Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Niềm Vui Chợt Tắt! - Trần Ngọc Nguyên Vũ

Collapse
X

Niềm Vui Chợt Tắt! - Trần Ngọc Nguyên Vũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Niềm Vui Chợt Tắt! - Trần Ngọc Nguyên Vũ

    Niềm Vui Chợt Tắt!
    (Để tưởng nhớ các Phi-Hổ Trịnh Đức-Tự, Phi-Hổ Nguyễn-Du, Phi-Hổ Đoàn-Toại cùng những hiệp-sĩ không-gian của vùng trời hỏa-tuyến ngày nào... Và để gởi về những kiều-nữ giai-nhân của “PleiKu phố núi!” trong những tháng ngày ly-loạn ngày nào...)

    Trần Ngọc Nguyên Vũ
    *****

    Vào một buổi trưa Chủ-Nhật, trời PleiKu thật buồn. Từng tảng mây mù từ trên đỉnh Trường-Sơn chậm-chạp trôi về, rơi rụng phủ kín sân bay... Những người lính chiến của “Không-Đoàn 72 Biên-Trấn” tụ-tập nhau tại câu-lạc-bộ của không-đoàn, ngồi uống cà-phê, kể truyện tiếu-lâm, truyện tình phố núi và truyện đời bay bổng... trong lúc chờ thời tiết khá hơn để cất cánh lao mình vào chiến trận. Trên bầu trời mịt mờ sương khói, trong một phi-vụ huấn-luyện không-hành ĐàNẵng-SàiGòn-ĐàNẵng, trên đường về, Tự làm IFR xuyên mây, đáp phi-trưòng Cù-Hanh ghé thăm tôi. Bạn thân mỗi lần gặp nhau lòng như mở hội. Tôi rủ Tự và người phi-công phụ của anh ra ngoài căn-cứ thưởng-thức món chả chìa độc-đáo của cái thành phố quanh năm gió núi mưa rừng này. Tôi vỗ vai người phi-công trẻ nói đùa:

    - Lát nữa cậu chỉ được phép uống nước lạnh để còn đưa "ông thầy" về Đà-Nẵng đó nghe.

    Người phi-công trẻ cười, cất giọng hào-sảng nói:
        
    - Hì... hì... Thiếu-Tá đừng lo, em là thợ..., thợ bay phi-cụ mà. Hồi nãy đáp, phi-cơ đang chạy trên phi-đạo, ông thầy em giật mình tỉnh giấc, cứ tưởng em còn đang cho phi-cơ xuyên mây... Nhưng thôi... Thiếu Tá cho em khất lần tới đi, chứ chả chìa, giềng mẻ mắm tôm mà đi với nước lạnh thì... sợ người ta chê Không-Quân mình cù lần chăng.

    Tôi vỗ vai người sĩ-quan trẻ, nhìn Tự nói:
     
    - Dân Không-Quân miền Hỏa-Tuyến có khác. Các cậu gáy nghe cũng không tệ lắm.
          
    Cả ba chúng tôi cùng cười. Bỗng nhiên tôi khựng lại, và chợt nhớ ra là Tự có người yêu là cô giáo đang dậy học ở PleiKu. Anh thiếu-úy trẻ hình như cũng đọc được ý nghĩ của "ông thầy" mình; anh nhìn tôi nheo mắt nói:
          
    - Em có thằng bạn cùng khóa ở PĐ-530, Thiếu-Tá cho em quá giang tới thăm nó thì đẹp quá.
          
    Tôi nhìn người phi-công trẻ lém-lỉnh, cười rồi quay qua nói với Tự:
          
    - Thôi, cậu giao ông thiếu-úy này cho mình rồi đến thăm nàng. Trời này mà bất chợt ghé thăm người tình, để nhìn "mắt em ướt, và tóc em ướt" để thấy "môi em mềm như mây..." thì thật là tuyệt-vời.
          
    Rồi tôi dúi chiếc chìa khóa xe jeep vào tay anh nói:
          
    - Tụi này đợi cậu tại quán ăn nơi cuối phố. Từ đây về Đà-Nẵng không đầy một tiếng theo đường chim bay, cậu còn nhiều thời giờ chán... Nhưng đừng quên ghé đón anh em đó nghe.
          
    Đó là lần cuối cùng tôi gặp Tự. Một thời gian sau, cũng vào một buổi trưa, tôi nhận được điện-thoại từ một người bạn ngoài Đà-Nẵng báo tin Tự đã hy-sinh trong một phi-vụ hành-quân. Đơn-vị đang xúc tiến việc lấy xác người phi-công tuẫn quốc. Tôi lặng người đi một lúc như không muốn tin đó là sự thật... Tôi mới gặp Tự đây mà... Rồi thì cả một vùng kỷ-niệm nhạt-nhòa trong dĩ-vãng bỗng hiện ra trước mắt tôi như đang coi một cuốn phim đời... Tôi nghĩ đến gia-đình và thân nhân của Tự. Rồi tôi nghĩ đến Phượng, người yêu của Tự, không biết nàng sẽ như thế nào khi nhận được tin dữ này... Tôi cũng nghĩ đến những cuộc tình của một thời chinh-chiến. Không có gì để bảo đảm cho một tương-lai đầy bất trắc cho những người trai hàng ngày vẫn lạnh lùng leo lên chiếc quan tài bay, lao vào vùng trời lửa đạn, bỏ lại một ngày cho đời mình, một ngày cho những quằn-quại đau thương của dân-tộc và một ngày cho những đôi mắt vời-vợi chờ trông nơi chốn chân mây ở tận cuối trời...


    Còn nhớ ngày nào, vào khoảng mùa Hè năm 1962, chúng tôi gồm mấy đứa, Tự, Nguyễn Phúc-Hưng, Sĩ-Phú, Đào-Văn-Năng, và tôi cùng nộp đơn vào Không-Quân. Vì số người tình-nguyện quá đông nên phòng tuyển-mộ đã chia chúng tôi ra thành 2 toán. Toán đầu, trong đó có Sĩ-Phú được gởi ra Nha-Trang và trở thành khóa 62C. Tôi và Hưng vì thiếu cân nên phải đợi tái khám và bị dồn xuống toán sau, ra Nha-Trang ngày mồng 2 tháng Giêng năm 1963 trở thành khóa 63A cùng với Nghiêm Ngọc-Ẩn, Bùi Ngọc-Bình, Nguyễn Hoàng-Dự, Mai Tiến-Đạt, Tạ Thượng-Tứ, Ngô Đức-Cửu, Phạm Văn-Thặng, Sử Ngọc Cả, Vũ Văn Cần... Còn Tự và Năng bị trục-trặc về mắt, tai, mũi, họng nên chúng tôi phải tạm chia tay... Mấy tháng sau, Hưng, Nghiêm Ngọc-Ẩn, Bình, Dự và tôi cùng một số SVSQ nữa được gọi về Bộ-Tư-Lệnh KQ làm thủ tục du học. Trong thời gian đang thụ-huấn tại trường Hải-Quân Phi-Hành NAS Pensacola, FL thì tôi được tin Tự đã hội đủ điều-kiện sức khỏe để nhập Không-Quân. Riêng về phần Năng thì đành bỏ mộng đi mây về gió để trở về làm bạn với vùng sình lầy, đồng ruộng, và núi rừng trùng điệp trong Binh-Chủng Biệt-Động-Quân... Cũng kể từ đó, tôi không có cơ-hội gặp lại Tự và Năng cho đến khi mãn khóa về nước, phục vụ ở Biệt-Đoàn 83, rồi đi biệt phái Đà-Nẵng thời kỳ biến-động miền Trung mới gặp lại Tự ở Phi-Đoàn Phi-Hổ 516. Riêng về Năng thì vì không cùng quân-binh-chủng nên chỉ biết anh đang sải vó ngựa hồng, miệt mài theo khói lửa...
          
    Là một đại cao-thủ của VoViNam, cùng nhóm với Đào Văn-Năng (Biệt-Động-Quân), Nguyễn V Tựu (Biệt Kích Dù)... Cũng như Năng và Tựu, Tự có vóc dáng và phong-độ hào-sảng của một đại-hiệp trên chốn giang-hồ trừ gian giệt bạo. Tuy là con nhà võ nhưng lại mang một tâm hồn nghệ-sỹ, Tự rất thích thơ văn. Những bài thơ mang tính cách lãng-mạn của thời chiến như "Tha La xóm đạo" của Vũ Anh Khanh, "Mầu tím hoa xim" của Hữu-Loan, và "Làng tôi" của Yên-Thao, "Bên kia sông Đuống" của Hoàng-Cầm, hoặc Hồ-Trường của Dương B. Trạc, hay "Bài ca Phạm Thái" của Nguyễn Đình-Toàn, "Bến Nước Ngũ-Bồ" kịch thơ của Hoàng Công-Khanh... Tự đều thuộc lòng. Hồi còn ở ngoài dân sự, mỗi lần gặp nhau là thế nào cũng có một đêm văn-nghệ bỏ túi, cùng các bạn như Hà-Linh-Bảo, Cấn-Hùng, Phạm Văn-Hiến, Hồ Hải-Trân và Hoàng Hương-Trang họp mặt để đàn hát, ngâm thơ và thổi sáo,...


    Khi Biệt-Đoàn 83 giải tán, tôi được thuyên chuyển ra Đà-Nẵng, cùng ở 516 với Tự, Ẩn... lúc này thì anh em mới thực sự gắn bó như xưa. Chỉ còn thiếu Năng. Còn nhớ hồi ở Đà-Nẵng, một buổi sáng mùa Xuân năm Mậu-Thân, tôi cùng Nguyễn-Du thi-hành phi-vụ tuần-thám võ-trang "Đà-Nẵng Quảng-Ngãi Đà-Nẵng". Chúng tôi cất cánh sớm hơn giờ dự trù, hy-vọng về đáp sớm để còn bay một phi-vụ không-hành về Sài-Gòn chúc Tết Ông Bà, Bố Mẹ. Khi vừa lên cao độ bình-phi thì phát hiện một đoàn người từ hướng núi tiến ra bờ sông Hàn, và như đang định bơi qua sông để vào Đà-Nẵng. Mới đầu chúng tôi tưởng là dân chúng đi trẩy hội Tết, nên bay xuống thật thấp để làm một cú "bay thấp" để chúc Tết mừng Xuân. Nhưng vừa xuống khoảng 100 thưóc thì ở dưới bắn lên tới tấp. Chúng tôi hoảng hồn phóng vút lên lấy cao độ, rồi báo cáo về Panama là có một đoàn quân Cộng-Sản đang định vượt sông Hàn để vào Đà-Nẵng. Panama không dám quyết định, yêu cầu chúng tôi làm vòng chờ trên cao độ đợi xin lệnh quân-đoàn I. Đoàn người ở dưới biết là đã bị lộ nên ào hết xuống sông để qua bờ bên kia. Nguyễn Du tính nóng như lửa, hối thúc tôi phải hành động ngay, vì nếu để đám quân này qua được bờ sông thì chúng sẽ lẩn vào nhà dân chúng và tình thế sẽ trở nên rất nguy-hiểm.
          
    Hai chiếc khu-trục A1 cùng song hành nhào xuống thật thấp, oanh-kích trực xạ vào đoàn quân Cộng-Sản... Từng chùm hỏa tiễn từ hai chiếc khu-trục cơ phóng vụt ra, cầy tan mặt đất... Xác người vỡ nát, thịt xương bắn tung lên. Những viên đại-bác 20ly công phá, xuyên thủng những tấm bia thịt đang ngụp lặn giữa dòng sông... Xác địch nổi lềnh bềnh như xác quân Mãn-Thanh, mặt nước đỏ ngầu như nước sông Hồng mùa Xuân năm Kỷ-Dậu... Chỉ trong khoảng thời-gian chưa đầy 15 phút, hai chiếc khu-trục A1 đã trút hết hoả-tiễn và đại-bác 20ly, tiêu diệt gần một nửa số người trong đoàn quân xung-kích của địch. Đám người còn lại quay đầu chạy ngược vào phía núi... Lúc đó thì Panama mới liên-lạc cho biết lệnh Quân-Đoàn là phải ngăn chặn đoàn quân này bằng mọi giá. Chúng tôi cho Panama biết là phi-vụ đã hoàn tất. Trên vùng cũng vừa có Thiên-Phong 11 do Tr/Uý Dị và Thiếu-Uý Chót của PĐ 110 tiếp-tục công việc theo dõi, và một phi-tuần Phi-Hổ của Đoàn-Toại và Tự cũng vừa lên kịp để thay thế cho chúng tôi về đáp...
          
    Khi về đến phi-đoàn chúng tôi thấy toàn bộ chỉ-huy của KĐ41 chiến-thuật cùng Phi-Đoàn-Trưởng, Phi-Đoàn Phó, Truởng Phòng Hành-Quân và các nhân-viên phi-hành của PĐ516 đều có mặt đầy đủ... Chỉ thiếu có mấy viên cố-vấn Hoa-Kỳ. Đặc biệt có qúy phu-nhân của Trung-Tá Tư-Lệnh KĐ, Thiếu-Tá Liên-Đoàn-Trưởng LĐ41/Tác-Chiến cùng Đại-Uý Phi-Đoàn-Trưởng PĐ516 tíu tít sắp bánh chưng, giò chả và kẹo mứt trên bàn để mời những người lính chiến KQ ăn Tết tại chỗ. Tiếng chuông điện thoại reo tới tấp, và trên bảng phi-lệnh chi chít những phi-vụ chờ cất cánh. Lệnh cấm trại 100% được ban hành, lúc bấy giờ chúng tôi mới biết là Việt-Cộng tổng công-kích toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Mùa Xuân Mậu-Thân năm ấy, trong một hoàn cảnh rất tình cờ mà Nguyễn Du và tôi đã cứu được thành phố Đà-Nẵng thoát khỏi thảm họa do đám người cuồng tín gây nên như ở Huế hay các thành phố khác...


    Sau lần đó, chúng tôi kết với nhau thành một băng "Ngũ Hổ Tướng" gồm có Du, Hoàng, Tự, tôi và Đoàn-Toại... Sau những phi-vụ hành-quân hàng ngày, chúng tôi thường ra phố nhâm nhi ba sợi để quên đời ở quán thịt bò Ba-Quy, trong một con hẻm ở đường Độc-Lập. Thành-phố Đà-Nẵng thời bấy giờ thường xuyên ở trong tình-trạng "giới nghiêm", nhưng đối với những người lính Biệt-Động-Quân, Nhẩy Dù, lính Hải-Quân, lính Biệt-Hải, Thủy-Quân-Lục- Chiến..., và với những cái tên mà mới đọc lên đã thấy ngất ngây như say men rượu như: Bảo, Ban của Hải-Quân; Hoàng-Phổ, Quách-Thưởng, Đức ghiền, Nguyên, Ngộ, Thanh mặt xanh, Ngoạn của Biệt-Động-Quân; Hùng, Vũ của Biệt-Hải; Lâm-Đôn bên Cảnh-Sát Dã-Chiến; Liêu bến tầu, Nho Saxaphone ngoài dân sự..., thì lại là giờ ra đường làm việc của họ, nên quán nhậu cứ sau 12 giờ đêm mới vui... Cái vui của những "Anh-Hùng tứ xứ"; chỉ một lần gặp gỡ qua chén rượu giang-hồ mà tình bạn, tình đồng-ngũ như đã thiên-thu bất diệt...
          
    Những người bạn ngoài quân-chủng rất thích kết-giao với dân KQ. Một phần vì cái vẻ hòa-hùng qua những chiếc áo bay mầu đen, mầu cam, mầu xám... thêm những thứ phụ-tùng lỉnh kỉnh như khăn quàng mầu tím, dao găm, súng ngắn P-38 đeo xệ bên hông, đạn flares... đã biến những con người thư-sinh mảnh-khảnh kia thành những trang "hiệp-khách phò nguy cứu khổ", và nếu cần thì cũng có thể quá giang những người bạn KQ hào-phóng này trên chiếc AD5 trong một phi-vụ liên-lạc không-hành nào đó để về Sài-Gòn một đêm rồi sáng mai lại trở ra đơn-vị như Đại-Úy Nguyễn Đình-Bảo của Nhẩy Dù hồi Tết Mậu-Thân. Nhưng phần chính là những người lính chai lỳ này đã được chứng kiến tận mắt những hình ảnh bi-hùng của người anh em KQ nơi chiến địa. Hình ảnh những chiếc phi-cơ vận-tải, quan-sát gẫy cánh, chao đảo trên không như một con đại bàng bị trúng tên rồi gục xuống bìa rừng. Những chiếc trực-thăng nổ tung như một qủa cầu lửa của những hợp-đoàn lầm-lỳ bay vào trận địa. Những chiếc khu-trục lao mình cắm đầu xuống mặt đât, rồi cháy bùng lên như một ngọn hỏa-diệm-sơn trong cơn phẫn nộ chuyển mình. Những cánh dù bung ra như một đóa hoa hồng lửng-lơ giữa vòm trời lửa đạn... Để rồi khi trở về thành-phố, nhìn những dáng dấp thư-sinh trong chiếc áo bay, gồ-ghề mà thanh-thoát... tình tri-kỷ, tình đồng-đội tự nhiên đến với họ.
          
    Nhưng nhiều khi cũng có những đụng chạm nẩy lửa rồi mới nhận anh em, và trong những trường hợp đó thì Tự là người luôn luôn mang lại chiến thắng cho "phe ta" và lòng cảm phục của "phe bạn". Mỗi khi ra khỏi căn-cứ, cũng như Đoàn-Toại, Tự rất ít khi mặc áo bay, và nếu có thì cũng rất giản-dị. Chỉ một chiếc áo bay, không dao, không súng, cùng những thứ lỉnh-kỉnh như những anh em khác. Nhất là Nguyễn-Du, ngoài cây "Ru-Lô" sáu viên, anh còn trang-điểm thêm một thanh "mã tấu" sắc như nước lủng lẳng bên hông, khiến những tay "thầy gồng Căm Bốt" nhìn cũng cảm thấy ngại... Cũng vì những nét đặc-thù này mà trông Tự nổi bật trong đám đông, chẳng khác nào như một bạch-diện thư-sinh trên tay chỉ có một chiếc quạt cũng đủ làm khiếp đảm hắc, bạch giang-hồ...
          
    Những hình ảnh của ngày xưa đó cứ lần lượt hiện về trong trí tôi như những đám mây đen từ đỉnh Trường-Sơn cuồn-cuộn trôi về phủ kín cả bầu trời phố núi... Nhìn đồng hồ, thấy sắp đền giờ tan học. Tôi lái xe tới trường để đón Phượng. Tôi đậu xe gần cổng trường. Ngắm những tà áo dài phất-phới như cánh bướm của các cô nữ sinh, những tiếng cười cùng giọng nói liến-thoắng, ríu rít như chim hót mà thấy lòng mình như chùng xuống. Tuổi trẻ thật là vô-tư yêu đời, không thấy được những hiểm-nguy đang rình rập cuộc sống... Lẫn lộn trong đám học sinh đổ ào ra như đàn chim vỡ tổ, Phượng đi cùng một người bạn ra phía cổng trường. Thấy tôi Phượng mừng rỡ chạy đến reo lên:
          
    - Anh! Lâu qúa sao không thấy anh ghé Phượng chắc là anh bận lắm hả. Anh Tự mới gởi thư cho em nói tuần tới anh ấy sẽ ghé PleiKu cho em qúa giang A37 về Sài Gòn đó. Thế nào cũng lại phiền anh ra chở vào phi-trường.


    Tôi cười buồn chưa kịp nói gì thì Phượng đã liến-thoắng nói:
          
    - Anh thật là có số ăn cỗ. Ngày mai tụi em được nghỉ nên em mời chị bạn về nhà ăn cơm tối. Nếu anh không chê thì xin mời anh lại dùng cơm luôn thể với tụi em nha.
          
    Rồi với giọng tinh nghịch Phượng nói tiếp
          
    - À, em xin giới thiệu với anh đây là chị Tường-Vy, cô giáo mới từ Huế đổi lên đây để được gần người yêu. Người yêu của Tường-Vy là Trung-Úy phi-công Trực-Thăng, chút nữa gặp thế nào anh cũng nhận ra người quen. Anh ấy nói là có biết anh.
          
    Tôi giựt mình, và cảm thấy buồng tim mình như thắt lại khi nhớ đến cuộc họp hồi trưa tại phòng họp không-đoàn. Nghe tin hợp-đoàn trực-thăng vừa mất một chiếc "gun" trong lúc hợp-đoàn vào bốc quân bạn. Phi cơ bị trúng phòng không, bốc cháy như một qủa cầu lửa, và nổ tung trên trời. Toàn thể phi-hành-đoàn đã được thiên táng ngay trên trận địa... Tường-Vy cúi đầu chào tôi, cặp má nàng hơi hồng lên cùng với vẻ e thẹn cố-hữu của những cô gái Huế khi gặp người lạ. Tôi cúi đầu chào lại và kín đáo quan-sát người bạn của Phượng. Cũng như Phượng, Tường-Vy có một khuôn mặt đẹp tuyệt vời, đặc biệt với cặp mắt sâu, buồn vời-vợi như chứa đựng cả một bầu trời thu trong đó... Tôi mời hai người lên xe. Trên đường về nhà Phượng, nàng nhờ tôi cho nàng ghé qua chợ mua thêm ít đồ gia-vị cần thiết. Phượng vẫn vô-tình cười nói luôn miệng kể chuyện nàng và Tự cho Tường-Vy nghe. Nhìn hai người, tôi thấy xót-xa cho kiếp hồng-nhan của một thời ly-loạn...
          
    Định-mệnh thật qúa khắt-khe, đã đưa đường dẫn lối cho thục-nữ giai-nhân gặp gỡ khách anh-hùng, sao còn nỡ dang tay dập vùi phận số... Trong lúc ngồi ngoài xe đợi Phượng và Tường-Vy vào chợ, tôi quyết định sẽ không báo tin Tự đã hy-sinh cho Phượng biết hôm nay, và cầu mong sao người yêu của Tường-Vy không phải là người bay chiếc "gun định-mệnh" kia... Bây giờ đây, tôi không dám làm tắt niềm vui của Phượng và Tường-Vy, cho dù nó thật là ngắn ngủi.

    Trần Ngọc Nguyên Vũ
    (Một thời ly-loạn)
    Last edited by khongquan2; 11-04-2011, 01:52 PM.

  • #2
    Nguyên văn bởi hieunguyen11
    Cám ơn TNNV, bài viết tuy ngắn nhưng đã nói lên những nét hào hùng của người lính, đặc biệt là những anh lính bay đã làm khiếp đảm quân thù, nhưng trái tim của họ lại mềm nhũn với em gái hậu phương, nồng nàn với bạn bè và quặn đau khi thấy những anh em đã ra đi vĩnh viễn !

    hieunguyen11

    Anh hieunguyen11 thân,

    Đọc cái note re của anh mà cảm thấy ấm lòng. Thì ra vẫn còn có người nặng lòng với “Chuyện Đời Lính” của một thời…Rất ngưỡng mộ những bài viết của anh. Chúng ta viết không những chỉ để tôn vinh “Người Lính Trận” mà còn để gìn giữ cái tinh hoa của tiếng Việt vốn đã được tổ tiên ta gây dựng và vun bồi theo với hơn 4000 năm văn hiến, hiện đang bị mai một đi…

    Tình thân,
    Trần Ngọc Nguyên Vũ

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X