật thiêng liêng. Chữ “phụng” được sử dụng rất đắt, “rất kín đáo” (chữ của Hoài Thanh). Theo như Hoài Thanh, nếu dùng chữ “dâng” thì sẽ xa vời, dùng chữ “tặng” thì suồng sã quá, vì thế mà chữ “phụng” là thích hợp nhất, là hay nhất. Chữ “phụng” ở đây là một chữ như thế, nó bộc lộ tài năng và sự tinh tế của tác giả.
    Từ bốn dòng thơ ngũ ngôn, thi nhân chuyển sang thất ngôn, gợi lại chuyện ngày xưa bằng một thể thơ xưa. Ở khổ trên, từ cuối của câu đầu hiệp vần với từ cuối của câu cuối (xanh – thanh), ở khổ này cũng vậy (vàng – chàng), và đều là vần bằng, nó làm cho bài thơ như có gì đó lắng xuống, nhẹ nhàng, và nhịp thơ như chậm lại, khớp với tâm trạng của một người đang hoài niệm. Rồi điệu thơ lại trở lại ngũ ngôn với hương màu cũ:

    Duyên trăm năm dứt đoạn
    Tình một thuở còn hương
    Hương thời gian thanh thanh
    Màu thời gian tím ngát


    Đến đây, tất cả đều được “mở nút”. Chuyện tình của thi nhân là một chuyện tình buồn nhưng rất đẹp, rất nên thơ. Người ta vẫn thường nói: “tình chỉ đẹp khi tình dang dở”. Dang dở nhưng họ sẽ nhớ về nhau mãi, dang dở nhưng tình vẫn luôn đậm sâu. “Duyên trăm năm dứt đoạn” nhưng tình yêu của thi nhân mãi vẫn thế, vẫn “còn hương”. Hương ấy là hương của tình yêu, và giờ đây, nó cũng đồng thời là hương của thời gian, “không nồng”, không quá đậm, nó nhẹ nhàng, “thanh thanh” nhưng thật sâu lắng. Còn màu tình yêu – màu thời gian cũng vẫn mãi “tím ngát”, dìu dịu như mối tình buồn của thi nhân. Sự lặp lại này khẳng định lại một lần nữa màu và hương của thời gian là “tím ngát” và “thanh thanh”. Từ “hương” ở cuối câu thứ hai được tiếp nối ở đầu câu thứ ba, từ “hương tình” chuyển sang “hương thời gian” phần nào làm sáng rõ hơn tiêu đề đầy ẩn dụ của thi phẩm.
    Cả bài thơ chỉ có duy nhất một dấu phẩy, không có dấu chấm câu, sử dụng rất nhiều vần bằng, nó làm cho mạch thơ như dàn trải, mênh mang nhẹ nhàng như chính tâm trạng của thi nhân khi hoài niệm. Và thi nhân khép lại dòng hoài niệm ấy bằng sự khẳng định lại màu và hương của thời gian một lần nữa, như muốn khẳng định lại tình cảm của mình lúc xưa, đến giờ vẫn còn “hương”.
    Và ta bỗng nhận ra, “màu thời gian” thật đặc biệt. Mỗi chúng ta sẽ có một màu thời gian khác nhau, một màu thời gian cho riêng mình khi đã một lần tiếp xúc với thi phẩm này. Cứ như thế, bài thơ đi vào lòng người nhẹ nhàng, nhẹ nhàng và đọng lại ở đó thật lâu, mãi mãi… (Ngô Thị Thúy Nga)

    Đoàn Phú Tứ (1910-1989) sinh tại Hà Nội. Ông đậu Tú tài Pháp năm 1932 sau đó, khi đang học dở trường Luật năm thứ hai thì bỏ học đi làm báo. Ông viết cho các báo Phong hoá, Ngày nay. Năm 1937 ông đứng chủ trương tờ Tinh hoa. Năm 1942, cùng với Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát sáng lập nhóm Xuân thu nhã tập. Ông là cây bút nòng cốt của nhóm chủ trương hình thức văn chương không theo khuôn mẫu này. Trong sự nghiệp sáng tác, Đoàn Phú Tứ soạn kịch, hoạt động sân khấu là chính và ít làm thơ, ngoài ra ông còn là dịch giả của nhiều tác phẩm của các tác giả lớn phương Tây. (nguồn: internet)


    Màu thời gian
    thơ Đoàn Phú Tứ,
    nhạc Nguyễn Xuân Khoát
    ca sĩ Bích Hồng



    Last edited by chimtroi; 05-28-2021, 07:17 AM.

    Comment


    • #3
      Màu Thời Gian
      sáng tác Phạm Mạnh Cương
      tiếng hát Thái Thanh






      Last edited by chimtroi; 05-28-2021, 07:18 AM.

      Comment


      • #4

        Màu Thời Gian (sáng tác Phạm Mạnh Cương) - tiếng hát Thanh Thúy









        Những độc đáo của Màu Thời Gian

        Để hiểu một tác phẩm, dù văn xuôi hay thơ, người đọc cũng phải nắm bắt ngữ cảnh của nó mà ngữ cảnh trực tiếp đầu tiên là quy tắc ngôn ngữ của văn bản. Trên tinh thần đó, chúng tôi tìm hiểu Màu Thời Gian của Đoàn Phú Tứ. Màu thời gian là thi phẩm vượt thời gian, nó được khẳng định là một trong những “bài thơ tiêu biểu của thơ tượng trưng hiện đại Việt Nam”(1). Chủ nghĩa tượng trưng quan niệm: thơ là thứ siêu cảm giác, là thứ không phải để giải thích. Nhưng, mọi điều được nói ra dù sao cũng không thoát khỏi văn bản, tức ít nhất nó cũng phải tuân theo những quy tắc hành chức của ngôn ngữ.

        Sớm nay tiếng chim thanh
        Trong gió thanh
        Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
        Ngàn xưa không lạnh nữa - Tần Phi!
        Ta lặng dâng nàng
        Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

        Màu thời gian không xanh
        Màu thời gian tím ngát
        Hương thời gian không nồng
        Hương thời gian thanh thanh

        Tóc mây một món chiếc dao vàng
        Nghìn trùng e lệ phụng Quân Vương
        Trăm năm tình cũ lìa không hận
        Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
        Duyên trăm năm đứt đoạn
        Tình một thuở còn hương
        Hương thời gian thanh thanh
        Màu thời gian tím ngát.


        Xét về mặt ngôn ngữ Màu thời gian có những điểm độc đáo sau:

        Thứ nhất: Các dòng thơ hầu hết kết thúc ở âm tiết có thanh bằng (tỉ lệ 14/ 18 âm tiết). Và, nhìn một cách tổng thể, thanh bằng là thanh chủ đạo của bài thơ (bài thơ có 101 âm tiết thì có tới 75 âm tiết có thanh bằng).

        Thứ hai: Các tính từ chỉ màu sắc, âm thanh đều gợi đến cái gì đó tươi sáng, nhẹ nhàng, bàng bạc giống như các từ cùng trường nghĩa: thanh, xanh, ấm, (không) lạnh, tím ngát, (không) nồng, thanh thanh.

        Thứ ba: Những từ chỉ thời gian (ngoài “sớm nay”) chủ yếu là chỉ thời gian quá khứ (quá khứ xa): ngàn xưa, trăm năm, một thuở. Nhưng thời gian quá khứ ấy lại gợi nhắc, liên đới tới thời gian hiện tại nhờ sự kết hợp (phủ định ý nghĩa) trong nội bộ câu thơ: không lạnh nữa, đứt đoạn, còn hương.

        Thứ tư: Tổ chức những câu thơ lặp, gồm lặp toàn phần và lặp lại cấu trúc: Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh… Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát. Bên cạnh đó còn có một số câu thơ đang đối với nhau như những câu thơ biền ngẫu: Tóc mây một món chiếc dao vàng/ Nghìn trùng e lệ phụng Quân Vương/ Trăm năm tình cũ lìa không hận/ Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng/ Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình một thuở còn hương.

        Những độc đáo nghệ thuật trên đây đã làm cho Màu Thời Gian ánh lên những vẻ đẹp của thơ tượng trưng. Dĩ nhiên không phải hễ bài thơ nào có các đặc điểm trên đều thuộc thơ tương trưng, điều này chúng tôi sẽ bàn sau, ít nhất ở đây chúng tôi chỉ áp dụng cho trường hợp Màu thời gian.

        Các nhà tượng trưng quan niệm thơ phải gắn chặt với âm nhạc, vì âm nhạc có thể truyền đạt các sắc thái, các bán âm (khác với quan niệm của các nhà lãng mạn: thơ gắn với hội hoạ - vì nhà thơ lãng mạn luôn thể hiện sự háo hức miêu tả (trực cảm)). Bản thân chữ không chỉ có giá trị biểu đạt mà còn có sức ngân vang. Do đó chữ trở thành cơ sở của nhạc. Nhưng, sức ngân vang ấy chính chữ (từ) không thể thâu gom, không thể chứa đựng nổi, bởi ngân vang ấy là tiếng vọng từ bao la của tiếng gọi, tiếng động, thậm chí tinh vi nhất trong cuộc đời (được kết tinh khá trọn vẹn trong âm nhạc). Thơ phải gắn với nhạc là vì vậy. Valéry phát biểu: “thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa”. Và trên thực tế, giữa âm nhạc và thơ ca (tách riêng hai mảng khác nhau) luôn có mối hoà kết kì lạ. Trong Màu thời gian tính nhạc trở thành một nét nổi bật. Với sự chủ đạo của thanh bằng (đặc điểm của thanh bằng là đường nét bằng phẳng, kéo dài), bài thơ gợi một sự lan toả, rộng mở. Những thanh bằng cuối câu tạo nên độ mở, những thanh bằng giữa dòng tạo những sự tác động lan toả có tính chất dây chuyền. Thanh bằng còn có sự kết hợp với một số thanh trắc tạo nên những điểm nhấn nghệ thuật. Rõ nhất là câu: Duyên trăm năm đứt đoạn, thanh sắc (đứt) có đường nét âm thanh đi thẳng, hướng dần lên trên, thanh nặng (đoạn) ngược lại, đường đi ngắn, đi xuống (có nét cong dần) tạo nên sự chia ly đứt gãy và do đó nhạc điệu trở nên réo rắt.

        Nhạc điệu của bài thơ còn được tạo nên bởi những câu thơ lặp, những câu thơ đang đối với nhau. Trên thực tế những câu thơ lặp, những câu thơ đang đối với nhau được đảm bảo nhờ nhịp ngắt. Nhịp là điểm cơ bản để các câu thơ vận hành trong tương quan. Trong câu thơ tiếng Việt, nhịp là hình thức tiêu biểu thể hiện rõ nét tính nhạc. Khi nói về những câu thơ có hình thức đang đối, Phan Ngọc cho rằng, nó làm cho nhịp điệu thơ chậm lại, đem lại cái đẹp nhịp nhàng(2).

        Những yếu tố ngôn ngữ tạo nhạc trên kết hợp một cách nhuần nhuyễn với những từ chỉ màu sắc, âm thanh có tính chất nhẹ nhàng đã toát lên âm điệu chủ đạo của bài thơ, nó làm cho thơ có một âm hưởng lan toả, nhẹ nhàng, vừa mênh mang, giàu sức gợi lại đôi lúc réo rắt. Do đó không phải ngẫu nhiên, mới đây, nó đã được nhạc sĩ Trọng Đài chọn cho một nhịp phách phù hợp - nhịp phách của ca trù.

        Mỹ học tượng trưng quan niệm: giữa con người và vũ trụ có mối tương quan bí mật, đó là các mối tương quan ý niệm, tương quan cảm giác, tương quan không gian, màu sắc. Baudelaire đã phát biểu: “Mùi hương, màu sắc âm thanh tương giao cùng nhau”. Ông viết trong bài Tương ứng: “Có những mùi hương mát như da thịt trẻ con, ngọt ngào như tiếng sáo, xanh mượt như cỏ non”(3). Sự tương giao này trong văn học cổ phương Đông đã thể hiện nhưng đó là tương giao giữa đại ngã và tiểu ngã, và mơ ước của con người là hoà cái tiểu ngã của mình vào cái đại ngã của vũ trụ, thiên nhiên, còn tượng trưng là sự tương giao qua trực giác, con người cảm nhận được mối quan hệ ấy bằng trực giác. Ta có thể thấy mối quan hệ này trong Màu Thời Gian. Màu Thời Gian có những sự kết hợp kỳ lạ mà theo tư duy thông thường là phi lôgic ngữ nghĩa: tiếng chim thanh, gió xanh, hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngát. Những tính từ chỉ màu sắc, âm thanh đóng vai trò làm bật nổi tính chất kết hợp, cho thấy sự tương hoà các giác quan. Bởi có sự tương hoà các giác quan nên con người có thể nghe được những điều tưởng chừng không nghe được, thấy được những điều tưởng chừng không thấy được. Theo Hoàng Ngọc Hiến đó là thi pháp “những mạch liên tưởng khó nắm bắt”(4). Chính vì các nhà tượng trưng quan niệm như vậy nên hình ảnh thơ trở nên bí ẩn, mơ hồ. Hình tượng tượng trưng là hình tượng không thuần nhất, nó phải gợi đến cái gì đó ngoài bản thân nó, nó “là một câu đố đòi hỏi chúng ta đi tìm cái ý nghĩa nội tại đằng sau hình tượng”(Hegel)(5). Ở Màu thời gian ngoài sự kết hợp các từ ngữ chỉ màu sắc, âm thanh còn có những hình ảnh ước lệ (thực chất của ước lệ là tính cách điệu): tóc mây, dao vàng, những từ xưng hô “thiếp” - “chàng” càng làm cho thơ mơ hồ hơn. Dĩ nhiên sự mơ hồ ấy còn được gợi lên từ bản thân tính nhạc.

        Bài thơ Màu Thời Gian, thông qua những cách thể hiện độc đáo, đã cho thấy một quan niệm mới mẻ về thời gian - đối tượng đã được thơ cổ, thơ lãng mạn bàn tới. Nếu thời gian trong thơ cổ là thời gian tách khỏi con người, vô tình với con người, cứ bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, thời gian trong thơ lãng mạn là thời gian một đi không trở lại, cuốn đi những gì hiện hữu trước mắt (thời gian trở thành một thế lực huỷ diệt) thì ở đây - trong quan niệm tượng trưng - thời gian là thời gian nghiệm sinh, thời gian đã hoá thành cái nhìn nhận của chủ thể: thời gian không làm mọi vật biến mất mà là hình thức lưu giữ tình cảm con người. Tình người đã làm cho thời gian có hương, có sắc. Bên cạnh những tính từ chỉ tính chất thanh nhẹ là sự kết hợp thời gian xưa - nay (thời gian nay hiện về qua việc gợi nhắc thời gian xưa) tạo thành những cặp đang đối xưa - nay, phủ định - khẳng định: mối tình Tần Phi đã đứt đoạn nhưng tình một thuở còn hương, nghĩa là đã làm cho thời gian không còn lạnh nữa, mà thanh thanh, tím ngát. Đó là sự kết đọng, sự thoát hoá cho một vỉa tầng của tồn tại vĩnh cửu mà chủ nghĩa tượng trưng hướng đến. Chủ nghĩa tượng trưng cho rằng, thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh của thế giới vô hình. Đó là bản thể của tồn tại. Vì thế, muốn đến được thế giới ấy, nhà thơ phải bằng cảm nhận trực giác chứ không phải miêu tả trực cảm như các nhà lãng mạn. Nhưng cũng từ đây nảy sinh tính hai mặt, bởi khi các nhà tượng trưng đi sâu khai thác con đường này thì thơ họ càng trở nên bí hiểm, xa rời thực tế. Và, nhìn trong quá trình vận động không ngừng của văn học thì thơ tượng trưng đã khép lại ở một giai đoạn của lịch sử.

        Đoàn Phú Tứ là một trong những tên tuổi quan trọng của Xuân Thu Nhã Tập - nhóm tác giả trình làng thơ năm 1942 có cùng tâm huyết về đổi mới cách tân thơ, đòi hỏi thơ phải có những cách biểu đạt mới, chú trọng tới nghệ thuật thể hiện. Ở bài thơ này, bằng những thể nghiệm tinh tế, có thể nói tác giả đã chạm đến cái “rung động siêu việt, trong trẻo và nhẹ nhàng”, đã làm cho thơ bước vào “nẻo đạo” của nhóm Xuân Thu.

        Nguyễn Mạnh Hà


        Chú thích:
        1. Trần Đình Sử, Tuyển tập (tập hai), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.473.
        2. Dẫn theo Lê Lưu Oanh, Văn học và các loại hình nghệ thuật, Nxb ĐHSP, HN, tr.260.
        3. Mai Bá Ấn, Bích Khê và chủ nghĩa tượng trưng, www. BichKhe.org.htm.
        4. Hoàng Ngọc Hiến, Baudelaire chủ nghĩa tượng trưng và thơ mới, www.thotahinhthuc.org.
        5. Dẫn theo Trần Đình Sử, Sđd, tr.456.

        http://www.vanchuongviet.org
        Last edited by chimtroi; 05-28-2021, 07:19 AM.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X