Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thành phố cuả tình yêu

Collapse
X

Thành phố cuả tình yêu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thành phố cuả tình yêu

    THÀNH PHỐ CỦA TÌNH YÊU


    Từ xưa tới nay, trên mọi lãnh vực từ sách báo, điện ảnh, âm nhạc, hội họa, thơ văn... đều viết về Đà-lạt như một thành phố của tình yêu. Tại sao vậy? Xin các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu.

    Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào huy hiệu của thành phố, được gắn trên đầu hồi của chợ Hòa-bình. Trong vòng tròn có hình một đôi nam nữ người dân tộc. Phải chăng những người tạo lập ra Đà-lạt đã có ý nhắc chúng ta về một huyền thoại tình yêu giữa hai người này? Từ thành phố, nếu nhìn về hướng Bắc, các bạn sẽ thấy dãy Lang Biang như một tường thành bao quanh thành phố Đà-lạt, theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, kéo dài từ suối Đạ Sar đến hồ Dankia. Hai đỉnh cao nhất của dãy núi này có độ cao 2.064m và2.169m, còn gọi là Núi bà(1). Dãy Lang Biang đã gắn chặt với truyền thuyết về tình yêu trong trắng, thủy chung của một đôi uyên ương người dân tộc. Họ quyết định chọn cái chết để bảo vệ tình yêu, đồng thời phản đối cái tập tục cổ hủ từ ngàn xưa là không cho những người khác bộ tộc lấy nhau. Sau cái chết của họ các bộ tộc người Lạch, người Chil, người Sre... thống nhât thành dân tộc K Ho(Cơ Ho).

    Trong thời gian ở Đà-lạt, dân thành phố này còn cho tôi biết những người dân tộc thiểu số kể rằng: ... để đi tìm nơi chết, họ suôi theo dãy Lang Bian đi về phía tây nam đến tận hồ Dankia,họ đến khu vực đèo Prenn, với các dãy núi cao xen kẽ những thung lũng sâu đầy thông. Nếu có dịp nào bạn từ Sài-gòn lên Đà-lạt bằng đường bộ, khi xe đang leo đèo Prenn, bạn hãy nhìn lên đỉnh núi cao bên trái, sát với đường xe chạy, bạn sẽ thấy một phiến đá trắng rất lớn nằm chìa ra ngoài. Đó chính là nơi hai người quyên sinh. Nước mắt,máu của họ dần thấm sâu vào lòng phiến đá, từ màu xám xanh biến thành màu trắng tinh tuyền. Đến nay đã trải qua hàng ngàn năm, phiến đá chỉ hơi trắng ngà đi một chút. Nếu hồi đó nữ nhạc sĩ Diệu Hương gặp tôi ở Đà-lạt mà hỏi rằng:

    -Em hỏi anh... em hỏi anh, phiến đá có tình yêu không?
    -Em hỏi anh... em hỏi anh, phiến đá có linh hồn không?
    (Trích nhạc phẩm Phiến Đá sầu)

    Thì chắc chắn ngàn lần, tôi sẽ trả lời nàng rằng là CÓ! Đó là tình yêu bất tử, nó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người Đà-lạt, nhất là trong tim của các cô gái đến tuổi yêu của thành phố này.


    Lý do thứ hai, để khẳng định "Đà-lạt!Thành phố của tình yêu", chúng ta hãy nhìn vào tên các danh lam thắng cảnh Đà-lạt, hầu hết đều liên quan đến tình yêu như:


    *HỒ XUÂN HƯƠNG:

    Cái tên của hồ không dính dáng gì đến tên của Nữ sĩ Hồ-xuân-Hương nổi tiếng trong thi đàn Việt-Nam. Hồ Xuân Hương không chỉ là một thắng cảnh đẹp, mà còn mang nét dịu dàng, chan chứa tình yêu:

    Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
    Để nghe dưới nước đáy hồ reo
    Để nghe tơ liễu rung trong gió
    Và để xem Trời giải nghĩa yêu

    Hàn-mặc-Tử (2)


    *ĐỒI CÙ:

    Đa số người Đà-lạt đã coi đồi cù như trái tim, nhịp thở của thành phố. Ngày xưa ở vùng này còn hoang vu. Đồi cù đã trở thành nơi hò hẹn lý tưởng của các cặp tình nhân. Nó gồm có ba quả đồi được họ đặt tên là: đồi gặp gỡ, đồi hò hẹn và đồi ái ân. Nó lại được soi bóng trên mặt nước của dòng suối Cẩm Lệ, uốn khúc dưới chân, như muốn liên kết ba quả đồi này lại với nhau. Sát chân đồi cù, từ Viện đại học Đà-lạt đi ra là Ngã năm Đại học. Các sinh viên đổi tên gọi là Ngã Năm chờ đợi. Nối liền từ ngã năm này đến tận bờ hồ Xuân Hương (ngã tư Cộng Hòa-Nguyễn thái Học) là con đường Đinh-tiên-Hoàng được gọi là con đường tình tự! Giống như đường Nguyễn Du ở Quận I Sài-gòn, có hai hàng me hai bên rất đẹp nên được gọi là... con đường tình ta đi... Còn ở Đà-lạt người ta truyền khẩu hai câu thơ:

    Anh nghiêng nghiêng Đồi Cù
    Em lững lờ Xuân Hương


    *THUNG LŨNG TÌNH YÊU:

    Vào nửa đầu thế kỷ XX, thung lũng gần biệt điện của Vua Bảo Đại (Dinh III) ở cuối đường Pasteur (phía sau căn nhà tôi ở - hiện là thung lũng người địa phương đã phá bỏ các cây thông để trồng rau (?) được gọi là Thung lũng tình yêu (Vallee D Amour). Sau này các sinh viên Đại học Đà-lạt thấy thung lũng ở đập 3 Đa Thiện là nơi hò hẹn rất kín đáo, phong cảnh lại nên thơ, non nước hữu tình... Hồ Đa Thiện uốn lượn qua những quả đồi nối tiếp nhau, tạo thành những thung lũng với cỏ xanh mềm giữa ngàn thông. Ở đó mà tình tự thì chỉ có Trời, non nước, cỏ cây biết mà thôi. Đây chính là thiên đường tình ái. Vì vậy cái tên Thung lũng tình yêu được gắn chặt với Hồ Đa Thiện là vậy.


    *HỒ THAN THỞ:

    Hồ nằm cách trung tâm thành phố khoảng 6Km về hướng Chi Lăng. Thời Pháp hồ có tên là Lac des Soupirs (Hồ có tiếng rì rào hoặc tiếng gió thổi trong rừng). Sau 75 hồ lại có tên là hồ Sương Mai. Song đến nay du khách vẫn thích gọi là hồ Than thở. Thời gian tôi đến hồ Than Thở (1973) chung quanh hồ là rừng thông. Các bạn có thể đi bộ, cưỡi ngựa trên những thảm cỏ xanh. Trên đỉnh đồi thông có hai ngôi mộ (?), từ đó có nhiều câu chuyện kể về tình yêu của một mối tình dang dở, với kết cục hết sức bi thương. Song tôi thấy chuyện tình của Hoàng Tùng và Mai Hương là có vẻ thực hơn cả. Chuyện kể rằng: ...Đôi nam nữ này xuất thân từ những gia đình danh giá. Chiến tranh xảy ra, họ phải bỏ miền xuôi, lên lập nghiệp trên vùng đất cao nguyên này. Nghe triều đình kêu gọi, Hoàng Tùng lên đường gia nhập nghĩa quân Tây Sơn. Trước khi ra đi, họ đến bên hồ thề giữ một lòng chung thủy, hẹn ngày trở về. Sau đó có tin đưa về chàng bị tử trận. Nàng vô cùng đau khổ chạy đến hồ Than Thở than khóc, rồi gieo mình xuống mặt nước trong xanh để kết liễu đời mình. Một thời gian sau, chiến tranh chấm dứt, chàng còn sống trở về, khi hay biết mọi sự... chàng vô cùng tiếc thương cho nàng. Đến khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, chàng lại càng buồn bã, tinh thần suy sụp. Chàng đến bên hồ than khóc kêu tên nàng, rồi nhảy xuống hồ tự vẫn (chắc là muốn cùng nàng tái hợp bên kia thế giới, để giữ trọn lời thề chung thủy).

    Du khách đến đây vào những ngày u ám, Trời lộng gió tây nam, giữa cơn mưa phùn. Nếu đứng cạnh mộ hai người lúc đó bạn sẽ nghe thấy tiếng thông rì rào, mưa sa, gió rít, hợp thành những khúc nhạc bi ai, thảm thiết như than khóc cho mối tình dang dở của Hoàng Tùng và Mai hương sớm bạc mệnh!!!


    *RỪNG ÁI ÂN:

    Từ ngoài đường Yersin, qua ngã Bá-đa-Lộc (Adran) góc Hotel Dalat Palace, nhìn ra hồ Xuân Hương là khu đồi hoang rừng ái ân (Theo THH). Nếu từ trên đồi cao trông xuống cảnh rừng ái ân (Bois D Amour) là một màu xanh nối dài, như rừng thông hòa lẫn với mặt nước hồ Xuân Hương xanh biêng-biếc. Từ những ngày đầu (năm 1923) cả thành phố chỉ có 1.500 người, đồi cù rất hoang vắng. Vì vậy các cặp tình nhân người Pháp, đa số đang nghỉ dưỡng tại các khách sạn chung quanh (Hotel Dalat Place, Hotel du Parc...) thường ra đây ngắm mặt hồ và tình tự. Ngày nay, người ta xây dựng các công trình mới, phá bỏ các cây thông... làm rừng ái ân không còn cảnh như xưa, mà chỉ là cái đồi với vài cây thông thưa thớt.

    Và... còn rất nhiều các câu chuyện khác về tình yêu không sao kể hết.

    Người ta còn nói Đà-lạt là thành phố ngàn hoa. Tiêu biểu nhất là Hoa Mimosa. Hoa Mimosa là loại hoa được nhập từ xứ Australia xa xôi. Nó không đẹp rực rỡ như các loài hoa khác. Song không kém phần kiêu sa với sắc vàng của nó, dù Mimosa là loại cây hoang dã, chỉ mọc ở vùng núi hoặc ven đường. Mimosa cũng như cây xương rồng, cũng khắc khổ, phải chịu kiếp hoa dại. Khi ra phố, nếu để ý bạn sẽ thấy một số nhà người dân Đà-lạt, trên những vách gỗ rào chung quanh, có những cành cây nở đầy những bông hoa nhỏ. Đó là hoa Mimosa với màu vàng rực rỡ.

    Tôi nghĩ chỉ một số ít các bạn biết về truyền thuyết tình yêu của loài hoa này: ...Ngày xưa ở vùng đất Autralia xinh đẹp có một đôi tình nhân yêu nhau say đắm, chàng là con một ngư dân, còn nàng là con gái một gia đình quý tộc. Nàng rất yêu màu vàng và được Chúa ban cho tấm lòng nhân hậu, hiền lành. Họ yêu nhau trên cảng biển Sydney thơ mộng. Nhưng rồi gia đình nàng ép gả cho một vị Công tước Hoàng Gia.Dù phản đối kịch liệt song cuối cùng nàng cũng phải khuất phục. Phần chàng, sau khi được tin thì buồn rầu, bỏ lên vùng núi cao gần đó làm nghề giữ rừng để quên đi mối tình đầu dang dở. Một hôm xảy ra cháy rừng giữa mùa hạn hán kéo dài, chàng lao vào dập tắt lửa để cứu các cây xanh non, các con Kangaroo... song sức người có hạn, ngọn lửa đã thiêu đốt chàng. Nghe tin dữ xảy ra, trước đêm tân hôn nàng đã bỏ chạy lên vùng núi cao tìm người yêu. Khi đến nơi, thấy thân xác chàng bị cháy đen, nàng quì xuống ôm lấy hình hài mà chết gục vì quá thương tâm. Sau khi nàng chết, một thời gian sau chỗ hai người chết tự nhiên mọc lên một loài cây thân mộc, lá màu xanh biếc, lấp lánh hoa vàng thơm ngát. Thổ dân vùng này đặt tên cho loài hoa này là Mimosa. Ngày nay một khi bạn được tặng hoa Mimosa là người yêu của bạn muốn khẳng định lòng chung thủy và luôn nghĩ về người mình yêu. (3)



    *XÉT VỀ MẶt VĂN HỌC:

    Chúng ta đều biết các tác phẩm nổi tiếng như: Vòng tay học trò (Nguyễn thị Hoàng), Tóc mây và Thung lũng tình yêu (Lệ Hằng) hay tập truyện ngắn Bay đi những cơn mưa phùn (Phạm công Thiện)... đều lấy bối cảnh là Đà-lạt và xoay quanh chủ đề về tình yêu.

    *ÂM NHẠC:

    Bước sang lãnh vực âm nhạc, chúng ta thấy một số nhạc phẩm tiêu biểu đều là những bản tình ca, mà nguồn cảm hứng chính là thành phố Đà-lạt. Chẳng hạn như:

    -Ai lên xứ hoa đào và bài thơ hoa đào của Hoàng nguyên.
    -Thành phố buồn của Lam phương.
    -Thương về miền đất lạnh (Lời I và lời II) của Minh Kỳ.
    -Đà-lạt hoàng hôn của Minh Kỳ và Dạ Cầm .
    -Má hồng Đà lạt của Minh Kỳ va Lan Anh.
    -Nắng trên đồi của Lê uyên Phương.
    -Chuyện tình bên hồ Than thở và Chuyện Tình hồ Than thở của Minh Kỳ và Anh Bằng.
    -Giã từ Đà-lạt của Duy Khánh.
    -Hoài Thu của Hoàng lan và Văn Trí.
    .....
    Sau này, chúng ta còn biết đến các nhạc phẩm mới sáng tác như:

    -Tình yêu như bóng mây của Song Ngọc.
    -Thương lắm Đà-lạt ơi thơ Hồ Thùy Mỹ Hạnh, nhạc Trần Hữu Bích.

    Còn đối với các bạn yêu thơ thì ngoài bài thơ của Hàn-Mặc-Tử, có lẽ đã có hàng ngàn bài thơ khác đã viết về Đà-lạt. Đó là chưa kể đến các lãnh vực khác như Hội họa, Nhiếp ảnh, Điện ảnh... với đề tài tình yêu từ trước cho đến ngàn kiếp sau hầu như là vô tận...

    Sau khi các bạn đã cùng tôi đi khắp thành phố và các danh lam thắng cảnh. Trời đã tối, với sương muối ướt sẫm trên vai, cái lạnh đang len lỏi vào người... Bạn hãy mau chân đến quán Cà phê Tùng ngay trung tâm thành phố. Bên tách cà phê nóng, bạn hãy ôm chặt bờ vai người yêu cho nàng ấm trở lại, rồi lắng nghe tiếng hát của nữ ca sĩ Khánh Ly với dòng nhạc Trịnh công Sơn. Chắc hẳn bạn cũng như tôi, thấy yêu thành phố này, yêu người con gái Đà-lạt đang trong vòng tay một cách da diết, có lẽ... còn hơn chính người Đà-lạt. Nếu lúc đó có người hỏi bạn nghĩ gì về thành phố này? Ắt hẳn bạn sẽ cùng tôi trả lời ngay rằng: Quả thật ĐÀ-LẠT!THÀNH PHỐ CỦA TÌNH YÊU.




    ----------------------------
    GHI CHÚ:

    (1)Trích Đà-lạt địa chí 2011.
    (2)Trích một đoạn trong bài thơ Đà-lạt trăng mờ của Hàn-mặc-Tử khi cùng Quach-Tấn vãn cảnh đêm trăng trên hồ Xuân Hương vào mùa xuân năm 1933.
    (3)Trích nguồn sưu tầm của bạn Long Châu trên báo Lâm Đồng 2009.


    *** Bài viết đặc biệt thân tặng các bạn đã 1 lần đến hoặc ở Đà-lạt, nhất là các bạn Phiêu-Bồng,Tình Hoài Hương, Phước PS 72G, Hiếu Nguyễn 11 và hai cô em Đà-lạt Lyly và Hà Võ đã cung cấp hình ảnh, lời nhạc, các bài viết về Đà lạt cùng những lời khen... như một sự khích lệ để tôi tự tin viết tiếp về Thành phố của Tình yêu này.

    Xin cảm ơn các bạn
    DZUNGUYEN 72C
    Last edited by Chopper; 01-30-2015, 01:57 PM.

  • #2
    Hình ảnh Đà Lạt xưa
    PhiêuBồng






    "...gửi gió cho mây ngàn bay..."

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X