Thông báo

Collapse
No announcement yet.

NGƯỜI CÕI ÂM - Hai Hùng SG

Collapse
X

NGƯỜI CÕI ÂM - Hai Hùng SG

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • NGƯỜI CÕI ÂM - Hai Hùng SG

    Lời tác giả : Vẫn còn trong tháng bảy, tháng mà những người theo tục lệ dân gian gọi là tháng Cô hồn, tôi viết câu chuyện này để ngỏ hầu giúp vui cho độc giả, sau thời gian dài do sức khỏe tôi đã ngưng viết.
    Mong mọi người vui với câu chuyện này, xin vui lòng Comment vô câu chuyện để giao lưu với tác giả và mọi người cho xôm tụ nhe bà con.


    Mới chừng sáu giờ chiều, mặt trời chưa khuất hẳn phía rặng tre già sau lưng nhà tôi, tôi đã nghe tiếng của thằng Thành từ phía ngoài hàng rào vang lên:
    -Cơm nước xong hết chưa Hai ơi, lẹ lẹ còn rủ rê thêm mấy đứa nữa, chứ có hai thằng mình thì ớn lắm ông à.
    Nghe Thành hỏi vậy tôi bèn nói vọng ra trả lời cho thằng Thành:
    - Xong hết rồi ông ơi, (dô) nhà chờ chút, tui dọn sơ bếp nút cái đã, không khéo chút nữa ba tui (dìa) thấy không gọn ghẽ ổng (Khệnh) cho mấy cây là tiêu đời đó ông.

    ***

    Thằng Thành vói tay mở cái chốt cửa hàng rào rồi đi thẳng vô nhà tôi, trên tay nó ôm cái bàn (cầu cơ) cùng bánh trái nhang đèn, thấy vậy tôi bèn la nó:
    -Chèn ơi ! Trời còn sớm quá chừng, ông ôm mấy thứ này qua đây lỡ mà gặp ông già tía tui là nguy to đó nghe ông.
    Thành nhà ta thắc mắc:
    - Có gì đâu mà nguy với to, tụi mình chơi trò cầu cơ thôi mà, có phá phách làng xóm đâu mà ông lo.
    Tôi vội giải thích cho nó liền:
    -Đó cũng cái vụ cầu cơ đó, ba tui ổng biết được là ổng la dữ lắm, ông nói không lo học hành đã vậy kéo cả đám (dô) khu mồ mả của người cõi âm nữa là không tốt đâu nha, ba tui còn nói : "nơi người ta yên nghỉ mình tới khuấy động họ là điều không nên".
    Nghe tôi nói vậy thằng Thành cố vớt vát :
    -Biết vậy, nhưng mình chơi cầu cơ mà không vô nghĩa địa thì có linh thiêng đâu mà chơi ?
    Rồi dường như sợ tôi rút lui nó bèn chơi cái màn khích tướng:
    -Ông sợ ba ông rầy thiệt (hông), tui nghi ông sợ Ma thì có, tướng tá ngon lành vậy mà sợ Ma, ông không sợ con Thúy con Hồng cười ông hả.

    Thấy thằng Thành có suy nghĩ trúng ngay tim đen của mình khiến tôi thầm phục, tôi tự nhủ phải cố gắng làm gan lên để cho thằng quỷ này nó đừng bêu riếu tôi với hai cô bạn nhỏ dễ thương cùng xóm, vì vậy tôi bèn nói cứng với thằng Thành:
    -Vừa thôi nghe ông, ông dòm cho kỹ đi, cái mặt thằng Hai đi, thằng này mà sợ Ma hả, tui cho ông hay nhe, ba tui ổng khó lắm nên tui sợ cây roi mây thôi. Ma cỏ mà nhằm nhò gì đối với tui ông ơi.
    Sau câu nói này tôi nhìn vào mắt thằng Thành một cách tự tin, riêng về Thành tôi thấy gương mặt nó vui vui, nó cười mỉm với tôi với ngụ ý tôi đã trúng kế khích tướng của nó mà tôi chẳng hề hay biết.

    ***
    Trời vừa sụp tối thằng Thành thúc hối tôi như giặc:
    - Trời tối om rồi kìa, tụi mình tranh thủ qua nhà thằng Lạc với thằng Quý rủ rê hai đứa nó đi theo cho kịp.
    Tôi cũng nóng ruột muốn mau mau ra khỏi nhà, bởi cứ chần chừ lỡ ba tôi về bất tử có khi ông không cho tôi đi với thằng Thành thì buồn lắm, mặc dù trong bụng tôi cũng khá sợ sệt bởi câu nói của ba tôi còn văng vẳng bên tai: "Nơi người ta yên nghỉ mình đến khuấy động họ là điều không nên", tôi bèn nói với Thành:
    - Sẳn tiện ghé qua "Hú" luôn hai em Thúy và Hồng luôn nghe ông. Có hai đứa này tham gia càng hấp dẫn hơn.
    Sau câu nói trên thằng Thành nhìn tôi với cặp mắt tò mò, nó lên tiếng càm ràm:
    - Tui nghe nói vụ cầu cơ phải (Dọn mình) cho sạch sẽ mới linh thiêng, kêu mấy đứa con gái theo có nên không, mà tui lấy làm lạ bất cứ cuộc chơi nào ông cũng không quên hai nhỏ này hết vậy, coi bộ ông khoái nhỏ nào rồi phải không?
    Thằng quỷ Thành nó đưa ra câu hỏi thiệt cắc cớ khiến tôi ú ớ muốn thốt cũng chẳng nên lời, thú thật tôi cũng có đôi chút xao xuyến trong lòng khi chơi đùa bên nhau với hai bóng hồng này, nên chuyện nhớ đến họ trong các cuộc chơi là điều hiển nhiên, không ngờ thằng Thành nó đọc được ý nghĩ này của tôi một cách tài tình, tôi bèn chống chế:
    -Khoái đâu mà khoái, có hai nhỏ này tham gia cho có nếp có tẻ vẫn vui hơn mà.
    Tôi đánh trống lảng qua câu chuyện khác liền, vì dây dưa chuyện con Hồng con Thúy với thằng Thành hoài không khéo bị "Bể mánh" là quê với nó lắm, tôi nói:
    -Thôi tụi mình đi liền nha ông, nhớ quơ theo đủ đồ đạc, chứ để ra tới ngoài đó mà thiếu này thiếu nọ thì phiền phức lắm nghe.

    ***
    Không khí ban đêm ở nghĩa địa thật lạnh lẽo, thỉnh thoảng có một vài cơn gió thổi qua khiến cành lá của hàng cây gòn bên trong nghĩa địa xao động, trời đã tối đen tôi phóng tầm mắt nhìn ra phía ngoài xóm, tôi thấy vài ba ngọn đèn dầu của nhà ai hiu hắt cháy trong đêm, những con đom đóm lập lòe phát sáng, nó bay quanh khu mộ làm tăng thêm vẻ huyền bí của không gian nơi này, một vài cánh vạc bay lượn trên bầu trời đêm để tìm thức ăn, tiếng côn trùng bắt đầu hòa nhịp làm tăng thêm cung bậc buồn bã của khu nghĩa địa.

    Bàn cầu cơ được thằng Thành bày ra trên một ngôi mộ xây bằng xi măng, nấm mộ được láng bằng phẳng chỉ chừa một lỗ vuông vức vừa đủ trồng một cây hoa nào đó, Thành đặt bàn cầu cơ ngay vị trí này, nhang đèn được đốt lên, ánh sáng của cây đèn cầy vừa đủ cho chúng tôi thấy những hàng mẫu tự màThành đã viết trên bàn cầu cơ theo gợi ý của cô Trâm má của thằng Kỉnh trong xóm tôi, ngoài mẫu tự của các chữ cái, trên bàn cơ còn có hàng số được ghi từ số không đến số chín, rồi phía bên dưới bàn cầu cơ có ghi thêm nhóm chữ Ma, Quỷ, Thần, Tiên vô từng ô để khi hồn nhập về họ chỉ rõ cho người chơi biết là họ thuộc thành phần nào.
    Thành ra hiệu cho cả đám tụi tui chấp tay khấn vái, cô Trâm đã dạy cho chúng tôi bài văn khấn nghe rất hay, vì nó có vần có điệu để gọi hồn về nhập vào bàn cơ.
    Cả đám đang chú tâm khấn vái, bổng tiếng thằng Quý nói nhỏ vừa đủ cho chúng tôi nghe:
    - Chèn ơi, có nước trà mà không có chung rượu ba xi đế, gặp hồn nào là bợm nhậu nhập về không có rượu là họ rầy rà mình dữ lắm a.
    Nghe thằng Quý nói ra vẻ tài khôn, vì cả đám mới tham gia lần đầu vô trò chơi này , Hồng nhà ta trừng mắt nhìn thằng Quý rồi cô nàng nói nhỏ:
    - Thôi ông ơi! Ông làm như ai cũng khoái nhậu như ông (Sáu say) ở xóm mình vậy, mà giả tỉ hồn có đòi rượu gì đó thì mình mời họ uống trà chắc họ cũng vui lòng mà.
    Nghe hai đứa tranh luận phía sau lưng mình, thằng Thành quay qua giơ ngón tay trỏ đè lên đôi môi của nó với ngụ ý giữ im lặng để buổi cầu cơ bắt đầu.
    Con Thúy và thằng Thành là hai người mở hàng cho cuộc cầu cơ, mỗi đứa đặt ngón tay trỏ của mình lên con cơ được đẽo gọt như hình vẽ trái tim, cả đám chúng tôi hồi hộp theo dõi con cơ di chuyển sau câu khấn vái thành khẩn của thằng Thành, sau một hồi con cơ chạy đến các chữ cái chúng tôi ráp lại thì biết vong hồn là một con ma trẻ, vong cho biết cô ta chết oan và còn vất vưởng trong nghĩa địa này, cả đám chúng tôi sợ xanh mặt vì lần đầu tiên được tiếp xúc với thế giới vô hình qua hình thức lạ lẫm này bảo sao chúng tôi không "ớn da gà", tuy vậy có chút nghi ngờ tôi bèn nói với con Hồng:
    -Có khi nào hai đứa nó toa rập với nhau để gạt tụi mình không ta.
    Con Hồng với vẻ mặt nghiêm nghị, nó nói nhỏ cho tôi nghe:
    -Nè ông Hai, ông đừng có nói xàm nữa, cái này thiệt luôn á, hồi đó dưới quê nhà ngoại tui có mấy đứa chơi như vầy mà còn nghi ngờ bị vong quở bệnh cả tháng mới hết đó ông.
    Nghe con Hồng nói vậy tôi tái mặt vì mình lỡ nghi ngờ quấy quá cho các vong hồn kia, lỡ họ nghe được thì tôi khó tránh khỏi chuyện trừng phạt của người cõi âm nọ.
    Đang rối trí không biết làm sao lấy lại lời nói nghi ngờ nọ, bổng tôi nhìn thấy phía bụi chuối nhà ông Bảy Sơ có một người mặc nguyên bộ đồ trắng xõa tóc dài, lửa từ miệng của cái bóng này khè ra từng chùm khiến tôi sợ muốn rớt tim ra ngoài, tôi níu vai thằng Thành rồi chỉ cho nó xem con Ma vừa xuất hiện như muốn ăn tươi nuốt sống cả đám chúng tôi, thằng Thành nó giương mắt nhìn về hướng bụi chuối, nó phán một câu khiến tôi tức điên với nó:
    -Đúng là ông Hai này sợ ma, nên bị ám ảnh, tui có thấy khỉ khô gì đâu ?
    Tôi gằn giọng nói với Thành:
    -Tui thấy rõ ràng con Ma luôn ông ơi, Hồng, Thúy, Quý, ông Lạc nữa, mấy bạn có thấy không?
    Thằng Quý cười khằng khặc :
    - Nãy giờ có thấy ma cỏ gì đâu, ông Hai này chắc bị "Tự kỹ ám thị " rồi .
    Con Hồng cũng xía miệng vô:
    - Chèn ơi ! Đang tiếp xúc với cô gái Ma, ông Hai phá đám giờ cô ta thăng mất tiêu, uổng ghê.


    Hình minh hoạ

    Tôi chưa kịp phản kháng lại câu nói của nhỏ Hồng thì ngọn gió từ đâu thổi tắt cây đèn cầy làm cho nơi đây tối đen như mực, cả đám hoảng vía chuẩn bị gom đồ ra về thì tôi lại thấy bóng trắng phía bụi chuối lại xuất hiện, lần này không phải một con Ma mà là hai con, tui rú lên và nói nhanh:
    - Ma Ma kìa tụi bây ơi !
    Cả đám nhìn về phía bụi chuối, lần này thì đứa nào cũng nhìn thấy như tôi nên cả đám quăng đồ đạc rồi chạy dồn thẳng ngay ra đường lộ phía bên ngoài, trong lúc lýnh quýnh con Thúy vấp ngã nó đè lên mình tôi, tôi càng hoảng sợ vì té ngửa nơi đây khiến cho việc rời khỏi chỗ này bị chậm trễ, lỡ hai con Ma đến bắt chắc tôi chết mất, vừa định đẩy con Thúy lên để vùng dậy chạy tiếp nhưng chợt mũi tôi nghe một mùi hương thơm ngọt của mái tóc dài của Thúy, nó làm tôi ngất ngây không còn nhớ đến hai con Ma quái ác kia, lúc này tôi lại ước ao Thúy cứ đè mình mãi như vầy cho dù hai con Ma có bắt mình đi đâu tôi cũng chẳng màng, rồi có cánh tay ai đó kéo chúng tôi đứng dậy, rồi tiếng thằng Quý và Thành vang lên:
    - Thúy, ông Hai chạy lẹ đi, nó tới kìa .
    Cả đám chúng tôi vùng chạy nhanh về, mạnh ai nấy chạy giống như đoàn quân rã ngũ sau trận chiến với kẻ thù bên kia chiến tuyến....
    Thời may khi ra đến mé ngoài lộ đất thì chúng tôi gặp ngay ông Sáu Say và Ông Hai Nhiều đang cặp kè với dáng đi khập khiễng vì say rượu, thấy cả đám từ nghĩa địa chạy ùa ra khiến cho hai ông chới với giật mình, tiếng ông Sáu say vang lên hỏi:
    -Đêm hôm khuya khoắt, tụi bây làm cái giống ôn gì trong nghĩa địa vậy ?
    Chưa kịp cho chúng tôi trả lời, ông Sáu say phán luôn một câu xanh rờn :
    -Mấy đứa bây bị Ma nhát rồi phải không?
    Rồi ông Sáu nói với ông Hai Nhiều:
    -Đó lúc nãy tui nói với anh Hai đúng y bon thấy hông, cái nghĩa địa chỗ góc nhà cha nội Bảy Sơ có cả đóng Ma trong đó, hồi trước tui say rượu vô nằm ngủ trên cái mả xi măng, con Ma cái nó quậy tui chịu đời không thấu luôn đó.
    Nghe ông Sáu say nói vậy, ông Hai Nhiều "đế" vô thêm:
    -Chèn đét ơi! Hồi nãy nghe anh kể, ban đầu tui tưởng có mình tui bị con Ma nhà anh Bảy Sơ nhát thôi chứ, ai dè anh cũng bị "Dính chấu" như tui .
    Qua lời đối đáp của ông Sáu say và ông Nhiều khiến cả đám chúng tôi càng "Quíu" cả chân tay, thằng Thành thở hổn hển nói với ông Sáu:
    -Đúng rồi ông Sáu ơi, tui con bị Ma nhát, không phải một mà tới hai con Ma lận đó.
    Đang trong cơn say, có lẽ do nồng độ của rượu đang làm cho ông Sáu say "Bốc hỏa" chẳng còn biết sợ sệt là gì, ông Sáu say nắm lấy cánh tay tôi, ông nói cho cả đám cùng nghe:
    -Hôm nay sẳn tiện mình đông người tụi mình (Dô) đó quậy lại mấy con Ma cho bỏ ghét, mình đông mà sợ gì.
    Chưa kịp để cho mọi người phản ứng, ông Sáu Say dùng tay còn lại đẩy vào lưng ông Hai Nhiều rồi ông Sáu nói:
    -Anh Hai nhiều xung phong đi đầu nha, mấy đứa nhỏ đi giữa còn tui với thằng Hai bao chót.
    Nghe ông Sáu Say cử mình làm mũi nhọn đi đầu để tấn công lại hai con Ma, tuy đang
    "Là đà con Nhạn" trong cơn say rượu nhưng ông Hai Nhiều cũng còn e dè vì những lần Ma nhát trước kia nó còn ám ảnh ông nên ông từ chối:
    - Chèn ơi! Không được đâu anh Sáu ơi! vía tui nặng lắm tui đi đầu là tụi nó lủi mất dạng, (Dô) đó mà không gặp Ma coi như công Dã tràng sao anh.
    Hình như hiểu ý sau câu thoái thoát của ông Hai Nhiều, ông Sáu phán liền :
    -Cha nội Hai Nhiều này nhát gan thấy tía, (dậy) mà nói ngon dữ lắm, đúng là "Miệng Hùm gan Sứa", thôi tui với thằng Hai đi đầu, ông bao chót nhe, cho mấy nhỏ đi giữa cho tụi nó đỡ sợ.
    Thế là chúng tôi quay lại ngôi mộ khi nãy nơi mà Hai con Ma xuất hiện phía gần nhà ông Bảy Sơ, thật lạ lúc nãy ở nơi này chúng tôi thấy nhà ông Bảy Sơ đèn đuốc tối thui, vậy mà giờ thì ai đó bật đèn sáng trưng, nhìn vô cái chái bên hông nhà ông Bảy, bên cái bàn gỗ tròn thằng Tèo và Con Tám Tẻn đang ngồi học bài bên nhau, lấy làm lạ tôi bèn lên tiếng hỏi:
    -Tèo nè, ông với bà Tám Tẻn nãy giờ ở đâu, mà giờ này còn ngồi đây học bài.
    Tôi thấy dường như thằng Tèo con ông Bảy Sơ ra hiệu gì đó qua ánh mắt của nó cho con Tám Tẻn, rồi nó chậm rãi đáp:
    - Chèn ơi, nãy giờ ngồi học bài trong nhà chứ đâu, trời nóng quá, với lại phải giữ yên lặng cho tía má tui ngủ nên hai đứa tui mới dọn ra đây học nè.
    Con Tám Tẻn chêm vô tiếp:
    - Ủa mà trời tối rồi sao mấy bạn còn (dô) đây chi (dậy)? Bộ rình ăn trộm hả.
    Nghe con Tám Tẻn hỏi với cái giọng cắc cớ, ông Sáu Say lên tiếng:
    -Thôi đi bây ơi, có chuyện thì thằng Hai nó mới hỏi bây, chứ trộm đạo đâu mà canh.
    Ông Sáu bà cả đám chúng tôi nhìn chung quanh mấy bụi chuối nơi hai con Ma khi nãy nhát chúng tôi, chừng không thấy vết tích gì của chúng ông Sáu hỏi gằn giọng:
    -Hai đứa bây nói thiệt cho ông Sáu với mấy đứa biết coi, bây có thấy hai con Ma, hay hai cái bóng trắng lảng vảng quanh đây không ?
    Tám Tẻn lẹ miệng :
    -Mần gì có Ma cỏ ở đây ông Sáu ơi! Nhà tụi con ở đây nào giờ có thấy gì đâu nà.
    Con Thúy còn đang bực bội trong mình bởi cú ngã khi nãy nó rống cổ lên cãi lại con Tám Tẻn:
    -Tụi tui mới bị hai con Ma nhát thất thì nè, hổng tin hỏi mấy bạn này coi thì biết liền chứ gì.
    Con Tám Tẻn chưa kịp trả lời sau câu trần tình của con Thúy, bổng đâu tiếng con Phèn, con chó của nhà ông Bảy Sơ sủa rân và tru lên inh ỏi khiến không khí thêm phần căng thẳng, tôi và mấy đứa sợ hải vô cùng, vì trong những giờ học giảng văn cô giáo đã dạy chúng tôi những câu ca dao tục ngữ trong đó có câu:
    "Chó đâu chó sủa lổ không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày" , hơn nữa tiếng chó tru lên khiến chúng tôi liên tưởng đến cảnh chó sủa Ma trong các câu truyện tranh bán trên các sạp báo, nào là Ma Thần Vòng, Ma lai rút ruột, Ma Da.V.v... Thử hỏi sao chúng tôi không sợ.
    Từ nhà trong nghe chuyện lùm sùm ngoài hiên nhà, ông Bảy Sơ cầm lăm lăm cây gậy Tầm vong trên tay, ông bước ra thấy ông Sáu, ông Hai Nhiều và đám "xây lố cố" chúng tôi đang hiện diện, ông Bảy hơi bất ngờ và lên tiếng hỏi :
    -Anh Sáu anh Hai và mấy cháu đi đâu mà rần rần vậy, đang mơ màng ngủ tui nghe con Phèn nó cứ hực hực hoài, khi nó sủa rân lên tui nghĩ ăn trộm tui ra tính khệnh cho tụi nó một cây ai dè đâu là mọi người .
    Rồi ông Bảy quay sang hỏi thằng Tèo và con Tám Tẻn:
    -Sao hai đứa chưa ngủ nữa giờ này còn lọ mọ ngoài đây chi (dậy).
    Thằng Tèo nói:
    -Ngày mơi nhiều bài lắm mà tụi con chưa thuộc, cô hăm rồi nếu mơi mà đứa nào không thuộc bài sẽ được cô "thưởng" năm mươi cái "Thụt dầu" tức là nắm Tréo hai lổ tai rồi đứng lên ngồi xuống mệt lắm tía, bởi (dậy) con với con Tám ráng học cho xong nè.
    Nghe Tèo nói vậy ông Bảy kêu hai anh em Tèo lui vô trong để nhường cái bàn lại cho ông tiếp khách.
    Chừng mọi người yên vị, ông Bảy Sơ mời chúng tôi tách trà nóng trong cái bình tích đựng trong vỏ trái Dừa khô, qua câu chuyện khi biết được chúng tôi và ông Sáu, ông Hai bị Ma nhát thì ông Bảy Sơ bật lên tiếng cười vang, rồi ông khẽ khàng nói :
    - Úi trời, mần gì có Ma hai anh ơi, có nhiều khi hai ông anh say rượu quá rồi thấy "ba chớp ba nháng" tưởng Ma chứ mần gì có.
    Lúc này thì ông Hai Nhiều lên tiếng:
    -Anh Bảy nó vậy thì thôi coi như hai thằng tui say nên "nhìn Gà hóa Cuốc" đi, còn (sắp nhỏ) đây tụi nó có rượu chè gì đâu mà bị nhát thất thì nè, anh giải thích tui nghe đi, anh tưởng tụi tui đặt chuyện hay sao á.
    Định trả lời cho ông Hai hiểu về chuyện Ma cỏ, bổng ông Bảy Sơ kêu thằng Tèo:
    -Tèo ơi! Bây ra tía biểu nè, sao cái áo dài trắng của má bây ai (dầy nùi) dưới bàn nè, đem vô cất coi bây.

    Lúc này cả đám nhóc chúng tôi liên tưởng đến bộ đồ trắng con Ma mặc nhát chúng tôi là đây, trong khi Tèo lấm la lấm lét lấy hai cái áo dài đem vô nhà trong, rồi dường như có luồng điện lóe lên trong ý nghĩ của mình, ông Bảy kêu giật ngược thằng Tèo lại :
    - Tèo cầm hai cái áo dài ra đây, bây kêu con Tám Tẻn ra đây luôn cho Tía.
    Tôi thấy thằng Tèo (bí sị) hiên rõ trên khuôn mặt của nó, lát sau nó và con Tám đứng run bần bật trước mặt tía mình, ông Bảy nói :
    - Hai anh em bây mặc cái áo dài (dô) cho tía coi coi.
    Hai đứa nghe lời răm rắp, khi tụi nó mặc xong thì chúng tôi mới nhận ra hai con Ma nhát chúng tôi lúc nãy là đây, ông Bảy lượm đầu tóc giả đang nằm lăn lóc dưới gầm bàn, ông gắn lên đầu hai đứa thì rõ ràng hai con Ma nhát chúng tôi đích thực là đây.
    Ông Bảy bắt đầu truy vấn hai đứa con của mình, nguyên nhân nào khiến hai đứa giả Ma nhát chúng tôi, con Tám Tẻn khóc thút thít vì sợ ông Bảy đánh đòn, nó khai ra như sau
    Cũng tại thằng Phát con bà Mười trong xóm tôi nên mới ra cớ sự này, Thằng Phát xin gia nhập buổi cầu cơ với chúng tôi, nhưng tính nó bép xép nhiều khi nó tiết lộ kế hoạch vô nghĩa địa của chúng tôi thì công việc sẽ không thành sẽ bị người lớn ngăn cản, chúng tôi đành từ chối khéo, vậy đó khi biết chúng tôi cầu cơ trong đêm này, vốn chơi thân với Tám Tẻn nên nó bàn với Tám Tẻn cùng sự giúp sức của thằng Tèo để giả làm hai con Ma trả thù chúng tôi, báo hại chúng tôi chạy té khói và tim muốn rớt ra ngoài.
    Ông Bảy chất vấn nó thêm:
    -Vậy còn ông Sáu với ông Hai Nhiều có mắc mớ gì bây cũng nhát Ma mấy ổng nữa:
    Tèo nhà ta thú tội:
    - Mỗi lần say rượu, ông Hai với ông Sáu hay (dô) đây nằm nghĩ, con Phèn sủa riết tụi con học bài không được , nên....nên ...
    Nghe hai anh em thằng Tèo thú tội, cả đám chúng tôi cười vang, riêng hai ông già say rượu thốt lên:
    -"Đu hỏa con Cóc" hai đứa bây rãnh thiệt luôn đó, bây nhát mà đang say rượu tụi tao tỉnh ruội luôn, thiệt là .... "

    ***

    Sau khi hai anh em Tèo xin mọi người bỏ lỗi cho, chúng tôi cũng cảm thấy mình có một phần lỗi trong đó, tuy thằng Phát tính hay nói nhiều, nếu chúng tôi khuyên nhủ rồi cho nó tham gia trò chơi cầu cơ thì đâu xãy ra cớ sự này, ông Bảy vui mừng khi thấy con mình hối lỗi, ông bèn nói với mọi người:
    -Thôi (dầy) đi, tối mai hết thảy mọi người chịu khó ghé lại đây, Bảy tui nấu một nồi chè đậu xanh hột vịt đãi mọi người coi như gặp Ma mà hên lắm nghe.
    Nói xong ông cười khanh khác, chia tay hai con Ma trong đêm trường này tôi thấy nó đã ghi đậm vào tâm hồn chúng tôi vì cuộc sống tươi đẹp đầy tình người thuở xa xưa ấy.

    Viết xong 16h57. 6.9.2018

  • #2
    Xin chuyển tiếp, đọc cho biết, không biết có đúng hay không (?). Tài liệu khá lâu rồi, vị nào đã đọc ,vui lòng delete
    tuy nhiên đọc xong dù tin hay không tôi cũng sẽ cố gắng tránh mọi lỗi lầm ,vô tình hay cố ý hầu sau này dể ăn nói khi gặp lại những người thân yêu cũng như bạn hũu .Cám ơn .


    Linh Hồn Và Cõi Âm
    BS Bùi Duy Tâm

    Người ta đã sinh ra thì tất sẽ chết. Nên mọi người đều rất quan tâm và đa số sợ chết. Do đó sinh ra các triết nhân và triết thuyết về cái chết, các thánh nhân và tôn giáo về thiên đàng, địa ngục, các mê tín dị đoan về ma quỷ.
    Chúng tôi cũng như mọi người thường suy nghĩ về Cái chết, về Linh hồn, về Cõi đời sau khi chết nhưng hơi nhiều hơn mọi người.
    Tôi, Bùi Duy Tâm, sinh ra trong một gia đình ba đời theo Đạo Thiên Chúa, đã đọc Thánh Kinh (Cựu Ước và Tân Ước) ba lần, đi nhà thờ rất đều mỗi sáng chủ nhật cho đến năm 30 tuổi. Sau này làm bạn tâm giao với cố Linh mục Bửu Dưỡng và Hoà thượng Thích Mãn Giác, nên tôi có điều kiện đàm luận về Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Tôi đã được hiểu cái tinh tuý của Lý Dịch và Đạo Nho với cố Bác sĩ Nguyễn Văn Ba. Tôi đã đọc rất kỹ các cuốn Tử Thư của Ai Cập và Tây Tạng cũng như nhiều sách khác cùng loại. Tôi đã sang Ai Cập, Ấn Độ, Tây Tạng… để tìm hiểu thêm về Huyền Bí Học và Siêu Hình Học. Nhưng tất cả đều mù mờ về “Linh hồn” và “Cõi đời sau khi chết”. Không có đủ chứng cứ cụ thể có thể thuyết phục tôi. Tôi không chấp nhận các giáo điều của chính trị và tôn giáo. Tôi không yên tâm với tín ngưỡng và chán ngấy các loại sách viết huyên thuyên xích đế chẳng có gì cụ thể.
    Tôi trở thành một người theo phái bất khả tri: “Con người nhận biết thế giới và vũ trụ với khả năng rất giới hạn nên không thể biết được sự tuyệt đối về Thượng Đế, Linh hồn và Cõi đời sau khi chết”.
    Và như vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu sự hiện hữu của Linh hồn và Cõi Âm của tôi chưa đi đến đâu cả, chưa thấy một sự kiện gì đủ thực tế để bấu víu.
    Đầu thế kỷ 21, tình cờ cầm tờ Y Tế Nguyệt San số 5, tháng 5, 2001 của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ và đọc bài viết “Thế giới vô hình và việc tìm kiếm mồ mả ở Việt Nam” của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên (nguyên Phó thủ tướng đặc trách Văn hoá, Giáo dục, Y tế, Xã hội thời Việt Nam Cộng Hoà). Trong bài báo, Bác sĩ Viên tả lại việc tìm mộ gia đình của Kỹ sư Trần Lưu Cung (nguyên Tổng giám đốc Giáo dục kỹ thuật và Thứ trưởng Đại học thời Việt Nam Cộng Hoà) do hướng dẫn của các nhà ngoại cảm (ông Ngà, cậu Liên, cậu Nguyện…). Các nhà ngoại cảm tìm mộ đều nói chính vong linh của người quá cố đã chỉ cho họ những chi tiết để hướng dẫn gia đình tìm mộ. Đặc biệt trong bài báo, Bác sĩ Viên còn đề cập đến bài tự thuật “Tôi đi gặp người thân đã mất (vong) tại nhà cô Phương ở Bắc cầu Hàm Rồng tỉnh Thanh Hoá.
    Ông Nguyễn Hùng Phong. Ông Phong đã tường thuật lại việc ngày 16-12-1999 đến nhờ cô Phương giúp cho được gặp lại vong linh của vợ là bà Vũ Thị Hạnh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, đã mất đột ngột tại nơi làm việc tháng 3 năm 1999 do bệnh tim…
    Sau khi đọc xong bài báo, tôi mừng quá, liền gọi điện thoại ngay cho ông Trần Lưu Cung. Ông Cung xác nhận sự kỳ diệu của việc tìm mộ và còn gửi cho tôi xấp tài liệu riêng của gia đình kèm theo rất nhiều hình ảnh.
    Như vậy là đề tài “Linh hồn và Cõi âm” đã có cơ hội hé mở sau bao thất vọng. Còn đợi gì nữa mà không về Việt Nam, đến cầu Hàm Rồng để tìm gặp cô Phương cho ra nhẽ?
    ***
    Tháng 10 năm 2003 tôi về Hà Nội để làm lễ Cửu Tuần Đại Thọ cho mẹ tôi. Tới Hà Nội đêm hôm trước, thì sáng sớm hôm sau tôi lên đường đi Thanh Hoá để gặp cô Phương. Tôi mời mẹ tôi đi cùng, lấy cớ đưa mẹ đi Sầm Sơn để ôn lại các kỷ niệm xưa. Trước khi rời Hà Nội, mẹ con tôi ghé lại tiệm may áo dài. Tôi mang từ Mỹ về xấp vải nhung đỏ để may cho mẹ một áo dài mặc trong lễ Cửu Tuần Đại Thọ sắp tới.
    Trên đường đi Thanh Hoá, tôi ghé vào em Bùi Duy Tuấn nhằm cầu xin cha tôi (mất năm 1990 tại Sài Gòn) về điện cô Phương, cầu Hàm Rồng để các con và mẹ được gặp cha. Chúng tôi không dám nói với mẹ mục đích của chuyến đi vì mẹ tôi sùng Đạo Chúa (Tin Lành), không chấp nhận những chuyện “ma quỷ” như vậy.
    Khi đến nơi, hai anh em tôi thấy quang cảnh đúng như trong bài báo của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên: Khoảng 30-40 người ngồi im lặng, nghiêm chỉnh, có vẻ lo âu chờ đợi trước một cánh cửa đóng kín. Một người đàn bà (sau này tôi biết là chị chồng cô Phương) dáng mập ngồi chắn trước cửa, thỉnh thoảng hô lên “Nhà ai có vong tên… thì vào”. Thế là vài ba người hay dăm bảy người mừng rỡ hấp tấp đi vào…
    Chúng tôi mời mẹ vào ăn sáng tại một nhà nghỉ khá lớn ở ngay trước điện cô Phương (nhà nghỉ này của nhà chồng cô Phương tiếp các khách ở xa đến phải chờ đợi vong nhà mình có khi tới ba ngày, cả tuần lễ hay đôi khi thiếu may mắn không gặp được vong, đành phải ra về tay không). Hai anh em tôi lén đi thắp nhang trước điện để cầu khẩn cha tôi về theo thủ tục như mọi người. Thỉnh thoảng cửa hé mở để dăm ba người đi ra. Người thì tỏ ra hớn hở. Người thì nước mắt sụt sùi.
    Tôi sốt ruột đi hỏi xem có phải đăng ký hay làm thủ tục gì nữa không, thì mọi người đều xác nhận không phải làm gì cả, mà cứ kiên nhẫn ngồi chờ. Khi vong nhà mình về thì người ta gọi vào.
    Tôi thắc mắc là tôi chưa khai tên của cha tôi thì ai biết mà gọi. Mọi người cười, chế nhạo tôi là hỏi thật ngớ ngẩn!
    Chúng tôi chờ từ 10 giờ sáng đến ba giờ chiều thì người đàn bà ngồi trước cửa đứng lên nói to: “Cô Phương nghỉ làm. Xin mời quý vị ngày mai trở lại”. Thế là anh em tôi ngao ngán cùng với vài ba chục người đứng dậy ra về.
    Chúng tôi đưa mẹ ra Sầm Sơn nghỉ ngơi và thăm lại cảnh xưa chốn cũ. Thật cảm động khi trở về nơi mà tôi đã sống những ngày thơ ấu cách đây hơn nửa thế kỷ (gần 60 năm).
    Sáng hôm sau chúng tôi trở lại điện cô Phương. Lần này chúng tôi phải thú thật với mẹ chuyện hai anh em đang làm. Mẹ tôi dẫy nảy lên: “Đến chỗ ma quỷ! Tao không vào đâu!”. Chúng tôi lại phải đành mời mẹ ngồi ăn sáng ở nhà nghỉ như ngày hôm trước.
    Lần này tôi sốt ruột lắm rồi. Tôi đi ra đi vào, hỏi chuyện người này người nọ. Tôi gặp bố mẹ chồng cô Phương. Ông Nghinh (bố chồng) mời tôi uống nước, đang kể chuyện cô Phương thì bỗng nghe có tiếng gọi: “Bà Tỉnh đâu, người nhà ông Tỉnh đâu?” (cha tôi tên là Bùi Văn Tĩnh, nhưng vì nói giọng Thanh Hoá nên nghe gọi tên là Tỉnh). Phải gọi đến vài ba lần thì anh em tôi mới biết là gọi mình. Tôi chạy tới cánh cửa. Em Tuấn chạy ra hối hả gọi mẹ: “Mợ ơi, Cậu về gọi mợ đấy!”. Mẹ tôi hốt hoảng đứng bật dậy chạy theo em tôi, quên mất lập trường chống ma quỷ của mình.
    Qua cánh cửa, chúng tôi bước vào một căn phòng khá rộng rãi, trống rỗng. Ngoài cái bệ trên tường để trái cây và các phong bì (chắc là tiền thưởng), thì không có bàn thờ hay trang trí gì khác của một cái am, cái điện. Cô Phương ăn mặc diêm dúa như các cô gái Hà Nội, mặt hoa da phấn, đang ngồi tỉnh táo trên chiếu cùng với một gia đình đông trên chục người. Cô cất tiếng: “Gọi mãi mà các bác không vào, nên vong nhà khác tranh vào trước. Thôi, các bác vui lòng ngồi chờ nhé!”
    Thế cũng tốt, chúng tôi có dịp được quan sát thêm. Cô Phương gọi tên hết người này đến người nọ trong gia đình ngồi chung quanh cô. Khi gọi trúng tên ai thì giơ tay thưa: “Dạ, con đây (hay em đây, cháu đây…)”. Và người đó nói chuyện với vong (qua miệng cô Phương). Tôi nghe thấy đa số trả lời: “Dạ, đúng vậy…” có vẻ cung kính lắm.
    Có một chuyện cười ra nước mắt. Vong gọi: “Thằng Thanh đâu?”. Một thanh niên chừng 25 tuổi đứng bật dậy: “Dạ, con đây!”. Vong nói: “Mày không biết thương vợ con. Mày tằng tịu với con Mai ở cùng cơ quan”. Chàng thanh niên sợ hãi líu ríu nhận tội. Người phụ nữ ngồi cạnh (chắc là vợ) oà lên khóc nức nở. Sau gần một giờ, gia đình đó mới kéo nhau ra.
    Bỗng cô Phương nhìn chằm chằm vào mẹ tôi rồi kêu to lên: “Mợ ơi! Con của Mợ đây! Thắng đây! (Thắng là đứa em út của chúng tôi, mất lúc chưa đầy một tuổi).
    Mẹ tôi vừa xúc động vừa ngạc nhiên: “Trời ơi! Con tôi… Nhưng con mất từ hồi mới… tám tháng…”
    Vong nói qua miệng cô Phương: “Bây giờ con lớn rồi. Hôm qua con biết Mợ và hai anh đến, nhưng con phải đi mời Cậu. Cậu không chịu về. Con phải nói: Mợ già yếu, còn anh Tâm ở xa về nên Cậu mới chịu. Cậu và Ông Nội cũng về đây với con”
    Rồi quay sang phía hai anh em tôi, cô Phương nói: “Hai anh chẳng nhớ gì đến em. Hai anh chỉ khấn Cậu thôi!”.
    Đúng vậy! Chúng tôi đâu có nghĩ đến thằng em út đã mất từ lúc tám tháng. Thật bất ngờ cho chúng tôi.
    Quay trở lại mẹ tôi, cô Phương nói: “Con thích tên là Bùi Duy Thắng như các anh con là Bùi Duy Tâm, Bùi Duy Tuấn. Sao Mợ lại đặt tên con là Bùi Tất Thắng?”.
    Mẹ tôi luống cuống: “Tại bố con đấy! ”. (Hồi đó cả nhà trách bố tôi vì đặt tên thằng út là Tất Thắng. Tất còn có nghĩa là hết, tức là chết. Nên nó mới mất sớm. Nhân tiện tôi nói thêm là việc đặt tên rất quan trọng, còn quan trọng như thế nào thì tôi không biết. Nhưng tôi có biết ông Đỗ Trí ở Sơn Tây có tài chỉ cần đọc tên là ông biết con người ấy như thế nào, như xem chỉ tay hay số tử vi vậy.)
    Vong em tôi nói tiếp qua cô Phương: “Thôi, Mợ đã khắc tên con trên bia mộ rồi!”
    Đúng thế. Tên em tôi đã được khắc trên bia mộ, nằm cạnh ông bà ngoại tôi trong nghĩa trang Bất Bạt.
    Đến lượt bố tôi vào. Vong bố tôi qua thân xác cô Phương nắm tay mẹ tôi, rồi nói: “Hơn mười năm rồi mới gặp lại bà. Tôi nhớ bà lắm…”. Mẹ tôi khóc nức nở. Chúng tôi cũng khóc. Bố tôi bỗng trách đùa mẹ tôi: “Bà diện lắm! Mới đi may áo đỏ…”
    Trời ơi! Sao bố tôi biết nhanh thế? Trong gia đình tôi đã có ai biết chuyện may áo đỏ của mẹ tôi đâu! Tôi mới về Hà Nội tối hôm trước thì sáng hôm sau trên đường đi Thanh Hoá ghé qua tiệm may, bỏ xấp vải nhung đỏ để may áo cho mẹ kịp mặc vào Lễ Đại Thọ. Mẹ tôi đương líu ríu chống chế thì bố tôi bồi thêm một câu đùa yêu tiếp: “Bà còn muốn tô son đánh phấn nữa!”
    Mẹ tôi rên rỉ: “Cái gì ông cũng biết! Đúng rồi! Tôi vừa xin con cháu Trinh Hương, con gái anh Minh, một chút son phấn để hôm Lễ Đại Thọ thoa một chút. Mặt mũi răn reo quá, sợ thằng con trai cả của ông nó ngượng với bạn bè”. (Chuyện này mẹ tôi giấu kín mọi người, trong khi anh em tôi không hay biết gì, thế mà bố tôi cũng biết!)”
    Rồi cô Phương quay sang tôi: “Tâm ơi! Cậu buồn quá vì chuyện con Hà nhà con. Nó lôi thôi với chồng nó thì chỉ khổ cho ba đứa con thôi”. (Hà là con gái tôi. Chuyện của nó mới xảy ra trước khi tôi về Hà Nội. Vợ chồng tôi nghe phong phanh, nhưng chưa có dịp trao đổi với nhau. Thế mà mọi chuyện người Âm đều biết, không giấu giếm được!)
    Một lúc sau thì ông nội tôi về. Qua miệng cô Phương: “Tao là Bùi Văn Khanh, ông nội đây. Cả bà nội Nguyễn Thị Ngọt cũng về đây!”
    Tôi vội thưa: “Thưa Ông, con nghe anh Đại con cô Hai nói tên Ông là Khánh, nhưng lâu ngày trên giấy khai sinh của Bố con mất dần dấu sắc, nên đọc là Khanh” (cô Hai là chị ruột bố tôi.)
    Ông nội tôi gắt lên: “Tên tao là Khanh, chứ không phải là Khánh”. Rồi quay sang mắng mẹ tôi: “Chị về làm dâu nhà tôi mà không đoái hoài mồ mả tổ tiên nhà chồng. Từ ngày cưới chị, chị chỉ về quê nội có một lần!”.
    Mẹ tôi sợ hãi chống chế: “Gia đình con ở Hà Nội, Hải Phòng. Quê nội ở mãi Bái Đô, Lam Kinh – Thanh Hoá, nên đi lại khó khăn. Và, con sinh con đẻ cái đều đều ba năm hai đứa nên không về thăm quê được. Con xin nhận tội với ông bà”.
    Cứ như thế trong 90 phút vui buồn, khóc lóc…
    Hai anh em tôi và mẹ hớn hở ra về. Có lẽ vì cao hứng nên chúng tôi ghé thăm nhà thơ Hữu Loan, người bạn cũ ở Thanh Hoá. Đáng nhẽ về thẳng Hà Nội, nhưng chắc còn luyến tiếc những giờ phút quý báu xúc động buổi sáng đó nên chúng tôi quay trở ngược lại cầu Hàm Rồng để chụp ảnh với cô Phương. Kỳ này mẹ tôi không phản đối nữa mà còn hăm hở muốn gặp cô Phương.
    Cô Phương vui vẻ cho biết thêm: “Cụ ông lại vừa về cho biết đã đăng ký chỗ dạy học cho bà rồi”
    Lại thêm một ngạc nhiên: Mẹ tôi vốn là một giáo viên hồi hưu. Ngày xưa, mẹ tôi là người đàn bà Tây học. Khi lấy chồng, sinh con thì ở nhà. Khi các con khôn lớn thì bà mới đi dạy lại vì sự khuyến khích của bố tôi. Thôi, không còn nghi ngờ gì nữa. Đúng là vong linh của bố tôi rồi! Lúc nào bố tôi cũng muốn mẹ tôi sử dụng cái tri thức của mình.
    Ngày hôm đó là ngày trọng đại của đời tôi. Tôi thấy cụ thể sự hiện hữu của Linh hồn và cõi âm. Dù cho sau này cô Phương có nói bậy gì đi nữa, các cô gọi hồn khác, các nhà ngoại cảm khác đôi khi có nói bậy vì mưu sinh thì kết quả của ngày hôm đó vẫn không thể chối cãi được, nếu không nói là được tuyệt đối chấp nhận.
    Khác nào như ta cố gắng gọi điện thoại cho người thân, đường dây rất khó khăn, rất xấu, nhưng chỉ một lần thôi ta nghe rõ tiếng người thân trò chuyện với ta về những chuyện gia đình mà người ngoài không thể biết được, thì cũng khá đủ cho ta biết rằng người thân của ta vẫn tồn tại. Tuy ta không nhìn thấy được vì giới hạn của ngũ quan, nhưng người thân quá cố của ta vẫn tồn tại với các ký ức, với các kỷ niệm dưới một dạng nào đó mà ta không biết, ta tạm gọi là “Linh hồn”, trong một thế giới nào đó mà ta cũng không biết, tạm gọi là “cõi âm” (để phân biệt với cõi Dương mà ta đang sống) hay theo kiểu Tây Phương gọi là “Cuộc đời sau khi chết” (“Life after death”)
    Sau này mỗi lần về thăm quê hương, tôi đều đưa mẹ tới gặp cô Phương. Lần sau cùng mẹ tôi gặp cô ấy là cuối năm 2005. Khi đó mẹ tôi vẫn còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Trước khi ra về, cô Phương nói nhỏ với tôi: “Cụ ông nhớ bà lắm. Cụ ông sắp đưa bà về rồi. Một cách bình yên”. Ít lâu sau, mẹ tôi mất rất nhanh.
    Sau này tôi có gặp nhiều nhà ngoại cảm khác ở Việt Nam, họ cũng có khả năng như cô Phương – cô Bằng, cô Thao, cô Mến trên đường từ Hà Nội qua Hải Dương đến Hải Phòng. Tôi cũng đã gặp các nhà ngoại cảm tìm mộ như Cậu Liên, anh Nguyễn Khắc Bảy, cô Phan Thị Bích Hằng…
    Tôi cũng đã gặp các nhà khoa học nghiên cứu về tâm linh như TS Nguyễn Chu Phác, GS Ngô Đạt Tam, GS Phi Phi, TS Ngô Kiều Oanh… làm việc ở các cơ quan khác nhau. Tôi đã được đọc câu kết luận của một tài liệu ở Việt Nam (không phổ biến công khai) như sau: “Thế giới tâm linh là có thật. Đó là một thực tế khách quan cần được các nhà khoa học nghiên cứu nghiêm túc. Chúng ta hãy bình tĩnh, khách quan lắng nghe những lời nhắn nhủ từ thế giới tâm linh để có cuộc sống nhân ái hơn, lương thiện hơn”.

    Comment


    • #3
      <<<Một lúc sau thì ông nội tôi về. Qua miệng cô Phương: “Tao là Bùi Văn Khanh, ông nội đây. Cả bà nội Nguyễn Thị Ngọt cũng về đây!”
      Tôi vội thưa: “Thưa Ông, con nghe anh Đại con cô Hai nói tên Ông là Khánh, nhưng lâu ngày trên giấy khai sinh của Bố con mất dần dấu sắc, nên đọc là Khanh” (cô Hai là chị ruột bố tôi.)
      Ông nội tôi gắt lên: “Tên tao là Khanh, chứ không phải là Khánh”. Rồi quay sang mắng mẹ tôi: “Chị về làm dâu nhà tôi mà không đoái hoài mồ mả tổ tiên nhà chồng. Từ ngày cưới chị, chị chỉ về quê nội có một lần!”.>>>
      Úi giời, tưởng sau khi qua đời mình sẽ được gặp những người cũ tâm hồn mới chứ phải gặp lại cả đám vẫn ăn nói giọng đanh thép, "hình sự" như chủ nợ !!!!

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X