Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Ngày làm lính Không Quân

Collapse
X

Những Ngày làm lính Không Quân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Ngày làm lính Không Quân

    Những Ngày làm lính Không Quân



    Ba mươi mấy năm trôi qua, kể từ ngày phải xa đại gia đình Quân đội, binh chủng Không Quân của QLVNCH, tôi chưa viết lại được gì, hẳn vì bọn chúng tôi, những thằng nhập ngũ trước sau Mùa Hè Đỏ Lửa năm 72. Những thằng chỉ chống chọi, trôi nổi vào cuộc chiến Quốc-Cộng, khi cuộc chiến sắp hạ màn, chiến tranh sắp đến hồi kết thúc. Cơn bão rớt, từ hoàn cảnh ngập lụt đã nhiều ngày qua.

    Những người hiện nay đã viết, đang viết và sẽ viết về cuộc chiến là những niên trưởng của các quân binh chủng, đã có thời gian khá lâu, rất lâu, rất dài trong quân đội, nằm gai nếm mật, sống bên và trên những xác chết của đồng đội, của phe bên kia. Họ đã Dựa Lưng Nỗi Chết (1) ở những ngọn đèo, con suối; trên những đỉnh đồi đầy mùi tử khí của xác người. Những người đã từng thấy đạn tầm nhiệt SA7 lao vào phi cơ bạn, mà không làm sao cứu được bạn, những người đã từng thấy phi cơ bạn lao xuống, đánh bom vào vùng địch để cứu bạn mình dưới đất, rồi vĩnh viễn ở lại làm kẻ đi không ai tìm xác rơi. Những vị Hải Quân anh hùng đã để lại cho hậu thế trận Hoàng Sa chống Trung quốc thật đáng tự hào. Tôi, kẻ hậu sinh trong cuộc chiến, rất trân trọng khi lật từng trang sách của các vị này để đọc. Sự thật bao giờ cũng là sự thật.

    Ở đây tôi chỉ viết lại vài kỷ niệm vui buồn của những ngày tôi ở binh chủng Không Quân.


    Chúng tôi vào lính trong và sau mùa hè năm 72, khi hoa phượng đang nở tưng bừng trên khắp mọi con đường. Trong những ngày đi thi tú tài, đại học là những ngày đã chuẩn bị tinh thần sau kỳ thi này đậu rớt gì cũng vào lính, vì lịnh tổng động viên của chính phủ vừa ban hành. Vừa thi, mà chiến sự ngoài chiến trường bay về thành phố như những hoả châu nóng chiếu sáng trên mọi khung trời, để thấy miền Nam Việt Nam đang đi vào chỗ đối đầu quyết liệt nhất trong cuộc chiến, chỉ có sống hoặc chết, không còn con đường nào khác. Phía bên kia họ đã đưa ra những chọn lựa như thế. Những ngày học thi, tin tức chiến sự, những trận đánh lẫy lừng lấy lại Quảng Trị, giải thoát Bình Long được tường trình trên tivi, báo chí Sàigòn mỗi ngày, đôi khi làm bọn trẻ đã ngẫn ngơ để quên đi những vòng tay êm ái từ người yêu, quên đi ánh mắt dịu dàng từ những cô bé tuổi mười sáu trăng tròn, mười tám, đôi mươi dành cho người anh, người tình.

    Vừa lách mình qua khỏi cổng Quân vụ thị trấn ở đường Lê Văn Duyệt, Sàigòn, vào một ngày của tháng 10 năm 1972 là tôi biết tôi đã giã từ đời sống dân sự, và đời sống quân nhân bắt đầu. Ngay chiều hôm đó đã có xe nhà binh đưa chúng tôi ngay vào Trung Tâm 3 Tuyển mộ nhập ngũ.

    Xe chạy trên con đường Lê Văn Duyệt dẫn đến Trung Tâm 3, trời về chiều, Sàigòn vẫn rộn rã tiếng người tiếng xe. Những cô nữ sinh áo dài trắng từng đôi trên những xe Honda Dame, PC đẹp thật kỳ lạ dưới mắt tôi trong buồi chiều vàng của thành phố. Tôi tự nhắn nhủ mình rồi cũng phải xa vắng những hình ảnh mộng mơ này một thời gian dài, để chịu ghép mình trong bổn phận làm lính và những kỷ luật quân đội.


    Nhìn những cô nữ sinh tôi chạnh nhớ đến Hương, cô bạn cùng lớp. Hương chăm chỉ, học giỏi, đưa những tia nhìn tình tứ với tôi trong những ngày chúng tôi sắp bãi trường. Hương người Tàu lai, mắt một mí, nước da trắng, hàm răng có những chiếc răng trắng đều như những hạt bắp. Tôi biết giờ này Hương đang ở nhà, phụ má nấu cơm. Vì những khi tôi đến mượn bài vở vào những buổi chiều như hôm nay là lúc Hương đang quanh quẩn trong bếp, trên con Trần Hoàng Quân đang ồn ào náo nhiệt bên ngoài. Hương biết tôi sắp đi lính, như Viễn, như Quý, những thằng bạn trai sẽ ra đi sau kỳ thi, nhưng Hương và tôi chỉ đi xa hơn tình bạn một chút, là chúng tôi nhìn nhau tình tứ, chớ một cuộc hẹn hò cho chuyện trăm năm, vẫn chưa ai, một trong hai chúng tôi nói đến. Mục đích Hương là tiếp tục học, học cao hơn. Còn tôi không còn mục đích nào cả, chỉ còn một con đường trước mặt: vào lính.

    Màn đầu tiên ở Trung Tâm 3 là màn la ó của vị quân nhân mang cấp bậc trung sĩ nhất, hay thượng sĩ gì đó. Tướng ông to cao, giọng nói rổn rảng. Mỗi lệnh lạc ông đều la to làm các lính mới thật vô cùng bở ngở, nhưng sợ. Kỹ luật quân đội là đây sao? Chúng tôi phải di chuyển theo từng nhóm thật nhanh khi bị gọi tên. Sàn qua sàn lại như đàn vịt. Nguyễn văn A. Có mặt. Trần Văn B. Có mặt… Cứ thế chúng tôi được xếp thứ tự thành tiểu đội, trung đội, đại đội. Cứ hai thằng đứng cạnh nhau là trở thành đôi bạn ngay, đồng cam cộng khổ cho những ngày lính sắp tới.

    Chúng tôi đi hớt tóc, lãnh sac marin và xuống nhà bàn ăn cơm khi trời đã chạng vạng tối.

    Một ngày đã qua, hôm sau có kẻn đánh thức dậy, thi hành những thủ tục như một người lính. Thời gian này là tổng động viên nên tất cả các nơi trình diện nhập ngũ đều rất đông tân binh. Ở Trung Tâm 3 này cũng vậy. Hàng hàng lớp lớp tân khóa sinh. Đi đâu cũng gặp những bộ áo lính đồng màu cứt ngựa rộng thùng thình. Trong trại, căn-tin, những gốc cây… Mặc dù nghe nói đã có rất nhiều khóa sinh đi về các quân trường Quang Trung, Đồng Đế, Thủ Đức v.v…, để thụ huấn, nhưng những ngày này ở đây còn rất đông.

    Rồi chúng tôi cũng được đi phép cả… tháng. Lý do: Các quân trường không còn đủ chỗ để chứa. Mà cứ nằm dài ở Trung Tâm 3 để làm gì chớ. Thôi cứ cho tân khóa sinh về nhà nghỉ phép dài hạn là hay nhất.

    Tôi quê ở Bà Rịa nhưng đi trọ học ở Sài Gòn. Nên những ngày được nghỉ phép lúc này tôi trở về lại Bà Rịa. Gia đình cha mẹ đang ở vùng hơi mất an ninh vào ban đêm, nên những ngày phép tôi ở tạm trong gia đình bà chị trong khu gia binh của những sĩ quan Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp.

    Ban ngày tôi hay lấy xe Honda của anh chị chạy đi thăm bạn bè cũ, những thằng bạn thời trung học đệ nhứt cấp ở thị xã Bà Rịa trầm lắng này. Chiều tôi đi xem đá banh. Tối ra ngồi chơi nơi những vọng gác với những tân binh đang theo học tại Trung Tâm Vạn Kiếp. Trung Tâm nằm ngay gần thị xã, tình hình yên tĩnh, nên vừa gác, ai gác thì gác, còn lại các bạn vừa uống rượu, đấu láo. Tôi thức cả đêm với họ, đến khi buồn ngủ mới về. Lúc trăng lên cao, trời về khuya, nhưng khí hậu vẫn ấm, khi đã ngà ngà say một vài lính mới cất giọng hát chung bài Chiến Sĩ Vô Danh, tôi cũng họa theo: Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng, lá cây rừng, lắng tiếng nghe hình bóng, của người anh hùng…, ra biên cương trong một chiều sương âm u, âm thầm theo khói mờ…. Hay bản nhạc Hòn Vọng Phu: …Có ai xuôi vạn lý, nhắn cho tin mấy lời… Giọng ca chung, tài tử, nhưng có lúc trầm hùng, lúc bảng lảng như gió rừng. Bên những chun rượu đế càng về khuya giọng ca, lời nói càng buồn, càng nói lên được thân phận trai thời ly loạn. Các bạn này, cũng giống như tôi, cũng vừa mới bị động viên vào lính, mặt mày trẻ măng, từ „bốn phương trời ta về đây chung vui“, nên chúng tôi dễ dàng thông cảm, chơi với nhau rất hợp. Cứ khi nào thiếu mồi, hềt mồi, tôi chạy về bếp nhà bà chị lục tôm khô, củ kiệu, vì ông anh rễ tôi lúc đó cũng là tay nhậu. Còn rượu thì các bạn lo. Trong khu gia binh, dù khuya, nhưng vẫn còn có quán mở cửa bán.


    Trong những ngày này tôi gặp Quyển, cô nữ sinh mười bảy tuổi, đang học lớp đệ tam tại Bà Rịa. Mặc đồ dân sự nhưng tóc hớt cao, ắt hẳn cô cũng biết tôi đang là lính. Như những học sinh nam ở Sàigòn, tôi quen khá nhiều các cô gái bạn học cùng lớp, dưới lớp, hàng xóm, nhưng chưa ai làm xao xuyến lòng tôi bằng Quyển, kể cả Hương như tôi vừa kể. Tôi đã đi bộ theo Quyển để tán tỉnh trong những buổi chiều khi cô đi học về. Cô rất mắc cở, vành nón lá che nghiêng, điệu bộ lúng túng, đúng là nữ sinh, nhưng qua người bạn gái cô cũng gửi tôi một lá thư để trả lời thư tôi, cô chúc tôi những ngày trong quân trường sắp tới được mạnh khoẻ, ráng vượt qua giai đoạn khó khăn, để làm sĩ quan với người ta. Những ngày này trong giấc ngủ của tôi hình ảnh Quyển thỉnh thoảng hiện về. Mỗi ngày tôi cứ trông đến chiều, khi Quyển tan trường, tôi chạy xe Honda theo nhịp bước của cô. Mối tình tôi và Quyển tôi vẫn giữ mãi đến tận bây giờ. Dù bây giờ hai đứa đã có gia đình, nhan sắc Quyển đã tàn phai theo thời gian và tuổi tác, nhưng mỗi khi nhớ về Quyển lòng tôi vẫn rạo rực như ngày đầu tiên gặp nàng.

    Trước lần đi phép dài hạn lần thứ hai, do bạn bè rủ tôi đi vào Tân Sân Nhất xin đơn để gia nhập Không Quân. Nộp đơn xong lòng dững dưng không hồi hộp đợi chờ. Được vô KQ cũng được, không cũng không sao. Bạn học tôi, tên Quý, đang là SVSQ Thủ Đức, đang đi chiến dịch ở Bà Rịa, gặp, thấy Quý cũng đẹp trai phong độ trong bộ đồ quân nhân bộ binh tác chiến. Cổ áo đeo uy hiệu Alfa màu vàng rất nổi bật trên nền áo xanh đậm nét lá cây rừng. Quý chắc cũng làm các cô nữ sinh chết mê chết mệt. Đầu năm 1974, khi đang học sinh ngữ ở trường Sinh Ngữ Quân đội, tôi nghe tin Quý tử trận. Sau đó Viễn, người bạn học cùng lớp, và cùng phòng thi trong ngày thi tú tài ở trường Việt Nam Học Đường, Sài Gòn, cũng tử trận. Trong lớp, tôi ít thân với Quý, nhưng rất thân với Viễn vì chúng tôi cùng học chung một lớp, lại gần nhà. Nghe tin Viễn tử trận tôi rất buồn. Chắc hai bạn bây giờ là cố thiếu úy!

    Nộp đơn vô KQ xong tôi về nhà nghỉ phép như thường lệ. Sau đó khoảng một tuần có giấy gọi kêu đi khám ở Tân Sân Nhất. Toán tôi khoảng 45 người, khám qua mắt, tai, răng, mủi, họng, tim, thân thể…, cuối cùng đậu khoảng 20, trong đó có tôi. Có nhiều bạn trong toán cao to hơn mình vẫn không đậu, chắc tại vì mắt, tai không còn tốt, chắc vì yêu nhiều quá nên tim đã bị…yếu. Giấy báo cáo đã đậu vào KQ chuyển về Trung Tâm 3, chúng tôi chỉ chờ KQ gửi giấy gọi.

    Ngày ở Trung Tâm 3 nhập ngũ buồn nhất là ngày Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc bài diễn văn trên truyền thanh truyền hình đầu năm tết Âm lịch 1973. Chúng tôi đứng tập trung quanh ông thượng sĩ già có cái radio đang phát thanh lời tổng thống. Thời gian này là đang (hay sắp?) ký Hiệp Định Ba Lê, nên tổng thống báo cho toàn dân Miền Nam biết về chuyện Hiệp Định. Nói chung là rất bi quan, đừng tin tưởng nhiều vào phe Miền Bắc, dù họ có ký Hiệp Định Ba Lê để chấm dứt chiến tranh. Ông thượng sĩ già người Bắc có những dẫn giải làm buồn lòng các tân binh thêm. Kinh nghiệm của ông vào thời điểm 54 ở miền Bắc, làm ông không thể tin ở phe bên kia chiến tuyến.

    Lúc tôi được triệu tập vào trình diện ở Tân Sân Nhất để gia nhập Không Quân là vào khoảng tháng 2 năm 1973. Các niên trưởng mới vô trước vài ba tuần cũng hò hét ỏm tỏi. Nhưng quen bên Trung Tâm 3 rồi nên tôi không còn thấy sợ. Dũng có biệt danh „Dũng Hitler“ là niên trưởng hò hét to nhất, dữ nhất trong ngày đầu khi toán tôi vào. Thời gian này có những cán bộ cộng sản Bắc Việt nằm trong Ủy Ban Hiệp Định Đình Chiến ở ngay Tân Sân Nhất. Theo tinh thần ký kết hiệp định, phe Quốc gia phải bảo vệ họ. Hằng ngày di chuyển trong Tân Sân Nhất, thỉnh thoảng tôi thấy xe họ chạy ngang qua. Những ngày này, lính Mỹ theo hiệp định đã rút hết về nước. Những barrack lúc trước cho lính Mỹ ở, giờ trống không, không người ở, nhưng đồ đạc như tủ lạnh, máy lạnh còn nguyên. Chỉ mấy ngày sau, theo lịnh đại úy Hiệp chỉ huy chúng tôi lúc đó, tôi và vài người bạn cùng trong phi đội 68 được đưa đi trực gác ở ngoài các vọng gác của phi trường với mấy cây súng Cabin M1, hướng đông bắc. Chỉ huy chúng tôi là vị trung úy còn rất trẻ. Ông đến chia chúng tôi gác rồi đi mất, ít khi xuất hiện đột ngột. Từ vọng gác nhìn ra thấy toàn là nhà lá của dân nghèo, không thấy một chiếc xe hơi chạy ngang. Trời trưa nắng chang chang nhìn ra thấy như mặt đất bốc khói, văng vẳng bên mé nhà dân vọng lại bản vọng cổ Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài do Minh Cảnh và Lệ Thủy ca. Tuấn Mã ơi mi hãy phi mau về báo hung tin cho quân ta được rõ, vì Võ Đông Sơ đã lìa xa vĩnh viễn Bạch Thu Hà. Bạn tình ơi đừng mòn mỏi đợi chờ, nghe „mùi tận mạng“. Sau lưng tôi là Sài Gòn với những cao ốc, nhưng trước mặt tôi là nhà dân nghèo, tôi thấy rõ sự nghèo giàu chênh lệch, đúng là đất nước đang ở trong tình trạng có chiến tranh. Hết giờ gác tôi tự động „chuồn“ ra đi chơi ở Sàigòn, khi nào có ca gác vô trở lại. Thời gian này bạn học cũ đang học ở các quân trường Quang Trung, Thủ Đức về những quận ở vòng đai Sài Gòn nằm ứng chiến. Có thì giờ dư giả chúng tôi cứ tụ họp nhậu nhẹt.

    Chúng tôi, khóa 73F, được tập trung để vận tải cơ C130 chở ra Nha Trang vào khoảng cuối tháng 3 năm 1973. Trên mỗi chiếc chắc là khoảng 50 mạng có mang theo sac marin. Tôi không có một người bạn học nào trong khóa 73F này. Lần đầu tiên đi máy bay, tôi thấy cũng bình thường như đi xe đò. Nỗi lòng háo hức lần đầu tiên được ngồi trên „máy bay“ phút chốc cũng qua. Năm chục mạng ngồi yên lặng không ồn ào sôi nổi, vì tất cả đều nghe phong phanh trong một tháng huấn nhục ở Nha Trang sẽ „tả tơi“, sẽ như „mền rách“ nên ai cũng lo. Nhìn qua cửa kiến thấy bầu trời xanh và những áng mây trắng bên ngoài. Thỉnh thoảng phi cơ mất độ nâng, rớt xuống, chắc đâu vài chục mét, làm ruột gan chạy ngược lên gần tới đầu.


    Suốt hơn một tiếng đồng hồ ngồi phi cơ để ra Nha Trang tâm hồn tôi dửng dưng thật lạ. Mình có chuẩn bị vào KQ đâu, rồi cũng vào. Mình có chuẩn bị bay bổng đâu giờ cũng ngồi trên phi cơ. Rồi ngày sau cũng chưa biết ra sao? Chỉ biết một đều là đã xa Sài Gòn, xa Bà Rịa, xa Quyển, xa Hương mà chưa biết bao giờ mới gặp lại.

    Qua cửa sổ nhỏ của phi cơ, khi tôi thấy mặt biển Nha Trang cũng là lúc bánh phi cơ gần chạm mặt phi đạo. Công nhận Nha Trang có biển thật đẹp. Trời trong xanh, nắng mười giờ óng ánh trên mặt nước gợn sóng lăng tăng. Tháng ba bà già đi biển, nên mặt biển êm ru như mặt hồ. Phi cơ dừng lại. Cửa sau phi cơ vừa bật lên thì hởi ơi một bày „kiến vàng“ đã bắt đầu hò hét bên dưới. Các ông xuống tập họp nhanh lên! Lính mới trên phi cơ chưa nhốn nháo, mà các niên trưởng cán bộ ở bên dưới nhốn nháo như có lửa cháy.

    Rồi cái gì đến phải đến. Ngày đầu của một tân binh, một tân khóa sinh. Những động tác cho một người lính đã bắt đầu sau khi bước chân ra khỏi phi cơ. Tiếng hò hét của các cán bộ niên trưởng. Tập họp nhanh, đều. Tinh thần đồng đội. Kỷ luật quân đội. Tổ Quốc Không Gian. Hào hùng độc đáo. Ăn cơm nhà bàn. Giày trận áo lính và những bài hùng ca…. theo nhịp bước di hành.

    Phút chốc phải quên đi hình ảnh người tình, một cô bạn học dễ thương, cô gái hàng xóm sớm chiều trông đợi…ai, để lao vào cuộc huấn nhục trước cái đã.

    Ánh nắng chói chang tại phi trường Nha Trang của trời tháng 3, năm 1973 đang đón chúng tôi, những tân khóa sinh khóa 73F Không Quân. Trước đó, tôi chưa một lần đến Nha Trang, nhưng bản nhạc Nha Trang Ngày Về không phải là bản nhạc xa lạ. Nhưng ngày tôi và các bạn cùng khóa đến Nha Trang là những ngày khác với bản nhạc rất nhiều. Những ngày này tôi quên cả bản nhạc lẫn lời ca. Quên tất cả mọi việc và chỉ còn biết một việc cố gắng cùng anh em, ai tới đâu mình tới đó, để cho qua giai đoạn một tháng huấn nhục, ban đầu tưởng bở, sau mới biết „tưởng dzậy mà không phải dzậy“. Thật kinh…khủng!

    Mộng ước đầu đời của thằng con trai vừa mười tám tuổi của tôi không phải là đời lính, áo trận giày sô, để đêm ngày nghe những bản nhạc Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương…, và càng không phải là những anh Không Quân hào hoa, hay Hải Quân với những đoàn tàu lướt sóng ra khơi làm rạng danh đức Trần Hưng Đạo. Tôi có giấc mộng bình thường, được học để sau này làm công chức. Vì chiến tranh nên như mọi bạn bè trang lứa tôi cũng phải xếp bút nghiên theo việc kiếm cung. Và đã đến trại Thùy Dương, Nha Trang, sau khi đã cùng anh em vác sac marin chạy bộ từ phi trường về quỳ gối trước tượng Đại Bàng của Trung tâm huấn luyện Không Quân, để nhận lịnh bắt đầu cho những ngày huấn nhục. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn không còn nhớ bạn nào đã đứng hai bên phải và trái của tôi trong những ngày huấn nhục ban đầu, chớ nói gì đứng trước và sau tôi.

    Tiếng hô của các niên trưởng cán bộ đàn anh liên tục, hết niên trưởng này đến niên trưởng khác…. Các ông tà tà phải không? Các ông có biết tụi tôi đã đợi các ông bao lâu rồi không? Ai là… ra trình diện niên trưởng coi. Ông giết bạn bè ông ở trong Tân Sân Nhất phải không. Bây giờ ông giết tụi tôi thử coi. Ai gắn lon thiếu úy dắt đào di dạo ở Sàigòn. Ông nào tự giác coi. Đừng để tụi tôi lôi các ông ra. Lôi ra riêng là các ông tiêu đó các ông ơi…. Tôi dư biết những lời đó là những lời vừa nói thiệt lẫn nói chơi, nhưng lúc đó muốn cười cũng cười không nổi!

    Và sau đó là cả khóa chỉ còn biết thi hành lịnh phạt. Ai bò riêng cứ bò. Ai „ma giáo“ bị các niên trưởng phát hiện phải „đi bay“ riêng cứ đi: chống tay trên dĩ sắt nóng, lăng thùng phi trên cát nóng giữa trưa…, còn lại chung cả khóa là bò, là nhảy xỏm, nhảy công lực, hít đất (chớ không phải nằm bẹp xuống đất) vài ba trăm cái là chuyện bình thường. Hết đợt này đến đợt khác, hết món này đến món khác mãi cho đến tận giờ…cơm mới được di chuyển đi bộ đến nhà bàn.

    Ở bàn ăn, một điều tôi nhớ rất rõ là không thằng nào ăn nổi, dù là ăn chỉ một phần ba mâm cơm. Riêng tôi chỉ liếm láp vài ba hột cơm, rồi húp nước súp, trên cặp môi đã khô khóc. Cặp môi này vài ngày sau đó đã bị lở ra, vì thiếu nước. Bạn bè, nhìn thằng nào cũng thấy thảm thương, tôi cũng vậy. Tụi tôi chỉ chực kiếm nước uống. Nước lúc này là vàng là bạc. Nước lúc này quý cả hơn người yêu, quý hơn các bản hùng ca. Và bất kỳ nước gì, có cứ uống. Nước rửa chén, nước trong trong hồ tắm, nhà cầu. Nếu có là uống ngay, không còn biết nghĩ đến sạch dơ. Nhưng không, chúng tôi, sau ba bốn giờ „bị quầng“ giữa nắng chang chang giờ chỉ có uống được mỗi thằng ba nắp bi-đông nước, không hơn không kém, còn lại là húp nước mắm! Húp nước mắm lúc này không có việc tự nguyện hay không tự nguyện. Không có việc „ em không thích nước ...mắm, em chỉ thích nước.. đá… lạnh thôi“. Mà là, một hai ba „dzô“ tất cả đều phải húp nước mắm dưới sự giám sát chặt chẽ của các niên trưởng cán bộ. Húp đều đều bằng muổng như húp súp. Uống nước lạnh là các ông bị „i-nap“ hết đó các ông ơi! Uống nước mắm để giữ mồ hôi, để các ông không bị xỉu. Một tháng huấn nhục còn dài lắm!… Vừa uống các niên trưởng còn theo „chăm sóc“ như thế.

    Giờ phút này bỗng dưng tôi nhớ đến má và những ly nước đá chanh của những ngày còn nhỏ, thế mới chết! Lúc khoảng 12 tuổi, cứ mỗi buổi sáng trong những ngày hè nghỉ học, tôi hay đạp xe đạp theo ông già đi thăm khu vườn của ông cách nhà khoảng mười cây số. Đến nơi ông chăm sóc cây trái trong vườn, còn tôi chỉ chơi : bắt dế, cào cào, hái trái thù lù ăn. Đến trưa hai cha con mới đạp xe trở lại về nhà. Trời mùa hè ở miền Nam, trưa đứng bóng, đạp xe đi trên một đoạn đường mười cây số về đến nhà tôi cũng „ná thở“. Nhưng một ly nước đá chanh đã làm tôi tỉnh táo lại ngay. Chất ngọt của đường và chua của vitamin làm cơ thể của một thằng con nít sau những giờ đạp xe mệt, trở lại bình thường. Nhà là quán ăn, nếu khi về không gặp má tôi đang ở quán, chăm sóc tôi bằng một ly nước đá chanh, tôi tự động vào làm để uống tùy thích… Còn buổi trưa hôm nay, ở Nha Trang này, mệt hơn những ngày còn nhỏ đến hai ba chục lần, nhưng tôi chỉ có được „3 chun“ nước lạnh! Cái khát như cấu vào cổ.

    Cơm nước xong, về phòng nghỉ chút ít cho tiêu cơm, xong lại phải tập hợp ra trở lại ngoài sân để được tiếp tục… huấn nhục!

    Có những việc riêng, cá biệt thì riêng anh em biết, hay những người đứng cạnh ở gần biết, những người ở phòng khác chỉ nghe kể lại. Như ngày hai bạn cùng khoá, Tran Tue va Nguyen Van Hop, chết trong lúc huấn nhục tôi cũng chỉ nghe, chớ cũng chưa bao giờ biết mặt hai bạn. Riêng việc uống nước tiểu thì tôi biết một trăm phần trăm vì anh bạn nằm cạnh tôi trong đêm đã uống, tôi thấy và anh bạn cũng đã kể việc này, trong ngày hôm sau khi tôi hỏi cho ra lẽ. Anh nói tại vì khát nước quá, đái ra hứng ở bi-đông rồi uống đại, nhưng cũng chẳng đã khát! Và có những chuyện khác tôi cũng biết như trong những ngày huấn nhục, đang ngồi, nằm đứng gì đó trong phòng (ngoại trừ giờ đêm đi ngủ), hể có một cán bộ nào vừa để chân lên thềm xi-măng của phòng là bạn ở đầu phòng phải hô „vào hàng, phắt“. Hô không kịp cũng bị phạt cả phòng. Ai không kịp đứng dậy cũng bị phạt. Ai cố tình chống đối còn bị phạt dữ hơn. Có các niên trưởng cán bộ còn chơi ác, cứ để chân lên rồi rút xuống, cứ thập thò, vô không hẳn vô, ở ngoài không hẳn ở ngoài, làm thằng bạn ngồi đầu cửa phòng cũng mệt cầm canh.

    Sau giờ đi ngủ tất cả đều phải nằm xuống. Đèn tắt. Các cán bộ đi tuần đi rình bên ngoài. Ai lom khom ngồi dậy, tìm kẹo, tìm nước (đã giấu giếm được trong ngày) để ăn để uống mà cán bộ bắt gặp là hôm sau phải đi bay riêng. Cũng có khi đi bay ngay trong đêm, nếu „tội trạng“ xét ra thấy nghiêm trọng.

    Hình như trong những ngày huấn nhục mỗi tuần chúng tôi được tắm một lần. Tắm theo 30 (hay là hơn?) tiếng đếm từ 1 đến 30 của cán bộ. 1 là bắt đầu cửi áo quần ra chạy ra chỗ tắm, và 30 là đã mặc quần áo xong (sau khi tắm!) đứng xếp hàng ngay ngắn trong phòng. Các bạn sao thì tôi không biết, riêng tôi, lúc đi tắm, chuyện uống nước là quan trọng, chớ không phải chuyện tắm, dù mình mẩy sau một tuần đã quá bốc mùi.

    Trong thời gian huấn nhục, tuần đầu là tuần khổ nhất, xỉu nhiều nhất, và có cả cái chết như tôi vừa kể ở trên, nhưng đến tuần thứ hai là chúng tôi đều biết „ma giáo“, hoặc các niên trưởng cán bộ giả làm ngơ để tụi tôi ma giáo. Tự giác, thành thực là chỉ có chết! Nhất là những bạn làm trưởng toán, các bạn „thông minh“ không thể ngờ. Cán bộ ra lịnh một trăm cái nhảy xổm. Ban đầu bạn đếm còn ra ngô ra khoai 1, 2, 3, chừng vài phút sau thấy niên trưởng cán bộ „lơ là“ là thay vì thứ tự đến 21, 22 bạn đếm ngay 31, 32, như vậy đã ăn gian được mười cái nhảy xổm. Nếu niên trưởng cứ mãi lơ là thì bạn tôi cứ „lo“ đếm lộn. Nếu bạn nào hại bạn (thành thật quá không chịu đếm lộn) thì anh em trong hàng xì xào lên ngay. Lên tuần thứ 3 thứ 4 của một tháng huấn nhục tụi tôi ăn gian (đếm số lộn) là chuyện thường.

    Hoặc nếu thấy các cán bộ không nhìn về chỗ mình thì tụi tôi cứ nhún lên nhún xuống, chứ không ai ngu, thành thực nhảy đúng thế một trăm cái nhảy xổm hay công lực. Sau vài ba ngày huấn nhục, cả cặp đùi đều mỏi nhừ, có muốn nhảy đúng thế cũng không ai còn nhảy nổi, nhất là phải đội sac-ma-ren trên đầu mà nhảy. Ngoại trừ muốn nhảy đúng thế xong rồi xỉu…để được khiêng vào bịnh xá.

    Ăn gian thứ hai là các bạn bè với nhau từ hồi còn ở ngoài đời, bây giờ dù làm cán bộ trực tiếp coi huấn nhục hay không vẫn tìm cách gián tiếp giúp bạn mình. Ban đêm nhét kẹo chua vào những khe hở của Barrack để tiếp tế cho bạn thêm sinh lực. Dẫn riêng bạn đi để cho bạn uống một miếng nước…cam. Dù sao bạn học từ ngoài đời thì trong cơn hoạn nạn không thể không giúp nhau. Vì ai cũng đã từng biết qua cảnh huấn nhục.

    Đến tuần thứ ba, thứ tư chúng tôi được những giờ sinh hoạt trong phòng. Ai nhảy đầm được thì ra nhảy giúp vui cho bạn, ca được thì ca, kể chuyện làm trò cười được thì cứ kể cứ làm… Tất cả là vì các niên trưởng cán bộ muốn để chúng tôi nghỉ ngơi sau một hai tuần bị hành xác tối đa. Hình như trong thời gian huấn nhục khoá chúng tôi được một lần đi tắm biển.

    Đêm trước ngày gắn Alfa làm sinh viên sĩ quan chúng tôi phải „đi bay“ suốt đêm ở… dưới giao thông hào, rảnh nước, để chờ ngày mai trời lại sáng, quả là đêm dài…vô tận! Bì bõm lội dưới giao thông hào đầy sìn nước, bên trên cán bộ đàn anh lại còn la hét. Các ông bò không nổi nữa phải không? Các ông có muốn ngày mai gắn Alfa không? Các ông có muốn ngày mai đi phép không? Ông nào không muốn thì lên đây. Đây là cơ hội cuối cùng cho các ông. Các ông có thấy chán KQ chưa. Các ông có muốn ra khỏi KQ không. Chỉ còn vài giờ nữa thôi. Các ông hãy nhanh lên! Mặc các niên trưởng „dụ dỗ“, ai mà dám lên trong lúc „dầu sôi lửa bỏng“ đó. Mà đúng thật, chỉ sau đó vài giờ, khi „ánh bình minh vừa ló dạng“ là thời gian huấn nhục chấm dứt, cũng là lúc không còn thấy bóng một niên trưởng nào ló…mặt để lo cho đàn em nữa. Không như buổi chiếu tối hôm trước, lúc còn trong các Thùy Dương, trước mỗi tân khóa sinh đều có một cây đèn cầy đã được đốt lên. Mỗi khóa sinh đều giữ gìn cây đèn mình, che khư khư chỉ vì sợ gió làm tắt, vậy mà các niên trưởng vẫn đâu có để yên. Các ông có muốn tôi thổi tắt đèn của mấy ông…không? Tắt đèn là cuộc đời mấy ông sẽ tắt theo đó mấy…ông .. ơi! Vậy mà sáng nay không niên trưởng nào dám ở lại để thổi tắt mặt trời, chỉ còn biết trốn về Barrack để ngủ bì cho một đêm thức trắng vì „bận lo“ cho đàn…em. Và chúng tôi đã trở thành sinh viên sĩ quan từ độ ấy.


    Tết năm 1974, tôi được „về phép“ đặc biệt để thăm nhà vì có điện tín „cha bịnh nặng“. Không chờ được phi cơ, tôi đi từ Nha Trang về Sài Gòn bằng chuyến xe đò Phi Mã. Lần đầu tiên tôi đi theo đường Quốc lộ 1. Đang là lính ở quân trường mà ngày Tết được ở nhà thì không còn gì bằng. Nhưng vì tóc hớt cao, da mặt đen nên tôi cũng ít đi ra đường, chỉ quanh quẩn với ông bà già và chị em trong nhà. Bạn bè, bà con thân nhân nào đến thăm tôi rất vui, chớ tôi ít đi đến nhà ai. Không khí chiến tranh vẫn rình rập ở một làng quê trong tỉnh Phước Tuy này.

    Mấy ngày Tết này chỉ có một điều làm tôi vui vui. Đó là gặp lại Thảo, cô bạn gái thời tiểu học và hai năm học đệ thất đệ lục ở trường làng. Tính ra đã bảy tám năm chúng tôi mới gặp lại. Học hết đệ lục tôi rời quê về thị xã học tiếp. Thảo nghỉ học ra phụ nhà bán quán tạp hoá. Ngày mùng hai Tết, Thảo cùng mấy người bạn gái học cùng lớp ngày trước đến thăm tôi, vì nghe nói tôi đi lính ở xa vừa về phép. Ngồi chung bàn ai cũng chọc tôi và Thảo, bởi vì các cô bạn này vẫn còn nhớ cuối năm đệ lục tôi đã gửi cho Thảo một cánh thư tỏ tình. Thú thật tôi cũng không còn nhớ việc này! Đúng là các cô gái tinh tế hơn đám đàn ông con trai, những kỷ niệm về tình yêu họ thường da diết nhớ. Nhớ hoài. Họ không quên được „người đi qua đời tôi“ dễ dàng như đám con trai. Lúc Thảo vừa 12 tuổi, „phải lòng“ Thảo, tôi đã biết viết những lời tỏ tình vô tội vạ, vậy mà giờ cô gái Thảo 19 tuổi đang ngồi trước mặt tôi, tôi vẫn dửng dưng. Có lẽ đời sống lính tráng, quân trường đã làm tôi mệt mõi, không còn nỗi hưng phấn với tình yêu. Tôi đang chờ ngày trở lại quân trường Nha Trang, chờ những ngày tháng căng thẳng sắp tới. Các bạn đều nói tôi đen nhưng thấy vẻ khoẻ mạnh. Đúng là nhờ cơm nhà bàn.

    Tôi cũng không ghé qua tìm gặp Quyển trên thị xã Bà Rịa, dù trước ngày đi Nha Trang, hình ảnh cô vẫn lảng vảng bên mình. Tôi chỉ có 6 ngày phép, ngày đi ngày về đã mất hai. Nên bốn ngày phép còn lại tôi dành trọn cho gia đình. Còn chuyện thăm lại Quyển, Hương tôi muốn để khi nào tôi rời Nha Trang trở lại Sài Gòn luôn cái đã. Trong bốn ngày phép, sáng, chạy xe Honda từ thị xã Bà Rịa về làng thăm cha mẹ, chiều đã lo trở lại thị xã. Dù Tết, nhưng với tình hình an ninh, là người lính tôi không thể lơ là được. Như lúc ở trên đường từ Nha Trang về Sài Gòn cũng vậy. Gần đến Rừng Lá, Long Khánh, tài xế thường nhét chúng tôi vào ngồi giữa, vì theo kinh nghiệm các tài xế sợ „bên kia“ ra chận đường bất tử.


    Nhờ những buổi sáng sớm chạy xe Honda qua những làng quê trong những ngày Tết, tôi mới tận hưởng được trọn vẹn không khí Tết. Buổi sáng thật yên bình khi xe chạy ngang những cánh đồng, qua những làng quê, đì đùng tiếng pháo nổ. Về đến làng, trên đường gặp đầy những bộ quần áo mới đang di động của trẻ con làm trong lòng tôi thấy vui hơn, quên hết mọi chuyện, kể cả những thằng bạn thân giờ này đang nằm trong quân trường ở miền thùy dương nắng gió.

    Sau mấy ngày phép tôi trở lại Nha Trang, trong tay mang theo những phong bánh ngọt. Ngay buổi tối, pha nước trà, mở phong bánh ra, đãi vài người bạn thân trong phòng, tôi quên ngay những ngày Tết vừa qua, chỉ còn lại là bắt đầu cho một ngày mai trong quân trường cùng các bạn.

    Thời chúng tôi vào lính là thời cuối cuộc chiến. Thời cuộc đã nhốn nháo. Viện trợ cúp. Thiếu thốn đủ điều. Chính phủ, Bộ TTM, các quân binh chủng đều tập trung lo chống trả với địch quân ở các chiến trường, chớ đâu có phải như thời gian trước, còn yên bình, còn dồi dào viện trợ để lo cho các tân khóa sinh, lính mới, các quân trường. Chúng tôi đành cam chịu sự thiếu thốn nhưng vẫn làm tròn lời hứa với QLVNCH. Tổ Quốc Danh Dự Trách Nhiệm, Tổ Quốc Không Gian vẫn khắc ghi.

    Cho đến ngày cuối cuộc chiến, tính theo âm lịch ngày tháng này là cuối mùa xuân. Nhưng xuân năm này đúng là xuân tan thương! Vì chiến tranh đã và đang đến hồi cao độ. Tây nguyên mất, miền trung mất, miền duyên hải nam trung phần mất, Long Khánh mất và cuối cùng là chính một bạn trong khóa 73F chúng tôi đã bắn cháy một chiếc xe T54 và đổi lại là Trinh Văn Ta, cũng khoá của chúng tôi, đã tử thương ở giờ thứ 25, vì bị đạn từ chiếc xe tăng này bắn trả lại tại cổng quân trường Bộ Binh Thủ Đức, sáng ngày 30 tháng 4, 75, khi xe tăng chạy vào cổng quân trường.

    Chúng tôi vào lính là những SVSQ Không Quân, nhưng trớ trêu thay, ngày Quân lực VNCH tan hàng, 30 tháng 4, 75, đại đa số chúng tôi lại là những sinh viên sĩ quan KQ, cùng với những sinh viên sĩ quan Đà lạt, Thủ Đức „trấn thủ lưu đồn“ ở trường Bộ Binh Thủ Đức (cũng có các bạn cùng khóa đã học bay xong và đang ở các phi đoàn), nằm ở cửa ngỏ vô Sàigòn „để cản“ những chiếc xe T54 đang ồ ạt tấn công vào thành phố ở mạn đông này. Chúng tôi vẫn ghìm tay súng và chỉ bỏ súng rời trường Thủ Đức sau khi tổng thống Dương Văn Minh ra lịnh đầu hàng, các sĩ quan cán bộ cho lịnh giải tán. Tan hàng, chia tay với lòng thanh thản, nhưng buồn. Thanh thản là vì mình đã làm tròn bổn phận của người thanh niên trong thời đất nước có chiến tranh. Còn buồn cho vận nước vì sự kết cuộc của một cuộc chiến.

    Buổi sáng hôm đó, khi tôi ra khỏi trường Thủ Đức với Hảo bằng con đường mòn nhỏ bên hông trường, mặt hướng về Sài Gòn, vừa đến chỗ ra đã có những anh bộ đội cộng sản người Bắc hùng hổ chạy tới, tay chỉa súng Aka, vai quấn vải đỏ, bộ tịch dữ dằn, tra hỏi lung tung, thái độ của kẻ chiến thắng. Giờ, sau ba mươi mấy năm, mình chạy trước họ chạy sau (vượt biên, vượt biển ra khỏi nước, đi lao động, du lịch, hay bằng cách này hay cách khác để rời VN), cuối cùng mục tiêu rồi cũng tìm cách đến với Mỹ, Tây Âu. Bây giờ đại đa số cán binh, cán bộ cộng sản soi lại tâm mình lòng mình, hầu hết đều nói, cuộc chiến vừa qua, không có ai thắng ai thua, chỉ có một người thua là dân tộc VN. Câu nói quả cũng đáng suy nghĩ. Còn Hảo, chiều ngày 1 tháng 5, 1975, hai đứa chia tay tại Bà Rịa đến nay tôi vẫn chưa gặp lại.

    Trong năm này, ngày 4 và 5 tháng 7 năm 2008, khóa 73F có tổ chức Ngày Hội Ngộ ở Virginia sau 33 năm kể từ ngày tan hàng, 30 tháng 4 năm 75. Khóa có trên dưới 350 anh em, nhưng ngày hội tụ chỉ có khoảng trên dưới 20 niên trưởng về dự. Con số thật ít ỏi! Nhưng cộng với vợ con, và các niên trưởng Không Quân ở các khóa khác, tất cả khoảng gần 70 người. Tôi không có mặt nhưng nghe nói rất vui. Đủ trò. Xôm tụ. Nhậu nhẹt. Kể chuyện vui, chuyện cũ, chuyện huấn nhục. Đấu láo. Chụp hình kỷ niệm...Tuấn râu, Tuấn sữa, Tuấn Tabert, Thắng (ở Virginia) đứng ra tổ chức. Các Bạn và các bà xả nghe nói rất mệt, rất bận, nhưng vui, vì tổ chức được cho các bạn hội tụ là vui rồi. Có Hiển,Thưởng ở những tiểu bang đông bắc gần đó về phụ. Có cựu đại úy Thắng, sĩ quan cán bộ ở Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân/ Đoàn sinh viên sĩ quan, cùng phu nhân về tham dự. Có mặt trong hai ngày hôm đó có Tâm và Lễ ở Âu Châu qua. Ở Canada có Lợi, Hoàng nhí. Ở Mỹ có Hân, Lập, Định, Giảng, Trung, Minh (GA)), Minh (CA), Toản, Tỉnh, Nhựt.... Con số ít ỏi nhưng cũng đại diện cho vài quốc gia ở hải ngoại này. Chỉ tiết là ở VN không ai qua được vì không gian cách trở, hoặc các NT ở VN chưa chuẩn bị kịp. Lần khác chắc chắn sẽ có các NT ở VN tham dự. Tuy nhiên dù không gian cách trở, nhưng vẫn có những bạn từ VN đã viết email chào mừng Ngày Hội Ngộ của khóa 73F.

    Ngày nào trẻ trung, mười tám hai mươi, cùng chịu cực khổ trong quân trường, cùng chịu đựng những lần “hành xác” trong bốn tuần huấn nhục ở Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang, cùng làm SVSQ Không Quân của cái thời chiến tranh Quốc-Cộng, thời của những nỗi buồn át hẳn những niềm vui, vậy mà nay, khi gặp lại nhau ai cũng tươi cười. Nhìn hình các bạn tôi cảm được sự lạc quan yêu đời trên từng gương mặt, ánh mắt.


    1) Tựa một truyện dài của nhà văn Phan Nhật Nam

    Vũ Nam
    Hung45HTQS



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X