Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhớ Khoá 69B - Nguyễn Chí Kham

Collapse
X

Nhớ Khoá 69B - Nguyễn Chí Kham

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhớ Khoá 69B - Nguyễn Chí Kham

    NHỚ KHOÁ 69B

    Nguyễn Chí Kham

    (Xin mời quí vị thưởng thức bài dưới đây của nhà văn Nguyễn Chí Kham. Tuy bài nói về Khóa 69B nhưng có những tương trùng của hầu hết các cựu SVSQ KQVN đã từng "được huấn nhục" và thụ huấn tại Nha Trang.).

    ---oo0oo---

    Hết mười ngày phép, tôi rời Huế vào Sài Gòn. Tôi đi chuyến bay quân sự lúc giữa trưa và sẽ đến phi trường Tân Sơn Nhất đầu buổi chiều. Chuyến bay đông chật hành khách, hầu hết là lính tráng đủ các binh chủng, và cũng có một số thường dân xin quá giang được viên Trung uý trưởng trạm tiếp liên chấp thuận.

    Thời tiết tốt, bên ngoài không trung vàng rực nắng làm tôi cảm thấy dạt dào mộng ước rồi đầy sẽ trở thành một phi công. Cách đây hơn bốn tháng, tôi đi khám sức khoẻ ngành phi hành và rất may mắn được tuyển lựa. Từ hôm đó, tôi luôn tự tin mình và niềm hy vọng càng hướng về tương lai. Trước nhất, tôi sẽ được sang Hoa Kỳ để học lái máy bay, sau đó, khi trở về nước tôi sẽ trở thành một Sĩ quan phi công. Bao nhiêu niềm tin đó, mỗi ngày, mỗi giờ khắc làm tôi luôn mong đợi và kích thích trí tưởng tượng của tôi.

    Và, một điều riêng tư nữa, vì tự biết mình có khiếu viết văn nên tôi nguyện trở thành phi công để từ hình ảnh hào hùng, phiêu bạt giữa không gian tôi sẽ viết ra được những tác phẩm văn chương có giá trị về cuộc đời của những phi công trong cuộc chiến miền Nam như nhà văn Pháp Saint Exupéry mà tôi rất mến mộ. Hiện tại, có đến hơn 500 khoá sinh từ các quân trường, các đơn vị về tập trung chờ ở Bộ Tư Lệnh để theo học các khoá Anh Ngữ. Trước khi đi phép, tôi đã qua một kỳ sát hạch khả năng Anh Ngữ để chờ sắp lớp vào trưòng Sinh Ngữ Quân Đội. Thời gian học chừng sáu tháng, sau đó, khóa sinh sẽ được qua Mỹ để học lái máy bay ở các trường bay tại tiểu bang Texas.

    Trong mười ngày phép vừa qua ở Huế tôi được sống trong cảnh đầm ấm của gia đình, và thấy thành phố Huế cổ kính thân thương hồi sinh trở lại sau biến cố Mậu Thân, đó là biến cố mà phiá quân CS đã tấn công làm tan nát cả thành phố và gây nên nhiều cảnh chết chóc thật dã man. Tuy vậy, những ngày dạo chơi trên đường phố rồi tôi cũng chỉ trở về nhà một mình vì không có gặp mấy ai quen, những bạn học cũ của tôi đã rời thành phố này ra đi, người vào Sài Gòn học, người tình nguyện đi lính vào các quân trưòng.

    Vào thời kỳ này, chiến tranh mỗi ngày một lan rộng và thế hệ tuổi trẻ của chúng tôi lần lượt trước sau đều nhập ngũ. Tôi có vào Đà Nẵng thăm gia đình Thùy. Sau mấy năm xa, giờ Thùy có đôi chút thay đổi nhưng vẫn đẹp như ngày xưa. Nàng là bạn học cùng lớp với tôi thời trung học, nay nàng đã lấy chồng và vừa mới sinh đứa con trai nhỏ.

    Chuyến bay rời Huế lúc trưa, ghé Pleiku đỗ khách và lấy nhiên liệu về đến Sài Gòn đầu buổi chiều. Khi tôi ra khỏi cổng Phi Long, một trận mưa lớn đổ xuống. Tôi đón xe lam về nhà trọ và sáng hôm sau vào trình diện giấy phép ở Phòng tuyển mộ tại Bộ Tư Lệnh. Cũng như mấy tuần lễ qua, sáng nào, anh em khóa sinh chúng tôi cũng tập trung tại đây đợi lệnh và nếu chưa có gì, chúng tôi được cho về rồi trở lại hôm sau.

    Vào ngày thứ sáu đầu tháng 9, lúc 8 giờ sáng anh em khóa sinh vừa tập trung đầy đủ liền có lệnh điểm danh. Sau đó, có tin thông báo về các khóa học. Trước nhất, sẽ có danh sách đưa ra Nha Trang thụ huấn quân sự giai đoạn II, số còn lại sẽ được chuyển về trường Sinh Ngữ Quân Đội. Thượng Sĩ Hòa bắt đầu đọc tên những người đi Nha Trang trước, anh nào có tên sắp một hàng riêng. Lúc này, ở trong hàng nổi dậy tiếng lao xao bàn tán về chuyện đi hoặc ở lại Sài Gòn.

    Từ lúc chưa tập họp chúng tôi có nghe phong phanh nguồn tin là những bạn nào thi Anh Ngữ từ 21 điểm trở xuống sẽ ra Nha Trang học quân sự trước, còn điểm cao sẽ ở Sài Gòn học lớp Anh Ngữ. Với tin này, tôi nghĩ chắc tôi ở lại Sài Gòn để học chứ không đi Nha Trang, vì kỳ sát hạch vừa rồi ở Trung Tâm Nguyễn Trãi tôi làm bài được, nhất là phần viết và Văn phạm.

    Nhưng bất ngờ, sau danh sách 200, tôi lại có tên. Cho đến 218 người thì danh sách ngừng lại ở đó, và không cần thông tin nhiêu, ngay lúc ấy viên Thượng Sĩ cho biết là danh sách những người đọc tên ra Nha Trang về nhà chuẩn bị quân trang, sáng chủ nhật sẽ lên đường.
    Sau lệnh trên, hàng quân tự động giải tán. Số đông anh em chưa về ngay, vẫn còn đứng lại chuyện trò , bàn tán.

    - Như vậy, tuị mình bị mất ba tháng.
    - Đằng nào cũng phải học quân sự giai đoạn II mới ra trường.
    - Nhưng học Anh Ngữ sớm, đi Mỹ sớm.
    - Bạn ạ, ông có đậu Anh Ngữ, đậu bằng lái Pilot, ông cũng phải học xong quân sự mới đeo lon.
    - Không đâu, đi qua Mỹ học về là đeo lon luôn.

    Từng đám đông đang tụ tập, vẫn cứ bàn đi, nhắc lại mấy điều kể trên mà thực sự cũng chưa ai nắm rõ, nên chẳng biết tin bạn nào là đúng. Nhưng dù đi hay ở, tôi không bận tâm nữa. Ra Nha Trang cũng vui thôi, điều cốt yếu ngày nào ra trường, trở thành phi công mới là quan trọng. Và, trong lúc chúng tôi chờ lên đường ra Nha Trang thì khoá 69A từ ngoài đó vừa mãn khóa học mới trở về. Có một vài SVSQ của khóa này xuất hiện trong bộ quân phục vàng, có gắn alpha và mang dây biểu chương.

    Ngày mốt, chủ nhật chúng tôi sẽ đến tập trung ở đây để lên xe ra phi cơ. Tôi tự dưng nôn nao, nửa muốn về nhà, nửa còn nấn ná ở lại. Sau hơn một giờ, anh em ra về, tôi cũng về theo. Trước khi về, tôi có ghé qua Phòng Báo Chí xin anh Dương Hùng Cường vài tờ báo Lý Tưởng để mang theo đọc.

    Ngày hôm sau, thu xếp xong quân trang tôi lên nhà Lăng. Ngồi chuyện trò một lúc, hai đứa tôi đi phố. Sài Gòn ngày thứ bảy đông vui. Ngày cuối của tôi ở thành phố nhưng tôi không cảm thấy buồn về sự từ giã. Tôi sẽ còn trở lại, và Sài Gòn trong tôi vẫn luôn là một thành phố tuổi trẻ đầy nhựa sống, đầy niềm tin và hy vọng.

    Xuống khỏi bến xe buýt ở chợ Bến Thành, hai đứa lang thang ngắm phố vào quán cà phê, rồi xem ciné. Khi ra khỏi rạp hát, buổi chiều còn sớm nên chúng tôi tìm đến các hiệu sách.

    Lăng mua cho tôi mấy cuốn truyện dịch của nhà văn phi công Pháp, Saint Exupéry, đó là những cuốn Bay Đêm (Vol de nuit) Chuyến thư miền Nam (Courrier Sud) Cõi người ta (Terre des hommes) Phi công thời chiến (Pilote de guerre).

    Tất cả những sách đó, người bán hàng bỏ chung vào một cái túi lớn.

    Khi đêm tới, thành phố lên đèn tôi và Lăng trở lại bến xe buýt, rồi chia tay ở đây.

    - Nhớ viết thư, Lăng nói với tôi khi lên xe.

    Tôi gật đầu và đi sang xe khác để về khu chợ Thái Bình. Tự dưng, chia tay với một người bạn làm tôi bỗng có cảm giác mình phải rời xa thành phố khá lâu mới trở lại.

    Tối hôm đó, tôi thức khuya để viết thư. Tôi viết nhiều thư cho gia đình, một vài người thân và đặc biệt là Thùy. Khi viết xong thư cho Thùy tôi đọc lại lần nữa và đem tấm ảnh nhỏ của nàng ra yên lặng nhìn một lúc lâu.

    Sài Gòn, mùa mưa đang trở về. Buổi sáng thức dậy, tôi cùng ăn sáng với gia đình dì Hảo sau đó anh Quang chở tôi bằng xe Honda lên Tân Sơn Nhất. Tôi xuống xe ở cổng Phi Long rồi đón xe lam vào Bộ Tư Lệnh. Khi tôi tới nơi, thấy anh em tập trung khá đông, và người nào cũng nặng nề với cái túi quân trang. Thời gian chờ đợi không lâu, khoảng 8 giờ Trung uý Cẩm Trưởng phòng tuyển mộ xuất hiện liền ra lệnh chúng tôi tập họp điểm danh. Và ngay sau đó, bốn chiếc GMC chở chúng tôi đến phi đoàn vận tải C119 để lên phi cơ.

    Tôi ở trong danh sách đi chuyến bay thứ hai. Mỗi chuyến bay, đều có một số SVSQ niên trưởng từ quân trường gởi về, và một số là của khoá 69A đi theo để hướng dẫn.

    Sài Gòn cách Nha Trang khoảng 500 cây số, nhưng đi máy bay thời gian chỉ mất 1 tiếng 15 phút. Khi vào chỗ ngồi trong phi cơ, tôi đưa mắt quan sát con tàu, mắt luôn chú ý nhìn lên phía phòng lái của phi công với bao nhiêu ý nghĩ về cuộc đời của tôi sau này không biết đến một ngày nào mới khoác chiếc áo bay như họ. Trong lúc tôi nghĩ ngợi, bâng khuâng với lòng mình, quanh tôi là tiếng chuyện trò rôm rả của các bạn với các niên trưởng trong những bộ đồng phục vàng đeo alpha và dây biểu chương. Hầu như, tâm trạng của chúng tôi cũng như các đàn anh, ai cũng mong đợi đến một ngày từ giã những năm tháng thơ mộng của người SVSQ để vào đời binh nghiệp và nghề nghiệp chúng tôi sẽ là những phi công phục vụ cho xứ sở.

    Thời tiết tốt nên phi cơ bay rất êm. Bên dưới là mặt biển, và rồi hình ảnh những ngọn núi, những con đường của thành phố xuất hiện lúc phi cơ từ từ giảm cao độ để chuẩn bị đáp. Qua cửa kính phi cơ, mắt tôi dõi theo những sự vật nhìn thấy như tìm kiếm một bóng hình nào thân thuộc. Và lúc này, tôi nghĩ nhiều đến Thùy, nghĩ đến bao nhiêu hẹn ước một ngày về tìm nhau.

    Biển, đồi núi, những con đường thành phố đã khuất dạng. Khi anh em chúng tôi chuẩn bị xem xét lại quân trang và quân phục, không khí trong phi cơ bỗng chùng lặng khiến tôi có một sự linh cảm lạ thường. Kim đồng hồ đeo tay của tôi chỉ đúng 10 giờ, vừa lúc phi cơ chạm bánh xuống phi đạo và theo tốc độ chạy dài trên đường băng. Sau đó không đến 5 phút, phi cơ ngừng hẳn.

    - Nhanh lên, các anh còn tà tà hả ?

    Một phút giao động tinh thần đã làm cho chúng tôi tưởng như không có ai nhận ra nhau nữa. Cánh cửa phi cơ đã mở. Tiếng la hét của đoàn SVSQ ở bên dưới vọng lên và các niên trưởng đi theo chúng tôi cũng gầm gừ thúc giục, la hét.

    Trời nắng gắt. Lúc này chúng tôi bị vây hãm bởi toàn các SVSQ niên trưởng làm cán bộ ra tiếp đón chúng tôi tại phi trường. Giữa những tiếng la hét đó, bất chợt có một hình ảnh như áng mây làm tôi chú ý, đó là cái bóng in đậm nét một Đại úy phi công còn rất trẻ trong bộ đồ bay màu cam đứng dưới nắng riêng một mình nhìn về phía chúng tôi và lặng im không nói gì.

    - Các anh vào hàng ngay.

    Hầu như bọn khóa sinh chúng tôi, anh nào cũng khiếp sợ, tối mặt tối mày chẳng thấy gì cả, chỉ nhìn bóng những chiếc áo ka ki và những cái túi sac marin mà chạy đến chỗ sắp hàng.

    - Đếm số.

    Người đứng đầu cất tiếng lớn một, hai, ba, bốn, đến tôi là số 68 đứng ở hàng cuối.

    - Sac marin lên vai, chuẩn bị.
    - Sẵn sàng.
    - Chạy.

    Mới đầu, đám tân khóa sinh chúng tôi còn chạy đều bước, đều hàng. Nhưng chỉ chạy được quãng trăm thước, các toán bắt đầu rời ra, rồi người trước kẻ sau. Trên vai tôi chiếc sac marin mỗi lúc càng đè nặng, và tôi cứ chạy hoa mắt, không nhìn thấy quân trường đâu cả.

    - Chỗ các anh đến còn xa lắm. Các anh rõ chưa.
    - Rõ.
    - Chạy nhanh lên.

    Đến khi tôi mệt lả không chạy nổi nữa, thấy có bóng cây tôi sà vào buông người xuống. Và trước tôi năm mười mét, các bạn cũng đã xỉu rơi dài dài.

    - Tại sao anh không chạy nữa.
    - Mệt xỉu rồi cán bộ ơi.

    Nghe tôi nói vậy ông bật cười, nhưng nín ngay và làm mặt nghiêm.

    - Ông chống thế chờ, xuống cho tôi trăm cái hít đất coi.

    Vừa được nghỉ qua ít phút, tôi tuân lệnh chống thế chờ hít đất. Được hai chục cái, niên trưởng cán bộ bảo tôi đứng lên, sac marin trên vai tiếp tục chạy. Tôi bạo dạn hỏi:

    - Gần tới chưa cán bộ?
    - Còn xa lắm, ông. Nhà trại các ông ở trên núi kìa. Chỗ có vọng gác ông thấy không ?

    Tôi nghĩ anh này xạo, nhưng ông ta hỏi lần nữa, tôi đáp rõ. Tôi cố gắng chạy, bị đứt quãng mấy đoạn, rồi sau cùng về tới khu doanh trại.

    Về đây tưởng được nghỉ mệt, đâu ngờ, một trận dã chiến ra trò. Trên mặt sân cát, anh thì bò, anh thì lăn thùng phi, anh nhảy xổm, và cả một đám đang đếm nhịp hít đất. Quang cảnh diễn ra trong tiếng la hét không lúc nào ngừng. Rồi cả bọn bị bắt lột alpha, bị làm thịt từng đứa một. Bọn chúng tôi đứa nào cũng nín câm, lầm lì thi hành lệnh phạt. Mấy ông niên trưởng cứ thay nhau quần thảo từng toán một, và mắt cứ lăm le anh nào thi hành lệnh phạt không đủ tiêu chuẩn.

    Sau đoạn đường bò dã chiến trên cát hai vòng, đến lượt tôi thi hành lệnh phạt 30 cái nhảy xổm đúng thế. Hai tay để lên đầu, thế chân trước, chân sau, tôi cố gắng nhảy, cuối cùng cũng đủ. Lúc tôi đang sửa lại quần áo để báo cáo thi hành lệnh phạt, bất ngờ, một niên trưởng ở toán bên kia bước nhanh sang, rồi dừng trước mặt tôi, nạt nộ hỏi:

    - Ông có biết tôi là ai không ?
    - Dạ, là niên trưởng cán bộ.
    - Trời, ông dạ. Quân đội không có thưa dạ, ông ơi.
    - Là niên trưởng cán bộ.
    - Ông có quen biết niên trưởng này không ?
    - Không ?
    - Ông có quen tôi không ?

    Tôi đã nhận ra Phạm Đắc Giáp, bạn học cũ, chỉ gật đầu.
    Tiếng Giáp quát lớn:

    - Ông có quen tôi không ?

    Sợ quá, tôi đáp:

    - Không.
    - Ông không quen tôi hả.
    - Không.
    - Hai chục cái hít đất.

    Tôi không đáp lời, tuân lệnh thi hành. Xong, tôi đứng lên trình diện. Một giọng từ tốn, hỏi:

    - Cho ông nhìn lại mặt tôi, có quen không ?
    - Không, tôi đáp.
    - Ông không xứng đáng là SVSQ/KQ.

    Tôi lặng im nhìn Giáp. Giáp nói:

    - Binh chủng Không Quân, tình bạn là trên hết. Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Ông là bạn học với tôi thời xưa, mà giờ vào đây ông lại không dám nhìn tôi. 50 chục cái nhảy xổm.

    Tôi thi hành lệnh phạt lập tức. Và tôi chỉ biết mình còn gắng sức., được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nắng trưa càng gắt, trên bãi cát, anh em tân khóa sinh chúng tôi đã xỉu nằm dài, và tiếng la hét vẫn còn chói tai nhức óc. Bất thần, Giáp cất tiếng:

    - Cho ông đứng dậy.

    Tôi chỉ mới nhảy được 10 cái, Giáp bảo tôi đứng dậy. Lúc tôi sửa lại quần áo để trình diện, tiếng Giáp hỏi nhẹ nhàng.

    - Kham phải không ?
    - Phải.
    - Tao là Giáp đây, mày nhận ra không ?
    - Có, nhận ra.

    Bây giờ chỉ có mình Giáp và tôi. Khi Giáp đến bắt tôi thi hành lệnh phạt thì niên trưởng kia bỏ đi đến toán khác.

    Giáp hỏi:

    - Nhớ thằng Định không ?
    - Nhớ.
    - Hắn mới về Sài Gòn tuần trước. Cuối tháng này hắn đi Mỹ.
    - Còn ai bạn quen ở đây nữa không ?
    - Không.

    Giáp nhìn tôi, tôi cũng nhìn lại người bạn học cũ tự dưng có một chút ngậm ngùi, cay cay trong mắt. Từ khi xuống máy bay lúc mười giờ, đến lúc này đã mười hai giờ trưa và bọn chúng tôi đã chịu đựng hai giờ huấn nhục trong ngày đầu đã ngất ngư, mệt nhừ, chỉ mong được nghỉ ngơi. Vừa mong như vậy, có lệnh tập trung toàn khóa để nghe huấn lệnh của Niên trưởng Phước SVSQ/CB trong chức vụ Không đoàn trưởng. Sau đó, chúng tôi được chia thành hai phi đội B và C, và có bốn cán bộ phụ trách cho một phi đội. Đã tới giờ ăn, lần lượt chúng tôi đi vào hội quán và trước khi ăn, còn được hướng dẫn cách ngồi, cách cầm đũa muỗng, và khi ăn xong đứng dậy rời bàn cũng phải theo cung cách chỉ dẫn.

    Bữa ăn chỉ có cơm, món canh và cá kho. Mệt và đói, nên chúng tôi ăn rất ngon. Hết thức ăn, chúng tôi lấy nước trà thay canh để ăn cho đủ sức. Khi chúng tôi vào bàn ngồi ăn, thì các cán bộ niên trưởng thay vì la hét, nạt nộ, lúc này đang luôn ở bên cạnh các bàn ăn của chúng tôi với những câu hỏi han, những lời chỉ dẫn ân cần, và luôn thúc chúng tôi ăn thật nhiều, thật no, vì thời gian huấn nhục còn kéo dài rất nhiều tuần. Trong khoảnh khắc ấy, anh em chúng tôi thật cảm động và thấy vơi dần nỗi mỏi mệt. Tuy nhiên, những ngày huấn nhục còn dài cho tôi một ý tưởng cuộc đời mình còn đang ở trong bóng tối.

    Lần lượt ăn xong, chúng tôi ra ngoài sân lấy sac marin đi theo nhóm cán bộ phi đội trưởng về phòng và sẽ được nghỉ ngơi đến hai giờ sẽ tập trung trở lại. Tôi ở trong danh sách phi đội B, nằm ở dãy giữa, giường trên. Bên cạnh tôi là bạn Vinh, đối diện có Trần Vê, Đặng Chứng, Trương Ngọc Hiệp. Hai dãy giường đôi đặt song song, chừa lối đi rộng ở giữa và mỗi đầu giường có một chiếc tủ nhỏ đựng đồ cá nhân cho hai người cùng giường. Hôm nay là ngày chủ nhật, giờ này, có những SVSQ bắt đầu ra phố, cũng có một số người trở về trại.

    Tôi ngả lưng xuống giường chợp mắt được một giấc. Khi tôi thức dậy, các bạn quanh tôi đang ngồi đánh giày, soạn sac marin sắp xếp quần áo, hoặc viết thư. Trong cảnh sinh hoạt giờ nghỉ ai nấy đều yên lặng, nhưng cũng trong giờ phút này, chúng tôi hỏi chuyện làm quen nhau. Khi nhìn thấy những người bạn ngồi cúi đầu lặng yên theo ngòi bút viết thư về cho gia đình, tự dưng lòng tôi nao nao khôn kể. Tôi nghĩ ba mẹ tôi, những em tôi và bao nhiêu người thân cùng bạn bè. Tôi chợt nhớ đến bóng dáng một cô gái Huế cùng tôi đi trên một chuyến xe buýt và cô đã xuống trạm ở nhà ga, sau cùng, đó là Thùy hình ảnh nàng tôi vẫn cứ giữ mãi sự thầm kín của một mối tình mà chỉ có riêng hai người biết nhau thôi.

    Bỗng nhiên, từ ngoài lối cửa vào Giáp xuất hiện trên tay cầm một gói giấy báo. Vừa đến bên tôi, Giáp lên tiếng:

    - Ông vừa mới vào quân trường mà đã có thân nhân gởi quà rồi.

    Các bạn chung quanh nhìn Giáp và tôi. Tôi biết ngay gói quà nhỏ là Giáp mua cho tôi ở khu cantine, chứ không hề có ai gởi cả. Tôi nói tiếng cám ơn rất nhỏ, hơi rụt rè, rồi lúc Giáp ngồi xuống cạnh giường tôi, tôi mới mở gói giấy. Đó một chiếc khăn mặt, cái bàn chải mới và một phong kẹo nhỏ.

    - Gia đình anh còn ở Đà Nẵng không ?
    - Vẫn ở ngoài đó.
    - Anh sắp đi Mỹ học lái chưa ?
    - Không đi Mỹ, đang học khóa Cessna ở đây.
    - Vậy cũng được. Anh đã bay solo chưa ?
    - Rồi, mới xong tuần trước.

    Giờ nghỉ trưa qua mau. Vừa có một hồi kẻng đánh lên, trong lúc nó còn ngân vọng trôi nổi từng âm thanh, thì ngay lúc đó bao nhiêu tiếng la hét như trời sập từ bên dưới cầu thang dội lên, và ngay lập tức, chúng tôi đua nhau ào chạy xuống sân tập họp, mặt mày tái mét.

    - Mới có ngày đầu vào quân trường mà các anh cứ tà tà. Tất cả chống thế chờ.

    Lặng im, chúng răm rắp đồng loạt nằm xuống hai tay chống đất.

    - 50 cái hít đất đếm đều nhịp.
    - Một lên, hai lên, ba lên ...

    Cứ vậy, trưởng khóa Lê Văn Dui, vừa thở vừa đếm.
    Sau màn phạt tập thể này, đội hình được xé ra. Và chiều nay, trên sân cát nóng bỏng, một trận huấn nhục bằng các màn dã chiến, bắt đầu. Chỉ được một phút nghỉ sau lệnh phạt, bọn chúng tôi lại tiếp qua thi hành những trò chơi khác. Đó là những trò biểu diễn mà các niên trưởng trong quân trường rất ưa thích như thế đứng con gà chết, nhảy xổm, hít đất, bò, lăn thùng phi, máy bay cất cánh, máy bay đáp. Những trò chơi nầy, không chỉ có dành riêng cho một khóa chúng tôi thôi, mà đã bao nhiêu khóa học, bao nhiêu thời niên trưởng cứ nối tiếp, cứ theo nhau để tạo nên một truyền thống cho thời gian huấn nhục ở quân trường. Rồi kế đó, lại có những màn bắt cười, bắt khóc, bắt hát, đọc thơ.

    Mới qua hơn tiếng đồng hồ, bọn tôi đã nằm xỉu dài dài. Nhưng, cũng không thoát khỏi nanh vuốt cán bộ. Mấy ổng đã qua các màn này rồi, ai xỉu, cho xỉu nằm đó, tưới nước mát xong tỉnh lại là đứng dậy thi hành lệnh phạt.

    Đến năm giờ, chúng tôi được tập họp vào hàng điểm danh, đếm số rồi đi vào nhà ăn. Sau bữa cơm, mặt trời lặn, nhưng một ngày chưa thực sự hết đối với chúng tôi. Cơm nước xong, trở về phòng soạn chỗ nghỉ, và lúc đó, chúng tôi hết sức gấp vội lo đánh giày thật bóng để cán bộ đi khám phòng. Nghệ thuật đánh giày, chúng tôi dùng bông gòn thấm nước xong chùi nhẹ lên lớp xira và đánh bóng giày làm sao mà cán bộ soi gương thấy được mặt mũi của mình. Đây cũng là giờ thứ 25, khốc liệt nhất trong ngày. Sàn nhà sạch tưng không bụi, mũ cát két visière sáng bóng như gương và đôi giày mũi trước thật sáng loáng để con ruồi bay tới, đậu lên là trượt té ngay. Tối đầu tiên ấy, nhóm cán bộ phụ trách phi đội chúng tôi có Niên trưởng Thới, Đăng, Giáp, Ngân, Quân, Tiến, Quang đi khám thật kỹ, và lập tức, ban một lệnh phạt xanh rờn.

    - Tất cả chống thế chờ coi.

    Tiếp:

    - Móc hai giò lên tủ coi.

    Bọn tôi thằng nào cũng cảm thấy chóng mặt, xâm xoàng. Mới sơ khởi, đã có vài anh rớt đài.

    - Yên vị trí coi. Các anh có biết trò gì đây không ?
    - Không.
    - Trời, phi công mà không biết lúc máy bay oanh tạc hả. Cúi thẳng đầu xuống.

    Cứ vậy, bọn tôi rớt xỉu dài dài.

    Rồi tiếng kẻng vọng lên báo giờ nghỉ. Lập tức, bọn tôi nhanh chân giăng màn, trải ra, chuẩn bị lên giường nằm.

    - Các anh đến giờ ngủ không được to nhỏ trò chuyện nghe chưa ?
    - Rõ.

    Tiếng bước chân cán bộ rời phòng xuống cầu thang mỗi lúc một xa dần. Đêm yên tĩnh. Chúng tôi mệt mỏi, lả người, đánh giấc thật mau lẹ một lèo cho đến sáng.
    Và cứ vậy, ngày theo ngày, sáng sáng, chiều chiều, rồi tối tối, tuần lễ đầu của thời gian huấn nhục chúng tôi bị phạt liên miên, không nghỉ. Bị phạt, vì cán bộ nại đủ cái cớ, đủ lỗi, lớn có nhỏ có và chúng tôi không cãi lại cứ thi hành và cứ xong một hình phạt là trình diện. Nhờ vậy, chúng tôi ăn nhiều, ngủ ngon giấc.

    Ngày, từ khi mặt trời mọc đến lúc đèn tắt vẫn cứ giằng giặc không ngốc đầu lên nổi. Quanh chúng tôi là những đoàn cán bộ, ngày đêm tấn công ào ạt như phi cơ dội bom.

    Sau một tuần quen với khí hậu vùng biển và chịu đựng thời gian huấn nhục, lúc này, chúng tôi mới thấy sự xuất hiện của của Sĩ quan Đoàn trưởng, Đại úy Lê Như Hoàn.


    Viên Đại úy có vẻ mặt cương nghị, hòa nhã, ông mặc bộ quân phục kaki vàng, đầu đội nón kaolo xanh có gắn ba bông mai vàng sáng và dây biểu chương ở cầu vai. Dưới nắng trưa, đứng trong hàng quân chúng tôi đều im lặng, chờ ông lên tiếng, và qua hình ảnh bây giờ, chúng tôi bỗng nhớ lại hôm chủ nhật tuần trước ở sân bay, ông đã xuất hiện với bộ đồ bay màu cam hừng sáng ánh nắng của một ngày đầu thu. Hình ảnh đẹp này lưu giữ trong từng người chúng tôi một buổi đầu nhớ mãi, và đã thúc đẩy trí tưởng tượng của tuổi trẻ đầy hoa mộng hãy bay bổng vào không gian để đạt ước vọng trở thành người phi công.

    Rồi sau ít phút nghĩ ngợi, bằng giọng trầm ấm, ông giới thiệu về mình, về nhiệm vụ hiện tại của ông là phụ trách hướng dẫn đoàn SVSQ. Ông nói:

    - Các anh bây giờ trong thời kỳ huấn nhục là tân khóa sinh, nhưng sau bốn tuần lễ các anh sẽ là SVSQ, rồi sẽ thành những Sĩ quan phi công trong tương lai. Là một Sĩ quan phi công, các anh phải tỏ ra lịch lãm, hào hoa, và luôn tạo cho mình một phong cách hào hùng, độc đáo. Người phi công phải thật dũng cảm khi chiến đấu trên vùng trời, và luôn luôn tỏ ra hào hoa trước bóng dáng những người đẹp.

    Vậy khóa 69B phải luôn luôn biểu hiện phong cách đó, và hãy cùng tôi đọc lớn lời tâm niệm: Hào Hùng và Độc Đáo.

    - Hào Hùng và Độc Đáo. Hào Hùng và Độc Đáo. Hào Hùng và Độc Đáo.

    Rất dũng mãnh, vừa oai nghi, những lời tâm niệm trên được đọc lớn ba lần, âm vang đồng nhất từ vị Chỉ huy đến cả hàng quân của toàn khóa 69B gây nên một niềm tự tin lớn vô cùng.

    Buổi đầu tiên ra mắt, Đại úy Lê Như Hoàn đã cho gây chúng tôi một ấn tượng tốt, một tình cảm trìu mến, vừa lãng mạn. Với vóc dáng người cao, khỏe mạnh, trong bộ quân phục làm việc hay đại lễ, hay trong bộ đồ bay có gắn đôi cánh, ông luôn thể hiện cho chúng tôi một mẫu người phi công độc đáo, hào hùng. Rồi, về cuộc đời ông, trong những lúc chuyện trò riêng tư thân mật, chúng tôi được biết trước đây thời đi học, ông học chương trình Pháp ở trường La san Pellerin, và khi vào Không Quân, ông tốt nghiệp ở trường bay Hải Quân bên Mỹ và đã từng là phi công khu trục tiên phong trong một phi đội Thần Phong bay qua khỏi vùng trời giới tuyến oanh tạc miền Bắc.

    Khu trại chúng tôi nằm riêng biệt, gần khu nhà ăn, vừa làm chỗ hội trường, đối điện với một sân cát rộng, còn văn phòng của Liên đoàn SV nằm ở một dãy nhà tôn dài, con đường trước mặt chạy xa ra đến cổng chính của quân trường.

    Bước sang tuần lễ thứ hai, khóa 69B bắt đầu vào lớp học quân sự. Cũng nhờ việc học bắt đầu sớm nên thời gian huấn nhục nhẹ đỡ hơn tuần thử thách đầu tiên. Với lại, bằng một lời chân tình của một phi công đàn anh, Đại úy Hoàn nhắn nhủ với các SVSQ cán bộ không nên dùng những hình phạt quá nặng đối với Tân khóa sinh, vì còn giữ sức khỏe cho họ để học bay. Những hình phạt luôn cần tạo cho khả năng thể dục cường tráng, chứ không phải là theo lối hành hạ thân xác.

    Những lời cảm khái của Vị Sĩ quan Đoàn trưởng đã tác động đến các SVSQ Cán bộ, và hơn ai hết, rồi đây họ sẽ là những phi công trong tương lai, cho nên, dần dần các khóa niên trưởng trở nên gần gũi với chúng tôi, và chỉ bắt chúng tôi thi hành lệnh phạt với ý hướng lành mạnh về thể dục. Vào hai ngày cuối tuần, vì còn trong thời gian huấn nhục nên chúng tôi chưa đi phép chơi phố, ở nhà làm tạp dịch doanh trại, cào cát, quét dọn phòng ở , sắp xếp quân trang, tắm giặt, sau đó là miệt mài đánh giày cho bóng. Tuy hai ngày cuối tuần được nghỉ, nhưng Đại úy Hoàn vẫn có những buổi vào làm việc tại văn phòng, có những tối ông cũng vào để theo dõi phương cách huấn nhục của các cán bộ SV với chúng tôi.

    Ngày cuối của thời gian huấn nhục là một kỷ niệm khó quên. Đó là ngày thứ sáu, từ sáng sớm đến trưa, các niên trưởng các cấp đã quần thảo tối đa chúng tôi tơi tả trên sân cát, và buổi sáng đó, nhiều anh nằm xỉu dài dài. Những trận dã chiến kéo dài cho đến trưa, đến lúc tập họp vào nhà ăn thì chúng tôi mới được các niên rưởng cho biết hôm nay là ngày cuối của thời gian huấn nhục, và tối hôm nay chúng tôi chuẩn bị làm lễ gắn alpha. Nỗi vui mừng của chúng tôi lần đầu tiên thể hiện trên một gương mặt mới mẻ, đầy tự tin.

    Đêm gắn alpha diễn ra ở Hội quán của Liên Đoàn SV. Thiếu Tá Nguyễn Hồng Tuyền Liên đoàn trưởng, Đại Uý Lê Như Hoàn Đoàn trưởng trong quân phục nghi lễ cùng ngồi ghế chủ tọa. Buổi lễ gắn alpha thật trang nghiêm, thành kính. 218 tân khóa sinh của khóa 69B đã sắp hàng ngang dọc ngay ngắn trong hội quán, và buổi lễ được tổ chức đúng theo nghi lễ quân cách có rước quốc và quân kỳ.
    Rồi một niên trưởng chỉ huy buổi lễ hô lớn:

    - Quỳ xuống các Tân Khóa Sinh.


    (Từ trái NT Nguyễn Hồng Tuyền, Khoá Sinh Lê Văn Dui, NT Lê Như Hoàn)

    Sau một phút im lặng, hai vị Sĩ quan Liên Đoàn trưởng cùng Đoàn trưởng gắn alpha danh dự cho Trưởng khóa Lê Văn Dui. Khi cặp alpha danh dự dành cho Trưởng khóa gắn xong, lần lượt đi qua từng hàng, các Sinh viên niên trưởng bắt đầu gắn cho chúng tôi. Tất cả lặng im và trang nghiêm dưới những ngọn đèn chiếu từ những góc tường rọi xuống và in đậm lên từng gương mặt.

    - Đứng dậy các SVSQ.

    Một lần nữa, Sinh viên Phước lên tiếng, lập tức đồng loạt chúng tôi cùng đứng dậy. Đại Úy Lê Như Hoàn lại rời ghế bước xuống, và trong tư thế nghiêm chào kính ông trình diện đoàn SVSQ khóa 69B lên vị Thiếu Tá Thiếu Tá Liên Đoàn trưởng. Khi chấp nhận khóa 69B, ông bắt đầu ngỏ lời với một sự cảm khái của một phi công đã trưởng thành trong binh nghiệp và nghề nghiệp.

    Buổi lễ kết thúc. Từ hội quán, chúng tôi đi đều bước về hội trường, và tại đây, chúng tôi vui mừng chào đón quan khách và thân nhân. Rất nhiều nữ sinh trường Nữ trung học Nha Trang được mời dự, và có khá đông là bạn gái của những bạn trong khóa chúng tôi đã làm quen được. Nhìn thấy quan khách đông, nhất là SVSQ của khóa 69B đưa được nhiều bạn gái vào tham dự đêm alpha, Thiếu Tá Nguyễn Hồng Tuyền và Đại úy Lê Như Hoàn hết sức hài lòng.

    Tiệc vui rất đơn giản, trên bàn của SVSQ cũng như quan khách chỉ có nước giải khát đá chanh và bánh paté chaud, bánh ngọt kẹo, nhưng tối hôm đó thật vui nhờ vào không khí của chương trình nhạc và khiêu vũ. Ban nhạc có đủ ghi ta, trống, piano, accordéon, và các ca sĩ trong khóa cùng các niên trưởng và có thêm một số anh em ca sĩ bên ngoài giúp vui. Cứ mỗi bản nhạc tấu lên là trên sàn nhảy lần lượt từng cặp tiến ra và cứ theo từng điệu nhảy mà dìu nhau trong ánh đèn mờ ảo, vừa quyến rũ, và lòng càng thêm vui.

    Mười hai giờ đêm tan buổi hội, những anh em nào có thân nhân được theo thân nhân ra ngoài nghỉ đêm, không có, nghỉ tại trại sáng mai tùy theo muốn rời cổng trại lúc nào cũng được.

    Số người ra cùng thân nhân không nhiều lắm, còn hầu hết anh em đều ở lại chờ sáng đến sáng mai chưng diện bộ đồ vàng đi phố, và vừa mới lãnh lương nên trong túi bạn nào cũng có tiền rỏng rẻng đủ một ngày vui.

    Về phòng, tôi thao thức không ngủ được. Tối hôm đó, trời có trăng khuya. Nhìn qua khe cửa ánh trăng sáng, tôi hồi tưởng lại một phần đời của mình trong những tháng ngày cũ . Và, hình ảnh của Thùy tôi nhớ hơn hết. Nàng là bạn gái rất thân của tôi trong thời đi học. Dù nay, nàng đã có gia đình, nhưng giữa tôi và nàng vẫn có những lúc lặng thầm tưởng nghĩ đến nhau. Và bây giờ, không chỉ có cái tình riêng tư giữa tôi và nàng thôi mà còn có thêm sự thân thiết của gia đình nàng đối với tôi nữa.

    Trời vừa rạng sáng, chúng tôi reo lên. Và tất cả đều cùng bị đánh thức cho một ngày vui mới sau bốn tuần lễ huấn nhục. Buổi chiều qua, từ hội trường về, anh em khóa 69B đã được phát giấy phép xuất trại nên sáng nay, ai muốn đi sớm thì đi, ai muốn ra muộn cũng tùy.

    Lần lượt bọn chúng tôi xuống cầu thang, và cứ tùy theo tình thân, chúng tôi cùng đi với nhau. Tôi không có người thân ở Nha Trang nên cùng một số bạn cứ nhỡn nha, và bảo nhau, tối về trại ngủ, sáng mai lại đi chơi tiếp.

    Từ cổng trại, chúng tôi hướng con đường ra biển. Biển Nha Trang trong buổi sáng xanh vời vợi và tiếng sóng biển vỗ vào bờ dào dạt, đôi lúc, khiến tôi nghĩ nhiều đến tương lai. Trong nhóm bạn tôi có bốn người, đang đi bộ lang thang thì gặp xe Đại úy Lê Như Hoàn. Vừa thấy chúng tôi, đang đi ngược chiều Đại úy quay xe lại và bảo chúng tôi lên để ông đưa về phố. Trên đường đi, Đại úy vui chuyện hỏi chúng tôi về gia đình, những người thân, và rồi ông khuyến khích chúng tôi trong thời gian ở đây phải làm sao quen được các bạn gái. Tôi nhớ đến lời tâm niệm của ông truyền đạt cho khóa 69B: Hào Hùng, Độc Đáo. Tôi ngồi ở ghế sau, và trong lúc anh em nghe tiếng nói chuyện của ông, riêng tôi, cảm nhận một cái gì đẹp của người phi công ở nơi con người ông.

    Buổi sáng nay, cùng vui với chúng tôi, Đại úy Lê Như Hoàn đã lái xe rảo vòng những phố chính ở Nha Trang để xem anh em khóa 69B có phô diễn được cái phong cách lịch lãm của người SVSQ/KQ trước cuộc đời, trước mọi người và hình ảnh của chúng tôi sẽ để lại những dấu ấn như thế nào ở nơi thành phố biển này. Và, tôi nghĩ, viên Đại úy trẻ tuổi này sẽ hài lòng nở một nụ cười mãn nguyện khi được thấy những SVSQ khóa 69B có bên cạnh người bạn gái để cùng dạo chơi ngày cuối tuần, để cùng nói với nhau những lời hẹn hò, và để cùng vui hưởng giải trí bên nhau trong một quán nhạc hay ngồi cạnh nhau xem một phim hay.

    Quả thực đó là lý tưởng cho tuổi trẻ nói chung, cho những SVSQ dù ở quân trường nào, vì đây cũng là một thời hoa mộng đẹp nhất. Những SVSQ của khóa 69B chúng tôi đang mong tìm trong thành phố biển này những người bạn gái, và ai đó là hình ảnh của cô Phượng, một thiếu nữ đẹp trong tác phẩm Đời Phi Công đầy tình tứ của nhà văn Toàn Phong.

    Ngày hôm ấy, những kỷ niệm của buổi đầu thật là đẹp. Và rồi, mỗi tuần như vậy, sau thời gian học tập quân sự, đến cuối tuần chúng tôi lại vui với ngày phép. Trong khóa chúng tôi, hầu như không có một bạn nào dù phạm lỗi kỷ luật cũng không bị cúp phép. Đại úy Lê Như Hoàn luôn rộng mở một tấm lòng với những người em SVSQ của mình, nhất là khóa 69B ông đang dìu dắt. Khi một bạn nào trong khóa chúng tôi mà quen được với một cô bạn gái, hoặc có tin bạn gái từ Sài Gòn ra quân trường thăm, thì không một chút do dự, Đại úy Lê Như Hoàn sẵn sàng ký cho giấy phép xuất trại để được sống vui bên cạnh người yêu.Tấm lòng đó, là một trong nét đẹp luôn nhìn thấy nó mở rộng qua đôi cánh của người phi công thuộc Quân lực VNCH.

    Thời gian tựa cánh chim bay. Đó là một câu hát trong bản nhạc nổi tiếng Hương Xưa của nhạc sĩ Cung Tiến. Ngày nối theo ngày, những buổi sáng đến hội trường để học, những ngày đi bãi bắn thực tập, những buổi trưa hay chiều trở về trại, bao giờ chúng tôi cùng dừng lại trước sân Đoàn SVSQ sau khi dứt bài hành khúc KQVN để trình diện Đại úy Đoàn trưởng. Có thể nói, suốt thời gian ba tháng khóa 69B ở quân trường, Đại úy Lê Như Hoàn, bóng dáng người phi công khu trục biểu tượng cánh chim đầu đàn luôn hiện diện trước chúng tôi, và luôn mang lại cho chúng tôi một niềm tự tin vô cùng lớn.

    Khi chúng tôi tạo được những thành quả tốt trong sinh hoạt, học tập, ông tỏ lời khen. Khi chúng tôi có những vấp váp, sai lầm, ông hướng dẫn chúng tôi và luôn nhắc nhở cho chúng tôi cái tính cách tự hào của người phi công. Làm người, ấy là nhận lảnh một trách nhiệm, nhà văn phi công Pháp Saint Exupéry đã viết ra điều này trong các tác phẩm về cuộc đời của những phi công. Với nét đẹp, với tinh thần đó của Đại úy Lê Như Hoàn đã có lúc khiến tôi nghĩ đến ông qua những nhân vật phi công như Jacques Bernis, Guillaumet, Jacques Rivière của nhà văn Saint Exupéry.

    Ngày kết thúc khóa học đã đến. Trong các môn thi khảo sát về quân sự của giai đoạn II, khóa chúng tôi có 5 người bị thiếu điểm, khả năng phải học lại. Trước cái tin này, trong buổi họp với Ban Giảng Huấn trường Quân Sự, Đại úy Lê Như Hoàn đã kêu gọi được sự khoan hồng của Ban Giảm Khảo cho tăng điểm để số 5 anh em còn lại cùng có sự may mắn như các bạn cùng khóa. Tôi là một trong số anh em đó, và riêng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng tốt của Đại úy Lê Như Hoàn dành cho khóa 69B, và những anh em thiếu may mắn như tôi.

    Ngày thứ sáu, toàn khóa chúng tôi sẽ cùng đi về Sài Gòn theo hai hoặc ba chuyến bay đặc biệt. Tối hôm đó, anh em chúng tôi đi thăm các niên trưởng, tâm sự những ngày buồn vui đã qua. Tôi , Giáp, và anh Quang có dịp trò chuyện uống cà phê thức đến khuya. Và ngày chúng tôi ngồi ở trạm hàng không, suốt buổi Đại úy Lê Như Hoàn ở bên chúng tôi, gắn bó từng câu chuyện, như đó là ngày mà bao nhiêu kỷ niệm của thời gian trở thành một kinh nghiệm, một hành trình mà khóa 69B cùng một ý chí, cùng một sự đoàn kết với tinh thần của phi công Lê Như Hoàn để tạo niềm kiêu hãnh chung. Có thể gọi, khóa 69B cũng là khóa mang tên Lê Như Hoàn, mang tinh thần hào hùng, độc dáo của Lê Như Hoàn.

    Trở về Sài Gòn, chúng tôi được nghỉ ngơi trong mấy ngày trước khi vào Bộ Tư Lệnh để trình diện. Tưởng rằng, chúng tôi đã xa Cánh chim đầu đàn, thế nhưng những ngày chúng tôi dạo phố Sài Gòn, vẫn thấp thoáng có bóng Đại úy Hoàn bên cạnh chúng tôi bằng đôi mắt trầm lặng, vừa suy tư, vì chúng tôi là một niềm hy vọng , một hoài bão trong ước vọng của ông. Và rồi, Đại úy Hoàn chỉ thực xa anh em khóa 69B trong buổi sáng ông đến thăm toàn thể anh em ngày đầu nhập khóa học Anh Ngữ tại trường Sinh Ngữ Quân Đội và trong ngày đó, ông đã dẫn dắt 30 đàn em có điểm cao quân sự muốn tình nguyện ra Nha Trang học lái máy bay Cessena.

    Những người SVSQ khóa 69B hầu hết đã trở thành phi công sau thời gian học Anh Ngữ và học bay ở Hoa Kỳ. Chỉ có khoảng hơn bốn chục anh em bị loại, đưa qua đơn vị Bộ Binh, và số anh em này có tôi. Tuy lòng tôi rất buồn không đạt được ý nguyện với giấc mơ về không gian, nhưng với đồng đội khóa 69 B ở quân trường, và riêng với Đại úy Lê Như Hoàn vẫn là một tấm lòng, một kỷ niệm đẹp rất nhớ, không bao giờ quên. Khi học thành tài trở về, những phi công khóa 69B đã phục vụ trong binh chủng Không Quân và chiến đấu khắp bốn vùng trời chiến thuật.

    Ở nơi vùng trời hỏa tuyến có các phi công trực thăng , Nguyễn Văn Hòe, Võ Ngọc Lê, phi công L19 Dương Viết Đang. Ở trên vùng trời cao nguyên có phi công khu trục Phạm Hữu Lộc, Phạm Nghị Luận, Đinh Đức Bản L19, và những phi công trực thăng, Trần Vê, Trấn Quí Tằng, ở nơi vùng đồng bằng đất đỏ có Lê Thành Nhơn, Phan Ngọc Huynh, Tôn Thất Hòe, Hồng Văn Thêm trong phi đoàn vận tải, có Lương Đức Thành, Nguyễn Đình Nam, trong phi đoàn trực thăng, và bạn Nguyễn Tứ Đức ở khu trục, còn vùng miền Tây đầm lầy có Trần Vũ Hoàng, Lâm văn Có , Nguyễn trí Hiếu. Nhiều nữa, tôi không nhớ hết tên.

    Mới cách đây 7 năm, một ngày hội lớn 30 năm được tổ chức kỷ niệm họp mắt của toàn khóa 69B. Buổi họp mặt đầy xúc động và nhớ mãi, và sau nhiều năm xa cách hai cánh chim đầu đàn Nguyễn Hồng Tuyền và Lê Như Hoàn đã hiện diện. Trước khi cuộc chiến miền Nam kết thúc, Niên trưởng Nguyễn Hồng Tuyền là Đại Tá Chỉ Huy trưởng Căn cứ Phù Cát, Niên trưởng Lê Như Hoàn là Trung Tá Trưởng Khối Khu trục/ Bộ Tư Lệnh Không Quân. Giờ đây, mái tóc của hai vị Niên trưởng cũng như hầu hết các anh em của khóa 69B đã nhuốm bạc ít nhiều. Tuy vậy, tình bạn xưa vẫn gợi nhớ nhiều đến bao kỷ niệm ở quân trường. Ngày xa đó, cả một thời hoa mộng và yêu thương. Ngày xa đó, là cả một khung trời có nắng hồng tuổi trẻ.

    Buổi họp mặt tổ chức rất trọng thể và rất thành công. Hình ảnh của ngày họp mặt đó sẽ nhớ mãi, và sự thành công toàn diện nhờ vào cuộc đóng góp tận tình của Ban tổ chức khóa với Phạm Hữu Lộc, Hồng Văn Thêm, Lương Đức Thành. Đinh đức Bản, Phạm Nghị Luận, Dương Viết Đang, cùng với nhiệt tình của anh em toàn hai khóa 3/69 và 69B ở khắp các tiểu bang trong lãnh thổ Hoa Kỳ hỗ trợ và hầu hết đều có tham dự . Bao nhiêu hình ảnh xưa, kỷ niệm cũ, đã sống trọn vẹn trong ngày hôm đó.

    Hào Hùng và Độc Đáo, bốn chữ này là biểu tượng cho bốn hướng bay, bốn phương trời cư ngụ, và dù bất cứ một nơi nào đó, tình chiến hữu xây dựng trong buổi đầu của khóa 69B đã có được nhờ sự dìu dắt của hai Cánh chim đầu đàn Nguyễn Hồng Tuyền và Lê Như Hoàn. Khóa 69B khi nghĩ về nhau, không bao giờ vắng bóng hai con người đó. Riêng với Niên trưởng Lê Như Hoàn, là người đã hãnh diện và gởi trọn vẹn niềm tin của mình cho hết toàn thể khóa 69B.

    Thời gian ơi, hãy dừng cánh lại . . . . (thơ của Lamartine)

    Nguyễn Chí Kham
    Last edited by khongquan2; 04-03-2017, 04:31 PM.

  • #2

    (Ngồi) Cựu Tr/Tá Lê Như Hoàn và Cựu Đ/Tá Nguyễn Hồng Tuyền

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X