Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phục vụ trong quân chủng không quân

Collapse
X

Phục vụ trong quân chủng không quân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phục vụ trong quân chủng không quân

    PHỤC VỤ TRONG QUÂN CHỦNG KHÔNG QUÂN
    Hồ tấn Đạt, K21


    Vào năm 71-72, Cộng Sản Bắc Việt tăng cường quân số và chiến cụ tối tân đưa từ Bắc vào tấn công khắp nơi trên lãnh thổ miền Nam, khiến những trận đánh khốc liệt, kinh hoàng giữa hai bên diễn ra khắp trên 4 vùng chiến thuật. Khi Hoa Kỳ, chuẩn bị rút quân, giao lại căn cứ Sóc Trăng cho VNCH, Quân Chủng Không Quân đã thành lập 2 phi đoàn trực thăng (PĐTT) 225 và 227 để thay thế 2 phi đoàn của Mỹ. Vì thế, tôi và các phi công từ các Phi Đoàn 211, 213, 215, và 217 được thuyên chuyển về thành lập Phi Đoàn 225 do Th/Tá Lê văn Châu (K16) làm Phi Đoàn Trưởng(PĐT). Phi Đoàn 227 thành lập sau vài tháng do Th/Tá Trần Châu Rết (K16) làm PĐT. Phi Đoàn 225 được chia làm 4 phi đội (flight): 3 phi đội trực hành quân 5 ngày liên tục, phi đội còn lại đi phép 2 ngày. Trong thời gian này, tôi bay với tư cách là trưởng phi cơ của chiếc C&C khi hành quân đổ quân.

    Một hôm đi phép trên đường từ Sài Gòn về lại Sóc Trăng, tôi nghe báo cáo trên tần số, như sau: Trưa nay một chiếc L19 bi SA7 bắn rớt gần biên giới Mộc Hoá và Kampuchia. Phi Đoàn 227 được điều động đưa 1 chiếc rescue và 2 gunship(s) đến tìm… 3 chiếc TT bay được vài vòng trên mục tiêu thì chiếc rescue của Đại Uý Minh bị SA7 bắn rớt. Hai gunship(s) nhào xuống cứu Đ/U Minh nhưng không cứu được bị phòng không bắn lên như mưa…

    Khi nghe xong, tôi đã biết tình hình ở đây quá “hot” (nóng bỏng), mà ngày mai PĐ 225 chúng tôi đang trở về ST để thượng phiên hành quân chánh. Chắc chắn chúng tôi sẽ được điều động lên đây. Điều đó khiến tôi nghĩ ngợi miên man suốt đường bay về lại Sóc Trăng.

    Về đến nơi, tôi vào phòng hành quân (PHQ) lo cắt bay cho ngày hôm sau và không quên dặn dò sĩ quan trực khi nào có phi vụ lệnh từ phòng hành quân chiến cuộc vào buổi tối thì gọi cho tôi, để tôi nhận lệnh. Khoảng 8:30 tối, tôi được tin một chiếc AC119 từ Tân Sơn Nhất xuống thả trái sáng cho quân bạn cũng bi SA7 bắn gãy cánh trái. Máy bay rớt khiến cho tất cả phi hành đoàn bị tử trận. Nếu ngày hôm sau, tôi phải bay vào khu vực hành quân này và bay bình thường như mọi khi, nghiã là bay vòng vòng trên mục tiêu với cao 2500 bộ, thì hoả tiễn của VC sẽ không tha.

    Đang miên man nghĩ cách bay như thế nào để đối phó với loại vũ khí quái ác nầy, thì điện thoại reo, tôi nhìn đồng hồ thì đã 10 giờ đêm. Tôi vội chạy lên PHQ nhận phi vụ, khi sĩ quan trực báo cho tôi biết đã có phi vụ lệnh. Đúng như tôi đoán trước, phi vụ lệnh cho biết ngày mai hợp đoàn đến sân bay Mộc Hoá trình diện Trung Đoàn 10, Sư Đoàn 7, với tần số, danh hiệu cụ thể vào lúc 7 giờ sáng, … Tôi trở về phòng lấy bản đồ xem điạ thế và tiếp tục nghĩ cách phải bay như thế nào để tránh SA7 đuổi theo sức nóng của trực thăng (tầm nhiệt), cho đến khi tôi thiếp đi từ lúc nào không biết. Đến khi đồng hồ reo, tôi giựt mình thức dậy làm công tác vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cho một ngày không biết sẽ ra sao?

    Đúng 7 giờ sáng, hợp đoàn 9 chiếc trực thăng, gồm: 1 C&C, 5 slicks (chở quân), 3 gunships đã có mặt tại phi trường Mộc Hoá. Chờ khoảng 10 -15 phút, một trung úy đến trao cho tôi tờ công điện, trong đó ghi rõ các chi tiết như: danh tính tiểu đoàn cần trực thăng vận, quân số, tần số, danh hiệu liên lạc, PZ (chỗ bốc quân), LZ (chỗ thả quân), v/v….

    Tôi hỏi:

    - Anh là người đi bay với tôi ngày hôm nay à?

    - Dạ đúng.

    Hỏi cho biết vậy thôi chứ với tình hình này đâu ai muốn đi bay. Tôi tập họp hợp đoàn lại và thuyết trình về việc đổ quân và nhấn mạnh cho họ biết rằng:

    1. Ngày hôm nay tôi không bay vô mục tiêu để thả trái khói đánh dấu bãi đáp như mọi khi. Do đó, tôi sẽ thả trái khói bên ngoài và cho gunship biết mục tiêu cách đó bao xa, hướng mấy giờ, có điểm gì để nhận dạng mục tiêu. Gunship bắn rocket vào chỗ đó và lead slick. Chú ý cho hợp đoàn đáp ngay, và 180 độ out (quay đầu trở ra)

    2. Tất cả hợp đoàn ngày hôm nay bay rất thấp trên ngọn cây 5 đến 10 feet (raze mode). Gunship số 3 bay theo tôi. Lưu ý có khi thì tôi bay 4 đến 5 ngàn bộ rồi xuống 3 ngàn, quẹo phải rồi quẹo trái không có hướng nào nhất định cả. Nghiã là tôi sẽ bay tùm lum lên xuống, quẹo phải quẹo trái bất thường.

    Cuộc hành quân bắt đầu sau khi thuyết trình xong. Khi đổ được 2 chuyến xuống LZ và cũng là lúc tôi quẹo gắt trên 90 độ, máy bay của tôi rung chuyển một cách lạ thường, có cảm tưởng như sắp nổ tung. Tôi bèn cắt ga làm auto từ cao độ khoảng trên 3 ngàn bộ rồi chúi đầu xuống. Trên tần số, tôi nghe Th/Tướng Nguyễn Khoa Nam, TL/SĐ7, gọi.

    - Ác Điểu 33, đây 601.

    - Ác Điểu 33, nghe 601 5/5.

    - Tôi nghe tiểu đoàn trưởng báo cáo C&C bị SA7 bắn rớt. Tình trạng anh như thế nào?

    - Trình 601, hiện tại tôi vẫn còn control được và đang chuẩn bị đáp xuống đồn của Điạ Phương Quân. Check máy bay xong, tôi sẽ báo cho 601 biết sau.

    Kiểm soát toàn bộ không thấy có gì hư hỏng cả, tôi tiếp tục tham dự đổ quân. Khi trở lên vùng Tr/Úy Trần Văn Ri, bay chiếc gunship số 3, cho tôi biết là anh thấy SA7 bắn lên từ ngôi chùa Miên. Anh xin tôi cho vào bắn, nhưng tôi không đồng ý và khuyên anh Ri:

    - Thôi bỏ đi. Nếu anh vô đó, VC bắn thêm vài trái trúng anh thì phiền lắm. Bỏ đi, Ri ơi!

    May mắn, chúng tôi tiếp tục hoàn thành phi vụ trong bình an. Tin Đ/Úy Hồ Tấn Đạt bị SA7 bắn hụt đã loan truyền đến Tân Sơn Nhất. Một hôm TLP/KQ Chuẩn Tướng Võ Xuân Lành xuống Sóc Trăng mời tôi ra phố ăn cơm trưa và hỏi:

    - Nghe nói Đ/Úy có cách tránh được SA7. Anh có thể kể cho tôi nghe, để tôi nói với phòng Quân Huấn viết tài liệu để huấn luyện?

    Tôi trả lời:

    - Thưa Ch/Tướng, tôi có biết cách nào đâu. Chỉ bay lên xuống, quẹo trái quẹo phải tùm lum. May phước là vừa đúng vào lúc tôi quẹo là lúc… SA7 trượt ngang qua.


    1. Chuyện SA7 và Cái Huy Chương:

    Trong thời gian này, mỗi khi có phi tuần A 37 đánh ở đâu họ đều xin PĐ TT cung cấp toán rescue. Sau khi tôi đã đổi về PĐ mới đồn trú tại Cần Thơ, một hôm PĐ 255 được lịnh cung cấp 1 rescue và 2 gunships đến vùng Châu Đốc, Thất Sơn yểm trợ cho PĐ A37 oanh kích. Hôm đó PĐ tôi thiếu người cho nên tôi phải bay chiếc rescue cùng 2 chiếc gun, đến trình diện tại sân bay Chi Lăng nghe thuyết trình.

    Tôi bay vòng vòng trên trời suốt buổi sáng. Các A37 đánh 3, 4 phi tuần nhưng chẳng có việc gì xẩy ra. Đến trưa, tôi đáp trực thăng xuống để ăn. Sau đó, đáng lẽ ra tôi phải lên lại ngay, nhưng nghĩ tình hình yên tĩnh nên tôi định nằm nghỉ một chút. Tôi nói với hợp đoàn nhìn về phiá các A37 đang bay, nếu thấy pilot nhảy dù thì kêu tôi. Tôi vừa giăng cái võng nylon, chưa kịp nằm, thì chiếc TT chở ông Tỉnh Trưởng Châu Đốc bay thấp ngang qua ra hiệu cho tôi quay máy. Đ/Úy Lai cho tôi biết chiếc A37 số 2 vừa mới bi bắn rớt, pilot nhảy dù cần rescue. Tôi nhờ anh Mevo cuốn giùm chiếc võng.

    (Cũng cần nói rõ, máy bay trực thăng khi bay hành quân bắt buộc phải có 4 người gọi là phi hành đoàn: một trưởng phi cơ(captain), 1 hoa tiêu phó (copilot), 1 cơ phi (mevo) hay gọi là cơ khí phi hành, sửa chửa những hư hỏng nhẹ; một xạ thủ (gunner) lo sửa chữa trở ngại của 2 cây súng và 2 bó rocket nếu là gunship.)

    Thế là tôi tăng ga cất cánh bay thấp, thẳng tới mục tiêu và tìm thấy anh thiếu úy phi công. Trong khi tôi đang đáp để đón anh phi công này thì trên tần số chiếc A37 số 1 và L19 đang la lối tìm rescue (trực thăng cấp cứu). Họ đang báo cáo về SĐ4/ KQ là họ không thấy chiếc rescue nào cả. Nghe vậy tôi mới lên tiếng vì tôi đã im lặng vô tuyến ngay từ giờ phút đầu.

    - A37 số 1, tôi đã pick up được số 2 rồi. Số 1 có muốn nói chuyện với số 2 không?

    Tôi bảo anh Mevo cho viên phi công đó đó mượn helmet (mũ sắt) để liên lạc. Trên đường trở về phi trường Chi Lăng, tôi được lệnh chờ ở đó để đón Đ/Tá Của. Khi đến nơi, ông mời PHĐ của tôi gồm 4 người và viên thiếu úy mà tôi vừa mới bốc lên xe đi vào dinh tỉnh trưởng. Ông đã khui chai Remy Martin mời chúng tôi. Trong lúc nói chuyện ông hỏi tôi:

    - Toa bay cách nào mà moa chưa tới vùng thì toa đã bốc được chú này rồi?

    – Bay “cowboy” (như cao bồi) mà Đ/Tá.

    Ông bảo tôi đưa cho ông số quân của mọi người. Ông hứa sẽ ký giấy ban thưởng mỗi người một Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao đồng. Chúng tôi từ giã Đ/Tá Tỉnh Trưởng Châu Đốc vào khoảng 7giờ 30 tối. Trên đường về Cần Thơ, tôi suy nghĩ nếu mà không có chiếc TT của Đ/Tá Tỉnh Trưởng báo tin và tôi vẫn nằm nghỉ trưa thì không biết chuyện gì xảy ra??? Cám ơn trời phật phù hộ.


    2. Phi Vụ Tiếp Cứu PĐ Bạn:

    Thông thường một đơn vị BB bị tổn thất quá nặng thì một đơn vị khác vào tiếp cứu, hay tiếp viện, nhưng trường họp này ít xẩy ra trên các cuộc hành quân trực thăng vận. Đối với trực thăng thì chỉ có tăng phái, nghiã là gởi thêm vài ba phi hành đoàn hành quân chung với phi đoàn tại điạ phương. Một thí dụ, để tăng cường cho chiến dịch đánh qua biên giới Miên của Tr/Tướng Đỗ Cao Trí, phi đoàn 213 tại Đà Nẵng đã gởi 5, 6 PHĐ về nằm tại quận Hiếu Thiện, tỉnh Tây Ninh để hành quân chung với SĐ3/ KQ.

    Trường hợp mà tôi đề cập sau đây có phần khác.

    Cũng tại Sóc Trăng, hợp đoàn 9 chiếc thuộc PĐ 225 hành quân ở Cao Lãnh do tôi bay C&C, trong khi PĐ 227 gồm hợp đoàn 9 chiếc hành quân ở Vị Thanh do Đ/úy Nguyễn Chính Tâm bay C&C. Khoảng hơn 10 giờ trưa khi chúng tôi đang hành quân thì trên tần số tôi được lịnh đưa hợp đoàn về sân bay Vị Thanh trình diện trung đoàn 31 SĐ/21 BB. Tôi hơi thắc mắc, vì tôi biết ở đó có PĐ 227 đang hành quân mà... Cũng gần tới giờ cơm nên tôi bảo hợp đoàn nằm lại Cao Lãnh chờ máy bay đem cơm đến, ăn cơm xong rồi về Vị Thanh gặp tôi.

    Đáp tại phi trường Vị Thanh, tôi gặp ngay Đ/Tá Biết, Tr/ Đoàn Trưởng 31/SĐ 21BB. Với vẻ mặt rất là lo âu, ông nói:

    - Rất nguy hiểm, Đạt ơi! Mới đổ quân chuyến đầu mà bị bắn rớt và bất khiển dụng hết 6 chiếc trực thăng. Hiện tại Đường đang bị bao vây. Bây giờ phải thả thêm Thành. Có thể phải cho Bình vào luôn.

    Tôi nghe Th/Tá Đường, tiểu đoàn trưởng của Tr/Đ31 thì đúng, nhưng 2 TĐT kia là Th/Tá Nguyễn Hồng Thành và Th/ Tá Nguyễn Công Bình, cùng K21 với tôi thuộc Tr/ Đoàn 33. Nhưng tại sao hôm nay Đ/Tá Biết của 31 lại chỉ huy đổ quân?

    Tôi thắc mắc nhưng không hỏi, mà chỉ trình bày với Đ/Tá Biết rằng:

    - Khi hợp đoàn của tôi tới, xin Đ/Tá đừng tỏ vẻ căng thẳng. Xin mời C&C của Hợp Đoàn 227 tới cùng họp. Tôi cần biết hướng bay và vị trí mà quân bạn bị bắn. Đề nghị cho tôi xử dụng 2 chiếc gun và slick còn tốt. Nghiã là tôi có tất cả 6 chiếc chở quân (slick) và 4 chiếc gunships. 2 chiếc gun yểm trợ 6 slicks bay theo đội hình (formation) 2 tam giác nối đuôi nhau. Tất cả bay thật thấp. Khi gần đến quân bạn, tôi sẽ thả trái khói và 180 độ out. Hai gun còn lại bay theo tôi.

    Sau khi thuyết trình xong, chúng tôi bắt đầu đổ Tiểu Đoàn 3 của Th/Tá Thành. Tôi bay ở cao độ 3 ngàn 500 bộ cùng với 2 chiếc gun và tôi chỉ mục tiêu có thể tác xạ. Hợp đoàn slick vô tới vùng là lúc tôi và 2 gun từ trên cao chúi xuống, trong khi 2 gun với khẩu minigun 6 nòng tác xạ tối đa vào mục tiêu đã định. Với mục đích để cho VC chú ý chúng tôi mà không tấn công slick. Khi slick ra khỏi vùng thì chúng tôi lại lên cao. Đ/Tá Biết ngồi phiá sau chồm tới và bảo tôi,

    - Chú mày xuống như vậy sẽ bị bắn rớt đó.

    Tôi trả lời:

    - Nếu Đ/Tá không muốn tôi bay như vậy thì tôi không tiếp tục đổ quân, vì sẽ không an toàn cho mấy chiếc slick. Hơn nữa, nếu có rớt thì chạy theo thằng Đường. Cứ như thế, slick vô thì tôi xuống, slick ra thì tôi lên cao cho đến khi tôi đổ hết Tiểu Đoàn 3 và tiếp tế đạn cho Th/T Đường.

    Đổ quân xong thì trời cũng đã nhá nhem tối. Đ/Tá Biết muốn tôi đổ tiếp Tiểu Đoàn 1 của Th/Tá Bình đang nằm gần thị xã Vị Thanh. Tôi từ chối vì trời tối đổ quân rất nguy hiểm, nên để ngày mai đổ quân tiếp. Ông đồng ý.

    Trên đường trở về phi trường Vị Thanh, tôi nghe ông gọi cho Th/Tá Lang vô hậu cứ lấy cây CKC đem ra sân bay cho ông. Khi tôi đáp, ông lấy cây súng đó tặng tôi.

    Vài hôm sau vào một buổi chiều khi đi bay về. Khi tôi vừa vô phi đoàn, sĩ quan trực cho biết:

    - Th/Tá Rết 227 mời 33 qua đó trình diện.

    Về cất đồ, đi qua PĐ 227 thì tôi thấy nào là thịt nướng, bia rượu đầy đủ, trong khi các nhân viên rất vui vẻ. Th/Tá Trần Châu Rết, Phi Đoàn Trưởng, tuyên bố:

    - Hôm nay, chúng ta có một buổi tiệc vui là để mừng cho cuộc hành quân ngày hôm trước. Tuy có tổn thất nhưng không có thiệt hại về nhân mạng. Cũng để chúc mừng Ác Điểu 33 của PĐ 225 đã thành công trong phi vụ vừa rồi.


    3. Xử Trí và Chỉ Huy:

    Đầu năm 73, tôi lại bị thuyên chuyển về Bình Thuỷ, Cần Thơ thành lập phi đoàn mới PĐ 255, do Th/Tá Nguyển Kim Huờn làm PĐT. Cũng giống các PĐ tân lập trước đây, một số hoa tiêu do các PĐ khác cung cấp.

    Một hôm tôi đang chơi bida tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan tại căn cứ Sóc Trăng. Th/Tá Huờn đến hỏi và bảo tôi về Cần Thơ làm Trưởng Phòng Hành Quân (TPHQ) cho ông. Nghe đi làm TPHQ phi đoàn mới thì ớn quá vì tôi đã quá cực với PĐ 225 rồi. Ở đây mọi việc đã đâu vào đó. Bây giờ về với ông tôi phải làm lại từ đầu, cho nên tôi đã từ chối.

    Th/Tá Rết đã phân tích cho tôi sự khác nhau giữa hai chức vụ PĐP và TPHQ. Nếu cho tôi làm PĐP thì tôi sẽ không làm việc đúng mức như là TPHQ. Ngoài ra tôi cũng được Th/Tá Châu và Th/Tá Hồ Vọng Đông phân tích ưu khuyết điểm của từng công việc, lợi và hại khi về làm việc tại Cần Thơ. Th/ Tá Đông, vốn là PĐP/ PĐ225 trước đó, đã về làm ở BTL/KQ thuộc khối Đặc Trách Trực Thăng.

    Cuối cùng tôi đồng ý về Cần Thơ. Chắc có lẽ vì vậy mà tôi gặp được bà xã tôi bây giờ, vốn là em vợ của Th/Tá Huờn. Chúng tôi làm đám cưới tháng 12/ 74.

    Một hôm PĐT, đi họp bên sư đoàn về, gọi tôi lên văn phòng cho biết là phi đoàn phải đưa một trưởng phi cơ ra Đà Nẵng thay cho 1 trưởng phi cơ được thuyên chuyển về phi đoàn. Khi được lịnh nầy, tôi rất bối rối vì phi đoàn mới thành lập chưa có thời gian để huấn luyện thì lấy đâu ra trưởng phi cơ mà đưa đi. Coi lại hồ sơ, tôi thấy có Đ/Úy Quốc mà tôi đã đưa xuống phi đạo làm” test pilot” và Đ/Uý Hòa là trưởng phi cơ. Tôi đã tập họp phi đoàn lại tổ chức một buổi bắt thăm, rồi làm văn thư thuyên chuyển Đ/Úy Hòa ra Đà Nẵng.

    Phi đoàn trưởng liền kêu tôi và nói:

    - Mầy đưa nó đi là có chuyện đó. Nó là em vợ của Tướng Nguyễn Hữu Hạnh ở Cần Thơ mà Đ/Tá Ông Lợi Hồng, TLP/ SĐ4 của mình, quen nhau rất thân. Không được đâu.

    Tôi trả lời:

    - Anh cứ thuyên chuyển. Nếu bị trở ngại thì tôi sẽ trả lời.

    Độ vài tháng, sau khi Đ/úy Hòa ra Đà Nẳng, PĐT tôi nói:

    - Đó mày thấy chưa? Bây giờ ông kêu cho người khác, đưa thằng Hoà về.

    - Vậy thì anh đưa tôi lên gặp ông, tôi sẽ trình bày sự việc. Có gì đâu.

    Thế là anh Huờn và tôi lên văn phòng TLP. Anh vô trước tôi đứng ngoài chờ. Một lúc sau anh Huờn ra kêu tôi vào.

    - Đ/Úy Hồ Tấn Đạt trình diện Đ/Tá.

    Ông hỏi:

    - Chú là người đưa Đ/Úy Hoà ra Đà Nẵng đó hả?

    Tôi đã trình bày rất nhiều lý do là tại sao tôi phải làm như vậy, nhưng ông nhất định kêu tôi cho người khác thay thế.

    Đứng trước tình trạng này tôi rất bối rối, nhưng thoáng một cái trong chớp mắt tôi nghĩ ra lý do nên đã mạnh dạn trình bày:

    - Thưa Đ/Tá, tôi không tự động đưa Đ/Úy Hoà mà do anh ta bốc thăm trúng chữ “đi”, trước mặt các phi công của PĐ. Bây giờ Đ/Tá bảo tôi đưa người khác thế thì làm sao tôi còn tư cách để chỉ huy PĐ, kể cả chỉ huy những đơn vị khác sau này. Thôi thì Đ/Tá cho tôi ra Đà Nẵng thay cho anh Hoà về.

    Ông nhìn 2 chúng tôi cau mày suy nghĩ:

    - Thôi 2 chú về đi.

    Chúng tôi đứng lên chào tay rời văn phòng TLP/SĐ4/ KQ trở về Bình Thuỷ mà lòng thì không yên. Vài ngày sau, tôi nghe tin PĐ217 của Th/Tá Nguyễn Văn Vọng (K16) cho người thay thế anh Hoà. Tôi thở phào nhẹ nhõm.


    http://www.tvbqgvn.org/dahieu/noidungdahieu111/dahieu%2011103.pdf

  • #2
    Đọc bài viết của HT Đạt thấy đã thiệt, mà sao cuối bài thấy có vẻ không mấy ai muốn ra Đà nẵng hết là sao dzậy? ra đó được để râu thoải mái, nhãy đầm mệt nghĩ.Bây giờ đọc xong mới nghỉ lại thấy ớn , lúc trẻ tôi đúng là ": Điếc không sợ súng !!", gốc là quân y bên bộ binh ,mà ông anh và bạn bè bên KQ dân trực thăng ,cho nên khoái theo trực thăng từ đổ diều hâu PĐ 253 ở Quế Sơn ,tản thương đêm của PĐ 257...tiếp tế ,đổ quân ,săn nai...cái gì cũng theo ,riết ông anh cự " Đ.M lở mày chết trên trực thăng thì tao làm sao báo cáo..??"cứ về phép hay nghĩ dưởng quân là dzọt vào nằm trong khu Main Compound ( cư xá sỉ quan độc thân ) trong phi trường ,chờ có phi vụ là thay đồ đi theo ,nếu không thì tà tà xuống CLB Thiên Hương của anh Tạ nhất Chí ngay dưới chân cầu thang ăn sáng cà phê..,riết rồi cô thâu ngân xinh đẹp ( em gái anh Chí ) thắc mắc là sao có 1 ông pilot lè phè cứ cà phê nghe nhạc suốt !!?. Tôi làm tháp tùng tử như vậy từ PĐ 233 của Th/tá Chính ,qua 253, và 257 cho tới ngày sập tiệm. Đại ca Phước răng vàng( Đại tá K.Đ Trưỡng 51 ) không biết tôi là pilot dzõm ,năm 91 qua theo diện H07 ,tôi có đến thăm đại ca Phước ở vùng POMONA ,gặp lại ông mừng lắm ,cứ hỏi thăm đủ chuyện ,nhất là về cô ca sỉ Kim Vui năm xưa ( hình như ông khoái cô bé này lắm??) vì lúc ông vừa thăng Đại tá là ông đãi chầu ăn khao lon cho Kim Vui và tôi ngoài phố liền. Đám chúng tôi ngày đó ngoài Đà nẵng thân thiết nhất gồm có : Đ/úy Dương đình Long tự Long Dê ,Đổ xuân Thắng tự lùn mả tữ ,Huỳnh sanh Đức tự Đức mắm( nhà bán mắm chợ Bà Chiểu ), Huỳnh phi Hùng tự Hùng bò ,Phát tàu ,Luật cọp la de ,Tuấn râu( ông anh tôi và tôi. Bây giờ thì anh Long dê , anh Thắng lùn và anh Dức mắm đã bỏ cuộc vui.
    Không biết thời gian mấy năm làm tháp tùng tử của tôi có được xem là " Phục vụ trong quân chủng Không quân " hay không dzậy??

    Comment


    • #3
      Trực thăng vùng IV, dưới thời cố Thiếu tướng Nguyễn huy Ánh (sư đoàn trưởng), anh em trực thăng đi bay năm (5) ngày, nghỉ ba(3) ngày...được phi cơ đưa về Saigon thăm gia đình ...thì ai còn muốn đi đâu xa nữa ? Vì thế anh em trực thăng vùng IV, từ quan đến lính, ai cũng "thủ cẳng", vì nếu có lỗi thì "dễ dàng" bị đổi đi nơi khác. Trường hợp Đại úy Hòa thì khác . Làm chức lớn cũng có cái "khổ" của mình, làm hoa tiêu "nhí' như tôi thì "khỏe re như bò kéo xe" ngày hai buổi , vác túi bay thì hành phi vụ .

      Comment


      • #4
        Sorry ,anh Long dê là Dương tấn Long,Đại úy PĐ 257 tải thương đêm của SĐ 1 KQ Đà Nẵng ,còn Dương đình Long là " Long ruồi " Tr/úy pilot của PĐ 259B ,tải thương đêm SĐ 2 KQ ở Pleyku.Cả 2 Long này DQY đều quen và cả 2 đã bỏ cuộc vui hết rồi !!!. Nhưng DQY thân và có rất nhiều kỹ niệm với anh Long dê ,đại úy sữa vì mặt trắng trẻo thư sinh như học trò ,đi ngoài phố bị QC chận hỏi giấy tờ vì nghi mang lon giả .Tuy nhiên rất hào hùng, mỗi khi bay vào vùng bốc thương binh ban đêm, dù vùng này rất hot ,anh cũng nhào xuống bốc và để cho đàn em bay cover ở trên ,anh nói tụi nó là em út, để tụi nó dưỡng giò cẵng lấy kinh nghiệm ,trong một phi vụ đêm năm 74 vùng Nông Truồi ,chiến sự dử dội ,thương binh và tử sỉ quá nhiều ,anh Long Dê nhận lệnh vào bốc ,liên lạc dưới đất xong và xác định bãi bốc thương binh ,anh nhào xuống nhưng vẫn giữ RPM cao ,chợt thấy chớp sáng lòa trước mũi trực thăng và đạn lửa phủ kín tàu ,nghe tiếng đạn đập vào thân tàu lộp bộp ,check lights rực đỏ anh dzọt luôn ráng kéo tàu về tới Phú Bài ,trên 20 vết thẹo và thấy DQY tháp tùng tử mà mặt tỉnh queo ,anh Long hỏi bộ mày không sợ hả? Có biết cái khỉ gì mà sợ !!sau đó mới biết đáp lộn vào bãi của VC ,đám vịt con lượm được PRC 25 khi oánh nhau, bây giờ chen vào tần số liên lạc dụ trực thăng vào để mần thịt ,hèn chi bãi đáp khi liên lạc thấy hơi lạ ,nằm trên triền đồi mà quay mặt vào trong núi ,từ ngoài vào khó thấy ,lúc xin đốt đèn ( trái sáng ) nó cho có 1 đèn thôi.tối thui tối mò mà Long Dê cũng nhào xuống ,hay thiệt may mà còn mạng mà dzìa du hí phố Huế.

        Comment


        • #5
          Đi không ai tìm xác rơi...

          Ít lâu trước khi qua đời, cố Trung tướng Trần Văn Minh, vị Tư lệnh sau cùng của KQVN, cũng là vị tư lệnh tại chức lâu nhất, đã viết trong bài Sự thật đời tôi:

          ...Có tham nhũng trên thị trường, trên chính trường và trong một vài đơn vị quân đội. Nhưng dứt khoát không có tham nhũng trong Không Quân. Những người lính KQ tin vào Tổ Quốc Không Gian, và họ tin cậy cấp chỉ huy. Không có chuyện tham những nơi các sĩ quan quanh tôi....


          Nhưng theo suy nghĩ và nhận xét của cá nhân tôi, Không Quân không tham nhũng (ít nhất cũng là trong ngành phi hành) nhưng có phe đảng. Đây là một điều khẳng định, vừa được tái khẳng định qua đoạn cuối trong bài Phục vụ trong quân chủng không quân của anh Hồ Tấn Đạt:

          - Mầy đưa nó đi là có chuyện đó. Nó là em vợ của Tướng Nguyễn Hữu Hạnh ở Cần Thơ mà Đ/Tá Ông Lợi Hồng, TLP/ SĐ4 của mình, quen nhau rất thân. Không được đâu. (lời anh Nguyễn Kim Hườn nói với anh Đạt)

          Bản thân là một sĩ quan phục vụ trong ngành tham mưu, một người thân cận của vị Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân, cho nên tuy cấp bậc nhỏ, tôi cũng dư biết trong Không Quân có phe đảng. Sở dĩ từ khi ra hải ngoại (1981) tới nay, tôi chưa bao giờ nhắc tới việc không hay này là vì tôi nghe lời khuyên của cố Trung tướng Trần Văn Minh (khuyên chung mọi người):

          Trong cuộc sống tha hương, hãy đoàn kết, gần gũi nhau; đừng nhắc lại những chuyện buồn lòng ngày trước, chẳng ích gì!

          Nhưng nay, vì anh Hồ Tấn Đạt viết ra vụ Đại úy Hòa từ Cần Thơ bị thuyên chuyển ra Đà Nẵng (một cách quang minh chính đại) nhưng nhờ là em vợ của tướng Bộ Binh Nguyễn Hữu Hạnh, một người quen thân của Đại tá KQ Ông Lợi Hồng, chỉ vài tháng sau đã có người ra thay thế để trở về Cần Thơ, tôi xin được trình bày chút tâm tư của mình.

          Đọc những gì anh Đạt viết, tôi chợt nhớ tới một hoa tiêu trực thăng khác: Trung úy Trịnh Minh Nhựt, Phi Đoàn 221, SĐ3KQ, hy sinh trên vùng trời Tánh Linh năm 1973 (khi ấy tôi đã rời Pleiku về Biên Hòa).

          Trịnh Minh Nhựt là con trai của cố Trung tướng Trịnh Minh Thế. Lẽ ra con trai của một vị Trung tướng phải có “thế” hơn em vợ của một ông Chuẩn tướng, nhưng kẹt vì trước cấp bậc Trung tướng lại có chữ “cố”, cho nên mới thua kém.

          Nhưng điều đáng phục nhất nơi Trịnh Minh Nhựt tôi muốn viết ra đây là cho dù có “thế”, cho dù các cấp chỉ huy muốn dành cho anh những ưu đãi, bản thân anh đã khước từ: anh muốn sống, chiến đấu, và chết (nếu mình tới số) như bất cứ đồng đội nào khác.

          Cũng là một điều may khi tình trạng “phe đảng” trong ngành phi hành của quân chủng Không Quân tương đối không đến nỗi phổ biến và trầm trọng. Bởi nếu “người người phe đảng, nhà nhà phe đảng” thì lấy đâu ra nhân viên phi hành để đưa tới phục vụ tại các đơn vị tác chiến xa xôi, nhiều hiểm nguy ở Đà Nẵng, Pleiku, Phù Cát...

          Càng may hơn nữa, khi đa số tráng sĩ thời đại đã chọn Tổ Quốc - Không Gian làm lý tưởng, dù tình nguyện hay bốc thăm tới các đơn vị ấy, đều xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

          Tôi không bao giờ quên được cảm xúc phấn chấn thoáng chút “ớn lạnh” trước cảnh các hoa tiêu khu trục PĐ-530 Thái Dương (KĐ72CT, SĐ6KQ) tay cầm ly rượu tay bá vai nhau hát bản Không Quân Việt Nam Hành Khúc trong dịp kỷ niệm thành lập phi đoàn hay những buổi khao quân...

          Đi không ai tìm xác rơi...

          Trong số người hát ấy, Dương Huỳnh Kỳ bạn tôi đã không bao giờ tìm thấy xác.

          Nguyễn Hữu Thiện


          Last edited by Nguyen Huu Thien; 12-26-2017, 03:23 PM.

          Comment


          • #6
            Xin góp ý với bạn Thiên về vấn đề "phe đảng"  . Có lẽ đó là "truyền thống" của ông bà mình để lại? Người xưa có câu :  " Một người làm quan, cả họ được nhờ". vấn đề "phe đảng",  " gởi gắm" trong quân đội thì lúc nào cũng xảy ra . Cha mẹ ai mà không muốn con cháu mình được làm việc nơi an toàn, phải không bạn? Theo tôi biết, nhân viên phi hành trong quân chủng Không quân được quyền xin hoán chuyển đơn vị mới sau hai (2) năm phục vụ tai đơn vị cũ, tôi cho đó là đúng, và bình đẳng (fair) trong quân chủng.

            Comment


            • #7
              ...Có lẽ đó là "truyền thống" của ông bà mình để lại? Người xưa có câu: "Một người làm quan, cả họ được nhờ", vấn đề "phe đảng", “gởi gắm" trong quân đội thì lúc nào cũng xảy ra...
              * * *
              Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn ninhkieu về “truyền thống” nói trên. Tôi đề cập tới chuyện “phe đảng” chỉ để bày tỏ lòng cảm phục sự công minh của anh Hồ Tấn Đạt chứ không có ý nói xấu quân chủng của mình. Gia tộc tôi có khá nhiều “quan lớn” ở các quân binh chủng khác, thuộc nhiều ngành nghề chuyên môn, cho nên tôi có thể viết: so sánh với một số quân binh chủng bạn, Không Quân có một quy tắc công bằng, minh bạch nhất về việc thuyên chuyển đơn vị phục vụ:

              Tất cả quân nhân các cấp, sau thời hạn phục vụ tối thiểu tại một đơn vị (2 năm cho ngành phi hành, 4 năm cho ngành không phi hành), được quyền xin thuyển chuyển tới một đơn vị khác (trừ CCKQ Pleiku, và sau này thêm CCKQ Phù Cát, không phi hành cũng chỉ cần 2 năm).

              Dĩ nhiên, người ta chỉ xin thuyển chuyển từ một đơn vị xa xôi, nguy hiểm, hắc ám tới một đơn vị gần phố xá, an toàn, phè cánh nhạn hơn, chẳng hạn từ Pleiku, Phù Cát về Sài Gòn, Biên Hòa, Cần Thơ..., chứ chẳng có ai ở Sài Gòn, Biên Hòa, Cần Thơ lại làm đơn xin thuyên chuyển ra Pleiku, Phù Cát cả.

              Thế nhưng một khi có người “về”, bắt buộc phải có kẻ “đi” (để tới trám chỗ), “vấn đề” chính là ở chỗ ai sẽ đi. Theo luật lệ trong quân đội, thượng cấp có toàn quyền chỉ định người “đi” (riêng trong KQ với điều kiện phải có cùng chỉ số).

              Ở đây, anh Hồ Tấn Đạt “đã tập họp phi đoàn lại tổ chức một buổi bắt thăm, rồi làm văn thư thuyên chuyển Đ/Úy Hòa ra Đà Nẵng” thì phải nói là công bằng tuyệt đối. Vậy mà sau đó đã phải lên trình diện vị Đại tá Sư đoàn phó SĐ4KQ.

              - Thưa Đ/Tá, tôi không tự động đưa Đ/Úy Hoà mà do anh ta bốc thăm trúng chữ “đi”, trước mặt các phi công của PĐ. Bây giờ Đ/Tá bảo tôi đưa người khác thế thì làm sao tôi còn tư cách để chỉ huy PĐ, kể cả chỉ huy những đơn vị khác sau này. Thôi thì Đ/Tá cho tôi ra Đà Nẵng thay cho anh Hoà về.

              Không hiểu sau khi “cương” câu này, anh Đạt có “teo” hay không, nhưng dù anh có “teo” vẫn đáng để tôi ngưỡng phục.

              * * *
              Xét cho cùng, việc một Đại úy hoa tiêu trực thăng em vợ của một ông tướng bộ binh “bạn thân của một Đại tá KQ” được ở Cần Thơ “muôn năm” cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ở đây tôi chỉ muốn nói tới cách xử trí của các cấp chỉ huy. Muốn giữ một nhân viên "gà nhà", hoặc có “cốt lớn” thì tốt hơn hết tìm cách ba-rê trước, không để nhân viên ấy bị đổi đi (chẳng hạn “vì nhu cầu công vụ đặc biệt”, sếp lớn muốn nói gì mà chẳng được!), chứ đừng để bị đổi đi rồi mới tìm cách đưa về, như trong trường hợp Đại úy Hòa, sẽ gây xôn xao bất mãn nhiều hơn, sẽ có nhiều người biết hơn...

              Đôi hàng phân trần để bạn ninhkieu hiểu: tôi chỉ muốn “ca” anh Hồ Tấn Đạt chứ không nói xấu quân chủng của mình.
              Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-03-2018, 08:09 AM.

              Comment



              Hội Quán Phi Dũng ©
              Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




              website hit counter

              Working...
              X