Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Anh Hùng Không Quân Phi Hành Ðoàn CH-47 Chinook

Collapse
X

Anh Hùng Không Quân Phi Hành Ðoàn CH-47 Chinook

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Anh Hùng Không Quân Phi Hành Ðoàn CH-47 Chinook

    CH-47 Chinook - Phi vụ Tuy Hòa

    Dựng 1 chiếc cầu cho đoàn người di tản.

    Tối nay thật vui khi được ngồi chung bàn với các bạn cùng khóa 7/68 Không Quân trong bữa tiệc Tiền Phi của tuần họp mặt 40 năm tại nhà hàng bò bảy món Pagolac thành phố Little Sàigòn vùng Orange County, California, nơi được mệnh danh là thủ đô của người Việt tỵ nạn Cộng Sản. Gần 100 bạn khoá 7/68 KQ khắp nơi trên Thế Giới và gia đình tề tựu về đây để gặp lại nhau.

    Trong không khí tưng bừng, vui vẻ đó mọi người hân hoan, vồn vã thăm hỏi nhau, chụp hình kỷ niệm, rồi bắt đầu nhập tiệc. Ngồi kế tôi là bạn Phạm xuân Trường, người bạn đã phục vụ tại phi trường Cù Hanh Pleiku, đây có lẽ là đơn vị chính của anh từ ngày rời quân trường cho đến ngày di tản và được biết anh cũng lập gia đình cùng 1 người tại xứ “đi năm phút đã về chốn cũ” hay nhiều người còn gọi là “thành phố sương mù”. Trong lúc đang vui vẻ thưởng thức những món ngon của nhà hàng, những ly rượu ngon của bạn Đặng Quỳnh mang tới thì bất chợt anh xoay sang tôi và hỏi: Tôi nghe nói Yên đã chở nhiều người di tản từ Pleiku trên quãng đường từ Bồng Sơn về Tuy Hòa phải không? Tôi trả lời anh là đúng, tôi đã chở rất nhiều người dân trên quãng đường đó về Tuy Hòa, rồi anh kể tôi nghe chuyện những người bên gia đình vợ của anh ra đi vất vả thế nào, và nhiều người cũng đã vĩnh viễn ra đi trên đoạn đường di tản đó. Anh tỏ ý muốn tôi viết lại phi vụ mà tôi đã bay ngày hôm đó. Riêng tôi cũng nhiều lần được nghe vợ tôi kể lại chuyện người Chú của vợ tôi cũng đã qua đời trong chuyến di tản đó. Nên xin ghi lại đây 1 kỷ niệm trong đời bay bổng, 1 nỗi khổ của người dân Việt và cũng để hâm nóng lại lý tưởng của những ngày còn trẻ khi chúng tôi đáp lại tiếng gọi của Tổ Quốc gia nhập vào quân đội để đóng góp vào sự bảo vệ mãnh đất tự do còn sót lại của miền Nam Việt Nam.

    Tôi hoán chuyển quân số từ Phi đoàn 237 Biên Hòa ra Phi Đoàn 241 Phù Cát, trình diện Tr/Tá Đỗ văn Hiếu, Phi Đoàn Trưởng, tháng 8 năm 1974 và tôi đã phục vụ tại đây cho tới ngày rời Phù Cát. Vài ngày trước khi Phù Cát di tản, tôi trực tại Phi Đoàn thì nhận được lệnh từ phòng Hành Quân Chiến Cuộc cần phi hành đoàn của tôi cất cánh xuống Tuy Hòa để nhận phi vụ. Những phi vụ tiếp tế cho quân bạn từ Tuy Hòa đến Cung Sơn hay Phú Bổn là công việc thường xuyên của Phi Đoàn 241 nên không có gì mới lạ đối với chúng tôi. Chúng tôi cất cánh đi Tuy Hòa làm việc trong tâm trạng bình thường 1 ngày như mọi ngày. Khi đáp xuống điểm hẹn ở Tuy Hòa thì quân bạn đã có mặt tại chỗ và những kiện hàng đã sẵn sàng. Xuống tiếp xúc với quân bạn xong, chúng tôi nhận phi vụ chở vật liệu để làm 1 cái cầu dã chiến bắt qua dòng sông phía Đông của quận Cung Sơn để đoàn xe và những người di tản có thể qua được dòng sông đó.

    Chúng tôi quay máy, qua câu hàng, cất cánh bay về hướng Cung Sơn, khi đến gần tọa độ chúng tôi gọi xin trái khói màu để biết chỗ thả vật liệu xuống. Khi nhìn xuống để tìm kiếm khói màu thì mới thấy cả rừng người đang ở phía Bắc của dòng sông, xa xa tiếng súng vẫn nổ, những đạn pháo kích của bọn Việt Cộng pháo theo bước chân của những người dân di tản mệt nhọc, đáng thương, vô tội này. Đạn pháo tiếp tục nổ và tạo nên những cụm khói cao. Xa xa nơi ven sườn đồi những cụm khói trắng thỉnh thoảng tỏa lên, tôi biết quân bạn vẫn còn đang chiến đấu để bảo vệ đồng bào đang cố gắng chạy thoát ra khỏi tầm tay của bọn Việt Cộng.

    Sau khi thả hàng xong, trong lúc quay đầu cất cánh về lại Tuy Hòa tôi đã nhìn thấy hàng ngàn con mắt của đồng bào ruột thịt đang hướng mắt lên tàu của chúng tôi, nhưng vì không có lệnh chở dân về cho nên tôi đã bay về tàu không. Nhưng trong suốt đường bay về Tuy Hòa ý nghĩ rước đoàn dân này về đã đến với tôi và tôi gọi máy liên lạc Quân Đoàn xin cho chở dân về, người trực phía Quân Đoàn cho tôi biết nhiệm vụ của tôi là chở vật liệu để hoàn tất cây cầu càng sớm càng tốt để xe có thể vượt qua dòng sông, còn chuyện rước dân hay không thì không có trong phi lệnh, tùy ý bạn. Câu chót là câu nói làm cho tôi bối rối, khó hiểu. Tôi suy nghĩ suốt đoạn đường chở hàng vào lại Cung Sơn. Làm ẩu không có lệnh sẽ lãnh củ (tù), bị lột lon, có thể ra hội đồng kỷ luật. Nhưng không rước dân thì làm sao đối diện với lương tâm của mình khi những người dân di tản đáng thương, mỏi mệt đó đang mong chờ mình ra tay giúp đỡ và cuối cùng tôi quyết định là sẽ rước dân, dầu có phải lãnh chịu hình phạt nào. Dầu vậy, để tránh cho anh em phi hành đoàn bị liên lụy với quyết định của tôi, nên tôi hỏi ý kiến coi anh em phi hành đoàn nghĩ thế nào? Tất cả đồng ý rước dân.

    Với kinh nghiệm trong lần rước 10.000 dân từ An Lộc về Lai Khê, vào mùa hè đỏ lửa 1972. Tôi căn dặn phi hành đoàn từng người một, từng việc phải làm. Chinook có thể chở 45 người lính trang bị đầy đủ súng ống, đạn dược để tác chiến, còn nếu chở dân thì có thể từ 60 đến 70 người, tôi bảo anh em xếp 2 hàng ghế bên hông tàu lên và khi họ lên chỉ đứng chứ đừng để họ ngồi.



    Thả hàng xong tôi lựa 1 toán có khoảng 60 tới 70 người, đáp xuống và chờ cho họ lên tàu. Nhưng tôi đã phạm 1 lỗi lầm lớn là đoàn dân ở đây không có ai chỉ huy ai cả, khác với những lần rước dân trước kia được những người lính giữ an ninh bãi đáp đìều hành, xắp xếp và tàu tôi bị nhiều đoàn người tràn tới, bu đầy chung quanh và leo trèo lên quá đông. Tôi đành phải bốc tàu lên khỏi mặt đất mà cửa ramp phía sau vẫn chưa đóng được. Anh Cơ Phi hoảng hồn cho tôi biết rất đông người còn bu chung quanh tàu và ramp nên anh không thể đóng ramp được. Tôi giữ máy bay cách mặt đất khoảng 5, 6 feet đợi vài phút cho những người bu quanh mỏi tay rớt xuống. Tôi hỏi anh Xạ Thủ và Áp Tải ngó 2 bên hông và nhìn xuống bánh máy bay coi còn có ai bu không? Thì 2 anh báo là còn. Không thể đứng đây lâu quá như vậy được, tôi quyết định đem tàu ra dòng sông nhúng nước, hy vọng những người bu bánh xe hoặc tòng teng phía ngoài biết được ý định của chúng tôi. Giữa dòng sông có 1 cồn cát, tôi đem tàu ra gần cồn cát, thả tàu xuống nước và để cho những người đó có thể bơi vào bờ cát dễ dàng vì dòng sông không sâu lắm và với số ít người thì khi trở lại chuyến tới sẽ đáp rước họ dễ dàng hơn. Sau khi thấy 4, 5 anh thanh niên lên cồn cát rồi tôi đáp xuống 1 cồn cát khác và nói anh Xạ Thủ mở cửa bên hông và leo xuống nhìn coi còn có ai không? Khi biết chắc không còn ai bu nữa tôi bắt đầu cất cánh bay về Tuy Hòa. Thật tôi không biết được số người ở trên tàu là bao nhiêu nhưng 1 điều tôi biết chắc chắn là máy bay cất cánh lên không nổi, chỉ lên được 20 feet trên mặt dòng sông và tốc độ chỉ được 50 knot, cố gắng bay nhanh hơn thì mất cao độ. Thôi đành vậy, cứ lết theo dòng sông mà về, có bị bắn thì cũng phải chịu thôi. Khi về đến phi trường bỏ trống ở Tuy Hòa tôi phải làm running landing vì máy bay chở quá nặng, khi dừng lại để cho mọi người xuống thì anh em đếm số người già, trẻ, lớn, bé hơn 140 người.

    “Tôi xin được mở ngoặc nơi đây để quí vị nào đọc bài này là nạn nhân mà tôi nhúng nước hoặc quí vị nào có mặt lúc đó hoặc nghe kể lại thì xin cảm thông và hiểu cho chúng tôi, vạn bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm như vậy là để bảo vệ mạng sống của những người bu theo tàu. Thứ nhất sức gió khi chúng tôi bay sẽ đẩy quí bạn đó rớt, thứ hai khi về đến Tuy Hòa với số lượng người trên tàu chúng tôi không có cách nào đáp ngoài cách làm running landing và quí vị đó có thể bị rớt và có thể bị Chinook cán chết”.

    Chuyến đầu cho tôi thêm 1 kinh nghiệm, những chuyến sau đó tôi chỉ đáp và rước những toán 10 tới 15 người cho đến khi tàu đầy đủ người thì bay về. Tiếp tục đem vật liệu vào cho quân bạn làm cầu thì tiếp tục rước dân ra cho đến chiều. Nhiều toán người đã qua được bên kia sông bằng cây cầu dã chiến. Bất chợt tôi để ý thấy có nhiều toán người rải rác ở các sườn đồi phía Bắc mà trời thì bắt đầu tối, họ có thể gặp nguy hiểm, đi lạc đường, và gặp khó khăn hơn những người đang ở dọc theo dòng sông. Tôi thấy tội cho họ, nên tôi tính cách để rước họ về, chỉ còn 1 cách là đáp bằng 2 bánh sau lên trên những tảng đá dọc triền đồi, mở cửa ramp và kéo họ lên, đáp kiểu này tôi thường hay làm những ngày khi còn ở Phi Đoàn 237 mỗi khi đáp núi Bà Đen vùng Tây Ninh nên cũng không có gì trở ngại. Dầu vậy, nhiều chỗ chật hẹp rất khó đậu và nhiều lần xém chặt những cành cây. Trời càng tối lại càng khó rước những toán người này và tốn nhiều thì giờ hơn vì đáp bằng 2 bánh sau qua sự điều chỉnh của anh em phía sau trong lúc Trời choạng vạng tối rất nguy hiểm, phải thận trọng cho nên đòi hỏi thời gian. Nhưng Thượng Đế cảm thông với lòng của chúng tôi, 1 chiếc UH1 xuất hiện, tôi gọi tầng số Guard thì biết thuộc Phi Đoàn 219 Nha Trang, nếu tôi nhớ không lầm thì qua vài câu đối thoại tôi nhận ra đó là Tr/uý Biên cũng xuất thân từ K7/68KQ. Bắt đầu từ đó chiếc UH1 rước người từ những sườn đồi thả họ xuống những cồn cát giữa dòng sông và Chinook chúng tôi chở họ về Tuy Hòa cho đến lúc trời tối khi chúng tôi không còn thấy đường và chiếc UH1 cũng phải cáo biệt chúng tôi và rời vùng để về lại Nha Trang.

    Sau một ngày mệt mỏi, chúng tôi tắt máy, nhờ quân bạn canh giữ máy bay và chở chúng tôi ra phố kiếm gì ăn trước khi về lại Phù Cát. Chưa ăn xong bữa cơm tối, 1 vị sĩ quan bộ binh đã tới và xin tôi chở giùm 1 số thương binh về Nha Trang. Tôi nói với vị sĩ quan là chúng tôi không có lệnh để đi Nha Trang, thì người sĩ quan này năn nỉ tôi là đợi cho cấp trên của họ liên lạc với Không Quân để cho tôi chở số anh em thương binh này về Nha Trang, vì ở đây không có đủ phương tiện chữa trị, tôi bằng lòng đợi cho đến lúc xong bữa cơm, trở về lại máy bay rồi sẽ tính.

    Khi về lại nơi đậu máy bay thì hỡi ơi nơi đây không khác gì bãi chiến trường, đầy những thương binh nằm la liệt dưới đất, rên siết, đau đớn. Một lần nữa nhìn thấy máu đổ, thịt rơi và những khuôn mặt đau đớn của đồng đội tôi không còn đủ can đảm từ chối phi vụ. Tôi bảo phi hành đoàn hạ cửa máy bay và để anh em bộ binh khiêng những anh em bị thương lên nằm trên sàn Chinook để tránh gió, đất, cát, khi những chiếc UH1 liên tục chở thương binh về đáp. Tôi gọi người sĩ quan bộ binh đến, nói với anh là cứ tiếp tục liên lạc với Hành Quân Chiến Cuộc ở Phù Cát dù được chấp thuận hay không, tôi sẽ chở hết số thương binh này về Nha Trang tối nay. Khi tôi cất cánh thì trên tàu có 36 thương binh mà gần như họ không thể nào tự lo cho mình được.

    Suốt thời gian trên đường về Nha Trang tôi suy nghĩ đến những hình phạt mà tôi có thể lãnh chịu qua việc làm không theo chỉ thị, nhưng đối chiếu với lương tâm thì tôi thấy không ân hận gì nếu mình có bị phạt, chỉ sợ anh em trong phi hành đoàn bị phạt lây.
    Đáp xuống Nha Trang, taxi vào trạm hàng không, đậu, và tắt máy, lúc này đã hơn 11 giờ đêm. Trong lúc đợi xe cứu thương đến để chở những anh em thương binh về quân y viện Nha Trang thì tôi hỏi anh em phi hành đoàn có nơi nào ngủ không? Tất cả cho tôi biết đều có bạn bè ở đây và tự lo được. Tôi hẹn gặp anh em 8 giờ sáng ngày mai. Riêng tôi thì chưa biết ngủ ở đâu, ra ngoài thì quá khuya rồi vả lại cũng không có phương tiện di chuyển, ở đây thì không biết phải ngủ nơi nào. Tôi sực nhớ là hình như Tr/uý Phạm minh Hoa (tự Hoa number one thuộc K7/68 KQ) là trưởng trạm Hàng Không Nha Trang. Có thể mình vào ngủ đỡ tại hậu trạm tối nay. Tôi yên lòng ngồi đợi cho người thương binh cuối cùng được đưa lên xe cứu thương, tôi đóng hết cửa máy bay lại và kỹ hơn tôi gỡ bình điện rồi đi vào hậu trạm. Gặp anh lính trực tôi hỏi thăm về Tr/u Hoa thì anh cho biết là ở trên lầu phía sau hậu trạm, lâu lắm rồi không gặp bạn Hoa từ ngày ra khỏi trường Bộ Binh Thủ Đức mỗi đứa 1 phương trời, không biết Hoa còn nhận ra tôi không? Tôi lên lầu, gõ cửa, 1 người lính mở cửa, tôi tự giới thiệu là bạn của Tr/u Hoa và muốn ngủ lại đây đêm nay, anh để tôi vào và cho biết là Tr/u Hoa đi ăn tối chưa về (ăn tối gì mà lâu zdữ dậy ???). Tôi thấy phòng có máy lạnh bèn mở lên, xong đi tắm rồi leo lên giường của bạn Hoa ngủ. Giấc ngủ chưa kịp tới thì tôi nghe có tiếng cửa mở, sau đó tiếng Tr/u Hoa hỏi anh lính (đệm trước bằng 2 chữ Đan Mạch) thằng nào nằm giường tao vậy? Anh lính nói bạn của ông. Hoa giở tấm mền che mặt tôi, cúi xuống ngó sát mặt, tôi vì mệt nên làm bộ ngủ, để sáng mai rồi tính. Tôi không biết bạn Hoa tối đó ngủ ở đâu ? Chỉ biết sáng hôm sau khi thức dậy, người lính cho tôi biết là Tr/u Hoa đang đợi tôi dưới hậu trạm để ăn sáng. Sau giấc ngủ thoải mái, an bình, 1 bữa ăn sáng ngon lành với đầy tình bạn khóa 7/68KQ, đã đưa tôi trở lại với công việc của 1 ngày mới trong hoàn cảnh bi thương của đất nước.

    Cảm ơn tình bạn thấm thiết của các bạn Khoá 7/68KQ.

    Hồ Viết Yên





  • #2
    Ðể kính nhớ đến vong linh của các nhân viên phi hành (Hoa tiêu, Cơ phi, Áp tải và Xạ thủ) đã hy sinh trong thời gian phục vụ cho PÐ 237 với nhiệm vụ Bảo Quốc Trấn Không, với lý tưởng chiến đấu cho tự do, dân chủ của tổ quốc.
    [MYOUTUBE]8517K43lsH4[/MYOUTUBE]




    Chiến Đấu Bên Nhau
    Last edited by SVSQKQ; 01-29-2018, 06:36 AM.

    Comment


    • #3
      Anh Hùng Không Quân Phi Hành Ðoàn CH-47 Chinook

      [MYOUTUBE]Jq_hZjhDnoA[/MYOUTUBE]



      Last edited by SVSQKQ; 02-03-2018, 12:52 AM.

      Comment


      • #4
        Phi Đoàn Chinook Đầu Tiên Của Không Quân VNCH, Phi Đoàn 237

        Hồ Viết Yên
        PĐ237 / PĐ241
        Ngày 9 tháng 2 năm 2016 - Tết Bính Thân
        ------
        Trong lúc đang học lớp đệ nhất thì anh của tôi về phép. Khi trở về đơn vị phi đoàn 516 Phi Hổ ở Đà Nẵng thì anh cho tôi theo trên chiếc Skyraider do chính anh lái, tôi nằm sau thùng với 2 anh Thiếu Úy, lịch sự, cao ráo, đẹp trai, và dễ thương. Thế là trong đầu tôi đại khái biết được 1 hướng đi trong tương lai của mình…
        Nhìn lại khoảng thời gian đã qua, tôi hãnh diện đã làm nhiều quyết định, nhất là quyết định gia nhập vào Không Quân để góp phần trong cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt.

        Sau khi ra trường Bộ Binh Thủ Đức khóa 7/68 Không Quân, về học trường sinh ngữ Quân Đội để bổ túc anh văn xong thì về trình diện phòng du học Bộ Tư Lệnh Không Quân (BTLKQ).
        Theo kế hoặch Việt Nam hoá chiến tranh thì Không Quân Việt Nam phải có đủ phi công trực thăng để thay thế phi công Mỹ cho nên BTLKQ dồn hết nhân lực, cùng mọi nỗ lực vào việc huấn luyện phi công trực thăng nên hầu hết chúng tôi ra trường đều được gởi đi học bay trực thăng. Tôi đến trường bay Fort Wolter khóa 3 (nón Cam). Tôi và Mã quới Trung học cùng 1 Instructor Pilot (IP), Captain O’neil. Tôi là khóa sinh đầu tiên được thả bay solo của khóa, kế tiếp là Trung. Đây có lẽ là lúc khoái nhất trong thời bay bổng vì từ nhỏ đến bây giờ chỉ biết đi bộ hay đạp xe đạp, hoặc năm khi mười hoạ mới ngồi được trên xe Honda, mà bây giờ 1 mình trên chiếc trực thăng, bay đây đó thoải mái, ngắm nhìn cảnh vật nhỏ bé dưới chân và được đáp xuống những cánh đồng, hay sườn đồi nơi đất lạ quê người, và từ đó lòng tôi hướng về 1 ngày rất gần sẽ bay trên đất nước mình và được ngắm nhìn bao cảnh đẹp đẽ của quê hương. Sau khi ra trường tôi được chuyển sang 2 trường khác để học bay trực thăng UH1 và CH-47 Chinook.
        Trở về nước trong phi đoàn Chinook đầu tiên của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, Phi Đoàn 237. Tại nơi đơn vị này tôi đã nhận được 3 phần thưởng. 1 của BTLKQ cho đi Hồng Kông và Đài Loan nghỉ dưỡng sức. 2 là 5,000.00 đồng do Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 3 tặng, và 3 là 2 sấp vải lụa do Tổng Công Đoàn Công kỹ Nghệ Việt Nam tặng. Nhưng phần thưởng quí nhất, tôi nghĩ là Thượng Đế đã ban cho tôi trong suốt cuộc chiến, không một ai bị thương tích trong các phi vụ của tôi, dầu tôi bay rất nhiều trên khắp mọi vùng đất nước và bị bắn cũng nhiều, từ súng nhỏ, súng lớn, ngay cả bị trúng phòng không và bị pháo kích khi vào bãi đáp.

        Tôi hãnh diện đã chiến đấu bên cạnh các đồng đội, những người trai oai hùng trong thời chiến, để cùng bảo vệ sự tự do, dân chủ và nền độc lập của miền Nam Việt Nam.

        Comment


        • #5
          Chuyện xưa - cảm xúc mới

          Nhớ về phi vụ di tản căn cứ KQ Pleiku vào ngày 16/3/1975 khi tôi ở PĐ 241
          - Ngày ấy từ Phù Cát lên đến Pleiku, phi cơ hạ cánh xuống giữa lòng căn cứ đầy khói lửa, những cột khói bốc cao che khuất dàn radar có thể nhìn thấy từ xa. Tôi vội vã hỏi thăm một vài anh KQ xem có biết Th/s Phạm Văn Lung ở tiếp liệu? Có người cho biết ông ấy đã di tản bằng đường bộ rồi. Lúc đó tôi yên tâm và cho rằng như thế là đủ. Rồi tàu cất cánh trở lại Phù Cát, nhưng trên đường về tàu của tôi lại phải hạ cánh để pick up một chiếc khác cùng hợp đoàn, có lẽ là chiếc mang số hiệu 968, đã bị rơi phía đông của biển hồ do trục trặc kỷ thuật. Trong bụi mù trên bãi đáp chiếc chinook CH-47 nằm lật ngang như con trâu rừng với bộ sừng cái gãy cái sứt văng mất tiêu , thấy mà ớn ! nhưng ơn trời PHĐ đều vô sự. Tất cả PHĐ và một số hành khách đều nhảy lên tàu của tôi an toàn.
          -Thời gian gần đây, tôi liên lạc được với bạn mevo cùng khóa, từ cái thời tân binh học quân sự- ĐĐ 59 của năm 1971, là Đinh Công Nghĩa lần đầu tiên về PĐ 225 Sóc Trăng, cho đến năm 1974 hắn lại ra PĐ 235 Pleiku. Không ngờ Nghĩa là nhân chứng sống về cái vụ chiếc chinook bị rơi ở phía đông biển hồ ngày ấy. Nghĩa cho biết PĐ 235 ban đầu có dự định cấp cứu, nhưng liền ngay sau đó phải đình hoãn vì đã có Chinook cùng hợp đoàn của họ rồi. Bây giờ Nghĩa nói: Hổng dè là mày.... Còn tôi cũng nói: Hổng dè là mày.... Điều này cho thấy: có khi có điều, ai cũng thấy nhưng ai cũng đều không biết. Mới lạ chứ.
          -Để nói về ông Th/s Phạm văn Lung thì như thế này: -Tôi có anh bạn rất thân: Phạm Văn Trạch nhân viên văn thư PĐ 231, chúng tôi ở với nhau 1 phòng trong barrack. Ba của ảnh là ông Lung đó. 35 năm sau, năm 2010 từ Texas trở về anh Trạch có đến thăm tôi. Và cám ơn tôi về sự hỏi thăm tìm kiếm ba của anh ấy ở Pleiku . Anh kể lại chuyện ra đi rất thú vị: -Sau khi rời Nhà Bè về lại nhà ở Long An, nhưng bất ngờ Đ/U Hồ Hữu Cảnh PĐ 231 mang tàu từ hạm đội trở vào để đón GĐ, thì được Tướng Phan Hoài Niệm giữ lại để hôm sau di tản BCH. Thế là anh Trạch thong thả thu xếp hành lý, từ gĩa GĐ để ra đi. Anh nói có cơ hội thì qua Mỹ cho biết. Còn về thì từ từ rồi tính. Vì thế mà tôi mới có được 1 tấm hình lúc còn ở PĐ 231 do anh Trạch gói cất kỹ lưỡng, nhưng anh đem về bản Photocopy rất đẹp, còn hơn cả bản gốc, vì đã được photoshop. Ô hô, thật sự trái đất tròn !!! Ninh Pham





          Comment



          Hội Quán Phi Dũng ©
          Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




          website hit counter

          Working...
          X