Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Louisiana với thành phố New Orleans

Collapse
X

Louisiana với thành phố New Orleans

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Louisiana với thành phố New Orleans

    LOUISIANA VỚI THÀNH PHỐ NEW ORLEANS

    Một KSCN09
    Lang Thang


    Thân gửi các anh chị và các bạn,

    Có các anh chị lên đường đi Úc Châu, có các anh chị đi Âu Châu hoặc Á Châu, chúng tôi không đi theo được đành xách vali đi loanh quanh vài nơi gần gần thuộc miền nam đại lục Hoa Kỳ, Louisiana và Texas, theo tinh thần “tấp tểnh người đi tớ cũng đi“ cuả cụ Trần Tế Xương.

    Thật ra mục đích chuyến đi này cuả hai vợ chồng chúng tôi không hẳn là đi du lịch mà là đi thăm gia đình thì nhiều hơn. Tuy nhiên, ngoài những sự tiếp đón hết sức nồng nhiệt cuả gia đình, các em tôi cũng đã dành cho chúng tôi vài ngày đi đó đi đây cho biết "dân tình".

    Thành phố đầu tiên chúng tôi được đưa đi thăm là thành phố New Orleans.

    New Orleans nằm về phiá cực nam cuả tiểu bang Louisiana. Thành phố này có dân số khoảng 6, 7 trăm nghìn người, trong đó có một số đông người Việt Nam sinh sống tại những vùng lân cận thành phố ấy mà tôi không biết đích xác là bao nhiêu.

    Chúng tôi khởi hành chuyến đi từ thành phố Shreverport, một tỉnh phiá bắc cuả tiểu bang Louisiana, cách New Orleans khoảng 5 đến 6 tiếng lái xe. Dọc suốt hai bên đường tôi chỉ thấy toàn cây thông (pine) xanh ngát một mầu hay những cánh đồng cỏ tươi trải dài đến tận chân trời. Thỉnh thoảng, tôi thấy rải rác những dải đồng lầy, cây phủ um tùm, kéo dài hàng chục cây số. Nếu không để ý, có khi ta cứ tưởng đang lái xe trên mặt đường xa lộ bằng phẳng bình thường nhưng thực ra là ta đang đi trên những chiếc cầu được xây băng qua những vùng đồng lầy bao la ấy.

    Cảnh vật và đời sống vùng Louisiana này khá hiền hoà phẳng lặng rất thích hợp cho những ai muốn xa lánh nơi phồn hoa đô hội. Ngay tại thành phố Shreveport, nơi chúng tôi ở chơi với gia đình hai người em cũng thế, có lẽ thuộc khu ngoại ô vắng vẻ chăng, tôi ít gập ai và chưa hề nghe thấy tiếng động nào đến từ những nhà hàng xóm chung quanh. vì khoảng cách giữa hai nhà quá xa. Có sáng sớm tỉnh giậy, tôi kéo hé cánh màn cửa sổ phòng ngủ để lấy chút ánh sáng ban mai ngồi đọc sách và nghe chim hót. Cái thích nhất là tầm nhìn không bị vướng chận bởi những hàng rào quanh nhà. Có buổi sáng trời mưa nhè nhẹ, rừng thông sau nhà như phủ mỏng lớp sương mù và ẩn hiện xa xa vài ngôi nhà đứng yên lặng trong mưa . Không một bóng người, không một tiếng động nào ngoài tiếng rơi nhẹ và thưa thớt cuả nước mưa chảy xuống từ mái hiên nhà. Mọi thứ như ngưng đọng lại với thời gian và thời gian dường như cũng ngưng đọng theo với cái không gian yên tịnh ấy. Yên tịnh nhưng không khô cứng mà là sự yên tịnh cuả sự an bình làm tâm hồn ta dễ trải dài ra và cũng dễ bay cao. Những hôm mưa như thế, tôi thích được ngồi một mình bên cưả sổ nhìn trời buồn và đọc truyện " Chí Phèo " cuả nhà văn Nam Cao mà tôi đã mang theo.

    Xa lộ tốt và không có nhiều xe như ở San Jose. Chiếc xe hơi tôi lái vẫn cứ vùn vụt thẳng tiến về hướng New Orleans, trên HWY 49, với vận tốc 70-80 miles/giờ vì đường vắng xe. Trong cái thanh bình cuả cảnh vật chung quanh, Triều, tên người em cột chèo với tôi, ngồi bên cạnh kể cho tôi nghe vài dòng lịch sử về mảnh đất mà chúng tôi đang đi trên đó. Triều bằng tuổi tôi, cũng đã về hưu.

    Như một nhà sử học, Triều kể:

    Thật là một điều kỳ thú khi ta tìm hiểu về mảnh đất “ thuộc điạ “ Lousiana này. Như ta đã biết, đất nước Hoa Kỳ hiện nay chiếm cả một một nưả lục điạ Bắc Mỹ có đường ranh giới đông- tây chạy dài từ bờ biển Đại Tây Dương ( Atlantic) sang đến tận bờ biển Thái Bình Dương ( Pacific ). Phiá bắc giáp Canada và phiá nam giáp với Mễ Tây Cơ. Nhưng nếu ta đi ngược lại dòng lich sử từ lúc khởi đầu lập quốc, nước Hoa Kỳ chỉ là một giải đất hẹp dọc theo bờ biển Đại Tây Dương với 13 tiểu bang đầu tiên cuả Hiệp Chủng Quốc. Sau đó, đến thời kỳ chiến thắng cuả American Revolution, đất nước Hoa Kỳ được mở rộng sang phiá tây tới giòng sông Mississippi và sông này đã trở thành ranh giới phiá tây trong thời gian đó. Đó là bước đầu tiên cho sự mở mang lãnh thổ cuả Hoa Kỳ.

    Bước thứ hai trong việc mở rộng thêm bờ cõi là sự kiện mua lại đất Louisiana từ tay người Pháp. Mảnh đất Louisiana này, so với bản đồ hiện nay, chiếm một phần ba diện tích toàn thể Hoa Kỳ ( gồm 13 tiểu bang, trong đó có tiểu bang Louisiana ngày nay ) (1). Vào thời kỳ đó, cả người mua lẫn người bán đều không biết rõ đích thực diện tích mảnh đất mua bán này là bao rộng.

    Việc mua đất Louisiana được diễn ra giưã Tổng thống Hoa Kỳ là Thomas Jefferson và Napoleon Bonaparte cuả Pháp. Đây là biến cố lich sử to lớn cuả lịch sử Hoa Kỳ. Năm 1803, khi Louisiana được mua từ tay người Pháp, ban đầu người dân Hoa Kỳ không lấy gì làm thích thú lắm vì phần đất mua này thì quá xa, chưa hề được biết tới và chưa được khai phá. Tuy nhiên mọi người công nhận ngay được cái lợi điểm tức thời cuả nó là dòng sông Mississipi chảy ra vịnh Mễ tây Cơ ( Guft of Mexico), những cư dân cuả hai tiểu bang Kentucky và Tennesse có thể dễ dàng chuyên chở nông phẩm cuả họ xuôi theo dòng sông Mississippi để đến New Orleans.


    Thành phố New Orleans này có một thời gian nằm trong tay cuả người Tây Ban Nha (Spanish). Những sĩ quan Tây Ban Nha thường tuỳ tiện mở cưả hay đóng cưả khẩu sông Mississippi không cho tầu bè cuả Hoa Kỳ qua lại mà không cần một lời giải thích. Tổng thống Jefferson nhận thấy cần phải làm một điều gì để giải quyết cho tình trạng bấp bênh đó và cũng quan ngại bất cứ một lực lượng ngoại quốc nào kiểm soát được dòng sông Mississippi và New Orleans thì đều nguy hiểm cho sự phát triển cuả Hoa Kỳ. Nhân khi người Pháp lấy trở lại chủ quyền thuộc điạ Louisiana từ tay người Tây Ban Nha, Tổng Thống Jefferson nghĩ ngay đến những điều gì có thể xẩy ra, nếu một ngày nào đó, những người lính tinh nhuệ cuả Napoleon bất thình lình xuất hiện dọc theo bờ sông Mississippi này sẽ làm cản trở tiến trình bành trướng lãnh thổ về phiá tây cuả Hoa Kỳ trong tương lai.

    Với những lý do đó, Jefferson ra chỉ thị cho đại diện Hoa Kỳ tại Pháp là Robert Livingston đề nghị với chính phủ Pháp mua lại thành phố New Orleans với giá 2 triệu đô la mà không nhắc nhở gì đến phần đất còn lại, nhưng không được Pháp trả lời. Mặc dù đề nghị này đã được lập lại vài lần nhưng vẫn bị Talleyrand, người đại diện cuả Napoleon dìm đi, nại cớ Napoleon còn rất bận trong những chuyện quan trọng khác hơn nên chưa thể quyết định được.

    May mắn thay, một sự kiện bất ngờ xẩy ra : Napoleon bị thiếu hụt ngân sách một cách trầm trọng trong việc mở chiến tranh mới với người Anh (England). Napoleon biết rõ là không thể sử dụng được thuộc điạ Louisiana xa xăm kia vào việc gì nên đề nghị không những bán luôn thành phố New Orleans lẫn cả phần đất thuộc điạ Louisiana cho Hoa Kỳ với giá 15 triệu đô la. Nhiều vị dân biểu Hoa Kỳ trong Quốc hội muốn mua, nhưng cũng có nhiều vị khác chống lại, nhưng sau cùng Tổng Thống Jefferson đã thắng lợi trong việc thuyết phục mua phần đất này.

    Biến cố này có một mối lợi thật hiển nhiên về mặt diện tích là đất Louisiana, sau khi thám hiểm, mới biết nó rộng tới gần một triệu dặm vuông ( square miles ), lớn bằng 7 lần cả nước Anh ( England), Tô Cách Lan ( Scotland) và Ái Nhĩ Lan ( Ireland) hợp lại, hay lớn hơn cả diện tích cuả nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ( Portugal) hợp lại. Giá mua chỉ có 4 xu cho một mẫu vuông (acre). Phần đất Louisiana này đã tạo lập nên được 13 tiểu bang ngày nay cho Hoa Kỳ.

    Ta cũng nên nói thêm ở đây, việc thám hiểm vùng đất mới mua này được thực hiện ngay năm sau đó, năm 1804. Khời đầu từ St Louis, ngã ba sông Missouri va Mississipi, dưới sự hướng dẫn cuả hai nhà thám hiểm trẻ tuổi là Meriwether Lewis và William Clark. Clark là đại uý trong quân đội, 34 tuổi, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu với người Da đỏ và có kinh nghiệm về đời sống trong rừng. Còn Lewis, 30 tuổi, tuỳ viên ( private secretary) cuả Tổng Thống Jefferson được chọn là người đứng đầu cuộc hành trình với nhiệm vụ được giao phó thật rõ ràng là khám phá vùng đất mới mua rộng bao nhiêu, hoạch định con đường đi tới bờ biển Thái Bình Dương và tìm hiểu đời sống cuả người Da đỏ ở những vùng đất ấy.

    Gồm tổng cộng 13 người trên 3 chiếc thuyền nhỏ chở đầy lương thực và nước uống, đoàn thám hiểm đi ngược dòng sông Missouri hướng về phiá tây để tới những vùng đất không có đường xá, không có bản đồ và không có bất cứ một hiểu biết nào về nó. Họ dự trù chuyến đi có thể kéo dài một năm, hai năm hay lâu hơn nưã.

    Đoàn người gan dạ ấy đã mất sáu tháng đầu tiên để vượt 1600 dậm ngược dòng sông Missouri. Họ phải ngừng lại vì tuyết phủ cuả muà đông và phải đóng đồn tại nơi, nay thuộc tiểu bang North Dakota. Vào sớm muà xuân năm sau , tức1805, đoàn lại lên đường hướng về phiá có rặng núi đá Rocky Mountains cao ngất trời. Họ phải bỏ lại thuyền và được sự giúp đỡ cuả những bộ lạc Da đỏ thân thiện cung cấp ngưạ và lương thực. Không những thế, đoàn thám hiểm còn được người Da đỏ làm hướng dẫn viên trên những con đường nguy hiểm vượt qua dẫy núi Rocky Mountains. Khi tới đỉnh cao cuả Rocky Mountains thì hết lương thực, quần áo tả tơi và họ phải chịu đựng cái rét khủng khiếp cuả muà đông trên độ cao ấy. Nhưng cuối cùng vào tháng 9 năm ấy ( 1805) họ cũng vượt qua được dẫy núi cao này để tới cao nguyên đất đỏ trải rộng phiá dưới. Họ phải tự làm lấy 5 chiếc thuyền nhỏ trôi theo dòng sông Snake đổ về bìng nguyên phì nhiêu và để rồi trôi đến dòng sông Columbia đổ ra biển Thái Bình Dương. Ngay cưả biển, họ xây đựng trại Fort Clatsop, mang tên bộ lạc Da đỏ ở đây. Đoàn thám hiểm đón lễ Giáng Sinh cùng với bộ lạc Clatsop và cùng họ trao đổi quà Giáng sinh. Đoàn thám hiểm ở lại Fort Clatsop để mong có thuyền bè nào đi ngang qua có thể cung cấp thực phẩm cho họ trên đường trở về, nhưng họ hoàn toàn thất vọng.

    Tháng ba năm sau (1806) đoàn thám hiểm thực hiện chuyến trở về. Trong chuyến về này, mặc dù không kém phần gian nan, nhưng dù sao đi nưã, họ đã có sẵn một số kinh nghiệm cuả chuyến đi và nay họ chỉ cần lần về theo con đường cũ. Cuối cùng, họ trở về đến St Louis, nơi khởi hành, vào tháng 9 năm 1806.

    Kể từ đầu năm 1804 đến tháng 9 năm 1806, đoàn thám hiểm đã hoàn thành công tác mà nhân dân Hoa Kỳ và Tổng Thống Jefferson kỳ vọng nơi họ. Họ đã vượt qua một chặng đường dài 8200 dặm đầy phiêu lưu gian khổ.

    Đứng về mặt lich sử, chuyến đi thám hiểm này còn là chuyến đi mở đầu cho nhiều năm sau đó, những người dân Hoa Kỳ có óc phiêu lưu lần lần di dân về vùng đất mới, chinh phục dẫy núi Rocky Mountains để tiến sang tới bờ biển Thái Bình Dương, ranh giới phiá tây cuả Hoa Kỳ ngày nay.

    Sau khoảng ba giờ lái xe, chúng tôi đi ngang qua thành phố Baton Rouge, thành phố tương đối nhỏ, là thủ phủ cuả tiểu bang Louisiana. Vài building không cao lắm mọc lên rải rác. Xa lộ được tạm mở rộng ra thành 4 lanes hay 6 lanes, xe chạy tương đối đông đúc. Có khi xe tôi phải chạy chậm hẳn lại vì phải đi ngang qua khu xây dựng mới. Triều giúp tôi nhìn đường để khỏi lạc Exit cuả Freeway I10 và không muốn tôi phải chia trí trong việc lái xe nên câu chuyện về phần đất Louisiana này phải tạm ngưng ở đây.

    Khi ra khỏi khu vực thành phố Baton Rouge, xe lại ngon trớn với vận tốc 70-80 miles/ giờ trên con đường vắng xe và cảnh vật chung quanh lại trở nên thanh bình trở lại. Có lẽ Triều sợ tôi buồn ngủ nên lại với giọng kể chuyện cuả “ ông thầy sử-điạ “ cắt nghiã cho tôi vài nét về thành phố New Orleans mà chúng tôi sắp tới.

    Triều kể:

    New Orleans là một trong vài thành phố cuả Hoa Kỳ có một lịch sử hết sức lý thú. Đây là thành phố mà số lượng đông đảo di dân người Pháp đã từ Âu Châu khởi thuỷ sang tập trung lập nghiệp và còn tiếp tục sinh sống ở đây. Trải qua năm tháng dài gần hai thế kỷ với nhiều đổi thay, họ đã cố gắng giữ lại một phần văn hoá cuả riêng mình ( văn hoá Pháp) như để tô điểm một nét đặc thù cho thành phố New Orleans. New Orleans được người Pháp lập nên vào năm 1718, sau đó 50 năm, vào năm 1769, người Pháp đã bán toàn bộ thuộc điạ Louisiana, trong đó có thành phố New Orleans cho Tây Ban Nha

    ( Spain) . Người Tây Ban Nha đến cai trị thuộc điạ này đến năm 1801, nghiã là khoảng 30 năm sau, đất Louisiana lại trở về tay người Pháp để đánh đổi một phần đất cuả nước Ý ( Italy) do Pháp chiếm cho Tây Ban Nha. Năm 1803, tức hai năm sau khi lấy lại, Pháp lại bán đất Louisiana cho Hoa Kỳ như đã nói ở trên.

    Người Pháp sinh sống ở New Orleans rất hoang mang về những thay đổi chủ quyền này. Họ không thích người Hoa Kỳ trong thời gian ban đầu, nhưng dần dần họ cũng thích nghi được với chính quyền mới và sau đó họ trở thành những công dân Hoa Kỳ.

    Một biến cố lịch sử đã mang người Pháp sinh sống tai New Orleans đến gần hơn với người Hoa Kỳ, đó là họ đã đứng bên cạnh người Hoa Kỳ chiến đấu chống lại sự xâm lăng cuả người Anh trong cuộc chiến tranh được gọi là " chiến tranh 1812 ".

    " Chiến tranh 1812 " là cuộc chiến xẩy ra giưã Hoa Kỳ và người Anh. Theo nhận định cuả lịch sử, cuộc chiến này thật không rõ ràng và không cần thiết cho cả hai dân tộc chỉ vì một số dân biểu trẻ tuổi chủ chiến trong Quốc hội Hoa Kỳ muốn chiếm Florida và Canada trong tay cuả người Anh trong khi người Anh đang bận tay trong cuộc chiến với người Pháp lúc đó. Tháng 8 năm 1814, sau khi quân Anh khởi binh tiến đánh, đốt phá Thủ đô Washington và sau đó họ chuyển quân qua đường biển tiến về thành phố New Orleans. Khi quân Anh đi ngang qua đảo Jamaica, họ tuyển thêm 4000 quân nưã.

    Về phiá Hoa Kỳ, chiến quân được tuyển từ biên giới cuả những tiểu bang như Kentucky và Tennessee . Người dân Pháp ở New Orleans nhận thức được mình là thành viên cuả nước Hiệp chủng Quốc non trẻ này nên đã đứng về phiá Hoa Kỳ chống lại quân Anh.

    Người cầm đầu cuả Hoa Kỳ trong trận chiến đấu bảo vệ New Orleans là tướng Andrew Jackson ( sau này trở thành Tổng thống Hoa Kỳ ). Chiến binh cuả Jackson chỉ có 5000 người, không có đồng phục, không được huấn luyện, nhưng trong số họ lại có những người thợ săn, bắn rất chính xác và có nhiều kinh nghiệm du kích săn đuổi quân thù. Năm nghìn quân cuả Andrew Jackson phải chiến đấu với 10,000 quân tinh nhuệ cuả Anh. Mặc dầu số quân cuả Jackson chỉ bằng phân nưả quân Anh nhưng họ vẫn chiến đấu kiên cường với chiến thuật du kích và xa luân chiến, bằng cách họ di chuyển nấp sau những thân cây hay hốc đá và áp dụng toán đánh toán nghỉ. Trong khi đó quân đội Anh vẫn giữ nguyên chiến thuật chiến đấu cổ điển cuả Âu Châu thời đó, nghiã là binh lính xếp hàng ngang sát cánh nhau, hàng hàng lớp lớp, lớp này ngã xuống, lớp kế tiếp tiến lên. Cuối cùng chỉ trong vòng 20 phút đầu tiên, 2000 quân Anh bị giết thành đống trước chiến tuyến cuả đội quân Hoa Kỳ. Phiá Hoa Kỳ chỉ thiệt hại có 13 người do họ đã điên rồ (foolish) rời nơi ẩn nấp cuả mình. Tướng Edward Packenham cuả Anh cũng bi giết trong trận này.

    Tin chiến thắng (1815) tại New Orleans đã được truyền đi khắp nước một cách nhanh chóng và cũng từ sự chiến thắng ấy đã là nguyên nhân chính đem lại sự kết thúc cuộc " chiến tranh 1812" sau đó với những hiệp ước có lợi cho Hoa kỳ.

    Thành phố New Orleans nằm bên bờ sông Mississippi, ngay khúc uốn cong nên còn có bí danh là Crescent city. Cứ chiếu theo những biến cố lịch sử, ta thấy ngay đây là thành phố

    có nét hoà hợp văn hoá cuả Pháp, Tây ban Nha, Hoa Kỳ để cấu tạo nên những nét

    văn hoá đặc thù riêng cho thành phố này như âm nhạc, thức ăn, những ngày lễ hội hang năm (Mardi Gras) và những kiến trúc đẹp cuả ba nền văn hoá ấy.

    Triều còn kể cho tôi nghe nhiều điều khác nưã từ thời xa xưa đến ngày nay, không những về lịch sử mà còn về sự phát triển kinh tế từ thời nông trại đến thời kỳ kỹ nghệ hoá sau này, lẫn những biến đổi chính trị cuả những thời kỳ khác nhau cuả New Orleans chẳng hạn như trong thời kỳ quân đội Union phương Bắc trong Civil War ( April 1861-April 1865) đã chiếm đóng ngay New Orleans năm 1862 trong tay quân đội miền Nam, tức một năm sau khi xẩy ra cuộc chiến này, và dân chúng ở đây phải tuân thủ chính sách cai trị cuả phương Bắc cho tới năm 1876.

    Những điều nghe kể thì nhiều nhưng tôi không thể nhớ hết và nhớ rõ để viết vào đây.

    Đến khoảng trưa, chúng tôi đến trung tâm thành phố New Orleans. Ngoài vài phố chính lớn và đông đúc cuả khu thương mại, con đường trung tâm mang tên Canal được nhiều người biết đến hơn cả, còn lại phần lớn những đường phố ở New Orleans tương đối nhỏ, những con đường ngang dọc quanh khu French Quarter phải nói là chật hẹp rất khó lái xe.

    Chúng tôi lái dọc theo dẫy phố bờ sông. Khu French Quarter nhộn nhip với lượng du khách khá đông đảo. Người ngồi ăn lan cả ra viả hè và nhất là quán Café Du Monde nổi tiếng thì lúc nào tôi cũng thấy đông nghẹt.

    Lái xe vòng vòng quanh thành phố độ một giờ, chúng tôi đi tìm khách sạn đã “book” từ hôm trước : khách sạn Inter Continental , 4 sao rưỡi, khá khang trang. Khách sạn ở ngay trung tâm thành phố nên chúng tôi có thể đi bộ ra bến tầu hay khu French Quarter hay buổi tối có thể thả bộ đến đường Bourbon nổi tiếng về đêm.

    Sau đó, chúng tôi lại trở lại khu French Quarter, đi bộ dọc theo hai con đường Decatur và Chartres, người đi chen chúc, ồn ào bởi những nhà hàng ăn lẫn gift shops dọc theo hàng phố. Đâu đâu cũng có ban nhạc cuả người da đen. New Orleans đúng là kinh đô cuả âm nhac người da đen, đặc biệt nhất là loại nhạc Jazz. Chúng tôi ghé một quán ăn trên đường Decatur được bầy bán cả ra ngoài đường, order một cái sandwitch loại lớn nhân thịt giá chỉ có 13 đô la, nhưng có thể chia làm bốn, mỗi người một phần ăn vưà đủ no, kèm thêm mỗi người một món soupe đặc sản, thế là đủ "căng bụng" để có thể tiếp tục đi chơi. Sau đó chúng tôi đi dọc theo phố này để tới thăm khu chợ được gọi là French Market. Khu đất này, vào thời người Pháp mới lập nghiệp, người Da đỏ cũng tới đây buôn bán. Đến năm 1800 thì chợ được xây dựng thêm gồm cả Famer’s Market toạ lạc ở phiá cuối. Ngay đầu chợ được xây một cái cổng dưạ theo hình thể tượng trưng cuả kiến trúc Khải Hoàn Môn như ở Paris nhưng quá đơn giản và quá xấu xí, trên có đề chữ French Market. Bên trong chợ bán đồ lưu niệm như mọi chợ bán lưu niệm khác, không có gì đặc biệt như cái tên French Market cả, chỉ trừ những gian hàng quần áo, boutiques hay gift shops ở trong chợ có bảng hiệu bằng tiếng Pháp mà thôi. Giá một hộp Café du Monde ở đây giá 6 đô la, chợ Việt nam tại San Jose bán với giá 2 hay 3 đô la một hộp cùng loại là cùng. French Market giống chợ bên Mễ hơn là Pháp. Người bán hàng ở đây nói tiếng Mỹ, nếu có người nói tiếng Pháp thì cũng chỉ bập bẹ ú ớ dăm ba tiếng với du khách mà thôi. Chung quanh chợ, nổi bật nhất là những gian hàng bán khăn quàng lông ( lông vũ ) dài thườn thượt nhuộm màu xanh đỏ tím vàng dùng để quấn vào cổ trong những ngày lễ hội hoá trang Mardi Gras.


    Mardi Gras là những ngày lễ hội lớn có tính truyền thống và đặc thù cuả New Orleans. Ngày hội Mardi Gras kéo dài từ tháng giêng cho đến hết tháng hai hàng năm. Du khách từ khắp nơi đổ về đây để xem hội. Mọi người đều có thể đeo mặt nạ, ăn mặc hoá trang diễn hành và nhẩy muá trên phố một cách tự do. Họ ném những tràng hạt xanh đỏ quàng cổ cho nhau. Những ngày đó, New Orleans tràn ngập sóng người, chen chúc nhau mà đi, khó có thể tìm được chỗ đậu xe, mà nếu có kiếm được thì cũng phải trả với giá tối thiểu là 40 đô la một ngày.

    Những người làm việc ở khu vực French Quarter phải chung nhau thuê Shuttle để sáng đưa họ đến làm việc, chiều tối đón về. Nói chung, khu French Quarter chỉ rộng có chục đường ngang dọc mà thôi, nếu đi bộ thoáng qua theo kiểu “ cưỡi ngưạ xem hoa “ với “ Walking tour “ thì khoảng hai giờ là đi hết phần chính cuả khu này rồi.

    Rời khu đông đúc cuả French Quarter, chúng tôi đi ngược dọc theo cũng con phố Decatur ấy để đến quảng trường Jackson ( Jackson Square), quảng trường này trước đó nó có tên là Place d’Armes dưới thời Pháp và tên Plaza de Armas dưới thời Tây ban Nha, và sau được đổi tên thành quảng trường Jackson kể từ năm 1848 để vinh danh vị tướng này trong trận đánh bảo vệ New Orleans như đã nói ở phần trên. Tại quảng trường này có tượng Jackson rất lớn, được coi là một trong những bức tượng đẹp nhất cuả đất nước.

    Đối diện với Quảng trường Jackson về phiá đường Chartres, tức hướng về phiá thành phố, là nhà thờ Saint Louis to lớn và đẹp, có kiến trúc với 3 tháp nhọn. Nhà thờ này được xây hoàn tất vào năm 1794, đến năm 1851 được sưả lại thành kiến trúc sau cùng như ta thấy ngày nay. Dọc theo những con đường thuộc khu nhà thờ và quảng trường có hàng chục xe ngưạ chờ đợi đưa du khách đi vòng quanh thành phố.

    Ngay sát quảng trường Jackson, hướng về phiá bờ sông là công viên Washington với khẩu súng thần công đúc rất đẹp. Trên đường Decatur cũng còn một bức tượng mạ vàng sáng chói, rất đẹp, có cờ Pháp bên cạnh, tôi đoán là tượng bà Janne D’arc cưỡi ngưạ, nữ anh hùng cuả nước Pháp.

    Chụp chung với nhau vài tấm ảnh kỷ niệm nơi đây rồi chúng tôi ra xe tìm đường ra Freeway I10 để đi qua chiếc cầu Pontchartrain được mệnh danh là một trong những chiếc cầu dài nhất thế giới. Chiếc cầu này được xây băng qua Lake Pontchartrain nối liền thành phố New Orleans với thành phố khác bên kia hồ, chiều dài đúng 25 dậm. Lái xe trên chiếc cầu này, hai bên chỉ là nước, không thấy bờ đâu, làm tôi nhớ lại những chiếc cầu dài nối liền các đảo ở Florida thuộc vùng Key West. Tất nhiên Key West thì đẹp hơn nhiều.

    Đến tối chúng tôi đi chơi phố Bourbon. Phố Bourbon nổi tiếng ăn chơi về đêm. Đây là con phố nhỏ, hai xe hơi đi ngược chiều tránh nhau hơi khó. Dọc theo hai bên phố Bourbon đa số là những quán nhạc hay Bar rượu. Các ban nhạc người da đen mặc sức biểu diễn. Khu phố này nhà xây theo kiểu hai tầng sát vách, trên là Bar, dưới cũng là Bar. Có vài "em" đứng trước cưả Bar mời gọi du khách bằng cách lật áo cho "xem một tý" rồi chỉ tay lên lầu theo kiểu mời "phải anh là lính, mời anh lên lầu" (thuốc lá Pall mall ngày nào). Lòng đường cấm xe qua lại ban đêm nên du khách có thể đi lại thoải mái. Chúng tôi chỉ theo dòng người đi lang thang chứ không vào Bar nào cả. Thỉnh thoảng chúng tôi chỉ dừng chân lại trước những quán nhạc xem trình diễn ké ở bên trong. Cả khu phố vang lên những tiếng nhạc trộn lẫn với những tiếng cười đuà. Vài toán dân nhậu tụ tập trên lan can ở những từng lầu trên nhìn xuống người đi đường, người đi dưới đường ngước lên nhìn dân nhậu phiá trên, lời qua tiếng lại rất vui vẻ ồn ào, ồn ào ngang với những thành phố Mễ nằm gần biên giới cuả San Diego và Mễ. Ồn ào, vui chơi nhưng vẫn giữ được trật tự bởi sự canh phòng rất nghiêm cuả những cảnh sát viên đi ngưạ, loại ngưa. Mông cổ trông to lớn kềnh càng làm sao. Con đường " ăn chơi " này được kéo dài khoảng mươi block ngắn, nghiã là dài khoảng hơn một dậm (mile) mà thôi. Con đường Bourbon này còn kéo dài nhưng không ai muốn ra khỏi khu đông đúc đã được giới hạn vì sợ nguy hiểm vì mất an ninh.

    Thành phố New Orleans được mệnh danh là "thủ đô cuả nhạc Jazz" là "thủ đô cuả lễ hội hoá trang Mardi Gras" và cũng được mênh danh là "thủ đô cuả tội phạm giết người", đấy là nhận xét cuả người điạ phương nói lại với chúng tôi.

    New Orleans thuộc tiểu bang Louisiana, một tiểu bang miền nam nước Mỹ nặng về nông nghiệp nên có đông đảo người da đen bị bắt cóc đem từ Phi Châu về đây làm nô lệ từ thế kỷ trước. Những người da đen này sau khi được giải phóng, một số nhỏ rời lên những tiểu bang miền Bắc để làm công nghiệp, đa phần còn lại vẫn tiếp tục ở lại sinh sống trong tình trạng nghèo khổ, và cũng chính do sự nghèo khổ này nên dễ sinh ra những tệ nạn xã hội ở đây.

    Sáng sớm hôm sau chúng tôi lái xe trở lại khu French Quarter ăn điểm tâm. Mọi du khách đến đây, ai cũng đến quán Café Du Monde nổi tiếng cả thế kỷ nay để thưởng thức hương vị café ở đây ít nhất một lần. Họ bán café sưã (café au lait) gồm một nưả café và nưả sưã nóng pha sẵn giống theo kiểu café "bí tất" cuả ta chứ không phải café filtre như tôi tưởng lúc ban đầu. Uống café sưã " bí tất " Du Monde với bánh “đô-nắt“ (doughnuts hay beignets) kiểu Pháp, nghiã là hình khối vuông to bằng nưả nắm tay chứ không hình vành khăn hay tròn như cuả Mỹ. Mỗi điã đựng từ 3 tới 6 “đô nắt” tuỳ theo là điã nhỏ hay điã lớn. Trên mặt bánh “đô nắt” người ta trải một lớp "đường bột" giống như bột mỳ vậy (sugar-dusted doughnuts). Ăn bánh “đô nắt” nhâm nhi cốc Café Du Monde, chỉ có thế thôi, vâng, chỉ có thế thôi mà lúc nào quán café này cũng đông nghẹt những người. Có lẽ du khách không phải đến đây để thưởng thức hương vị cà phê mà tôi cho là dở ẹc, mà họ đến đây để ngồi tại ngôi quán có một lịch sử lâu đời hơn cả trăm năm (1862), quán ấy nay đã trở thành biểu tượng cuả khu phố French Quarter này. Cũng không thể trách hương vị café ở đây được vì mỗi người có một cách thưởng thức với hương vị khác nhau và nhất là giá bán thật bình dân, 1 đô la rưỡi một cốc café lớn, điã “đô nắt” nhỏ gồm 3 chiếc giá 3 đô la, vưà túi tiền du khách, kể cả loại du khách "Tây ba lô" nghèo đói. Với giá đó tôi tự hỏi ta còn đòi hỏi gì thêm nưã nhỉ.

    Thất vọng với hương vị café thua cả vợ pha, du` là rất tay mơ, nhưng được bù lại tôi có một chuyện vui vui xin kể cho các anh chị nghe.

    Khi chúng tôi vưà bước vào quán Café Du Monde, tôi thấy một người tiếp viên có vẻ là người Việt nam, chúng tôi bèn hỏi chuyện làm quen. Anh cho chúng tôi biết tên anh là Dũng, làm việc ở quán này đã lâu. Chúng tôi làm thân rất nhanh với anh và anh cứ lẩn quẩn bên chúng tôi nói chuyện. Trong lúc đó tôi cũng chợt nhận ra một người tiếp viên thứ hai đứng gần đó là người Việt nam. Tôi được anh Dũng cho biết tên anh ta là Đỉnh (dấu hỏi) mà tôi nghe sao lại thành tên Định (dấu nặng). Khi anh Đỉnh đi lai gần phiá chúng tôi, tôi đứng lên làm như đã quen biết anh từ lâu nay mới gập lại, niềm nở hỏi anh:

    -Anh Định, Anh Định có nhớ tôi không?

    Đúng là "vỏ quýt dầy gập móng tay nhọn", anh Đỉnh cũng chào mừng tôi không kém phần vồn vã:

    -Ồ, anh Hiếu, lâu quá mới lại gập lại anh, từ nẫy đến giờ tôi cứ ngờ ngợ mà không dám nhận.

    Thế là tự nhiên tôi thành anh Hiếu nào đó trong trí tưởng tượng cuả anh, mà trong khi đó anh Đỉnh thì lại biến thành anh Định. Điều ấy thật chẳng có gì là quan trọng trong việc làm quen, chúng tôi cứ tay bắt mặt mừng nắm tay nhau trò chuyện. Tôi thấy anh ân cần quá, với gương mặt thật chân thật làm sao, khuôn mặt lộ rõ có lẽ cả cuộc đời anh chỉ biết cầu kinh và tin vào Đức Chuá. Cái chân thật và sự tiếp đãi nồng hậu cuả anh làm tôi hơi ngượng và nghĩ là anh nhầm thật nên không dám bông đuà với anh nưã.

    Anh Đỉnh mời chúng tôi thêm café và một điã bánh “đô nắt” thật đầy, anh không tính tiền, anh tặng chúng tôi bằng chính tiền túi cuả anh. Chúng tôi cố gắng trả tiền anh dù đã năm lần bẩy lượt nhưng anh vẫn không chịu nhận. Cuối cùng, đợi đến khi ra khỏi tiệm tôi phải dúi tiền vào túi áo anh và đi ra thẳng không cho anh có cơ hội trả lại tiền chúng tôi nưã. Anh Đỉnh đứng nói chuyện với chúng tôi lâu lắm. Chúng tôi cứ phải dục anh đi làm kẻo người chủ sẽ làm phiền hà đến anh nhưng anh vẫn quyến luyến chúng tôi, anh cho chúng tôi cả số điện thoại ở nhà lại còn vẽ bản đồ hướng dẫn đường cho chúng tôi đến thăm một trong những ngôi "làng VN" (cách gọi cuả anh Đỉnh) cách đó khoảng 20 phút lái xe.

    Nhân có hai người khách "xộp" mặc complet cà vạt đến ngồi bàn bên cạnh chúng tôi mà anh Đỉnh vẫn không chịu tiếp. Anh nói bọn khách trông có vẻ "xộp" nhưng lại thường

    rất "bủn" (keo kiệt). Anh kể có một lần một "vị" khách thuộc loại "xộp", complet cà vat chỉnh tề, cho "tip" anh có 3 cent. Anh đổ 3 cent ấy xuống bàn không nhận. Vị khách "xộp" này nổi giận vào mách ông chủ, anh bị phạt nghỉ việc 3 ngày. Anh Đỉnh cho biết thêm, vào những ngày lễ hội Mardi Gras, mỗi người tiếp viên cuả Café Du Monde chỉ phục vụ có 4 bàn mà thôi và trong tiệm có khoảng trên 50 người tiếp viên, người Việt nam ta chiếm tới 37 người. Anh Đỉnh cho biết thêm có đông tiếp viên người Việt nam là vì người VN ta chịu khó làm việc nên đã đẩy lần những anh tiếp viên Mỹ về vườn. Anh Đỉnh tính trung bình mỗi ngày thường anh kiếm trung bình được khoảng 80 đô la tiền “tip“, ngày lễ Mardi Gras hay những ngày lễ lớn khác thì có thể kiếm từ 100 tới 120 đô la một ngày. Anh Đỉnh trước kia làm Dental Asistance nhưng sau đó xin nghỉ việc để làm tiếp viên ở đây.

    Chúng tôi từ giã anh Dũng và Đỉnh sau khi chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, vội vã ra bến tầu để kip đáp chuyến tầu mang tên Natchez, với hình dáng loại cổ điển, chở du khách đi dọc sông Mississippi trong vòng hai tiếng đồng hồ. Doc theo bờ sông tôi thấy có nhiều cơ xưởng kỹ nghệ nằm rải rác, có cả nhà máy luyện nhôm, nhà máy lọc dầu nưã. Ngồi nhìn cảnh sông nước và ngồi ăn trưa trên tầu lại được thưởng thức ban nhạc Jazz chơi cũng là điều thú vị. Tôi thấy có hai hàng đê được đắp dọc bờ sông vì mực nước sông cao hơn mặt thành phố đâu khoảng 5 feets. Được sự đồng ý cuả người mechanic, Triều và tôi lần mò vào phòng máy để tò mò tìm biết thêm cách vận hành ra sao cuả cái “guồng nước” lớn sơn màu đỏ chói đang quay nước ở phiá sau tầu, nó là động lực chính để đẩy tầu đi. Trước đây, trong thời kỳ xa xưa, chiếc tầu này chạy bằng hơi nước, nay bằng dầu diesel.

    Sau khi rời tầu Natchez chúng tôi lái xe đi thăm khu "làng Việt nam" như đã được anh Đỉnh giới thiệu. Làng này có khoảng 10 nghìn người Việt nam, chắc phần đông là người Thiên Chuá giáo. Tôi thấy có hai ngôi nhà thờ lớn ở đây và đồng thời cũng có một ngôi chuà mầu đỏ ngay mặt đường lớn có vẻ mới được xây dựng rất khang trang. Làng này có "khu chợ" Việt nam riêng với đủ dịch vụ cần thiết như thực phẩm khô và tươi, văn phòng nha khoa, bác sĩ, luật sư, tiệm phở và nhiều cưả hàng đủ loại khác nưã, không thiếu thứ gì, nhưng kích thước, bề thế thì còn nhỏ.

    Chúng tôi ở lại đây một thời gian ngắn đủ để tò mò tìm hiểu những sinh hoạt cuả làng này, sau đó lái xe thẳng tiến sang tiểu bang Texas. Những thành phố Dallas, Houston,

    Galveston, Corpus Chriti, San Antonio đang chờ đợi chúng tôi.

    Ở New Orleans còn có sở thú ( zoo) và nhà nuôi cá (Aquarium). . .viện bảo tàng. New Orleans không phải chỉ có French Quarter mà chúng tôi vưà thoáng đi qua mà thôi, nó còn là thành phố cổ kính và có nhiều di tích lịch sử với sự pha trộn cuả những nền văn hoá lớn, ắt hẳn còn nhiều điều cần xem, cần biết nhưng thật tiếc chúng tôi không có thì giờ để đi thăm nhiều hơn.

    Nhìn chung, chuyến đi chơi New Orleans này , đối với tôi, thật là thú vị vì biết được những thắng cảnh, những sinh hoạt cuả người dân bản xứ sinh sống ở thành phố này hàng bao đời . Họ đã đổ bao nhiêu xương máu để tạo dựng nên mảnh đất ngày nay mà chúng ta đang được thưà hưởng. Mỗi bước chân tôi đi trên thành phố ấy, tôi thấy như dòng lịch sử cứ quay ngược trở lại để chúng tôi có cơ hội chiêm ngưỡng và thán phục sự đóng góp cuả những người đi trước với lòng biết ơn và sự kính trọng cuả riêng tôi.

    Tôi chỉ có một lời kết luận xin gửi đến các anh chị:

    " Đất nước Hoa Kỳ là mảnh đất hưá dành cho những người có óc phiêu lưu, khôn ngoan, đầy quả cảm với trái tim yêu thương và lòng bác ái "

    (1) Gồm một phần hay toàn phần cuả những tiểu bang sau:

    Minnesota, Iowa, Missoro, Arkansas, Louisiana, North Dakota, South Dakota,

    Nebraska, Kansas, Oklahoma, Montana, Wyoming, Colorado.


    --------------------------------------------------------------

    Sách tham khảo và trích dịch :

    - The Land And The People ( Robert Dixon )

    - AAA tour book

  • #2
    There is a house in New Orleans...

    Với người yêu dân ca Mỹ và người yêu nhạc rock trên khắp thế giới, nhắc tới địa danh New Orleans là nhắc tới ca khúc bất hủ House of the Rising Sun. Xin trích đăng hầu độc giả phần chính trong bài viết của nhà báo & nhà nghiên cứu âm nhạc HOÀI NAM về nguồn gốc ca khúc này (một số phiên bản ghi tựa đề ca khúc là The House of the Rising Sun là sai với tựa đề nguyên thủy House of the Rising Sun). NHT

    House of the Rising Sun – HOÀI NAM (trích)

    House of the Rising Sun nguyên là một bản dân ca Mỹ kể về kiếp sống khốn cùng của một cô gái ở thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ.

    Trước khi được nhạc sĩ Alan Price, trưởng ban nhạc The Animals, cải biên thành một bản rock hiện đại, House of the Rising Sun đã được xem là bản dân ca vùng núi Appalachian (Appalachian folk) có nhiều giai thoại và huyền thoại nhất. Như chúng tôi đã viết trong một bài trước đây, vùng núi Appalachian Mountains, gồm các tiểu bang Kentucky, Tennessee, Virginia, Maryland, West Virginia, North Carolina, và một phần của các tiểu bang Georgia, South Carolina, Pennsylvania, và Ohio, nơi mà thành phần dân cư đa số là di dân gốc Anh, Ái-nhĩ-lan, Tô-cách-lan, được xem là cái nôi của nền dân ca Hoa Kỳ, thường được gọi là Appalachian folk.

    Tương tự đa số bản dân ca khác, không ai được biết tác giả của House of the Rising Sun, và kể cả nguồn gốc của nó cũng rất mù mờ. Một số giả thuyết cho rằng House of the Rising Sun nguyên là một bản dân ca của Anh hoặc Ái-nhĩ-lan, được di dân mang theo sang vùng đất mới, lấy địa danh mới cho phù hợp: câu đầu trong bài hát nguyên thủy “There is a house in Lowestoft...” đã trở thành “There is a house in New Orleans...”

    [Lowestoft là một thị trấn nghèo ở bờ biển phía đông Anh quốc]

    Riêng nhạc sĩ Alan Price của ban The Animals, thì khẳng định nguyên gốc của House of the Rising Sun là một bản dân ca Anh có từ thế kỷ thứ 16 nói về một “thanh lâu” ở Soho.

    [Soho là một khu vực “xôi đậu” truyền thống ở phía tây thủ đô Luân-đôn, nổi tiếng với cuộc sống về đêm, lành mạnh (các rạp chiếu bóng) cũng như không lành mạnh (sex shops)]

    Thực hư ra sao, không ai có câu trả lời; chỉ biết một điều chắc chắn: tại Hoa Kỳ, những đĩa thu âm bản House of the Rising Sun đầu tiên đều là của các nghệ sĩ vùng núi Appalachian Mountains, những người có nguồn gốc di dân Anh, Ái-nhĩ-lan, hoặc Tô-cách-lan.

    Đĩa đầu tiên là của ca nhạc sĩ Clarence “Tom” Ashley (1895-1967) và nhạc sĩ khẩu cầm (harmonica) Gweb Foster (1903-1954), được thu âm năm 1934. Clarence “Tom” Ashley cho biết ông học được bài dân ca này từ ông nội của mình, Enoch Ashley.

    Ba năm sau, ca khúc này đã được nhà sưu tầm dân ca Alan Lomax thu âm với tiếng hát của một cô bé 16 tuổi.

    Alan Lomax (1915-2002), cùng với cha ông, là nhân viên quản thủ Thư khố Ca khúc Dân ca Mỹ (Archive of American Folk Song) tại Thư viện Quốc hội (Library of Congress). Trong một chuyến du hành cùng vợ tới miền đông tiểu bang Kentucky để khám phá, tìm hiểu dân ca, Alan Lomax đã thiết trí các dụng cụ ghi âm tại nhà một ca sĩ địa phương kiêm nhà phục hưng dân ca ở thị trấn Middlesboro. Chính tại phòng thu âm “dã chiến” này, vào năm 1937, Alan Lomax đã thu được bản House of the Rising Sun do Georgia Turner, cô con gái 16 tuổi của một phu mỏ địa phương hát, mà ông đặt tựa là The Rising Sun Blues.

    Sau đó, Alan Lomax thu âm thêm hai phiên bản khác do hai ca sĩ dân ca địa phương Bert Martin và Daw Henson hát. Năm 1941, lời hát của bản The Rising Sun Blues được Alan Lomax phổ biến lần đầu tiên trong tập nhạc Our Singing Country, mà ông cho biết là ghi lại lời hát của Georgia Turner; nội dung là lời tự thuật của một cô gái bỏ nhà đi theo gã tình nhân say sưa, cờ bạc tới New Orleans, rồi trở thành một gái điếm trong một thanh lâu có tên là “The Rising Sun”. Về nét nhạc, trong một bài viết sau này, Alan Lomax đã nhận xét giai điệu của Rising Sun Blues có những nét tương đồng với ca khúc dân gian truyền thống “Matty Groves” của Anh quốc.



    The Rising Sun Blues (Geogia Turner)

    There is a house in New Orleans they call the Rising Sun.
    It’s been the ruin of many a poor girl and me, O God, for one.
    If I had listened what Mama said, I’d be at home today.
    Being so young and foolish, poor boy, let a rambler lead me astray.
    Go tell my baby sister never do like I have done
    To shun that house in New Orleans they call the Rising Sun.

    My mother she’s a tailor, she sewed these new blue jeans.
    My sweetheart, he’s a drunkard, Lord, Lord, drinks down in New Orleans.
    The only thing a drunkard needs is a suitcase and a trunk.
    The only time he’s satisfied is when he’s on a drunk.
    Fills his glasses to the brim, passes them around.
    Only pleasure he gets out of life is hoboin’ from town to town.
    One foot is on the platform and the other one on the train.
    I’m going back to New Orleans to wear that ball and chain.
    Going back to New Orleans, my race is almost run.
    Going back to spend the rest of my days beneath that Rising Sun.


    Từ năm 1941 tới đầu thập niên 1960, đã có hàng chục ca sĩ dân ca thu đĩa bản The Rising Sun Blues, tức House of the Rising Sun theo lời hát của Geogia Turner. Vì nội dung ca khúc là lời tự thuật của một cô gái, cho nên những đĩa thành công nhất cũng là của các nữ ca sĩ chuyên hát dân ca, trong số đó có Joan Baez, hát trong album đầu tay của cô vào năm 1960, do chính cô soạn hòa âm và đàn guitar.



    House Of The Rising Sun (Joan Baez)

    There is a house in New Orleans
    They call the Rising Sun
    It has been the ruin of many a poor girl
    And me, oh, God, I'm one
    If I had listened to what my mother said,
    I`d have been at home today,
    But I was young and foolish, oh, God
    Let a rambler lead me astray
    Go tell my baby sisters
    Don't do what I have done
    To shun that house in New Orleans
    They call the rising sun
    And going back to New Orleans
    My race is almost run
    I'm going back to spend my life
    Beneath the rising sun


    Tới đây, chúng tôi xin điểm qua một vài giai thoại, huyền thoại về bản House of the Rising Sun.

    Trước hết, tại sao bối cảnh lại là New Orleans mà không phải một thành phố nào khác?

    Hiện nay, nhắc tới New Orleans rất có thể một số người chỉ biết đây là thành phố đã hứng chịu cơn bão Katrina năm 2005, với mức độ thiệt hại được ghi nhận là khủng khiếp nhất trong lịch sử Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, nhưng thực ra trước đó, New Orleans đã nổi tiếng quốc tế, và được xem là thành phố có sắc thái và sinh hoạt độc đáo nhất (the most unique city) ở Hoa Kỳ.

    Hai nhân tố chính tạo nên những độc đáo đó là ảnh hưởng văn hóa Pháp và kiếp sống cùng khổ của người nô lệ Phi châu.

    Trước hết nói về ảnh hưởng văn hóa Pháp, có thể viết: nếu không có những tình cờ của lịch sử thì Hoa Kỳ đã không có tiểu bang Louisiana, không có thành phố New Orleans, và lẽ dĩ nhiên cũng không có... ca khúc House of the Rising Sun!

    Xưa kia, “vùng đất Louisiana” (tiếng Pháp: Louisiane), trong đó có lãnh thổ tiểu bang Louisiana ngày nay, là một thuộc địa rộng lớn của Pháp, được đặt tên “Louisiane” để vinh danh Vua Louis XIV, còn thành phố New Orleans nguyên là “Nouvelle Orléans”, đặt theo tên Quận công xứ Orléans (Duke of Orleans), vị Nhiếp chính đại diện triều đình Pháp cai trị vùng Louisiane từ năm 1715 tới năm 1723.

    Vùng đất bao la ấy ngày nay là lãnh thổ các tiểu bang Arkansas, Missouri, Iowa, Oklahoma, Kansas, Nebraska, phần lớn lãnh thổ các tiểu bang North Dakota, South Dakota, và một phần lãnh thổ các tiểu bang Minnesota, New Mexico, Texas, Montana, Wyoming, Colorado, cùng với phần lãnh thổ của tiểu bang Louisiana ở tây ngạn sông Mississippi, bao gồm thành phố New Orleans.

    Năm 1789, xảy ra cuộc Cách mạng Pháp lật đổ vua Louis XVI, vị vua cuối cùng của dòng tộc Bourbon. Tới đầu thế kỷ thứ 18, thời ông Thomas Jefferson làm Tổng thống Hoa Kỳ, để dồn mọi nỗ lực vào việc đương đầu với Liên quân Âu châu, và cũng để đám hậu duệ và các cựu thần của hoàng tộc Bourbon không còn “căn cứ địa” để mưu dựng lại vương triều, năm 1803, Hoàng đế Nã-phá-luân đệ Nhất đã bán vùng đất Louisiane cho Hoa Kỳ với giá 15 triệu đô-la, tương đương với 263 triệu ngày nay (chưa tới 42 xu một acre).

    Sau khi mua vùng đất “Louisiane”, người Mỹ đổi tên thành “Louisiana”, và thủ phủ “Nouvelle Orléans” đổi thành “New Orleans”.

    Sau khi vùng Louisiana trở thành lãnh thổ của Hoa Kỳ, người da trắng ở các vùng đất khác cũng như từ Âu châu đổ xô tới lập nghiệp, khai phá, các đồn điền được mở ra, nô lệ da đen được đưa tới, New Orleans trở thành một thành phố thương mại sầm uất, và cũng là nơi tụ tập của giới nghệ sĩ, dân giang hồ ở miền Nam.

    Vì thế ngày nay, bên cạnh những kiến trúc độc đáo theo kiểu “thuộc địa” của Pháp, đặc biệt là khu phố cổ French Quarter (Quartier Francais), New Orleans còn nổi tiếng với những di sản của một nền văn hóa đa nguyên (multicutural) và đa ngữ (multilingual). Di sản ấy là ẩm thực (cusine), là âm nhạc, là lễ hội quanh năm, trong đó có hội mùa xuân “Mardi Gras” kéo dài hai tuần lễ, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới.

    Nhưng bên cạnh đó, New Orleans còn là thành phố của những kiếp sống nghèo khổ, đường phố nhớp nhúa, tội phạm tràn lan. Mới đây, vào năm 2011, New Orleans đã bị tạp chí Travel+Leisure cho đứng đầu danh sách những thành phố dơ bẩn nhất Hoa Kỳ (America’s Dirtiest City).

    Về tội phạm, thống kê năm 1994 cho thấy New Orleans có tỷ lệ tội phạm tính trên đầu người cao nhất nước Mỹ, với 84 vụ sát nhân cho mỗi 100.000 dân. Tới năm 2012, tuy tỷ lệ ấy đã giảm xuống còn 53.2 vụ, New Orleans vẫn nằm trong “Top 5” ở Hoa Kỳ!

    Theo trang mạng Wikipedia, người da đen gần như “giữ độc quyền” về tội phạm ở New Orleans với 97%, trong số đó có tới 95% là nam giới.

    Người da đen ở Louisiana nói chung, New Orleans nói riêng, đa số là hậu duệ của những người nô lệ gốc Tây Phi, được đưa tới Louisiana làm phu đồn điền. Có cùng nguồn gốc, cùng một nền văn hóa, cùng một số phận, những người nô lệ này đã phối hợp các thể loại dân ca của người da trắng, cùng với những giọt nước mắt tủi nhục, những uất nghẹn trong tim thành những dòng nhạc nức nở quằn quại, mà sau này được gọi là nhạc “blues”; để rồi từ “blues” đã phát sinh ra các thể loại jazz, rhythm and blues (R&B), và rock and roll.

    Riêng thành phố New Orleans đã được ghi nhận là nơi ra đời của jazz, thể loại được nhiều người liệt vào hàng “âm nhạc nghệ thuật” (art music).

    House of the Rising Sun là một bản dân ca blues (blues folk) điển hình, cho dù nhân vật trong lời hát là một cô gái da trắng, cho dù người hát không có gốc gác Phi châu, người nghe vẫn thấy được cái chất, vẫn cảm được cái hồn “African-American” trong đó.

    Như chúng tôi đã viết ở đoạn đầu, nội dung ca khúc nguyên thủy (do Georgia Turner hát và Alan Lomax ghi lại) là lời tự thuật của một cô gái dại dột bỏ nhà đi theo gã tình nhân say sưa, cờ bạc tới New Orleans, rồi trở thành một cô gái buôn hương bán phấn trong một thanh lâu có tên là “The Rising Sun”.


    Thanh lâu?


    Cũng có một số người dựa vào mấy chữ “ball and chain” (xiềng xích tù tội” trong câu I’m going back to New Orleans to wear that ball and chain) để đi tới kết luận “House of the Rising Sun” là một ngục thất.

    Ngục thất?


    Cho tới nay, và có lẽ nghìn sau, không ai có thể biết đích xác “House of the Rising Sun” là một thanh lâu, một sòng bài, một ngục thất, hay trại cải huấn, hoặc viện phục hồi cho những cô gái điếm bị bệnh hoa liễu. Bởi tất cả chỉ là những giai thoại, huyền thoại.

    Huyền thoại phổ biến nhất nói rằng “House of the Rising Sun” là một thanh lâu, tọa lạc ở số 826-830 St. Louis Street, trong French Quarter, chủ nhân là một tú bà người Pháp tên là Marianne Le Soleil Levant. “Le Soleil Levant” là tiếng Pháp, dịch sang tiếng Anh là “The Rising Sun” cho nên chủ nhân thanh lâu (hoặc khách mua hoa) mới lấy mấy chữ này để đặt tên cho cơ sở giải trí... không lành mạnh ấy!

    Năm 1997, trong cuốn Bizarre New Orleans, tác giả F. G. Fox cũng ghi lại y như thế, chỉ có địa chỉ là khác: số 1614 Esplanade Avenue - một con đường “vừa danh tiếng vừa tai tiếng”, tương tự khu nghệ sĩ Montmartre với những “người em tóc vàng sợi nhỏ” ở kinh thành ánh sáng Ba-lê.

    Trong khi đó, ca nhạc sĩ dân ca Dave van Ronk (1936-2002), người đã cải biên lời hát và soạn hòa âm cho phiên bản “The House of the Rising Sun” được Bob Dylan thu đĩa, thì ủng hộ giả thuyết cho rằng “House of the Rising Sun” là một ngục thất, bởi vì chính ông đã được xem một tấm hình xưa cũ chụp nhà tù dành cho phụ nữ ở New Orleans, trên cổng vào có huy hiệu mặt trời mọc; từ đó ông tin rằng “House of the Rising Sun” là tiếng lóng để chỉ nhà tù.

    Những người phản bác lập luận của Dave van Ronk thì cho rằng mấy chữ “ball and chain” trong lời hát không có nghĩa đen là “xiềng xích tù tội” mà mang nghĩa bóng là “khổ lụy tình ái” mà cô gái bị vương vào!

    Trước những giai hoại và huyền thọai nói trên, một số nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu tới nơi tới chốn qua những cuốn hướng dẫn (directories) và báo cũ. Kết quả, người ta được biết vào thế kỷ thứ 19, ở New Orleans có ít nhất ba cơ sở mang tên “Rising Sun”:

    - Rising Sun Hotel, một khách sạn nhỏ ở Conti Street, trong French Quarter, bị thần hỏa thiêu rụi năm 1822. Năm 2005, khi khai quật di tích, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số lượng chai lọ, hộp đựng son phấn, nước hoa nhiều quá mức bình thường; đồng thời trên báo cũ có một mục quảng báo bóng gió cho biết nơi đây có các nàng Kiều thời đại.

    - Rising Sun Hall, vào cuối thế kỷ thứ 19 ở một khu vực nay là Cherokee Street, thường được cho mướn để tổ chức các party, dạ vũ, và có các sinh hoạt cờ bạc, đĩ điếm.

    - The Rising Sun Coffee House, ở một vị trí nay là Decatur Street, có lúc được quảng cáo trên báo là "Restaurant”, có khi lại là “Lager Beer Salon”. Cũng nên biết tại New Orleans, các cơ kinh doanh được gọi là “coffee houses” trên thực tế cũng bán rượu, và lẽ dĩ nhiên cũng có thể trở thành địa điểm “đón khách” của các cô gái mại dâm.

    Tuy nhiên, kết quả tìm hiểu của các nhà nghiên cứu cũng không đủ để đi tới kết luận “House of the Rising Sun” được nhắc tới trong bản dân ca nổi tiếng có phải là một trong ba cơ sở thương mại có tên “Rising Sun” nói trên hay không?!




    “House of the Rising Sun” hiện đại

    Cuối năm 1961, ca khúc House of the Rising Sun với lời hát đã sửa đổi đôi chút được Bob Dylan thu đĩa và phổ biến vào tháng 3 năm 1962 trong album đầu tay của chàng, trong đó chỉ ghi đây là một ca khúc truyền thống (traditional), chứ không ghi tác giả hòa âm (arrangement); việc này được hiểu ngầm là chính Bob Dylan đã tự soạn hòa âm cho đĩa hát của mình. Tuy nhiên sau này, trong cuốn phim tài liệu No Direction Home (2005) nói về sự nghiệp của Bob Dylan, người ta đã dẫn lại lời ca nhạc sĩ dân ca Dave van Ronk, theo đó, lời hát và hòa âm trong bản House of the Rising Sun do Bob Dylan thu đĩa là của chính ông.

    Một cách chi tiết, Dave van Ronk cho biết ông đã nghe được ca khúc này từ đĩa hát của nữ ca sĩ dân ca Hally Wood (1922-1989) ở Texas, hát theo lời hát và giai điệu nguyên thủy trong đĩa của Georgia Turner. Sau đó, Dave van Ronk mới thêm vào chút chất “jazz” và sửa đổi lời hát cho phù hợp.

    Cũng theo lời Dave van Ronk, tới đầu thập niên 1960, phiên bản House of the Rising Sun của ông đã trở nên rất phổ biến trong giới ca sĩ dân ca.

    [Sở dĩ chúng tôi hơi chi tiết về vụ “copy” này là vì về sau, khi bản House of the Rising Sun do The Animals thu đĩa làm mưa gió trên khắp thế giới, đã nổ ra một cuộc tranh luận khá gay gắt về việc “ai đạo nhạc của ai?”]

    Lời hát trong bản House of the Rising Sun do Bob Dylan thu đĩa, so với lời hát trong The Rising Sun Blues của Georgia Turner tuy có nhiều đoạn khác nhau nhưng ý nghĩa ca khúc không thay đổi, và nhân vật chính vẫn là một cô gái.



    House of the Rising Sun (Bob Dylan)

    There is a house down in New Orleans
    They call the Risin’ Sun
    And it's been the ruin of many a poor girl
    And me, oh god, Im a-one

    My mother was a tailor
    She sewed these new blue jeans
    My sweetheart was a gambler, lord
    Down in New Orleans

    Now the only thing a gambler needs
    Is a suitcase and a trunk
    And the only time he's satisfied
    Is when he's on a drunk

    He fills his glasses up to the brim
    And hell pass the cards around
    And the only pleasure he gets out of life
    Is ramblin from town to town

    Oh tell my baby sister
    Not to do what I have done
    But shun that house in New Orleans
    They call the Risin’ Sun

    Well, it's one foot on the platform
    And the other foot on the train
    Im goin back to New Orleans
    To wear that ball and chain

    Im a-goin back to New Orleans
    My race is almost run
    Im goin back to end my life
    Down in the Risin’ Sun

    There is a house in New Orleans
    They call the Risin’ Sun
    Its been the ruin of many poor girl
    And me, oh god, Im a-one


    Trong số những nghệ sĩ nổi tiếng của Mỹ thu đĩa bản House of the Rising Sun (theo phiên bản của Bob Dylan) phải kể tới Nina Simone (1933-2003), một nữ ca sĩ nhạc jazz, nhà viết ca khúc, nhạc sĩ dương cầm Mỹ gốc Phi châu nổi tiếng bậc nhất, và cũng là một nhà hoạt động nhân quyền không biết mệt mỏi. Bản House of the Rising Sun, cũng như nhiều ca khúc nổi tiếng khác của Nina Simone, đã được thu “live” trong các buổi trình diễn của bà tại phòng trà ca nhạc Village Gate ở khu nghệ sĩ Greenwich Village, New York.

    Nhưng phải đợi tới khi xảy ra “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” (British Invasion) vào nền nhạc phổ thông ở Hoa Kỳ, bản House of the Rising Sun mới đạt tới đỉnh cao của nó, qua tài nghệ của ban nhạc Anh The Animals, một ban nhạc chuyên trình diễn các ca khúc “blues rock”, “folk rock”, R&B (rhythm and blues).

    The Animals – một cách đầy đủ là Eric Burdon and The Animals – nguyên là ban nhạc “Alan Price Combo” được nhạc sĩ (đàn organ) Alan Price thành lập năm 1958 tại Newscastle, thành phố của kỹ nghệ than đá ở đông bắc nước Anh. Tới đầu thập niên 1960, “Alan Price Combo” được đổi tên thành “The Animals”.

    Đầu năm 1964, The Animals lên thủ đô Luân-đôn lập nghiệp, và chỉ mấy tháng sau đã nổi tiếng khắp thế giới với đĩa hát House of the Rising Sun.

    Nguyên vào tháng 5 năm ấy, The Animals đi lưu diễn chung với ca nhạc sĩ Mỹ Chuck Berry. Thay vì kết thúc chương trình với một ca khúc quen thuộc nào đó, họ muốn có một cái gì mới lạ, và Eric Burdon chợt nhớ tới một bản dân ca chàng đã được nghe nam ca sĩ Anh Johnny Handle trình diễn tại một câu lạc bộ ở Newscastle trước đây, đó chính là House of the Rising Sun. Alan Price liền soạn hòa âm cho ca khúc và sửa lại lời hát, nhân vật chính là cô gái có gã tình nhân rượu chè cờ bạc nay trở thành một thanh niên có người cha say sưa và mê đen đỏ.

    House of the Rising Sun (The Animals)

    There is a house in New Orleans they call the Rising Sun
    And it’s been the ruin of many a poor boy and God, I know I’m one.

    My mother was a tailor, sewed my new blue jeans,
    My father was a gambling man down in New Orleans.

    Now the only thing a gambler needs is a suitcase and a trunk
    And the only time he’s satisfied is when he’s on a drunk.

    Oh mothers tell your children not to do what I have done,
    Spend your life in sin and misery in the House of the Rising Sun.

    Well, I’ve got one foot on the platform, the other foot on the train
    And I’m going back to New Orleans to wear that ball and chain.

    Well, there is a house in New Orleans they call the Rising Sun
    And it’s been the ruin of many a poor boy and God, I know I’m one.




    House of the Rising Sun do The Animals trình bày trên sân khấu đã được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt, có thể nói là tới mức điên cuồng. Trước sự kiện này, nhà sản xuất đĩa nhạc Mickie Most, một đại diện của hãng đĩa Columbia Records, đã lợi dụng lúc The Animals nghỉ xả hơi giữa các buổi trình diễn, cấp tốc đưa họ về một phòng thu âm ở Luân-đôn, và chỉ thu một lần duy nhất (one take).

    Hôm đó là ngày 18 tháng 5 năm 1964, ngày mà theo nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Dave Marsh của Mỹ, “ca khúc đầu tiên của thể loại folk-rock ra đời”, ca khúc mà ký giả Ralph McLean của đài BBC gọi là “ca khúc cách mạng, đã thay đổi vĩnh viễn bộ mặt của ca nhạc hiện đại”.

    Viết tới đây, chúng tôi bỗng hồi tưởng cảm giác “rúng động” trong lần đầu tiên được nghe House of the Rising Sun do The Animals trình bày, và tin rằng đó cũng là cảm giác của đại đa số “baby boomers” ngày ấy.

    Mở đầu (intro) bằng tiếng đàn guitar điện của Hilton Valentine “rải” bộ hợp âm La thứ (A minor chord arpeggio) theo thứ tự Am, C, D, F, Am, E7, Am. Vẫn biết bất cứ ai có chút căn bản hòa âm cũng đều thuộc lòng bộ hợp âm nói trên, nhưng sao tiếng đàn của Hilton Valentine lại có sức thu hút mãnh liệt đến như thế?!

    [Hilton Valentine chỉ “chế” một chút xíu là thay vì Dm (Ré thứ), anh đã chơi D (Ré trưởng)]

    Rồi tới giọng hát của Eric Burdon, một giọng hát rất có hồn, khàn khàn, sâu thẳm, gào thét..., như thể nó vang vọng từ thành phổ mỏ Newcastle, nơi xuất thân của chàng.

    Tới giữa bản là tiếng đàn organ điện vừa lả lướt vừa dồn dập vừa ma quái của Alan Price.

    Có thể viết, cả ba yếu tố nói trên đều là những thứ “đầu tiên” trong nền nhạc rock hiện đại, và đóng vai trò quan trọng ngang nhau trong thành công của bản House of the Rising Sun do The Animals thu đĩa.



    House of the Rising Sun của The Animals không chỉ làm mưa gió trên các bảng xếp hạng mà còn gây sóng gió trong kỹ nghệ ca nhạc với những cáo buộc “đạo nhạc”.

    Trước hết, vì lời hát và giai điệu trong đĩa hát của The Animals rất giống đĩa của Bob Dylan, trong khi trên nhãn đĩa lại chỉ ghi “Ca khúc truyền thống (traditional), hòa âm: Alan Price”, The Animals đã bị nhiều người, nhất là những người ái mộ Bob Dylan, lên án là đạo nhạc của Bob Dylan.

    Nhưng sau đó Dave van Ronk đã lên tiếng, ông nói rằng xét tới nơi tới chốn, nếu buộc The Animals vào tội “đạo nhạc” thì họ đã không đạo nhạc của Bob Dylan, bởi chính ông mới là người đã cải biên lời hát và soạn hòa âm cho phiên bản House of the Rising Sun mà Bob Dylan thu đĩa. Nói cách khác, nếu quả thật The Animals “đạo nhạc” thì họ đã “đạo nhạc của một người đạo nhạc”! (Sở dĩ trước kia Dave van Ronk không lên tiếng là vì House of the Rising Sun do Bob Dylan thu đĩa không được xem là một thành công đáng kể).

    Từ đó, Bob Dylan không bao giờ trình diễn ca khúc này nữa, trong khi ban The Animals thì vẫn tiếp tục, bởi vì Eric Burdon khẳng định anh chưa bao giờ nghe đĩa hát của Bob Dylan, đồng thời, như đã viết ở một đoạn trên, Alan Price (trưởng ban kiêm nhạc sĩ organ) luôn tin rằng nguyên gốc của House of the Rising Sun là một bản dân ca Anh có từ thế kỷ thứ 16 nói về một “thanh lâu” ở Soho, sau này được di dân mang theo sang Tân thế giới!

    Cho tới nay, các tác giả khi viết về ca khúc House of the Rising Sun vẫn chưa đi tới một sự đồng thuận về việc trên các bản in, trên đĩa hát, sau chữ “traditional”, phải ghi tên ai, hoặc những ai. Nhưng có một điều ai cũng phải đồng ý: House of the Rising Sun do The Animals thu đĩa là “ca khúc đầu tiên của thể loại folk-rock”, là “ca khúc cách mạng, đã thay đổi vĩnh viễn bộ mặt của ca nhạc hiện đại”, như nhà phê bình âm nhạc Dave Marsh của Mỹ, và ký giả Ralph McLean của đài BBC đã xưng tụng.

    Chính Bob Dylan đã kể lại rằng lần đầu tiên được nghe House of the Rising Sun của The Animals qua radio trên xe, anh đã “nhảy nhổm khỏi ghế vì thích bản này quá chừng!”

    Một số nhà phê bình âm nhạc còn đi xa hơn khi cho rằng, với House of the Rising Sun và những ca khúc thu đĩa sau đó như Don’t Let Me Be Misunderstood, We Gotta Get Out of This Place, It’s My Life, See See Rider..., The Animals còn được xem là một trong hai ban nhạc tiên phong của thể loại “hard rock”. Ban kia là The Rolling Stones, cũng của Anh quốc.

    Theo các tài liệu tham khảo, chỉ tính lời hát bằng tiếng Anh, sau The Animals, đã có hàng trăm ca sĩ, ban nhạc thu đĩa House of the Rising Sun.

    [Một điều đáng lưu ý là trong số nói trên không có một ca sĩ hay ban nhạc nào của Anh quốc cùng thời với The Animals; rất có thể vì họ không muốn “cạnh tranh” với “đồng hương”, cũng có thể vì họ sợ mình hát không “đạt” cho bằng. Riêng đĩa single House of the Rising Sun của The Animals, khi được tái phát hành vào các năm 1972 và 1982, đã lên tới hạng 25 và 11]

    Năm 1970, ban Frijid Pink, một ban nhạc rock của Mỹ ở vùng Detroit đã vụt nổi tiếng với đĩa House of the Rising Sun trình bày dưới hình thức “psychedelic rock”. Bản này lên tới hạng 7 trong danh sách Billboard Hot 100, đứng No.1 tại Đức và ở trong Top 10 của hầu hết các quốc gia Tây Âu.

    [“Psychedelic” từ chữ “Psychedelia”, là một hiện tượng văn hóa bắt đầu vào cuối thập niên 1960, trong đó các loại “drug” được sử dụng để tạo ảo giác trong việc thưởng thức. Hai lĩnh vực phổ biến nhất của Psychedelia là tranh ảnh (psychedelic artwork) và âm nhạc (psychedelic music). Mặc dù các ca sĩ, ban nhạc “psychedelic rock” không nhất thiết phải là người sử dụng “drug” như khán thính giả của họ, hai tên tuổi lớn nhất của “psychedelic rock” của Mỹ là Jimi Hendrix (1942-1970) và Janis Joplin (1943-1970) đều chết vì overdosed. Tới cuối thập niên 1970, cùng với phong trào hippy, “psychedelic rock” đã tàn lụi]

    Tới cuối năm 1981, Dolly Parton, nữ ca nhạc sĩ nhạc country thời danh kiêm diễn viên hài kịch của Mỹ, thu đĩa bản House of the Rising Sun lời hát của Dave van Ronk đã được Dolly sửa lại ở một vài đoạn, và phát hành trong album “9 to 5 and Odd Jobs” (“9 to 5” cũng là tựa cuốn phim hài kịch nổi tiếng phát hành vào đầu năm 1981, nói về ba cô thư ký văn phòng trả thù các “big boss”, do Dolly Parton, Jane Fonda và Lily Tomlin thủ vai chính.

    Mặc dù chỉ lên tới hạng 14 trong bảng xếp hạng nhạc country, House of the Rising Sun cũng đã trở thành một trong những ca khúc cầu chứng của Dolly Parton.



    House Of The Rising Sun (Dolly Parton)

    There is a house in New Orleans
    Down in the Vieux Carré
    A house they call the "Rising Sun"
    Where love and money are made
    My father, he was a gambler
    Mama died when I was young
    And I've worked since then to pleasure the men
    At the house of the Rising Sun
    There is a house in New Orleans
    They call the "Rising Sun"
    It's been the ruin of many a good girl
    And, oh God, you know I'm one
    So mothers, you go tellin' all your daughters
    Not to do what I have done
    To live a life of sin, shame, and strife
    In the "House of the Rising Sun"
    There is a house in New Orleans
    They call the "Rising Sun"
    It's been the ruin of many a good girl
    And, oh God, you know I'm one
    Oh God, you know I'm one
    Oh God, you know I'm one


    Tới đây, nói về các phiên bản House of the Rising Sun tiếng ngoại quốc. Với thính giả Việt Nam thuộc thế hệ “baby boomers”, dĩ nhiên bản lời Pháp “Le Pénitencier” do Johnny Halliday hát là bản phổ biến nhất.

    Vào năm 1964, ngay sau khi đĩa House of the Rising Sun của The Animals làm mưa gió, ca khúc này đã được hai tác giả Vline Buggy và Hugues Aufray đặt lời Pháp với tựa “Le Pénitencier” (Nhà tù khổ sai), cũng có khi được ghi là “Les Portes du Pénitencier” (Cánh cửa nhà tù khổ sai). Trong phiên bản này, “House of the Rising Sun” được khẳng định là một nhà tù (Những cánh cửa nhà tù sắp khép lại, và cuộc đời của tôi sẽ tàn nơi đây, nơi bao gã con trai khác đã tàn đời). Và trong những giây phút cuối cùng trước khi cánh cửa nhà tù khép lại, người con trai ấy đã bày tỏ sự ân hận về những khổ đau, những giọt nước mắt mà mình đã mang lại cho mẹ, cho người yêu...




    Le Pénitencier (Johnny Halliday)

    Les portes du pénitencier
    Bientôt vont se refermer
    Et c'est là que je finirai ma vie
    Comme d'autres gars l'ont finie.

    Pour moi ma mère m'a donné
    Sa robe de mariée
    Peux-tu jamais me pardonner
    Je t'ai trop fait pleurer.

    Le soleil n'est pas fait pour nous
    C'est la nuit qu'on peut tricher
    Toi qui ce soir as tout perdu
    Demain, tu peux gagner.

    Ô mères, écoutez-moi
    Ne laissez jamais vos garçons
    Seuls la nuit traîner dans les rues
    Ils iront tout droit en prison

    Toi la fille qui m'as aimé
    Je t'ai trop fait pleurer
    Les larmes de honte que tu as versées
    Il faut les oublier.

    Les portes du pénitencier
    Bien tôt vont se refermer
    Et c'est là que je finirai ma vie
    Comme d'autres gars l'ont finie.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 09-16-2017, 12:13 PM.

    Comment


    • #3
      Nói tới Louisiana, New Orleans "Country Cajun" không nói tới Cajun foods, Cajun French Music, thật là thiếu sót.

















      Last edited by Nguyen Huu Thien; 09-09-2017, 12:42 AM.

      Comment


      • #4
        Mardis Gras

        Nói đến New Orleans, phải nhớ đến Mardis Gras loạn cuồng ở Bourbon Street, French Quarter







        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X