Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cánh Hoa Thời Loạn

Collapse
X

Cánh Hoa Thời Loạn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cánh Hoa Thời Loạn

    Cánh Hoa Thời Loạn

    (tặng những người phụ nữ tôi kính mến)

    Tôi bước vào chương trình Asia số 66, chủ đề “Cánh Hoa Thời Loạn” bằng những xúc động lớn lao, ngay trong giai đoạn chuẩn bị. Nhất là kể từ hôm một nữ khán giả trẻ, cô Tăng Thị Ngọc Lan tìm đến Trung Tâm Asia để trao lại cho tôi những lá thư viết từ chiến trường cùng một số hình ảnh của người anh trai, Cố Thiếu Tá Tăng Ngọc Nhã, tiểu đoàn trưởng 487 Ðịa Phương Quân, người đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Bạc Liêu ngày 21 tháng 4 năm 1974.

    Cả đêm hôm ấy tôi cứ trằn trọc mãi và không thể nào nhắm mắt nổi. Ðầu óc cứ bị ám ảnh bởi tấm hình chụp ngày tang lễ của Thiếu Tá Nhã hơn 36 năm về trước với hình ảnh người góa phụ trẻ chưa đầy 20 tuổi, khuôn mặt buồn vời vợi, ôm đứa con gái vừa mở mắt chào đời, chưa kịp nhìn thấy mặt cha. Bên cạnh là nét mặt khổ đau, chịu đựng của bà mẹ già đang nuốt lệ để tiễn đứa con trai yêu quý vừa đền xong nợ nước! Chiếc quan tài phủ lá cờ vàng cùng hàng chữ “ghi ơn” mờ nhạt, im buồn như bóng dáng của người em gái rụt rè đứng ở phía sau. Thật là một hình ảnh tàn nhẫn của chiến tranh, nó đã làm tả tơi bao cánh hoa trong thời ly loạn. Chỉ một tấm ảnh đó thôi người ta đã nhìn thấy cả ba thế hệ để tang!


    Nhưng người lính nằm xuống trong cái “hòm gỗ cài hoa” được phủ cờ đó nghĩ gì? Chúng ta hãy đọc một đoạn của lá thư mà Thiếu Tá Nhã gởi về cho cô em gái lúc ông còn sống khi hay tin một người thân trong gia đình của ông vừa tử trận:

    Kontum 14 tháng 3, 1968

    Ngọc Lan em,

    Anh rất lấy làm đau buồn khi nhận được tin anh Phương đã đền xong nợ nước ...........

    Anh biết lúc này gia đình mình bị xúc động nhiều, em hãy thay anh khuyên nhủ ba má bớt sầu não, cầu nguyện cho linh hồn người đã ra đi, và hãnh diện cho gia đình mình, đã có người hy sinh vì tổ quốc, vì dân tộc...



    Thiếu Úy Thái Kim Vân.

    Dồn dập những ngày sau đó, hàng trăm hình ảnh cùng nhiều lá thư đầy kỷ niệm với những nét chữ đã hoen nhòa vì nước mắt, kèm theo bao tài liệu lịch sử quý giá và sống thật, đã được khán thính giả lần lượt gởi đến cho Trung Tâm Asia, mà tôi là người được hân hạnh được trao cho trách nhiệm thực hiện những video clips để giới thiệu trong chương trình! Nhưng làm sao mà chỉ trong một vài phút tôi có thể diễn tả hết được những trang sử trác tuyệt của thời chinh chiến, nhất lại là những mẩu chuyện liên quan đến sự chịu đựng, cùng gương hy sinh và lòng quả cảm của những người phụ nữ Việt Nam thể hiện qua nhiều vai trò trong cuộc chiến dài nhất của lịch sử dân tộc. Vì thế tôi tự nhủ sau buổi thu hình mình sẽ phải viết và phải viết thật kỹ càng để ghi chép lại cho thế hệ mai sau biết được và hiểu được bao tấm gương hy sinh hào hùng của những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng những “cánh hoa thời loạn!”

    Tôi sẽ phải kể cho các con tôi nghe câu chuyện của nữ quân nhân Nguyễn Thị Kim Lang, người đã bị xử bắn vì chống đối chế độ Cộng Sản vào ngày rằm tháng 7 năm 1975 tại sân vận động Gò Công trong lúc chị đang mang thai đứa con đầu lòng trong bụng! Tôi cũng sẽ không thể không nhắc đến chiến công hiển hách của nữ Trung Sĩ Ngô Thị Hồng Phượng tại Sóc Trăng trong trận Tết Mậu Thân 1968.

    Tôi sẽ phải nói đến hình ảnh can trường của nữ thiếu úy cảnh sát tên là Thái Kim Vân, người con gái độc thân, mới 22 tuổi đầu đã phải chịu lưu đầy trong các trại tù Việt Bắc, từ cải tạo cho đến hình sự với bản án chung thân khổ sai cũng chỉ vì chị đã hiên ngang và công khai lên tiếng tranh luận về những sai lầm của chủ nghĩa CS với các tên cai tù và cán bộ giảng huấn!

    Thậm chí ngay khi vừa được thả ra sau gần 3 năm “học tập cải tạo,” Thiếu Úy Thái Kim Vân đã lập tức tham gia vào các hoạt động phục quốc, mà hậu quả là những trận đòn chí tử khi chị bị CS bắt lại. Người con gái tuy có trái tim gan dạ, nhưng với thân xác nhỏ bé, cô đã gục ngã trước những cuộc tra tấn dã man. Hậu quả của những tháng năm bị biệt giam trong thùng sắt, vừa đói, vừa lạnh khiến Thiếu Úy Thái Kim Vân bị lao phổi nặng. Nhưng CS đã không săn sóc hay chữa trị, mãi cho đến khi người nữ tù nhân can trường đang thoi thóp chết thì tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) mới biết đến và lên tiếng can thiệp mạnh mẽ, đồng thời với áp lực của nhiều cơ quan nhân đạo khác trên thế giới, CSVN đã phải trả tự do cho Thiếu Úy Thái Kim Vân sau hơn 18 năm giam giữ!

    Nhưng Trời Phật đã không phụ kẻ có lòng, trong lúc tả tơi vì bệnh hoạn, ai cũng sợ bị lây, không dám đến gần! Ngoại trừ người bạn tù, Ðại Úy Nguyễn Thanh Nguyên, cựu SVSQ khóa 16 Võ Bị Ðà Lạt, vì tội nghiệp nên thỉnh thoảng đem thức ăn và thuốc men đến chỗ cô bị biệt giam để thăm viếng và săn sóc. Rồi từ thương hại đến thương... yêu, sau gần hai mươi năm lao lý, Việt Cộng đã phải thả tất cả tù chính trị, họ thành hôn và được chính phủ Hoa Kỳ nhận định cư qua diện tỵ nạn đặc biệt, đợt Z-05. Thượng đế thật công bằng, ngài đã bù lại cho họ một đứa con gái thông minh, xinh xắn và giỏi giang. Cháu Tina Nguyễn năm nay mới 12 tuổi, nhưng đã là học sinh xuất sắc nhất trường với những bằng khen từ Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, và còn là một nhạc sĩ nổi tiếng trong học khu nơi cháu đang sống hạnh phúc bên cha mẹ.



    Gia đình Thiếu Úy Thái Kim Vân hiện nay ở HK.


    Thượng Ðế cũng không phụ lòng người “góa phụ ngây thơ,” nàng tên là Ngọc Di, 20 tuổi, mang bào thai 6 tháng được chồng vội vã đưa lên phi cơ để lánh nạn vào giờ phút lâm chung của thành phố Sài Gòn. Cô con gái “di tản trong bụng mẹ” tên là Ðan Vi giờ đã trở thành một bác sĩ nhãn khoa và cháu đã cùng người mẹ thủy chung, đồng thời cũng là vợ trung úy phi công Nguyễn Văn Lộc đi tìm xác chồng sau 33 năm biệt tín.



    Hình mẹ & con cô Ngọc Di, tháng 8, 1975

    Hai người phụ nữ, một mẹ, một con miệt mài trong nước mắt hơn 10 năm trời. Cho đến một ngày cuối tháng 10, 2008 mới tìm được nắm xương tàn của chàng phi công cảm tử cùng người bạn tù, trung úy phi hành Lê Văn Bé, cả hai đã bị CS bắn chết trong lúc rủ nhau vượt ngục. 33 năm sau vợ con mới chính thức đội khăn tang và đau xót nhặt từng mảnh di hài với những dòng lệ khô trên khóe mắt.



    Bác Sĩ Nguyễn Lộc Ðan Vi, 2001

    Ngày 3 tháng 11, 2008 mẹ con ngồi trên phi cơ ôm mỗi người một bình tro trở về Hoa Kỳ. Ngọc Di ôm xác chồng, cháu Ðan Vi ôm bình tro chiến hữu của cha! Có người tò mò hỏi tại sao lại mang thêm di hài của người bạn tù vượt ngục? Ngọc Di trả lời: “Dạ, tại khi còn sống, nhà em vẫn thường nói, tâm nguyện của lính Không Quân là 'không bỏ anh em, không bỏ bạn bè!'”



    Hình mẹ & con cô Ngọc Di đang nhặt thi hài

    Và còn nhiều nữa, nhiều nữa, tôi sẽ phải viết một cách thật chi tiết về sự hy sinh vô bờ của những “nữ điệp viên” Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, của người biệt đội trưởng tình báo Thiên Nga (*), cùng bao thiên hùng sử và lòng quả cảm của những “Vì Sao Mùa Quốc Hận”!



    “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”!

    Có nhiều bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam vẫn thường thắc mắc hỏi: “Ai gây nên cảnh chiến tranh?” Làm tôi chợt nhớ đến câu nói thật thà và bình dị của nữ ca sĩ Sơn Ca khi trả lời lý do tại sao cô lại thích hát những nhạc phẩm ca ngợi hòa bình, cô nói: “Cũng như những người dân miền Nam Việt Nam thời bấy giờ, Sơn Ca rất mong chờ hòa bình sớm trở lại trên quê hương...” Tuy nhiên, cô đã không quên nhắc nhở mọi người rằng chiến tranh là do Cộng Sản Hà Nội chủ trương dùng vũ khí để xâm chiếm hầu áp đặt thể chế Cộng Sản trên toàn đất nước. Còn quân dân miền Nam Việt Nam chỉ luôn luôn ở thế tự vệ và lúc nào cũng yêu chuộng hòa bình!

    Nhưng đã 35 năm qua, “hòa bình” đã đến trên quê hương ta, vậy tại sao những người phụ nữ VN vẫn khổ? Hàng ngàn, hàng vạn những “cánh hoa thời... bình” giờ phải hy sinh thân xác làm cô dâu bất đắc dĩ ở Ðài Loan hay Hàn Quốc để nuôi sống gia đình. Bao trẻ thơ bị bán đi làm nô lệ tình dục, và “nỗi buồn chiến tranh” vẫn đè nặng xuống thân phận của người dân miền Nam. Các bạn trẻ ở trong nước hãy tìm đọc tập truyện cùng tên (Nỗi Buồn Chiến Tranh) của nhà văn cùng chế độ, Bảo Ninh. Ông viết: “Họ, những người chiến bại cùng dòng máu ấy - sau khi tiếng ồn ào của những cuộc xung sát đã im bặt - tiếp tục hứng chịu khổ nạn: khổ nạn hòa bình. Người lành lặn thoát chết thì đi ở tù, người tàn tật thì, cho đến bây giờ, 35 năm sau, vẫn còn là những công dân... không-có-hạng trên đất nước của mình! Và những người đã chết phải chết thêm một lần nữa! Kể cả những bức tượng!”

    “Sau chiến tranh, người chiến thắng vẫn tiếp tục tiến hành một cuộc chiến khác: cuộc chiến chống những người chiến bại... Ðến bao giờ?”

    (*) Nhân đọc bài viết về Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga, Thanh Thủy, trên nhật báo Người Việt.
    Nam Lộc (gởi Người Việt)
    Last edited by Thuyduong; 08-07-2010, 09:47 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X