Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Quả Trứng Luộc và Lòng Mẹ

Collapse
X

Quả Trứng Luộc và Lòng Mẹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Quả Trứng Luộc và Lòng Mẹ

    Quả Trứng Luộc và Lòng Mẹ
    Bút Ký Võ Đại Tôn(Hoang Phong Linh)




    Trải qua những năm tháng lao tù nghiệt ngã và bây giờ sống tạm dung tại hải ngoại với bao nỗi khó khăn, nhưng may mắn là trí óc của tôi chưa bị hủy diệt. Tôi còn nhớ hầu hết những chuyện đã xảy ra về cuộc đời mình, về bè bạn anh em và những giai đoạn lịch sử đã qua. Nhưng, càng nhớ càng mệt óc vì trong vườn trí não đâu phải chỉ toàn là hoa hồng, thược dược, hướng dương, mà còn chen chúc quá nhiều cành gai và cỏ dại.

    Tại các nước tư bản, cứ đến Chủ Nhật thứ nhì trong tháng Năm thì thiên hạ tổ chức Ngày Lễ Các Bà Mẹ, có lẽ xuất phát từ sáng kiến khai thác thị trường của các doanh gia để tăng kim ngạch thương mại. Có nhiều người con, đến ngày này mới chợt nhớ là mình có mẹ, vội vàng báo hiếu với một bó hoa tươi hoặc một tấm thiệp mừng gửi qua bưu điện. Một năm chỉ có một ngày thoáng nhớ đến ân đức sinh thành. Riêng tôi, Lòng Mẹ Việt Nam bao la nhân ái và hình bóng của người mẹ đã tạo ra tôi thành người là hơi thở ban cho tôi nguồn sống từng phút từng giây.

    Sau mùa Thu tháng Tám 1945, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn trên khắp nẻo quê hương. Từ Đà Nẵng, cha tôi dẫn bầy con tản cư về làng cũ. Cẩm Kim (thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bên kia bờ sông Hội An với bến đò bà Ba Nữ khuất sau một lùm tre già cằn cỗi. Chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, bài Phong đả Thực, tiếp nối nhau khốc liệt, ngay đến cỏ cây cũng không dám ngẩng cao đầu. Thôn xóm được lệnh giết chó để ban đêm du kích đi qua không còn tiếng sủa.

    Ban ngày máy bay chuồn chuồn của Pháp quanh quẩn bay sát ngọn tre, loại máy bay, mà lũ trẻ chúng tôi thường gọi là Bà Già. Mỗi lần nghe tiếng máy bay lượn qua lượn lại quanh làng, cả nhà ùa chạy xuống hầm đất sâu dưới lùm tre để trốn. Tôi cố ý chạy sau cùng, lén núp bên gốc mít, dùng chiếc ná cao su mà lúc nào tôi cũng giấu sẵn sau lưng quần, lắp đạn là một viên đá mài nhọn để bắn lên máy bay. Nhịp tim tuổi ấu thơ đập thình thịch, hồi hộp chờ đợi máy bay rụng xuống. Tôi lại bị một trận roi toét đít vì tội chọc giận Bà Già và bị phạt phải đi đào củ nén đem rải xuống hầm để trừ rắn. Lại được dịp chui xuống hầm ngồi chơi với mấy con cóc. Bác và cha tôi trao quyền quản trị gia đình gần hai chục miệng ăn cho người anh cả của tôi. Anh có tính hay phòng xa, sợ cả nhà bị đói trong thời kỳ tản cư cơ cực, cho nên từ ang gạo tẻ đến thúng khoai sắn đều phải tiết kiệm để ăn lâu dài. Cha tôi thường nói ăn rồi ngồi không, của biển của sông cũng cạn. Ban đầu mỗi ngày ăn hai bữa, một cháo một cơm, rồi dần dần đến một cháo một khoai mà cũng không đủ sống.

    Chúng tôi tuy tuổi còn thơ dại, được sinh ra trong nhung lụa, nhưng đến lúc này cũng phải làm việc lam lũ suốt ngày. Hừng sáng tôi phải xách nồi đi mua nước hến, chạy lúp xúp qua các đường mòn quanh lũy tre xanh, nhọ đen dính đầy hai bắp chân khẳng khiu. Rồi ra gò mả tìm hái rau dền rau sam mọc hoang đem về nấu canh. Lấy bẹ chuối khô làm bù đài khoanh hai bàn chân để trèo lên mấy thân cau cao vút, hái quả đem bán với lá trầu mọc sau vườn.

    Qua đò đến chợ Hội An mua thức ăn rồi về nấu cơm, còng lưng thổi lửa rơm, khói đùn lên chảy nước mắt. Xay lúa, giã gạo, bằm chuối nấu cám heo, hái dâu nuôi tằm. Đến mùa thì làm phụ cấy phụ gặt, lén lấy lúa đem đổi bánh bèo ăn bên bờ ruộng. Anh em chúng tôi làm quần quật suốt ngày nhưng có lẽ tôi siêng nhất và dễ bị sai khiến nhất nhà. Nhỏ con mà nhanh như sóc. Thoáng một cái là chạy đi bắt bọ rầy (quê tôi gọi là bù rầy), câu ếch, thộp châu chấu, bẫy chim về nướng ăn, độn thêm muối ớt cho nhiều để vừa ăn vừa hít hà cho đã thèm. Mỗi lần bẩy con chim sẻ, (dùng cái rổ có chống que tre cột sợi dây dài, rải vài hạt gạo, ngồi núp sau cánh cửa thấy chim nhảy lò cò vào giữa rổ là giật sụp) tôi đem nướng mời cha ăn, phần tôi chỉ nhai cái đầu chim bé tí. Trưa nào tôi cũng rình bẩy được ít nhất một con chim sẻ. Cha tôi nằm ngủ lim dim trên ghế trường kỷ, chỉ cần nghe tôi nói nhỏ, Ba hả miệng ra, là người vẫn nhắm mắt mà hả miệng, nhai con chim nướng. Với đầu óc ngây thơ, tôi sung sướng nghĩ rằng mình đã nuôi được cha bằng thịt chim sẻ.

    Tôi bắt cả nhện mang đầy bọc trứng trắng và luôn cả thằn lằn (thạch sùng), rắn mối, để nướng ăn chơi, thường hối lộ một phần cho người anh kế để khỏi đánh lộn nhau. Tuổi thơ đầy cơ cực vì chiến tranh nhưng cũng ngập tràn kỷ niệm thương yêu, suốt đời không quên được. Buổi tối, bên ngọn đèn dầu leo lét hoặc ngồi ngoài sân sáng trăng, cha và chú tôi dạy chúng tôi học, không có giấy bút phải dùng chiếc đũa tre vót nhọn viết lên lá chuối già đã hơ qua lửa để khỏi bị rách. Cha tôi thường ẵm tôi ngồi trên đùi, mặc dù tôi đã trên 10 tuổi, và bắt học thuộc lòng cửu chương, từ hai lần hai là bốn đến chín lần chín là tám mươi mốt. Học tiếng quốc ngữ rồi đến chữ Hán và chữ Pháp, nhưng không dám đọc to vì sợ có ai nghe được thì chết, riêng về chữ Pháp là điều cấm kỵ, bị kết tội Việt gian, mặc dù tôi chẳng hiểu nghĩa Việt gian là gì. Cha tôi dạy học chữ Pháp theo cách học thuộc các câu ve,ợ có vần điệu, lên xuống, trầm bổng như giỡn chơi. Bớp (boeuf) bò, sư tử li ông (lion), sơ vanh (cheval) con ngựa, mu tông (mouton) con cừu. Hoặc cái nhà thì gọi me-dông (maison), la se (la chaise) cái ghế, xa-lông (salon) để ngồi. Cứ như thế mà tôi lải nhải suốt ngày, thuộc không biết bao nhiêu tên thú vật và những ngữ vựng thông thường trong tiếng Pháp. Mấy chục năm sau, mỗi lần tôi ghé lại Paris trên những bước đường công tác, tôi thường đứng yên lặng nhìn tháp Eiffel hay soi mình bên dòng sông Seine để thấy lại hình bóng người cha già bên lũy tre xanh đã âm thầm dạy tôi những câu vè đầy sáng tạo, ơn dưỡng dục này đã thấm vào máu thịt hôm nay. Lúc bấy giơ, mẹ tôi bị bệnh lao phổi cho nên phải ở riêng ngoài một chòi lá, cũng trong khu vườn, để khỏi lây bệnh cho con. Những đêm trăng sáng, khi chúng tôi quây quần bên cha để học, tôi thấy mẹ nhẹ nhàng từ chòi bước ra, yên lặng ngồi cách xa chúng tôi vài bước.

    Nụ cười của mẹ đầy hạnh phúc trong ánh trăng vàng vặc. Dường như mẹ chỉ có một ước mơ duy nhất là được chạy đến ôm từng đứa con vào lòng cho thỏa tình mẫu tử. Tôi ngồi trên đùi cha, lẩm nhẩm mấy câu vè Pháp ngữ, chợt nghe tiếng ho khúc khắc của mẹ, tiếng ho như đang cố dằn xuống, nghẹn đầy cuống họng. Tôi ngừng bặt, nhìn mẹ và chợt thấy mẹ hóa thành một bà tiên thật đẹp, ngồi dưới ánh trăng sáng mỏng như lụa. Trong trí óc ngây thơ và qua bao nhiêu chuyện cổ tích cha tôi kể lại, bà tiên lúc nào cũng đẹp và hiền.

    Cha tôi cũng thường khoe trước đây mẹ là hoa khôi của vùng trời Đà Nẵng. Suốt đời tôi vẫn tin điều đó và mẹ mãi mãi là bà tiên của tôi. Bà tiên đã sống bên tôi qua bao nỗi thăng trầm của cuộc đời sáu mươi năm lẻ và đã từng hiện về trong chốn lao tù biệt giam để xoa dịu cho com những vết thương tra tấn đọa đày.

    Cuộc sống tản cư gian khổ của gia đình chúng tôi cứ thế trôi qua, tuy tận cùng cơ cực nhưng đầy cả tình thương êm ấm. Chỉ có bác và cha tôi vẫn thường lộ vẻ trầm ngâm lo lắng và mẹ thường lén nhìn chúng tôi chúng tôi với tiếng thở dài dứt ruột. Một đêm, vào khoảng giữa năm 1947, cô ông Diên – người quản gia già trước đây của gia đình – rụt rè đến thì thầm chuyện gì đó với bác và cha tôi. Tôi đứng bên cửa gian nhà trên, qua ánh sáng vàng vọt và chập chờn của ngọn đèn dầu phọng, thấy mắt cha tôi bừng lên, gật đầu nhưng không nói. Mấy ngày sau, bầu không khí trong nhà tôi đầy vẻ bí mật bao trùm. Chúng tôi bị cấm không được đùa giỡn như trước, buổi tối ăn xong phải đi ngủ sớm để cho người lớn bàn việc riêng. Tôi tò mò, cố tìm hiểu câu chuyện vì thấy mẹ tôi vì thấy mẹ tôi và hai người chú ruột cũng được mời lên nhà trên, thì thầm bàn luận.

    Đây là lần đầu tiên, kể từ ngày mẹ tôi bị bệnh phải sống riêng ngoài nhà chòi, tôi thấy mẹ ngồi bên cha. Hình ảnh cha mẹ già như đôi chim bên ánh đèn dầu, gật gù âu yếm.Tôi muốn chạy đến chen vào giữa cha mẹ, nhưng bị người anh cả trừng mắt ngăn cấm. Chuyện người lớn, không được xen vô. Vài ngày sau, ông Diên lại đến ở chung nhà, có mang theo ít áo quần và im lặng giở một mớ gạo bọc vào gói nhỏ. Một buổi tối, tôi đang ngủ trên tấm ván kê sát bàn thờ ông bà nội, chợt có ai lay chân, tôi giật mình mở mắt ra, lờ mờ thấy bóng mẹ đang ngồi bên cạnh tự bao giờ. Bầu trời khuya đầy sao đêm với ánh sương chiếu qua khung cửa nhỏ. Tôi quên mất lời bị cấm không được gần mẹ vì sợ lây bệnh, vùng ngồi dậy ôm cứng cổ mẹ, người anh nằm kế bên cũng thức giấc. Trong bóng đêm, mẹ tôi nói nhỏ: – Má sắp đi xa rồi, mấy con ở nhà chờ má về. – Má đi đâu? – Má đi với hai chú ra Đà Nẵng đòi lại nhà mình, Tây chịu trả rồi. Má cũng đòi lại tiền nhà mấy năm nay, đem về nuôi mấy con. Má thấy mấy con khổ cực quá, má chịu không nổi nữa. Rồi má tìm cách đem mấy con ra lại Đà Nẵng mà sống và đi học. – Tôi cứ ôm cổ mẹ, không nói gì hết. Cổ mẹ có mùi dầu cù là thơm thơm. Tôi ôm bà Tiên của đời tôi, chỉ sợ mẹ biến mất.

    Mấy ngày sau, cha tôi lộ vẻ bồn chồn, đi lên đi xuống trong nhà và thúc nấu một nồi cơm trắng nhỏ. Trời sập tối, có tiếng chim cú kêu sau vườn. Cha tôi bảo chúng tôi ra ném đá cho nó bay đi, sợ bị xui xẻo. Lại có tiếng chim tu hú bên đụn rơm. Ông Diên ngồi sau bếp chẻ tre, bó thành cây duốc. Vào khoảng giữa khuya, theo thường lệ thì chúng tôi đã đi ngủ từ lâu rồi, nhưng hôm ấy chẳng có người lớn nào để ý đến đám trẻ con. Cho thức, nhưng không được nói chuyện ồn. Mẹ tôi từ nhà chòi bước ra, mặc bộ áo quần đen theo kiểu Tàu, tay cầm chiếc nón lá và một bọc vải nhỏ, đi thẳng xuống nhà bếp tìm tôi. Cha tôi vội bước xuống, liếc mắt nhìn quanh không thấy ai, chỉ có tôi đang đứng bên cạnh cối xay, người vịn vai mẹ tôi và nói khẽ: – Mình có nhớ mang đủ giấy tờ chưa? Đi rồi về mau nghe. – Mẹ tôi mỉm cười gật đầu. Tôi chạy đến, cha tôi vội rụt tay lại, không còn vịn vào vai mẹ tôi nữa rồi từ từ bước lên nhà trên. Sau này khi khôn lớn tôi mới thấu hiểu mối tình kín đáo đầy lễ nghi kia của cha mẹ tôi, thương nhau ngập lòng nhưng chẳng hề lộ ra bằng cử chỉ âu yếm. Có tiếng bác tôi giục: – Thôi hè, ăn miếng cơm rồi đi kẻo khuya quá rồi. – Bác tôi chỉ nói trống không như vậy. Mẹ tôi vội vắt một nắm cơm đưa cho tôi. Lần đầu tiên từ mấy năm nay tôi mới được thấy cơm gạo trắng. Mẹ tôi thì ăn một chén cơm với nước mắm và lấy lá chuối khô gói một nắm cơm với muối, bỏ vào gói vải rồi uống một ngụm nước mưa trong lu sau hè.

    Đến giờ ra đi, bác tôi lần mấy ngón tay bói một quẻ nhưng không nói gì. Mẹ tôi, hai người chú, ông lão Diên dẫn đầu, tay cầm bó đuốc nhưng chưa đốt lên. Chỉ có mình tôi lén chạy theo cha ra cổng để tiễn mẹ đi. Trong đầu óc thơ dại, tôi cứ tưởng mẹ đi chợ rồi mai về, Đà Nẵng gần hay xa, tôi không hiểu thấu, chỉ biết là mai mốt mẹ về thì mình được ăn cơm no và có áo quần mới để mặc. Mà sao mẹ lại đi chợ vào đêm khuya? Tôi suy nghĩ lung tung.
    Từ ngôi miếu bên kia đường mòn chợt có bóng lửa bay lên. Cha tôi nhìn sững qua bóng đêm rồi nói thầm nhưng tôi nghe được: lửa là ly. Ly biệt. Tôi im lặng nhìn theo bóng mẹ và hai chú đi theo sau ông Diên. Chợt mẹ tôi quay trở lại nói nhỏ với cha tôi: – Thôi, ông đi vô đi, cho con nó ngủ, khuya lắm rồi. Tôi đi nghe. – Rồi mẹ kéo tay tôi, dẫn ra hàng rào dâm bụt.

    Mẹ lần tay vào lưng quần lấy ra một quả gì tròn tròn, trăng trắng nhét vào tay tôi, khẽ nói: – Má để dành cho con cái trứng vịt luộc đây, con ăn đi rồi vô ngủ. Hồi nãy má ăn cơm với nước mắm rồi. Má không có đủ để cho mỗi con một trứng. Thôi, má đi nghe, mai mốt má về. – Mẹ tôi cúi xuống ôm hôn tôi rồi vùng chạy theo hai chú đang đứng chờ. Bóng bốn người khuất sau lũy tre làng đang rủ ngọn xuống như những bóng ma khổng lồ trong đêm khuya vắng. Đêm hôm ấy tôi cầm chết quả trứng vịt trong tay mà ngủ say lúc nào không biết. Mấy ngày sau, ông lão Diên trở về, cho biết mẹ tôi và hai chú đã đi được đến làng Cổ Lưu (nay là Điện Nam) ngủ tạm nhà dân, chờ ít hôm nữa thì theo đường cái mà ra Đà Nẵng. Nhưng, mẹ tôi đã đi biền biệt, cả nhà chờ mong vẫn không có tin tức gì. Bặt tăm người thân yêu nhưng gia đình không dám hở môi hỏi thăm ai vì sợ bị lộ, làng xã biết được thì nguy. Có mấy chú du kích xã, trước đây có người từng làm công cho nhà tôi, mỗi lần gặp cha tôi là khúm núm đứng ngoài sân, bây giờ vào nhà ngồi gác chân lên ghế trường kỷ, vờ hỏi mẹ tôi và hai chú đi đâu không thấy ở nhà. Cha tôi ấp úng trả lời đi qua Phố (Hội An).

    Họ nhếch môi cười rồi ra về. Hai ba lần như vậy. Thời gian bình thản trôi qua trong gian khổ và tuyệt vọng của mọi người trong gia đình. Cha tôi trông già khọm đi, mỗi ngày ngồi yên trên ghế nhìn ra cổng, chờ mong. Cặp mắt người đờ đẫn. Hai năm sau, 1949, người anh cả của tôi có việc đi qua vùng cát trắng Cổ Lưu, đêm ngủ nhờ nhà một người dân trong làng. Tình cờ, hay là sự mầu nhiệm thiêng liêng nào đã đưa đường dẫn lối tới đây, anh tôi nhìn thấy chiếc ví nhỏ bằng da của mẹ tôi nhét trên trần nhà tranh. Hỏi người chủ nhà mơi biết là mẹ tôi và hai người chú đã từng ngủ tại đây một đêm mấy năm trước và đã bị Việt Minh (sau này đổi thành Cộng Sản) giết chết, kết tội đi liên lạc với Pháp. Cả ba người bị giết một cách dã man, chôn chung một hố cát bên cạnh bờ sông. Mười hai năm sau, 1949, khi khu vực này, thuộc tỉnh Quảng Nam, được bình định thì chúng tôi mới có dịp về đây để cải táng cho mẹ và hai chú. Chín người con còn lại, có người tương đối thành đạt trong đời, đã quỳ khóc bên bãi cát. Không dám dùng cuốc xẻng để đào vì sợ động, mười tám bàn tay của những người con mất mẹ cào xới từ từ hố cát sẫm vàng. Chỉ còn mái tóc dài của mẹ và ba bộ xương khô, có khúc bị gãy vụn. Chứng tích của sự tàn sát dã man mà vũ khí trên tay của kẻ thù – người đã giết mẹ tôi và hai chú là lưỡi cuốc chém ngang lưng. Khi chiếc sà lan chở ba quan tài qua sông về làng Cẩm Kim thì cha tôi đã đứng chờ trên bến từ lâu. Tôi đã lớn khôn, đứng kèm cha già để người khỏi ngã. Cặp mắt cha tôi mờ lệ – những dòng lệ còn sót cuối đời – và khi sà lan cặp bến, tôi nghe người run run kêu lên: – Mình ơi! Mình ơi!

    Hơn nửa thế kỷ trôi qua, giờ đây tóc tôi đã bạc. Quả trứng vịt luộc ngày xưa mẹ cho tôi trước khi lên đường đã nuôi tôi nên người hôm nay. Từ một đứa trẻ sớm mồ côi mẹ mà không biết, mãi cho đến bây giờ, đã có bao nhiêu cái chết oan khiên tức tưởi do người CS gây ra? Người mẹ chỉ vì lòng thương con vô bờ mà đã bị kết tội oan ức, đến chết vẫn không hiểu vì sao? Và hôm nay, trong cõi đời này, có bao nhiêu người con đã mất mẹ vì một chế độ phi nhân, có còn cảm thấy hơi ấm của quả trứng luộc trong tay? Tôi lại tiếp tục lên đường cùng những người con hiếu thảo của Mẹ Việt Nam để cố góp công sức nhỏ nhoi vào đạo nghĩa phục quốc, và riêng tận đáy lòng luôn mong ước có ngày thỉnh rước hình bóng

    Mẹ thương yêu của tôi về lại làng xưa, bên lũy tre xanh có ánh trăng vằng vặc. Mẹ cười như bà Tiên hiền dịu thuở nào, và con sẽ không bao giờ thấy nữa những nhát cuốc dã man hơn ác tính của loài cầm thú đã đập tan lòng Mẹ, ngay trên mảnh đất quê hương khô cằn tang tóc. Xin mẹ chờ con.

  • #2
    Bài này viết quá hay, đọc rất cảm động và nêu lên những nỗi dã man của CSVN từ ngày thành lập cho đến nay. Cám ơn bác PS Sport đã đăng bài này

    LM

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X