Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tim bai viet ve Ngo Nghia

Collapse
X

Tim bai viet ve Ngo Nghia

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tim bai viet ve Ngo Nghia

    Thưa quý huynh,
    Tôi muốn tìm lại bài viết về cuộc xử bắn Anh Hùng Ngô Nghiã tại Trảng Lớn-Tây Ninh vào khoảng 1976
    Huynh nào còn nhớ bài viết này ở đâu vui lòng cho biết.
    Chân thành cám ơn.
    Bào 237

  • #2
    Ngô Nghĩa

    anh vào Google : tìm Hồi ký cải tạo : cuộc đời Ngô Nghĩa - bon lecture

    Comment


    • #3
      Nguyên văn bởi Bao Vu
      Thưa quý huynh,
      Tôi muốn tìm lại bài viết về cuộc xử bắn Anh Hùng Ngô Nghiã tại Trảng Lớn-Tây Ninh vào khoảng 1976
      Huynh nào còn nhớ bài viết này ở đâu vui lòng cho biết.
      Chân thành cám ơn.
      Bào 237


      Anh có thể đọc ở đây:

      Hồi Ký Cải Tạo của Hoàng Long Hải

      Comment


      • #4
        Nguyên văn bởi Bao Vu
        Thưa quý huynh,
        Tôi muốn tìm lại bài viết về cuộc xử bắn Anh Hùng Ngô Nghiã tại Trảng Lớn-Tây Ninh vào khoảng 1976
        Huynh nào còn nhớ bài viết này ở đâu vui lòng cho biết.
        Chân thành cám ơn.
        Bào 237
        Cuộc Đời Ngô Nghĩa
        hoànglonghải

        Các trưởng khối đi họp lúc 10 giờ sáng, tới 11 giờ thì về thông báo cho biết trưa nay “cách mạng” sẽ xử bắn Ngô Nghĩa ở phi trường Trảng Lớn.

        Mỗi khối cử một hay hai người đi coi để về phổ biến cho anh em cải tạo hay. Riêng L3/ T3, “đơn vị” chúng tôi, gồm 6 khối, từ khối 1 đến khối 6 vì ở sát phi trường nên mọi người có thể ra sát hàng rào, đứng bên nầy bờ đất để coi. Phan Hải, trưởng khối 1, yêu cầu tổ trực nấu cơm hôm nay, phát cơm sớm để “anh em đi xem” như lời “bộ đội yêu cầu”.
        Trưởng khối Phan Hải nhắm bộ háo hức trong vụ xử bắn nầy. Anh ta lảnh phần ăn, ăn vội vã cho xong, rồi mặc áo đi lên khu nhà bộ đội ở.

        Anh ta nguyên là Trung úy chế độ cũ, thuộc Đặc Khu Saigon – Chợ Lớn, biệt phái kiểm soát ẩm thực ở nhà tù Chí Hòa.
        Anh ta rất “giác ngộ Cách mạng” bởi một lý do rất dễ hiểu. Anh ta thuộc thành phần liên hệ với Việt Cộng, mà liên hệ nặng như tôi đã kể ở bài trước. Cũng vì có lý lịch như thế, anh ta thường lên chơi với bộ đội và có nhiều chuyện hay hay đem về kể cho chúng tôi nghe.

        Chẳng hạn như chuyện Ngô Nghĩa sẽ bị xử bắn trưa nay.

        Ngô Nghĩa, nguyên là Trung úy Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Anh ta cũng “trình diện đóng tiền đi ở tù” như mọi người. Anh ở “đơn vị” L3/T1 hay T4 gì đó, không thuộc T2 vì nếu T2 thì cách T3 chúng tôi bằng một hàng rào kẽm gai mong manh, bên nầy bên kia anh em lén lút chuyện trò qua lại được thì chúng tôi biết rõ sự việc hơn.

        Theo Phan Hải thì cách đây mấy hôm, trời mới rạng sáng, Ngô Nghĩa mặc quần áo bộ đội, – Anh ta giả trang bộ đội – đi từ trại ra cổng lớn ở Trảng Lớn, khoảng đường cũng khá xa, gần hai cây số. Trên đường đi, Ngô Nghĩa cắt giây điện thoại nối từ cổng vào bộ chỉ huy. Anh ta mang một khẩu súng CKC nhưng lại băng đạn AK.

        Có lẽ anh “điều nghiên sơ hở về khâu” nầy, dễ làm cho bộ đội sinh nghi.

        Khi tới cổng, bộ đội gác cổng chận anh ta lại hỏi. Anh ta trả lời không rõ ràng đơn vị bộ đội nào. Toán ở cổng gọi điện thoại vào “xác minh” với bộ chỉ huy thì không nối đường giây được.

        – Ngô Nghĩa đã cắt rồi, còn đâu! – Thế là toán gác cổng giữ anh ta lại, chờ “xác minh với trên”.

        Bất thần, anh ta vùng chạy ra khỏi cổng. Bộ đội đuổi theo. Ngô Nghĩa quăng lui một trái lựu đạn, loại mini. “May” là lựu đạn rơi xuống một cái hố bên đường nên chỉ làm cho một “chú bộ đội” bị thương nhẹ. Toán gác cổng tiếp tục truy đuổi, cuối cùng anh bị bắt ở khu nhà dân phía ngoài cổng lớn.

        Ngô Nghĩa nhứt định không khai một lời mặc dù Quân Pháp, từ “Sư” (Sư là Sư Đoàn, – Việt Cộng hay gọi tắt như vậy) về hỏi cung rất kỹ và rất căng. Theo Phan Hải thì không bao giờ Ngô Nghĩa bị đánh vì luật pháp Việt Cộng không cho phép đánh bị can?!

        Do đó, “cách mạng” không biết ai đã cung cấp súng và quần áo bộ đội. Họ cương quyết cho rằng phải có người lấy giúp súng và quần áo cho Ngô Nghĩa chứ anh ta không thể lên khu bộ đội lấy cắp được.

        Cuối cùng, Ngô Nghĩa ôm một lô tội mà ra pháp trường. Nặng nhứt là tội “sát thương bộ đội”, thứ hai là “tội trộm tài sản xã hội chủ nghĩa”, đặc biệt lại là trộm vũ khí và quân nhu (có nghĩa là sung và quần áo bộ đội), thứ ba là tội trốn trại, thứ tư là “tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”, có nghĩa là cắt giây điện thoại. Với chừng đó tội, “quân pháp” đề nghị với “trên” xử tử. “Trên” chuẩn y. Vậy là trưa nay Ngô Nghĩa ra pháp trường.

        Trong khi Phan Hải vừa ăn vừa kể chuyện, anh em trong tổ tôi – Tổ 1, Đội 1, Khối 1 L3-T3 – im lặng ngồi nghe. Ăn xong, Phan Hải đi ra giếng bên hông nhà, Phạm Quang Chiểu, Bắc Kỳ 54, (như chúng tôi thường gọi đùa), chỗ nằm gần sát vách trong, bên cạnh Trần Phú Trắc, người thâm trầm ít nói, nhìn anh em chỉ cười cười, phán một câu, nghe hơi lạnh mình: “Chiến dịch khủng bố bắt đầu!”

        Phạm Ngọc Hiền, dân Quảng Ngãi, chỗ nằm gần phía cửa trước, đang đu đưa nhè nhẹ trên võng, ngóc đầu lên ngó Chiểu cảnh cáo: “Mi coi chừng cái miệng mi. Tau từng ở với Việt Minh trước 54 cả chục năm, tau biết họ lắm. Khi họ làm một việc chi quan trọng, họ tăng cường theo dõi để tìm mấy đứa “phản động”.

        Tôi đang ngồi dựa vách, tay cầm cái ông vố “tự biên tự diễn”, bập bập mấy khói “xơ-vơn-ti-rê” (1) góp ý bằng một câu Kiều:

        Ở đây tai vách mạch rừng,
        Gặp ai người cũ cũng đừng nhìn chi.


        Trần Phú Trắc đang nằm dài sau lưng Chiểu, buồn buồn nói:
        – “Không rõ có ai biết gia đình Ngô Nghĩa ở đâu mà báo cho họ hay. Không chắc bộ đội báo tin về nhà anh ta đã bị xử bắn. Chắc rồi không ai hương khói cho anh ta.”

        Hoàng Hữu Chung, người nằm kế Phan Hải, vốn là người rất từ tâm, nghe nói tới chết không ai hương khói, mặt mày trở nên thểu nảo:
        – “Anh Hải nhớ câu chi trong Chinh Phụ Ngâm, nói về người lính chết trận?”

        Tôi nói:
        – “Bỏ đi dạy lâu, tôi quên. Để nhớ thử coi.”

        Một lát sau, tôi đọc:

        “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
        Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
        Chinh phu, tử sĩ mấy người
        Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?!


        Mấy câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm làm ai nấy liên tưởng đến việc xử bắn Ngô Nghĩa trưa nay, không làm cho mọi người cảm thấy bình thản như thường lệ.

        Sau khi Phan Hải đi rồi, vài anh em lục tục đi coi xử bắn. Tôi lấy gối nằm nghỉ, chờ giấc ngủ trưa. Trần Hữu Bảo, nằm bên kia vách, phía cửa sau, hỏi tôi:
        – “Anh Hải không đi coi răng?”

        Tôi trả lời bình thản:
        – “Bộ hết cái coi hay răng mà đi coi giết người!”

        Ngoại trừ Hoàng Hữu Chung, Nguyễn Văn Bê, Huỳnh Văn Khánh, Phạm Ngọc Hiền và Phan Hải đi xem xử bắn, còn lại thì nằm nhà.
        Lê Quang Dung, dân Nam bộ, là người ít suy nghĩ sâu xa nhứt, lên tiếng:
        – “Cái thằng Ngô Nghĩa sao nó ngu, trốn trại làm chi không biết!”

        Phạm Quang Chiểu nghe vậy, trả lời:
        – “Mình không phải là nó, làm sao mình biết nó nghĩ gì mà cho là khôn với ngu.”

        Phạm Xuân Lý, người được xem là khôn nhất tổ, khôn theo nghĩa “từng trải” góp ý:
        – “Khôn dại gì thì cũng chết. Càng khôn sớm, càng chết sớm. Dại lại càng dễ chết hơn. Đằng nào cũng chết. Đùng một phát là xong.”

        Tôi nói:
        -“Khôn chết, dại chết, biết sống! Khổng Tử nói rồi.”

        Phạm xuân Lý hỏi:
        -“Thế nào gọi là biết?”

        Tôi cười:
        -“Ông hỏi thế thì tôi cũng chịu. Tôi không rành về đạo Nho, nhưng hồi còn trẻ, làm précepteur ở nhà ông chú họ, ông là học trò cụ Phan khi cụ Phan bị giam lỏng ở Bến Ngự, có lần tôi hỏi ông về Sở Từ, ông bảo Khuất Nguyên sai, không biết tùy thời, nên phải bị biếm, bị truất, nhảy xống sông mà tự tử.”

        Phạm Xuân Lý lại nói:
        -“Bọn tôi học trò trong Nam, không rành về mấy cái rắc rối nầy. Ông nói nghe chơi đi.”

        Tôi nói:
        -“Tôi không nhớ kỹ. nhưng năm tôi học Đệ Lục, một hôm tôi đọc “Cổ Học Tinh Hoa”, thấy câu chuyện Hứa Do – Sào Phủ tôi thích lắm.
        “Vua Nghiêu nghe danh Hứa Do là người tài đức vẹn toàn, bèn đến gặp, mời ra làm quan. Hứa Do từ chối. Vua đi rồi, Hứa Do ra sông rửa tai, tức là rửa cho sạch những lời vua nói vào tai ông. Lúc ấy có Sào Phủ dắt ngựa xuống sông uống nước, nghe chuyện, ông bèn dắt ngựa lên phía trên dòng nước cho ngựa uống. Ông bảo, nghe mà rửa tai, chi bằng không nghe thì hay hơn, nghe mà rửa chỉ làm cho nước dơ mà thôi.

        Lê Quang Dung nóng tính:
        -“Chuyện có ăn nhập gì đâu?”
        -“Có chứ! Người đời sau chê hai ông nầy là cực đoan. Khuất Nguyên cũng vậy, người ta chê: “Đời đục cả, ta trong làm sao được. Đời say cả, ta tỉnh làm sao được?” Khổng Tử bảo phải biết “tùy thời”. Tùy thời tức là biết đấy.” Tôi nói.

        Dung hỏi:
        -“Khuất Nguyên là ông nào?”

        Tôi giải thích:
        -“Người nước Sở bên Tầu, làm quan đại phu. Tính tình ông ngay thẳng, bị gièm pha, bị đuổi ra khỏi triều chính. Một hôm ông ngồi bên bờ sông, một ngư ông trông thấy, hỏi:
        -“Phải Tam lư Đại phu đó không? Sao mà tiều tụy đến vậy?”

        Khuất Nguyên kể chuyện mình vì ngay thẳng mà bị gièm. Nghe xong, ông lão đánh cá chê Khuất Nguyên bằng mấy câu thơ, thường gọi là Sở Từ:

        “Sông Tương nước chảy trong veo,
        Thì ta xuống đó rửa lèo mũ ta.
        Sông Tương nước đục chảy ra,
        Thì ta xuống đó để mà rửa chưn!”
        “Đời đục cả, ta trong làm sao được?”


        -“Nói như anh, mấy ông tướng tự tử ngày 30 tháng Tư là vì gì?” Chung nói.
        -“Điều Khổng Tử nói là đời thường. Còn như việc ông nói là “Chân lý tuyệt đối”. Tôi nói.
        -“Cách mạng cũng “chân lý tuyệt đối vậy?” Phan Hải nói.

        Phạm Quang Chiểu hỏi: “Anh Hải nhớ hôm trung úy Hồng Dư nói ở Hội trường không?” Rồi Chiểu nói tiếp: “Cái gì cũng tương đối, ngoại trừ “nghị quyết của Bộ Chính Trị.”

        Nghe xong, chúng tôi cười. Tôi nhớ hôm đó ở Hội Trrường cũng nhiều người cười khi nghe anh ta nói vậy.
        -“Tui nói thiệt! Lần đầu nghe mấy ông giáo viên dạy mười bài, nói “chủ nghĩa Mác là tuyệt đối, đỉnh cao của trí tuệ loài người”, tôi nhớ ngay câu của Pascal, thầy dạy Việt Văn của tui năm tui học Đệ Lục: “Bên nầy Pyrènées là chân lý, bên kia thì ngược lại.” Tôi kể.
        -“Nhưng Mác khác, Pascal khác!” Dung cãi.
        -“Không đâu! Cùng hệ tư tưởng Châu Âu cả. Mác còn là “hậu duệ” của Pascal.” Tôi nói.
        -“Người Tầu họ có nghĩ như Pascal không?” Dung lại hỏi.
        -“Trong Cổ Học Tinh Hoa” có câu chuyện “Ngọc Bích họ Hòa” cũng tương tự như thế. Có người thợ đá, đem dâng ho vua, vua gì tôi không nhớ, một cục đá thật lớn, nói rằng trong đá nầy có ngọc quý. Vua cho là xàm tấu, phạt chặt một chân. Đến đời vua sau, ông lại đem dâng ngọc, cũng nói như thế. Vua cũng cho là xàm tấu, chặt thêm một chân nữa. Đến đời vua thứ ba, ông ta lại đem dâng. Lần nầy vua tin thật, cho đập viên đá ra. Quả thật trong đó có ngọc quý. Đời Tần Thủy Hoàng, đem ngọc đẻo thành cái “ngọc tỷ”, tưởng truyền đến vạn đời nhưng đến đời thứ ba thì nhà Tần dứt nghiệp, sau ngọc tỷ thất lạc về đâu không ai biết!”

        Chung nói: “Tui à! Dâng vua làm chi, làm sợi giây chuyền cho vợ đeo có phải hơn không?”. Ai cũng cười.
        -“Ý nghĩa của ngọc là chân lý, là sự thực phải không?” Lý hỏi.
        -“Ngọc là chân lý, chân lý thất lạc về đâu, không ai hay. Không chắc “chân lý cách mạng” không mai một vì thời thế đổi thay.” Tôi nói.

        &&&&&

        Một lúc sau, tôi nêu ý kiến:
        – “Đúng ra thì không nên giết. Bây giờ nhiều nước bỏ án tử hình, trên bảy chục nước trên thế giới không còn án giết người.”

        Chiểu nói, giọng dài ra, mai mỉa:
        – “Tư bản đế quốc mới vậy anh ơi! “Cách mạng” là “giải phóng”. Đùng một phát là “giải phóng” một mạng người.”

        Tôi nói:
        -“Cũng không hẳn vì họ là những nước tư bản. “Văn minh Thiên Chúa giáo” đấy. Người ta văn minh. Người ta lý luận rằng chúng ta không thể lấy đi cái ta không cho. Nhân loại không tạo ra sự sống. Dù khoa học có tiến bộ như thế nào thì khoa học cũng không thể tạo ra sự sống; không ai cho ai sự sống. Không cho thì không có quyền lấy. Sự sống là do Tạo Hóa cho, người theo đạo Thiên Chúa thì cho là Thượng Đế. Chỉ có Tạo Hóa mới lấy đi cái Tạo Hóa cho. Ta nhân danh cái gì mà lấy đi cái Tạo Hóa đã ban cho người khác?”

        Chung giọng buồn bã:
        – “Qua một trận giặc chết chóc tùm lum, ai sống còn tưởng là may, không ngờ chừ lại bị đem bắn! Đời vô nghĩa thiệt.”

        Trắc phụ họa, cũng với giọng chán nản:
        – “Đời thiệt vô nghĩa!”

        Lê Quang Dung nói:
        – “Anh Ngô Nghĩa nầy nên đổi tên. Không phải Ngô Nghĩa mà Vô Nghĩa.”

        Phạm Quang Chiểu cười cười:
        – “Không có cuộc đời nào vô nghĩa cả. Đời có nghĩa đấy nhé.”

        Rồi anh ta đọc mấy câu thơ của Tố Hữu:

        Nghĩa đời trong ba tiếng:
        Máy điện giục gầm gừ
        Chuông đạo hát vô tư
        Kiểng tù khua gắt gỏng.


        Phạm Xuân Lý nghe đọc thơ, cười nói:
        – “Trại bữa nay thay kẻng mới rồi. Bộ đội mới đem về một thanh tà vẹt, thay cho cái mâm xe. Kẻng nầy nghe to hơn. Không muốn dậy cũng phải dậy.”

        Tôi bỗng nhớ mỗi sáng, khi còn tinh mơ, trước kẻng báo thức, tôi đã thức giấc nhưng còn nằm trong chăn. Mỗi sáng, cứ giờ đó, có tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại. Trong cái im lặng buổi sớm tinh sương mùa đông, tiếng chuông nhà thờ tuy gióng giả mà nghe buồn lắm. Trại tù tuy đông mà người tù thì cô đơn, lạnh lẽo. Ngoài kia cuộc đời vẫn tuần tự trôi đi, trong cuộc sống mới, không rõ người đời sướng khổ như thế nào! Gia đình bây giờ cũng xa lắm, xa lắm rồi, cũng không rõ vợ con no đói ra sao!

        Có khi chuông không đổ đúng giờ mà lại bất thường. Có lẽ ai đó mới qua đời. Không biết “Chuông gọi hồn ai” (2) của Hemingway có buồn như vậy không?

        Ở cuối khối 6, chỗ ca sĩ Khuất Duy Trác, có cái máy điện của quân đội cũ để lại. Cứ buổi chiều, một anh lính chế độ cũ, được bộ đội thuê lại, vào cho máy chạy. Cái máy điện Mỹ cũng “giục gầm gừ” y như trong thơ Tố Hữu vậy. Tố Hữu có nghĩ rằng chính vì ông ta mà cả triệu binh lính miền Nam đang sống trong cảnh tù như ông đã từng trải. Liệu ông có nghĩ tới những ngày tù trước kia của ông mà có chút thông cảm nào cho hàng triệu người tù sau ông?

        Lại cứ mỗi sáng, khi trời chưa rạng, tôi lại nghe tiếng còi xe Ford giục giã phía chợ Long Hoa, gần “tòa thánh Tây Ninh”. Cuộc đời ngoài kia vẫn cứ sinh hoạt ồn ào, giòng đời cứ trôi mà trong nầy cuộc sống như dừng lại, ngày nào cũng như ngày nào.

        Những người tù ở đây, phần đông còn trẻ, sức sống còn hăng, nhiệt huyết còn nhiều nhưng tất cả những thứ ấy, “cách mạng” thấy không có ích lợi gì cho “cách mạng” cả nên để cho chúng tiêu hao dần mòn trong những tháng ngày dài chán nản, vô vị.

        &&&&&

        Khoảng trưa, trong khi chúng tôi đang nằm nửa thức nửa ngủ trong phòng thì nghe một loạt súng nổ phía phi trường. Có lẽ đó là tiếng súng bộ đội xử bắn Ngô Nghĩa.

        Một lát sau, tôi lại nghe tiếng người nói lao xao phía sau nhà cũng như ở sân trước. Mấy anh em đi coi xử bắn về đang bàn tán gì đó.
        Mới vào nhà, Hoàng Hữu Chung vừa cởi áo vừa kể lại câu chuyện Ngô Nghĩa bị bắn, giọng sôi nổi:
        – “Cha nội ni chì thiệt. Đi ra chỗ bị xử tử mà cha tỉnh bơ, làm như đi dạo phố.”

        Phan Hải cũng vừa về tới, góp ý:
        – “Tới phút cuối, sau khi từ trên xe xuống, “Quân Pháp” hỏi chả một lần chót. Nếu khai ra ai đưa súng và quần áo cho chả thì sẽ tha chết.

        Chả lắc đầu, không nói chi hết.”
        – “Hèn chi tôi thấy thằng chả lắc đầu mà không biết chuyện chi. Chắc Ngô Nghĩa có hứa gì với “chú bộ đội” nào đó. Anh ta giữ lời hứa, chẳng thà chết chớ không chịu khai tên ra.” Phạm Ngọc Hiền nói.

        Phan Hải thuật lại:
        – “Trước khi bắn, anh ta không chịu cho bịt mắt. Bộ đội phải lấy cái bao cát rộng trùm lên đầu anh ta. Hai tay bị trói, anh ta lắc mạnh cái đầu cho cái bao cát văng ra nhưng không được.”

        Chung hỏi:
        – “Hình như anh ta không chịu quì?”
        – “Không”. Phan Hải nói. “Hai bộ đội phải vật anh ta xuống rồi trói vào cọc bắn. Vậy mà anh ta cứ rướn thẳng người lên. Lợi dụng lúc ấy, Trung Úy Dư ra lệnh bắn, một loạt đạn ghim vào ngực anh ta. Khi đó, anh ta mới gục xuống, đi luôn. Trung úy Dư bắn phát ân huệ cũng vô ích, anh ta đã chết rồi.”
        – “Không biết anh ta có được cái hòm không?” Hiền hỏi.

        Phan Hải trả lời:
        – “Sức mấy. Bộ chỉ huy bảo lấy tấm chiếu mà bó lại. “Phản động, chống phá cách mạng” sức mấy có hòm mà chôn. Có chiếc chiếu là may rồi.”

        hoànglonghải
        (trich trong Vết Nám)


        (1)-Trước khi “sập tiệm” tôi thường hút “Seventy nine”. Bây giờ không còn thuốc lá nhập, gia đình chỉ gởi cho thuốc rê. Tôi gọi đùa là “xơ-vơn-ti-rê”. Ông điếu (ống vố) thì tôi lấy một khúc củi mà tự làm lấy.

        (2)-“To whom the bell rings?” Tác phẩm nổi tiếng của Hemingway

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X