Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nắng Chiều và Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn

Collapse
X

Nắng Chiều và Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nắng Chiều và Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn

    Nắng Chiều và Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn


    Đỗ Bình


    Những giai điệu ngọt ngào, những lời ca tha thiết hợp với chất giọng làm say đắm lòng người. Những ca khúc quen thuộc khơi dậy kỷ niệm như khúc phim cũ vọng từ ký ức đưa ta trở về quá khứ kéo thời gian và không gian lùi lại. Viết về một người đã khuất rất khó, người đó còn nổi tiếng có những nhạc phẩm vang bóng một thời lại càng khó hơn!

    Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn lấy tên thật làm bút hiệu, ông sinh 01 tháng 5 năm 1926 tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bắt đầu viết nhạc từ năm 1946, những tác phẩm đầu đời: Đừng Quên Nhau, Trăng Lại Sáng, Thuyền Lãng Tử, Lời Việt Nữ, Ngày Mai Trời Lại Sáng, Nắng Chiều.. v.v… Ông có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ nên tự học nhạc, sau đó xin học hàm thụ tại một trường dạy âm nhạc tại Pháp. Ông là hội viên của Nhạc Sĩ Pháp (S.A.C.E.M), từng dạy âm nhạc tại trường học Nguyễn Duy Hiệu. Nhờ thông minh và giỏi ngoại ngữ, lại biết phương pháp quản trị nên vào năm 1965 ông được nhiệm điều hành một số Công ty thương mại ngoại quốc của Pháp và Mỹ tại Đà Nẵng, Công ty Mekong của VN ở Khánh Hội. Năm 1970 ông lập gia đình. Sau biến cố 1975 ông mở lớp nhạc tại tư gia và làm đàn để sinh sống. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác nhạc vì nghệ thuật không sáng tác vì thương mại, ngay những lúc còn cơ hàn ông cũng không chạy theo theo phong trào nhạc thời trang để sáng tác bản nhạc. Dù bận rộn công việc làm ảnh hưởng đến sáng tác nhưng nhạc sĩ vẫn mê viết nhạc nên đã hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết chung ca khúc Lá Rơi Bên Thềm. Đây là một chuyển hướng trong sáng tác của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Ca khúc Lá Rơi Bên Thềm rất hay giai điệu lạ. nhưng mùa thu của Lê Trọng Nguyễn là mùa thu xứ Quảng, thu Đà Lạt và thu Sài Gòn, còn mùa thu của Nguyễn Hiền là mùa thu xứ Bắc, mùa thu Hà Nội. Ngày đó nhạc sĩ Nguyễn Hiền rất nổi danh qua những ca khúc Gởi Người Em Nhỏ viết 1945 phổ thơ Thiệu Giang, ca khúc Tìm Đâu 1961, ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân 1962 phổ thơ Kim Tuấn, ca khúc Mái Tóc Dạ Hương phổ thơ Đinh Hùng… Từng đảm nhiệm Chủ sự phòng Chương trình Đài Phát thanh Sài Gòn, Phụ tá giám đốc Đài Truyền Hình VN. Trong khi nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn viết nhiều ca khúc hay và giá trị nhưng ít phổ biến, nhất là ông không sống trong giới âm nhạc vì phải đảm nhiệm các công ty thương mại, do đó công chúng thuộc bài Nắng Chiều nhưng quên tên tác giả! Thuở đó một số người trong công chúng còn lầm giữa nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên tác giả ca khúc tiền chiến Trăng Mờ Bên Suối, ca khúc được phát thanh hàng tuần trên các Đài phát thanh Sài Gòn và Quân Đội trong những chương trình nhạc chủ đề, nhạc thính phòng…Từ năm 1965 dòng nhạc Boléro được nhiều nhạc sĩ tài danh của Miền Nam viết nên đã đưa dòng nhạc này lên đến đỉnh cao kéo dài cho đến 30 tháng tư năm 1975 mới bị chính quyền CS nghiêm cấm và mới được hồi sinh rực rỡ vài năm gần đây. Ca khúc Nắng Chiều điệu Boléro năm xưa vẫn có một chỗ đứng riêng trong lòng công chúng mãi đến nay.

    Người ta bảo “Thơ là Người“, nhưng đôi khi tác phẩm và tác giả có khác nhau, nhưng tác giả vẫn phải sống thật với chính mình mới có cảm xúc thật để có được tác phẩm hay. Lê Trọng Nguyễn là nhạc sĩ có tài, tâm hồn đầy lãng mạn nhưng cuộc sống của ông lại ngăn nắp cần cù chí thú làm ăn xa cách thế giới thăng trầm của nghệ sĩ!

    Những cái hay cái đẹp về con người và tác phẩm của ông đã có nhiều người viết làm tôi chẳng biết viết gì thêm ! Ở Paris trong giới văn nghệ sĩ có nhiều người quen biết anh chị Lê Trọng Nguyễn từ lâu, nay có người còn kẻ mất, tôi đã liên lạc muốn các vị đó thay mặt các bạn viết những cảm tưởng về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn nhưng tuổi đời của họ quá cao nên ngại cầm bút ! Tôi xin có đôi dòng cảm nghĩ về nhạc Lê Trọng Nguyễn:

    Vào mùa Thu, ngày 23 tháng 10 năm 2005 chị Nguyễn Thị Nga có sang Paris và muốn thăm một số bạn văn nghệ quen biết với người bạn đời của chị là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Tình yêu của chị đối với chồng thật là son sắt làm chúng tôi cảm động. Do đó CLB Văn Hóa VN Paris đã tổ chức một buổi vinh danh nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, ra mắt 2 tác phẩm : Tuyển Tâp Nhạc Lê Trọng Nguyễn và CD “Lá Rơi Bên Thềm“. Hôm đó quy tụ nhiều khuôn mặt nổi tiếng trong giới văn học nghệ thuật: Nhạc sĩ Xuân Lôi, Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, Nhạc sĩ Trịnh Hưng, Nhạc sĩ Phạm Đình Liên, Nhạc sĩ, Nhạc sĩ Minh Nhật, Thi sĩ Phương Du, Thi sĩ Kim Thành Xuân, Thi sĩ Quyện Tâm…Nhà thơ nữ Như Ninh, Nghệ sĩ Bích Thuận, Nghệ sĩ, Nghệ sĩ Thúy Hằng, nghệ sĩ Thy Như, nghệ sĩ Minh Cầm, Nhiếp ảnh gia Hùynh Tâm, Nhiếp ảnh gia người Pháp Bernard, Lan Phương, Đỗ Bình. v.v... Hôm đó rất nhiều người lên phát biểu cảm tưởng và tâm tình. Có người trình bày những ca khúc của Lê Trọng Nguyễn, có người làm thơ tặng. Thi sĩ Phương Du, BS Nguyễn Bá Hậu sau khi nghe hát bài Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn đã lên nhận xét về ca khúc. BS Nguyễn Bá Hậu tác giả nhiều thi tập, tuổi đời cao hơn nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và cũng là một nhạc sĩ chuyên viết Thánh Ca. BS Nguyễn Bá Hậu phát biểu :“Không phải ca từ trong Nắng Chiều tất cả đều hoàn hảo, lời lẽ sau đây trong ca khúc chưa được hoa mỹ: giọng hát câu hò thôi hết đưa , hình dáng yêu kiều kề hoa tím biết đâu mà tìm…nhưng những câu khác thì thật rung cảm. Từ cái đẹp trong ca khúc đã gợi cho tôi có cảm hứng đồng thanh đồng tình với tác giả làm bài thơ để họa ý nhạc lời ca “ :

    «Lạnh lùng trong nắng lưa thưa.
    Tới nơi thôn cũ chân đưa không hồn.
    Nhớ em màu má tươi hồng.
    Tóc thề vương nhẹ dáng trông gầy gầy.
    Long lanh cặp mắt thơ ngây.
    Qua sân chạnh nhớ phút giây em thề.
    Tim anh hầu quá tái tê.
    Duyên em chẳng biết ghé về nơi đâu.
    Nay thời lá úa nương dâu.
    Giọng hò điệu hát đưa sầu chia phôi.
    Mây chiều lướt thướt vương đồi.
    Nắng chiều nhạt chiếu ngừng trôi gợi buồn.»
    ( Phương Du)


    Có thể nói từ trước đến nay thông thường người ta phổ thơ thành nhạc, đây là lần đầu tiên Nhạc được họa từ Thơ, bài thơ rất hay lấy từ ý nhạc và lời ca. Thi sĩ Phương Du phải yêu bài ca lắm chất nhạc mới thẩm thấu vào tâm hồn bằng âm thanh mà cảm được cái vô hình chuyển thành hữu hình thành con chữ tỏa hồn trên mặt giấy. Về nghệ thuật nhạc sĩ chú trọng nhiều đến giai điệu cốt cho âm thanh véo von trầm bổng, còn thi sĩ thì chú trọng về vần điệu, ngôn ngữ mạch lạc giản dị v.v…

    Nhạc sĩ có thể ngắt danh từ kép lướt thướt thành hai nhịp như: mây lướt // thướt trôi // nhưng thi sĩ thì không viết như thế được : mây chiều // lướt thướt // vương đồi...

    Hôm đó Chị Nguyễn Thị Nga xúc động mắt rưng lệ vì vui, làm sao mà không vui khi gặp lại một số nghệ sĩ đã từng có những tác phẩm vang bóng một thời. Thơ là tiếng lòng, chẳng có lời phát biểu nào hơn là chị đọc một bài thơ của mình mới làm để tưởng nhớ những năm tháng cùng chồng trải qua bao ngọt bùi gian khổ mà tâm hồn vẫn đẹp. Trong số người có mặt hôm ấy có nhiều người bạn thời con gái, có người là bạn đồng nghiệp của chị. Đó là kỷ niệm đẹp, một món quà tinh thần đầy tình nghĩa mà anh chị em Paris tặng chị mang theo khi trở về Mỹ.

    Mang một tâm hồn đa cảm, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác không nhiều, “cầu tinh bất cầu đa,“ nhưng lại có một số ca khúc hay và giá trị, mỗi nhạc phẩm mang một nét riêng, độc đáo. Cấu trúc, giai điệu và ca từ đều chăm sóc chọn lựa từng hình nốt, cung bậc. Nhạc phẩm Nắng Chiều đưa tên tuổi Lê Trọng Nguyễn ra khỏi đất nước hòa chung dòng nhạc các nước để giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt Nam với thế giới. Nắng Chiều cung Sol trưởng có chút âm hưởng dân ca Nhật, chất Á Đông trầm lắng được phối với thể điệu Rumba Boléro của vùng trời xa xăm Nam Mỹ. Chất nhạc lãng mạn trữ tình mềm mại réo rắc buồn man mác làm lâng lâng người nghe. Vào đầu thập niên 50 điệu nhạc Rumba Boléro mới du nhập vào nước ta rất ít nhạc sĩ sáng tác thể điệu này. Những ca khúc Bolero, Rumba được phổ biến ở các phòng trà Hà Nội như ca khúc Trăng Sơn Cước của nhạc sĩ Văn Phụng, Cô Hàng Nước của nhạc sĩ Vũ Huyến, Gió Mùa Xuân Tới của Hoàng Trọng, Hoa Soan Bên Thềm Cũ của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Làn điệu Rumba vui tươi lãng mạn, chưa buồn bã da diết như dòng Boléro sau này trong thời chiến.

    Về ca khúc Nắng Chiều tôi được GS, Học giả Võ Thu Tịnh kể cho tôi và GS Nguyễn Thùy nghe tại nhà ông, anh Nguyễn Thùy quê quán Quảng Nam, là nhà nghiên cứu văn học, tác giả trên 20 bộ sách, hiện còn sống và đang ở Marseille, tôi xin thuật lại:“ GS Võ Thu Tịnh, tác giả nhiều bộ sách viết về văn hóa VN, ông Sanh ngày: 2 07 1920, tại làng Long Phước, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cử nhân giáo khoa Việt Hán, tốt nghiệp khoa chính trị Đại học Indiana, Hoa Kỳ. Nguyên Giám Đốc Thông tin Trung phần (Huế 1955-56), rồi Nam phần (Sài Gòn 1955- 1961). Trong thời gian ấy, làm trưởng phái đoàn Báo chí Cộng Hòa Miền Nam VN dự hội nghị Ban Dung (Nam Dương 1955) với tư cách quan sát viên. Năm 1961 từ chức Giám đốc, làm giáo sư các tư thục Sàigòn (Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Công Trứ, Thăng Long...). Giáo sư Võ Thu Tịnh và Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cùng quê Quảng Nam, nhưng lớn tuổi hơn và ở chung trong Liên khu 5, sau đó cùng bỏ về thành. Trong một lần đến thăm nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Sài Gòn, nhạc sĩ muốn nhờ GS Võ Thu Tịnh phổ biến bài Nắng Chiều. Nhân dịp đó có phái đoàn Nhật Bản sắp sang thăm hữu nghị trao đổi văn hóa với VN, GS Tịnh liên lạc với LS Trần Thanh Hiệp lúc đó đang ở trong nhóm có nhiệm vụ đón phái đoàn Nhật Bản. Có lần chúng tôi đến thăm LS Trần Thanh Hiệp, ông là cựu bộ trưởng Lao Động thời chính phủ Phan Huy Quát. Trong câu chuyện văn học nói về nhóm Sáng Tạo mà ông và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà văn Mai Thảo là những người đồng sáng lập. Câu chuyện chuyển sang âm nhạc và có nhắc đến Ca khúc Nắng Chiều, ông cho biết lúc còn là sinh viên ở Hà Nội thường chơi đàn cho ban nhạc, có lúc chơi đàn ban nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ông đã kể cho chúng tôi nghe ,gồm: BS Nguyễn Bá Linh, Nhà văn Từ Thức và tôi:

    “ Năm 1958, để tỏ tình hữu nghị với VN trong phái đoàn Nhật có Đoàn Ca Vũ Nhạc Nhật Bản Toho Geino sang trình diễn suốt hai tuần lễ tại hội chợ Thị Nghè, họ muốn trình bày một nhạc phẩm VN. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền lúc đó là người điều hợp viên chương trình văn nghệ của hội chợ Thị Nghè, trong đoàn có nữ danh ca trẻ Satsuki Midori người Nhật Bản, Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã chọn Ca khúc Nắng Chiều và tập cho cô ấy hát. Từ đó Ca khúc chấp cánh bay xa“.

    Kể từ sau năm 1945 văn hóa Nhật du nhập nước ta ngày càng nhiều vì lý do trong đó có tính chất Á đông gần gũi với Việt Nam, hơn nữa văn hóa Nhật mới lạ, khoa học tiến bộ cũng như Tây phương. Sau năm 1954 ở Miền Nam, Sài Gòn một số rạp cinê chiếu toàn phim Nhật, ở một số tụ điểm ca nhạc đã mời được các đoàn vũ công Nhật Bản sang trình diễn. Thời điểm đó có một số Ca khúc, bài hát Dân ca Nhật phổ biến trong công chúng. Ca khúc Nắng Chiều xuất hiện trong thời điểm này lại do nữ danh ca Nhật trình bày nên được ưa chuộng. Sau năm 1954 trong số nững người từ Bắc di cư vào Nam có nhiều nhạc sĩ có tài, viết những ca khúc hay và giá trị nhưng không có dịp phổ biến nên không đến được với công chúng!


    Vài Cảm Nhận Về Một Số Nét Trong Nhạc của Lê Trọng Nguyễn:

    Ca khúc “Khi Bóng Đêm Về“ viết năm 1958, Cung Sol Trưởng, điệu Valse lente như một lời thỏ thẻ, thể hiện một tình khúc dang dở đầy lãng mạn. Đặt ở Cung Sol Trưởng nhạc sĩ muốn nâng hồn mình bồng bềnh theo nốt nhạc du dương để lướt qua niềm đau, rồi buông thả nỗi buồn. Nhạc sĩ giải bầy ở đoạn cuốn ca khúc :“…Làn tóc thanh xuân qua mất, Biết em vào lúc này. Tưởng có yêu nhau ngây ngất, sống qua ngày tháng gầy. Mà rượu ôi sao mặn chát, Lại còn đắng như cuộc đời. Gục đầu vào ly ta quên mất thời gian.“

    Ca khúc Bến Giang Đầu viết năm 1959, Cung Rê Trưởng theo điệu Boléro, cấu trúc nhạc cầu kỳ hơn Nắng Chiều, giai điệu âm hưởng Trung Hoa. Ca từ lãng mạn hoa mỹ, tác giả quá đãi lọc làm đẹp văn chương nhưng xa dời thực tế nên kén người nghe, do đó không phổ biến rộng như ca khúc Nắng Chiều.

    Ca khúc Chiều Bên Giáo Đường viết 1962 Cung Mi giáng Trưởng, hành âm Andante, đây là ca khúc hay, âm hưởng bán cổ điển Tây phương, những ca khúc theo thể loại này cho đến ngay nay vẫn khó hợp với sở thích nhiều người, nhưng lại giúp cho nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn chỗ đứng vững chắc trong làng âm nhạc về giá trị nghệ thuật, chứng tỏ khả năng lãnh hội âm nhạc của mình.

    Ca Khúc Cát Biển viết 1964, Cung Sol Trưởng theo điệu Swing có nguồn gốc Mỹ Quốc. Nhạc và lời hay, đối với ca khúc Việt Nam thời bấy giờ đây là ca khúc mang thể điệu mới và ít người viết.

    Ca khúc Cung Điệu Buồn viết năm 1965, Cung Mi Thứ, điệu Bolero lent. Đây là ca khúc rất hiếm của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn viết ở Cung thứ.

    Ca khúc Lá Rơi Bên Thềm viết 1966 chung với nhạc sĩ Nguyễn Hiền Cung Mi giáng Trưởng, điệu Slowly. Cấu trúc nhạc cầu kỳ, ca từ chọn lọc. Hình ảnh mùa thu trong nhạc là mùa thu Hà Nội, hương thu mang sương mù Đà Lạt mà người Sài Gòn chưa cảm được hương thu ! Lê Trọng Nguyễn có viết một ca khúc Nhớ Thu Hà Nội 1965 rất hay, ca khúc vẫn Cung Mi giáng trưởng điệu Blues :“…Trời thu Hà Nội quá xa vời, Lòng ta vời vợi nhớ, Dáng thơ em khuất rồi. Nào xác lá sấu úa, Hồ Gươm con tim ơi ! “. Em trong ca từ được nhân cách hóa là Hà Nội, nhạc sĩ ví như người tình.

    Ca khúc Bóng Nước Viễn Phương viết năm 1980, nhịp ¾ Cung Mi giáng Trưởng điệu Andente moderato, lời của nhạc sĩ Thẩm Oánh. Nhạc và lời diễn tả thân phận con người tìm tự do bềnh bồng trên sóng nước đại dương, bóng quê nhà mờ khuất! Một ca khúc buồn có giá trị.

    Khi ca khúc Sao Đêm ra đời tình hình chính trị của Miền Nam lúc đó có nhiều biến động, một số phòng trà đóng cửa, khiêu vũ bị cấm, lãnh vực âm nhạc cũng bị những xáo trộn chính trị làm ảnh hưởng nên bị giới hạn !

    Ca khúc Sao Đêm viết năm 1963, Cung Mi giáng Trưởng điệu Slowly, ca khúc này thật độc đáo, có thể nói là một ca khúc tuyệt vời.diễn tả câu truyện tình lãng mạn nhưng ẩn bên trong ca từ có tính cách giáo dục. Cấu trúc nhạc không viết theo thể điệu Jazz nhưng “air“nhạc có chất Blues Jazz. Trong sáng tác Nhạc sĩ có thể để thả hồn theo tiếng kèn đồng trầm bổng đẩy tiết tấu theo cung bậc ngẫu hứng nhập vào từng ca từ toát ra chất nhạc Blues Jazz thể điệu chưa quen thuộc ở VN thời đó. Cái độc đáo của nhạc phẩm là tả được trạng thái của con người trong trong đắm say, trong lạc thú.

    Trong thi ca, văn chương Việt Nam có nhiều bài viết về chốn ăn chơi phòng trà, cô đầu, á phiện…như một lời cảnh giác, nhưng chất ma túy được các nhà thơ thời xưa ví von ngôn từ:“ nàng thơ“, Yến sĩ phi lý thuần (inspiration), có người mượn nó làm chất liệu gợi cảm hứng sáng tác , trong số đó có một số nghệ sĩ trình diễn cũng như sáng tác. Dù cảm hứng bắt nguồn từ nội tâm, ngoại cảnh, đôi khi bắt nguồn từ những câu chuyện kể bạn bè. Để hòa mình vào những cảm xúc của tha nhân, của ngoại cảnh kẻ sáng tác phải hóa thân thành người đam mê chạy theo những lạc thú để hoàn thành tác phẩm. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cũng thế, tâm hồn ông phong phú giàu tưởng tượng để có thể hóa thân vào những ngõ tối, xóm nghèo để nhìn thấy th ảm cảnh của sa đọa, hoặc vào những chỗ sang trọng hhộp đêm ở Sài Gòn, New York, Paris nơi ánh đèn màu, âm thanh của tiếng nhạc hòa trong khói thuốc trở nên huyền ảo mà Lê Trọng Nguyễn chưa bao giờ đặt chân đến. Lời Ca của ca khúc Sao Đêm được đãi lọc rất lãng mạn, thật hay được danh ca Lệ Thu trình bày trước năm 1975 ở Sài Gòn. Lời ca đầy ẩn dụ. Em, Sao Đêm trong ca từ là ẩn dụ. Đôi mắt tiên nâu, trạng thái đang thả hồn vào cõi huyền hoặc. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn quả thực có thực tài, trí tưởng tượng thật phong phú nhậy bén nên ca từ giai điệu đã vẽ được con người trong cảnh đắm say, do đó ca khúc Sao Đêm trở thành độc đáo chưa có một nhạc sĩ khác viết về « tiên nâu ».

    Xin chép phần ca từ 1 và 2 đẹp như một bài thơ của ca khúc Sao Đêm:

    «Còn gì nữa ? Mà ôi ! Thương đau gieo mãi không thôi. Thân xác héo mòn. Đời ta lạnh trống, đôi mắt tiên nâu chờ ta giữa trời sao….Còn gì nữa ? Bầu trời rạn nứt rồi. Mà ôi! Tâm tư đen tối chơi vơi. Đâm nát phím ngà người yêu tàn phá. Chờ qua năm tháng rủ áo trần gian…Em, ánh sao đẹp xa cuối trời đi về đâu ? Đêm quá sâu hồn ta rã rời trong trời nâu. Tìm em không gian hồ đổ vỡ theo tinh cầu bay. Hằng đêm gối sách mơ trăng sao…Vội vàng hái cả trời sao chín mọng. Mà ôi ! Thiên thai sao tắt mây vương. Lạc bước thiếu tài nhạc lôi rượu cuốn, người yêu xa mãi tìm gió ngàn phương…»

    Lời 2 :

    « Vời vợi sáng.
    Một trời hương gió vàng.
    Ngàn sao bâng khuâng trên bên sông Ngân.
    Lời suối réo đàn.
    Lệ hoen tà áo.
    Đôi mắt giai nhân tìm đâu giữa trời sao.
    Đồi lạnh vắng.
    Lạc loài ta với đàn.
    Hồn thơ lâng lâng theo áng mây hoang.
    Lời gió hú buồn.
    Biển sao gợn sóng.
    Thuyền trăng đưa khách lạc giữa đại dương.
    Ôi cánh sao đẹp xa cuối trời đi về đâu.
    Đêm quá sâu hồn ta rã rời trong trời nâu.
    Tìm em không gian hồ đồ vỡ theo tinh cầu bay.
    Thời gian tím ngắt như đêm nay.
    Vội vàng hái cả trời sao chín mọng.
    Mà ôi thiên thai sao tắt mây vương.
    Lạc bước thiếu tài nhạc lôi rượu cuốn.
    Người yêu xa mãi tìm gió ngàn phương. »

    Một tác phẩm vượt thời gian khi tác phẩm đó sống bằng chất liệu thật, thay đổi lời ca để được hoa mỹ hơn như thế cái hồn ca khúc sẽ biến hóa thành một phiên bản khác ! Tâm hồn nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn luôn trong sáng, lạc quan yêu đời nên từ những ca khúc ban đầu cho đến lúc cuối đời ông vẫn thích viết ở cung trưởng hướng về tương lai, dù ca từ đôi khi có buồn thì cũng chỉ man mác rồi qua đi nên rất ít bài ở cung thứ. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã về cõi vĩnh hằng nhưng vẫn để lại cho đời những ca khúc giá trị của dòng nhạc bán cổ điển Tây phương. Những ca khúc của ông dù đã qua bao thời gian vẫn còn được công chúng yêu mến qua nhiều thế hệ mãi hôm nay.


    Paris 21.11.2017
    Đỗ Bình


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X