Thông báo

Collapse
No announcement yet.

NHỮNG NGƯỜI HIỀN PHỤ -Kha Lăng Đa

Collapse
X

NHỮNG NGƯỜI HIỀN PHỤ -Kha Lăng Đa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • NHỮNG NGƯỜI HIỀN PHỤ -Kha Lăng Đa

    Xin phép được đăng bài thật cảm động của Siêu Đại Cồ Kha Lăng Đa.



    NHỮNG NGƯỜI HIỀN PHỤ
    ***
    Kha Lăng Đa


    Tôi có ý định tìm gặp anh Viện, thương phế binh Không Quân Việt Nam Cộng Hòa nhân chuyến về cố hương lo việc hôn nhân cho con trai tôi. Trước kia, tôi không quen thân với anh Viện như nhiều người lầm tưởng. Sở dĩ tôi muốn gặp anh vì hoàn cảnh bi đát của gia đình anh hiện tại do một Việt kiều kể lại cho tôi nghe sau lần người ấy về thăm xóm cũ, làng xưa.
    Tôi đã giúp đỡ vài anh em Không Quân còn kẹt lại ở Việt nam. bây giờ anh Viện cũng đáng thương và đáng giúp đỡ như những chiến hữu kém may mắn kia. Biết được người cùng sắc áo, màu cờ của mình đang lâm cảnh khốn cùng trong địa ngục trần gian, dưới ách thống trị của quỷ đỏ mà tai ngơ, mắt lấp thì chắc chắn tôi sẽ bị hình phạt của “Tòa án lương tâm”. Nhứt định tôi sẽ vận động bằng hữu của tôi giúp đỡ anh Viện theo tiếng gọi của tình thương “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”. Chuyện của anh Viện, tôi nhớ đi nhớ lại hoài để mà xót xa cho một người lính trẻ đã trở thành một kẻ phế nhân trong khi anh đang ấp ủ nhiều ước vọng tốt đẹp cho tương lai.
    Đầu tháng 3 năm 1975 là thời điểm của Pleiku đang quằn quại dưới áp lực của địch quân, anh Viện đang sửa chữa đường dây điện cao thế trong Sư đoàn thì bị Việt Cộng pháo kích. Một quả đạn rơi gần chỗ anh làm việc, mảnh pháo ác nghiệt đã chặt đứt cánh tay trái của anh, hai mảnh khác ghim vào trán và miệng làm gãy hai răng cửa, hai mảnh xuyên vào sườn và nách thấu tận phổi, một mảnh lớn sớt ngang mông trái làm mất thịt, để lộ xương ra ngoài. Anh Viện bất tỉnh, được đưa vào Quân Y Viện Pleiku để cứu chữa. Trong lúc anh đang được điều trị thì Sư Đoàn VI Không Quân - Pleiku nhận lệnh di tản chiến thuật. Anh được đưa về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Vết thương bị nhiễm trùng chưa lành thì anh phải xuất viện vì biến cố ngày quốc hận 30-4-75.
    Từ đó, anh sống trong chuỗi ngày đau khổ, cùng cực với thê nhi. Gia đình anh bị chính quyền Cộng sản phân biệt đối xử, đứng bơ vơ tủi nhục bên lề xã hội đầy dẫy những áp bức, bất công. Vợ anh phải chịu nhọc nhằn, làm nghề trồng trọt nhờ một mảnh đất của người láng giềng, vất vả múc từng gàu nước dưới giếng sâu để tưới rau, cải vì đó là những mầm sống của gia đình được chị săn sóc cho tươi tốt. Trước kia, chị Viện là một người con gái mồ côi cha mẹ, có lẽ nhân duyên do tiền định nên chị đã yêu và trao thân, gởi phận cho chàng thương phế binh đáng thương này. Chị phải tần tảo sớm hôm để nuôi chồng và ba đứa con thơ, một mình chị quán xuyến mọi việc trong nhà vì anh Viện nay yếu, mai đau, không chia sẻ phần gian lao với chị được. Trời còn không thương bắt chị mang bệnh ung nhọt trong ruột, phải nằm bệnh viện để giải phẫu. Sau khi xuất viện, chị bị mất sức, không làm việc nặng nhọc được như trước nữa. Chị phải ngậm ngùi giã từ những luống đất, mạch sống của gia đình để đi xin làm phụ bếp cho một tiệm ăn. Một hôm, chị bưng một nồi canh lớn từ trên bếp xuống, nhưng rủi ro trợt tay, bị nước canh đổ xả xuống làm phỏng cả hai đùi. Chị lại phải nằm nhà thương, chồng con cam chịu đói khổ khi thiếu bàn tay săn sóc của chị. Cảnh nhà lâm vào cùng cực, anh Viện phải đi bán vé số để mưu sinh qua ngày.
    Trong ba đứa con của anh, có một đứa tên Quang, học rất gỏi, đang theo học lớp Tám. Anh Viện muốn cho nó ăn học thành tài, nhưng nhà quá nghèo túng nên anh chỉ ước mong được sự giúp đỡ của những người hảo tâm để cháu Quang theo đuổi việc học hành cho đến ngày đỗ đạt, thành danh. Học bổng của nhà nước Cộng sản đã mấy lần không cấp cho con của anh và chương trình “xóa đói giảm nghèo” của chế độ độc tài , mị dân cũng không “chiếu cố” đến gia đình anh, chỉ vì anh thừa điều kiện nghèo túng nhưng bị kỳ thị vì mang gốc “Ngụy”. (Cái chữ “Ngụy” này nếu đem chụp lên đầu đảng Cộng sản bán nước, hại dân, độc ác , gian manh, bôi nhọ lịch sử dân tộc, phản bội nòi giống Lạc Hồng, đã cắt đất của giang san gấm vóc đem hiến dâng cho phường cẩu trệ Trung cộng ở Bắc phương mới đúng chớ, tại sao lại gán ghép cho người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa Tự Do, Dân Chủ, có chính nghĩa sáng ngời từ lâu). Tôi muốn giúp cho cháu Quang học tập đến khi được công thành danh toại, nhưng trong số bạn bè tôi có người góp ý:
    - Tôi ngại rằng anh giúp nó trở thành một cán bộ nhà nước Cộng sản bóc lột nhân dân thì anh là người “nối giáo cho giặc” đấy!
    Người bạn của tôi nói rất hữu lý khiến cho lòng tôi thêm ưu tư, rôi rắm, nhưng tôi tin tưởng những đứa con trung hiếu sẽ noi theo truyền thống của cha, ông chúng nó. Tôi đem chuyện đứa con trai đầu lòng của tôi lúc còn học lớp 9 ở Việt Nam nói cho bạn tôi nghe: nó nhất định không chịu quấn “khăn quàng đỏ” nên lúc thi chuyển cấp lên lớp 10 thì bị đánh rớt dù nó học từ lớp 1 đến lớp 9 luôn đạt danh hiệu “học sinh tiên tiến”. Chuyện này tôi không hề xúi giục nó.
    Lúc tôi sắp về cố quốc là khoảng thời gian gần đến ngày Tết dương lịch. Tôi đã mở cuộc lạc quyên và được một số bạn bè thân thiết hưởng ứng, đóng góp tiền để cứu trợ bước đầu cho gia đình anh Viện. Anh tổng Hội Trưởng Tổng Hội Không Lực việt Nam Cộng Hòa cũng trích quỹ của Tổng Hội gởi thêm cho anh Viện. Số tiền tuy không nhiều lắm, nhưng thể hiện được tình thương của những “cánh chim biệt xứ ”đối với chiến hữu ngày xưa, cho câu “lá lành đùm lá rách” và “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” được sơn son thếp vàng giữa xã hội đầy dẫy sự nhiêu khê, nghĩa nhân đảo lộn, sự thật xuống giá, điêu ngoa, giả dối leo thang!
    Vì quá bận rộn trong ngày đầu tiên về cố hương, ở nhà trọ một người chị bà con bên vợ, gần cầu Sài Gòn nên tôi không đến gặp anh Viện được. Vả lại, tôi không biết rõ lộ trình và e ngại sự đến thăm của tôi sẽ làm cho chính quyền địa phương để ý, nghi ngờ anh Viện. Tôi phải gọi người hàng xóm mà anh Viện nhờ số điện thoại để cho tôi liên lạc với anh. Tôi hẹn anh đến gặp tôi vào buổi sáng hôm ấy, nhưng đến chiều tối ngày hôm sau anh mới đến được bằng chiếc xe đạp già nua, cũ kỷ của anh, dưới “ghi đông” có treo lủng lẳng một chai nước lã để giải lao. Tôi mời anh vào nhà, hỏi thăm hiện trạng của gia đình anh và trao cho anh số tiền tình nghĩa. Anh cảm động thốt lời cảm ơn tôi và tất cả anh em. Tôi hân hoan khi nghĩ đến anh cùng thê nhi sẽ hưởng được một cái Tết ấm no, hạnh phúc, có đầy đủ hương vị của ngày đầu Xuân. Đó là nguồn an ủi cho một con người bất hạnh như anh, như trận mưa rào tưới mát vùng đất khô cằn, nứt nẻ vì hạn hán lâu ngày. Tôi hứa sẽ vận động thân hữu mạnh thường quân giúp anh đạt được ý nguyện cho đứa con trai học hành đến nơi đến chốn.Anh vui mừng, đôi mắt như giăng màn lệ mỏng. Tôi tiễn anh ra về vì trời đã tối, đường về Cát Lái lại khá xa xôi. Anh đạp xe lên dốc cầu rồi khuất dạng phía bên kia. Tôi nhìn dòng xe cộ tấp nập như đàn kiến chạy hỗn loạn vì vỡ tổ mà lo lắng cho anh. Tôi tự trách mình tại sao không đến tận nhà anh, lại nở để anh với thân thể tật nguyền mà phải lặn lội đến tìm tôi. Nếu rủi ro anh bị tai nạn dọc đường thì tôi sẽ ân hận vô cùng. Sáng sớm hôm sau, tôi gọi điện thoại hỏi thăm người hàng xóm của anh, biết được anh về đến nhà an toàn, tôi mới trút được nỗi lo âu.
    *
    Người phế binh thứ hai mà tôi cùng vợ và con trai tôi đến thăm là cựu Đại Úy Trương CôngTấn, là bạn cùng đơn vị với tôi ngày trước ở Phi Đoàn 122/Không Đoàn 74 Chiến Thuật/ Sư Đoàn IV Không Quân, Cần Thơ. Nhà anh ở đường Nguyễn Trãi, gần Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia ngày trước. Đi bằng phương tiện xe taxi, tôi và vợ con tôi phải vất vả lắm mới đến nơi được vì đường bị kẹt xe, tắc nghẽn ở nhiều đoạn. Xe gắn máy, xe đạp lấn át cả xe hơi và như muốn chồng lên nhau, mạnh ai nấy chạy, bất chấp luật lệ lưu thông. Thật rõ ràng Cộng sản xài luật rừng trên nhiều lãnh vực. Người Việt ở Mỹ về nước, hay người ngoại quốc đến, chắc ít người dám lái xe. Ngồi trong chiếc xe taxi mà tôi phập phồng lo sợ tai nạn sẽ đến bất cứ lúc nào. Hằng ngày ở Sài Gòn xẩy ra mấy chục tai nạn lưu thông, theo lời người tài xế nói cho tôi biết.
    Chúng tôi xuống xe, tìm số hẻm dẫn vào nhà anh Tân. Đến đầu hẻm như trong địa chỉ đã ghi, tôi bảo vợ con tôi dừng lại sau lưng một người đàn bà ngồi bán thuốc lá vì tôi đoán là vợ của anh Tấn. Nhưng, tôi không tìm được nét quen thuộc nào trên dung nhan tiều tụy, già nua của người ấy. Hình như biết được có người đang nhìn lén mình, người đàn bà ấy vội quay lại và nhận ra vợ tôi trong thoáng chốc. Chị đứng bật dậy, gọi tên vợ tôi, vợ tôi cũng gọi tên chị rồi hai người bước tới, ôm nhau mà nghẹn ngào, ứa lệ. Tôi xúc động nhìn chị Tấn trong diện mạo như một bà lão bảy mươi tuổi.
    Đã hai mươi bảy năm xa cách, kể từ ngày quốc hận đau thương, tôi không ngờ hình dung của chị Tấn đổi thay đến nỗi tôi nhận không ra chị nữa. Sự sầu khổ, gian truân của cuộc sống bấp bênh đã tàn phá nét đẹp thanh xuân của chị. Tôi bỗng hồi tưởng lại vào một đêm họp mặt tất niên cuối cùng của đơn vị rất đầm ấm, sum vầy, chị Tấn đẹp duyên dáng trong chiếc áo dài màu vàng, và tôi còn nhớ hôm ấy chị đeo chuỗi hạt huyền óng ánh trên cổ, mái tóc mây buông thả xuống bờ vai. Bây giờ còn đâu vóc dáng thanh tân của mùa Xuân năm cũ.
    Sau giây phút chạnh lòng, chị Tấn đẩy cái tủ đựng thuốc lá có gắn bánh xe và dẫn chúng tôi vào nhà cách đầu hẻm khoảng năm mươi thước. Anh Tấn ngồi trên chiếc xe lăn vui mừng chào đón tôi và vợ con tôi. Chúng tôi ngồi trên cái giường độc nhứt đóng bằng ván tạp để hàn huyên, tâm sự với vợ chồng anh Tấn. Căn nhà chật chội khoảng mười thước vuông đủ kê một cái giường, còn thừa một khoảng trống để những vật dụng lỉnh kỉnh và cái xe đựng thuốc lá. Cuối nhà là khuôn nhà bếp và... “toa-lét” đâu lưng nhau! Cũng may mắn cho chị Tấn và hai đứa con, một trai, một gái còn có thêm được cái gác để nằm nghỉ lưng ban đêm. Hôm chúng tôi đến, hai dứa con của anh chị Tấn đã đi làm thuê, kiếm tiền phụ giúp mẹ cha. Anh Tấn không thay đổi nhiều, chỉ khác ngày xưa là anh đã bị bại liệt cả hai chân sau tai nạn phi cơ L19 mà phi hành đoàn là anh và Trung úy Nguyễn Văn Thân bị trúng đạn của địch quân, rớt xuống đất ở đầu phi trường Long Xuyên trong ngày 30-4-75 khi máy bay từ “mạch gió ngang” (base) quẹo vào “cận tiến” (final) để đáp. Tôi đã chứng kiến thảm cảnh này xẩy ra ngày hôm ấy. Tôi đã huy động được mấy người đến cấp cứu, phải khó khăn lắm mới lấy xác của Trung úy Thân ra ngoài được vì phi cơ cắm xuống đất bị gãy cánh và bẹp lại khiến phi công bị vỡ sọ não, gục chết trên cần lái. Anh Tấn ngồi ở ghế quan sát viên phía sau, bị cụp xương sống, đau đớn quằn quại, rên la. Tôi đã nhờ anh em Địa Phương quân phòng thủ phi trường đưa anh Tấn và xác anh Thân vào bệnh viện Long Xuyên.
    Sau này, nghe bạn bè kể lại, chị Tấn phải dắt hai đứa con thơ và đặt anh Tấn nằm trên vỉa hè của phố chợ Cần Thơ để hành khất, sống qua ngày khi bị Việt Cộng đuổi ra khỏi cư xá Sĩ quan trong khi bạn bè đã tan hàng, rã ngũ, kẻ ra hải ngoại, người bị cầm tù. Chị Tấn bơ vơ không biết nương tựa vào đâu. Rồi chị lần dò đưa chồng con về Sài Gòn và sống bằng nghề bán vé số. Tội nghiệp cho chị đã chịu bao nỗi đoạn trường, cay đắng của cuộc sống để nuôi dưỡng người chồng tàn phế và và hai đứa con thơ dại. Cao cả thay cho chị, với tấm lòng thiết thạch, thủy chung đã đẩy xe lăn cho chồng suốt hai mươi bảy năm qua để phải héo gầy thân xác, đánh mất tuổi xuân. Do sự tiết lộ của một người bạn, tôi được biết thỉnh thoảng anh Tấn nổi cơn bực dọc, buông lời lẽ nặng nề với chị. Nhân ngày tái ngộ, tôi đã dùng đòn tâm lý để mong anh Tấn phải đối xử tốt với chị:
    - Anh Tấn à! Sở dĩ anh em bè bạn cũ của đơn vị cũ mình ở hải ngoại còn nghĩ đến gia đình anh vì họ cảm mến chị Tấn đã hy sinh cho anh và và hai cháu rất nhiều. Anh trở thành phế nhân khi chị Tấn còn trẻ. Nếu không phải là bậc vợ hiền, biết thương yêu chồng con, chị Tấn đã “ồm cầm sang thuyến khác” lâu rồi chớ không theo đẩy xe lăn và săn sóc anh đến ngày hôm nay đâu! Trong ngày nước mất nhà tan, có nhiều người không may mắn như anh, người ta coi đó cũng là chuyện thường mà thôi, nhưng tấm gương của chị Tấn là một tấm gương hiếm có trên cõi thế gian này, nhứt là trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện tại, dân nghèo phải chạy xuôi, chạy ngược để kiếm ra tiền vì tiền là mạch sống, là tất cả. Tôi nói có đúng không, anh Tấn?
    Anh Tấn có vẻ xúc động, ngập ngừng trả lời:
    - Anh nói đúng lắm, xin cám ơn anh.
    Tôi trao cho anh Tấn số tiền đã quyên góp được của bằng hữu Không quân hảo tâm và bạn bè thuộc Phi Đoàn 122 ngày trước, cộng thêm số tiền của Tổng Hội Không Lực Việt Nam Cộng Hòa gởi cho anh. Sau khi chụp hình lưu niệm vơi anh, chị Tấn, chúng tôi từ giã ra về, vì còn bận đi thăm bà con và thân hữu khác để kịp về thăm lại miền đất ngoài Long Khánh, nơi mà tôi đã “cuốc đất đêm trăng” trong chuỗi ngày cơ cực, lầm than để nuôi sống gia đình, lúc mới ra khỏi trại tù.
    *
    Khi chúng tôi đến thăm cô Phương, bạn thân của vợ tôi thì biết được tin tức chị Thân. Sau khi anh Thân chết trong tai nạn phi cơ ở Long Xuyên giữa ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, chị Thân đưa ba đứa con thơ về tá túc dưới cầu thang của một chung cư ở đường Lê Văn Sỹ (Trước kia là đường Trương Minh Giảng), sống bằng nghề giữ xe đạp, xe gắn máy và giặt giũ quần áo cho những người ở trong chung cư. Lúc ấy tôi đã bị giam cầm trong trại tù, và vợ tôi về nương náu với gia đình người cô ruột ở Căn Cứ 2, gần khu Rừng Lá trên đường ra Phan Thiết và cùng cô Phương đi buôn than, củi, ngũ cốc trên những chiếc xe than, luôn tìm đủ mưu mẹo để qua mắt hay vượt được các trạm kiểm soát ác nghiệt của bọn công an Việt Cộng. Cô Phương biêt được chị Thân vì nhà cô ở gần nơi tạm trú của chị Thân. Vơ tôi đã nhiều lần tiếp tế lương thực cho mẹ con chị Thân. Nhưng, khi gia đình tôi được đi đinh cư ở Mỹ theo diện HO khoảng một năm thì mất liên lạc với cô Phương và chị Thân. Đến tám năm sau, vợ tôi mới bắt liên lạc được với cô Phương và biết tin chị Thân vẫn còn ở chỗ cũ. Vợ tôi và vài thân hữu cũ góp đước một số tiền, gởi cho cô Phương, nhờ chuyền đến cho chị Thân. Chị Thân nhận tiền và nói với cô Phương:
    - Tôi cám ơn chị đem tiền đến cho tôi, nhờ chị chuyển lời cho tôi cám ơn những chị em còn nhớ đến tôi. Tôi có một đứa con gái mới theo chồng về Mỹ, ở California, chắc nó sẽ giúp đỡ tôi. Xin các chị đừng gửi tiền cho tôi nữa.
    Tôi mừng cho chị có được nguồn cung cấp tiền bạc trong tuổi già. Chắc chị sẽ không còn cực nhọc, đi làm thuê cho người ta nữa. Nhưng khi gặp lại cô Phương, thì được biết đứa con gái của chị Thân ra đi biền biệt, hai năm qua chỉ gởi cho chị một trăm “đô la” mà thôi! Chị lại phải vất vả làm nghề cũ để nuôi thân.
    Cô Phương dẫn tôi và và vợ con tôi đến nơi cư trú của chị Thân dưới cầu thang của một chung cư. Những người hảo tâm đã làm cho chị một cái phòng đủ kê một cái giường và một cái tủ nhỏ. Trên đầu tủ là bàn thờ với di ảnh của anh Thân. Trong cuộc tái ngộ bất ngờ, chị Thân vui mừng mà đôi dòng nước mắt rưng rưng. Chị nói rất chân thật:
    - Thấy anh Lịch, em nhớ ông xã của em quá!
    Tóc của chị nay đã bạc gần hết cả mái đầu, thân hình thì hơi mập, nhưng không phải là mập mạnh mà là một thứ mập bủng beo, bịnh hoạn. Tôi xúc động nhớ lại những năm tháng cùng chiến đấu với anh Thân trong đại gia đình Phi Đoàn 122 – Thần Tiễn. Tôi nhớ tổ ấm của anh chị Thân ở gần nhà tôi trong cư xá Thanh Diệp của Sư Đoàn IV Không Quân, mỗi lần cỡi xe Honda từ đơn vị về nhà, tôi phải chạy ngang trước sân nhà của anh chị Thân, lần nào ba đứa con (sinh năm một) của anh Thân đang nô đùa trước ngõ, tưởng cha nó về, cùng chạy ra đón, nhưng khi thấy tôi, chúng nó vẫy tay với tôi. Tôi nhớ cái xe bán bánh mì thịt của chị Thân ở trước nhà và chị ngồi bán cả ngày, tôi là “thân chủ ruột” của chị. Sáng nào tôi cũng ăn bánh mì của chị trước khi đi bay. (Người ta ca tụng lính Không Quân hào hoa phong nhã chứ biết đâu chúng tôi đã cùng vợ con sống cảnh thanh bần để hiến thân mình cho “Tổ Quốc Không Gian”. Chúng tôi ngồi trên phi cơ gặm bánh mì, uống nước trà đá để bay yểm trợ hành quân là việc rất thường. Nhớ lại ngày đau thương, tôi đem xác anh Thân ra khỏi chiếc phi cơ lâm nạn để đưa vào bệnh viện Long xuyên, tôi bỗng nghe nghẹn ngào cổ họng, vội bước tới bàn thờ, thắp một nén nhang trước di ảnh người bạn hiền cùng chung màu cờ, sắc áo với tôi.
    Trải qua bao sóng gió của cuộc đời, chị Thân vẫn một dạ sắt son, thủ tiết, thờ chồng nuôi con cho đến ngày khôn lớn. Đức tính cao quý của chị sáng đẹp mãi như mảnh trăng thề mà chị đã cùng anh Thân hẹn ước năm xưa. Kể từ cái ngày người ta gọi là “đổi đời”, biết bao gia đình tan nát vì chế độ lao tù của Cộng sản được ngụy danh bằng “chính sách khoan hồng nhân đạo”.
    Vì không dự tính trước nên số tiền tôi giúp đỡ chị Thân là của vợ chồng tôi và phần tiền của Tổng Hội Không Lực VNCH chớ không có tiền đóng góp của bạn bè. Tôi rất cảm động khi nghe chị Thân nói chị bị bịnh phải cắt bỏ túi mật trong gan và một lần chị vấp ngã phải nằm bệnh viện. Ngày nay, vết thương ở chân trái đã lành, nhưng thịt bị khuyết vào một đường sâu oắm bằng ngón tay. Chúng tôi kiếu từ chị Thân để ra về mà lòng vẫn còn mang nặng nỗi xót thương.
    Khi chúng tôi ngồi vào một chiếc taxi để về Tân Cảng thì trời Sài Gòn bỗng đổ mưa chiều. Phố đã lên đèn. Dòng xe cộ chen chúc nhau, khiến tôi cảm thấy như mình đang bị ngộp thở. Cái mỹ danh “Hòn Ngọc Viễn Đông” của Sài Gòn thuở trước chắc đã bị lu mờ trong khung cảnh hỗn độn và lạc hậu này!
    Về gác trọ đêm ấy, tôi nằm suy nghĩ miên man về cuộc đời. Chuyện ba người vợ hiền của ba chiến hữu Không Quân của tôi ngày trước thật đáng làm tấm gương sáng giữa xã hội yêu cuồng, sống vội, nền luân lý Á Đông như khung trời bị nhạt nhòa bởi những cơn mưa dầm của lối sống duy vật và hiện sinh. Ngày xưa, nàng Mạnh Quang đời nhà Hán ở Trung Hoa nổi tiếng là yêu kính chồng, nhưng tôi dám nói rằng chị Viện, chị Tấn, và chị Thân không thua kém người đàn bà kia vì nàng Mạnh Quang cùng chồng sống trong sự an bình, không gặp biến cố nào để thử thách dạ sắt son, còn ba chị phải trải qua bao bất trắc, bao giông tố của cuộc đời mà vẫn bền lòng thiết thạch, thủy chung. Lòng dạ con người chỉ đo được trong biến cố, đó là sự đo lường chính xác. Trong cảnh sống bình lặng, như một dòng sông êm trôi thì ai đo được lòng ai. Dù phải sống với số kiếp nghèo hèn, chị Viện, chị Tấn và chị Thân vẫn chấp nhận để giữ cho tròn bổn phận, tròn đạo lý đối với chồng con. Cuộc sống của các chị, người ta có thể cho là vô vị, nhưng biết đâu sự hy sinh, nhẫn nại và cam chịu... của các chị là niềm vui, là hạnh phúc để sống với chồng, con cho trọn một kiếp người .
    KHA LĂNG ĐA


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X