Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hà Thúc Sinh- Cây Đàn Thùng và Một Thế Giới Khác

Collapse
X

Hà Thúc Sinh- Cây Đàn Thùng và Một Thế Giới Khác

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hà Thúc Sinh- Cây Đàn Thùng và Một Thế Giới Khác

    Hà Thúc Sinh: Cây Đàn Thùng Và Một Thế Giới Khác

    Vũ Đức Nam



    Vào một ngày cuối tháng 10 giữa khi mấy anh em chúng tôi ở thành phố nhỏ miền đông này sửa soạn một kỳ thám du, thì tôi nhận được copy một CD nhạc. Nhìn bao bì thì biết là của anh Sinh, và tôi đoán nó là bản sao chuyển từ cassette mấy băng nhạc cũ của anh sang dạng CD, hoặc là anh mới thu ít bài trong tuyển tập nhạc "Sinh Ca" mới ấn hành năm ngoái gần 70 bài. Nhưng khi nghe mới biết không phải. Nó là CD tình ca mới cáu cạnh của anh, loại burn ở máy nhà. Thư đính kèm anh cho tôi biết đó là CD mang tên bài chủ đề "NGƯỜI EM QUẬN CAM" anh mới thực hiện qua giọng hát Hồng Hạnh-một giọng hát rất mới không biết anh tìm đâu ra mà ca quá hay, dân ưa nhạc khó tính đến mấy chắc cũng phải chịu là đầm ấm là sang ...

    Tôi thuộc diện nhanh chân chạy thời 75, thành ra chỉ biết xốn xang chuyện ở quê nhà, mãi đầu thập niên 80 phải nói khi nghe "Tủi Nhục Ca" của anh Hà Thúc Sinh tôi mới vừa thấm đau vừa sôi máu. Rồi tới "Đại Học Máu" ra đời thì tôi mới hiểu rõ hơn hoàn cảnh tang thương của các chiến hữu còn ở lại quê hương... Riêng âm nhạc thì tôi đã nghe nhiều loại của anh, nhưng nhạc tình thì tôi không ngờ anh viết hay như thế... Cảm tưởng của tôi khi nghe nhạc tình của anh, thấy nó là tiếng du dương êm ái tràn vào trong khu rừng đang lịm dần của nhạc tình Việt Nam.

    Tôi đã nghe nhạc tù của anh, nhưng nhạc tình của anh thì rõ ràng sẽ là một thực thể dài lâu và đúng như nhạc sĩ Phạm Duy là người có thẩm quyền để nhận xét về anh như ông đã viết trong quyển Hồi Ký Phạm Duy 4: "Trong những người còn soạn ca khúc vào lúc này (1980), ở Mỹ hay ở Âu Châu, Úc Châu... thì Hà Thúc Sinh có thể được coi là người nhạc sĩ có những bài hát hay nhất, trí thức nhất." Bây giờ đã là một phần tư thế kỷ sau lời nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét, tôi nhận thấy anh chưa hề làm mất những cái nhất đó...

    Tôi vẫn chủ quan tin rằng một nhạc sĩ lớn là một nhạc sĩ phải đạt được ở cả hai mặt phẩm và lượng. Trước anh thì có nhiều, nhưng hai nhạc sĩ Pham Duy và Trịnh Công Sơn vẫn là hai ngôi sao sáng chói. Theo tôi nghĩ:

    1. Phạm Duy thì phong phú thể điệu, trữ tình lời lẽ, lãng mạn ý tứ.
    2. Trịnh Công Sơn thì duyên dáng thể điệu, trừu tượng lời lẽ, bóng bảy ý tứ.
    3. Hà Thúc Sinh thì du dương thể điệu, sâu sắc lời lẽ, thiết tha ý tứ.

    Dù có những đặc điểm riêng cả ba người đều gặp nhau ở các điểm then chốt này nhất: Rất giàu ngữ vựng, dùng chữ tinh vi và có nhiều chất thơ hơn hết.

    Vẫn chủ quan tôi cho rằng Phạm Duy mới là người khổng lồ vì nhạc ông phản ảnh một chiều dài lịch sử không ai so bì được. Bao nhiêu là con người và mảnh đời xuất hiện trong nhạc ông, và có lẽ vì thế ai hát nhạc ông cũng được. Từ trí thức đến phu xe, từ tổng thống xuống tới chị sen chắc chắn ai cũng biết cũng hát được một bài của ông. Trịnh Công Sơn may mắn sớm có Khánh Ly, một giọng hát đặc biệt, hát rất hợp những giòng nhạc dễ hát để mà chuyên chở thành công những ý tứ trừu tượng, mới mẻ và không phải là dễ hiểu như của Trịnh Công Sơn đến với thính giả trong một bối cảnh chính trị thuận lợi cho loại nhạc dễ gây chú ý của anh trên một hệ thống đài phát thanh đã hoàn chỉnh ở miền Nam. Hà Thúc Sinh thiếu may mắn hơn hết. Anh không tìm ra ca sĩ hợp với nhạc anh, và cũng không có những điều kiện thuận lợi cho nhạc nảy nở khi ra quân trong thế giới tị nạn không có lấy một đài phát thanh ở thập niên 80. Nhưng bây giờ và từ giờ anh sẽ tiến nhanh tiến mạnh chăng? Các bạn anh đều mong ước và tin tưởng anh sẽ là một trong số những nhạc sĩ hiếm hoi còn sống và có thực chất sẽ thăng hoa nền âm nhạc Việt Nam, nhất là ở bộ môn ca khúc và đặc biệt là tình ca.

    Giờ tôi xin bàn tới đối tượng và sự si mê, dục tính và vận dụng hình ảnh của Hà Thúc Sinh là những đặc điểm thấy rõ trong một số nhỏ các tình khúc của anh mà tôi đã được nghe.

    1. Người Nữ Với Nỗi Si Mê Muôn Thủa

    Đối tượng tình ca của Hà Thúc Sinh lẽ đương nhiên là những người đàn bà con gái, nói chung là người nữ. Người nữ ấy khác hẳn với những người nữ anh nói tới trong những bài ca ở tập "Sinh Ca". Người nữ trong Sinh Ca rõ hết mặt mày. Họ là những nét mặt tan rã trong "Người Nữ Tù Phước Long", thảm thương trong "Người Thiếu Nữ Việt Nam Cùng Đường", tuyệt vọng trong "Đoạn Đường Núi Sọ", là thứ "nạn nhân của những nạn nhân" trong "Đám Ma Văn Hoá" hay là "Thời Hoàng Hôn Của Ý Niệm." Những người nữ ấy anh nhìn bằng đôi mắt chứng nhân thương cảm của người nghệ sĩ. Còn người nữ trong ca khúc tình yêu của anh thì không như vậy. Họ là những tình nhân bí mật. Mình có thể nói một cách khác cho giản tiện và dễ hiểu hơn: Họ không rõ mặt! Và chính nhờ những tình nhân không nhìn rõ mặt ấy nó sẽ làm người nghe, nghe đêm, nghe chăm chú, nghe khi lòng mình thèm nghe, mình sẽ khám phá ra anh là một hoàng tử của tình si. Tôi dám liều bảo đảm không ai si tình hơn Hà Thúc Sinh của tình khúc. Hãy nghĩ mà coi, thương thì nói đi. Trong lời nhạc anh viết từ thời còn trẻ tới lúc... sắp già, gần như không thấy có lời tỏ tình trực tiếp, hay hội ngộ giữa đường, hay hẹn hò... lăng nhăng. Cái mức anh chỉ làm tới được là yêu mà không nói, đến khi nó đi rồi đời chỉ còn là sự thở dài nhắc nhớ:

    "Còn thương em như cái thời điên ấy, chiếc đàn thùng và những đêm mưa, ấp hình người vào gối chăn khuya, vào những cơn mơ khó kể ra." Và thương đến nỗi: "Dù nguyên tử nổ, trái đất thành hồ tôi vẫn thương em" (Lạy Em Mênh Mông).

    Trong tình ca Việt nói đến tình yêu hay diễn tả tình yêu thì đã có hàng triệu cách hàng triệu chữ, nhưng nói ngay thương mà đến nguyên tử nổ vẫn thương thì hình ảnh ấy "original", từ xưa tới nay chắc là chưa có ai xài. Nó khác thường và độc đáo.

    Nhưng cái sâu sắc và cái đẹp trong tình ca của Hà Thúc Sinh còn độc đáo hơn. Cũng yêu, cũng hẹn thề cho tặng, nhưng anh hẹn thề cho tặng người tình một cách khác người ta. Anh có cái hẹn thề của những thi sĩ lớn:

    "... Xin tặng em khung cửa anh mở về phiá tương lai, xin tặng em hoan lạc anh từng tìm kiếm lâu dài. Xin tặng em con đường hoa hẹn hò ta đi tới, nơi không gần không xa quá loài người (Sinh Lễ).
    Nhưng xem chừng ở giữa loài người tình yêu khó mà bền đẹp vĩnh cửu. Và chàng ta có một khi nào đó lại cảm thấy không yên tâm, thấy chật chội, thấy giới hạn của trần gian bèn đi lạc vào thế giới siêu hình. Trong bài "Một Thế Giới Khác" cho dù "em như quả đỏ", cho dù "anh là răng thơm", nhưng thực chất chỉ "xa hơn chút nữa là úa tàn". Nhìn rõ cái phù vân của cõi tạm không xứng đáng cho tình yêu, anh đã mơ có một thế giới khác cho hai người, nơi đó mọi thứ "đứng ngoài thời gian, chỗ có loài người, muôn đời niên thiếu, sống bằng mộng mơ, anh đưa em đến xây nhà."
    Nhưng đời thực có đâu chiều lòng người thi nhạc sĩ mơ mộng, chiều lòng chàng hoàng tử của tình si. Và chàng biết điều ấy để một ngày lại ôm cây đàn thùng về với người tình phù vân nơi hiện thực và thú nhận:

    "... Tôi vẫn yêu điên dại, trần gian đau khổ này, dù là chân dẫm gai, dù là đinh đóng tay..." (Tôi Vẫn Yêu Điên Dại).

    2. Và Dục Tính:

    Một điều đáng nói tới hơn nữa là dục tính có thể khám phá ra không khó trong những lời lẽ tình tứ của Hà Thúc Sinh. Phải xác định ngay rằng ở bất cứ bộ môn nghệ thuật nào thiếu dục tính như thiếu một phần quan trọng của trần gian. Ngay các đền đài, lăng tẩm, đại thánh đường... con người của nghệ thuật luôn xuất hiện lồ lộ như những chứng tích của "nhân linh ư vạn vật". Cho nên, dục tính trong văn thơ truyện nhạc không phải là điều mới mẻ hay... nhảm nhí, ngược lại nó làm tăng giá trị và sự lôi cuốn thần tiên cho tác phẩm nếu dục tính được sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Ngay thời tiền chiến chúng ta đã thấy nhạc sĩ công khai kêu gọi "ái ân kẻo tàn ngày xanh". Nhưng thời nay những nghệ sĩ điêu luyện có bản lãnh không kêu gọi kiểu đó nữa. Họ có nghệ thuật riêng. Có điều lạ là ngay Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác nữa không có hoặc có rất là ít đặc điểm dục tính, mà chủ quan theo tôi chỉ ngoại trừ Phạm Duy và Lê Uyên Phương là nổi rõ hơn hết. Nhưng ở hai danh tài này dục tính mãnh liệt và "cụ thể". Nếu Phạm Duy bầy tỏ "chớ ngại ngùng vì nếu tôi quen em ngoài đồng vắng" đã khiến sự tưởng tượng của người nghe đi tới một cảnh tượng có thể rất "dữ dội" sau đó, một sự dữ dội rồi sẽ đem đến một kết quả không khác gì của Lê Uyên Phương "Yêu nhau giữa đám rong rêu" để rồi "Theo em xuống phố trưa nay, khi còn nhức mỏi đôi vai".

    Dục tính trong lời nhạc Hà Thúc Sinh chỉ gợi cảm, tượng trưng và rất kín. Gần như bài nào cũng có những ý tưởng dục tính mà tôi có thể lấy ra như sau:

    --"Cho tôi chia nhé môi sầu khi tươi, cho xương da ấm chiếu chăn đời người" (Tôi với Em).

    --"Mây mưa tặng người, đây chút dư hương của mùa thu đôi tám xa vời" (Niệm Khúc Thu Xa).

    --"Ném ra mênh mông, áo xiêm phong trần, tặng đời em còn vương hương phấn; có anh so dây, tiếng đàn lòng này, rồi cúi xuống cơn mộng dài" (Thung Lũng Hoa Vàng).
    --"Thương em như cái thời điên ấy, chiếc đàn thùng và những đêm mưa, ấp hình người vào gối chăn khuya, vào những cơn mơ khó kể ra" (Lạy Em Mênh Mông).

    --"Xin em ngồi dưới đèn đêm thâu, lụa là hỡi đừng giấu, vẽ em ra như một người tình phụ nhau" (Tiếc Tình).

    Nam thính giả nghe nhạc anh có thể nôn nao xao động và nữ thính giả nghe thì có thể xao xuyến băn khoăn, nhưng rồi chắc họ vẫn có thể đồng ý với tôi là đến với Hà Thúc Sinh mình sẽ được anh đem vào "một thế giới khác", nơi đó chỉ có anh với cây đàn thùng và sự thiết tha rất... an toàn. Là một thính giả của anh, chẳng những mến mộ mà tôi còn luôn tin tưởng ở anh là cũng vì như thế.
    Tôi tin rằng sự tái xuất hiện của nhạc sĩ Hà Thúc Sinh sau một thời gian gần 20 năm vắng mặt trong thế giới âm nhạc, với những tình khúc của anh đem đến qua giọng hát mới mà quá điêu luyện của Hồng Hạnh, sẽ là một sự bù đắp cho nhạc Việt hiện nay ở cả trong nước và ngoài nước khi mà âm nhạc bây giờ mỗi ngày càng như đẩy khán thính giả đi sâu hơn vào sự bế tắc với cường điệu ở nhạc và vô nghĩa ở lời...


    Vũ Đức Nam
    Charlotte, NC.

    (Tri'ch Dactrung.com)

  • #2
    Tiếc Tình- Tiếng Hát Hồng Hạnh




    Comment


    • #3
      Tôi Vẫn Yêu Điên Dại




      Comment


      • #4
        Lạy Em Mênh Mông




        Comment


        • #5
          Niệm Khúc Thu Xa




          Comment


          • #6
            Một giọng hát ngọt ngào, chơi vơi, mênh mông pha lẫn những khắc khoải, nhưng vang vọng đến vô cùng….như trong bài ” Tôi vẫn Yêu điên dại”. Một giọng hát lạ với những bài hát lạ dù rằng CD này đã đưa tiếng hát Hồng Hạnh bay xa từ những năm 2006 đến về sau. Cám ơn những gì saomai đã đem đến cho HQPD từ bấy lâu nay.
            “…làm sao cũng xin đừng lẽ loi..”

            PhieuBong
            "...gửi gió cho mây ngàn bay..."

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X