Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thung Lũng Hồng

Collapse
X

Thung Lũng Hồng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thung Lũng Hồng

    Xin mạn phép Niên Trưởng ĐTN để đăng lên một mẫu chuyện thật là tuyệt vời của những Niên Trưởng đã ĐI MÂY, VỀ GIÓ...Cám ơn- MP

    Thung lũng hồng!
    (Trần Ngọc Nguyên Vũ)


    (Gởi về Đ/U Lê Bình Liêu, Tr/U Phúc Gangdhi, hai trong số “53 người hùng Khu-Trục của vùng đất trích” Pleiku, và những người của một thời ly-loạn, đã từng gắn bó đời mình với vùng trời Tây Nguyên mịt mù khói lửa. Để tưởng nhớ đến những tráng-sĩ đã hy sinh cho đại cuộc).

    *****
    Liêu đang nằm ngả đằu vào nệm ghế phi-cơ, ngủ gật gưỡng bỗng giật mình tỉnh dậy khi chiếc DC-4 của hãng Hàng-Không Việt Nam rung mạnh, và rơi hụt xuống... Liêu cảm thấy thân mình như bị ai nâng bổng lên rồi ném xuống, bụng thót lại. Bàn tay mềm mại của người con gái ngồi bên cạnh nắm chặt lấy cánh tay Liêu đặt trên thành ghế. Tiếng người phi-công trầm ấm vang lên: “- Phi-cơ đang bay vào vùng gió lốc. Xin quý vị vui lòng sửa lại ghế ngồi, cài giây an toàn, và đừng hút thuốc. Xin cám ơn quý-vị.”

    Người con gái vội vàng rụt tay về, ngượng ngập nói lời xin lỗi. Liêu bấm nút, bật ghế ngồi lại cho ngay ngắn, mỉm cười trấn an nàng rồi nói:

    - Mùa này vùng trời Tây-Nguyên thường có những cơn gió lốc từ bên Lào thổi qua, tạo nên những cơn lốc xoáy trong không-gian, phi-cơ bay vào đó thường bị mất cao độ, nên mình có cảm giác như bị tung lên rồi rơi xuống hố sâu vậy. Trong trường hợp này nếu mình gồng cứng bụng lên thì sẽ không cảm thấy khó chịu.

    Người con gái lấy lại bình tĩnh, đưa tay vuốt mái tóc phủ xòa trên trán, nhìn Liêu nói:

    - Cám ơn Đại-Uý…Đại-Úy là phi-công đóng ở Pleiku.

    - Vâng tôi ở phi-đòan Thái Dương 530, đồn trú tại phi-trường Cù-Hanh. Vừa được nghỉ phép mấy ngày về thăm nhà. Hôm nay hết phép nên trở lại đơn-vị.

    - Sắp Tết rồi, sao Đại-Uý không đợi Tết về thăm nhà một thể.

    Liêu cười trả lời:

    - Đối với những người lính chiến như chúng tôi thì Tết không phải là dịp để nghỉ ngơi. Được đi phép trước hoặc sau Tết cũng đã là quý lắm rồi.

    Nói xong Liêu nghiêng đầu nhìn người con gái rồi cất giọng hỏi:

    - Xin lỗi! Cô là…cô…

    Mặt người con gái hơi hồng lên, nhưng sau một giây, nàng mỉm cười hóm hỉnh trả lời:

    - Vâng, tôi là Diễm, còn Đại-Úy tên là Liêu phải không ạ.

    Liêu cảm thấy vui lây trước vẻ hoạt-bát và lịch-thiệp của người con gái, anh nói như reo lên:

    - Cô Diễm đoán hay qúa. Sao cô Diễm biết tôi tên Liêu.

    Người con gái phì cười sau câu nói khen ngợi của Liêu:

    - Tôi có đoán gì đâu, nhìn bảng tên trên ngực áo của Đại-Uý thì biết vậy thôi.

    Liêu chép miệng gỉa bộ than:

    - Làm lính đôi khi cũng bị thiệt thòi, ra đường ai cũng biết tên mình, còn mình thì cứ ngu ngơ chả biết gì cả. Chắc là…cô Diễm về nhà ăn Tết?

    - Không, tôi được nghỉ học ít ngày nên lên trên này ăn Tết với anh chị và các cháu.

    - Thì ra là như vậy. A! Như thế thì…Diễm là sinh-viên văn-khoa?

    Diễm bật cười trước lối nói chuyện ào ạt rất là… lính của Liêu. Nàng hóm hỉnh trả lời:

    - Đại-Uý đoán hay qúa. Tôi không đeo bảng tên trường, sao Đại-Uý biết tôi học văn-khoa.

    Liêu nheo mắt cười, ngập ngừng nói:

    - Tại vì…các cô sinh-viên văn-khoa thường nói chuyện rất lưu-loát, và bặt thiệp.

    Diễm cất giọng tinh nghịch hỏi lại:

    - Chắc là Đại-Úy quen nhiều người học ở văn-khoa lắm thì phải? Nhưng tôi thì lại nghĩ rằng…những người lính chiến mới nói chuyện lưu-loát và bặt- thiệp. Đại-Uý có đồng ý như vậy không.

    Liêu trả lời dí-dỏm:

    - Tôi không biết điều đó, nhưng nếu là nhận xét của cô Diễm thì tôi đồng ý. À mà cô Diễm gọi tôi bằng tên được rồi, gọi cấp bậc nghe có vẻ…nhà binh qúa.

    Cả hai cùng cười sau câu nói của Liêu. Bỗng có tiếng nói của cô tiếp-viên hàng-không dịu dàng cất lên qua máy phóng thanh, cắt ngang câu chuyện của hai người: “- Phi cơ đang giảm dần cao độ, và sẽ đáp phi-trường Pleiku trong vài phút tới đây. Xin qúy vị vui lòng sửa lại ghế ngồi, cài dây an toàn và đừng hút thuốc. Xin cám ơn qúy vị.”

    Cô tiếp-viên hàng-không xinh xắn, và thanh thoát trong chiếc aó dài mầu xanh, đi từng hàng ghế ân-cần nhắc nhở những hành khách chưa làm đúng thủ tục. Bên ngoài từng cụm mây trắng trôi vùn vụt theo thân tầu. Diễm sửa lại thế ngồi, lơ đãng nhìn qua khung cửa sổ rồi quay sang

    Liêu cất giọng hỏi:

    - Diễm nghe người ta gọi Pleiku là vùng “thung lũng buồn”. Chắc là ở đó buồn lắm phải không anh Liêu?

    Liêu mỉm cười nhìn Diễm trả lời:

    - Pleiku được người ta gán cho nhiều tên lắm, tùy theo hoàn-cảnh và tâm trạng của từng người. Pleiku có thể là một “thung lũng hồng”, hay “thung lũng của tình yêu”, hoặc “thung lũng buồn”; có lúc nó được mang những cái tên nghe đến rợn người như “thung lũng của tử thần”, hay “vùng đất trích” chẳng hạn… Có điều Pleiku không thơ mộng như Đà-Lạt, và cũng không trầm buồn như Ban Mê Thuột, hay u-uất như KonTum. Thời tiết cũng rất là khắc-nghiệt; mùa khô thì gió Lào thổi qua giặng Trường-Sơn đổ ào xuống như quất vào da thịt, bụi đỏ bay mịt mù; còn mùa mưa thì mưa phùn rơi phủ dầm dề, đường xá lầy lội. Ở Pleiku người ta hiếm thấy những chiếc quán nhỏ thơ mộng dành cho những người mới yêu nhau ngồi tâm-sự, mà phần nhiều chỉ có những quán nước, quán cà-phê ồn ào, sặc mùi khói thuốc quyện lấy mầu áo lính phong sương; Pleiku cũng không có những “con đường tình” dành cho các cặp tình nhân đi dạo phố, mà chỉ có những con đường gập gềnh đầy ổ gà, in dấu gót giầy sô (saut) lính trận. Thật ra thì… phải gọi Pleiku là “thành phố của lính” mới đúng. Ở đó có đủ các loại lính; lính mới ra trường, lính bị lưu đầy, lính đi biệt phái, lính bổ xung cho đơn vị mới, lính tăng viện…Nhưng dù là từ nơi nào đến đi chăng nữa, thì những người lính ở Pleiku đều toát ra một phong-độ hào-sảng của một tráng-sĩ: “Mùa chinh chiến theo chân thù nghịch – Ta về theo cho rậm chiến trường”. (*)





    Diễm ngồi yên lặng nghe như bị thu hút vào giọng nói trầm ấm, quyến rũ như thơ của Liêu. Trong một thoáng, nàng thấy hình như… mình có cảm tình với người lính trẻ ngồi bên cạnh.

    Diễm ngước mắt nhìn Liêu hỏi:

    - Như vậy thì anh Liêu gọi Pleiku là gì?

    Liêu ném tia nhìn ranh mãnh về phía Diễm trả lời:

    - Hồi mới đổi lên đây, tôi gọi Pleiku là “thung lũng của tử thần”, vì vừa ra khỏi phi-cơ, chưa kịp đến trình diện đơn-vị-trưởng, đã phải quăng ba-lô nhẩy xuống hố bên lề đường để tránh pháo kích. Nhưng bây giờ thì tôi đổi ý rồi, tôi sẽ gọi nó là… “thung lũng hồng”. Diễm thấy có đúng không.

    Diễm chớp mắt cúi đầu như để che dấu chút bối rối, rồi ngẩng mặt nhìn Liêu nói:

    - Diễm không phải là dân Pleiku nên không biết phải gọi như thế nào. Câu hỏi này anh Liêu phải dành cho các cô ở Pleiku mới đúng…

    Phi-cơ vừa chạm bánh, nhẹ bung lên rồi lăn mình trên mặt phi-đạo. Tiếng cô tiếp-viên lại nhẹ nhàng êm ấm cất lên: “- Phi-cơ vừa đáp xuống phi-trường Pleiku. Xin qúy-vị vui lòng ngồi yên tại chỗ cho tới khi tiếng động-cơ ngừng hẳn. Phi-trưởng và đoàn-viên phi-hành xin gởi đến qúy-vị lời chào tạm biệt, và xin hẹn gặp lại qúy-vị trong chuyến bay tới của hãng Hàng-Không Việt-Nam. Xin cám ơn qúy-vị.”





    Diễm và Liêu phải cắt ngang câu chuyện khi phi-cơ di-chuyển vào bãi đậu và tắt máy. Liêu đứng lên với tay lấy hành lý, rồi đứng tránh qua một bên, nhường chỗ cho Diễm đi trước. Diễm đưa tay định lấy chiếc sắc thì Liêu chận lại nói:

    - Diễm cứ đi trước đi để tôi mang ra xe cho. Chiếc sắc này cũng hơi nặng đấy.

    Diễm cười nhìn Liêu nói:

    - Cám ơn anh, cũng chả có gì nhiều, chỉ có chút quà Tết mang lên biếu anh chị của Diễm và các cháu.

    Ra đến xe ca đưa rước hành khách, Liêu theo Diễm lên xe, đưa chiếc sắc tay nặng chĩu quà Tết cho Diễm rồi nói:

    - Nếu không có dịp gặp lại thì xin chúc Diễm ăn một cái Tết thật vui với gia-đình anh chị, và các cháu.

    Nghe Liêu nói, Diễm mỉm cười hóm hỉnh trả lời:

    - Vâng, cám ơn anh, Diễm cũng xin chúc anh qua năm mới, một năm thật vui và gặp nhiều may mắn. Hy vọng ra giêng sẽ được gặp lại anh trong chuyến bay về Sài-Gòn.

    Liêu mỉm cười nói lời cám ơn Diễm rồi quay lưng bước xuống xe. Ngồi bên cạnh cửa sổ của chiếc xe ca đầy hành khách, Diễm cũng thấy bồn chồn theo với những cái háo-hức của mọi người, mong chóng được về nhà họp mặt gia-đình vào những ngày cuối năm… Diễm đưa mắt nhìn ra phía bãi đậu, nàng thấy một chiếc xe jeep nhà binh đang chạy băng ngang qua phi-đạo, trên xe có một người phi-công trẻ mặc áo bay mầu cam. Liêu chạy đến, hai người bá vai nhau cười nói tíu tít. Liêu leo lên xe rồi quay đầu lại và giơ tay vẫy. Chẳng biết Liêu có nhìn thấy mình ngồi trong xe hay không nhưng Diễm cũng giơ tay vẫy lại, miệng nở một nụ cười bâng quơ…


    *****

    …Liêu lắc cánh ra hiệu cho Phúc vào hợp đoàn cận-phi rồi bấm máy liên-lạc vô-tuyến với đài kiểm-soát:

    - Đài kiểm-soát PleiKu! Thái-Dương 31 gồm hai phi-cơ. Xin vào cận-tiến, và làm vòng roll ở cao độ thấp 300 bộ trên phi-đạo, để chúc mừng năm mới phi-trường Cù-Hanh. Bạn nghe rõ không trả lời.

    Tiếng người kiểm-thính-viên trên đài cười rổn rảng đáp lại:

    - Thái Dương 31, PleiKu nhận bạn 5/5. Thái-Dương 31 sẽ làm vòng roll ở 300 bộ trên phi-đạo 09. Gió lặng, tầm nhìn xa 5 dậm.

    - Thái-Dương 31 hiểu! Phi-đạo 09.

    Hai chiếc Khu-trục A1 trong hợp-đoàn cận-phi, gầm rú lao mình xuống cao độ 300 bộ song song với mặt phi-đạo, rồi bất thần bốc mình vọt lên như mũi tên xé gió, làm một vòng quay tuyệt hảo, rồi giữ độ nghiêng 90 độ về bên trái. Hai chiếc phi-cơ vặn mình rít lên trong không khí như hai con thần điêu săn mồi. Bốn vệt khói trắng từ hai bên cánh của phi-cơ phụt ra, vạch lên trên nền trời xanh thẳm những nét chấm phá thủy-mạc tuyệt vời của một bức tranh Xuân… Lên đến cao độ 1,000 bộ, Liêu ra hiệu cho Phúc sửa soạn vào vòng cận-tiến để đáp song-hành. Hai chiếc khu-trục cơ hạ cánh nhẹ nhàng trên mặt phi-đạo.





    Tiếng người kiểm-thính-viên lại vang lên:

    - Thái Dương 31 biểu diễn qúa đẹp. Cám ơn các đại-hiệp về món qùa Xuân đầu năm. Năm nay Pleiku chắc chắn sẽ gặp nhiều may mắn.

    Liêu bấm máy cười vang. Hai chiếc khu-trục A1 di chuyển trên phi-đạo rồi rẽ vào bãi đậu. Toán phi-đạo chạy ra đón và hướng dẫn phi-cơ vào ụ. Liêu tắt máy, cởi dây dù, tháo nón bay, leo ra khỏi phòng lái, rồi theo sườn phi-cơ tuột xuống. Người trưởng toán trực phi-đạo vừa đưa quyển sổ kiểm-tra kỹ-thuật cho Liêu và Phúc vừa nói:

    - Tôi đang chạy từ cư xá lên, thấy Đại-Úy và Trung-Úy biểu diễn trên phi-đạo đẹp qúa. Mê mải nhìn, xém chút nữa thì lọt xe xuống hố.

    Liêu cười ký tên vào quyển sổ rồi nói:

    - Năm mới chúc các bạn mau thăng chức, tăng lương. Đầu năm có con trai cuối năm thêm cháu gái. Bạn nào còn độc thân thì có nhiều đào, gạt ra không hết.

    Anh trung-sĩ cười híp mắt:

    - Hì…hì… tụi này cũng chúc Đại-Uý và Trung-Úy y chang như vậy. Tối nay toán “liên phi-đạo” Khu-Trục, Quan-Sát và Trực-Thăng của Không-Đoàn có mở tiệc rượu cần và thịt rừng để mừng Xuân, có mời một số anh em bên Biệt-Động-Quân. Có cả Thiếu tá Lê Bá Định, Trung Tá Bá, Trung Tá Quế, các ông Minh, ông Mười, ông Bút, ông Vĩnh-Quốc và Thiếu Tá Mạo tới dự. Đại-Uý và Trung-Úy nếu không có hẹn với ai thì tới chung vui với tụi này, để anh em có dịp tỏ lòng ngưỡng mộ đường bay lả lướt vừa rồi.

    Liêu cười vỗ vai người lính trẻ, nói lời cám ơn, hẹn tối gặp lại, rồi cùng Phúc vào phòng hành quân ký sổ bay, và giải trình phi-vụ. Xong việc, hai người lên xe chạy về cư-xá. Liêu vừa phóng xe vừa ngửa mặt lên trời hít một hơi dài làn không khí mát lạnh của ngày đầu Xuân, rồi quay lại nói với Phúc:

    - Sáng mồng một Tết mà trời quang mây tạnh như thế này, là báo hiệu một năm mới an lành cho “vùng đất trích” đó nghe. Ê Phúc Gangdhi! Thằng Thưởng mời tao năm nay đến nhà nó xông đất. Chút nữa mày đi chơi đón Xuân luôn không?

    Phúc chồm lên ghé sát vào tai Liêu nói:

    - Đầu năm xông đất, phải là người được gia-chủ tin tưởng. Đại-Úy rủ tôi đi theo là hư bột hư đường hết. Thôi ông đi một mình đi. Tối nay mình gặp nhau ngoài phi-đạo.

    Liêu cười phá lên nói:

    - Thôi được, có gì tối nay gặp lại.






    *****

    …Tiếng pháo nổ ròn rã, xác pháo tan tành bắn tung tóe như những cánh hoa đào bay trong gió. Hai chị em bé Vy đứng núp sau lưng bố, bịt tai tròn mắt thích thú nhìn giây pháo nổ. Thưởng vừa đốt xong bánh pháo mừng Xuân thì Liêu đến. Thưởng bước xuống thềm mừng rỡ dang tay đón Liêu:

    - Vào đây Liêu, tụi này đang đợi cậu. Nói rồi Thưởng gọi với vào trong : “Em ơí! Có khách quý đến xông nhà.

    Vợ Thưởng từ trong nhà đi ra. Liêu cười nói:

    - Năm mới, xin chúc anh chị và các cháu một năm dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý. Anh thì được thăng chức, chị thì mãi mãi trẻ đẹp, các cháu thì ngoan ngoãn học giỏi.

    Vợ Thưởng tươi cười đáp lại:

    - Vâng, năm mới vợ chồng chúng tôi cũng xin chúc anh năm nay sức khỏe dồi dào, chóng thăng quan tiến chức, và gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi.

    Liêu cười đáp lại:

    - Xin cám ơn anh chị. Các cháu lại đây chú lì xì cho. Hai đứa nhỏ xúng-xính trong bộ quần áo mới chạy đến. Bé Vy khoanh tay cúi đầu nói:

    - Năm mới…cháu chúc chú Liêu được lên chức to lớn, và sống lâu trăm tuổi.

    Cả nhà cất tiếng cười vang. Liêu xoa đầu hai đứa nhỏ rồi cho mỗi đứa một chiếc phong bao mầu đỏ nói:

    - Các cháu giỏi lắm. Năm mới chú lì xì cho các cháu năm nay học giỏi này, ngoan ngoãn này, và phải vâng lời bố mẹ đó nghe.

    Hai đứa nhỏ được tiền lì xì, mừng túi tít, tung tăng chạy vào trong. Từ trong nhà đi ra, Diễm lộng lẫy trong chiếc áo dài lụa Hà-Đông mầu mỡ gà, và chiếc áo khoác ngắn bằng dạ đen, trên tay bưng khay nước trà và đĩa hạt dưa, bánh mứt. Liêu nhìn Diễm xững xờ cùng với sự mừng rỡ, anh không ngờ được gặp lại Diễm ở đây. Vợ Thưởng nhìn điệu bộ lúng túng của Liêu, cười giới thiệu:

    - Xin giới thiệu với anh Liêu đây là Diễm, cô em của tôi từ SàiGòn lên đây ăn Tết. Rồi quay qua Diễm nói: Còn đây là Đại-Úy Liêu, người hùng khu-trục của vùng trời Tây-Nguyên đó.

    Liêu còn đang luống cuống vì qúa bất ngờ thì Diễm đã liến thoắng nói:

    - Ồ! thì ra đây là Đại Úy Liêu. Mấy ngày qua Diễm nghe anh chị nói rất nhiều về Đại-Úy, hôm nay ngày đầu năm được gặp thật là vinh hạnh. Năm mới xin chúc Đại-Úy mau thăng quan tiến chức, và gặp nhiều điều may mắn.

    Liêu cố dấu vẻ ngạc-nhiên, nhìn Diễm cười nói:

    - Vâng, năm mới tôi cũng xin chúc cô Diễm luôn luôn tươi đẹp và…luôn luôn gặp những điều như ý.

    Diễm vẫn làm như chưa từng gặp Liêu bao giờ, nàng nhí-nhảnh nói tiếp:

    - Xin mời Đại-Úy dùng trà.

    Vợ Thưởng cười nói xen vào

    - Anh Liêu đừng để ý nghe. Cô Diễm nhà tôi còn vụng về lắm. Sinh viên năm thứ ba rồi mà vẫn cứ còn như con nít vậy đó.

    Liêu cười nói:

    - Chị nói sao chứ tôi thấy Diễm là người rất lịch-duyệt và tế-nhị, vui tươi. Những người vui tươi như Cô Diễm thì sẽ mãi mãi tươi trẻ vì lúc nào cũng vô tư, yêu đời.

    Diễm nhìn Liêu cất giọng tinh nghịch nói:

    - Vô tư yêu đời thì có, chứ còn mãi mãi tươi trẻ thì không biết có đưọc không, hay là cũng sẽ gìa đi theo năm tháng.

    Vợ Thưởng cười nói xen vào đỡ lời cho Liêu:

    - Cô Diễm đang viết một tiểu-luận về “chân dung người lính chiến của QLVNCH”. Mấy hôm nay cô ấy cứ hỏi tôi về cuộc sống của những người lính chiến, mà tôi thì mù tịt về lính. May ra đợi đến lúc anh Thưởng nhà tôi bỏ nghề làm hiệu-trưởng, lên đường đi quân-dịch thì mới nói chuyện được.

    Cả nhà cùng cất tiếng cười vang. Thưởng nhìn Liêu nói:

    - Trời ơi! Ai lại đi đánh trống qua cửa nhà sấm. Có một “Hiệp-Sĩ Không- Gian” thứ thiệt ngồi đây mà không hỏi, còn đi hỏi ai bây giờ nữa.

    Diễm reo lên liến thoắng nói:

    - Vậy hả! Thật là hữu duyên thiên lý. Đại-Úy giúp Diễm nha.

    Liêu đợi đến bây giờ mới có dịp trả đũa lại Diễm, chàng nheo mắt cười nói:

    - Tôi sẵn sàng và rất lấy làm vinh-hạnh. Nhưng phải với một điều kiện.

    Diễm tinh nghịch tròn mắt hỏi:

    - Điều kiện gì cơ. Có khó không Đại-úy.

    - Cũng không khó lắm . Chỉ cần cô Diễm đừng gọi tôi bằng cấp bậc là được rồi.

    Cả nhà cùng cất tiếng cười vang như tiếng pháo mừng Xuân. Thưởng châm thêm nước sôi vào bình trà rồi nói:

    - Đây là trà mạn sen từ Sài Gòn mang lên đấy. Liêu uống đi cho thấm giọng để còn kể chuyện đời lính.

    Vợ Thưởng đứng lên nói:

    - Anh Liêu ngồi nói chuyện với Diễm nghe, để tôi và nhà tôi vào nhà trong sửa soạn cơm cúng ông bà. Hôm nay anh phải ở lại ăn bữa cơm đầu năm với chúng tôi đó.

    Liêu cười vui vẻ nhận lời:

    - Vâng! Xin cám ơn anh chị, anh chị cứ tự nhiên.

    Hai đứa nhỏ chạy đến sà vào lòng Diễm nhõng nhẽo đòi:

    - Dì Diễm ơi! Dì dậy tụi con hát bài gì mà có câu: “Ta là trái bầu bay theo ông trăng…” đi.

    Diễm xoa đầu hai cháu rồi cười nói:

    - Hai con ra ngoài chơi, rồi tối dì dạy hai con hát tiếp.

    Hai đứa nhỏ chạy ra ngoài. Liêu lắc đầu nhìn Diễm nói:

    - Diễm thật là lý lắc lắm đó nghe.

    Diễm nghiêng đầu, miệng chúm chím nói:

    - Thì Diễm là sinh-viên Văn khoa mà.

    Cả hai người cùng cười. Giọng cười vui tươi quấn lấy nhau trong buổi sáng đầu Xuân miền phố núi.





    *****

    Liêu đậu xe bên lề đừơng nơi cuối phi-đạo của sân bay, rồi đưa Diễm xuống bãi đất trống bên dưới. Trên mảnh đất bằng phẳng nhìn xuống vùng thung lũng sâu thẳm, những người lính Không-Quân của Không Đoàn 72 chiến-thuật cùng với những người bạn Biệt Động Quân, Bộ Binh đang quây quần bên đống lửa vỗ tay hát:

    “Xin nhận nơi này…làm quê-hương…dẫu cho khó thương”
    “Xin nhận nơi này…làm quê-hương…dẫu cho điêu-tàn”
    “Khi mùa mưa về…bùn lem nhem…lấm trên gót chân”
    “Khi mùa mưa về…bùn lem nhem…lấm trên gót chân…”
    “Xin nhận nơi này…làm quê-hương…dẫu cho chiến tranh”
    “Xin nhận nơi này…làm quê-hương…dẫu cho thanh-bình”
    “Khi mùa mưa về…bùn lem nhem…lấm trên gót chân”
    “Khi mùa mưa về…bùn lem nhem…lấm trên gót chân…” (**)

    Tiếng hát trầm hùng của những người lính quyện theo với tiếng đàn Guitar vút lên réo rắt, và tiếng trống bongo bập bùng trong đêm tối, quấn lấy nhau, tạo thành một luồng vi-ba xoáy vào lòng người nghe. Diễm cúi đầu cất giọng cảm động nói:

    - Chưa bao giờ Diễm được nghe một khúc nhạc trầm hùng, hay và truyền cảm đến như vậy. Ngưòi chơi đàn và đánh trống không thua gì những nghệ sĩ tài danh ở ngoài đời.

    Liêu gật gù nhìn Diễm cười nói:

    - Diễm biết không. Họ chính là những nghệ sĩ tài danh ngoài đời đó. Người chơi Guitar là Thiếu-Uý Chỉnh, Phi-Công Khu-Trục, tay Guitar bass cột trụ của ban nhạc Joe Marcel ở QueenBee ngày xưa; anh vừa làm “crashed” trên phi-đạo sau một phi-vụ hành quân và bị thương ở chân. Người đánh trống là Thiếu-Úy Dương Huỳnh-Kỳ, Phi-Công Khu-trục, một ngôi sao sáng của Đại-Học luật khoa SàiGòn trước đây. Còn người đang bắt nhịp là Trung-Sĩ Thịnh, trưởng toán phi-đạo, “đệ ngũ đẳng huyền-đai Không-Thủ-Đạo”. Nhóm Biệt Động Quân đứng cạnh đống lửa là những con “Hùm xám” của vùng núi rừng Tây-Nguyên. Những người khác toàn là những tài hoa son trẻ của thế-hệ này cả. Đủ mọi cấp bậc, mỗi người mỗi vẻ. Họ tình nguyện từ bỏ cuộc sống dân sự ngoài đời, bỏ lại giảng đường, sách vở, cùng người thân, để đi vào những nơi nguy-hiểm đang rình rập đợi chờ…

    Có tiếng trực thăng nổ ròn bay ào ngang qua đầu làm Diễm giật nẩy mình, bám lấy tay Liêu. Liêu chỉ tay theo những đốm sáng lập lòe phát ra từ chiếc phi-cơ trong đêm tối nói:





    - Còn phi-hành đoàn đang bay tuần-phòng vòng đai phi-trường đêm nay là Đại-Úy “Hùng Chùa”, và Trung-Uý “Xuân tóc đỏ”. Để khi nào có dịp, anh sẽ nói với họ chở Diễm bay một vòng Pleiku, để thấy phố núi theo con mắt nhìn của người lính Không-Quân.

    Diễm chớp mắt giọng cảm động:

    - Cám ơn anh, nhưng Diễm không dám đâu. Hôm nọ ngồi trong máy bay bị nhồi lên nhồi xuống, Diễm sợ hết hồn, chỉ mong phi-cơ chóng đáp. May mà có anh ngồi bên cạnh nói chuyện nên Diễm mới đỡ lo đó.

    Liêu nhìn Diễm cười khích lệ:

    - Trời hỡi! Diễm muốn viết về cuộc đời của những người lính trận, mà lại sợ đi máy bay, thì làm sao mà tả cảnh chiến trường.

    Rồi như không muốn làm Diễm thất vọng, Liêu trầm giọng nói tiếp:

    - Thật ra thì viết về người lính trận không phải chỉ tả những cảnh bom nổ đạn bay, những xác người gục ngã ngoài chiến trường, những chiếc băng ca đẫm máu được chuyển từ trực-thăng về quân-y-viện, những chiến thắng lẫy lừng sau mỗi trận đánh…mà cái khó là nói lên được cái tinh thần nhập cuộc trọn vẹn, tính nhân-bản, và cái hào-khí của người lính.

    Diễm chớp mắt nhìn Liêu, cất giọng ngập-ngừng hỏi:

    - Nhưng…làm thế nào để thấy được những điều anh vừa nói.

    Liêu lấy tay đập nhẹ lên ngực mình nói:

    - Diễm sẽ không nhìn thấy nó bằng đôi mắt thường, mà chỉ có thể cảm nhận nó qua sự rung động của con tim…Thật ra thì những người lính thuộc các quân, binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng-Hoà là những người lính đầy tính nhân-bản và hào-hùng; cuộc chiến đã chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. Vừa rồi Diễm được nghe những âm-thanh trầm hùng của người lính, rồi đây khi có dịp, Diễm sẽ gặp những người trai trẻ nhìn đời bằng tia nhìn khinh-bạc, lạnh lùng leo lên chiếc quan tài bay lao vào vùng lửa đạn, bỏ lại một ngày cho đời mình, một ngày cho những quằn-quại đau thương của dân-tộc, và một ngày cho những đôi mắt vời vợi chờ trông nơi chốn chân mây tận cuối trời…

    Diễm lặng người nghe Liêu nói rồi cất giọng xa vắng:

    - Diễm không ngờ đằng sau những nụ cười, những tia nhìn ranh mãnh của người lính, lại là…cả một trời mưa giông bão tố.

    Liêu nhìn Diễm cười nói:

    - Diễm lãng mạn lắm. Nhưng thật ra thì…đã có mấy ai được nhìn thấy những sự hy-sinh của người lính. Có thể là họ không có cơ hội, mà cũng chẳng bao giờ họ có được cái cơ hội đó cả. Chỉ có chính những người lính nơi chiến trường, mới thấy được những sự hy-sinh của đồng bạn, đôi khi cũng là của chính mình.

    Diễm cúi đầu, cất giọng se buồn:

    - Vâng! Anh nói đúng lắm. Ở Sài Gòn, những người như Diễm, thì chỉ nhìn thấy sự hy-sinh của người lính qua những chiếc quan tài phủ lá cờ, tiếng gào khóc của những bà mẹ, và những mảnh khăn tang quấn trên đầu những người vợ trẻ, và đàn con thơ…bây giờ đứng cạnh những con người đang thực sự dối diện với những hiểm nguy, Diễm mới thấy được cái hào-khí ngút trời của họ.

    Bất chợt Liêu nhìn thẳng vào mắt Diễm rồi hỏi:

    - Diễm có sợ bóng đêm không?

    Diễm cười, lấy lại vẻ tinh nghịch, nhìn Liêu trả lời:

    - Ư…ư…Cũng còn tùy, nhưng đi với “Hiệp-Sĩ Không-Gian” thì chắc là không sợ rồi.

    Liêu cũng cười đáp lại

    - Bây giờ thì anh không phải là hiệp-sĩ không-gian, mà là tài xế xe Jeep, Diễm có dám đi theo không?

    Cả hai cùng cười đi ra xe. Rời khỏi cổng phi-trường, Liêu quẹo xe ra quốc-lộ 14, ngược đường lên Biển-Hồ. Ra đến đường cái, Liêu nhấn chân ga, chiếc xe Jeep chồm lên lăn mình trên mặt lộ. Gió đêm lồng lộng thổi bay tung vạt tóc thề của người con gái. Liêu ngửa mặt hít một hơi dài làn không khí mát rượi vào lồng ngực, thoang-thoảng mùi hương của tóc, quyện lẫn với hương đêm của núi rừng làm chàng thấy ngây ngất…Diễm bỗng cảm thấy sợ, ngồi cứng người trên nệm ghế, cất giọng run run hỏi:

    - Anh đưa em đi đâu?

    Liêu cười trấn an Diễm, rồi cho xe rẽ vào con đường đất đỏ nói:

    - Diễm đừng sợ. Anh đưa Diễm tới một nơi mà chưa bao giờ Diễm đặt chân tới.

    Diễm lấy lại bình tĩnh, phì cười nhìn Liêu nói:

    - Thì cả cái tỉnh Pleiku này…đã có chỗ nào mà Diễm được hân hạnh đặt chân tới đâu.

    Liêu cười sau câu nói dí dỏm của Diễm. Anh cho xe đậu trên một bãi đất trống, rồi tắt máy, đỡ Diễm xuống xe chỉ tay vế phía trước nói:

    - Đây là Biển Hồ, một thắng cảnh của Pleiku đó.

    Diễm đưa mắt nhìn quanh. Trời tối đen. Qua tia sáng mờ ảo của những vì sao đêm lấp lánh trên vòm trời, Diễm chỉ thấy một hồ nước mênh-mông, sâu thẳm, nằm giữa những vách núi bao bọc xung quanh. Trên bờ hồ có một pho tượng Phật Bà Quan Âm đứng xừng xững như để che chở cho vùng nước sâu trong đêm tối. Diễm ngập ngừng hỏi Liêu:

    - Anh đưa Diễm đi ngắm cảnh hồ vào lúc tối trời như thế này thì…có thấy được gì đâu.

    Liêu cười nhìn Diễm trả lời:

    - Anh biết thế nào Diễm cũng nói câu đó. Để ngày mai anh sẽ đưa Diễm lại đây ngoạn cảnh, còn bây giờ thì anh muốn Diễm hòa mình vào với khung cảnh hoang dã của bóng đêm, để có dịp cảm nhận được cái u-uất của núi rừng, nơi mà Diễm chưa có dịp đặt chân tới, mà có lẽ cũng chẳng bao giờ Diễm có dịp đặt chân tới đâu. Diễm biết không, người ta có thể lên thăm Kontum, hay tới Poleik-leng, Dak-Seang, Ben-Het để úy lạo binh sĩ, để chụp hình làm phóng sự chiến trường…Nhưng đã có mấy ai nghe được những tiếng thổn-thức của dòng Dakbla cuộn mình trong vắng lặng; hay những tiếng rên siết quằn-quại của dòng sông Pokor, âm-thầm chuyên chở những nỗi oán hờn của rừng sâu núi thẳm. Chỉ có những người lính trận, nơi biên-cương quan tái chốn sa trường, mới cảm nhận được và thương cho rừng núi.





    Trong đêm tối, giọng nói trầm ấm của Liêu cùng với tiếng gió hú từ mặt hồ vọng lên, đập vào vách núi vây bọc xung quanh, làm Diễm có cảm tưởng như tay chân nàng đang bị những cành cây hoang dại của núi rừng quấn chặt lấy…Diễm rùng mình đứng sát vào Liêu như để tìm một sự che chở. Nàng cất giọng thì thầm nói với Liêu:

    - Anh Liêu, em thật sự xúc động khi nghe anh nói về những người lính trận. Cuộc đời họ chẳng khác gì những vần thơ bi tráng...

    - Thật ra thì đời người lính trận là cả một bài thơ dài trác-tuyệt…khi họ nằm xuống, thì những vần thơ đó trở thành những “thiên anh-hùng ca bất tử”, được lưu chuyền trên những trang quân-sử bi hùng cho ngàn sau chiêm-ngưỡng…

    Một cơn gió lạnh bốc lên, thổi tung vạt tóc rối bời của Diễm, những sợi tóc mềm, thơm như mùi cỏ dại quấn lấy mặt Liêu làm chàng rùng mình. Diễm hốt hoảng, sợ hãi ôm chặt lấy Liêu. Trong một thoáng, Diễm ngước mặt nhìn Liêu, đôi môi mấp máy như muốn nói…Liêu cúi xuống, vòng tay ghì nhẹ thân hình mềm mỏng của người con gái. Một làn hơi ấm chuyền sang, đôi vai Diễm rung lên, nàng đẩy nhẹ Liêu ra nói như trốn tránh:

    - Hình như trời đang nổi cơn dông! Anh cho em về.

    Cả hai người như vừa thoát ra khỏi một cơn mộng. Liêu ghé sát vào tai Diễm nói:

    - Anh xin lỗi đã làm cho Diễm sợ.

    Rồi Liêu dìu Diễm lên xe chạy ra đường, bỏ lại sau lưng những cơn gió hú u-uất của Biển Hồ đập quần quật vào vách đá. Ra đến đường cái, nhìn ánh đèn điện chiếu hắt lên, làm sáng rực cả một vùng nơi phố thị, Diễm lấy lại sự bình tĩnh ban đầu, quay qua Liêu, chỉ tay về phía trước nói:

    - Anh Liêu thấy gì không, từ đây nhìn về phiá thành phố, trông Pleiku chẳng khác nào như một “thung lũng hồng”.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X