Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Điều Bí Ẩn Của Một Hộp Đen

Collapse
X

Điều Bí Ẩn Của Một Hộp Đen

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Điều Bí Ẩn Của Một Hộp Đen

    ĐIỀU BÍ ẨN CỦA MỘT HỘP ĐEN


    Thông thường con người ta vốn rất thích được khám phá những điều bí ẩn.
    Càng bí ẩn bao nhiêu thì lại càng "hấp dẫn" bấy nhiêu!
    Tò mò ư? Không phải đâu! Chỉ là khơi gợi sự khám phá, và cả trí tưởng tượng phong phú nữa.

    Vì thế trên cuộc đời này có biết bao nhiêu điều bí ẩn, của thiên nhiên, của con người, và của cả...máy móc. Ví dụ như mỗi phi cơ đều có một chiếc HỘP ĐEN. Đó là một thiết bị được thiết kế "siêu" cứng cáp để bảo vệ bộ nhớ bên trong lưu trữ các dữ liệu quan trọng của chuyến bay hầu giúp các nhà điều tra truy tìm nguyên nhân khi cần kíp.

    Nói đến "phi cơ", bỗng dưng tôi lại liên tưởng ngay đến "phi công" và chợt nghĩ đến "cựu phi công" Bắc Đẩu Võ Ý, một người cậu văn bút của tôi. Trong bài viết "Biệt Đội Uýnh Lộn", tôi nhớ cậu Ý đã nêu ra những so sánh về sự khác biệt giữa "phi cơ" và "phi công". Tuy nhiên đối với tôi, một người "nhi nữ thường tình" và vốn chỉ chuyên…"là đà dưới đất", tôi cảm thấy vô cùng... khó hiểu về ngôn ngữ chuyên môn của người cậu "con nhà chim trời" này, chỉ xin mạn phép trích nguyên văn ra đây để các bác, các chú Không Quân may ra có thể kiểm chứng giúp.

    Cậu Ý đã "dziết" như sau:

    “Thì có gì huyền bí đâu, đó chẳng qua là sự khác biệt giữa phi cơ và phi công. Thử nghiên cứu mấy điều khác biệt căn bản như sau:

    Một là, phi cơ thích đáp sân quen (cho ăn chắc). Ngược lại, phi công thích đáp sân lạ. Mackeno cái chuyện lạ, vì trước lạ sau quen, có gì mà sợ chứ? Về điểm này, cứ hỏi mấy vị “lái phi công” thì sẽ rõ!

    Hai là, phi cơ thích đáp sân bê-tông nhẵn thín (cho khoẻ re con tàu). Còn phi công thì thích sân cỏ gập ghềnh có điểm xuyết tí cỏ gà (để chứng tỏ sức lực của...người phi công). Còn chuyện an toàn như thế nào thì đã có Trung Tâm Giám Định Y Khoa và các ông đốc-tờ phi hành lo liệu.

    Ba là, trước khi cất cánh, phi cơ cần đổ đầy xăng, còn phi công lại xả cho hết xăng.

    Bốn là, trước khi đáp, phi cơ giảm tốc độ bằng cách giảm vòng quay chong chóng, hay còn gọi là vòng RPM, ngược lại phi công thì tăng nhịp đập của tim, để tăng tốc độ khi đáp!

    Năm là, khi đáp xong, phi cơ xếp cánh cản, còn phi công thì ra cánh cản để phè...cánh nhạn!

    Sáu là, khi đáp, phi cơ chạm bánh phi đạo phát ra âm thanh kít kít, còn âm thanh của phi công thì tuỳ từng phi đạo!

    Bảy là, phi cơ càng lên càng nhỏ, ngược lại, phi công càng lên càng lớn!

    Tám là, chín là, v.v...”

    Hi hi…

    Tuy nhiên, tôi tin chắc 100% rằng có một điều... không khác biệt!
    Đó là nếu như mỗi "phi cơ" đều có một HỘP ĐEN thì chắc mỗi "phi công" cũng vậy!
    Và chắc chắn là mỗi chiếc "HỘP ĐEN CỦA PHI CÔNG" đều lưu trữ biết bao nhiêu những "dữ liệu quan trọng" hay "lý lịch dọc ngang" của một cuộc đời "Hào hoa dưới đất - Hào hùng trên không".

    Thế mà hôm nay, chiếc HỘP ĐEN của người cậu Cựu Phi Công thân mến của tôi đã được " khai phá" và "giải mã" dưới tay một đội ngũ chuyên viên đặc biệt để trở thành "Tuyển Tập Bắc Đẩu Võ Ý" gọn gàng, xinh xắn, chân thành, dễ đọc và đảm bảo không... khó hiểu tí nào!

    HỘP ĐEN đó sẽ được trình làng trưa Chủ Nhật ngày 27 tháng 1/2019 tại Golden Sea Restaurant, Anaheim, Cali trong tình gia đình, tình đồng đội-đồng môn và thân hữu.

    Nếu như các bác, các cô chú độc giả muốn...khám phá cho thoả mãn những điều …muốn khám phá hoặc kiểm chứng trí tưởng tượng phong phú của mình về chiếc HỘP ĐEN đặc biệt này thì xin hãy bỏ chút thì giờ đến đó hoặc liên lạc trực tiếp với tác giả.

    Kính mong các bác, các cô chú ...thích thú!

    Nguyễn Diễm Nga - K17/2
    (Cố Thiếu Tá KQ Nguyễn Tiến Đức, CSVSQ VBQG)






  • #2
    Tản Mạn Tuyển Tập Bắc Đẩu Võ Ý ( TTBĐVY).

    Tuyển Tập Võ Ý (TTBĐVY) gồm những bài Võ Ý (VOY) ưng ý nhất, độc giả sẽ hài lòng nếu không quá khó tính, còn lính tráng chúng tôi đọc là thích ngay. Chúng tôi thích cách trình bày và lối viết, khi thì giản dị, lúc cầu kỳ nhưng chúng tôi đều hiểu VOY muốn ám chỉ điều chi, VOY viết thay cho chúng tôi những điều chúng tôi muốn viết mà không viết được.

    Ai đã từng trấn thủ lưu đồn Cao Nguyên Đất Đỏ, cái xứ nắng bụi, mưa bùn, địa danh mà ông “bút tre” nào đó diễn tả: “Mây Pleiku như sương mù bao phủ, mưa Bờ-Lê-Cu...dài giằng giặc, giăng khắp núi đồi” thì phải tìm đọc “Ma Lực Của Pleiku”.

    Tất cả những gì hay đẹp mà các văn thi sĩ ca tụng Pleiku thì VOY đem vào đây hết, TTVY không thể nào hay hơn nữa được.

    Đọc bài “Ma Lực Của Pleiku” xong thì dẫu đang gật gù tuổi hạc ở hải ngoại cũng muốn bay về chốn cũ để cùng VOY nhớ lại những lúc run run tai nghe tiếng pháo kích, còn miệng thì lầu bầu cầu xin:

    Một quả pháo kích rơi là thấp thỏm lo âu cầu khẩn.

    Nó rơi xuống rồi nó nổ, kệ nó, ta cười phủi bụi rồi đứng dậy, sáng Chủ Nhật ra phố làm tô bún bò, nhâm nhi vị đắng café và ngắm những “hột bắp” của má đỏ môi hồng:

    ...người Pleiku nhớ mông lung giọt cà phê Dinh Điền một sáng Chủ Nhật mưa bay, nhớ cái cay hít hà xé miệng của tô bún bò nhà xác...
    ...nhớ những hột bắp dẻo mà thơm của em Pleiku má đỏ môi hồng...


    Bún bò cay hít hà xé miệng là ngon rồi, nhưng cớ sao VOY không dẫn độc giả đến nơi nào khác mà lại đến “nhà xác”? Ý Ý muốn ám chỉ điều chi thì chúng tôi không hiểu, nhưng khi VOY diễn tả “hột bắp” của em Pleiku dẻo và thơm là chúng tôi hiểu VOY muốn ám chỉ điều gì ngay. Có thể VOY không nghĩ thế nhưng những lính chiến chúng tôi nghĩ thế. Những hột bắp trắng đều như hàm răng, dẻo miệng, thơm “bờ môi”, hở môi cười khoe “hột bắp” khiến chàng Pilot đối diện “lắp-bắp” nói không ra lời!

    “Ma Lực Pleiku” không chỉ có má đỏ môi hồng mà còn đầy đủ công, dung, ngôn hạnh khiến chàng tuổi trẻ tài cao Tam Thể bỏ lại chữ “thọ” nơi đô thị, bãi biển hàng dừa xanh cát trắng mả bay lên “...núi cao,..núi đầy xương” và cũng là chiến trưởng nguy hiểm đầy “xương”. Bạo gan hơn nữa, chàng có thể bay luôn tới “tiền đồn biên giới”, nơi khỉ ho, vượn hú, không có sơn nữ để chàng than van: “Đời ta như cánh chim chiều...”, nhất là vào những buổi “chiều mưa biên giới”, trực thăng tiếp tế không đến được thì chẳng “còn một chút gì để nấu để chiên”! Chàng Tam Thể liều như thế chỉ để đến viết thư và thả thơ nhắn với người lái phi công tương lai rằng:

    Bây giờ ta ở Pleiku/ Thấy xanh đó núi thấy mù này sương
    Núi xanh còn ngỡ phố phường/ Mù sương ngan ngát dễ thường dễ khuây


    Tản mạn, lạm bàn cả ngày cũng không hết chuyện “Ma Lực Pleiku”, xin đọc giả gọi VOY nói tiếp cho nghe còn chúng tôi đi coi vụ “Bắt Cóc Con” xem đầu đuôi thế nào.

    Ngày nay, trên đất tạm dung USA, chúng ta thường nghe những bản tin: “mẹ bắt cóc con, cha bắt cóc con” chứ ở Việt Nam làm gì có những vụ kỳ cục như thế, vậy mà có thật, khi chàng pilot khi nghe mẹ nói:

    - “Ngày mai nhớ chở cháu về cho nội thăm nghe con!”

    Thế là phi công Tam Thể thương mẹ, nhớ vợ con, từ Nha Trang tìm đủ mọi cách bay về Đà Lạt để đem vợ con xuống cho mẹ thăm con dâu, bà nội ẵm cháu, nhưng bất ngờ không thuận buồm xuôi gió nên chàng pilot đành phải “Bắt Cóc Con”...

    ***

    Phi công Tam Thể vội lên gác. Căn gác vừa hẹp vừa cũ kỹ, xuýt nữa va đầu. Bé Tố Quyên đang ngủ ngon lành như thiên thần trong chiếc nôi nhỏ kê sát giường. Tố Tâm nằm nghiêng, mặt xoay vào vách (có lẽ biết chàng về nhưng giả vờ ngủ). Sau một giây ngập ngừng, chàng quyết định đánh thức Tố Tâm.

    - Tâm à, có người ghé nhà nhắn ra phi trường hôm nay không?
    - Mới nhắn lúc sáng, vội quá làm sao có thì giờ chuẩn bị cho kịp!

    Chàng ngỡ ngàng, nhưng cố dằn.

    - Có gì đâu mà chuẩn bị. Chỉ việc ẵm con ra phi trường đúng 2 giờ là anh đưa về Nha Trang. Bà nội đang mong gặp mặt hai mẹ con đó. Chuẩn bị đi ngay vẫn còn kịp.

    Đến lượt Tố Tâm nổi sùng.

    - Anh làm như bắt cóc bỏ đĩa không bằng. Anh không biết Tâm yếu tim sao? Làm sao đủ thì giờ sửa soạn quần áo, giày dép, khăn tã, bình sữa? Hơn nữa cũng phải ghé chợ mua tí quà cho bà con hàng xóm nữa chớ.

    Phi công Tam Thể không chịu đựng nổi, chàng nổi tam bành:

    - Sao rắc rối quá dzậy? Có phải đi dạ hội, đi Tây, đi Mỹ gì đâu mà chuẩn bị kỹ thế?
    Tố Tâm cũng động tâm, tới luôn:
    - Tôi là dzậy! Không chịu nổi thì thôi!

    Đến mức này thì cả hai đều tức hộc máu!

    Một ý nghĩ loé lên trong đầu: “Tôi là dzậy, không chịu nổi thì thôi!” Chàng ngoắc xe lại và bảo bác tài chở hai bố con ra thẳng phi trường Cam Ly. “Tôi là dzậy! Không chịu nổi thì thôi!” Chàng nghĩ đến mẹ mình và bằng lòng việc làm này.


    ***

    Không biết Tam Thể bay bằng gì, thế nào, với ai mà chàng đã đem được cô con gái Tố Quyên về Nha Trang cho mẹ chàng thăm, còn vợ chàng-Tố Tâm, mẹ Tố Quyên ở Đà Lạt lo âu sầu khổ thế nào thì Tam Thể không biết!
    “Hào hoa nhất lính Không Quân”, nhưng cũng liều thật! Mê cù-lũ-tảng-tảng “có một cái quần anh cũng bán đi, sáng mai anh mặc bằng gì? Anh mặc cái áo, anh đi lòm khòm” thì chuyện Tam Thể “bắt cóc con” có thể là có thật.
    Muốn biết thật giả gì thì tìm đọc “Bắt Cóc Con”, nhưng cái cốt lõi nội dung bài này là VOY muốn nhắn gửi đến độc giả về tình thương: Tình thương yêu giữa cha, mẹ, vợ, chồng, con cái rất đáng quý, xin hãy giữ gìn dù cho đôi khi gặp sóng gió.
    Sau khi đi một vòng gần 40 bài về tình lính chiến, tình đồng đội KQ, tình đồng hương, tình yêu nước với đầy đủ “hỉ, nộ, ái, ố, dục” (đĩ đâu mà lắm thế!) v.v.. thì với bản chất thật của người con có hiếu, VOY lại quay về với: “Kỳ Quan Mẹ”.

    ***

    Kỳ Quan Mẹ:

    “...Hẳn quý vị đều biết, trên thế giới có rất nhiều kỳ quan, theo chúng tôi, kỳ quan đẹp nhất trên đời nầy là Kỳ Quan Mẹ.
    “Đi khắp thế gian không ai sánh bằng Mẹ,
    Gian khổ cuộc đời không ai gánh nặng hơn Cha,
    Chi cho bằng cơm với cá, chi cho bằng Mạ với con...”

    Những giây phút cận kề bên Mạ là một trong những giây phút hạnh phúc và an lạc nhất đời. Chúng con thấy bờ giác như ẩn hiện đâu đây... Đạp xe ra chợ mua cháo đậu đen với cá bống kho tiêu cho Mạ ăn sáng, là một hạnh phúc. Tự mình đi chợ mua các thứ về xào mì thật mềm và Mạ ăn và Mạ khen ngon, là một hạnh phúc... Thắp hương trên bàn Phật, bàn vong để Mạ tụng kinh mỗi sáng, là một hạnh phúc. Tắm rửa giặt giũ thuốc thang cho Mạ, là một hạnh phúc.


    ***.

    “Kỳ Quan Mẹ” của VOY cũng là kỳ quan của chúng ta nên tôi copie & paste những lời “Thánh Ca” này, đóng khung và treo lên vách mà không được phép bàn nhăng nói cuội, không được phép để bụi trần che khuất kỳ quan.
    Để kết thúc “Tản Mạn” TTBĐVY, tôi xin mời quý vị cùng VOY tham dự lễ cầu siêu cho Cụ Bà Tâm Thí, với bài viết hay nhất về niềm tin: “Vãng Sanh Cực Lạc”.

    ***

    Chúng tôi tin rằng, khả năng vãng sanh vào hạ phẩm hạ sanh của cụ bà Tâm Thí không còn là điều mơ hồ. Nhưng điều quan trọng mà tôi muốn thổ lộ qua bài viết là, tôi cảm nhận được sự mầu nhiệm trong việc niệm hồng danh Phật A-Di-Đà, cách riêng qua những điềm lành đã xảy ra cho má tôi vừa qua. Đức tin của tôi bắt đầu ươm mầm về “Vãng Sanh Cực Lạc”, coi như tôi gặp duyên lành, là chọn được cho mình một cõi đi về và viết kinh nghiệm chân thật này không phải để tán dương Pháp Môn Tịnh Độ (8) (vì sự hiểu biết của tôi về Phật Pháp không là bao), mà để chia sẻ niềm hạnh phúc lạc với những ai đang thể hiện đạo hiếu (9) làm con với bậc sinh thành của mình…

    Giữa mênh mông đất trời con khấn
    Cảnh giới nào mẹ vẫn vô cùng
    Mẹ nay tôn Phật tại đường
    Mẹ sau, bóng Phật mười phương con nguyền...


    Little Saigon 5/10/2018.
    Captovan

    Comment


    • #3
      PLEIKU: Cà-phê Dinh Điền – Bún Bò Nhà Xác

      Đàn anh Võ Ý viết:

      ...người Pleiku nhớ mông lung giọt cà phê Dinh Điền một sáng Chủ Nhật mưa bay, nhớ cái cay hít hà xé miệng của tô bún bò nhà xác...
      ...nhớ những hột bắp dẻo mà thơm của em Pleiku má đỏ môi hồng...


      Tác giả Captovan bàn:

      Bún bò cay hít hà xé miệng là ngon rồi, nhưng cớ sao VOY không dẫn độc giả đến nơi nào khác mà lại đến “nhà xác”? Ý Ý muốn ám chỉ điều chi thì chúng tôi không hiểu, nhưng khi VOY diễn tả “hột bắp” của em Pleiku dẻo và thơm là chúng tôi hiểu VOY muốn ám chỉ điều gì ngay. Có thể VOY không nghĩ thế nhưng những lính chiến chúng tôi nghĩ thế. Những hột bắp trắng đều như hàm răng, dẻo miệng, thơm “bờ môi”, hở môi cười khoe “hột bắp” khiến chàng Pilot đối diện “lắp-bắp” nói không ra lời.

      * * *

      Như vậy, hẳn là “chàng lính chiến” Captovan chưa từng sống ở Pleiku, cho nên nhân đây người viết xin có đôi dòng về bốn đặc sản của “phố núi cao” mà đàn anh Võ Ý đã hồi tưởng: cà-phê Dinh Điền, bún bò nhà xác, bắp nếp, con gái má đỏ môi hồng.

      Cà-phê Dinh Điền không nằm trong khu phố thị mà ở ven thành phố, đi qua Tòa Tỉnh và Hội Quán Phượng Hoàng khoảng một cây số. Sở dĩ có tên “Dinh Điền” là vì dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, khu vực này là một “khu dinh điền”, tương tự các “khu kinh tế mới” thời cộng sản sau này, có khác chăng là thời Đệ nhất Cộng hòa, người dân được chính phủ hết lòng quan tâm trợ giúp.



      Quán là một căn nhà mái tôn vách ván khá cũ, khách ra vào bằng cả cửa trước lẫn cửa sau, tuy cũng có vài gốc thông bên cạnh nhưng tiều tụy xác xơ chứ không xanh tốt như thông ở Đà Lạt.

      Nhưng cà-phê phin ở đây thì tuyệt hảo, mà nhiều người cho là ngon nhất trên mảnh đất hình chữ S. Giá cả ở đây lại tương đối “kiệm ước” (vì không phải mướn những người đẹp õng ẹo ngồi két và bưng cà-phê) cho nên rất đông khách, hôm nào trời nắng đẹp kê thêm ba bốn cái bàn thấp phía trước mà vẫn không đủ chỗ, cho nên cảnh một ông Đại tá ngồi chung bàn với chú lính không quen biết cũng là chuyện bình thường.

      Không chỉ có người sành điệu ở "phố núi cao" mà giới văn, thi sĩ ở Sài Gòn cũng biết tiếng cà-phê Dinh Điền Pleiku; rất có thể do nhà thơ Kim Tuấn, một người dân Pleiku, quảng cáo không công. Có lần ông Sĩ Phú theo phái đoàn thanh tra của Bộ Tư Lệnh Không Quân ra Pleiku, cứ nằng nặc đòi người viết phải đưa đi uống cà-phê Dinh Điền!

      Thứ đến là bún bò nhà xác. Tương tự cà-phê Dinh Điền, “bún bò nhà xác” cũng được gọi theo... tọa độ: cái quán không tên ấy nằm ở một góc sân sau của Dân y viện Pleiku, gần... nhà xác!

      Bún bò nhà xác tuy không thể so sánh với các quán bún bò Huế nổi tiếng ở Nha Trang, Đà Nẵng, nhưng ở Pleiku nó là nhất.

      Người Pleiku sành điệu ra phố buổi sáng thường ăn phở Hoàng hoặc hủ tiếu ở cái quán nổi tiếng (tự dưng người viết quên mất thương hiệu) nằm đối diện trước cái công viên “mini” ở trung tâm thành phố. Còn bún bò nhà xác thì tới đêm khuya, sau khi vi vút với em ngoài phố, đi nhót ở Hội Quán Phượng Hoàng, nghe nhạc ở các phòng trà Hoàng Liên, Mimosa, hoặc xem phim ở rạp Diệp Kính, Thanh Bình..., mới mò tới, cũng giống như ở Sài Gòn người ta đi ăn cháo khuya vậy.

      Ngày ấy, thỉnh thoảng vợ chồng người viết được ông Lê Bá Định (Liên đoàn trưởng LĐ72 Tác Chiến, rồi Không đoàn trưởng KĐ72 Chiến Thuật) đưa đi ăn bún bò nhà xác trước khi trở về phi trường. Có lần ăn xong, đang lái xe về, ông Định nói... như thật:

      “Nhỏ Nga à (tên vợ người viết), hồi nãy đang ăn, anh thấy một cái ngón tay người trong tô bún nhưng không dám la lên, để mấy em ăn!”

      Nàng rùng mình thét lên sợ hãi, và từ đó không bao giờ dám ăn bún bò nhà xác nữa, bởi dù biết ông Định chỉ dỡn chơi, vốn là người yếu bóng vía, nàng vẫn bị hai chữ “nhà xác” ám ảnh!

      * * *

      Tới đây viết về bắp Pleiku.

      Pleiku tuy đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nhưng lại rất thích hợp với một số cỏ cây hoa mầu, trong đó có hoa dã quỳ (wild sunflower) và bắp.

      Cứ gần tới cuối năm dương lịch, dã quỳ nở rộ, trên trời nhìn xuống nhiều khi chỉ thấy những ngọn đồi, những thảo nguyên phủ một màu vàng bất tận.


      Còn bắp thì trồng khắp nơi, nhưng nhiều nhất, tốt nhất là ở Phú Thọ, một làng Công Giáo cách tỉnh lỵ mấy cây số, nơi có bóng mát giáo đường, cỏ cây hoa lá, tiếng suối reo, cây cầu gỗ..., giống như một ốc đảo giữa lòng sa mạc.

      Ở trong phi trường Cù Hanh cũng có một vườn bắp nho nhỏ của ông quan tư Phạm Bá Mạo (hỗn danh “Cảm Mạo”), Trưởng Đoàn Phòng Thủ, sau này lên Trung tá, giữ chức Không đoàn trưởng Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku, khi di tản đường bộ bị cộng sản bắt cùng với Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang ở Phan Rang. Nhà ông Cảm Mạo ở sát cư xá sĩ quan độc thân nên vườn bắp của ông thường bị “bắp tặc” chiếu cố, khiến ông rất ư là “nực gà” vì cái đám sĩ quan trẻ ba gai dám dỡn mặt ông Trưởng Đoàn Phòng Thủ!

      Trong khi không hiểu tại sao bắp ở đất Pleiku lại tốt, người viết có thể giải thích chắc ăn như... bắp do đâu mà con gái Pleiku má đỏ môi hồng. Dĩ nhiên, hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học.

      Như chúng ta điều biết, hồng huyết cầu trong máu con người có nhiệm vụ thu thập khí oxy (dưỡng khí) trong không khí để điều hành bộ máy tuần hoàn; càng lên cao tỷ lệ oxy trong không khí càng giảm, cho nên do bản năng sinh tồn, hồng huyết cầu phải tự sinh sôi nẩy nở thêm để có thể chu toàn chức năng.

      Nói cách khác, càng sống trên cao, tỷ lệ hồng huyết cầu trong máu con người càng lớn, mà càng có nhiều hồng huyết cầu trong máu thì trẻ con và phái nữ vốn có làn da mỏng, má càng đỏ, môi càng hồng.

      Thành phố Đà Lạt ở độ cao 1,500 m (4,900 ft) cho nên con gái (và con nít) ở xứ hoa anh đào má đỏ môi hồng hết mực. Độ cao của Pleiku chỉ bằng phân nửa Đà Lạt - 740 m (2,420 ft) - cho nên má con gái phố núi chỉ hơi đỏ, môi chỉ hơi hồng.

      Thế nhưng với những người chưa từng sống ở Đà Lạt mà tới Pleiku, trong số đó có nhà thơ Vũ Hữu Định, tác giả bài “Còn một chút gì để nhớ” tới từ thành phố Buồn Muôn Thuở, thì “em Pleiku má đỏ môi hồng” là số một.

      Riêng người viết vốn không thích ăn bắp, và khi thuyên chuyển ra Pleiku đã có sẵn một em gái hậu phương mắt đợi mắt chờ ở Sài Gòn, nên xin miễn bình luận (và bàn lọan) về “...những hột bắp dẻo mà thơm của em Pleiku má đỏ môi hồng...” mà đàn anh Võ Ý đã hồi tưởng.

      Chỉ xin lưu ý độc giả: khác với đám nhà báo chuyên ăn tục nói phét trong đó có bản thân người viết, mấy ông văn sĩ, thi sĩ thường có óc tưởng tượng phong phú hơn người, và có khuynh hướng thi vị hóa cả đến những gì tầm thường nhất trên cõi đời này.

      Thành thử rất có thể vì miệng sướng khoái khi nhai những hột bắp dẻo thơm mà mắt đàn anh Võ Ý bỗng thấy cô bán bắp... má đỏ môi hồng; hoặc ngược lại, vì mê mẩn cô em bán bắp má đỏ môi hồng nên những hột bắp trong miệng chàng bỗng trở nên thơm ngon?!...

      Cũng rất có thể những hột bắp dẻo thơm và em Pleiku má đỏ môi hồng chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng nơi chàng pilot đa tình (?) có tâm hồn thi sĩ (!), từng bị “ma lực của Pleiku” mê hoặc một quãng đời!

      Nguyễn Hữu Thiện
      Melbourne, Úc-đại-lợi, 22/1/2019
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 01-25-2019, 02:40 AM.

      Comment


      • #4
        Cảm ơn chú Nguyễn Hữu Thiện đã viết một bài hay tuyệt vời để "giải đáp thắc mắc" cho cháu về tên gọi đặc biệt của Quán Cà-Phê Dinh Điền và tiệm Bún Bò Nhà Xác trứ danh của "Phố núi cao" Pleiku.

        Nếu cháu có hỏi mẹ cháu, chắc chắn cháu cũng sẽ được giải thích, nhưng không thể nào có cái cảm giác thích thú như khi đọc những điều chú viết. Nhất là khi đọc đến đoạn cuối! Hi hi...Có lẽ chú là "chuyên viên số một" trong việc "phanh phui" và "giải mã" HỘP ĐEN đáng gờm nhất thế giới!

        Cháu kính lời thăm cô Nga (tội nghiệp cô bị hù doạ khi ăn bún bò) và xin kính chúc cô chú cùng quý quyến một mùa xuân Kỷ Hợi dồi dào sức khoẻ và an khang thịnh vượng.
        Last edited by Nguyen Huu Thien; 01-24-2019, 09:25 AM.

        Comment


        • #5
          Ra mắt Tuyển Tập Bắc Đẩu Võ Ý
          THANH PHONG/Viễn Đông Daily News


          Ban hợp ca Võ Bị trong nghi thức khai mạc buổi ra mắt tuyển tập Võ Ý Khóa 17 Võ Bị. (Thanh Phong/Viễn Đông)

          ANAHEIM - Trưa Chủ Nhật, ngày 27 tháng 1, 2019 một buổi ra mắt sách hiếm thấy tại Quận Cam từ nhiều năm nay, hiếm thấy vì số người tham dự quá đông gồm đủ thành phần. “Từ người thân trong gia đình, đồng đội, bạn hữu, từ hội đoàn đến ban hợp ca, từ diễn giả đến người ủng hộ, từ ca sĩ đến nhạc sĩ, từ phóng viên đến chủ bút, từ bài nhận định đến lời giới thiệu tác phẩm, từ nhiếp ảnh đến quay phim, từ mô hình phi cơ 02 Sky Master đến biết bao lọ hoa thắm thiết.” Đó là lời cảm tạ chân thành của tác giả Bắc Đẩu Võ Ý sau buổi ra mắt tuyển tập Bắc Đẩu Võ Ý 2018 tại nhà hàng Golden Sea, thành phố Anaheim, Nam California.

          Bắc Đẩu là tên Phi Đoàn 118 Không Đoàn 72 Chiến Thuật thuộc Sư Đoàn VI Không Quân đồn trú tại Pleiku, mà tác giả, Trung Tá Không Quân Võ Ý là Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118. Nếu gọi theo thời Pháp thuộc thì BĐ Võ Ý là ông Quan Năm. Dưới thời VNCH, Trung Tá là một sĩ quan cao cấp của QL/VNCH còn bọn Việt Cộng đã từng hứng chịu những trận mưa bom từ các phi công của VNCH, trong đó có phi công Võ Ý dội xuống đầu nên chúng cay cú gọi mấy ông phi công là “giặc lái,” và từ sự cay cú đó, Việt Cộng trả thù giặc lái Võ Ý 13 năm trong lao tù (từ 1975-1988).

          Bắc Đầu Võ Ý, tác giả tuyển tập BĐ Võ Ý 2018. (Thanh Phong/Viễn Đông)

          BĐ Võ Ý sinh năm 1940 tại Phú Vang, Thừa Thiên, Huế, tính tới năm nay ông đã gần 80 tuổi nhưng vóc dáng vẫn còn trai trẻ lắm có lẽ nhờ tâm hồn ông lúc nào cũng ham vui, nói chuyện hay pha trò và có duyên kỳ lạ, bảo đảm bà nào, cô nào có dịp nói chuyện với ông một lần thôi là sẽ nhớ mãi, chả thế mà khi Viễn Đông phỏng vấn mấy cô gái Phố Núi Pleiku, hỏi hồi đó ở Pleiku, mấy cô có nghe biết về ông Võ Ý không?
          Bốn cô gái mặc đồ dân tộc đều cười rất tươi trả lời, “Dạ, ở Pleiku ai mà không biết anh Võ Ý, hồi đó tụi em học trường nữ Trung Học Pleiku, sáng nào anh Võ Ý cũng tới cửa trường chúng em, anh đẹp trai lắm, bây giờ vẫn còn đẹp trai.”

          Ông bà Võ Ý (Thanh Phong/Viễn Đông)

          Chúng tôi hỏi, vậy có cô nào lọt vào mắt xanh của ông Võ Ý “đi mây về gió” không? Mấy cô kia chỉ cười không dám trả lời, có lẽ vì thấy phu nhân BĐ Võ Ý đang nhìn.

          Cũng như hàng trăm ngàn thanh niên khác, chàng sinh viên Võ Ý phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung” lên đường vào trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam theo học Khóa 17. Sau đó học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Trung Cấp Không Quân, rồi khóa Tham Mưu Cao Cấp Không Quân trước khi trở thành Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu.

          Để bước vào chương trình ra mắt tuyển tập, BĐ Võ Ý lên sân khấu nói, “Thưa quý vị và các bạn. Buổi sinh hoạt nào cũng có những khuyết điểm, nếu không có khuyết điểm thì buổi sinh hoạt sẽ rất hoàn hảo, vỗ tay.”
          Ông hay có những câu dí dỏm “huề cả làng” như vậy tạo không khí vui tươi cho buổi họp mặt thân tình. Cho buổi ra mắt tuyển tập mà ông gọi là “đầy tháng của đứa con tinh thần,” BĐ Võ Ý đã rất chu đáo trong việc tuyển chọn những người giúp mình trong ban tổ chức, từ cô Nguyễn Diễm Nga, con của cố KQ Nguyễn Tiến Đức (Khóa 17) đã đánh máy và viết bài Thay Lời Tựa cho tuyển tập, cùng với ông Đỗ Mạnh Trường (Chủ bút Đặc San Đa Hiệu) là hai MC, rồi đến các diễn giả cũng được BĐ Võ Ý cân nhắc mời chọn như Luật Sư Đỗ Thái Nhiên (bình luận gia đài TV 57.3) và nhà văn nổi tiếng Phạm Tín An Ninh từ Na Uy qua để giới thiệu tác phẩm.

          Ban hợp ca Phố Núi trong nhạc phẩm “Thị Trấn Mù Sương.” (Thanh Phong/Viễn Đông)

          Thành phần tham dự có bà quả phụ Trung Tướng Nguyễn Xuân Thịnh, gia đình bà quả phụ Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang (cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 6 KQ), ông bà giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (cựu Tư Lệnh Không Quân), các cựu Đại Tá Nguyễn Khoa Điềm (Tiếp Vận KQ), Lê Bá Khiếu (Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi), niên trưởng Võ Văn Tùng, GS Nguyễn Phú, các giáo sư Văn Hóa Vụ trường Võ Bị QGVN: Trần Huy Bích,Vĩnh Đương, Nguyễn Ngọc Bội), Giáo sư Trần Văn Ân (Quân Sự Vụ Trưởng), các giáo sư từng là thầy của BĐ Võ Ý thời học Trung Học: GS Trần Tuệ, Lữ Bá Diệp; cựu Trung Tá KQ. Trần Dật, Trung Tá Vũ Trọng Mục, Trung Tá Nguyễn Đức Gia (Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 116 Cần Thơ), các giáo sư , nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Văn Sâm, Thái Doãn Ngà, Nguyễn Mạnh Trinh, Lê Anh Dũng, Phan Diên, Huy Phương, Trần Duy Đức, Hoàng Khai Nhan, Đinh Sinh Long, Vũ Hoàng Thư, Huỳnh Xuân Sơn, các bác sĩ Phạm Gia Cổn, Phạm Đức Vượng, Khương Đại Lượng, Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Hoàng Quân; các niên trưởng và chiến hữu, thân hữu: Tô Văn Cấp, Dương Văn Chiến, Hoàng Đình Ngoạn, Đặng Trần San, Nguyễn Hữu Phúc, Phạm Trọng Hiệp, Hưng Phạm, Huỳnh Hữu Đảnh, Nguyễn Xuân Hùng, Vũ Đình Huân, Lê Văn Thẩm, Phan Ứng Thời, Nguyễn Đức Bạn,Võ Hải, Cao Xuân Lê, Phạm Minh Đức, Lê Quang Trang, Nguyễn Văn Thiệt, Đoàn Thế Cường, Nguyễn Trọng Hiếu, Lê Văn Sùng, Trần Phước Huynh, Huỳnh Mười, Trần Diễn, Nguyễn Đức, Đinh Đức Bản, Vũ Đức Định, Bùi Huy Sơn, Lương Đức Thành, Trần Bạch Thu, Phạm Đức Thạnh, Trần Ngọc Thiệu, Ngô Ngọc Vĩnh, Phạm Văn Thuận, Trần Tiễn San, Nguyễn Hồng Miên, Nguyễn Hữu Mạnh, Quách Thưởng, Nguyễn Hàm, Diệp Quốc Vinh, Tsu A Cầu, Phòng Tít Chắng, Phan Văn Lộc, Lê Khắc Phước, Dương Đức Sơ, Nguyễn Tiến Dũng, Võ Vinh, Quý Thảo, Nguyễn Hữu Hùng, Tôn Thất Minh Tân, Tôn Thất Minh Tuân... và các phu nhân, các cô Christina Cao, Mộng Hiền, Lệ Dung, Bùi Hồng Vân, Thu Đào, Giang Thanh, Minh Hương, Ngọc Nga, Thu Nguyệt, cô Hiền, cô Mai, nghệ sĩ Thúy Uyển, bà Châu Sử, bà QP Sử Ngọc Cả, bà QP Tôn Thất Tùng, chị Thưởng, cô Loan Nguyễn, Phượng Trần, Thủy Tiên, Kim Anh, Đỗ Khánh Hòa và các cháu Ý Nhi, Võ Hải, Thảo Vy….

          Chương trình được bắt đầu với nghi thức chào cờ và mặc niệm. Sau đó ban hậu duệ Khóa 5 Vì Dân hợp ca nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng,” các cô gái Phố Núi Pleiku trình bày bản”Thị Trấn Sương Mù.”
          MC Nguyễn Diễm Nga giới thiệu đôi nét về “Cậu Võ Ý.” Cậu Võ Ý của cô làm thơ rất hay, viết văn rất giỏi nhưng ông không nhận ông là nhà thơ, nhà văn, ông chỉ nhận ông là “Nhà Binh.” Tác giả BĐ Võ Ý lên cám ơn toàn thể quý niên trưởng, quý vị giáo sư, quý chiến hữu, thân hữu có mặt trong ngày đầy tháng đứa con tinh thần của ông.

          Tiếp theo, ca sĩ Tấn Đạt đơn ca nhạc phẩm “Mưa Trên Đó” lời Võ Ý, nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc, và tiếp theo bản “Sư Đoàn 6 Không Quân” cũng do nhạc sĩ Trần Duy Đức sáng tác và dành tặng bà quả phụ Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang.

          Hai diễn giả, Luật Sư Đỗ Thái Nhiên và nhà văn Phạm Tín An Ninh lần lượt lên trình bày về tác phẩm, tác giả. LS Đỗ Thái Nhiên chú trọng đến văn phẩm “Thầy Cùi” trong “Không Quân Ngoại Truyện” của tuyển tập BĐ Võ Ý. LS Đỗ Thái Nhiên giải thích “Thầy Cùi” là biệt danh của Đại Tá Trần Ngọc Huyến, Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, vị giáo sư đã xây dựng và phát triển môn học Lãnh Đạo Chỉ Huy trong chương trình giáo dục và đào tạo sĩ quan của trường VBQGVN. Là người lãnh đạo phải có can đảm tả xung hữu đột trên chiến trường, người chiến binh phải nếm vô số cay đắng, nhọc nhằn trên thao trường huấn nhục. Muốn có can đảm sống đúng theo tâm lý “Thà bị người ghét, không để người khinh,” người lính phải được tôi luyện trong môi trường thị phi. Những huấn nhục chốn thao trường, những cay đắng từ chợ thị phi đã được Đại Tá Trần Ngọc Huyến chọn căn bệnh “phong cùi” làm biểu tượng. Một khi đã bị phong cùi, con người không còn sợ lở.

          Trước khi nhà văn Phạm Tín An Ninh phát biểu, ca sĩ tý hon Nguyễn Ngọc Ý Nhi trình bày nhạc phẩm “Nhớ Mẹ” thật cảm động, sáng tác của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, người hùng Xuân Lộc 1975 để vinh danh các bà mẹ VN, nhất là các bà mẹ đã hy sinh, lao nhọc vất vả nuôi chồng trong các trại cải tạo dưới chế độ cộng sản. Chị Thu Đào trình bày việc thành lập Hội Phố Núi Pleiku.

          Sau đó, Nhà văn Phạm Tín An Ninh, một sĩ quan QL/VNCH thuộc Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 BB đã từng vào sinh ra tử đương đầu với Cộng Quân trong cuộc chiến khốc liệt, đặc biệt là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nhà văn Phạm Tín An Ninh cho biết, “Tôi quen biết BĐ Võ Ý khá lâu, và kể từ khi biết anh Võ Ý là bạn cùng khóa 17 Võ Bị với anh Ngô Văn Xuân cũng là bạn thân của tôi, tôi càng cảm thấy rất gần gũi với anh Võ Ý.

          “Tôi và anh Ngô Văn Xuân ở cư xá sát cạnh nhà nhau, lúc anh Xuân về đơn vị tôi anh mới mang cấp bậc Đại Úy nhưng trên đường quan lộ, anh Ngô Văn Xuân tiến rất nhanh, trở thành Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Quân Đoàn II tức là Đơn Vị Trưởng của tôi, nhưng Trung Tá Ngô Văn Xuân vẫn đối xử với tôi như anh em không phân biệt giai cấp, chức vụ. Khi biết tôi quen với BĐ Võ Ý, anh Ngô Văn Xuân tâm tình, Võ Ý là bạn thân của moa, Võ Ý rất tài hoa và chí tình với anh em, về cấp bậc thì tụi moa ngang nhau nhưng về tình trường thì moa phải tôn Võ Ý là “Sư Phụ.”

          Nhà văn Phạm Tín An Ninh cũng chia sẻ nhiều điều thú vị về cuộc đời bể dâu của BĐ Võ Ý.
          Sau cùng là phần tặng hoa vinh danh các bà mẹ trong đó có quý phu nhân của các vị cố niên trưởng KQ và một số phu nhân Không Quân trong đó có bà Võ Ý, và tác giả đã có lời cảm tạ mọi người trước khi chia tay với lời hẹn, “Chúng tôi hình thành trong tâm tưởng, sẽ hướng ân tình của quý vị về thế hệ mai sau một khi thuận duyên. Xin chân thành biết ơn và thân chúc quý vị Một Mùa Xuân Mới Trên Quê Hương Mới, Vang Vọng Tiếng Trống Đống Đa Ngọc Hồi Mùa Xuân Kỷ Dậu Năm Nào.”

          Source:http://www.viendongdaily.com/ra-mat-...-O9REZDMn.html

          Comment


          • #6
            MÙA XUÂN BỎ TRỐN (1)

            Đêm ba mươi Tết con hỏi Mẹ
            - Mẹ ơi Tết bố con đâu?
            Mẹ nhìn con ứa hai dòng lệ:
            - Trời ơi, thương quá các con tôi.

            Đứa em trai ngây ngô hỏi chị
            - Chị ơi Tết bố ta đâu?
            Bé mười hai tuổi mơ màng suy nghĩ:
            - Không chừng Bố đang đi trên tàu.

            Giao thừa nàng đến bên giường Mẹ
            Chúc thọ mẹ chồng năm mới an lành
            Không dằn được môi nàng máy khẽ:
            - Mẹ ơi bao giờ cây liền cành?

            Mồng một trẻ con mặc áo mới
            Tuổi thơ là xuân sắc nhiệm màu
            Chúng thay nhau mừng tuổi nội
            - Chúng mày đây bố chúng mày đâu?

            Khi đó,
            Thây cha vùi rừng Thanh Phong Yên Bái (*)
            Phổi của chồng phần phật gió Sơn La (*)
            Đôi chân con khập khiễng núi Nam Hà (*)
            Mây thì thầm với đất:
            - Mùa Xuân bỏ trốn!


            Trại Hà Tây (*), 79

            (*) Tên của các trại tù.
            (1) Tuyển Tập Bắc Đẩu Võ Ý
            Last edited by Cù Hanh; 02-05-2019, 01:36 AM.

            Comment


            • #7
              Tiệc ra mắt Tuyển Tập Bắc Đẩu Võ Ý

              Vài tấm hình của N/T Võ Ý trong bữa tiệc ra mắt Tuyển Tập Bắc Đẩu Võ Ý


              N/T Võ Ý & anh bạn Liêm & cô Nguyễn Diễm Nga


              N/T Võ Ý đứng ở bàn của bác sỉ Nguyễn Hoàng Quân (T-shirt màu vàng)
              Last edited by KiwiTeTua; 02-05-2019, 04:54 AM.

              Comment


              • #8
                Bên phải BS Quân là KQ Nguyễn Mạnh Trinh, nhà thơ. Bên phải nhà nhơ NMT là hoạ sĩ Phan Diên. Bên phải HS PD là Chiến Hứu Hùng Pleiku.
                Bác sĩ Nguyẽn Hoàng Quân, Chủ tịch Viện Bảo Tàng QLVNCH, là BS da của Bắc Đẩu Võ Ý.

                Comment



                Hội Quán Phi Dũng ©
                Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                website hit counter

                Working...
                X