Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Đoàn Thần Tượng: Mặt Trận Bình Định

Collapse
X

Phi Đoàn Thần Tượng: Mặt Trận Bình Định

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Đoàn Thần Tượng: Mặt Trận Bình Định

    Trích trong bài “Phi đoàn Thần Tượng: Mặt Trận Bình Định”

    Thân tặng những phi công hào hùng cũng như các Quân Binh chủng
    đã đóng góp xương máu trên chiến trường đẫm máu Bình Định.


    Ổ Kiến Lửa



    Lời mở:

    Sau khi ba quận lỵ cực Bắc tỉnh Bình Định lọt vào tay Cộng sản trong trận tổng công kích “mùa hè đỏ lửa” vào khoảng thượng tuần tháng 4 năm 72, Quân đội VNCH đã mở cuộc hành quân tái chiếm lại tất cả những phần đất đã mất. Tuy nhiên ngọn đèo Bình Đê chạy dọc theo ven biển giữa ranh giới Quảng Ngãi và Bình định vẫn ở dưới sự kiểm soát của một lực lượng Cộng quân đông đảo. Chúng đóng chốt, bám trụ, phục kích, đặt mìn bẩy…chặt đứt con đường giao thông huyết mạch trên con Quốc Lộ I. Sự giao thương giữa hai tỉnh Quãng Ngãi và Bình Định hoàn toàn bị tắt nghẽn. Theo chỉ thị của Quân đoàn II, Sư đoàn 22 Bộ Binh phải giải tỏa ngọn đèo này với mọi giá.

    Dưới đây là một bài viết nói về phi vụ sôi động đầy máu lửa của hai phi đoàn trực thăng 215 Thần Tượng và 243 Mãnh Sư trong cuộc hành quân giải tỏa đèo Bình Đê.


    Dưới ánh nắng chói chang như đổ lửa, mười mấy chiếc trực thăng nối đuôi nhau đậu dọc theo một dãi đất trải nhựa đường đen, cánh quạt buông thả lững lờ trong bầu không khí oi ả không một làn gió nhẹ.

    Hàng trăm lính bộ binh trang bị đầy đủ súng ống, chia từng nhóm nhỏ ngồi trên bãi cỏ vàng cháy. Những sĩ quan đầu đội nón sắt, đeo giây ba chạc, bản đồ trên tay cùng với những người phụ tá lưng đeo máy truyền tin chạy lui tới, lăng xăng bận rộn chuẩn bị trực thăng vận giải tỏa ngọn đèo Bình Đê đang bị tắt nghẽn bởi một lực lượng đông đảo của Sư đoàn 3 Sao Vàng chiếm đóng.

    Tại bãi bốc quân này, trước đây của quân đội Hoa Kỳ, được gọi “LZ English”, dùng để tiếp tế xăng nhớt đạn dược cho những đơn vị tác chiến Mỹ chịu trách nhiệm hành quân vùng mật khu An Lão cũng như Hoài Nhơn, hai phi đoàn trực thăng 215 và 243 sẽ đảm trách chuyển vận Trung đoàn 40 thuộc Sư đoàn 22 Bộ binh vào vùng hành quân.

    Trước đây không lâu, vào khoảng tháng tám năm 72 một cuộc hành quân trực thăng vận vĩ đại nhất của Sư Đoàn 22/BB trong chiến dịch "Bắc Bình Vương" lấy tên của vị anh hùng áo vải, nhằm tái chiếm hai quận lỵ quan trọng nằm phía bắc tỉnh Bình Định đó là Bồng Sơn và Tam Quan. Cuộc đổ bộ bằng trực thăng đã diễn ra dưới sự yễm trợ của các phi đoàn 243 Mãnh Sư, 229 Lạc Long, 235 Sơn Dương, 219 Long Mã và 215 Thần Tượng. Trong cuộc hành quân ngày này hơn hai mươi lăm chiếc trực thăng chở quân cùng mười lăm chiếc trực thăng võ trang đổ bộ Biệt Động Quân cũng như Bộ Binh xuống bãi biển phía nam cửa An Dũ của sông Lại với sự yễm trợ của hải pháo từ ngoài khơi bắn vào cũng những khu trục cơ từ căn cứ Phan Rang và Phù Cát oanh kích những điểm kháng cự của địch quân trong thành phố. Cuộc đổ quân này có thể nói mang hình ảnh trận đổ bộ "Normandy" của Đồng Minh trong trận thế chiến thứ II, dưới một sơ đồ thu hẹp lại. Sau vài tuần lể giao tranh ác liệt, quân ta đã làm chủ tình hình và lấy lại quyền kiểm soát huyện lỵ Hoài Nhơn cũng như Hoài Ân, ngoại trừ ngọn đèo Bình Đê vẫn còn ở dưới sự kiểm soát của Cộng quân.


    Trên chiếc trực thăng của phi đoàn Thần Tượng, Trung úy Nam ngồi bệt trên sàn tàu mở toang cửa, áo bay kéo xuống tới rốn đang đấu láo với Trung úy Tân, nhìn ra mặt đất hơi nóng lung linh bốc khói. Một đám hoa tiêu đi ngang cười nói ồn ào. Trung úy Thành “râu” bay chiếc trực thăng võ trang trong phi đội của Mãnh Hổ 215 ngừng lại:

    -Ê!..Nam “cò”, Tân “kiến”..còn lâu mới cất cánh,..hai thằng mày đi qua bên kia đường chơi không?..Có mấy em mới về ngon lắm!..

    Nam “cò” người ốm cao nhòng như một con cò cười ha hả:

    -Tụi mày điên à!..Coi chừng hôm nay đụng trận lớn, tụi mày gặp gái Bình Định cẩn thận,..xui bể gáo đừng trách!

    Trung úy Chung “ghiền”, bay chiếc số bốn của hợp đoàn Thần Tượng trông già như một ông cụ, đi trong đám chêm vào:

    -Tụi mày ở đây chờ,..có gì kêu tụi tao ở quán nước bên kia đường giùm.

    Một tay chơi của phi đoàn Mãnh Sư, Trung úy Nguyễn Đình Tuấn, người thước tất vừa phải, có một khuông mặt bảnh trai bay chiếc dẫn đầu của hợp đoàn Mãnh Sư đứng gần đó:

    -Hai thằng này chỉ biết ôm đít vợ!..Ở đây coi tàu đi!.. Tụi tao đi chơi về có gì kể cho nghe,..khỏi tốn tiền!..

    Cả đám nghe xong cười rộ, kéo nhau ra cổng.

    Trong những đơn vị phi hành của Không quân, có thể nói ngành trực thăng là một đơn vị tác chiến lưu động gần sát nhất với bộ binh hơn tất cả, có một cuộc sống phong trần gian khổ của một người lính đánh trận nhưng được hưởng tất cả ưu đãi tiện nghi của thành phố. Phi công trực thăng sát cánh bên nhau hầu hết mọi phi vụ, chia sẽ từng giây phút vui buồn sống chết, do đó tình đồng đội thắm thiết đúng nghĩa “huynh đệ chi binh”.

    Cuộc hành quân trực thăng vận hôm nay của Thần Tượng được tăng cường Phi đoàn Mãnh Sư, một phi đoàn tân lập khi quân đội Mỹ mới chuyển giao căn cứ Phù Cát cho Việt Nam Cộng Hòa, bộ chỉ huy phi đoàn hầu hết xuất thân từ phi đoàn 215 Thần Tượng, ngay cả phi đoàn trưởng là Thiếu tá Nguyễn Văn Thân. Từ khi không quân bành trướng mạnh trong giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh của Hoa Kỳ (Vietnamization), hơn mười phi đoàn trưởng đã xuất thân từ Phi đoàn 215, chưa kể đến hai vị làm Không Đoàn Trưởng cũng như Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Tác Chiến là Trung Tá Lê Văn Bút và Trung Tá Phạm Bính.

    Phi đoàn 215 là một trong những phi đoàn kỳ cựu nhất của ngành trực thăng. Nhớ lại lúc mới được bổ nhiệm về phi đoàn, lần đầu tiên khi mới bước chân vào phòng hành quân tôi choáng ngợp vì một rừng mai đại-úy, trong đó có một số là trung úy và lẩn lộn vài người đeo một bông mai khiêm nhượng trên vai áo. Ở những phi đoàn già cỗi như 215, có những hoa tiêu trên ngàn giờ bay vẫn còn ngồi ghế hoa tiêu phó, con đường thăng quan tiến chức cho những hoa tiêu trẻ này là một con đường chông gai "xa xôi vạn lý”.
    Trước đây không lâu, một biến cố đã xãy ra cho Phi đoàn 243 Mãnh Sư. Thiếu tá phi đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân đã tử nạn trong một tai nạn huấn luyện trên bầu trời Bà Gi gần phi trường Phù Cát. Hoa tiêu phụ là Thiếu úy Vũ Văn Khang bị phỏng nặng nhưng sống sót. Chiếc trực thăng của Thiếu tá Thân bị hư hệ thống thủy điều (hydrolic failure) phải đáp khẩn cấp xuống một thửa ruộng. Chiếc tàu cày một khoảng dài trên mặt đất rồi lật nhào xuống một vũng nước cạn, bốc cháy sau khi vấp phải một bờ đất.
    Tai nạn này đã làm cho tôi liên tưởng đến một chuyến bay đêm trên vòm trời biên giới Việt-Miên với trưởng phi cơ lúc đó là Trung úy Lê Thiện Tích, một hoa tiêu kinh nghiệm của phi đoàn, cũng là một người rất thân tình, có gia đình sống ở Nha Trang quen biết với gia đình tôi.
    Đêm hôm đó, ngồi trên ghế bay mơ màng thưởng thức tiếng nhạc êm dịu phát ra từ một đài phát thanh của quân đội Đồng Minh, nhìn ra bầu trời tối đen vạn ánh sao lấp lánh. Chiếc trực thăng lầm lũi trong trong đêm, tiếng động cơ bán phản lực ì ầm cùng tiếng chém gió phành phạch quen thuộc như ru ngủ. Bất chợt ngọn đèn báo hiệu của hệ thống thủy điều bật sáng. Chiếc kim màu trắng trên đồng hồ thủy điều lay động, đang có khuynh hướng xuống thấp. Nếu áp xuất trong hệ thống thủy điều mất đi, tay lái của phi cơ trở thành nặng nề cứng ngắc, chiếc trực thăng không còn khả năng linh động để xoay xở. Phi công cần một dãi đất dài bằng phẳng để đáp (running landing). Trong một phản ứng tự nhiên, tôi nghiêng đầu nhìn xuống mặt đất tối mù đen, rãi rác những đốm sáng vàng vọt, le lói từ những thôn xóm đang im lìm trong giấc ngủ say. Ở trường bay tôi đã thực tập đáp với hệ thống thủy điều mất áp xuất (hydrolic failure emergency) ban ngày, nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp khẩn cấp trong đêm tối mù như giây phút này.

    Sau lưng khoang tàu hai người mê vô xạ thủ lục đục gài giây “seatbelt”…tôi quay đầu nói với Trung úy Tích:

    -“Không chừng tại đồng hồ hư!?..Anh Tích nghĩ sao?”

    -“Mình chưa biết,..để chờ một chút xem sao!”

    Chiếc trực thặng tiếp tục lầm lũi trong đêm tối, ánh đèn xanh đỏ gắng hai bên hông tàu nhấp nháy. Nhìn vào đồng hồ áp xuất xuống thấp dần...

    -“Thí mẹ!..tay lái bắt đầu nặng..chắc phải đáp gấp rồi!” Trung úy Tích đang cầm cần lái nhìn tôi nói.

    Nhịp tim tôi gia tăng tốc độ, tôi hỏi:

    -“Mình sẽ đáp ở đâu?”

    -“Phi trường gần nhất là Bình Thủy,..Anh đổi đài giùm”.

    Móc túi bay dưới quân tôi móc ra cuốn sách nhỏ tìm tần số đài.

    -“OK,..đây rồi!..” Nói xong tôi vói tay đổi tần số trên chiếc radio UHF.

    Không chậm một giây, Trung úy Tích bấm nút đỏ gắn trên cần lái:

    -“Mayday!..Mayday! Bình Thủy tower,..this is VNAF chopper..."

    Tần số im lặng vài giây rồi có tiếng trả lời:

    -"This is Binh Thuy tower!..VNAF… chopper...Do you hear me?.."

    -"We have hydraulic off...uh,..hydraulic problem!..Request for running landing!.."

    -"Say location!..VNAF chopper...location?"

    -"Around twenty miles North-West..."

    -"Roger!..VNAF… chopper..., go ahead...take runway zero-six..."

    -"Roger!..” (Danh từ quân đội Hoa Kỳ ám chỉ “received and understood”)

    Sau mười lăm phút bay dài đăng đẳng, hai hàng đèn xanh dương trên phi đạo của căn cứ Bình Thủy lờ mờ hiện ra trước mũi tàu. Bên ghế phải Trung úy Tích đang gặp khó khăn:

    -“Mẹ,..nặng quá,..anh phụ với tôi!”

    Tay thò tay cầm cần lái, tôi nghe đài kiểm soát không lưu Bình Thủy vừa lên tiếng trên tần số:

    -“This is Bình Thủy control tower!… VNAF… chopper…have you in sight,..all traffic clear… ready for your landing…runway zero-six…”

    -“Runway zero-six!?..”

    -“Affirmative!..runway zero-six!..Good luck!”

    Chiếc trực thăng hạ cao độ hướng thẳng về phi đạo. Trung úy Tích với tôi “vật lộn” với cần lái mỗi lúc mỗi thêm nặng nề khó khăn.

    Chiếc trực thăng xuống thấp dần thẳng hàng với hai hàng đèn xanh lơ dọc theo phi đạo. Những ngọn đèn vàng chớp nháy của mấy xe chửa cháy đang đậu chờ trong bóng đêm…Đèn đáp dưới bụng bật sáng. Chiếc trực thăng chuẩn bị đáp khẩn cấp...

    80...70...60...50…40 knots…vận tốc giảm dần theo cao độ. Hàng đèn hai bên dâng lên trước mũi,..chiếc trực thăng lướt nhanh sát trên mặt phi đạo sắp chạm đất, bỗng dưng mũi tàu từ từ quay hẳn về phía bên trái. Chiếc trực thăng đang bay ngang như con cua! Mồ hôi đổ hột! tôi ghì chặc tay lái, dùng hết nội lực đạp mạnh “pedal” cứng như cục sắt nguội, trong khi nghe tiếng Trung úy Tích vang lên trong nón bay:
    -" Pedal...pedal..." !
    Con tàu “bất trị” chuyển mình một cách chậm chạp,..hai càng sắt chạm đất, chạy dài trên mặt phi đạo bắn những tia lửa tung tóe dưới ánh sáng của ngọn đèn đáp dưới bụng. Tàu chậm dần...chậm dần…rồi ngừng hẳn, sau khi quay mũi về bên trái. Vòng quay cánh quạt tức khắc giảm xuống tối thiểu (idle). Tôi thở phào nhẹ nhõm, giật chốt mở “seatbelt”, quay nhìn qua cửa “cockit”, một chiếc xe “pick-up” không quân đậu sát bên hông tàu tự lúc nào. Sau tay lái một anh trung sĩ Mỹ đen đang ngồi chờ để chở phi hành đoàn vào hậu trạm. Tôi móc điếu thuốc ra châm lửa đốt, bên cạnh Trung úy Tích đang làm thủ tục tắt máy, trên khuông mặt xương xẩu lạnh như tiền, không biểu lộ một cảm giác...

    Trở lại bãi đáp trên phi đạo dã chiến Đệ Đức,.. mười mấy chiếc trực thăng của hai phi đoàn Thần Tượng và Mãnh Sư sau một thời gian dài chờ đợi bắt đầu quay máy, chiếc "Charlie" (C@C: Command and Control) do Thiếu tá Khưu Văn Phát, phi đoàn phó 215, đã cất cánh chở bộ chỉ huy hành quân lên vùng hành quân. Những người lính trên bãi cỏ vàng nhốn nháo chuẩn bị lên tàu trong bầu không khí rộn rịp sặc mùi chiến tranh. Mười mấy chiếc trực thăng đồng loạt qua máy, tiếng động ầm ỉ vang động cả một vùng. Từ ống thoát của máy bán phản lực gắn trên lưng những chiếc trực thăng phun ra hơi nóng hừng hực bốc mùi xăng JP-4 quen thuộc.

    -Hợp đoàn 215 chuẩn bị! Chúng ta sẽ cất cánh sau hợp đoàn của Mãnh Sư, tất cả nghe rõ!..” Tiếng của Trung úy Ngộ bay chiếc"lead" hợp đoàn Thần Tượng trên tần số.

    Bay chiếc số hai, Trung úy Nam “cò” kéo cần cao độ đẩy cần lái bám theo đuôi chiếc dẫn đầu vừa rời mặt đất nóng bỏng. Mười mấy chiếc trực thăng rầm rộ rời phi đạo dã chiến, để lại sau lưng bụi mù cỏ rác tung bay mù mịt.


    Trong ngành trực thăng việc sắp xếp các hoa tiêu bay ở vị thế trong hợp đoàn (formation) dựa theo kinh nghiệm và thâm niên. Người chức vụ cao nhất sẽ bay chiếc số một (lead), có trách nhiệm dẫn đường và có quyền quyết định cho tất cả. Những hoa tiêu ít kinh nghiệm hơn được chỉ định bay gần chiếc dẫn đầu và hoa tiêu thâm niên thứ nhì trong hợp đoàn sẽ bay chiếc cuối cùng. Cũng nên biết rằng những chiếc càng bay sau càng bị nhiễu loạn không khí (turbulence) do những chiếc trước tạo ra, nhất là những lúc đáp xuống bãi thả quân, do đó đòi hỏi tay lái cứng hơn.

    Năm chiếc trực thăng Thần Tượng đã lên cao độ theo con QL-1 về hướng biển bay qua những ngôi làng nhỏ chi chít nằm dọc theo con lộ. Trước mặt năm chiếc trực thăng của Mãnh Sư nối đuôi nhau. Khoảng mười phút bay sau, ngọn đèo Bình Đề và bãi biển Sa Huỳnh hiện ra trước mũi tàu.

    -"Lead" Mãnh Sư!..,"lead" 2 đây "Charlie gọi!.. đáp theo hướng bắc, thấy khói vàng chưa?..Bãi đáp dưới chân ngọn núi...Nghe rõ trả lời! Tiếng Thiếu Tá Phát gọi hợp đoàn 243.

    -Lead 2 nghe năm! Hợp đoàn chuẩn bị đáp!...

    Hợp đoàn Mãnh Sư đang thả đợt quân đầu tiên xuống bãi đáp. Tần số im lặng. Bỗng trên tần số Mãnh Sư có tiếng la to:

    -"Ground-fired!.. Tàu bị "ground-fired"! Lead đây số hai gọi... "zero air-speed"!.."no air-speed"!.."lead" đây số hai gọi!..

    -Số hai, chuyện gì vậy?..Tiếng của Trung úy Tuấn bay chiếc số một.

    -Tàu bị bắn,..ah!.. mất “airspeed”..!

    -Số hai!..cho biết tình trạng tàu?

    -Chưa rõ,..tàu mất “airspeed”, “zero airspeed”!

    -Không sao!.. Hai,..đồng hồ bạn bị hư,.. đừng nhìn vào đồng hồ,..bay theo đuôi “lead” về...đừng bay gần quá..."pitot tube" bạn bị trúng đạn…Đừng nhìn đồng hồ!..Số hai nghe rõ trả lời! (Pitot tube là một ống tròn gắn trước mũi tàu nối vào đồng hồ tốc độ để đo sức gió ép và từ đó tính ra vận tốc của tàu đối với không khí đi ngang qua).

    Trung úy Lắm trưởng phi cơ chiếc số hai bám theo đuôi chiếc số một. Ngồi bên ghế trái Nam “cò” nhìn về hướng đèo Bình Đê, trên sườn núi xanh thẩm năm chấm đen rời rạc nối đuôi nhau.

    -"Lead" Thần Tượng!..đây Charlie!..Cho biết vị trí! Tiếng Thiếu tá Phát trên tần số.

    -Phía nam đèo Bình Đê một phút bay!

    -OK!..trên bãi có khói vàng,.. lead thấy chưa?

    -Thấy rồi!..Hợp đoàn Mãnh Sư bị "ground-fire"..."Charlie"?

    -Bạn yên chí,..đã có lính dưới đất rồi!..Nghe không "lead" một?..Mãnh Hổ…đây Charlie,..hai Hổ "cover" sườn núi phía đông bãi đáp?...Hổ nghe rõ?..

    Trước mặt hợp đoàn Thần Tượng một trái khói vàng đang vươn lên giữa một trảng cỏ xanh lá mạ vây bọc bởi rừng cây. Trung úy Nam kiểm soát dàn phi cụ một lần cuối trước khi đáp. Trên trảng cỏ những người lính đang dàn đội hình tác chiến chạy vào bìa rừng. Năm chiếc trực thăng nối đuôi nhau hạ cao độ. Hai chiếc trực thăng võ trang quần hai bên hông hợp đoàn phóng những trái hỏa tiễn xuống triền núi.

    Oành!...Oành!...Oành!...

    Những đám khói trắng xám bốc lên cao trên mặt rừng cây cùng với tiếng súng "mini-gun" gầm thét hòa lẩn với tiếng súng của những khẩu đại liên trên tàu chở quân quạt tới tấp vào bìa rừng tạo thành một âm thanh hổn loạn vang động cả thung lũng. Trên chiếc số hai Trung úy Nam ngồi nín thở dán sát vào ghế bay nhìn cánh quạt đuôi của chiếc số một quay vùn vụt, lắc lư trước “cockpit”, gần đến độ anh có thể thấy mấy con ốc trên đuôi tàu. Cóc…cóc.., tiếng súng AK-47 nổ như bắp rang từ triền núi gần đó. Đột nhiên Trung úy Nam nghe tiếng bụp bụp như tiếng đạn chạp vào thân tàu, đồng thời anh cảm thấy cánh tay mình lạnh buốt. Nam “cò” hét lớn:

    -Lắm!..Lắm!..Đ.m tao bị bắn rồi!..Lắm!..Cất cánh lẹ lên!..Vừa hét Trung úy Nam vừa vén tay áo bay nhìn thấy cánh tay mình đẩm máu.

    Chiếc trực thăng đong đưa gần chạm đất. Tiếng người xạ thủ hét to trong “intercom”:

    -“Clear”!..trái phải “clear”!

    Sau khoang tàu trống rỗng, chiếc trực thăng chúi mũi chổng mông lướt sát mặt đất rời bãi đáp theo chân chiếc số một lên cao độ. Súng đủ loại của địch từ triền núi nổ rền…Trên tần số hợp đoàn Thần Tượng, đột nhiên có tiếng la chói lói của Trung úy Chung “ghiền” đang bay sau đuôi chiếc số hai:

    -Nam "cò"!..Nam "cò"!.. tàu mày bốc khói, chảy xăng nhiều lắm!...đáp đi,..tao đang ở sau lưng!..”

    Trên chiếc số hai, kim đồng hồ xăng đang tuột dốc. Tiếng hú báo động vòng quay cánh quạt xuống dưới mức an toàn vang rền trong nón bay của phi hành đoàn. Nam thất thanh trên tần số:

    -Đáp!..đáp!..Lắm!..Lắm,.. quẹo lại bãi đáp…Charlie!..Charlie!..forced-landing!...forced-landing!

    Trung úy Lắm vội đè cần cao độ tận đáy, con tàu lài nhanh như chiếc lá vàng rơi ầm trên bãi cỏ tranh. Trên tần số tiếng la chói lói của Tân "kiến" đang bay chiếc số bốn:

    -Chung!..Chung!..để đó cho tao!..để đó tao!..Tao xuống đây!...Nam "cò"! tao xuống đây!.. Vừa la, Tân “kiến” vừa quẹo vòng con tàu 180 độ.

    -Số ba!..số ba!..đây “lead” gọi!.. Chung!..Chung!…đừng xuống nữa, có số bốn xuống rồi!.. Đây “lead” gọi…nghe rõ trả lời!..Số ba nghe rõ trả lời!”

    Trên tần số hợp đoàn Thần Tượng những điện đàm hổn độn trong tiếng súng phòng không ục…ục… hòa lẫn với tiếng cóc cóc của những khẩu AK-47 vang rền. Ở cao độ khoảng một trăm bộ, một tiếng nổ bùng ngay trong sàn tàu Tân “kiến”. Chiếc trực thăng lảo đảo, rơi xuống bãi nhanh như hòn đá cuội, chạm mặt đất, hai càng tàu bẹp dí, khói bốc mịt mù.


    Ngồi trong "cockpit", Tân “kiến” bất tỉnh nhân sự, bên cạnh Trung úy Gia dựa ngữa đầu vào lưng ghế bay, toàn thân như vừa lãnh một quả mìn “claymore”, lũng lổ chổ. Sau khoang tàu, xạ thủ Trần Văn Bộ cánh tay gần như đứt lìa ngang cùi chỏ, còn mê vô Trần Công Đoạn đang nằm ngữa, một mãnh đạn xuyên qua ngực áo bay, máu chảy lênh láng trên sàn. Sát bìa rừng những người lính bộ binh chạy ùa đến…

    Ở bãi bốc quân Đề Gi hợp đoàn Mãnh Sư đã về đáp tắt máy, trừ chiếc số một của Trung úy Nguyễn Đình Tuấn đang còn "monitor" tần số, cánh quạt đang ở vị thế "iddle":

    -Hợp đoàn Thần Tượng ai còn xăng nhiều trở lại bãi bốc phi hành đoàn!...Hợp đoàn nghe Charlie gọi trả lời!..

    Tần số im lặng!

    -Mãnh Sư “lead”,..đây Charlie!”

    -Mãnh Sư nghe!

    -Tuấn! "em" trở lại bãi đáp bốc phi hành đoàn giùm!..Nghe rõ trả lời!? Tiếng Thiếu tá Phát trên tần số.

    -Charlie,..lead Mãnh Sư nghe năm!

    Trung úy Tuấn búng điếu thuốc đang hút dở ra ngoài, tăng vòng quay cánh quạt. Ngồi bên ghế trái, Trung úy Võ đăng Sang ở trần trùng trục, miệng phì phèo điếu thuốc lá:

    -Tuấn!.. sao Thần Tượng đâu không đi bốc mà “Charlie” kêu tụi mình?!..

    -Sang!..sao mày không hỏi “Charlie” mà lại hỏi tao?..

    Sang im lặng không trả lời, vói tay lấy tấm áo giáp “chicken plate” để sau sàn tàu, nhét giữa bộ ngực trần trụi và hai sợi giây “seatbelt”.

    Trên chiếc võ trang Mãnh Hổ số hai của Thần Tượng, Trung úy Thành đang quay máy "check" tàu bị chảy dầu, “monitor” tần số, quay qua nhìn Sơn “mực” đang ngồi trên ghế trái.

    - Sơn,.. tụi mình lên yễm trợ thằng Tuấn cứu tụi nó!

    -OK!..mà chiếc Hổ một của thằng Tô Bửu Đoàn đâu rồi?

    -Tao đ. biết, sao nó im ru vậy?..chắc về đổ xăng rồi!..

    -Tàu mình đang chảy dầu sao bay được?

    -Tao nghĩ không sao đâu. Đ.m. tao nói rồi,..biểu thằng Nam "cò", thằng Tân "kiến" đi xả xui mà tụi nó đ. chịu!..Vừa nói Thành “râu” vừa “roll throttle”, vòng quay cánh quạt tăng vọt!

    Sơn "mực" mặt méo xẹo, nghỉ tới cô bồ có đôi mắt to đang chờ ở nhà,.. nhếch mép cười gượng.

    -Tuấn, tao Thành đây!..mày cánh trước đi, chậm một chút chờ tao “load rockets”,..tao theo sau…

    -OK!

    -Tuấn!..mày để ý phía đông bãi đáp, trên triền núi tụi nó đặt khẩu phòng không bắn xuống!..Mày coi chừng!

    Sau mười lăm phút bay, chiếc trực thăng "rescue" Mãnh Sư đã đến bãi đáp. Bên dưới, hai chiếc trực thăng nằm trên bãi cỏ tranh, khói bốc lên âm ỉ… Ở cao độ ba ngàn bộ, Tuấn đóng "auto" (cho tàu rơi tự do), chiếc trực thăng xoắn ốc như chiếc lá vàng rơi. Dọc theo sườn núi, Thành “râu” phóng những trái hỏa tiễn vào vị trí nghi ngờ đặt súng phòng không, khẩu "mini-gun" rú lên, những tia đạn lửa lao như mưa bấc vào những tên giặc chạy lố nhố trên triền núi. Sơn "mực" ngồi kế bên bấu chặc hai tay vào thành ghế sắt…co rút trong cái áo giáp trước ngực.

    Dưới bãi đáp, hai phi hành đoàn tám người và một người lính bộ binh bị thương gom sát bìa rừng. Trên mô đất gần chiếc băng ca của Trung sĩ Đoạn, Nam “cò” ôm cánh tay đã được băng bó ngồi kế bên Tân “kiến” đã tỉnh hồn. Đây là lần thứ hai Nam "cò" lãnh đạn trong vòng mấy tháng gần đây. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 4 trong trận chiến cao nguyên, một viên đạn phòng không 12 ly 7 đã bắn trực xạ trúng ngay tấm thép chắn đạn bên ghế bay khi anh đang đáp xuống căn cứ Lam Sơn với Trung úy Huỳnh "râu" chở vị Tư Lệnh Phó Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu đi thanh tra. Viên đạn nổ tung, may mắn thay nhờ tấm thép dày che chở, chỉ có một mảnh sắt độc nhất đã xuyên qua ghế bay ghim vào mông của anh. Sau một thời gian ngắn tỉnh dưởng, Nam "cò" tình nguyện trở lại với anh em trong phi đoàn cho dù biết rằng anh sẽ phải tiếp tục đối đầu với một trận chiến khốc liệt vẫn đang còn tiếp diễn trên chiến trường duyên hải.

    Trên cao độ chiếc tàu của Tuấn đang xoắn ốc, trong khi chiếc trực thăng võ trang của Thành “râu” phóng những trái hỏa tiễn xuống triền núi. Ngồi trên bãi cỏ ngẫng đầu nhìn lên theo dõi trực thăng võ trang đang oanh kích, Nam chưa bao giờ được nghe từ mặt đất tiếng xé gió xé rách màng nhĩ của những trái hỏa tiễn lao xuống mục tiêu nổ ầm chát chúa, cùng tiếng rú kinh hoàng của cây súng sáu nòng quay tít phun hằng ngàn viên đạn xuống đầu quân địch. Những cảm giác bấn loạn, lo sợ lúc ban đầu tan biến nhường chỗ cho một niềm rung động đang chế ngự trong lòng. Anh cảm thấy hãnh diện và sung sướng khi nhìn thấy những thằng bạn đồng sanh đồng tử đang xã thân cứu mình. Biến cố ngày hôm nay đã chứng thực một câu nói bất hủ: “Không quân không bỏ anh em, không bỏ bạn bè” của hoa tiêu trực thăng Đào Bá Hùng, một nhà văn quân đội và đã một thời mang trên ngực áo bay phù hiệu phi đoàn Thần Tượng!

    Thấy chiếc trực thăng cấp cứu vừa xoắn ốc đáp xuống sát bìa rừng cỏ lá bay mù mịt, Nam vội vã dìu người xạ thủ đứng dậy, cả hai chạy đến phóng nhanh lên sàn tàu cửa mở rộng. Tất cả phi hành đoàn lâm nạn cùng với người lính bộ binh đã an vị trên sàn, chiếc trực thăng của Mãnh Sư chúi mũi lướt nhanh trên mặt cỏ lau rồi vươn mình vượt qua hàng cây bìa rừng về hướng Quảng Ngãi.

    Tàu lên cao độ, Tuấn bẻ lái vòng về hướng biển rồi giao cần lái cho hoa tiêu phụ. Dưới chân, bãi biển Sa Huỳnh đang chìm dần vào trong bóng chiều tà. Xa xa cuối chân trời, ánh nắng vàng vọt còn luyến tiếc trên những chiếc thuyền đánh cá cỏn con đang nhấp nhô trên sóng nước...

    Móc trong túi áo bay gói thuốc còn hơn phân nửa Tuấn quay người đưa ra phía sau khoang tàu nằm ngổn ngang những con chim bị đạn. Những ngón tay run rẫy đón nhận. Gió mát lồng lộng trong khoang tàu hòa lẫn với làn khói thuốc quyện bay trên nhưng khuông mặt mệt mỏi với nụ cười trên môi.

    Trung úy Tuấn dựa người vào lưng ghế bay, đưa điếu thuốc lên môi rít một hơi dài. Hơi thuốc đắng xoa dịu thần kinh đang còn căn thẳng, trên môi Tuấn nở một nụ cười mãn nguyện…


    Lời kết:Từ lúc CSBV khởi động cuộc chiến tranh xâm lấn miền Nam, Bình Định luôn luôn là một vùng đất sôi động ngay từ thời phong trào Việt Minh chống Pháp. Đây là vùng đất bọn Cộng sản đã để lại vô số cán bộ nằm vùng để làm mầm mống khởi loạn cho cuộc chiến chống lại chính quyền miền Nam, sau khi đất nước bị chia đôi tại vĩ tuyến 17.

    Trong suốt hai mươi năm chiến tranh bọn cán bộ nằm vùng đã tuyên truyền, chiêu dụ, đàn áp người dân lành ở vùng đất này với những thủ đoạn tàn ác, lừa bịp hầu mong tạo được một hậu thuẩn cho cuộc tổng tấn công toàn diện sau này. Về mặt quân sự chúng đã xữ dụng Sư đoàn 3 Sao Vàng, một sư đoàn tình nhuệ nhất của Cộng quân trú đóng tại mật khu An Lão, cùng các tiểu đoàn đặc công cũng như các tiểu đoàn địa phương làm nồng cốt.

    Tuy nhiên qua bao năm nổ lực xâm chiếm miền Nam, nhiều trận chiến bùng nổ ở vùng đất đẫm máu này, nhất là sau cuộc tổng công kích năm 72 trong “mùa hè đỏ lửa”, chúng chưa hề chiếm được một tất đất nào. Hy vọng chiến thắng bằng giải pháp quân sự của CSBV hầu như vô vọng. Tuy nhiên lợi dụng tình trạng chính trị thế giới đang đi vào con đường bất lợi cho miền Nam Tự Do, CSBV bắt đầu mở cuộc tấn công mới với sự hổ trợ quân sự mạnh mẽ của các nước CS đàn anh.

    Sáng ngày 27 tháng Giêng năm 73 Hiệp định Paris có hiệu lực với điều khoản ngưng bắn tại chỗ (ngưng bắn “da beo”), Sư đoàn 3 Sao Vàng được lệnh của Cộng Sản Bắc Việt mở một cuộc tấn công bất ngờ vào đài kiểm báo của Hải quân trấn đóng ngay cửa khẩu Bà Gì để thay thế cửa khẩu Sa Huỳnh, nơi mà chúng dùng để nhận tiếp tế lương thực, vũ khí bằng đường biển từ miền Bắc vào đã bị Sư đoàn II Bộ Binh tái chiếm. Hy vọng tinh thần tôn trọng Hiệp ước của phe ta, với yếu tố bất ngờ, cửa khẩu Bà Gi trấn đóng bởi một lực lượng ít ỏi do Liên đoàn 21 Hải quân sẽ là một mục tiêu dễ dàng. Nhưng chúng đã sai lầm! Với tinh thần chiến đấu cao độ của các quân nhân Hải quân cũng như dưới sự yểm trợ của những đơn vị Bộ binh, Biệt Động Quân cũng như các tiểu đoàn Địa Phương quân dưới sự chỉ huy điều động của Trung Tá Nguyễn Mạnh Tường, một ngôi sao sáng tinh thông chiến trận được mệnh danh là Mãnh Sư của Bình Định, chúng đã bị đánh bật ra khỏi những vị trí chiếm đóng trong giai đoạn ban đầu với vô số xác chết bỏ lại trên trận địa.

    Qua năm 1974, tình hình chính trị của Hoa Kỳ càng thêm rối rắm vì vụ xì-căn-đan “Watergate”. Vào khoảng tháng năm, Cộng sản lại một lần nửa tấn công vào phi trường Phù Cát, Không đoàn 60 Chiến Thuật, Sư đoàn 6 Không Quân. Mặt trận này CSBV mở ra với nhiều mục đích:

    -Thử lửa phản ứng của Hoa Kỳ trong vụ cam kết sẽ can thiệp nếu CSBV vi phạm Hiệp định Paris.

    -Tiêu diệt “tổ ong vò vẻ” đã từng làm chúng u đầu sứt trán trong nhiều mặt trận. Đặt biệt là phi vụ thả bom CBU vào mật khu An Lão đã tiêu diệt cả tiểu đoàn thuộc Sư Đoàn 3 Sao Vàng. Củng nên đề cập tới Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền, một vị chỉ huy được anh em thương mến. Đại Tá Tuyền đã cho phép xữ dụng bom CBU là một vũ khí có tầm phá hại lớn lao trong khi chưa có sự đồng ý của Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH. Chiếm đóng được căn cứ Phù Cát, Cộng sản sẽ chiếm được kho vũ khí CBU đã làm chúng quan tâm không ít.

    Trước khi CS tấn công phi Trường Phù Cát, một tín hiệu đã bị quân ta bắt được trên tần số của địch nội dung vỏn vẹn gồm mười chữ: “Quân Át Chủ Bài đã vào vị trí tập kết”. Với sự thâm hiểu tường tận đường lối hoạt động của Sư Đoàn Sao Vàng, Trung Tá Nguyễn Mạnh Tường tin tưởng rằng ý nghĩa tín hiệu này ám chỉ Cộng quân đang chuẩn bị tấn công vào phi trường Phù Cát. Tất cả lực lượng phòng thủ phi trường được báo động đồng thời một kế hoạch chống đở được phát họa. Âm mưu tiến chiếm “tổ ong vò vẻ” này của Cộng quân đã thất bại với hàng trăm xác chết để lại trên chiến địa.

    Vùng đất chủ yếu mà Cộng quân đã đặt nhiều tin tưởng nhất trong cuộc chiến tranh xâm lấn, vẫn đứng vững từng tất đất cho đến khi miền Nam Tự Do bị người bạn Đồng Minh bán đứng cho Cộng Sản vì quyền lợi của họ. Hàng ngàn chiến sĩ của Sư đoàn 22, cũng như các đơn vị thiện chiến Biệt Động Quân, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân tỉnh Bình Định đã bị bức tử trong những giây phút cuối của cuộc chiến một cách đau thương, tủi nhục…


    Qua quá trình của cuộc chiến tại mặt trận Bình Định, Không quân VNCH đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ vững bờ cõi với những phi công can trường, coi mạng sống nhẹ như tơ trời. Trong đó phải kể đến phi đoàn 215 Thần Tượng, một phi đoàn đã nổ lực yễm trợ cho mặt trận Bình Định từ giây phút ban đầu cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc chiến.


    Hết

    Xin cám ơn những người bạn thân quý sau đây của phi đoàn Thần Tượng đã đóng góp thêm chi tiết vào bài viết:
    Nam “cò”, Tân “kiến”, Thành “râu”, Bảy “đ.”, Huỳnh “râu”, Chung “ghiền”, Nghiêu “sò”, Tuấn “b.”

    Và đặt biệt sau cùng, “anh Năm”, Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền, Chỉ Huy Trưởng căn cứ Phù Cát, cũng như Trung Tá Trần Văn Bông, Mãnh Sư I, một cựu Thần Tượng với những chi tiết quý giá.








    Last edited by Thần Tượng; 12-11-2011, 02:09 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X