Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Đoàn 237 CH-47A

Collapse
X

Phi Đoàn 237 CH-47A

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Đoàn 237 CH-47A

    Vũ Văn Bảo


    * Để kính nhớ đến vong linh của các nhân viên phi hành (Hoa tiêu, Cơ phi, Áp tải và Xạ thủ) đã hy sinh trong thời gian phục vụ cho PĐ 237 với nhiệm vụ Bảo Quốc Trấn Không, với lý tưởng chiến đấu cho tự do, dân chủ của tổ quốc.
    * Để thương tặng đến tất cả nhân viên phi hành của Phi đoàn 237 hiện đang tản mác khắp nơi hoặc hiện vẫn còn ở quê nhà.



    Nằm trong chương trình bành trướng Không Lực VNCH bắt đầu vào đầu năm 1968, song song với việc thành lập các phi đoàn trực thăng UH-1 cho 6 Sư Đoàn KQ, phi đoàn 237 trực thăng vận tải loại trung bình Chinook CH-47A đã được thành hình khi các nhân viên phi hành và kỹ thuật được bắt đầu gởi đi thụ huấn với các đơn vị của Lục Quân Hoa Kỳ. Bước đầu là các cơ phi, áp tải và xạ thủ tuyển chọn từ các đơn vị về xuyên huấn tại Phú Lợi, căn cứ của Tiểu đoàn 11 Không Kỵ thuộc Lục Quân Hoa Kỳ, Đại Đội Chinook 205th đảm trách việc huấn luyện. Đợt cơ phi đầu tiên gồm các Thượng sĩ: Hiện, Thành, Kim, Công, Vĩnh..v.v.., khóa học bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1970. Khóa thứ hai gồm: Trung sĩ Hoạt, Tranh, Vinh, Việt, Thuận ..v.v..
    Riêng đối với hoa tiêu thì một số nòng cốt cấp Đại Úy được tuyển chọn từ các phi đoàn trực thăng 211, 217, 213, 215, 219, các sĩ quan liên lạc cho các trường huấn luyện trực thăng tại Hoa Kỳ như Fort Wolters, Hunter AAF, sau khi mãn nhiệm được gởi đi xuyên huấn tại Fort Rucker, các vị này khi về nước đã nắm quyền chỉ huy các phi đoàn Chinook của Không Lực. Cuối cùng là một số lớn những hoa tiêu vừa hoàn tất nghiệp bay trên UH-1, được tuyển chọn tiếp tục xuyên huấn trên CH-47.

    Khóa 1 Chinook gồm Đại Úy: Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Quí, Lê Võ Hùng, Thiều Quang Diêu, Trần Chiêu Quan, Phan Chí Hảo, Vương Minh Dương, Nguyễn Văn Ba, Thiếu Tá Hồ Bảo Định, Đ/úy Nguyễn Văn Hoa,……. Trung (gà) các vị này là sĩ quan liên lạc vừa mãn nhiệm từ Fort Wolters và Hunter AAF. Các hoa tiêu vừa tốt nghiệp UH-1 gồm: Huỳnh Bá Hùng, Phạm Minh Thanh, Lê Văn Cầu, Mã Qưới Trung, Đinh Phan Minh, Nguyễn hữu Ân, Lê Huy Cận, Nguyễn Văn Son, Tô Văn Hậu, Hồ Viết Yên, Nguyễn Đức Lợi.
    Các khóa kế tiếp gồm các Đại Úy: Nguyễn Phú Chính, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Trung, Võ Châu Phê, Nguyễn Văn Mai, Nguyễn Văn Tiếm, Nguyễn Văn Việt, Trần Văn Phèn, và các hoa tiêu vừa tốt nghiệp UH-1 được tuyển chọn mỗi lớp 5, 6 khoá sinh tiếp tục xuyên huấn trên CH-47 như:
    Trung Úy Nguyễn Hoàng Nam, Trần Hen, Thiếu Uý Hồ Công Tâm, Tạ Văn Sáu, Trần Duy Tôn, Nguyễn Vĩnh Châu, Nguyễn Văn Thành, Trịnh Tiến Khang, Vũ Ngọc Kim, Lê Quan Tiên, Trần Văn Quế,……Quang, Ngô Kim Hoàng (cháy), Hoàng Hữu Thiệu, Nguyễn Hiền, Đặng Thiên Hiền, Ngô Minh Châu, Dương Bửu Châu, Vũ Văn Bảo, Đặng Đức Cường, Hoàng Anh Tiến,
    Và thời gian sau phi đoàn được bổ sung thêm một số hoa tiêu UH-1 từ VN sang Mỹ xuyên huấn cũng như một số hoa tiêu mới tốt nghiệp như: Nguyễn Đài, Lữ Ứng Chuơng, Nguyễn Văn Thẩm, Trần Văn Quý, …. Long (đất), Đinh Văn Huê, Nguyễn Văn Tài, Lại Tấn Nguyện, Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Bá Thân v.v..
    Khóa 1 và khóa 2, khi về nước được xuyên huấn thêm kinh nghiệm với Đại đội 213 cũng thuộc Tiểu đoàn 11 Không Kỵ Hoa Kỳ tại Phú Lợi và cũng là để tiếp nhận phi cơ trực thăng CH-47A.
    Phi đoàn chính thức thành lập tháng 9 năm 1970, tháng 10 năm 1970 làm lễ xuất quân tại CLB Jupiter (sau 1972 được đổi tên thành CLB Trần Thế Vinh), tất cả nhân viên phi hành được về tham dự lễ bằng 2 chiếc Chinook từ Phú Lợi, buổi lễ xuất quân đã được Thiếu Tá Hồ Bảo Định tổ chức rất long trọng, có cờ quạt và trống chiên, sau đó thì phi đoàn được di chuyển về Biên Hoà, cơ sở phi đoàn, phi đạo và các ụ đậu tọa lạc kế cận Liên đoàn 43 Tác Chiến, phiá sau kho bom nhỏ.
    Bộ chỉ huy đầu tiên của phi đoàn:
    Phi đoàn trưởng: Thiếu tá Hồ Bảo Định
    Phi đoàn phó: Thiếu tá Nguyễn Phú Chính
    Sĩ quan hành quân: Đại Úy Nguyễn Văn Hoa
    Sĩ quan huấn luyện: Thiếu tá Nguyễn Hữu Nhàn
    Sĩ quan An phi: Đại Úy Nguyễn Văn Mai
    Bốn phi đội trưởng: Đại Úy Phan Chí Hảo, Đại Úy Lê Võ Hùng, Đại Úy Trần Văn Phèn và Đại Úy Trần Chiêu Quan (?)
    Phi đoàn bắt đầu thực hiện các phi vụ chính yếu là tiếp tế đạn dược cho các các cứ hoả lực của pháo binh, tham dự các cuộc hành quân trong chiến dịch Toàn Thắng của Quân Đoàn III do Trung Tướng Đỗ Cao Trí điều động, những nỗi vui mừng của các đơn vị pháo binh VNCH khi họ biết các Chinook tiếp tế cho họ thuộc Không Quân VNCH, không bị trở ngại khi liên lạc, các lưới đạn được thả đúng vị trí cho các khẩu đội trọng pháo 105 hoặc 155 ly tất cả các phi vụ được thỏa mãn theo yêu cầu .v.v.. . Đến năm 1971, phi đoàn cũng đã thực hiện những phi vụ vượt biên sang Nam Vang, tiếp tế cho các đơn vị Nhảy dù trấn thủ vùng biên giới Miên-Việt tại Tây Ninh.
    Phi cơ đầu tiên của phi đoàn bị đạn của Cộng quân phải đáp khẩn cấp trong phi vụ đổ bộ lực lượng TQLC trên lãnh thổ Cam bốt do Đ/ uý Trần Chiêu Quan bay, nhưng phi cơ đã được bay về căn cứ sau khi kiểm soát mức độ hư hại.
    Người đầu tiên hy sinh trong phi đoàn là Thiếu Úy Trịnh Tiến Khang, Khang bay với Thiếu Úy Son trong phi vụ tiếp tế tại Snoul, trúng đạn phòng không, viên đạn xuyên qua cửa sổ phía phải, qua hông ghế và vào bụng của Khang, phá nát bọng đái. Son đã bay thẳng về Tổng Y Viện Cộng Hòa nhưng Khang đã chết trên bàn mổ. Đúng ra phi vụ này là của Hoàng Hữu Thiệu, ngày hôm trước Khang là sĩ quan trực phi đoàn và Thiệu đã hoán đổi với Khang lãnh nhiệm vụ trực phi đoàn để có thời gian lo liệu một số giấy tờ cá nhân, vào buổi tối này có một điềm gở là Khang cứ nghe đi nghe lại bản nhạc : ‘Anh vuốt tóc em một lần cuối ‘.
    Khang sang Mỹ cùng một danh sách trong ITO với tôi, nhưng điểm Anh văn cao nên chuyển sang trường bay trước tôi, Khang thích để tóc dài nên được Th/tá Định đặc biệt chiếu cố. Sau sự hy sinh của Khang, các cửa hông của phòng lái đều được bọc thép.
    Kế tiếp là Chinook của Đại Úy Thọ và Th/uý Hoàng bị bắn cháy trên không trên chiến trường Snoul, nhờ tài điều khiển khéo léo của Đ/úy Thọ, phi cơ đã đáp được xuống đất và cũng nhờ sự gan dạ, nặng tình đồng đội chiếc số 2 của Tr/uý Cận đã bay kèm sát và đáp xuống ngay kế cận chiếc Chinook lâm nạn và sự dũng cảm của cơ phi Võ Thế Đằng đã chạy đến phi cơ lâm nạn để cõng và dìu các anh em bị phỏng nặng về tàu của mình trước khi phi cơ phát nổ. Sau trận này Đ/úy Thọ đã được giải ngũ và ông bay lại cho Air America, Tr/úy Hoàng sau thời gian dưỡng thương đã đi bay trở lại, Hạ sĩ Túc là người bị phỏng nặng nhất vì đã đứng phía sau chận phía cửa vào phòng lái. PHĐ của Tr/úy Cận đã vinh dự nhận “Rescue pin” từ hãng Boeing Vertol và nhân dịp này lần đầu tiên Boeing Vertol mới làm ra “Rescue pin” cho trực thăng Chinook.
    Sau cái chết trong tai nạn trực thăng của Trung Tướng Đỗ Cao Trí tại Tây Ninh mang nhiều bí ẩn (phi cơ bị phá hoại, do ai?) thì kế hoạch truy quét Cộng quân trên lãnh thổ Cam Bốt của Tướng Trí không có người tiếp tục chỉ huy, tất cả lực lượng của ta đều rút về lại Việt Nam và vì vậy Cộng quân đã gia tăng áp lực tấn công các căn cứ biên phòng và các căn cứ hỏa lực của Biệt Động Quân và Nhảy Dù.
    Phi hành đòan Tr/úy Lợi + Tr/úy Tâm và PĐT Hồ Bảo Định là đệ tam hoa tiêu trong một phi vụ triệt thoái đại bác 105 ly tại Bình Minh đã bị trúng đạn, PHĐ vô sự nhưng phi cơ phải nhờ gunship phá hủy vì hư hại khá nặng, PHĐ của Đ/úy Thiều Quang Diêu bị bắn một viên 12,7 ly vào hông tàu và trổ sang bên kia. Khi tình hình biên giới ổn định, phi đoàn có một thời gian tương đối yên tĩnh với những phi vụ tiếp tế đạn dược, lương thực cho các tiền đồn và các căn cứ hỏa lực, đặc biệt tiếp tế cho đỉnh núi Bà Đen, với một diện tích nhỏ hẹp nhưng có rất nhiều đơn vị trú đóng tại đây: Tiểu khu Tây Ninh, SĐ 25 BB, Bộ TTM, BBQ, QĐ3 .v.v..với nhiệm vụ như một đài tiếp vận truyền tin và theo dõi hoạt động của Cộng quân, sau này trước khi rút bỏ căn cứ Bà Đen, Đ/u Thành của tiểu khu Tây Ninh, chỉ huy trưởng Núi Bà Đen đã để lại cho Cộng quân một trận đánh nhớ đời (tôi được nghe chính anh kể lại trong trại cải tạo Bầu Cỏ).
    Tình hình chiến sự mỗi lúc một gia tăng và mãnh liệt nhất là trận An Lộc, mùa Hè 72. Mỗi sáng, chúng tôi tất cả các trực thăng thuộc KĐ 43 CT đều sang standby tại Lai Khê chờ lệnh, UH-1 vào trước với các binh sĩ tinh nhuệ Nhảy Dù, Chinook vào sau với các khẩu trọng pháo 105 ly ờ Đồi Gió, Tàu Ô, Tân Khai, bay cao, bay thấp đều bị bắn bằng đủ loại đạn, nhưng chúng tôi vẫn thi hành các phi vụ được giao phó. 2 Chinook đã tổn thất tại Tân Khai và Tàu Ô là PHĐ của Th/ tá Nguyễn Hữu Nhàn + Th/úy Đặng Thiên Hiền, cơ phi Ch/úy Kim, áp tải, xạ thủ đều hy sinh, Đ/úy Trọng + Th/uý Thanh bị bắt và được trao trả năm 73 nhưng cơ phi, xạ thủ và áp tải hy sinh.
    1 Chinook của Tr/úy Lê Quang Tiên và Đặng Đức Cường bị bắn cháy trên không, phải đáp khẩn cấp xuống phi trường An Lộc và được gunship bốc cứu. Phi cơ của Tr/úy Son và tôi bị trúng một viên 12,7 ly thủng bình xăng trái nhưng vô sự vì không phải đạn lửa và nhiều phi cơ khác bị đạn nhưng không đáng kể.
    Cùng thời gian với trận chiến ở An Lộc thì phi đoàn 237 phải tăng phái cho SĐ1KQ tại Đà Nẵng, SĐ6KQ tại Pleiku và SĐ4KQ tại Bình Thủy vì quân đội Mỹ đã bắt đầu rút khỏi Miền Nam và các phi đoàn Chinook tân lập chưa thành hình, chúng tôi cũng tham dự vào những cuộc chiến nóng bỏng tại Quảng Trị, Kom tum, Tân Cảnh, Võ Định, Mỏ Vẹt v.v..nhưng chỉ có một PHĐ của Tr/úy Hậu + Tr/úy Đài bị bắn rớt tại vùng 4 và xạ thủ Lạc đã anh dũng hy sinh khi tình nguyện nằm lại bắn chận VC cho PHĐ chạy vào đồn an toàn, phi cơ hư hại nặng và được phá hủy. Tại Komtum Th/tá Ba và Tr/úy Tâm đã được vinh danh là người hùng của Căn Cứ 5, chiến công này đã góp phần cho Th/tá Ba được nhận danh hiệu Chiến sĩ Anh Hùng, được Tổng Thống tiếp đón tại Sàigòn và hình như được đi du lịch Đài Loan.
    Khi Cộng quân thất bại trong trận tấn công An Lộc và trên nhiều mặt trận khác, tình hình chiến sự lắng động, chúng củng cố lực lượng sau những thiệt hại nặng và là thời gian thương thảo hoà đàm Paris. Cuộc ngưng chiến đã không được Cộng quân tôn trọng vì giữa chúng và Mỹ đã có những thỏa thuận ngầm, dù đã ký kết nhưng Cộng quân bắt đầu gia tăng cường độ đánh phá khắp nơi, trong khi Quân lựcVNCH bị giới hạn tiếp nhận vũ khí, trang bị, đạn được và xăng nhớt. Hàng ngày mỗi phi cơ chỉ nhận được một số lượng xăng nhất định, hết xăng phải bay về.
    Tại Tây Ninh trong phi vụ tiếp tế cho một tiền đồn ĐPQ, Chinook của Tr/úy Hùng bị trúng đạn và viên đạn oan nghiệt đã xuyên vào bụng xạ thủ Lâm Thành Công, Công đã hy sinh trên bàn mổ của bệnh viện Tây Ninh dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa. PHĐ Tr/úy Quang + Th/úy Tiến + cơ phi, xạ thủ, áp tải bị trúng SA-7 khi vừa tiếp tế cho đỉnh núi Bà Đen, tất cả đều hy sinh, Th/úy Tiến trước đó đã thoát chết trong vụ nổ kho bom phía sau văn phòng phi đoàn khi Tiến là sĩ quan trực, cơ sở phi đoàn bị hư hại nặng, rất may không có thương vong vì là ngày Chủ Nhật. PHĐ của Tr/úy Thanh (Lờ) đã bị hỏa tiễn AT-3 bắn hụt cũng trong phi vụ tiếp tế cho Núi Bà Đen.
    Áp tải viên Hoàng đã hy sinh trong một phi vụ trao trả tù binh tại Lộc Ninh, dù phi cơ bay trên lộ trình và cao độ do Ban Liên Hợp Quân Sự 2 bên ấn định nhưng đã bị trúng một loạt đạn của Cộng quân.
    Những năm 73 và 74, phi đoàn thi hành phần lớn những phi vụ tiếp tế cho An Lộc, Phước Long, Tây Ninh và một số những tiểu khu giáp ranh với Vùng 4 CT. Chiến sự tại An Lộc lại khốc liệt vì Cộng quân muốn dứt điểm nơi này, Tất cả PHĐ của Tr/úy Nguyện + Tr/úy Tài đã bị bắn nổ trên không vì SA-7 cộng với 10 binh sĩ BĐQ, nhưng đã không tìm được thi thể của Tài và Nguyện, 2 người anh của Nguyện đều là hoa tiêu F-5, và một vị cũng đã hy sinh. PHĐ của Tr/úy Yên + Tr/úy Quý đã bị trúng một viên đạn phòng không 37 ly, ramp phía sau của phi cơ bể nát, PHĐ vô sự nhưng phi cơ phải đem về Air Việt Nam để thay tất cả phần đuôi .
    Một phi vụ thập phần nguy hiểm đó là tiếp tế cho tiền đồn Tống Lê Chân, Trung tá Nguyễn Phú Chính đã biết chi tiết phi vụ này 1 tháng trước, điều này đã làm ông mất ăn mất ngủ, vì trước đó đã có 2 PHĐ UH-1 phải bỏ lại trong đồn, phi vụ có đi nhưng không về. Vì vậy mà ông đã kêu gọi PHĐ tình nguyện, kết quả là số người tình nguyện quá đông, ông đã phải lựa chọn theo tiêu chuẩn còn độc thân, ít vướng bận gia đình, đây là một điểm son phải ghi nhớ cho tất cả thành viên đã từng phục vụ cho PĐ237, PHĐ được lựa chọn là Tr/úy Cầu + Tr/úy Hùng, phi cơ bị bắn cháy khi vào cận tiến ở 300 bộ, cơ phi Tranh có lẽ đã hy sinh khi phi cơ trúng đạn, Tr/úy Cầu bị nứt xương gót khi nhảy từ trên cao xuống đất và sau hơn một tháng kẹt lại trong đồn, PHĐ đã được Phát (Sứt) của Phi đội 259 vào bốc về.
    PHĐ của Th/tá Phê (phi đoàn phó) + Tr/úy Ngô Minh Châu + Tr/úy Vinh (mới từ 241 thuyên chuyển về 237) và một cơ phi đã tử nạn khi bay huấn luyện tại Long Bình, (hình như phi cơ bị gãy drive shaft)
    Không rõ vào năm nào, phi trường Biên Hòa bị pháo kích bới hỏa tiễn 122ly của Việt cộng, một trái đã rớt trúng nhà ở của Tr/úy Nguyễn Hiền, Hiền đã xin được một căn nhà cũ này và trang trí lại mở một quán cà phê, trái hỏa tiễn đã cướp đi mạng sống của vợ chồng Hiền và 2 cô em vợ.
    Cuối năm 71, một số Đại uý thâm niên được thuyên chuyển đi nhận nhiệm vụ mới ở các phi đoàn Chinook tân lập. Tr/úy Hoàng Hưũ Thiệu ra 241, Th/tá Nguyễn Văn Mai, Th/tá Tiếm, Th/tá Việt, Đ/úy Hen ra PĐ 247, Th/tá Phèn, Th/tá Trung về 249, Th/tá Trung cũng đã hy sinh trong một phi vụ chuyển quân tại Vùng 4, hình như phi cơ trúng SA-7. Trung tá Hồ Bảo Định được giữ nhiệm vụ mới Không Đoàn Phó KĐ43 CT, Tr/tá Chính Phi đoàn trưởng, Th/tá Ba phi đoàn phó, Th/tá Diêu sĩ quan huấn luyện, Đ/úy Huê sĩ quan hành quân, Đ/úy Lợi sĩ quan an phi +CTCT. Bốn phi đội trưởng gốm: Đ/úy Cận, Hùng, Yên, Son. Th/tá Nguyễn Hoàng Nam phi đội trưởng phi đội bay thử.
    Phi đoàn 237 khi thành lập với một số lượng hoa tiêu, cơ phi, áp tải và xạ thủ thâm niên từ các phi đoàn UH-1 và H-34 giàu kinh nghiệm và các hoa tiêu xuất sắc vừa tốt nghiệp tại Hoa Kỳ nên đã tạo được một thành tích tuyệt hảo: Hãng chế tạo trực thăng Chinook – Boeing Vectol đã liên tiếp trao tặng bằng khen ngợi Phi Đoàn 237 với; 5000 giờ, 10.000 giờ, 15.000 giờ, 20.000 giờ và 25.000 giờ bay không tai nạn.
    Nhiệm vụ chính yếu của phi đoàn là tiếp tế, tản thương và thu hồi phi cơ lâm nạn, năm 71 đã tản thương một số rất nhiều các binh sĩ Nhảy Dù tại các cuộc hành quân tại Cam Bốt, năm 72 đã di tản hàng ngàn thường dân vô tội tại An Lộc về Lai Khê, sau khi hoàn tất các chuyến tiếp tế, toàn thể hợp đoàn đã tình nguyện bay trở lại để di tản đồng bào, tháng 4-75 bay ra Đà Lạt và Phan Rang để bốc 1 Liên đoàn BĐQ và một Lữ Đoàn Dù gồm có tiểu đoàn 5 Nhảy Dù của Tr/tá Bùi Quyền, sau đó di tản đồng bào từ Long Khánh về Long Bình trong những ngày cuối cùng của đất nước.
    Cấp số của một phi đoàn Chinook gồm 16 phi cơ, nhưng riêng PĐ 237 đã có đến 25 phi cơ, hàng ngày phải cung cấp cho Vùng 3 CT 4 phi cơ để thực hiện các phi vụ, 1 chiếc túc trực cho các phi vụ khẩn cấp bất thường. 3 phi đội lên ca trực theo thứ tự ưu tiên, 1 phi đội nghỉ, vì thế quân số của phi đoàn lúc nào cũng là 75% tham chiến. Số trưởng phi cơ cũng như hoa tiêu chánh quá ít so với tổng số hoa tiêu nên chúng tôi bay “mệt nghỉ”, vì thế mà chiếc ứng trực số 5 hàng ngày phần nhiều đều do ban chỉ huy phi đoàn đảm nhiệm.
    Kề từ ngày thành lập vào tháng 9-1970 cho đến tháng 4-1975, phi đoàn đã mất trọn 5 phi hành đoàn, 11 Hoa tiêu (2 vị Phi đoàn phó), và 18 Cơ phi, Áp Tải, Xạ Thủ đã hy sinh trong nhiệm vụ Bảo Quốc Trấn Không, 10 trực thăng Chinook đã bị xóa số trong sổ danh bộ.
    Và một số thành viên vẫn còn mang dấu tích chiến trận trên thân thể như Th/tá Thọ, Đ/úy Cầu, Tr/úy Hoàng, Hạ sĩ Túc và vài anh em khác nhưng không nhớ được tên
    Sau ngày đen tối 30-4, một số thành viên 237 di tản được sang Mỹ, một số kẹt lại trong lao tù Cộng sản, cá nhân tôi được gặp và biết: Tr/tá Chính, Th/tá Diêu, Th/tá Phèn, Th/tá Quan, Th/tá Nam, Tr/úy Tiên, Tr/úy Thân (ở tù chung với tôi tại Hốc Môn) và một số hoa tiêu của các phi đoàn Chinook khác như: Đào Duy Anh và Trường cùa 241, Phước của 247.
    Hiện tại có lẽ tất cả các hoa tiêu đã đều sang Mỹ, chỉ còn một số anh em cơ phi, áp tải và xạ thủ là ở lại quê nhà, các anh em 237 tại Mỹ và Úc đã đang làm công tác để ủy lạo các anh em 237 ở VN khi ốm đau, hữu sự và tạo điều kiện cho anh em cơ hội gặp gỡ lại nhau ít nhất mỗi năm một lần để ôn lại những kỷ niệm xưa và cũng để hãnh diện với đơn vị mà mình đã phục vụ. Xin cám ơn những thành viên Chinook của các phi đoàn 241, 247 và 249 cũng đã tham gia vảo công tác này, hy vọng trong tương lai sẽ thực hiện được điều tốt đẹp và đầy ý nghiã này cho tất cả các thành viên Chinook của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.
    Bài này được viết theo trí nhớ sau 27 năm và sự giúp đỡ của các Đại Bàng: Hồ Viết Yên, Nguyễn Đức Lợi, Huỳnh Bá Hùng, Lê Văn Cầu, nếu có những chi tiết không được chính xác và nhất là tên của các anh em cơ phi, áp tải, xạ thủ không còn nhớ được danh tánh, xin quý Đại Bàng 237 miễn chấp cho và xin hiệu đính cho.
    Trước tháng 4/75, chúng ta đã chiến đấu trong giới hạn về tiếp liệu, chúng ta cũng đã bị bưng bít và xuyên tạc bởi những phần tử phản chiến và thiên Cộng của bọn báo chí, chính trị Mỹ, chúng tuyên truyền rằng Quân Lực VNCH hèn nhát không dám tham chiến. Vậy với những thành tích nêu trên, với những hy sinh và tổn thất lớn lao chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm tuổi, thử hỏi có đơn vị Chinook của Mỹ nào tham chiến ở Việt Nam có thể so sánh với phi đoàn 237?
    Phi đoàn Chinook 237 đã xứng đáng góp phần làm rạng danh Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    By: Vũ Văn Bảo
    Down Under tháng 11-2002
    Post: MT. 72G ( thành viên ngoại vi ĐNDQ )
    Mãnh Sư 243
    Last edited by Phòng Trực; 02-20-2013, 12:12 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X