Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngày Tàn Cuộc Chiến IV : Ngày Chim Vỡ Tổ (Phần 1)

Collapse
X

Ngày Tàn Cuộc Chiến IV : Ngày Chim Vỡ Tổ (Phần 1)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày Tàn Cuộc Chiến IV : Ngày Chim Vỡ Tổ (Phần 1)

    Ngày Tàn Cuộc Chiến IV: Ngày Chim Vỡ Tổ

    Một nén hương lòng thắp lên để tưởng nhớ đến tất cả những vong linh Anh Hùng Chiến Sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
    Để tưởng nhớ đến cố Trung Tá Khưu Văn Phát, cựu Phi Đoàn Trưởng và cố Thiếu Tá Đặng Đình Vinh, cựu Phi Đoàn Phó cũng như các hoa tiêu Phi Đoàn 215, Thần Tượng đã hy sinh vì Tổ Quốc.

    Vĩnh Hiếu
    Phi đoàn 215, Thần Tượng

    *****

    Lời mở đầu: Sau khi Ba Mê Thuộc rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt ngày 12 tháng 3, bộ tư lệnh Quân đoàn II chỉ thị cho Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù dàn quân, mở phòng tuyến ngang đèo Phượng Hoàng tại Khánh Dương, con đường độc đạo nối liền tỉnh Dắk Lắk với Khánh Hòa, để ngăn chặn bước tiến của Bắc quân tràn xuống miền duyên hải. Trên QL-1, tại đèo Cả, vị trí chiến lược nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được giao trách nhiệm cho hai tiểu đoàn Biệt Động Quân trấn thủ.

    Ngày 1 tháng 4 hai nút chặn quan trọng này hầu như bị tan vỡ, Bắc quân chỉ còn cách Nha Trang hơn bảy tám chục cây số. Thành phố không có một đơn vị chủ lực quân nào còn lại để bảo vệ, coi như đã bỏ ngõ cho đoàn quân xâm lược tiến chiếm.

    Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, Nha thành hầu như ở trong một tình trạng vô chính phủ, vô luật pháp, bắt đầu rơi vào cảnh hỗn loạn. Tù nhân phá cửa quân lao đào thoát lấy súng ống cùng với những thành phần bất hảo lợi dụng thời cơ nước đục thả câu, bắn giết, cướp bóc nhiều nơi. Những người dân mạnh ai nấy tìm cách thoát khỏi thành phố. Một số đi bằng đường bộ hay đường biển và một số nhỏ bằng đường hàng không quân sự.
    Trước tình thế khẩn trương này, Không đoàn 62 Chiến thuật tại Nha Trang bắt đầu mở cầu không vận di tản những thành phần cơ hữu. Vào ngày cuối cùng của tháng 3 năm 75, những cánh chim sắt của phi đoàn Thần Tượng được lệnh cất cánh rời bỏ tổ ấm. Có lẽ đây là một ngày đau buồn nhất cho những hoa tiêu của phi đoàn 215 Thần Tượng, những người đã may mắn được phục vụ cho một đơn vị đồn trú tại một thành phố đẹp tuyệt vời nằm kế cạnh bờ biển xanh cát trắng này.


    Phần I


    31 tháng 3 năm 1975 - Sáu giờ sáng


    Hôm nay thức dậy không nhìn thấy mặt trời,
    hay mình đã lạc loài
    Vó ngựa trên đời
    Hay dấu chim bay


    (Trịnh Công Sơn)


    - Cọc...cọc..., cọc...

    Đang nằm ngủ, tiếng gỏ cửa trước nhà làm tôi thức giấc. Người mệt mỏi, toàn thân ướt đẫm mồ hôi sau một giấc ngủ trằn trọc, chập chờn. Tôi nhìn qua khung cửa sổ, trời đã tờ mờ sáng.

    -Cọc...cọc...cọc...

    -Ai đó?.. Chờ một chút!

    Ngồi dậy vớ chiếc áo bay treo trên tường mặc vội lên người tôi đi mở cửa. Trước sân nhà là một bà cụ già bán quán cóc ở đầu đường và đứa bé gái khoảng bảy tám tuổi đang đứng chờ, trên tay mỗi người xách một túi nhỏ. Hơi ngạc nhiên, tôi bước ra sân đi đến gần bà cụ và đứa bé rồi hỏi:

    -Chào cụ!...Cụ cần chuyện gì không ạ?

    -Dạ,..xin lỗi đã làm phiền cậu. Tôi vừa nghe người ta nói Việt Cộng đã qua tới đèo Cả sắp sửa tới đây rồi. Hoàn cảnh tôi đơn chiếc, chỉ có hai bà cháu tôi côi cút,...tôi không biết phải làm sao nữa đây! Cậu có cách nào giúp giùm hai bà cháu tôi ra khỏi đây, bà cháu tôi đội ơn cậu vô cùng!

    Nghe bà cụ nói xong, tôi hơi ngỡ ngàng và ngạc nhiên trước lời yêu cầu của một người mà tôi chỉ biết qua những lần ghé mua thuốc lá ở quán cóc góc đường. Đang phân vân chưa biết phải giải quyết như thế nào thì bà cụ nói tiếp:

    -Xin cậu giúp cho,... còn như cậu cần bao nhiêu tiền thì tôi xin gửi!

    Bà cụ nói vừa xong liền làm một cử chỉ như đang vạch tà áo cánh lên, móc vào lưng quần để lấy tiền.

    Tôi nắm vội lấy tay bà cụ:

    -Cụ,...cụ đừng làm như thế, chuyện đó không cần thiết đâu! Tôi ngần ngừ:

    -Thưa cụ,...còn chuyện giúp cụ..., ngay giờ phút này người ta xét giấy kỹ lắm làm sao cháu đem cụ và bé vào phi trường được. Nếu cụ nói từ mấy ngày trước thì may ra cháu có thể giúp được.

    Vừa nói tôi vừa nhìn bà cụ và bé gái. Bà cụ có một khuông mặt nhăn nheo, khô héo, đầu quấn một chiếc khăn nhung đen trên mái tóc đã bạc màu sương gió. Còn đứa bé thì thật đẹp, đôi mắt bồ câu đen láy, mái tóc đen mun dài bỏ ngang vai, ngây thơ trong trắng như một thiên thần, đang ngước lên nhìn tôi như đồng tình với những lời khẩn cầu của bà cụ. Hình như trong cái ngây thơ trong trắng, chưa biết gì về cuộc đời, chưa bao giờ va chạm với khổ đau, đứa bé đã cảm nhận được một sự hung hiểm nào đó đang chờ đợi.

    -Xin cậu giúp hai bà cháu tôi! Bà cụ van nài.

    Không biết làm sao để giúp bà cụ, tôi suy nghĩ một vài giây rồi nói:

    -Thôi được,.. để cháu xem,.. cụ cứ về đi. Cháu phải vào phi trường ngay, nếu cháu tìm được máy bay thì cháu sẽ chạy ra tìm cụ.

    Cháu không dám hứa. Còn không, cháu nghĩ cụ nên đưa bé xuống Cầu Đá, nghe nói ở đó có nhiều ghe thuyền nhận chở người ra khỏi Nha Trang đó cụ ạ!

    Bà cụ hình như cố tình không nghe rõ những gì tôi đã nói, cố bám chặt vào tôi như một niềm hy vọng duy nhất:

    -Xin cậu giúp giùm, bà cháu tôi sẽ chờ cậu ở quán tôi góc đường nhé!

    Không biết làm gì hơn, tôi gật đầu miệng ấp úng mấy chữ:

    -Cụ về đi!...

    Nói xong tôi để tay trên vai bà cụ rồi cùng bước ra khỏi cổng nhà. Đứng nhìn theo hai bà cháu, một già nua ốm yếu, một trẻ thơ vô tội xách hai túi áo quần bước lê bên lề đường, lòng tôi ái ngại và quặn thắt. Đã bao năm qua vì cuộc chiến tranh xâm lược của bọn Cộng Sản đã làm hàng triệu người dân lành vô tội, cũng như những người lính chiến của hai miền Nam Bắc phải trả một giá quá đắt cho một chiêu bài giải phóng lường gạt của loài Cộng đỏ khát máu. Tất cả cũng chỉ để thỏa mãn cái tham vọng của một đám đầu sỏ súc sanh, vô học, coi mạng sống con người như cỏ rác.

    Hôm qua thi hành phi vụ yểm trợ cho Lữ Đoàn III Dù, tôi đã mục kích phòng tuyến tại Khánh Dương hầu như tan rã, Bắc quân chỉ còn cách Nha thành không hơn bảy tám chục cây số. Không có một lực lượng chiến đấu nào còn lại của quân lực VNCH được chỉ định bảo vệ Nha Trang, miền "quê hương cát trắng" coi như đã bị bỏ trống cho bọn Cộng Sản xâm lược. Sau hơn hai mươi năm từ ngày bắt đầu cuộc chiến xâm lăng miền Nam, bọn Cộng Sản đã bị bao lần thảm bại qua những lần khởi chiến một mặt trận toàn diện như Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa, và chúng chưa hề chiếm được một tất đất nào của miền Nam tự do. Cho đến ngày hôm nay, chỉ trong vòng vài tuần lễ nhiều thành phố đã lần lượt buông xuôi cho quân thù. Tại sao một lực lượng hùng hậu, tinh hoa với nhiều kinh nghiệm chiến trường lại tháo chạy, rút lui vô điều kiện trước khi thực sự có một kế hoạch hữu hiệu để chống trả? Thực tại phủ phàng ngoài sự hiểu biết của một hoa tiêu trực thăng như tôi và có lẽ cũng như cho muôn vạn chiến sĩ khác đang sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ quê hương. Tất cả những năm tháng lăn lộn trên nhiều mặt trận đối đầu quân thù với những chiến công đạt được đã trở thành vô nghĩa khi nghĩ đến thực tại. Lòng tôi vô cùng hoang mang chán nản trước một viễn ảnh quá bấp bênh, đen tối.

    Đứng tần ngần một lúc trước cổng nhà, tôi nhìn xung quanh, cảnh vật vắng vẻ một cách khác thường. Hàng xóm láng giềng đi đâu cả, nhiều căn nhà đóng cửa im lìm. Chiếc xe bán bánh mì thịt nguội ngay góc đường thường ngày hôm nay vắng bóng. Một chiếc xe xích lô chạy ngang nhà, trên xe chở một người bàn bà và ba bốn đứa con nít ngồi chồng chất lên nhau, dưới chân để mấy túi vải lớn. Người đàn ông gầy ốm, có lẽ là chồng, còng lưng đạp xe ra biển về hướng Cầu Đá, gần làng chài Cửa Bé nơi hiện nhiều người dân đang dùng phương tiện ghe thuyền để thoát khỏi thành phố. Một chiếc cam nhông chở đầy lính chạy vù ngang vội vã. Những hình ảnh đó như tô đậm thêm bầu không khí mỗi lúc mỗi căng thẳng theo từng bước chân của quân thù đang trên đường tiến chiếm một thành phố bỏ ngõ.

    Nhìn đồng hồ đã gần tới giờ phải vào phi đoàn, tôi quay gót trở vào nhà thu xếp đồ đạc lên đường. Tuy linh cảm đây là ngày cuối cùng tại thành phố này, tôi chỉ đem theo những gì tối cần thiết. Tới tủ áo mở cửa lựa hai bộ đồ dân sự ăn ý nhất, vơ thêm vài đồ dùng vệ sinh và cuốn album hình ảnh cũ, tôi nhét tất cả vào túi nón bay. Khi nhìn thấy hai bộ đồ vest "vía" còn mới toanh đang treo trong tủ, chỉ dùng trong những ngày lễ lạc hay cưới hỏi, tôi ngần ngừ một vài giây rồi...chắc lưỡi đóng vội cửa lại. Nhìn thấy thùng lựu đạn còn nguyên si vừa xin được của đơn vị bộ binh đem về để bắn cá đang nằm dưới gầm gường, tôi liên tưởng tới những tháng ngày nhàn hạ trong thời kỳ cuộc chiến ngưng đọng sau ngày ký hiệp định Paris đầu năm 73. Vào những buổi sáng tinh sương khi mặt trời chưa mọc, tôi thường cùng với anh Năm "dẹp", người bạn chài lưới ở xóm cửa Bé, gần Cầu Đá đi bắn cá đối biển. Cảm giác đứng đầu mũi chiếc ghe con, dập dình trên cửa sông Bé, mặt nước phẳng lặng như hồ Thu, tay cầm trái lựu đạn rút chốt rình đàn cá rẽ nước gợn sóng lăn tăn, hít thở làn không khí trong lành của đại dương đã làm cho tâm hồn tôi lắng đọng, sãng khoái. Trong giây phút đó tôi đã tạm quên đi những hình ảnh bắn giết của chiến tranh trong những cuộc săn đuổi kẻ thù ở nơi rừng sâu núi thẳm, những thây người sình thối bọc trong những poncho nằm sắp lớp, quên đi những khẩu súng phòng không của địch quân lăm le, rình rập, quên đi những con tàu của bạn bè nổ tung bốc cháy trên trời cao hay đâm sầm xuống đất như một trái bom lửa, quên đi những trận pháo kích như mưa rào, những xác chết của quân thù cháy đen, mất đầu mất chân không còn ra hình hài nằm vương vãi trên khắp trận địa...

    Một kỷ niệm vui trong giai đoạn cuộc chiến lắng đọng này vẫn còn ghi dấu trong đầu tôi. Một buổi trưa hè rực nắng, mặt nước êm ả vổ nhẹ vào bờ cát. Tay cầm trái lựu đạn bơi dọc theo bờ để săn cá. Đang úp mặt nhìn đáy cát vàng lóng lánh phản chiếu ánh mặt trời. qua làn nước trong vắt, đột nhiên bầu trời như tối sầm lại. Hàng ngàn con cá màu trắng bạc đang bơi trước mặt. Không một giây chậm trễ, tôi tung trái lựu đạn. Ục!..tiếng nổ vang, mặt nước sôi sục. Chờ cho nước biển lắng đọng lại, tôi nhìn xuống. Trước mắt tôi hàng ngàn con cá bằng bàn tay óng ánh đang dãy giụa trên mặt cát như một tấm thảm bạc. Phải mất gần vài ba tiếng đồng hồ ngụp lặn tôi và một người bạn mới vớt hết. Tất cả được hơn mấy "cần xế". Tôi mang tất cả "chiến lợi phẩm" đến nhà Thành râu, một hoa tiêu trong phi đội võ trang phi đoàn 215. Đó là một căn nhà gỗ nho nhỏ sát biển, bên bãi cát vàng. Hôm đó chúng tôi có một bữa ăn bất ngờ với vài anh em trong phi đoàn và nhất là có sự hiện diện đặc biệt của nghệ sĩ Trần Văn Trạch đã tình cờ quá giang trên chiếc trực thăng của Trung úy Thành bay từ Phan Thiết trở về Nha Trang. Mọi người quây quần quanh những dĩa cá tươi mới hấp còn bốc khói bày trên nền xi măng lau sạch bóng, cùng với những đĩa rau sống, bánh tráng dưới vài ngọn đèn cầy lung linh, chén anh chén tôi, kể chuyện đời chinh chiến trong tiếng sóng rì rào vỗ nhẹ bờ cát. Nhìn ra mặt biển tối đen, hàng ngàn ánh đèn lấp lánh từ những chiếc thuyền đánh cá đêm như một thành phố nổi nhấp nhô cuối chân trời hòa lẫn với muôn vạn ánh sao đêm, nghe nghệ sĩ Trần Văn Trạch kể chuyện tiếu lâm trong một giọng Nam kỳ đặc kẹo, rồi lại được nghe bài hát bất hủ của anh, "Tai Nạn Tê Lê Phôn":

    Từ đâu nạn đưa tới Gắn chi cái tê-lê-phôn
    Bởi tôi muốn làm tài khôn.
    Khiến tôi muốn thành ra ma
    Không vào Chợ Quán, cũng đi Biên Hòa ...


    Trong men rượu đã ngà, chúng tôi ôm nhau cười đến vỡ bụng!



    Dinh Bảo Đại trên đồi, sau lưng là Cầu Đá

    Có tiếng xe hơi ngừng trước cổng. Tay xách túi nón bay, tôi đóng cửa nhà bước ra sân. Thấy ông anh trưởng của tôi vừa bước xuống xe "xúng xính" trong bộ đồ nhà binh thẳng nếp, trên cổ áo đeo hai mai đen, đầu đội cái nón sắt bọc lưới mới toanh, tay xách súng M-16, lưng đeo khẩu Colt 45 và không quên đeo thêm một bi đông nước lũng lẵng sau lưng, tôi không khỏi phì cười. Ông anh tôi là một loại Trung úy mà thiên hạ thường gọi là "lính kiểng", bị động viên, được biệt phái cho tòa tỉnh Nha Trang, suốt ngày lái xe hơi nhà xách cặp chạy tới chạy lui, chưa hề biết đến mặt trận là gì.

    -Ủa!...anh còn ở đây chưa đi à ? Em tưởng anh đi với chị và mấy cháu từ lâu rồi? Tôi ngạc nhiên hỏi.

    -Vợ con anh đi rồi, chỉ còn mình anh thôi. Cho anh theo em vào phi trường nghe!

    Tôi gật đầu rồi nói đùa:

    -Anh làm gì mà trang bị "đồ nghề" cẩn thận thế, sắp ra mặt trận à?

    Không buồn trả lời, với khuôn mặt nghiêm trọng ông anh tôi lúng túng sửa lại cái nón sắt đội trên đầu và cái bi-đông nước cho ngay ngắn rồi nói với vẻ nôn nóng:

    -Mình đi bây giờ chưa?

    -Anh à,... anh may đến kịp lúc đó, nếu trễ một chút nữa thì em đã vào phi đoàn rồi. Sao anh không nói trước với em gì cả vậy?

    Vừa nói tôi vừa bước đến bên chiếc xe Honda 90 dựng trước sân nhà, trở đầu xe, nổ máy. Hai anh em đèo bồng nhau chạy vô phi trường, bỏ lại đàng sau lưng căn nhà đã che mưa đở nắng cho tôi suốt quãng đời niên thiếu.

    Phù Cát - Mười giờ sáng

    Một bầu không khí nặng nề, u ám đang bao trùm tất cả mọi sinh hoạt tại căn cứ Phù Cát. Sau khi Đà nẵng lọt vào tay Bắc quân, nhiều nhân viên trong các đơn vị đã tìm mọi cách di tản gia đình cũng như thân nhân ra khỏi vùng đất đang bị đe dọa trầm trọng. Tại phòng hành quân phi đoàn 243, Mãnh Sư, Trung úy Võ Đăng Sang vừa nhận được phi lệnh dẫn đầu ba chiếc trực thăng bay phi vụ tiếp tế cho một đơn vị của Sư đoàn 22 Bộ Binh đang bị cô lập gần đèo An Khê. Địa điểm lấy hàng tiếp tế là Bà Gi, nơi đặt bộ chỉ huy Sư Đoàn 22 Bộ binh, nằm giữa phi trường Phù Cát và Qui Nhơn. Bay chiếc trực thăng chỉ huy (C and C) là Đại úy Nguyễn Xuân Trình, sĩ quan huấn luyện phi đoàn. Theo yểm trợ cho hợp đoàn là hai chiếc trực thăng võ trang Hắc Sư. Trước tình hình chiến sự rối loạn diễn ra, căn cứ Phù cát sắp sửa di tản, Trung úy Sang cảm thấy lo ngại khi nhận lãnh phi vụ.

    Trung úy Võ Đăng Sang* là một hoa tiêu cao ráo, đẹp trai, tánh tình vui vẻ hòa nhã. Trước khi ra phục vụ tại phi đoàn 243, Mãnh Sư ở Phù Cát, anh và một số nhân viên phi hành khác đã tạm dung vài tháng tại phi đoàn Thần Tượng ở Nha Trang để chờ phần sở đang xây cất chưa xong. Trung úy Sang tuy chưa phải là một hoa tiêu thâm niên trong chức vụ, nhưng anh là môt phi công thành thạo trong nghề, có nhiều chiến tích và kinh nghiệm chiến trường qua nhiều mặt trận tại Bồng Sơn, An Lão...

    Chiếc Charlie (tàu chỉ huy) do Đại úy Nguyễn Xuân Trình cất cánh lên vùng trước. Ba chiếc trực thăng tiếp tế của Mãnh Sư đáp xuống một dãi đất đỏ nằm dọc theo Quốc Lộ I để nhận hàng. Một vị sĩ quan cấp Tá có một khuôn mặt nghiêm trọng bước xuống từ chiếc xe Jeep bước đến bên Sang. Sau một vài câu chào hỏi, vị sĩ quan choàng vai viên phi công và nói: "Trong lúc này 'đám con' tôi đã cạn đạn dược và lương thực, nếu không tiếp tế kịp thời thì sẽ rất nguy ngập. Theo tôi biết thì bãi đáp rất an toàn, quý vị an tâm. Xin phi hành đoàn cố gắng giúp giùm". Nói xong ông ta bắt tay Sang, siết mạnh! Ngay giây phút đó Trung úy Sang đã không hiểu hết ý nghĩa của cái bắt tay đó cho đến sau này. Trung úy Sang đang thi hành một phi vụ khởi đầu cho một ngày khó quên trong cuộc đời binh nghiệp của anh!

    Hợp đoàn trực thăng bắt đầu cất cánh hướng về ngọn đèo An Khê trên Quốc Lộ 19 nối liền Qui Nhơn và Pleiku, khoảng chừng bốn mươi cây số hướng Tây. Ba chiếc trực thăng nối đuôi nhau lên cao độ, theo sau khá xa là hai chiếc trực thăng võ trang. Chừng hơn hai mươi phút bay sau, trên ghế bay, Trung úy Sang nhìn xuống con Quốc Lộ 19 trải nhựa đường đen uốn lượn giữa những cánh rừng xanh thẳm. Không một chiếc xe, một bóng người qua lại. Gần hai tuần trước Pleiku đã lọt vào tay Bắc quân, đây là con đường ngắn nhất để chúng tiến quân về miền duyên hải tiến chiếm Qui Nhơn. Không một tin tình báo nào cho biết tình hình của địch trên con đường lộ này. Dưới thấp không xa, đèo An Khê đang nằm im lìm, hiền hòa dưới ánh nắng mai. Một điều Trung úy Sang đã không biết rằng ngọn đèo An Khê đã hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Cộng quân. Tại ngọn đèo này, trước đó địch quân đã dùng làm nơi bắn sẻ hay phục kích những đoàn quân xa của quân ta. Trong quá khứ, quân đội Pháp cũng đã bị Việt Minh đánh tan tành tại ngọn đèo này.

    -Hải sư, đây Hắc sư gọi! Trên tần số Trung úy Sang nghe tiếng của Trung úy Nguyễn Văn Hải, tự là Hải "sẹo", bay chiếc võ trang số một.

    -Nói đi!...Hải sư nghe!

    -Hắc sư I đang ở hướng sáu giờ của hợp đoàn, cách một phút bay. Hợp đoàn bay vòng chờ gần mục tiêu chờ Hắc sư. Nghe rõ trả lời! Trung úy Hải đang dẫn chiếc trực thăng số hai bay một khoảng cách khá xa sau lưng hợp đoàn.

    -Nghe năm! Trung úy Sang trả lời.




    Vừa nói xong Sang lái con tàu bay vòng trở lại. Chiếc số hai và số ba theo sau. Đợi cho chiếc trực thăng võ trang dẫn đầu vừa qua mặt, Sang cho hợp đoàn nối gót. Trước mặt dưới thấp chừng vài cây số, bên cạnh con lộ, một làn khói vàng đang lặng lẽ vươn lên trên mặt rừng xanh. Từ trên cao độ, cảnh vật trông rất yên tỉnh. Trung úy Sang cảm thấy yên lòng:

    -Hắc Sư... đây Hải sư!...

    -Nghe nói đi...Chiếc trực thăng võ trang số một trả lời.

    -Hắc Sư "clear" bãi cho kỹ nghe!

    -Hải Sư yên chí..., thấy mini-gun, rockets của Hắc Sư chắc tụi nó ngán, không dám chơi đâu...Ha...ha...ha...Trung úy Hải "sẹo" cười lớn.

    Tiếng cười của Hải "sẹo"chưa dứt trên tần số, chiếc Hắc sư I đột nhiên nổ tung như một quả pháo bông ngay trước mũi con tàu của Trung úy Sang. Chiếc trực thăng Sang rung chuyển như vừa bay qua một cơn lốc! Chiếc Hắc sư số một đâm sầm xuống đất, nổ bùng. Khói đen cuồn cuộn bốc trên mặt rừng xanh.

    -SA-7!.. Break!...Break!...SA-7!..Hợp đoàn break!...Trung úy Sang la to trên tần số.

    Hợp đoàn mạnh ai nấy quẹo, tản mác tứ phía!
    Chiếc Hắc sư số hai bay theo sau bên cánh trái hợp đoàn phản ứng: hai khẩu mini-gun quay vù, tưới hàng ngàn viên đạn vô nghĩa xuống mặt rừng mênh mông bát ngát. Giữa bầu trời trong, một cột khói trắng nhỏ uốn éo đang lơ lững -dấu tích còn lại của một chiếc hỏa tiễn địa không vừa rời dàn phóng!

    -Hắc sư hai, bạn OK ? Cho biết vị trí?...Sang gọi chiếc võ trang số hai.

    -Đang ở sau lưng hợp đoàn..., cao độ thấp! Tiếng Hắc sư hai trả lời.

    -OK!...Tất cả theo tôi trở về Đề Gi!

    Bốn chiếc trực thăng của Mãnh Sư cắm đầu bay ra khỏi vùng. Ngồi trong phòng lái, Trung úy Sang chưa định thần, hình ảnh chiếc trực thăng của một người bạn thân vừa nổ tung trước mặt anh còn rõ mồn một. Anh mò mẩm trong túi áo bay, móc ra gói thuốc lá lấy một điếu đưa lên miệng. Điếu thuốc run rẩy trên môi, anh châm lửa đốt.

    -Mẹ cha chúng nó!..hút một điếu thuốc mà cũng không được nữa hay sao?... Tao mồi hoài sao không cháy đây!

    Sang bực dọc lớn tiếng trong intercom.

    -Trung úy mồi ngược đầu rồi,...sao mà cháy được! Người xạ thủ đang ngồi trên những thùng gỗ thông màu vàng nhạt chất đống trên sàn tàu, lên tiếng.

    Sang giật điếu thuốc ra khỏi miệng, trở đầu nhìn,..bực dọc liệng qua khung cửa.

    -Sơn Bình!...Sơn Bình!...đây Hải Sư gọi!...

    -Sơn Bình... nghe... Hải Sư! Tiếng nói rè, đứt đoạn từ bộ chỉ huy Sư Đoàn 22 tại Bà Gi trả lời.

    -Sơn Bình đây Hải sư!...Báo cáo một chiếc tàu của Hải Sư bị trúng hỏa tiễn địa không của địch!

    -Cho biết chi tiết?...Nghe rõ trả lời!...

    -Chiếc trực thăng võ trang của hợp đoàn trúng phòng không SA-7 trên vùng...

    -Hắc Sư,... đây Sơn Bình. Cho biết tình trạng của phi hành đoàn!

    -Tình trạng,...tình trạng cái con khỉ!..., SA-7 trúng ngay bình xăng.., tình trạng cái gì?..Sang tức giận hét lớn.

    Tiếng nói Sơn Bình bên kia đầu giây không một phản ứng:

    -Hãi Sư..., đây Sơn Bình! Cho biết vị trí hợp đoàn!...

    -Hợp đoàn trên đường về, cách mười lăm phút bay!...

    -Đây...Sơn Bình..., yêu cầu ở lại vùng chờ lệnh,...Yêu cầu trở tại vùng, sẽ có chỉ thị ngay!

    -Sơn Bình!...tôi đang trên đường về lại Bà Đi. Nếu Sơn Bình không nhận lại hàng tôi sẽ đổ tất cả xuống sông. Nghe rõ!..

    Bên kia đầu giây im lặng!...tiếp theo là một tiếng nói khác, có vẻ từ một giới chức thẩm quyền cao hơn:

    -Hải Sư, đây là lệnh của bộ chỉ huy. Tất cả hợp đoàn chờ tại vùng, sẽ có chỉ thị!

    -Negative!...Hợp đoàn đang quay trở về. Tình trạng của bãi đáp quá "hot", không thể thi hành phi vụ được! Nếu không nhận hàng lại, tôi sẽ cho vất tất cả xuống sông...Tôi lập lại, tất cả sẽ bị vất xuống sông!

    Giọng nói từ Sơn Bình trở nên giận dữ, dọa nạt:

    -Đây là Sơn Bình!..nếu Hải Sư không tuân lệnh, tôi sẽ đưa tất cả phi hành đoàn ra tòa án quân sự! Nghe rõ trả lời!...

    Trung úy Sang ngập ngừng vài giây..., anh đổi tầng số gọi về phòng Hành quân Chiến cuộc phi trường Phù Cát:

    -Lôi Phong,...Lôi Phong,..đây Hải Sư gọi.

    -Lôi Phong nghe Hải Sư!...Tiếng nói của Trung Tá Ngọc, trưởng phòng nghe trên tầng số UHF.

    -Báo cáo một trực thăng võ trang của hợp đoàn bị phòng không bắn nổ trên vùng. Phi hành đoàn "request" trở về căn cứ!

    -Lôi Phong nghe năm!...Tất cả hợp đoàn trở về phi trường ngay tức khắc,...chuẩn bị di tản về Nha Trang!

    Trung úy Sang thấy nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân:

    -Nghe năm!...Hải Sư đáp Bà Gi "unload" hàng xong sẽ về đáp. Over!

    Nha Trang, hai giờ trưa cùng ngày

    Tôi đang đứng trong phòng hành quân của phi đoàn 215 cùng với một nhóm hoa tiêu, đột nhiên người sĩ quan trực hốt hoảng chạy vào la lớn:

    - Xin tất cả chú ý,..lệnh Không đoàn chỉ thị tất cả nhân viên phi hành Thần Tượng tập trung ngay tại sân cờ. Tất cả đem theo nón bay và túi xách theo!

    -Ngay bây giờ hay sao? Vài tiếng la to từ cuối phòng họp.

    -Ngay bây giờ!..Tất cả anh em ra ngay sân cờ tập họp..., ngay bây giờ,...lệnh của Không đoàn Trưởng. Người sĩ quan trực lập lại.

    Bầu không khí tại phi đoàn bỗng nhiên xao động hẳn lên. Tất cả mọi người kéo nhau ra sân cờ.
    Không Đoàn 62 Chiến thuật được thiết kế trên một vùng đất rộng kế cận bờ biển. Phi đạo chạy dài từ hướng đông-nam lên tây-bắc (runway 30-12) chia đôi Không Đoàn ra làm hai phần. Phần đất phía tây-nam phi đạo là Không đoàn Yểm cứ và Chuyển vận. Phần đất phía đông-bắc, sát biển dùng cho Không đoàn Tác chiến như các phần sở của các phi đoàn, bãi đậu máy bay, những "hangar" sửa máy bay và Trung tâm Huấn luyện Không Quân. Từ trên hành lang của phi đoàn 215 Thần tượng nhìn ra là sân cờ của Không Đoàn có thể thấy tất cả mọi hoạt động lên xuống của tất cả phi cơ trên phi đạo, cũng như những sự sinh hoạt xa hơn phía bên kia của hậu trạm hàng không quân sự.




    Phi trường Nha Trang

    Tại sân cờ, Đại tá Đặng Duy Lạc, Không Đoàn Trưởng KĐ62/CT đang đứng với Trung tá Khưu Văn Phát Phi đoàn trưởng phi đoàn Thần Tượng. Trung tá Phát là một cấp chỉ huy được anh em thương mến qua cách xử sự đối với đàn em. Có một lần Trung tá Phát hỏi tôi, nhân một lần bay chung phi vụ lên Đà lạt: "Tôi nghe một số anh em nói anh có thói quen ưa ngủ khi bay, có phải như thế không?" Tôi đã trả lời không một giây suy nghĩ: "Thưa Trung tá, cuộc đời trực thăng gian khổ, tôi lại có tánh hay đi chơi khuya mà phải dậy sớm, nên nhiều lúc thiếu ngủ. Nhưng thưa Trung tá, tôi chỉ ngủ để dưỡng sức trên đường đi, hay những lúc bay chờ tàu chở quân tới vùng mà thôi. Tôi không bao giờ ngủ khi đụng trận cả". Thật là một câu trả lời vô ý thức nếu không nói là ngu xuẩn. Sau khi nghe xong, Trung tá Phát chỉ mỉm cười, nhưng không hề có một thái độ nào cả. Cách hành xử của vị chỉ huy này đã không làm tôi trở nên kiêu binh, nhưng ngược lại đã biến tôi thành một thuộc cấp sẵn sàng đi vào chổ chết nếu cần thiết.

    Khi tất cả nhân viên phi hành vừa sắp xong hàng ngũ thì có tiếng la lớn trước hàng quân:

    -Tất cả, vào hàng "phắc"...

    Tiếng nói chuyện ồn ào im bặt! Đại tá Lạc bước tới trước mặt hàng quân tuyên bố:

    -Xin thông báo cho tất cả anh em, trong chốc lát chúng ta sẽ rời phi trường Nha Trang bay đi Phan Rang. Tôi muốn anh em ra đi trong trật tự, tuy nhiên ngay giây phút này tất cả anh em chờ tại đây đến khi có lệnh. Anh em nào cất cánh trước sẽ bị bắn rơi ngay tại chỗ! Chỉ chừng đó cho anh em rõ. Tất cả anh em nghỉ!

    Trong hàng ngũ của phi đoàn 215 vắng bóng nhiều khuôn mặt đã đi bay yểm trợ cho phi vụ bốc những toán Biệt động Quân đang thất lạc trên vùng Lâm Đồng. Một vài người chạy qua bên hậu trạm hàng không Quân Sự, tìm chỗ ngồi trên những phi cơ vận tải đưa gia đình rời căn cứ. Thật trớ trêu khi nghĩ đến những chàng phi công trong tay có những chiếc trực thăng đang nằm ngoài ụ chờ đợi cất cánh, lại phải chạy bương bã đi tìm phương tiện cho thân nhân.

    Hôm nay trời hanh nắng, những cụm mây trắng lơ lững trôi trên bầu trời xanh in bóng loang lỗ xuống mặt sân cờ. Hơi nóng bốc lên hừng hực, thoang thoảng một vài làn gió nhẹ từ biển thổi vào không đủ làm khô những lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Trước mặt chúng tôi là phi đạo không một chiếc phi cơn lên xuống. Bỗng từ trên trời cao xuất hiện một chiếc máy bay hàng không dân sự đang giảm cao độ về hướng phi trường. Đó là một chiếc DC-6, bốn động cơ cánh quạt. Một phút sau chiếc máy bay hạ cánh trên phi đạo và chạy dài tới cuối đường. Kế đầu phi đạo là hậu trạm hàng không quân sự, cả ngàn người đang đứng bu đông trên sân chờ phương tiện rời khỏi Nha Trang. Đám đông chạy ùa, tràn ra "tarmac". Hình như linh cảm được tình thế bất ổn, chiếc DC-6 đột nhiên trở đầu lại, sau lưng là một đám người tất tả chạy theo, trông không khác gì một đàn kiến đang rượt theo một con sâu béo bở! Chiếc máy bay hàng không dân sự gầm lên, bốn chong chóng quay tít khạc ra những làn khói trắng rồi phóng nhanh trên phi đạo, để lại sau lưng một đám người tiu nghỉu vì thất vọng.

    -Chèn đét ơi,...chu choa,...cái "thèng" pi lốt này khùng rồi ta ơi! "Nó" cất cánh gió xuôi bà con ơi!

    Trong hàng quân Trung úy Lê Viết Tánh, đột nhiên la lớn trong một giọng rặc tiếng Quảng. Có mấy tiếng cười rộ đâu đó. Trung úy Nam "Cò" cùng một phi đội tải quân với Tánh, đứng gần đó chen và

    -Khùng là mày khùng đó Tánh à!...Bị rượt như vậy mà còn ngược với xuôi. Mày biết đ. gì mà nói!

    Trung úy Tánh gốc Quảng Nam, người nhỏ con, biệt danh Tánh Tánh "xích lô", rất thích cãi. Khi nghe Nam cò nói xong liền trả đũa:

    - Nam "cò" à,...kỳ mày chở mấy con nai mày "bén" trong rừng với tao,... mày dặn tao đừng cho ai biết đó,.. mày có cất cánh gió xuôi đâu?

    Mọi người xung quanh, lại một lần nữa cười ồ lên. Nam "cò", đứng trong hàng, ốm và cao như một con cò, cái đầu nhô lên khỏi hàng quân, đỏ mặt không trả lời. Không có một đơn vị nào trong Quân lực VNCH giống như những đơn vị phi hành trong quân chủng Không Quân. Hầu như ai ai cũng phải có một tên tục nào đó -đẹp thì nhờ, xấu thì cắn răng chấp nhận. Những tên tục đó sẽ không bao giờ thay đổi và dính liền với cá nhân đó cho đến khi anh ta đi đầu thai kiếp khác.

    Tại phòng hành quân phi đoàn 215, Thần Tượng, Trung úy Võ Đăng Sang đứng bàn tán xôn xao với một nhóm hoa tiêu Mãnh Sư vừa di tản từ căn cứ 60 Chiến Thuật Phù Cát. Tất cả đang chờ đợi chỉ thị mới. Trung úy Sang đã quá căng thẳng, mệt mỏi sau phi vụ tiếp tế ở đèo An Khê và sau chuyến bay dài từ Phù Cát. Trong đầu anh ngay giây phút này chỉ có một ý tưởng duy nhất là trở về Tân Sơn Nhất để gặp lại gia đình. Anh xách túi bay ra khỏi phòng, đi đến chiếc chiếc trực thăng đang đậu ngay ụ gần nhất. Đó là chiếc tàu VIP (very important person) của Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền, chỉ huy trưởng căn cứ Phù Cát. Anh đã không biết rằng quyết định của anh trong giây phút đó là một quyết định sai lầm. Hành động của anh đã vô tình vi phạm lệnh tuyệt đối cấm cất cánh của vị Đại Tá Không Đoàn Trưởng căn cứ.

    Đứng trong hàng quân, tôi nôn nóng chờ đợi lệnh cất cánh. Bỗng từ một ụ đậu gần đó có tiếng động cơ o...o...quen thuộc của chiếc trực thăng đang quay máy. Từ chổ đang đứng, tôi có thể thấy người hoa tiêu ngồi trên ghế phải của một chiếc trực thăng VIP, sàn tàu cửa mở toang, trống trơn không mê vô xạ thủ, đang nhớm mình rời mặt đất. Tàu vừa lên cao chưa được mười thước, một tràng súng M-16 nổ vang, chiếc trực thăng rơi trở lại xuống đất, một bên càng vướng vào bờ tường chống pháo kích, lật nhào! Cánh quạt tàu chém xuống nền xi măng nổ ầm như một trái đạn pháo. Bụi mù lẫn lộn với đám khói đen bốc cao ngất.

    Tôi đứng im trong hàng quân chết lặng người,...sững sờ! Hình ảnh kinh hoàng này đã làm tôi liên tưởng đến một biến cố đau thương đã xảy ra không hơn hai năm trước đây, ngay tại sân cờ này, như sau:

    Đại lễ - Đại tang

    Bắt đầu vào trung tuần tháng sáu năm 1972, mặt trận miền tây nguyên hầu như đã yên tĩnh. Riêng tại Bình Định, trận chiến vùng mật khu An Lão vẫn tiếp diễn ác liệt. Đến gần cuối tháng chín thì cường độ giao tranh chậm dần rồi ngưng hẳn, địch quân đã âm thầm rút lui về hướng biên giới vùng tam biên Việt-Miên-Lào, sau khi để lại nhiều tổn thất nặng nề tại chiến trường.

    Trận chiến Mùa hè đỏ lửa lúc này mới thực sự chấm dứt!

    Để ăn mừng chiến thắng, Không đoàn 62 Chiến thuật tại Nha Trang tổ chức một buổi đại lễ khao quân, tưởng thưởng những chiến sĩ anh hùng Không quân đã đóng góp công trạng trong chiến thắng Mùa hè đỏ lữa. Không đoàn sẽ hạ bốn con dê do phi đoàn Thần Tượng đóng góp để gia tăng phần phong phú cho buổi dạ tiệc.
    Theo chương trình, chín giờ sáng tất cả các nhân viên phi hành của tất cả phi đoàn sẽ tập hợp tại sân cờ để tham dự buổi lễ gắn huy chương, đồng thời sẽ có một cuộc phi diễn do các phi đoàn đóng tại Nha Trang thực hiện. Buổi lễ được chủ tọa bởi Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Lượng, chỉ huy trưởng Sư đoàn 2 Không Quân. Tiếp đến, tối hôm đó sẽ có một dạ tiệc liên hoan cho tất cả các nhân viên phi hành và chương trình văn nghệ với sự giúp vui của nhiều ca nghệ sĩ nổi tiếng tại thủ đô.

    Hôm đó là một ngày đẹp trời, bầu không khí mang sắc thái nhộn nhịp của một ngày hội lớn. Mọi người lăng xăng bận rộn như đang chuẩn bị đón Xuân về. Khoảng chín giờ sáng, những phi công của phi đoàn 215 Thần Tượng hớn hở trong bộ đồ bay đen, đầu đội nón lưỡi trai màu đỏ chói tề tụ tại sân cờ Không đoàn. Một khán đài dã chiến lộ thiên mới dựng lên, dành cho quan khách và những sĩ quan cao cấp.

    Buổi lễ bắt đầu!

    Sau phần chào cờ và nghi lễ, những chiến sĩ có công trạng được đọc tên trên loa phóng thanh đặt trên mặt đất, lên đứng ngay đầu hàng chào lãnh nhận huy chương. Trên trời, tiếng trực thăng vang vọng, hợp đoàn của phi đoàn Thần Tượng khởi đầu cuộc phi diễn. Ban nhạc Không Quân gần bên phải của khán đài lộ thiên trổi lên bài nhạc hùng ca. Âm thanh vang lừng hòa lẫn với tiếng động cơ và tiếng phành phạch của cánh quạt tạo nên một cảm giác hào hùng, hứng khởi trong lòng tất cả mọi người.

    Hợp đoàn trực thăng gồm bốn chiếc, bay theo đội hình thoi (diamond formation).

    -Chiếc số một dẫn đầu do Thiết tá Đặng Đình Vinh, phi đoàn phó 215 cầm cần lái, hoa tiêu phụ là Trung úy Hoàng Canh Tân.

    -Chiếc số hai theo bởi trưởng phi cơ Trung úy Lâm Trọng Sơn, biệt danh là Sơn "năm. Hoa tiêu phụ là Trung úy Phan Đắc Công.

    -Chiếc số ba, bên phải chiếc dẫn đầu là Trung úy Nguyễn Hồng Huỳnh, phi đội trưởng phi đội tải quân và Trung úy Trần Anh Hải, tự là Hải "nhảy dù" làm hoa tiêu phụ.

    -Chiếc cuối cùng do Đại úy Tạ Thành Nhân cầm cần lái cùng với hoa tiêu phó, Trung úy Đạt, tự Đạt "Paker".

    Trên bầu trời xanh, trong vắt không một áng mây, bốn chiếc trực thăng của phi đoàn Thần Tượng bay từ ngoài biển vào, song song với phi đạo hướng về phía khán đài. Những cánh quạt quay vù trên đầu những chiếc trực thăng gần đến độ như muốn chồng lên nhau. Không như loại máy bay có cánh khác (fixed wing aircraft), bay đội hình (closed formation) đối với trực thăng là một điều tối nguy hiểm, đòi hỏi sự tập tung cao độ và tài điều khiển khéo léo của hoa tiêu.

    Trung úy Nguyễn Hồng Huỳnh, ngồi trên ghế trưởng phi cơ chiếc số ba theo sát chiếc dẫn đầu phía bên phải. Trong tiếng động cơ rầm rộ hòa với tiếng chém gió phành phạch của bốn chiếc trực thăng, Trung úy Hải "nhảy dù" ngồi bên ghế bay trái, nhìn ra ngoài trời im lặng theo dõi hợp đoàn. Đột nhiên Hải buộc miệng nói :

    -Này Huỳnh, mấy sợi lông trên mép thằng Sơn tao đếm đủ hết mày tin không. Mẹ!... nó bay gần quá! Mày đừng vào gần nữa, kệ nó...Cẩn thận nghe mày!

    Nghe Hải "nhảy dù" nói xong Huỳnh liếc mắt nhìn chiếc của Sơn "năm":

    -Ừa,..mẹ..., thằng Sơn "năm" bay quá gần, tao đeo theo chết mẹ luôn...

    Rồi như linh cảm một điều gì bất thường sắp xảy đến, Huỳnh nói tiếp:

    - Hải,...nói cho mày đề phòng, lở có chuyện gì xảy ra tao đỡ không kịp thì mày chụp cần lái cho tao,...quẹo phải ra hướng biển nghe mày...Đ.m nó bay cái gì mà...

    Huỳnh râu vừa nói chưa dứt câu thì nghe một tiếng nổ lớn như một trái pháo giữa thinh không. Từ sau ống thoát động cơ bán phản lực chiếc số hai của Trung úy Sơn phụt ra một khối lửa đỏ, chiếc trực thăng chúi mũi tới trước, cánh quạt quay vùn vụt trên đầu chém vào cánh quạt chiếc dẫn đầu của Thiếu tá Vinh phát ra một âm thanh ghê rợn, rổn rảng như những thanh sắt khổng lồ chặt vào nhau. Tàu của Sơn "năm" ngửa đầu lên trời, vòng quay cánh quạt chậm hẳn lại, lơ lững một vài giây trong không khí rồi rơi thẳng xuống như một trái mít rụng, chạm mặt đất nổ bùng lên như một quả bom lửa.

    Trước mặt, chiếc dẫn đầu của Thiếu tá Vinh chúi mũi lài xuống đất như một chiếc lá úa lìa cành.
    Bay chiếc số ba bên phải chiếc lead, Huỳnh "râu" quẹo gắt rời đội hình, thoát thân về hướng biển.
    Bay chiếc sau cùng, Đại úy Nhân nhanh trí giật cần lái, chiếc trực thăng nhỏng đầu vươn lên vừa kịp tránh chiếc số hai đang lơ lững giữa trời.

    Thiếu úy Nguyễn Thế Tòng, vừa trở về từ mặt trận Bồng Sơn cùng với biệt đội 215 để tham dự ngày đại lễ, đang đứng trước hành lang phi đoàn Thần Tượng vội vàng chạy đến chiếc trực thăng Thiếu tá Vinh đang nằm bẹp dí trên mặt đất, khói đen bốc lên từ buồng máy. Gần đó, xác của một người lính phi đạo đang nằm úp trên vũng máu, mặt đập xuống nền xi măng bể nát không còn nhận ra hình hài, bên cạnh một miếng xương hàm với vài cái răng còn dính máu đỏ tươi. Người lính bất hạnh này đã nhảy ra khỏi tàu trong cơn hoảng hốt khi tàu đang còn ở quá cao!
    Chiếc số bốn của Đại úy Nhân sau khi may mắn thoát nạn, lanh trí vòng lại đáp xuống sát bên cạnh chiếc của Thiếu tá Vinh chở phi hành đoàn bị thương đến bệnh viện Quân y nằm sát ngay bên kia hàng rào của phi trường.
    Gần đó, một đám đông đang hì hục đẩy chiếc phản lực cơ A-37 ra xa chiếc trực thăng đang cháy phừng phừng.

    Một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy trên sân cờ của Không đoàn 62 Chiến thuật.
    Mười một giờ sáng tại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi và Đại úy Lê Thiện Tích ngồi trên ghế bay "ba hoe chích chòe" với những ca nghệ sĩ đang ngồi sau khoang tàu để bay về Nha Trang giúp vui đêm nay. Lòng tôi phơi phới khi nghĩ đến cuộc vui đêm nay. Đột nhiên nghe tin báo buổi dạ tiệc hủy bỏ, tôi lặng người. Buổi dạ vũ tôi đã nôn nóng, chờ đợi từ bấy lâu nay để có dịp dẫn cô bạn gái "em đẹp nhất đêm nay" đi "trình diễn" với bạn bè tan theo mây khói. Từ một Đại Lể trong phút chốc đã biến thành một Đại Tang! Tại nạn xảy tại sân cờ Không đoàn 62 Chiến Thuật đã nhắc cho tôi nhớ đến Murphy's law của người Mỹ: "Anything that can go wrong, will go wrong" và sự nguy hiểm của trực thăng trong những cuộc bay đội hình phi diễn (fly closed formation).
    Nguyên nhân tai nạn đáng tiếc đã xảy ra do chiếc số hai máy bị F. O. D (Foreign Object Damage). Máy phản lực trên chiếc số hai đã nổ khi bị một vật lạ xâm nhập đã làm chiếc trực thăng mất thăng bằng nhào tới chém chiếc tàu đang bay gần trước mặt.

    Tai nạn đau thương đã cướp mất bảy nhân mạng, tính cả người lính phi đạo đi theo tàu chơi. Thiếu tá Vinh bị tét môi, gãy mấy cái răng cửa và bị dập ngực vì đập vào cần lái, đã trở lại phi đoàn sau vài tháng tĩnh dưỡng. Trung úy Hoàng Canh Tân ngồi kế bên bị sụn xương sống. Tuy đã hoàn toàn bình phục sáu bảy tháng sau nhưng đáng tiếc anh đã không còn đủ điều kiện sức khỏe để tiếp tục nghiệp bay.
    Những vòng hoa chiến thắng dành cho những anh hùng trong Mùa Hè Đỏ Lửa, đã biến thành những vòng hoa tang cho những phi công đột nhiên gãy cánh nửa đường trong một tai nạn vô nghĩa.

    Riêng về cái chết của Trung úy Công đã có một ảnh hưỡng tâm lý sâu đậm về tình cảm trong trong lòng một số bạn thân trong phi đoàn. Trước khi tai nạn xảy ra, mỗi khi có dịp bay hành quân vùng Đà Lạt, chúng tôi thường cùng đi với Công ghé ăn trưa tại mấy quầy hàng bán đồ ăn trong lòng chợ Hòa Bình, sau đó luôn thể ghé thăm mẹ Công có sạp bán rau quả gần đấy. Thường thường, sau khi từ giã ra về thế nào mỗi đứa chúng tôi cũng được bà dúi cho một ít rau quả để đem về Nha Trang làm quà.

    Một thời gian ngắn sau tai nạn xảy ra, tôi và Huỳnh râu trong một phi vụ lên Đà Lạt đã vào chợ Hòa bình để ăn trưa, nhân tiện ghé thăm mẹ Công. Bà già hẳn đi! Trên khuông mặt héo hon, bà đã khóc nức nở khi nhìn thấy hai đứa tôi. Hình như bộ đồ bay của chúng tôi đã gợi nhớ lại hình ảnh đứa con trai yêu quý của bà đã vĩnh viễn ra đi - lá vàng chưa rụng, lá xanh rụng rồi. Tôi và Huỳnh "râu" đứng yên trước quầy hàng rau quả, nhìn nhau chịu trận, không biết nói một câu gì cho ra hồn để an ủi bà. Chắc có lẽ nói gì thì cũng vậy thôi! Chỉ còn thời gian mới có thể làm phai nhạt được nổi thống khổ của bà, cũng như muôn vạn người dân nước Việt đã gặp phải qua bao nhiêu năm chinh chiến điêu linh trên mảnh đất quê hương bất hạnh này.

    Kể từ giây phút đó chúng tôi không bao giờ dám đến ăn trong chợ Hòa Bình nữa!

    Một sự kiện bất ngờ

    Đang đứng trong hàng quân tại sân cờ thì một thằng bạn đứng kế bên vỗ vai tôi:

    -Ê!...có người kiếm mày kìa!

    Tôi quay đầu nhìn. Đứng kế bên chiếc xe Jeep Không quân mui trần, Trung Tá Thông, Chỉ huy trưởng Liên đoàn Phòng thủ Phòng vệ Không Đoàn 62 Chiến Thuật đang đảo mắt kiếm tôi. Trung tá Thông là một sĩ quan xuất thân từ Quân Trường Võ Bị, người cao lớn khỏe mạnh, ăn nói hoạt bát. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, ăn chơi tại Quán Mộng ở đường Biệt Thự*. Tôi lách mình ra khỏi hàng quân.

    -Có chuyện gì không Trung tá? .

    -Tao có chuyện muốn nói với mày,...lên xe đi!

    -Không được đâu!.. tụi tôi sắp "zulu" (cất cánh) rồi, có gì quan trọng không vậy "thầy" ?

    -Thì cứ lên xe cái đã!

    Thấy tôi nhìn Trung Tá Phát đang đứng nói chuyện gần đó, Trung Tá Thông hiểu ý:

    - Đừng lo,... tao đã xin phép Trung tá Khưu Văn Phát sếp mày rồi. Lên xe nhanh đi!..tao sẽ giải thích sau.

    Tôi ngoắc anh tôi ra khỏi hàng quân. Hai anh em leo lên băng sau chiếc xe Jeep. Xe phóng nhanh trên con đường nhựa đen chạy bọc theo vòng đai ngang đầu phi đạo sát biển. Gió mát từ ngoài khơi lồng lộng thổi vào mái tóc đầu trần, xuyên qua bộ đồ bay nóng bức cho tôi một cảm giác thật khoan khoái và dễ chịu. Tay xách khẩu súng trường M-18 của Biệt kích, lưng đeo súng "rouleaux", ngồi trên chiếc xe Jeep mui trần chạy trong giờ phút dầu sôi lửa bỏng này đã cho tôi cảm tưởng như mình là một sĩ quan an ninh hơn là một phi công.

    -Sao "ông",.. có chuyện gì bí mật vậy, nói tôi nghe đi!

    -OK!.., hiện đang có một cầu không vận đưa tất cả nhân viên trong căn cứ của mình đi Tân Sơn Nhất. Mày biết tao có trách nhiệm phòng thủ căn cứ và sẽ là người đi sau cùng. Nếu trong trường hợp tao bị kẹt lại đây vì lý do gì, tao cần người bốc tao ra khỏi đây. Tao nghĩ chỉ có mày là người sẽ giúp tao. Để tao đưa mày ra tàu lấy máy bay đi Phan Rang trước một mình.

    Nghe Trung Tá Thông nói xong, tôi bật ngửa. Tôi có cảm tưởng như đang nhận chỉ thị của một thượng cấp trực tiếp, hơn là một sự nhờ vả của một người anh!

    Trước một lời "đề nghị" quá bất ngờ, tôi khựng lại một lúc rồi mới mở miệng được:

    -Chuyện này hơi khó xử cho tôi. Làm sao mà tôi có thể bỏ hợp đoàn bay riêng như thế được? Sao chuyện này ông không nói trước cho tôi biết gì cả vậy?

    -Chính tao cũng không biết lệnh di tản này làm sao cho mày hay được. Mày có giúp tao không thì bảo?

    Bị đưa vào thế chẳng đặng đừng, tôi ngập ngừng:

    -Thì,...được,..nhưng mà lúc đó tôi ở Phan Rang rồi, ông làm cách nào liên lạc được với tôi?

    -Chuyện đó tao lo. Sẽ có "đệ tử" tao ở Phan Rang liên lạc với mày. Ngay bây giờ ghé hậu trạm coi tình thế như thế nào, rồi tao sẽ đưa mày ra bãi đậu. Này,...mày cầm cái "Motorola" này, có gì thì liên lạc.

    Không có sự lựa chọn nào khác, tôi miễn cưởng cầm cái máy to gần bằng cục gạch trong tay, đầu óc lơ lửng... không biết chuyện gì sẽ xảy ra?

    Xe ngừng trước hậu trạm hàng không quân sự. Ngồi trên xe, trước rừng người đứng đông như kiến cỏ, lính có dân có, đang chen chúc xô đẩy cố vào bên trong, tôi ngạc nhiên thấy Đại úy Lê Hùng Phong, test pilot của phi đoàn đang chen ngược ra ngoài.

    -Phong!...Phong!...Tôi hét lớn.

    Nhận ra tôi, anh ta chạy lại đến gần.

    -Bạn làm gì ở đây vậy?

    Trên một khuôn mặt da đen ngăm xương xẩu, ướt đầy mồ hôi, Phong hổn hển trả lời:

    -"Mình"... đang kiếm tàu cho gia đình vợ con đi Sài Gòn...Chắc không xong, loạn tới nơi rồi...

    - Thôi đừng ở đây nữa, phi đoàn sắp "nhổ neo" rồi...Đưa vợ con về đi,.. mau lên !

    Nghe tôi nói Phong mừng rỡ, xoay người chạy ngược trở lại, rồi biến mất hút vào rừng người đang chen lấn.
    Phong là một trong những người cao niên nhất phi đoàn, được thuyên chuyển từ Bộ binh qua Không quân khi đang mang lon Trung úy. Một giai thoại về nhân vật này thường được anh em trong phi đoàn nhắc lại như là một đề tài tiếu lâm.

    Trong một vài năm trước đây phong trào chơi trượt bánh xe (Roller-skate hay Patin) được gia nhập từ nước ngoài, lan tràn bành trướng khắp mọi nơi, nhất là trong những thành phố lớn. Phong trào này đã làm cho bao nhiêu người dệt mộng giàu sang, và trong số đó có Đại úy Lê Hùng Phong của phi đoàn Thần Tượng.
    Làm chủ một căn nhà nho nhỏ, bao bọc bởi một vườn cây bóng mát tọa lạc tại khu xóm Phước Hải, một khu tân lập đa số đường xá chưa được tráng nhựa, toàn bằng đất đỏ. Những cây ăn trái như xoài, ổi, mãng cầu, sa bô chê...v...v...trong vườn đã bị đốn sạch để nhường chỗ xây sân Patin khang trang rộng rãi. Những con heo kêu ụt ịt trong cái chuồng ở sân sau, cùng với chiếc xe Mobilette cũ kỹ để đi làm đã bị "thanh toán" để lấy thêm vốn đầu tư. Đại úy phi công Lê Hùng Phong đã nghiễm nhiên trở thành một ông chủ của một "cơ sở thương mại" có một cái tên rất kêu: Sân Patin Mây Đỏ!

    Ngày khai trương được tổ chức thật rầm rộ, tiếng đàn tiếng nhạc vang rền cả xóm. Trẻ con tụ tập đông đảo. Nhưng than ôi!... giai đoạn nhộn nhịp tưng bừng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, thương vụ này bắt đầu tuột dốc không thắng. Tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa! Từ dạo đó, mỗi khi thấy Phong gò mình lọc cọc vào phi đoàn bằng chiếc xe đạp xọc xạch, anh em thường hay đùa giỡn, chọc ghẹ "Sao Đại úy,...có định nuôi heo lại không?"; "Sân Patin Mắt Đỏ bây giờ tới đâu rồi?"; "Cái sân rộng trước nhà để phơi thóc là hết xẩy đó nha!..." Trên khuôn mặt khắc khổ lại càng khắc khổ thêm, Phong chỉ mỉm cười không phản ứng.

    Tại hậu trạm hàng không quân sự, Trung tá Thông hốt hoảng chạy ra, khuôn mặt đỏ ửng, lưng áo ướt đẫm mồ hôi đến gần bên tôi:

    -Lên xe đi..., để tao đưa mày ra tàu. Loạn tới nơi rồi, tao phải kêu thêm lính tăng cường mới được.

    Xe Jeep chạy đến bãi đậu, hai anh em tôi nhảy xuống đất.

    - OK! Mày cất cánh đi Phan Rang trước đi, có gì tao sẽ tìm mày sau. Tao đi đây!

    - Không được,..tôi sẽ chờ phi đoàn cất cánh cùng một lần luôn!

    -OK...tùy mày!

    Nói xong Trung tá Thông rồ ga, chiếc xe Jeep phóng nhanh trên đường dọc theo phi đạo, nhỏ dần rồi biến mất sau làn hơi nóng lung linh trên mặt đất.

    Một sự đổi chác tình cờ

    Bãi đậu hôm nay vắng vẻ một cách khác thường, chỉ thấy một vài anh lính phòng thủ đứng lấp ló sau mấy chiếc trực thăng trong ụ. Tôi chọn một chiếc trực thăng xa nhất, nằm ở cuối bãi. Ở đó, một anh lính trẻ, khoảng mười bảy mười tám tuổi, đầu đội nón lưỡi trai màu đen, vai đeo súng M-16 đang ngồi núp nắng dưới đuôi tàu. Thấy tôi anh ta đứng dậy đưa tay chào. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy khuôn mặt anh ta rất bình thản, không hề tỏ lộ một nét lo âu nào trước tình thế vô cùng khẩn trương này. Không hiểu anh ta sẽ nghĩ gì khi tất cả những chiếc tàu anh ta đang đứng gác đây sẽ rời căn cứ và có thể không bao giờ trở lại?




    Sau khi chọn được một chiếc tàu khả dụng và đầy xăng, tôi vô cùng vững bụng. Ngã người trên lưng ghế xả hơi, tôi lấy một điếu thuốc ra châm lửa đốt. Thả hồn theo làn khói thuốc quyện bay trước mặt, tôi bình thản chờ giờ cất cánh. Bất chợt ánh mắt tôi bắt gặp một chiếc xe Honda Dame màu xanh lá mạ đang nằm ngửa trên mặt đất, chỉ cách tàu chừng trăm mét. Tôi thò đầu ra khỏi cửa hỏi anh lính đang đứng im lặng kế bên hông tàu:

    - Này anh!...thấy chiếc Honda nằm trên phi đạo đằng kia kìa không,...ai đã bỏ lại vậy hả?

    -Tui thấy họ vứt xe xung quanh phi trường nhiều lắm, không biết của ai cả. Ai muốn lấy thì lấy à...Anh lính trả lời.

    Nghe xong, tôi ngồi bật dậy mở cửa nhảy xuống đất. Đến bên chiếc xe còn mới, chìa vẫn còn cắm trong ổ khóa, tôi hí hửng dắt về tàu. Thoáng nghĩ đến chiếc Honda 90 già nua bịnh hoạn tôi đã bỏ lại tại phi đoàn sáng hôm nay, tôi nhếch mép cười, tự hỏi không biết ai sẽ là sở hửu chủ của nó? Cuộc đời đôi khi có những sự đổi chác thật tình cờ!

    Chiếc Honda 90 tôi đã bỏ lại ngay gốc thông già sáng hôm nay trước phần sở phi đoàn Thần Tượng là một cái gì đã gắn bó và chia sẻ với tôi quá nhiều kỷ niệm trong những năm qua. Nhớ lúc mới trở về nước sau khi du học, tôi luôn có ý định mua một chiếc xe Honda 90 để chạy. Theo luật lệ hiện hành thì tất cả xe hai bánh có gắn máy cao hơn 50 phân khối phải đóng tiền nhập nội. Một số tiền đắt hơn vài lần giá trị của nó. Với số lương ít ỏi của quân đội tôi không thể nào đủ khả năng để hợp thức hóa chiếc xe tôi vừa mới tậu được. Thế là một liều ba bảy cũng liều, trong nhiều năm trường tôi đã chạy chiếc xe với tiếng nổ bình bịch này trên mọi đường phố,.. không có bảng số! Chính vì tiếng nổ bình bịch đó đã gây nên sự chú ý của mấy anh Quân Cảnh quân trấn đi tuần hành, và đã gây cho tôi biết bao nhiêu điều phiền nhiễu, nhức đầu về sau này.

    Mỗi lần bị mấy ông Quân cảnh Quân trấn chận lại hỏi giấy và tịch thu xe đem về đồn là mỗi lần tôi lại phải chạy đi kiếm ông bạn Trung, Đại úy trưởng phòng Quân Cảnh Không đoàn 62 Tác Chiến đi lãnh xe về giùm. Và dĩ nhiên sau đó tôi phải "tình nguyện" mời một chầu ăn sáng cho hơn một tiểu đội Quân cảnh tại một quán ăn lịch sự để chứng tỏ tình "huynh đệ chi binh", cho dù bữa ăn đó làm lủng một lổ lớn trên thẻ lương cũ mèm của tôi.

    Có một lần trên đường về nhà từ phi trường, trong túi quần áo bay có hai trái lựu đạn vừa mới xin được của người bạn. Đang chạy phom phom trên đường, miệng huýt gió, lòng ngập tràn một niềm vui vô cớ. Đột nhiên không biết từ đâu xuất hiện một chiếc xe Jeep của Quân cảnh Quân Trấn chạy từ sau tới, ép sát xe tôi bắt ngừng lại để xét giấy. Trên chiếc xe Jeep, một anh Quân cảnh có khuôn mặt nghiêm trọng bước xuống. Khi bước đến gần, anh ta nhìn tôi dò xét, rồi nhìn xuống túi quần bay tôi thấy hai trái lựu đạn nặng chĩu đang nằm bên trong. "Trung úy, cái gì dưới túi quần cho tôi xem được không?" Móc hai trái lựu đạn đưa cho anh ta. "Thứ này Trung úy lấy ở đâu ra vậy? Tôi phải tịch thu đem về đồn"! Tim tôi nhói lên. Hai trái lựu đạn vừa mới xin của thằng bạn định bụng chút nữa về sẽ đi ra biển bắn cá, giờ đây bị anh Quân cảnh này "chôm" một cách hợp pháp. Tôi phản đối:" Này,.. tôi mới xin về để đi bắn cá, Trung sĩ có lấy thì chừa lại cho tôi một trái, sao lại lấy hết,..tôi lấy gì mà xài"! Anh Quân Cảnh ngạc nhiên, trố mắt nhìn tôi. Sau vài giây suy nghĩ anh ta bèn thốt lên một câu nghe rất "chói tai": " Tôi không hỏi giấy xe của Trung úy là tốt rồi...". Nói xong anh ta quay người bước lên chiếc xe Jeep đậu kế bên rồ máy chạy. Còn lại tôi đứng một mình bên lề đường nhìn theo, miệng lầm bầm chửi thề rồi leo lên xe Honda nổ máy dzọt, trong lòng tràn đầy tức tối.

    Một hôm khác, khi xe đang chạy trên đường Trần Quý Cáp thì bị một xe tuần tiểu hỗn hợp chận lại xét giấy xe. Sau một vài phút "ca bài con cá" không xong, tôi chợt nhớ đến ông bạn tôi là Đại úy Đoan Cảnh Sát, Trưởng phòng Kiểm tục, đang chờ tôi ở quán Mộng*, liền nói với người Thiếu úy trưởng toán: "Giấy xe tôi để ở nhà, nếu được cho tôi về lấy". Nhìn thấy tôi cũng là một sĩ quan Không quân trong bộ áo liền quần, viên sĩ quan trưởng toán cũng nể nang đôi chút, liền ra lệnh cho một người Hạ sĩ Cảnh sát Dã Chiến leo lên xe theo tôi về nhà lấy giấy tờ xe. Thế là "chúng mình hai đứa" leo lên xe phóng về quán Mộng. Vừa tới quán, tôi mừng hơn bắt được vàng khi thấy vị cứu tinh đang ngồi nhậu chờ tôi.

    -"Đại úy Đoan!.. lính của ông đang chờ ở ngoài cửa, nó hỏi giấy xe tôi đó".

    Ngoài cửa tiệm, anh Hạ sĩ thuộc cấp đang đứng kế bên chiếc xe Honda 90 của tôi, bất ngờ gặp "xếp" hốt hoảng đứng vào thế nghiêm:

    -"Chào Đại úy!"

    -"Ủa Tư,... mày làm gì đây vậy..".

    -"Dạ,..em chờ coi giấy xe này!"

    -"À,... chiếc này hả?... Thôi được,.. cái vụ này để tao lo, mày về đi."

    Nói xong Đại úy Đoan quay qua tôi:

    -"Này,... bạn có vài chục đồng đưa cho nó đi xích lô về đồn"!

    Mỗi lúc nhớ đến hình ảnh một anh Cảnh sát Dã chiến, đầu đội nón sắt, tay cầm súng M-16 ngồi trên xe xích lô tôi không khỏi bật cười!

    Đó là những chuyện nhức đầu về phần pháp lý, chưa kể tới những lúc bị nhiều trở ngại "kỹ thuật" bất ngờ khác... Vào một buổi trưa hè tại quán Mộng* (lại cũng tại quán Mộng nữa!), sau khi ăn trưa xong tôi và người bạn gái mới quen bước ra chiếc xe Honda 90 đang đậu trước cửa để cùng đi xem cinê. Không biết hôm nay có chuyện gì mà con ngựa già của tôi lì lợm không chịu nổ máy. Sau hơn mười phút đồng hồ đạp máy, mồ hôi đổ nhể nhại ướt cả áo bay, chiếc xe vẫn ù lỳ! Trong lòng chửi thầm cái xe mất dịch, lựa thật đúng lúc để nằm vạ. Nhìn cô bạn gái mới bẻn lẻn đứng kế bên, càng làm cho tôi thêm nóng ruột, lộn gan. Sau cùng dựng xe đứng lên, tôi cúi xuống nhìn dưới bình xăng. Hỡi ôi, cái phao xăng nằm trong "cạt bua ra tơ" không cánh mà bay! Giận tím người tôi nhìn quanh.

    Sau gốc dừa gần đó lấp ló thằng bé đánh giày thường ngày vẫn quanh quẩn trước cửa quán. Tôi phóng người tới chụp tay nó lôi xềnh xệch đến bên chiếc xe:

    -"Mày ăn cắp phao xăng của tao phải không ?" Tôi hét lớn như muốn ăn tươi nuốt sống thằng bé đánh giày.

    Thằng bé thun người lại nhăn nhó chối bây bẩy:

    -"Không có, ...em đâu có lấy..., em...không biết!"

    Không một giây suy nghĩ tôi rút ngay khẩu súng rouleaux đeo bên hông chỉa xuống đất sát bên bàn chân thằng bé bóp cò.

    -"Đoành!"..Một tiếng nổ chát chúa vang dội giữa buổi trưa hè yên tỉnh. Một anh đạp xích lô đang ngủ gà ngủ gật trên xe trước cửa quán đón khách, giật bắn mình, mở mắt ngơ ngác ra nhìn quanh vài ba giây rồi quẹo đầu ngủ tiếp. Chỉ tội con chó mực đang chơi gần đó, hốt hoảng cúp đuôi cong đít phóng chạy như bị ma đuổi. Cô bạn gái mới quen đứng kế bên thì hoảng sợ co rúm người lại như vừa bị sét đánh ngang tai. Còn thằng bé đánh giày nhảy hổng lên khỏi mặt đất la thất thanh:

    -"Em lấy..., em lấy..., đừng bắn ...đừng bắn!"

    -"Mày bán cho ai ? ...Bao nhiêu?...Đi chuộc về không thì tao bắn vào đầu mày, nghe chưa?"

    -"Dạ em bán cho anh Bảy sửa xe,..em bán hai chục đồng..."

    Cái phao xăng đáng giá cả vài trăm đồng mà thằng bé chỉ bán cho thằng cha sửa xe đầu đường với giá chưa đủ để mua một ổ bánh mì thịt. Không có cái "tàn nhẫn" nào hơn! Nghe xong tôi càng điên tiết vịt, cầm tai thằng bé nhấc bổng lên. Nó tru lên như heo cắt tiết. Biết nó sợ đủ rồi, tôi móc túi lấy ba chục đồng ra đưa cho nó:

    -"Tao cho mày mười phút đi chuộc lại...Tao coi đồng hồ nếu mày không về đúng giờ thì đừng có bao giờ bén mảng tới quán này nữa, nghe chưa? Còn dư mười đồng cho mày đó. Liệu hồn!"

    Nói xong tôi quay qua với người bạn gái mới quen, đang đứng khép nép bên gốc dừa, trên khuôn mặt ửng đỏ, lấm tấm mồ hôi vì nắng càng làm tăng thêm vẻ mặn mà duyên dáng:

    -"Thôi em chịu phiền,.. ráng chờ chút nghe,.. mình đi xuất sau cũng được. Vả lại anh muốn về thay đồ civil đi chơi cho thoải mái hơn."

    Đàn chim vở tổ

    Ngồi trên ghế bay chờ tại bãi đậu đã hơn nửa tiếng đồng hồ, tôi bắt đầu sốt ruột. Thấy anh phòng thủ đứng xớ rớ dưới đất kế bên hông tàu, tôi gợi chuyện cho qua giờ:

    -Chắc anh biết tình trạng ở bên ngoài rồi chứ? Tôi sẽ đi Phan Rang, anh có muốn theo tàu tôi hay không?

    Anh lính trẻ suy nghĩ một giây, rồi ngập ngừng nói:

    -Tui còn ông bà già và đứa em gái đang ở nhà...tui muốn về đem họ vô đây đi luôn có được không?

    -OK...được!..Nhưng sợ anh đem họ vô đây không kịp thôi...Tùy anh!

    Nghe tôi nói xong, anh lính trẻ bỗng dưng đăm chiêu, xa vắng. Biết anh lính đang ở vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan, tôi quay đầu nhìn vào trong phòng lái, để yên cho anh ta suy nghĩ. Hình như đã có quyết định, anh lính leo lên ngồi bệt trên sàn tàu, im lặng không nói một lời.

    Chừng hơn mười phút sau, có tiếng kêu o...o...quay máy quen thuộc của nhiều chiếc trực thăng vang lên đồng loạt. Tiếng động mỗi lúc mỗi ầm ỉ cùng tiếng chém gió phần phật của cánh quạt khuấy động bầu không khí vắng lặng. Giờ khởi hành đã điểm! Tôi ngồi bật dậy, vói tay bật nút battery làm thủ tục nổ máy. Trên tần số tiếng nói của Trung Tá Phát, phi đoàn trưởng 215 đang liên lạc với đài kiểm soát không lưu. Vòng quay cánh quạt đã lên cao, tôi kéo cần cao độ. Tàu vừa rời khỏi mặt đất, đột nhiên tôi cảm thấy như có ai đang nắm giây seatbelt sau lưng ghế tôi giật mạnh!

    -Cho tui xuống, cho tui xuống!..

    Tôi quay đầu lại thấy anh lính phòng thủ đang ngồi chồm hổm sát cửa, nhấp nhỏm như sắp nhảy ra khỏi tàu.

    -Ê!..., Ê!..., làm gì vậy?...Từ từ...đừng nhảy,..muốn chết à? Để tao đáp!

    Vừa nói tôi vừa đè cần cao độ. Càng tàu chưa chạm đất, anh lính trẻ vội vã nhảy phóc xuống. Vai đeo súng trường tay đè chiếc nón lưỡi trai đội trên đầu cho khỏi gió bay, anh ta băng qua phi đạo chạy đến hàng rào gần đó. Tôi ngồi nhìn theo đến khi anh ta chui qua lỗ chó, biến mất sau những bụi rậm. Lòng ngậm ngùi thương cảm, tôi kéo cần lái cắm đầu cất cánh về hướng biển. Khác hẳn với những chiếc võ trang nặng nề đầy đạn dược tôi phải bay thường ngày, chiếc trực thăng trống trải nhẹ nhàng tách rời mặt đất, vươn lên không trung nhanh như diều gặp gió. Nhìn về hướng phi đạo chính, mấy chiếc phi cơ quan sát đang lăn bánh, gần đó một số trực thăng đang còn ở trong ụ đậu, cánh quạt quay vùn vụt dưới ánh nắng mặt trời. Tất cả con chim sắt của Không Đoàn 62 Tác Chiến bắt đầu rời tổ ấm bay về vùng trời an toàn hơn. Trên tần số tôi nghe nhiều tiếng nói lao xao của những hoa tiêu liên lạc với nhau, cùng với tiếng điện đàm rộn rịp giữa đài kiểm soát và các phi cơ. Tôi giữ im lặng trên tần số, muốn được một mình tự do bay lượn một lần trên thành phố một lần cuối cùng trước khi ra đi.

    Tàu đã lên cao, tôi nghiêng mình nhìn xuống thành phố Nha Trang đang im lìm sưởi nắng bên bãi cát vàng hình vòng cung cạnh bờ đại dương. Càng rời xa mặt đất, gió càng mát lạnh đập phần phật vào khoang tàu trống trải. Bên dưới mặt biển mênh mông, xanh biếc một màu. Những hòn đảo đang nằm im lìm sưởi nắng ấm. Những con sóng bạc đầu lăn tăn nô đùa rượt đuổi. Hình ảnh thành phố yên bình, hiền hòa qua những buổi chiều vàng mở rộng vòng tay chào đón những con chim sắt trở về tổ ấm từ vùng trời hỏa tuyến như trở lại trong tâm trí tôi. Bao nhiêu căng thẳng, mệt mỏi mang về từ mặt trận như tan biến theo giải mây trắng treo lơ lững trên bầu trời trong xanh. Tất cả đó bây giờ chỉ còn là dĩ vãng. Tôi đưa mắt nhìn về phương Bắc, những cột khói đen đang bốc lên đâu đó, nhắc nhở tôi quân thù đang ngấp nghé ngoài cửa thành. Tim tôi quặn thắt! Bên ghế trái, anh tôi đầu đội nón sắt bộ binh, lưng đeo bi đông nước, đang quay đầu ra khung cửa, chăm chú nhìn xuống bên dưới. Trong tiếng ầm ỉ của động cơ cùng tiếng cánh quạt đập gió kêu phần phật, tôi quay nhìn anh tôi, nói to như hét:

    -Này,...anh hãy nhìn kỹ thành phố của chúng ta đi,... không biết bao giờ mình mới trở lại được!



    Nha Trang, miền quê hương cát trắng

    Lúc xưa còn là đứa bé sáu bảy tuổi tôi theo chân cha mẹ từ Huế đến định cư tại Nha Trang. Ngày đầu tiên, tôi còn nhớ là một buổi sáng Chủ nhật thật đẹp trời, anh tôi thuê một chiếc xe thổ mộ để đưa hai anh em đi ngoạn cảnh dọc theo bờ biển trên đường Duy Tân. Lòng tôi vô cùng rộn ràng và sung sướng. Không phải vì được ngắm nhìn phong cảnh nên thơ hữu tình của bờ biển Nha Trang mà vì lần đầu tiên tôi được ngồi trên chiếc xe có ngựa kéo. Tôi ngồi trên băng ghế ngay sau lưng anh nài, trố mắt nhìn con ngựa phóng nước kiệu, bốn móng gõ lộp cộp xuống mặt đường nhựa đen kéo theo chiếc xe thổ mộ trên hai bánh xe hơi chạy dọc theo bờ biển. Lòng tôi lâng lâng tràn đầy những cảm xúc khó tả. Gần hai mươi năm sau tôi tình cờ có dịp trả lễ, đưa anh tôi xem thành phố,..từ trên vòm trời cao. Có thể đây là một lần cuối cùng!

    Xa xa trước mũi con tàu, những chấm đen của một đoàn trực thăng đang nối đuôi nhau bay về phương Nam, trông như một đàn chim đang bỏ tổ vỗ cánh di cư về vùng đất mới. Tôi nghiêng mình luyến tiếc nhìn xuống qua khung cửa một lần nữa rồi quay đầu con tàu theo dấu chân chim, nước mắt lưng tròng...

    Khoảng năm phút sau, tàu bay ngang một vùng vịnh nhỏ ăn sâu vào đất liền. Qua làn nước trong veo, ở cao độ hai ngàn bộ, hình dáng của một con cá màu trắng xám hiện rõ, đang lơ lửng bơi sát mặt nước. Có lẽ đây là một con cá voi đã lạc vào vùng nước cạn. Tôi tò mò bay một vòng tròn nhìn xuống xong trở đầu tiếp tục cuộc hành trình.
    Trước mặt tôi, trên Quốc Lộ I, hàng ngàn chiếc xe đủ loại, nối đuôi nhau, chen chúc chạy về hướng Phan Rang, mang những người dân chạy loạn từ vùng II. Những hình ảnh trên "Đại lộ kinh hoàng" tại Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 72 cũng như trên Liên tỉnh lộ 7B tại Tuy Hòa mới đây đã gây một ấn tượng sâu đậm trong lòng hàng triệu người dân miền Nam về sự tàn ác khủng khiếp của loài quỷ đỏ. Người dân lành đã chấp nhận bỏ lại sau lưng tất cả những gì đã gầy dựng được để đánh đổi mạng sống cũng như sự tự do.

    Ngay bên phải phía dưới là "Cây số 9", một địa điểm gần thị xã Ba Ngòi, giáp giới với Cam Ranh. Có lẽ tất cả anh em Không quân tại Phan Rang hay Nha Trang đều biết đến địa danh này. Khi căn cứ Cam Ranh của Hoa Kỳ đang còn hoạt động, rất nhiều dịch vụ thương mại, nhất là dịch vụ giải quyết sinh lý cho hàng chục ngàn lính Mỹ, đã quy tụ tại một tọa điểm trên Quốc Lộ I, cách Ban Ngòi chín cây số. Do đó danh xưng cây số 9 đã trở thành một danh từ riêng. Sau khi căn cứ Cam Ranh đóng cửa, hàng loạt "night clubs" rẻ tiền - tường ván, mái tôn- san sát bên nhau dọc theo con đường lộ đã bị dở đi hoặc bỏ trống.

    Dưới bụng con tàu bây giờ là phi trường Cam ranh, mấy năm trước là một căn cứ vĩ đại của Hải Quân Hoa Kỳ nay đã bị bỏ hoang cho cỏ dại. Tất cả còn sót lại chỉ là những nền xi măng của những ngôi nhà hay những barrack đã bị phá hủy hoặc bị tháo gỡ tận gốc nằm kế bên một phi đạo hoang vắng dài ngun ngút. Hình ảnh của một phi trường bận rộn với hàng trăm chiếc phi cơ đủ loại lên liên tục lên xuống cùng những tàu chiến neo đầy mặt biển nay không còn nữa. Người bạn đồng minh đã tháo chạy từ mấy năm trước, để lại sau lưng một cuộc chiến chưa kết thúc. Gần sáu chục ngàn sinh mạng người lính Mỹ đã hy sinh, sau khi đã đổ xuống xứ sở này hàng trăm tỷ đô la.

    Đang thả hồn theo cảnh vật bên dưới, chợt phía bên trái, sát nách chiếc trực thăng tôi đang bay lù lù xuất hiện một chiếc phi cơ quan sát ở cùng cao độ. Trên phi cơ chất đầy người như cá hộp, năm bảy cái cẳng mang bốt đờ sô thò hẳn ra bên ngoài cánh cửa bên hông, nửa đóng nửa mở. Phía trước cockpit, cái nón bay trắng của anh hoa tiêu lấp ló giữa những cái đầu đen lúc nhúc. Hai anh em chúng tôi trố mắt nhìn, miệng há hốc! Không biết anh phi công này đã vô tình hay cố ý "trình diễn" cho tôi biết rằng anh đã "(Không quân) không bỏ anh em, không bỏ bạn bè" trong lúc ly loạn, không giống như tôi đã bay một chiếc tàu trống rỗng, ngay cả mê vô xạ thủ cũng không có? Hình như màn "trình diễn" đã xong, chiếc phi cơ "quá tải" này từ từ qua mặt chúng tôi rồi biến mất sau những cụm mây trắng xóa!

    Phi trường Phan Rang mờ ẩn trước mặt, tôi đổi tần số radio, chuẩn bị đáp.
     
    ****

    Xem tiếp phần 2
    Last edited by Thần Tượng; 02-26-2010, 02:35 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X