Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cá bống kho tiêu cuối mùa mưa

Collapse
X

Cá bống kho tiêu cuối mùa mưa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cá bống kho tiêu cuối mùa mưa

    Xin chân thành cám ơn Anh Út-10 đã gởi bài sưu tầm online "Cá bống kho tiêu cuối mùa mưa....đến Phi Dũng Quán":
    Hầu thoả mãn thực khách trên diễn đàn...hoặc ngược lại làm cho chúng ta người Việt tha hương càng nhớ món ăn quốc hồn quốc tuý mà khó lòng quên đi đất nước tổ tiên, nơi sinh ra và nuôi nấng chúng ta từ tấm bé.
    Cá bống kho tiêu cuối mùa mưa

    Sài Gòn với những cơn mưa rả rích làm người xa quê chạnh lòng nhớ món ngon mẹ nấu mỗi dịp cuối hạ đầu thu, trong đó không thể không kể đến cá bống kho tiêu đậm đà...
    Cứ vào cuối tháng bảy âm lịch, khi những đợt mưa cuối cùng trút xuống nhà nhà rầm rộ đua nhau ra sông cất chài, kéo lưới vớt cá. Mùa nước nổi, sông nổi bột phù sa đục ngầu, tôm cá từ nơi thượng nguồn theo con nước đổ về, cả làng nhờ đó mà có thêm miếng ăn. Lũ trẻ con chúng tôi cũng lăng xăng cầm rổ rá đi theo giúp cha một phần, phần nữa là để kiếm thêm “của ngon vật lạ” cho riêng mình.


    Chỉ độ vài tiếng sau khi rảo thuyền đặt lưới, cha đã câu về đủ các loại cá: từ cá mại, cá ngạnh, cá diếc,... và có cả những con cá bống tươi roi rói. Loại cá bống cát ở quê tôi thon nhỏ, chỉ bằng chừng ngón tay trỏ nhưng nổi tiếng là ngọt thịt, cộng thêm thời điểm này vốn là mùa sinh sản của cá bống. Biết chị em chúng tôi mê ăn cơm trắng với cá bống kho, cha lẳng lặng lựa những con cá tròn mẩy, bụng căng trứng và đặt vào một rổ riêng. Số còn lại, cha nhờ chị hàng cá nhà bên ra chợ bán giúp, kiếm thêm ít đồng ra đồng vào.

    Cá bống đem về, thoạt tiên sẽ được mẹ cho vào rổ, lấy một ít lá sả, kèm thêm một ít muối sống xoa nhẹ cho cá sạch vảy, hết nhớt. Mẹ bảo phải làm vừa đều tay vừa nhẹ nhàng, để bụng cá đầy trứng không bị vỡ. Sau đó, cho cá vào nồi đất, rưới nước mắm xăm xắp, ướp đường, một ít nước màu và vài củ hành xắt nhuyễn. Cá thường được ướp từ một đến một tiếng rưỡi đồng hồ, gia vị thấm đều, săn cứng, thịt dai dẻo hơn.

    Kho cá bống nghe thì đơn giản, nhưng đảo cá, thêm bớt lửa thế nào đều phụ thuộc vào tay nghề. Mẹ thường nhóm củi cho vừa lửa khi bắt đầu kho; lúc nồi cá sôi lên thì để lửa liu riu cho nước kho đặc lại. Ít khi nêm tiêu ngay từ đầu, mà chờ đến khi nước kho gần cạn hết mới rắc đều tiêu khắp nồi. Sau đó, rưới thêm vài muỗng mỡ nhỏ rồi bắc ra khỏi bếp. Lúc này nồi cá dậy mùi thơm, những con cá bống được kho cong, hòa với lớp nước kho màu vàng cánh gián, nhìn rất ngon mắt!

    Giữa mùa lũ, có một nồi cá bống kho tiêu, với đám rau sống, vài nhúm xoài xanh, dưa leo, cùng nồi cơm trắng thì thật không gì sánh bằng. Trẻ con chúng tôi chỉ chực lúc mẹ bày cơm ra là sà vào ăn, vị cá bống mặn mòi, thơm béo quyện với vị tiêu cay.

    Món cá bống kho tiêu đưa cơm rất nhiều, thường phải đến hai, ba chén. Ăn hết cá, lại cho cơm trắng vào nồi, trộn, vừa ăn vừa hít hà vì thèm và... cay.

    Quê tôi còn có thêm một đặc sản: bánh tráng nướng cuộn cá bống kho tiêu. Cũng chế biến như thế, nhưng mẹ thường lựa những con cá bống nhỏ chừng ngón tay út, ướp nước mắm ít hơn, thêm tiêu (nhưng không quá nhiều để nồi cá khỏi đắng), bắc lên bếp củi, để lửa nhỏ chừng hai, ba tiếng, cho đến khi lớp nước kho cạn hết, những con cá bống khô cong, cứng lại, hơi cháy xém.

    Bánh tráng nướng nhúng ướt, cuốn với rau sống và cá bống kho, nhai cả thịt lẫn xương cũng là một món ăn khoái khẩu với chúng tôi, nhất vào những năm nước lũ lên sớm, vụ mùa không gặt kịp, đâm ra thiếu gạo, thiếu khoai...

    Dạo nọ, tôi bước vào một nhà hàng lớn giữa Sài Gòn, giật mình khi cầm thực đơn và thấy cái tên cá bống kho tiêu nằm ngay trang đầu. Chợt mừng món ăn của quê nhà nay được nâng niu ở nơi đất khách, và bồi hồi như vừa gặp lại một người bạn thuở thơ ấu đã lâu ngày xa nhau...

    4 món 'quên sầu' ở Cà Mau

    Cà Mau là tỉnh cực nam, là vùng đất mới khẩn hoang của người Việt. Vùng đất góp nên nhiều món ăn ngon cho nền ẩm thực Việt Nam.

    Trong số các món ngon của đất Cà Mau, cháo trăn sông Trẹm, cá lóc nước trui, ba khía Rạch Gốc, lẩu mắm U Minh đã được xếp vào danh sách những món đặc sản Việt Nam.

    Cháo trăn sông Trẹm

    Nhiều người về Miệt Thứ mà chưa ăn cháo trăn thì chưa thấy hết cái đã, cái hương vị thời khẩn hoang của vùng Cà Mau.



    Thịt trăn vàng lựng, chặt miếng vuông xen lẫn mấy thớt mỡ trăn bóng ngần mới trông đã phát thèm. Chỉ cắn một cái đã nghe sừn sựt rồi vị béo, ngọt, là lạ đến tê đầu lưỡi. Phần bao bên ngoài miếng thịt giòn giòn, ngon nhất mà hình như không phải da. Phần làm cho nồi cháo thơm nhất có lẽ là mỡ trăn, thấy vậy mà không béo.

    Cháo trăn sông Trẹm thường ăn kèm với rau rừng đặc biệt là loại dây leo đọt trại và nước mắm biển Kiên Giang thì tuyệt. Có thể nấu kèm đậu xanh với cháo trăn ăn có tác dụng giải nhiệt và tẩm bổ.

    Cá lóc nướng trui Cà Mau
    Là món ăn dân dã, dễ làm và đặc trưng cho miền đồng Nam Việt nhưng cá lóc nướng trui lại có một hương vị vô cùng độc đáo.


    Cá khi vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, dùng tre xuyên từ đầu đến đuôi rồi vùi cá vào đống rơm khô, châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.

    Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột mới cảm nhận được hết vị thơm ngon vùa cay vừa mặn vừa ngọt của món cá lóc nướng đặc sản của dân Nam. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc nướng trui thường ăn với nước mắm me, cuốn với bánh tráng, rau thơm ăn thì tuyệt.

    Ba khía Rạch Gốc

    Ba khía Rạch Gốc có nhiều nhất là vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác. Ba khía sau khi bắt, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được. Muối ba khía không nên mặn quá, cũng không lạt quá. Vì nếu mặn thì thịt sẽ xẵng lại, còn nếu lạt quá thì thịt mau bủng, ăn mất ngon.


    Ba khía muối cho vừa ăn, bẻ ngoe, càng ra rồi trộn chung với tỏi, ớt băm nhỏ. Sau đó, nặn thêm chanh vào tạo vị chua cho bùi rồi thưởng thức. Còn cái mai của ba khía thì bỏ cơm nóng vào, trộn đều với gạch son, ăn rất đặc biệt. Vị mặn, ngọn, chua, cay hòa với mùi thơm của tỏi và thịt của ba khía chắc chắn sẽ làm hài lòng.

    Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt; gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm gia vị cho vừa ăn. Với cách này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ; Ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên.

    Lẩu mắm U Minh
    Lẩu mắm (mắm kho cho vào lẩu) là một trong những món ăn không thể thiếu của người Nam nói chung và U Minh nói riêng.


    Để có lẩu mắm ngon, thơm phải lựa từng con cá sặc bướm. Sau đó làm sạch vảy, ruột, rửa sạch, đem phơi cho cá ráo mặt, rắc muối giã nhỏ, cho vào một cái khạp, bên trên dùng mo cau và sống dừa cài chặt để giữ cho con nắm không nổi lên bề mặt.

    Lẩu mắm phải ăn kèm với rất nhiều rau, như bông súng, đọt nhãn lồng, ngò gai, ngò om, cải xanh, rau muống, rau ngổ, đậu rồng, kèo nèo, rau đắng, càng cua, bông so đũa, cà phổi, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi... Ngoài ra còn có đọt choại, loại rau rừng chỉ có ở rừng tràm U Minh. Rồi đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín như lươn, cá rô, các sặc rằn, cá dầy, cá lóc... cùng “lên lửa” với nước cốt mắm sặc thơm lừng. Cũng không thể thiếu bát ốc lác sôi sùng sục dưới đáy nồi lẩu.

    Vân Nhi
    Ăn cá linh, nhớ mùa nước nổi

    Trần Tiến Dũng
    Cả miền Nam vào mùa nước nổi, chợ lớn, chợ nhỏ xứ nào cũng bán đầy cá linh.

    Mỗi lần nhắc đến loài cá này là từ các chợ cho đến từng bữa ăn, mọi người miền Nam lại lóng lánh ánh bạc như thể loài cá này được tạo ra từ ánh sáng đồng bằng, được sinh dưỡng từ những tinh thể nước quí giá của vùng đầu nguồn sông Cửu Long.


    Cá linh bán ở chợ. (Hình: Trần Tiến Dũng)

    Giữa người già và người trẻ có một điểm khác nhau mỗi khi nhớ về cá linh, người già thì hướng về thời điểm nước đổ, nước lụt rồi lo cho người, cho lúa trước rồi mới nghĩ đến cá linh, còn người trẻ hễ vào độ Tháng Bảy, Tháng Tám âm lịch là hỏi thăm chừng có cá linh chưa và nghĩ đến các món ngon được nấu từ cá linh.

    Nước lũ về thì lụt lội, mất mát nhưng lũ sông Cửu Long không về thì nhớ mong. Sau mười năm trông ngóng dòng nước lũ thân quen lại đổ về vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Mấy ngày nay, trong những câu chuyện trên trời dưới đất ở các quán cà phê Sài Gòn bỗng có người lại nhắc về cá linh. Cái loài cá nhỏ chỉ bằng ngón tay này giờ đây lại gắn liền với những chuyện đại sự về hiểm họa các đập thủy điện ở Trung Quốc, ở Lào... và lại nóng hơn nữa với chuyện dự đoán mực nước biển dâng nhận chìm một số vùng đất miền Nam.

    Chỉ với khoảng mười năm nước lũ không về mà thời thế đã đổi thay kinh khủng, chẳng những các loài cá nước ngọt đang trên đường tuyệt chủng mà cả dòng nước lũ mang phù sa phì nhiêu bao đời bồi đắp nuôi dưỡng miền Nam cũng sẽ lụi tàn vì nguy cơ nước biển xâm thực. Nhiều người ở Sài Gòn muốn rủ nhau đi đón nước lũ về để ngắm cá linh nhảy xoi xói trong dòng nước đục lềnh phù sa.

    Nhưng cũng rất nhiều người nhất là những người trẻ tuổi không hề biết con cá linh ra sao. Một cô nhà báo trẻ gốc miền Bắc mới vào nói: “Em chưa được ăn cá linh bao giờ. Thế quán nào ở Sài Gòn bán món cá linh chỉ giúp em với?” Vậy đó, ai bi quan cũng có thể dự đoán rằng cá linh rồi đây cũng tuyệt chủng trên khẩu vị người Sài Gòn mới.

    Tuổi thơ của hầu hết người miền Nam, vào tháng mưa dầm hầu như ngày nào bữa ăn gia đình cũng có món cá linh. Ký ức rõ nhất về cá linh là mỗi lần ăn đều được phép gắp nguyên con và cứ vậy ăn nguyên con không sợ xương cá. Cái cảm giác bỏ nguyên một con cá với lớp vảy nhỏ óng ánh bạc vào gọn trong miệng là một cảm giác ngon khó tả. Rồi khi cả xương, cả thịt cá hòa lẫn với gia vị mềm ngọt trong miệng người ta mới ví von rằng cá linh là quà tặng của dòng sông thiêng. Nhưng đâu phải tự nhiên mà loài cá này mềm ngọt hết biết vậy. Bao đời sống với mùa lũ đồng bằng là bao đời những người đàn bà miền Nam tinh lọc cách chế biến và truyền lại những món cá linh ngon hết biết.

    Về các món cá linh. Ở miệt sông Hậu thì người ta có món cá linh kho tiêu, cá linh um cuốn bánh tráng, cá linh nấu canh bông điên điển, cá linh chiên xù... Dân ở cuối sông Tiền biết đến món cá linh là do vào mùa cá linh rộ, ghe thuyền miệt Tân Châu-Hồng Ngự... đưa cá về bán nườm nượp.

    Món cá linh chúng tôi thường ăn nhất là món cá kho. Cá linh kho xả bào thì dân dã bình dị, cá linh kho mía thì vị ngọt có tiệc tùng, duy chỉ hai món cá linh mà chúng tôi xếp vào hàng bậc nhất là món cá linh kho với cái dừa cứng cạy (loại cái dừa làm mứt dừa) và món canh chua cá linh nấu lá me.


    Cá linh kho. (Hình: Trần Tiến Dũng)

    Tất nhiên tôi đâu có quên món mắm cá linh ăn sống với cơm nguội và mắm kho bằng mắm cá linh, nhưng qua “thế giới” mắm của người miền Nam thì lại là một đề tài khác.
    Có người nói với chúng tôi rằng, vào mùa cá linh rộ giá cá rẻ rề, mắc gì mà kho với dừa cứng cạy chi vậy. Nói như vậy là không hiểu ý của người quê tôi. Khi xắt những miếng dừa cứng cạy bằng ngón tay út, kho chung với cá linh non đầu mùa cũng cỡ ngón tay út. Màu trắng đục của dừa, màu trắng tinh của cá khi sôi trong màu vàng sậm của nước mắm sẽ tạo ra hương vị béo thơm của cá của dừa và vị đắng nhẫn nhẫn của ruột cá, phải kho cá linh kiểu đó mới thành khẩu vị quê tôi.

    Sau này lúc sống ở Sài Gòn tôi được biết thêm người đô thị này thích kho cá linh với nước dừa tươi. Cái cách kho này của người Sài Gòn thật là tinh tế quá. Vị ngọt của một loài cá nước ngọt chỉ có duy nhất ở sông Cửu Long kho với vị ngọt của nước dừa, hai vị ngọt của hai thứ số một của đồng bằng miền Nam một khi hợp thành thì món cá linh đúng là căn cội tinh tế của khẩu vị người miền Nam.
    (Sưu tầm online by Ut -10 /IP 245 Biên Hoà )

  • #2
    Đuông Dừa món Đặc Sẳn Kinh Dị

    ĐUÔNG DỪA-MÓN ĐẶC SẢN KINH DỊ
    Post:PSXH/TVC
    Nguyễn HỮU TIẾN


    Quê tui tuy không phải là xứ dừa nhưng cũng có trồng dừa nhiều lắm, Nói chi xa xôi, nhà tui thôi, ngày ấy dù là nhà nghèo nhất xóm nhưng cũng sở hữu được cả chục cây dừa chứ bộ! Lớp của người chủ cũ trồng từ…kiếp trước, lớp sau khi dọn về ở mẹ tui trồng tiếp nữa…
    Cây dừa gắn liền với đời sống của từng người dân quê tui vì tất cả bộ phận của nó từ thân lá cho đến trái dừa….không có cái gì mà bỏ đi hết…kể cả những loài ký sinh hại chết nó.


    Ngày đó gia đình tui có được đồng ra đồng vô mỗi ngày để mua đồ ăn, mua gạo…cũng là nhờ vào mấy cây dừa ấy. Ngày ngày tui phụ mẹ giựt từng tàu lá dừa khô xuống, róc hết lá, rồi bó lại từng bó chừng một ôm rồi để dành bán cho người ta mua về nhúm lửa….Vào mùa mưa dầm, không có củi khô để chụm, nếu mà không có lá dừa để nhúm lửa thì để nấu được nồi cơm ăn cũng “trần ai khoai củ” chứ chẳng chơi à nghen!
    Nhà trồng dừa nhiều nhưng tui thì lại không biết leo dừa mới nghiệt chứ!… leo lên thì được nhưng khi leo xuống thì…tui bó tay. Tui duy nhất chỉ leo được mỗi cây dừa nằm sát nhà tui mà thôi, bởi vì khi leo xuống thì tui “quá giang” bằng đường…mái nhà, chứ nếu mà ôm thân cây dừa tuột xuống thì ít nhiều gì tui cũng bị te tua cái bụng và nát bấy cái ngực…hì hì…!


    Mỗi lần muốn hái dừa khô đem bán thì mẹ tui toàn nhờ mấy anh hàng xóm leo dùm, rồi biếu cho người ta vài trái dừa khô hay dừa nạo ăn lấy thảo vậy thôi. Lâu lâu lại phải nhờ người ta leo “xổ” dừa nữa. Xổ dừa nghĩa là làm sạch ngọn dừa để chuột không làm ổ trên cây dừa, dọn dẹp sạch rác rưới, chặc bớt bẹ dừa khô, lột bớt lớp áo dừa để cây dừa nẩy nhiều lưỡi mèo, cho nhiều trái và nhất là để ngăn cho con Đuông không sống được trên đọt dừa. Bởi nếu mà cây dừa nào bị Đuông”tá túc” là coi như cây dừa đó trước sau gì cũng bị “khai tử” mà thôi…
    Đuông là một loại côn trùng ký sinh, nó đặc biệt thích ăn củ hũ dừa (cái đó ai mà chả thích ăn, tui còn thèm muốn chết huống chi là con Đuông..he.. he…!!!).


    Con Kiến Vương hay có nơi người ta còn gọi là con Bọ Rầy - là một loài bọ cánh cứng, khi tới tuổi trưởng thành, sau khi giao phối thì nó tìm cây dừa nào khỏe nhất để đục lỗ và đẻ trứng vô đó. Trứng phát triển thành ấu trùng trong thân cây dừa cho đến khi ấu trùng lớn cỡ bằng ngón tay thì gọi là Đuông. Con Đuông là loại ấu trùng…ăn được. Đuông nhờ ăn củ hũ dừa mà sống, mà củ hũ là phần lõi non nhất – là phần “tủy sống” của cây dừa, nó trắng, dòn, ngọt và ngon… không thể tả (Tiến tui sẽ có entry nói về thứ đặc sản này kỹ hơn đó…! Bà con chờ xem nghen…!)….. Nhờ vậy mà con Đuông có vị ngọt, béo và rất hấp dẫn, Với con Đuông người ta có thể làm rất nhiều món khác nhau như tẩm nước mắm ăn sống nè, lăn bột chiên nè… rang, nướng nè, luộc nước dừa, nấu cháo, trộn gỏi củ hũ dừa nữa nè…Nếu có dịp nào đó về quê tui ngay dịp người ta hạ dừa bắt Đuông là bạn sẽ được dịp thưởng thức món Đuông. Bảo đảm ăn một lần bạn sẽ nhớ suốt đời… !

    Đuông là món đặc sản ngon bổ nhưng rất quí hiếm, Mà sao nó lại quí hiếm nè???... Là vì dẫu biết con Đuông nó ngon, nó hấp dẫn nhưng muốn có được Đuông ăn người ta phải hạ cây dừa xuống, chẻ ngọn ra mới bắt được nó, mà làm vậy thì coi như giết luôn cây dừa, mà cây dừa nào mà “được” Kiến Vương chọn để đẽ trứng thì cũng phải là cây dừa phát triển tốt và trồng năm mười năm chứ hổng ít…cho nên không người nào dám hy sinh cây dừa để mà bắt Đuông hết, chỉ chờ khi thấy cây dừa nào vàng lá, rũ đọt…coi như chắc cú là cây dừa sẽ “ngủm củ tỏi” thì người ta mới đốn cây dừa xuống và bắt Đuông…Có người từ lúc sinh ra cho tới lúc về miền “cực lạc” vẫn chưa một lần được ăn con Đuông…cho nên suy ra Đuông là món ăn quí hiếm là như vậy đó!
    Đuông còn là món đặc sản …kinh dị nữa....! Vì sao gọi nó là món ăn “kinh dzị” vậy cà??? –Xin thưa: Là vì con Đuông Đuông có hình dạng y như con sâu, có màu trắng sữa, mềm nhũn, thân nó có nhiều lông măng, nó không có chân, chỉ cử động thun ra thun vô…dòm thấy mà ớn!.


    Khác với cây Chà Là, cây Cau…cũng có Đuông nhưng mỗi cây chỉ có một con làm “bá chủ” Cây dừa thì khác, một cây có tới hàng trăm con Đuông, mỗi con khoét một lỗ, cứ ăn tới cho tới khi nào nát ruột của đọt dừa thì thôi, cho nên hầu như không có con Đuông nào …ốm hết, con nào cũng mập ú, nhũn nha nhũn nhĩn…đầu đít bằng nhau, bụng thì tròn ủm, nung núc sữa. Cũng vì không có chân nên chúng không thể đi được mà chỉ biết ăn tới đâu lết thân theo tới đó nhờ vào phần đầu chúng rất cứng và có cặp răng rất khỏe (vậy nới cạp thân dừa mới được chứ! Đúng hông?...)
    Hồi nhỏ tui cũng may mắn được chứng kiến người ta bắt Đuông vài lần, cứ hể nghe nói nhà ai chuẩn bị hạ một cây dừa để bắt Đuông thì y như rằng cả xóm kéo tới coi như một sự kiện gì đó lớn lao vậy. tụi con nít tụi tui thì càng kg thể bỏ qua cơ hội có một không hai này…
    Nhớ có lần cây dừa của nhà anh Tâm Bắp bị Đuông ăn, cây dừa ngày một cằn cỗi, không trổ bông ra trái, lá dừa vàng khè, đọt bị Đuông ăn, gãy ngang, rũ quẹo xuống…Có những đêm vắng vẽ tui đi ngang qua cây dừa, tui còn nghe rõ mồn một tiếng Đuông cạp ruột dừa rào rạo bên trong…nghe ớn hông?…
    Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tui thấy con Đuông…trước đó tui cũng nghe mấy ông bợm nhậu trong xóm kể về món Đuông, tui cũng chỉ biết đại khái rằng con Đuông nó như con sâu. Mà tui không hiểu nỗi mấy ông nội đó nữa, thiếu gì món không nhậu, lại đi nhậu với con sâu đó làm gì…???
    Khi thấy anh Tâm Bắp cưa xong cái ngọn dừa ra khỏi thân cây, bắt đầu lấy búa bổ ra để bắt Đuông…thì lũ con nít tụi tui cũng bắt đầu bu lại. Riêng tui thì rất háo hức muốn nhìn mặt con Đuông để biết nó tròn méo thế nào…

    Cái ấn tượng đầu tiên của tui khi lần đầu nhìn thấy con Đuông cũng khá là sợ, vì hồi nhỏ tui vốn sợ sâu mà…. bà con đã từng thấy con sâu của cây Gòn chưa? nó là loài sâu mà theo tui từng thấy là bự nhất rồi, vậy mà con Đuông nó còn bự hơn nữa. Con vừa thì bằng ngón tay trỏ, con mập thì bự cỡ ngón cái, có con còn bự bằng hai ngón tay luôn…Ghê nhất là mấy cọng lông trên mình nó, đuông Chà Là thì không có lông chứ Đuông dừa thì có đó…thử bắt một con bỏ lên lòng bàn tay cho nó ngọ ngoạy mà coi… đãm bảo bạn không nổi da gà là tui không ăn tiền luôn…!
    Hồi đó tui thắc mắc trong bụng là không hiểu vì sao người ta có thể cho cái con sâu gớm ghiếc đó vô miệng mà nhai được ta? Nhìn thấy nó lúc nhúc trong thau thôi là tui muốn xanh mặt rồi nói gì tới chuyện ăn nó, tưởng tượng thôi là cũng thấy muốn ói rồi…Thà nó như là con rắn, bình thường tuy là tui không dám ăn thịt rắn vì thấy cái da của nó ghê ghê, nhưng khi chị tui lột da nó ra, làm thịt và nói dóc với tui rằng đó là thịt gà thì tui cũng ăn tuốt luốt…khuất mặt khuất mày thì vậy. Còn đằng này, con Đuông nó y như con sâu, mần kiểu nào nó vẫn nguyên hình con sâu…sao mà có thể gắp cho nó vô miệng mà ăn được đây hả trời….!!!

    Lần đầu tiên biết con Đuông đối với tui như vậy là xong, tui không ăn con Đuông nào hết vì …sợ quá. Nhưng những lần thấy người ta hạ dừa bắt Đuông sau đó thì vì tui cũng đã nghe quá nhiều người khen Đuông ăn ngon, vì tui cũng đã lớn lên một chút, hết còn thấy sợ con Đuông nữa, và nhất là vì tò mò, muốn ăn thử nó một lần cho biết để không thôi sau này người ta nói về Đuông mà không biết gì để nói theo …thì quê lắm.
    Và tui bắt đầu tham gia phụ mấy ông già bắt Đuông và làm Đuông từ đó, Cũng từ đó tui biết ăn con Đuông…lần đầu tiên phải nói là tui ăn con Đuông chẳng qua là vì…cái sĩ diện đàn ông. Để mấy ông già khỏi kêu tui là thằng con nít mà thôi.


    Nhớ lại lần đầu tiên tui ăn Đuông…Tui nhắm mắt, trân mình gắp con Đuông cho vô miệng, mà thật tình lúc đó tui cũng chỉ dám ăn con Đuông lăn bột chiên mà thôi vì lớp áo bột mì chiên giòn bên ngoài sẽ che đi cái hình thù con sâu gớm ghiếc của con Đuông nên cũng đỡ “ớn” phần nào. Để tui cố gắng nhớ lại và diễn tả kỹ càng cái cảm giác lần đầu tiên tui ăn con Đuông cho bà con nghe thử nghen….Chà…Biết ví von sao đâu cho bà con dể hiểu đây ta? À…!! Bà con cứ tưởng tượng con Đuông như cái túi nilon nhỏ cỡ ngón tay cái có hình dạng như con sâu nghen, rồi bà con gom hết tất cả chất béo trên đời này như bơ, sữa, phô mai, dầu mỡ…đem xay nhuyễn…trộn chung lại với nhau rồi đem nhét thật chặt vào cái túi đó, cột chặt hai đầu cho căng cứng rồi đem lăn bột, chiên giòn…Khi ăn, bà con cứ gắp nguyên cái túi chất béo đó mà cho vô miệng, ngậm chặt miệng lại và hai ba…cắn…! Một tiếng “phụp” rất là “thanh tao” sẽ vang lên trong họng như là bom nổ, … vỏ túi bể ra…ngay sau đó là vô số chất bổ trong túi sẽ bung ra …giải phóng chất béo ra tràn ngập họng nó len lỏi vào tận kẽ răng thiếu điều như muốn chui qua kẽ răng mà xịt ra ngoài luôn vậy…Lúc đó thì bà con chỉ còn “biết câm nín nghe tiếng em…nuốt” thôi chứ không thể làm gì khác hơn nữa. Bà con chỉ còn có thể tận hưởng tất cả hương vị thơm ngon, béo ngọt của con Đuông qua… đầu lưỡi mà thôi…(vì đã cứng họng rồi mà…he he!!!). Nói chung là bà con sẽ không nhai được gì hết, một cảm giác vừa ngon vừa ngán, vừa muốn…phun ra ngoài….Nhưng khoan hãy phun ra vội… Chỉ cần vài giây định thần lại thôi, bà con hãy cứ nghĩ đây là một món ăn mà mình có thể ăn được lần này là duy nhất trong đời thì bà con sẽ không nỡ nào phun ra được cho dù …rất muốn. Cố gắng nuốt “ực” một cái, rồi bắt đầu tiếp tục “chép chép” miệng vài cái nhe!!!, đưa đầu lưỡi quét dọc theo hai hàm răng, vét sạch hết mọi chất béo còn lại…nuốt một lần nữa…Bảo đảm là bà con sẽ bước sang một thế giới khác liền…cái thế giới của sự lâng lâng lên tới óc o…thế giới của “tá lả” mùi vị xông lên tới … mỏ ác, thế giới của hàng vạn tinh túy của cây dừa đang từ từ lan tỏa khắp cơ thể…xâm nhập vào từng mạch máu … thẩm thấu đến tận đơn vị tế bào…..hay “na nô” hơn nữa là vào tới tận từng đơn vị ADN trong cơ thể của bà con luôn…

    Sỡ dĩ tui diễn tả không giống ai như vậy là vì thật tình tui cũng kg biết nói sao về cảm giác của mình trong cái lần đầu tiên ăn con Đuông đó. Nó ngon kg ra ngon, mà dỡ cũng kg ra dỡ, nó cứ thấy là lạ…nó thấm từ từ…cộng với cảm giác sờ sợ đến sởn gai ốc…nó như lần đầu bà con biết tới trò chơi cảm giác mạnh vậy…Ban đầu thì sợ, la hét muốn stop trò chơi, nhưng chơi xong một thì bà con lại muốn chơi tiếp nữa…
    Ăn Đuông cũng vậy. Ăn một con thấy ớn ớn, ăn thử con thứ hai thầy là lạ, ăn tiếp con thứ ba bắt đầu thấy hấp dẫn…đến con thứ tư là ghiền hồi nào hỗng hay…!!! Tui nhớ hoài câu nói của một người bạn tui sau khi được tui cho thưởng thức món Đuông: “Ăn Đuông cũng giống như ăn Sầu Riêng vậy…” Ăn một lần đầu thấy “thúi” không chịu nỗi nhưng ăn lần hai thì đã thấy ngon, lần 3 thì…thành “fan” của Sầu Riêng” mất rồi…


    Đuông bây giờ đã là “Quốc Hồn Quốc Túy” rồi. Bởi vì Đuông không chỉ là món đặc sản duy nhất của miền nào hết, nơi nào có trồng dừa là có Đuông. Nghe đâu ngày xưa Đuông còn là món để dâng cho vua Minh Mạng nữa đó. Ổng ghiền món Đuông tới nỗi mà đã cho thợ chạm khắc hình con Đuông trên cửu đỉnh đặt ở Thế miếu ngoài cung đình Huế. Và xem Đuông như là một sản vật lạ và quí của nước Nam…ghê chưa!
    Bây giờ khi đã quen ăn Đuông rồi thì tui lại khoái ăn món Đuông nướng hơn, món này nhờ để nguyên con mà nướng không tẩm ướp nên nó còn nguyên 100% hương vị “chính thống” của con Đuông. Mà cũng nhờ nướng vàng lớp da bên ngoài mà khi ăn cũng bớt cảm giác “ngán” nữa.

    Nướng Đuông, nghe đơn giản vậy chứ mần nó cũng không dể chút nào đâu à nghen! Cả một nghệ thuật luôn đó.
    Hồi đó tui còn nhớ tui thấy mấy ông già bơm nhậu trong xóm tui nướng Đuông, vừa nướng vừa nhậu…vừa ăn Đuông, vừa đờn ca tài tử…thật thú vị vô cùng.
    Đuông sau khi bắt về, trước tiên tui thấy mấy ổng lựa Đuông ra, con bự để riêng và con nhỏ một thau riêng nghen, (nghe nói thau này thau kia là bà con cũng ngầm hiểu là số lượng Đuông trong một cây dừa nó nhiều tới cỡ nào rồi hén)
    Đuông nhỏ thì đưa ra sau bếp cho mấy bà làm món lăn bột chiên giòn hay nấu cháo cho sắp nhỏ húp tẩm bổ. Mấy con Đuông bự thì mấy ổng mới để mần món nướng. Tui thấy mấy ổng lấy ngay cái tàu dừa của cây dừa vừa hạ xuống, róc hết lá, còn lại sống lá, chặt ra và chẻ đôi ra làm kẹp gắp nướng Đuông vì cây dừa còn tươi khi nướng trên lữa sẽ không bị cháy mà còn cho mùi thơm rất đặc trưng của tàu dừa khi bị cháy xém nữa đó. kẹp con Đuông vô giữa hai nẹp sóng lá dừa, đừng kẹp chặt quá, con Đuông sẽ bị bể thì còn gì là chất bổ nữa…đưa kẹp Đuông lên lữa than, để nóng riu riu, lật qua lật lại cho con Đuông chín vàng đều, canh cho vừa giòn da là lấy ra liền. Nước mắm me đã mần sẳn nghen, khi con Đuông vừa nướng xong còn nóng giòn, mà chấm vô mắm me rồi bỏ vô chén, trong chén đã có sẳn rau thơm, tía tô hay rau cải trời, sẳn đũa kẹp chung con Đuông nướng với rau ghém…cho vô miệng...Vỏ Đuông bể ra, chất béo lan tỏa trong miệng, nữa giống như ăn đậu hủ trắng, nữa giống ăn phô mai, phần ăn giống như ăn bánh kem dừa….một phần giống cảm giác như ăn óc heo….Rồi cộng thêm với mùi nồng cay của rau thơm, chút chua chua mặn mặn của mắm me… Ăn Đuông mà “đúng bài” là phải ăn từ từ, nhai chầm chậm để tận hưởng hết linh hồn của món ăn…vừa nhai vừa lắng nghe tiếng run rần rật của từng giác quan trong trong cơ thể…Cuối cùng là “đưa cay” với nửa ly “xây chừng” rượu Ấp Sanh nữa …Hic hic….Tui dám “cá” với bà con là…lúc đó có vổ vai hỏi tên thì bà con cũng sẽ không nhớ rõ là mình tên gì nữa đâu!


    Từ khi lên Sài Gòn mưu sinh tới giờ tui không còn được ăn món Đuông nữa… có nhớ, có thèm thì cũng ráng chịu mà viết ra bài này cho “đỡ vả” vậy thôi…chứ biết làm sao mà có dịp thưởng thức nữa…!!!vì như đã nói ở trên là món Đuông vốn dĩ là món hiếm,
    Bởi vì bây giờ người ta đã sản xuất được nhiều loại thuốc dùng để tiêu diệt Đuông không cho chúng ký sinh và giết chết cây dừa nữa, Đuông dừa quê tui đã gần như là “tuyệt chủng”…. Có còn chăng thì đó là Đuông bắt từ cây Chà Là, cây Cau…hay là do các “fan” của Đuông thèm chúng quá nên phải tìm cách nuôi chúng trong thân cây mía…mà thôi!


    Vì thế cho nên nếu ở Sài Gòn mà có bán con Đuông dừa thì chắc hẳn giá cả của nó chắc cũng cao cỡ cái ngọn dừa - nơi mà bọn chúng sinh sống vậy… Bây giờ tui chỉ còn biết nhâm nhi món Đuông “quí hiếm mà kinh dị” qua ký ức mà thôi …Mỗi lần về quê, cứ nhìn thấy những cây dừa hơi vàng lá, hơi xơ xác một chút... là tui lại ước gì cho nó … chết trụi luôn, để mà tui có dịp được thưởng thức lại món đặc sản “cảm giác mạnh” của ngày ấy xa xưa…

    Trích Blog Hữu Tiến

    Comment


    • #3
      Giải oan cá Trèn...


      "Cá lưỡi trâu sầu ai méo miệng
      Cá trèn bầu nhiều chuyện trớt môi” (Phong dao).


      Chắc tại cá trèn là giống thích ngao du, có loại hàm dưới dài hơn hàm trên nên bị vu oan là thứ... nhiều chuyện. Song cá trèn có công hùn vốn cho những bữa ăn bình dân đến tiệc sang trọng thêm thăng hoa.


      Cá trèn có thể dùng làm mắm, xông khói, gỏi, lẩu...- Ảnh: Tạ Tri

      Con cá lãng du

      Được biết, “ổ” của cá trèn ở tận Biển Hồ, Campuchia. Hằng năm, cứ theo mùa nước lũ trên dòng Mê Kông hào sảng, đám cá trèn nối đuôi nhau về hạ nguồn sông Cửu Long rong chơi. Trong đó, một số có cảm tình với sông nước miệt vườn, nên quyết ở lại sinh sôi nẩy nở. Một số “giận” cư dân miệt này vây bắt tàn sát quá tay nên quay ngược về xứ chùa Tháp. Số còn lại gặp xui, đành lên đĩa chờ người... biết ăn.

      Theo những thổ địa vùng sông nước miền Tây, cá trèn có ba loại: trèn bầu, trèn răng, trèn kết. Thường người ta dựa vào hình dáng cá để đặt tên cho chúng. Con trèn bầu bụng phệ, có màu vàng xanh, thịt béo và mềm nên thích hợp với các món kho, chiên. Còn trèn răng có con nặng cả ký nhưng nay hiếm thấy, đầu tựa cá rồng nuôi cảnh, miệng hở răng lởm chởm, thân dẹp lép tựa cá lẹp, thịt mềm và rất béo, dùng nấu ngót thì ngon khỏi chê. Lớn con và thông dụng hơn hết là cá trèn kết, con to nặng hơn 1 ký, dài khoảng 60cm, mình màu trắng bạc, thịt chắc ngọt thanh lạ và đậm, dùng chiên, nấu lẩu, làm khô một nắng hoặc xông khói kiểu nào cũng ngon mê tơi. Đặc biệt, trứng cá trèn kết béo, bùi tựa trứng cá rô đồng.

      Đẳng cấp


      Nắng trưa Sài Gòn đổ lửa, người viết được anh bạn mời đến ăn món cá trèn tươi nấu măng chua, cà, cần nước, lòng vui như trúng số... an ủi. Cá trèn kết được anh bạn mua ở chợ đầu mối Bình Điền, cỡ 2 con/kg, thịt còn rất tươi. Măng chua khi gặp cá ngon liền tỏa mùi thơm dìu dịu. Đáp lại, đạm cá hòa vào nước măng cho nước thêm ngọt đậm, hấp dẫn vô cùng. Tiếp sức, những giọt nước mắm ngon trườn lên mình cá, thẩm thấu vào những sớ cá thơm ngọt và mời gọi... Món này ăn với bún hoặc cơm đều hợp.

      Cũng từ cá trèn tươi, bạn có thể làm sạch, ướp ít sả ớt bằm, chờ khoảng năm mười phút, đem chiên vừa vàng. Chấm với nước mắm ngon pha tỏi ớt giã. Đặc biệt, thịt cá ngọt rất đậm, thanh, thơm đến lạ lùng. Để nguội, thịt cá vẫn không tanh. Trở lại “ổ” cá trèn ở Biển Hồ, dịp gần Tết đến khoảng tháng Ba Âm lịch, nước cạn dần, dân địa phương kéo hoặc giăng lưới bắt cá trèn kết mỏi tay. Bắt được quá nhiều cá, họ đem xông khói hoặc làm mắm bù-hốc. Món gỏi cá trèn xông khói trộn với đọt non sầu đâu hay xoài hườm, cóc non bằm nhuyễn ngon tuyệt.


      Vẫn con cá trèn tươi, nhỏ cỡ một hai ngón tay, bạn làm sạch, ủ mắm sẽ có một món ngon danh giá. Mắm cá trèn dùng ăn sống với cơm nguội thì ngây ngất. Cần “hương hoa”, bạn có thể cho ít tép bạc đất, thịt ba chỉ luộc, rau dại: đọt nhái, trái bần chua, đọt cóc... cho đượm hồn món ngon khẩn hoang. “Vương quốc” của mắm cá trèn ở nước ta vẫn là xứ Châu Đốc, An Giang. Tuy nhiên, vài năm nay những lò mắm ở đây lại chuyển sang làm mắm cá trèn ngọt, bằng cách lạm dụng nước đường thốt nốt và cháo nếp (công đoạn này gọi là chao mắm), khiến không ít dân sành ăn hụt hẫng. Vì với họ, mắm là phải mặn, khi ăn ai muốn ngọt thì tự gia giảm đường chanh tỏi ớt, bắt mắm cá trèn phải ngọt, khác nào “làm nhục” một loại cá đẳng cấp xưa nay.

      Và trở lại chuyện cá trèn... nhiều chuyện, đó chỉ là phỏng đoán. Tất nhiên, con cá sẽ không biết nói, nhưng nó cảm nhận được con người có xử tệ với nó hay không từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ: dùng điện để đánh bắt, xả chất thải bức tử những dòng sông, ngăn dòng chảy làm thủy điện... Xin lỗi, trèn ơi!



      theo Diendanamthuc
      Last edited by hung45qs; 10-05-2011, 05:43 AM.
      Hung45HTQS

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X