Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ông Việt kiều kỳ lạ

Collapse
X

Ông Việt kiều kỳ lạ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ông Việt kiều kỳ lạ

    Nguyễn Ðạt - Báo Người Việt


    Tới thăm Nguyễn Tiến Văn, lần nào chúng tôi cũng phải hỏi thăm, tìm nhà.

    Nguyễn Tiến Văn định cư ở Toronto-Canada, về Sài Gòn từ hơn bốn năm nay, đã hai lần đổi nơi thuê trọ tại quận 4. Nơi thuê trọ cả hai lần đều là địa chỉ khó tìm, sâu mãi trong khu xóm bình dân chi chít ngõ ngách, chỗ thì rộng phình, chỗ chỉ đủ cho một chiều lưu thông.


    Ông “Việt kiều kỳ lạ” Nguyễn Tiến Văn ở Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)



    Căn nhà Nguyễn Tiến Văn thuê trọ hiện nay thuộc đường Tôn Thất Thuyết, giữa khu xóm có chùa Linh Bửu. Chúng tôi hỏi thăm lối tới chùa Linh Bửu, sau đó hỏi tiếp nơi ở của “ông già râu tóc để dài.” Hầu như trong khu xóm ai cũng biết “ông già râu tóc để dài,” và khi chúng tôi hỏi thăm lối ngõ, thường được trả lời: “Ông Việt kiều kỳ lạ đó hả? Mấy chú đi lối này, tới chỗ đó rồi quẹo ngả bên tay trái, đi qua chừng sáu, bảy căn nhà...”

    Chúng tôi biết tại sao bà con khu xóm bình dân gọi Nguyễn Tiến Văn là “Ông Việt kiều kỳ lạ.” Bà con thấy ông phục sức tuềnh toàng cũ kỹ, không khác một ông già bán vé số; thấy ông mua bó rau, gói mì ăn liền... cho bữa ăn thường nhật; thấy ông đi dép nhựa lẹp xẹp, vào uống cà phê quán cóc vỉa hè... “Việt kiều sao nghèo khổ dzậy?” Dù không hỏi, nhưng tất nhiên bà con đều biết Nguyễn Tiến Văn là Việt kiều. Khi thuê trọ, ông phải đăng ký ở địa phương; chủ nhà cũng phải đăng ký, với giá quy định cho Việt kiều thuê trọ tối thiểu là 3.5 triệu/tháng.

    Chúng tôi quen biết Nguyễn Tiến Văn từ trước 30 tháng 4, 1975. Thuở đó Nguyễn Tiến Văn chủ trương nhà xuất bản Nguồn Sáng, ông biên tập rồi đưa in ấn phát hành những tác phẩm văn học có giá trị, đặc biệt là bản dịch các tác phẩm kinh điển của thế giới. Ông viết những bài về văn hóa, văn tự-ngôn ngữ Việt, đăng tải trên báo chí Sài Gòn.

    Sau biến cố 30 tháng 4, Nguyễn Tiến Văn định cư ở Toronto-Canada cùng gia đình. Tại đây, trong khoảng thời gian từ 1994-96, ông thực hiện tờ báo in “Trăm Con,” là nguyệt san văn hóa-xã hội, với tâm tình hướng về văn hóa đất Việt.

    Nguyễn Tiến Văn ở Sài Gòn đã hơn bốn năm nay, chúng tôi gọi đùa ông là “Việt kiều về luôn.” Là người thân thiết cũ, thường tới thăm Nguyễn Tiến Văn, chúng tôi biết rõ hiện trạng cuộc sống của ông, và phải nói thêm, là sự cảm phục: ông bình thản trong cuộc sống đạm bạc. Căn nhà không phải là lớn rộng, nhưng không có đồ đạc vật dụng gì để chật chội, ngoài sách chất đầy ở các kệ tre sắp đặt chung quanh vách tường. Vì là nhà cho Việt kiều thuê trọ nên chủ nhà có “trang thiết bị” máy nước nóng ở toa-lét, nhưng Nguyễn Tiến Văn không sử dụng bao giờ. Bếp ga nhỏ để nấu ăn, nồi cơm điện, bình đun nước sôi... đặt ngay bên cạnh chỗ ông ngồi. Khách khứa bạn bè thì ngồi trên chiếc chiếu cói trải giữa nhà. Chúng tôi biết, hiện nay Nguyễn Tiến Văn hoàn toàn tự túc, chi phí cho cuộc sống hàng ngày của ông rất eo hẹp khó khăn.

    Một trung tâm ngoại ngữ loại nhỏ tại Sài Gòn mời ông dạy một lớp luyện dịch tiếng Anh, tiền thù lao không tới 1.5 triệu đồng/tháng. Thỉnh thoảng là nhuận bút một bài viết đăng trên báo, khoảng vài trăm ngàn đồng, và họa hoằn một nhà xuất bản ứng trước tiền, một hay hai triệu đồng, đặt ông dịch một cuốn sách. Nhiều bạn thắc mắc, không hiểu sao Nguyễn Tiến Văn, một Việt kiều, lại chọn lựa cuộc sống ở Sài Gòn như vậy? Có bạn đã gặp, người bạn đời của Nguyễn Tiến Văn, từ Canada về Sài Gòn, để đón ông trở lại gia đình, nhưng ông không đồng ý. “Tôi đã làm xong trách nhiệm của tôi với gia đình, bây giờ đã ngoài bảy mươi tuổi, tôi phải được sống cho chính tôi...,” Nguyễn Tiến Văn từng nói với chúng tôi, quan điểm của ông như vậy.

    Chúng tôi được biết nhiều hơn về Nguyễn Tiến Văn: ông là người sống tâm huyết với lý tưởng của mình. Nói về thời gian thực hiện nguyệt san “Trăm Con” ở Toronto-Canada, ra được 14 số rồi đình bản, Nguyễn Tiến Văn cho biết: “Ở hải ngoại, tôi thấy mình rất cô đơn. Tôi phải đình bản nguyệt san ‘Trăm Con,’ không phải vì hết tiền in báo, mà chính là vì tôi không tìm được những đồng vọng, thậm chí còn bị ngộ nhận nữa... Ở Sài Gòn, gặp gỡ trực tiếp người này người khác, những gì muốn nói với nhau sẽ dễ nói hơn, để đi đến hiểu biết nhau đích thực, cùng đóng góp cho sự khơi dòng sinh mệnh văn hóa Việt Nam.”

    Chúng tôi không có niềm tin tưởng như Nguyễn Tiến Văn đã tin tưởng, và chợt nhớ tới nhà văn Mỹ, Jerome David Salinger, đã trả lời phỏng vấn của báo chí: Một khi sự thông cảm đã không có sẵn trong lòng người, thì những lời những chữ cũng chẳng để làm gì. Và Salinger đã sống kín đáo ở một nơi thôn dã, tiếp tục viết mà không ấn hành phổ biến.

    Tới thăm Nguyễn Tiến Văn lần nào chúng tôi cũng gặp người thân quen, cả những người không quen biết mà chỉ nghe nói về ông, tới chuyện trò thú vị bên tách trà với “ông Việt kiều về luôn,” trên chiếc chiếu cói trải giữa gian chính của căn nhà. Có người học hỏi ông về ngoại ngữ, có người nhờ ông chuyển dịch thơ sang tiếng Pháp tiếng Anh, có người hăng say bàn bạc trao đổi về văn hóa văn nghệ... Nguyễn Tiến Văn đã dịch sang tiếng Anh một số tập thơ, trong đó có tập thơ của Trang Thế Hy, nhà văn-nhà thơ lão thành, từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp; tập thơ của Lý Ðợi, thuộc nhóm Mở Miệng, Sài Gòn. Nhóm Mở Miệng chuyên in vi tính và photocopy các tác phẩm không qua kiểm duyệt của nhà nước.

    Biết chúng tôi viết bài cho báo chí ở hải ngoại, khi nhà văn Toan Ánh mất, Nguyễn Tiến Văn hỏi chúng tôi đã viết gì về Toan Ánh chưa? “Toan Ánh là người miền Bắc di cư, vào Sài Gòn chuyên viết về phong tục tập quán của đồng bào miền Bắc. Mình không viết gì về một người như vậy, thì ai sẽ viết đây?” Hiển nhiên Nguyễn Tiến Văn muốn nói: không thể trông đợi báo chí nhà nước viết về những nhà văn như Toan Ánh, vốn là Bắc-kỳ-di-cư.

    Nguyễn Tiến Văn đang khởi viết về nhà biên khảo văn học Ðỗ Long Vân, tác giả Vô Kỵ giữa chúng ta; Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương... Ông nói: “Một nhà biên khảo văn học quan trọng bậc nhất như Ðỗ Long Vân, vậy mà ở đây không có ai nhắc nhớ tới, dù chỉ một dòng chữ.” Có ai, những người cầm bút, báo chí ở Việt Nam hiện nay, nhắc tới Ðỗ Long Vân, cũng như nhắc tới Toan Ánh, cũng như nhắc tới bao nhiêu tác giả, nhà thơ nhà văn của miền Nam tự do?

    Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe Nguyễn Tiến Văn tỏ lời trách cứ những người cầm bút của nền “văn hóa văn nghệ quốc doanh” như vậy. Nên chúng tôi cũng muốn gọi Nguyễn Tiến Văn là “ông Việt kiều kỳ lạ,” như bà con xóm chùa Linh Bửu-quận 4, nhưng ở khía cạnh khác, không phải ở chuyện ăn mặc. Ông kỳ lạ ở chỗ, đã dư tuổi đời hiểu biết và kinh nghiệm, để thấy mình mình đang ôm giữ một giấc mơ vô vọng.



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X