Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mai em, anh về

Collapse
X

Mai em, anh về

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mai em, anh về






    Mai em, anh về
    Vũ Đức Nghiêm phổ nhạc
    Thái Hiền trình bày





    Xin Làm Cỏ Biếc
    Nguyễn Văn Thành phổ nhạc và trình bày





    Nhà thơ Hà Thượng Nhân, tức Trung tá Phạm Xuân Ninh, nguyên Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến của Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị, QLVNCH, đã từ trần tại San Jose, Califonia lúc 7 giờ 45 phút chiều Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011, thọ 91 tuổi.

    Nhà thơ Hà Thượng Nhân tên thật là Hoàng Trinh, người làng Hà Thượng, tỉnh Thanh Hóa, sinh năm 1920, từng dạy học ở ngoài Bắc, năm 1954 di cư vào Nam.
    Năm 1955 ông gia nhập Quân Đội với cấp bậc Đại úy, được trao phó trọng trách soạn thảo sách lược Tâm Lý Chiến cho Quân Đội VNCH lúc bấy giờ.
    Khoảng 1956, ông cộng tác với Nhật báo Tự Do, Ngôn Luận. Năm 1969, Trung tá Phạm Xuân Ninh trở thành Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến của Quân Lực VNCH, trụ sở đặt trong Cục Tâm Lý Chiến, đường Hồng Thập Tự, Saigon.
    Trong sinh hoạt văn hóa tại miền Nam, ông từng được Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa mời làm giám khảo Giải Văn học Nghệ thuật tòan quốc, bộ môn Thơ.
    Hà Thượng Nhân làm thơ rất nhanh, và rất nhiều, nhưng ông để lại chỉ có hai thi phẩm: Bên Trời Lận Đận, và Thơ Hà Thượng Nhân. (VL) http://www.nguoi-viet.com
    Last edited by chimtroi; 05-27-2021, 11:56 AM.

  • #2
    Một vì sao vừa tắt: thi sĩ Hà Thượng Nhân


    Một vì sao vừa tắt: thi sĩ Hà Thượng Nhân








    Một văn tinh vừa tắt. Nhà thơ Hà Thượng Nhân vừa từ trần ngày 11 tháng 10 vừa qua.

    Ông người làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, tỉmh Thanh Hóa, đã từng đi theo Kháng chiến rồi trở về thành và di cư vào Nam... Ông là chân dung của một nghệ sĩ đích thực. Của một ông đồ nho thấm nhuần truyền thống uyên áo của dân tộc. Của một nhà truyền thông lão luyện đã giữ những trọng trách suốt một thời gian dài. Của một chính khách có uy tín nhưng lại không chạy theo danh vọng. Của một người Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố lịch sử gần như suốt một thế kỷ và đời sống trôi theo nhịp thăng trầm của đất nước loạn ly. Và, của một thi sĩ, luôn nâng niu thi ca như một báu vật của trời và tầm mắt luôn hướng vọng về những chân trời của Đông Phương lãng mạn…Những chân dung rực rỡ và đa diện ấy chỉ là một phần trong tổng thể vóc dáng của nhà thơ Hà Thượng Nhân. Trong hành trình tìm kiếm chân dung đích thực của ông, tôi đã tìm kiếm được rất nhiều bất ngờ lý thú.

    Ông sinh năm 1920, Hà Thượng Nhân là bút hiệu có nguyên danh là Hoàng Sĩ Trinh, sau khi vào Thành, lấy tên khác là Phạm Xuân Ninh theo phả hệ của cụ Phạm Xuân Độ mà ông coi như là cha nuôi. Ông đã dạy học tại trường Dũng Lạc ở Hà Nội và trường Thiếu Sinh Quân Liên Khu IV rồi theo kháng chiến chống Pháp đến năm 1952 thì về Thành rồi di cư vào Nam năm 1954. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông gia nhập quân đội với cấp bậc đại úy đồng hóa. Ông đã soạn thảo tập Sơ Thảo Lý Thuyết Chiến Tranh Tâm Lý và đảm nhiệm Nha Chiến Tranh Tâm Lý sau phát triển thành Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.

    Ông làm Giám Đốc Đài Phát Thanh Quốc Gia, Chủ bút rồi Chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến là cơ quan ngôn luận chính thức của QLVNCH. Khi viết báo Tự Do, ông thường ký bút hiệu Tiểu Nhã và phụ trách mục thơ châm biếm Đàn Ngang Cung. Trên báo Ngôn Luận ông dùng bút hiệu Nam Phương Sóc cho các bài viết của mình.

    Tôi đọc “THơ Hà Thượng Nhân” và qua phần Thân Hữu Cảm Khái đã biết được một phần nào chân dung kẻ sĩ phương đông của ông.Trong bài “Kỷ niệm Tiền Tuyến” của Nhất Giang, kể lại hai việc mà anh cho rằng là của kẻ sĩ uy vũ bất năng khuất. Khi tờ báo bị lỗi kỹ thuật và bị cấp trên (tức Trung tướng Trần Văn Trung) “hỏi thăm“ ông nhận lỗi cho thuộc cấp và chỉ cảnh cáo sơ sài những người phạm lỗi:

    “ - Trình Trung tá có Trung tướng muốn nói chuyện với Trung tá!

    Trung tướng đây là Trung tướng Trần Văn Trung, tổng cục trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, người trực tiếp chỉ huy cao cấp nhất của chúng tôi. Trung tá Ninh thản nhiên cầm điện thoại

    - Alô, chào Trung tướng tôi nghe.

    Từ đầu dây bên kia có giọng nói của ông tướng đầy vẻ bực bội:

    - Anh Ninh, sáng ni anh đã đọc báo của anh chưa?

    Giọng của ông Ninh vẫn điềm đạm bình thản:

    - Tôi mới vào tòa soạn nên chưa kịp đọc, có chuyện gì vậy thưa Trung tướng?

    Giọng ông tướng càng có vẻ bực dọc hơn:

    - Anh có thấy Việt Cộng có cái loại vũ khí chi lạ: nó pháo kích vô Nam Vang mà lại làm sập đài phát tuyến ở Quán Tre!

    Ông Ninh ra hiệu cho thượng sĩ Cót đưa trang nhất của tờ báo để ông liếc sơ qua, xong ông nói:

    - Thưa Trung tướng, có thể đây là lỗi kỹ thuật, Trung tướng để tôi xem lại rồi sẽ trình trung tướng rõ.

    - Được rồi, nhưng anh phải tường trình cho tôi biết rõ ràng sự việc nội buổi sáng nay. Anh nên nhớ sáng nào tổng thống cũng đều đọc báo của anh. Lỡ tổng thống hỏi tôi biết trả lời mần răng?

    Mà lỗi kỹ thuật thật! Chả là vì ông ”xếp ty pô” đã vô ý bốc nhầm hai ”pac kê” 2 cái tít của hai bản tin hai cột khác nhau cùng loan tin Việt Cộng pháo kích nhưng một cái là ”Cộng Quân pháo kích Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung gây thiệt hại cho đài phát tuyến Quán Tre” còn một cái tít khác là ”Cộng Quân pháo kích thành phố Nam Vang nhưng ông thầy sắp chữ đã bê nhầm vế trên của cái tin hai cột này đặt vào vế dưới của tin hai cột kia nên mới có chuyện râu ông nọ cắm cằm bà kia như vậy. Khi truy nguyên ra sự việc, các ông tổng thư ký, thầy cò (tức người có trách nhiệm sửa lỗi các bản in thử) và xếp typô là Thầy Tiều ( cũng là lính cơ hữu của Tiền Tuyến) chỉ bị ông Ninh nhẹ nhàng khiển trách vì ông biết việc này hoàn toàn chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Sau đó ông ra lệnh cho thượng sĩ Cót làm một bản tường trình với ông Tướng cùng với đề nghị ông tự phạt mình 30 ngày trọng cấm... ”

    Và còn nhiều ví dụ khác như ông đã thuyết phục được Tổng thống Ngô Đình Diệm thay đổi quyết định khi cho các linh mục có chương trình tôn giáo trên đài phát thanh quốc gia lúc ông làm Giám Đốc đài. Khi Tổng thống hỏi ông có nên đưa một chương trình của Công giáo từ hệ thống C lên hệ thống A không thì ông đã trả lời thẳng là không nên vì làm vậy 4 tôn giáo lớn khác sẽ so bì và tổng thống đã đồng ý theo nhận định đứng đắn của ông. Hay như khi làm chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến, mặc dù là cơ quan truyền thông của QLVNCH nhưng cũng hưởng ứng làng báo Sài Gòn đình bản một ngày trong việc chống lại tăng giá bông giấy. Những việc làm của ông phải là của một người lãnh đạo dám nhận trách nhiệm của mình.

    Khi vào tù Cộng sản, ông cũng thản nhiên và dùng văn thơ như một cách để sống thực và biểu lộ tâm tình của mình với gia đình, với đất nước. Như khi viết Bên Trời Lận Đận, ông đã mượn Tỳ Bà Hành để nói lên tâm sự của mình. Ông viết:

    “Tâm sự, cảnh ngộ của Bạch Cư Dị đâu phải là tâm sự cảnh ngộ của tôi, nhưng tấc lòng đắng cay Bên Trời Lận Đận kia cũng là tấc lòng đắng cay của chính mình.

    Tỳ Bà Hành chỉ là một cái cớ để tôi nói lên tâm sự của riêng mình. Bạn đọc sẽ bắt gặp trong tập thơ này nhiều ý, nhiều câu trùng hợp, điều đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng là liệu tôi có dựa vào nỗi lòng của cố nhân để gửi gấm được chút gì nỗi lòng của mình không? Liệu những oan trái mà tôi và các bạn tôi đã trải qua có thể làm cho người đọc bồi hồi xúc động như tôi đã bồi hồi xúc động khi đọc Tỳ Bà Hành chăng? Từ đó liệu con đường đi tìm Chân Ly, đi tìm Lẽ Phải có bớt chông gai được chút nào chăng?”

    Bên Trời Lận Đận có những câu thơ như nói với người xưa mà gửi lại thế hệ hôm nay. Thơ như lúc nào cũng vẳng lại âm điệu đoạn trường của tiếng đàn ngày xưa trên sông nước nhưng cũng chính là tiếng lòng rung động của một người bị trói buộc vào những cảnh ngộ đau lòng:

    “Ôi cơn gió heo may thuở trước
    Lạnh ngàn năm sông nước Tầm Dương
    Về đây rừng núi Thanh Chương
    Nghe heo may nổi canh trường ngẩn ngơ
    Trước đã có nhà thơ cùng quẫn
    Ngàn năm sau sao vẫn còn ta?
    Đời gần tưởng đã rất xa
    Bâng khuâng vì tiếng tỳ bà chưa nghe... ”

    Có những câu thơ phải viết và phải nhớ, vì không viết không nhớ không được. Có phải là tiếng kêu vọng lên trời xanh để gửi những uất hận liếp người vào vô tận. Ngày xưa. Bạch Cư Dị và Tỳ Bà Hành thì bây giờ, ở xó rừng tù ngục, Hà Thượng Nhân và Bên Trời Lận Đận như có giây phút giao thoa với nhau để thành cung bậc xót thương cho kiếp nhân sinh đọa đầy…

    Với tôi, một người yêu thơ và cũng là một người tù cải tạo, sau năm 1975, tôi được nghe nhiều về ông qua hai bài thơ viết về những ngày sa cơ trong trại tù Cộng Sản là bài “Mưa ở Long Giao” và bài “Xin Làm Cỏ Biếc“. Bài thơ “Mưa ở Long Giao“ được nhạc sĩ cũng bị giam chung với ông Vũ Đức Nghiêm phổ nhạc và truyền tụng về tới dư luận ở Sài Gòn qua tay của các bà vợ đi thăm nuôi chồng rồi trở ngược lại trong các trại tù. Lúc ấy tụi tôi chỉ biết là thơ của một thi sĩ nổi danh trước đây thôi chứ không biết là của nhà thơ Hà Thượng Nhân và nhạc của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Bài thơ đã nói lên tâm sự của một người tù trước cảnh quốc phá gia vong:

    “Trời có điều chi buồn
    mà trời mưa mãi thế?
    Cỏ cây có chi buồn
    Mà cỏ cây đẫm lệ?
    Thương Em từng phút
    Nhớ con từng giây
    Chim nào không có cánh
    Cánh nào không thèm bay?
    Người nào không có tình
    Tình nào không đắm say?
    Trao làm sao nỗi nhớ
    Gửi làm sao niềm thương!
    Nhớ thương như trời đất
    Trời đất vốn vô thường!
    Ngày xưa chim hồng hộc
    Bay cao chín tầng mây
    Ngày xưa khắp năm châu
    Bước chân đi nhỏ hẹp
    Ngày nay giữa Long Giao
    Nằm nghe mưa sùi sụt
    Mời nhau điếu thuốc lào
    mình say... mình say sao?”

    Thơ dàn trải những nỗi niềm. Của những con người của một thời thế lịch sử đầy bi kịch. Hoàn cảnh ấy không phải chỉ riêng của một người như Hà Thượng Nhân hay Vũ Đức Nghiêm. Mà nó thành của chung của nhiều người của hàng trăn ngàn quân cán chính VNCH bị đầy ải trong ngục tù Cộng sản. Bản nhạc được phổ biến và hát lén lút trong tù. Cho tới bây giờ bài thơ và bài hát vẫn còn ghi khắc trong bộ nhớ của những người cùng chung số phận với thi sĩ và nhạc sĩ như một chứng tích không thể nào lãng quên của lịch sử Việt Nam.

    Bài thơ thứ hai là bài “Xin Làm Cỏ Biếc”, ông viết trong lúc chuyển trại từ trại tù Thác Bà, Yên Bái về trại 6 Thanh Chương, Hà Tĩnh năm 1979:

    “anh cầm tay em
    bàn tay khô héo
    anh nhìn mắt em
    gió lùa lạnh lẽo
    anh nhìn lòng mình
    mùa xuân mông mênh
    cỏ non mùa xuân
    còn vương dấu chân
    trăng non mùa hạ
    ướt đôi vai trần
    có xa không nhỉ?
    Ngày xưa thật gần
    Thời gian! Thời gian
    Em vẫn là em
    Nụ cười rạng rỡ
    Ngày nào vừa quen
    Mai đưa em về
    Xin làm cỏ biếc
    Vương chân em đi
    Xin làm giọt mưa
    mưa giầm rưng rức
    Trên vai người yêu... ”

    Trong tù ngục Cộng sản, thì nhớ về gia đình là một phương cách để người tù ”gắng sống mà trở về”. Đã có biết bao nhiêu cơn mơ của người tù cải tạo, đêm đêm nằm trong vòng lao ngục nhưng vẫn mơ đến gia đình, nhớ thương đến những người thân yêu đang xa cách. Nhà thơ Hà Thượng Nhân cũng thế, ở trong những trại giam khắc nghiệt nhất của chế độ Cộng sản, trong lúc bị chuyển trại nhọc nhằn từ địa ngục này sang cõi a tỳ khác, nhà thơ vẫn thản nhiên nghĩ về tình yêu của mình của thuở ngày xưa tươi đẹp. Đó là một phản ứng để quên đi thực tại đen tối của những người bị cả một chính sách quy mô đầy đọa.

    Bài thơ này thiết tha của một tình yêu, vượt qua được cảnh giới u ám đen thẳm của những trại tù để về miền ký ức của ngày xưa, của tình cảm không phai nhòa dù trải qua nhiều cảnh huống đoạn trường của cuộc sống.

    Khi nói về những bài thơ “Thư Của Chúng Mình” ông viết: ”Đọc lại thơ cũ tôi vẫn bồi hồi xúc động như ngày nào. Ba mươi tám năm trời trôi qua (Tập thơ được viết vào năm 1949). Tập thơ vẫn chưa hề được công bố. Tôi bỗng nghĩ rắng: ”Cuộc đời này tạm bợ còn có ý nghĩa hơn là tình yêu nữa không? Nỗi lòng của chúng tôi cũng như nỗi lòng của triệu triệu người vào cùng một lứa tuổi. Vậy thì tại sao không công bố? Tình yêu không có tuổi, lòng ta không già...”

    Theo tài liệu của Wikipedia tiếng Việt thì ”Về tài văn thơ ông có biệt tài làm thơ trào lộng nhưng khi còn trẻ tuổi ông cũng sính thơ Đường. Khi vào Huế trong một cuộc chơi ông có ứng khẩu một bài thơ vịnh ”trăng thu” mà được cụ Ung Bình chấm là hay nhất và khen:

    “Trăm mặt thẹn thua chàng tuổi trẻ
    Một bài cũng đủ gọi Thi ông”.

    Hai nhà thơ Hữu Loan và Hà Thượng Nhân là bạn cùng lứa tuổi và cùng quê quán ở Thanh Hóa nên rất thân thiết. Hữu Loan, một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, người đã phê bình sự dốt nát của các quan “văn nghệ Cộng Sản” bằng hình ảnh ví von thật ác: “Những mắt lợn thưởng tranh. Những tai trâu huấn nhạc.” Và cũng chính Hữu Loan, tác giả của bài thơ “Mầu tím hoa sim”, người đã không thèm cầm bút theo sự chỉ huy của chính quyền chuyên chế, về cày ruộng thồ đá, lao động như một nông dân chính hiệu.

    Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã có những câu thơ phác họa chân dung bạn mình thật sống động như:

    “... Nguyễn Hữu Loan
    hồn nhiên như con trẻ
    đơn sơ như miệng cười
    dám chân thành làm một con người
    giữa bão tố quyết không là cây sậy
    chỉ biết cúi đầu vâng lời lẽ phải.
    Với bạn bè gìn giữ thủy chung
    Đỗ Phủ xưa dù lớn vô cùng
    Nguyễn Hữu Loan không chịu là Đỗ Phủ
    Ba mươi mấy năm chân trần lam lũ.
    - Đói khôngLoan?
    Khổ không Loan?
    Tao chẳng khổ bao giờ
    Tao đi cày như tao làm thơ
    - Mày đi cày vì mày dám làm thơ.
    Thơ vĩ đại vì thơ không đánh đĩ
    Bọn dối trá chẳng thể là thi sĩ
    Kiệt Trụ đừng nói chuyện thi ca.
    Nhớ Nguyễn Du xưa rau cháo xanh da
    Nửa tháng ốm không có tiền mua thuốc.
    Không cần thép thơ vẫn thành bó đuốc.
    Thơ nâng người cao sát với thần linh…”

    Thi sĩ Hà Thượng Nhân không ca tụng Hữu Loan với tư cách một người bạn mà ông muốn qua chân dung thi sĩ, mà có người ví von là một “cây thước gỗ lim vuông cành cạch”, để tố cáo một chế độ cai trị độc tài sắt máu gây ra bao nhiêu thảm cảnh cho toàn dân. Thơ của ông nói về một nhà thơ chính trực như Hữu Loan còn là tiếng nói chính luận của lương tri của những người Việt Nam yêu tự do dân chủ...

    Thi sĩ Hà Thượng Nhân là một nhà thơ thông tuệ, làm thơ Đường Luật rất nhanh và chỉnh. Có người đã nói ông giống như Tào Thực ngày xưa đi bảy bướcc là đã hoàn thành được một bài thơ tuyệt tác. Thế mà thơ của ông đã làm xong tới cả hàng ngàn bài mà trong đời của ông mới chỉ in một tập thơ nhỏ vì lời yêu cầu của nhiều người ái mộ ông. Cho đến khi ông bị bệnh nặng, nằm trong bệnh viện và lại đang trong cảnh “lá già khóc lá xanh” khi người con trai thứ là Pham Xuân Dương từ trần, nên để cho thi sĩ gượng vui nên đã in Thơ Hà Thượng Nhân để có một dấu tích của kỷ niệm đẹp cho văn học Việt Nam. Và ngày ra mắt tuyển tập thơ ấy, nhà thơ như trẻ lại. Xem DVD thu hình lại buổi lễ, thấy ông miên man nói về thơ, về văn chương với cả một sự đam mê trân trọng đến quên đi cuộc đời nhiều bi kịch của những người lưu lạc Việt Nam hôm nay.

    Nhưng, hôm nay, nhà thơ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Chín chục năm góp mặt với đời, qua bao nhiêu biến cố lịch sử, bao nhiêu cuộc thăng trầm, những bài thơ vẫn còn như một chứng tích của tấm lòng vuông tròn với cuộc sống. Là một quan võ nhưng lại có lối hành xử của quan văn, là một người đã trải qua và hiểu được chế độ Cộng Sản, ông như người đặt rường cột cho ngành chiến tranh tâm lý mà sau này phát triển thành tổng cục chiến tranh chính trị. Nhưng, bất cứ ở đâu và bất cứ ở một vị trí nào, ông cũng là người yêu nước và yêu văn chương và muốn chữ nghĩa tạo được sự tốt đẹp cho cuộc nhân sinh.

    Một kẻ hậu sinh như tôi viết bài này như một cách thế đốt nén tâm hương để gửi đến người thi sĩ đã vừa ra đi.

    Nguyễn Mạnh Trinh


    (nguồn http://phusaonline.free.fr)
    Last edited by chimtroi; 05-27-2021, 11:57 AM.

    Comment


    • #3


      Nỗi lòng đêm trăng
      nhạc Lê Minh Luân
      ca sĩ Quỳnh Lan





      Last edited by chieutim; 03-28-2018, 09:33 PM.

      Comment


      • #4



        Nguyễn Văn Thành viết nhạc và trình bày
        Last edited by chimtroi; 05-27-2021, 11:58 AM.

        Comment


        • #5

          Nói Chuyện Vui Với Chưởng Môn Người Làng Hà Thượng



          Với những người hoạt động lâu năm trong giới truyền thông, báo chi... miền Nam thì hầu như ai cũng ít nhiều nghe danh, biết đến cụ Hà Thượng Nhân . Tiên sinh là người nổi tiếng về tài làm thi phú nhanh - có thể nói là xuất khẩu thành thơ - cũng như về đức độ, về tính tình ôn nhu, phóng khoáng đối với mọi người. Ông còn là một vị giám khảo thường trực cho giải Văn chương Toàn quốc - do yêu cầu của Phủ Quốc Vụ Khanh VNCH.

          Ở tuổi hoa niên, lúc mới bắt đầu làm thơ Hà quân lấy bút hiệu là Hoàng Trinh. Cụ là bạn thơ cùng thời với những thi sĩ tiền chiến hữu danh như: Hoàng Cầm, Huy Cận, Hữu Loan, Phùng Quán, Quang Dũng, Thâm Tâm, Trần Dần, Xuân Diệu... Trong số những người này, tiên sinh chơi thân thiết nhất với Hữu Loan, tác giả bài thơ được người người ưa chuộng, lưu truyền rộng rãi: Màu Tím Hoa Sim. Hai người vốn là bạn cùng quê, cùng lứa tuổi nên sau này vẫn xưng mày-tao-mi-tớ mỗi khi gặp nhau chuyện trò. Nhị vị còn được dân Thanh Hóa gọi là Tú Trinh và Tú Loan vì thời đó rất hiếm người đậu được bằng tú tài toàn phần, tức bằng Bac. complet. Nhà thơ Hữu Loan nhận giải Văn chương toàn sự nghiệp năm 2007 của nguyệt san Khởi Hành vừa rồi, tôi nghĩ một phần lớn là nhờ sự liên lạc và giới thiệu của Hà chưởng môn.

          Năm 1997, sực nhớ nếu miền Nam không mất vào cuối tháng 4 năm 75 thì chắc hẳn tôi đã được về hưu, hưởng an nhàn từ lâu, kể từ khi vừa đáo hạn tuổi 55. Từ ý niệm này, tôi đã quyết định xin từ nhiệm ngay với một công ty tư vấn tài chánh. Vì công vụ và chờ người điền khuyết mãi đến đầu năm 2000 tôi mới được "thoát thân".

          Tánh vốn ưa ngao du, từ đó tôi bắt đầu cuộc sống lang bạt mỗi xứ vài ba tháng, hoặc cả năm. Khi hết hứng thú thì trở về miền Trung du Hoa Kỳ để tiếp tục hành trình rong chơi, chạy đến các tiểu bang khác ngoạn cảnh hoặc thăm viếng anh em. Việc gặp gỡ, liên lạc lại với một số thân hữu cũ và nhất là nghe những lời có vẻ "thuận tai" của những bạn bè trong giới văn nghệ trước 75, nên cuối năm 2004 tôi đã tham gia vào nhóm chủ trương biên tập của một tờ tạp chí tại San José, sau 33 năm gác bút.

          Cuối tháng 4/2005 tôi lại nổi máu giang hồ vặt, "thoát ly" gia đình chạy qua miền Bắc Cali với ?ý định trực tiếp giúp anh em cải tiến, mở rộng tờ tạp chí để thân hữu, bạn bè cũ. Nhất là những bằng hữu còn kẹt lại trong nước có chỗ trở lại sinh hoạt văn học sau một thời gian dài bị chế độ Cộng sản gạt ra ngoài lề. Tôi biết chính họ cũng không muốn uốn cong ngòi bút để cộng tác với một cơ chế kềm kẹp, gian trá...

          Tại nơi lưu cư mới này tôi đã gặp lại Hà chưởng môn và anh bạn Hải Bằng. Từ đó, tôi và tiên sinh đã hầu như hằng ngày gặp nhau để thù tạc, hàn huyên chuyện xưa, người và việc cũ. Lúc này dường như tiên sinh vui vẻ hơn, làm thơ nhiều hơn và thường giao cho tôi để nhờ đánh máy, phổ biến nếu cần hay khi có người xin. Đôi khi vừa làm được bài thơ đắc ý nào tiên sinh đều gọi điện thoại đọc cho tôi nghe, ngay cả lúc đêm đã vào khuya hay khi trời chưa kịp sáng. Gặp nhau xong thì mỗi lần tôi ngỏ ý ra về là tiên sinh tỏ ý quyến luyến, nắm chặc tay tôi giữ lại. Ngay cả sau những lúc tôi vừa đưa tiên sinh đi ăn uống hay thăm thân hữu về.

          ***

          Hà quân tên thật là Hoàng Sĩ Trinh, sinh năm 1919 [giấy khai sanh ghi ngày 15-01-1922]. Cụ quê làng Hà Thượng, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1945, sau khi rời bỏ kháng chiến, dinh tề, tiên sinh được thầy Phạm Xuân Độ nhận làm nghĩa tử, nên đã được đổi tên thành Phạm Xuân Ninh. Sau này, ông lấy bút hiệu Hà Thượng Nhân là để kỷ niệm về nơi chôn nhao cắt rún của mình. Thật ra thì bút hiệu này do giáo sư Phạm Việt Tuyền - người chủ trương nhật báo Tự Do đặt cho khi ông mời tiên sinh phụ trách mục Đàn Ngang Cung để thay thế Thần Đăng tức Đinh Hùng. Bởi vị thi sĩ nho nhã, hiền hòa này muốn từ nhiệm để lo chăm sóc chương trình Tao Đàn của Đài Phát Thanh Sàigòn. Sau cuộc đảo chánh năm 1963 nhiều báo bị đóng cửa, trong đó có tờ Tự Do. Mục Đàn Ngang Cung sau 1968 xuất hiện lại trên nhật báo Tiền Tuyến của Hà quân.

          Đến năm 1958, theo lời yêu cầu của ông Hồ Anh tiên sinh phụ trách thêm chuyên mục Những Điều Trông Thấy cho nhật báo Ngôn Luận với một bút hiệu khác là Nam Phương Sóc. Bằng giọng thơ trào phúng, tiên sinh đã đả phá, phê phán những thói hư, tật xấu của thói đời, những hành vi, hiện tượng thiếu trong sạch của giới hữu trách, những người có chức vị trong chính quyền, chính trường...

          Trước khi vào Nam, tiên sinh dạy học tại trường Dũng Lạc ở Hà Nội. Chắc hẳn vì vậy mà đầu tháng 8 năm 2009 sau khi thoát cơn bệnh thập tử nhất sinh Hà quân đã nhận bí tich thánh tẩy với tên thánh là Phéro Dũng Lạc.

          Tiên sinh là người cổ kim uyên bác, nhất là thi ca Đông và Tây phương và quen biết hầu hết với những nhân vật lãnh đạo, chính trị quan trọng của cả 2 nền đệ nhất, đệ nhị Cộng Hòa và các văn nghệ sĩ hữu danh. Tính cụ vốn cởi mở, ôn nhu, khiêm cung, thể hiện rõ rệt phong thái của một bậc nho sĩ. Đặc biệt là lòng bao dung, độ lượng với thuộc cấp hay những người trẻ tuổi hơn. Điều này phản ảnh thêm nơi tiên sinh bản chất của một văn nghệ sĩ, của một bậc chân nhân từ ái.

          Năm 1955, theo sự đề cử của ông Bộ trưởng Quốc phòng Lê Ngọc Chấn, tiên sinh được cụ Ngô Đình Diệm bổ nhậm về phục vụ tại Phòng 5 với cấp bậc Đại Úy trừ bị đồng hóa [1]. Đơn vị này là tiền thân của ngành Chiến Tranh Tâm Lý [Psychopolitical warfare] hay Tâm Lý Chiến - thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Ngành này, kể từ những năm đầu thập niên 60 đã càng ngày càng được mở rộng khắp các quân binh chủng, binh đoàn và cải danh thành Chiến Tranh Chính Trị [Political warfare] mà Trung Tướng Trần văn Trung làm Tổng Cục Trưởng. Riêng Nha Chiến Tranh Tâm Lý thì vị giám đốc đầu tiên - nếu tôi không nhớ lầm là Tr/Tá Nguyễn Văn Châu. Về sau Nha CTTL được đổi thành Cục Tâm Lý Chiến, một cơ quan chiến lược quan trọng về chánh sách lục đại chiến, bên cạnh Mưu Lược Chiến, Tư Tưởng Chiến, Tình Báo Chiến, Tổ Chức Chiến và Quần Chúng Chiến. Cơ quan này, sau cùng do Đại Tá Hoàng Ngọc Tìêu tức thi sĩ Cao Tiêu giữ nhiệm vụ Cục trưởng cho đến ngày miền Nam VN bị nhuộm đỏ.

          Nhờ việc bành trướng ngành này nên quân lực ngoài tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa lại có thêm 2 tờ báo mới là nguyệt san Tiền Phong và nhật báo Tiền Tuyến. Sau khi tờ Tiền Tuyến ra mắt không lâu thì năm 1968 Trung Tá Phạm Xuân Ninh tức Hà Thượng Nhân được đề cử thay thế Tr/Tá Lê Đình Thạch trong vai trò Chủ Nhiệm, vì Tr/Tá Thạch bận trông coi Khối Kế Hoạch/Kỷ Thuật, rồi đi học trường Tham Mưu Cao Cấp... Sau cùng đến năm 1972 thì giải ngủ.. Tôi quen và kết tình huynh đệ với anh Tường Linh từ đầu năm 1959 là qua sự giới thiệu của vị niên trưởng khả kính này, khi Tr/tá Thạch còn mang cấp bậc Đại Úy, làm trưởng phòng Báo Chí kiêm Chủ Nhiệm/CB tờ CSCH mời tôi vào thăm tòa soạn.

          Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Hà tiên sinh, tờ Tiền Tuyến đã sớm phát triển và trở nên một nhật báo lớn phổ biến rộng rãi và qui tụ khá đông văn thi sĩ, ký giả, phóng viên hữu danh của miền Nam thời bấy giờ. Dĩ nhiên phải nói đến công sức của 2 người trợ tá đắc lực là Tr/Tá Phan Lạc Phúc tức ký giả Lô Răng và anh Viên Linh. Sau khi Hà tiên sinh giải ngủ thì tờ Tiền Tuyến cũng có nhiều thay đổi, với Đại Tá Nguyễn Huy Hùng làm Chủ Nhiệm. Anh Hoàng Văn Lân được nâng lên Phụ Tá CN. Chủ Bút mới là anh Huy Vân.

          Trước khi về Tiền Tuyến tiên sinh đã từng làm Chánh sự vụ Sở Binh Vận và Giám Đốc Đài Phát Thanh Quốc Gia mãi cho tới sau ngày chế độ đệ nhất Cộng Hòa bị lật đổ oan ức. Có thể nói Hà quân là vị sĩ quan chưa từng học qua trường quân sự nào và cũng có thể cụ chưa từng khoác áo chinh nhân, vì suốt thời kỳ tiên sinh đảm nhận chức vụ Chủ Nhiệm Tiền Tuyến lúc nào gặp tôi cũng thấy cụ mặc thường phục. Nghe nói, danh xưng Hà chưởng môn là do ký giả Lô Răng đặt ra.

          Tiên sinh đã từng được đề cử đi tham dự nhiều cuộc họp về văn hóa, báo chí quốc tế ở nước ngoài như Anh, Bỉ, Ba Tây, Hòa Lan, Pháp, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Đài Loan.

          Đến năm 1972 thì tiên sinh xin giải ngũ vì hội đủ điều kiện mang lon hơn 7 năm chưa được thăng cấp. Tướng Trung xin đề nghị thăng cấp để giữ lại, nhưng tiên sinh dứt khoát với quyết định giã từ quân ngủ để trở về cuộc sống an nhàn.

          ***

          Tiên sinh sang Hoa kỳ theo diện H.O và định cư tại San Jose từ năm 1990. Tại đây Hà chưởng môn sống như một vị trích tiên dưới sự nể trọng, thương yêu của moi người, mọi giới, và sự ân cần, săn sóc thường nhật của phu nhân và các con cháu trong gia đình. Trong thời kỳ tôi còn tạm trú trên SJ, tôi thấy Phạm Xuân Dương - con trai thứ của cụ, bao giờ cũng sống kề cận bên cụ. Tôi rời Hoa kỳ từ 2009 đến cuối năm 2010 mới về lại quận Cam thì rất tiếc Dương đã đi về cõi vĩnh hằng từ 5-8-2010. Thế là tôi lại mất đi cơ hội thỉnh thoảng cụng vài ba ly với người bạn trẻ thân thiết này.

          Như đã nói ở trên tiên sinh là người có tài nhả ngọc phun châu và làm thơ rất nhanh. Sáng ngày 01-09-2006 trong lúc tôi, tiên sinh đang uống trà đàm đạo cùng anh Vũ Đức Nghiêm thì được tin anh Hoàng Anh Tuấn vừa từ trần. Tiên sinh buồn bã cất tiếng than và lấy giấy bút viết ngay bài thơ Khóc Hoàng Anh Tuấn. Bài này, ngày hôm sau tôi đã trao cho Phạm Hùng - em trai của anh Phạm Huấn - để Ban Tổ Chức đọc truy điệu trong ngày tang lễ Hoàng thi sĩ tại nghĩa trang.

          Cho đến nay tiên sinh đã làm cả chục ngàn bài thơ đủ thể loại, có một số viết bằng Pháp ngữ, nhưng phần lớn là thất ngôn. Qua loại Đường thi này tiên sinh quả là người có tâm linh sâu sắc, là bậc thượng thừa trong việc vận dụng bút pháp, thi thanh, thi ảnh và âm điệu. Về những bài thơ dịch thì cũng đã thể hiện đầy đủ các yếu tố: hiệp thời, hiệp ý, hiệp thể và thanh thoát khó có người sánh kịp.

          Tuy làm thơ nhiều nhưng có điều tiên sinh thường trao tặng cho các thân hữu, ít khi lưu trữ và chưa hề tự xuất bản các tác phẩm của mình. Tập thơ Bên Trời Lận Đận ra đời là do Khôi, một người con thứ khác của tiên sinh âm thầm ấn loát năm 1992 và thêm vài lần nữa sau đó - mỗi lần một ít, lúc Khôi còn làm việc cho nhà in.

          Khi tôi còn ở trên đó, tiên sinh cũng đã giao cho tôi một số thơ do cụ sáng tác. Tôi vì hay di chuyển đó đây, lại là người lơ đễnh, nên trao bớt cho bạn Vũ Uyên Giang. Theo tôi nghĩ những người hiện đang thu giữ được nhiều thơ của Hà thi sĩ là cô Huệ Thu, niên trưởng Đông Anh Nguyễn Đình Tạo và bạn Mạc Phương Đình... Theo cụ cho biết thì ngày trước ký giả Lô Răng cũng từng giữ một số lượng không nhỏ.

          Còn nhớ trước 75, có một năm, khi tờ báo Sống sắp thực hiện số báo Tết, nhà văn Chu Tử đã hỏi xin tiên sinh một bài thơ Xuân và đã trả cho Hà tiên sinh ba chục ngàn đồng. Nên nhớ báo chí thời bấy giờ hiếm khi có tờ chịu trả tiền nhuận bút cho thơ. Nếu có thì cũng chỉ trả tượng trưng một vài ngàn cho các thi sĩ thành danh, cộng tác thường trực hoặc thân quen. Đây có thể được coi như là một trường hợp hi hữu về tiền nhuận bút dành cho một tác phẩm thi ca. Chính vì vậy mà từ ngày về tạm trú tại quận Cam, đôi khi giúp cung cấp bài cho vài tờ báo Xuân ở đây, riêng bài của Hà tiên sinh, tôi luôn yêu cầu các vị chủ báo trả tiền nhuận bút cho thơ, câu đối Tết... của cụ cao gấp đôi ba lần số tiền trả cho các tác giả khác.

          Theo tôi, thi phẩm ấn loát duy nhất được sự đồng ý của Hà tiên sinh là Men Thu gồm những bài xướng họa giữa cô Huệ Thu và tiên sinh. Cô này là một người rất kính mộ tài thơ của cụ Hà. Còn Hà chưởng môn thì luôn xem cô như một người em gái văn nghệ, cần được tận tình chỉ dẩn, khích lệ. Men Thu tuy mỏng nhưng trình bày rất trang nhã, do cô in năm 2006 trên giấy vân ảnh hoa tiên, bìa cứng. Rất tiếc là số lượng không nhiều, phổ biến hạn chế, nên ít người biết đến.

          Trong "Đôi lời trước sách" Hà quân đã viết:

          "Tôi đã xướng họa với Huệ Thu rất nhiều thơ. Tôi đã từng xướng họa thơ với rất nhiều người. Nhưng tôi vẫn không thích lối họa thơ đầy thù tạc này. Tuy nhiên, những bài thơ tôi xướng họa với Huệ Thu thì nó thoát khỏi mọi khuôn sáo. Tuồng như là tôi chỉ nương theo ý thơ của Huệ Thu mà phát triển ý thơ của mình. Thơ Huệ Thu đã giúp tôi một nguồn cảm hứng đặc biệt. Tôi tưởng như không còn xướng họa nữa. Đây là những vần thơ sáng tạo đích thực.
          Buổi chiều tôi theo lời khuyên của Bác Sĩ thường uống rượu chát - Huệ Thu cũng vậy. Một buổi tối, khi tôi đang ngà ngà say Huệ Thu gọi điện thoại lại. Người bạn thơ xin tôi một bài thơ, đúng một trăm câu viết cho Huệ Thu. Tôi biết đây lại là một trò chơi chữ. Tôi vẫn viết, nào ngờ thơ bay trên đầu ngọn bút. Tôi viết không ngừng, không nghỉ, không sửa chữa, nhìn đồng hồ, mới 45 phút đã viết xong. Sau đó ít lâu, cuộc chơi thơ lại tiếp diễn đến chục lần, lần nào cũng qua điện thoại, và lần nào cũng một trăm câu và viết trong lúc say, viết về Huệ Thu."


          Không lâu sau đó, cô này còn lấy thơ cụ ấn hành thêm một tập thơ nữa tên Hương Xưa, cũng với một số lượng khiêm nhường để dành trao tặng cho giới thân hữu thưởng ngoạn, giữ làm kỷ niệm,

          Sau hơn một năm tạm trú trên vùng thung lũng hoa vàng, tôi lại nổi máu phiêu lưu nên cuối năm 2006 đã di chuyển xuống Westminster. Tuy vậy, cứ năm ba tháng nếu không bận đi du lịch xa, tôi lại chạy lên thăm viếng cụ cùng các niên trưởng. Đầu năm 2009 biết cơ sở Thi Văn Lạc Việt và thân hữu trên đó sắp tổ chức mừng sinh nhật, thượng thọ cho lão trượng nên tôi vội vàng bay về Mỹ. Trong buổi gặp mặt tại nhà Hà quân lần này, tôi đã cho tiên sinh hay về việc nhiều độc giả và thi hữu khắp nơi khen ngợi bài thơ Ngông của tiên sinh, sau khi tôi phổ biến trên các trang thơ do tôi hoặc thân hữu phụ trách:


          * Ngông
          Quay ngựa xích thố buộc khóm trúc
          Ném gươm long tuyền về non Tây
          Chí thôi đã lỡ, kệ binh lửa,
          Danh vốn không màng, mặc cỏ cây.
          Gà chó đôi con năm tháng rộng
          Ruộng vườn dăm khoảnh gió trăng đầy
          Buông câu, xốc áo quay nhìn vợ:
          Trời đã chiều chưa? Ta đã say?
          Hà Thượng Nhân



          Thừa dịp vui, tôi đã tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của bài thơ bất hủ này. Với tôi, đây là một đọan trích trong những cuộc hội thoại vui, cởi mở và thú vị:

          - Thưa chưởng môn, trong những bài thơ của tiên sinh mà tôi có trong tay, phải công nhận Ngông là một bài thơ đặc sắc, tuyệt hay. Xin vui lòng cho biết tiên sinh đã sáng tác thi phẩm này lúc nào? Có phải là sau khi tiên sinh được giải ngũ, rời cương vị chủ nhiệm, chưởng môn tờ Tiền Tuyến?

          - Anh cũng đã hiểu lầm như nhiều người khác. Tôi làm bài thơ này lúc còn trẻ sau khi ly khai, từ bỏ "kháng chiến" về Hà Nội. Lúc ấy tôi mới hơn 22, 23 tuổi thì phải. Trí tuệ bây giờ đã bị lão hóa nên chi tiết về mấy chuyện xa xưa tôi không còn nhớ chính xác lắm.

          - Nghiã là đã làm trước khi tiên sinh di cư vào Nam. Theo cặp kết ở cuối bài: "Buông câu xốc áo quay nhìn vợ, Trời đã chiều chưa, ta đã say?" thì chẳng lẽ lúc ấy phu nhân đang kề cận bên tiên sinh sao?

          - Đâu có, khi ấy tôi làm gì đã có vợ. Giá có, chưa chắc "ẻn" chịu theo tôi đi vào nơi hoang vắng, quạnh hiu như vậy để lo công việc phục dịch trà dư tửu hậu cho chồng. Anh nghĩ xem, trong hoàn cảnh cá nhân còn nhiều khó khăn, xã hội đang nhiễu nhương như vậy, tôi làm gì yên tâm để toan tính việc "ca bài hôn phối".

          - Thì ra là sản phẩm của giả tưởng, hư cấu. Thưa, có phải tiên sinh muốn ngụ ý: "Tôi về nhà cửa sương thâu. Bước đi mà chẳng thấy đâu con đường" [2]. Trong hoàn cảnh phiêu linh, tiêu đìu "sương khói mờ nhân ảnh" như thế sao tiên sinh có thể an định tâm trí để nhàn nhã đi câu và dệt nên những vần thơ đầy hào khí, sảng khoái một cách thần sầu như vậy?

          - Cũng hư cấu luôn.

          - Thế còn 2 câu đầu bài thơ: "Quay ngựa xích thố buộc khóm trúc. Ném gươm long tuyền về non Tây" thì thế nào thưa tiên sinh? Theo tôi biết, gươm long tuyền là bảo vật mà vua hay thiên tử chỉ dành ban cho tể tướng. Xích thố là loại ngựa hiếm quí mà Quan Công, bậc danh tướng thời Tam quốc đã cưỡi để chinh đông, phạt bắc giúp nghĩa huynh Lưu Bị của ngài tóm thâu thiên hạ. Theo tôi nghĩ, chẳng lẽ lúc ấy chí cả, hoài bảo của lảo trượng đã mòn hao phân nửa rồi chăng. Tôi nói phân nửa vì tuy tiên sinh đã ném gươm Long tuyền, nhưng sao không ném về các hướng Bắc, Đông hoặc Nam? Có phải lúc ấy tiên sinh đã tiên liệu rằng sau này sẽ có ngày "quy mã", nên mới ném bảo kiếm về phương Tây? Thưa, có phải chưởng môn cố ý để dành về sau, khi qua Mỹ định cư thì còn có vũ khí, phương tiện hầu tung hoành ngang dọc cho thỏa chí trượng phu?

          - Anh đọc thi phẩm này khi thấy tôi ở đây nên suy diễn quá xa xôi kỳ ảo, chứ tôi làm gì có tài trực giác, tiên tri giỏi như vậy. Nếu có, tôi đâu dại gì ở lại để bị bọn Cộng sản lùa vào tù, đày đọa cả chục năm trong lao lung, khổ nhục...

          - Lại cũng là chuyện tưởng tượng, mà còn được bịa một cách thật tinh xảo. Nghe nói trước 75 có lúc tiên sinh đã được đề cử làm phụ tá bộ trưởng nhưng tiên sinh đã khước từ. Giả sử lúc đó họ trao gươm long tuyền cho tiên sinh, nghĩa là mời làm thủ tướng thì liệu tiên sinh có ném đi không?

          - Chẳng có trong tay nên tôi mới viết như thế cho có vẻ oai phong thần võ một chút thôi. Thời tóc còn xanh, lòng còn đầy nhiệt tình, tôi cũng mong ước được cống hiến tài sức mọn của mình cho đất nước lắm chứ.

          - Có thể tiên sinh còn vui sướng, hân hoan, giấu kỹ báu kiếm vì sợ người ta cưỡng đoạt nữa là khác?

          - Không chừng là vậy. Nói thế cho vui thôi. Chứ về chuyện tham gia sinh hoạt chính trị thì tôi chẳng thấy hứng thú gì và cũng chưa từng nghĩ đến.

          - Thưa tiên sinh, mới vài ngày trước đây khi nhận giải thưởng văn chương Jerusalem của Israel, nhà văn Murakami Haruki đã phát biểu:
          "Hôm nay, tôi đến Jerusalem với tư cách tiểu thuyết gia, nghĩa là một chuyên gia bịa chuyện. Tất nhiên, chẳng phải chỉ có tiểu thuyết gia bịa chuyện mà thôi. Chính trị gia cũng bịa chuyện, là điều ai cũng biết. Những nhà ngoại giao và hàng tướng lãnh tùy lúc mà bịa chuyện trong giới của họ, chẳng khác gì những người bán xe cũ, hàng thịt, hay thợ xây cất. Tuy nhiên, chuyện bịa đặt của tiểu thuyết gia thì khác với những giới kia ở chỗ chẳng ai phê phán rằng tiểu thuyết gia là vô đạo đức khi họ tạo dựng hư cấu. Hơn nữa trong thực tế, tiểu thuyết gia nào khéo léo phịa được những chuyện hư cấu càng to lớn và tinh xảo, thì lại càng được người đọc và các nhà phê bình khen ngợi."
          Xem ra nhà văn Nhật bản này quên, còn chưa đề cập đến giới thi sĩ. Mấy ông thần mơ mộng này cũng là những chuyên viên bịa chuyện, vẽ vời tình tiết thuộc hàng cự phách. Xin phép "bố già" cho kẻ hậu sinh phát ngôn bậy bạ một chút để được nói nhỏ câu này: "Điển hình cụ thể, chính xác nhất là Hà thi sĩ qua bài thơ Ngông. Tiên sinh đồng ý chứ?

          - Anh cũng là người viết văn làm thơ, chẳng lẽ anh chưa từng tạo hư cấu. phiạ chuyện trong tác phẩm của mình sao? Thôi đã đến giờ hẹn rồi, mình đi là vừa. Anh Vũ Đức Nghiêm vừa được cô em dâu dưới Westminster gởi lên biếu nửa ký thịt cầy. Vũ quân mời tôi và anh đến chung vui. Giờ này, chắc vợ chồng anh ấy đang đợi.

          - Dạ, thì cũng phải bắt chước tiểu xảo của các bậc trưởng thượng, đàn anh, phịa sơ sơ tình tiết cho có vẻ "hoa lá cành trăng lên lều vải" một tí xíu để mong gây xúc động lòng người chứ. Còn buổi tiệc hôm nay thì Vũ huynh đã báo với tôi hôm qua. Thưa tiên sinh, bây giờ còn quá sớm. Khoảng nửa tiếng nữa tôi sẽ đưa tiên sinh đến thưởng thức món khoái khẩu của tiên sinh. Còn tôi thì phải ghé tiệm Thanh Hiền lấy mấy hộp nhắm khác, vì tôi kỵ "mộc tồn". Phần của tôi thì xin phép nhường cho Vũ Uyên Giang. Để tôi gọi anh ta mang mấy loại rượu chát mà tiên sinh và Vũ quân thích xuống nhập hội.

          - Ủa, lạ nhỉ. Anh là người uống rượu, sao lại không ăn được thịt cầy? Ngày trước anh thường cùng 2 anh Phạm Lê Phan, Tường Linh tụ tập, la cà cuối tuần ở các tiệm nổi tiếng khu Nguyễn văn Học và Lý Thái Tổ ... thế anh đến đó làm gì?

          - Tôi ham vui, các anh ấy ỷ lớn tuổi bắt đi thì đến chầu rìa, gặm bánh tráng, nhắp bia với đậu phộng thôi. Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu khá hơn tôi nhiều vì ảnh còn dám chan nước thịt xáo măng vào tô bún. Thấy 2 me xừ này ăn nhậu ào ào, hết xị này đến xị khác, hết món rựa mận này đến dĩa dồi, chả chìa kia, lại còn vênh mặt ra điều hả hê, thích thú, tôi cũng ứa gan lắm chứ. Nhưng dù 2 anh ấy "dụ khị" cách nào tôi cũng không dám nếm thử các món "nai đồng quê" chưa quen đó. Giả cầy thì mấy tuần trước tại nhà của họa sĩ Rừng/Kinh Dương Vương dưới Hawthorne, khi các bạn Phạm Tự Trong, Hà Thúc Sinh vừa làm xong, dọn ra, khỏi cần mời là tôi đã vội vàng khởi sự "thanh toán" trước.

          - Anh đã về thăm Sài gòn mấy năm trước, chắc biết 2 anh Linh và Kiệm hiện giờ ra sao?

          - Dạ, anh Tường Linh đã hom hem lắm rồi, bị đủ thứ bệnh, sống trong cảnh luôn thiếu thốn, nên chẳng mấy khi ra khỏi nhà. Còn anh Phạm Lê Phan thì sau khi Vi Xi chiếm Sàigon đuổi dân, bắt quân cán chính vào các trại tù, tập trung lao động khổ sai, anh đã sớm tình nguyện đi vùng kinh tế mới tại miền Định Quán, Lâm Đồng, để tránh bị họ truy ra lý lịch. Tại đó anh sống bằng cách hàng ngày đi câu cá ở sông rạch và theo anh TL cho biết thì mấy năm sau anh bị sét đánh chết ngoài bờ ruộng, trong một đêm trời mưa giông, lúc anh đang trên đường mang cá về cho gia đình đem ra chợ bán. Tôi mới lần đầu về nước nên không dám đi xa vào vùng hẻo lánh, vì vậy đã nhờ anh Tường Linh trao dùm cho chị Phạm Lê Phan một số tiền làm vốn để chị có thể buôn bán và lo cho các cháu.

          - Tội nghiệp. Anh Phạm Lê Phan và anh Linh là 2 trong những người hiền lành mà tôi luôn quí mến..

          - Dạ tôi hiểu rõ. Ngay cả việc anh Tường Linh bị ANQĐ bắt giữ lầm hay vì một nguyên nhân nào đó vào năm 1972. Nếu không nhờ chưởng môn can thiệp và bảo lãnh tôi sợ anh ấy chưa chắc đã được thả về ngay.

          - Anh TL làm thơ hay lắm nên thường được trúng giải. Có người nghĩ rằng tôi muốn giúp đỡ anh nên thiên vị chăng. Do đó có một lần họ đã thử thay đổi giám khảo và rốt cuộc anh ấy vẫn là người chiếm giải đầu.

          - Tôi còn nhớ có lần tiên sinh đã kể cho nghe về chuyện thời tiên sinh mới 15 hay 16 tuổi đã từng đi theo cụ Nguyễn Tiến Lãng đến dự hội thơ tại Vỹ Dạ. Tôi đầu óc đã kém minh mẫn, suy thoái nhiều nên không còn nhớ bao nhiêu. Xin tiên sinh vui lòng kể lại giai thoại đó một lần nữa.

          - Năm 1935 tôi được ông Nguyễn Tiến Lãng, giáo sư Pháp văn hỏi: "Cậu có muốn đi dự hội thơ không? Tôi mừng quá liền thưa ngay: Dạ rất muốn. Thế là Trung Thu năm đó tôi theo ông đến biệt thự của nhà thơ Ưng Bình ở Vỹ Dạ. Tôi đi theo chứ không được mời nên không có chỗ ngồi . Khách toàn vào hạng trung, lão niên, hầu hết đều mặc quốc phục và đeo bài ngà. Đầu đề bài thơ hôm đó là Trăng Thu, nhưng có một điều cấm kỵ: trong bài viết tuyệt đối không được dùng chữ Trăng cũng như chữ Thu. Tôi cảm thấy hứng thú nên cũng làm và nộp bài:


          * Trăng Thu
          Sương mỏng manh canh vắng lặng tờ
          Buồn xưa náo động mấy vần thơ
          Rưng rưng mắt lệ chàng mong nhớ
          Phơi phới mây xa thiếp hững hờ
          Bến quạnh lau già người chểnh mảng
          Rượu tàn canh vắng khách bơ vơ
          Lầu cao ai đó mây rèm tím
          Hồn lẻ đêm nay có thẫn thờ
          Hà Thượng Nhân


          Đến ngày rằm tháng chín thì hội thơ lại họp để tuyên bố kết quả. Lần ấy tôi cũng không ngờ là bài Trăng Thu của mình được trúng giải. Khi gọi đến tên người trúng giải thì cụ Ưng Bình hơi ngỡ ngàng vì thấy một cậu học trò đi lên. Bỗng cụ đọc :

          Trăm mặt thẹn thua chàng trẻ tuổi
          Một bài cũng đủ gọi thi ông


          Tôi bèn đáp ngay:

          Bảy bước dám thua Tào Thực trước
          Một lời xin gửi tạ tôn ông


          Bấy giờ trong hội nghị có cụ Kỉnh Chỉ. Cụ là Bác sĩ mà cũng là thi sĩ . Có thời cụ đã làm tổng trưởng y tế cho chính phủ Trần Văn Hữu hay Nguyễn Văn Tâm, tôi không còn nhớ rõ. Cụ Kỉnh Chỉ thấy vậy nói lớn: "Tào Thực thất bộ thành thi, cháu không chịu thua à? Kiêu ngạo nhỉ ! Tuy nhiên Tào Thực phải bảy bước mới thành thơ, cháu chỉ cần một bước đã thành thơ, thế thì cháu nói đúng. Nhưng cháu à, cháu nên nhớ: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Sau đó khi đi qua cụ Kỉnh Chỉ, tôi khoanh tay cúi đầu, thưa khẽ để một mình cụ nghe: "Cháu xin vâng lời dạy bảo của cụ" . Đó cũng là lý do, tuy đã viết rất nhiều thơ, hàng mấy chục tập, tôi vẫn không chịu xuất bản dù có dư điều kiện.


          ***

          Trên đường đến nhà nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, bỗng nhiên tiên sinh quay sang tôi cười ý nhị rồi từ tốn bảo:

          - Vừa rồi ở nhà tôi, anh đã uống hết mấy cốc rượu chát của tôi, lại còn nổi hứng chất vấn, chọc phá lung tung. Bây giờ chắc anh cũng chẳng hà tiện gì để cho tôi hỏi qua vài điều?

          - Dạ, xin lảo trượng cứ tự nhiên "như người Hà Nội".

          - Anh không giao du nhiều, chẳng mấy khi chịu viết lách, sao tôi thấy những người thân quen với anh ai cũng yêu mến anh? Lạ thật, lúc nào anh cũng ung dung, nhàn nhã, luôn bay nhảy đó đây. Sống độc thân, độc hành như vậy mãi anh không thấy buồn sao?

          - Thưa, tôi cũng hư đốn, ưa chọc phá nhưng tại anh em, bằng hữu chưa chịu ghét tôi đó thôi. Tôi thích rong chơi, cà tịch cà tang một mình quen rồi. Khi cảm thấy buồn, hoài nhớ ai thì tôi chạy đến thăm. Nếu lười đi xa hoặc bận chưa gặp nhau được thì tôi cứ hình dung, tưởng tượng là những người ấy đang ở bên mình, hình dung họ đang cùng mình đấu hót, chén tạc, chén thù là đủ vui, thấy ấm lòng rồi.

          - Thế còn các cô bạn gái, em gái tiền phương, hậu phương của anh thì sao? Bộ chẳng có ai khuyên giải, giữ nổi anh à? Nghe nói về món này anh cũng phong lưu lắm.

          - Dạ làm gì có. Tôi không muốn vướng lụy, lười giao tiếp, lại không biết kính trọng, chìu chuộng nữ giới,... thì ai mà thèm. Vả lại, già rồi, kéo theo "remorque" cũng mệt, phiền lắm chứ. Tôi bản chất cù lần, nên hiện giờ thật sự chỉ vỏn vẹn có vài em gái văn gừng, đúng nghĩa huynh muội mà thôi. Họ vẫn thỉnh thoảng viếng thăm hoặc trao đổi điện thư để đùa giỡn, nói chuyện cà kê dê ngỗng... Hơn nữa, anh em thân hữu ở đây thấy tôi luôn quởn, thích đi hoang, nên thường rủ rê, lúc cà phê, khi khề khà cùng nhau bên ly trà, chén rượu. Như vậy thì cũng đủ quên đời rồi, còn đòi hỏi gì hơn cho tốn sức lao động.

          - Sang đây anh kinh doanh việc gì mà ai cũng bảo anh là người khá giả, nên cứ hay du lịch, sống ở nước ngoài?

          - Thưa tiên sinh, tôi làm gì biết kinh doanh. Nhờ có chút ít vốn về kinh tế, tài chánh cũ qua đây học hỏi thêm, lại nhờ giúp việc cho một công ty tư vấn quản trị tài chánh lớn nên hiểu biết thêm đôi điều về thị trường chứng khoán. Do đó khi đến tuổi 59 tôi mới bỏ việc. Theo luật, tôi được quyền rút tiền 401K và stock option mà công ty đã cho để chuyển qua IRA, rồi tự điều hành portfolio của mình. Chắc trời thương, hậu đãi kẻ khù khờ, mất nước phải tha hương, nên trong mấy năm trước đã ban phát cho chút đỉnh "cơm cháo".

          - Lần này tái xuất giang hồ, lại chẳng còn chuyện gì vướng bận, anh có định trụ ở Cali để ngoan ngoản sinh hoạt, viết lách cùng anh em không hay lại cứ dở trò ló ló thụt thụt như xưa? Thấy anh ấn hành nhiều tác phẩm của người quen, sao anh không gom góp lại bài của mình để in một vài cuốn ?

          - Dạ, tôi đâu có mặn mà gì sâu đậm với việc in sách, làm báo hay viết lách. Thân hữu nhắc nhở, kêu gọi thì cộng tác một thời gian ngắn. Hết hứng thú thì bổn cũ soạn lại đi tìm nguồn vui khác. Bài vở viết xong thì coi như nhẹ gánh tang bồng, nên chẳng hề lưu trữ. Tánh lơ đảng, lại cứ nay đây mai đó có đưa vào USB thì rốt cuộc cũng bị thất lạc, đánh rớt. Còn ấn hành tác phẩm của mình ư? 50 năm nay tôi chưa từng có ý định làm việc đó.

          Gần đây, thấy tôi sinh tật ấn hành một số sách của các thân hữu nên con cháu lại nhắc nhở, yêu cầu. Bằng hữu thấy vậy cũng thúc giục mãi mà tôi vì lười nên cứ ù lì. Noel này tôi sẽ bay qua nước khác sống vài năm. Chẳng biết bầu không khí mới lạ vxứ người có giúp tôi sáng tác, tối tác gì được không. Khi đi chơi về rồi hãy tính. Cali thì nhộn nhịp, vui quá, nhưng tôi vốn như con ngựa hoang, chắc có ngày rồi cũng nhớ, tìm về với cảnh núi rừng cô tịch. Tôi tới đây từ nơi im vắng dĩ nhiên sẽ trở về nơi im vắng. Có thể vì nó thích hợp với bản chất sâu kín trong tôi. Trước khi tôi đi xa, lâu lắm mới về, xin "lão từ phụ" vui lòng dạy bảo cho một câu.

          - Quand quelqu'un a le privilège d'aimer et d'être aimé, sa vie est extrêmemement riche. Nói một cách khác, đơn giản hơn: Ân sủng được người thương yêu chỉ dành cho những kẻ biết thương yêu người. Hãy tiếp tục cuộc sống vui vẻ như anh đã sống.

          Nói đến đây thì nhà Vũ quân đã hiện ra trước mắt và câu chuyện vui cũng chấm dứt. Tiên sinh là người hiền hòa, khiêm ái, tôi lại là người hay trêu chọc, nên dĩ nhiên, bầu không khí cuộc hội thoại này luôn luôn thoải mái, đầy ắp tiếng cười.

          ***

          Hai năm qua sức khỏe của tiên sinh càng ngày càng suy nhược, ngũ quan hầu như không còn hoạt động bình thường và phải cần người săn sóc thường trực. Cũng may là các vị thân hữu trên ấy như các niên trưởng Đông Anh Nguyễn Đình Tạo, Vũ Đức Nghiêm, Thanh Thương Hoàng, Ngô Đình Chương, Trường Giang, Nguyễn Liệu, các bạn Chinh Nguyên, Mạc Phương Đình, Võ Thạnh Văn, Hải Bằng, Hải Phương, Hà Ly Mạc, Huệ Thu... vẫn thường xuyên đến thăm viếng và tạo niềm vui cho vị chưởng môn luôn được mọi người trân quí, thương kính này.

          Ngày thứ tư 24-11-2010 vừa rồi nhà xuất bản Văn Đàn Đồng Tâm đã tổ chức ra mắt tuyển tập Kỷ Niệm Về Thi Sĩ HÀ THƯỢNG NHÂN tại San José. Buổi lễ tuy không rơi vào những ngày cuối tuần, nhưng cũng qui tụ được nhiều thân hữu và giới ái mộ tiên sinh. Đặc biệt, còn có một số người ở các quốc gia xa xôi đã bay về vùng thung lũng hoa vàng để thăm hỏi và chúc tụng cụ. Văn đàn này do nhà văn Doãn Quốc Sĩ, BS Tạ Xuân Thạc và Việt Hải chủ trương và sau cuộc Ra Mắt Sách tại miền Bắc Cali văn đàn còn dự tính tổ chức ít nhất là tại miền Nam Cali và Texas. Cũng vì nguyên nhân này tôi đã rời Bangkok sớm hơn để về quận Cam kịp chạy lên SJ gặp chưởng môn. Lần này tôi thấy tiên sinh đang ngồi xe lăn do anh Phạm Hoàng Chương, trưởng nam của Hà quân đẩy. Lúc ấy, tôi còn nhận ra tiên sinh đã kém linh hoạt hơn trước và giọng nói càng yếu hơn.

          Nghe nói chưa đầy một tháng sau, vào trưa ngày chủ nhật 19 tháng 12 năm 2010, trưởng nữ của tiên sinh là cô Phạm Hoàng Minh Phi đã cùng các anh Hồng Dương, Phạm Gia Cát, Trần Phong Vũ lại đứng ra tổ chức buổi ra mắt tác phẩm thi ca "Thơ Hà Thượng Nhân" tại trung Tâm VIVO - San Jose. Tôi nghĩ, cô ấy muốn tạo sự ngạc nhiên cho thân phụ mình nên lo thu góp được một số tác phẩm thi ca của Hà quân, rồi âm thầm nhờ một số người đã từng cộng tác hay ái mộ chưởng môn thực hiện công việc ấn loát tại miền Nam Cali. Tiên sinh chỉ biết được sự kiên này sau khi được chính trưởng nữ của mình trao tặng tuyển tập thơ trước mặt quan khách.

          Sách in bằng loại giấy tốt, bìa cứng, dày 300 trang, chỉ dành để tặng. Ngoài một số thi phẩm tiêu biểu của tiên sinh còn có những bài viết của một số nhà văn, nhà báo nói về cuộc đời và đức độ... của vị trích tiên xứng đáng được trọng vọng, tôn kính này. Muốn có sách, xin liên lạc với cô Minh Phi: 2746 Agua Vista Drive, San Jose - CA 95132, điện thoại: (408) 506.2307 hoặc minhphipham@sbcglobal.net

          Tóm lại, ngoài các tác thẩm thi ca do con cái hay người ái mộ Hà quân tự ấn hành đã kể trên, chưởng mộn còn những ấn phẩm chuyên biệt khác, được Bộ Quốc Phòng hay những cơ quan trực thuộc Tổng Cục CTCT ấn hành trước 75. Đó là các cuốn sách, cẩm nang liệt vào hạng sách lược, chiến lược do tiên sinh soạn thảo. Những ấn phẩm này đề cập, dẩn giải về binh vận, địch vận và nghệ thuật thu phục nhân tâm, quần chúng với bút danh Hà Sĩ [nếu tôi nhớ không lầm] .

          Hơn 4 tháng trước, tôi lại chạy lên San Jose. Lúc tôi đến nhà thăm viếng thì tiên sinh đang mê mệt ngũ. Biết tiên sinh cần tịnh dưỡng, nên tôi chỉ ngậm ngùi đứng nhìn. Trong giây phút tĩnh lặng đó tôi đã mơ hồ, tưởng tượng như mình đang trước giường bệnh của thân phụ ngày nào, vào hơn 30 năm trước - trước ngày tôi xuống thuyền vượt biển rời bỏ quê hương.

          Là con người, có ai thoát khỏi lẽ biến thiên thành trụ, hoại không hay luật tuần hoàn sinh diệt của tạo hóa. Vì vậy đến tối ngày 11 tháng 10 năm 2011 vừa qua, Hà chưởng môn đã cởi hạc qui tiên để lại trong lòng thân nhân, gia đình, thân hữu của thi lão và những kẻ hậu sinh như chúng tôi biết bao nỗi luyến tiếc, đau thương.

          Công trình sáng tạo, sáng tác thi ca cả một đời của chưởng môn lại vì hoàn cảnh tang thương, thay đổi của đất nước mà thất lạc đi quá nhiều, vì chính sách đốt sách, vùi dập hiền tài, đọa đày người yêu nước, kẻ sĩ miền Nam. Tôi nghĩ đó là một sự mất mát, thiệt thòi lớn lao cho nền văn học, di sản văn học Việt Nam.

          Phan Bá Thụy Dương
          Garden Grove 24-10-2011
          [trong Những Trích Tiên Phiêu Bạt Trong Dòng Thi Ca, Nghệ Thuật VN]


          Ghi Chú:
          [1]: Nghị định do chính cụ Ngô Đình Diệm - lúc còn là Thủ tướng ký:
          Mr Pham Xuan Ninh est mobilisé par besoin de service à titre de Capitaine de réserve.

          [2]:Bùi Giáng dịch thoát 2 câu Canzoniere của thi sĩ tu xuất người Ý: Francesco Petrarca [1304-1374]. F.P còn được biết đến với biệt danh Petrarch. Hai câu này được trích trong một bài thơ diễm tình loại Sonnet mà ông đã viết cho Laura, người tình trong mộng của ông. Nhiều học giả, phê bình gia nghĩ rằng Laura là bà Laura de Noves - một thiếu phụ quí phái mà Francesco đã gặp gở tại nhà thờ Sainte Claire ở Avignon. Từ đó ông đã đơn phương đem lòng thầm yêu trộm nhớ nàng mỹ nữ nọ, nhưng không được bà đáp ứng.

          Comment


          • #6
            Cụ Hà Và Tôi

            Cụ Hà Và Tôi





            Nói về Cụ Hà Thượng Nhân, nhiều bạn bè tôi nơi đây, có thể tưởng tôi quen biết Hà Chưởng Môn đã lâu rồi, vì thường những lần tham dự những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ tại địa phưong San Jose, lúc nào có ông Cụ thì cũng có tôi lè kè theo làm tài xế, hay phải dắt tay, đỡ lưng ông Cụ lúc lên xuống xe, lên xuống lầu, trông giống như bố với con, hay như là bạn vong niên thân thiết. Nhưng thực tế thì lại khác, tôi chỉ mới được quen biết Cụ Hà- cây đại thụ trong làng Thơ mà tôi đã từ lâu ngưỡng mộ – từ hơn mười năm nay, như một cái duyên trong đời, sau khi định cư ở cùng một thành phố với Cụ.

            Ngày trước, vào thập niên 60 ở Sài Gòn, tôi cũng tự khoe với mình là người biết viết văn, làm thơ có nhiều bài đăng trên báo. Nhưng vốn là một anh học trò nhà quê, từ đất Tam Kỳ nghèo khó mới bước chân vào mưu sinh nơi thành phố lớn, tôi mang trong lòng chút tự ti, mặc cảm thua kém, nên đối với những nhà văn, nhà báo có tiếng tăm, tôi chỉ.. ”kính nhi viễn chi”. Với Hà Chưởng Môn, người đã chọn đăng trên nhật báo Tự Do mấy bài thơ của tôi, đã có lần tôi “làm gan” ghé đến Toà soạn xin gặp ông, để được cái hân hạnh nhìn mặt, nói với ông vài lời cám ơn, nhưng rất tiếc lần đó ông không đến toà báo. Cũng khoảng thời gian này, tôi ở chung nhà với anh Tạ Ký – trong khu cư xá Đô Thành – đôi khi anh ấy rủ tôi cùng đi uống rượu với cụ Hà, thường ở những quán bán rượu, bia vùng ngã ba Chợ Đũi. Nhưng tôi vốn đâu có quen uống rượu, nên chưa có dịp nào được gặp cụ Hà. Trong ký ức mơ hồ của một thời Saigòn, tôi chỉ nhớ đến cái tên Hà Thượng Nhân với hàng ngàn bài thơ Đàn ngang cung nổi tiếng., mà các bạn bè trong sở thường đem ra bàn tán hàng ngày trước khi làm việc, thoải mái với những nụ cười từ những dòng thơ châm biếm nhẹ nhàng, về những nhân vật có chức quyền, cùng những thói hư, tật xấu vừa xẩy ra trong chính trường, ngoài xã hội.

            Sau cuộc đổi đời, sự may mắn đưa đẩy tôi đến vùng đất mệnh danh là Thung Lũng Hoa Vàng này, để ngày hai buổi lăn lộn với công việc của một công nhân trong nghề lắp ráp linh kiện điện toán, mưu sinh nơi vùng đất mới. Chỉ vài năm, cuộc sống tạm ổn định, được hít thở không khí tự do, hạt máu văn chương, văn nghệ trong tôi đã thức dậy, luân lưu trong trái tim sau gần ba mươi năm ngủ yên, đã thúc đẩy tôi viết văn, làm thơ trở lại. Và nơi đây, trên các tập san, báo chí hàng ngày, hàng tuần tôi lại bắt gặp tên cụ Hà của một thời kính ngưỡng xưa. Hỏi thăm bạn bè mới biết Cụ cũng đã đến định cư tại san José trước tôi vài năm. Chỉ vậy thôi, rồi công việc hàng ngày lại cuốn hút – trong thời kỳ điện toán bùng nổ ào ạt tại Silicon Valley – tôi vào những miệt mài overtime không có được ngày nghỉ ngơi. Nhưng rồi cũng tình cờ vào buổi chiều chủ nhật, một người bạn cùng nơi làm việc, lái xe đến rủ tôi đi dự buổi ra mắt sách của một người làm thơ trẻ chưa quen tên. Lần này, tôi được nhìn thấy cụ Hà Thượng Nhân đứng lên từ hàng ghế đầu của hội trường, lúc ban tổ chức giới thiệu quan khách. Gần cuối chương trình, cụ Hà được mời lên phát biểu. Tay không cầm giấy, tử chiếc micro nhỏ nhắn, tiếng nói của Cụ cất lên, sang sảng. lúc nhanh lúc chậm, dội vào lòng người nghe giữa hội trường im phăng phắc, lưu loát và thuyết phục. Cụ nói đâu khoảng mươi phút rồi chấm dứt với tràng pháo tay vang dội, có lẽ hôm ấy tôi đã vỗ tay sớm hơn và kéo dài lâu hơn, như để chào mừng một người khách quý mà đã bao năm tôi đã ngưỡng mộ, chờ đợi được tiếp đón nhưng hôm nay mới được nhìn thấy, chứ chưa phải được gặp.

            Vào những ngày tháng gần cuối của thế kỷ, phong trào in thơ, ra mắt sách dường như theo nhau nở rộ ờ Cali nói chung và tại địa phương San José nói riêng. Tôi cũng nghĩ đến chuyện gom góp những bài thơ cũ, sáng tác thêm những bài thơ mới cho sự hình thành một tập thơ của riêng mình. và thầm ước ao rằng ngày mình tổ chức ra mắt sách sẽ tìm mời cụ Hà Thượng Nhân đến tham dư. Công việc làm của tôi thời gian này cũng tương đối thong thả hơn, tôi mày mò làm quen với computer và bước chân vào thế giới internet. Tôi bắt đầu làm thơ, viết văn bằng cách gõ phím, chứ không còn phài cầm bút viết lên từng trang giấy nữa. Bản thảo tập thơ “Lời Ru Của Mẹ” của tôi, với kỷ thuật tân tiến nó đã được in rõ ràng, sạch sẽ, chứ không giống như như những bản thảo của những văn thi sĩ thế hệ trước. Nhẩn nha đọc lại từng bài, tôi bỗng nảy ra ý định “sao không đem đến xin Cụ Hà Thượng Nhân đọc và sửa chữa cho tập thơ được hoàn chỉnh hơn?” Nghĩ đi là thế, nhưng nghĩ lại cứ băn khoăn, ngần ngừ không biết ông Cụ có chịu đọc và sửa thơ mình không?

            Thế rồi cũng từ một tình cờ tôi gặp một bạn thơ, anh ta cho tôi biết địa chỉ của cụ Hà. Tôi còn nhớ rõ, hôm ấy vào thứ hai đầu tuần. sau ngày làm việc về đến nhà, tôi gọi phone cho cụ Hà Thượng Nhân. Khi đã nghe tiếng Cụ “A-lô”, tôi nói liền :

            - Thưa bác, em là Ngô, có làm được mấy chục bài thơ, muốn đem đến bác xem, để xin bác vui lòng sửa chửa giúp em những thiếu sót, để hy vọng năm tới em có thể in thành tập để làm kỷ niệm cho bạn bè, cùng để lại cho con cháu sau này..

            Giọng cụ Hà mau mắn :

            - Được, anh đem đến cho tôi xem, có gì thì tôi góp ý cho anh, chứ sửa thì tôi không sửa đâu, trước nay tôi chưa hề sửa thơ ai bao giờ. Hôm nay tôi rảnh, anh có thể lại chơi..

            - Cám ơn Bác, em sẽ đi ngay bây giờ.

            Hồi đó, nhà cụ Hà nằm trên đường Cropley, một căn nhà nhỏ nép dưới bóng cây xanh.

            Tôi đậu xe trong vuông sân nhỏ với cái cảm tưởng thật xưa, đây là “lều cỏ” của thi bá Hà Thượng Nhân. Cụ Hà mở cửa, nhìn tôi rồi nói với giọng hiếu khách: “Anh vào chơi”. Phòng khách nhỏ, gọn gàng, ấm cúng. Trên bàn xô pha đầy mấy chồng sách và tạp chí. Cụ bảo tôi ngồi và rót trà ra tách. Bộ tách trà Tàu bằng đất nhỏ xíu gợi lại trong tôi hình ảnh các cụ đồ Nho ngày trước. Tôi không muốn làm phiền ông, nên vào đề liền:

            - Thưa bác, em đem tập thơ lại đây xin Bác xem giúp, lúc nào rảnh bác đọc cho một vài bài, có thể sang năm em mới in, xin bác vui lòng sửa chửa giúp em những sai sót, vần điệu, niêm luật em còn yếu kém lắm, xin bác đừng ngại.

            Vừa nói, vừa trịnh trong bằng hai tay tôi đưa tập thơ cho cụ Hà. Cụ cầm lấy chẳng cần nhìn qua, thuận tay gác tập thơ lên cái kệ thấp bên cạnh chỗ cũ ngồi, rồi hỏi:

            - Anh là người Quảng Nam hả?

            - Dạ, quê em ở Tam Kỳ, hồi Tổng thống Diệm cắt ra thành Quảng Tín.

            - Vậy thì chắc anh biết Vũ Ký, Vũ Hối.., Vũ Ký trước kia là bạn học với tôi ở Hà Nội.

            Giọng Cụ trầm ấm, thoáng chút mơ màng về những kỷ niệm cũ. Phần tôi, vốn là người vụng về trong giao tiếp, nên chỉ ngồi nghe ông lan man nói về những nhân vật mà ông quen biết ở đất Quảng như Bùi Giáng, Tạ Ký…

            Trời cuối năm, mới khoảng 6 giờ chiều đã muốn tối. Tôi đứng dậy xin phép ra về, ông Cụ cũng đứng lên đưa tôi ra cửa, tôi nhắc lại :

            - Tập thơ của em in một mặt giấy, xin bác cứ ghi thẳng vào đó những chỗ cần thay đổi, sửa chửa. Em chưa có điều kiện in tập thơ này trong năm nay, xin bác cứ thư thả xem giúp em, năm bảy tháng sau, lúc nào xong bác gọi em, em có ghi sẵn số phone trong đó, lúc ấy em sẽ đến xin lại. Được bác xem và sửa chửa cho những bài thơ của em là điều rất vinh hạnh, em luôn kính trọng bác là bậc thầy trong văn thơ, xin bác đừng ngại.

            Trên đường lái xe về nhà, tôi cứ bâng khuâng suy nghĩ, chắc cũng còn lâu ông già mới dòm đến tập thơ của mình. Tuy nhiên trong lòng cũng thấy vui, vì được cái hân hạnh gặp một thi sĩ mà từ lâu mình đã ngưỡng mộ, nhưng chưa có dịp được ngồi nghe ông lan man câu chuyện một thời vang bóng cũ.

            Ngày hôm sau, thứ ba, tôi đi làm về đến nhà khoảng bốn giờ kém. Vừa cởi chiếc áo công nhân màu xanh chưa kịp treo trên móc, thì có tiếng chuông điện thoại reo, tôi cứ thong thả mắc áo xong và tự hỏi ai mà gọi vào giờ này nhỉ – thường anh em bạn bè hoặc người thân gọi nhau vào buổi tối – nhắc chiếc phone lên, tôi nghe cái giọng Bắc trầm ấm của cụ Hà vang trong máy

            - Anh Mạc Phương Đình phải không? Tôi, Hà Thượng Nhân đây. Khá lắm, thơ anh khá lắm – giọng Cụ dồn dập

            - Tối hôm qua tôi đã đọc hết tập thơ của anh, thơ rất cảm động. Thơ anh viết làm tôi nhớ đến mẹ tôi, và tôi viết mấy câu để tặng anh đây, tôi đọc luôn cho anh nghe nhé,

            Và không cần đợi tôi trà lời. giọng cụ Hà tiếp tục vang lên từ đầu dây bên kia :


            Cám ơn

            Tôi vốn yêu thơ từ thuở nhỏ
            Người cho xem thử mấy lời ru
            Lời ru của mẹ qua năm tháng
            Dựng lại vầng trăng thuở ấu thơ
            Tóc đã bạc rồi, lòng vẫn trẻ
            Vẫn buồn như lá buổi tàn thu
            Lời ru của mẹ, lời ru ấy
            Có rối cùng chăng tóc Nguyễn Du?
            Có những đêm trường thao thức nhớ
            Lời ru còn nhớ đến bao giờ?
            Mẹ tôi mới đó không còn nữa
            Sao tiếng ru kia lại bất ngờ
            Xin cám ơn ai người tuổi trẻ
            Nhắc nhau trên những bước bơ vơ
            Rằng còn sông núi, còn quê mẹ
            Còn khói lam xanh, bóng nguyệt chờ
            Còn bến sông Hương hò mái đẩy
            Còn tà áo trắng nón nghiêng hờ
            Còn con đường cũ lung linh nắng
            Còn những bàn tay bát ngát thơ.
            Tôi đọc bỗng dưng tôi gấp sách
            Hỏi người câu hỏi rất ngu ngơ…

            Tối nay gối sách kê đầu ngủ
            Tưởng gối tình nhau thuở học trò
            Tưởng vẫn thơ mình ngày thuở ấy
            Cám ơn trời đất những cơn mơ.

            (Hà Thượng Nhân)



            Tôi nghe cụ Hà đọc một hơi dài mà tay nắm phone của tôi run lên vì cảm động, dường như giọng của Cụ mềm lại trong những câu thơ cuối. Tiếng Cụ ngưng lại. Tôi chưa kịp nói lời cám ơn thì Cụ tiếp :

            - Bây giờ thì anh có thể lên tôi để lấy tập thơ về.

            - Dạ, cám ơn Bác, em đi ngay bây giờ.

            Suốt buổi chiều hôm đó, cho đến gần tám giờ tối, tôi ngồi nghe Cụ Hà say sưa nói chuyện về thơ cũ, thơ mới, với những kỷ niệm thời Cụ đi học ở Hà Nội, Cụ theo kháng chiến, Cụ quay về vùng Quốc gia, và những văn thi sĩ thân quen…, cho đến khi Cụ Bà dọn cơm ra.

            Trước khi ra về, tôi xin phép Cụ cho được in bài thơ “Cám Ơn” vào tập “Lời Ru Của Mẹ”, Cụ cười bảo :

            - Bài thơ tôi viết tặng anh, vậy anh muốn làm gì thì làm.

            Cụ trao lại tập bản thảo có kẹp tờ giấy với những dòng thơ Cụ đã viết.

            Bài “Cám Ơn” của Hà Chưởng Môn được in trang trọng trong những trang đầu, như những dòng “Cảm đề” cho tập thơ tôi, là món quà tinh thần quý giá mà tôi rất hân hạnh nhận được từ một Lão Thi Sĩ, một trong số ít ỏi những bậc Thầy cùa làng thơ Việt Nam mà tôi đã yêu kính, ngưỡng mộ.

            Cẩm An Sơn


            (sangtao.org)
            Last edited by Hoanghac; 07-16-2013, 01:32 PM.

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X