Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những phi vụ hành quân cuối cùng của Không Quân VNCH trên không phận Sài gòn

Collapse
X

Những phi vụ hành quân cuối cùng của Không Quân VNCH trên không phận Sài gòn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những phi vụ hành quân cuối cùng của Không Quân VNCH trên không phận Sài gòn

    Những phi vụ hành quân cuối cùng của Không Quân VNCH trên không phận Sài gòn

    Trần Lý



    Quân sử Không Quân VNCH ghi: (trang 198)

    'Ngay trong đêm đó (28 tháng 4), tại Sàigòn, cuộc chiến đấu của KQ VNCH tiếp diễn với các AC-119G của Phi đoàn 819 Hắc Long và AC-119K của Phi đoàn 821 Tinh Long ở Tân sơn Nhất; các khu trục cơ A-1 của hai Phi đoàn 518 Phi Long ở Tân Sơn Nhất và 514 Phượng Hoàng từ Bình Thủy. Khoảng 7 giờ sáng ngày 29 tháng 4, Tinh Long 7, chiếc AC-119K cuối cùng, đang tiêu diệt VC ở vòng đai phi trường Tân Sơn Nhât, bị trúng hỏa tiễn SA-7 bốc cháy và nổ tung trên bầu trời, phi hành đoàn hy sinh. Cùng thời gian, chiếc A-1 Skyraider của Thiếu tá Trương Phùng, danh hiệu Phi Long 2, thuộc Phi đoàn 518, chặn địch ở Phú Lâm cũng bị phòng không của địch bắn hạ. Tinh Long 7 và Phi Long 2 được ghi nhận là những nhân viên phi hành cuối cùng của KQ VNCH hy sinh trong lúc chiến đấu..'

    Tác giả Robert Mikesh trong Flying Dragons: The South Vietnamese Air Force (trang 146) viết:

    '..khoảng thời gian quá nửa đêm 28, rãng 29, CQ đã dùng các đại bác 130 pháo kích phi trường TSN, phá hủy một số phi cơ..Cuộc chiến đấu của Không quân VN hầu như kết thúc, ngoại trừ phi hành đoàn của một phi cơ AC-119 vẫn tiếp tục tuần tiễu suốt đêm trên không phận quanh phi trường TSN. Phi cơ đáp xuống, đổ xăng, tái trang bị và sau đó tiếp tục bay lên lại chiến đấu..khi trời mờ sáng. Nhiều người đang chờ di tản đã theo dõi trong lo âu, chiếc hỏa long đang rải đạn ngăn chận CQ nơi vòng đai phía Đông phi trường..và khoảng 7 giờ sáng, phi cơ bị trúng hỏa tiễn SA-7 để cắm đầu rơi xuống đất trong lửa cháy..Một Skyraider A-1 cũng bị chung số phận vài giờ sau đó..'

    Tác giả Bernard C. Nalty trong 'Air War over South Viêt Nam 1968-1975' (trang 421-422) ghi lại:

    '.. Một số phi công và phi hành đoàn dũng cảm của KQVN, bất chấp hỏa lực phòng không và hỏa tiễn SA-7 của CQ, tiếp tục những cố gắng ngăn chặn quân CS tiến vào Sài gòn..một A-1 và một C-119 đã bị bắn hạ...' và ở trang 424: 'ngay sáng 30/4 khi Dương văn Minh ra lệnh buống súng, vẫn còn những phi công A-37 tiếp tục chận đánh các xe tăng T-54 VC đang tiến vào SàiGòn..'

    Tác giả Wayne Mutza trong 'The A-1 Skyraider in Việt Nam, The Spad's last war' (trang 144) cũng ghi lại sự kiện của 2 phi cơ C-119K và A-1 bị hạ trên không phận Sài gòn và kết luận: 'Skyraider là phi cơ đã chiến đãu..cuối cùng trong cuộc chiến Việt Nam'

    Các phi vụ Tinh Long:

    KQ VNCH có 3 phi đoàn Vận tải võ trang (Gunship):

    - Phi đoàn 817 Hỏa Long, thành lập vào tháng 2/1969, trang bị bằng các AC-47.
    - Phi đoàn 819 Hắc Long, thành lập vào tháng 9 năm 1971, trang bị các phi cơ AC-119 G.
    - Phi đoàn Tinh Long 821 được thành lập vào tháng 12 năm 1972, trang bị các AC-119 K, có khả năng yểm trợ hỏa lực và chiến đấu ban đêm. Cả 3 Phi đoàn đều được đặt tại Căn cứ Tân Sơn Nhất.

    Trên không phận Sài gòn trong đêm 28 rạng 29 tháng 4 có các phi vu. Tinh Long mang danh hiệu:

    Tinh Long 6:

    Phi vụ Tinh Long 6, do Trung Úy Trần văn Bảo làm trưởng phi cơ, hoa tiêu phụ là Trung Úy Trần văn Hiền , đã bao vùng trong đêm 28, rạng 29 trên không phận Sài gòn, đồng thời chỉ điểm các vị trí đặt súng pháo kích của CSBV để các A-1 Skyraider oanh kích..Tinh Long 6 rời vùng về đáp tại TSN sau khi được Tinh Long 7 thay thế vào khoảng 5 giờ 30 sáng 29/4.

    Tinh Long 7:

    Phi vụ Tinh Long 7, trên AC-119 K, do Trung Úy Trang văn Thành làm trưởng phi cơ, hoa tiêu phó là Trung Úy Tào Thuận đã cất cánh từ TSN lúc 5 giờ sáng ngày 29 tháng 4 và thay thế cho Tinh Long 6. (Robert Mikesh đã nhầm khi cho rằng chiếc C-119 trên không phận Sàigòn đã đáp xuống, đổ xăng và bay lên lại, trên thực tế đây là 2 phi vụ nối tiếp nhau và bằng 2 phi cơ khác nhau)

    Trong khi hướng dẫn các phi vụ A-1 tấn công các vị trí pháo và thả hỏa châu soi sáng khu vực trách nhiệm, Tinh Long 7 đã bị trúng hỏa tiễn phòng không SA-7 của CQ..

    KQ Thái Ngùng ghi lại sự kiện như sau (Quân sử KQ trang 320-321):
    '..Khoảng 7 giờ sáng, trên không phận phi trường TSN, có một chiếc phi cơ bay lượn rất thấp, tôi ước lượng không quá 5 ngàn bộ. Đứng ở tầng trên của dãy nhà cư xá độc thân nhìn về hướng phi đạo, không bị một vật gì cao cản trở tầm mắt, tôi đã nhận dạng được đó là chiếc AC-119 K của phi đoàn tôi (lúc đó cũng có hai chiếc A-1 đang dội bom xuống mục tiêu). Chiếc phi cơ từ hướng Hốc Môn bay dọc theo phi đạo hướng về phia Tổng Y viện Cộng Hòa rồi lại vòng lại. Từ trên phi cơ những khẩu đại liên 6 nòng và cây đại bác 20 ly khạc ra những làn đạn đỏ rực, liên tục bắn vào đầu địch quân đang tấn công vào vòng đai phi trường TSN...'Máy bay vẩn vòng đi vòng lại trên không. Đạn từ trong phi cơ bắn ra, được trả lại bằng hỏa tiễn tầm nhiệt địa không SA-7 từ dưới đất bắn lên..'..'Phi cơ trúng hỏa tiễn: con tàu phát hỏa, chao đảo cố gắng gượng lấy lại thăng bằng nhưng rổi nổ tung và gãy làm đôi. Tôi thấy có một người nhảy dù ra, nhưng không biết vì lý do gì lại rơi thật nhanh. Đầu thân và một phần đuôi (C-119 có hai đuôi) cùng rơi nhanh, riêng một phần đuôi còn lại vì nhẹ hơn nên lơ lửng, lượn qua lượn lại rơi xuống như một chiếc lá cuối mùa..'


    Phi hành đoàn của Tinh Long 7 gồm các Tr/úy phi công Trang văn Thành, Tào Thuận và các điều hành viên Trương Ngọc Anh, Phạm Tấn Đức, Phan Quốc Tuấn, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn văn Tần và Nguyễn Tiến Cường (8 người hy sinh), riêng xạ thủ Nguyễn văn Chín, nhảy dù được, tuy sống sót nhưng bị thương nặng. Phi cơ bị rơi trong vòng rào của Phi trường TSN..Hài cốt của Phi hành đoàn đã được bốc và cải táng đầu tháng 8 năm 2010 do sự cố gắng tìm kiếm và yểm trợ tài chánh của các thân hữu KQVN. (Lý Tưởng Úc châu, số Xuân Tân Mão 2011)

    Ngoài ra, còn một AC-119 cũng bị rơi trong ngày 29/4 tại đường Ngô Quyền Chợ Lớn. Đây là chiếc phi cơ di tản không rõ vì bị trúng đạn hay vì trục trặc kỹ thuật. Chiếc phi cơ này do Đ/úy Huỳnh Đình Chiến điều khiển..

    Các phi vu. Phi Long và Phượng Hoàng:

    Phi Long và Phượng Hoàng là danh hiệu của các phi vụ do Skyraiders thực hiện. Phi đoàn 518 đã từ Biên Hòa di tản về Sài gòn từ 28 tháng 4..

    - Phi Long 51:

    Khoảng 4 giờ sáng ngày 29 tháng 4, trong khi VC đang pháo kích mạnh vào phi trường, Phòng Hành quân PĐ 518 nhận lệnh hành quân khẩn cấp gửi một phi tuần lên để oanh kích các vị trí đặt pháo của CQ. Phi tuần gồm 2 chiếc Skyraider: một do Đại úy Trần văn Phúc điều khiển, bay ở vị trí phi tuần trưởng (lead), chiếc thừ 2, do Thiếu tá Trương Phùng, tình nguyện, bay ở vị trí thứ nhì (wingman).. Đ/úy Phúc cất cánh trước, sử dụng phi đạo 07R tương đối ngắn để tránh đường đạn pháo kích (nếu dùng phi đạo 25). Phi cơ cất cánh bằng 'kỹ thuật ép máy hết mức' vào khoảng 4 giờ 25 phút sáng.. Phi cơ của Th/Tá Phùng trục trặc bình điện nên đành cất cánh sau... Phi cơ của Đ/u Phúc trang bị 10 quả bom 250 pound, loại MK-81 và dưới sự điều khiển, chỉ điểm mục tiêu của Tinh Long 6 đang bao vùng trên cao 5000 ft, thả hỏa châu yểm trợ.. Chiếc A-1 của Đ/u Phúc bay ở cao độ 4000 feet và được phép tự chọn mục tiêu cần đánh (random attack)..

    Đ/u Phúc kể lại:

    'Tinh Long 6 hướng dẫn mục tiêu cho biết vị trí pháo 122 ly của CQ tập trung tại Phú Lâm, cách TSN khoảng 7-8 miles..và cách đài radar Phú Lâm chừng 600 m về phía Tây-Nam..Tôi đã thả 2 quả bom vào hai mục tiêu có khói trắng bay lên..Sau đó tôi ngưng lại và tiếp tục bao vùng và thấy vài trực thăng đang quây quần ở hướng Đông..và hướng Bắc Phú Lâm.. Khoảng vài phút sau, tôi nhận được lệnh từ hệ thống vô tuyến: Phi Long 51, thả hết bom xuống mục tiêu và hẹn gặp tại nhà tôi, tối naỵ. Tôi trả lời: Đây Phi Long 51, giới chức nào vừa ra lệnh cho tôi..xin cho biết danh xưng..Đây là Thần Phong 01, Tướng Kỳ..Tôi trả lời cho biết tôi cất cánh đơn độc với 10 bom MK-81 và sẽ đánh từng mục tiêu.. tôi sẽ tiếp tục bao vùng trong 3 giờ..

    Khoảng 15 phút sau, VC cho rằng tôi..hết bom nên pháo kích trở lại với nhiều dàn pháo, mỗi dàn 4 quả..tập trung trong một khu vườn xoài..Đạn pháo phóng lên như pháo bông hướng về TSN.. Tôi tập trung và nhào xuống mục tiêu, đánh từng quả bom..bay lên lại cao độ 4000 ft và thay đỗi trục nhào xuống đánh tiếp để tránh đạn phòng không..Sau khi thả quả bom thứ 6 vào mục tiêu, tôi được Tinh Long 6 thông báo là có thêm một A-1 nữa đang tiếp tay với tôi.. đó là chiếc phi cơ của Th/ tá Phùng do trục trặc vô tuyến nên đã không liên lạc được với tôi..

    Sau khi đánh trái bom sau cùng, quan sát mục tiêu đã bị thanh toán, tôi cho Tinh Long 6 biết sẽ để dành 800 viên đạn đại bác 20, tôi bay về TSN vào khoảng 5 giờ 25 phút, bay quanh trên cao độ 500 ft, qua hệ thống vô tuyến, được biết một AC-119 khác là Tinh Long 7 đã lên vùng để thay thế cho Tinh Long 6..Ngoài ra cũng qua tần số của đài Kiểm báo Paris, tôi nghe Th/tá Hồ ngọc Ẩn, PĐ 514/ Biệt đội Cần Thơ thông báo cùng Tinh Long 7 là phi tuần Phượng Hoàng 11 gồm 2 A-1 cất cánh từ Cần Thơ đang trên đường bay vào không phận Sài gòn để góp sức chống pháo kích..Chiếc A-1 thư nhì do Đ/u Nguyển Tiến Thụy điều khiển.

    Khoảng 6 giờ 25, từ Tinh Long 7, Tr/u Thành cho biết có một toán đặc công CS đang xâm nhập, cắt kẽm gai hàng rào phòng thủ phi trường TS ở hướng Bắc, gần khu vực An nhơn, khoảng 1 mile về phía Bắc của Đài kiểm soát không lưu và Tr/u Thành yêu cầu Phượng Hoàng 11 oanh kích khu vực này..Biết chắc là Phượng Hoàng 11 còn ở xa, chưa thể vào vùng, tôi đã xà xuống cao độ 2000 ft, quan sát và định dùng đại bác với số đạn còn lại để thanh toán mục tiêu..nhưng bất ngờ tôi thấy một quả bom được thả ngay vào mục tiêu do Tinh Long 7 chỉ điểm và sau đó Tr/u Thành yêu cầu thả thêm một quả bom vào một mục tiêu khác cách xa hơn khoảng 100 ft, nhưng lần này bom rơi xa hơn, đến khoảng 200 ft..Tinh Long 7 gọi Phượng Hoàng 11 để thông báo bom rơi xa hơn mục tiêu có thể vào khu vực dân cư. Nhưng Th/tá Ẩn cho biết là lúc này Phượng Hoàng 11 đang ở vùng Bến Lức.. Tôi cho Thành biết, chiếc A-1 vửa thả bom là Phi Long 52 do Th/t Phùng bay, do vô tuyến trục trặc nên không thể liên lạc..Tôi cũng cho Tinh Long biết là chúng tôi đã hết bom nên sẽ rời vùng.


    Ngay lúc đó, tôi liên lạc được với Th/t Phùng, ông cho biết đã cất cánh sau tôi và bay cùng nhưng chỉ nghe được các trao đổi vô tuyến..mà không..nói được .Chúng tôi cùng về đáp tại TSN, vì vô tuyến của Th/t Phùng bất thường nên tôi nhường Anh đáp trước, nhưng trước khi chạm bánh, anh đã đột nhiên tống ga bay lên lại và bảo tôi đáp trước rồi chờ anh. Tôi đáp xuống phi đạo lúc 6.55 phút..Khoảng 5-7 phút sau, tôi còn đứng ngoài phi đạo và theo dõi chiếc Tinh Long 7 đang bắn phá dọc vòng đai phia Bắc..thình lình đuôi phải phi cơ bị gẫy, kế đó cánh phải đứt lìa, phi cơ cắm đầu quay như con vụ và rơi xuống..

    Chờ thêm không thấy Th/t Phùng về đáp, tôi thầm nghĩ anh đã bay về Cần Thơ?'

    (Những lời kể lại của Đ/úy Phúc được trích dẫn từ Lý Tưởng Úc châu Xuân Canh Dần 2010 và từ The last flying combat mission in Saigon trên vnafmamn.com)

    Th/tá Phùng đã bay vòng trỡ lại khu vực ông vừa oanh kích để quan sát và phi cơ đã bị trúng đạn phòng không. Th/t Phùng cố đem phi cơ về ngoài QL 4, nhưng không kịp và phải đáp khẩn cấp gần cầu Bình Điền. Ông thoát được khỏi phi cơ và sau đó bị dân quân CS của Huyện đội Bình Chánh bắt dẫn đi. Ông đã bị hành quyết ngay trong đêm 29 và vùi xác trong vườn nhà dân..
    (Ngày 2 tháng 12 năm 2008, qua những cố gắng của đồng đội và sự giúp đỡ của những nhà ngoại cảm, hài cốt của Th/tá Phùng đã được tìm thấy, và được cải táng đưa về với gia đình - Lý Tưởng số 1-2009)

    Về Phi vụ Phượng Hoàng 11:

    Phi công A-1 driver 514 viết:
    'Sáng ngày 29 tháng 4, 1975 Tinh Long 7 đã làm việc với nhiều phi tuần A-1 trên không phận vòng đai Sài gòn-Tân sơn Nhất, nhưng phi tuần A-1 đang làm việc với Tinh Long 7 khi chiếc AC-119 K này bi. SA-7 bắn rơi ở hướng cuối phi đạo 07 của phi trường TSN vào sáng hôm đó thuộc phi đoàn 514/Biệt đội Cần Thợ Phi tuần A-1 này cất cánh từ Cần Thơ (Bình Thủy), số 1 là Thiếu tá Đinh văn Sơn, và tôi bay số 2. Khi đến vùng thì Tinh Long đang bay ở cao độ cao hơn phi tuần của chúng tôi, để hướng dẫn mục tiêu oanh kích vì lúc đó không có FAC, phi tuần của chúng tôi vừa đánh được pass bomb thứ nhất, chuẩn bị cho pass kế tiếp thì chiếc AC-119 K bị trúng SA-7..'

    Các phi vụ A-37 sau cùng:

    Sau khi hầu như toàn bộ các phi cơ A-37 tại TSN bị hủy diệt do đạn pháo kích của CQ (một lệnh bí ẩn cho kéo hết các A-37 trang bị bom đạn sẵn sàng ra khỏi các vòm trú để xếp hàng ?
    - Xem (Ngày chim vỡ tổ) các phi vụ sau cùng của A-37 trên không phận Sài Gòn đều do PĐ 520 từ Cần Thơ bay lên thực hiện:

    Phi công Đinh Tiến Đạo ghi lại:
    ' Sáng ngày 30 tháng 4, tôi có trong danh sách trong phi tuần đầu tiên. Phi tuần tôi được lệnh cất cánh bay về Sàigòn để yểm trợ cho quân bạn đang giao tranh với địch quân ở vùng ngoại ô của Thủ độ. Khi chiếc A-37 vừa vào vòng đai Sàigòn, tôi chuyển tần số để liên lạc với Paris, danh hiệu của Trung tâm liên lạc hành quân chiến cuộc, xin chi tiết để yểm trơ...thì chỉ nghe tiếng rè rè mà không một ai trả lời..Không một chiếc máy bay quan sát nào hướng dẫn chúng tôi ?..Chúng tôi được lệnh bay trở về Trà Nóc..và trên đường bay nghe được lệnh buông súng của DV Minh..'


    Tr/úy Nguyễn Mạnh Dũng

    Một phi vụ khác, thực hiện trong khoảng 9-10 sáng ngày 30 tháng 4 (trước giờ DV Minh ra lệnh buông súng) do một phi tuần A-37 của PĐ 526 từ Bình Thủy (Cần Thơ) bay lên vơi nhiệm vụ yểm trợ diệt chiến xa CQ tại khu vực Hoàng hoa Thám, Bảy Hiền.

    Phi vụ có Tr/úy Nguyễn Mạnh Dũng làm phi tuần trưởng, Th/ú Đông phi tuần viên. Phi tuần được hướng dẫn bỡi phi cơ quan sát thuộc PĐ 122, cất cánh từ Căn cứ Đồng Tâm (Mỷ Tho) do Đ/ú Mai Tri Dũng bay cùng Th/ú Biện (Quân sử KQ trang 350)


    Trần Lý (tháng 5-2012)

  • #2
    Năm 2005, trong cuốn Quân sử Không Quân VNCH do Liên Hội Ái Hữu Không Quân QLVNCH - Úc Châu phát hành, chúng tôi (dựa theo tài liệu của ngoại quốc) đã có sự nhầm lẫn khi viết “...Phi đoàn 518 Phi Long từ Cần Thơ” (trang 198), nay nhân bài viết của tác giả Trần Lý được phổ biến trên HQPD, chúng tôi xin được sửa lại “...Phi đoàn 518 Phi Long ở Tân Sơn Nhất” cho chính xác.

    KQ Nguyễn Hữu Thiện
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 02-20-2018, 09:59 PM.

    Comment


    • #3
      Tác Giả Trần Lý gom góp nhiều nguồn tin trên các sách báo hay trên các mạng nên có nhiều nguồn tin thiếu chính xác. Vì những dữ kiện của Lịch sử cần phải chính xác cho các thế hệ mai sau, buộc lòng tôi phải xin bổ túc vài điều trong bài viết nầy của Tác giả Trần Lý:

      - Hai phi đoàn A-1 Phượng Hoàng 514 và Phi Long 518 di tản về Tân Sơn Nhứt sáng ngày 21/4/1975 vì kho bom ở Biên Hoà bị trúng pháo kích đêm 19 rạng 20/4/1975.
      - Từ 04 giờ sáng ngày 29/4/1975 Cộng Quân pháo vào Tân Sơn Nhứt bằng hoả tiễn 122 ly từ Phú Lâm không phải là đại bác 130 ly như nhiều cuộn phim hay nhiều ký giả nước ngoài thông tin sai lạc.

      Sau phi vụ hành quân tôi chạy về cư xá của PĐ 431 nơi vợ con tôi tạm trú, chính tôi (và nhiều người khác) nhìn thấy 1 trái hoả tiễn 122 ly không nổ dài hơn 1 thước tây cắm sâu xuống nền cement giữa 2 cư xá của phi đoàn 431, cách bức tường phía Nam của Dinh Tướng Kỳ chừng 50 mét và cách cư xá của Nữ Quân Nhân đã cháy rụi không quá 40 mét.

      - Khoảng sau 6 giờ sáng, ánh thái dương sắp ló dạng và trên tần số Paris tôi nghe tiếng Th/Tá Hồ Ngọc Ấn PĐ 514, Trưởng phi tuần Phượng Hoàng 11 báo cáo trên đường tiến về Sài Gòn từ Cần Thơ, Đ/Uý Nguyễn Tiến Thuỵ bay chiếc số 2. Sau đó Tr/Uý Trang Văn Thành cho biết "anh tình nghi có 1 đám VC định cắt hàng rào kẻm gai" và yêu cầu phi tuần Phượng Hoàng 11 thả bom xuống sát vòng rào phòng thủ ở hướng Bắc nơi mảnh dất trống hình tam giác cạnh khu An Nhơn. Vì tôi giữ yên lặng trên vô tuyến nên anh Thành lầm tưởng phi tuần của tôi đang quây quần trên TSN là Phượng Hoáng 11?

      Tôi không biết anh Thành thấy gì ? Với ánh sáng của mặt trời sắp mọc hệ thống hồng ngoại tuyến trên chiếc AC-119 còn hoạt động hữu hiệu?

      Sau quả bom thứ nhì của Th/Tá Phùng, anh Thành sợ trúng nhà dân nên yêu cầu ngừng thả bom và báo cho chúng tôi biết "Tinhlong-07 sẻ xuống cao độ để dễ quan sát hơn. (lúc đó anh đang bay khoảng 5.000 bộ) Tôi không muốn oanh tạc lầm vào nhà dân. Tội cho họ lắm" Đó là câu nói cuối cùng mà tôi nghe được từ anh Thành trước khi tôi đáp xuống TSN.

      Ngay sau khi đáp xuống, tôi cùng các anh em thuộc phi đạo A-1 đang theo dõi chiếc Tinh Long-07 của anh Thành đang nghiêng cánh trái theo hướng từ Đông sang Tây ở cao độ thấp khoảng vài ngàn bộ với những tràng đại bác 20 ly sáu nòng đang gầm thét trong buổi sáng tinh sương. Tiếng súng vừa ngừng,1 trái hoả tiễn tầm nhiệt SA-7 oan nghiệt bay theo, phần đuôi bên phải rơi lả tả, động cơ phải phát hoả, cánh phải gãy lìa và phần còn lại của phi cơ xoáy như con vụ rồi cắm xuống đất trong tic tắc bên trong vòng đai của TSN, cách chổ anh Thành oanh kích không quá 500 mét, nghĩa là ở phía Bắc của đài Kiểm Soát Không Lưu TSN chừng 1 dặm. (lúc đó chúng tôi đang đứng tại Taxiway W#7, chiếc phi cơ lâm nạn khuất sau khu Hotcargo) Sự kiện nầy đã làm bàng hoàng cho hàng vạn chứng nhân (trong và ngoài căn cứ TSN) đang theo dõi ngay cả tôi.

      Vì chiếc AC-119 mới cất cánh không lâu, nhiên liệu còn đầy nên ngọn lửa bùng cháy dữ dội trong nhiều giờ nên "nhiều ký giã tào lao" (Fake news) loan tin nào là kho đạn, nào là kho nhiên liệu , phi đạo hư nặng nề v...v... vì trúng pháo của Cộng Quân, xác chết đầy phi đạo và taxiway ???

      - Về Th/Tá Phùng tôi chỉ biết anh bị mất tích và hoàn toàn không biết anh bay đi đâu và bị bắn rớt ra sao ? Vì tôi đã đáp xuống TSN trước đó lúc 6 giờ 50 phút.
      - Riêng về phi tuần của Th/Tá Đinh Văn Sơn và phi công A-1 driver, cả Đ/Uý Nguyễn Tiến Thuỵ (số 2 của phi tuần Phượng Hoàng 11) và tôi đều không biết (có mặt trên không phận TSN hay không). Trong tần số Kiểm Báo Paris tôi chỉ biết phi tuần Phượng Hoàng 11 duy nhất có mặt trên không phận Sài Gòn mà thôi, cũng như đoạn video ngắn của ký giả Don Harris thu được cảnh chiếc Tinh Long-07 bị trúng SA-7 đều không thấy cứ 1 chiếc phi cơ nào khác.

      Philong51
      20/2/2018

      Tất cả "tài liệu của người nước ngoài" đều ghi rằng phi tuần của tôi và Th/Tá Phùng bay lên chống pháo kích từ Cần Thơ thay vì cất cánh từ Tân Sơn Nhứt.

      Xin xem chi tiết: http://www.vnafmamn.com/VNAF_LastMission.html
      Last edited by khongquan2; 02-20-2018, 04:39 PM.

      Comment


      • #4
        Đính chính

        Đính chính:

        Thưa Quý Anh Phi Dũng,
        Xin Quý Anh vui lòng giúp tôi phổ biến đoạn sửa chữa (đính chính) để làm rõ hơn hai dòng trong ngoặc kép của đoạn “Phi Long 51” :
        (...tuy nhiên theo Đ/u Thụy thì chiếc bay số 1 lead là do Thiếu tá Đinh văn Sơn)
        Bài này viết vào tháng 5/2012 và đã được phổ biến trên nhiều báo và diễn đàn tại Hoa Kỳ cùng nhiều nơi khác trên thế giới
        Sự nhầm lẫn trong bài là về Phi vụ Phượng Hoàng 11:

        - Phi vụ này theo Đ/u Phúc (Phi Long 51) là 2 chiếc A-1 của Phi đoàn 514 cất cánh từ Cần Thơ do Th/tá Hồ Ngọc Ẩn và Đ/u Nguyễn Tiến Thụy điều khiển (xem Lý Tưởng Úc châu Xuân 2010 trang 50).

        - Phi công A1driver514 có viết cho tôi là Phi vụ của Ông cũng từ PD 514, trên không phận Saigon sáng 29 là do Th/tá Đinh văn Sơn bay số 1 và ông bay số 2.

        Tôi đã nhầm lẫn khi cho Ông Thụy la A1driver514 vậy xin lỗi cả hai Ông ! Vì không thuộc KQ và không có cơ hội kiểm chứng nên đã có những sai lầm trên. Xin quý vị tôi đã nêu tên trong bài nhất là Ông Thụy thứ lỗi

        Kính
        Trần Lý 26 tháng 2, 2018

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X