Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện kể từ huyện gò quao, tỉnh kiên giang

Collapse
X

Chuyện kể từ huyện gò quao, tỉnh kiên giang

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện kể từ huyện gò quao, tỉnh kiên giang

    CHUYỆN KỂ TỪ GÒ QUAO, KIÊN GIANG

    Minh Quang, California

    Năm 2003, tôi đi làm ăn ở một xã thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Trước năm 1975, xã này thuộc quận Kiên Hưng tỉnh Chương Thiện (tỉnh lỵ là Vị Thanh). Tỉnh Chương Thiện này cũng được biết đến nhiều với chuyện Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng bị Chính quyền Cộng Sản xử bắn sau ngày 30/4/1975. Thời chiến tranh, trong các tỉnh của Vùng 4, Chương Thiện là một trong những nơi mà Cộng Sản hoạt động khá mạnh vì nằm giáp với vùng Chiến khu U Minh Thượng.

    Trong thời gian làm việc ở Gò Quao, lúc rảnh rỗi tôi thường hay ngồi nói chuyện với các ông già bà lão về đủ thứ chuyện của địa phương, đặc biệt là những chuyện của thời chiến tranh, cái thời mà tôi chỉ còn là một thằng con nít chỉ biết ôm vở đến trường. Họ kể rằng trước năm 1975, xã này là nơi tranh tối tranh sáng, “ngày Quốc Gia đêm Cộng Sản”; và có khi ban ngày cũng là Cộng sản luôn nếu như lính quốc gia không đi tuần tiễu. Ngày ấy cuộc sống của người thường dân như họ khổ lắm. Ban ngày thì lính Quốc gia đi tuần, bảo vệ an ninh xã ấp nhưng ban đêm thì Cộng Sản mò về, thu thuế, thu lương thực, dụ dỗ (có khi bắt buộc) thanh thiếu niên mới lớn theo họ vào du kích, khủng bố những gia đình có cộng tác với Chính phủ Quốc gia, và lâu lâu thì bắt dân vào rừng đi làm dân công tải đạn, tải gạo có khi cả tháng trời mới cho về...

    Đây là vùng Miền Tây sông nước nên các giang thuyền của lính Mỹ thường chạy tuần tra trên sông. Có lần, một chiếc thuyền bị đặc công Cộng sản đánh chìm, vài ngày sau có xác một người lính Mỹ nổi lềnh lềnh trên sông nhưng không ai dám vớt. Thế rồi một người nông dân lớn tuổi “có gan” vớt và đem lên xã cái xác người lính Mỹ “trương phình to như chiếc chiếu”. Xã báo lên quận, quận báo lên tỉnh, rồi người ta đưa một chiếc trực thăng về rước người nông dân và cái xác người lính đồng minh đi. Những người nông dân trong vùng lo cho số phận của người nông dân kia dữ lắm. Họ hỏi nhau: “ông ta có bị bỏ tù không? Có bị giết hay không?”

    Không, không bị bỏ tù, không bị giết! Người nông dân và cái xác người lính Mỹ đồng minh được đưa lên Sài Gòn. Ông nông dân được Chính phủ VNCH khen ngợi và được hứa thưởng điều mà ông ta muốn. Người nông dân này không cần đất, không cần tiền, chỉ xin 3 cái giấy miễn dịch cho 3 người con trai; và thỉnh cầu này của người nông dân đã được chấp thuận (?)

    Nghe kể đến đây tôi thực sự ngạc nhiên và không tin được. Tại sao chính phủ lại có thể chấp thuận một thỉnh cầu như vậy? Đây là câu chuyện kể của một bà lão gần 60 tuổi vào năm 2003 (bây giờ 2019 thì khoảng 75 tuổi). Cụ bà này kể thật hay là xạo? Quý Vị nghĩ xem: một cụ bà nhà quê, có thể dựng lên một câu chuyện như vậy được không? Vì vậy, các Bác các Chú đang đọc những dòng này và đã sống trong thời kỳ đó có ai nghe được vụ việc này không thì xin xác nhận giùm !

    Và sau đó số phận người nông dân già này ra sao? Bà lão kể tiếp: Một đêm nọ, Cộng Sản vào nhà trói, bịt mắt và dẫn ông đi. Vài tháng sau, ông ta được thả về, bộ dạng thất thần và xơ xác; ông ta sống cô lập và rụt rè cho đến ngày 30/4/1975.

    Một chuyện nữa cũng ở xảy ra tại làng này trong những ngày mà Chương trình Bình định và Phát triển Nông thôn được triển khai rộng khắp trên Miền Nam. Một người thiếu uý trẻ gốc Miền Trung được điều về một trung đội Địa Phương Quân đóng trong vùng. Cùng với các viên chức chính quyền trong xã, viên thiếu uý mở một lớp học cho trẻ con trong vùng; thầy giáo chính là viên thiếu uý. Có lẽ thấy không có lợi cho họ, Cộng sản lên kế hoạch bắt cóc hoặc giết viên thiếu uý này. Một ngày nọ, mấy tên du kích Việt cộng mai phục trong bụi cây bên ngoài lớp học và chờ thời cơ để hành động. Rủi thay cho chúng, một học sinh đi ra bụi cây để bẻ một cây roi cho thầy. Đứa trẻ thấy nên la toáng lên, cuộc mai phục bị bại lộ. Tuy bị bất ngờ, nhóm du kích Việt cộng vẫn tìm cách tiếp cận người thầy giáo nhưng đám học trò nhỏ vừa hoảng sợ, vừa yêu thầy nên bu quanh lấy ông thầy vì vậy nhóm du kích không bắt được mà cũng không bắn được. Vừa lúc đó, một toán lính Địa Phương Quân đi tuần cũng vừa đến. Súng đạn bắt đầu nổ. Lo ngại cho tính mạng của lũ học trò nhỏ, ông thầy bảo bọn trẻ chạy về nhà với cha mẹ còn mình thì nhảy xuống mương nước cạnh lớp học; cây súng Colt và giáo án vẫn còn để trên bàn. May mắn thay, hôm đó, toán lính Địa Phương Quân đã cứu được người sỹ quan của họ.

    Như đã nói ở trên, đây là chuyện kể lại của một người phụ nữ già chân chất ở miền quê sông nước. Minh Quang tôi tự nghĩ một bà già như vậy khó mà nói xạo một câu chuyện như vậy, mà xạo để làm gì? Chính vì vậy, tôi viết lại câu chuyện này để Quý Vị thấy được một hình ảnh đẹp của người quân nhân VNCH và biết đâu có thể viên thiếu uý trẻ đáng kính kia (nếu còn sống sót được sau cuộc chiến tranh đau thương của dân tộc, bây giờ cũng đã 70 rồi) sẽ đọc được những dòng chữ đang viết về mình để tự hào cho một thời trai trẻ đã quên mình cho sự nghiệp “bảo quốc an dân”. Và với tôi, tôi vẫn luôn biết ơn những người lính ấy !


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X