Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bolsa Có Gì Lạ

Collapse
X

Bolsa Có Gì Lạ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bolsa Có Gì Lạ

    BOLSA CÓ GÌ LẠ!
    Ra đi nhớ giữ lời thề,
    Bôn Sa đừng tới... kẻo về tương tư!


    Từ ngày đặt chân lên đất Mỹ cách đây gần 30 năm, gia đình tôi đã ba lần thay đổi nơi cư trú, nhưng chung quy vẫn ở loanh quanh gần các khu thương mãi trên đường Bolsa, thuộc thị xã Westminster.


    Bolsa là con đường chính tập trung các cửa hàng buôn bán do người Việt (qua đây từ năm 1975) làm chủ. Vào khoảng gần 20 năm về trước, các khu thương mại trên đường Bolsa và các vùng phụ cận, được cộng đồng người Việt đặt tên là Little Saigon (được chánh quyền thị xã Westminster hợp thức hóa), tỷ như người Nhật có Little Tokyo, người Trung Hoa có Little China/China Town...làm cho những người dân lưu vong đỡ nhớ quê nhà. Về dân số người Việt cư trú và làm việc trong khu Little Saigon và các thị xã lân cận, con số cũng phải lên tới cả trăm ngàn người trên tổng số 400 ngàn cho toàn thể vùng Nam Cali. Mật độ dân số người Việt sống trong khu vực này cao nhất thế giới, trừ VN.


    Khu Little Saigon, lấy đường Bolsa làm trục, chiếm một diện tích vào khoảng 16 dặm vuông, phía Bắc giới hạn bởi đường Wesminster, phía Nam đường Edinger, phía Ðông đường Euclid và phía Bắc giới hạn bởi đường Wesminster, phía Nam đường Edinger, phía Ðông đường Euclid và phía Tây đường Magnolia. Trong khu vực này, khi người bản xứ bán nhà dọn đi nơi khác, người Việt nhào vô mua với bất cứ giá nào, do đó giá nhà lên rất cao, gấp hai lần giá nhà trung bình ở Miền Nam Cali. Cư dân bản xứ, dọn tới những vùng khác, nhà thì mới, giá lại rẻ, nên không bao giờ quay trở lại, do đó những khu nhà ở chung quanh khu Little Saigon, lần lần chỉ còn lại cư dân Việt...Như khu phố tôi dọn tới ở cách đây 23 năm, gồm có trên 30 căn hộ do người bản xứ làm chủ, chỉ có hai ba gia đình người Việt xen vô, (trong số đó có gia đình tôi)... nay đảo ngược lại, đa số là người Việt, người bản xứ chỉ còn lác đác vài ba hộ.


    Lần đầu tiên chúng tôi ngỏ ý muốn mua nhà, thì được bạn bè dặn dò kỹ lưỡng:
    -“Nên mua nhà trong khu dân da trắng, xa các khu chung cư có nhiều Mỹ đen và Mễ. Học sinh da đen và Mễ thường hay bỏ học, gia nhập băng đảng quậy phá dữ lắm...”.
    (Trẻ VN rất hiếu học: Quận Cam có 12 học khu, học sinh VN chiếm ½ số giải thủ khoa Trung Học, học khóa 2008-2009)


    Tôi nghe lời khuyến cáo, mua nhà trong một khu phố thuộc thị xã HB, toàn là dân da trắng. Nhưng ở lân cận với người da trắng, chợt cảm thấy rằng, mình không giống ai. Giữa những người bản xứ da trắng mũi cao, nay lọt vào một gia đình da vàng mũi tẹt, tỷ như một con sáo đen lọt vào một bầy công, tự nhiên mình cảm thấy không được thoải mái, những lúc thả bộ vào buổi chiều, dọc theo những con đường nhỏ trong xóm. Hai năm sau, chúng tôi kiếm mua một căn nhà khác (ở cho tới ngày nay), thuộc khu vực Little Saigon. Thôi thì mình là sáo đen, đành trở về với bầy sáo đen của mình vậy. Nay thì xung quanh lối xóm toàn là người Việt, ra vào gặp nhau chào hỏi, tình nghĩa lối xóm thật thắm thiết! Chỉ có một vài chuyện lặt vặt, thấy hơi khó coi. Tỉ như ông hàng xóm nọ, ở VN trước kia cũng thuộc hạng trung lưu, nhà có 3 phòng ngủ cho share, dọn ra nhà xe ở. Ông này hay nhậu, nhà xe lại không có phòng tắm riêng, mỗi lần bí... ông tè thẳng vào hàng rào trước nhà! Ông đi qua, bà đi lại, ai ngó thấy... xui ráng chịu!


    Người Việt ở các Tiểu Bang khác qua Little Saigon chơi, thì có cảm tưởng như mình đang đi lạc vào trong một khu phố nào đó ở Saigon. Chỗ nào cũng có phòng mạch bác sĩ, nha sĩ, dược phòng (thuốc Tây, thuốc Bắc) văn phòng luật sư, bảo hiểm, khai thuế, du lịch, gửi tiền về VN...tửu lâu, quán nhậu, (nhiều quán rất đặc biệt), quán phở (có trên 150 quán), tiệm nail/ tóc/da mặt, tiệm bán đồ gỗ, quán cà phê...Những quán cà phê nào cũng có quảng cáo:”Tiếp viên trẻ đẹp, tiếp đãi ân cần vui vẻ”. Những tiếp viên trẻ đẹp này, ăn mặc “rất thoáng”, khiến một ly cà phê giá chỉ có $3-$5, khách hào hoa phải tip $20 mới giữ được phong cách!


    Những siêu thị thực phẩm và đồ gia dụng trưng bầy đủ mọi thứ hàng nhập cảng từ nhiều quốc gia trên thế giới, làm cho ta có cái cảm tưởng là đang sống trên một Mẫu Quốc thời phong kiến, các nước chư hầu có của ngon vật lạ mang tới triều cống...Tỉ như: Tôm biển từ các nước Nam Mỹ, cua nhện từ Canada, xoài và đu đủ từ Mễ, rượu mạnh từ Pháp, Volka từ Nga, thuốc lá thơm từ Anh, gạo thơm từ Thái Lan, lê từ Ðài Loan, nhãn và hồng khô từ Trung Quốc, trà từ Hồng Kông, cải kim chi từ Ðại Hàn...Hàng vừa nhiều lại vừa rẻ so với các nơi khác trên nước Mỹ. Do đó khách tham quan, vừa được ăn uống no say với những món ăn đặm đà hương vị quê hương, lại còn được dịp mua sắm những món hàng, từ rau cỏ tới tôm cua thịt cá...giá chỉ bằng phân nửa so với giá các nơi khác. Những bà nội trợ, mỗi lần đi mua thực phẩm, thường hay ghé qua nhiều chợ, vì mỗi chợ có một vài món hàng hạ giá đặc biệt (chỉ bằng ½ giá bình thường), chỗ này thì rau, chỗ kia thịt cá, chỗ khác hoa quả... Ði chợ nào cũng gặp từng ấy gương mặt (trước lạ sau quen), rỉ tai nhau cho biết chợ nào đang “sale” hàng gì...Do đó đi chợ, mất rất nhiều thời giờ. Nhà chỉ có cặp vợ chồng già mà hai tủ lạnh lớn chứa đồ chật ních, ông xã tôi cũng đành lắc đầu chịu thua... Tuy nhiều chợ, thực phẩm đa dạng, song các bà nội trợ Bolsa là những người nấu ăn dở nhất nước Mỹ. Vì bận rộn đi làm, nhiều bà cho cả gia đình ăn toàn “cơm chỉ”. Sau giờ làm, ghé qua quán “Food to go” mua ít thịt kho, rau xào, canh chua...về nhà nấu nồi cơm điện, là đủ no cho một gia đình trung bình. Nếu làm biếng đi mua, có thể đặt cơm phần, có người giao tới tận nhà.


    Trên đường phố, lưu thông đông đảo xế Nhật loại xịn. Thợ operator, lương chỉ có vài ngàn/1tháng cũng dám chơi Lexus hay Mercedes hai cửa mui trần, nhưng khi mở nắp thùng xe phía sau, chỉ có thùng mì ăn liền và chai nước tương. Không biết anh chàng hào hoa này lái xe xịn chở bạn gái đi chơi, có thể mời đi nhà hàng nào? Có lẽ là lấy lý do tiết kiệm thời giờ, chạy ùa vào tiệm Lee Sandwich hay Bánh Mì Cali, mua đại vài ổ bành mì thịt (loại mua hai tặng một) và hai chai nước lạnh, rồi lái xe ra bờ biển Newport Beach ngồi ngắm cảnh trời mây nước... lai rai gặm bánh mì thịt nguội! Yêu nhau và được gần bên nhau, đâu có đặt nặng vấn đề ăn uống!


    Nhà hàng ăn uống thì lúc nào cũng đông khách. Mặc dầu có rất nhiều Tửu Lâu (có thể chứa năm ba trăm thực khách), muốn đặt tiệc cưới tại nhà hàng vào tối thứ bẩy không phải là chuyện dễ, có khi phải “đăng ký” trước cả năm. Dự tiệc cưới ở Bolsa thường gặp một phiền phức nhỏ (nhưng rất khó chịu), một tập quán rất tiêu cực mà không có cách nào sửa đổi, đó là mời khách vào lúc 6 giờ chiều, nhưng tới 8 giờ tối mới bắt đầu giới thiệu rườm rà ... rồi mới nhập tiệc. Những khách mời, không quen nhịn đói, đành phải ăn sơ sơ ở nhà trước khi đi dự tiệc. Ngoài ra trong lúc dự tiệc, ban văn nghệ giúp vui (tiệc cưới nào mà chả có) chơi nhạc ầm ĩ, loa lại mở lớn, khiến thực khách ngồi cùng bàn muốn làm quen với nhau, cứ phải nói như hét để tự giới thiệu, người đối diện chắc cũng không nghe được gì, chỉ thấy tủm tỉm cười trừ... Lần duy nhất tôi được tham dự một bữa tiệc cưới và cảm thấy thoải mái, là bữa tiệc cưới không có văn nghệ “giúp vui”(!). Vừa được thưởng thức món ăn ngon, vừa được nói chuyện vui thoải mái, thiệt chẳng còn gì sung sướng cho bằng!


    Dân Bolsa có cái thú vui lành mạnh là sưu tầm hàng garage sale hay hàng chợ trời Golden West. Hồi mới qua Mỹ, thấy quần áo bán garage sale còn mới và rẻ như cho, sáng thứ bẩy nào tôi cũng rủ em gái tôi đi chung, chỉ cần bỏ ra vài chục bạc là có thể ôm về nhà mấy bao đồ. Những món đồ đó, thấy rẻ thì mua, phần nhiều chả có dịp đụng tới, tháng này qua năm nọ, chất tràn ngập garage, choán chỗ đậu xe. Thấy mấy cái bịch đồ vô duyên ấy nằm chình ình một đống vô tích sự, ông xã tôi, rình những lúc tôi không có nhà, bèn gọi điện thoại kêu Salvation Army tới chở đi... Còn về chợ trời, hiện nay tôi vẫn còn thích thú đi chợ GW.


    Từ sáng sớm, tôi đã rủ bà hàng xóm, cùng chia sẻ với tôi cái thú chơi phong lan, lái xe đi chợ. Phải đi thiệt sớm mới mong chọn được bông tốt và giá rẻ. Tuần nào tôi cũng lụ khụ bê về nhà chậu lớn chậu bé đủ thứ lan. Lan rẻ, nhưng so với những loại hoa khác thì hãy còn mắc lắm... Trăm bạc cầm trong tay là ra đi ngọt xớt. Rút tỉa kinh nghiệm, những lần sau, tôi chỉ mang theo một số tiền nhỏ đủ để mua 1, 2 cây thôi...Ông xã tôi, thấy tôi say mê phong lan thì không được vui lắm! Mỗi khi chở lan về, tôi né cửa trước và lẻn vô nhà bằng cửa hông, kiếm chỗ dấu lan, rồi từ từ mới mang ra chưng. Lỡ ổng có biết thì chuyện cũng đã rồi! Nói về chơi lan, những chậu lan mang lại cho tôi nhiều thích thú nhất không phải là những cây mua ở chợ. Ðó là những chậu lan trưng bầy trong văn phòng lâu ngày nay đã khô héo mà các cô nhân viên văn phòng quen với tôi, mang “tặng” cho tôi. Tôi trổ tài “phù thủy”, thay chậu, tỉa lá, gọt rễ, bón phân, tưới nước... và sau một thời gian bồi dưỡng, nở ra một cánh bông xinh xắn...giống như cặp môi mũm mĩm của người đẹp!


    Trong khu vực Little Saigon có hai ngành nghề trước làm ăn phát đạt nay đang sa sút vì ảnh hưởng kinh tế suy thoái. Ðó là nghề làm móng tay và nghề cho mướn phim bộ. Cách đây ít lâu, một đài truyền hình VN có trụ sở đặt tại Little Saigon, đặt câu hỏi:
    -“Người VN mang họ gì làm ăn khấm khớ nhất trên đất Mỹ?”
    -Câu trả lời là họ ÐINH (=NAIL).
    Nay thì không còn hoàn toàn đúng nữa. Những người mang họ ÐINH đang sống cầm cự chờ đợi nền kinh tế Mỹ phục hồi. Nghề cho mướn phim truyện thì thảm thương hơn. Phần đông đang tìm cách chuyển qua nghề khác. Ðĩa lậu rất rẻ, mắc hơn tiền mướn phim chút xíu thôi, nhưng đĩa mua có cái lợi là cứ để đó, thủng thẳng coi, coi xong chuyền cho bạn bè mượn. Những người có máy vi tính thì chả cần mất đồng xu teng nào mua băng hay đĩa. Phim gì cũng có trên các mạng như Yeuphimnet, Giaitri, phim4VN...Nhiều khi phim-free lại có trước phim mua. Như bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc”, hoặc phim “Ðẹp từng centimet” (do cặp tài tử đang ăn khách, Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải thủ vai chánh), đĩa bán chưa đủ bộ hoặc chưa ra thì đã có mặt trên mạng. Các tiệm cho mướn phim thì sống dở chết dở, các nhà sản xuất phim cũng chả khá gì hơn, vì tiền làm một bộ phim, một show ca nhạc kịch (như Paris by Night/Vân Sơn), theo tôi nghĩ, rất tốn kém.


    Ờ Bolsa có hai nghề chuyên môn kiếm ăn cũng ngon lành: đó là văn phòng luật sư và phòng mạch bác sĩ chỉnh xương, lo về các dịch vụ liên quan tới tai nạn lưu thông. Xe cộ Cali rất nhiều, người lớn trên 18 tuổi là phải có một cái xế để đi học hoặc đi làm. Những người có cái job tốt thì một mình có tới hai ba cái, cái sedan để đi làm, cái sport 2 cửa để đi chơi, cái minivan để chở gia đình. Xe nào cũng bắt buộc phải mua bảo hiểm. Khi đụng xe, người lái xe (có mua bảo hiểm 2 chiều) sẽ được bồi thường sữa chữa xe và điều trị thương tích...
    Một người bị đụng xe thường được giới thiệu tới một văn phòng luật sư để nhờ tiến hành thủ tục bồi thường. Văn phòng luật sư gởi người bị đụng xe qua phòng mạch bác sĩ chỉnh xương. Bác sĩ này gửi “bệnh nhân” đi chụp X-Quang, và nếu kết quả “âm”, sẽ áp dụng vật lý trị liệu trong vòng từ 3 tới 6 tháng. Số tiền hóa đơn có thể từ vài chục ngàn lên tới vài trăm ngàn. Sau khi Hãng Bảo Hiểm Xe thanh toán hóa đơn cho bác sĩ trị liệu, số tiền này thường được chia đều ra cho “nạn nhân” đụng xe, luật sư và bác sĩ. Bởi vậy mỗi lần đụng xe (hầu hết nạn nhân bị đau cổ, đau lưng vì cơ bắp co rút) thì kể như trúng một lô sổ số nhỏ. Câu hỏi đầu tiên của gia đình khi có người nhà bị đụng xe là:
    -Xe người ta đụng mình có bảo hiểm không?
    Sau đó mới hỏi thăm đụng xe thương tích ra sao! Vì nếu xe bên kia không có bảo hiểm mà mình chỉ có bảo hiểm 1 chiều, thì kể như xù, vì pháp luật nắm đầu thằng có tóc, chứ không nắm được thằng đầu trọc. Không có bảo hiểm, nó nhe răng cười trừ chứ lấy tiền đâu ra mà bồi thường! Ở đây rất đông di dân lậu gốc Mễ, chẳng có một miếng giấy lộn lưng, có xẩy ra chuyện gì là dông thẳng về nước...


    Bolsa còn có những dịch vụ rất phổ biến, đó là văn phòng địa ốc và các tiệm kim hoàn.. Những nghề này thịnh suy tùy theo giá nhà lên hay xuống. Người VN, đầu óc dính liền với đất đai, có dư tiền thường hay đầu tư vào nhà đất: ngoài căn nhà để ở, mua thêm một vài căn cho mướn, lúc lên giá thì bán kiếm lời. Trong những năm trước đây, giá nhà tương đối còn thấp, vay tiền ngân hàng không đòi hỏi điều kiện khắt khe, nhiều người đổ xô đi mua nhà đất khiến thị trường nhà cửa tăng lên vùn vụt, giá nhà tăng lên gấp hai rồi gấp ba... Ðến lúc nợ thả nổi chuyển qua nợ cố định, phân lời cao gần gấp hai phân lời bình thường, chủ nhà không đủ tiền trả, phải bỏ nhà cho ngân hàng kéo mới xẩy ra cơn khủng hoảng nhà đất...


    Thị trường địa ốc lụn bại, người Việt ta bèn đổ xô đi mua vàng, khiến vàng đang ở mức $700/1 lượng, nhảy vọt lên $1,000/1 lượng. Lúc này là thời cơ vàng của các tiệm...vàng. Trong khu thương xá Phước Lộc Thọ, các cửa hàng tạp hóa, phim nhạc, quần áo... nay đã được thay thế bằng các cửa hàng kim hoàn, bày biện sáng chưng, tiếp viên là những người đẹp chân dài ăn mặc lộng lẫy phục vụ... Có tiền sắm vàng: các ông thì mê, các bà thì phê, cả nhà hả hê!


    Những nghề “nóng” nhất, đứng ngoài ảnh hưởng của kinh tế suy thoái, là nghề nha sĩ niền răng và giải phẫu thẩm mỹ.
    -Người Mỹ có hàm răng đẹp nhất thế giới, không phải vì do ưu đãi của Trời ban, mà do các nha sĩ khéo tay. Bắt đầu trẻ lên 10, răng cỏ lủng củng, cha mẹ, dù có phải bỏ ra một phần tài sản, cũng phải cố gắng cho con đi niền răng, nhất là con gái, để sau này chúng đỡ bị thua thiệt.
    -Khu Little Saigon có một vài bác sĩ thẩm mỹ, tuổi trẻ tài cao, thu hút khá đông thân chủ từ các tiểu bang khác tới. Kỹ thuật (tái tạo từ A tới Z) mỗi ngày mỗi tiến. Ngoài ra, các bác sĩ VN, tay chân nhỏ nhắn lại khéo léo về đường kim mũi chỉ, nên dễ thích hợp với ngành thẩm mỹ hơn các bạn đồng nghiệp khác.
    -Các thân chủ sửa sắc đẹp, một khi đã có ý lo tới việc trau dồi nhan sắc của mình (có phụ nữ nào mà không lo tới sắc đẹp của mình?), tốn bao nhiều tiền của cũng chẳng tiếc, miễn sao vừa ý thì thôi. Bác sĩ thẩm mỹ đưa ra những cái giá rất “thân thiện”, đổi lại thân chủ trả bằng tiền mặt (có bảo hiềm sức khỏe nào chịu trả tiền những dịch vụ thẩm mỹ?), nên cả hai bên đều vui bụng...


    Một trung tâm y tế, Boston Medical Clinic, chuyên về "phục hồi chức năng sinh lý của đàn ông" còn giới thiệu: “Trung Tâm y tế cải tiến khả năng sinh lý từ 18 đến 96 tuổi”. Theo như lời chú thích nói trên, các ông ngoài 90 tuổi, vẫn có thể phục hồi chức năng trượng phu của mình, để thực hiện đúng như lời chúc mừng của bạn bè thân thuộc lúc mừng THọ 90: “SINH NHẬT VUI VẺ" (tiếng Hán gọi là "SINH NHẬT KHOÁI LẠC"). Bạn nào chưa đủ 100 tuổi, chớ nên...hấp tấp bỏ cuộc trong khi mình vẫn còn có thể dzui dzẻ lai rai...Thiệt chẳng lấy gì làm lạ khi nhà tỷ phú Smith, ngoài 90, vẫn còn cặp kè với Ana Nicole, người đẹp nẩy lửa, hình bìa của tạp chí Playboys. Có lời rằng:

    Bôn Sa tái tạo khéo ghê,
    Ông đi cường dũng, bà về xinh tươi...


    Tuy không biết số thống kê có bao nhiêu phần trăm người Việt cư ngụ ở vùng Saigon Nhỏ, say mê môn giải trí đỏ đen, nhưng nhìn chung thì thấy con số không phải là ít. Nếu không đi Las Vegas (cách 4 giờ lái xe), thì cũng mò tới những sòng Casino gần nhà như Bicycle, Commerce, Pechunga...(cách Little Saigon 30-60 phút). Một số giới trẻ thì mê cáp độ thể thao: football (bóng bầu dục), bóng rổ...Hai vợ chồng chúng tôi thỉnh thoảng cũng có đi Las Vegas chơi. Tầng dưới của các khách sạn lớn như Ceasar’s Palace, MGM Grand, Luxor, Excalibur, Venetian, New York-New York... là sòng bài, nên không muốn chơi cũng khó bề cưỡng lại. Nếu chơi thì biết chắc rủi nhiều hơn may, đành tự an ủi: thôi thì có thua vài trăm bạc cũng kể như đóng tiền đèn cho Casino!(Las Vegas về đêm, đèn đuốc sáng rực cả một bầu trời).


    Nhiều người không say mê cờ bạc cũng đi Casino, mà lại còn đi hằng ngày, một tuần lễ bẩy ngày không sót ngày nào...Trong khu phố của tôi, có một cặp vợ chông già, ngày nào cũng xách giỏ ra đi từ 7g sáng cho tới 7g tối mới về.
    Một hôm chạm mặt hai ông bà nọ, thì họ khoe đi chơi sòng bài vui lắm và rủ hai vợ chồng tôi hôm sau cùng đi. Tôi nói:
    -Ông bà đi sòng bài hằng ngày như vậy chắc hẳn phải có dư tiền dư bạc hoặc có mánh lới gì đánh bài không bị thua?
    Họ mỉm cười trả lời:
    -Ðánh bạc trước sau rồi cũng sạch túi! Tụi tui không có chơi bài. Mỗi buổi sáng có xe bus đón khách đi sòng bài, đậu ở phía sau bãi đậu xe của thương xá Phước Lộc Thọ. Xe chở khách chơi bài (chơi thiệt hay chỉ cần có mặt) tới một Casino nào đó, xa cỡ chừng 1-2 giờ ngồi xe. Tới nơi, họ thả mình xuống. Số đông vô sòng chơi. Một số nhỏ như tụi tui, thơ thẩn dạo chơi (mang theo hộp cơm và chai nước lạnh) loanh quanh cho tới 4 giờ chiều, xe bus tới đón trả về khu Phước Lộc Thọ, mỗi người... được lãnh $15. Tụi tui mới từ VN qua, ở nhà cũng buồn, đi theo xe chơi giải trí lại có chút tiền bỏ túi! Mỗi ngày hai vợ chồng được lãnh $30 ($30x30= $900/1 tháng) vậy là có chút đỉnh tiền bạc xài riêng, đỡ phải ngửa tay, xin tiền con cháu!


    Bolsa còn nổi tiếng có rất nhiều Hội Ðoàn, Hội Ái Hữu văn hóa, giáo dục... Ở VN có bao nhiều cơ quan, trường sở, ngành nghề, tỉnh thành...thì qua đây cũng có bấy nhiều Hội...Hầu hết bất cứ hội đoàn nào thành lập, chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị bể ra làm hai. Ở Nam Cali, hay Bắc Cali mỗi nơi có hai tổ chức Cộng Ðồng người Việt, cả hai đều được cấp giấp phép sinh hoạt chính thức. Riêng về "Hội" Ái Hữu Cựu Huấn Luyện Viên Thể Dục Thể Thao (tôi là một thành viên), từ ngày khởi đầu quy tụ bạn bè (1992), hoàn toàn xây dựng trên cơ sở tình cảm, nhẹ vể hình thức. Thỉnh thoảng có những buổi họp mặt, anh chị em gặp nhau chuyện trò ăn uống, vui vẻ.. Anh chị em vì nhau mà tới, nên cũng chẳng cần lập hội, đăng ký... Không có hội nên không có gì để bể.


    Quê tôi ở Sađéc, làm việc ở nhiều nơi, hằng năm tôi được mời tham dự các buổi Họp Mặt Ðầu Năm của các Hội Ðồng Hương Sađéc, Bến Tre, Biên Hòa, Long An...Ngoài ra nếu tính thêm những hội đoàn liên quan tới ông xã tôi, cộng thêm các hội đoàn liên quan đến tôn giáo của mình, nếu đi tham dự hết các buổi mời họp đó, bận rộn việc công việc nhà như thế này, không có thời gian đi đâu. Nhưng đi đâu cũng không vui bằng những buổi họp mặt có những bạn bè cũ cùng ngành nghề tham dự. Ðược xưng hô mày tao, như đã từng xẩy ra cách đây hơn nửa thế kỷ về trước, không phải làm cho mình cảm thấy trẻ lại sao?


    Bolsa chiếm một vị trí địa dư rất thuân lợi. Bạn bè đông đảo, việc làm dễ kiếm, nhiều trường học nổi tiếng toàn quốc, thực phẩm rẻ và ngon, kề cận các trung tâm giải trí có tầm vóc quốc tế như Disneyland, Universal Studio, Sea World...Khí hậu ôn hòa, (rất thuận lợi cho việc trồng vài loại rau thơm, bạc hà, xả, ớt, hành, gừng...để nấu một nồi phở hay nồi canh chua), nắng vàng quanh năm, chỉ hơi tiếc là ít mưa...Mùa hè tắm biển, mùa đông lên núi chơi tuyết. Bolsa còn được thừa hưởng tiện nghi của một xã hội văn minh tân tiến, dung hòa với cách sinh hoạt kinh tế và văn hóa của người Á đông, rất thích hợp với thế hệ di dân đầu tiên....


    Rời mảnh đất quê hương thân yêu, nửa cuộc đời còn lại ràng buộc trên mảnh đất ân tình này: thôi cũng đành nhận nơi đây là quê hương thứ hai của mình vậy!

    Chưa đi chưa biết Bôn Sa,
    Tới rồi mới biết quả là duyên may.
    Bao nhiêu năm, bấy nhiêu ngày,
    Vui buồn tạm nhận chốn nầy quê ta!


    K.N.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X