Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bản nhạc Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa

Collapse
X

Bản nhạc Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bản nhạc Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa

    Bản nhạc QUỐC THIỀU VIỆT NAM CỘNG HÒA chính thức được ghi âm trên đĩa nhựa 33 vòng 1 phút (33 RPM) lần đầu tiên vào tháng 1 năm 1950
    Hải Nam Trần Minh Ðại (Hồi ký)

    (Kính tặng thầy Jean Kieffer)
    Cuối năm 1949, tôi đến đài phát thanh số 3 đường Phan Ðình Phùng Sài Gòn để nhận công việc làm đầu tiên trong đời: Kỹ thuật viên hòa âm. Năm ấy tôi 17 tuổi.

    Người thầy dạy nghề cho tôi. Ông Jean Kieffer, người Pháp lai (cha Pháp, mẹ Việt). Ông dạy cho tôi nghề sửa radio và vì tôi có năng khiếu về âm nhạc (tôi đã biết đàn Mandoline bản nhạc Réverie của Robert Schumann, năm tôi 12 tuổi) ông dạy vỡ lòng cho tôi thêm một môn học, không ngờ môn học ấy đã giúp tôi có được một nghề nghiệp chính thức, vững vàng, làm ra tiền nuôi vợ con. Ðó là nghề: Biết nghe và thưởng thức âm nhạc cổ điển Tây Phương để soạn chương trình cho Ðài phát thanh. Năm 1945, tôi đã được anh Hoàng Thọ dạy đánh đàn Mandoline hai bản nhạc đầu tiên trong đời. Ðó là bản “Tiếng gọi Sinh Viên” và “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước và đây cũng là hai bản nhạc đã ghi đậm dấu ấn trong suốt cuộc đời của tôi.

    Thầy Jean là một chuyên viên kỹ thuật hòa âm trong ngành phát thanh. Ðã có thời ông làm việc tại đài phát thanh số 3 đường Phan Ðình Phùng trước khi đài ngưng hoạt động để chuẩn bị trao lại cho chính phủ Việt Nam năm 1949. Tại nhà ông đã có một dàn âm thanh “tối tân nhất” vào thời điểm đó. Một cái máy hát đĩa 33RPM, cần kim hát bằng kim safir. Một cái amplifier công suất 100 watts, một cái microphone và một bộ loa (haut parleur) trầm bổng hai cái nghe rất hấp dẫn. Dàn âm thanh này ông cũng dùng để cho thuê nếu có nơi nào cần. Nhưng chủ yếu là để dạy nghề hòa âm viên cho đài phát thanh.

    Sáng hôm ấy, tôi đạp xe đến đài rất sớm, cửa chính còn đóng kín và chỉ có mỗi một mình tôi thôi. Một tiếng đồng hồ sau, có ông vận đồng phục màu vàng nhạt đạp xe đến lấy chìa khóa mở cửa Ðài. Tôi đến chào và chưa kịp hỏi câu cần hỏi, ông đã hỏi lại tôi: “Cậu Ðại phải không, ông Jean có nói sáng nay cậu tới đây, mời cậu vô trong chờ, ông Jean cũng sắp đến. Lát sau thầy tôi đến, ông đưa ngay tôi lên lầu bằng một cầu thang rộng lớn duy nhất của đài để lên tới phòng kỹ thuật hòa âm chính. Tất cả các phòng ốc tôi đi ngang qua đều trống trơn, không có bàn ghế gì cả. Phòng kỹ thuật hòa âm chính có một dàn mixer consol master nhãn hiệu RCA Victor đặt trên bàn và bên tay phải là hai bàn máy hát đĩa đường kính 60mm ở trên một cái kệ có một cái máy radio nhãn hiệu Hellicopter. máy radio này về sau dùng để bắt sóng phát thanh của Ðài tiếng nói Việt Nam cho thính giả miền Nam Việt Nam nghe. Phía bên trái là một máy thu âm và ghi ra đĩa mềm. Mâm đĩa có đường kính 60mm. Kim ghi âm bằng kim saphir.

    Thầy Jean đưa tôi qua phòng vi âm B. Trước đây là phòng dành cho người xướng ngôn viên đọc tin tức thời sự. Mặt bàn được xây dựng theo thiết kế tổ ong hình vuông, không bằng phẳng như mặt bàn bình thường. Thầy tôi giảng nó có tác dụng là không làm cho âm thanh của tiếng xướng ngôn viên bị dội trở lại. Trên mặt bàn có hai cái microphone nhỏ để cho hai xướng ngôn viên đọc. Chúng tôi bước qua phòng vi âm A bên cạnh. Phòng này dùng để thu thanh chương trình văn nghệ. Diện tích 60m2 ở góc cuối phòng là một đàn dương cầm lớn (piano và coeur) và một cái ghế dành cho nhạc sĩ chơi đàn. Ngoài ra có hai cái microphone lớn nhãn hiệu RCA. Một cái gắn lên chân đế, chỉ có thể kéo lên hạ xuống. Cái kia gắn lên một chân đế có cái cần để nâng lên nâng xuống, bên dưới có ba bánh xe di chuyển tất cả trang thiết bị âm thanh dùng để hoạt động cho một Ðài, người Pháp trao lại chỉ có bằng ấy thôi nhưng tất cả đều do Hoa Kỳ chế tạo và sản xuất. (made in USA)

    Thầy Jean đưa tôi trở lại phòng âm thanh giảng: “Ðây là cái mixer consol master chính. Nó thu thanh tiếng nói của xướng ngôn viên đọc bản tin tức và chương trình văn nghệ rồi chuyển âm thanh ấy lên máy phát tuyến cao tần ở Phú Thọ để phát sóng âm thanh ấy lên cái cây anten rồi lan tỏa sóng đi khắp nơi. Thính giả có máy radio bắt các làn sóng ấy mà nghe.

    Ðài phát thanh Sài Gòn này có ba làn sóng ngắn (short wave) là 25, 31 và 49 mét, có một làn sóng trung (midwave) là 365 mét. Chính phủ Pháp đã trao trả lại cho chính phủ Việt Nam. Ðài sẽ bắt đầu tháng 1 năm tới (1950). Nhưng trước khi chính thức phát thanh Ðài còn phải làm nhiều việc quan trọng mà việc đầu tiên là ghi âm bản “Quốc Thiều Việt Nam” ra đĩa mềm để dùng mở đầu cho buổi phát thanh mỗi sáng sớm trong ngày. Tới đây, chính em là người đứng trước dàn mixer consol master này và chịu trách nhiệm thu thanh bản nhạc đó. Bây giờ thầy chỉ dẫn cho em cách sử dụng dàn mixer này.”

    Thầy Jean đưa tay nâng cái cần dao điện lên. Tức thì đèn trong cái đồng hồ kim chỉ cường độ âm thanh (vu meter control) sáng lên. Thày giảng cho tôi hiểu công dụng điều chỉnh âm thanh của cái VU Meter Control bằng cách thầy lấy một cái đĩa hát mang theo để xuống bàn máy hát và nâng cần kim tra vào đĩa. Cây kim đồng hồ liền nhảy lên xuống theo âm thanh của nhạc. Bên dưới cái VU Meter là một dãy cần gạt qua chữ A bên trái qua chữ B bên phải. Bên dưới mỗi cái cần gạt AB là một núm vặn có mũi tên để chỉ số từ 00 đến 20 của cường độ âm thanh (Decibel viết tắt Db).

    Lần đầu tiên nhìn thấy dàn máy mixer mà tôi phát run. Thầy tôi trấn an ngay: “Nó cũng giống như dàn âm thanh của thầy ở nhà thôi. Thầy sẽ dạy em cách sử dụng nó, chỉ vài ngày là em biết rành.” Bây giờ tôi mới hiểu thầy tôi thiết kế một dàn âm thanh ở nhà là dùng để dạy học viên về môn hòa âm của đài phát thanh. Bên tay phải của dàn mixer là hai cái bàn tròn của máy để hát dĩa (platean) đường kính lớn đến 60mm.

    Thời điểm ấy đài phát thanh chuyên nghiệp sử dụng ba loại đĩa hát có ba đường kính khác nhau. Loại đĩa một nhỏ đường kính 30mm. Loại đĩa vừa đường kính 40mm và loại đĩa lớn thứ 3 đường kính đến 60mm. Về đĩa blank dùng để ghi âm âm thanh cũng có ba loại kích cỡ như đĩa âm nhạc. Nhưng đặc biệt loại đĩa dùng để ghi âm thì ruột đĩa bằng nhôm, bên ngoài bọc một lớp nhựa cao su màu đen rất mềm. Khi ghi âm cây kim bằng chất saphir sẽ vừa cắt rãnh vừa ghi âm thanh vào đường rãnh đĩa mà nó cắt ra. Ðường kính của bàn đĩa máy ghi âm âm thanh ra đĩa mềm lúc ấy của đài phát thanh là 60mm vì vậy ghi được cả ba loại đĩa kích cỡ khác nhau.

    Có một chi tiết tuy rất nhỏ nhưng quan trọng tôi cần phải ghi ra đây, không ngoài mục đích xác minh cho bài này là hoàn toàn sự thật 100% đồng thời cũng cho phép tôi tự hào về cái trí nhớ tôi đã trải qua một thời gian dài đến 55 năm mà tôi vẫn không quên. Ðó là kỹ thuật ghi âm âm thanh trên đĩa mềm với dàn máy “thời cổ đại 1950” của Ðài. Nghĩa là khi ghi âm thì cái cần kim để cắt rãnh đĩa và truyền âm thanh xuống rãnh phải bắt đầu đặt xuống từ phía BÊN TRONG đĩa chạy ra PHÍA BÊN NGOÀI bìa đĩa. Và khi dùng đĩa này để phát nhạc thì cái cần kim cũng phải đặt từ bên trong chạy ra bên ngoài chứ không giống như các loại dĩa hát bình thường khi muốn nghe nhạc ta phải đặt các cần kim từ phía bìa đĩa bên ngoài chạy vào trong trung tâm đĩa.

    Thầy Jean dạy thực nghiệm, luôn cho tôi cách sử dụng cần gạc và núm điều chỉnh để thu thanh tiếng nói của xướng ngôn viên từ microphone của phòng ghi âm B và A mà chính thầy là người đọc thử tiếng testing voice cho tôi học thực hành. Ðài phát thanh tiếng nói nước Việt Nam kể từ ngày bắt đầu chính thức hoạt động vào tháng 1 năm 1950 cho đến ngày cuối cùng là ngày 30 tháng Tư năm 1975. Trong suốt 25 năm hoạt động ấy, đài đã trải qua năm sự kiện quan trọng lớn cần ghi lại:

    1. Sự kiện lịch sử quan trọng hàng đầu trên bốn sự kiện kia là một ngày trong tuần lễ đầu tháng 1 năm 1950 (tôi không nhớ là mùng mấy). Có bốn buổi lễ đã được cử hành để tiếp nhận đồng lúc bốn đài phát thanh ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế và Ðà Lạt do người Pháp trao trả lại cho chính phủ Việt Nam. Thời điểm ấy thủ tướng đứng đầu nội các chính phủ Việt Nam là ông Nguyễn Văn Tâm. Tổng giám đốc của cả bốn đài phát thanh Việt Nam là ông Nguyễn Hữu An.

    2. Sự kiện thứ hai này là ngày đầu tiên đài bắt đầu hoạt động đồng thời cũng là lần đầu tiên đài thu thanh và ghi âm ra đĩa nhựa 33 RPM năm nhạc bản quân hành Việt Nam. Ðó là các bản: Sinh Viên Hành Khúc để dùng làm bản quốc thiều đầu tiên của nước Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Bản thứ hai là Hồn Tử Sĩ và bản thứ ba là Lên Ðàng. Cả hai nhạc bản này do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác. Hai bản kia là Rạng Ðông và Việt Nam Minh Châu Trời Ðông của nhạc sĩ Hùng Lân. Ðây cũng là năm bản nhạc quân hành Việt Nam được chính thức thu thanh và ghi âm chuyên nghiệp ra đĩa nhựa lần đầu tiên. Năm bản nhạc quân hành này do đoàn quân nhạc Việt Nam đầu tiên (cũng do Pháp trao lại) hòa tấu dưới quyền điều khiển của nhạc trưởng người Việt Nam đầu tiên là đại úy Lê Văn Khôi.

    3. Sự kiện lịch sử quan trọng thứ ba này là buổi phát thanh đầu tiên của Ðài tiếng nói Việt Nam ở Sài Gòn vào tháng 1 năm 1950. Ba đài kia là ở Hà Nội, Huế và Ðà Lạt cũng phát thanh đồng thời vào cùng một ngày của buổi sáng lúc 6 giờ 00 nhưng không thuộc phạm vi của bài này.

    4. Sự kiện thứ tư là vào đầu năm 1968 nhằm Tết Mậu Thân, Việt Cộng chiếm đài. Sau đó, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đánh chiếm lại. Ðài bị tàn phá hư hại nặng nề, phải tạm ngưng hoạt động trong một thời gian.

    5. Sự kiện lịch sử sau cùng là vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, đài bị mất vào tay Cộng Sản Việt Nam.

    Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin thuật lại sự kiện thứ hai. Ðó là ngày thu thanh và ghi âm ra đĩa bản quốc thiều Việt Nam đầu tiên và bốn bản nhạc quân hành khác như đã viết ở trên...

    Ngày thu thanh và ghi âm bản quốc thiều Việt Nam là một ngày trong tuần lễ đầu của tháng 1 năm 1950.

    Trước đó hai ngày, tôi đã thấy các anh công nhân khuân bốn mươi cái ghế từ dưới đất lên phòng vi âm A để cho các nhạc sĩ quân nhân ngồi. Hai ngày sau, vào buổi sáng có bốn xe vận tải GMC của quân đội, nước sơn màu xanh lá cây đậm còn mới tinh khôi chở các nhạc sĩ quân nhân đến. Dẫn đầu đoàn là xe jeep có cắm một lá cờ vàng ba sọc đỏ lớn. Ðại úy Lê Văn Khôi, nhạc trưởng chỉ huy, ngồi trên xe, bên cạnh là quân nhân tài xế. Tất cả cái cản chống xe phía trước và sau đều có in hình cờ vàng ba sọc đỏ tươi đẹp, lộng lẫy, bắt mắt. Mọi người xuống xe đứng vào hàng ngũ chỉnh tề chờ lệnh lên đài. Tất cả đều mặc quân phục thẳng nếp mới tinh sắc vàng óng với đầy đủ các huy chương, huy hiệu, quân hàm hoàn toàn Việt Nam. Tổng giám đốc đầu tiên của đài phát thanh tiếng nói nước Việt Nam Sài Gòn, Huế, Ðà Lạt, Hà Nội là ông Nguyễn Hữu An cùng vài nhân viên hành chánh đứng ở trước cửa đài đón đoàn quân nhạc và mời đoàn lên đài.

    Ðây là lần đầu tiên phòng vi âm A đón bốn mươi nhạc sĩ quân nhân đi vào, mỗi người đều cầm nhạc khí của mình trên tay, hoặc đeo trên vai vì loại kèn đồng có cái loa rất to và nặng nề nên phải đeo trên vai, chỉ có nhạc khí ống sáo là nhỏ và gọn nhất. Sau cùng có hai công nhân khuân cái bục gỗ nhỏ vào để nhạc trưởng đứng trên điều khiển.


    Hải Nam Trần Minh Ðại
    _________________
    Vietnam Library Network


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X