Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một Thoáng Mây Bay… - Trần Ngọc Nguyên Vũ

Collapse
X

Một Thoáng Mây Bay… - Trần Ngọc Nguyên Vũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một Thoáng Mây Bay… - Trần Ngọc Nguyên Vũ

    Một Thoáng Mây Bay…
    Trần Ngọc Nguyên Vũ
    *****

    Ai về cho gởi chút mây bay
    Một chút sương rơi phút cuối ngày
    Một chút men đời thay rượu đắng
    Một chút...cho lòng thêm đắm say.

    ***** 

    Trung ngồi đợi Trúc ở phòng đợi của khách-sạn, thỉnh thoảng chàng lại ngước mắt nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường. Ðã hơn một tiếng rồi mà vẫn chưa thấy Trúc đến. Trung bắt đầu cảm thấy bồn-chồn, không biết là đã có chuyện gì xẩy ra...Trước khi đi, Trúc có gọi điện-thoại cho chàng, nói chỉ khoảng nửa tiếng là tới. Vì từ chỗ Trúc ở đến khách-sạn này chỉ mất có 15 phút xe buýt, cộng thêm khoảng thời-gian 10 phút đợi xe, có trễ lắm thì cũng khoảng 45 phút là cùng. Trung ngập-ngừng nghĩ hay là...Trúc đã đổi ý. Mặc dù mới biết Trúc chưa đầy một tuần lễ mà chàng có cảm-tưởng như hai người đã quen nhau từ lâu lắm rồi...
     
    ...Trung nhớ lại lần đầu tiên gặp Trúc trong đêm văn-nghệ do các sinh-viên Việt Nam của trường Trúc tổ-chức để chào mừng phái-đoàn, Trung đã bị thu-hút ngay bởi dáng dấp thanh-thoát, sang-cả, và nhất là lối nói chuyện lôi-cuốn của cô xướng-ngôn-viên điều-khiển chương-trình. Ðêm hôm đó, Trung được ban tổ-chức mời lên nói chuyện với các sinh-viên và kiều bào. Ðề tài nói chuyện của chàng là: “Ðem Tâm-Tình Nói Chuyện Với Lịch-Sử.” Với tư-cách là người đại-diện cho ban tổ-chức, Trúc đã đến gặp Trung để thảo-luận với chàng một vài chi-tiết quan-trọng, trong đó có những câu hỏi của nhóm sinh-viên thiên tả. Trúc cũng tỏ ý ngại rằng có thể vì những đụng chạm về chính-trị sẽ làm cho bầu không khí của đêm họp mặt mất vui, và nhất là nàng muốn dành cho mọi người trong phái-đoàn những giờ phút thật thoải-mái trong thời-gian thăm viếng xứ sở này. Nhìn gương mặt lo âu của Trúc, Trung mỉm cười trấn-an nàng: - Xin cô nói với ban tổ-chức là không sao đâu, chính chúng tôi cũng muốn có dịp được đối-chất với các anh chị em sinh-viên thiên tả qúa khích, để khơi lại nguồn tình-cảm dân-tộc đang bị cái chủ-thuyết không tưởng của Cộng-Sản đốt cháy dần trong lòng họ. Rồi với một tia mắt thật dịu-dàng, chàng nhìn Trúc mỉm cười hóm-hỉnh nói: - Với lại khi nào tình-hình trở nên nghiêm-trọng, thì bất qúa tôi chỉ việc trao lại máy vi-âm cho cô xướng-ngôn-viên điều khiển chương-trình là mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp ngay thôi, có phải thế không? Trúc chớp mắt cảm-động qua câu nói bóng-gió xa-xôi của Trung, và hình như...có một cái gì thật khó giải-thích đang len-lén dâng lên trong lòng, tự-nhiên nàng cảm thấy yên tâm trước sự bình-tĩnh và tự tin của Trung. Khi Trúc giới-thiệu Trung với khán-giả thì ngay từ phút đầu, Trung đã chinh-phục được cảm-tình của mọi người qua phong-cách, và giọng nói truyền-cảm của chàng. Những lời tâm-tình của Trung thoát ra như mũi dao nhọn xoáy vào tim người nghe. Những ngăn cách, e-dè ban đầu tự-nhiên biến mất, mà còn lại, chỉ là một màng lưới tình-cảm vô hình bồng-bềnh lãng-đãng vây quanh. Bầu không-khí trong hội-trường có lúc như chìm hẳn xuống theo với luồng tình-cảm u-uẩn của diễn-giả, có lúc sôi động bùng lên như một dòng thác đang cuồn-cuộn chẩy, với những tràng pháo tay cổ-võ tưởng như bất tận của mọi người. Chương-trình được kéo dài thêm cả tiếng đồng hồ so với thời gian đã ấn-định trước mà mọi người vẫn còn thấy luyến-tiếc chưa muốn chia tay. Trúc cảm-động khi thấy các sinh-viên trẻ ân cần nắm tay Trung nói: “- Xin cảm ơn anh đã cho chúng em cơ-hội để hiểu rõ các anh hơn.” Trung nhìn họ bằng tia mắt thông-cảm và nói: “- Tất cả mới chỉ là bắt đầu cho một cuộc hành-trình trên con đường thiên-lý diệu vợi, chúng ta cần phải có thời-gian và ý-chí để tiếp tục đi trên con đường này. Dân-tộc đang mong chờ ở sự trưởng-thành nơi các bạn đó.” Sau đêm văn-nghệ, đáng lẽ Trung cùng các bạn trong phái-đoàn lên đường đi thăm viếng những thành phố khác như chương-trình đã sắp đặt trước. Nhưng sáng hôm khởi-hành, Trung thình lình ngả bệnh, nên đành phải ở lại để vào bệnh-viện. Cũng từ hôm đó, Trúc đã tới thăm Trung như một người em gái chăm sóc người anh trai của mình. Trúc ân-cần, mềm-mỏng và hiền-dịu. Nhưng qua cử-chỉ và lời nói, ở nàng vẫn toát ra một cái gì đó thật là đoan-trang, khiến cho người đối diện vừa cảm mến lại vừa nể phục. Trong những ngày nằm trên giường bệnh, mỗi lần Trúc đến thăm, là mỗi lần Trung cảm thấy như mình vừa được uống thêm một liều thuốc tiên. Chiều hôm qua, Trung đã rời nhà thương để về lại khách-sạn, và sáng nay, Trúc hẹn đến đón chàng về thăm nơi Trúc ở...
     
    ...Trung lắc đầu xua đuổi những ý-nghĩ tiếp nối. Chàng với tách cà-phê đã nguội trên bàn, ngửa cổ uống cạn. Trung hơi nhăn mặt vì chất đắng của cà-phê đọng trên lưỡi. Chàng chu miệng liếm môi rồi đến quầy quản-lý hỏi cô tiếp-viên của khách-sạn xem có ai gọi điện-thoại đến không. Cô tiếp-viên như thông-cảm được sự chờ đợi của chàng nên nở một nụ cười thật tươi trả lời:
     
    - Dạ thưa ông, cho đến bây giờ thì vẫn chưa có ai gọi đến cả, khi nào có người gọi đến, thì chúng tôi sẽ thông-báo cho ông biết ngay ạ.
     
    Trung cám ơn cô tiếp-viên rồi chợt nhớ ra rằng đây là lần thứ tư trong vòng một tiếng đồng hồ chàng đã hỏi cô ta cùng một câu hỏi. Trung cảm thấy hơi ngượng nên phân trần với cô ta:
     
    - Thưa cô tôi thành-thật xin lỗi là đã làm phiền cô, nhưng chả là vì tôi có hẹn với một người bạn ở xa đến thăm nên...
     
    Không kịp để cho Trung nói hết câu, cô tiếp-viên của quầy quản-lý khách-sạn đã mỉm cười nheo mắt chỉ tay ra phía cửa, dí-dỏm nói với chàng:
     
    - Thưa ông hình như người bạn của ông đã đến rồi thì phải.
     
    Trung quay đầu trở lại nhìn, chàng xuýt nữa bật lên tiếng kêu vì vừa thấy Trúc nơi khung cửa kính. Chàng chạy vội ra đón Trúc, quên cả cám-ơn cô tiếp-viên xinh xắn và bặt-thiệp.
     
    Người gác cửa khách-sạn đỡ chiếc giỏ mây trên tay Trúc, trong khi nàng cởi tấm khăn quàng cổ, phủi những hạt mưa bụi lấm tấm bám trên tóc. Trung lặng người đứng nhìn Trúc quên cả chào hỏi. Trúc đưa tay vuốt nhẹ mái tóc dài óng mượt ra phía sau rồi nhìn Trung cười hỏi:
     
    - Anh Trung đợi có lâu lắm không? Anh cho Trúc xin lỗi nhé, đáng lẽ Trúc đã đến sớm hơn, nhưng tối hôm qua nghe tin-tức thời-tiết trên đài truyền hình, thấy nói là trưa nay tuyết bắt đầu rơi, và sẽ có một trận bão tuyết lớn sắp tới, cho nên trên đường đi, Trúc đã ghé lại xiêu-thị gần nhà để mua một vài thứ cần thiết. Không ngờ người ta đua nhau đi chợ đông khủng-khiếp luôn, chắc là để phòng hờ cho trận bão tuyết sắp đến, nên phải mất đến gần một tiếng đồng hồ Trúc mới ra khỏi quầy hàng trả tiền đó, thành ra tới trễ, làm anh phải đợi lâu.

    Trung đứng ngẩn người nghe Trúc nói một hơi, giọng nói líu-lo như tiếng chim quyên. Trung như quên tất cả, chàng đỡ lời Trúc bằng một câu nói đùa:
     
    - Ồ có gì đâu, thật ra thì...tôi cũng chưa có đủ thời giờ để thưởng-thức tới ly cà-phê thứ tư của khách-sạn này. Tôi vừa khám phá ra là cà-phê ở đây thật thơm ngon và đậm-đà.
     
    Trúc cười tươi đáp lời Trung:
     
    - Thôi mà...anh cho Trúc xin lỗi một lần nữa nghe. Lần đầu tiên mời khách tới nhà mà lại trễ hẹn thì qủa là có lỗi lớn lắm.
     
    Trung nói mau:
     
    - Không đâu, xin Trúc đừng nói vậy, thật ra thì người có lỗi chính là tôi, vì tôi đã làm Trúc phải vất vả cả buổi sáng nay mà.
     
    Trúc bật cười qua lối nói chuyện hóm-hỉnh của Trung:
     
    - Anh Trung nói chuyện thật là khéo, chắc chả có ai giận anh được đâu nhỉ.
     
    Cả hai cùng cười, Trung nói:
     
    - Thôi chúng mình đi chứ.
     
    Trúc gật đầu đáp:
     
    - Dạ.
     
    Trung rúng động vì tiếng dạ nhẹ-nhàng như hơi gío thu của Trúc. Chàng cảm thấy trong cái âm-thanh mơ hồ, thoang thoảng kia, như ngầm chứa đựng một cái gì thật là nồng-nàn và ấm-cúng. Trung cúi xuống xách chiếc giỏ mây cho Trúc, rồi hai người bước ra khỏi khách-sạn. Người gác cửa cúi đầu thật thấp chào chàng và Trúc. Trung móc túi lấy tờ năm trăm Yen dúi vào tay anh ta. Anh ta lại cúi rạp người xuống chào và nói lời cám ơn. Trúc nhìn Trung cười tủm-tỉm rồi khẽ nói:

    - Anh Trung ơi, ở đây người ta không có lệ cho tiền Típ đâu, lần sau anh khỏi phải bận tâm về vấn đề này nhé.
     
    Trung cười theo rồi nghiêng đầu nói bên tai Trúc:
     
    - Thật ra thì không phải tôi cho anh ta tiền típ đâu, mà chỉ là muốn cám ơn anh ta đã đón Trúc ở ngoài cửa đấy thôi.
     
    Trúc cười ròn:
     
    - Thôi, Trúc chịu thua anh rồi đó.
     
    Hai người cùng cất tiếng cười vang trước sự ngạc-nhiên của người gác cửa. Anh ta tuy chẳng hiểu Trung và Trúc nói gì nhưng cũng vui vẻ cười theo.
     
    Vừa ra khỏi khách-sạn, Trung bất chợt nhận ra một khung cảnh tuyệt-vời trước mắt. Trên trời, từng tảng mây trắng đục nặng nề trôi thật thấp, và loáng thoáng trong không gian, những sợi mưa mỏng manh tựa hồ như sương khói, bay trước mặt, đậu lên da thịt vừa đủ cho chàng một cảm-giác như đang được bàn tay của người tình mơn trớn. Trung đưa tay kéo cao cổ aó. Chàng khẽ kêu lên:
     
    - Ồ! Thật là tuyệt-diệu.
     
    Trúc đi bên cạnh, ngước mặt hỏi Trung:
     
    - Anh nói gì cơ?
     
    Trung ngất ngây vì câu hỏi của Trúc, và cảm thấy như mình đang bị cuốn hút vào một thế-giới của ảo-giác pha trộn lẫn âm-thanh và cảnh vật; chàng trả lời Trúc, giọng nói tan loãng vào với khoảng không:
     
    - Trúc có thấy gì không, những hạt mưa bụi bay trong không-gian chẳng khác nào như...
     
    Trung chợt ngưng ở đó vì bỗng nhớ ra là đang đi bên cạnh Trúc ngoài đường phố. Trúc bật cười vì cử-chỉ của Trung, nàng hỏi giọng tinh nghịch:
     
    - Anh Trung đang làm thơ đấy à?
     
    Trung hơi lúng túng, cất giọng xa vắng:
     
    - Thật ra thì tôi đang bị xúc-động bởi khung cảnh trước mắt mình, vì đã từ lâu lắm rồi, hôm nay mới lại được thưởng-thức cảnh mưa bụi bay...
     
    Trúc đi sát bên Trung, giọng cảm-động:
     
    - Vâng, nghe anh nói Trúc cũng cảm lây được cái đẹp của thời-tiết đó. Thật ra thì...vì đời sống bận rộn hàng ngày, nên nhiều khi con người đã vô tình bỏ mất đi những cái đẹp ngay trước mắt mình. Ðó cũng là một thiếu sót lớn trong cuộc sống, có phải thế không anh?
     
    Trung mỉm cười thích thú vì sự nhận-xét của Trúc. Chàng muốn nói một lời để chia sẻ cái cảm- nghĩ sâu-sắc của nàng thì một chiếc xe buýt đã chạy tới, và ngừng bên lề đường. Cửa xe vừa mở, hành khách trên xe ào xuống như con nước lũ, làm Trung phải kéo Trúc lui lại để tránh. Trúc ngả hẳn người về phía Trung. Sự đụng chạm bất ngờ làm Trúc lúng túng, gương mặt hồng lên, nàng đưa tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trước mắt, cười nói với Trung:
     
    - Ðó anh thấy chưa. Ở đây mọi người ai cũng lo chạy đua với thời gian; họ sẽ chẳng bao giờ chịu ngừng lại cả đâu, dù chỉ là trong một khỏanh-khắc để thưởng-thức mưa bụi bay...
     
    Trung bật cười vì câu nói đượm mùi triết-lý về nhân-sinh-quan trong cuộc sống của cô sinh viên trẻ và vui tính này. Chàng theo Trúc lên xe. Trúc bỏ tiền vé cho hai người vào chiếc hộp đựng tiền bên cạnh người tài-xế, rồi chỉ vào chiếc ghế trống duy nhất còn lại nói với Trung:
     
    - Anh Trung ngồi đi.
     
    Trung lịch-sự nhường cho Trúc, nhưng Trúc vừa cười vừa nói:
     
    - Anh Trung ơi, ở bên này đàn ông Nhật họ không nhường phụ-nữ đâu, anh đừng ngại.
     
    Rồi nàng nheo mắt nhìn Trung nói tiếp:
     
    - Với lại anh đừng quên rằng anh đang là khách, và Trúc là hướng-dẫn-viên đấy nhé. Nhập gia phải tùy tục mà, anh không nhớ sao.
     
    Trung cảm thấy vui lây trước sự hoạt-bát và vui tươi của Trúc. Rồi như có một mãnh-lực vô hình nào đó thúc đẩy, Trung ngoan ngoãn ngồi xuống như một cậu học trò nhỏ nghe lời cô giáo của mình. Trúc đứng bên cạnh, một tay vịn vào thành ghế, một tay chỉ ra phía ngoài giải-thích cho Trung nghe phong-cảnh, chẳng khác nào như một cô hướng-dẫn-viên du-lịch chuyên nghiệp. Khi xe quẹo vào con đường nhỏ dẫn tới một khu rừng, Trúc nói với Trung:
     
    - Anh Trung thấy khu rừng trước mặt đó không? Thật ra thì đó là công-viên của thành phố, nó chia ranh giới giữa thành phố với khu ngoại-ô. Công-viên này nổi tiếng là đẹp. Anh có thấy những cội anh-đào mọc dọc theo con suối đó không? Về mùa Xuân hoa đào nở trông đẹp tuyệt-vời. Mỗi lần gió thổi là hàng ngàn cánh hoa bay lả tả theo gió, chẳng khác nào như những bông hoa tuyết của mùa Ðông cả...
     
    Trúc chợt ngưng lại, hai gò má ửng hồng, cúi đầu nhìn xuống . Nàng vừa nhận ra là Trung đang đắm-đuối nhìn nàng. Giọng Trúc nhỏ lại, nàng hỏi Trung:
     
    - Anh Trung...có thấy gì bên ngoài không?
     
    Trung nghe Trúc đổi giọng, chàng cảm thấy ngượng vì đã tỏ cử chỉ hơi sỗ-sàng đối với Trúc, và như để thầm tạ lỗi cho cử-chỉ vừa rồi, chàng cười nhẹ nhàng nói với Trúc:
     
    - Ồ! Tôi thật là vô phép. Chỉ vì nghe Trúc nói hay quá nên quên cả nhìn cảnh vật...Với lại Trúc nói hay như thế thì người ta chỉ cần nghe thôi cũng đủ tưởng-tượng ra mọi cảnh trí rồi đâu cần phải nhìn nữa.
    Trúc cười lấy lại sự tự nhiên ban đầu, nàng nghiêng đầu nhìn Trung nói:
     
    - Ồ, nếu vậy thì Trúc chả dám nói nữa đâu; sợ lại làm ngưng đọng dòng tư-tưởng của một nhà thơ.
     
    Nghe giọng nói đượm vẻ hờn dỗi nhẹ nhàng của Trúc, Trung cảm thấy một niềm vui lâng lâng dâng lên trong lòng...Chàng nhìn Trúc nói bằng một giọng thân-mật:
     
    - Tôi thành thật xin lỗi Trúc nhé. Chính ra thì tôi vừa nghe, vừa nhìn và nhớ tất cả những gì Trúc mới nói đó.
     
    Trúc chớp mắt cảm-động vì câu nói của Trung, nàng nói nhanh:
     
    - Anh Trung, Trúc chỉ nói đùa thôi mà, chứ Trúc không có ý giận anh đâu.
     
    Vừa lúc đó thì chiếc xe buýt ngừng lại. Trúc nhìn ra cửa xe rồi giục Trung:
     
    - Ồ, tới rồi đó anh, mình xuống đây đi.
     
    Trung đứng dậy xách chiếc giỏ mây rồi theo Trúc bước xuống xe. Trúc đưa tay chỉ về phía trước nói với Trung:
     
    - Anh Trung thấy cây cầu phía trước không. Qua khỏi con sông nhỏ này, rồi đi thêm khoảng vài chục thước lên ngọn đồi phía tay phải là tới chỗ Trúc ở đó.
     
    Trung nhìn theo hướng tay của Trúc chỉ. Cả một khung cảnh kỳ-tú hiện ra trước mắt chàng. Một cây cầu gỗ sơn đỏ bắc ngang qua bờ sông. Dưới chân cầu, một cây Tùng cổ-thụ đứng lẩn khuất với những cành liễu ủ rũ. Trên sông, một cặp bạch nga đang thả mình trôi theo dòng nước lạnh lăn-tăn gợn sóng theo làn gió nhẹ. Dọc theo bên kia bờ sông, rải rác những mảnh vườn, ruộng, những mái nhà thấp thoáng ẩn mình dưới hàng thông cao vút. Ðó đây, vài ngọn khói lam bốc lên từ cột khói sau nóc nhà, tỏa mùi thơm thoang thoảng trong không-gian. Xa xa là dải núi xanh xám trải dài đến tận chân trời. Từ trên đỉnh núi, những tảng mây trắng đục đọng lại, đổ xuống lưng chừng, trông như những ngọn thác đang chẩy. Trung buộc miệng kêu lên:
     
    - Trời hỡi! Khung cảnh ở đây đẹp qúa, chẳng khác nào như chốn thiên-thai nơi trần-thế cả.
     
    Trúc nheo mắt cười, nhìn Trung nói:
     
    - Anh Trung nói hơi qúa đấy nhé, vì cảnh tuy có vẻ giống, nhưng lại thiếu những nàng Tiên xinh đẹp nên vẫn chưa có thể gọi là thiên-thai được đâu. Có phải vậy không?
     
    Trung cười nhìn Trúc bằng tia mắt hóm-hỉnh nói:
     
    - Theo tôi nghĩ thì...đâu cần phải có những nàng Tiên, mà chỉ cần có một nàng Tiên ở thì cũng qúa đủ để gọi nơi đó là thiên-thai rồi. Trúc có đồng ý với tôi như vậy không?
    Trúc cười theo đuôi mắt nói: 

    - Vâng, nếu chỉ có một nàng Tiên, thì nàng Tiên này đúng là bị trời đầy xuống trần-gian rồi, đâu còn được ở thiên-thai nữa.
     
    Cả hai cùng cất tiếng cười ròn rã. Hai người đi qua khỏi chiếc cầu, đến một ngôi nhà xung quanh có hàng rào trồng bằng loại thông trắc-bách-diệp. Một chiếc cổng gỗ cao, có mái che, hai đầu uốn cong theo lối kiến-trúc cổ-truyền. Trúc đẩy cánh cổng được khép hờ, rồi mời Trung vào trong sân. Từ cổng chính dẫn đến ngôi nhà là lối đi được lát bằng những phiến đá xanh nhẵn bóng. Dọ theo hai bên của lối đi là hai hàng cây anh-đào được trồng thẳng lối; những cành cây khô gầy trụi lá, vươn lên trên nền trời xám đục, đan vào nhau trông như một tấm lưới. Căn nhà đã cũ, nhưng trông vững-chãi như một ngôi chùa cổ. Những chiếc cột gỗ to bằng cả một người ôm, mầu gỗ đã lên nước bóng loáng, chứng tỏ căn nhà đã được xây cất từ lâu lắm rồi. Bên hông nhà, một con đường nhỏ lát gạch bát-tràng dẫn tới một cái ao khá rộng. Ở giữa ao là ngôi thủy-đình lợp ngói đỏ, nối với bờ ao bằng một cây cầu tre. Trên mặt ao, loáng thoáng những mảng bèo tấm lẫn lộn với những cọng sen, cọng súng, nhô lên khỏi mặt nước trông như những chiếc cọc lưới của thuyền chài cắm trên sông. Chung quanh bờ ao, hàng cây dương-liễu đứng rủ như đang thì thầm với những khóm thủy-trúc dưới nước. Một con hạc xám co chân, rủ cánh đứng trên một phiến đá cạnh bờ ao, nghiêng đầu chăm-chú đợi con mồi dưới nước. Bên hông nhà, là một khu vườn trồng đủ các loại cây mà Trung không biết tên. Phía cuối khu vườn là những bụi thanh-trúc mọc dầy, thân cao vút, ngả nghiêng theo gió thổi. Một tảng đá lớn nhô ra, được đẽo gọt thành một hòn non bộ, và một khe suối nhỏ từ bên trong vách đá róc rách chẩy men theo những đám rêu xanh xám. Trung lặng người đứng nhìn cảnh vật xung quanh. Chàng có cảm-giác như mình đang lạc vào một cảnh nào đó trong câu truyện thần tiên. Có tiếng Trúc trên thềm nhà vọng xuống:
     
    - Anh Trung vào nhà đi không kẻo lạnh. Ðể lát nữa Trúc sẽ dẫn anh đi coi vườn.
     
    Trung giật mình nhìn lên, chữa ngượng nói với Trúc:
     
    - Ngôi nhà này đẹp qúa. Xin lỗi là chưa được phép của chủ nhân mà đã nhìn trộm phong-cảnh.
     
    Trúc cười:
     
    - Xin nói trước là căn nhà này không phải của Trúc đâu đấy nhé. Nhưng mà mời anh vào trong đã.
     
    Trung bước lên thềm nhà. Ngoài thềm, Trúc đã để sẵn đôi dép bằng vải. Trung cởi giầy, xỏ chân vào đôi dép rồi theo Trúc vào trong nhà. Trúc tháo khăn quàng cổ nói với Trung:
     
    - Anh đưa áo choàng để Trúc cất cho.
     
    Trung cởi chiếc aó khoác ngoài ra đưa cho Trúc rồi nói: 
    - Thật là ngoài sự tưởng-tượng của tôi.
     
    Trúc cười, liến-thoắng nói:
    - Anh cho Trúc năm phút vào trong cất aó rồi ra ngay. Xin anh cứ tự-nhiên nghe.
     
    Trung gật đầu đáp lại:
     
    - Vâng, xin Trúc cứ tự-nhiên.
     
    Trúc vào trong rồi, còn lại một mình, Trung có dịp qua-sát kỹ xung quanh. Căn phòng được bài-trí một cách đơn-giản, nhưng trông thật là thanh-thoát, chứng tỏ chủ nhân phải là một người có óc thẩm-mỹ rất cao mới đạt đến trình-độ trưng-bầy nghệ-thuật như vậy. Phòng khá rộng, sàn nhà được lót bằng loại gỗ quý, nước gỗ đã lên mầu nhẵn bóng như mặt đá cẩm-thạch. Giữa nhà, một chiếc lò sưởi lớn xây bằng đá xanh, để trống bốn mặt. Bên trong lò sưởi, lửa cháy kêu lách-tách tỏa hơi ấm khắp gian phòng. Trước lò sưởi, phía nhìn ra cửa chính, được dựng một cái dá bằng gỗ mun đen nhánh, có ba nấc, trên gác một thanh kiếm dài và hai cây đoản kiếm của các hiệp-sỹ thời cổ, làm tăng thêm vẻ uy-nghiêm của căn phòng. Phía bên trái lò sưởi, một chiếc bục gỗ cao được lau chùi bóng loáng, trên đặt một cây đàn Koto chạm trổ rất công-phu. Ðàng trước chiếc bục, có kê một chiếc bàn hình chữ nhật, chân thấp, khảm xà-cừ. Chung quanh bàn trên sàn nhà, được trải những tấm thảm dầy dùng để ngồi. Trên tường, phía đối diện với cửa ra vào, có treo hai bức đại cổ họa. Một bức vẽ một hiệp-sỹ đang ở trong tư thế rút kiếm, còn bức kia vẽ một thiếu nữ mặc kimono tay cầm chiếc giỏ mây đi giữa rừng hoa anh-đào. Nét vẽ mạnh và xuất thần, làm Trung có cảm-tưởng như những hình ảnh trong tranh đang chuyển-động theo ánh mắt của chàng. Bên phía tay phải, lên một bậc là dẫy hành lang dài. Dọc theo hành lang, có những khung cửa sổ được ghép bằng những thanh tre mầu vàng nhạt. Ở dưới mỗi khung cửa sổ, có kê một chiếc bàn tre, bên trên bầy những chậu cây cảnh được cắt tỉa tỉ-mỉ...Trung còn đang say-sưa nhìn ngắm thì có tiếng của Trúc ở đàng sau làm chàng giật mình quay lại. Trung ngẩn người ra nhìn Trúc rực-rỡ trong bộ đồ kimono mầu tím nhạt, lấm tấm điểm những cánh hoa anh-đào mầu trắng, tay bưng một khay trà...Rồi như không dằn được sự xúc-động, Trung khẽ kêu lên:
     
    - Trời hỡi! Nếu không phải là biết trước, thì tôi đã lầm Trúc với một cô gái Nhật nào đó rồi. Thật ra thì phải nói là một nàng tiên Nhật Bản mới đúng.
     
    Trúc đặt khay trà xuống bàn, cười tươi, cúi người, xuôi tay chụm lên đầu gối, chào Trung theo kiểu Nhật. Rồi cất giọng liến-thoắng nói:
     
    - Cám ơn anh đã qúa khen. Ngày thường Trúc ít khi mặc kimono lắm, chỉ khi nào có khách qúy mới lấy ra mặc đó. Nhưng mà mời anh lại bàn ngồi xơi nước đã.
     
    Trung bước lại bàn. Chàng lúng-túng ngồi xuống. Trúc cười tủm-tỉm nhìn Trung ngượng-ngập xoay trở một cách khó khăn trên chiếc gối nệm. Trúc nâng tà áo, qùy xuống ngồi thật gọn gàng, rồi nàng nhẹ nhàng cầm bình trà lên rót nước mời Trung:
     
    - Anh Trung biết gì không, bộ đồ pha trà thì của Nhật, nhưng trà thì lại là trà sen từ Việt Nam mang qua đó nghe.
     
    Trung cười đỡ ly trà trên tay Trúc rồi nói:
     
    - Thế này thì... không khéo mai mốt toàn thể dân Nhật đều đòi uống trà sen của Việt Nam hết mất.
     
    Trúc cười vô-tư trả lời:
     
    - Ồ, anh nhầm rồi. Người Nhật nổi tiếng là cứng đầu nhất thế-giới đó. Họ sẽ chả bao giờ theo ai đâu.
     
    Trung cười theo ánh mắt, nhìn Trúc hóm-hỉnh nói:
     
    - Biết đâu đấy. Với lại theo tôi nghĩ thì...có cứng như đá cũng phải mềm chứ đừng nói là dân Nhật.
     
    Trúc cúi đầu, hai gò má ửng hồng vì câu nói bóng gío của Trung. Nàng nói lảng:
     
    - Ồ! Ðể Trúc kể anh nghe lai-lịch của ngôi nhà này nhé. Anh biết không, căn nhà này nguyên là của ông cố của cô bạn học cùng trường với Trúc để lại cho anh em cô ấy đó. Ngày xưa, ông cụ là một quan đại-thần dưới triều Minh-Trị Thiên-Hoàng. Tất cả đồ đạc trong căn nhà này đều được giữ nguyên vẹn không thay đổi gì cả. Kể cả những thanh kiếm của cụ ông và cây đàn Koto của cụ bà. Nhà có tất cả là sáu phòng, ba phòng ngủ, và phòng đọc sách chia thành bốn góc. Ở giữa là khu vườn cảnh. Chỗ này là phòng khách, có dẫy hành lang ăn thông xuống khu nhà bếp và phòng ăn. Phía bên kia khu vườn ở sau nhà, là căn nhà của vợ chồng người quản-gia gìa của gia-đình. Hai ông bà cụ có nhiệm-vụ chăm sóc nhà cửa, và cắt tỉa vườn tược, nên trông mới được khang- trang như vậy đó.
     
    Trung ngồi yên lặng nghe Trúc kể. Âm-thanh nhẹ nhàng, thanh thoát của nàng quyện vào với ánh lửa đang nhẩy múa trong lò sưởi, chẳng khác nào như một khúc luân-vũ tuyệt-vời. Qua một thoáng mơ hồ, Trung cảm thấy như mình đang cùng Trúc đi ngược lại với dòng thời-gian theo câu truyện. Trung cất giọng xa-xôi:
     
    - Nghe Trúc kể, tôi thấy như mình đang được đóng một cuốn phim...nhưng làm sao mà Trúc lại thuê được căn nhà này?
     
    Trúc cười nhẹ, giọng mơ-màng:
     
    - Thật ra thì...không phải là Trúc thuê đâu, mà là có duyên được ở đây mới đúng. Chẳng là hồi mới ở bên nhà qua, Trúc chưa tìm được chỗ ở, và như anh biết đó, nhà cửa ở đây rất đắt và khó kiếm, nên Trúc phải ở tạm nhà của một anh sinh-viên Việt Nam đã qua đây trước. Nhưng...nhà chỉ có độc nhất một căn phòng, nên rất là bất tiện. Anh ấy phải dùng tấm vải căng lên để ngăn đôi căn phòng cho mỗi người một nửa. Cũng may anh ấy là người tốt và tế-nhị, nên gần như là anh ta đã nhường cả căn phòng cho Trúc ở, chỉ đi về khi nào cần. Phần nhiều anh ấy ở cả ngày trong thư-viện. Ðang lúc bối rối chưa biết tính sao, thì tình cờ Trúc gặp Xuyên-Ðảo, và cô ta mời Trúc về nhà chơi. Nghe Trúc kể tình cảnh của mình, cô ta nhất định bắt Trúc phải dọn về ở với cô ta trong căn nhà này. Vì nhà chỉ có hai anh em học ở đây, còn gia-đình cô ta thì ở trên một hòn đảo khác. Thấy cô ta là người hiếu-khách, nên Trúc đã dọn về đây ở chung với anh em cô ta, tới nay cũng được hơn hai năm rồi...

    Trung ngắt ngang lời Trúc:
     
    - Thế...cái anh bạn sinh-viên Việt Nam đó còn ở đây không?
     
    Trúc nghiêng đầu nhìn Trung cười, cất giọng hóm-hỉnh nói:
     
    - Còn chứ, thỉnh thoảng anh ấy vẫn ghé thăm Trúc đó.
     
    Nghe Trúc nói, tự nhiên Trung cảm thấy như có một cái gì đè nặng trong lòng. Chàng nhìn Trúc thật lâu, muốn nói một lời gì đó mà âm-thanh không thoát ra được. Trúc cúi đầu lẩn tránh tia nhìn của Trung. Rồi nàng đổi lại thế ngồi, cất giọng liến-thoắng nói:
     
    - Buồn cười lắm, anh Trung biết không. Nhà chỉ có ba người mà hầu như chả bao giờ gặp mặt đầy đủ cả. Khi Trúc đi học về thì tới phiên cô ta đi, tới khi Trúc đi thì anh cô ta về, cứ như là cây đèn kéo quân ấy thôi.. Họa hoằn lắm là vào những ngày cuối tuần mới tập họp đầy đủ để ăn với nhau một bữa cơm gia-đình. Nhưng được cái là hai ông bà quản-gia rất tốt, họ coi Trúc như người thân, nên nhiều khi Trúc có cảm-tưởng là mình được chăm sóc như là ở nhà với mẹ vậy đó. Hôm nay hai ông bà sửa-soạn đãi anh một bữa cơm thuần-tuý Nhật Bản đấy. Ðể chút nữa Trúc giới-thiệu anh với hai người nghe...Còn hai anh em Xuyên-Ðảo thì vừa về thăm gia-đình, qua Tết mới lên lại, nên anh không có dịp gặp họ lần này đâu.
     
    Nói đến đây Trúc chợt ngưng lại, chụm hai tay vào nhau rồi nghiêng đầu nheo mắt nhìn Trung nói tiếp bằng một giọng tinh-nghịch:
     
    - Ồ! Tiếc qúa, giá mà Xuyên-Ðảo có mặt ở đây thì nhất định là Trúc sẽ giới-thiệu cô ta với anh. Anh Trung mà gặp Xuyên-Ðảo thì anh sẽ thích ngay đó. Cô nàng đẹp và dễ thương lắm. Các cậu trong trường ai cũng muốn làm quen với cô ta hết đó.

    Trung ngồi nghe Trúc nói mà hồn như để mãi tận đâu đâu...Nhìn vẻ mặt thẫn-thờ của Trung, Trúc khẽ hỏi:
     
    - Chắc là anh Trung thấy đói bụng rồi hả? Ðể Trúc xuống nhà bếp xem hai ông bà đã sửa-soạn xong chưa nhé.
     
    Trung cười gượng rồi hỏi Trúc:
     
    - Ồ, thế cái anh bạn sinh-viên Việt Nam tốt bụng của Trúc tên là gì nhỉ?
     
    Trúc chợt phì cười vì câu hỏi có vẻ hơi lạc đề của Trung. Nàng nghiêng đầu nhìn Trung, rồi trả lời bằng một giọng trêu chọc:
     
    - Ồ, anh ấy cũng tên là Trung giống như anh đó. Mà tại sao anh lại hỏi tên anh ta . Bộ anh muốn Trúc giới-thiệu hả?
     
    Trung cười buồn, giọng xa vắng:
     
    - Không, tôi chỉ hỏi vậy thôi. 

    Rồi Trung hạ thấp giọng, nói tiếp:
     
    - Với lại...
     
    Trung chợt ngưng ở đó. Nghe giọng nói ngập-ngừng của Trung, Trúc chợt hiểu. Một thoáng rung-động đọng trên môi. Trúc để rơi tia nhìn long-lanh trong mắt Trung, rồi nàng cúi đầu nói nhẹ:
     
    - Ồ anh Trung cho Trúc xin lỗi nhé, Trúc chỉ nói đùa thôi mà.
     
    Trung lặng người đi theo với âm-thanh thoang-thoảng của Trúc. Chàng cảm thấy hối-hận là đã để lộ tình-cảm của mình với Trúc. Và để đánh tan bầu không khí nặng nề đang bao quanh, Trung xoay người, sửa lại thế ngồi, nâng ly nước lên ngang mặt như người dâng lễ trước ban thờ, cúi đầu ra vẻ trịnh-trọng nói:
     
    - Xin mời Trúc uống ly trà tạ lỗi của tôi.
     
    Trúc bỗng phá lên cười vì điệu-bộ và giọng nói khôi-hài của Trung. Nàng liến-thoắng nói với Trung:
     
    - Anh Trung định biểu-diễn kiểu uống trà theo lối Ấn-Ðộ đấy à?
     
    Rồi Trúc hồn-nhiên nói tiếp:
     
    - Ồ, để Trúc chỉ anh cách uống trà của người Nhật nghe.
     
    Nói xong Trúc với ly trà để lên lòng bàn tay trái, tay phải đỡ ly trà, rồi xoay nhẹ một vòng, và nâng ly trà lên ngang đôi môi mọng đỏ, đưa mắt nhìn Trung mỉm cười. Trung ngẩn người, để rơi ánh mắt lạc thần trên khuôn mặt tuyệt-vời của Trúc. Chàng chợt bắt gặp một tia nhìn trìu-mến thấp thoáng qua làn khói mờ ảo của hơi nước trà sen thơm ngát. Bỗng dưng, Trung có cảm-tưởng như mình đang ngồi thưởng-lãm một bức cổ họa vô gía của nhà danh họa Yamamoto của Nhật Bản. Có tiếng động từ phía hành lang vọng tới làm hai người giật mình như vừa thoát ra khỏi cơn trường mộng. Trúc cùng Trung đứng lên. Từ trên hành lang, hai vợ chồng ông lão tươi cười cúi gập người chào Trung. Trúc giới-thiệu Trung với hai người. Ông cụ tay cầm bầu rượu saké bước xuống thềm đưa cho Trúc, rồi nhìn Trung nói một tràng tiếng Nhật với chàng. Trúc đỡ bầu rượu để lên bàn, rồi nàng tươi cười dịch lại cho Trung nghe:
     
    - Ông cụ nói là cụ đã tiếp đón rất nhiều khách đến viếng căn nhà này. Nhưng đây là lần đầu tiên hai cụ được hân-hạnh đãi khách một bữa ăn thuần-túy Nhật Bản trong căn nhà này đó.
     
    Trung cũng cúi gập người chào hai cụ. Chàng nói rất lấy làm hân-hạnh, và vô cùng cảm-động trước lòng hiếu khách của hai cụ. Trúc dịch lại những lời Trung nói, giọng nàng líu lo như tiếng chim hót. Hai ông bà cười vui vẻ. Ông cụ chỉ bầu rượu trên bàn nhìn Trúc nói. Trúc dịch lại cho Trung nghe:
     
    - Cụ nói đây là loại rượu đặc biệt nhà làm. Rượu được cất ủ cả mấy chục năm rồi, chỉ khi nào có khách qúy mới lấy ra dùng thôi.

    Rồi Trúc lấy tay bụm miệng cười khúc-khích, liếc mắt nhìn Trung thấp giọng nói tiếp:
     
    - Cụ nói là loại rượu này ngon và bổ, đàn ông dùng thì…rất tốt. Cụ biếu anh bầu rượu này để làm qùa đấy.
     
    Trung bỗng cảm thấy một chút ngượng-ngùng, mặt hơi đỏ lên trước sự tinh nghịch hồn-nhiên của Trúc. Chàng lúng-túng hướng về phía ông cụ, xuôi tay cúi đầu thật thấp nói câu cám ơn bằng tiếng Nhật mà Trúc mới dậy chàng trước đây. Ông cụ dang hai tay ôm lấy vai Trung, cất giọng cười sảng-khoái, tỏ vẻ rất hài-lòng về phong-thái của chàng. Rồi cụ đưa tay mời hai người qua phòng ăn.
     
    Bữa cơm gia-đình diễn ra thật vui vẻ. Mới đầu mọi người còn giữ-gìn ý tứ, nhưng qua đến bình rượu saké thứ hai thì khoảng cách chủ, khách tự nhiên biến mất. Cụ ông luôn miệng giục Trung cạn chén, cụ bà thì luôn tay rót rượu cho hai người, còn Trúc thì luôn miệng xử dụng một lúc cả hai thứ ngôn-ngữ thật lưu-loát, làm cho bầu không khí trong bữa ăn trở nên thân-mật và náo-nhiệt hẳn lên.
     
    Bên ngoài, loáng thoáng những bông tuyết trắng nõn nhẹ như tơ, lững-lờ rơi trong không-gian, làm tăng thêm phần ấm cúng cho căn phòng. Ông cụ với tay múc cho Trung một chén canh đậu hũ nóng hổi còn bốc khói, rồi nói một hơi. Trung ngồi chăm chú lắng nghe. Trúc mỉm cười dịch lại cho chàng:
     
    - Cụ nói món canh đậu hũ này người Nhật gọi là món “Tương-Tư Chúc.” Nó được nấu bằng đậu hũ chua với nước dùng gà, nấm rơm, và lá chanh khô. Gia-vị thì tùy theo khẩu-vị của từng người mà thêm hoặc bớt.
     
    Trung có vẻ thích thú, chàng hỏi lại:
     
    - Tại sao lại gọi là Tương-Tư Chúc?
     
    Nghe Trúc dịch lại, ông cụ tỏ vẻ hừng chí, ngửa cổ uống cạn chén saké, Khà một tiếng thật dài, đưa cặp mắt nhăn nheo trìu-mến nhìn cụ bà, rồi cất giọng khàn-khàn kể:
     
    - Ngày xửa, ngày xưa...Ở vào một thời xa xưa lắm. Có một cặp vợ chồng trẻ sống với nhau rất là hạnh-phúc. Cả hai vợ chồng đều hiền lành và hay giúp đỡ người khác, nên dân chúng trong vùng ai ai cũng mến phục. Một hôm người chồng dặn vợ ở nhà làm đậu hũ đợi anh về, rồi anh đeo chiếc gùi và cung tên lên vai, đi lên núi để săn bắn và hái nấm. Vì ham săn đuổi con mồi, anh tiến sâu mãi vào trong núi. Ðến khi chụp được con mồi thì trời cũng đã tối, anh đành phải tìm một cái hang để ở tạm qua đêm. Không ngờ đêm hôm đó trời nổi cơn bão tuyết kéo dài nhiều ngày, nên anh bị kẹt ở trong núi không về được. Ở nhà, người vợ lo lắng chờ chồng. Ðến ngày thứ ba bão vẫn chưa tan, nàmg bèn quyết định gom thêm quần áo ấm rồi lên núi để tìm chồng. Nhưng nửa đường, vì tuyết qúa nhiều nên nàng bị hụt chân và kẹt ở giữa hai phiến đá không nhấc chân lên nổi, rồi cuối cùng chết gục vì lạnh. Tới khi hết cơn bão, người chồng lần xuống núi, giữa đường anh gặp người vợ nằm chết bên khe núi, hai tay còn ôm bộ quần áo ấm của mình. Anh ôm xác vợ khóc lóc thảm thiết, rồi mang xác vợ về chôn ở bên cạnh nhà. Anh khắc một tấm bia đá hàng chữ “Mạc Tương-Tư hiền-thê chi mộ.” Vì đi vắng lâu ngày nên nhà chẳng có gì để ăn, ngoài ít đậu hũ đã lên men, và có vị chua. Nhưng vì đó là món ăn duy nhất của vợ mình làm, nên anh lấy đậu hũ chua nấu cùng với nấm, và con gà rừng thành một món canh có mùi vị rất ngon. Anh dùng canh đó để cúng người vợ bạc mệnh. Rồi từ đó, mỗi lần làm đậu hũ anh lại nhớ đến vợ, nên để cho đậu hũ trở nên thật chua mới đem ra ăn. Sau này dân làng bắt chước anh dùng đậu hũ chua để nấu canh, và cũng từ đó món canh đậu hũ chua trở thành một món ăn thông-dụng trong dân gian. Rồi để tưởng nhớ đến người đàn bà trẻ đẹp và hiền-thục, thường hay giúp đỡ họ, mỗi năm đến ngày giỗ của nàng, thì dân làng lại bảo nhau nấu món canh đậu hũ chua mang đến cúng trước mộ của ân-nhân, và họ lấy tên nàng đặt cho món canh đó là “Tương-Tư Chúc.”
     
    Ông cụ kể xong nâng chén rượu mời Trung. Trung nâng chén ngửa cổ uống cạn một hơi đáp lễ, rồi chàng liếc mắt nhìn Trúc nói:
     
    - Câu chuyện tuy bình-dị nhưng thật là cảm-động. Cụ kể truyện thật là hay, người dịch lại càng hay hơn nữa, làm người ăn cảm thấy bát tương-tư chúc như được nêm thêm hương-vị đậm-đà của tình người.
     
    Trúc dịch lại những lời Trung nói cho hai cụ nghe. Cụ bà đưa mắt đám đuối nhìn cụ ông như để thầm cảm ơn người chồng gìa nua của mình vẫn còn đủ phong-độ để đưa mình trở về với khung trời nhạt nhòa những hình ảnh của một thời son trẻ. Cụ ông thì ra vẻ thích lắm, đưa mắt nhìn Trung cất tiếng cười sảng-khoái như đã gặp được tri-kỷ, rồi giục cụ bà rót thêm rượu. Trúc nghiêng đầu, che tay nói vào tai Trung:
     
    - Anh Trung ơi, ông cụ qúy anh lắm nên mới kể chuyện cho anh nghe đó, chứ Trúc ở đây đã hơn hai năm rồi mà chưa bao giờ được nghe cụ kể chuyện cả.
     
    Trung cười, hai tay nâng chén rượu hướng về phía cụ ông mời. Ông cụ gật gù rồi ngửa cổ uống cạn chén rượu. Uống xong, cụ đặt chén xuống bàn, khuỳnh tay, hướng về phía cụ bà nói huyên-thuyên. Thỉnh thoảng cụ bà lại liếc mắt nhìn Trung và Trúc cười tủm-tỉm. Trung nhìn hai người nói chuyện với nhau coi có vẻ tương-đắc lắm, loáng thoáng chàng nghe thấy hai người nhắc đến tên Thủy-Trúc và Xuyên-Ðảo. Trung quay sang hỏi nhỏ Trúc. Gương mặt Trúc hồng lên, nàng liếc mắt nhìn Trung cười chúm-chím, rồi trả lời một cách lơ lửng:
     
    - À, hai cụ khen anh đấy mà. Hai cụ nói là nếu các cụ có con trai, thì các cụ sẽ cho nó học lái máy bay khu-trục giống như anh đó.
     
    Trung nhìn Trúc khẽ lắc đầu cười nói:
     
    - Trúc thật là lí-lắc lắm đấy nhé. Nếu tôi mà có một cô em gái lí-lắc như vậy thì cô ta sẽ bị phạt tối ngày mất.
     
    Trúc trùn vai, le lưỡi , lắc đầu cười nói giọng tinh nghịch:
     
    - Eo ôi, nếu vậy thì chắc là chả có cô nào dám làm em của anh đâu nhỉ.
     
    Trung cười, đặt chén rượu xuống bàn, nghiêng đầu nói với Trúc:
     
    - Tôi chỉ nói đùa thế thôi, chứ thật ra thì Trúc tế-nhị và khéo léo lắm đó.
    Trúc nheo mắt nhìn Trung cười:
     
    - Anh Trung ơi, Trúc nghĩ là anh uống hơi nhiều saké nên đoán sai rồi đó. Chứ thật ra thì trong số mấy anh chị em trong nhà, Trúc vẫn thường bị mẹ chê là đứa vô tâm vô tứ nhất nhà đấy anh biết không.
     
    Trung cười nghiêng ngả, nói qua hơi rượu:
     
    - Ồ, nếu vậy thì sau này có dịp gặp bác gái, Trúc cho phép tôi được làm luật-sư biện hộ cho Trúc nghe.
     
    Trúc cười giọng trêu chọc:
     
    - Trúc nghĩ là không được đâu, vì bà cụ nổi tiếng là vị quan tòa khó nhất thế-giới đó.
     
    Cả hai người nhìn nhau cười ròn-rã. Hai ông bà không biết Trúc và Trung nói gì nhưng cũng cất tiếng cười theo. Nhìn những nụ cười hồn-nhiên, đôn-hậu, trên hai khuôn mặt gìa nua điểm những nét nhăn-nheo của cuộc đời, và tia mắt long-lanh tươi trẻ của Trúc, Trung thấy lòng mình tự nhiên ấm lại. Trong một thoáng mơ hồ, qua tiềm-thức, Trung có cảm-tưởng dường như là...chàng đã sống ở đây tự thuở nào...
     
    Bên ngoài tuyết đã bắt đầu rơi nhiều. Những bông tuyết to rơi nhanh, phủ trắng xóa cả không-gian. Hai ông bà cụ cũng đã về nghỉ. Căn nhà rộng chỉ còn lại hai người. Trúc châm thêm bình trà nóng, và cho thêm củi vào trong lò sưởi, rồi nhìn ra ngoài trời, chép miệng nói giọng nuối-tiếc:
     
    - Rõ thật là chán. Trúc định ăn xong sẽ dẫn anh đi một vòng thăm thành phố thì trời lại đổ tuyết.
     
    Trung vội đỡ lời Trúc:
     
    - Không sao đâu, Trúc đừng bận tâm về điều đó. Tôi nghĩ rằng...mình ở nhà thưởng-thức tuyết rơi có lẽ còn thú-vị hơn là đi ra ngoài. Trúc có đồng ý như vậy không.
    Trúc nhìn Trung mỉm cười hóm-hỉnh nói:
     
    - Trúc biết là thế nào anh cũng nói câu đó.
     
    Rồi nàng nheo mắt nhìn Trung nói tiếp:
     
    - Ồ, anh đợi Trúc một chút nghe.
     
    Nói xong Trúc vào trong. Một lúc sau nàng mang ra cây đàn Tây-ban-cầm đưa cho Trung nói liến-thoắng:
     
    - Ngồi ngắm tuyết rơi mà thiếu thơ và nhạc thì vẫn chưa gọi là đủ, có phải vậy không anh? Ðó là Trúc mượn ý của cụ Tản-Ðà đấy nhé.
     
    Trung đỡ cây đàn trên tay Trúc, lắc đầu cười. Trúc rót thêm nước ra ly. Nhìn ly trà bốc khói, những sợi khói mỏng-manh bay tản-mác rồi tan biến vào khoảng không. Trúc xuống giọng:
     
    - Chóng thật anh Trung nhỉ! Mới đây mà đã tới ngày về rồi. Chỉ tiếc rằng chuyến đi này anh chưa được thăm nhiều nơi thôi. Biết đến bao giờ anh mới trở lại nơi này một lần nữa.
     
    Trung nhìn Trúc cất giọng xa vắng:
     
    - Ði nhiều hay đi ít thì cũng chỉ là một chuyến đi. Trong khoảng thời gian nào đó của một đời người, có chuyến đi nào mà không vuơng mang ít nhiều kỷ-niệm. Vả lại biết đâu trong cái rủi...người ta lại chẳng gặp được cái may.
     
    Trúc cúi đầu cảm-động. Một luồng tình-cảm vô hình tự nhiên xâm chiếm tâm-hồn nàng. Trúc nhìn Trung nói giọng run run:
     
    - Anh Trung còn nhớ đêm văn-nghệ vừa qua không? Trúc thích nhất bài nói chuyện của anh, nó gói-ghém một tâm-tình vừa lãng-mạn lại vừa hùng-tráng. Hình như là...hầu hết những người lính nào của thời loạn, cũng đều mang trong lòng một tâm-tư như vậy có phải thế không anh?

    Trung nhìn Trúc, yên lặng một lát rồi nói:
     
    - Cũng không hẳn là như vậy. Ðôi khi ngoại cảnh ảnh-hưởng đến tình-cảm trong lòng của con người, và lúc đó thì con người chỉ là môi-trường truyền đạt tình-cảm của mình qua ngoại cảnh mà thôi.
     
    Trúc chớp mắt nhìn Trung, giọng nói của nàng chùng hẳn xuống:
     
    - Anh Trung, từ hôm biết anh đến giờ, Trúc thấy dường như...anh có một tâm-sự gì uẩn-khuất lắm phải không?
     
    Trung cười, giọng nói thật nhẹ:
     
    - Thật ra thì không phải là tôi có tâm-sự gì buồn đâu, mà chỉ là vì qua cái tình-cảm sâu đậm trong lòng mình, Trúc đã cảm-thông được với cái đau buồn, u-uất của quê-hương mình qua ngoại cảnh đó thôi.
     
    Trúc lặng người vì câu nói của Trung. Nàng cúi đầu im-lặng như muốn giữ mãi cái âm-thanh u-uẩn kia, không để cho nó tan loãng đi...rồi Trúc ngẩng đầu, chớp mắt nhìn Trung nói:
     
    - Ồ, anh Trung biết không. Trúc rất thích bài thơ Làng Tôi của Yên-Thao mà anh trình bầy đêm hôm đó, nhất là đoạn cuối. Anh ngâm lại cho Trúc nghe nhé.
     
    Trung cười nhẹ, với cây đàn cầm lên tay. Chàng chợt thấy hàng chữ nhỏ khắc rất tinh-vi trên mặt đàn:

    Thương mến tặng Ðào Thuỷ-Trúc
    Cô em gái lí-lắc của anh.
    Ðào Trọng-Thủy.


    Trung hơi ngờ ngợ, chàng ngập-ngừng định hỏi Trúc nhưng lại thôi. Trung so dây đàn, dạo một cung la thứ, rồi cất giọng ngâm:
     
    ...Anh pháo binh ơi!
    Ðã đến giờ chưa nhỉ
    Mà sao tôi nghe như trại giặc tan-tành.
    Anh rót cho khéo nhé!
    Kẻo lại nhầm nhà tôi
    Nhà tôi ở cuối thôn đồi
    Có dàn hoa Lý có người tôi yêu.

     
    Âm-thanh thoát ra từ cây đàn, cùng với giọng ngâm vời-vợi của Trung quấn lấy nhau, như một luồng vi-ba xoáy vào tâm-hồn Trúc. Nàng chợt cúi đầu, đưa tay bụm mặt, như để ngăn một tiếng nấc đang muốn thoát ra. Rồi ngẩng đầu lên, lau vội đôi bờ mi thấm ướt, e-lệ mỉm cười nhìn Trung, giọng đượm buồn:
     
    - Anh Trung...cho Trúc xin lỗi nghe. Chỉ vì đoạn thơ anh vừa ngâm đã làm Trúc xúc-động khi nghĩ đến...người anh của Trúc đó thôi.
     
    Trung nhìn lại những dòng chữ khắc trên cây đàn rồi ngập-ngừng hỏi Trúc:
     
    - Xin lỗi Trúc nhé, tôi...không có ý tò-mò, nhưng có phải...anh Thủy của Trúc là Thủy Biệt-Ðộng-Quân đó không?
     
    Trúc tròn mắt ngạc nhiên lộ vẻ vui mừng. Nàng khẽ reo lên hỏi lại:
     
    - Dạ phải, thế ra anh quen với anh Thủy em hả?
     
    Trung cười buồn, gật đầu tâm-sự:
     
    - Vâng, tôi với Thuỷ là bạn, phải nói là tri-kỷ mới đúng. Trước khi quen Thuỷ, tôi đã nghe tiếng anh từ lâu. Sau này biết anh rồi thì tôi lại càng cảm-phục anh hơn...Là một sinh-viên năm thứ ba trường luật, mang bốn đẳng huyền-đai Thái-Cực-Ðạo, với tính tình nghệ-sỹ và hào-hiệp, anh tình-nguyện đi lính để hiến mình cho lý-tưởng của dân-tộc. Thủy chính là một biểu-tượng cho những gì mà người ta gọi là tài-hoa son-trẻ của thế-hệ này.
     
    Trúc cảm thấy tự nhiên như có một động-lực vô hình nào đó đang kéo nàng lại gần với Trung hơn. Nàng đưa mắt nhìn Trung một cách trìu-mến, cất giọng thân-mật hỏi:
     
    - Thế anh quen với anh Thuỷ em từ bao giờ?
     
    Trung dường như cũng nhận được dòng tình-cảm đặc biệt của Trúc, anh nhìn nàng cất giọng xót-xa, chia sẻ:
     
    - Cũng mới có mấy năm nay thôi. Hồi đó anh và Thủy quen nhau cũng là do một sự tình-cờ run rủi. Anh đang bay một phi-vụ yểm-trợ tiếp cận cho quân bạn thì bị phòng-không địch bắn trúng. Phi cơ của anh bị bốc cháy nên phải nhẩy dù để thoát ra ngoài. Ðơn-vị của Thủy đóng ở gần đó, và Thủy đã huy-động một đại-đội bảo-vệ cho cánh dù đáp xuống được an-toàn. Hôm đó anh bị thương nặng, và bị ngất xỉu khi dù còn đang lơ lửng trên không nên không hay biết gì cả. Cho đến khi Thủy vào thăm anh trong quân-y-viện, và kể lại nên anh mới biết. Thế là từ hôm đó, anh và Thủy trở nên đôi bạn thân. Thủy vẫn thường nói là khi nào có dịp, sẽ dẫn anh về thăm mẹ và gia-đình...Nhưng rồi cái dịp đó đã chẳng bao giờ đến với anh cả. Thủy là một tiểu-đoàn-trưởng trẻ tuổi, tài ba và gan dạ nhất của binh-chủng Biệt-Ðộng-Quân đó em có biết không.
     
    Câu truyện của Trung vừa kể như khơi dậy mối tâm-tư ấp-ủ trong lòng Trúc từ bao lâu nay. Nàng ném ánh mắt u-buồn ra ngoài khung cửa, giọng mênh-mang, xa-vắng:
     
    - Vâng, trong gia-đình, anh Thủy là một người con có hiếu, một người anh độ-lượng, bao-dung, và vui tính. Ngày xưa, mỗi lần anh về phép là cả nhà lúc nào cũng vui như Tết. Nghiêm-nghị như mẹ mà cũng cười nói luôn miệng. Anh đi rồi...thì cả nhà lại buồn. Cuộc sống dường như là thiếu mất một cái gì. Kể từ khi ba qua đời, thì mẹ và chúng em coi anh như cột trụ của gia-đình. Ngày em sắp sửa du-học, anh hứa sẽ về chơi với em một tuần, và sẽ dẫn em đi mua sắm đủ thứ. Nhưng rồi tới hôm em đi thì...anh lại không về được. Bạn bè và gia-đình đều có mặt để tiễn đưa em, nhưng chỉ thiếu mình anh...Em linh cảm như có chuyện gì không hay sẽ xẩy đến cho anh, và em đã ôm mẹ khóc như chưa bao giờ được khóc, rồi em ước gì mình có phép lạ mang được anh về...Tới giờ lên máy bay, thì có một người lính vội vàng chạy đến đưa cho em cây đàn này và một lá thư. Trong thư anh viết chúc em học chóng thành-tài, đợi đến ngày về, anh sẽ đền bù bằng cách dẫn cả tiểu-đoàn của anh ra đón em. Anh dặn em giữ cây đàn này cẩn thận để sau này có dịp anh sẽ mượn lại. Những lời anh viết trong thư là cố tình để làm cho em vui, nhưng sao em thấy...chẳng khác nào như những lời trối-trăn của một người thân sắp xa lìa cõi thế. Rồi trong suốt chuyến bay...qua giấc ngủ chập-chờn, những hàng chữ trong lá thư của anh cứ nhẩy múa trong đầu em như những viên đạn thù nghịch réo gọi ngoài chiến trường...Em qua đây chưa được hai ngày thì nhận được điện-tín bên nhà báo tin là anh đã hy-sinh ngoài mặt trận. Ngày anh gởi cây đàn này cho em, thì cũng chính là ngày anh vĩnh-viễn ra đi không một lời từ gĩa gia-đình, bè bạn...và cả đứa em gái ở phương xa...
     
    Kể đến đây Trúc không ngăn được cơn xúc-động. Nàng nấc lên, ôm mặt gục xuống bàn khóc nức nở...Những sợi tóc mây tủi-hờn nghiêng-ngả, rơi phủ lên đôi bờ vai mềm rung động. Trong một thoáng, Trung cảm thấy thời-gian như ngưng đọng trên đôi môi tê dại. Chàng lặng người, ngồi bất động trước một luồng tình-cảm qúa mãnh-liệt đang chụp lên thân hình mảnh-mai của người con gái trước mặt... Ngoài trời tuyết đổ dồn-dập... Từng mảng tuyết trắng xóa bay tơi-tả trong không-gian, phủ kín cành cây, mái nhà, mặt đất...phủ kín cả tâm-tình của người con gái xa quê-hương...
     
    Chiếc xe ca chở hành-khách chạy chậm lại rồi ngừng bên lề đường. Mọi người theo nhau đi xuống. Trung lững-thững kéo chiếc va-li bước vào trong phòng đợi của phi-cảng. Khung cửa kính vừa mở, Trung sững-sờ để rơi chiếc va-li xuống chân, đứng bất động. Trước mặt chàng, Trúc ôm bó hoa đứng mỉm cười chờ đợi. Trung tròn mắt nhìn, chung quanh chàng mọi thứ đều như mờ đi, mà chỉ còn vóc dáng của Trúc ở đó như một ngôi sao trời lấp-lánh, với tà áo lụa Hà-Ðông, chiếc áo khoác ngắn bằng dạ đen làm nổi bật mầu mỡ gà mềm mại, và mái tóc xõa buông xuôi theo bờ vai, ấp ủ khuôn mặt diễm-kiều...Trung có cảm tưởng như chàng đang ở trong một giấc mơ...
     
    - Anh Trung!
     
    Tiếng gọi của Trúc kéo Trung về thực tại. Chàng mỉm cười tiến lại phía Trúc, cất giọng mừng rỡ hỏi:
     
    - Trúc, em ra đây từ bao giờ vậy?
     
    Trúc cười, nhìn Trung nói:
     
    - Cũng không lâu lắm đâu. Em chưa được thưởng-thức tới ly cà-phê thứ hai thì anh tới. Chắc tại cà-phê ở đây không được ngon và đậm đà cho lắm thì phải.
     
    Trung bật cười vì câu nói dí-dỏm của Trúc. Chàng nhớ lại câu nói của mình hôm đợi Trúc ờ khách-sạn. Trung nhìn Trúc nói đùa:
     
    - Chết thật! Không khéo mai mốt chúng mình đều trở thành những chuyên-viên thử cà-phê thượng-thặng hết mất.
     
    Trúc cười theo, nàng trao bó hoa cho Trung rồi trịnh-trọng nói:
     
    - Anh Trung, đáng lẽ ra anh phải nhận được nhiều hoa tặng như những anh em khác của phái-đoàn trong thời-gian thăm viếng xứ sở này. Nhưng anh lại kẹt ở đây. Thôi thì...nhân dịp ngày về, anh cho Trúc gởi bó hoa này coi như là đền bù lại vậy nhé.
     
    Trung đỡ bó hoa trên tay Trúc, cất giọng cảm-động nói:
     
    - Trúc biết không. Thật ra thì nhiều khi một bó hoa còn quý gấp trăm ngàn lần cả một vườn hoa nữa đó.
     
    Trúc chớp mắt nhìn Trung cười khẽ nhắc:
     
    - Anh lại làm thủ-tục lên phi-cơ đi kẻo trễ.
     
    Trung cúi xuống kéo chiếc va-li, cùng Trúc tiến lại quầy vé làm thủ-tục cần thiết. Cô tiếp-viên hàng-không xinh-xắn và bặt-thiệp trao lại vé lên phi-cơ và chiếu-khán cho Trung rồi cười tươi chúc chàng một chuyến bay an-toàn và thoải-mái. Hai người bước ra phòng chờ ngồi đợi. Trúc nhìn đồng hồ nói với Trung:
     
    - Chỉ còn có ít phút nữa là anh sẽ rời nơi này rồi. Mai này...không biết Trúc còn có dịp đón tiếp anh ở đây nữa không!
     
    Trung để tia nhìn của mình thật lâu trong mắt Trúc. Chàng nói nhanh:
     
    - Sau này khi nào Trúc học xong trở về nước, Trúc có cho anh ra đón Trúc không?
     
    Trúc lẩn tránh tia nhìn của Trung, giọng nói mềm nhũn:
     
    - Em cũng không biết nữa. Thôi thì...hãy cứ để cái gì phải đến nó sẽ đến. Em sợ những ước-vọng cho tương lai lắm. Bởi vì những cái gì mình có ngày hôm nay, thì chẳng biết rằng...ngày mai mình có còn giữ được nó hay không.
     
    Trung cắn môi, giữ một khoảng yên lặng dài, đủ dể cho âm-thanh tiếc-nuối gậm nhấm tâm-hồn mình, rồi cất giọng thoáng đượm một chút hờn dỗi:
     
    - Có lẽ Trúc nói đúng đó, tất cả những gì đang xẩy ra bây giờ, thì đến ngày mai, có chăng chỉ còn là kỷ-niệm.
     
    Trúc cúi đầu, giọng xót-xa:
     
    - Vâng, em nghĩ rằng dù là vui hay buồn, thì kỷ-niệm bao giờ cũng vẫn còn ở đó, như những vét khắc hằn sâu trong đá, chẳng khi nào phai nhạt cả.
     
    Có tiếng nhắc nhở hành-khách đã tới giờ lên máy bay qua máy phóng thanh. Trung đứng dậy, thở mạnh, nhìn Trúc cất giọng cứng rắn nói:
     
    - Thôi anh đi, Chúc em ở lại học chóng thành tài.
     
    Trúc hốt-hoảng ngẩng mặt, chớp mắt nhìn Trung. Ðôi môi mềm run rẩy, để thoát ra những âm-thanh u-uất, hờn tủi:
     
    - Vâng anh đi...Xin giữ-gìn cẩn thận. Khi nào về đến Tokyo thì gọi cho em.
     
    Trung mím môi, cúi đầu ngập-ngừng muốn nói...rồi bỗng ngẩng mặt quay lưng cất bước. Phía sau chàng, mơ hồ như có tiếng nấc nghẹn xoáy mạnh qua tim. Trung quay đầu lại, chợt thấy lòng se-thắt. Chỉ một khoảng cách ngắn-ngủi mà sao xa rời tầm tay với. Trước mắt chàng, Trúc đứng đó, nhạt-nhòa, nghiêng-ngả, cô-đơn vẫy tay chào buồn tiễn-biệt...
     
    ...Phi-cơ đang lấy cao độ bình-phi. Trung ngồi nhìn qua khung cửa sổ, bên dưới, tất cả chỉ còn là một hình ảnh nhạt mờ, thấp-thoáng ẩn hiện qua những đám mây bay...
     
    Trần Ngọc Nguyên Vũ
    (Vùng trời kỷ-niệm)
    Last edited by khongquan2; 11-03-2011, 04:33 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X