Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nghĩ trong một ngày mưa gió của mùa lễ Tạ Ơn

Collapse
X

Nghĩ trong một ngày mưa gió của mùa lễ Tạ Ơn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nghĩ trong một ngày mưa gió của mùa lễ Tạ Ơn

    Nghĩ trong một ngày mưa gió của mùa lễ Tạ Ơn Nguyễn Xuân Thiệp Thứ Sáu, 19 tháng 11 2010 Blog của Nguyễn Xuân Thiệp là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

    Một buổi sáng, Nguyễn vào Starbucks nói với cô bán hàng xin ly cappuccino thật nóng, rồi đứng lặng nhìn ra ngoài trời. Gió thổi mây qua những mái nhà. Hàng cây phong đầu phố đang thả bay những chiếc lá đỏ, vàng, nâu. Sáng nay, mở TV chưa thấy báo động tornado và những cơn bão tuyết. Nhưng mưa và thunderstorm thì đang kéo về cùng với những ngày lễ hội. Vừa qua là Halloween, và sắp tới đây là Thanksgiving. Trong sự rộn ràng của nhân gian, không khí se lạnh của mùa thu cũng chợt ấm lên với những cuộc họp mặt bạn bè và thân nhân. Nhưng Thanksgiving, trong tinh thần sâu sắc của nó, không chỉ có tụ họp ăn uống mà còn mang ý nghĩa tạ ơn và tưởng nhớ. Tạ ơn trời đất và tạ ơn người. Tưởng nhớ những quãng đời khổ nạn đã qua, những người đã chết và những người sống sót.

    Trước hết, Nguyễn xin nói đến tiệc mừng trong ngày Thanksgiving. Trong ngày này, ở các gia đình người Mỹ, thân nhân và bạn bè -có khi ở cách xa nhau cả ngàn dặm- sẽ đoàn viên hạnh phúc trước bàn tiệc gồm các món ăn truyền thống như gà tây quay, bánh táo, xúp dâu, và những món làm từ bắp, bí ngô.Và rồi những lời cầu nguyện tạ ơn, những lời chúc tụng và tiếng cười hân hoan rộ lên, át cả tiếng mưa, tiếng gió bên ngoài. Trong tâm cảm của một người di dân, Nguyễn cũng muốn vui chung với mọi người. Do đó, cứ mỗi mùa Thanksgiving thế nào Nguyễn và bà xã cũng tới khu chợ Central Market mua gà tây và rau, đậu, khoai, bí về ăn.
    Thế nhưng, lễ Thanksgiving còn là sự tạ ơn và lòng hoài tưởng.

    Người ta nghĩ đến con tàu Mayflower cặp bến Plymouth Rock (Massachusetts) vào ngày 11 tháng 12 năm 1620. Còn nhớ tháng 8 năm nào, kẻ này được hai bạn Lâm Chương và Khoan Hậu ở Boston chở đến thăm thành phố biển nhỏ xíu này vào một chiều nắng nhạt. Phiến đá đề ngày tàu cặp bến vẫn còn đó, ngoài xa kia con tàu Mayflower được phục chế đang lảo đảo theo triền sóng. Tất cả gợi nhớ lại những ngày đầu khi những người hành hương Pilgrims đến vùng đất mới này. Mùa đông đầu tiên rất khắc nghiệt. Ngay cuối thu họ đã mất đi 46 người trong số 102 người đi trên tầu Mayflower.

    Nhưng mùa gặt của năm 1621 lại là một mùa bội thu. Những người còn sống sót quyết định làm tiệc ăn mừng - gồm cả 91 người da đỏ, là những người đã giúp dân Pilgrims sống còn trong năm đầu. Dân hành hương tin rằng họ không thể tồn tại được năm đó nếu không có người da đỏ giúp đỡ. Buổi lễ cử hành theo phong tục cổ truyền mừng mùa màng của người Anh, lồng bên trong là ý nghĩa “tạ ơn”. Tiệc kéo dài suốt 3 ngày. Năm tháng trôi qua, với những vận động kế tiếp của nhiều người, qua nhiều đời tổng thống, và rồi ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11 đuợc chọn làm ngày Thanksgiving chính thức cho toàn nước Mỹ.

    Riêng với Nguyễn và bằng hữu hiện có mặt trên đất nước này, ngày Lễ Tạ Ơn tất nhiên cũng mang một ý nghĩa nào đó. Cũng như những người hành hương Pilgrims, chúng ta đến từ một vùng đất bị ruồng đuổi và đầy bóng tối đe dọa. Nhiều người đã chết giữa biển, không bao giờ được nhìn thấy đất liền ấm áp. Những người sống sót cặp được bến bờ và trải qua những ngày nương thân ở một trại tị nạn nào đó trên đất Mã Lai, Nam Dương hay xứ Thái. Buồn, bơ vơ và nhớ và xót xa: Chiều về trên xứ lạ / Cười nụ cười Anglais / Buồn qua hơi thuốc Thái /Thèm một phin cà phê... Dừng chân nơi quán lạ / Thèm cơm chiều hương quê / Mẹ cha ơi đừng đợi / Chiều nay con không về.. (thơ Tưởng Năng Tiến). Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ cũng là những ngày khó khăn, đầy thách thức. Đến đây lạ đất lạ người, không đến nỗi “con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh”, nhưng cuộc sống và ngôn ngữ, mọi thứ nơi đây hoàn toàn khác ở quê nhà. Phải phấn đấu từng giây phút, chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, làm việc ngày đêm mới tạo dựng được cuộc sống cho mình và gia đình.

    Ở trên có nói, khi ta đến nơi này, cái gì cũng lạ. Kể từ con gà Tây. Thế nhưng như một nhà báo đã viết rất hay -xin lỗi, Nguyễn đãng trí quên tên (có phải nhà báo Giao Chỉ?): “Những người di dân Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ trong đợt đầu khi xây dựng cuộc đời đã ăn những con gà Tây đầu tiên cùng với các gia đình bảo trợ (cô Kathleen còn nhớ không?), và với các họ Đạo trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Thế rồi những bức hình và những lá thơ liên tiếp gửi về quê nhà trong suốt 10 năm khốn khổ sau 75. Cho đến khi di dân Việt Nam trải qua 10 lần dự tiệc tạ ơn tại Hoa Kỳ thì những thùng quà gửi về đã làm cho cả đất nước hồi sinh. Từ cây kim sợi chỉ, từ chai thuốc tây đến thước vải. Những tờ giấy đô la nằm trong hộp thuốc đánh răng với lời thư dặn dò đầy nước mắt. Nào là “thuốc đánh răng này tốt lắm. Cố giữ lại mà dùng, đừng bán đi.” Có thư viết “chỉ bán vải, bán xà phòng, bút bi các thứ, nhưng phải giữ lấy cái thùng giấy mà dùng”. Hiểu được ý nghĩa lá thư người Sài Gòn liền tháo hết vỏ thùng để tìm một hai tờ giấy đô la giữa hai lớp bìa cứng. Và cứ như thế, dưới nhiều hình thức, những con gà Tây của lễ tạ ơn Hoa Kỳ đã về đến Việt Nam.”

    Vâng, từ những con gà Tây như biểu tượng nói trên, người Việt di dân tị nạn đã đứng lên và thời gian thử thách khốc liệt cũng trôi qua. Nhiều người, rất nhiều người trong chúng ta, từ hai bàn tay trắng mà xây dựng nên. Nhọc nhằn khuya sớm với những công việc tầm thường - rửa bát, giặt giũ quần áo, lau dọn vệ sinh, sắp xếp kho hàng, đứng bán cây xăng, đi bỏ báo, phát flyers, làm tài xế xe tải, lái xe lunch...- trải qua trăm cay ngàn đắng mới dần dần sắm xe, mua nhà, xây dựng cơ ngơi, cho con cái đi học, dựng vợ gả chồng cho con, tạo lập một gia đình ổn định và sung túc.

    Hơn ba mươi năm qua, cuộc sống đã đơm hoa kết trái, chúng ta không thể nào quên ơn người Mỹ, nước Mỹ đã bao bọc chúng ta, cho ta cơ hội sống và xây dựng lại. Phải nói không nước nào trên thế giới có thể dành cho di dân những cơ hội dễ dàng như ở Hoa Kỳ. Và với thời gian trôi qua, người Việt chúng ta đã xây dựng được một cộng đồng vững mạnh và phát triển về nhiều mặt. Những khu phố, những trung tâm thương mại, cơ sở văn hóa, nhà thờ và thiền viện của người Việt đã mọc lên ở nhiều tiểu bang của nước Mỹ -như khu Little Sài Gòn ở quận Cam, khu Eden ở Virginia… - đã đóng góp vào những màu sắc và sinh hoạt đa dạng của xứ sở này.
    Cho nên trong ngày lễ đầy ý nghĩa hôm nay, chúng ta chia sẻ với người Mỹ khi hướng về những người Pilgrims của thời xa xưa. Trong không khí đoàn viên ấm áp, xin dành ra một phút để tưởng niệm những bạn bè, người thân đã chết trên đường vượt biển hay trong nắng mưa của xứ này. Và trong những bữa ăn đoàn tụ hiện tại, chúng ta cùng nhau tạ ơn đất, tạ ơn trời và tạ ơn người nơi ta đến.
    Last edited by hung45qs; 11-24-2010, 06:48 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X