Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thử Đọc Lại Ba Bài Thơ Cũ

Collapse
X

Thử Đọc Lại Ba Bài Thơ Cũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thử Đọc Lại Ba Bài Thơ Cũ

    Thử Đọc Lại Ba Bài Thơ Cũ
    Ngự Thuyết



    Văn chương cổ điển của ta đề cập nhiều đến phái nữ. Ba kiệt tác trường thiên Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán, Kiều ra đời vào nửa sau thế kỷ thứ 18 và nửa đầu thế kỷ thứ 19 đều diễn tả nỗi u uẩn trong lòng người đàn bà. Người chinh phụ từng thốt lên "Nỗi lòng biết tỏ cùng ai", nàng cung nữ thì "Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm", và Kiều cũng than thở "Đau đớn thay phận đàn bà". Phái nữ ngày xưa trong truyền thống Khổng Giáo sống gần như cái bóng bên cạnh phái nam, cha, chồng, rồi con, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, cho nên nhiều lúc có điều muốn nói mà không nói ra được, trong khi người đàn ông sinh ra để hành động, để đối phó, để xông xáo, để vẫy vùng, để chinh phục, để chém giết, để đền nợ nước ngoài chiến trường. Người đàn ông ít bị ẩn ức, ít có gì để kể lể, than thở, thì "thương vay khóc mướn" vậy. Ai cũng biết tác giả cả ba tập thơ bất hủ nói trên đều thuộc phái nam, trong đó cuốn Chinh Phụ Ngâm nguyên văn bằng chữ Hán của ông Đặng Trần Côn do bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm. Sau này, trong trào lưu Thơ Mới, các nhà thơ nổi tiếng, đặc biệt là Nguyễn Bính (Lỡ Bước Sang Ngang), cũng thường thương khóc cho thân phận của phái yếu. Cho hay cái thế giới âm thầm bên trong của con người vẫn là một đề tài không bao giờ cạn kiệt, được người viết dù nam hay nữ hết sức quan tâm.

    Dưới đây là ba bài thơ ngắn của ba nhà thơ nổi tiếng khác lại cũng đi sâu vào những ngõ ngách trong tâm hồn những người nữ yêu đương, đau khổ, chờ đợi: Đây Thôn Vỹ của Hàn Mạc Tử, Làng Em của Bích Khê, và Người Điên của Bùi Giáng.

    Đây Thôn Vỹ

    Sao anh không về chơi thôn Vỹ
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

    Gió theo lối gió mây đường mây
    Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
    Có chở trăng về kịp tối nay.

    Mơ khách đường xa khách đường xa
    Áo em trắng quá nhìn không ra
    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
    Ai biết tình ai có đậm đà.


    Bài thơ kiệt tác trên đã được bàn thảo, bình luận rất nhiều, và có những ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau.

    Vào cuối thập niên 70 thế kỷ trước, một bài phê bình đăng trên một tuần báo trong nước cho rằng Đây Thôn Vỹ thuộc loại thơ trăng gió, đồi trụy, đáng bị đưa vào danh sách những tác phẩm nhảm nhí, độc hại. Đó là lời kêu gọi, mời mọc khách làng chơi về với những nàng kỹ nữ đang đứng lấp ló sau những khóm tre khóm trúc chờ đợi. Về nhanh cho kịp xuống "ngủ đò". Thuyền sẽ kịp chở trăng về tối nay. Xong chuyện, lẽ dĩ nhiên những khách làng chơi, khách đường xa, ai về nhà nấy, hơi sức đâu mà đèo bòng của nợ: Ai biết tình ai có đậm đà. Và người kỹ nữ lại chờ đón những khách đường xa khác. Cứ thế. Do đó, ba chữ khách đường xa trong câu đầu của khổ cuối được lặp lại như một điệp khúc: "Mơ khách đường xa khách đường xa".
    Ý kiến lệch lạc vừa nói trên dần dần bị bác bỏ.

    Có người lại cho rằng Đây Thôn Vỹ là một bài thơ tả cảnh tuyệt vời. Ngôn ngữ, ý nghĩa, hình ảnh, âm điệu hôn phối với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên tinh khiết, sống động, lung linh, huyền diệu, khiến cho Thôn Vỹ vốn đã xinh đẹp biến thành một cảnh giới thần tiên. Nói đến Thôn Vỹ, người ta không thể không nghĩ ngay đến bài thơ Đây Thôn Vỹ của Hàn Mạc Tử. Có người còn cho rằng làng Vỹ Dạ ở Huế đã trở thành bất tử nhờ những vần thơ tuyệt tác ấy.

    Còn rất nhiều nhận định khác nữa, một bài thơ hay thường được nhìn từ nhiều góc cạnh.

    Gần đây, trong cuốn Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử của Chu Văn Sơn xuất bản năm 2003 tại Hà Nội, đăng trên Talawas ngày 19/11/2005, bài Đây thôn Vĩ Dạ được thẩm bình rất kỹ lưỡng. Có một số nhận định độc đáo, ý nhị. Ngoài ra, tác giả Chu Văn Sơn lại chủ trương đại khái như thế này:

    Nhà thơ Hàn Mặc Tử đang kéo lê kiếp sống lưu đày trong này (trong này không nhất thiết là những địa điểm hạn hẹp như Gò Bồi hay Qui Hòa dành cho người hủi, mà phải hiểu rộng ra rằng chốn đó phải được coi như một thứ lãnh-cung-định-mệnh dành cho một cung nữ xấu số), cho nên luôn luôn khao khát cuộc đời kỳ diệu ngoài kia, đó là Thôn Vĩ. Mỗi lần nhà thơ tiễn người đến thăm là một lần đau đớn cảm thấy mình vừa tiễn người từ chốn lưu đày vĩnh viễn về lại cuộc đời. Bởi thế, Thôn Vĩ là giấc mơ thần tiên của Hàn Mặc Tử, là "lời tỏ tình với cuộc đời của một niềm tha thiết đến đau thương, một tình yêu mãnh liệt mà vô vọng." Chủ thể của bài thơ, do đó, chính là tác giả của nó. Ngay trong câu mở đầu Sao anh không về chơi thôn Vĩ chữ anh mang ý nghĩa tự thân, tức là tôi, câu thơ là một câu tự tình, tự nhủ với riêng mình, như một nhắc nhở, một ao ước. Chu Văn Sơn còn khẳng định: "Giờ đây chẳng ai còn ấu trỉ gán cho nó là câu hỏi của Hoàng Cúc hay của một cô gái nào ở thôn Vĩ nữa."

    Kẻ viết bài này, hoàn toàn căn cứ vào văn bản, và trong một chừng mực nào đó, liên văn bản (inter-textual, văn thơ khác của tác giả hoặc của những tác giả khác có liên hệ xa gần), lại nghĩ khác. Theo tôi, Hàn Mạc Tử qua Đây Thôn Vỹ đã diễn tả tiếng lòng của một người nữ. Có người nữ ấy trong đời của nhà thơ hay không? Điều đó không cần phải đặt ra. Có càng tốt, mà không có, thì ai cấm được một nhà thơ đầy mơ mộng và sáng tạo dựng lên một hình ảnh, một tình huống? Tôi còn nhớ bài thơ tình dài và đầy nước mắt Như Băng Trường Hận của nhà thơ yểu mệnh Quách Thoại trong nhóm Sáng Tạo của miền Nam vào cuối thập niên 1950. Khi được hỏi, tác giả cho biết nhân vật Như Băng chỉ là hư cấu.

    Tốt hơn hết, ta thử trở lại văn bản để lắng nghe người con gái Huế ấy bộc lộ nỗi niềm.

    Cô nàng nói gì vậy? Đó là những câu nhắn nhủ, xen lẫn với buồn lo, trách móc, than thở, nghi ngại.

    Câu đầu của khổ đầu, Sao anh không về chơi thôn Vỹ, đúng như Chu Văn Sơn viết, "… là một câu hỏi nhiều sắc thái: vừa hỏi, vừa nhắc nhở, vừa trách, vừa mời mọc." Dấu chấm hỏi cuối câu có thể thay bằng dấu chấm than. Người con gái ấy vốn cả thẹn, nhắn chàng về chơi thôn Vỹ phải chăng để chàng thăm mình, hay để mình thấy được mặt chàng. Có lẽ nàng muốn nói: "Sao anh không về thăm em", hoặc "Sao anh không về để em được thấy mặt anh." Hãy chú ý chữ chơi trong câu đầu tiên ấy. Về chơi chứ không phải về thăm. Về như một một khách nhàn du có nhiều thì giờ rảnh rỗi thì thử đến chơi tại một ngôi làng xinh đẹp cho biết. Chứ cô nàng không có ý thúc giục, ép buộc ai đâu. Người con gái cả thẹn mà. Cho nên ta thấy ngay Thôn Vỹ chỉ là một cái cớ. Con người mới là đối tượng chính.

    Bốn câu thơ của khổ đầu bày ra một quang cảnh vô cùng thanh khiết, tinh khôi, của một buổi sáng có nắng lên trong một vườn cau xanh mướt, khác nào nỗi hân hoan, niềm hy vọng, cũng đang dâng lên trong lòng cô gái. Trong khung cảnh thần tiên ấy, một khuôn mặt đột ngột xuất hiện, khuôn mặt chữ điền: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Khuôn mặt của ai vậy? Của một người láng giềng nào đó mà chàng hay nàng muốn nhìn chăng? Hẳn là không phải. Vậy khuôn mặt của nàng hay của chàng? Người ta thường cho rằng đó là khuôn mặt của người con gái thôn Vỹ, và còn mong rằng nếu khuôn mặt đó có hình trái soan chẳng hạn thì sẽ thêm phần thơ mộng. Nhưng theo tôi, khuôn mặt ấy là khuôn mặt của chàng thì hợp với văn cảnh hơn: cô gái Thôn Vỹ dịu dàng và cả thẹn mong chàng về để được thấy mặt chàng cho thỏa lòng mong nhớ! Chớ đâu phải mong chàng về để chàng nhìn khuôn mặt của mình lấp ló sau những ngọn lá trúc: Anh hãy về đây nhìn nắng mới trong vườn cau, còn em thì được nhìn khuôn mặt của anh sau những cành trúc. Hình ảnh trong mơ ước của người con gái quả là đẹp tuyệt vời.[1]

    Cảnh nắng đẹp trong vườn cau cũng khiến kẻ viết bài này không thể không trở lại với vài nhận xét của Chu Văn Sơn. Như đã nói, tác giả Chu Văn Sơn có những phát hiện độc đáo, nhưng riêng đoạn sau đây phải được xét lại. Ông viết: "Thân cau chia thành nhiều đốt đều đặn, khác nào như một cây thước mà thiên nhiên dựng sẵn trong vườn dùng để đo mực nắng. Nắng mai rót vào vườn cứ đầy dần lên theo từng đốt, từng đốt. Đến khi tràn trề thì nó biến cả khu vườn xanh thành viên ngọc lớn." Thật ra, những tia mặt trời buổi sáng sớm trước tiên trùm lên trên những ngọn cau vươn lên cao sàn sàn với nhau, rồi cứ thế mặt trời càng lên thì nắng càng dần dần đổ xuống ôm lấy hoa cau, bắp cau, thân cau, gốc cau. Nắng mới lên trong câu thơ "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên" có nghĩa là nắng vừa mới đậu lên trên những ngọn cau. Hoặc chữ mới trong câu thơ cũng có thể là một tính từ, thì mới có nghĩa là mới mẻ, chứ không phải vừa mới (trạng từ).

    Nhưng liệu chàng có về hay không?

    Khổ thứ hai của bài thơ không còn là những hình ảnh tươi sáng của thiên nhiên và đồng thời nỗi hân hoan trong lòng người nữa. Hay nói cho đúng hơn, thiên nhiên lúc ấy lại dùng để miêu tả nỗi bồn chồn, lo lắng, dao động, và buồn. Gió, mây, mỗi thứ đi một ngã, dòng nước không đuổi theo kịp, trôi lờ lững buồn thiu:

    Gió theo lối gió mây đường mây
    Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay


    Dòng nước buồn thiu hay chính đó là nỗi buồn vừa nhen nhúm trong lòng cô gái? Gió mây đã bay theo con đường của gió mây, dòng nước cũng từ từ trôi, mọi thứ đã ra đi bỏ lại cô nàng một mình nơi đây với những hàng bắp đu đưa. Hình ảnh hoa bắp lay - chữ lay được sử dụng một cách thần tình – cây bắp bị chôn chân trong lòng đất, không đi theo được với dòng nước, với cơn gió, với cụm mây, đành phải đứng một chỗ đu đưa, cũng là hình ảnh người con gái đứng một mình bồn chồn trông ngóng. Nhưng liệu chàng sẽ về hay không, hay mọi chuyện đều trễ tràng hoặc đổ vỡ? Người chờ đợi luôn luôn mang tâm trạng lo âu ấy, thấy thời gian dài ra, thấy không gian càng mênh mông, sợ cuộc hẹn đã lỡ làng rồi, sợ thuyền không kịp chở trăng về bến.

    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
    Có chở trăng về kịp tối nay.


    Khổ ba là tiếng than khe khẽ. Nàng mơ gặp chàng, mong lắm, lặp đi lặp lại lời mong ước, mơ khách đường xa. Nhưng liệu chàng có về hay không? Và khi về, tình cảm có còn đậm đà hay không? Hay là chàng đã quên mình rồi, chàng không nhìn ra mình được nữa, không nhìn thấy chiếc áo trắng mình đang mặc lẫn trong màu trắng của khói sương mờ ảo đang bao trùm ngoại cảnh cũng như tâm cảnh?

    Mơ khách đường xa, khách đường xa
    Áo em trắng quá nhìn không ra.
    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
    Ai biết tình ai có đậm đà.


    Bốn câu thơ trên có thể hiểu như những câu hỏi, câu ta thán, hay câu nói hờn dỗi cũng được. Hay tất cả những ý niệm ấy trộn lẫn với nhau làm một cũng không sai. Tâm hồn con người vốn tinh vi, uẩn áo, phức tạp, nhiều lúc "môn chẳng ra môn, khoai chẳng ra khoai". Mới đây, giữa tháng12 năm 2005, nụ cười của Mona Lisa trong bức danh họa của Léonard de Vinci đã được một trường đại học Hòa Lan phối hợp với đại học Illinois, Mỹ, dùng máy điện toán phân tích chi li và đi đến kết quả rằng đó đúng là một nụ cười, một nụ cười huyền bí kết hợp mấy yếu tố sau đây: 83% vui, 6% cảm thấy bị xúc phạm, 7% lo âu, 4% còn lại thuộc linh tinh. Những con số ngộ nghĩnh ấy dù đúng hay sai vẫn chứng tỏ rằng một nụ cười hiện rõ lên trên khuôn mặt còn rắc rối đến thế huống hồ lòng người sâu kín bên trong. Cho nên làm sao cắt nghĩa được tình yêu, nói như Xuân Diệu thời trẻ. Người con gái khi mới yêu thường vui buồn bất chợt, chen lẫn với lo sợ, nghi ngờ, bóng gió. Một bài thơ rất dễ thương của Xuân Diệu tựa đề là Đơn Sơ cũng diễn tả tâm trạng ấy:

    Em nói trong thư: "Mấy bữa rày,
    "Sao mà bươm bướm cứ đua bay;
    "Em buồn, em nhớ, chao! Em nhớ!
    "Em gọi thầm anh suốt cả ngày.
    "Ngoài ấy vui không, anh của em?
    "Trong này đã có nắng vàng êm;
    "Mỗi lần nắng dọi, em ra cửa,
    "Em nghĩ gì đâu, đứng lặng im.
    "Mùa xuân khó chịu quá đi thôi!
    "Cảnh đẹp làm em thấy lẻ loi,
    "Chim hót xui em nghe quạnh quẽ;
    "Hay là anh đã bỏ em rồi?
    "Ồ! Mới nghiêng mình xem nước trong
    "Vui mừng em thấy má em hồng…"
    Em tôi ăn nói vô duyên quá!
    Em đốt lòng anh, em biết không?


    Tóm lại, Đây Thôn Vỹ với tất cả những biểu hiện trong sáng, êm đềm, mượt mà của nó, vẫn là một bài thơ chứa đựng nhiều tâm sự.


    Bài Làng Em của Bích Khê cũng là một bài thơ rất hay.

    Làng Em

    Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh
    Anh có khi nào trở lại chưa?
    Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc
    Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa.

    Nơi đây thành phố đời ngưng mạch
    Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ
    Đường lên hội quán sương khuya xuống
    Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ?

    Anh có khi nào còn trở lại?
    Chờ lúc hoàng hôn trăng đã lên
    Tìm ngõ nhà em anh sẽ thấy
    Khóm lan thơm nặng khí ưu phiền.

    Là lúc đêm về trên mái ngói
    Những nhành nhãn muộn bóng dơi lay
    Em đang nổi bệnh trong phòng vắng

    Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy.


    Thơ Bích Khê không dễ đọc. Những bài thơ tượng trưng, phi thực của ông (Tỳ Bà, Hoàng Hoa, Đồ Mi Hoa, Mộng Cầm Ca, Tranh Lõa Thể, Xuân Tượng Trưng, Duy Tân v.v...) đã đành là phải được đọc đi đọc lại nhiều lần mới cảm nhận một phần nào những nét đẹp lạ lùng trong đó, ngay bài Làng Em, một trong những bài đơn sơ nhất của ông, cũng đòi hỏi nỗ lực tìm tòi của người đọc không ít.

    Làng Em ở đây là làng nào? Và của em nào? Trong một bài viết về Bích Khê vào năm 1988, đăng trong 70 Năm Đọc Thơ Bích Khê, Nhà Xuất Bản Thanh Niên, Hà Nội, 2003, Chế Lan Viên có ý nghĩ rằng Làng Em là làng Thu Xà, quê của Bích Khê, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Ông viết: "Nhà cửa, ruộng đồng, phố xá quê anh đã đổi thay dữ dội, vì bom đạn, vì xây dựng, nhưng tôi vẫn thấy mình đi trong không khí, khí hậu các câu thơ: ‘Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh’…’Nơi đây thành phố đời ngưng mạch’. Nhà Khê đây rồi, giữa phố, không có ngõ. Tôi bỗng dưng tiếc cái ngõ trong thơ ấy. Như ngày nào về thôn Vỹ Dạ ‘Lá trúc che ngang mặt chữ điền’ tiếc không thấy trúc ở đâu. ‘Những cành nhãn muộn bóng dơi lay’ những gốc nhãn, cành nhãn Khê tả ấy không còn. Vườn đầy chuối. Đứng giữa chuối, người cháu đưa tay chỉ xa xa chỗ Khê nằm. ‘Em đang nổi bệnh trong phòng vắng/Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy’ Bỗng dưng ta thấy Khê đang nằm trong phòng ấy, thiêm thiếp thiêm thiếp như tôi thấy anh nằm ở Pasteur ngoài Huế, ở Hoàng Hoa Trang quê chồng chị Ngọc Sương trong Quảng, nằm và cười nhợt nhạt héo hon, he hé đôi mắt chào tôi."

    Những ý kiến vừa rồi của Chế Lan Viên về ngôi làng ấy không nhất thiết có liên hệ chặt chẽ đến bài thơ. Làng Em có thể là làng Thu Xà hay một ngôi làng quê nào khác cũng tốt thôi, và danh xưng em trong bài thơ không nhất thiết phải là tác giả Bích Khê. Ai cấm được tác giả, và cả độc giả, nghĩ đến một người em thuộc phái nữ sống cô đơn trong một ngôi làng hẻo lánh đang mong chờ một người anh xa xôi. Hơn nữa, trong ngôn ngữ Việt Nam, đặc biệt trong văn cảnh của bài thơ, chữ em khiến ta nghĩ ngay đến phái nữ.

    Làng Em, nếu so với Đây Thôn Vỹ, cũng có thôn, có làng, có con sông, có trăng, nhưng không có vườn nắng đẹp như ngọc, mà là một ngôi làng cũ hiu quạnh. Cũng nỗi mong nhớ người yêu, cũng mong chàng về, nhưng bằng giọng điệu chịu đựng của một người đang lâm bệnh(?). Không có hoa bắp lay như trong Thôn Vỹ, thì lại là Những cành nhãn muộn bóng dơi lay, nghe buồn bã, uể oải và tiêu điều hơn nhiều. Bích Khê vốn yêu quý Hàn Mạc Tử, bóng dơi lay hẳn có mang một chút âm vang của hoa bắp lay? Không có sương khói mờ nhân ảnh, thì lại có Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa. Câu hỏi "Anh có khi nào trở lại chưa?" cũng có thể là lời trách móc nhẹ, một tiếng than thầm, nhưng không hề có ý nhắn nhủ, mời gọi, như trong câu Sao anh không về chơi thôn Vỹ. Câu thơ ấy của Bích Khê mang ý nghĩa của một câu hỏi, hỏi cho có hỏi chứ không mong được trả lời. Hơn nữa, câu hỏi ấy còn có thể hàm ý: Biết đâu anh ấy có về nhưng mình nào hay? Có thể anh có về mà anh không đến thăm mình chăng? Ở đoạn dưới, "Anh có khi nào còn trở lại" nghe càng áo não hơn.

    Khổ thứ hai của bài thơ là một khung cảnh chán nản gần như chết chóc, Nơi đây thành phố đời ngưng mạch, của một phố khách, phố người Tàu cư ngụ, nơi đó các người con gái lai khách buồn nản đi tới hội quán theo thói quen, thấp thỏm trông chờ ai đó để chỉ gặp sương khuya đổ xuống — còn đâu những chàng trai theo đuổi! Con trai trong làng đi đâu hết cả rồi!

    Đường lên hội quán sương khuya xuống
    Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ?


    Thì cũng như chàng của nàng đã đi biệt tích từ lâu khiến nàng, người con gái ốm đau ấy(?), đã mấy lần cay đắng thầm hỏi: Anh có khi nào trở lại chưa?/Anh có khi nào còn trở lại!

    Khổ ba và bốn của bài thơ không còn sử dụng ngôn ngữ kể lể hoặc miêu tả chân phương nữa. Tác giả đã từng bước ngấp nghé đi qua lãnh vực biểu hiện trong thơ tượng trưng, phi thực, trong đó sự can thiệp của ý thức mờ nhạt dần, tiềm thức, vô thức và bản năng, kể cả bản năng nhục dục được khơi dậy.

    Ta có thể hiểu như thế này không: Trong khổ ba, nàng ao ước lúc trăng lên chàng sẽ trở lại ngôi làng cũ đến thăm mình, và khi đó hẳn chàng sẽ hiểu rằng mình đang đau khổ vì chàng, đang phiền muộn vì mòn mỏi chờ đợi. Nỗi đau trong lòng lan tỏa ra cả ngoài cảnh vật, cây cỏ, hoa lá:

    Tìm ngõ nhà em anh sẽ thấy
    Khóm lan thơm nặng khí ưu phiền.


    Thế nhưng, nếu chàng trở lại, dù đang trong cơn bệnh hoạn, nàng cũng sẽ nối lại tình xưa. Rồi càng về khuya, theo ánh trăng càng lúc càng sáng tỏ, cuộc tình sẽ càng lúc càng nồng nàn, say đắm, đầy ắp — như được diễn tả trong hai câu cuối:

    Em đang nổi bệnh trong phòng vắng
    Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy.


    Thế sao? Đang bệnh hoạn mà cô nàng vẫn khao khát yêu đương đến thế! Giải thích như trên nghe có chỗ lấn cấn. Là vì hai chữ nổi bệnh. Như ăn một miếng ngon gặp phải hạt sạn. Nổi bệnh? Sao lại nổi bệnh? Ta thường nói lâm bệnh, nằm bệnh, ngọa bệnh, bị bệnh. Còn nổi bệnh hẳn ám chỉ một thứ bệnh khác. Bệnh gì vậy? Nhà thơ có dụng ý gì khi dùng hai từ đó? Thế thì đó không phải là một hạt sạn nữa, mà là dụng công tài tình của tác giả. Thử liên hệ đến vài ba bài thơ khác của Bích Khê.

    Những bài thơ hay của nhà thơ này thường mang nặng ám ảnh nhục dục. Chẳng hạn trong Tranh lõa thể:

    Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi
    Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng
    Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động
    Tôi run run hãm lại cánh hồn si...

    Trong Xuân Tượng Trưng:

    Vườn thơm khua sắc mật
    Rồng uốn vóc tùng cong
    Ao bạch mai khoát khoát
    Môi đào chờ khoái lạc…

    Trong Xác Thịt:

    Tôi vồ người như một miếng mồi ngon;
    Miệng ngậm hờn riết chặt lấy môi son;
    Mắt đổ lửa lườm qua làn sóng sắc…
    Tôi giật nẩy rồi cười lên sặc sặc,
    Hai tay cào đôi vú trắng như bông…


    Ba đoạn trích dẫn trên chứng tỏ Bích Khê nói đến thân xác một cách rất táo bạo, và chứa đầy khao khát nhục dục, khác hẳn những nhà Thơ Mới tiền chiến.[2] Về ám ảnh nhục dục, như từ một vài đoạn trích dẫn trên, ta thấy Bích Khê còn đi xa hơn Hàn Mạc Tử nhiều.

    Hãy trở lại hai câu cuối của bài thơ:

    Em đang nổi bệnh trong phòng vắng
    Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy…


    Người đọc có thể nghĩ rằng, qua hai câu thơ ấy, bản năng nhục dục thầm kín trong lòng cô gái bỗng dưng vùng dậy. Trong một căn phòng vắng vẻ chỉ một mình mình biết một mình mình hay, nàng đang nổi bệnh cùng với những ước mơ và tưởng tượng đến thú yêu đương nồng cháy dưới ánh trăng càng lúc càng sáng đầy. Nhưng đó chỉ là giấc mơ, đó là bi kịch, đó là nỗi đau giấu kín dưới hai câu thơ chứa đầy nhục cảm. Riêng câu "Em đang nổi bệnh trong phòng vắng" khiến ta nhớ ngay đến câu thơ "Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng" trong Cung Oán Ngâm Khúc, một kiệt tác thường bị lãng quên trong đó, về mặt mô tả thú nhục dục, Ôn Như Hầu của nửa cuối thế kỷ 18 đã vượt xa những nhà Thơ Mới của nửa đầu thế kỷ 20.


    Bài thơ thứ ba ta sắp đọc là bài Người Điên của Bùi Giáng. Ông còn có một bài thơ khác cũng với nhan đề Người Điên. Khi còn là trung niên thi sĩ, Bùi Giáng nói nhiều về những giai nhân đông tây kim cổ. Ông yêu thương đủ mọi loại người đẹp, từ Nam Phương Hoàng Hậu đến Cô Mọi Nhỏ, từ Hà Thanh đến Kim Cương, từ Marilyn Monroe đến ni cô Trí Hải v.v… Riêng đối với ni cô Trí Hải (Phùng Khánh), một sư cô đạo cao đức trọng, ông có phần kiêng dè, nhưng vẫn thích "tán tỉnh". Thì để "tiện việc sổ sách" ông gọi Phùng Khánh là mẫu thân dù Phùng Khánh nhỏ tuổi hơn ông nhiều. Con yêu thương mẹ là chuyện tự nhiên như nhiên, nhóm chữ Bùi Giáng thường dùng, ai dám bắt bẻ! Ông nhắc nhở, thương tiếc, và ca tụng những người đẹp một cách trìu mến, có khi man mác, mông lung, có khi vô cùng áo não.

    Nhưng khác với Hàn Mạc Tử và Bích Khê, ông không hề bị xác thịt ám ảnh dày vò. Chẳng hạn Hoàng Hậu đẹp một cách thong dong, Ni Cô đẹp một cách không lời, Hà Thanh đẹp một cách cởi mở, vân vân … Toàn là những ý niệm trừu tượng. Ông không mô tả thú nhục dục, ông không "ca tụng thân xác", duy có một điều lạ lùng nơi nhà thơ tài ba ấy, Bùi Giáng thích nói đến cái giống của đàn bà. Không nói theo kiểu "toạc móng heo", "banh xà rong" như một số nữ thi sĩ trẻ bây giờ, ông chọn lối nói bóng gió, hoặc nói lái. Nói cho "hả hơi" cho "sướng miệng", một thói quen của những người thuộc loại "khẩu dâm"? Cũng có thể như thế. Nhưng trong nhiều trường hợp, "cái giống" ấy được ông đề cập với tất cả âu yếm, kính trọng, hoặc thương cảm. Ở Bùi Giáng, đùa và thật lẫn lộn, điên và tỉnh khó phân biệt, phá phách tan hoang và xây dựng thành một cái gì đó từ những đổ vỡ, từ những lớp tro tàn. Khi được tin ngôi sao màn bạc Marilyn Moroe qua đời, ông than khóc:


    Giữa hư vô nếu em còn
    Nhớ ta em gởi cái hồn cho ta
    Úp môi ôm mặt khóc òa
    Cồn lê lên miệng là ba bốn lần

    (Người viết bài này tô đậm)

    Ông thích dùng chữ lá cồn (lại nói lái). Một tập thơ của ông có tựa đề Lá Hoa Cồn. Hãy đọc thêm một đoạn thơ trong bài Em Là:


    Quên luôn cả lá cồn
    Quên nước nguồn nước suối
    Vì nhớ em luôn luôn
    Vì em là con gái
    Mang một cái (rất lạ) trong người
    .

    Những trích dẫn dài dòng trên đây có thể phần nào làm sáng tỏ ý nghĩa của hai chữ lá cồn trong câu cuối cùng của bài thơ Người Điên sắp được nói đến.

    Đây Thôn Vỹ, Làng Em hai tác giả đưa ta về những ngôi làng hoặc buồn, hoặc vui, nơi đó thời gian muốn ngừng trôi, không gian muốn làm chứng bằng những dấu ấn đậm nét như vườn tược, cây, cỏ, hoa, lá, hoặc bến sông trăng, dòng sông biếc, trời mây sương khói, hoặc những nỗi niềm thầm kín, những hy vọng, chờ đợi, lo âu, trách móc, hờn dỗi, tủi hổ, khao khát, thèm thuồng, nghĩa là tất cả những gì rất "người" trong cõi nhân gian mà ta từng trải qua. Nhưng trong Người Điên của Bùi Giáng, người đọc hoang mang. Người đọc bị đưa vào một cõi trống không. Khung cảnh biến đổi nhanh chóng bên dòng thời gian trôi miên man suốt cả một đời. Không có con đường về. Chỉ có con đường đi. Đi đâu? Đi theo chàng. Mà chàng đi đâu? Không ai biết. Có hai nhân vật, có một tình yêu một chiều. Và một hoàn cảnh khó hiểu đến kinh dị bao trùm lấy người nam và người nữ đang lặng lẽ đi bên nhau. Vâng, lặng lẽ vì không có đối thoại bằng ngôn từ hoặc bằng tâm cảm. Người nữ lặng lẽ yêu người nam, theo dõi từng bước chân của chàng mà chàng thì như từ một hành tinh nào khác lạc xuống trần gian đi tìm kiếm một cái gì nàng không thể nào hiểu nổi. Chàng đi đi mãi. Nàng đi theo.

    Nàng ở ngay bên chàng mà chàng không thấy, nàng đay nghiến: Người yêu mù của tôi. Nàng ở ngay bên chàng mà chàng không chịu nói một lời: Người yêu câm của tôi. Chàng là người mù, người câm, nhưng không điếc, vì chàng có nghe. Không phải nghe nàng, mà nghe những tiếng gọi mơ hồ đâu đâu, để cứ thế đi tìm. Tìm được gì? Không tìm được gì cả, hoạ chăng có khi gặp:

    "Một mùa xuân hấp tấp!"

    Hấp tấp là còn tệ hơn vội vàng, gấp rút, hối hả. Hấp tấp bao hàm ý nghĩa bất ổn, ẩu tả, luôn luôn đưa đến thất bại. Thế mà chàng cứ một mình đi:

    "Vì sao chàng nhắm mắt
    Đi kiếm mãi một mình"


    Đi hết bờ cỏ bụi dâu đến khô se đồng nội, hết ruộng trổ đòng đòng đến nước đục cong cong, nghĩa là đi mãi trong cuộc lữ bất tận, quên cả trời đang mưa lên mặt. Mưa lên mặt của chàng? Có lẽ không phải:

    Để trời mưa lên mặt
    Một lá cồn phiêu linh.


    Vâng, mưa không rơi lên mặt của chàng mà rơi lên mặt một lá cồn phiêu linh. Hãy chú ý chữ một trong câu cuối. Cũng trong Cung Oán Ngâm khúc ta gặp câu "Liều thược dược mơ mòng thụy vũ"– nàng cung nữ trông chờ ơn mưa móc của nhà vua. Người nữ của Bùi Giáng không có được cái ước mơ của nàng cung phi, đành phải để mưa rơi lên mặt lá cồn.

    Bài thơ mỗi câu năm chữ được viết bằng những từ ngữ rất đơn sơ, chắc nịch, như đinh đóng cột, bằng một giọng điệu cộc lốc, lạnh lùng, gần như vô cảm, thế mà, thật lạ lùng, đã tạo nên rất nhiều hoang mang. Đằng sau những dòng chữ giản dị nhất là những dư vang bi thiết nhất. Đặc biệt là những câu bắt đầu bằng chữ Một. Nhảy tango cần phải có hai người — It takes two to tango — thì yêu nhau cũng thế, cần có hai. Đằng này trong bài thơ ngắn năm chữ bốn khổ đã có bốn câu bắt đầu bằng chữ Một.

    Một đời chàng không nói
    Một đời chàng khô môi

    Một mùa xuân hấp tấp


    cho nên chuyện không thể tránh đã đến với nàng là:

    Một lá cồn phiêu linh.

    Bài thơ ấy có nhan đề Người Điên. Vậy chàng điên hay nàng điên? Chàng điên mới không chịu nắm bắt hạnh phúc trong tầm tay mà cứ mải miết đi tìm một cái gì không bao giờ có. Nàng điên mới mù quáng yêu một người như thế, một thứ tình yêu như một nghiệp dĩ. Khi nàng đay nghiến Người yêu mù của tôi thì chính bản thân của nàng cũng mù không kém. Thế thì cả hai người cùng điên? Cùng mù? Nàng có nói, nhưng hình như không phải nói cho chàng nghe mà nói cho một mình mình nghe, như những tiếng nói lẩm bẩm, càm ràm. Thì đối với chàng, nàng cũng là người câm nốt.

    Vừa rồi là một cố gắng làm một chuyện không thể làm trọn vẹn được, đó là diễn dịch ra văn xuôi bài thơ dưới đây của Bùi Giáng:

    Người Điên

    Người yêu mù của tôi
    Người yêu câm của tôi
    Một đời chàng không nói
    Một đời chàng khô môi
    Chàng nghe thấy ở đâu
    Nơi nào chàng bắt gặp
    Bên bờ cỏ bụi dâu
    Một mùa xuân hấp tấp
    Từ khô se cồn nội
    Xuống ruộng trổ đòng đòng
    Lúa mùa lên phơi phới
    Bờ nước đục cong cong
    Vì sao chàng nhắm mắt
    Đi kiếm mãi một mình
    Để trời mưa lên mặt
    Một lá cồn phiêu linh.



    Đây Thôn Vỹ là tiếng nói dịu dàng, e ấp của một cô gái đang nâng niu một mối tình vừa chớm nở. Nhưng lắng nghe cho kỹ ta cũng thấy giữa những dòng cảm xúc là nỗi băn khoăn và bất an khởi đi từ những nét trong sáng trong khổ thứ nhất, qua sự dao động và đượm buồn trong khổ thứ hai, và cuối cùng trong khổ thứ ba là mối lo âu, lòng ngờ vực. Ngôn ngữ của bài thơ lại rất sang cả, tài hoa. Bài thơ nghe trong veo như những câu hát thần tiên, và đẹp như một viên ngọc không vết.

    Rồi ta lại gặp nỗi đau đớn, dồn nén, nhẫn nhục, và lòng khao khát yêu đương của một người đàn bà bị bỏ quên nơi một ngôi làng quạnh vắng, Làng Em. Mỗi lời nói của thiếu phụ — tác giả không nói rõ ra nhưng người đọc vẫn cảm thấy người nữ này không phải là một cô gái mới lớn — là một tiếng nấc, tủi hổ, ưu phiền, u uất. Bài thơ mang cấu trúc của một ca khúc: khổ 2 lặp lại giai điệu và tiết tấu của khổ 1, rồi đổi âm giai trong khổ 3 để đi đến kết thúc của khổ 4. Cách dùng điệp ngữ "sợi sợi mưa" trong khổ đầu được lặp lại bằng điệp ngữ "sáng sáng đầy" trong khổ cuối tạo nên âm hưởng tiếng trống đánh nhịp cho toàn bài. Bài thơ nghe vang vang, âm u, trong hai khổ đầu, uất nghẹn trong khổ 3, rồi òa vỡ trong khổ 4. Nhìn từ một góc độ khác, ta nhận thấy ba khổ đầu là ba câu hỏi chua xót, khổ cuối là câu trả lời mang đầy kịch tính.

    Người đàn bà thứ ba ta đang lắng nghe là Người Điên của Bùi Giáng. Ta gặp những "âm thanh và cuồng nộ". Những bực bội, đay nghiến cứ thế tuôn ra, cuối cùng đi đến chỗ trâng tráo. Nếu nàng cung nữ của Nguyễn Gia Thiều "Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra", thì người đẹp của Bùi Giáng thét lên: "Để trời mưa lên mặt/Một lá cồn phiêu linh." Ngoài ra, nếu nàng không dùng hai chữ người yêu để gọi chàng, người đọc có thể nghĩ rằng đây không phải là lời tỏ tình của một người yêu nói với một người yêu. Ngôn ngữ của người nữ gần như trần trụi, vô cảm, phát xuất từ một thứ tình yêu một chiều, kỳ dị, phi lý dành cho một người đàn ông xa lạ, một kẻ vong thân.

    Là hai nhà thơ tiền chiến nổi tiếng, Hàn Mạc Tử và Bích Khê khởi đầu làm thơ theo thể Đường Luật[3] rồi chuyển qua thơ mới, và không dừng bước, trái lại tiếp tục đi sâu vào lãnh vực của biểu hiện, tượng trưng, phi thực, siêu thực, trong khi tuyệt đại đa số các nhà Thơ Mới khác vẫn quanh quẩn trong trường phái lãng mạn, ấn tượng. Sau này, Bùi Giáng còn đi xa hơn vào thế giới của tiềm thức, vô thức, giải cấu trúc (déconstruction), nhưng cũng từng làm thơ luật Đường.[4]

    Cách đây khoảng 70 năm, hai nhà thơ tiền chiến Hàn Mạc Tử, Bích Khê tự cho mình thuộc trường thơ loạn, thơ điên. Một tập thơ của Hàn Mạc Tử có nhan đề Thơ Điên. Nhà thơ vừa tạ thế Bùi Giáng cũng thường được mệnh danh là nhà thơ điên (và trên thực tế, Bùi Giáng từng được điều trị tại Nhà Thương Điên Biên Hòa). Cả ba nhà thơ điên loạn ấy đã để lại những sự nghiệp thi ca lừng lẫy. Ba bài thơ ta vừa đọc trên đây, tuy chưa phải là những bài thơ tiêu biểu của ba tác giả ấy, nhưng đã hé mở cho thấy thấp thoáng những chân trời mới lạ vượt qua khỏi thế giới của trào lưu Thơ Mới.



    Ghi Chú:

    [1] Trong thơ, hiểu khác nhau, hiểu ngầm, hiểu nhầm, hoặc chẳng hiểu gì cả vẫn thường xẩy ra. Chẳng hạn trong đoạn Kiều bị sa chân vào thanh lâu lần thứ hai, may gặp Từ Hải – "Lần thâu gió mát trăng thanh/ Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi" – Kiều biết đó là người anh hùng và không tiếc lời ca tụng. Từ Hải liền đáp: "Lại đây xem lại cho gần/Phỏng tin được một vài phần hay không?" Người đọc có thể tự hỏi: Ai xem ai? Ai tin ai? Lưu Hoài, trong cuốn dịch Kiều ra thơ Pháp Histoire de Thúy Kiều, Nhà Xuất Bản Văn Học – Hà Nội 1999, hiểu câu nói trên của Từ Hải như thế này: Kiều hãy đến gần để mình nhìn Kiều rõ hơn xem thử có thể tin Kiều được phần nào hay không. Hai câu thơ trên được dịch như sau: "Approchez -vous pourque je puisse vous voir, un instant./Pourque je croie un peu à tout ce que vous dites." (Tạm dịch: Hãy thư thả, hãy đến gần để tôi có thể thấy rõ cô. Để tôi tin được phần nào những gì cô nói.) Một người dù ngông nghênh đến đâu cũng không dại dột nói với người đẹp một cách sống sượng và thô lỗ như thế. Tôi đồng ý với cách dịch của René Crayssac trong cuốn Kim – Van – Kiéou, Imprimeur – Éditeur Le Van Tan – Hanoi 1926: "Approchez, regardez – moi bien, voyez si l’homme/Qui se presente à vous et devant vous se nomme/Est digne quelque peu, Thuy – Kiéou, de votre choix." (Tạm dịch: Cô hãy đến gần, nhìn kỹ tôi nhé, xem thử người đã tự giới thiệu với cô, và trước mặt cô đã khai rõ tên tuổi, có xứng đáng với chọn lựa của cô hay không.) Trong cuốn The Tale of Kiều, 1983 Yale University, do Huỳnh Sanh Thông dịch ra tiếng Anh, hai câu trên cũng được chuyển ngữ một cách chính xác: "Come here and take a good, close look at me/to see if I deserve a bit of trust." (Tạm dịch: Cô hãy đến đây nhìn tôi cho gần, cho kỹ xem thử tôi có xứng đáng phần nào lòng tin của cô). Cho nên khuôn mặt chữ điền trong Đây Thôn Vỹ, theo cấu trúc, là của nàng hay của chàng đều không sai, nhưng phải được hiểu là của chàng thì mới đúng với văn cảnh.

    [2] Trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, một tác phẩm phê bình Thơ Mới rất giá trị, có một đoạn nhận xét về Hàn Mạc Tử như sau: "Trong thi phẩm Hàn Mạc Tử có lẽ tập này (Duyên kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội - người viết bài này chú thích) là trong trẻo hơn cả. Còn từ thơ Đường luật với những câu: ‘Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối/Gió thu lọt cửa cọ mài chăn’ cho đến Gái Quê, Thơ Điên, Xuân Như Ý và các tập khác, lời thơ thường vẩn đục." Nói đến xác thịt, Hoài Thanh chê là vẩn đục. Quả thật, về một mặt nào đó, nhà phê bình nổi tiếng này chưa thoát ra khỏi khuôn phép luân lý của thời đại cách đây hơn nửa thế kỷ. Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại khi bàn về Hàn Mạc Tử cũng viết: "Cũng như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ luôn luôn ca ngợi ái tình, nhưng cái quan niệm về tình yêu của Hàn Mặc Tử không được thanh cao như của Thế Lữ. Cái tình yêu của Hàn Mặc Từ tuy diễn ra trong tập Gái Quê còn ngập ngừng, nhưng đã bắt đầu thiên về xác thịt… Đến Bài hát giã gạo (Gái Quê, trang 31) của ông thì lời suồng sã quá, thứ tình yêu ở đây đặc vật chất, làm cho người ta phải lợm giọng." Tương tự như thế, tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn tránh mọi ý nghĩ về xác thịt. Có tình yêu chứ không có tình dục. Loan và Dũng trong Đôi Bạn của Nhất Linh chẳng hạn yêu nhau đến thế mà chỉ nếm được cái hạnh phúc tuyệt đỉnh khi đánh bạo nhìn nhau qua những ngọn lá cỏ rung động trước gió…Giây phút thần tiên của đôi bạn vẫn yêu nhau từ lâu nhưng lần đầu dám lặng lẽ tỏ ra cho nhau biết.

    [3] Hàn Mạc Tử trong Lệ Thanh Thi Tập với những bài như Gái Ở Chùa, Buồn Thu, Đêm Không Ngủ, Bút Thần Khai… ; Bích Khê với những bài đầu trong Tinh Huyết như Nguyễn Huệ, Đèo Hải Vân, Đăng Lâm, Về Thu Xà Cảm Xúc…

    [4] Trong Mùa Thu Trong Thi Ca của Bùi Giáng do An Tiêm xuất bản tại Sài Gòn ngày 10-1-1970, ngoài những bài tiếng Việt, có gần 70 bài viết bằng Đường Luật, chữ Hán. Tiện đây tôi xin mở dấu ngoặc. Một vài nhà nghiên cứu, phê bình cho rằng Bùi Giáng không có bài thơ nào hoàn chỉnh trong hàng ngàn bài của ông. Chỉ có thể bắt gặp một vài câu hay rải rác trong một số bài mà thôi. Thật ra ông có nhiều bài hay, không kém những bài hoàn chỉnh, xuất sắc nhất của loại thơ mới. Chẳng hạn Một Buổi Trưa, Sầu Ca Sĩ, Anh Về Bình Dương, Ngoài Trung, Chào Nguyên Xuân, Áo Xanh, Phụng Hiến, Bờ Lúa, Mai Sau Em Về v.v… Ta thử đọc bài Về Bình Dương với tất cả những nét nên thơ, triều mến, và hồn hậu của nó:
    Anh về đất rộng Bình Dương
    Trái cây và lá con đường cỏ xanh
    Môi người nắng ngọt vây quanh
    Nụ cười Nam Việt yên lành bấy nay
    Em về đẩy mộng lên vai
    Chào xuân ngả nón bụi ngày gió ru
    Mừng vui con mắt ngây thơ
    Mày nghiêng như lệ pha mờ chiêm bao
    Yêu nhau cảm động dường nào
    Anh về đất rộng cúi chào Bình Dương
    Last edited by kqcantho; 09-30-2009, 07:09 AM. Lý do: orthography


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X