Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chủ Thuyết Ngoại Giao Mới Của Hoa Kỳ

Collapse
X

Chủ Thuyết Ngoại Giao Mới Của Hoa Kỳ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chủ Thuyết Ngoại Giao Mới Của Hoa Kỳ

    Chủ Thuyết Ngoại Giao Mới Của Hoa Kỳ:
    Phục Hồi Sức Mạnh Trong Nước Ðể Giữ Vai Trò Siêu Cường Của Thế Giới.



    Lời giới thiệu:
    Chủ thuyết ngoại giao mới của Hoa Kỳ dựa trên quan điểm cần phải phục hồi sức mạnh trong nước về kinh tế, nhân lực, và vật lực để có thể tiếp tục đóng vai trò siêu cường trên thế giới, đáp ứng được những đòi hỏi mới của tình hình quốc tế. Chủ tịch Hội Ðồng Bang Giao Quốc Tế, ông Richard Haass viết bài phân tích về sách lược ngoại giao mới của Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ 21. Chúng tôi xin lược dịch dưới đây.



    QUAN HỆ QUỐC TẾ TRONG THẾ KỶ THỨ 21 sẽ bị chế ngự chủ yếu vào một vài quốc gia đang thi triển sức mạnh quân sự, kinh tế, ngoại giao và văn hoá của họ. Tình hình thế giới bây giờ khác tình hình của thế hệ cha ông chúng ta ngày trước. Xưa kia, thế giới bị chế ngự bởi Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản. Bây giờ thế giới cũng không còn ở tình trạng tranh chấp giữa hai siêu cường như lúc còn Chiến Tranh Lạnh, hay một Siêu Cường Duy Nhất thời thập niên 1990's ngắn ngủi. Sức mạnh quyền lực ngày nay được tìm thấy trong tay nhiều lãnh tụ, ở nhiều nơi khác nhau. Ðó là loại sức mạnh dàn trải ra nhiều chỗ, đa dạng, không còn tập trung hẳn vào một nơi nào.

    Mối đe doạ chính cho hoà bình và thịnh vượng trong ngày nay không còn nằm ở điạ điểm một cường quốc muốn nổi lên chế ngự nước khác. Bây giờ, các cường quốc không còn thực sự là những siêu cường như xưa. Nước Nga vẫn là một nước có nền kinh tế phát triển theo một bình diện, dựa nhiều vào dầu hoả, hơi đốt thiên nhiên, và khoáng sản. Trong lúc đó họ bị trì kéo vì nạn tham nhũng, và khối dân số ngày càng thu hẹp. Trung Hoa thì bị hạn chế vì dân số quá lớn, và đang trở nên già nua, chưa kể là còn nhiều nhu cầu về xã hội phải giải quyết, và giai cấp đứng đầu hệ thống chính trị lại không đủ năng động để bắt kịp với nền kinh tế. Tương tự như vậy, Ấn Ðộ còn nhiều gánh nặng vì dân số đông và nạn nghèo đói còn nhiều lắm, chưa kể là hệ thống hạ tầng cơ sở không đầy đủ, và hệ thống chính quyền nặng nề, cứng ngắc. Âu châu thì bị những sa sút trầm trọng làm cho các nước trong khu vực bị lún sâu xuống thêm. Văn hoá cổ xưa của Âu Châu, và những căng thẳng không thể giải quyết được giữa hai động lực trì kéo nhau làm cho Âu châu dậm chân tại chỗ : một bên là tinh thần quốc gia, và bên kia là sự đồng lòng đoàn kết để xây dựng một cộng đồng Âu châu. Nhật Bản gặp nhiều khó khăn vì có một xã hội già nua, một chế độ chính trị nệ cổ, và những gánh nặng gây ra bởi chính lịch sử của nước này. Ba Tây ( Brazil ) và một vài nước khác đang vươn lên muốn trở thành một cường quốc thế giới, nhưng vẫn chưa đạt đến đích.

    Những nước mạnh nhất trên thế giới có thể không hoàn toàn đồng ý với Hoa Kỳ, hoặc vì họ ở thế thù nghịch với Mỹ, hay vì họ không nhìn thấu đáo đến cốt lõi của vấn đề. Tuy nhiên, nói chung, quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ với các cường quốc chính đều ở tình trạng khá tốt, hay ít ra cũng tạm được. Do đó, mối đe doạ lớn nhất cho Hoa Kỳ từ bên ngoài vẫn là việc phổ biến nguyên liệu và vũ khí nguyên tử. Kế đến là nguy cơ xảy ra bệnh dịch nguy hiểm, sự thay đổi của khí hậu, sự sụp đổ của hệ thống tài chính, mậu dịch thế giới - tóm lại là tất cả những mặt xấu của xu hướng toàn cầu hoá. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải kể đến một số nước thù nghịch với Mỹ vào hàng cỡ trung, như Ba Tư (Iran) và Bắc Triều Tiên. Những nước này có khả năng chế tạo vũ khí giết người hàng loạt. Sau đó là những quốc gia ở tình trạng yếu kém như Pakistan , Somalia và Yemen . Gọi những nước này là yếu kém vì họ không đủ khả năng, hay không muốn giám sát chặt chẽ lãnh thổ đất nước họ, để đảm bảo rằng nước họ không bị bọn khủng bố, tập đoàn buôn bán ma tuý, hay hải tặc sử dụng làm chuyện phi pháp.

    Như vậy, chúng ta nên dùng chủ thuyết nào để hướng dẫn chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ? Chủ trương xây dựng thể chế dân chủ? hay bênh vực nhân quyền, cứu trợ nhân đạo? hoặc chống khủng bố? Tất cả đều không thành công. Khuyến khích xây dựng chế độ dân chủ là một việc khó khăn: Lật đổ chế độ độc tài chuyên chế là một chuyện, nhưng thay thế chế độ đó bằng một thể chế tốt đẹp hơn là một việc làm khó khăn gấp bội. Trường hợp hai nước Iraq và Afghanistan là những ví dụ điển hình nhắc nhở chúng ta phải thận trọng khi lật đổ một chế độ độc tài, vì chi phí chiếm đóng, và xây dựng một quốc gia mới rất tốn kém. Chủ trương bênh vực nhân quyền gây nên những hao tốn tài nguyên vật lực của Mỹ rất nhiều, vào đúng thời điểm mà phương tiện quân sự, kinh tế của Mỹ đang bị hạn chế. Chủ thuyết chống khủng bố cũng bị coi là quá hạn hẹp về phạm vi của nó, và chủ thuyết đó không đưa ra được sự hướng dẫn cụ thể để đối phó với những thử thách hiện nay của thế giới.

    Ý kiến hay nhất rút ra được là sự hợp nhất. Nó nhắm đến việc lập ra những qui tắc và định chế để điều khiển quan hệ quốc tế và thuyết phục những cường quốc chính coi đó là những nguyên tắc cần phải tuân theo. Nhưng nhiều lần hội nghị về mậu dịch quốc tế bị bế tắc,và hội nghị về thay đổi khí hậu còn tệ hơn nữa. Những hiệp định về giải trừ vũ khí nguyên tử ở bắc Triều tiên, ngăn ngừa Iran phát triển vũ khí nguyên tử, và bàn luận về những khó khăn chung của thế giới đều bị hỏng, không đưa đến kết qủa cụ thể, ngoại trừ hội nghị G-20, của hai chục nước giầu mạnh trên thế giới. Hội nhập, hợp nhất là một ý kiến rất hay, tuy nhiên thời gian chưa đến lúc áp dụng chủ thuyết này.

    Về nguyên tắc, con người có thể sống không cần đến một chủ thuyết ngoại giao, và cũng không cần một kế hoạch để hướng dẫn chính sách ngoại giao. Tuy nhiên, một học thuyết ngoại giao hợp thời có thể giúp chúng ta đặt ra những ưu tiên quan trọng cần làm trước, cung ứng tài nguyên vào việc thực hiện những ưu tiên này. Và một học thuyết đúng có thể gởi đi những tín hiệu hữu dụng cho các nước đồng minh, cũng như những nước thù nghịch, cho công chúng và cho Quốc Hội.

    Tin vui là hiện nay chúng ta có một học thuyết ngoại giao thích hợp cho hoàn cảnh của Hoa Kỳ. Học thuyết này thẩm định rằng thế giới hiện nay tương đối không có những đe dọa nguy hiểm, và chúng ta có thể tận dụng tình hình đó một cách hữu hiệu. Mục tiêu chính của học thuyết này là tái cân bằng tài nguyên. Phân phối tài nguyên ưu tiên cho những vấn đề ở quốc nội, thay vì quốc tế. Làm như vậy, chúng ta có thể không những nêu rõ được những nhu cầu cần thiết trong quốc nội, chúng ta còn có thể xây dựng lại nền tảng tạo nên sức mạnh của Hoa Kỳ, để từ đó chúng ta có được vị thế mạnh giúp đối phó được với những thử thách về chiến lược, và chuẩn bị sẵn sàng khi những khó khăn đồng loạt xảy ra.

    Chữ dùng của tôi dành cho học thuyết này là "phục hồi" hay "restoration": Một chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đặt căn bản dựa trên sự phục hồi sức mạnh của nước Mỹ, và tái phân phối tài nguyên đất nước về kinh tế, nhân sự, và vật lực.

    Chủ thuyết phục hồi sức mạnh của Hoa Kỳ không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ trở về với chủ thuyết cô lập. Chủ thuyết cô lập (isolationism) là sự cố tình ngoảnh mặt làm ngơ trước tình hình thế giới ngay cả khi quyền lợi của Hoa Kỳ đòi hòi chúng ta phải hành động. Chủ thuyết cô lập không thể dùng được ở một thế giới trong đó Hoa Kỳ không thể bảo vệ cho mình tránh khỏi sự tấn công của nạn khủng bố, tình trạng phổ biến vũ khí nguyên tử, chủ trương bảo vệ mậu dịch, xuất hiện bệnh dịch nguy hại cho thế giới, hiện tượng khí hậu thay đổi, hay bị mất quyền thủ đắc những tài nguyên về tài chánh, năng lượng và khoáng sản. Tiếp tục đi theo chủ trương cô lập sẽ chỉ tạo điều kiện làm nẩy sinh một thế giới tự do, nhưng vô trật tự, nguy hiểm, kém thịnh vượng và không ăn ý với nhau.

    Chủ thuyết phục hồi khác với chủ thuyết cô lập. Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao tích cực, hữu hiệu - tức là tạo ra những dàn xếp quốc tế khéo léo để có thể đối phó với những thử thách do tình hình toàn cầu hoá của thế giới, làm tăng tinh thần đồng minh và đối tác, để có thể đương đầu với những đe doạ của những nước hiếu chiến như Bắc Triều Tiên, và Ba Tư, hai nước đang có vũ khí nguyên tử, hay nước Pakistan thất bại trong việc chứa chấp những phần tử khủng bố.

    Nhưng trong chủ thuyết phục hồi sẽ chỉ còn rất ít "chiến tranh do chọn lựa" (wars of choice). Chiến tranh do chọn lựa là can thiệp bằng quân sự khi quyền lợi đôi bên đang ở tình trạng tranh chấp căng thẳng. Nhưng những quyền lợi đó không ở mức thiết yếu cho sự sinh tồn, trong lúc vẩn còn có những chính sách khác dùng để giải quyết tranh chấp. Những trường chiến tranh do chọn lựa điển hình gần đây nhất là Chiến Tranh Việt Nam, Chiến Tranh Iraq lần thứ hai, và can thiệp bằng quân sự vào Libya như hiện nay. Tuy nhiên, loại chiến tranh vì cần thiết (wars of necessity) vẫn còn. Ðây là chiến tranh liên quan đến những quyền lợi sinh tử, và không có giải pháp nào khác ngoài việc dùng sức mạnh quân sự. Chiến tranh vì cần thiết của thời hiện đại là trường hợp gây chiến để xâm chiếm Iraq lần thứ nhất, (vì Saddam Hussein xua quân chiếm Kuwait , nên Mỹ phải đem quân đi đánh để giaỉ phóng Kuwait, và bảo vệ quyền lợi của Mỹ), hay đánh Afghanistan để lật đổ chế độ do Taliban cầm quyền sau biến cố 9/11. Ðiều đáng nói là đến năm 2009, cuộc chiến ở Afghanistan lại chuyển sang thành chiến tranh vì chọn lựa, khi chính quyền của ông Obama tăng quân thật nhiều, và chọn mục tiêu để đánh thật mạnh là Taliban, chứ không phải chỉ một mình Al Qaeda.



    Chấp nhận chủ thuyết phục hổi sẽ đưa đến việc rút quân nhanh chóng lực lượng binh lính Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan . Quyền lợi của Hoa Kỳ bị xâm phạm không đủ để chứng minh cho việc đầu tư quá tốn kém, mỗi tuần 2 tỉ đô la vào cuộc chiến, dù có đem lại thành công. Sự thành công đó không hy vọng sẽ xảy ra vì chính phủ trung ương ở Afghanistan yếu kém, và phe Taliban lại được chỗ ẩn náu an toàn trên lãnh thổ Pakistan . Mục tiêu được đề ra là phải cắt giảm chi phí của Hoa Kỳ mỗi năm từ $75 tỉ đến $100 tỉ. iều này có nghĩa là phải giảm số quân Mỹ xuống mức dưới 25,000 binh sĩ vào năm tới, và phải chấm dứt mọi cuộc hành quân của lính Mỹ đánh nhau với phe Taliban. Thay vào đó, chính sách của Hoa Kỳ sẽ chỉ tập trung vào hoạt động chống khủng bố, huấn luyện, và cố vấn mà thôi.

    Trong khuôn khổ của học thuyết phục hồi, Hoa Kỳ sẽ giới hạn hoạt động của mình ở Libya và tránh những can thiệp vì lý do nhân đạo, trừ phi mối đe doạ thật lớn, rõ ràng, và chính nạn nhân lên tiếng yêu cầu. Mỹ sẽ chỉ can thiệp khi biết chắc các nước đồng minh khác trên thế giới sẽ hậu thuẫn sứ mạng của Mỹ, và viễn ảnh thành công nắm chắc trong tay với những chi phí vừa phải, và với điều kiện là những biện pháp khác bị coi là không phù hợp. Tình hình ở Libya không đủ tiêu chuẩn để thông qua được những câu hỏi trắc nghiệm kể trên.

    Về chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran (Ba Tư), Hoa Kỳ sẽ chỉ sử dụng võ lực khi biết chắc rằng việc ra tay bằng quân sự của Mỹ đủ sức tiêu hủy phần lớn khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran. Việc làm đó sẽ không làm giảm cơ hội thay đổi tình hình chính trị ở Iran . Ngoài ra, nếu Iran trả đũa, sự đánh trả đó có thể áp đảo được, và chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Iran sẽ bị suy yếu. Việc trừng phạt Iran bằng quân sự sẽ là bài học để những nước khác muốn theo gót Iran phải nhụt chí, không dám phát triển vũ khí hạch nhân nữa.

    Tổng thống Obama có vẻ như ủng hộ học thuyết phục hồi trong lời tuyên bố về việc rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan vào ngày 22 tháng Sáu vừa qua. Ông tuyên bố một câu nổi tiếng như sau: "Nước Mỹ, bây giờ là lúc chúng ta nên tập trung vào việc xây dựng đất nước của chúng ta ngay ở trong nước.". Nhưng lời nói của ông không đi đôi với chủ thuyết phục hồi. Chẳng hạn như nhịp độ rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan quá chậm chạp, và hành động can thiệp của Mỹ bằng quân sự ở Libya lúc gần đây.

    Phục hồi không chỉ có nghĩa là thực hiện một số hành động riêng biệt ở nước ngoài. Chủ thuyết phục hồi đòi hỏi nhiều hành động chính đáng phải làm ngay trong nước Mỹ. Nỗ lực chính cần phải làm là phục hồi nền tảng về ngân sách, tài chính công để tăng sức mạnh của người Mỹ. Tình hình thiếu hụt ngân sách hiện nay không còn chịu đựng thêm được nữa, nó làm cho Hoa Kỳ có thể bị tổn thương hoặc vì áp lực của thị trường đòi tăng lãi suất cao hơn , giàm chi gắt gao, hay có thể bị áp lực của các ngân hàng trung ương làm khó dễ về vì những lo ngại về kinh tế hay chính trị.

    Cắt giảm những chi tiêu trong nước trở thành một kế hoạch ngân sách lâu dài. Nhưng những cắt giảm này phải khôn ngoan: chi tiêu nội điạ cần thiết phải làm khi chi tiêu đó là một đầu tư vào nhân lực và cơ sở vật chất tương lai của Hoa Kỳ, giúp Hoa Kỳ có khả năng cạnh tranh. Chi tiêu đó gồm có chi tiêu về giáo dục công có chủ đích, kể cả các loại đại học cộng đồng, và đại học bốn năm, chi tiêu dành cho việc canh tân hệ thống giao thông chuyên chở, và hạ tầng cơ sở cung cấp năng lượng, và gia tăng việc sử dụng năng lượng hữu hiệu, để tránh lệ thuộc vào dầu hoả ở Trung Ðông. Cắt giảm chi tiêu chính phủ nên tập trung vào ngân khoản dành cho phúc lợi luật định (entitlements như tiển già, tiền eo phe, tiển medicare), và ngân sách quốc phòng. Sau đó, có thể cắt giảm thêm chi tiêu của chính phủ về những khoản giảm thuế, gọi chung là tax expenditures, chẳng hạn như những chương trình bảo hiểm y tế, hay chước giảm thuế khi vay nợ để mua nhà (mortgage deductions). Chỉ tiêu đặt ra là mỗi năm sẽ cắt giảm mức thiếu hụt được $300 tỉ cho đến khi ngân sách được cân bằng, chỉ còn phải trả lãi cho khoản nợ vay mà thôi.

    Chấp nhận chủ thuyết phục hồi để thực hiện trong vài năm sẽ giúp Hoa Kỳ xây dựng lại những nền móng cơ bản làm tăng sức mạnh về kinh tế của Hoa Kỳ. Ngoài ra, nếu làm được việc này, nó còn giúp Hoa Kỳ trở lại vị trí lãnh đạo thế giới, làm gương cho các nước khác. Một sức mạnh trong sách lưọc ngoại giao của Hoa Kỳ là quốc gia này có hệ thống chính trị và kinh tế cởi mở, linh hoạt để đưa đến thành công. Cả hai hệ thống này hiện đang bị tì vết, tai tiếng khiến cho nhiều nước ngần ngại không muốn đi theo mô hình chính trị, kinh tế của Hoa Kỳ, họ có vẻ ngả theo đường hướng phát triển kinh tế cứng rắn, hoạch định chặt chẽ do chính phủ đề ra.

    Chủ thuyết phục hồi ghi nhận tình hình thực tế đang xảy ra ở trong nước và trên thế giới hiện nay. Thực tế đó cho biết rằng vẫn có những thôi thúc cần phải khuyến khích các thể chế dân chù, chống khủng bố, bênh vực nhân quyền mỗi khi những vấn đề này nổi lên. Thực ra, chủ thuyết phục hồi mong rằng sẽ có một ngày trong tương lai chúng ta hợp nhất được những thực tế kể trên thành một mối để có thể cùng nhau xây dựng một thế giới chung sức với nhau để cùng đối phó được những thử thách toàn cầu. Nhưng Hoa Kỳ sẽ chỉ đạt được mục đích trở thành nước lãnh đạo thế giới sau khi biết sắp xếp, tổ chức lại tình hình trong nước của mình được trật tự, có nề nếp hoàn chỉnh.

    Bài phân tích của Richard Haass Chủ tịch Hội Ðồng Bang Giao Quốc Tế
    Nguyễn Minh Tâm dịch theo Time ngày 8/8/2011
    Last edited by khongquan2; 08-31-2011, 03:22 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X