Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trang Trại Thuyền Nhân Nơi Cuối Trời

Collapse
X

Trang Trại Thuyền Nhân Nơi Cuối Trời

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trang Trại Thuyền Nhân Nơi Cuối Trời

    Trang Trại Thuyền Nhân Nơi Cuối Trời



    Có thời gian dài nghỉ lễ cuối năm, Đạm rủ người bạn gốc Tây Ban Nha ở đại học làm một chuyến viễn du tận Nam Mỹ. Từ Texas cả hai bay đến San Paolo, thăm xứ sở của vũ điệu Samba và khu rừng Amazone nổi tiếng ở Brazil ít ngày. Sau đó họ theo một chuyến xe buýt đến thủ đô Buenos Aires của nước láng giếng Argentina rong chơi và xem các thắng cảnh ở đây rồi cả hai vượt qua dãy Andes hùng vĩ đến thủ đô Santiago của Chile nằm bên bờ nam Thái Bình Dương. Theo kế hoạch Chile sẽ là điểm cuối cùng trong chuyến du lịch này nên anh và Hector quyết định sẽ nghỉ chân lâu nhất tại đây. Túi tiền sinh viên thì không nhiều nhưng thời gian thì thỏa thuê. Cả hai lại đi khắp hang cùng ngỏ hẻm thăm thú những nơi ghi dấu các bước chân đi chinh phục của đoàn quân viễn chinh Tây Ban Nha sau cùng phải dừng lại bên bức tường nước khổng lồ của đại dương. Đạm và Hector đều có thể nói tiếng Tây Ban Nha nên chuyến đi của họ không gặp phải trở ngại về ngôn ngữ. Gia đình Hector gốc Costa Rica nên trông anh ta đi đứng ăn nói rất thoải mái.
    Chán với cảnh đường xá xe cộ ở thủ đô, máu phiêu lưu của hai chàng trai trẻ tìm đường đi về phía nam. Trước khi quay về Texas họ quyết tâm phải nhìn thấy eo biển Magellan, nơi đoàn tầu của nhà thám hiểm này vượt qua lần đầu để khám phá ra Thái Bình Dương.
    Chuyến xe buýt đường dài đưa họ đến thành phố Valdivia. Ở đây, vào một buổi sáng lúc cả hai ngồi thưởng thức café trong một quán bên lề đường của một con phố cổ. Ông chủ quán khá lớn tuổi nhân lúc vắng khách đến ngồi nói chuyện với Hector và anh. Sau khi hỏi họ từ đâu đến, đã đi qua bao nhiều quốc gia ở Nam Mỹ, dự tính ở đây bao lâu … Ông ta nhìn Đạm một lúc và mỉm cười hỏi:
    -Anh là người Hàn quốc hay Đài Loan ?
    -À không, tôi là người Việt Nam
    -Gia dình anh đến Mỹ lâu chưa ?
    -Gia đình tôi vượt biên rồi đến sống ở Texas lúc tôi được mười ba tuổi
    Ông chủ quán gật gù với vẻ hiểu biết nói
    -Vậy ra anh là thuyền nhân. Thời đó chúng tôi có theo dõi tin tức Việt Nam trên báo và ti-vi. Thật là những con người can đảm khi đối đầu với sóng gió biển cả đi tìm tự do bằng những con thuyền nhỏ mỏng manh. Ở Chile chúng tôi rất hiểu các bạn vì quân đội đã từng nổi lên dẹp tan chính quyền mác xít vài chục năm trước
    Đạm và Hector hiểu là ông ta đang nói tới tướng Pinochet lật đổ tổng thống Allende năm 1973. Đột nhiên ông chủ quán hỏi cả hai
    -Đến Valdivia rồi hai anh định đi đâu kế tiếp ?
    Hector nhìn ông ta đáp:
    -Chúng tôi đi về phía nam đến eo Magellan
    -Xa vậy ư, nhưng kể ra hai anh đã đến Chile thì cũng nên đến nơi đó. Tôi cũng đã từng chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ ở vùng biển hoang sơ cực nam đó
    Hector và Đạm lộ vẻ ngạc nhiên. Hector nói
    -Vậy ư, nơi gặp nhau của hai đại dương
    Ông già chủ quán mỉm cười đáp
    -Đúng vậy, đó là một nơi nổi tiếng
    Đang lúc hào hứng vì gặp được anh và Hector để nói chuyện về đất nước Chile, ông chủ quán chợt nhớ ra điều gì đó hay ho nên nhìn Đạm
    -Tôi nhớ ra rồi, cách đây năm năm khi tôi đến thăm trang trại của người bạn thân ở gần Puerto Aisen rồi từ đó ông ta chở tôi đi về phía nam để đến Punta Arenas bên eo biển Magellan. Trên đường đi ông ta chỉ cho tôi một trang trại có cái tên rất lạ với những ngôi nhà cất trên sườn đồi gần một con sông nhỏ và nói đó là trang trại của những người thuyền nhân Việt Nam
    Hector vỗ vai anh vài cái rồi đưa ngón tay cái lên trời
    -Vậy là anh có thể gặp đồng hương ở đó rồi
    Đạm mỉm cười
    -Cám ơn
    Người chủ quán tốt bụng nói thêm :
    -Tôi sẽ cho hai anh địa chỉ trang trại của ông bạn tôi ở Puerto Aisen để phòng khi cần được giúp đở trên đường đi
    Hector lịch sự cúi đầu đáp
    -Cám ơn ông rất nhiều
    Ông ta còn chỉ dẩn thêm cho họ chổ mua vé xe buýt và những điều cần thiết trên lộ trình kéo dài nhiều ngày đi về phía nam.
    Sáng sớm hôm sau anh và Hector mua vé lên ngồi trên chuyến xe chở đầy người chạy về phương nam. Hành khác đa số là người Chile nhưng Đạm thấy có vài khuôn mặt Châu Á, có lẻ là người Nhật, Hàn quốc … vì lúc này đang là thời điểm du lịch, thời tiết hầu như ấm áp ở nam bán cầu.
    Chiếc xe đến nơi vào lúc chiều tối. Họ tìm được một khách sạn nhỏ rất sạch sẽ rồi vào một quán gần đó ăn uống lấy sức. Sau đó dạo một vòng qua những con đường yên tĩnh và quay về khách sạn.
    Trước khi đi ngủ, Hector và Đạm nói chuyện về chuyến đi ngày mai và đồng ý sẽ ghé qua trang trại được ông chủ quán café ỏ Valdivia giới thiệu. Nếu tiện đường thì sẽ thăm trang trại của gia đình thuyền nhân người Việt Nam bên con sông nhỏ.
    Buổi sáng cả hai trả phòng sớm đồng thời hỏi đường đến trang trại kia. Cô gái có nước da hơi ngăm ngăm ngồi ở quầy tiếp tân tận tình chỉ cho họ cách đến đó bằng xe buýt hoặc xin quá giang những chiếc xe khác vì nó ở cách thành phố độ hai mươi cây số.
    Gần đến trưa anh và Hector bước qua cái cổng gổ có treo tấm bảng viết tên nông trại bị phai mầu và cũ kỹ vì thời gian. Trong cái sân lớn dưới bóng những cây cao, họ gặp một chàng thanh niên đang đứng bên chiếc xe vận tải nhỏ. Hector xin gặp ông chủ trại, người thanh niên ra dấu bảo chờ ở đây rồi anh ta đi vào dãy nhà gần đó. Một lúc sau, người thanh niên lúc nãy xuất hiện với một người đàn ông trạc tuổi với ông chủ quán café ở Valdivia. Nghe Hector nói tên người giới thiệu, ông ta nở nụ cười dưới bộ ria rậm rồi mời cả hai ngồi vào chiếc bàn gổ thông dầy dưới hàng hiên ngôi nhà. Hector nói họ đi du lịch ngang qua đây và mục đích cuối cùng là đến thành phố Puntas Arenas để xem eo biển Magellan. Chỉ vào đồng hồ đeo tay, ông ta nói trưa rồi mời Hector và Đạm ăn trưa và nghỉ ngơi. Cả hai được đãi bữa trưa ngon lành có thịt trừu nướng và rượu nho làm tại nông trại. Chủ nhà cho biết trong khu vực này có nhiều trại nuôi gia súc, số khác là trại trồng rừng khai thác gỗ. Đạm hỏi ông ta về cái trại của người Việt Nam quanh đây, ông ta gật đầu nói nó cách đây khá xa và ở bên bờ một con sông. Khi biết Đạm là người Việt, ông ta hỏi chuyện rất kỹ về nguyên do gia đình anh phải bỏ nước ra đi. Cuối câu chuyện ông chủ trại gật gù nói gia đình Việt Nam ở cái trại đó cũng có lý do tương tự như anh. Hớp ngụm rượu trong chiếc ly thủy tinh, ông chủ trại tốt bụng nói với anh và Hector là sau khi ăn uống rồi nghỉ ngơi, ông ta sẽ gọi một công nhân chở họ đến trang trại của gia đình thuyền nhân Việt Nam kia.
    Độ mười lăm phút sau, chàng thanh niên họ gặp lúc mới đến đây vào buổi sáng xuất hiện cùng chiếc bán tải. Anh và Hector bắt tay cám ơn chủ nhà rồi bước lên xe. Mặt trời đã qua đỉnh đầu khi họ ra khỏi cổng trại đi về phía nam. Gần xế chiều thì chiếc xe vượt qua cây cầu trên con sông rồi rẽ trái về hướng những ngọn đồi thấp phủ đầy cây xanh. Dừng lại bên cái cổng gổ, người thanh niên gật đầu chào rồi chỉ tay về con đường chạy giữa những hàng cây cao to. Cả hai bước xuống, Đạm nhìn tấm bảng của trang trại tên “ Long Khánh ” đóng chắc chắn vào cây cột. Đi bộ vào tới sân rộng bên trong giữa hai dãy nhà, ba người đàn ông đứng gần những con ngựa nghe tiếng chó sủa liền quay về phía con đường. Anh nhận ra hai người, một già một trẻ có khuôn mặt của người Á Châu. Hector bước đến giới thiệu :
    -Chúng tôi đến từ Texas, đi du lịch ngang qua đây và ghé vào thăm trang trại trước khi đến Puntas Arenas
    Lúc bắt tay người đàn ông lớn tuổi Châu Á, Đạm hỏi ông ta bằng tiếng Tây Ban Nha:
    -Tôi được biết trang trại này là của một người Việt Nam ?
    -Đúng vậy, gia đình tôi đến từ Việt Nam
    Anh mỉm cười và đổi qua tiếng Việt
    -Chào chú, tôi tên Đạm đến Mỹ từ Việt Nam
    Đôi mắt ng đàn ông chăm chú nhìn anh một lúc rồi đáp
    -Tôi tên Bách
    Hai người Việt ở trang trại nhìn nhau tỏ vẻ ngạc nhiên với nụ cười trên môi. Người thanh niên Việt Nam có mái tóc dài bắt chặt tay anh và chỉ người đàn ông tên Bách nói :
    -Tôi tên Hùng, đây là ba tôi, anh này là công nhân làm ở trại tên Miguel … Hân hạnh biết anh Đạm và bạn anh
    Mọi người bắt tay nhau lần nữa và bổng nhiên không khí trở nên cởi mở vui vẻ. Đích thân Hùng dẫn anh và Hector vào phòng khách và hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha
    -Hai anh uống gì, ở đây trà hay café đều có … café nhé ?
    -OK
    Anh ta vào căn bếp và cầm hai cốc café trên tay theo sau là một người phụ nữ Chile trẻ :
    -Đây là vợ tôi, Isabella … Tôi còn công việc ngoài kia chưa xong nên phải ra làm tiếp. Café còn trong bếp hai anh cứ tự nhiên nhé hoặc nhờ vợ tôi lấy hộ. Bữa tối chúng ta sẽ nói chuyện nhiều hơn
    Hùng đưa tay chào rồi đi ra cửa, cô vợ quay trở vô bếp. Còn lại anh và Hector ngồi bên cốc café đen bốc khói trong căn nhà tường xây bắng đá và gỗ mát mẻ giữa mùa hè nam bán cầu. Hết cốc café, cả hai đứng dậy bước ra dưới hàng hiên một lúc rồi Đạm xuống bậc tam cấp theo con đường đi về phía bờ sông. Anh dừng lại dưới bóng hàng cây cao xum xuê mọc cạnh dòng nước trong vắt chảy miên man qua những hòn đá cuội. Không khí thanh vắng và tinh khiết của vùng bán sơn địa bao trùm xung quanh. Khi bước chân đến lục địa này, Đạm không nghĩ mình sẽ gặp được những người đồng hương ở đây. Cuộc trốn chạy đi tìm tự do đã đưa những người Việt lạc bước muôn phương, kể cả gia đình anh bỏ lại Saigon, mạo hiểm lên con tầu gổ mong manh vượt biển ra đi. Trong ánh chiều tà, anh chậm chậm quay về. Dưới hàng hiên Hector đang ngồi nói chuyện với Hùng và Miguel trên băng ghế. Họ đang nói chuyện về công việc ở trang trại. Đạm ngồi xuống chổ trống gần Hector lắng nghe Hùng giải thích về trồng rừng và những bầy gia súc nuôi ở đây. Cuối câu chuyện, anh ta dừng và hỏi anh :
    -Anh vừa ra xem bờ sông ?
    -Tôi vừa đến đó, nước sông trong quá, cây cối dọc bờ lên xanh tốt
    -Con sông là ranh giới với trang trại kế bên, hàng cây đó được gia đình tôi trồng lúc mới đến đây. Anh ở thành phố nào của tiểu bang Texas ?
    -Tôi và Hector ở Dallas. Gia đình tôi từ trại tị nạn được đến định cư ở đó
    Hector vui vẻ góp chuyện
    -Tôi là người Costa Rica đến Mỹ học đại học. Anh đến Mỹ bao giờ chưa ?
    -Chưa, nhưng chúng tôi cũng hay nói chuyện về nước Mỹ
    Hector mỉm cười giơ ngón tay cái lên trời khiến cả hai người ở trang trại mỉm cười theo.
    Isabella xuất hiện ở ngưỡng cửa nhà bếp ra dấu cho Hùng. Anh ta mời họ vào dùng bữa tối. Tất cả mọi người ở trang trại tề tựu quanh chiếc bàn ăn. Ngoài những người anh đã gặp, còn có người em trai của Hùng tên Đức và một công nhân khác tên Pablo. Thức ăn nóng và rượu vang miền nam cộng bầu không khí thân thiện làm anh thấy ngon miệng. Đức vẫn còn độc thân chưa có vợ nhìn anh và Hector nói lớn:
    -Lúc hai anh đến đây, tôi và Pablo đang ở trong rừng xem những khu sắp đến lúc đốn hạ để xẻ gổ. Nghe ba tôi nói hai anh ở Texas, tôi cũng thích nơi đó lắm. Chắc có nhiều cô gái Việt Nam ở đó phải không ?
    Nghe Đức hỏi, ai cũng cười trừ ông Bách vẫn ngồi ăn uống và trầm ngâm nhìn quanh. Đạm biết câu hỏi dành cho mình nên gật đầu:
    -Ở Dallas và Houston, Texas thì cộng đồng người Việt khá đông, các cô gái Việt Nam cũng nhiều
    -Có ai nói tiếng Tây Ban Nha không ?
    -Đa số nói tiếng Anh, nhưng tiếng Tây Ban Nha vẫn có nhiều người sử dụng như tôi và Hector
    Đức ngồi tựa lưng nhẹ ra phía sau mỉm cười hóm hỉnh :
    -Một người biết tiếng Tây Ban Nha làm nghề trồng rừng như tôi không biết có cô gái Việt Nam nào ở Texas chịu lấy tôi không ?
    -Đức hay nói với tôi là thích các cô gái Việt Nam, không muốn lấy vợ ở đây – Pablo nói
    Hector cười rồi gục gặc đáp:
    -Nếu anh đến sống ở Texas thì có lẻ các cô sẽ chịu. Texas rất rộng lớn, anh mua đất rồi làm một trang trại như ở đây
    Hùng cười nhìn anh và Hector. Mọi người trong trang trại có vẻ ủng hộ ý định của Đức. Đạm gật đầu nói:
    -Texas có ngành nông nghiệp rất phát triển, anh Đức có dịp đến Mỹ thì tôi và Hector chở đi khắp nơi cho biết
    -Đạm sẽ giới thiệu các cô bạn Việt Nam cho anh. Họ thích người khỏe mạnh và làm việc giỏi
    Câu chuyện kiếm vợ Việt Nam của Đức làm bữa tối sôi nổi. Riêng ông Bách thì chẳng có ý kiến gì mà chỉ chăm chú ăn uống. Isabella hướng về phía Đạm và Hector
    -Chú Đức rất siêng năng và giỏi nghề trồng rừng, nhiều cô gái Chile ở đây rất ái mộ anh ấy, trong khi anh ấy lại thích vợ Việt Nam
    -Sau chuyến đi này của chúng tôi, anh đến thăm Texas nhé – Hector dạm hỏi
    Anh ta hơi chồm về phía trước với vẻ hăng hái đáp
    -Đồng ý, như vậy tôi có nhiều hy vọng rồi, dù sao thì có anh Đạm và anh là người Texas
    -Biết đâu tôi cũng sẽ đi với anh đến Texas, người Mễ ở đó cũng đông … - Pablo nói thêm
    -Còn tôi thì muốn ở đây, nhưng nếu có dịp chúng tôi sẽ đến Mỹ cho biết – Hùng nói và cười với cô vợ ngồi kế bên
    Tạm dừng lại, anh ta hỏi ông Bách ngày mai có muốn đi xem eo biển Magellan không, nhưng ba anh lắc đầu. Hùng nói
    -Sáng mai tôi lái xe đưa anh Đạm và Hector xuống Punta Arenas. Đức và những người còn lại coi sóc công việc trang trại. Hai anh nghỉ ngơi đi, tôi đi chuẩn bị vài thứ để sáng mai chúng ta khởi hành sớm
    Sáng ngày mai, ăn sáng và uống café xong, cả ba lên xe rời trang trại. Hùng giải thích do đoạn đường đi dài nên sẽ chia làm hai chặng. Trên xe đã chuẩn bị đầy đủ đồ dùng nên chiều tối họ có thể dừng lại ở một địa điểm nào đó giữa đường để nghỉ qua đêm rồi hôm sau tiếp tục chuyền du hành. Chiếc xe chạy trên quốc lộ quanh co giữa phong cảnh rộng lớn của đồi núi và biển cả. Hùng vừa lái vừa chỉ cho anh và Hector những địa danh họ đi qua. Đến cuối buổi chiều họ vượt được hơn nửa đường một tí. Hùng dừng xe lại trên một rẻo đất cao và bằng phẳng bên một vụng biển nhỏ vắng vẻ. Dựng lều xong, Đạm và Hector nhóm lửa nấu bữa tối và pha một ít café. Ăn uống xong, họ ngồi uống café và ngắm cảnh hoàng hôn đang dần xuống trên mặt biển phía tây. Bóng đêm xuống nhanh trên bầu trời phương nam tinh khiết điểm những ngôi sao nhỏ li ti. Hùng có vẻ mỏi mệt nên chào anh và Hector đi ngủ sớm.
    Sau một đêm ngủ ngon giữa khung cảnh mát mẻ yên tĩnh, chiếc xe lại lăn bánh dưới ánh ban mai còn lờ lững trên dãy núi cao xa xa về bên trái. Đến trưa sau bữa ăn, Hector thay Hùng ngồi vào tay lái chạy tiếp đoạn đường còn lại. Buổi chiều thì họ đến Punta Arenas nằm bên eo biển Magellan. Sau khi ghé vào một cây xăng đổ đầy bình và bước vào cửa hàng bách hóa kế bên mua thêm vài thứ. Từ đó Hùng chạy đến một bải biển ở ngoại ô thị trấn nơi anh đã từng đến vài lần. Cả ba xuống xe đứng nhìn vùng nước xanh xám lăn tăn sóng từ gò đất cao.
    -Eo biển Magellan – Hùng chỉ tay ra khoảng không phía trước mặt nói
    Hector đưa ngón tay cái lên trời rồi nhìn Hùng và Đạm cười. Ở đây những cơn gió mang vẻ hoang dã khi nó thổi từ đông sang tây đẩy dòng nước vào Thái Bình Dương. Cả ba bắt tay vào dựng lều và nhặt củi khô về nhóm lửa. Dưới bầu trời chạng vạng và ánh lửa bập bùng, mọi người ăn uống rất ngon kèm với bia Chile. Nắng bụi trên đoạn đường xa xôi vụt tan biến giữa khung cảnh bát ngát nam bán cầu. Sau khi no bụng, Hector nằm ngửa mặt im lặng nhìn lên bầu cao bên trên. Hùng dựa lưng vào chiếc ghế xếp hỏi anh:
    -Ở Việt Nam, gia đình anh Đạm sống ở đâu ?
    -Ở Gia định gần chợ Bà Chiểu cho tới lúc vượt biên. Ba tôi là sĩ quan làm trong lục quân công xưởng Gò Vấp. Sau chiến tranh cũng phải đi học tập mất ba năm ở miền trung. Còn gia đình anh ở đâu ?
    -Nhà tôi ở thị xã Long Khánh, ba tôi là cán bộ xây dựng nông thôn làm việc trong tỉnh. Gia đình má tôi ở Phú nhuận nên thỉnh thoảng dịp hè cũng đi xe đò về thăm ông bà ngoại ở đó. Lúc vượt biên gia đình anh đến đâu ?
    -Chiếc ghe đi thẳng xuống Mã Lai rồi được kéo vô đảo. Nhờ ba tôi là sĩ quan đi học tập về nên gia đình được Mỹ cho định cư
    Hùng uống một hớp bia rồi nhìn về phía mặt biển. Trong ánh lửa bùng to lên vì những cơn gió mạnh vừa thổi qua, anh ta cầm khúc gổ dài khêu đám củi đang cháy làm những đốm đỏ li ti bay lên trên không rồi nhìn anh nói:
    -Nhà anh vậy là may mắn. Chuyến đi của gia đình tôi thật là nguy hiểm. Tôi xin kể cho anh Đạm nghe về chuyến vượt biên này. Sau ngày 30/ 4, gia đình tôi rời thị xã Long Khánh về làm rẩy ở một xã giáp ranh hai tỉnh Bình thuận và Bà Rịa vì ba tôi có mua một miếng đất ở đó từ mấy năm trước. Ba tôi chì là viên chức nhỏ nên không đi học tập nhưng chính quyền địa phương cũng làm khó dễ. Lúc đầu làm rẫy nhưng không đủ ăn, ba tôi tìm người quen là đồng đội cũ làm trên ghe đánh cá ở Bình thuận để mua cá khô, mắm ở đó đem về bán ở Long Khánh. Chỉ còn Đức và đứa em gái đi học, tôi và bà chị lớn ở nhà phụ mua bán nhưng cũng rất khó khăn vì công an xét chận bắt đủ thứ. Những năm đó mấy khi tôi về Saigon thấy không khí buồn bả quá, đói khát cực khổ nên ai cũng nói đến chuyện vượt biên. Nhờ trời phù hộ, năm sáu năm liền việc buôn bán từ Bình Thuận về Long Khánh trót lọt tuy cũng có lúc phải đút lót cho các trạm dọc đường. Ba tôi từ đó cũng quen biết nhiều mối có ghe muốn móc nối vượt biên, nhưng ông ngần ngừ chưa muốn ra đi. Cho đến khi tôi bị kêu đi nghĩa vụ vào bộ đội qua Miên nên phải trốn về Saigon, ba tôi quyết định đưa cả nhà vượt biên. Do quen nhiều người có ghe đánh cá nên gia đình tôi gồm sáu người và gần hai chục người khác ra đi vào cuối năm trên một chiếc ghe chắc chắn có đủ thức ăn, nước và dầu cho một chuyến đi dài. Nhờ che dấu kỹ lưỡng nên chiếc ghe khởi hành êm thắm từ bờ biển Bình Thuận vào giữa khuya. Nương theo gió đông bắc nó xuôi về phía tây nam. Khi ra gần đến hải phận quốc tế ngoài khơi Bà Rịa, mọi người vui mừng lên bong hò hét vì tưởng sẽ đi thoát nào ngờ bị một chiếc đánh cá quốc doanh phát hiện đuổi theo. Chiếc ghe vượt biên xả hết tốc lực bỏ chạy ra xa. Sau khi rượt theo bất thành, trên ghe kia liền nổ súng làm vài người trên ghe chúng tôi chết và bị thương, trong đó có tái công chính và chị gái tôi trúng đạn vào lưng. Cuối cùng ghe chúng tôi thoát được. Hai người chết được bỏ xuống biển, ba người bị thương thì được băng bó. Vỏ ghe cũng bị hư hỏng nhưng không trầm trọng lắm, còn hai máy thì bị hư mất một cái lớn, chuyến đi vì vậy vẫn tiếp tục. Tài công phụ vì sợ tầu biên phòng nên tránh xa bờ lái về đông nam. Được hai ngày sau thì máy nhỏ bị hư luôn nên ghe bắt đầu trôi về phía nam. Năm đó gió đông bắc thổi mạnh nên xuất hiện nhiều cơn bão làm mưa to sóng lớn bủa vây chiếc ghe. Lênh đênh thêm gần mười lăm ngày, lương thực cạn dần, thân ghe cũng rệu rã vì sóng gió đánh liên tục, nước bắt đầu thấm vào nhiều hơn. Hai nguời bị thương yếu dần vì nhiễm trùng rồi chết. Mẹ tôi có bệnh tim nên cũng không chịu nổi dù đã đem theo thuốc men. Cuối cùng bà cũng ra đi. Từ lúc đó ba tôi ngồi thu mình hay nằm im lặng trong góc hầm vì buồn bã sau cái chết của chị và mẹ tôi. Vài ngày sau, biển hết sóng gió, trời trong sáng hơn rồi một ghe đánh cá thấy ghe tơi tả trôi trên biển nên họ chạy tới. Vài người đàn ông da đen sạm bước qua nhìn cảnh đói khát ốm o của chúng tôi nên họ để yên và cho một ít thức ăn và nước ngọt. Người tài công phụ hỏi vùng biển này là đâu thì họ trả lời là đảo Kalimantan, Indonesia. Sau khi chiếc ghe đánh cá kia bỏ đi, ghe vượt biên của chúng tôi lênh đênh thêm ba ngày nữa thì gặp một chiếc tầu buôn lớn đi ngang qua. Đó là một tầu Chile trên đường đến Singapore sau khi dở hàng xuống một bến cảng ở đông Indonesia . Họ dừng lại và cứu chúng tôi. Thật là may mắn vì nếu trôi dạt thêm một thời gian nữa là mọi người sẽ kiệt sức mà chết. Tất cả là gần hai mươi ngày kể từ lúc rời Việt Nam. Đến Singapore vì không được nước nào nhận vào trừ những gia đình có thân nhân ở Mỹ được bảo lãnh. Có hai gia đình theo tầu về định cư ở đây từ ngày đó. Gia đình kia sau vài năm sống trong trang trại kế bên, họ xin định cư ở nước khác.
    -Anh còn cô em gái nữa phải không ?
    -Ừ, bây giờ lấy một nhà buôn gổ Nhật và đang sống ở thành phố Valparaiso. Đứa con trai tôi cũng gửi lên đó học. Còn Đức thì rất muốn đến Mỹ vì ở đây rất ít người Việt, có thể sau một thời gian nữa nó sẽ ra đi. Ba tôi thì lại muốn sống ở đây nên tôi cũng khó quyết định. Nghề trồng rừng và nuôi gia súc cũng sống được
    Hector ngóc đầu lên nhìn qua nói
    -Ở đây đẹp nhưng vắng vẻ quá, anh và gia đình đến thăm Texas một chuyến sẽ thấy nước Mỹ có đông đúc người Việt hơn
    Punta Arenas như nằm trên đầu mũi dao đâm sâu xuống vùng đất cực nam, nơi hội tụ những luồng gió đến từ các biển lớn xung quanh nên từ lúc đến đây lúc nào Đạm cũng nghe có tiếng vi vu nhẹ nhẹ trong đêm tối. Tự do đúng là một món hàng quý hiếm mà khó báu vật nào trong đời người có thể sánh nổi. Những thuyền nhân như anh và Hùng phải bỏ cả quê cha đất tổ thiêng liêng để tìm kiếm.


    Vũ Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X