Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tháng 4 đen 1975, một cái chết bi hùng

Collapse
X

Tháng 4 đen 1975, một cái chết bi hùng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tháng 4 đen 1975, một cái chết bi hùng

    THÁNG 4 ĐEN 1975, MỘT CÁI CHẾT BI HÙNG

    Hải Quân Trung Tá Kỹ Sư Hà Ngọc Lương sinh năm 1937 tại Hà Nội, cựu học sinh trường Trung Học Nguyễn Trãi, Hà Nội và Trung Học Chu Văn An, Saigon, cựu sinh viên Đại Học Khoa Học Saigon. Vì lòng yêu nước tràn đầy, ông đã rời bỏ giảng đường để ghi tên vào khóa 9 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Liên tiếp trong 3 kỳ thi Alfa, Chuẩn úy, và Mãn Khóa, ông đều đậu Thủ Khoa, nên được các chiến hữu mến mộ.

    Sau khi ra trường, ông đã phục vụ tại Hộ Tống Hạm Vân Đồn, Hộ Tống Hạm Đống Đa II. Sau đó, ông đi du học Hoa Kỳ, và trở về làm Hạm Trưởng Tuần Duyên Hạm Diên Hải, Hạm Trưởng Trợ Chiến Hạm Linh Kiếm, rồi về Bộ Tư Lệnh Hải Quân, phục vụ tại Khối Quân Huấn. Ông đi du học Hoa Kỳ lần thứ hai và tốt nghiệp bằng Kỹ Sư Cơ Khí, trở về, ông được bổ nhêm làm Quản đốc Công tác sửa chữa chiến hạm tại Hải Quân Công Xưởng. Sau cùng, ông làm Giám Đốc Quân Huấn, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang.

    Ngày 4/4/1975, khi Nha Trang di tản vào Saigon, theo gương Phan Thanh Giản, Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương cùng phu nhân, Bà Lê Thị Kỳ Duyên, và 3 con đã tuẫn tiết ngay tại phòng Văn Hóa Vụ. Điều đau lòng nhất là khi bộ đội Cộng Sản đến tiếp thu, thấy 5 thi hài trong phòng Văn Hóa Vụ đã cho chôn vùi tạm bợ trên một mô đất cạnh bờ biển. Hải Quân Thiếu Tá Hà Tấn Thể đã cùng với vợ chồng Giáo Sư Lê Quốc Khánh và một đàn em, bốc mộ lên, tẩm liệm và đặt áo đại lễ cùng mũ Sĩ Quan trong quan tài người anh hùng rồi đem đi chôn tại nghĩa trang nằm dọc hai bên quốc lộ 1.

    Để ghi dấu công ơn người anh hùng Việt Nam, chỉ có một tấm biển gỗ mang dòng chữ: “Nơi an nghỉ của gia đình Hà ngọc Lương – Lê thị Kỳ Duyên”.

    Tưởng niệm gia đình HQ Trung Tá Hà Ngọc Lương
    Tưởng nhớ đến một cái chết kiêu hùng của người chiến sĩ QLVNCH, HQ Trung Tá Hà Ngọc Lương, K9.






    NTTanh K20
    Kính bái
    Thắp nén hương lòng tưởng nhớ anh
    Gương người chiến sĩ sáng long lanh
    Đạn bay nợ trả hồn sông núi
    Kiếm gãy ơn đền chuyện sử xanh
    Cầu Đá ngàn năm con sóng vỗ
    Nha Trang muôn thuở biển vinh danh
    Khi về bến cũ dừng chân vái
    Dân trí kiêu hùng sẽ tiến nhanh!


    LỐI THOÁT CUỐI CÙNG



    Để tưởng nhớ hương linh gia đình HQ. Trung tá Hà Ngọc Lương


    Sáng ngày 01/4/1975 tại cư xá sĩ quan Hải quân đường Lê văn Duyệt Nha Trang.

    Trung úy Gia vừa ngừng xe trong sân cư xá nói to:

    – Di tản! Lệnh Đô đốc : di tản vào Sàigòn!

    Phu quân tôi (HQ Thiếu tá Hà tấn Thể khóa 12 Đệ nhất Song ngư) bước vội ra cửa. Hình như anh không muốn lệnh di tản đến sớm như vậy nên anh hỏi:

    – Ngay bây giờ ?

    – Vâng, ngay bây giờ. Gia đình nào còn sót, chưa đi kịp chiều hôm qua, mau lên xe tôi chở xuống bến cảng. Tàu sắp nhổ neo.

    Tôi từ trong nhà bước ra, đứng bên cạnh phu quân tôi. Tôi cố thuyết phục anh lần cuối:

    – Anh nên di tản một mình vào Saigòn ngay. Đây là chuyến xe chót về chở những gia đình nào còn sót lại. Nếu không, anh sẽ bị kẹt lại. Cộng sản tràn vào sẽ bắn chết anh. Tin đồn em nghe chắc sẽ có “trung lập”, khi ấy anh lại về với mẹ con em.

    Giọng anh buồn, trầm hẳn xuống:

    – Em mang thai gần ngày sanh, sợ chen lấn xuống tàu có thể chết cả mẹ lẫn con, không dám theo anh di tản. Nhưng anh nỡ lòng nào bỏ em và các con mà đi cho đành. Thôi anh chấp nhận ở lại. Thà sống cực khổ với chế độ Cộng sản còn hơn là không có em và con trong cuộc đời. Anh đã nói với em nhiều đêm rồi.

    – Nhưng Cộng sản tràn vào sẽ bắn chết anh !

    – Chắc không đến nỗi vậy đâu em. Nếu giết hết quân cán chính thì chúng nó sống với ai ở miền Nam này.

    Nói tới đây, tôi thấy Trung tá Hà Ngọc Lương, vợ và ba đứa con bước ra khỏi nhà.

    Trong tay anh chị Lương, mỗi người một xách tay nhỏ. Anh Lương nhìn thấy vợ chồng tôi đang đứng yên lặng buồn rầu trước cửa nhà, anh ngạc nhiên hỏi:

    – Sao Thiếu tá và chị còn đứng đây không lên xe? Các cháu và túi xách đâu?

    Giọng buồn nhưng dứt khoát, anh Thể nói nhanh:

    – Gia đình tôi ở lại, không di tản, Commandant !

    – Tại sao?

    – Như Commandant thấy đó, vợ tôi mang thai gần đến ngày sanh, sợ chen lấn xuống tàu có thể nguy hiểm đến tánh mạng cả mẹ lẫn con, không dám đi. Tôi quyết định ở lại với vợ con tôi. Thôi gia đình Commandant đi bình yên.

    Chị Lương đứng gần chồng. Chị nói gì bên tai anh Lương, tôi nghe không rõ. Tôi chỉ nghe anh Lương đáp lời vợ giọng hơi gắt:

    – Anh bảo em lên xe!

    Chị Lương miễn cưỡng lên ngồi băng ghế sau với các con, nét mặt hờn dỗi. Tôi bước đến bên xe, nắm bàn tay chị. Giọng tôi hơi nghẹn lại vì xúc động:

    – Thôi anh chị và các cháu đi an lành. Nghe đồn chắc sẽ trung lập. Hy vọng sau này chúng mình sẽ lại gặp nhau.

    Chị Kỳ Duyên (nhủ danh của chị Lương) gượng cười, siết chặt tay tôi:

    – Vâng, hy vọng chị em mình sẽ gặp nhau!

    Bỗng tôi thấy Trung tá Lương cho tay vào túi rút chùm chìa khóa quăng về phía phu quân tôi. Anh Thể chụp lấy. Cả hai không nói một tiếng nào. Chiếc xe lao ra cổng.

    Quay vào nhà, chúng tôi cũng mỗi người cầm một túi xách, đưa các con ra xe. Gia đình năm người chúng tôi chất lên xe vespa, anh Thể lái thẳng lên nhà ba má tôi ở Phường củi. Mấy hôm trước chúng tôi có to nhỏ bàn thảo với nhau, anh Thể có nên di tản vào Sàigòn khi có lệnh di tản chiến thuật không, anh Thể khẳng định KHÔNG nếu tôi và các con không cùng đi. Tôi nói:

    – Dù gia đình mình không di tản, chúng mình cũng nên rời nhà trong cư xá, đến tạm trú một nơi nào đó, xem bọn Cộng sản đối xử với “ngụy quân, ngụy quyền” ra sao. Nếu chúng ta ở đây, trong khu cư xá sĩ quan này, khi tràn vào, chúng có thể bắn chết chúng ta, khi biết anh là “ngụy quân” và em là “ngụy quyền”. Chúng ta nên tạm trú nhà ông bà ngoại Hương Giang vì nhà toàn đàn bà con nít, chắc bọn Cộng sản chưa để ý tới.

    Anh Thể trầm ngâm suy nghĩ một chút rồi nói:

    – Anh cũng nghĩ như em.

    Giờ đây quân đội miền Nam đang di tản chiến thuật. NhaTrang bỏ ngõ, Việt cọng sẽ tràn vào đây trong chốc lát. Chúng tôi đi tạm trú chỗ khác vì lẽ ấy. Ngồi trên xe với chồng và các con, bên cạnh chỉ 2 túi xách nhỏ. Một, đựng vài bộ quần áo cho cả nhà và túi kia đựng áo trẻ sơ sinh, khăn lông, tã lót cho đứa con tôi đang mang trong bụng. Từ lúc lên xe, chúng tôi không ai nói một lời. Trong lòng mỗi người đều có những ý nghĩ và cảm xúc riêng tư không muốn nói ra.

    Ngoài đường phố, dân chúng vội vã, tấp nập đi lại. Trên mặt người nào cũng lộ vẻ hoảng hốt lo âu. Đó là những dân lành đã trốn chạy Cọng sản từ các tỉnh miền trung và cao nguyên đổ về. Nhìn cảnh màn trời chiếu đất họ đang gánh chịu, tôi không cầm được nước mắt. Tôi đưa tay lên gạt nhanh hàng nước mắt đang chảy tràn trên má. Nhìn lại mình, tôi cũng đang chạy trốn Cọng sản như họ. Chỉ khác một điều: chúng tôi chạy đến một nơi có chỗ tá túc chớ không phải ở đường, ở chợ như họ.

    Bà ngoại Hương Giang nhìn ra cổng thấy chúng tôi dắt díu nhau về, bà hỏi:

    – Đã có lệnh di tản rồi sao con?

    – Thưa má, lệnh vừa mới ban hành. Chúng con xin tạm trú ở đây vài ngày xem tình hình ra sao.

    – Ừ, các con tính vậy phải lắm. Các con ở trong cư xá lúc sĩ quan lúc này qủa không tiện.

    Tôi để túi xách vào một góc nhà, lên giường ngồi tựa lưng vào tường, buồn rầu không nói năng gì cả. Cuộc đời binh nghiệp của phu quân tôi đến đây là chấm dứt.

    Chiều và tối đêm đó có nhiều tiếng súng nổ. Không phải tiếng súng bắn nhau giữa hai bên. Đó là tiếng súng của bọn người vô lương tâm, lợi dụng thời gian chưa có chính quyền và luật pháp, đi cướp bóc của dân. Chúng tôi nhìn nhau thở dài.

    Hôm sau, trưa ngày 2/4/75, Cộng quân tiến vào thành phố Nhatrang. Xe tăng đi trước bộ đôi đi sau. Tưởng đoàn quân chiến thắng oai hùng lắm. Té ra là một lũ trẻ con mới lớn, gầy ốm xanh xao vừa mới từ trong rừng chui ra. Ôi nếu chẳng phải CƠ TRỜI thì làm sao bọn ốm đói đó vào được thành phố này một cách dễ dàng như vậy!

    Các em tôi ra đường phố, chợ búa nghe ngóng tình hình. về nói :

    – Mấy ổng vô rồi ! Xe tăng đi trước, bộ độ theo sau. Mấy ổng cũng hiền, chẳng thấy bắn giết ai. Mấy ổng được dân đứng bên đường đón rước hoan hô.

    Tôi nghe vậy nói với anh Thể:

    – Cộng sản vào chưa thấy bắn giết ai, chúng mình đỡ lo sợ phải không anh?

    – Ừ, nhưng để phối hợp nhiều tin tức xem sao!

    Tình hình không đến nỗi tệ. Hai ngày qua tôi không nghe thấy CS. bắn giết ai.

    Sáng ngày 4/4/1975, gia đình tôi dắt díu nhau về lại cư xá Sĩ quan Hải quân Lê văn Duyệt. Chúng tôi về trông coi đồ đạc trong nhà kẻo bọn trộm cướp cạy cửa lấy đi.

    Vừa bước chân vô cư xá, tôi cảm thấy rờn rợn thế nào ấy! Cách đây mấy ngày sân cư xá tưng bừng nhộn nhịp. Trẻ con chơi đầy sân, cười đùa vui vẻ. Giờ đây sao hoang vắng quá! Chúng tôi vào nhà, khóa trái cửa lại, dặn các con chỉ được chơi trong nhà, cấm không được mở cửa ra sân.

    Bữa trưa, sau khi ăn qua loa chén cơm, anh Thể nói với tôi:

    – Em và các con ở nhà, anh xuống quân trường xem tình hình ra sao.

    Quân trường đây là Trường Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, nơi làm việc của Trung tá Hà Ngọc Lương và Thiếu tá Hà Tấn Thể. Nghe anh Thể nói vậy, tôi hoảng hốt níu cánh tay anh:

    – Anh đừng đi nguy hiểm lắm! Anh vào quân trường rủi tụi bộ đội biết anh là sĩ quan làm việc trong đó, sẽ bắn chết anh. Vả lại, cả khu cư xá này chỉ còn có gia đình mình, anh đi vắng, em sợ lắm!

    Anh Thể ôn tồn giải thích:

    – Anh đi chốc lát anh về ngay. Anh phải xuống coi tình hình ra sao chớ. Ở nhà làm sao biết được tin tức bên ngoài. Anh đi, mặc đồ civil, giấy tờ anh để nhà, bọn nó biết anh là ai. Anh đi chút xíu thôi.

    Nói rồi anh Thể lên xe vespa phóng nhanh ra cổng.

    Khoảng 2 giờ sau anh Thể về, trên tay cầm mấy cuốn sách. Tôi hỏi tình hình dưới đó ra sao. Anh Thể để chồng sách lên bàn nói:

    – Bộ đội chưa tiếp thu, quân trường còn bỏ trống… Sách trong thư viện tung toé khắp nơi. Anh thấy mấy cuốn La Rousse nằm lăn lóc ngoài sân, anh lượm cầm về. À, anh nghe chính phủ mới, đọc thông cáo trên loa, kêu gọi quân nhân công chức chế độ cũ phải “đăng ký” đi học tập 5 ngày. Anh đã “đăng ký” rồi đó em.

    Tối hôm đó tôi nói với anh Thể:

    – Nha Trang mất chắc sớm muộn gì Saigòn cũng mất. Các anh chị trong cư xá đã di tản vào Saigòn, chắc sau này sẽ về lại đây sinh sống thôi.

    – Chắc gì bọn Cọng sản cho các anh chị đó và chúng ta ở lại cư xá này!

    – Không cho thì gia đình mình dọn vào Cam Ranh. Chúng ta có nhà ở Cam Ranh, lo gì không có chỗ ở.

    Trưa hôm sau, vừa về đến nhà, sau khi ra đường phố nghe ngóng tin tức, anh Thể nói với tôi:

    – Anh vừa kéo dây kẽm gai cài cổng cư xá lại rồi đó em. Anh sợ bọn trộm cướp vào cạy cửa lấy trộm đồ đạc của các anh chị đã di tản. Nếu sau này, các anh chị về còn có quần aó đồ đạc dùng.

    – Nhưng ban đêm khi chúng mình ngủ, chúng cạy cửa vào lấy trộm, làm sao mình giữ được hở anh?

    – Ngoài khả năng của mình thì chịu chớ biết làm sao em!

    Chợt nhớ ra, tôi nói với anh Thể:

    – Ban nãy lúc anh đi vắng, có người vào căn nhà của anh Đặng Hữu Thân, chở đồ đạc đi. Em tưởng bọn trộm cướp em sợ qúa. Nhưng em cũng thương anh chị Thân, sợ mất đồ đạc của họ, tội nghiệp. Em ráng lấy can đảm ra can thiệp. Thì ra đó là ông cụ thân sinh của anh Thân. Cụ xuống chở đồ đạc của anh chị Thân về cất giữ dùm cho con đó mà.

    Anh Thể tỏ ý mừng:

    – Vậy à! Vậy thì anh bớt trách nhiệm giữ nhà cho một người bạn cùng khóa.

    Tôi trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói:

    – Đồ đạc trong cư xá này nếu mất mát, mình không chịu trách nhiệm với ai cả. Nhưng với anh chị Lương, mình có phải có chút trách nhiệm. Khi đi, anh Lương quăng chùm chìa khóa cho anh. Tuy anh Lương không nói tiếng nào, nhưng mình phải hiểu là anh anh ấy gởi nhà cho chúng ta. Nay mai bọn Cọng sản vào tiếp thu cư xá này, đồ đạc trong tất cả mọi nhà đều thuộc về tay Cọng sản. Sẵn có chìa khóa anh Lương đưa, chúng ta nên lấy cất dùm anh chị một ít đồ đạc. Mai kia anh chị Lương về lại Nhatrang, anh chị còn có ít đồ đạc dùng. Khi đi, em thấy anh chị chỉ đem theo có 2 túi xách nhỏ.

    Anh Thể thoáng suy nghĩ rồi nói:

    – Ừ, em tính vậy cũng phải. Mình nên cất giữ dùm anh chị một ít đồ dùng như quần áo và ít đồ có giá trị tiền bạc.

    Chúng tôi đem về cất giữ dùm anh chị Lương: 1 xe Honda, 1 Tivi, 1 đàn organ, một quạt máy và một vali đựng quần áo, mỗi người vài bộ. Tối hôm đó chúng tôi cảm thấy rất vui vì chúng tôi đã làm một việc tốt cho bạn bè.

    Trung tá Lương là một người bạn được chúng tôi thương mến và kính trọng nhất trong cư xá sĩ quan Hải quân Lê văn Duyệt. Anh trầm lặng hiền lành ít nói. Anh gốc người Bắc, giọng nói dịu dàng trầm ấm. Anh là một sĩ quan tài hoa tuấn tú. Anh đã đậu thủ khoa khóa 9 Sĩ quan Hải quân Nha Trang. Sau khi đi du học Mỹ 2 năm, anh được điều về Trung tâm Huấn Luyện Hải quân Nha Trang, giữ chức Trưởng Phòng Văn Hóa Vụ. Chúng tôi mến anh vì nết, trọng anh vì tài. Anh Lương cùng họ Hà với anh Thể, nhưng không cùng chung một huyết thống. Hai anh chỉ là bạn, đúng ra là niên trưởng nhưng thương mến nhau như anh em trong nhà. Căn chung cư anh chị Lương và căn chung cư của chúng tôi ở cạnh nhau nên chị Lương và tôi thường xuyên qua lại với nhau.

    Anh Lương là người chồng tốt của chị Kỳ Duyên, vợ anh. Anh rất mực yêu vợ thương con. Có lần, một buổi trưa chủ nhật, toàn khu cư xá bị cúp điện. Nóng quá ngủ không được, tôi ra hiên trước tìm chút gió mát. Tại đây tôi gặp chị Tạo, cũng ra hóng mát như tôi. Chúng tôi ngồi bên hiên nhà chị Tạo, căn sát vách nhà chị Lương, nói chuyện thời tiết chợ búa. Bỗng tôi nghe giọng anh Lương phát ra từ trong nhà anh ấy:

    – Anh cưng chiều em thế này mà em cứ chê trách anh hoài.

    – Anh cưng chiều em việc gì đâu? Anh quạt cho em mới có một lát đã kể công!

    – Nhiều lắm. Này nhé, sáng nay anh chở em đi chợ này. Anh về giặt thau quần áo cả nhà để em khỏi phải giặt này. Bây giờ không có điện, sợ em nóng ngủ không được, anh quạt cho em này.

    Tiếng cưới của chị Kỳ Duyên:

    – Ừ, kể ra anh cũng giỏi. Em xin ghi nhớ. Để rồi em sẽ trả công!

    – Em ngoan lắm. Em biết vậy thì tốt. Nào nhắm mắt lại , anh hát ru em ngủ.

    Nói rồi anh hắng giọng, bắt chước giọng ca sĩ Khánh Ly:

    Sợi buồn con nhện giăng mau
    Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây...


    Ngoài hiên, chị Tạo và tôi nhìn nhau tủm tỉm cười.

    Có lần chị Kỳ Duyên sang nhà tôi chơi, tôi nói:

    – Chị thật có phước, lấy được người chồng tốt như anh Lương. Anh Lương chiều vợ cưng con, tánh lại chịu thương chịu khó. Anh Thể em cũng cưng vợ . Nhưng cái mục chở vợ đi chợ, rồi ngồi trên xe chờ vợ ở đầu chợ thì anh ấy chẳng bao giờ làm!

    Chị Kỳ Duyên cười tươi tắn:

    – Anh Lương qủa có vậy! Tuy nhiên vợ chồng chúng tôi cũng thường xảy ra ”chiến tranh lạnh” lắm.

    Chị Kỳ Duyên vui miệng kể cho tôi nghe ”chuyện tình” giữa anh Lương và chị. Anh Lương gặp chị trong tiệc cưới của người bạn cùng khóa. Anh làm phụ rể, chị làm phụ dâu. Anh tên Lương, chị tên Duyên, ghép lại thành một cái tên rất có ý nghĩa. Bạn bè trong bữa tiệc ghép hai tên Lương-Duyên lại để trêu chọc anh chị. Hai người biết nhau, mến nhau và yêu nhau từ đó. Chị Lương cười hai má ửng hồng:

    – Và rồi, như chị thấy đó: 3 nhóc ra góp mặt với đời!

    Chị Kỳ Duyên xinh đẹp, duyên dáng, dễ thương, nhưng tánh hay nói thẳng nên đôi khi cũng làm cho các chị em trong cư xá không vui. Nhưng chị Lương chẳng bao giờ làm mích lòng tôi cả. Chị em chúng tôi đối xử với nhau như bát nước đầy. Thỉnh thoảng tôi sang nhà chị chơi. Chúng tôi tâm tình đủ thứ chuyện. Mấy ngày trước khi có lệnh di tản, có lần chị Kỳ Duyên hỏi tôi:

    – Tình hình chiến sự càng lúc càng gay go. Tôi thấy các chị trong cư xá chuẩn bị đồ đạc để khi có lệnh thì di tản theo chồng. Sao tôi chẳng thấy chị sửa soạn gì cả vậy?

    Tôi buồn rầu nói:

    – Chắc chỉ một mình anh Thể em di tản thôi. Em và các con em ở laị. Như chị thấy đó, bụng em quá lớn chẳng biết sanh con lúc nào. Mà Sàigòn thì chúng em chẳng có thân nhân họ hàng. Di tản chen lấn xuống tàu, không khéo lại chết cả mẹ lẫn con.

    Chị Lương nghe vậy có vẻ không đồng ý. Chị buông một câu ngắn gọn:

    – Vợ chồng lại phải tách ra! Chồng đâu thì vợ đó chứ !

    Chiều ngày 5/4/75 trong lúc anh Thể ra ngoài nghe ngóng tin tức, tôi ở nhà với các con. Tôi đang nấu cơm dưới bếp thì có tiếng gõ cửa. Tôi bước lên mở cửa thì thấy một người đàn ông, trên mặt còn in nét kinh hoàng:

    – Chào bà. Xin lỗi, ông nhà là sĩ quan làm việc trong Trường Sinh Viên Sĩ Quan Nha Trang phải không?

    Tôi thận trọng, ngập ngừng:

    – Xin hỏi.., ông là ai?

    – Thưa bà, trước đây tôi là một người lính làm việc trong Trường Sinh Viên Sĩ Quan. Tôi vừa đến đó dò la tin tức thì tôi được biết một sĩ quan đã tự sát chết cùng với vợ và ba đứa con tại văn phòng Văn Hóa Vụ.

    – Trời! Gia đình ai vậy, anh biết không ?

    – Thưa bà, tôi không nhận diện được ai vì xác chết đã sình lên. Ông ấy mang lon Trung tá, ngồi chết gục trên ghế, vợ và các con nằm chết trên tấm thảm trải trên nền nhà.

    Tôi kinh hãi kêu lên:

    – Gia đình ai đã chết thảm như vậy hở trời! Phòng Văn Hóa Vụ, 3 đứa con…, chắc gia đình anh Lương!

    – Thưa bà, tôi lên đây xem sĩ quan nào còn kẹt lại không. Nếu còn ở lại xin xuống nhận diện xem ai. Cùng là bạn bè, dễ nhận mặt nhau hơn.
    – Nhà tôi, Thiếu tá Hà Tấn Thể, còn kẹt lại. Anh ấy vừa đi vắng. Khi nhà tôi về, tôi nói lại và anh ấy sẽ xuống sau. Cám ơn anh đã báo tin.

    Người lính Hải quân chào tôi rồi ra đi.

    Anh Thể về, nghe tôi thuật laị, không chậm một giây, anh phóng vespa ra cổng thẳng xuống Quân trường SVSQ Hải quân Nha Trang.

    Vừa mở cửa văn phòng Văn Hóa Vụ của Trung tá Hà Ngọc Lương, mùi tử khí của năm xác chết đã lâu ngày, tanh hôi nồng nặc đã làm cho anh Thể chóng mặt, buồn nôn, lảo đảo muốn té. Khắp người anh nổi da gà. Anh cố nén cơn buồn nôn, ráng giữ bình tĩnh, cố gắng tiến từ từ đến những người đã chết từ nhiều ngày trước. Anh Thể chăm chú nhìn kỹ 5 xác chết. Xác đã sình, hơi khó nhận diện. Nhưng rồi anh cũng nhận ra. Anh Lương gục chết trên ghế, trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, cây colt nằm gần bàn tay anh. Mặt anh Lương bị méo vì viên đạn đi xuyên qua. Mắt anh đã có dòi nhỏ đục khoét. Chị Lương và 3 đứa con, nằm chết dưới tấm drap trải trên nền nhà. Tất cả đã bị bắn vào đầu. Có lẽ anh Lương đã bắn vợ con trong lúc họ đang ngủ. Trong phòng giấy tờ quan trọng của gia đình anh bị tung tóe vung vãi khắp nơi. Hai túi xách ngày anh mang theo, anh Thể không thấy đâu.

    Vài người tò mò nhìn vào, nhưng mùi tanh hôi đã làm cho họ bước vội tránh đi.

    Anh Thể phóng xe về báo tin cho tôi. Vừa nghe qua, tôi òa lên khóc nức nở:

    – Trời ơi! sao lại chết thảm thế này! Tội nghiệp gia đình anh chị Lương qúa! Làm sao bây giờ đây anh?

    Nãy giờ anh Thể ngồi hai tay ôm đầu gục xuống, nghe tôi hỏi, anh ngẩng đầu lên ôn tồn nói:

    – Chúng ta phải chôn cất gia đình anh chị và các cháu, em à! Tình bạn bè, tình chiến hữu, chúng ta phải chứng tỏ trong lúc này. Anh biết thân nhân họ hàng anh Lương đều ở Saigòn. Nhưng bên chị Lương, có ai ở NhaTrang không em?

    Nghe đến chữ họ hàng, tôi chợt nhớ ra. Tôi nói nhanh:

    – A, chị Lương có người anh đang dạy tại Trường Võ Tánh, tên ông là Khánh.

    – Vậy thì chúng ta tìm ông Khánh cho ông ấy biết tin ngay đi. Nhưng biết nhà ông Khánh ở đâu mà tìm đây?

    – Việc ấy anh để em lo. Muốn tìm nhà thầy giáo thì phải hỏi học trò!

    – Vậy em đi ngay đi ! Còn phần anh, anh phải đi mua 5 cái hòm.

    – Nếu tìm được ông anh chị Lương, anh sẽ phối hợp với ông lo việc chôn cất. Bằng không, chúng mình phải tự lo tất cả công việc thôi. Xác đang sình thối, phải chôn ngay mới được. Anh đi lo công việc đây!

    Nói rồi anh Thể phóng vespa nhanh ra cổng.

    Quá thương xót và hãi hùng cái chết của gia đình anh chị Lương, tôi quên mất mình đang mang thai gần ngày sanh, tôi phóng lên chiếc xe đạp mini lao đi tìm nhà ông Khánh. Dọc đường gặp em nào có dáng dấp học sinh, tôi đều dừng lại hỏi thăm nhà giáo sư Khánh đang dạy Pháp văn tại trường Võ Tánh. Sau gần một giờ tìm kiếm, tôi đã ở trong phòng khách nhà ông Khánh. Nhìn nét hãi hùng in trên mặt tôi, bà Khánh hỏi ngay:

    – Chị đến đây chắc có việc quan trọng cần nói?

    Tôi chưa kịp trả lời thì lúc đó ông Khánh từ phòng trong bước ra chào tôi. Tôi vắn tắt kể vụ tự sát của gia đình Trung tá Lương. Vừa nghe qua ông Khánh đã oà lên khóc nức nở. Ông ôm đầu rên rỉ:

    – Kỳ Duyên ơi, sao em lại bị chết thảm như vầy! Chú Lương ơi, sao chú nỡ bắn vợ con rồi tự sát như thế! Người ta sống được, mình sống được chớ! Cách đây một tuần chú nói với tôi “Nếu Cộng sản tràn vào, em sẽ bắn vợ con rồi tự sát chứ em không sống với bọn nó đâu. Em đã lắp sẵn đạn trong khẩu colt của em. Em thề không đội trời chung với Cộng sản”. Tưởng chú nói là nói vậy, ngờ đâu chú làm thật. Thảm thiết quá chú Lương ơi!

    Trước hoàn cảnh này lòng tôi cũng đau xót lắm. Nhưng tôi cố gắng nuốt nuớc mắt chảy ngược vào trong, tôi ôn tồn an ủi ông:

    – Xin ông bớt thương cảm. Dù ông có than khóc bao nhiêu, anh chị Lương và các cháu cũng không sống lại được. Xác đã sình chương, cần được chôn ngay. Anh Thể tôi đang đi mua hòm. Ông nên xuống ngay Trường Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân cùng với nhà tôi lo việc chôn cất.

    Khi anh Thể cùng ông bà Khánh xuống phòng Văn Hóa Vụ, nơi gia đình Trung tá Lương đã tự sát, thì phòng trống trơn! Phòng đã được dọn dẹp, khử trùng sạch sẽ ! Anh Thể hỏi tụi bộ đội vừa mới tiếp thu trường thì được biết bọn nó tưởng xác chết vô thừa nhận, sợ dơ dáy truyền nhiễm nên chúng nó đã dem chôn ngoài bãi cát bên cạnh bờ biển. Anh Thể và ông Khánh nhờ một tên bộ đội dẫn đi chỉ chỗ những thi thể bọn bộ đội Cộng sản vừa mới chôn. Nhìn 5 nấm mộ mới lấp đất sơ sài , anh Thể thương bạn qúa, anh không nỡ để bọn Cọng sản chôn gia đình bạn anh một cách cẩu thả sơ sài như vậy. Vả lại 5 chiếc hòm đã chở xuống, không đặt họ vào đó nằm cho ấm áp, đau xót buồn tủi cho họ biết chừng nào!

    Anh Thể bàn với ông bà Khánh, đào xác lên, tẩm liệm sạch sẽ rồi đem ra nghĩa trang Đồng Đế chôn cho mỗi người trong gia đình có được một nấm mồ. Ông bà Khánh nghe anh Thể hết lòng với gia đình em mình như thế, mừng qúa đồng ý ngay. Ông bà Khánh đã tìm thuê người dến giúp, nhưng lúc đó nước mất nhà tan rồi, ai cũng chán nản đến tận cùng con tim khối óc nên chẳng ai nhận lời cả. Vậy là việc đào xác lên rồi tẩm liệm chôn cất chỉ có anh Thể, ông bà Khánh và một cậu thanh niên nhỏ tuổi. Chắc là con hay cháu của ông bà.

    Giáo sư Lê Quốc Khánh là một người đàn ông thể chất yếu đuối nhưng tình cảm thì chứa chan. Mỗi lần đào một xác lên, vừa trông thấy mặt là ông Khánh qúa xúc động, đứng không vững, ông ngã qụy xuống, ôm mặt khóc nức nỡ. Bà Khánh thì cứng rắn hơn chồng. Bà là một người đàn bà lanh lợi, tháo vác, quyền biến. Có thể nói bà là một phụ tá đắc lực cho anh Thể trong việc chôn cất tập thể này.

    Trong lúc đào xác lên để tẩm liệm, anh Thể quá kính phục sự can đảm bất khuất của Trung tá Hà Ngọc Lương, nên anh quyết định an táng niên trưởng anh như một chiến sĩ anh hùng vị quốc vong thân. Anh Thể về mở tủ áo anh Lương, lấy bộ đại lễ binh chủng Hải quân đem xuống mặc cho bạn. Nhưng lúc đó xác anh Lương đã chương lên, mặc không vừa. Quần thì mặc được nhưng nút quần cài không được. Aó thì quá nhỏ so với thân xác. Anh Thể đành đắp chiếc áo đại lễ có gắn nhiều huy chương lên thi thể bạn. Chiếc mũ cát cấp tá, anh trang trọng đội lên đầu niên trưởng anh. Thời điểm đó, Nha Trang đã rơi vào tay Cộng sản nên anh Thể không tìm đâu ra được lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ lên quan tài anh Lương. Chiến hữu anh sống chiến đấu cho lá cờ nào, màu áo nào thì, khi bạn anh nằm xuống, phải được chôn theo màu cờ và sắc áo đó. It ra Trung tá Lương phải được tẩm liệm với bộ đaị lễ Hải quân để khỏi tủi vong linh người quá cố.

    Trong lúc anh Thể về lấy bộ đại lễ của anh Lương, tôi đã đưa them một ít quần áo của chị Kỳ Duyên và các cháu, gởi anh Thể đem xuống để bà Khánh ”bỏ theo” trong quan tài họ.

    Trên 5 nắm mồ mới lấp đất, anh Thể đóng tấm gỗ tạp trên viết hàng chữ bằng sơn ”NƠI AN NGHỈ CỦA GIA ĐÌNH HÀ NGỌC LƯƠNG & LÊ THỊ KỲ DUYÊN”

    Ông bà Lê Quốc Khánh rất cảm động về tình bạn giữa anh Thể và anh Lương. Khi công việc tạm xong, ông Khánh ngõ lời cám ơn anh Thể đã hết lòng hết dạ với gia đình người em gái và em rể ông. Anh Thể nghe vậy gạt đi, nói: “Nghĩa tử là nghĩa tận. Bạn bè cùng binh chủng, cùng đơn vị, chẳng giúp nhau vào lúc này thì còn lúc nào nữa đâu! Xin anh đừng nói đến lời cám ơn, chúng tôi buồn.”

    Ngày 19-5-1984 , (trước 2 ngày gia đình chúng tôi trốn đi vượt biên) anh Thể và tôi từ CamRanh ra Nha Trang, đến nghĩa trang Đồng Đế viếng mộ anh chị Lương lần cuối. Tôi đã òa khóc khi thấy 5 nắm đất thấp lè tè đầy cỏ daị. Tấm bảng gỗ anh Thể đóng ngày nào trên hàng mộ, nay đã ngã xuống mục nát tự bao giờ. Chín năm trôi qua rồi còn gì! Chín năm dưới ngục tù Cộng sản, sắt còn phải chảy, đá còn phải tan, huống gì một tấm gỗ tạp!

    Với nén nhang trong tay, tôi đã thì thầm tâm sự với chị Kỳ Duyên: ”Gia đình chúng tôi đã không đủ can đảm và gan dạ như gia đình anh chị nên chúng tôi đã trải qua 9 năm khổ đau cùng cực và trăm bề tủi nhục. Nay chúng tôi quyết ra đi tìm tự do và tương lai cho các cháu. Anh chị sống khôn thác thiêng, xin phù hộ cho chúng tôi trót lọt trên bước đường vượt thoát đầy nguy hiểm này. Nếu bị bọn Cộng sản bắt lại, chúng tôi chắc phải tìm lối thoát cuối cùng như anh chị chứ làm sao sống nổi với lũ quỉ đỏ này. Thôi trời đã về chiều, chúng tôi phải về Cam Ranh cho kịp chuyến xe đò. Anh chị và các cháu nằm yên an nghỉ…”

    Tôi gục xuống nấm mồ hoang vu thấp lè tè đầy cỏ dại của chị Lương khóc nấc lên. . .

    Nguyễn thị Thể – Lý


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X