Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Kompong Trach: Cuộc Giải Vây Thần Kỳ

Collapse
X

Kompong Trach: Cuộc Giải Vây Thần Kỳ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Kompong Trach: Cuộc Giải Vây Thần Kỳ

    Kompong Trach: Cuộc Giải Vây Thần Kỳ * (KB Điền Đông Phương)
    Posted on 26/10/2011 by Lê Thy
    * Bài đã được sửa chữa 26-10-2011


    Lời Nói Đầu:
    Kompong Trach và Đại Úy Nghê Thành Thân
    Hơn ba năm về trước, Đông Phương có đề nghị cùng Ngụy tui viết trận chiến Kompong Trach. Ngụy tui từ chối và năn nỉ Đông Phương viết một mình. Sau đó mất liên lạc. Hỏi thăm khắp nơi không ai biết. Người đã lên non tìm động hoa vàng ngủ say chăng? Hay Người đã sum họp cùng những Kỵ Binh danh tiếng muôn đời: Trung úy Nguyên , Trung úy Diện , Thiếu úy Minh Đức hay những đàn em đúng chỉ số Được, Lến lác v.v…Lòng buồn biết tỏ cùng ai. Tư Tưởng ( Đại úy Nghê Thành Thân) thúc hối Ngụy tui viết thư về địa chỉ cuối cùng mà Ngụy tui đã từng liên lạc với Đông Phương . Một ngày không chờ không mong mà đến. Đông Phương gọi phone cho biết Người “long thể bất an”. Nhưng Người đã gửi cho Ngụy tui ba bài viết về trận Mậu Thân , Kompong Trabek và Kompong Trach tùy nghi sửa chữa và sử dụng .


    Kompong Trach:
    một địa danh xa lạ, một nơi chốn xa tít mù khơi. Một địa danh ít người biết đến . Kompong Trach chỉ là một quận lỵ nhỏ của tỉnh Kampot thuộc Kampuchea, cách Hà Tiên của Việt Nam chừng 15 km . Nhưng địa danh Kompong Trach cũng là nơi đã làm nên danh tiếng muôn đời cho Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh nói chung và Chi Đoàn 3/2 Thiết Kỵ nói riêng. Bằng một trận đánh để đời. Đặc tính Mau & Manh đã được áp dụng tối đa. Bằng sự đồng tâm nhất trí không ngại gian khó, không ngại hy sinh. Bằng sự nhận đinh đúng đắn tình hình chiến trường của Đông Phương. Đã tận dụng sức mạnh tối đa, và một chiến thuật hợp lý, các Bạch Mã đã hiên ngang lên đường cán lên đầu giặc mà đi. Đã ghi lại một nén son huy hoàng trong chiến sử QLVNCH. Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh là một Thiết Đoàn ngoại hạng. Nơi sản sinh ra những vị tướng uy dũng cho QLVNCH như Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh , Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá , Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ…Thiết Đoàn 2 KB cũng là nơi mà các Chi Đoàn Trưởng Thiếu Tá Trương Văn Điền , Ngô Văn Cứ, Lê Văn Duyệt những Đại úy Hà văn Ron , Trung úy Nguyên, Diện, Hạnh, Lộc , Nghi… Những Ha Sĩ Quan độc nhất vô nhị Thượng sĩ Mười, Thượng sĩ Giỏi. Những Trung sĩ Hoàng, Thạnh, Chị, Được , Mảnh.. những binh sĩ Ha sĩ Lến, Xí , Phàn, Thanh, Ba…tung hoành ngang dọc. Vết xích đã in đậm trên khắp chiến trường Quân khu IV và cả chiến trường Kampuchea. Có người đã hy sinh đền nợ nước. Nhưng dù còn sống hay đã hy sinh họ đích thực là những chiến sĩ, những Kỵ Binh cho muôn đời sau. Và đặc biệt là Đại Úy Nghê Thành Thân , Một Chi Đoàn Trưởng lừng lẩy của một thời chinh chiến binh đao.


    Đông Phương viết bài về Trận Chiến Kompong Trach để vinh danh người Kỵ Binh muôn thuở: Đại úy Nghê Thành Thân. Con chiến mã uy linh , rực rỡ và hào hùng. Con chiến mã từ giã gia đình khoác chiến bào đi chiến đấu khi tuổi đời còn quá trẻ. Chiến đấu vì dân vì nước, không vì huy chương cấp bậc. Còn nhớ những tháng cuối cùng của cuộc chiến. Lấy được cây sơn pháo 85 ly đầu tiên tại Quân khu IV, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã chấp thuận cho đặc cách lên Thiếu Tá. Nhưng Thiết Đoàn Trưởng trình Tướng Nam, Đại úy Thân mới lên Đại úy thực thụ 3 tháng. Nghe thế Tướng Nam ân thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Thực ra Đại úy Thân đeo Đại úy nhiệm chức 3 năm. Không biết vì lý do gì không được chạy thực thụ cho nên có cảnh Chi Đoàn phó lên thực thụ trước Chi Đoàn Trưởng. Bên bàn nhậu với chúng tôi, Đại úy Thân cười ha hả. Đại úy mà có Đệ Ngũ Đẳng là quá bảnh. Không hề nãn lòng chiến sĩ. Không bất mãn vu vơ . Vẫn là một kỵ binh can đảm, một Chi đoàn trưởng tận tụy

    Trên chiến trường là một Kỵ binh uy dũng. Trên cương vị chỉ huy, ngoài lòng tận tụy, Đại úy Thân còn là một cấp chỉ huy hết lòng thương yêu thuộc cấp. Trong khi các đơn vị khác phải chi tiền để đựoc đi phép, Đại úy Thân đã cho lính đi phép luân phiên. Với gương mặt rạng rỡ, những Kỵ binh tay chào kính, tay kia nhận giấy phép và 2000 đồng tiền lộ phí đi đường. Có thì trả lại, không có thì …xù. Bởi thế tinh thần anh em Kỵ binh trong Chi Đoàn rất cao. Chiến trận dù lớn dù nhỏ không hề sờn lòng nãn chí, cùng vị Chi Đoàn trưởng thét roi vung gươm ra sa trường trả nợ núi sông.

    Nhớ lại đầu năm 1974, khi mà những Chi đội trưởng lừng lẩy của CD3/2 TK như Trung úy Nguyên , Trung úy Diện đã đền nợ nước. Thiếu úy Hạnh về Bộ chỉ huy thì Ngụy tui giờ đây là Chi đội trưởng, Chi đội xung kích. Trên đường đi tiếp cứu Trung Đoàn 15 Sư Đoàn 9 BB bị kẹt tại Chương Thiện, xe của Đại úy Thân bị mìn. Trung Tá Anh, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 15 BB, đáp trực thăng xuống và chỉ cho tải thương một mình Đại úy Thân mà thôi. Khi Nguy tui trình lại thì Anh Thân yêu cầu trực thăng phải tải thương hết. Nếu không Anh Thân sẽ theo chuyến tải thương cùng với anh em bằng ghe tắc ráng. Cuối cùng Trung Tá Anh đồng ý và Anh Thân là người cuối cùng lên trực thăng tải thương. Trước khi đi Anh Thân luôn dặn dò Ngụy tui phải trì hoản chờ Đông Phương đến. Anh có quá nhiều huy chương Anh Dũng Bội Tinh Nhành Dương Liễu nhưng Anh không quý bằng 5 cái Ngôi Sao Đỏ Chiến Thương Bội Tinh của anh. Anh là người của chiến trận, của hào hùng anh dũng, của tình yêu thương đồng đội. Anh đặt tình thương lên trên kỷ luật. Và đó là sức mạnh vô cùng của Chi Đoàn . Giúp cho Chi Đoàn đi từ chiến thắng nầy đến chiến thắng khác .

    Ngụy tui là một đàn em nhỏ nhoi. Anh Thân thương Ngụy tui như một người em nhỏ. Ngụy tui là một COCC đúng ra không phải ra chiến trường, làm một chậu kiểng muôn đời. Nhưng không! Ngụy tui đã “hiên ngang” ra chiến trường máu lửa với một kiến thức quân sự là con số không. Một tác phong hippy yé yé. Coi đời và cái chết nơ pa. Anh đã hết lòng dạy dỗ cảm hóa con người Ngụy tui để Ngụy tui giờ nầy không phải cúi mặt trước Tổ Quốc, đồng bào. Để Ngụy tui có chút hãnh diện được góp phần xương máu cùng tất cả anh em chiến hữu đã và chưa đền xong nợ nước. Để được nói với con cháu mình rằng Nguy tui đã một thời là một chiến sĩ QLVNCH, đã góp chút công sức trong cảnh Quốc Gia hưng vong, thất phu hữu trách. Một lời cảm ơn chưa đủ. Phải một ngàn lần cảm tạ tri ân anh đã biến Ngụy tui, một Kỵ binh lè phè, chán nản, phản chiến, vô trách nhiệm trở thành một Kỵ binh đúng nghĩa. Không cứ gì Ngụy tui. Xin hỏi bất cứ một người lính một Sĩ quan nào trong đơn vị về anh, sẽ được nghe họ nói về Anh,một người lính, lúc nào cũng đặt Tổ Quốc lên trên hết . Với tinh thần Trách Nhiệm và Danh Dự của người Kỵ binh, Anh đã chu toàn nhiệm vụ được giao phó .
    Anh đã chiến thắng tất cả các trận đánh của anh tuy rằng QLVNCH đã bị bức tử
    Đại úy Nghê Thành Thân, là một người Anh bao dung , một người thầy vĩ đại của Ngụy tui muôn đời.
    NguySaigon
    Chi Đoàn 3, Thiết Đoàn 2 KB

    Kompong Trach: Cuộc Giải Vây Thần Kỳ

    Đầu tháng 6/1972, đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ ngăn chận đường dây xâm nhập của quân cộng sản Bắc Việt từ Kampuchea qua ngã Hà Tiên đến Thất Sơn, dựng hàng rào kẽm gai dọc theo kinh Tám Ngàn từ Vàm Rầy (ở khoảng giữa đường từ Rạch Giá đi Hà Tiên) thẳng đến Ba Chúc, Tri Tôn thuộc vùng núi Thất Sơn, Châu Đốc.
    Hôm đó tôi đi ca nô ra thăm Chi Đội đang bảo vệ căn cứ hỏa lực đóng ở Vàm Rầy, mục đích là để thăm người bạn kết nghĩa cũng là Chi Đoàn Phó của tôi, Nghê Thành Thân.
    Tôi xin nói thêm một chút về Nghê Thành Thân, con người của một thời lừng lẫy.

    Hai chúng tôi cùng tuổi, nhưng vì tôi gia nhập Quân Đội trước Thân nên coi như là niên trưởng! Lời hứa giữa hai chúng tôi là, nếu một trong hai người chết đi, thì người còn sống sẽ đùm bọc gia đình của người đã ra đi!
    Thân rất đặc biệt, là con một của ông chủ rạp hát ở Cà Mau, tốt nghiệp Thủ Khoa khoá Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp . Ngày đáo nhậm đơn vị thì chính ông Bố dẫn con trai đến trình diện Thiết Đoàn Trưởng với lời “gửi gắm” xin cho con mình ra phục vụ đơn vị nào… dữ nhất! Ông Bố chịu chơi này cũng chính là người đã nhiều lần đến quân trường để đứng từ bên ngoài dỡ hàng rào kẽm gai lên cho con mình đang là Sinh Viên Sĩ Quan chui “lỗ chó” để “dù” về Sài gòn, rồi hai cha con đi nhậu trong đêm, sáng trở lại quân trường! Cũng chính ông đã nhiều lần lặn lội, vượt qua nhiều trạm của Việt Cộng để thăm con trong vùng hành quân, lần nào cũng xách theo một giỏ xách đầy… rùa! Vì ông biết chúng tôi khoái nhậu rùa, nhưng không dám chở rùa trên xe vì sợ… xui .

    Có lẽ Thân cũng là người duy nhất mà khi còn ở cấp bậc Thiếu úy đã có được 4 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, Bronze Star của Hoa Kỳ, chưa kể những Anh Dũng Bội Tinh với sao vàng, sao bạc! Một con người mà ai cũng quý mến, trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, Danh tướng Nguyễn Khoa Nam mỗi khi có dịp họp với các đơn vị thì bất kể có sự hiện diện của các Tư lệnh Sư Đoàn, Trung Đoàn Trưởng… ông luôn kéo Thân lên ngồi bên cạnh ông, dù lúc đó Thân chỉ là Đại úy .
    Trở lại hôm đó, khi hai anh em uống gần hết hai hũ Ngũ Gia Bì, điểm đặc biệt khi chúng tôi uống rượu với nhau là không ai nói lời nào ngoài câu “Mình cạn ly này…”, nhưng hôm đó thì ngoại lệ, khi Thân trầm ngâm một lát, rồi nói với tôi:
    - Trong vòng nửa tháng nữa, tôi sẽ chết… anh Điền!
    Tôi biết Thân đang nói chuyện nghiêm chỉnh, nên hỏi:
    - Tại sao anh biết?
    Thân đưa tay vào ngực áo, móc ra tượng Phật làm bằng nanh heo rừng:
    - Tượng Phật báo!

    Tôi thấy lòng mình chùn xuống, không thể uống hết phần còn lại của ly rượu, tôi đứng lên đi xuống ca nô trở về căn cứ . Khi ca nô về gần đến căn cứ thì Thiết Đoàn Trưởng gọi, bảo tôi chuẩn bị 10 phút sau sẽ có trực thăng đến bốc tôi lên Hòn Sóc gặp ông.
    Tại Hòn Sóc, tôi nhận lệnh thu xếp tất cả các thứ để ngay chiều hôm đó đưa Chi Đoàn đến Tô Châu, Hà Tiên để trình diện Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Quân Đoàn IV đang ở đó. Nhiệm vụ của chúng tôi sẽ là đi Kampong Trach để giải tỏa áp lực địch, vào bắt tay với Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh gồm Thiết Đoàn 12 KB và Thiết Đoàn 16 KB cùng 2 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân do Đại tá Biệt Động Quân Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng BDQ Vùng IV làm Chiến Đoàn Trưởng. Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn đang trú đóng tại thị trấn Kompong Trach… Cả Chiến đoàn đang chịu áp lực rất nặng của Công Trường 1 CSBV từ nhiều ngày qua, Lữ đoàn 4 Kỵ Binh đã bị bắn cháy 19 thiết vận xa M113. Thiết đoàn 9 ( ) doTrung Tá Phạm Minh Xuân, Thiết Đoàn Trưởng, chỉ huy được tăng phái vừa đến Kompong Trach lúc 11 giờ đêm, bị điều động đến bố trí qua đêm tại khu vườn tiêu cách Thị trấn Kompong Trach 2 cây số về hướng Tây Bắc thì bị tan nát trong vòng nửa tiếng đồng hồ, chỉ còn lại 21 chiếc M113 . Thuốc men, thực phẩm, đạn dược… thả dù tiếp tế nếu rơi ra ngoài phòng tuyến khoảng 50 mét là coi như bỏ, không lấy được…
    Chẳng lẽ lời báo trước của Nghê Thành Thân sẽ là sự thật?
    Vì quá gấp rút, chỉ có 2 chiếc GMC dùng để chở anh em ở hậu cứ lên công tác và hơn 40 lao công đào binh đến để làm hàng rào ngăn chận cùng một số dụng cụ, nên tôi cho lệnh ném bỏ mấy ngàn cọc sắt và khoảng 500 cuộn kẽm gai còn lại xuống lòng kinh Vàm Rầy, nơi rộng và sâu nhất.
    Khi đơn vị đang vượt kinh ở cầu Lỳnh Quỳnh, thì tôi đến gặp Nghê Thành Thân:
    - Tình hình cũng… không có gì! Tôi đưa Chi Đoàn đến Tô Châu, còn anh thì dẫn anh em hậu cứ với đám lao công đào binh về nghỉ một thời gian, coi sắp xếp lại hậu cứ giùm tôi…
    Thân nhìn tôi đăm đăm:
    - Nhưng tại sao đi gấp quá vậy? Không có cả thời giờ để chở cọc sắt kẽm gai về nữa…
    - Thì tới Tô Châu mới nhận lệnh, bây giờ chưa biết…
    Thân đưa “cặp mắt Đại Hàn” nhìn thẳng tôi, rồi với cái nhếch mép cười cố hữu:
    - Tôi không thể bỏ anh trong trận này được, anh Điền…
    Sau đó mặc tôi nói gì thì nói, Thân quyết không về hậu cứ. Chiều hôm đó, tại Tô Châu, tôi đã nói cho Thiết Đoàn Trưởng và bạn cùng khóa Đại Úy Phạm Khắc Phước nghe về điềm báo của Thân để nhờ hai người này thuyết phục Thân về hậu cứ, nhưng vô hiệu .

    Sau đó tôi đưa đơn vị qua khỏi Thạch Động khoảng 2 cây số và qua đêm ở đó.
    Sáng hôm sau, trong khi chờ Biệt Động Quân đến tùng thiết, thì đơn vị tôi và Chi Đoàn 2/2 TK của Đại Uý Ngô Văn Cứ và Chi Đoàn 1/2 TK của Đại Uý Hà Văn Ron nhận tiếp tế nhiên liệu, riêng đạn dược thì chất vào xe đến mức tối đa.
    Đến trưa thì Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân Đoàn IV cùng với Chuẩn Tướng Nguyễn Huy Ánh, Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân đáp trực thăng xuống gặp tôi. Sau khi bắt tay tôi và các Sĩ quan trong Chi đoàn, vị tướng được xếp vào hàng đầu của QLVNCH bỗng ngồi xuống, tay cầm cây viết vẽ xuống đất để nói về tình hình chung cả nước, rồi nói về mặt trận mà chúng tôi sẽ phải đối mặt. Ông cũng cho biết là lực lượng đi giải tỏa Kampong Trach chỉ có chúng tôi là Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh (gồm 3 Chi Đoàn) và tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân mà thôi, rồi ông kết luận:
    - Quân Đoàn I là mặt trận Quảng Trị, Quân Đoàn II là Kontum, Quân Đoàn III là An Lộc… Còn Quân Đoàn IV là trận Kompong Trach này!
    Ông nhìn tôi rồi tiếp lời:
    - Các anh là lực lượng trừ bị cuối cùng của Quân Đoàn IV, nếu các anh thành công, thì Quân Đoàn IV yên. Nếu các anh thất bại thì Quân Đoàn IV sẽ như 3 Quân Đoàn kia.
    Nói xong ông đứng lên, tôi cũng đứng lên theo và nhìn thẳng vào khuôn mặt khắc khổ của vị tướng mà tôi hết lòng ngưỡng mộ. Ông nhìn tôi một lúc rồi nói:
    - Tôi biết Chi Đoàn của anh “chì” lắm, cố gắng nghe anh Điền! Tôi sẽ sử dụng tối đa hỏa lực phi pháo để yểm trợ cho các anh…
    Tôi đáp:
    - Trình Trung tướng, tinh thần chiến đấu của anh em cao. Trung tướng yên tâm…
    Chiều hôm đó, đoàn xe chở Tiểu Đoàn 58 Biệt Động Quân đến, và người bước xuống xe đầu tiên lại là Trung Tướng Ngô Quang Trưởng . Sau khi xuống xe, ông đi thẳng đến một cây thốt nốt rồi đứng đó nhìn đoàn quân ít ỏi chuẩn bị thi hành một nhiệm vụ quá lớn . Sau khi đến nói chuyện với người bạn cũ là Đại úy Măng, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 58 BĐQ, tôi trở lại Chi Đoàn, thì Tướng Trưởng từ cây thốt nốt đi nhanh về phía tôi, khi đến gần tôi ông không chào đáp mà chỉ bắt tay tôi với lời dặn dò “Cố gắng nghe anh Điền”, rồi lại quay về đứng bên cây thốt nốt!

    Tối hôm đó, tôi họp các Chi đội trưởng, Nghê Thành Thân đã có một câu mà cho đến giờ phút này, vẫn còn đầy đủ giá trị: “Trận này coi bộ khó nuốt… Nhưng có tướng Trưởng đích thân điều động, thì khỏi lo!”.
    Ngày hôm sau, chúng tôi bắt đầu nhập trận, quân đi như gió bão, chiếm từng cụm vườn, từng khu xóm… hướng về Kompong Trach.
    Đến trưa thì chạm súng, phải đến chiều hôm đó mới thanh toán xong những ổ kháng cự. Rồi hai ngày sau đó, chúng tôi bị cầm chân ở khu vực gần ngôi chùa nằm cách Kompong Trach khoảng 5 cây số, vì cộng quân gài chốt ở khắp nơi. Đến ngày thứ 6 thì chúng tôi bám sát được ngôi chùa. Đại Úy Hà Văn Ron, Chi Đoàn Trưởng CD 1/2 Thiết Ky bên cánh trái, và Đại Úy Ngô Văn Cứ, Chi Đoàn Trưởng CD 2/2 Thiết Kỵ phía sau, cứ thế chúng tôi cùng với Biệt Động Quân tùng thiết tiến dần về hướng Bắc.

    Hôm đó, trong khi yểm trợ cho BĐQ thanh toán ngôi chùa nằm sát con lộ, tự nhiên tôi linh cảm một cái gì hắc ám từ cánh đồng trống mênh mông bên phải, nhìn về hướng Thất Sơn. Đó là cánh đồng lầy ngút ngàn trông như biển khơi, tôi liền điều động một chi đội cùng với Nghê Thành Thân án ngữ về hướng đó. Khoảng một giờ sau, có lẽ tức quá, vì trong khi anh em đang chạm súng rầm rầm mà tôi lại bố trí Thân và một chi đội hướng ra đồng trống, Thân bỏ xe đi bộ tới gặp tôi:
    - Ở đó trống quá có gì đâu Đông Phương?
    Tôi giải thích:
    - Anh nằm ngoài đó án ngữ rồi quan sát về phía Bắc dùm để trong này được yên tâm, chứ ở đây rậm quá…
    Thân quay trở lại xe, khoảng nửa giờ sau thì y như rằng, một tiếng nổ ầm ngay ngoài đồng trống (họ đánh kiểu “đội mồ”) bắn trúng xe của Nghê Thành Thân. Không còn nghe tiếng Thân trên hệ thống truyền tin nữa, tôi lập tức lệnh cho Chi đội của Thiếu úy Hạnh bỏ vị trí, đến tiếp cứu Thân. Chỉ trong khoảnh khắc, ổ B 41 đó bị diệt, Thân vô sự, nhưng phải dùng xe của chi đội khinh kỵ vì xe của Thân đã bị tê liệt . Hôm đó chúng tôi lại bị cầm chân

    Ngày hôm sau, trận đánh quyết liệt nhất mở màn, khi cộng quân lùa những đàn bò chạy về phía chúng tôi, rồi họ chạy theo sau với mục đích dùng biển người để cướp sống xe, trong khi đạn pháo của họ bắn chận phía sau chúng tôi. Mấy chục khẩu pháo gần Thạch Động được chúng tôi điều chỉnh bắn thật gần, và bắn tối đa. Ngay sau khi chúng tôi trụ lại được trước sức tiến công của địch quân, thì Không quân VNCH được lệnh xuất kích. Tướng Trưởng đã điều động rất hay ở điểm này, vì khi đó địch quân đã lộ diện, việc dội bom sẽ rất chính xác dù hơi nguy hiểm vì phải dội bom quá sát những đơn vị bạn đang tham chiến, có một đợt bom dội vào ngay giữa đơn vị tôi, nhưng chúng tôi vô sự. Những chiếc phản lực cơ đánh thật đẹp, vừa nghe tiếng gầm thét là họ bỗng xuất hiện, bay thật thấp và dội đủ loại bom từ bom Napalm cho đến bom CPU…, Chúng tôi không cần phải liên lạc vô tuyến để điều chỉnh, mà chúng tôi chỉ cần thả những trái khói màu tại chỗ để đánh dấu đơn vị bạn, và Không Quân VNCH sẽ dội bom về hướng Bắc của những trái khói màu đó khoảng 300 mét trở lên là được .

    Ngay sau đợt oanh kích cuối cùng, chúng tôi lập tức tung ra đợt phản công, tràn lên chiếm giữ những nơi vừa bị đánh bom còn đang bốc khói… Dĩ nhiên là Cộng quân phải rút lui chứ bọn chúng cũng không dại gì mà làm những con thiêu thân trước những con chiến mã đang nộ khí xung thiên gầm thét, giáng sấm sét lên đầu bọn VC hung tàn đó.
    Anh em bên Biệt Động Quân có vẻ nhụt chí, khiến cho Nghê Thành Thân tức giận nhảy xuống khỏi xe, rồi cùng với một Đại Đội Trưởng của họ là Trung úy Gia xông thẳng vào phòng tuyến địch để họ phải tiến lên theo… Thật ra Thân không phải rời xe để đánh như Bộ Binh như vậy, nhưng trong cơn cuồng nộ của bom đạn, Thân đã quên mình, quên cả tượng Phật…
    Hôm đó Chi Đoàn tôi tịch thu được 6 máy truyền tin, 4 khẩu đại liên , một số B 40, B 41 và AK. Buồn cười cho ông Thiết Đoàn Trưởng của tôi là Trung tá Nguyễn Hữu An, ông lấy máy chụp ảnh ra bảo Đại úy Trạng chụp ảnh tôi và ông đang đứng trước đống chiến lợi phẩm, sau trận đánh mới biết cái máy ảnh không có phim trong đó.

    Trong số những chiến lợi phẩm tịch thu được, có những quyển nhật ký. Qua những quyển nhật ký đó chúng tôi biết được họ thuộc Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt, cộng với 2 Trung đoàn 51 và 52 Đặc Công, có một thành phần của Sư đoàn 320 mà họ tự nhận là “Sư đoàn Thép” (Vào thời điểm đó, Sư đoàn 320 CSBV đang tham chiến ở mặt trận KomTum ngoài vùng II), Có những câu nhật ký mà tôi còn nhớ rõ qua cách đọc rất tếu của Thiếu úy Hùng (Là người mang bút hiệu “Nguỵ Sài Gòn” đang quậy tùm lum trên các báo chí hải ngoại đấy!) : “Đoàn xe bọc thép của quân ngụy sài gòn mang hình đầu ngựa phun lửa, trong ba ngày đầu đã tỏ ra hung hăng tàn ác… Nhưng những chiến sĩ anh hùng của ta quyết giáng cho chúng những đòn trừng trị đích đáng….”, rồi Hùng kết luận “Sắt thép gì gặp mình cũng thành chuột lắt hết!”. Cũng vui .
    Hôm sau lại chạm súng lớn, chúng tôi bị tổn thất khá nặng. Phải rút về biên giới để tái tiếp tế, tái trang bị.

    Nhìn những anh em bị thương nằm ngồi la liệt để chờ tản thương, bắt dầu là Đại úy Măng – Tiểu Đoàn Trưởng 58 Biệt Động Quân, rồi Đại úy Ron – Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 1/2 TK . Riêng Chi Đoàn tôi đã bỏ 2 xe, phải đôn khinh kỵ lên làm xạ thủ đại liên, lính Biệt Động Quân thì trở thành khinh kỵ. Cũng được tăng cường thêm một số… “tân binh” đang thụ huấn ở Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng ra .
    Hôm sau lại tiến vào vùng lửa đạn, lại bị cầm chân. Có những cảnh tôi không quên được, như khi hay tin Chuẩn úy Kỳ, một thiếu sinh quân tài hoa vừa bị thương, tôi chạy đến để gặp Kỳ thì nhìn thấy cảnh Kỳ đang nghiến răng dùng lưởi lê tự chặt vào phần xương dưới ống quyển còn dính lại để cho bàn chân rời hẳn đi cho đỡ khó chịu…Lúc đó lại nhận được tin người anh cả, Tướng Ngô Quang Trưởng vừa lên đường ra đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I với mặt trận Quảng Trị… Hôm sau thì Trung tá An, Thiết đoàn trưởng, rời đơn vị và Thiếu tá Nguyễn Văn Việt Tân lên thay thế .

    Sau một tuần lễ giao tranh không có kết quả như mong muốn, lại bị tiêu hao từng ngày như thế, tôi nhận định: Quân cộng sản Bắc Việt đã sử dụng tối đa cách gài “chốt” trên trục tiến quân của chúng tôi . Những chốt dày đặc này có hiệu lực ngăn không cho bên trong ra, chận không cho bên ngoài vào, rồi khi có được những yếu tố thuận lợi như địa hình thích hợp thì những chốt đó sẽ kết hợp với lực lượng chủ động để tấn công tiêu diệt đối phương.Và cách đánh đó đã có hiệu quả ngăn chận sức tiến quân của chúng tôi! Rõ ràng là chúng tôi đã bị cầm chân và bị tiêu hao từng ngày .

    Như vậy, nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ bắt tay với các đơn vị bạn bên trong, giảm thiểu thiệt hại để bảo toàn lực lượng thì chúng tôi phải vô hiệu hóa những chốt đó. Ở nội địa thì tôi đã từng nhiều lần sử dụng những toán “Lôi Hổ” của tôi để đánh đêm, tiêu diệt những cái chốt như thế… Nhưng đó là loại “chốt” lẻ tẻ để vây đồn, còn ở đây là cả một hệ thống chốt .

    Trước tình thế đó, tôi thấy rằng, điều tiên quyết để bảo toàn lực lượng là phải bắt tay cho được Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh và Liên Đoàn Biệt Động Quân, rồi cùng nhau đánh trở ra. Vì nếu chúng tôi vào bắt tay được với họ thì tình thế sẽ khác đi: Bắt tay được có nghĩa là lực lượng đang bị bao vây tại Kompong Trach và lực lượng đi giải tỏa là chúng tôi khi đó sẽ hợp thành một lực lượng lớn, thì việc đảo ngược tình thế là dễ dàng… Mà sau hơn một tuần giao tranh, tôi tin chắc là chúng tôi sẽ vào được, nếu quyết tâm!
    Đây chính là một cuộc Đọ SỨC VỀ TINH THẦN . Nếu nói về cuộc đọ sức về Kỷ Thuật, về Chiến Thuật thì dễ thôi: Cứ tận dụng khả năng di động cao, hỏa lực mạnh của Thiết Giáp làm lợi thế chính, càn lướt qua các tuyến “chốt” của họ mà đi, chứ nếu cứ dừng lại để thanh toán từng mục tiêu như mấy ngày qua, thì biết đến bao giờ mới bắt tay được, mà còn bị tiêu hao từng ngày…

    Nghĩ sao làm vậy! Tối hôm đó tôi họp các Chi Đội Trưởng để nói về ý định của mình, rồi căn dặn:
    “Chỉ còn 4 cây số nữa thôi là bắt tay được với Lữ Đoàn, phải cán lên đầu nó mà tràn vào, không cần dừng lại đánh đấm gì cả, xe nào bị bắn hư thì cứ bỏ, không cần kéo theo… Ngày mai chúng ta phải vô tới Kampong Trach!”.

    Sau khi các Chi Đội Trưởng đi khỏi, tôi gọi 3 đệ tử ruột của tôi là Mảnh, Được và Ba đến: “Nếu anh có chết, thì tụi em cố đem xác anh về cho chị Ba!”. Những người em đã từng yêu cầu tôi đặt tên cho họ là toán “Lôi Hổ” đó đã nhìn tôi buồn bã …
    Sáng sớm hôm sau, chúng tôi dàn hàng ngang tiến vào những cụm vườn phía trước, không có tiếng súng bắn trả. Chúng tôi tiến sâu hơn, vừa tiến vừa tác xạ và Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ở phía sau cũng tiến theo, Chi Đoàn của Đại Úy Cứ đi song song bên cánh phải. Vì những hố bom B52 dày đặc nên việc di chuyển hơi khó khăn, đến một ngôi chùa kế tiếp buộc chúng tôi phải thu hẹp đội hình để tránh những hố bom, thì từ trên sát nóc của ngôi chùa, một loạt đạn đại liên bắn thẳng xuống xe tôi, trúng vào phía sau lưng ghế tôi ngồi. Bằng động tác phản xạ, tôi phóng qua bên kia pháo tháp rồi nhảy xuống đất vừa núp vào thân xe vừa khoát tay bảo tài xế cứ tiếp tục chạy tới và tôi chạy theo bên hông, ngay sau đó Chi Đội của Thiếu úy Hùng từ phía sau lập tức diệt ngay ổ súng. Trở lên xe thì chiếc ghế tôi ngồi vẫn còn đang bốc khói, đó là chiếc ghế của phi công trực thăng mà từ lâu chúng tôi lấy từ một chiếc trực thăng bị bắn rơi, đạn không xuyên qua được, nhưng người ngồi ngay sau ghế tôi là Thiếu úy Quyền, Tiền Sát Viên Pháo Binh thì bị bứt luôn hai chân! Sở dĩ họ chỉ nhắm bắn vào xe tôi là vì trong khi những xe khác chỉ có một ăng ten thì xe tôi có đến 5, họ biết ngay đó là xe chỉ huy…

    Qua khỏi ngôi chùa khoảng 300 mét thì nhiều loạt đạn từ phía sau bắn rượt theo, có lẽ họ vừa hoàn hồn vì không ngờ chúng tôi lại cán lên đầu họ mà tiến. Còn hơn 2 cây số nữa là đến Kampong Trach, Chi Đoàn của Đại Úy Cứ bên cánh phải vừa bị bắn cháy một xe và anh đang dàn hàng ngang chuẩn bị thanh toán mục tiêu. Quyền Thiết Đoàn Trưởng bảo tôi án ngữ chờ Đại Úy Cứ . Không thể dừng lại ở đó trong tình thế như vậy, vì như thế có khác nào đứng bất động làm bia cho địch nhắm bắn từ bốn phía, tôi lập tức nêu lên luận cứ của mình:
    - Sắp vào đến nơi rồi mà ở đó lo thanh toán nó là sẽ bị nó cầm chân. Đó là chưa nói đến chuyện ở phía sau mình tụi nó vẫn còn nằm nguyên đó, mình chỉ cán qua đầu nó mà đi thôi, chứ chưa dứt điểm nó… Có nghĩa là mình coi như bị lọt giữa vòng vây, nằm lại đây chỉ làm bia cho nó bắn! Tôi đề nghị bỏ mấy con chuột lắt đó đi, cứ tiếp tục cán qua đầu nó mà tiến. Bắt tay được rồi, tôi bảo đảm khi trở ra, mấy con chuột đó mà ló đuôi con nào là tôi sẽ chặt đuôi vạt mõm con nấy… Mấy ngày nay cho thấy tụi nó chỉ là chuột lắt thôi, chứ không phải “Sư Đoàn Thép”, Trung Đoàn Đặc Công con khỉ gì đâu .

    Quyền Thiết Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Việt Tân đồng ý, thế là chúng tôi tiếp tục tràn lên. Từ những phòng tuyến, cộng quân đã bắn trả theo kiểu chỉa súng lên trời mà bắn chứ không dám ngóc đầu lên để nhắm bắn vì lưới lửa của chúng tôi dày đặc. Tràn qua hết phòng tuyến này đến phòng tuyến khác, còn một cây số nửa là sẽ bắt tay đơn vị đầu tiên ở bên trong. Chúng tôi yêu cầu họ trú ẩn để tránh đạn cho đến khi chúng tôi vượt qua khỏi họ, vì chúng tôi vừa tiến vừa tác xạ, chứ không thể ngưng bắn được. Quả thật đối phương đã bất ngờ, chúng không làm gì được ngoài việc bắn vét đuôi chúng tôi với những loạt đạn vu vơ nghe như những tiếng thét vô vọng… Trong niềm vui đang dâng tràn tôi đã đứng lên chộp lấy một trái xoài chín khi xe tôi đang tiến dưới bóng một cây xoài rồi quay nhìn về phía sau, nơi xuất phảt những loạt đạn vớt vát đó, tôi nghĩ đó có thể là những cái chốt đã ngăn chận các đơn vị bị vây bên trong .

    Và cuối cùng, mấy chiếc M113 của đơn vị bạn hiện ra lù lù phía trước. Chiếc xe đầu tiên mà tôi gặp là xe của Đứa, người bạn thân khi 2 chúng tôi còn là Chi Đội Trưởng. Sau khi bố trí đơn vị, tôi cặp sát vào xe của Đứa. Đứa đang đứng dưới đất chờ tôi, hai anh em tay bắt mặt mừng bất kể những quả đạn pháo của họ đang nổ chụp ngay trên đầu .

    Khoảng nửa giờ sau, khi tôi và Đứa vẫn còn đang đứng đấu hót, thì một chiếc C130 từ hướng Kampong Trach rà sát ngọn cây bay về hướng Hà Tiên sau khi thả đồ tiếp tế xuống cho các đơn vị trong Kompong Trach, thì cả một vùng chung quanh tôi rộ lên những tiếng súng nhỏ, súng đại liên bắn lên chiếc máy bay. Với số lượng tiếng súng nổ như thế, ít lắm cũng phải có cả ngàn tay súng . Nhìn chiếc máy bay khổng lồ bay sát ngọn cây trong rừng đạn bắn lên như thế, ta mới thấy được sự hy sinh của những người phi công như thế nào. Tôi chợt nhớ lại hình ảnh mấy chiếc trực thăng bị bắn rơi mà tôi vừa đi ngang qua lúc nãy…

    Có một chuyện buồn cười là chiều hôm đó, bọn VC nhảy vào hệ thống truyền tin nội bộ của Chi Đoàn tôi, rồi điều động như thể họ đang tiến sát để… diệt gọn chúng tôi vậy. Thế là mấy Chi Đội Trưởng Nguyên, Hạnh, Diện, Hùng, Lộc được dịp đấu khẩu tiếu lâm cho đến khi họ im, và chúng tôi phải thay đổi tần số truyền tin.Tôi vẫn tưởng đêm đó sẽ là đêm không ngủ, vì chắc chắn họ sẽ “dàn chào” chúng tôi. Nhưng không hiểu sao họ đã im lặng, có lẽ vì tổn thất của họ đã quá lớn. Ngày hôm sau, chúng tôi án ngữ hai bên trục lộ để yểm trợ cho các đơn vị bên trong triệt thoái về Hà Tiên, tôi cũng đã gửi những thương binh, tử sĩ của đơn vị tôi theo họ về trước, vì chúng tôi còn phải ở lại.
    Cuộc triệt thoái đã diễn ra êm thắm vì cộng quân đã rút đi trong đêm đó. Sau đó đơn vị tôi cũng trở về nội địa, giữ Quốc lộ 4 từ Trung Lương đến Bắc Mỹ Thuận, cũng là để nghỉ dưỡng quân. Trong một tối nhậu ở quán của Mỹ Tiên tại Trung Lương, Thân đã ra vườn mận phía sau quán cởi bỏ cái tượng Phật, không đeo nó nữa. Mỹ Tiên đã phải cầm đèn đi ra tìm, nhưng không gặp.

    Nhưng có điều là sau đó một tháng thì Thân bị thương, ở Kompong Trabek, một mảnh đạn ghim vô ngực, phải về nằm bệnh viện, bỏ lỡ dịp đi giải toả quận Kiên Lương và nhà máy xi măng Hà Tiên ngay sau đó. Khi đơn vị tôi đánh bật địch ra khỏi quận Kiên Lương, chiếm lại nhà máy xi măng thì Thân mới trở ra đơn vị…

    Để cho tâm hồn được thanh thản, cũng là để thực hiện lời hứa với một người bạn đã chết, và trên hết vì nỗi khổ đau của những người vợ, những đứa con, những người thân của bao nhiêu chiến sĩ đã tử trận ở Kompong Trach trong mùa Hè 1972 đó, tôi xin nói lên một sự kiện đau lòng sau đây để nhắc nhớ quý vị niên trưởng của chúng tôi, những cấp chỉ huy, trong Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn trú đóng tại Kompong Trach: Là quý vị đã bỏ rơi Tiểu Đoàn 94 BĐQ. Tiểu Đoàn BĐQ nầy nằm giữ phía Bắc Kompong Trach không hề hay biết về cuộc triệt thoái. Khi quý vị đã an toàn về đến VN thì Tiểu Đoàn 94 BĐQ bị quân CSBV xâm lược cường tập dứt điểm. Đại úy Lâm, Tiểu Đoàn Phó tử trận cùng bao nhiêu chiến sĩ BĐQ. Mãi đến hôm sau Thiếu Tá Ngọc, Tiểu Đoàn Trưởng cùng khoảng mười chiến sĩ sống sót thất thểu ra đến xe tôi . Hình ảnh Thiếu Tá Ngọc đến bên xe tôi, không nói một lời, nặng nề cởi nón sắt và buông rơi xuống đất. Rồi ngồi bệt xuống đất gục đầu trong khổ đau bi hận đã khiến cho anh em chúng tôi cảm thấy mình bị phản bội bởi những cấp chỉ huy mà chúng tôi vừa vào sinh ra tử để cứu họ.

    Ít ra quý vị cũng phải báo cho chúng tôi biết còn một Tiểu Đoàn 94 BDQ tại Bắc Kampong Trach để chúng tôi khỏi bắn lầm vào họ khi họ xuất hiện từ xa. Chúng tôi đã bắn vào họ như thế đấy . Chúng tôi không thể hiểu tại sao Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn lại phải hy sinh nguyên một Tiểu Đoàn BDQ khi mà chiến trường đã được giải tỏa .Chúng tôi thấy không cần thiết phải hy sinh một Tiểu Đoàn như thế.
    Xin đừng bao giờ nhắc đến những chiến công của quý vị nữa, mà hãy đếm xem có bao nhiêu con người đã phải chết tức tưởi vì quý vị. Bên cạnh những cái chết oan khiên đó là bao nỗi khổ đau vô vàn của những người vợ góa, con côi, những cha mẹ, anh chị em ruột thịt, cùng những người thân yêu của họ còn ở lại…

    Dẩu biết rằng chiến tranh là có chết chóc, có thương đau, là chia ly vĩnh biệt nhưng sao nghe nghẹn ngào và cay đắng quá
    Điền ĐôngPhương
    - Mùa Hè 1972

  • #2
    Thắng Không Kiêu, Bại Không Nản

    Xin cám ơn anh NguySaigon đã cho đọc một tài liệu thật quý giá về một Chi Đoàn Trưởng Thiết Giáp, một Kỵ Binh lừng danh vùng 4 và cũng là một người anh hiền hòa, bình dị với một nhân cách lớn mà tôi có dịp quen biết : Đại Úy Nghê Thành thân. Anh NguySaigon và NT Đông Phương, một là cấp chỉ huy, một là thuộc cấp của anh Thân đã từng cùng nhau sát cánh, vào sinh ra tử với anh Thân nên chắc chắn là những chứng nhân trung thực nhất về sự kiêu dũng với một quá khứ lẫy lừng của một chiến mã mà trong hai năm cùng sống chung trong trại "cải tạo" Vườn Đào từ 1978 - 1980, tôi đã có dịp gần gủi thân tình nhưng không được biết đến. Bài viết đã làm tôi thật sự xúc động bởi, ngoài con người bình thường với một tư cách đàn anh lớn mà tôi rất mến phục và thương mến, anh còn là một ngôi sao sáng bầu trời miền Tây, một cuộc sống khác tôi chưa bao giờ hình dung ra được trong vóc dáng ngoại hình xề xòa dung dị và một tình thương yêu em út chân tình của người anh lớn trong gia đình.
    Bài viết trên đã ghi lại sự vinh quang và chiến thắng của một con người, phần nầy xin tiếp theo về người anh Nghê Thành Thân, một con mãnh hổ lúc sa cơ và nằm trong tay địch như hàng ngàn những Sĩ Quan ưu tú của QLVNCH bị đày ải trong các trại tù được mệnh danh là "trại cải tạo".
    Tôi và anh không quen biết trước, tôi cũng không thuộc binh chủng Thiết Giáp nhưng do sự tình cờ của thời cuộc, đã có cơ hội quen biết và chung sống với anh cũng như những bậc đàn anh đáng kính khác trong một "đại học máu", nói theo Hà Thúc Sinh. Khi đọc tin về anh trong bài viết trên đây, tôi không ngăn được những xúc động dâng trào, nhớ về những ngày cơ cực đã cùng với anh chia xẻ, với một tấm lòng thương mến của một đứa em dành cho người anh lớn trong gia đình. Tôi thuộc dạng út chót, những sĩ quan trẻ nhất của QLVNCH đã hân hạnh cùng chia mồ hôi với đàn anh, nhưng lại không mai chưa được chia mùi chiến thắng, bị gom về Vườn Đào Mỹ Phước Tây sau hai năm "lao động cải tạo" ở vùng 4 vì những biến động ở biên giới Kampuchia và VN đang sắp có chiến tranh với Trung cộng ở phía bắc. Vườn Đào, nơi đào Viên kết nghĩa, không phải của 3 vị anh hùng thời Tây Hán, mà là của hàng ngàn Sĩ Quan thời hậu VNCH từ khắp vùng 4 để tạo thành Liên Trại 3 (xem thêm bài viết "Cơn Hồng Thủy Vườn Đào Mỹ Phước Tây" trước đây).
    Tổ tôi được sát nhập chung vào đội 2 của anh Thân do anh Ẩn, Đại Úy, làm đội trưởng. Trong tổ anh Thân có anh Mai Thế Nghiêm cùng đơn vị KQ trước đây ở Đà Nẵng nên tôi hay lui tới tâm tình và từ đó quen biết với anh Thân. Ngoài ra còn qua anh Huỳnh Văn Thuận, tr/u Thiết Giáp cũng là người quen biết như trong gia đình, là người chuyên lo về hậu cần cho đội 2 với căn tin của trại mà anh Thân là một "khách hàng" quen thuộc, cả nhóm lui tới qua lại thành quen. Từ quen đến thân chỉ là một thoáng, nếu tình cờ người ta bắt được những tín hiệu đồng cảm hay sự chân tình. Dần dà, do cảm mến tính tình của nhau, anh Thân trở nên thân thiết hơn trong nhóm và thường chia xẻ những riêng tư. Dáng người nhỏ, thấp, đặc biệt là cặp mắt "đại hàn" cùng với họ "Nghê" của anh cho phép người ta nghĩ ngay đến một anh công tử ở Chợ Lớn nào đó lạc vào chốn ba quân. Tuy nhiên, anh có sự hiểu biết thật rộng rãi, tầm nhìn rộng, từng trải, sành điệu và một nét chỉ huy cương nghị mà không cần quyền hành cũng khiến người ta phải nể phục. Cùng với tình tình điềm đạm, vui vẻ và nét chân tình khi tiếp xúc, nhất là tiếng cười rổn rảng của anh khiến người gặp một lần cũng khó quên. Anh đã dành cho chúng tôi, một số người trẻ quen biết trong đội những cảm tình đặc biệt, có lẽ một phần vì tính hay ươn ngạnh và thái độ khinh mạn trước cường quyền nhưng lại ngô nghê trong cuộc sống tù tội. Với anh, việc "cải tạo" chỉ là một hình thức trả thù kẻ chiến thắng dành cho kẻ chiến bại và anh sẵn sàng chấp nhận, tôi nghĩ có lẽ anh muốn nói so với những chiến tích lẫy lừng trước đây thì việc trả thù nầy chỉ là "chuyện nhỏ" và những lúc đó hình như trong đôi mắt anh thường lóe lên niềm kiêu hãnh. Còn một lý do khác tôi nghĩ một phần tạo nên bản tánh đôn hậu và rất thương em út của anh vì anh là con một trong một gia đình khá giả nên rất trân quý tình cảm anh em, một cô em gái nuôi trong gia đình mà anh thường nhắc đến chứng minh điều đó. Có nhìn anh mặc chiếc áo ngắn nhem nhuốc, chiếc quần cụt xuề xòa, ngồi xếp bằng hàng giờ căng thẳng bên bàn cờ tướng, hay nhanh nhẹn thoăn thoắt với cây vợt bóng bàn trong những lần thi đấu liên đội, cả hai bộ môn anh đều thuộc hạng cao thủ của trại, mới thấy sự xông xáo của anh trong cả hai phương diện thể lực và trí tuệ. Cả nhóm chúng tôi thường có thú đam mê xem bóng đá và vào mùa worldcup 1978, do lòng "ưu ái" của ban quản lý, trại có gắn một TV cho "trại viên" xem, và tôi có nhiệm vụ mỗi chiều khi đi lao động về là mang ngay một xấp ghế ngồi của nhóm đem lên hội trường sắp xếp dành chỗ trước cho nhóm xem đá banh, mặc dù chương trình đến tối mới bắt đầu. Thường chúng tôi được ngồi ở hàng giữa hội trường, những chỗ tốt hơn phía trước thì khó lòng có được, anh thường cười xòa chế diễu:"như thế nầy thì làm sao ra đời bon chen với thiên hạ".

    Không phải ai cũng có thể dễ dàng giữ được sự toàn vẹn khí tiết và tư cách giữa chốn tận cùng gian khổ, trước sự cùng kiệt về sức lực và sự tuyệt vọng về tinh thần, luôn luôn bị kẻ thù đe dọa. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp, đã đọc nhiều hồi ký về sự mềm lòng, nhẹ dạ của nhiều chiến hữu, những đàn anh bị bắt buột hay cam tâm làm tai sai hoặc chỉ điểm cho địch. Trong trại Vườn Đào cũng không thiếu, điển hình nhất là từ khi trại có chương trình "phát thanh" do các "anh em trại viên tiến bộ" thực hiện dành cho các "cải tạo viên" , một lô những tên tuổi quen thuộc xuất hiện hàng ngày với những bài bình luận, lên lớp , cổ vỏ, "động viên" lao động... điển hình như Hồ Phước Hiến, Phạm Hồng Ân (người rất nổi tiếng với bản vọng cổ "nghe tin em vào đại học" tự sáng tác, đây là câu chuyện của một anh cán binh cs trên đường chiến đấu nghe tin cô em gái ở nhà vào đại học, trong đó câu mở đầu quan thuộc đến nỗi mọi người đều thuộc: "...được tin em vào đại học, nửa tin nửa ngờ tên lại trùng tên...", ngọng ngịu đến thế là cùng). Những người trong ban phát thanh hay văn nghệ được miễn lao động hoàn toàn vì là công tác đặc biệt, cũng xin cám sự ưu đãi nầy để một số bạn bè ốm yếu hay bệnh hoạn tôi có nơi ẩn náo hợp pháp, tuy nhiên, từ ẩn náo đến bán mình cho địch còn là một khoảng cách rất xa của lòng tự trọng và không phải ai cũng có thể phục vụ trong ban phát thanh như trên đây.
    Riêng tôi, cám ơn trời đã cho một sức khỏe tương đối nên dù bạn bè nhắc nhở là có chút vốn liếng về văn nghệ, tôi xin được lao động bình thường, một là để khỏi phải bập bẹ những câu nhạc ngớ ngẩn của những tên nhạc sĩ gọi là cách mạng, hai để có chút thoải mái về tinh thần, nhất là những khi được ra lao động ngoài trại.
    Từ anh Thân, tôi đã học được rất nhiều về cách xử thế, cách mưu sinh trong chốn lao tù nầy. Một điều anh dặn tôi nhớ mãi là đừng bao giờ để cho tụi nó chú ý, quá nổi bật cũng như quá bê bối, đó là cách để sống còn trong hoàn cảnh nầy. Gần gủi anh nhưng rất ít khi nghe anh kể về quá khứ huy hoàng của mình, phải chăng đây cũng là một nghệ thuật mưu sinh thoát hiểm của anh. Tổ tôi thường được phân chia chung với tổ anh đi lao động, từ tạp dịch bên trong Liên Trại cho đến những chuyến đi canh tác bên ngoài trại, xa nhất là dùng xuồng ba lá đi về hướng chợ Mỹ Phước Tây rồi theo kinh rẽ đến một nơi nào đó trong vùng ven Đồng Tháp không tên, để làm cỏ và cấy lúa (đôi khi cũng phải đi bộ khá xa). Đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thấy và nếm mùi đỉa Đồng Tháp đến rợn người. Mỗi chuyến đi là một cuộc phiêu lưu thú vị, sáng sớm mỗi người được lãnh phần bột mì hấp đem theo ăn trưa, khi về nếu đi xuồng thì có thể ghé chợ chiều Mỹ Phước Tây mua vài món lặt vặt. Nếu đi bộ phía bên nầy con kinh Mỹ Phước Tây thì được lòn lách qua các nhà dân, xem những người dân lam lũ để cảm thấy mình vẫn còn có người đồng loại bên ngoài hàng rào kẽm gai. Qua mùa cấy, chúng tôi háo hức chờ ngày thu hoạch để lại được đi cắt lúa nhưng chờ mãi chẳng thấy, có lẽ lúa chưa lớn đã chìm sâu vào những hố phèn chua khủng khiếp của vùng Đồng Tháp ( mỗi khi tắm, thấy nước trong xanh, anh thử hớp một ngụm vào miệng thì bị cứng họng ngay vì vị chua chát, quần áo giặt nước phèn thì cứ dính cứng, da người thì mốc và vàng, nhất là những móng chân và tay giống như vỏ của những con cua biển màu vàng chắc thịt).
    Những ngày cơ cực làm người ta thêm gắn bó. Tôi nhớ mãi một lần tổ anh Thân và tôi được phân công chăm sóc một mảnh vườn rau cải của cán bộ vệ binh phía bên Liên Đội 1, gần khu dành cho quý vị cấp Tá. Hai người khiêng một thùng hốt phân đi thu nhặt các "tàn dư" của con người trong các cầu xí, anh thấp nên đi trước, tôi phía sau, phía giữa tòn teng một thùng tròn phân nặng mùi mà người đi sau thường lãnh đủ. Vì trong trại chỉ ăn bo bo và bột mì nên phân cũng trở nên hiếm, hai anh em phải kiên nhẩn ngồi chờ cho đến khi có người vào xả phân tươi thì lập tức thu nhặt ngay, gom về khuấy loãng ra tưới cho vườn rau cán bộ, một vườn rau muống và cải luôn xanh um, các chú vòi bò lổn ngổn dưới màu xanh đậm bệnh hoạn của líp rau. Chúng tôi nhìn nhau cười, một nụ cười chứa nhiều cay đắng.
    Năm 1980 tôi được ra trại trước, anh chuẩn bị di chuyển về Long Khánh và được trả tự do sau đó ít lâu. Tôi vượt biên thành công và có thư về gia đình hỏi thăm tin tức của anh. Sau một thời gian tôi nhận được thư trả lời của anh từ Mỹ, thật không thể nào diễn tả nổi vui mừng. Trong lần gặp anh ở Virginia lúc mới sang ít lâu, anh em mừng vui khôn xiết, gia đình anh chị cùng 3 con thật hạnh phúc, các cháu ngoan và học rất xuất sắc, anh luôn chú trọng về việc học hành, tôi đã biết điều nầy từ khi còn trong trại với anh.
    Thời gian tưởng đã xóa nhòa mọi chuyện, kể cả không gian cách trở và nợ áo cơm đã làm anh em xa cách, giờ tình cờ đọc được bài biết về anh, tôi thật xúc động nên ghi vội chút tâm tình về anh, xin gởi đến anh như một chút kỷ niệm trong tù với người anh mà tôi luôn kính mến.


    Tiểu chùy
    Tháng 12/2011
    Tình Khúc Trên Chiến Trường
    (Thơ Ngô Đình Vận, nhạc Phạm Duy)

    Để nhớ về những đêm trà đàm tại Vườn Đào với các anh

    Last edited by chimtroi; 04-05-2022, 11:52 PM.

    Comment


    • #3
      Trận kampong trach 1972

      TRẬN KAMPONG TRACH 1972:
      TIỂU ĐOÀN 58 BIỆT ĐỘNG QUÂN CÓ BỊ NHỤT CHÍ VÀ
      TIỂU ĐOÀN 94 BIỆT ĐỘNG QUÂN CÓ BỊ BỎ RƠI KHÔNG?


      Người viết: Đỗ Sơn

      Mỗi năm trong cuộc chiến Việt Nam đều đáng nhớ cả, vì mỗi năm gồm 365 ngày đó máu của thanh niên Việt cả hai miền Nam – Bắc đổ ra từng ngày. Nhưng năm 1972 có lẽ là năm được nhớ đến nhiều hơn hết vì có trận “Mùa Hè Đỏ Lửa” miền Trung mà máu người Việt hai miền đã đổ ở mức độ khủng khiếp. Tuy nhiên năm 1972 không chỉ khủng khiếp với “Mùa Hè Đỏ Lửa” vì vào Mùa Xuân năm ấy thì khủng khiếp đã xảy ra trước rồi, ở Kampong Trach trên đất Miên.

      Hai lực lượng quân sự Việt Nam, Việt Cộng Hòa và Việt Cộng Sản. Một bên quyết giữ cho vùng IV của Việt Nam Cộng Hòa yên ổn. Một bên quyết mượn đất Miên xâm nhập vào vùng IV phá rối trị an cho bằng được trước khi họ khởi đánh trận “Mùa Hè Đỏ Lửa” ở miền Trung. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn IV và Quân khu IV, quyết tâm chận đứng âm mưu này.

      Trận Kampong Trach là câu trả lời chung cho cả hai bên!

      Theo BĐQ Đỗ Như Quyên, dựa vào quân sử Việt Cộng, lực lượng chính của Việt Cộng tham dự trận Kampong Trach là Công trường 1 gồm Trung đoàn 88, Trung đoàn 95A, Trung đoàn 101D, Trung đoàn 40 Pháo binh, Đoàn 200 Hậu cần, và được tăng phái thêm một trung đoàn của Công trường 9, chưa kể các đơn vị pháo binh, đặc công, vv … (Đỗ Như Quyên cho biết các sư đoàn Việt Cộng thành lập ở miền Nam đều được ngụy danh là Công trường cho có vẻ … phi quân sự). Công trường 1 Việt Cộng được thành lập năm 1965 ở rừng núi phía Tây thành phố Huế, năm 1968 bị quân Việt Cộng Hòa đánh thiệt hại nặng phải di chuyển vào Kontum, qua năm 1969 bị thêm một vố nặng nữa bèn được cho qua Takeo, đất Miên, đặc trách lòn quân qua biên giới quấy phá vùng IV Việt Nam Cộng Hòa.

      Phía lực lượng Việt Nam Cộng Hòa ban đầu là Liên đoàn 42 Chiến thuật Biệt Động Quân với ba Tiểu đoàn 66 – 93 – 94 chỉ huy bởi Trung tá Trần Kim Đại được tăng phái thêm một Chi đoàn Thiết Giáp thuộc Thiết đoàn 12 Kỵ Binh.

      Theo các tiết lộ thời bấy giờ và sau này, binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam Cộng Hòa đã trở thành nạn nhân trong việc kình chống giữa hai chính phủ Việt – Mỹ. Người Mỹ kết án Lực Lượng Đặc Biệt được chính phủ Ngô Đình Diệm xử dụng như lực lượng chính bảo vệ cho chế độ, thi hành những nhiệm vụ đàn áp đối lập; vì vậy họ ngưng tài trợ cho binh chủng này. Và cho dù ông Diệm – ông Nhu đã bị sát hại một cách man rợ, đến năm 1969 thì Lực Lượng Đặc Biệt cũng phải giải tán vì thiếu ngân khoản. Những trại Biệt Kích dọc theo biên giới được cải tuyển sang binh chủng Biệt Động Quân. Ví dụ như ở vùng IV, dọc theo kinh Vĩnh Tế phân chia hai nước Việt – Miên, từ Thất Sơn Châu Đốc chạy dài sang Hà Tiên Rạch Giá có ba trại Biệt Kích. Trại Ba Xoài cải tuyển thành Tiểu đoàn 94, Trại Vĩnh Gia thành Tiểu đoàn 93, và Trại Tô Châu thành Tiểu đoàn 66. Còn có Tiểu đoàn 85 đóng quân chung với Bộ Chỉ huy Liên đoàn tại Thất Sơn. Các vị Tiểu đoàn trưởng đầu tiên, theo thứ tự trại vừa nêu là Đại úy Triệu Sang, Thiếu tá Hoàng Đình Đốc, Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh, và Đại úy Khôi (người viết quên họ). Liên đoàn 42 Chiến thuật Biệt Động Quân là hậu thân của B20 Lực Lượng Đặc Biệt, chỉ huy bốn tiểu đoàn kể trên.

      Các trại là các toán A Lực Lượng Đặc Biệt được cải tuyển thành cấp tiểu đoàn BĐQ, các toán B chỉ huy các toán A thành cấp liên đoàn, các toán C chỉ huy một vùng thì trở thành bộ chỉ huy BĐQ Quân khu. Ở Cần Thơ, C4 trở thành Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Quân Khu IV, dưới sự chỉ huy của Đại tá Phạm Duy Tất.

      Liên đoàn trưởng đầu tiên của Liên đoàn 42 Chiến thuật Biệt Động Quân là Trung tá Nguyễn Văn Hòa, Bộ Chỉ huy Liên đoàn đặt tại căn cứ cũ của B20 Lực Lượng Đặc Biệt, gần Trung tâm Huấn luyện Chi Lăng, Thất Sơn. Liên đoàn 42 Chiến thuật Biệt Động Quân được thành lập vào khoảng cuối năm 1970, trong số 5 sĩ quan theo Trung tá Nguyễn Văn Hòa từ Cần Thơ về Thất Sơn lập Bộ Chỉ huy Liên đoàn có người viết, làm Sĩ quan Hành quân thuộc Ban 3 Liên đoàn. Giữa năm 1971, Trung tá Trần Kim Đại về nhận chức Liên đoàn trưởng thay Trung tá Nguyễn Văn Hòa vừa thăng Đại tá. (Lính thường gọi thân mật Trung tá Đại là … ông Năm Ruộng, Năm là tượng trưng cho quan năm, Ruộng tại vì quan chuyên đóng quân ngoài ruộng, tránh nhà dân hay khu đông đúc).

      Khoảng giữa năm 1971, Bộ Tư lệnh tiền phương của Biệt Khu 44 đến đóng chung trong căn cứ của Liên đoàn 42 Chiến thuật Biệt Động Quân, Chuẩn tướng Tư lệnh Trần Văn Hai thường xuyên có mặt tại căn cứ. Hơn tháng sau đến phiên Đại tá Phạm Duy Tất mang Bộ Chỉ huy nhẹ của mình từ Cần Thơ đến căn cứ. Cho thấy đang có một sự chuẩn bị về một chiến dịch, hay một trận đánh lớn nào đó sắp sửa xảy ra. Vào dịp này, Đại tá Tất gọi người viết về làm Sĩ quan Tùy viên, có lẽ nhờ kinh nghiệm đã phải đi bay liên miên với trực thăng của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ trong thời gian đầu tiên Liên đoàn 42 vừa thành lập thiếu hụt sĩ quan Ban 3.

      Tới đây xin được phép kể một việc tuy riêng nhưng cũng có dính dấp đến chủ đề bài này. Vài năm trước khi qua đời, Trung tướng Ngô Quang Trưởng có nhắn người viết qua Trung tá Trần Duy Hòe, nguyên Trưởng Phòng 2 Bộ Chỉ huy Biệt Động Quân Quân Khu IV, nếu muốn viết về trận Kampong Trach 1972 thì lên D.C. ông sẽ kể cho mà viết. Vì mải mê công việc, lại quen tật dần dà là cha lỗi hẹn, đến khi bất ngờ nhận tin Tướng Trưởng qua đời, người viết bần thần nhớ lại lời nhắn, tấm thịnh tình của ông, thì hối hận quá trễ. Xuyên qua lời nhắn, Tướng Trưởng còn tỏ lộ sự hãnh diện của ông về trận Kampong Trach. Qua lời nhắn, rõ ràng Tướng Trưởng kết luận sở dĩ ông có thể thoải mái gởi quân vùng IV ra miền Trung tiếp viện cho trận “Mùa Hè Đỏ Lửa” là nhờ ở trận Kampong Trach lực lượng Biệt Động Quân cùng Thiết Giáp Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Phạm Duy Tất đã chận đứng Sư đoàn 1 Việt Cộng có thêm một trung đoàn thuộc Công trường 9 tăng phái vẫn không thể nào xâm nhập quấy phá vùng IV. (Đại tá Tất sau đó thăng cấp Chuẩn tướng ở vùng II).

      Dĩ nhiên với cấp bậc và chức vụ quá thấp của người viết, chỉ biết đếm con số thiệt hại nhân mạng và phương tiện vật chất thì khó có thể nghĩ đó là một chiến thắng của phía Việt Cộng Hòa. Làm sao một sĩ quan nhí như người viết phân biệt được Kampong Trach chỉ là diện, Hà Tiên mới là điểm! Và các trận này có tầm vóc chiến lược quan trọng vì cái Hiệp định thổ tả Paris 1973! Đó có lẽ cũng là lý do tại sao có sự gợi ý từ Trung tướng Ngô Quang Trưởng như vừa kể.

      Gần đây, BĐQ Đỗ Như Quyên đã gởi cho Trung tá Trần Duy Hòe một bài viết của KB Điền Đông Phương mang tựa “Kampong Trach: Cuộc Giải Vây Thần Kỳ” đăng trên báo Cánh Thép, ngụ ý chê Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân “bị nhụt chí”, đồng thời trách Chuẩn tướng Phạm Duy Tất đã “bỏ rơi” Tiểu đoàn 94 Biệt Động Quân trong trận này. Đọc bài viết của KB Điền Đông Phương, người viết lại thở dài một lần nữa, hối hận đã không lên D.C. để kịp nghe và kịp viết lại trận Kampong Trach từ Tướng Trưởng.

      Bây giờ xin trở lại với thực tế của trận Kampong Trach.

      Những tháng trước cái Tết 1972, trực thăng của Đại tá Phạm Duy Tất bay hàng ngày trên khu vực dọc kinh Vĩnh Tế (lúc này Biệt Động Quân còn chịu trách nhiệm toàn vùng biên giới Việt – Miên) đã nhận thấy sự xuất hiện bất bình thường của quân Việt Cộng. Những tốp bộ đội chính quy mặc quân phục màu vàng xuất hiện ngay giữa ban ngày, bắt đầu bị phát giác trong khu vực Thất Sơn hoặc vùng đối diện phía bên Miên, rồi dần dà phát hiện thêm những tốp khác về phía Tây, tức hướng Hà Tiên. Đại khái, họ kéo nhau băng từ Đông sang Tây, trong khu vực dọc hai bên kinh Vĩnh Tế vài cây số. Có lần, một toán Việt Cộng quân số khoảng hơn một trung đội đang đi giữa một cánh đồng vàng rực giữa trưa thì nghe tiếng trực thăng của Đại tá Phạm Duy Tất bay tới. Họ chổng mông quỳ thành một hàng dài trong quân phục cũng màu vàng, có lẽ với hy vọng phía trên cao nhìn lơ mơ xuống thì tưởng là … bờ ruộng. Nhưng ông Tất và phi hành đoàn đâu có đang bay lơ mơ, chẳng những hai xạ thủ đại liên khai hỏa mà những người còn lại trên phi cơ, trừ hai phi công, cũng đồng loạt bấm cò M16. May mắn tức thời cho toán quân này, đây là một phi vụ C&C nên trực thăng không có gắn ống phóng hỏa tiển.

      Trong thời gian này Trung tá Trần Kim Đại đang dẫn Liên đoàn 42 Biệt Động quân gồm ba Tiểu đoàn 66 – 93 – 94 được tăng phái thêm một Chi đoàn của Thiết đoàn 12 Kỵ Binh hành quân ngoại biên trong vùng phía Bắc Kampong Trach. Tháng 3/1972 bất ngờ xãy ra một trận “tao ngộ chiến” với bộ đội chính quy Việt Cộng với quân phục kaki vàng, nón cối. Phía ta bị cháy một chiếc M113, theo lời Trung tá Đại kể thì thiệt hại nhân mạng cả hai bên không đáng kể. Trận đánh xãy ra ở một địa điểm cách Kampong Trach 6 cây số về hướng Bắc, cách Tuk Meas 1 cây số về hướng Nam. Theo BĐQ Đỗ Như Quyên, trong trận “tao ngộ chiến” ngày 22/3/1972 chỉ một mình Tiểu đoàn 94 Biệt Động Quân đã phải “tao ngộ” với một lực lượng địch đông và mạnh hơn gấp mấy lần, gồm Trung đoàn 88, Trung đoàn 40 Pháo binh, Đoàn 200 Hậu cần thuộc Công trường 1 Việt Cộng. Trung tá Đại dẫn liên đoàn lội ngược về phía Nam đóng chận tại Kampong Trach (quan Năm Ruộng hạ trại ngoài ruộng, nên phố xá – trường học – nhà cửa trong thị trấn Kampong Trach không hề bị thiệt hại vì trận đánh) đồng thời báo cáo tình hình về Bộ Tư lệnh tiền phương Biệt Khu 44 ở Thất Sơn. Chuẩn tướng Trần Văn Hai quyết định tăng phái nguyên Thiết đoàn 12 Kỵ Binh cho Trung tá Đại, nhưng ông Đại nêu ra vấn đề lấn cấn về chỉ huy, vì Liên đoàn trưởng Biệt Động Quân và Thiết đoàn trưởng Kỵ Binh có chức vụ ngang nhau.

      Tới đây thì Trung tướng Ngô Quang Trưởng, với quyết tâm chận đứng Sư đoàn 1 Việt Cộng ở Kampong Trach, ra lệnh đưa cả hai Thiết đoàn 12 và 16 dưới quyền chỉ huy của Đại tá Nguyễn Văn Của, Tư lệnh phó Lữ đoàn 4 Kỵ Binh, từ ngã Hà Tiên tiến qua Kampong Trach. Ở Thất Sơn, theo lời kể của Đại tá Phạm Duy Tất, Chuẩn tướng Hai hỏi Đại tá Tất (không phải lệnh) có muốn vào Kampong Trach để “nâng cao tinh thần” của Biệt Động Quân không? (‘nâng cao tinh thần’ không phải là một nhiệm vụ chính thức). Lý do có vụ “mời mọc” khá lạ của Tướng Hai là vì lúc đó vùng trách nhiệm vừa được Bộ Tư Lệnh Quân Khu IV phân chia lại như sau: Thiết Giáp chịu trách nhiệm vùng từ Châu Đốc tới Hà Tiên, Biệt Động Quân chịu trách nhiệm khu vực từ Mộc Hóa tới Kiến Phong. (Trước đó Biệt Động Quân chịu trách nhiệm tất cả). Được “mời”, Đại tá Tất cũng OK luôn với Tướng Hai. Làm việc cho ông Tất mệt hơn bất cứ ông sếp nào khác, vì cái tật “ghiền” đi bay của ông. Chẳng những bay trực thăng dành cho mình, khi không có ổng đòi bay ké luôn trực thăng của mấy sếp khác, đi bay, đi bay, bay riết tới … mỏi chim. Vụ đi theo Đại tá Tất vào Kampong Trach đúng là nhiệm vụ của người viết, nhưng vào lúc đó thì có Đại úy Lê Ngọc Thạch nguyên là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 93 “cơm không lành canh không ngọt” với Tiểu đoàn trưởng bèn khăn gói ba lô về Bộ Chỉ huy Thất Sơn. Xui cho Đại úy Thạch, bị ông Tất bắt gặp đang cà nhỏng, bèn được “mời” về văn phòng Chỉ huy trưởng, được “phong” làm Chánh văn phòng ngoài ý muốn. Mỗi ngày nhìn ông Thạch ngồi bàn giấy thở dài thườn thượt lật mớ hồ sơ thiệt hổng khác gì cảnh một võ sĩ bị buộc hành nghề … viết văn. Đại tá Tất bắt Đại uý Thạch theo ổng vào Kampong Trach thay vì người viết. Sau hơn 20 niên gặp lại Đại úy Thạch ở Quận Cam, ổng vẫn còn … uất ức, chửi thề rùm beng “Đụ mẹ, lúc đó tao cự nự ổng sao hổng bắt mầy mà bắt tao đi theo, ổng nói tại thấy mầy là con trai một trong gia đình, báo hại tao ‘ăn’ pháo thấy mẹ luôn”. Do vậy bài viết này viết dựa theo lời kể của những vị tham dự trực tiếp trận đánh chớ không do người viết tự kể, vì người viết chỉ theo dõi từ các trung tâm hành quân nằm chung trong căn cứ của Liên đoàn 42 Chiến thuật Biệt Động Quân.

      Sau khi Đại tá Phạm Duy Tất (BĐQ) và Đại tá Nguyễn Văn Của (TG) đã vào tới Kampong Trach, Trung tướng Ngô Quang Trưởng chính thức chỉ định ông Tất làm Tư lệnh chiến trường Kampong Trach, ông Của làm Phó. Lúc này đã có trực thăng bị bắn rớt, phi hành đoàn bị kẹt lại ở mặt trận, từ đây tiếp liệu phải thả dù từ cao lắc cao lơ thường rớt xuống những chỗ … nhân gian phe ta không thể … lượm. Theo nhận định của Trung tá Trần Kim Đại, tuy trận Kampong Trach không ác liệt bằng các trận ở những vùng khác sau đó, nhưng nó là một trận ác liệt nhất mang tính quyết định đối với Quân Khu IV tính cho tới thời điểm đó. Lần đầu tiên Việt Cộng Sản xuất quân ở cấp sư đoàn +, và chuẩn bị sẵn cả … rừng pháo. Quân Việt Cộng Hòa thiệt hại nhiều nhất vì pháo của Việt Cộng Sản, vì họ pháo rất … sang trọng, pháo xả láng. Đại tá Tất được Tướng Trưởng tăng cường cho một Pháo đội 105 ly cùng một Đại đội Công Binh. Theo lời kể của Trung tá Trần Kim Đại, Pháo đội 105 ly của mình bị Việt Cộng pháo banh ta lông, nhưng vẫn còn bắn được nếu chỉ bắn trực xạ. Có một số binh sĩ thì kể rằng họ nghĩ lính Việt Cộng bị cho uống … thuốc điên, vì có lần xuất quân thì thấy một nữ binh trẻ măng chạy dẫn đầu cầm loa tay hét to “Các đồng chí tiến lên, chết trẻ hơn chết già, chết hôm nay … ngày mai khỏi chết”, các đồng chí nam lúp xúp chạy theo đàng sau cô bé, có khi bám mẹ vào thành xe tăng, phía trên lưỡi lê tua tủa đâm xuống.

      Chết hôm nay ngày mai khỏi chết? Má ơi! Hết biết luôn!

      Thuốc điên? Lính suy nghĩ đâm bang vậy mà thấy cũng có phần hữu lý quá chớ! Nếu tâm lý chung của phần đông nhân loại là “chết hôm nay ngày mai khỏi chết” thì không cần phải ngại chi nạn nhân mãn, chỉ nên lo thế giới sẽ nẩy sinh hàng đống đống người bất cần đời hành động khật khùng gieo tai họa khắp mọi nơi.

      Trước khi viết bài này người viết cũng gọi hỏi Đại tá Trần Kim Đại (sau này Trung tá Đại thăng Đại tá ở vùng I), tại sao mình rút quân? Ông Đại trả lời, mình quyết định rút vào lúc Công trường 1 của họ thấy coi bộ không thể vượt qua “hàng rào” của Việt Nam Cộng Hòa ở Kampong Trach, họ phải hạ nồng độ chiến trường, vòng xuống chuẩn bị tấn công khu Xi Măng Hà Tiên. Theo người viết, họ đồng thời dàn pháo – rải quân dầy đặc ở phía Nam Kampong Trạch với mục đích làm chậm đi cuộc rút quân của hai Thiết đoàn 12 và 16, cùng Liên đoàn 42 Biệt Động Quân, chậm thêm ngày nào tốt ngày đó, vì họ muốn rảnh tay thanh toán khu Xi Măng Hà Tiên.

      Người viết hỏi câu hỏi trên vì lý do trong bài “Kampong Trach: Cuộc Giải Vây Thần Kỳ” người anh em KB Điền Đông Phương tin rằng Thiết đoàn 12 KB và Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân hành quân từ Hà Tiên tiến qua Kampong Trach là nhằm để giải vây cho lực lượng Biệt Động Quân và Thiết Giáp đang đóng quân tại Kampong Trach. Thật sự thì tình hình lúc đó đã thay đổi, Công trường 1 đã “nản” Kampong Trach, họ đã cho Trung đoàn 101D đi bọc xuống hướng Nam chuẩn bị vượt biên giới đánh vào khu Xi Măng Hà Tiên, phần lớn các đơn vị khác của họ cũng bọc vòng xuống phía Nam chuẩn bị chận đường rút quân của hai Thiết đoàn 12 – 16 và Liên đoàn 42 Biệt Động Quân nhằm phá hoại ý định điều động quân của Trung tướng Ngô Quang Trưởng cho trận đánh sắp tới ở bên biên giới Việt Nam. Vì tầm mức quan trọng như vậy, (chớ không phải Tướng Trưởng lo ngại địch sắp dứt điểm lực lượng trấn đóng Kampong Trach), Tướng Trưởng đã đích thân đáp xuống Tô Châu, có mặt vào lúc xuất quân để tác động tinh thần và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thiết đoàn 2 Ky Binh và Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân hành quân mở đường, sau đó bọc sườn cho lực lượng trấn đóng Kampong Trach rút về đúng thời gian kịp cho Liên đoàn 42 Biệt Động Quân của Trung tá Trần Kim Đại đánh dứt điểm trận Xi Măng Hà Tiên cũng như Đại tá Phạm Duy Tất sẽ mang Tiểu đoàn 86 Biệt Động Quân của Thiếu tá Tạ Thành Lộc đánh vào Núi Cọp, phía Đông Bắc hãng xi măng Hà Tiên, nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Hai trận này xảy ra đúng theo dự tính của Tướng Trưởng, đã xóa sạch giấc mộng của Sư đoàn 1 Việt Cộng muốn “quậy tung” vùng IV trước trận “Mùa Hè Đỏ Lửa” miền Trung. Tướng Trưởng biết chắc sẽ đụng địch rất nặng trên đoạn đường 14 cây số từ Hà Tiên đến Kampong Trach nên đã chọn Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân thiện chiến làm đơn vị tùng thiết cho Thiết đoàn 2 Kỵ Binh. Đúng như lời người anh em KB Điền Đông Phương viết (nguyên văn): “Ngày hôm sau, chúng tôi bắt đầu nhập trận, đoàn quân đi như gió bão, chiếm từng cụm vườn, từng khu xóm… hướng về Kampong Trach. Đến trưa thì chạm súng, phải đến chiều hôm đó mới thanh toán xong những ổ kháng cự. Rồi hai ngày sau đó, chúng tôi bị cầm chân ở khu vực gần ngôi chùa nằm cách Kampong Trach khoảng 5 cây số, vì cộng quân gài chốt ở khắp nơi. Đến ngày thứ 6 thì chúng tôi bám sát được ngôi chùa”. Có nghĩa là 6 ngày hành quân mở được khoảng 9 cây số đường, chưa kể có lần bị dội ngược về biên giới, những sự kiện này tự thân đã giải quyết được nổi thắc mắc của chính KB Điền Đông Phương (nguyên văn): “Kampong-Trach: một địa-danh xa lạ, một nơi chốn xa tít mù khơi. Một địa-danh ít người biết đến. Một nơi đã gây phiền-não, bối-rối cho Danh-Tướng Ngô Quang Trưởng. Nơi đó Lữ-Đoàn 4 Kỵ-Binh gồm 2 Thiết-Đoàn 12 và 16 Kỵ-binh được chỉ-huy bởi Đại-Tá Nguyễn Văn Của và Liên-Đoàn 7 Biệt-Động-Quân do Đại-Tá Phạm Duy Tất chỉ-huy bị vây hãm cả tháng trời”.

      Vì không có thắc mắc như KB Điền Đông Phương nên Bộ Tư lệnh tiền phương Biệt Khu 44 và các Bộ Chỉ huy Biệt Động Quân ở Thất Sơn đã cùng Trung tâm Huấn luyện Chi Lăng chuẩn bị trước một số tân binh vừa mãn khóa huấn luyện sẵn sàng tung vào bổ sung kịp thời bù đắp cho sự thiệt hại nhân mạng (đã dự đoán trước) của Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân. Công việc chuẩn bị này thật là hữu ích.

      Nhưng, dù có hiểu sao đi nữa, giải vây hay mở đường, chiến công của Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh cùng Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân rất – rất – rất đáng được ca tụng là thần kỳ, khi Thiết Giáp bắt tay được với Thiết Giáp, Biệt Động Quân bắt tay được với Biệt Động Quân, tại Kampong Trach.

      Nhưng, cũng lại là nhưng, chuyện đời thì không có chi toàn vẹn, thần kỳ ấy đã bị người anh em KB Điền Đông Phương làm mẻ đi bớt tính thần kỳ, vì người anh em còn có viết thêm một đoạn (nguyên văn): “Qua ngày hôm sau, tiếp tục chạm súng. Anh em Biệt Động Quân có vẻ nhụt chí, khiến cho Nghê Thành Thân tức giận nhảy xuống khỏi xe, rồi cùng với một đại đội trưởng của họ là trung úy Gia xông thẳng vào phòng tuyến địch để họ phải tiến lên theo”.

      Việc Thiếu tá KB Nguyễn Văn Răng viết trong bài “Trận Chiến Kampong Trạch” buồn phiền chuyện Thiết đoàn 9 Kỵ Binh vừa đến Kampong Trach bị đưa vào đóng trong một vườn tiêu rồi bị thiệt hại nặng thì chính tác giả Nguyễn Văn Răng đã viết là lệnh trực tiếp từ Đại tá Của, Tư lệnh phó Lữ đoàn 4, nên người viết bài này không dám có ý kiến. Nhưng còn chuyện KB Điền Đông Phương phê bình tinh thần chiến đấu của Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân thì dám xin góp ý với người anh em rằng, Tiểu đoàn 58 ấy chính là Tiểu đoàn 41 (Cọp Ba Đầu Rằn) thuộc Liên đoàn 4 Biệt Động Quân, một tiểu đoàn đánh giặc rất cừ khôi nổi tiếng khắp vùng IV với những vị chỉ huy đã đánh thì nhất định đánh tới nơi tới chốn nên cũng là tiểu đoàn có con số Tiểu đoàn trưởng tử trận nhiều nhất, đến nỗi Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân ở Sài Gòn phải quyết định cải danh lại, hy vọng các Tiểu đoàn trưởng … thôi chết giùm. Đại úy Măng, Tiểu đoàn trưởng 58 mà người anh em KB Điền Đông Phương kể là bạn cũ của mình, tham dự trận này, cũng là một trong những Tiểu đoàn trưởng hạng nhất mà Tiểu đoàn từng có (ông Măng sau này thăng cấp Thiếu tá rồi Trung tá). Và rất mong Trung úy Gia (hoặc đã thăng Đại úy, Thiếu tá), Trung tá Măng của Tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân, nếu tình cờ đọc được bài của KB Điền Đông Phương hay bài viết này, xin vui lòng kể lại cuộc hành quân tùng thiết mở đường của quý vị.

      Điểm cuối cùng người viết phải nêu ra là hai đoạn viết sau đây của KB Điền Đông Phương (nguyên văn):

      - Bây giờ tại Kampong Trach chỉ còn Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh chúng tôi và Tiểu Đoàn 58 BDQ nằm lại. Mặc dù bị tổn thất nhưng tinh thần anh em Kỵ Binh vẫn vững vàng. Tuy nhiên khi Liên Đoàn 7 BDQ rút đi, Đại Tá Phạm Duy Tất, Liên Đoàn Trưởng, đã bỏ rơi Tiểu Đoàn 94 BDQ. Tiểu Đoàn BDQ nầy nằm giữ phía Bắc Kampong Trach không hề hay biết về cuộc triệt thoái. Khi LD7BDQ đã an toàn về đến VN thì Tiểu Đoàn 94 bị quân CSBV xâm lược cường tập dứt điểm.

      - Trong niềm vui chiến thắng anh em Kỵ Binh chúng tôi ai cũng nghẹn ngào khi chứng kiến cảnh những chiến hữu BDQ đã từng kề vài sát cánh chiến đấu chung một chiến hào trên khắp mặt trận Quân Khu IV chết tức tửi, chết nghẹn ngào và chết vô lý. Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, Ông nghĩ gì về Mặt trận Kampong Trach? Dẫu biết rằng “Nhất Tướng công thành vạn cốt khô” nhưng sao nghe nghẹn ngào và cay đắng quá.


      “Bỏ rơi” Tiểu đoàn 94 Biệt Động Quân? Tiểu đoàn 94 Biệt Động Quân “không hề hay biết” về cuộc triệt thoái? Người viết không gọi hỏi Chuẩn tướng Phạm Duy Tất mà hỏi Đại Tá Trần Kim Đại, là Liên đoàn trưởng chỉ huy ba Tiểu đoàn 66 – 93 – 94 Biệt Động Quân tham dự trận Kampong Trach. Ông Đại lập tức phản đối cái vụ gọi là “bỏ rơi” này, ông cho biết lệnh rút quân đó là một lệnh tức thì, nghĩa là sau khi lệnh ban ra thì rút liền để giữ sự bất ngờ đối với địch. Ông Đại xác nhận, lệnh từ ông Tất ban ra, ông Đại nhận và chuyển cùng một thời gian cho ba tiểu đoàn dưới quyền, cũng như ông Của đã nhận và chuyển cho các đơn vị Thiết Giáp cùng một lúc. Tiểu đoàn 94 Biệt Động Quân đóng quân xa nhất về hướng Bắc Kampong Trach, theo lời ông Đại kể là đóng trên núi đá vôi, nên họ là đơn vị đàng sau cùng cuộc rút quân. Trước khi rời trại lên Thiết giáp rút đi, Trung tá Đại gặp Đại úy Liêm Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 94 ở phía sau cổng trại, tức cách ngã ba phía Nam thị trấn Kampong Trach chừng 500 thước. Sau đó trên đường rút quân ông Liêm trúng pháo bị thương nặng, không muốn binh sĩ bận bịu vì ông mà mang họa, Đại úy Liêm đuổi lính đi rồi rút chốt lựu đạn tự sát; Trung sĩ I Vinh gốc Lực Lượng Đặc Biệt, người anh em thân thiết của người viết lúc làm việc chung trong Ban 3 Liên đoàn 42 cũng chết gần đó, theo lời kể của những binh sĩ 94 BĐQ về từ Kampong Trach mà người viết đã gặp lại tại căn cứ Thất Sơn.

      Theo BĐQ Đỗ Như Quyên, “trên” đã nhất định đòi Công trường 1 phải chiếm cho bằng được Hà Tiên làm hải cảng để được hưởng điều khoản “quân ai đang có mặt ở đâu thì coi như là đất của phe đó” của Hiệp định không hòa bình Paris 1973. Tầm quan trọng của trận Kampong Trach là vậy, là tất cả các lực lượng Việt Cộng Hòa tham dự trận Kampong Trach đã không cho phép Việt Cộng Sản có được một hải cảng trong vùng IV.

      Ngày 15/4/1972 Trung đoàn 101D thuộc Công trường 1 được tăng phái thêm Trung đoàn 52D Chủ lực miền đánh chiếm nhà máy Xi Măng Hà Tiên, nằm cách Thị xã Hà Tiên 7 cây số về hướng Đông Nam. Trung tá Trần Kim Đại cho các tiểu đoàn vừa từ Kampong Trach về tái nhập trận với sự yễm trợ của các đơn vị Thiết vận xa M113. Đại tá Phạm Duy Tất bốc thêm Tiểu đoàn 86 của Thiếu tá Tạ Thành Lộc từ bên Mộc Hóa qua trực thăng vận thẳng xuống Núi Cọp, với lối thả quân sát vào sào huyệt địch, xuống là đụng liền, trận này được Tiểu đoàn 86 Biệt Động Quân giải quyết vô cùng nhanh chóng (người viết có mặt tại chỗ). Việt Cộng Hòa dứt điểm hai trận này vào ngày 29/4. Các đơn vị còn lại của Công trường 1 tất tả băng ngược qua biên giới rút lui về Takeo, bên Miên..

      Không thể có “hải cảng Hà Tiên” ở vùng IV, “trên” lại ra lệnh Tướng Chu Huy Mẫn đưa Sư đoàn 3 Sao Vàng đánh lấy Sa Huỳnh làm “hải cảng” ở vùng I cho kịp Hiệp định không hòa bình Paris (28/1/1973). Nhưng đã có cuộc “tái ngộ lý thú” xãy ra: Lúc này có ba nhân vật liên quan tới trận Kampong Trach – Hà Tiên ở vùng IV lại đang có mặt tại vùng I, Trung trướng Ngô Quang Trưởng đã trở thành Tư lệnh Quân Khu I, Đại tá Trần Kim Đại đang nắm Liên đoàn 1 Biệt Động Quân và Đại tá Vũ Quốc Gia nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 4 Thiết Kỵ đang là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 Thiết Kỵ. Ở cuộc “tái ngộ kỳ thú” này, Tướng Trưởng ra lệnh Đại tá Đại đưa Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân gồm ba Tiểu đoàn 21 – 37 – 39 vào Sa Huỳnh tăng phái cho Sư đoàn 2 Bộ Binh và đã đánh bật Sư đoàn 3 Sao Vàng ra khỏi “hải cảng trong mộng của Việt Cộng Sản” trước khi cái Hiệp Định thổ tả kia có hiệu lực. Ba phần tư chiến lợi phẩm vũ khí nặng lấy được trong trận này là do Liên đoàn 1 Biệt động quân.

      Liên đoàn 42 Biệt Động Quân của Trung tá Trần Kim Đại được tăng phái một Chi đoàn Thiết Giáp mở màn trận Kampong Trach ở phía Bắc của nó. Cuối cùng cũng chính lực lượng của ông Đại đã dứt điểm nó bằng trận đánh tại vùng Xi Măng Hà Tiên, khá xa nó về hướng Nam. Nhiệm vụ của CHÚNG TA đã hoàn tất tốt đẹp!

      Quân Biệt Động cùng Thiết Giáp dưới quyền chỉ huy của Đại tá Phạm Duy Tất cũng vậy, đã chận đứng mưu xâm nhập vào Quân Khu IV của Công trường 1 Việt Cộng (được tăng phái thêm một trung đoàn của Công trường 9) tại Kampong Trach. Nhờ vậy Trung tướng Ngô Quang Trưởng chẳng những giữ được tình hình vùng IV yên ổn mà còn có thể thoải mái gởi quân tiếp viện cho trận “Mùa Hè Đỏ Lửa” miền Trung sau đó. Chiến thắng Kampong Trach là chiến thắng của CHÚNG TA!

      Chứng kiến đồng đội ngã xuống, đó bao giờ cũng là những cái chết tức tửi, vô lý, đối với những người may mắn còn ở lại, khiến người ở lại nghẹn ngào. Nhưng chiến binh thứ thiệt thì không cần thiết trút nỗi nghẹn ngào của mình lên đầu những đơn vị bạn khác binh chủng, cũng như không cần thiết tạo thành nỗi vinh quang cho mình cùng cách na ná như vậy. Thắng bại là chuyện thường tình của nhà binh, nhưng nếu quên nằm lòng hai chữ CHÚNG TA thì sẽ dính cái sau hơn là cái trước cũng là chuyện thường tình.

      Cuối cùng, đừng quên toàn thể các chiến binh thuộc tất cả các binh chủng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong đó có anh, có tôi, có bạn bè anh, có bạn bè tôi, cùng bại trận vào tháng Tư năm 1975; và CHÚNG TA cùng đã nghẹn ngào!

      Little Saigon, tháng Mười Hai 2011.


      * * *

      Comment


      • #4
        Chuẩn tướng phạm duy tất

        CHUẨN TƯỚNG PHẠM DUY TẤT
        VÀ TRẬN KAMPONG TRACH

        Kính thưa quý vị đã đọc bài “Kampong Trach 1972” do Đỗ Sơn viết.
        Khoảng một tuần sau khi bài được đăng trên một số báo và diễn đàn Việt ngữ Internet, tôi nhận được email của Chuẩn tướng Phạm Duy Tất, vị chỉ huy trận chiến Kampong Trach. Email của Chuẩn tướng Tất có vài điều tôi đã không viết trong bài “Kampong Trach 1972”, và vì ông có ghi chú bên ngoài là “tùy nghi xữ dụng” nên tôi quyết định gởi đăng lá thơ của ông lên những nơi đã từng đăng bài “Kampong Trach 1972” hầu quý vị từng đọc bài có thêm dữ kiện, cũng như hiểu được tâm tư của người chỉ huy trận chiến này.
        Ghi chú : Bút hiệu Linh Cơ ký dưới bài chính là danh hiệu truyền tin của Chuẩn tướng Phạm Duy Tất trong thời kỳ ông đang chỉ huy lực lượng Biệt Động Quân ở Quân đoàn 4 & Quân khu 4.



        Anh Đỗ Sơn,
        Tôi đã đọc được bài Kampong Trach 1972 anh viết, bồi hồi nhớ lại một đoạn khó quên trong quảng đời chiến binh của mình. Gởi anh thêm một vài chi tiết có thể anh không rõ, không nhớ, hoặc anh chưa từng nghĩ đến về trận Kampong Trach. Chắc anh còn nhớ tôi đã trả lời với các Phóng viên ở Nam California nhân dịp về tham dự Đại Hội Biệt Động Quân : Là bại tướng thì nói gì cũng là bại tướng. Nhưng được gợi hồi tưởng lại trận Kampong Trach thì tôi lại muốn nói, nói những lời chưa có cơ hội nói.
        Cho đến giờ này hẳn chưa ai quên Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, mỗi khi nhắc đến không ai khỏi chạnh lòng, ngậm ngùi về sự khốc liệt của chiến tranh. Năm 1972 là năm cuộc chiến Nam – Bắc đã lên đến cực điểm. Tổng bí thư Lê Duẫn và đảng Cộng sản Việt Nam thật vô cùng tàn ác đẩy hàng vạn vạn người dân Việt Nam của cả hai miền vào cảnh chết chóc chưa từng thấy. Họ mơ ước, nôn nóng nhuộm đỏ cả nước Việt Nam càng sớm càng tốt để dâng công lên quan thầy. Giữa hai lực đối trọng to lớn là Liên Xô và Trung Cộng, đảng Cộng sản Việt Nam chơi trò đu dây và khiến nhân dân miền Bắc lầm tưởng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là “Độc Lập” qua khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”.
        Quá bất ngờ đến bàng hoàng cho toàn đảng Cộng sản Việt Nam khi hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Xô sụp đổ, biến dạng trên địa cầu. Nhưng thật không may, một nước Cộng sản to lớn, Trung Cộng, vẫn còn tồn tại. Dần dần đảng Cộng sản Việt Nam muốn thoát hiểm thì phải bám víu vào họ, vô hình chung lọt vào cái lưới thiên la địa võng của Trung Cộng mà cả nước Việt Nam ngày nay đang dãy dụa.
        Trở lại với Mùa hè Đỏ Lửa 1972, nói đến trận chiến khốc liệt này mọi người liên tưởng ngay đến 3 mặt trận lớn là An Lộc, Kontum, và Quảng Trị. Chưa đủ. Còn một mặt trận nữa, đó là mặt trận Kampong Trach thuộc Vùng 4 Chiến Thuật. Tôi không nghiên cứu để hiểu 4 mặt trận đâu là chính đâu là diện. Kampong Trach là một địa danh xa lạ, một thị trấn quá nhỏ bé nằm trên đất Kampuchia cách Hà Tiên về phía Đông Bắc khoảng 14 cây số.
        Trận chiến Kampong Trach cũng khá khốc liệt về cường độ. Lực lượng tham chiến có Liên đoàn 42 Chiến thuật Biệt Động Quân Biên phòng được tăng phái một Chi đoàn Thiết Quân Vận M113 đối đầu với một Sư đoàn chính quy Cộng sản Bắc Việt được tăng cường. Có thể nói bên ta 1 chọi 5. Khởi đầu mặt trận này do Đại tá Vũ Quốc Gia Tư lệnh Lữ đoàn 4 Kỵ Binh chỉ huy. Bộ Chỉ huy Hành quân đóng tại Tô Châu, Hà Tiên. Biệt Động Quân Quân khu 4 có Bộ Chỉ huy Hành quân đóng tại trại Chi Lăng (vùng Thất Sơn, Châu Đốc), có Bộ Chỉ huy Hành quân nhẹ đóng tại bến phà Neak Luong trên đất Kampuchia chịu trách nhiệm vùng biên giới từ tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa) đến tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh).
        Hai lực lượng BĐQ và KB đều dưới quyền chỉ huy của Tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh Biệt khu 44. Tôi được Tướng Hai đưa vào Kampong Trach khi chiến trận đã lên đến cao điểm và nắm quyền chỉ huy.
        Đề cập đến tương quan lực lượng thì tôi xin nói rõ về lực lượng và khả năng của BĐQ Biên phòng một chút để thấy sức chiến đấu, tinh thần chiến đấu của anh em chiến sĩ BĐQ Biên phòng rất kiên cường trong trận Kampong Trach. Nói đến Biệt Động Quân hầu như ai ai cũng có ý nghĩ đây là những đơn vị thiện chiến, mũi nhọn, đầu sóng ngọn gió. BĐQ luôn luôn là tuyến đầu xung trận. Quả đúng như vậy ! Đó là BĐQ ở các Liên đoàn 1, 2, 3, 4, 5 đã dày dạn chiến trận mấy chục năm qua.
        BĐQ Biên phòng thì khác. Là những đơn vị vừa được cải tuyển thành BĐQ từ năm 1970. Họ là những Biệt kích quân Dân sự Chiến đấu ở các trại Biên phòng / Lực Lượng Đặc Biệt. Họ chưa từng được tổ chức thành Tiểu đoàn, chỉ hành quân nhỏ, phục kích, thám sát, chận đứng và tiêu diệt những cuộc xâm nhập nhỏ xuyên biên giới, từng đoàn ít người trong phạm vi vùng trách nhiệm của trại. Họ chưa có kinh nghiệm đánh cấp Đại đội, Tiểu đoàn, nói chi là Liên đoàn, tùng thiết phối hợp với Thiết Quân Vận thì rõ ràng là xa lạ. Trang bị của họ cũng rất nhẹ nhàng.
        Từ cuối năm 1970, ý thức được tình hình đã biến đổi, Cộng sản Bắc Việt không còn xâm nhập từng đoàn nhỏ vài chục người hoặc đông hơn khoảng 100 người. Bắc Việt nay xâm nhập cấp Trung đoàn, Sư đoàn cho nên tôi đã cơ động hóa các Tiểu đoàn Biên phòng để vừa hành quân vừa học hỏi kinh nghiệm đánh cấp Đại đội, Tiểu đoàn và nếu cần có thể đánh cấp Liên đoàn. Các Tiểu đoàn này chưa được gởi đi huấn luyện bổ túc tại Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ về chính quy hóa. Chính vì vậy mà có LĐ 42 BĐQ/BP để tham chiến mặt trận Kampong Trach, tăng phái cho LĐ 4 KB.
        Nói về quân số cũng là một vấn đề. Tiểu đoàn thuộc các Liên đoàn 1, 2, 3, 4, 5 đều có cấp số 800 thì khả năng tham chiến mới được 500. Ngược lại cấp số Tiểu đoàn BP chỉ là 500 thì khả năng hành quân không hơn không kém 300 và chỉ trang bị nhẹ.
        Với tương quan lực lượng như vậy mà LĐ 42 BĐQ/BP đã tạo được thành tích có thể nói “thần kỳ”. LĐ đã không bị đánh tan và không bị tiêu diệt. Ngược lại đã gây tổn thất nặng nề cho SĐ 1 CSBV, chận đứng họ tại Kampong Trach, bẻ gãy kế hoạch của họ làm tiêu tan mục tiêu của BV đã đề ra, đánh chiếm Hà Tiên – Kiên Lương để xây một bến cảng cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
        Do tình hình các mặt trận trên toàn cõi Việt Nam Cộng Hòa tương đối lắng dịu, quân ta đã làm chủ được trận địa, SĐ 1 CSBV tại Kampong Trach cũng đã yếu thế, không còn khả năng tấn công mạnh nên QĐ/QK4 đã cho lệnh rút lui lực lượng khỏi Kampuchia.
        Thấy quân ta rút lui, SD 1 CSBV tuy đã yếu thế nhưng cố vớt vát tiến chiếm Kiên Lương, cơ sở Xi Măng Hà Tiên. LĐ 42 BĐQ/BP vừa trở về chưa được dưỡng quân thì lập tức nhận lệnh tăng phái cho Sư đoàn 9 Bộ Binh dưới quyền Tướng Trần Bá Di, rồi được điều động đến Kiên Lương để giải tỏa khu vực này. Trung tá Trần Kim Đại cùng với LĐ nhanh chóng đến Kiên Lương để lâm trận. Bản thân tôi và Bộ Chỉ huy nhẹ không còn trách nhiệm gì trên mặt trận này, trở về Bộ Chỉ huy Hành quân ở Thất Sơn với trách nhiệm, nhiệm vụ cũ trước đây.
        Có lẽ Tướng Di hiểu quá rõ khả năng và sở trường của Biệt Động Quân Biên phòng nên đã ra một lệnh cho Trung tá Đại vô cùng khắc nghiệt tưởng chừng như khó thực hiện được, hay ít nhất cũng phải chấp nhận một tổn thất cao. Ấy thế mà Trung tá Đại thì bình tỉnh lắm, tự tin là khác. Lệnh ban ra là : BĐQ phải tái chiếm hãng Xi Măng Hà Tiên nguyên vẹn không được làm hư hại bất cứ thứ gì, có nghĩa là Trung tá Đại không được xữ dụng Pháo binh, không được gọi Không quân yễm trợ, không được xữ dụng vũ khí nặng. Ấy vậy mà Trung tá Đại và LĐ 42 BĐQ/BP tạo được một chiến công “thần kỳ” thứ hai. Chỉ võn vẹn trong vài ngày ngắn ngủi, LĐ 42 BĐQ/BP đã chiếm lại hoàn toàn cơ sở Xi Măng Hà Tiên, đánh tan lực lượng CS khiến họ phải tháo chạy về biên giới.
        Thật ra các Tiểu đoàn BĐQ/BP còn thiếu kinh nghiệm về lối đánh trận địa chiến nhưng có quá nhiều kinh nghiệm về đánh đêm, đánh biệt kích. Chính đó là sở trường của họ mà Tướng Di đã phát huy. Trung tá Đại đã hoàn thành mệnh lệnh của Tướng Di thật hoàn hảo, xuất sắc.
        Tuy tôi không có trách nhiệm trong trận chiến này nhưng vùng biên giới vốn là trách nhiệm thường xuyên của tôi trong nhiều năm qua nên địa hình, địa vật trong khu vực này tôi quen thuộc lắm.
        Sau khi Trung tá Đại nhận lệnh từ Tướng Di, liền cấp tốc báo cáo cho tôi. Trung tá Đại thì có vẻ tự tin nhưng tôi không thể không lo cho quân của mình dù đã tăng phái. Phản ứng thật nhanh, tôi yêu cầu SĐ 9 BB chấp thuận cho tôi điều động Tiểu đoàn 86 BĐQ/BP thuộc trại Bình Thạnh Thôn do Thiếu tá Tạ Thành Lộc chỉ huy thuộc LĐ 41 BĐQ/BP đóng tại Mộc Hóa trực thăng vận chớp nhoáng vào chiếm lĩnh núi Hòn Cọp. Gọi là núi nhưng thật sự là một ngọn đồi thấp nằm chận giữa con đường Kiên Lương đến Hà Tiên. Nơi đây là cơ sở chỉ huy trạm xá tiền phương, tiếp vận, giao liên, con đường tiến thối của đối phương. Cuộc đổ quân thật bất ngờ và táo bạo của TĐ 86 BĐQ/BP, Thiếu tá “Paul Húc” Tạ Thành Lộc và quân của ông ta chỉ xoãi có chục bước đã chiếm lĩnh ngay rặng đồi này, đánh tan tành quân CS.
        Cũng phải nói thêm, Trung tá Đại, nhờ sự hỗ trợ rất tích cực của “Paul Húc” Tạ Thành Lộc và TĐ 86 BĐQ/BP, đã kết thúc hoàn toàn trận chiến Kampong Trach một cách nhanh chóng vẻ vang.
        Có thể nói rằng dân chúng miền Tây vẫn được vui hưởng thái bình vào lúc đó là nhờ vào trận Kampong Trach trong khi các mặt trận khác tuy bề ngoài có vẻ lắng dịu nhưng thực tế thì vẫn rất căng thẳng.
        Thật là một điều không vui cho quân dân miền Tây nói chung, BĐQ nói riêng, vì sự thay đổi bất ngờ của hệ thống chỉ huy QĐ/QK4. Tướng Trưởng được điều động ra làm Tư lệnh QĐ/QK1, Tướng Trần Văn Hai rời BK44, Trung tá Trần Kim Đại đi nhận chức Liên đoàn trưởng LĐ 1 BĐQ ở Vùng 1 Chiến Thuật. Riêng tôi đi nhận chức vụ Chỉ huy trưởng BĐQ/QK2, tại đây lập tức tham chiến vào mặt trận Kontum, BĐQ/QK2 chịu trách nhiệm mở đường Quốc lộ 14, giải tỏa cụm chốt tạo núi Chu Pao. Cùng LĐ 21 BĐQ/BP do Trung tá Nguyễn Văn Lang chỉ huy và TĐ 90 BĐQ/BP của Đại úy Phan Bát Giác đã khai thông Quốc lộ 14 mở đường cho chuyến tiếp vận đầu tiên từ Pleiku vào Kontum bằng đường bộ.
        Vào thời điểm này năm xưa, BĐQ Vùng 4 CT, đặc biệt là LĐ 42 BĐQ/BP – TĐ 58 BĐQ – và TĐ 86 BĐQ/BP, tôi không biết các anh em này nghĩ gì nhưng chắc rằng họ bị hụt hẩng đôi chút. Chẳng còn ai nhắc nhở đến trận chiến khốc liệt tại Kampong Trach, không ai đề cập đến những chiến sĩ đã hy sinh còn nằm lại trên vùng đất lạnh của xứ Chùa Tháp, những anh em chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu tại chiến trường này may mắn còn sống sót.
        Chiến trường Kampong Trach đã bị lãng quên không phải bây giờ mà ngay từ dạo ấy.
        Hình như Biệt Động Quân muôn thuở là vậy đó. Họ chưa có tiếng nói mặc dù BĐQ là một đại đơn vị, một binh chủng lớn. Họ chiến đấu và tiếp tục chiến đấu cho đến khi lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh ban ra. Thôi thì hãy gióng lên tiếng than “Ôi” … Không biết anh em BĐQ có đồng tình như vậy không ?
        Gần 40 năm qua không ai nhắc đến danh từ Kampong Trach nhưng tôi chắc những người lính Kỵ Binh – Không Quân – Pháo Binh – Công Binh – Biệt Động Quân … đã từng tham chiến ở đó không thể quên, thân nhân bao chiến sĩ đã hy sinh, thân xác còn nằm lại nơi xứ người không bao giờ quên. Chúng ta thì chưa làm được gì cho họ trong lúc này. Ngậm ngùi thay.
        Đúng là không thể quên cho nên thật bất ngờ, ông bạn KB Điền Đông Phương đã gợi lại Kampong Trach. Tôi không hiểu ông bạn KB Điền Đông Phương suy nghĩ gì, ý tưởng của ông ta ra sao khi viết về trận chiến. Tuy vậy tôi rất chân thành và vô cùng cám ơn ông bạn KB Điền Đông Phương đã nhắc lại khiến BĐQ Đỗ Như Quyên, BĐQ Trần Duy Hòe, và BĐQ Đỗ Sơn chạnh lòng, có động cơ để nhớ lại, nghiên cứu, tham khảo thêm mà viết lại cho tương đối hoàn chỉnh hầu giúp cho Quân Sử QLVNCH không bị bỏ sót.
        May lắm thay. Đáng lý Đỗ Sơn đã phải viết đến từ lâu lắm khi Tướng Trưởng còn sinh thời. Tôi biết Tướng Trưởng rất muốn viết về Kampong Trach. Sau thời gian tôi đến được Hoa Kỳ (1993) tôi đã có gặp Tướng Trưởng nhiều lần. Lần nào gặp tôi Ông cũng nhắc nhở trận Kampong Trach và nói cám ơn tôi về sự có mặt của tôi ở đó. Không phải một lần mà lần nào cũng vậy, Tướng Trưởng nói và tôi ngồi suy tư. Tôi thật tình không muốn tìm hiểu Ông đang suy nghĩ gì, nhưng phải chăng Tướng Trưởng đang ân hận rằng mình đã rời chức vụ Tư lệnh QĐ/QK4 quá đột ngột nên có điều chưa làm được của một vị Tư lệnh đối với anh em chiến hữu ?

        LINH CƠ


        (http://nguoivietboston.com/?p=3605)

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X